Thứ năm, 17/10/2024

Suy niệm Tin Mừng Khánh nhật Truyền giáo và Chúa nhật 29 TN B

Cập nhật lúc 06:33 17/10/2024
KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
Suy niệm 1
Hãy ra đi mời gọi mọi người vào

(Is 2, 1-5; 1 Tm 2, 4 - 6; Mc 16, 15-20)
Truyền giáo không phải là điều gì mới mẻ, cũng không phải là việc thích thì làm, mà là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các tông đồ và những đấng kế vị. Lệnh truyền này không chi dành riêng cho các Tồng đồ, cho hàng Giáo sĩ và Tu sĩ mà là cho hết mọi người Kitô hữu chúng ta, vì mục đích đầu tiên của Giáo hội khi được Chúa Giêsu thiết lập là truyền giáo.
Giáo hội tự bản chất là truyền giáo.
Nếu như Isaia con trai Amót được thị kiến: “Các dân nước sẽ đổ xô về núi Chúa... trong ngày sau hết” (x. Is 2, 1-5). Thánh Phaolô cho người con tình thần của mình biết: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi” (x.1 Tm 2, 4 – 6). Cả bốn sách Tin Mừng đều nêu bật ý nghĩa của việc truyền giáo, nội dung sứ vụ mà Chúa Giêsu trao cho Giáo hội chứng tỏ bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly như sau: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo Hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Ðây là sứ điệp duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người ngõ hầu họ được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô nói :  “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phẩn khẩn thiết của ngày hôm nay”. Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Trích dẫn lời Đức Phaolô VI, ngài tiếp: “Giáo Hội hiện hữu để truyền giáo, để giảng thuyết và giáo huấn, để làm máng chuyển quà tặng của các ân sủng, để hoà giải các tội nhân với Thiên Chúa, để trường tồn hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, đó là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người”.
Truyền giáo là bổn phận chính yếu của người Kitô hữu
Tất cả những người đã chịu phép rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Điều này không có ý nói họ phải đi thật xa. Những nơi nào có họ, họ phải truyền giáo, vì chính Chúa Giêsu yêu cầu: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảngTin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15). Thánh Phaolô kêu lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).
Truyền giáo không phải là một thứ thêm vào cho đời sống Giáo Hội nhưng là tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Truyền giáo là bổn phận chính yếu của mọi người Kitô hữu.
Chúng ta được mời gọi phải truyền giáo, bởi vì, đây là ý muốn của Thiên Chúa, Người muốn cho mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ nhờ việc tin vào Đức Giêsu Kitô (x. 1 Tm 2,4). Hoạt động truyền giáo nhằm phục vụ chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời cũng nhằm phục vụ con người.
Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Ad Gentes cho rằng: “Bản chất Giáo Hội là truyền giáo.” (AG, 2.) Giáo Hội được thành lập để truyền giáo.
Hãy ra đi mời gọi mọi người vào
Trong sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo 20/10/2024, với chủ đề « Hãy đi ra và mời gọi tất cả mọi người vào tiệc cưới », Đức Phanxicô mời gọi mỗi Kitô hữu cùng nhau làm nên một Giáo hội hiệp hành - truyền giáo, đi ra và dấn thân, trong hoàn cảnh sống của mình, cho việc loan báo Tin Mừng : "Tất cả chúng ta, những người đã được rửa tội, hãy sẵn sàng bắt đầu lại, mỗi người tùy theo hoàn cảnh sống của mình, để phát động một phong trào truyền giáo mới, như vào buổi bình minh của Kitô giáo!". Ngài cũng không quên nhắc nhớ đây là một sứ mạng cho "tất cả mọi người", "khẩn trương nhưng cũng hết sức tôn trọng và tử tế. Sứ mạng mang Tin Mừng đến với mọi thụ tạo nhất thiết phải mang phong cách của Đấng được loan báo … luôn luôn với sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng". Luôn trong ý thức rằng "trong khi thế giới đề nghị những "bàn tiệc" khác nhau về hưởng thụ, phúc lợi ích kỷ, tích lũy, chủ nghĩa cá nhân, thì Tin Mừng kêu gọi mọi người đến với bàn tiệc của Thiên Chúa, nơi ngự trị niềm vui, sự chia sẻ, công lý, tình huynh đệ, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác".
Hồi Đồng Giám Mục Việt Nam sau Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao Giáo phận Phan Thiết, từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 9 năm 2024, đã đưa ra định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025, là năm “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Khi lặp lại lệnh Chúa Giêsu truyền và ý của Thánh Công đồng Va-ti-ca-nô II, các ngài xác định: Loan báo Tin Mừng là lệnh truyền của Đấng Cứu thế: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). ;“Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành là truyền giáo” (Ad gentes 2). Đồng thời đưa ra những hướng dẫn thực hành sau:
1. Hành hương cầu nguyện lãnh bí tích Hòa giải.
2. Loan báo Tin Mừng từ gia đình.
Mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy nhiệt thành sống và làm chứng cho Tin Mừng. Đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho người trẻ. Sống bác ái với anh chị em thuộc các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Nỗ lực giao hòa, tha thứ, tha “nợ” cho nhau.
3. Khuyến khích sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cách sáng tạo và hữu hiệu để loan báo Tin Mừng.
4. Khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn anh chị em di dân.
5. Chia sẻ ơn gọi thừa sai.
Lạy Mẹ Maria, Ngôi Sao truyền giáo, xin cầu thay nguyện giúp cho Hội Thánh được thêm đông số và ngày càng thêm nhiều con cái. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy niệm 2
Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ
Mt 28,16-20
Điểm hẹn cuối cùng của Đức Giêsu với mười một môn đệ tại một ngọn núi thuộc miền Galilê, ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến đó. Tại sao Người hẹn gặp các ông ở Galilê, mà không phải ở đền thờ hay hội đường? Có lẽ Galilê là nơi đặc biệt, nơi xảy ra những biến cố lịch sử cứu độ nhân thế của Người, là một cứ điểm truyền giáo. Đây là miền đất của dân ngoại, thật cần kíp để gieo Tin Mừng. Chính nơi đây Satan đã đưa Người lên để thỏa hiệp với hắn nhưng Người đã chiến thắng. Nên hôm nay trên núi này Đức Giêsu đã công bố với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Khởi đầu sứ vụ, nơi đây Thầy đã gọi các môn đệ đầu tiên. Và cuối cùng hôm nay, điểm hẹn này là nơi Thầy trao sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19.20a).
Suốt ba năm, các ông chỉ đi theo Thầy, trực tiếp cận kề học tập bên Thầy. Giờ đến lúc Thầy không còn trực tiếp dạy dỗ các ông, giờ là lúc các ông phải tự “thực hành thực tế” trong khi Thầy “vắng mặt”. Các ông phải “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”. Đây là trọng trách lớn lao và thật khó khăn vất vả, nhất là khi không thuận tiện, trong cái chật hẹp, tối tăm của đời các môn đệ cũng như mỗi chúng con hôm nay. Nhưng một lời hứa chắc chắn kèm theo để an ủi và thúc bách chúng con: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 20b). Đây là lời hứa để chúng con an tâm khi thi hành sứ vụ khó khăn mà cao cả. Chính Thầy sẽ thực hiện những điều lớn lao kỳ diệu nơi con người mỏng giòn yếu đuối của mỗi chúng con. Từ buổi Thiên sứ truyền tin đã loan báo về Đức Giêsu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta(Mt 1,23). Vâng, Đấng Emmanuel vẫn luôn hiện diện, đồng hành, ở cùng các môn đệ và những người nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong mọi nơi mọi lúc. Chúa luôn ở cùng chúng con trên bước đường loan báo, trải dài cho đến ngày tận thế.  
Chúa ơi! trước khi về trời Chúa đã trao cho chúng con sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa. Lạy Chúa! sức chúng yếu lắm, lòng người đời thì cứng cỏi, nhưng chúng con tin Chúa sẽ ở cùng và ở với chúng con trong mọi nơi mọi lúc. Để dù khó khăn hay gian nguy, chính Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong con người hèn mọn yếu đuối chúng con, cho muôn dân nhận biết Chúa và đi theo Ngài. Amen.
Én Nhỏ
===============
 
CHÚA NHẬT 29 TN B
Suy niệm 1
VỊ THƯỢNG TẾ BIẾT CẢM THƯƠNG, PHỤC VỤ VÀ HIẾN MẠNG SỐNG MÌNH 
LÀM GIÁ CHUỘC MUÔN NGƯỜI
Còn nhớ thuở còn học giáo lý Rước Lễ Lần đầu, tôi thường được dạy rằng: Nếu con làm điều gì sai, điều gì tội thì Thiên Chúa sẽ ra tay trừng phạt, còn khi con làm điều gì hay, điều tốt thì được Ngài khen, tán dương. Rồi dần dần lớn lên, tư tưởng đó cứ theo tôi và đến lúc được đọc bài trích thơ gửi tín hữu Do thái (Dt 4, 14-16) như bài đọc II trong Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXIX Thường Niên hôm nay, tâm hồn tôi dường như được Chúa uốn nắn, hân hoan vui mừng giống như được Ngài mặc khải điều gì đó. Mà quả thật, kính thưa quý ông bà và anh chị em rất thân mến! Chúng ta được bổ sức, được động viên, khuyến khích và được an ủi vô cùng khi chúng ta được biết Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là vị Thượng Tế biết cảm thương những yếu hèn của chúng ta; Ngài đến trần gian không phải để phán xét, sửa phạt chúng ta, nhưng Ngài đến để hy sinh phục vụ, dẫn đường chỉ lối cho chúng ta tiến tới cùng Thiên Chúa Cha và hiến mạng sống mình cho tha nhân. 
Trong các bài đọc Phụng Vụ hôm nay, tôi thiết nghĩ: chúng ta không cần phải giải thích nhiều lời, mà nên đọc đi đọc lại, rồi suy gẫm, và xin Chúa ban cho mỗi chúng ta lòng can đảm từ bỏ lối suy nghĩ cũ kỹ, cách cư xử xét đoán anh chị em mình, mà hướng đến tư tưởng mới, lối sống hòa nhã, chan chứa niềm cảm thông và thấu hiểu cho tha nhân, cho thành viên trong cộng đoàn, trong giáo họ và trong giáo xứ. Giờ đây, chúng ta cùng nhau đọc lại, suy niệm một số điểm trong các bài đọc hôm nay. Thoạt tiên, bài trích sách Tiên Tri I-sa-ia (Is 53, 10-11) thuật lại bài ca thứ tư về Người Tôi Tớ “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ…Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ…” (Is 53, 10a. 11). Con Thiên Chúa vốn dĩ là Đấng quyền quý cao sang, Đấng tối thượng, Đấng quyền năng, nhưng Ngài luôn vâng phục, sống trọn vẹn đức vâng lời Thiên Chúa Cha, thực hiện kế hoạch cứu độ yêu thương của Cha là: nhập thế, chịu nhập Thể, bước qua cuộc Thương khó, Tử nạn và Phục sinh, lên trời, ban Thánh Thần xuống tiếp tục sứ mạng yêu thương nhân loại. 
Thế nhưng, không ít anh chị em chúng ta còn nghĩ rằng: Thiên Chúa là Đấng quyền năng nhưng rất xa vời với con người. Ngài ở đâu đâu xa trên kia, chứ chẳng am tường, hiểu thấu lòng con người! Ngài ở chốn cao vời, cực lạc, chứ không gần gũi, đỡ nâng chúng ta! Đặc biệt, khi chúng ta gặp khó khăn, trắc trở, Thiên Chúa dường như ở đâu xa xa kia, chứ không cảm thông, thấu hiểu nỗi lòng của ta, v.v…! Nếu ông bà, anh chị em còn mang lối nhìn, tư tưởng như vậy, thì xin quý vị đọc thật kỹ lại bài trích thơ gửi tín hữu Do thái (Dt 4, 14-16) và suy đi ngẫm lại: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4, 15-16). Nói làm sao cho hết niềm vui khi chúng ta có được một vị Thượng tế luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu mọi ngõ ngách cuộc đời ta, bao nỗi niềm trong tâm hồn ta! Nói đến đây, tôi chợt nhớ tới thời gian mới được thụ phong Linh mục. Lần đầu tiên, con ngồi nghe giải tội. Sau khi nghe hối nhân xưng thú tội lỗi của mình, con không cầm được nước mắt và cứ thế nước mắt tự nhiên trào ra. Trong lúc nghẹn ngào, con thưa chuyện với hối nhân: “Không chỉ ông bà (anh chị) phạm những tội lỗi ấy đâu, nhưng tôi đây cũng vấp phạm vì những tội ấy nữa. Nhưng Thiên Chúa rất lòng lành vô cùng, Ngài dùng Giáo hội, qua thân phận yếu hèn của vị Linh mục này mà ban ơn tha thứ cho ông bà (anh chị). Vì vậy, chúng ta cùng nhau cảm tạ ơn Ngài và sống hết mực trung thành với tình yêu Ngài ban cho chúng ta…”
Niềm vui được nhân lên gấp bội khi chúng ta được nhận ra: chúng ta có một vị Thiên Chúa luôn gần gũi, cảm thông, cảm thương hết mọi nỗi yếu hèn của ta. Về phần mình, chúng ta nên làm gì để xứng đáng với Đấng hằng bao bọc, chở che, yêu thương và hiến mạng sống mình cho ta? Dĩ nhiên, chúng ta nên học theo Đức Giê-su, biết cảm thông với anh chị em mình, biết khiêm tốn đóng góp những ơn huệ, những tài năng mà Chúa ban cho mình để xây dựng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ. Hơn nữa, chúng ta cũng nên biết cảm thương với sự yếu hèn của tha nhân, biết nhìn nhận những yếu đuối của bản thân, hầu cùng nhau tiến lại gần ngai Thiên Chúa để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp (x. Dt 4, 16). Thứ đến, noi gương Đấng luôn cảm thương, gần gũi, chúng ta biết phục vụ tha nhân, biết cộng tác với nhau vì lợi ích của anh chị em, phục vụ một cách như không, không đòi đáp trả. Phục vụ vì Con Thiên Chúa đã đến “để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mc 10, 45). Phục vụ vì lợi ích của cộng đoàn, giáo xứ, Giáo hội, chứ không vì lợi ích nào khác. Hãy dùng phận vụ, trách nhiệm của mỗi chúng ta như một phương thế quý giá, một cơ hội ngàn vàng để sống tinh thần phục vụ đích thực. Hãy nâng đỡ nhau khi phục vụ, hơn là than phiền, cằn nhằn, vì nếu cứ quen thói than thở, than van, trách móc…thì làm sao mà còn thời giờ để phục vụ nữa! “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).
Xin Thiên Chúa chúc lành cho những cố gắng nhỏ bé, những nỗ lực bền bỉ của mỗi chúng ta trong đời sống hằng ngày; để rồi nhờ ơn Chúa, chúng sinh hoa kết trái, trở nên ích lợi gấp bội cho gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, Giáo hội và xã hội.
Giữa muôn vàn thượng tế
Được chọn giữa loài người
Đặt lên lo việc Chúa
Hiến lễ dâng mỗi ngày.
 
Dù Thượng Tế tối cao
Mặc lấy xác phàm trần
Cảm thông với thanh tao
Đền thay bao tội lỗi.
 
Ngài tử nạn một lần
Cho muôn người tại thế.
Vẫn bước đi ân cần
Với con hèn đam mê.
 
Ngài chẳng là ai khác
Đức Giê-su Ki-tô.
Không tự mình phán quyết,
Nhưng vâng phục Chúa Cha.
 
“Con là Con yêu dấu,
Nay Cha sinh ra Con”.
“Tư tế đến muôn đời
Phẩm hàm Men-(ki)-xê-đê”.
 
Xin cho con bền bỉ
Hằng chạy đến náu nương
Năng nguyện cầu liên lỉ
Chứa chan bao yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===============
Suy niệm 2
CON NGƯỜI ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 29 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tạo cho chúng ta một tấm lòng trung tín và quảng đại, để chúng ta nhiệt thành phụng sự Chúa. 
Nhiệt thành phụng sự Chúa, bởi vì, Chúa luôn để mắt đến chúng ta là những kẻ mọn hèn, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Étte cho thấy: Một sự việc đơn giản trong đời sống triều đình – hoàng hậu đã đánh mất lòng tin tưởng của vua Batư – sự việc này chuẩn bị tuy là một cách xa xôi cho việc Dân Chúa sẽ được giải thoát. Cô Étte người Dothái, trở thành hoàng hậu, sẽ là dụng cụ Thiên Chúa dùng để giải thoát. Đối với Thiên Chúa là Đấng làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, thì không có sự việc nào lại không có ý nghĩa. Vua yêu quý cô Étte hơn mọi phụ nữ khác. Cô được vua mến thương và ưu ái hơn mọi trinh nữ. Vì thế, vua đội triều thiên cho cô và tôn làm hoàng hậu thay thế bà Vátti… Ai sánh tày Thượng Đế Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời, cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất? Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý. 
Nhiệt thành phụng sự Chúa, với lòng khao khát đón nhận tình yêu và ân sủng của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Âutinh nói: Chúng ta có thể phân vân tại sao Đấng đã biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta xin, lại còn dạy chúng ta phải cầu nguyện. Vậy, chúng ta phải hiểu rằng Chúa là Thiên Chúa chúng ta không cần chúng ta tỏ ý muốn của chúng ta cho Người biết, vì Người không thể không biết; nhưng Người muốn dùng việc cầu nguyện để kích thích lòng khao khát của chúng ta, hầu chúng ta có thể lãnh nhận ơn Người sẵn sàng ban… Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta. Bấy giờ các ngươi đến cầu nguyện với Ta, Ta sẽ nhậm lời các ngươi. Chính Ta biết kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng. 
Nhiệt thành phụng sự Chúa, bằng lòng trông cậy vững vàng vào tình thương và ơn cứu độ của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia nói: Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 32, vịnh gia cho thấy: Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài. Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thư Hípri kêu gọi: Ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần. 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Chúa đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống vì chúng ta. Tình yêu và ân sủng Chúa luôn sẵn có, luôn đổ tràn trên chúng ta. Mưa có lớn đến đâu cũng không thể tưới cho cây không có rễ, ân sủng của Chúa dồi dào cỡ nào, cũng chỉ đến được với những ai muốn đón nhận. Lòng khao khát hưởng ơn cứu độ của Chúa, chính là rễ cây để chúng ta hút lấy nguồn nước hằng sống của Chúa. Ước gì chúng ta biết trung tín và quảng đại, sẵn sàng dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân đến liều mất mạng sống mình như Chúa. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
===============
Suy niệm 3
Ngồi Bên Tả Bên Hữu Chúa          
Is 53,10-11; Dt 4,14-16; Mc 10,35-45
Trong khung cảnh Thầy trò trên đường lên Giêrusalem hôm nay (đường đi chịu chết) làm các môn đệ kinh hoàng, những người theo sau cũng phải sợ, Thầy báo trước cuộc tử nạn kinh hoàng như vậy, mà hai anh em nhà Gioan lại mặc tình đòi ngay danh vọng, địa vị khi Thầy được vinh quang: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” (Mc 10,37). Thật đau lòng cho Thầy, nói ra cuộc tử nạn khổ hình sắp đến mà môn đệ không đồng cảm xót xa, lại còn vội vã tính chuyện “xôi thịt”, trục lợi cho bản thân. Đã vậy, mười ông kia nghe thấy lại còn tức tối với hai anh em Gioan, vì ganh tị và muốn giành quyền, đấu tranh để làm đầu và được người khác phục vụ. Thầy phải nén đau, gọi các ông mà ân cần chỉnh huấn: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10,42-44). Nghe đến đây chắc các ông bị chưng hửng, mộng vàng tan mây như bong bóng xà phòng.
Ngày nay chúng con nghe vẫn khó quá, ai cũng muốn làm người điều hành, được người khác phục vụ, kính nể, nên chẳng dễ mấy ai muốn làm lớn theo kiểu của Thầy, lớn Tình Yêu. Kiểu lãnh đạo của Thầy là cúi xuống rửa chân cho người mình lãnh đạo. Thầy là Tình Yêu nên Thầy sẵn sàng cúi xuống, làm đầy tớ cho cả kẻ làm hại mình. Thầy không chỉ dạy trên môi, nhưng chính Thầy đã đến để phục vụ và hiến dâng cả mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Con người hèn mọn chúng con thì lại thích lên cao, chứ bị đánh giá thấp là khó chịu lắm rồi, làm sao đủ tình yêu để cúi xuống với người anh em kể là yếu kém? Nhưng nếu chúng con gặp được Chúa, mở lòng đón Chúa vào trong con người thích “làm lớn theo kiểu thế gian” này, thì chính Chúa sẽ phục vụ, hiến dâng, sẽ làm đầy tớ mọi người trong con người của chúng con. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Chúa ơi! ngày nay nếu thực sự sống trong Chúa như cành nho gắn chặt với thân cây nho, thì chúng con không chỉ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa, mà còn được “ở với, ở cùng, ở trong” Chúa nữa. Xin mở mắt con để con nhận ra và tận hưởng niềm hạnh phúc này, không phải mai sau, mà ngay trong cuộc sống hiện tại hôm nay. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Suy niệm Tin Mừng Khánh nhật Truyền giáo và Chúa nhật 29 TN B
Suy niệm Tin Mừng Khánh nhật Truyền giáo và Chúa nhật 29 TN B
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19.20a).
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log