Thứ tư, 04/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 20 Thường niên năm B

Cập nhật lúc 16:53 15/08/2024
Suy niệm 1
BÁNH BAN SỰ SỐNG
Ga 6, 51-58
Người Kitô hữu còn phải tìm kiếm một điều gì khác hơn, chứ không phải là những thứ tạm bợ chóng qua trong cuộc sống này. Chúng ta luôn được nhắc nhở: “Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.” (Ga.15,19). Vì thế, “hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6, 27). Đó là chính Đức Giêsu Kitô: Tấm bánh được trao ban cho nhân loại: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống.” (Ga 6, 51). Lời tuyên bố này đã khiến những người Do thái tranh luận sôi nổi với nhau. Tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã khó khăn lắm rồi, huống chi tin vào việc ăn thịt và uống máu Ngài để được sống muôn đời.
Chúa Giêsu không chỉ dùng quyền năng lập bí tích Thánh Thể, nhưng Ngài còn hy sinh chính mình. Thịt máu của Ngài được trao ban cho chúng ta trong cái chết tự hiến vì yêu, và qua đó trở nên nguồn sống mới cho nhân loại qua sự phục sinh vinh quang. Vì thế, Ngài là Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống. Ðức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt và là Tấm Bánh siêu việt, vì khi tôi ăn, Ngài thành tôi và biến tôi thành Ngài. Đó là một sự ở lại trong nhau, một sự hiệp thông sâu nhiệm:“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Rước Chúa là đón nhận dòng lưu chuyển sự sống, tôi sống nhờ Chúa Giêsu, cũng như Ngài sống nhờ Chúa Cha.
Thánh Phaolô cho chúng ta biết: “Ai đã kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người.” (1Cr 6, 17).  Khi rước Mình Chúa, chúng ta trở nên một tinh thần với Đức Giêsu, và “tinh thần duy nhất” này là Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho ta được sống thân mật với Thiên Chúa Cha. Cả Ba Ngôi hiện diện trong Thánh thể nên cả Ba Ngôi hiện diện trong ta. Việc rước lễ cuối cùng trở thành một sự xuất thần, theo nghĩa là ra khỏi (extasis) cái tôi của con người mình, và nói như thánh Phaolô, là “không phải còn là tôi sống nữa”.
Đương nhiên, sự kết hợp với Đức Kitô hằng sống chỉ có thể xảy ra trong tình yêu, vì Thánh Thể là “Bí tích tình yêu”. Tình yêu là thực tại duy nhất cho phép hai hữu thể kết hợp với nhau, mà mỗi hữu thể vẫn là chính mình để làm nên một. Do đó, việc đón nhận Thánh Thể sẽ là một hành vi xúc phạm, nếu không được thực hiện với cả tình yêu mến.
Phép lạ về Thánh Thể đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới để củng cố đức tin cho chúng ta. Đặc biệt là trường hợp của chị Therese Neumann, là người tín hữu đã trải qua 36 năm trời không ăn uống gì, chị chỉ sống nhờ rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Chị được nhiều thị kiến và được cùng chịu đau đớn kinh khủng với Chúa Giêsu. Cha Ngô Biên, người đã cho chị rước lễ mỗi ngày cho đến khi chị qua đời, đã ghi trong nhật ký của ngài rằng: chị Therese Neumann thường nói với mọi người là chị sống nhờ vào Đấng Cứu Chuộc. Và cha còn nói thêm rằng, nơi chị Therese Neumann thực sự đã ứng nghiệm lời tuyên bố của Đức Giêsu khi Ngài nói: “Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là của uống”.   
Đi tham dự thánh lễ thì thường ai cũng rước lễ, nhưng rồi được mấy ai có lòng mộ mến và khao khát Chúa? Có mấy ai chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để rước Chúa? Xem ra người ta đến với Chúa quá vội vàng, cần làm cho xong, cần đi cho lẹ, như một món nợ phải trả, mà thiếu sự gặp gỡ thân tình, càng thiếu sự kết hợp sâu xa. Nên khi rước Chúa chẳng cảm nhận được điều gì, vẫn với một tâm hồn trống rỗng, chờ mau ra về để được sống với những điều mình ưa thích. Rước Chúa như thế chẳng khác nào một nghi thức bên ngoài, chẳng đụng chạm gì đến bên trong. Có rước Chúa suốt đời chăng nữa cũng chẳng có tác dụng gì.
Đón nhận Thánh Thể Chúa là diễm phúc cho đời Kitô hữu, nhưng bản thân tôi lại quen quá hóa nhàm, chẳng có sự cảm kích nào, nên việc rước Chúa như một một thói quen đạo đức, cho mình yên tâm. Chúa bị tiếp đón một cách lạnh nhạt và vô tâm như thế, chắc Ngài rất đau khổ trong tôi. Phải chăng khổ nhục thập giá xưa lại được tái diễn khi tôi tiếp nhận Chúa với tính cách của kẻ qua đường. Nhưng thiên đường sẽ mở ra cho tôi, nếu tôi chiêm ngưỡng mầu nhiệm cử hành với đôi mắt đức tin và lòng mến, để cảm nhận chính Chúa đang yêu thương tôi và hiến mình cho tôi, để nhờ đó, tôi lại ra đi hiến mình cho tha nhân.
Quả thật, những ai nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể thì cũng nhận ra Ngài nơi anh chị em đau khổ, đói khát, bệnh tật hay tù đày. Do đó, việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ là trách nhiệm của chúng ta, với tư cách là kitô hữu, xuất phát từ tình yêu của Đức Kitô.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Lương thực hằng ngày chỉ sống đời này,
chẳng ai có thể sống hoài sống mãi,
chỉ có Chúa là tấm bánh nhiệm mầu,
cho con người sự sống mới mai sau.

Khi con rước Chúa với lòng khao khát,
là con được chính Chúa Đấng ân ban,
được kết hiệp với Ba Ngôi Chúa cả,
quá cao vời con không sao nghĩ tới.

Bản thân con bất xứng muôn ngàn lần,
mà rồi Chúa vẫn ân cần ngự đến,
con không dám tin đó là sự thật,
ai ngờ là nhiệm mật của tình yêu,
chính là điều vượt trên mọi trí hiểu,

Mầu nhiệm này không ai suy cho thấu,
chỉ khi con yêu Chúa cả trái tim,
con mới có được phần nào cảm nghiệm,
tấm bánh linh thiêng quá diệu huyền,
để đời con được dần dần xoay chuyển

Nhưng con thấy tâm hồn vẫn bợn nhơ,
khi đứng trước tình yêu Chúa vô bờ,
không tránh được những lần con vô cảm,
khi rước Chúa mà lòng vẫn không ham,
chỉ vì còn đam mê đời thế tục,
chưa thoát khỏi nhục dục của trần gian.

Xin tha thứ cho con đã xúc phạm,
thật ra chẳng bao giờ mà con dám,
cũng chỉ vì yếu đuối với vô tình,
xin cho con biết cải hóa đời mình,
lòng hân hoan đón rước Chúa uy linh,
để sống mãi trong ân tình muôn thuở. Amen.

Lm. Thái Nguyên
==================
 
Suy niệm 2
CỦA ĂN NUÔI HỒN

Lẽ thường khi chúng ta đề cập đến máu thịt là nói tới những gì sâu thẳm cấu thành con người, và đụng chạm tới sự sống của con người. Ta thường nói: ‘máu huyết của cha, thịt xương của mẹ’ là thế. Vậy, máu thịt không chỉ làm thành con người thể lý bên ngoài, mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm sinh lý nữa.
Hơn nữa, máu thịt là thứ thiết thân gắn bó chặt chẽ không thể tách rời với con người, gắn bó với sự sống của ta. Nếu lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn và có khi gây nguy hại đến tính mạng. Nó thiết thân vì ta yêu mến nó, và yêu mến máu thịt mình cũng như yêu mạng sống mình là điều hết sức tự nhiên. Chính vì vậy, khi được thông phần vào sự sống của Chúa Giê-su khi lãnh nhận Mình và Máu Ngài, chúng ta nên mặc lấy tâm tình như Thánh Phao-lô khuyến khích giáo đoàn Ê-phê-sô: “Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Ep 5, 20), cũng như nhận ra rằng: chúng ta được tháp nhập khăng khít, thân thiết hết mực, thành một với Ngài, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta ban chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51). Quả thật, chỉ có Đức Giê-su là Thiên Chúa thật và Con người thật, mới có thể trao ban chính máu thịt của mình cho chúng ta, mới có thể trao sự sống Ngài cho con người, không phải sự sống tạm thời, mà là sự sống vĩnh cửu. Mỗi khi tiến lên lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta tin thật Chúa hiện diện nơi hình bánh nhỏ bé, được bẻ ra nuôi sống chúng ta bằng việc đáp: ‘Amen!’ với ít nhất hai ý nghĩa: (1) Vâng, con tin thật đây là Mình Máu Thánh Chúa; (2) Con tin con sẽ được biến đổi trở nên giống Chúa hơn. Ý nghĩa thứ hai được Thánh Giáo hoàng Lê-ô cả khẳng định: Thật vậy, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Ki-tô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy” (trích bài giảng của ngài trong Kinh sách Thứ tư tuần II Phục Sinh). Có lẽ trước kia tôi là người khó ưa, khó gần; nhưng càng được lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, tôi ngày càng dịu hiền, gần gũi, hoà nhã như Đức Ki-tô. Có lẽ trước kia tôi khắt khe, không biết tha thứ, không mảy may đến với người khác an ủi, giúp đỡ; nhưng càng rước Mình Máu Thánh Chúa, tôi càng biết cảm thông, vị tha, sẵn sàng trợ giúp, động viên khuyến khích người khác. Vì lẽ, không phải đứng xa xa trông nhìn Mình Máu Thánh Chúa để thông phần, mà chúng ta được chạm đến Máu Thịt Ngài và được lãnh nhận chính sự sống thần linh ấy như cảm nghiệm của thiếu nữ kia đến xin gia nhập dòng Thừa sai Bác ái trong câu chuyện sau:
Mẹ Tê-rê-xa Cal-cút-ta, Đấng sáng lập dòng Thừa sai Bác ái (được Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô phong Thánh vào 4/9/2016) có một quy luật là khi thiếu nữ nào đến xin nhập Dòng thì ngay ngày hôm sau sẽ được gửi tới Nhà chăm sóc dành cho những người sắp lìa đời. Vào ngày nọ, một thiếu nữ đến ngỏ ý xin vào Dòng. Theo thông lệ, Mẹ Tê-rê-xa gửi chị ấy đến Nhà chăm sóc những người hấp hối, và căn dặn rằng: Con đã thấy các Linh mục chạm đến Mình Máu Thánh Chúa cách cung kính và trìu mến thế nào, thì bây giờ con đến Nhà chăm sóc người hấp hối và cũng làm như thế nhé, bởi vì Đức Giê-su trong Mình Máu Thánh Chúa không khác gì với Đức Giê-su đang hiện thân nơi những người khốn khổ này”. Nghe xong, thiếu nữ ấy nhanh nhẹn lên đường. Ba tiếng đồng hồ sau, trở về với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt vui tươi hớn hở, chị trình bày với Mẹ Tê-rê-xa Cal-cút-ta: Thưa Mẹ, con đã được diễm phúc chạm đến Mình Máu Thánh Chúa suốt ba giờ đồng hồ ạ!” Mẹ hỏi:Sao? Con đã làm gì nào?” Chị đáp: Khi con tới nơi thì người ta cũng vừa khiêng một ông cụ bị rơi vào cái cống nước toàn bùn đất hôi thối và đã phải nằm hồi lâu trong đó. Mình ông đầy thương tích, cũng như bốc mùi rất khó chịu ạ. Nhưng con đã không chần chừ tắm rửa, lau sạch và băng bó các vết thương cho ông. Đang lúc làm thế, con biết con đang được chạm đến chính Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô nơi ông cụ xấu số này ạ!”
Cảm nghiệm được chạm đến Chúa Ki-tô, được lãnh nhận sự sống Ngài, được trở nên tấm bánh bẻ ra chia san với người khác nơi đời thường, chúng ta cần lắng nghe lời Chúa dạy trong sách Châm Ngôn hôm nay: “Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan” (Cn 9, 6). Bỏ đi sự ngây ngô vô lối, bỏ đi sự khờ dại chạy theo những gì chóng qua của đời này, bỏ lại tính ương hèn, nhát đảm, tự mãn, kiêu căng cho mình trên hết, bỏ đi lối sống chạy theo đam mê, tham vọng bất chính, v.v…, mà mặc lấy sự khôn ngoan qua Lời Chúa dạy, qua giáo huấn của Giáo hội, qua đời sống cầu nguyện-bác ái bằng nhân đức khiêm nhường, qua việc tham dự Thánh Lễ, lãnh nhận Thần lương nuôi hồn - Mình Máu Thánh Chúa, và lãnh nhận các Bí tích, v.v…
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Bánh từ trời
Ai ăn sẽ sống đời đời mai sau.
Vượt qua bao nỗi lo âu
Ngày ngày rước Chúa, thầm cầu nguyện xin:
Cho con trở nên chứng nhân
Hân hoan trông cậy, chia san với người. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================
Suy niệm 3
Đón nhận Đức Khôn Ngoan để sống đời đời

(Ga 6, 51 – 59)
Lời Chúa trong sách Châm Ngôn giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của lời Chúa Giêsu phán ở trên: "Sự khôn ngoan đã xây nhà mình… Pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: Hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi" (Cn 9, 1-5).
Hãy lo tìm kiếm Đức Khôn Ngoan
Tìm kiếm Đức Khôn Ngoan là đặc điểm chung của tất cả nền văn hóa Phương Đông cổ đại. Trong mặc khải kinh thánh, Lời Chúa biểu thị sự khôn ngoan. Đức Khôn Ngoan từ trời, phát xuất từ miệng của Đấng Tối Cao như là hơi thở và Lời của Ngài (Hc 24,3), Đức Khôn Ngoan là “làn gió quyền năng Thiên Chúa, là rạo rực vinh quang của Đấng Toàn Năng, là phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là gương soi hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Ngài” (Kn 7,25-26). Đức Khôn Ngoan cư ngụ trên trời (Hc 24,4), chia sẻ ngai Thiên Chúa (Kn 9,4), sống thân mật với Ngài (8,3).
Đức khôn ngoan hiện diện vui đùa bên cạnh Ngài lúc tạo dựng (Cn 8,27-31; x. 3,19; Hc 24,5) và tiếp tục cai quản vũ trụ (Kn 8,1). Suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã sai Đức Khôn Ngoan thực thi sứ mạng ở trần gian này. Đức Khôn Ngoan đã cư ngụ ở Israel, ở Giêrusalem, như cây sự sống (Hc 24,7-19), và biểu lộ dưới hình thức cụ thể là Lề Luật (Hc 24,23-34). Kể từ đó, Đức Khôn Ngoan luôn ở với con người cách thân mật (Cn 8,31; Br 3,37). Đức Khôn Ngoan che chở lèo lái lịch sử (Kn 10,1-11,4), chính Đức Khôn Ngoan đảm bảo ơn cứu độ cho con người (9,18). 
Theo tác giả sách Châm Ngôn thì chính Đức Khôn Ngoan ban tặng đồ ăn thức uống cho những kẻ ngây thơ, tín thành và ban tặng sự sống cho kẻ bỏ đi sự ngây dại và bước đi theo đường lối khôn ngoan (x. Cn 9, 6).
Đức Giêsu, Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa
Theo thánh Irênê, vị giáo phụ thời danh của Giáo hội thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không phải ai khác ngoài chính Ngôi Vị Thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đúng như sách Khôn Ngoan mô tả : Người tìm thấy niềm vui giữa loài người ... "Người đã làm người giữa muôn người... Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người " (Kinh Tin Kính của Thánh Irênê).
Con người có được sự sống là nhờ Đức Khôn Ngoan nhập thể làm người thông ban sự sống ấy cho, và sở dĩ con người được hiệp thông với Thiên Chúa là nhờ Đức Khôn Ngoan ở giữa loài người, là chiếc cầu nối kết giữa con người với Thiên Chúa. Những lời cuối trong diễn từ về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng (Ga 6, 51-58) hôm nay là bằng chứng. 
Theo thánh Gioan, Chúa Giêsu chính là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa từ trời nhập thể, đích thân mời gọi chúng ta ăn Người, để có sự sống trong chúng ta: "Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi" (Ga 6, 53). Bắt đầu đặt bút viết Tin Mừng, Gioan đã viết: " Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời" (Ga 1,1). Thiên Chúa đã dùng chính Ngôi Lời mà tạo thành vũ trụ, nay lại sai Ngôi Lời xuống thế để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Tin và đón nhận Chúa Giêsu là tin và đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Tự chúng ta không thể có sự sống đời đời được, phải cậy nhờ vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Vì thế, kết hợp cả hai dòng tư tưởng, một của thánh Gioan và một của sách Khôn Ngoan, chúng ta thật hạnh phúc khi được mời gọi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu để được sống đời đời.
Ăn Bánh Giêsu để sống đời đời
Khởi đi từ việc thấy đám đông dân chúng theo mình, Chúa Giêsu đã "chạnh lòng thương", làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Họ được ăn bánh no nê nên tiếp tục tìm kiếm và đi theo Chúa. Vì không hài lòng với ý tưởng ấy, Chúa trách họ: "Các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê" (Ga 6, 26). Sau lời trách, Chúa gợi lên nơi lòng họ sự khát vọng tìm kiếm thay vì của ăn hay hư nát, thì hãy tìm kiếm lương thực trường tồn là chính Chúa (x. Ga 6). Khát vọng sống trường sinh nổi lên trong họ, Chúa mạc khải cho họ luôn: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời" (Ga 6, 51).
Lời Chúa Giêsu mời gọi những người Do thái và cả chúng ta ngày hôm nay nữa, hãy đến mà ăn cho no uống cho thoả. Nếu chúng ta khao khát sự sống trường sinh, thì đây là cơ hội tốt để có được mầm sống ấy. Hãy đến gặp Chúa Giêsu và đón nhận Người, bởi chính Người là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn Người, sẽ được sống đời đời. Vì Chính Người ban cho thế gian thịt và máu Người, để cho thế gian được sống (x. Ga 6,51). Người đến cắm lều ngay nơi lòng kẻ ấy : "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy" (Ga 6, 56).
Vậy, hãy nghe và thực hành lời khuyên của thánh Phaolô mà : " Đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan" (Eph 5, 15). Ai bước theo đường lối khôn ngoan, và cư ngụ trong nhà Đức Khôn Ngoan đã xây dựng, ngồi tại bàn của của Đức Khôn Ngoan thì sẽ được ăn thoả thích những đồ ăn mỹ vị và uống rượu ngon do Đức Khôn Ngoan dọn sẵn cho để sống đời đời. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
================
Suy niệm 4
ĂN THỊT CHÚA SẼ Ở LẠI TRONG CHÚA

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 20 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa, xin Chúa đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong.
Mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, bởi vì, Chúa thật là Đấng Thánh, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia đón nhận một sứ mạng chẳng vui vẻ gì, đó là báo trước cho Dân Chúa những thử thách lớn lao sẽ xảy tới. Chỉ có một số nhỏ sống sót thôi. Điều Thiên Chúa sắp mặc khải sau đây sẽ là ngọn đèn pha cho cả cuộc đời của ngôn sứ: Thiên Chúa là Đấng Thánh, là Đấng tuyệt đối siêu việt. Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang đến. Các thần Xêraphim đối đáp tung hô: Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh. Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa. 
Mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, bằng cách trở nên muối đất và ánh sáng cho trần gian, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu nói: Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại. Một lần nữa, Chúa nói như vậy để khuyến khích các ông cẩn thận trong cách sống, dạy các ông ý tứ giữ gìn như thể các ông đang sống trước mắt mọi người và đang chiến đấu giữa đại hý trường trái đất... Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em. 
Mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, bởi vì, kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan, ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi, kẻ tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Châm Ngôn kêu gọi: Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 33, vịnh gia đã kêu gọi: Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy. Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Anh em đừng sống như kẻ khờ dại, đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Đức Giêsu đã từng nói: Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy. Thánh Ý Chúa thật là của ăn, ai ăn thì sẽ ở lại trong Chúa và Chúa sẽ ở lại trong người ấy. Chúa quả là Đấng Thánh, chúng ta phải vâng nghe lệnh Chúa truyền: hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời, phải trở thành muối đất và ánh sáng cho trần gian. Kính sợ Chúa sẽ giúp chúng ta sẽ lo chu toàn những thánh chỉ, phán quyết của Người, nhưng không phải như người nô lệ, mà như là người con thơ vâng lệnh Cha hiền. Đoàn tàu lăn bánh trên hai thanh sắt của đường ray, đoàn tàu sẽ sống, sẽ cập bến an toàn. Tuân giữ những huấn lệnh của Chúa, chúng ta sẽ được sống, sẽ đạt tới ơn cứu độ mà Chúa đã hứa ban. Chúa luôn dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những ai yêu mến Chúa, ước gì chúng ta biết mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
================
Suy niệm 5
TIỆC KHÔN NGOAN


“Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế!”.
“Hãy nhớ một sự thật rằng, trừ khi chúng ta giữ được sự khát khao Chúa mạnh mẽ trong lòng mình; bằng không, bạn và tôi sẽ nhận ra sự trống rỗng vô cùng của cuộc sống khi không có Ngài!” - Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay tiếp tục nói về Bí tích Thánh Thể nhưng dưới một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ - ‘cái nhìn của sự khôn ngoan’ - khi bạn và tôi “nhận ra sự trống rỗng vô cùng của cuộc sống” bởi vắng bóng Thiên Chúa. Từ đó, có thể nói, Thánh Thể là sáng kiến của Đấng Khôn Ngoan; Tiệc Thánh Thể là ‘Tiệc Khôn Ngoan!’.
Sách Châm Ngôn coi Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan ban tặng sự hiểu biết và khôn ngoan dưới hình thức một bữa tiệc thịnh soạn cho tất cả những ai nô nức đón nhận lời mời của Ngài, “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống!” - bài đọc một. Chúa Giêsu là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa và Tiệc Thánh Thể là ‘Tiệc Khôn Ngoan’; ở đó, chúng ta chia sẻ sự thông tuệ của một Thiên Chúa nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô. Thánh vịnh Đáp ca mời gọi “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!”.
“Đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan. Cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình!” - bài đọc hai. Theo Phaolô, thức ăn mà Chúa Giêsu ban tặng - Thịt Máu Ngài - là nguồn gốc của sự khôn ngoan, hiểu biết thực sự về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. “Bạn là những gì bạn ăn!”. ‘Ăn’ Chúa Kitô, bạn nên giống Ngài, một Chúa Kitô khác, ‘Alter Christus’, không chỉ về mặt thể xác mà còn về tinh thần và trái tim, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi!”.
“Cử hành Bí tích Thánh Thể, ‘ăn Thịt và uống Máu Ngài’, có nghĩa là chấp nhận sự khôn ngoan của thập giá và con đường phục vụ. Điều đó có nghĩa là chúng ta bày tỏ sự sẵn lòng hy sinh bản thân vì người khác như Chúa Kitô đã làm!” - Gioan Phaolô II. Chấp nhận Chúa Kitô là chấp nhận toàn bộ Phúc Âm của Ngài, chiến thắng và đau khổ của Ngài. Nghĩa là chúng ta tự nguyện và ao ước đi con đường Ngài đi để phục vụ Ngài hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn; và cùng Ngài kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Một thế giới của chân lý và tình yêu, của công lý và hoà bình, của tự do và hạnh phúc. Khi thấy mình thực sự là một phần của nỗ lực vĩ đại đó, hãy biết rằng, theo một ý nghĩa rất thực tế, chúng ta đã dự ‘Tiệc Khôn Ngoan’ mỗi khi tham dự Thánh Lễ!
Anh Chị em,
“Hãy đến mà ăn!”. Hôm nay, hãy suy gẫm cách bạn tiếp cận Bí tích Thánh Thể. Bạn hiểu sâu sắc như thế nào về khoảnh khắc rước Chúa; nó có biến đổi bạn không? Ước gì bạn đói khát Chúa, nhận ra những tác động thiêng liêng diễn ra trong lòng mình mỗi khi rước Ngài. Hãy đào sâu đức tin bằng cách cam kết tham gia cầu nguyện nhiều hơn vào các Thánh Lễ khi bạn tham dự những lần tới. Hãy lùi lại và xem xét những gì bạn thực sự tin, bối rối hoặc không tin! Thánh Thể là quà tặng lớn nhất. Hãy tin điều đó bằng cả tấm lòng và ‘Tiệc Khôn Ngoan’ của mỗi Chúa Nhật sẽ biến đổi bạn!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con xác tín, Bí tích Thánh Thể định hình con, để - cách khôn ngoan nhất - con không sống cho mình mà sống cho Chúa, cho anh chị em con!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
================
Suy niệm 6
Lương Thực Nuôi Linh Hồn

Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6, 51-58
Từ nhỏ tới giờ tôi vẫn được ở sát vách nhà thờ. Đang ngày ngày được đến với “địa chỉ đỏ” nơi nhà chầu, cuộc đời chan chứa niềm vui hạnh phúc. Nhưng khi có một lý do đặc biệt, nên phải chuyển chỗ ở 6 tháng, thành ra tôi phải xa “điểm hẹn” đặc biệt thân thương này, cả tuần mới đến một hai lần khi có Thánh lễ, nghe lòng cứ thấy thiếu thốn đói khát, trống vắng, buồn tênh… Càng xa cách, tôi càng cảm thấu giá trị của thần lương vô cùng cao quý này.
Trong Tin Mừng hôm nay, Người Do Thái nghe Đức Giêsu nói Ngài sẽ lấy bánh là thịt mình để nuôi người thế được sống, họ nghĩ thứ bánh đó như manna tổ tiên đã ăn no nê ngày xưa nhưng vẫn chết, nên bất đồng sôi nổi tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Dưới cái nhìn thực tại trần thế, làm sao họ có thể tin và chấp nhận một “ông Giêsu” có thể xẻ thịt cho người ta ăn? Nhưng Đức Giêsu quả quyết: Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.  Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” Dù Ngài khẳng định với bốn chữ “thật”, nhưng lúc ấy họ không chấp nhận, vì chưa tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Đường lối Ngài vượt xa tư tưởng nghĩ suy của loài người. “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55, 9). Đức Giêsu đã long trọng lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly. Với cặp mắt đức tin của người Kitô, Mình Máu Ngài thực sự trở thành của ăn của uống dưỡng nuôi linh hồn các tín hữu. Khi ăn Thịt và uống Máu Ngài, “ở lại trong Ngài”, họ được biến đổi, “thay mới tế bào” từ trong ra ngoài, được lớn lên trong đời sống đức tin, được tăng sức trên đường lữ hành trần thế, cuộc đời mãi nở hoa từ nơi  “khách sạn bậc nhất” này.
Trong Thánh Thể ta được Chúa biến đổi và thực hiện  những điều kỳ diệu lạ lùng trong con người hèn mọn.
Chúa ơi! Thịt và Máu Chúa thật là của ăn của uống nuôi sống con từng ngày, của ăn mà càng ăn con càng đói, càng uống con lại càng khao khát hơn. Dẫu con đây muôn ngàn bất xứng, nhưng vì Tình Yêu, Chúa còn khao khát con hơn ngàn lần con khao khát đón nhận. Xin cho con luôn luôn đáp tình Chúa mời gọi, để con đến, ở lại với Chúa, trong Chúa, mà tận hưởng no say nguồn sống từ thần lương cao quý này, để nhờ Mình Máu Chúa bổ dưỡng, con được sống hạnh phúc sung mãn hôm nay và mai sau được sống muôn đời.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cát Ngòi trong ngày Chầu Thánh Thể thay mặt Giáo phận
Giáo xứ Cát Ngòi trong ngày Chầu Thánh Thể thay mặt Giáo phận
Ngày chầu lượt năm nay mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra vào ngày khởi đầu năm Phụng Vụ 2025, càng đặc biệt hơn khi giáo xứ đang hoàn thiện những công việc cuối cùng chuẩn bị cho Thánh lễ cung hiến ngôi nhà thờ mới.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log