Thứ sáu, 20/09/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXI Thường niên năm B

Cập nhật lúc 10:16 22/08/2024
Suy niệm 1
SỐNG LÀ LỰA CHỌN
Ga 6,54a.60-69
Sống là phải lựa chọn, và cuộc đời là một chuỗi những lựa chọn. Mỗi lựa chọn nói lên tầm nhìn và giá trị nhân cách của một con người, nhất là những lựa chọn quan trọng có tính quyết định về vận mệnh của đời mình, của cộng đoàn hay của dân tộc mình. Cũng như xưa khi Israel đã vào Đất Hứa, Giôsuê triệu tập lại tất cả 12 chi tộc tại Sikhem. Ông nhắc lại tất cả những điều mà Thiên Chúa đã làm cho họ, và kêu gọi họ hãy lựa chọn dứt khoát: một là trung thành thờ Chúa; hai là thờ các thần tượng khác, chứ không thể làm tôi hai chủ, thờ hai Chúa.
Trong bài Tin Mừng này, các môn đệ cũng phải làm một sự lựa chọn dứt khoát trước lời tuyên bố của Chúa Giêsu về bản thân Ngài: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”. Nhiều môn đệ phản ứng ngay: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”. Quả thật, đây là điều vượt lên lý trí của con người. Họ không hiểu nổi thì làm sao nghe nổi? Trong Tin Mừng có những trường hợp tương tự như thế, nên Chúa Giêsu cũng từng nói: “Ai có tai nghe thì nghe”, nghĩa là ai hiểu được thì hiểu. Vì là chân lý cao siêu nên không phải ai cũng hiểu và sẵn sàng đón nhận. Nhưng trước tiên vấn đề không phải trí hiểu mà là  lòng tin. Tuy đức tin không loại trừ lý trí, nhưng lý trí không phải là tiêu chuẩn tối cao để có thể quyết định tất cả. Điều sâu xa hơn là sự cảm nhận của con tim. Người ta không hiểu bằng lý trí nhưng có thể hiểu bằng sự yêu mến chân lý. Việc đón nhận chân lý bằng đức tin càng khó hơn,“vì lòng dân này đã ra chai đá.” (Mt 13,14).
Một hình thức chai đá của cả tâm và trí là “chấp ngữ”, chỉ nhắm vào từ ngữ mà không tìm hiểu ý nghĩa. “Ý tại ngôn ngoại”: ý ở ngoài lời, nhất là khi lời đó diễn tả những chân lý thâm sâu. Ngoài nghĩa đen, nghĩa vật chất, thì điều quan trọng là ý nghĩa tinh thần, nghĩa tâm linh. Biết các môn đệ bị sốc vì không nắm được ý nghĩa, nên sau đó Chúa Giêsu đã soi sáng thêm: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Sau này thánh Phaolô cũng cho biết:“Giao ước mới không phải là Giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2Cr 3,6).
Khi tỏ lộ về mầu nhiệm Thánh Thể, Đức Giêsu biết có những kẻ không tin, nên Ngài cũng đã nói:“Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”. Nhiều môn đệ rút lui, không theo Ngài nữa. Thấy vậy, Chúa Giêsu cất tiếng hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Ðại diện Nhóm Mười Hai, Phêrô đáp lại ngay: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.
Xác định như thế không phải vì ông và các bạn hiểu được lời Thầy, nhưng vì họ tin vào Thầy, tin vào giáo huấn chân thật của Thầy, vì “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Dù sao thì họ cũng đã thấy được tính cách cao vượt của Thầy, từ lời nói đến hành động, từ giáo huấn uy quyền đến những dấu lạ cả thể. Tin vào Thầy khiến họ chấp nhận cả những lời chướng tai, mà những người chỉ dựa vào lý trí và lý lẽ nên không tài nào vượt qua được.
Thật ra, biến cố Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh của Con Thiên Chúa, cũng như các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, vẫn là những mầu nhiệm khôn dò. Theo Đức Kitô là bước vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm chứ không phải là sự thể nghiệm qua đường. Dám mạo hiểm trong ơn thánh Chúa, ta mới có thể khám phá ra một Đức Kitô luôn luôn mới trong cách thức hiện diện và hành động của Ngài. Đức tin sẽ cho ta khả năng đi sâu vào những mầu nhiệm, mà qua đó Chúa đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, cho những ai dám buông mình theo ân sủng.
Dù sao, khủng hoảng đức tin nơi các môn đệ xưa cũng thật gần gũi với mỗi người chúng ta hôm nay. Vẫn có những Lời Chúa không dễ nghe chút nào, vì Lời ấy đòi chúng ta phải thay đổi não trạng và lối sống. Lời Chúa cũng không dễ đón nhận chút nào nếu chúng ta chỉ dựa vào sức mình. Đã tới lúc cái đầu phải nhường bước cho con tim. Phải có tình yêu mến sâu xa ta mới hiểu và chấp nhận được. Đây không còn là lý lẽ mà là lý tưởng để chúng ta vươn tới chính Thiên Chúa.
Hôm nay vẫn có những câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng, vẫn có những lúc thử thách làm ta chao đảo, vẫn có những cơn cám dỗ và lôi kéo làm ta bỏ cuộc. Hãy đưa mắt hướng nhìn lên Chúa, và xác định lại niềm tin của mình như Thánh Phêrô: Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời… bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?”. Với đức tin mãnh liệt này, chúng ta mới dám dấn thân trọn vẹn để trở nên nhân chứng sống động và hào hùng như các thánh tông đồ xưa.  
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Con đường theo Chúa không phải dễ,
vì cuộc đời đầy dẫy những đam mê,
bản thân con lại yếu đuối nặng nề,
thêm sóng gió trên bước đường dương thế.

Theo Chúa như đi vào cuộc phiêu lưu,
nhiều cam go và rủi ro hoạn nạn,
nhiều môn đệ theo Chúa một thời gian,
gặp thử thách đã hoang mang bỏ cuộc.

Có những gian nan làm con chao đảo,
những cám dỗ làm con phải lao đao,
để khỏi bỏ cuộc con phải bỏ mình,
không bỏ mình thế nào cũng bỏ Chúa.

Xin cho con đừng tính toán hơn thua,
đừng màng tới những tranh đua cao thấp,
nhưng biết sống âm thầm và vô chấp,
để tâm thanh tịnh và phân định rõ ràng.

Cho dù có nhiều điều con không hiểu,
nhưng luôn tin vào tình Chúa thương yêu,
để bước đi trong ánh sáng nhiệm mầu,
với trái tim con mới dần cảm thấu.

Xin cho con được ơn phúc nhận ra,
chính Chúa mới thật là tất cả,
vì mọi sự trong đời cũng sẽ qua,
Chỉ có Chúa mới làm con no thỏa.

Xin cho con chọn Chúa là tất cả,
dám bước đi trên con đường thập giá,
chẳng ngại chi để buông xả mọi điều,
sống đời mình với tất cả tình yêu. Amen.

Lm. Thái Nguyên
===============
Suy niệm 2
BỎ NG
ÀI, CON SRA SAO?
Không ai trong chúng ta đã ít nhất một lần quên hoặc không giữ lời hứa với Chúa và với người khác! Quả vậy, chúng ta thường có xu hướng chọn lọc Lời Chúa để nghe và để sống. Câu hỏi đặt ra: Bỏ Chúa, con sẽ ra sao? Chắc chúng ta chẳng dám bỏ Chúa đâu, nhưng thật tình, chúng ta chưa đủ can đảm bước theo chân Chúa đến cùng!
Một biến cố rất hệ trọng trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi Đức Giê-su mạc khải cho đám đông dân chúng biết: Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta, không hề phải đói; ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35), các môn đệ dường như chẳng tin, và bỏ đi với thái độ như Thánh sử Gio-an mô tả “có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!”” (Ga 6, 60). Đối lại, không dễ dàng bỏ cuộc, Đức Giê-su kiên trì giải thích, dạy dỗ cho họ. Tuy nhiên, họ vẫn không tin và nhiều người trong số họ bỏ đi. Có lẽ Ngài cũng buồn, và liền hỏi Mười hai Tông đồ: "Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" (Ga 6, 67). Thiết nghĩ, Đức Giê-su đang đặt câu hỏi này cho mỗi người chúng ta: Này…(tên của mỗi người), con có muốn bỏ Thầy không?
Lời đáp trả trên sẽ phụ thuộc vào mỗi người chúng ta, phụ thuộc vào đời sống đức tin chúng ta, phụ thuộc vào mối tương quan thế nào với Chúa. Giả như chúng ta bỏ Chúa thì chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta vẫn sống tốt chứ, hay chỉ cố sống mà chẳng khác gì người chết trong thân xác ốm o gầy còm di động? Với ý nghĩ này, chúng ta cùng suy gẫm đôi điều sau:
Bỏ Ngài, con sẽ làm được gì? Như dân Is-ra-el, khi bỏ Thiên Chúa, họ chạy đến bái lạy, thờ phượng các thần ngoại bang, sụp lạy trước ngẫu tượng bò vàng. Có lẽ chúng ta cũng giống như họ, nhưng khác chút ít, cụ thể: chúng ta trở thành ông chúa, bà chúa của bản thân, của cái bụng, và rất hà khắc với những người khác, trong khi dễ dãi với chính mình! Nếu không tôn thờ Thiên Chúa thật nữa, thì chắc hẳn chúng ta sẽ thờ lạy tiền tài, danh vọng, chức quyền, mọi thứ vinh quang, sa hoa trần thế, và ma quỷ vốn được gọi với tước hiệu mỹ miều: ông hoàng thế gian. Đức Giê-su thấu tỏ sự yếu hèn của chúng ta, nên Ngài khẳng định: Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Nói cách khác, bỏ Chúa, chúng ta sẽ không làm gì được, dù sự việc nhỏ bé hoặc lớn lao, đơn giản hay phức tạp, v.v…Trên hết, tâm hồn mất đi sự bình an đích thật, vì chỉ có ai ở với Chúa mới mong được ơn thánh này. Sự bình an không hệ tại nơi vật chất, tiện nghi, địa vị, danh giá, hay thành công, mà chỉ cần có Chúa ở bênlà quá đủ cho chúng ta.
Bỏ Ngài, con sẽ đi về đâu? Trong bài đọc I, Gio-suê khẳng khái chất vấn và muốn dân Is-ra-el lựa chọn và đưa ra quyết định rõ ràng: tôn thờ Thiên Chúa hay các thần ngoại bang (x. Gs 24, 15). Dĩ nhiên, không chỉ hỏi dân chúng, mà ông còn hỏi chính bản thân ông và đã xác quyết đáp lời: Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa” (nt). Chứng kiến mọi công trình vĩ đại, kỳ công lớn lao mà Thiên Chúa thực hiện cho dân Is-ra-el, họ đã từng cam kết giao ước với Ngài. Lần này, họ đồng thanh trả lời với Gio-suê: Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại” (Gs 24, 16). Tuy nhiên, như chúng ta biết bao phen họ bất tín, bất trung, bỏ Thiên Chúa, mà chạy theo các ngẫu tượng, thần ngoại bang, và rồi phải gánh chịu những hệ luỵ của thái độ, hành vi ấy. Còn chúng ta, nếu bỏ Chúa, có lẽ chúng ta sẽ chạy theo sự ích kỷ, thói đời xấu xa, lạc vào những dục vọng, đam mê, sở thích vô bổ và vô nghĩa. Trong đời sống hôn nhân-gia đình, nếu bỏ Chúa, chúng ta sẽ chẳng biết quan tâm đến người bạn đời của mình, chẳng chút để ý đến ai, ngoài bản thân. Như vậy, vợ chồng sẽ không bao giờ “yêu thương như Đức Giê-su Ki-tô đã thương yêu Giáo hội, phó trót mình và thánh hoá Giáo hội” (x. Ep 5, 25). Nếu bỏ Chúa, sớm muộn gì chúng ta cũng lầm đường lạc lối, và tệ hơn, bị dẫn đến chỗ diệt vong.
Bỏ Ngài, con sẽ bước theo ai? Khi bị bạn bè bỏ rơi, có thể chúng ta vẫn còn có gia đình dang rộng cánh tay đón nhận, chở che, an ủi, vỗ về. Lúc cô đơn, sầu khổ, bị gia đình ruồng bỏ, bị đẩy ra bên lề xã hội, lẽ dĩ nhiên, chúng ta vẫn còn có bạn bè thân hữu, những ai quảng đại bao dung giúp đỡ, hỗ trợ ít nhiều. Phần nào đó, chúng ta cũng cảm thấy lòng ấm lại, và tiếp tục vươn lên sống tốt. Thế nhưng, khi bỏ Chúa, dường như quanh ta chỉ còn là vô nghĩa, mọi thứ trở nên xa cách, và lẽ sống tựa như mất hút. Chính vì vậy, Thánh Phê-rô đại diện cho Nhóm Mười hai xác tín đáp lời Đức Giê-su: Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thy là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69). Nói cách cụ thể hơn, duy chỉ mình Đức Giê-su mới có lời mang lại sức sống cho chúng ta. Chỉ mình Ngài mới trao ban sự sống đời đời cho chúng ta. Chỉ mình Ngài nâng đỡ, bồi dưỡng tâm trí, linh hồn, thân xác chúng ta mà thôi. Bởi lẽ, Ngài là Đấng được xức dầu tấn phong (Đấng Ki-tô) và là Con Thiên Chúa hằng sống. Vì mọi sự ngoài Chúa ra đều tạm bợ, tạm thời và hư vô. Dẫu chúng mang lại chút gì đó hoan lạc cho tâm tư, chút gì đó an lòng, v.v…, nhưng cũng chỉ là tức thời, chẳng bền lâu.
Tóm lại, mỗi người chúng ta tự hỏi: bỏ Chúa, con sẽ ra sao?”, và đáp lời Ngài. Hơn thế, cùng nhau chúng ta quyết tâm can đảm dấn thân bước theo chân Chúa đến cùng, không do dự hay ngờ vực, không cằn nhằn hay càu nhàu, không than trách hay đổ lỗi; trái lại, luôn vui tươi và hoan lạc, luôn tin tưởng và phó thác, luôn nỗ lực và cộng tác, luôn yêu mến và cậy trông. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===============
Suy niệm 3
Chọn Chúa mà thờ
(Ga 6, 61 – 70)
Sống ở trên đời có chuỗi những lựa chọn, có không ít người thường thấy ngại khi phải đưa ra những lựa chọn, vì sợ mình lựa chọn sai. Lựa chọn đúng giúp ta hành động đúng, có kết hậu và hạnh phúc, lựa chọn sai thì có điều ngược lại. Đối diện với những chọn lựa, người ta cảm thấy khó khăn và lo lằng, không biết chọn đàng nào cả về tinh thần lẫn thể xác.
Gia đình Giôsuê chọn Chúa
Dân Do Thái thời Giôsuê tại thung lũng Sikem trước nhan thánh Chúa phải đưa ra sự lựa chọn cho số phận của chính mình. Hoặc là chọn các thần cha ông họ đã thờ ở Mêsôpôtamia hay ở Amôrê hoặc là chọn chỉ mình Thiên Chúa. Khi ông Giôsuê bảo người Israel:  “hãy chọn ai mà mình muốn phụng sự”.
Kinh Thánh đưa ra nhiều lựa chọn cũng như suốt cuộc đời mỗi chúng ta vậy. Kinh Thánh cho biết cả Chúa và con người đều có những lựa chọn. Chúa truyền lệnh cho con người lựa chọn, sau khi đã cung ứng đầy đủ thông tin mà con người cần biết. Những thông tin đó cần thiết trong việc lựa chọn khôn ngoan. Chúa đã ban cho chúng ta thông tin về chính Chúa, kể cả đức thánh khiết của Ngài, thông tin về tội phạm của con người, giải pháp cho tội ác, Chúa Cứu Thế, và bao nhiêu lời hứa của Chúa cho những ai chấp nhận, và những gì sẽ xảy ra cho những ai chối từ.
Trong lúc chờ dân trả lời, Giôsuê đã công bố lựa chọn của ông: “Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa” (Gs 24, 15). Dân Sikem đưa ra câu trả lời định đoạt tương lai của chính họ: “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại” (Gs 24, 17).
Các tông đồ chọn theo Chúa Giêsu
Những người bước theo Chúa Giêsu, đặc biệt là các môn đệ đến lúc cũng phải đưa ra sự lựa chọn dứt khoát theo nữa hay không. Dân chúng bỏ Chúa, một số môn đệ rút lui, còn nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu hỏi: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô đại diện cả nhóm thưa: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa” (Ga 6, 69-70). Phêrô nhân danh cả nhóm đấy, nhưng nếu hỏi từng ông, cụ thể là Giuđa chưa chắc đã đồng ý với Phêrô.
Phần chúng ta
Dân Do Thái và gia đình Giôsuê chọn Chúa để thờ, nhóm Mười Hai đã chọn theo Chúa. Câu hỏi của Giôsuê, đặc biệt của Chúa Giêsu cũng đặt ra cho chính chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta là con cái của Chúa và môn đệ Đức Kitô có chọn tin theo Chúa là Đấng tốt lành thiện hảo, hay chọn thế gian? Chọn làm theo ý Chúa hay chọn làm theo ý chúng ta? Phụng vụ lời Chúa hôm nay yêu cầu mỗi người phải chọn lựa và đưa ra câu trả lời dứt khoát để chúng ta sống.
Phần đông người kitô hữu chúng ta trong đời sống đức tin ưa thích làm những việc của Chúa hơn là chọn chính Chúa làm cùng đích của đời mình. Chọn tin theo Chúa không dễ dàng chút nào hết. Bởi khi chọn Chúa, chúng ta phải hy sinh cái “Tôi”, phải từ bỏ ý mình để theo ý Chúa, phải vâng lời Chúa hơn là nghe theo người phàm.
Dân Do Thái thời Giôsuê đã chọn Chúa để được sống trong tự do làm con cái Chúa là Chúa sự sống (x. Gs 24, 15-17). Đến con cháu họ sau khi nghe diễn từ về bánh hằng sống của Chúa Giêsu tại Hội đường ở Capharnaum đã khước từ Chúa.  Tại sao vậy? Thưa, vì họ không muốn từ bỏ bản thân. Họ bỏ đi là vì họ lẫn lộn tự do với không bị ràng buộc, coi Thiên Chúa như một giới hạn tự do, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Chính ảo tưởng này tạo ra lo âu sợ hãi và dẫn tới sự tiếc nuối quá khứ. Người Do thái trong sa mạc đã nói: “Ước gì chúng tôi được chết vì tay Chúa ở đất Ai Cập…” (Xh 16, 3); còn Êlia thì thưa: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con” (1V 19, 4). Giáo huấn của Chúa Giêsu xem ra quá khó nghe, khó chấp nhận và khó thực hành cho nên nhiều người bỏ Chúa Giêsu.
Đối với Phêrô và nhóm Mười Hai thì khác, thấy nhiều môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu quay lại nói với các Tông Ðồ: “Cả các con, có muốn bỏ đi không?” (Ga 6,67). Simon Phêrô trả lời nhân danh Nhóm Mười Hai: “Lạy Thầy, chúng con biết sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Thánh nhân không nói “chúng con sẽ đi đâu?” nhưng nói “chúng con sẽ đi theo ai?”. Vấn đề là đi theo ai. Câu hỏi này của thánh Phêrô chứng tỏ thế giới và con người ở mọi nơi mọi thời đang rất cần Chúa Giêsu “Bánh Hằng Sống”, thứ lương thực tinh thần không thể thiếu. Tin theo Chúa Giêsu có nghĩa là chọn Người làm trung tâm điểm, lấy Chúa làm lẽ sống của đời ta.
Kinh Thánh đưa ra nhiều lựa chọn cũng như suốt cuộc đời mỗi chúng ta vậy. Kinh Thánh cho biết cả Chúa và con người đều có những lựa chọn. Chúa truyền lệnh cho con người lựa chọn, sau khi đã cung ứng đầy đủ thông tin mà con người cần biết. Những thông tin đó cần thiết trong việc lựa chọn khôn ngoan. Chúa đã ban cho chúng ta thông tin về chính Chúa, kể cả đức thánh khiết của Ngài, thông tin về tội phạm của con người, giải pháp cho tội ác, Chúa Cứu Thế, và bao nhiêu lời hứa của Chúa cho những ai chấp nhận, và những gì sẽ xảy ra cho những ai chối từ.
Chúng ta có quyền lựa chọn và cũng chịu trách nhiệm, nghĩa là nhận hậu quả của hành động của mình. Tuy nhiên Chúa rất nhân từ còn ban Thánh Thàn đến nhắc nhở chúng ta nên lựa chọn gì nữa. Mỗi chúng ta đều nhận được ân sủng của Thánh Linh để biết lựa chọn sao cho được phúc lợi vĩnh hằng.
Lạy Chúa là Đấng nhân từ thương xót, xin dạy con biết lựa chọn những gì xứng đáng, có giá trị vĩnh cửu cho đời này và đời sau nữa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy niệm 4
LỜI ĐEM LẠI SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 21 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chỉ có Chúa mới làm cho chúng ta nên một lòng một ý, xin Chúa cho tất cả chúng ta biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng ta vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật.
Yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, nếu không, tai họa sẽ đến, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, với những người đương thời lạc hướng, ngôn sứ Xôphônia loan báo ngày khủng khiếp của Đức Chúa đã gần. Chưa bao giờ các ngôn sứ đã mạnh mẽ như thế, khi quả quyết mình cảm nghiệm được hậu quả cơn giận của Thiên Chúa như thế nào. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên đám dân nghèo có được một niềm hy vọng: chúng ta tiến gần đến mối phúc đầu tiên. Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa, anh em hãy tìm kiếm Người. Hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường… Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
Yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, với một tâm hồn nghèo khó, đợi trông Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng nói: Bao giờ trái đất và loài người đến ngày cùng tận, chúng ta không biết, nhưng, chúng ta biết được rằng: Thiên Chúa đang chuẩn bị một nơi ở mới, nơi công lý ngự trị, nơi hạnh phúc ngập tràn... Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Thiên Chúa chúng ta ngự đến. Người chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người. Triều đại Người, đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị.
Yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, với thái độ tôn thờ và quy phục Chúa, cho dẫu, gặp nhiều nỗi gian truân, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Dân Chúa đáp lại lời ông Giôsuê: Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 33, vịnh gia đã kêu gọi: Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi. Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không dập gãy.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Trong bài Tin Mừng, ông Phêrô liền đáp: Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Ông Phêrô tuyên xưng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa, được sai đến để làm theo ý của Đấng đã sai mình, duy chỉ có một mình Thầy là Đấng từ trời xuống, cho nên, chỉ một mình Thầy mới biết đường để lên trời. Do đó, Lời Thầy mới là thần khí và là sự sống, ngoài Thầy ra, không có ai, có lời đem lại sự sống đời đời. Thầy là Lời Hằng Sống, là Bánh từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Chúa Cha. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em, Thầy sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Thầy, cũng sẽ nhờ Thầy mà được sống như vậy. Nếu hai bánh xe của đoàn tàu trung thành lăn trên hai thanh sắt của đường ray, ăn khớp với đường ray, đoàn tàu sẽ sống, sẽ cập bến an toàn. Chỉ có Chúa mới làm cho ta nên một lòng một ý, ước gì chúng ta biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng ta vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
===============
Suy niệm 5
ĐẾN VỚI AI?

“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?”.
“Không phải cái gì, mà là ai, tôi tin! Ngài bước đi bên tôi trong bóng tối, chia sẻ mọi gánh nặng mệt mỏi; soi sáng mọi nẻo đường xám xịt và bảo tôi nhìn xa hơn ngôi mộ cuộc sống lớn lao hơn để sống. Không phải cái gì, mà là ai, tôi tin!” - John Oxenham.
Kính thưa Anh Chị em,
Sau tuyên bố của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống, “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời!”, “nhiều môn đệ rút lui”. Ngài quay lại hỏi các tông đồ liệu họ có bỏ đi không; Phêrô tuyên bố, “Bỏ Thầy thì chúng con biết ‘đến với ai?’”. Với câu hỏi của Phêrô, ý tưởng của Oxenham được gặp lại, “Không phải cái gì, mà là ai, tôi tin!”.
Trước hết, “Nhiều môn đệ rút lui!”. Nhận định này được bản NAB của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dịch rất thâm thuý, “Nhiều môn đệ trở lại lối sống cũ!”. Ai từ chối Chúa Giêsu, từ chối Thánh Thể, người ấy ‘trở lại lối sống cũ!’. Đại diện nhóm Mười Hai, Phêrô không nói “Chúng con sẽ đi đâu?”, nhưng thật sâu sắc, ông nói, “Chúng con biết đến với ai?”. Vấn đề cốt lõi không phải là rút lui hay bỏ dở công việc đã thực hiện để đến một nơi nào khác, với một công việc khác; nhưng quan trọng là ‘đến với ai?’.
Qua câu hỏi cũng là câu trả lời của Phêrô, chúng ta hiểu rằng, trung thành với Thiên Chúa là trung thành với một con người mà chúng ta tự nguyện ràng buộc để bước đi với người ấy trên cùng một con đường. Những gì Phêrô nói là một khẳng định; đúng hơn, một tuyên tín ‘khéo giả trang’. Qua đó, vị Giáo Hoàng tiên khởi tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ; Ngài là ‘phương án’ tốt nhất của mọi chọn lựa và duy chỉ một: chọn trung thành theo Chúa Giêsu bất cứ giá nào! Không gì trong cuộc sống đáng để lựa chọn hơn Ngài, dù lựa chọn đó có phổ biến hay không; được ưa chuộng hay không, và không thành vấn đề người khác có chọn lựa như thế hay không!
Chỉ có sự thật “Giêsu” mới có thể làm dịu cơn khát của trí tuệ chúng ta, chỉ có nguồn sống và lòng tốt “Giêsu” mới có thể thoả mãn mọi ước muốn liên tục của ý chí chúng ta; và chỉ có Chiên Thiên Chúa - Lễ Hy Sinh - đổ máu đền thay mới có thể giải thoát mỗi người chúng ta khỏi xiềng xích tội lỗi. Chỉ có tình yêu mới có thể chinh phục trái tim chúng ta và lấp đầy nó bằng niềm vui bất tận. Chúa Kitô là “Đấng duy nhất”; không ai khác, không ai ngang hàng có thể mang cho chúng ta sự sống vĩnh cửu như Ngài.
Anh Chị em,
“Chúng con biết đến với ai?”. Đến với Chúa Giêsu, tin vào Ngài, có nghĩa là biến Ngài thành trung tâm, ý nghĩa cuộc sống của mình! Chúa Kitô không phải là một yếu tố tuỳ chọn: Ngài là “Bánh Hằng Sống”, là nguồn dinh dưỡng thiết yếu. Ràng buộc với Ngài trong mối quan hệ đức tin và tình yêu đích thực không có nghĩa là bị trói buộc, mà là tự do sâu sắc khi có Ngài luôn gắn kết, đồng hành trên hành trình cuộc đời. Mỗi chúng ta có thể tự hỏi: Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Ngài là một cái tên, một ý tưởng, hay chỉ là một nhân vật lịch sử? Hay Ngài thực sự là người yêu thương tôi, đã hy sinh mạng sống vì tôi, tha thứ cho tôi và luôn ở cùng tôi? Vậy với bạn, Chúa Giêsu là ai?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con xuống nhầm dòng sông, ‘trở lại lối sống cũ’ chết chóc; giúp con mỗi ngày chọn Chúa - Dòng Sông Ân Sủng - dẫn ra đại dương xót thương!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
=============
Suy niệm 6
Chọn Lựa

Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6, 60-69
Đức Giêsu lặp đi lặp lại, khẳng định thịt máu Người là của ăn nuôi sống con người. Điều này nghe vô lý đến độ nhiều môn đệ của Người cũng phải thất vọng mà kêu lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Quả là khó nghe thật, ngày xưa Chúa nuôi dân Do Thái bằng manna từ trời rơi xuống, dân chúng lượm về, dù là chuyện lạ lùng nhưng có thể tin được. Đằng này của ăn nuôi sống lại chính là thịt của người đang nói trước mặt, gốc gác rõ ràng từ làng quê, mà lại bảo “chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”, ai mà dám tin cho nổi đây, huống hồ là các đồ đệ đang chân ướt chân ráo “mới theo học” này? Các môn đệ không dám ra mặt chống đối, nhưng Người thừa biết các ông đang xầm xì. Người hỏi thách thức: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Ga 6,61-62). Nghe càng khó hiểu, nhưng Người khẳng định: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” (Ga 6,63b). Người nói toàn những sự “trên mây”, không thực tế, người phàm không hiểu nổi, nên Người bảo không ai đến với Thầy được nếu Chúa Cha không ban ơn cho. Nghe chừng không kham nổi, thế là nhiều môn đệ rút lui, bỏ cuộc không theo Thầy nữa.
Việc rao giảng của Đức Giêsu hôm nay quả là… mất khách! Hồi hộp làm sao khi người quay sang hỏi nhóm mười hai, những người “nặng tình” hơn: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Phen này nếu các ông mà cũng chướng tai chắc Thầy hết sạch trò. Nhưng ông Phêrô như lá cờ đầu nhanh nhảu xác tín, bày tỏ sự chọn lựa của mình, không hẳn hăng hái nhưng tha thiết làm sao: “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” (Ga 6,68a). Chúng con còn biết theo ai bây giờ Thầy ơi! Nghĩa là chúng con xin nghe và vẫn chọn lựa để theo Thầy, dù phải đau khổ và phải chết. 
Ngày nay nhiều thế hệ qua rồi, chúng con không còn thấy chướng tai nữa, trái lại quá quen thuộc, nhưng lại chẳng  mặn mà, không đói khát thiết tha mấy với Bánh Hằng Sống. Chúng con ăn như một thói quen, mùa nào lễ ấy, hay sợ bị đánh giá, nên dù ăn hoài, ăn mãi mà chẳng thấy chi, chẳng đổi thay tế bào từ trong ra ngoài, vẫn chứng nào tật đấy.
Nhưng cũng tấm bánh trắng đơn sơ ấy, có những người bị cuốn hút, say mê chiêm ngắm như được cảm nhận, gặp gỡ Đấng Tình Yêu đang hiện diện với mình thật ngọt ngào êm ái. Với họ Thánh Thể là của ăn không thể thiếu, càng ăn càng đói. Chỉ khi kết hợp mật thiết với Người và được tan chảy trong mình, con người phàm trần được thánh hóa và có sự sống thần linh. Một cuộc sống được Cha lôi kéo bằng Tình Yêu, tới hạnh phúc tràn đầy sung mãn vì có Chúa ở cùng, thì khi ấy đâu còn mà... “chướng tai” nữa?
“Bỏ Ngài con biết theo ai? vì Ngài có Lời ban sự sống. Bỏ Ngài con đi với ai? Đường xa lắc tương lai mịt mờ, nào ai dẫn con trên đường đời? bỏ Ngài con đi với ai?” (Thánh ca).
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Biên bản Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Biên bản Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, giáo phận Phan Thiết, từ ngày 16 đến 20 tháng 9 năm 2024. Tham gia Hội nghị có đầy đủ 31 Giám mục đang phục vụ 27 giáo phận tại Việt Nam.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log