Suy niệm 2
THỰC THI GIỚI RĂN VỚI CẢ LÒNG MẾN
Như chúng ta biết trong các sách Tin Mừng, Đức Giê-su luôn chỉ ra cách sống chu toàn lề luật và giới răn của Chúa như thế nào. Ngài đã nhiều lần đối diện với thói lệ luật, chủ trương giữ luật ở câu chữ, hay chủ nghĩa duy luật, v.v…của những người Biệt phái, những nhà thông luật. Cụ thể, Đức Giê-su từng khẳng định: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-siêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (x. Mt 5, 20).
Thật vậy, lề luật và huấn lệnh Chúa dạy bảo chúng ta trở nên thánh thiện và tự do, chứ không trói buộc và cướp mất sự tự do của mình. Nhiều anh chị học giáo lý hôn nhân, đôi khi nghĩ và nói: “Đời sống hôn nhân-gia đình thường hạn chế sự tự do của đôi vợ chồng trẻ!!!” Chắc hẳn, đôi vợ chồng trẻ này hay đôi nam nữ sắp bước vào bậc sống hôn nhân-gia đình này chưa sẵn sàng, và chưa thật sự tự do đến với nhau để cùng xây dựng gia đình; họ còn tính toán thiệt hơn, cũng như sợ mất những gì riêng tư! Để Lời Chúa hôm nay soi sáng, chúng ta cùng nhau suy gẫm đôi điều.
Trước hết, việc tuân giữ và thực hành giới răn Chúa với cả lòng mến không đơn thuần là hành động phòng tránh để khỏi sa vào những gì xấu xa, tội lỗi, mà đó còn là sự khôn ngoan và sáng suốt của dân Chúa. Sách Đệ Nhị Luật thuật lại biến cố ông Mô-sê truyền lại cho dân Is-ra-el: “Hỡi Is-ra-el, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các người phải thực hành…hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi” (Đnl 4, 1-2). Vì được lãnh nhận từ Chúa, nên “chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền dạy các ngươi” (x. Đnl 4, 2). Hơn nữa, khi tuân giữ và thực thi giới răn của Chúa, chúng ta được trở nên khôn ngoan, sáng suốt, được tận hưởng niềm vui mà luật Chúa mang lại như tác giả Thánh Vịnh tán tụng: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn…Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa siết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (x. Tv 18, 8-9). Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta lại tránh né, hoặc tìm cách lý giải hầu biện hộ và giảm nhẹ cho bản thân mỗi khi chưa/không thực thi giới răn Chúa với cả lòng mến chân thật.
Thứ đến, thực thi Lời Chúa đã nghe, không nghe suông rồi bỏ. Thời Cựu ước, dân Is-ra-el được Thiên Chúa răn dạy qua ông Mô-sê: “Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt cuộc đời đừng quên và đừng để lòng xao lãng…hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy” (x. Đnl 4, 9). Theo lẽ thường tình, chỉ khi nào ‘khắc cốt ghi tâm’ Lời Chúa dạy, chúng ta mới có thể sống, thực hành và truyền lại cho thế hệ con cháu. Tương tự, muốn đắc thủ một nhân đức, chúng ta phải dày công tập luyện trở thành một thói quen tốt lành, từ đó với ơn Chúa giúp, thói quen lành thánh ấy sẽ sinh hoa kết trái trở nên nhân đức. Trong gia đình cũng vậy, nếu con cái chỉ nghe suông mà không thực hiện và rèn luyện những gì cha mẹ dạy từ thời thơ ấu, thì đừng mong con cái sẽ vâng nghe khi nó lớn lên, trưởng thành. Thấu hiểu sự chóng vánh ấy, Thánh Gia-cô-bê đã khuyên nhủ chúng ta: “Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1, 22). Chỉ có vậy, chúng ta mới nhận biết những gì thiếu sót, những gì lỗi lầm, những việc cần sửa đổi. Chúng ta không thể thay đổi, vì chúng ta chưa nhận ra điều chúng ta cần đổi thay. Chúng ta khó thay đổi, vì chúng ta chỉ muốn người khác sửa đổi, còn ta thì từ từ cũng chẳng sao. Chúng ta không muốn thay đổi, vì chúng ta thường khắt khe với tha nhân, trong khi đó, quá dễ dãi đối với bản thân mình. Chúng ta khó lòng thay đổi, vì khi lắng nghe Lời Chúa, hiểu biết giới răn Chúa, chúng ta luôn nghĩ Lời Chúa đang nói với người khác và muốn họ biến đổi, chứ không phải bản thân mình! Những thái độ, tư tưởng này cũng chẳng khác gì hành động “nghe Lời Chúa mà không thực hành”!
Sau cùng, nếu bản thân tôi luôn để Lời Chúa thẩm thấu cõi lòng, để Lời Chúa hướng dẫn, chi phối con người tôi và nỗ lực thực hành giới răn Chúa, thì khi ấy tôi đang thờ phượng Ngài từ tận đáy lòng tôi với cả lòng yêu mến. Lúc đó, bản thân chúng ta sẽ luôn ý thức ‘gạn đục khơi trong’ hầu “khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác” (x. Gc 1, 21b). Nếu không, chúng ta cũng chẳng khác gì dân Is-ra-el mà ngôn sứ I-sai-ah đã tuyên sấm: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta” (Is 29, 13; x. Mc 7, 6). Một khi chúng ta không thờ phượng Thiên Chúa tận đáy lòng, mà chỉ trên môi miệng hay qua những cử chỉ bề ngoài, thì nguy cơ rơi vào thói hình thức bên ngoài, đánh mất cốt lõi của việc thờ phượng Thiên Chúa, cũng như sa vào chủ trương lệ luật, chỉ giữ luật cho xong chứ không sống với cả lòng mến yêu như Tin Mừng hôm nay trình bày (x. Mc 7, 1-8a). Cha sở họ Arc, Thánh Gio-an M. Vi-an-nê từng khẳng khái nói: “Than ôi! Chúng ta làm mọi sự cho thế giới này mà chẳng làm gì cho thế giới bên kia sao?” Chúng ta bỏ công tốn sức chăm lo cho vẻ đẹp thân xác, cho những gì bên ngoài xác thân này, mà lại quên “cắt tỉa, dọn dẹp” tâm hồn và đời sống thiêng liêng! Chúng ta lo bồi bổ thân xác sẽ hư nát này, mà chẳng quan tâm nuôi dưỡng linh hồn, con tim mình! Vì bên ngoài có đẹp đẽ, có lấp lánh, có hoành tráng…chăng nữa, mà tâm hồn hiu quạnh, dơ bẩn, nhơ nhớp, tối tăm…thì cũng vô ích mà thôi. Quả thật, “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế” (Mc 7, 15). Và Đức Giê-su quả quyết: “Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế” (Mc 7, 21-23).
Giờ đây, chúng ta cùng dành ít phút nhìn sâu vào tận đáy lòng mình và cầu nguyện với Chúa:
Lạy Chúa, bao lâu nay
Con rời xa tháng ngày
Không giữ lời thẳng ngay
Hồn vắng tênh biết mấy
Môi miệng thoáng mây bay.
Thờ phượng Chúa thế này
Lòng xa lìa chẳng hay.
Tình con đã đổi thay.
Xin cho con từ đây
Sống Lời từng phút giây
Tuân giữ luật thẳng ngay
Cõi lòng mến tình say
Tuyên xưng Chúa đêm ngày
Tôn thờ chẳng lung lay
Tâm tư con tràn đầy
Tình Chúa chẳng đổi thay. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 3
Giữ Luật Chúa thì sống, bằng không thì chết
(Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)
Chúa nhật thứ XXII thường niên B đưa chúng ta trở lại với Tin Mừng Marcô, với sứ điệp Lời Chúa giúp chúng ta nhận ra rằng, giữa bao nhiêu phong tục tập quán của loài người thì Luật Chúa là trên hết. Ai giữ Luật Chúa thì sống, bằng không thì chết.
Luật Chúa không phải là một gánh nặng hay sự gò bó đối với con người, đúng hơn Luật Chúa ban là hồng ân quý giá, vì nó chứng tỏ thấy tình yêu của Thiên Chúa là Cha luôn gần gũi với con người là con, Chúa cùng với con người viết lên một lịch sử tình yêu.
Chúng ta biết, vì yêu mến con người Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa (x. St ). Cũng vì muốn con người vui sống hạnh phúc, Thiên Chúa đã ban truyền các Thánh chỉlà Lề Luật để hướng dẫn con người, đưa con người ra khỏi tình trạng nô lệ của ích kỷ, dẫn vào trong "miền đất" của sự tự do và sự sống đích thật. Những người Do thái đạo đức thường cầu nguyện như sau: "Nơi các luật điều của Người, tôi vui khoái, tôi sẽ không quên lời lẽ của Người… Xin cho tôi vững bước trên nẻo đi lệnh truyền, vì nó là nguồn sung sướng của tôi" (Tv 119,16.35).
Giữ Luật Chúa thì sống
Ông Môsê trước khi từ giã cõi trần, biết mình không được vào Ðất Hứa nên đã trối cho dân Chúa rằng: Dân sẽ được vào Đất Hứa. Nhưng ở đó họ sẽ có được hạnh phúc không là tùy thuộc ở thái độ của họ trung thành đối với Chúa.
Môisê nói với dân chúng rằng: "Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi" (Ðnl 4,1).
Ý Môisê muốn nói: dân Israel giữ Luật Chúa truyền thì được sống và được vào Đất Hứa. Ðó là điều không được tranh luận bàn cãi. Là vấn đề một sống một chết, có thế thôi. Giữ Luật Chúa thì sống, bằng không thì chết. Mà chết và sống ở đây có ý nghĩa thực tế cụ thể chứ không bóng bẩy. Thiên Chúa chỉ ban Ðất Hứa và các Lời Hứa của Ngài cho những ai tu giữ Luật. Kẻ không giữ Luật, không có chỗ đứng, không có nơi tựa, nó sẽ hư vong. Giữ Luật Chúa thì sống.
Gạt bỏ Lệnh truyền của Chúa thì chết
Ông Môisê đã rất thận trọng khi nói: "Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan" (Ðnl 4,1-2). Không được thêm gì vào Luật Chúa, cũng không được xén bớt. Điều nãy không phải dễ.
Tiếc thay, với dòng thời gian, con người trở nên hư hỏng và bị cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, và đương nhiên họ không còn tuân giữ Lề Luật Chúa nữa. chẳng những thế, họ còn lấy truyền thống và tập quán loài người làm luật sống. Những lời sách Thứ Luật hôm nay là tiếng nói của chính Thiên Chúa. Chúa mạc khải cho chúng ta chân lý này: nếu con người muốn sống và vào được Đất Hứa, tức là hạnh phúc, họ phải giữ Luật Chúa và chỉ giữ đúng Luật của Chúa. Không những đó là đường sống cho họ mà còn là vinh dự ở trước mắt các dân.
Giữ Luật với lòng mến Chúa
Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ Lề Luật, nhưng dạy người ta chống lại thói đạo đức giả hình, vụ hình thức, quan trọng hóa luật lệ của con tim với nghi lễ bên ngoài. Người lên án việc làm khiến người ta xa rời Thiên Chúa. Theo Chúa Giêsu, sự trong sạch không tùy thuộc vào lễ nghi thanh tẩy, nhưng tùy thuộc vào tấm lòng. Giữ Luật với lòng mến Chúa.
Khi tuyên bố : "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế " (Mc 7, 15), cái đó không chạm tới lòng người ta, nhưng vào trong bụng và kết thúc trong cống rãnh. Theo Chúa Giêsu, điều gì làm cho chúng ta ô uế: " Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế". Thiên Chúa không hiện diện khi lòng người rời xa Chúa. Việc thực hành đạo dù lớn hay nhỏ, chỉ có giá trị khi được sinh ra từ tình yêu, được tháp tùng bởi tình yêu và được tiêu thụ trong tình yêu.
Tập tục của tiền nhân người Do thái thích giữ với lòng đạo đức ấy lại trái với Luật Môise. Đó là lý do tại sao Êsai nói : "Bạc của ngươi hóa thành ten chì, rượu đã trá pha nước lã " (Is 1,22), cho thấy người xưa tuân giữ Luật Chúa với một truyền thống nhạt nhòa, nghĩa là họ đã thiết lập một luật biến chất trái với Luật Chúa. Chúa Giêsu trách họ: "Tại sao các ông phạm đến lệnh truyền của Thiên Chúa nhân lệnh truyền của các ông? " (Mt 15,3) Họ bỏ qua những điều cần thiết, thêm vào những khoản phụ và giải thích theo lối khác, việc họ làm lột tẩy họ là những kẻ đạo đức giả hình.
Họ cương quyết bảo vệ các tập tục, nhưng không tuân thủ Luật Chúa. Thậm chí họ đổ lỗi cho Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabát khi chữa bệnh, điều mà Luật không cấm. Tuy nhiên, họ không nhận lỗi về mình đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, luật của họ thiếu hẳn tình yêu. Tình yêu này, trên thực tế, là điều răn thứ nhất và trọng nhất, và thứ hai là tình yêu của người lân cận. Thánh Phaolô cũng nói: Yêu mến là chu toàn cả Lề luật (Rm 13,10).
Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết đường lối Chúa, và dạy bảo con Thánh Chỉ của Ngài. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 4
THÊM LÒNG TIN YÊU CHÚA
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 22 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin Chúa cho chúng ta thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta ngày càng phát triển, và được Chúa chăm nom giữ gìn.
Thêm lòng tin yêu Chúa, cho dẫu, thực tế trước mắt thật phũ phàng, khốc liệt, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Giêrêmia cho thấy: Không chấp nhận nền phụng tự đã bị biến chất tại các ngôi đền địa phương, vua Giôsigia chủ trương đổi mới. Ngôn sứ Giêrêmia cũng kêu gọi như vậy, và thế là ông chuốc lấy lòng thù ghét của người đồng hương. Tìm đến với Chúa, ông được Người cho biết sẽ phải đương đầu với nhiều cuộc chiến khốc liệt hơn nữa. Điều này cho thấy: cầu nguyện chẳng phải là tìm thuốc an thần, nhưng, chấp nhận chiến đấu, chấp nhận hiệp thông. Tại sao kẻ gian ác thịnh đạt trên đường đời, tại sao mọi quân phản bội cứ bình an vô sự? Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con… Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha. Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi?
Thêm lòng tin yêu Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không hề bị thất vọng, bởi vì, Chúa sẽ tôn vinh những ai đặt tin tưởng nơi Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Đấng bị giết đã trỗi dậy và được tôn vinh sẽ tôn vinh chúng ta trong Người vào ngày kẻ chết sống lại. Người đã tôn vinh chúng ta khi chúng ta tin và tuyên xưng đức tin của những người công chính… Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, con hết lòng cảm tạ, thánh Danh Ngài, con mãi mãi tôn vinh. Vì tình Chúa thương con như trời như biển. Lạy Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa của con, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ. Lạy Thiên Chúa con thờ, xin dâng Ngài vạn tiếng tôn vinh.
Thêm lòng tin yêu Chúa, bằng cách trung thành tuân giữ vẹn toàn những gì Chúa truyền dạy, không thêm không bớt, để tìm mưu lợi cho riêng mình, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê nói: Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 14, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa? Kẻ nào sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Giacôbê nói: Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa Cha đã tự ý dùng lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu trích lời ngôn sứ Isaia để nói: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm. Chúa dùng lời chân lý mà sinh ra chúng ta. Lời Chúa là thần khí và là sự sống. Thuốc đắng giả tật, Lời sự thật sẽ giải phóng và cứu chữa chúng ta. Tuân giữ những gì Chúa truyền dạy đòi hỏi chúng ta phải trả giá, nhưng, nếu chúng ta hết lòng tin tưởng, Chúa sẽ không để ta thất vọng bao giờ; còn nếu ta tìm cách làm nhẹ, và chối bỏ những điều răn của Chúa, ta sẽ tự chuốc lấy những hậu quả đau thương. Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, ước gì chúng ta thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta ngày càng phát triển, và được Chúa chăm nom giữ gìn. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
=================
Suy niệm 5
LUẬT CHÚA LÀM CON NGƯỜI THĂNG TIẾN
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:
“Thức khuya mới đêm dài,
Ở lâu mới biết lòng người dở hay”;
hoặc câu: “Ngựa chạy đường dài mới biết ngựa hay” diễn tả phần nào về việc sống đạo phải có chiều sâu, chứ không hình thức bên ngoài.
Lời Chúa hôm nay thức tỉnh mỗi người chúng ta nhìn lại đời sống đạo của mình, nhìn lại việc chúng ta tuân giữ giới răn, luật Chúa với tâm thế ra sao. Phải chăng lời cảnh báo: “Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người” (Mc 7, 9) khiến chúng ta choàng tỉnh giấc sau cơn mê dài ‘sống đạo hời hợt, sống đạo bên ngoài, sống đạo vì lợi danh…’ như câu chuyện nhà thần học người Anh Wil-li-am Bar-clay (William Barclay) kể về một người Hồi giáo đang đuổi theo để giết kẻ thù của mình. Trong khi rượt kẻ thù, chợt nghe hồi chuông báo giờ cầu nguyện, lập tức anh nhảy ngay xuống ngựa, mở sách Cô-ran, quỳ xuống cầu kinh theo như luật định cách nhanh nhẹn. Cầu nguyện xong, anh ta lại leo lên ngựa tiếp tục đuổi theo kẻ thù.
Câu chuyện trên lột tả chủ nghĩa câu nệ lề luật, chủ thuyết đồng hoá tôn giáo với việc chu toàn những hành vi đạo đức bên ngoài, mà quên mất cốt lõi của luật định. Hơn nữa, giới răn và lề luật Chúa làm con người trở nên thăng tiến, chứ không biến con người thành nô lệ và lệ luật. “Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy” (Đnl 4, 8). Giữ mình khỏi rơi vào tình trạng chỉ mang danh mà không sống đạo. Giữ mình khỏi rơi vào chủ nghĩa duy luật, duy hình thức.
Ngoài ra, Lời Chúa vang lên trong thư của Thánh Gia-cô-bê mở sáng lòng trí chúng ta hơn: “Anh (chị) em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1, 22). Lắm lúc, chúng ta chỉ nhớ những câu chuyện hài trong bài giảng, chỉ nhớ những câu chữ nghe đã lỗ tai, nhưng lại không ghi nhớ, không khắc tâm thông điệp mà Chúa muốn gửi đến chúng ta qua việc nghe giảng, suy niệm, để rồi thực hành, sống đạo mỗi ngày. Vì chưng chỉ khi đón nhận, khắc ghi Lời Chúa trong tâm khảm của mình, thì chúng ta mới có thể thi hành trong đời sống thường nhật mà thôi.
Hơn nữa, “không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế ” (Mc 7, 15); và “tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế ” (Mc 7, 23). Mọi tư tưởng, ý định, động cơ, động lực, v.v…đều xuất phát từ bên trong chúng ta. Lời nói hay, hành động tốt, cử chỉ đẹp đến từ tâm hồn thanh khiết, chẳng chút toan tính, chẳng chút mưu mô. Vì thế, chúng ta nên tầm soát và làm chủ những gì bên trong con người mình, hơn là việc quá chú trọng đến vẻ bề ngoài mà quên mất rèn luyện tâm tính.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa thông biết mọi sự,
Đấng thấu tỏ lòng con.
Chúa là Đấng con tôn thờ,
Chúc tụng, ngợi khen, cảm mến muôn đời.
Nguyện xin Chúa thứ tha:
Bao lần con tôn thờ chỉ bằng môi miệng mà lòng con xa Ngài,
Bao lần con cầu nguyện hời hợt, mà chẳng chút tâm tình tín trung,
Bao lần con xem lễ, mà không thật sự tham dự vào Bàn tiệc Thánh,
Bao lần con chi li thời giờ với Chúa: đi trễ, về sớm; đến muộn, về nhanh,
Bao lần con nhai đi nhai lại lỗi lầm của tha nhân,
Bao lần con cười khinh khi anh chị em khi họ bày tỏ đức tin bằng lòng đạo đức chân thành…
Lạy Chúa, xin xót thương con theo lượng từ bi của Chúa,
Xin giúp con kết hiệp mật thiết với Chúa,
để lời cầu nguyện và lời tán tụng của con được sánh đôi với đời sống con.
Xin thương ngự đến tâm hồn con,
Vì Chúa là nguồn vui, niềm hy vọng và ơn cứu độ của con. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 6
TÔN GIÁO ĐÍCH THỰC
“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta!”.
“Ở Nga, các Kitô hữu ‘chịu’ thử thách bằng ‘gian khổ’; ở Mỹ, bạn ‘được’ thử thách bằng ‘tự do’. Thử thách bằng tự do khó hơn nhiều! Không ai gây áp lực cho bạn về tôn giáo; bạn thoải mái và không quá tập trung vào Chúa Kitô, vào lời dạy của Ngài và cách sống Ngài muốn bạn sống. Dần dần, tôn giáo đích thực của bạn biến chất!” - Pavel Poloz.
Kính thưa Anh Chị em,
Không chỉ tự do có thể khiến ‘tôn giáo đích thực’ biến chất nhưng sự giả hình, sự cứng nhắc, cũng có thể làm tôn giáo biến chất. Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, với những người đạo đức giả, Chúa Giêsu cho biết, Isaia rất chí lý khi nói, “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta!”.
Sống theo lề luật, Israel được kỳ vọng sẽ sống tốt hơn những hàng xóm ‘ngoại đạo’ - bài đọc một. Đến thời Chúa Giêsu, lề luật trở nên cứng nhắc, không còn là kim chỉ nam giúp mọi người yêu thương và phục vụ Chúa. Giữ luật trở thành mục đích cho chính nó. Trọng tâm luật không còn là xây dựng mối tương quan với Chúa và đồng loại, mà là kiểm tra hành vi bên ngoài của mình. Lời thú tội của chúng ta đôi khi cũng vậy. Nhiều “tội” chúng ta xưng được diễn đạt như là những ‘thất bại cá nhân’ đang khi chúng ta rất ít đề cập đến cách ‘tôi đối xử’ với người khác hoặc ‘tôi gây thương tổn’ cho người khác.
Trong thời đại hôm nay, chúng ta có thể nói, “Ông ấy là người Công Giáo tốt; không bỏ lễ Chúa Nhật”. Không cần biết ông ấy làm gì, nghĩ gì, cảm thấy gì trong nhà thờ; hay ông ấy liên hệ với những người chung quanh thế nào trong Thánh Lễ và đặc biệt, sau Thánh Lễ. Điều quan trọng, cách nào đó - duy nhất quan trọng - là ông ấy có mặt ngày Chúa Nhật. Và quan niệm ‘tôn giáo đích thực’ của chúng ta chỉ ‘cao ngang tầm’ ấy!
Chúa Giêsu còn nói đến sự giả hình khi tiết lộ nguồn gốc của sự ô uế đích thực. Nó không phải là thức ăn đồ uống nào từ bên ngoài; ô uế thực sự nằm ở trong tim. Một người không trở nên ‘ô uế’ khi ăn thịt heo hay tiếp xúc với máu, càng không phải vì không rửa tay trước khi ăn. Nhưng tất cả xung đột này liên quan trực tiếp đến mối quan hệ yêu thương của chúng ta với Chúa, với tha nhân. Theo thánh Giacôbê, ‘tôn giáo đích thực’ thật cụ thể, đó là “Lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Chúa, là thăm viếng cô nhi lâm cảnh gian truân, và giữ mình khỏi mọi vết nhơ thế gian” - bài đọc hai.
Anh Chị em,
“Lòng chúng thì xa Ta!”. Theo Đức Phanxicô, “Không phải những thứ bên ngoài làm chúng ta nên thánh hoặc không thánh, mà là trái tim vốn thể hiện ý định, sự lựa chọn và ý chí làm mọi sự vì tình yêu Chúa. Hành vi là kết quả của những gì chúng ta quyết định trong tim, chứ không ngược lại. Thay đổi hành vi, nhưng không thay đổi trái tim, chúng ta không phải là Kitô hữu đích thực. Ranh giới giữa thiện và ác không nằm ngoài, nó nằm trong chúng ta!”. Tôn giáo không liên quan nhiều đến việc giữ luật. Nó liên quan nhiều đến việc được giải thoát khỏi những ảnh hưởng làm hư hỏng môi trường và nhạy cảm với nhu cầu của những kẻ yếu và thiệt thòi nhất. Đó mới là ‘tôn giáo đích thực!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để tôn giáo của con ‘biến chất’ khi con không tập trung vào Chúa, lời dạy của Ngài; và nhất là ‘cách sống’ Chúa muốn con sống!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
================
Suy niệm 7
Từ Lòng Con Người
Dnl 4,1-2.6-8; Gc 1,17-18.21b-22.27; Mc 7,1-8a.15.21-23
Những người Pharisêu khó chịu khi thấy vài môn đệ của Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Nhân cơ hội này, Người trả lời cho cả đám đông hiểu rõ ý nghĩa đích thực của sự thanh sạch hay ô uế: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,14-15). Đây là chuyện khó hiểu. Người dạy cho các môn đệ một bài học để đánh tan quan niệm sợ bị ô uế bởi vật chất. Mọi thức ăn đều thanh sạch, không có gì từ bên ngoài vào có thể làm cho người ta bị ô uế tâm hồn. Nhưng chỉ những điều xấu từ trong con người xuất ra mới làm dơ bẩn tâm hồn. Người liệt kê mười hai thứ từ bên trong mà ra làm ta trở nên dơ bẩn: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” (Mc 7,21-22). Những tư tưởng xấu từ bên trong con người này đưa đến những hành động sai trái bên ngoài. Thật vậy, tư tưởng tốt sẽ dẫn đến những hành động tốt đẹp, mưu ích cho mình và mọi người. Một cõi lòng hiền lành không đưa đến hành vi độc ác. Một trái tim yêu thương, luôn nghĩ tốt sẽ làm ta luôn nói tốt cho người khác, phát sinh những việc tốt lành và không làm tổn thương đến tha nhân.
Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự tốt lành. Để tôi nhìn nhận ra được những cái từ bên trong làm cho con người ra ô uế đã khó, rồi làm sao để loại trừ những thứ dơ bẩn mà tôi không thấy dơ bẩn lại càng khó khăn. Tự sức riêng tôi không làm được, chỉ khi tôi mở rộng lòng đón Thầy Giêsu vào trong lòng mình. Có Thầy hiện diện, ánh sáng và sức mạnh từ Thầy sẽ thanh tẩy, đổi mới làm chúng rơi rụng khỏi con người tôi.
Lạy Chúa Giêsu là ánh thanh sạch sáng láng đời đời! xin ngự trị tâm hồn con. Xin Chúa luôn hiện diện trong con để thanh tẩy, giữ gìn con từ trong con tim, trong tư tưởng tới lời nói việc làm. Có Chúa ở cùng con an tâm bước đi. Bởi vì “Có Chúa trong thành địch thù tan nát hết. Chúa trong lòng ta lo lắng gì hồn tôi ơi!” (Thánh ca).
Én Nhỏ