Thứ sáu, 27/09/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVI Thường niên B

Cập nhật lúc 08:29 26/09/2024
Suy niệm 1
LÀM CỚ SA NGÃ
Mc 9, 38-43.44.47-48
Cuộc sống dù trong tập thể nào vẫn luôn có những gương xấu. Gương xấu gây ra một bầu khí ô nhiễm tinh thần. Một trong những khuynh hướng xấu rất thông thường nơi con người là óc bè phái và muốn độc quyền. Sợ người khác hơn mình, làm mất ảnh hưởng và uy tín của nhóm mình, nên có lần các môn đệ cũng đã dùng quyền để hạn chế hoạt động của người khác. Đức Giêsu không chấp nhận điều đó. Ngài đã đưa ra một cái nhìn lạc quan và tích cực để xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị, phe nhóm. “Ðừng ngăn cản người ta… ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Với con tim rộng mở, với cái nhìn thanh thoát, Đức Giêsu chủ trương tiếp nhận tất cả, hòa hợp tất cả, gần gũi tất cả, yêu thương tất cả. Nếu có loại trừ thì phải loại trừ sự kỳ thị, phân chia, ngăn cách, tranh giành và và chống chọi với nhau.
Trong buổi tiếp kiến các nhà giáo dục của các tôn giáo mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người cùng nỗ lực trong một liên minh giáo dục rộng lớn để đào tạo những con người trưởng thành, có khả năng vượt qua sự phân mảnh và đối lập, và xây dựng lại các tương quan vì một nhân loại huynh đệ hơn. Ngài nhắc lại sự khác biệt làm cho các tôn giáo đối kháng nhau trước đây, thì ngày nay trái lại, sự khác biệt làm nên sự phong phú trên con đường đến với Thượng Đế, và để giáo dục các thế hệ mới chung sống hòa bình trong sự tôn trọng nhau. Do đó, trong giáo dục không bao giờ dùng danh Thiên Chúa để biện minh cho bạo lực và thù hận đối với các truyền thống tôn giáo.
Có khi chính chúng ta cũng rơi vào não trạng bè phái và muốn chiếm hữu độc quyền trong việc hành thiện và nắm giữ chân lý. Ngay trong Kitô giáo cũng chia thành nhiều giáo phái. Điều trớ trêu là các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, có khi khủng bố lẫn nhau. Ngay trong Hội Thánh cũng không thiếu những gương xấu, khiến cho nhiều người thất vọng đi tìm con đường khác, đời sống đức tin gặp khủng hoảng. Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ nào gây ra gương xấu: “... thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”.
Gương xấu làm cớ cho người khác sa ngã, và có khi là nguyên do gây ra một phản ứng quá đà mang tính xã hội, trong đó có trách nhiệm của chúng ta. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công Đồng cũng đã thú nhận các tín hữu chúng ta có thể chịu trách nhiệm một phần không nhỏ trong việc khai sinh vô thần. Có thể bản thân ta cũng đã từng gây dịp tội khiến cho người khác phải sa ngã. Thân xác ta cũng có thể là dịp tội cho chính mình. Ðức Giêsu đòi chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội. Không thể hiểu những điều đó theo nghĩa đen, nhưng cũng không thể coi nhẹ tính chất quyết liệt của những đòi hỏi mà Chúa Giêsu đã nêu lên, để không làm hư hại đời sống nhau.
Chúng ta đã biết có nhiều người vì bệnh tiểu đường dám cắt bỏ một phần thân thể để cứu lấy sinh mạng của mình. Loại bỏ một điều quý giá để giữ lại một điều quý giá hơn. Cuộc sống là điều quí giá trên mọi điều quí giá, đáng cho chúng ta phải loại bỏ một phần thân thể đã bị hoại tử. Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác, thì càng cần hơn nữa một cuộc cắt bỏ những điều xấu xa để cứu lấy linh hồn mình. Đó là cuộc thanh lọc để làm mới bản thân mình cho cuộc sống mai sau.  
Chúng ta có thể cắt bỏ một tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh thị, cắt bỏ một lối sống buông tuồng, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính… Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn “móc con mắt, chặt cánh tay”. Đau vì nó quá thân thiết với cuộc đời ta; đau vì nó quá gắn liền với bản thân ta; đau vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người mình. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong phẩm cách làm người, đạt tới sự tự do và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Thiên Chúa.
Tuy nhiên, giải phẫu không chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế: thay trái tim sỏi đá căm hờn bằng trái tim dịu hiền yêu thương; thay bộ óc với tầm nhìn hẹp hòi, cạn cợt, bằng bộ óc rộng mở, thoáng đạt và hồn nhiên; thay cái nhìn đầy thành kiến về người khác bằng cái nhìn hiểu biết và cảm thông, để khám phá ra những điều tốt lành nơi họ, thay thái độ phản ứng bằng thái độ đáp ứng, lắng nghe, đón nhận. Cuộc sống mới sẽ triển nở khi ta đoạn tuyệt với lối sống cũ, không còn sống chung với lũ hay ru ngủ đời mình cách ngây ngô. Chúa Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn, vì nếu muốn vươn tới Tuyệt Ðối, phải hy sinh cái tương đối; muốn đạt tới Thiên Chúa, phải loại trừ mọi thứ thần tượng.
Cầu nguyện 
Lạy Chúa Giêsu!
Vẫn có những gương xấu trong Hội Thánh
không tránh được bè phái và phân tranh,
những chia rẽ và lạm dụng quyền hành,
cả ganh ghét và tranh giành địa vị.

Gương xấu làm cho nhiều người thất vọng,
có khi gây khủng hoảng mất đức tin,
nên nhiều kẻ đi theo con đường khác,
để tìm cho đời mình sự bình an.

Xem ra gương xấu vẫn lan tràn,
làm bao người tốt phải hoang mang,
nhưng rồi chẳng ai là vô tội,
nên bản thân con cần sám hối,
biết tập thêm nhân đức để tài bồi,
làm cho niềm tin mến được lên ngôi.

Chúa lên án ai gây ra gương xấu,
là bởi vì hậu quả quá lớn lao,
tạo nên điên đảo cho kiếp người,
khiến ai tin vào Chúa phải hổ ngươi,
nên con đây phải cương quyết khử trừ,
tất cả những thói hư và tật xấu.

Cám ơn Chúa vẫn còn nhiều gương sáng,
để điểm tô cho cuộc sống trần gian,
dù bóng tối vẫn còn trong Giáo Hội,
những vết nhăn trên mặt vẫn in hằn.

Nhưng Giáo Hội không cần phải che chắn,
không sợ gì phải hạ thấp bản thân,
vì con tin dưới ánh sáng Tin Mừng,
Giáo Hội lại đẹp ngời đời nhân chứng,
xin cho con sống theo Lời Chúa dạy,
là mọi sự sẽ đổi mới từ đây. Amen.

Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 2
DỨT KHOÁT KHÔNG CHỚP NHOÁNG

Ông bà và anh chị em rất thân mến! Thái độ dứt khoát trong mỗi quyết định rất ư cần thiết. Sống ở đời, biết bao lần chúng ta phải đắn đo suy nghĩ đưa ra sự lựa chọn dù khó khăn, nhưng lại hết sức cần sự dứt khoát, kiên vững!
Nhiều người đã trải qua kinh nghiệm chữa trị khi bị rắn cắn hay bị kiến ba khoang đốt rất hiểu rõ về sự dứt khoát này. Một khi nọc độc của rắn hoặc độc tố của kiến ba khoang loang ra từ vết cắn hay vết đốt thì việc dứt khoát hy sinh cắt đi bộ phận bị nhiễm độc hầu tránh hoại tử và dẫn tới tử vong quả thật rất hệ trọng.
Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, thái độ dứt khoát với tội lỗi, với thói quen xấu xa tồi tệ của chúng ta không thể thiếu được. Tuy Đức Giê-su dùng lối diễn tả mạnh mẽ, và có thể khiến ai đó cảm thấy lo sợ, nhưng Ngài chủ yếu nhắm tới thái độ, hành động dứt khoát với tội lỗi như thể thà mất đi một bộ phận, còn hơn toàn thân bị huỷ hoại: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy cht chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục…” (x. Mc 9, 43-47). Lẽ dĩ nhiên, muốn có được thái độ dứt khoát này, chúng ta phải khởi sự từ trong tư tưởng, tâm trí và tâm hồn của chúng ta. Lời nói không hay, hành vi hoặc hành động không tốt đều bắt đầu từ tư tưởng đen tối của mình. Để dứt khoát, cắt đi cơn đau nơi thân thể, chúng ta nên chặn đứng mọi điều khiến mình sa ngã, lạc lối ngay trong lối suy nghĩ bất chính, mưu mô, v.v…
Hơn nữa, thái độ dứt khoát này khiến chúng ta năng chạy đến với Chúa, kín múc ân sủng của Ngài, rồi vui vẻ cộng tác, xét mình mỗi ngày và từng giây phút trong đời sống thường nhật. Nếu chúng ta quên đặt mình trước Chúa, nhìn lại bản thân, thì chắc hẳn thời gian ấy dường như dành cho việc ‘nhận xét người khác, hơn là xét mình’, mà tệ hơn là ‘xét đoán’. Chuyện này cũng đã xảy ra thời ông Mô-sê, được sách Dân Số kể lại: “…có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mêad. Thn Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp…Tức thì Gio-suê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Mô-sê, và là kẻ được chọn trong số đông người, lin thưa rằng: Hỡi ông Mô-sê, xin hãy cm chỉ các ông ấy đi”…Ông Mô-sê đáp lại rằng: "Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Ngài cho họ”” (x. Ds 11, 26. 28-29). Thái độ kiên quyết dứt khoát với tội lỗi thường gắn liền với tâm tình ăn năn sám hối tận căn (metanoia), thú nhận tội lỗi mình và thật lòng quay về với Thiên Chúa như Thánh Gia-cô-bê đã chỉ ra một phần nào đó trong bài đọc II: “Các ngươi đã tích trcho các ngươi…Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính…” (x. Gc 5, 4-6).
Sau cùng, để có thái độ dứt khoát với tội lỗi, chúng ta không thể gây cớ hoặc tạo dịp cho người khác vấp phạm đươc. Đúng hơn, chúng ta thật sự phải sống gương mẫu, hân hoan thực thiện những gì Đức Giê-su truyền dạy, chứ không trở nên gương mù gương xấu cho người khác, vì “nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thy, thà buộc tht ci xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” (Mc 9, 42). Trong gia đình, bố mẹ sống làm gương cho con cái chăng? Nơi hàng xóm láng giềng, chúng ta là những người Công Giáo có ý thức sống yêu thương, tha thứ, sống chứng tá cho Chúa không? Nơi cộng đoàn dòng tu,  giáo xứ lớn nhỏ, chúng ta có sống hợp nhất, và làm gương chia san, hiệp thông với nhau chăng? Với vai trò, trách vụ và bậc sống của mỗi người, chúng ta đã nỗ lực, cộng tác sống như Chúa dạy và làm gương lành gương tốt trong môi trường xã hội chung quanh mình chưa? Khi nhìn lại bản thân một cách kỹ lưỡng, chúng ta thấy mình thường làm những gì ngược lại với Chúa dạy, hoặc chúng ta chưa dứt khoát ‘gạn đục khơi trong’, và chưa hết lòng kiên vững theo Chúa! Vì vậy, biết bao nhiêu sự cố đã diễn ra vô tình hay hữu ý, gây tổn hại cho nhau, cho gia đình, cho cộng đoàn!
Với ơn Chúa và nhờ ơn Ngài, chúng ta chạy đến van nài được luôn kiên vững trong đức tin, dứt khoát với mọi điều khiến mình xa lìa Chúa và anh chị em!
Chúa yêu con nồng nàn
Chẳng một lời than van
Hy sinh trót xác hồn
Tận hiến cùng trao ban.
Xin cho con theo Ngài
Chân tiến bước không ngại
Dứt khoát và vững chãi
Không hề xét đoán ai…
Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================

Suy niệm 3
Đừng có phe nhóm

(Mc 9,37-42)
Khởi đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp lời ông Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăm cấm y” (Mc 9, 38). Chúng ta đừng vội kết án Gioan là ích kỷ, hẹp hòi. Danh Chúa được mọi người nhận biết và ca tụng, nhất là nhờ danh Chúa mà trừ được quỷ mang lại bình an cho con người mà còn cấm.
Đối với người Do Thái, Chúa là Thiên Chúa của riêng họ. Chính Chúa Giêsu đã từng từ chối chữa lành con gái người đàn bà xứ Cannaan thuộc giòng giống Syrôphênixi (x. Mc 7,24-30). Khi nói với Gioan: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liên đó lại nói xấu Thầy” (Mc 9, 39), là Chúa giúp ông mở rộng tầm nhìn về ơn cứu độ Chúa mang đến cho hết mọi người và loại trừ đầu óc phe nhóm.
Phe nhóm
Óc địa phương, óc bè phái, phe nhóm xuất hiện ở trong xã hội từ tổ chức nhỏ nhất đến cơ quan đoàn thể cao nhất. Giáo Hội sống trong một xã hội cũng không nằm ngoài cái thường tình ấy. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, dìm người đó xuống, họ phải mấy cũng không nghe.
Vì phe nhóm mà ông Giôsuê, con ong Nun đã đề nghị ông Môsê ngăn cấm ông Enđát và ông Mêđát nói tiên tri.Ông  Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ” (x. Ds 11,27).
Vì óc bè phái mà Gioan đã ngăm cản một số người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh Chúa mà trừ quỷ (x. Mc 9,38). Ông nghĩ rằng họ không được phép vì họ không thuộc nhóm các tông đồ mà lại hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Chúa bảo ông: “Không ai lấy danh nghĩa Thày mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thày” (Mc 9,39).   
Danh “Giêsu”, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Thánh Phêrô khẳng định rằng “dưới gầm trời này không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Danh “Giêsu” được cất lên, “cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2, 5-11). Danh ấy có sức mạnh trừ quỷ đuổi ma. Vì thế, phải rao truyền Danh “Giêsu” cho mọi người nhận biết.
Nước trời là mục tiêu tối hậu
Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phe nhóm làm tha hóa con người, xói mòn lòn tin của người khác và nhất là rất dễ bị ma quỷ lợi dụng. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt đố kỵ, nhưng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con” (x. Mc 9, 40 ).
Nước Trời và sự sống đời đời là mục tiêu tối hậu. Vì muốn kéo dài sự sống tạm bợ đời này mà có người sẵn sàng tháo chân, móc mắt, cắt ruột, xem ra nhẹ nhàng. Vậy, để có được sự sống đời đời, chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác, từ bỏ hy sinh những gì cản trở sống đời đời của chúng ta.  
Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường, tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ cho ta vấp phạm, sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời. Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai muốn. Nhưng Chúa Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, can đảm cắt bỏ với những thụ tạo đang làm hư hỏng ta chẳng những đời này mà cả đời sau nữa. Chúng ta phải can đảm, quảng đại sống cho giá trị của Tin Mừng, dẫu cho có thiệt thòi, mất mát những vinh hoa trần thế, nhưng có được chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa.
Đừng là cớ vấp phạm
Sống yêu thương, quảng đại, hy sinh vì Nước Trời, nên ngay ở đời này chúng ta phải sống tốt, sống gương mẫu, đừng làm cớ vấp phạm cho ai. Nhấn mạnh đến điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giảng trong thánh lễ sáng thứ năm 27 tháng 2 năm 2014 tại Nhà nguyện Mácta, ngài nói: “Người Kitô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và cớ vấp phạm thì giết hại người khác.
Mang danh là Kitô hữu, thì cần phải sống như Kitô hữu, suy nghĩ như Kitô hữu, cảm nhận như Kitô hữu và hành động như Kitô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Kitô hữu, nếu thiếu một trong những điều này, thì chúng ta không còn là Kitô hữu nữa. Cần phải sống trước sau như một, sống bất nhất sẽ gây rất nhiều tai hại cho người khác.
Thánh Giacôbê đã nặng lời khiển trách những người Kitô hữu sống bất nhất huênh hoang, Ngài viết: “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”. Trong cộng đoàn có người sống bất nhất như thế thì rất tai hại, trở nên cớ vấp phạm cho người khác”.
Chúa Giêsu lên án người làm cớ vấp phạm: “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.
Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết sống yêu thương, sống quảng đại mưu tìm kiếm nước Trời, và đừng là cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

=================

 

Suy niệm 4
KHÔNG CHỐNG LÀ ỦNG HỘ

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 26 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả, xin Chúa không ngừng ban ơn giúp chúng ta đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban, và chúng ta đang hết lòng theo đuổi. 
Nước Trời là hạnh phúc Chúa hứa, và là niềm hy vọng của ta, chúng ta hãy giữ vững niềm trông cậy trước những thử thách gian truân, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô đã cho thấy: Giữa thánh Phaolô và cộng đoàn tín hữu Philípphê, có một tình bằng hữu sâu sắc: tất cả đều chịu đau khổ vì Đức Kitô. Điều tôi khẩn khoản nài xin là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn; tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách. Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành, cho đến ngày Đức Kitô Giêsu quang lâm.
Nước Trời là hạnh phúc Chúa hứa, và là niềm hy vọng của ta, ơn cứu độ là do tình yêu hoàn toàn nhưng không của Chúa dành cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Pôlicáp nói: Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ… Thiên Chúa đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu… Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ, bởi vì Ngài thành tín yêu thương.
Nước Trời là hạnh phúc Chúa hứa, và là niềm hy vọng của ta, ơn cứu độ là của Chúa, chúng ta phải quy hướng mọi sự về Chúa, tuân giữ những mệnh lệnh của Chúa, và khiêm nhường bé nhỏ phó mình trong tay Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Dân Số, ông Môsê nói: Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ! Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 18B, vịnh gia đã cho thấy: Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Giacôbê đã cảnh báo: Hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ… tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, Lời Chúa là sự thật; xin Chúa lấy sự thật mà thánh hiến chúng con. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi. Lời Chúa là sự thật, ta sẽ bị bóc trần trước ánh sáng Lời Chúa; đi theo đường lối, những huấn lệnh của Chúa, ta sẽ được soi sáng, được tinh luyện, để trở nên tinh tuyền thánh thiện. Tất cả những gì Chúa gửi đến cho ta trong ngày sống, đều là những lời tình yêu Chúa dành cho ta; tận dụng mọi hoàn cảnh Chúa cho phép xảy đến, ta sẽ được Chúa thanh tẩy, để trí lòng ta chỉ còn lại: một khát khao là làm theo ý Chúa mà thôi. Chúa mới chính là cùng đích của ta, còn mọi sự khác chỉ là phương tiện để ta đạt đến cứu cánh. Cho dù là những thứ quý giá nhất, như thân thể, tay chân, con mắt, nếu chúng cản trở, làm cho ta không thể đạt được hạnh phúc mà Chúa đã hứa ban, thì bằng mọi giá, ta phải loại trừ chúng ra khỏi cuộc đời ta; còn những gì Chúa ban, giúp ta đạt đến Chúa, thì ta có thể hưởng dùng hết: ai không chống lại ta là ủng hộ ta. Khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả, ước gì ta biết tận dụng tất cả những gì Chúa ban, để đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban, và ta đang hết lòng theo đuổi. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

=================

Suy niệm 5
Cùng hợp tác

Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48
Đức Giêsu chọn gọi và huấn luyện các tông đồ để giao phó Giáo Hội của Người cho. Các ông là những người ít học chẳng có thế giá. Vậy mà Người vẫn tín nhiệm, cầu nguyện với Chúa Cha rồi chọn và sai đi loan báo Tin Mừng. Các ông nghĩ chỉ mình mới được tuyển chọn, mới đích thực là môn đệ của Thầy, thuộc “phe” Thầy với trọng trách loan báo.
Trong Tin Mừng hôm nay, ông Gioan nhìn thấy có những người không thuộc “phe” Thầy cũng lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Với suy nghĩ tự nhiên của con người đơn sơ, ông vội về “méc” và báo công với Thầy: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” (Mc 9,38). Các ông nghĩ mình được độc quyền trong việc làm phép lạ nhân danh Thầy. Tưởng Thầy sẽ đồng tình mà tìm cách xử lý, nhưng chính Thầy lại dẹp tan tư tưởng của các ông: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,39). Thầy nhắc nhở và dạy các ông phải hợp tác, đồng lòng chung sức với những người có thiện chí, vì ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Sau này chính Chúa đã biến đổi, rèn luyện ông Gioan trở nên một người mới, thành “người môn đệ Chúa yêu” và chỉ còn một mình ông trong tông đồ đoàn theo Thầy đến chân thập giá.
Những khác biệt trong Giáo Hội đa dạng đều có thể bổ túc cho nhau, làm nên một Giáo Hội với vẻ đẹp muôn màu, muôn sắc, khi được múc lấy sức sống từ Chúa Kitô và cùng xuất phát từ ơn Chúa Thánh Thần. Đó là hoa trái của tình hiệp nhất yêu thương.
Trong đời sống hằng ngày, nhiều khi chúng con cũng có thái độ khép kín, chỉ đóng khung cho riêng mình, nghĩ chỉ mình mới xứng đáng làm việc này việc nọ nên không chịu hợp tác với người khác. Nhưng hoa trái của Chúa Thánh Thần luôn dồi dào phong phú trong mỗi người bằng nhiều cách và nơi những con người khác nhau: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Chúng con cần tôn trọng thiện chí và những đóng góp của những người khác, dù cách làm của họ có khác biệt với mình.
Ngày nay nhiều người còn lối sống “đèn nhà ai nhà ấy sáng”, chỉ biết có mình hay gia đình mình, còn anh em ra sao mặc kệ họ. Nhưng Chúa muốn chúng con sống cởi mở, thân thiện với mọi người, xóa bỏ những thành kiến ganh tị mà xích lại gần nhau, hợp sức đồng lòng để làm những điều tốt lành, cho thế giới này đẹp hơn lên. Chúa vẫn mời gọi tất cả mọi người chúng con dù ở giai cấp địa vị nào, làm nghề nghiệp gì đều sống gắn bó với Chúa, để cùng ra đi loan báo Tin Mừng, làm nhân chứng cho Tình Yêu. Đức Giêsu còn hứa rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).
Người ta thường bảo: “Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn”. Thực sự để làm gương tốt, gương sáng cho mọi người mới khó, chứ làm gương xấu thì quá dễ, khỏi phải tập tành! Đức Giêsu đã lên tiếng cảnh báo ta đừng làm cớ cho người khác vấp phạm:  “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,43). Nghe cái bản án dành cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã đáng phải chịu mà sợ hãi khiếp kinh! Vậy mà... “còn hơn để nó làm như vậy”. Trong cuộc sống, có nhiều lần chúng con có thể đã cố tình, hay ít nhất vì vô tình mà gây nên gương xấu, làm cho người ta vấp ngã cách này thế khác! Nhưng cả bấy nhiêu lần chúng con đều được bỏ qua, tha trắng không phải chịu hình phạt nào nhãn tiền. Chẳng phải vì vậy mà cứ tiếp tục, nhưng phải luôn nhìn vào mình mà xét lại, để tránh làm cớ, làm gương xấu trực tiếp hay gián tiếp, mà làm người khác xấu đi theo gương của mình.
Quan trọng hơn nữa, Người khuyến cáo phải loại bỏ mọi nguyên nhân làm mình phạm tội: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt (Mc 9,43-48). Đã có ai dám móc mắt, chặt tay kẻo mình phạm tội? Điều răn thứ năm cấm hủy hoại thân xác mình và mọi người cơ mà! Nhưng ở đây Chúa muốn con loại bỏ, triệt để xa tránh những hoàn cảnh đưa đến phạm tội, cho dù phải từ bỏ những gì là gần gũi, gắn bó thân thương nhất, cả những gì mình yêu quí nhất.
Ngày nay có một thực tại đau lòng, để an thân cho mình, người ta lại dám... “móc mắt, chặt tay” người khác, khi hủy hoại những thai nhi vô tội... Ngược lại là một nghịch lý rất thực tế và cao đẹp nơi các thánh tử đạo: sẵn sàng chịu chặt đầu, chặt tay chân, phanh thây chứ không thà phạm tội, chối Chúa, để minh chứng cho một tình yêu, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho nước trời.
Lạy Chúa! xin cho con luôn biết soi mình trước Lời Chúa, để nhận ra những nguyên nhân làm con có thể ngã sa. Xin Chúa ngự trị tâm hồn con, cho con can đảm mạnh sức, để dứt khoát với tội lỗi từ trong những mầm mống sâu xa. Ước gì Chúa thực hiện trong con người yếu đuối, mê lầm của chúng con, cho chúng con can đảm từ bỏ, dứt khoát với những dịp tội còn đang níu kéo chúng con. Amen.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log