Thứ năm, 21/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXX Thường niên B

Cập nhật lúc 10:58 24/10/2024

Suy niệm 1

ĐÔI MẮT TÂM HỒN
Mc 10, 46-52
Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ca khúc “Đôi mắt” với ca từ thật dễ cảm và ý nghĩa thật sâu xa: Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên. Mẹ cho em đôi mắt màu đen, để thương để nhớ, để ghen để hờn. Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn, là bài thơ hay nhất, là lời ca không dứt, là tuyệt tác của thiên nhiên… Thi sĩ Lưu trọng Lư cũng đã viết hai câu thơ thật đẹp về tình yêu trong đôi mắt: “Mắt em là một dòng sông. Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em”.
Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Đôi mắt là vẻ đẹp tuyệt vời mà Thiên Chúa làm nên cho con người, để nhìn ngắm biết bao điều huyền diệu trong thế giới. Không có gì đau khổ và bất hạnh cho bằng bị mù lòa. Quả thật, người mù đã không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không được nhìn ngắm người thân bạn bè, mà còn bị mặc cảm lệ thuộc kẻ khác, sống bên lề xã hội.
Bài Phúc Âm hôm nay kể cho ta nghe về anh mù Báctimê, “ngồi bên vệ đường” ăn xin, nghe biết Đức Giêsu đi qua, anh thống thiết kêu van: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh càng kêu to: “Hỡi con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Đức Giêsu đứng lại và cho gọi anh đến. Anh sung sướng, liệng áo choàng, đứng phắt dậy và đến với Ngài. Báctimê tuy mù đôi mắt thân xác nhưng lại sáng đôi mắt tâm hồn. Anh thấy điều mà người sáng mắt không thấy. Anh thấy Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế nên gọi Ngài là “con vua Đavít”; anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt. Sự thật đã xảy ra như thế. Anh được sáng mắt và bước đi theo Chúa. Như vậy, bất hạnh lớn nhất không phải là bị mù, mà là có mắt nhưng lại không nhìn thấy những điều cao trọng và huyền diệu mà Chúa đã làm nên cho ta.
Xem ra trước khi có được ánh sáng bên ngoài, thì anh đã có được ánh sáng bên trong, ánh sáng của tâm hồn, cũng là ánh sáng đức tin. Nhưng đó không phải là chuyện tự nhiên, mà anh đã kiên trì tìm kiếm và chờ đợi bao năm. Anh ta không ngã lòng, không buông xuôi, không than trời trách đất, không buồn chán vì thế thái nhân tình, mà trái lại, còn chủ động và tích cực tìm kiếm cơ may cho đời mình. Khi muốn đến với Chúa anh ta còn bị cản trở bởi đám đông, họ miệt thị anh ta, muốn bịt miệng anh ta. Quả là một đám đông vô tâm, vô cảm.
Con người ngày nay đã có một ý thức sâu xa về nhân phẩm, nhưng xem ra cũng chẳng hơn gì người xưa. Vẫn có một vùng tối rất đáng sợ trong tâm hồn con người che mất sự hiện diện của Thiên chúa, mà Thánh Gioan Phalô II đã từng gọi tên nó là “lối sống vô cảm”, không còn động lòng trắc ẩn trước những đau khổ của anh chị em mình. Lạ thay, đứng trước sự vô cảm của đám đông, người mù Báctimê vẫn không mặc cảm, không tự ái, không buồn phiền hay thù hằn những người cấm cản anh ta đến với Chúa, nhưng càng tỏ ra bản lãnh và vững vàng hơn nữa trong sự kêu cầu và tin tưởng. Sự kiên trì và lòng kiên quyết đã giúp anh vượt qua sự ngăn chặn của đám đông, và thoát khỏi vòng tăm tối của cuộc đời, để vươn tới miền ánh sáng. Lòng tin quyết liệt vào Đức Giêsu đã đưa anh vào khung trời an vui và hạnh phúc.
Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian, Ngài đến không nhằm chữa lành đôi mắt thân xác cho bằng đem lại ánh sáng cho đôi mắt tâm hồn. Ngài đã mở mắt cho Giakêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài để rồi ông tự động đem phân nửa tài sản mình phân phát cho người nghèo (Lc 9, 1-10). Ngài mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm để sống một đời sống mới (x. Lc 7, 36-50). Ngài mở mắt cho người trộm lành để anh ta nhận ra lòng Chúa xót thương, để rồi nhờ sám hối và tin cậy mà anh được hưởng ngay phúc thiên đàng (Lc 23, 32-43). Và đừng quên rằng, Chúa đang tiếp tục làm như thế trên đời sống của mỗi người chúng ta. Vấn đề đặt ra là chúng ta có khao khát tìm kiếm Chúa hay không, có tin vào quyền năng Chúa không?  
Có bao điều đang che phủ đời sống ta, đang ngăn chặn ta, đang lôi kéo ta. Ngoài ra, đau ốm, tật nguyền còn có những “cám dỗ” riêng của nó dễ khiến ta thất vọng. Nhưng dù sống trong tình trạng nào thì cũng cần nhận ra sự mù tối, cứng đọng hay sự lệch lạc của tâm hồn mình, để ta can đảm đến với Chúa như anh mù Báctimê, xin Ngài khai quang mở lối cho ta tiến đến một đời sống mới trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Ngài. Vì “Chính nhờ ánh sáng của Chúa, mà chúng ta được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10). Dưới ánh sáng đức tin thì mọi tối tăm đang được khai mở trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Chúa cho con đôi mắt thật tuyệt vời,
có nhiều khi đôi mắt nói thay lời,
diễn tả tâm tư tình cảm ở mọi nơi,
làm sáng lên khuôn mặt vẻ rạng ngời.

Đôi mắt như cửa sổ của tâm hồn,
trái tim thứ hai tinh tế rất đa ngôn,

cười hay nói có thể là giả dối,
nhưng đôi mắt là biểu hiện thật lòng.

Đôi mắt có mọi cung bậc của cảm xúc,
cho thấy ý nghĩa hiện diện trong từng lúc,
thấy rõ được tình ngay hay ý gian,
thấy được điều sâu xa hay nông cạn.

Mỗi sớm mai con vui mừng thức dậy,
hạnh phúc đầu ngày được mở mắt ra,
để nhìn thấy bao nhiêu điều mới lạ,
thấy người thân và vũ trụ bao la,
thấy anh em và tình nghĩa mẹ cha,
con hớn hở cất lời kinh cảm tạ.

Đôi mắt thân xác quả thật tuyệt vời,
nhưng vẻ đẹp ấy cũng chỉ tạm thời,
Chúa còn cho đôi mắt của đời đời,
là đôi mắt đức tin nhìn thấy Chúa,
đang sống và hành động ở mọi nơi,
cả những khi đời chơi vơi tăm tối.

Nhưng đôi mắt tâm con còn mờ tối,
xin Chúa dủ thương soi đường mở lối,
vượt thoát ra khỏi tội lỗi phủ vây,
khỏi những thứ giả hình và che đậy,
để thấy Chúa đang đến với con đây,
và đang làm mới lại cuộc sống này. Amen.

Lm. Thái Nguyên

===============

Suy niệm 2
“ĐỨC TIN CỨU CHỮA CON!”

Mỗi lúc gặp cảnh gian truân khốn khó, chúng ta thường nghĩ mình là người bất hạnh nhất trần đời này, chẳng ai có thể khổ hơn bản thân ta nữa! Nhưng câu nói chúng ta vốn thường nghe: nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống hơn cả tá người!!! ít nhiều đánh động. Sao ta lại cứ ‘nhìn lên’ và ‘nhìn xuống’, mà không ‘nhìn thẳng’ và ‘nhìn xung quanh' chúng ta chứ?
Quả thật, chúng ta còn quá may mắn khi chứng kiến anh người mù Bar-ti-mê trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Chúng ta còn có cả đôi mắt đẹp, không chỉ tận hưởng vẻ đẹp chung quanh, mà có khi còn hút hồn người khác nữa. Chúng ta còn có đôi mắt sáng trong, tinh tường, nhìn ra mọi thứ trong đời. Chúng ta còn có đôi mắt tinh thông, giúp mình phân biệt phải trái, đúng sai, v.v…Tuy đôi mắt thể xác khoẻ mạnh, anh minh, nhưng với một ý nghĩa nào đó, đôi mắt đức tin của chúng ta có khi đang dần mù loà, đang mất đi thị lực, đang phai mờ vì còn nhiều đam mê thế tục, bao phen quên sống đạo, chỉ muốn ‘lau chùi cho đức tin bóng loáng, rồi cất giữ trong tủ kính’, mà chẳng buồn ‘thắp sáng ngọn nến đức tin ấy’ qua việc cầu nguyện và thực thi bác ái. Như vậy, hơn ai hết, chúng ta cần học đòi tâm tình đơn sơ, tín thác của anh khiếm thị Bar-ti-mê, dám kêu lớn tiếng cầu xin Đức Giê-su chữa lành, dẫu ngoài kia những người xung quanh có thể vì không hiểu chuyện mà ngăn cản chúng ta: “Hỡi ông Giê-su con vua Ða-vít, xin thương xót tôi…Hỡi con vua Ða-vít, xin thương xót tôi” (Mc 10, 47. 48).
Thoạt nhiên tôi nhớ đến một giai thoại ‘xưa hơn trái đất’ về chàng thanh niên thích chơi trội lập dị, muốn khác người. Cứ mỗi buổi chiều, anh mang ‘chiếc dù bay’ lên ngọn núi khá cao, để nhảy xuống một thung lũng kỳ bí hiểm nguy, hòng thoả chí đam mê mạo hiểm của mình. Nhưng thật không may, khi chuẩn bị gieo mình xuống, thì anh ta trượt chân, rơi tự do xuống vực. Tưởng chừng kết thúc cuộc đời này rồi, nhưng đang rơi thì anh bị vướng vào một cành cây rừng mọc chìa ra, đủ cứng cáp cứu anh thoát khỏi cơn hoạn nạn. Thế rồi anh cứ lơ lửng trên đó, nhìn lên toàn bầu trời bao la, nhìn xuống thì thung lũng tối tăm huyền bí lạ lùng, khiến anh choáng váng hãi hùng. Anh lấy hết sức bình tĩnh la to cầu cứu: Có ai trên đó cứu tôi với…với…với!!!!!! Chờ hồi lâu, chẳng một tiếng đáp lời, ngoài tiếng của anh vang vọng trở lại. Sau đó, anh bèn nhớ tới Chúa và cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứu con với! Con xin hứa sẽ làm bất cứ điều gì Chúa muốn!
Lúc ấy, anh bỗng nhiên nghe tiếng gió thổi mạnh như lời Chúa đáp: Được, Ta sẽ cứu con. Nhưng trước khi cứu, Ta muốn biết là con có thực sự tin rằng Ta làm được việc này không?
– Lạy Chúa, con tin chứ! Con tin chắc là Chúa cứu được con mà! Mau mau cứu con Chúa ơi, chân con run rẩy, đôi tay con rã rời lắm rồi, hic…hic!
Chúa liền nói với anh:
– Được, thế thì con hãy buông tay ra!
Hy vọng tràn trề, thời cơ được thoát chết đến gần, nhưng chàng thanh niên ấy vẫn bám chặt vào cành cây kia, mà không chịu buông tay. Và cứ thế, anh ta ngước nhìn qua bờ vực bên kia và la lớn: “Có ai trên đó không, cứu tôi với!’
Giai thoại trên kết thúc thế nào không quan trọng, nhưng tự ngẫm nghĩ: nhiều lần trong đời, chúng ta cũng đã rơi vào trường hợp thế này! Miệng tuyên xưng tin vào Chúa, nhưng lòng chúng ta chưa dám đặt hết vào Ngài; hơn nữa, chúng ta chưa can đảm ra khỏi sự nghi ngờ, bồn chồn, lo âu của riêng mình, mà làm theo những gì Chúa muốn, những gì Chúa nói nơi lương tâm ngay thẳng tốt lành của ta, qua các biến cố cuộc sống, kể cả qua người mà ta không ưa thích, qua các sự cố có thể chẳng may mắn giữa cảnh đời thường. Tuy nhiên, anh chàng Bar-ti-mê khiếm thị trong đoạn Tin Mừng hôm nay, đã trao phó tất cả cho Đức Giê-su, khi nghe Ngài hỏi: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” (Mc 10, 51) Anh mau mắn dâng trọn sự yếu đuối, hèn mọn, mong manh của kiếp người cho Ngài, và tín thác đáp lời: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10, 51). Thiết nghĩ, đây cũng chính lời cầu mà chúng ta nên kêu lên: Lạy Chúa, xin cho con được thấy, không chỉ bằng đôi mắt xác phàm này, mà hơn hết bằng con mắt đức tin, vốn được Chúa thương ban, nhằm tôi luyện, thánh hoá và cứu chữa con!
Vì thế, lời đáp ngắn gọn của Đức Giê-su chữa lành cho anh khiếm thị Bar-ti-mê khiến chúng ta phải nhìn lại đời sống đức tin của mình, nhìn lại đức tin của bản thân: “Đức tin anh đã chữa anh” (Mc 10, 52).
Trước hết, Đức tin tôi luyện chúng ta. Qua lời tiên tri Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa hằng tôi luyện, rèn giũa dân Is-ra-el. Tuy họ đã bất trung, bất tín, đi ngược lại giao ước với Ngài, bao phen bỏ Thiên Chúa mà chạy theo các tà thần khác, nhưng Ngài luôn rộng lòng tha thứ, chờ đợi, kêu mời trở về với giao ước tình yêu với Ngài. Tuy họ ngỗ nghịch, chống báng, giết hại các ngôn sứ của Thiên Chúa, rồi bị đi lưu đày, nhưng Ngài vẫn bên cạnh dõi theo, ghé mắt nhân từ đoái thương: “Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất…hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây” (Gr 31, 8).
Hơn nữa, Đức tin thánh hoá chúng ta. Tác giả thư gửi cho tín hữu Do Thái đã tỏ hiện một vị Thượng tế tối cao, không giống các thượng tế khác. Ngài tuy là Con Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy xác phàm, ngoại trừ tội lỗi, sống giữa chúng ta. Ngài tuy cao trọng, ngang bằng với Thiên Chúa, nhưng đã xuống thế, sống cùng với con người, chịu khổ đau, tử nạn và phục sinh: “Ngài có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc…” (x. Dt 5, 2). Tuy Ngài là Thiên Chúa, nhưng “không tự dành lấy quyền làm thượng tế” (x. Dt 5, 5), mà hằng thực thi thánh ý Chúa Cha “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” và “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê” (Dt 5, 5. 6). Nhờ Ngài, đức tin chúng ta được thánh hoá, được dưỡng nuôi và triển nở.
Sau cùng, Đức tin cứu rỗi chúng ta. Đúng như lời Đức Giê-su phán với anh Bar-ti-mê: “Đức tin anh đã chữa anh” (Mc 10, 52). Nhờ vào đức tin trọn vẹn, niềm cậy trông hoàn toàn vào Ngài, mà anh ấy được giải thoát khỏi bệnh hoạn, tật nguyền, khỏi những khiếm khuyết hằn sâu trong tâm hồn cũng như thân xác. Cũng vậy, nhờ đức tin vào Con Thiên Chúa, mà chúng ta được cứu chuộc với chính giá máu của Ngài. Ước gì, đức tin này luôn giúp chúng ta gạn đục khơi trong, nâng đỡ chúng ta biết nhận ra bàn tay che chở, quan phòng của Chúa trong đời sống hằng ngày. Và với đức tin ấy, chúng ta dám bước ra khỏi con người yếu hèn của mình, mà can đảm sống đức ái, cùng đặt niềm trông cậy kiên vững nơi Ngài.
Lạy Chúa, thân con - người hành khất
Có đôi tai, mũi mắt bình thường
Nhưng tâm hồn sao thê lương
Đức tin đưa lối tựa nương nơi Ngài.

 Dẫu hiện tại, tương lai phía trước
Có Ngài luôn cùng bước trung kiên
Đời con theo Chúa nhân hiền
Đức tin cứu chữa, luyện rèn ngày đêm
. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

===============

Suy niệm 3
TIN MỪNG LÀM SÁNG TỎ PHÚC TRƯỜNG SINH

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 30 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa cho chúng ta được thêm lòng tin cậy mến, và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban.
Yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan, vì thế, ta hãy tuân giữ những gì Chúa truyền dạy để được khôn ngoan, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khôn Ngoan cho thấy: Thần Khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất. Đức Khôn Ngoan mà tất cả các bậc thánh hiền của dân Ítraen tìm kiếm liên kết chặt chẽ với sự sống. Chỉ có tội lỗi mới gây nên cái chết. Chân lý này được nhắc lại không ngừng, nhưng ở đây mang một ý nghĩa mới: Thiên Chúa đã tạo thành mọi sự, để mọi sự hiện hữu, và đối với các bạn hữu của Chúa thì cái chết chẳng có quyền gì. Hạnh phúc thay người được trí khôn ngoan. Khôn ngoan quý hơn cả trân châu, không bảo vật nào so sánh nổi. Đường khôn ngoan là đường thú vị, nẻo khôn ngoan là nẻo an bình. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt. 
Yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, để được sống trong ân sủng và tình thương quan phòng của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Cơlêmentê I nói: Chúa thi ân cho mọi loài, khi dựng nên trời đất trong trật tự hài hòa. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Thiên Chúa là Cha toàn thể vũ trụ và là Đấng tạo thành vạn vật; hãy giữ vững ơn bình an cao quý vô song và các ân huệ khác Người ban cho chúng ta… Lạy Chúa Tể trời đất, Đấng sáng tạo ra nước, Vua muôn loài thụ tạo, xin lắng nghe lời tôi tớ Chúa khẩn cầu. Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa trên trời, xin Chúa thấy cho, xin thương xót chúng con đang phải nhục nhã.
Yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, bởi vì, Đức Kitô, vị Thượng Tế của chúng ta, đã vâng lời Chúa Cha, hiến tế chính mình để đền thay tội lỗi cho chúng ta, Người đã giải thoát chúng ta, là những tù nhân, khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, và dẫn đưa chúng ta về với Chúa Cha, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia: Kẻ đui, người què, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa về. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 125, vịnh gia cho thấy: Khi Chúa dẫn tù nhân Xion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán: Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay! Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thư gửi tín hữu Hípri nói: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Trong bài Tin Mừng, anh mù đáp: Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được. Đức Kitô đã dùng chính máu của Người đổ ra trên thập giá để tiêu diệt thần chết. Đây là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại, Tin Mừng là chính Đức Kitô đã qua đau khổ, mà đạt tới vinh quang bất diệt. Chính Người đã mở đường cho chúng ta, nếu chúng ta tin tưởng bước theo Người trong đau khổ, ắt chúng ta sẽ được cùng ở với Người trong vinh quang. Anh mù Batimê đã hoàn toàn tin tưởng vào Đấng Cứu Độ của mình, anh đã lớn tiếng kêu xin, đã vứt bỏ chiếc áo choàng, là phương tiện để anh nhận của bố thí hằng ngày, và sau khi được chữa lành, anh đã đi theo Đức Giêsu trên con đường Người đi: con đường thập giá, con đường sinh ơn cứu độ cho anh. Ước gì chúng ta cũng biết kêu xin Chúa chữa lành đôi mắt đức tin của chúng ta, để chúng ta có thể nhìn thấy Chúa trong những nghịch cảnh đau thương của cuộc sống hằng ngày, xin Chúa cho chúng ta được thêm lòng tin cậy mến, và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu, chúng ta đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

===============

Suy niệm 4
Niềm vui có Chúa
(Mc 10, 46-52)
Đặt mình vào hoàn cảnh của nhà Giacóp, cụ thể là dân Israel và Ephraim, hay của chính anh Bartimê con ông Timê trong Tin Mừng Marcô hôm nay, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui có Chúa. Có Chúa là Cha, chúng ta là con, Cha lo cho con cái. Có Chúa mọi sự sẽ trở nên tốt lành.
Chúa là niềm vui của Israel
Khi dân Israel bị bắt đi lưu đày ở Babylon trở về, người trung thành với Chúa chỉ còn là số ít, họ quá yếu đuối, nghèo nàn và dễ bị tổn thương, đến nỗi không có phương tiện trở về, từ phương Bắc không thể tự giải thoát. Họ là những kẻ trở về để xây dựng đất nước: "trong chúng có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ". Bàn tay xây dựng lại Israel là những kẻ đui mù, chứ không phải các thanh niên cường tráng! Làm thế nào họ có được khả năng xây dựng lại quốc gia? Thanh niên, người khoẻ mạnh đã bị đế quốc tiêu diệt trong các lao động khổ sai. Họ phải cáng đáng công việc xây dựng lại quê hương.
Trong lúc cùng đường bế tắc như thế Giêrêmia tuyên sấm : Đây Chúa phán: Hỡi Giacóp, hãy hân hoan vui mừng! " (Gr 31, 7). Không thể vui mừng sao được khi mình đang đui mù, què quặt, mang thai nay có được Thiên Chúa toàn năng trợ giúp dẫn dắt trở về: "Đây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây" (Gr 31, 8). Theo Dianne Bergant: "Phụ nữ mang thai và các bà mẹ tuy yếu ớt, dễ bị tổn thương nhưng cũng là biểu tượng của phong phú và hy vọng. Họ nắm giữ tương lai trong bản thân mình. Khi họ rời bỏ chốn lưu đày về đất hứa, họ mang theo khả năng sinh sản và khởi sự một tương lai mới".
Đúng là người công chính, đạo đức thực thi công bình, bác ái, sống thánh thiện siêu nhiên, mặc cho thế giới này sa đoạ đến đâu, mặc cho gièm pha độc ác của kẻ giả hình, những vẫn khao khát tìm gặp và cậy dựa vào Chúa, người ấy sẽ có được niềm vui lớn lao. Anh mù thành Giêricô, tên là Bartimê trong Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng.
Chúa Giêsu là niềm vui của anh Bartimê
Anh Bartimeê mù loà, nghèo khổ, gặp được hạnh phúc thật nhờ Chúa Giêsu. Anh thiếu hai điều: cái nhìn thể lý và khả năng tìm kiếm công ăn việc làm để kiếm sống, nên buộc anh phải đi ăn xin. Anh cần sự giúp đỡ và anh ngồi bên vệ đường lối vào thành Giêricô, nơi có nhiều người qua lại.
May mắn cho anh, một hôm chính Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một số người khác đã đi ngang qua đó. Chắc chắn anh mù đã từng nghe nói về Chúa Giêsu, là Đấng đã làm nhiều phép lạ, Đấng ấy đang đến gần anh ta, chớp thời cơ, anh kêu lên : "Hỡi Con vua Davít, xin thương xót tôi!" (Mc 10, 47). Đối với những người đang đi theo Chúa thì tiếng kêu của anh mù thật khó chịu. Nhưng lời kêu xin lớn tiếng của anh chứng tỏ anh khao khát gặp Chúa lắm. Lời ấy vang tới tai và động đến tâm hồn Chúa Giêsu. Người muốn đáp ứng lời van xin của anh mù ăn mày này, nên truyền gọi anh đến đến và chữa lành anh ta. 
Lập tức anh mù được đối diện với Con vua Đavít. Giây phút quyết định là sự khát khao gặp gỡ cá nhân, trực tiếp, giữa Chúa với người đang đau khổ. Hai người đối diện nhau: Thiên Chúa với ý muốn chữa lành và con người với ước ao được chữa lành. Hai sự tự do và hai ý chí đều huớng về một điểm. Cuộc đối thoại bắt đầu kẻ hỏi người thưa, "Chúa Giêsu nói với anh: " Anh muốn Ta làm gì cho anh? "Người mù đáp: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy" Chúa ra lệnh: "Con hãy đi! Ðức Tin con đã cứu chữa con!" (Mc 10,51) Lập tức Chúa Giêsu cho anh thấy, anh hết sức vui mừng và đi theo Chúa.
Anh đã đổi đời khi quyết định chọn cho mình một lối đi mới là đi theo Chúa Giêsu trên chính con đường của Chúa chứ không còn theo con đường của anh từ nhà đến vệ đường mà anh đã gắn chặt nhiều năm để làm kế sinh nhai. Anh buông bỏ vệ đường, áo choàng, bỏ lại sự bám víu vào lòng hảo tâm của người qua kẻ lại… để bám chặt lấy Chúa Giêsu. Động lực đời anh không còn ngồi ăn nữa nhưng là vui bước bên Giêsu. 
Gặp gỡ Đức Ki-tô biến đổi cuộc đời mình
Anh Batimê đã gặp gỡ Giêsu, một cuộc gặp gỡ tuyệt đẹp và đáng giá vì làm thay đổi tận căn cuộc đời anh. Anh có nhiều khát vọng, nhưng một khát vọng trung tâm và chủ đạo chi phối đời anh là gặp Chúa Giêsu. Đời sống của chúng ta cũng vậy, khát vọng Thiên Chúa của ta phải là khát vọng hướng dẫn mọi khát vọng khác. Nếu không, thân xác, tâm trí, tâm hồn và linh hồn ta sẽ trở thành kẻ thù của nhau và đời sống nội tâm của ta trở nên hồn độn, đưa ta tới chỗ thất vọng.
Nếu ta chúng ta nuôi dưỡng khát vọng gặp Chúa Giêsu, thì khao khát đó sẽ được chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Chỉ có lòng khao khát gặp gỡ và sự chờ đợi lâu ngày mới cảm nhận niềm vui có Chúa và để Chúa biến đổi đời ta.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

===============

Suy niệm 5
“KÌA, NGÀI GỌI ANH!”
“Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”.
“Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp!”, “Aide-toi, le ciel t’aidera!” - Ngạn ngữ Pháp.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể chuyện một thanh niên, tuy mù loà, nhưng đức tin của anh thật ngời sáng. Anh đã tự giúp mình; và sau đó, không chỉ trời giúp anh, mà người cũng sẽ giúp anh. Họ nói với anh, “Kìa, Ngài gọi anh!”.
Bartimê, một người ăn xin, đủ sắc sảo để biết rằng, anh không nên gây ồn ào cho những ‘khách hàng’ của mình; tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đi qua, anh không thể im lặng. Cả khi bị ‘khách hàng’ quở mắng, anh vẫn la lên, “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Với niềm tin mạnh mẽ, Bartimê tin rằng, ông Giêsu ấy có thể thay đổi số phận của anh. Vì vậy, không ai và không gì có thể cản ngăn việc anh gặp Ngài. Người ta càng ngăn cản anh, anh càng kêu lớn. “Đó là tiếng nói của một trái tim nhân loại đang kêu lên; và tất cả chúng ta đều có tiếng nói này tự bên trong. Một tiếng nói phát ra tự nhiên mà không cần ai tác động, một tiếng nói tự hỏi về ý nghĩa hành trình của mỗi người trên trái đất này, nhất là khi chúng ta thấy mình đang ở trong bóng tối, “Lạy Chúa, xin thương xót con!”. Đây quả là một lời cầu nguyện đẹp nhất!” - Phanxicô.
Nhiều lần, chúng ta phàn nàn - tôi không biết cầu nguyện thế nào? Hãy học anh mù! Anh liên tục kêu van Chúa Giêsu và bày tỏ tất cả những gì anh ta cần chỉ trong một vài từ. Nếu bạn thiếu đức tin, hãy nói, “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con!”. Nếu những thành viên trong gia đình hay các thân hữu của bạn đã ngừng thực hành đức tin Công Giáo, hãy cầu nguyện cho họ, “Lạy Chúa, xin giúp họ nhìn thấy!”. Đức tin có thực sự quan trọng đến thế không? So với thị giác thể chất, thị giác thiêng liêng - đức tin - quan trọng hơn bội phần! Trong khi tình trạng của người mù thật đáng thương, thì hoàn cảnh của một người không tin còn đáng thương hơn! Hãy nói với họ, “Kìa, Ngài gọi anh! Bạn hãy trình bày nhu cầu của bạn, và Chúa Giêsu sẽ đáp ứng bạn một cách hào phóng!”.
Israel - dân Chúa - cũng đã nói cho các dân ngoại xưa, “Kìa, Ngài gọi các anh!”; và họ đã hân hoan khi cảm nhận được lòng thương xót của Ngài, “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui!” - Thánh Vịnh đáp ca. Giêrêmia đã thấy trước ngày hân hoan đó, “Kẻ đui, người què, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa về!” - bài đọc một.
Anh Chị em,
“Kìa, Ngài gọi anh!”. Như Bartimê bên lề đường, bao người giờ đây đang ở bên lề xã hội hay ‘bên lề cuộc đời’ của chính họ cần lắng nghe những lời động viên phấn khích và hy vọng này! Đó là những con người bệnh tật phần hồn, đau đớn phần xác; những người thất nghiệp, tuyệt vọng; những người lung lạc đức tin hay những người đang đắm chìm trong tội lỗi… Và thật bất ngờ, con người khốn khổ đó có thể là mỗi người chúng ta. “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp!”. Như anh mù, hãy đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, chạy đến với Ngài và la lên, “Lạy Chúa, xin thương xót con!”. Hãy vứt lại ‘những chiếc áo vướng bận’ để đến với Ngài; và chắc chắn, chúng ta cũng sẽ hưởng nhận những gì cần thiết để tạo nên một sự khác biệt!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin chữa mắt tâm hồn của con, hầu con có thể ‘rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu’ khi con nói với anh chị em con, “Kìa, Ngài gọi anh!””, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

===============

Suy niệm 6
Lòng Tin Muốn
Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52
Khi Đức Giêsu đến Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Anh ấy bị mù chẳng nhìn thấy gì nên lúc nào cũng nghe nghe ngóng ngóng. Trời cho người mù mắt lại thính cái tai, thoáng nghe thấy đám đông đi qua, anh đã hỏi ngay xem có chuyện gì. Họ mới chỉ báo cho anh là có “Đức Giêsu Nadaret đang đi qua. Anh vội kêu toáng lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10,47). Những người sáng mắt chỉ biết đó là ông Giêsu Nadaret, còn anh mù này lại “sáng” từ bên trong. Điều hay ở đây là anh nhận ra và kêu cứu Ngài bằng danh hiệu của Đấng Mêsia, “Đấng sẽ mở mắt cho người mù (Is 35,5), nên mới vừa xin vừa tuyên xưng như vậy. Mặc cho họ quát nạt cản trở, anh càng la to hơn, khiến Đức Giêsu dừng lại, Ngài cho gọi anh đến hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,51a). Anh tỏ bày điều ước của mình mà xin với Ngài. Ngay tức khắc Ngài cho anh nhìn thấy được và Ngài khẳng định “lòng tin” của anh đã cứu chữa anh. Vâng, bởi lòng muốn tha thiết và đức tin mạnh mẽ mà anh được đổi đời. Anh đang chìm trong bóng tối bỗng được nhìn mọi người mọi vật rõ ràng sáng tươi, anh còn bắt đầu một tương lai tươi sáng hơn nữa và đi theo Người trên con đường Người đi.
Lòng muốn và đức tin mạnh mẽ đã giúp anh mù vượt qua những rào cản, làm khó dễ của một số người mà đến với Chúa, để có “cuộc gặp gỡ hồng phúc” và anh được chữa lành. Anh trở về trong ánh sáng mới và gắn bó đi theo Chúa luôn. Đức Giêsu có thêm một môn đệ mới.
Ngày nay chúng con, những người sáng con mắt thể lý nhưng nhiều khi lại mù tối tâm linh, trong đường đi lối sống nên không nhận ra, không “thấy” Chúa và cũng chẳng thấy anh em. “Kẻ không thấy lại được thấy, còn kẻ thấy lại hóa đui ”. (Ga 9,38b).
Lạy Chúa! xin cho con luôn vững tin có Chúa trong mọi hoàn cảnh, biến cố cuộc đời. Xin cho con luôn thiết tha tìm gặp và gắn bó với Chúa. Chúa sẽ dắt dìu con đi qua đêm đen, đưa con tới miền ánh sáng huy hoàng của tình yêu Chúa. Con sẽ hân hoan bước theo Chúa từng ngày, vừa đi vừa ca khen Thiên Chúa là Đấng cứu độ con.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log