Suy niệm 1
‘THỨC’ NHƯNG KHÔNG ‘TỈNH’, ‘CẦU’ NHƯNG CHƯA ‘NGUYỆN’
Cứ vào dịp Mùa Vọng, ai ai trong chúng ta đều thuộc nằm lòng câu Kinh Thánh: “
hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21, 36). Và câu này nhắc nhở chúng ta nhớ tới tinh thần của Mùa Vọng, mùa hồng ân ‘sửa lại đời sống’, ‘sửa lại cách sống’, ‘canh tân đức tin’, là mùa trông mùa đợi, dọn lòng sẵn sàng chờ đón ngày Chúa quang lâm.
Mặc dù vậy, nhưng không ít người trong chúng ta vẫn chỉ nghĩ đơn giản: Mùa Vọng là mùa chuẩn bị hang đá, trang trí cây Giáng sinh, mua thiệp tặng quà, dự các buổi hát thánh ca, tiệc tùng, và tham dự Thánh lễ đêm Giáng sinh. Nếu chúng chỉ dừng lại tại những điểm này, mà quên đi cốt lõi của tinh thần Mùa Vọng, thì thật tiếc cho chúng ta; vì lẽ, những người không Công Giáo, những người cho mình vô thần, không theo đạo nào, cũng nghĩ và làm như thế mà!
Vì vậy, hôm nay Giáo hội mời gọi con cái của mình gạt bỏ mọi e dè, sợ hãi, lối nghĩ thiển cận hạn hẹp trên mà dốc tâm bước vào tâm tình sâu sắc của Mùa Vọng, đó là: Tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. Các bài đọc Phụng vụ hôm nay đều hướng chúng ta đến điều đó. Qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ cho dân Is-ra-el. Ngài xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, thuộc gia tộc Giu-đa: “
Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Đa-vít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở” (Gr 33, 15), và Ngài chính là “
Thiên Chúa, Đấng Công Chính…” (x. Gr 33, 16).
Lời hứa trung tín này đã được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô qua mầu nhiệm Nhập Thể. Vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã xuống thế, đi vào thế giới của con người, và mặc lấy xác phàm và ‘ở giữa chúng ta’. Tuy thời gian tại thế ngắn ngủi, nhưng Ngài đã hoàn tất sứ vụ rao giảng Nước Trời, trao lại sứ mệnh hệ trọng này cho các Tông đồ, và trước khi lên trời, Ngài đã căn dặn mọi điều, hứa ban Đấng Bầu Cử khác (Chúa Thánh Linh) xuống trên họ, để nâng đỡ họ thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho đến ngày tận thế. Vì lẽ đó, Mùa Vọng không phải là thời khắc trông chờ lễ Giáng Sinh nữa, mà là thời cơ dọn lòng, chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa đến trong ngày Quang lâm. Nói thế không phải để hạ thấp hay bỏ qua lễ Giáng Sinh, mà đúng hơn, đây còn là dịp giúp chúng ta chiêm ngắm Con Chúa đã khiêm hạ giáng sinh trong đêm lạnh giá băng, mặc lấy xác phàm, trở nên nghèo khó,…ngõ hầu cho chúng ta nhận ra tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Một tình mến vô bờ bến, vô điều kiện, trao ban nhưng không cho con người, nâng đỡ chúng ta cảm nghiệm - đón nhận và trở nên người biết cảm thông, nhân hậu, khoan dung, thương xót…như Ngài.
Thế nên, khi bước vào chặng đường dọn lòng, sửa lối, thay đổi mình, hầu sẵn sàng khi Chúa đến trong vinh quang, thì chúng ta không chỉ dừng lại vẻ tráng lệ đèn hoa rực rỡ bên ngoài, không chỉ dừng lại ở tiệc tùng, những dự định phù phiếm chóng qua với nhiều đam mê, thú vui, khoái lạc của trần thế này; hơn hết, chúng ta nên mặc lấy tinh thần “tỉnh thức và cầu nguyện luôn” như Thánh Phao-lô Tông đồ đã khuyên răn, căn dặn giáo đoàn Thes-sa-lô-ni-ca để tâm đến việc gia tăng lòng mến với nhau, đồng hành cùng thăng tiến trong đời sống đạo: “…
xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người…để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa…” (x. 1Tx 3, 12-13). Thánh nhân chỉ dẫn các tín hữu và chúng ta phải “
biết sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, …xin anh em cứ tiến bước thêm nữa” (x. 1Tx 4, 1). Vậy, chúng ta nên ‘tỉnh thức’ trước đam mê, trước những gì mà khiến chúng ta xa lìa huấn dụ trên. Chúng ta nên ‘thức tỉnh’ với mọi tư tưởng, ý nghĩ, lời nói, hành động gây tôn thương, ảnh hưởng đến đức bác ái, khiến đức cậy nhạt nhoà, và làm đức tin phai mờ, lạnh tanh. Chúng ta nên ‘thức tỉnh’ thoát khỏi biết bao cơn mê dài đăng đẳng trong bóng đêm tội lỗi, trong giận hờn, ghét ghen, lề thói xấu xa. Cùng với tinh thần ‘tỉnh thức’ ấy, chúng ta không ngừng cầu nguyện. Cầu nguyện thật sự giúp chúng ta luôn ‘tỉnh thức’ trước mọi việc, mọi điều khiến chúng ta xa rời Chúa.
Tuy nhiên, thực tế cho ta biết một sự thật phũ phàng, đó là: nhiều người trong chúng ta ‘tỉnh’ nhưng không ‘thức’, và ‘cầu’ nhưng chưa ‘nguyện’. Chúng ta tỉnh táo nhận biết, phân định đó, nhưng lại không dám ‘thức tỉnh’ để rời bỏ những gì trái ngược với giáo huấn, với đời sống đức tin. Chúng ta tỉnh táo nhận thức phải-trái, thiện-ác, lành-dữ, nhưng lại không mảy may bước ra, cắt bỏ nhưng điều trái nghịch, ác ý, hung tợn như trong cách đối xử với nhau nơi cộng đoàn, trong cách cộng tác phục vụ-làm việc chung, trong các mối tương quan giữa anh chị em, giữa hội đoàn, giữa cộng đoàn, giữa giáo xứ…Chúng ta tỉnh táo với mọi lời nói gây tổn thương, gây chia rẽ, xích mích, thói quen đồn thổi, dựng chuyện, khích bác, hiềm tị, ganh ghét, ‘dìm hàng’ anh chị em, nhưng lại không dám ‘thức tỉnh’ buông bỏ, thay đổi, hoán cải. Hơn nữa, rất nhiều người trong chúng ta ‘cầu xin’, nhưng chưa ‘nguyện gẫm’ lời kinh như thể ‘miệng đọc, nhưng lòng chẳng gẫm suy’. Vì thế, chúng ta chưa lãnh nhận được ơn Chúa ban, không nhận ra ơn thánh, chưa biến đổi đời mình. Chúng ta đọc kinh, cầu kinh, cầu xin, nài van…rất nhiều, nhưng chưa ‘nguyện ngẫm’ sống theo lời kinh diễn tả, chưa để lời nguyện cầu hoán cải tâm hồn, chưa để Chúa đi vào cuộc sống mình, chưa sống và thực hành theo lời cầu, hay kinh nguyện. Như thế, chúng ta sẽ khó bề giữ mình khỏi mọi sự lo lắng trần đời, tâm trí nặng nề, và làm sao ‘
đứng vững trước mặt Con Người’ (x. Lc 21, 36) được! Thật vậy, chỉ có ‘tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng’ đúng nghĩa mới giúp chúng ta “
đứng dậy và ngẩng đầu lên” khi “
Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả” (x. Lc 21, 27-28), để có thể “
đứng vững trước thiên nhan Chúa” (x. Lc 21, 36) mà thôi.
Mùa Vọng đã khởi sự Màu tím đầy ưu tư Lòng con trông chờ Chúa Dọn đường nẻo bấy lâu. Đời con lắm u sầu Bao thế sự lo âu Khai mở lòng đón Chúa Tỉnh thức và nguyện cầu. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng