Thứ hai, 23/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 32 Thường niên năm B

Cập nhật lúc 14:42 08/11/2024
Suy niệm 1
DÂNG HẾT
Mc 12, 38-44
Bài Tin Mừng mở đầu bằng việc Đức Giêsu căn dặn các môn đệ phải coi chừng lối sống giả hình của các kinh sư. Họ lợi dụng sắc phục bên ngoài để được người ta kính nể; làm ra vẻ đạo mạo để được kính phục; tỏ ra đạo đức để được kính tôn; đọc kinh cầu nguyện lâu giờ để được kính yêu, và cũng là mưu mô để nuốt gia tài các bà góa. Con người thời nào cũng hay đeo mặt nạ với nhau, ngoài việc tìm kiếm lợi lộc và danh giá thì còn muốn tạo hào quang cho mình. Cách chung, người ta muốn sống hơn những gì mình có, muốn thể hiện hơn những gì mình là: cố làm cho mình trẻ đẹp hơn nhờ trang điểm; cố cho người khác thấy mình tài giỏi hơn nhờ ăn nói; cố tạo cho mình cái dáng vẻ quí phái, trí thức, đạo đức, để thu phục tình cảm và lòng tin của mọi người.
Điều éo le là những người Đức Giêsu cảnh giác không phải là nhóm dân thường mà lại là thành phần lãnh đạo tôn giáo. Thực tế, họ thường lạm dụng danh nghĩa và chức sắc của mình để tạo một lối sống đẳng cấp, chứ không hề có chút lòng đạo đức. Thật ra đạo giáo nào cũng không tránh được những loại người này, nhưng đặc biệt thời Đức Giêsu, tình trạng tôn giáo đã bị tha hóa và xuống cấp trầm trọng, con người đã đánh mất tấm lòng, chỉ còn lại luật lệ và hình thức bên ngoài, như có lần Chúa Giêsu đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia:“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15, 8).
Đi ngược với sự tham lam và giả hình của các kinh sư là hình ảnh một bà góa nghèo, nhưng rộng lượng và đơn sơ chân thành. Đức Giêsu thấy bà rón rén đến bỏ một phần tư xu vào thùng tiền của Đền thờ. Số tiền quá ít ỏi chẳng đáng gì, nhưng Ngài gọi các môn đệ lại và cho họ biết “bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” vì đó là “tất cả những gì bà có để sống”. Trước mặt Chúa, cái nhỏ nhất lại thành cái lớn nhất, cái người ta coi là tầm thường lại trở nên phi thường.
Bà góa trong bài Tin Mừng này cũng giống như bà góa thành Sarépta trong bài đọc thứ nhất, đã dám bỏ phần ăn cuối cùng của mình để cứu giúp tiên tri Isaia, rồi sẵn sàng chờ đợi cái chết đến. Nhưng cái chết đã không đến mà là sự sống đã đến. Hành động của hai bà góa đều nói lên một đức tin phi thường. Lối đánh giá của Đức Giêsu đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về người khác. Chúng ta thường dựa vào cái bề ngoài để đánh giá đúng-sai hay tốt-xấu, mà ít khi xét đến cái giá trị cốt lõi bên trong; dựa vào số lượng công việc hay thành tích mà ít khi xét đến chất lượng hay chiều sâu của vấn đề. Bản thân ta cũng thế, xem ra vẫn bị xáo trộn trước những lời khen chê. Thích khen và sợ chê khiến ta dễ trở nên nô lệ cho dư luận, cứ phải chịu tác động của người khác, không có tự do để hành động. Hãy tập nhận diện mình dưới cái nhìn của Chúa, vì dưới lăng kính của Chúa, mọi sự đều sáng tỏ.
Thế nhưng câu chuyện bà góa nghèo bị đặt vấn đề: phải chăng cứ sống thiếu thốn nghèo nàn để được Chúa khen thưởng? Phải chăng bỏ cả những nhu cầu thiết yếu để được vào nước Trời? Chắc chắn Tin Mừng không bao giờ đề cao sự bần cùng. Đức Giêsu đến để con người được sống và sống dồi dào. Ơn cứu độ không chỉ là “phần hồn” nhưng toàn vẹn, đồng thời bắt đầu chớm nở ngay tại thế chứ không phải giấc mơ xa xôi. Tuy nhiên, với tâm hồn yêu mến, người ta muốn dâng hiến cách quảng đại, không chỉ dâng nhiều hơn mà còn là nhiều nhất. Tất cả và trọn vẹn, chính là điều Thiên Chúa muốn nơi con người. Đừng quá bận tâm việc người khác nghĩ gì về mình. Điều quan trọng là Chúa nghĩ gì về ta, ta đã sống cho Chúa như thế nào và cư xử với mọi người ra sao?
Thật ra, sự nghèo túng tự nó không đem lại hạnh phúc cho ai, nhưng hạnh phúc là vì người nghèo biết vui lòng đón nhận hoàn cảnh hiện tại, bình an sống cuộc đời thanh bạch mà không ham hố lợi lộc, và điều quan trọng là biết chờ đợi mọi sự nơi Chúa. Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến. Và như vậy mới thật là những người khôn ngoan đích thực (Lc 1, 49), một sự khôn ngoan của con cái Thiên Chúa.
Với lời khen ngợi hành động của bà góa nghèo, phải chăng Chúa Giêsu muốn cổ võ một lối sống siêu thoát, đồng thời muốn thiết lập một xã hội công chính và nền văn minh tình thương, nhờ biết cho đi và chia sẻ. Và qua đó, Ngài muốn thay đổi cái nhìn của chúng ta về giá trị nhân sinh, để hướng tới một sự sống mới trong Nước Trời. Không thể sống theo quan niệm phàm tục của người đời mà có thể vào Nước Trời, nhưng là sống theo Lời Chúa dạy, Lời đem lại cho chúng ta cuộc sống đẹp ngời và hạnh phúc muôn đời.  
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Suy niệm Lời Chúa làm cho con nhớ,
chuyện một người hành khất đi từng nhà,
chợt thấy xe của Vua đến từ xa.
biết đó là Đức Vua sắp đi qua,
niềm hy vọng trong anh bừng sáng dậy,
mong từ đây kiếp nghèo không còn nữa.

Anh đang đợi chờ Vua bước xuống xe,
sẽ ban phát cho anh nhiều vàng bạc,
để đời anh chấm dứt cảnh lang thang,
không còn phải hoang mang theo ngày tháng.

Thấy Vua đang đi tới và mỉm cười,
khiến lòng anh cảm thấy sướng vui thay,
thế nhưng Vua lại tiến đến chìa tay,
hỏi xem anh có gì đây cho Ngài?

Quá sửng sờ khiến lòng anh bối rối,
đâu thể ngờ Ngài lại đến xin mình,
thôi thì đây chỉ có hạt lúa này,
anh đành phải lấy để dâng tặng Ngài,
Vua lên xe xa khuất trên đường dài,
anh lại lang thang miệt mài như xưa.

Thế rồi khi chiều về dốc túi ra,
bất ngờ anh trông thấy một điều lạ,
giữa những hạt lúa lại có hạt vàng,
anh lặng người trong cảm xúc xuyến xao…

Lệ rưng rưng nghẹn ngào anh nhủ bảo:
phải chi tôi dâng trao hết cho Ngài,
để chẳng còn lại gì cho bản thân,
thì giờ đây đã vui sướng vô ngần.

Lạy Chúa đã bao lần con lưỡng lự,
muốn cho đi nhưng rồi lại muốn giữ,
xin cho con hoàn toàn dám buông xả,
để Chúa là tất cả của đời con. Amen.

Lm. Thái Nguyên
==============
Suy niệm 2
CHẤP NHẬN RỦI RO, DÂNG HIẾN VẸN TOÀN

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Việc dâng cúng, đóng góp xây dựng, bảo trì giáo xứ, nhà thờ là một việc lành thánh. Hơn nữa, đây cũng là nghĩa vụ và một trong 5 điều răn Hội Thánh khuyến khích chúng ta trung thành thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thường có xu hướng nghĩ đến hai thái cực: một là đóng góp theo số lượng vì nghĩa vụ mà chẳng thiết tha (không có lòng); hai là chỉ có lòng mà không đóng góp, mặc dù có khả năng!!!
Thật ra, Lời Chúa hôm nay không nhắm tới hai chiều hướng trên, mà vượt lên đòi hỏi chúng ta biết hy sinh, sẻ chia những gì dù quý giá nhất, chia san thậm chí khi phải chấp nhận rủi ro đến cuộc sống của mình.
Điều này thể hiện rõ nét qua một điểm chung mà chúng ta có thể thấy ở hai bà goá trong bài đọc I và Phúc Âm hôm nay là: dám chấp nhận rủi ro, kể cả mạng sống mình mà hy sinh, chia san, dâng cúng như sách các Vua trình bày “Có Đc Chúa, Thiên Chúa hng sng ca ông, tôi th là tôi không có sn bánh, tôi ch còn mt nm bt trong hũ vi mt ít du trong bình. Này đây tôi lưm vài que ci v nu cho tôi và con trai tôi ăn, ri chết thôi” (1V 17, 12) và Tin Mừng theo Thánh Mác-cô viết “…còn bà này đang túng thiếu, đã b tt c nhng gì mình có đ nuôi sng mình" (x. Mc 12, 44). Nhìn vào gương của họ, chúng ta có dám can đảm và sẵn sàng thực hiện như họ không? Chúng ta dám chấp nhận rủi ro để trao ban với tất cả tấm lòng tín thác, yêu thương không? Theo lẽ thường, con người chúng ta sợ ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân, sợ rủi ro, sợ sự đánh đổi, sợ thách đố, sợ sự bất an, sợ điều bất ổn,v.v…Mặc khác, chúng ta dễ dàng cho đi, san sẻ khi chúng ta chẳng còn vướng bận gì trên trần gian này! Chúng ta có thể rất vui khi hiến tặng đất đai, gia sản, của cải cho giáo xứ, cho hội dòng, cho Giáo hội một khi chúng ta không còn người thân để lo hoặc lúc chúng ta ‘gần đất xa trời’! Tuy nhiên, đây cũng không phải là lí do mà bà goá thành Sa-rép-ta đã làm cho người của Thiên Chúa – tiên tri Ê-li-ah và bà goá nghèo dám dâng cúng hết tất cả những gì bà có để nuôi sống bản thân.
Bây giờ, chúng ta cùng nhau thử tìm hiểu động lực nào khiến bà goá thành Sa-rép-ta gan dạ chấp nhận rủi ro có thể đánh đổi cả cuộc sống của bà và con trai bà? Hơn nữa, chúng ta cũng nên thử hỏi chính bản thân mình: điều gì khiến bà goá nghèo trong trình thuật Tin Mừng theo Thánh Mác-cô hôm nay dám hy sinh tất cả những gì bà có để dâng cúng vào đền thờ với cả lòng quảng đại?
Trước tiên, theo sách các Vua, chúng ta có thể nhận ra niềm tin tưởng vào lời của tiên tri Ê-li-ah của bà goá thành Sa-rép-ta “Bà đng lo, c đi và làm như bà đã nói. Nhưng, vi chút bt y trưc hết hãy làm cho tôi mt cái bánh nh, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Is-ra-el truyn rng: 'Hũ bt s không vơi và bình du s chng cn cho đến ngày Chúa cho mưa xung trên mt đt'” (1V 17, 13-14). Bà vốn là một ‘người dân ngoại’ (không phải là người Do thái, không phải là dân Thiên Chúa), nhưng bà đã đặt hết lòng tin, niềm xác tín vào lời của một người Do thái, hơn nữa, người của Thiên Chúa – tiên tri Ê-li-ah. Và từ niềm tin tưởng ấy, bà dám chấp nhận kể cả rủi ro ‘ăn chiếc bánh nh ri chết’ (x. 1V 17, 12). Nếu sách các Vua dừng lại ở đây, thì có lẽ tiên tri Ê-li-ah không thể tiếp tục cuộc hành trình lữ thứ (nếu chúng ta đọc tiếp theo câu chuyện về tiên tri Ê-li-ah)! Nhưng không, niềm tin tưởng tuyệt đối của bà đã khiến bà đánh đổi cả mạng sống mình mà thực hiện như lời tiên tri Ê-li-ah “Bà đi làm theo li ông Ê-li-ah; chính ông và bà cùng c nhà đu đ ăn; t ngày đó hũ bt không vơi và bình du chng cn đúng như li Chúa đã dùng Ê-li-ah mà phán” (1V 17, 15-16). Còn chúng ta là những người Công giáo, chẳng phải là ‘dân ngoại’ mà là con cái của Thiên Chúa, chúng ta có dám thực hiện như vậy nếu đặt mình vào hoàn cảnh khó nguy của bà goá ấy chăng? Nhất là trong thời đại thực dụng hiện nay, giá trị của mọi thứ đều quy đổi thành của cải, vật chất và ‘bị’ đánh giá dựa trên đó! Nếu như thế, chúng ta khó lòng đặt niềm tin tưởng vào ‘người của Thiên Chúa’, ‘thừa tác viên của Thiên Chúa’; và điều kéo theo, chúng ta chẳng thể nào dám chấp nhận rủi ro, chấp nhận đánh đổi để thực hiện điều Thiên Chúa kêu mời qua ‘các tiên tri Ê-li-ah thời đại ngày nay!’
Tương tự, bà goá nghèo trong đoạn Tin Mừng hôm nay không những có lòng quảng đại tuyệt vời, mà còn dám hy sinh ‘bỏ tất cả những gì mình có’ mặc dù ‘bà đang túng thiếu’. Cuộc đời của bà có thể chấm dứt nếu bà dâng cúng hết những gì bà có! Nhưng chính vì điều này, mà bà được Chúa Giê-su hết lòng cảm kích, khen ngợi, và lấy đó làm tấm gương dạy bảo các môn đệ “Thy nói tht vi các con: Trong nhng ngưi đã b tin vào hòm, bà goá nghèo này đã b nhiu hơn hết. Vì tt c nhng ngưi kia b ca mình dư tha, còn bà này đang túng thiếu, đã b tt c nhng gì mình có đ nuôi sng mình" (x. Mc 12, 43-44). Có lẽ đối với chúng ta, ‘hai đồng tiền’ (nghĩa là một phần tư xu, tiền Do thái thời ấy) chẳng thấm thoát vào đâu, nhưng điều mà Chúa Giê-su chỉ ra và nhìn thấy được ‘đó là tất cả cuộc sống của bà, đó là tất cả những gì bà ấy có để nuôi sống bản thân’. Bà đang trong tình trạng cùng cực, thiếu thốn nhưng dám chấp nhận rủi ro, quảng đại dâng cúng, chia sẻ tất cả những gì quý giá nhất của mình. Và điều này được biểu lộ rõ rệt qua hình ảnh vị Thượng tế tối cao Đức Giê-su Ki-tô đã đánh đổi tất cả, ‘biến mình ra không’ (tự huỷ mình – kenosis), mặc lấy thân xác yếu hèn của con người, trở nên một với chúng ta, chịu chết (hiến tế mt ln) để cứu chuộc chúng ta (hu dit ti li) (x. Dt 7, 26).
Lạy Chúa, xin cho lòng chúng con thêm quảng đại, cho đôi mắt tâm hồn, tâm trí chúng con được mở rộng để cùng ánh nhìn của Chúa, biết chấp nhận rủi ro mà dám dâng hiến vẹn toàn. Amen!
Lm. Xuân Hy Vng
==============
Suy niệm 3
BÀ GÓA NGHÈO GIÀU NHT
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 32 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa đẩy xa những gì cản bước tiến chúng ta trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng ta được hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa.
Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa, ngay cả khi hoàn cảnh trước mắt chẳng thuận lợi chút nào, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Đanien cho thấy: Sống giữa triều đình Baben, các trẻ em Dothái vẫn trung thành với Chúa. Đối với người Dothái lưu đày ở Baben hay bị bách hại ngay trong xứ, kiêng những thức ăn ô uế là một trong những điều trọng yếu nhưng khó giữ. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, Đanien và các bạn đã giữ được ngay tại triều đình vua ngoại đạo. Còn đối với người Kitô hữu không còn đặt niềm tin vào việc giữ luật, dù người ta có đòi hỏi mình điều gì đi nữa, thì thực hiện ý Chúa bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu là điều có thể được. Họ được Chúa ban ơn hiểu nhiều biết rộng về tất cả chữ nghĩa và lẽ khôn ngoan. Chúa cho lòng họ đầy tràn ơn thông hiểu. Khi vua hỏi họ về bất cứ điều gì cần đến sự khôn ngoan và tài trí, vua đều được toại lòng.
Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa, nhờ Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, mở đầu bài giảng của một tác giả ở thế kỷ II nói: Đức Kitô muốn cứu những gì hư hỏng. Đức Kitô phải cứu vớt những người hư hỏng. Chống đỡ những gì đang sụp đổ, chứ không phải: những gì đang đứng vững, đó quả là một công trình lớn lao kỳ diệu… Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để chúng ta được cùng sống với Người. Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái.
Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa, nhờ tin tưởng vào tình thương quan phòng của Chúa và khát khao ơn cứu độ của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách các Vua quyển thứ nhất cho thấy: Bà ấy đi và làm như ông Êlia nói; thế là bà ấy cùng với ông Êlia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 145, vịnh gia đã kêu gọi: Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Chúa là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù lòa. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thư gửi tín hữu Hípri nói: Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Người ta lấy tiền dư bạc thừa, mà đem bỏ vào thùng dâng cúng; còn bà góa nghèo đã bỏ tất cả những gì nuôi sống bà, bỏ cả, chính mạng sống mình vào thùng dâng cúng. Bà thật sự là người nghèo của Thiên Chúa, vì thế, bà thật có phúc. Thật vậy, trước Thiên Chúa, nếu chúng ta càng trở nên rỗng không, thì chúng ta sẽ càng được Chúa đổ đầy. Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta, khi chưa có chúng ta, và đã muốn chúng ta từ hư vô bước vào hiện hữu, để hưởng hạnh phúc muôn đời; Khi chúng ta hư hỏng, Đức Kitô đã muốn cứu vớt chúng ta. Chính Người đến và kêu gọi chúng ta, khi chúng ta đã hư hỏng. Nếu chúng ta thật sự tin tưởng, phó thác nơi Người, Người sẽ giải cứu chúng ta: bệnh nhân mới cần đến Thầy Thuốc, tội nhân mới cần đến Đấng Cứu Độ. Ước gì chúng ta biết trở nên bé nhỏ, nghèo hèn, khao khát ơn cứu độ của Chúa, để chúng ta được hưởng hạnh phúc muôn đời. Ước gì Chúa đẩy xa những gì cản bước tiến chúng ta trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng ta được hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==============
Suy niệm 4
Ít tiền nhưng giầu lòng quảng đại
(Mc 12, 38 – 44) 
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta tấm lòng vàng của hai bà góa. Một bà trong Sách Các Vua quyển thứ I (17, 10 – 16), một bà trong Tin Mừng theo thánh Marcô (12, 41 – 44). Cả hai bà, một nghèo về bột và dầu, một nghèo về tiền bạc. Chính trong thân phận ấy hai bà chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa. Vật chật thì ít, nhưng giầu lòng quảng đại.
Bà gáo thành Sareptha
Tác giả sách Các Vua quyển thứ nhất thuật lại giai thoại về một bà góa nghèo thành Sarepta. Trong thời kỳ hạn hán, vị ngôn sứ này nhận được lệnh của Chúa đi tới miền Siđon, tức là ra ngoài Israel, nơi lãnh thổ dân ngoại. Tại đó Êlia gặp bà góa phụ là người Sarephta đi lượm củi, ông cất lời:” Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống… Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh” (1V 17, 10-11), trong lúc bà đang ở trong tình trạng không còn gì ăn và con bà sẽ chết đói nay mai, nên trả lời:”Này tôi đi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn rồi chết thôi” (1V 17,12), nhưng vì Êlia nài nỉ và hứa với bà, nếu bà nghe lời, bà sẽ không thiếu bột và dầu nữa, bà ấy đã nghe và được tưởng thưởng.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, người phụ nữ này, đã đi kín nước với tất cả tình yêu của trái tim. Khi bà trở về, Êlia nói với bà:”Cứ đi và làm như bà đã nói…với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem lại đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và cho con trai bà” (1V 17,13). Tấm lòng vàng và đức tin của bà góa lúc này bị thử thách, bà chỉ còn một nắm bột, cứ sự thường thật khó để có thể nuôi sống con bà, nay lại làm bánh cho cả vị tiên tri là này nữa.
Bà góa nghèo này đã cho ngôn sứ Êlia tất cả phần bột và dầu ít ỏi còn sót lại trong nhà. Lòng quảng đại đó đã được Thiên Chúa đền đáp: “Hũ bột của bà không bao giờ vơi và bình dầu không bao giờ cạn” (1V 17….). Êlia còn thực hiện phép lạ cứu sống cậu con trai của bà. Thái độ của bà góa thành Sarephta làm chúng ta liên tưởng tới một góa phụ khác mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin Mừng Marcô hôm nay.
Bà góa thời Chúa Giêsu
Người đàn bà góa trong Tin mừng hôm nay được Đức Giêsu đề cao như một mẫu gương. Bà rất nghèo nhưng lại giàu lòng quảng đại. Điểm son nơi người phụ nữ này không phải là những danh giá xã hội hoặc sự giàu sang phú quý bên ngoài, nhưng chính là tấm lòng nơi bà. Khi ngồi đối diện với hòm tiền, Chúa Giêsu quan sát thấy bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu vào đền thờ, ngưỡng mộ bà, Chúa tuyên bố: “Với hai đồng tiền, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống” (Mc 12, 44). Nghĩa cử dâng cúng của bà góa nghèo chứng tỏ nét đẹp của tấm lòng vàng tràn đầy hy vọng và tin tưởng vào Chúa nơi tâm hồn bà.
Noi gương Chúa Giêsu sống quảng đại
Không ai nghèo như Chúa và cũng không ai quảng đại bằng Chúa. Trong thư thứ II gửi giáo đoàn Côrinthô, thánh Phaolô đã viết: “ Đức Giêsu Kitô vốn giàu sang phú quý nhưng đã trở nên nghèo khó để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em nên giàu có” (2Cr 8, 9). Người tự nguyện sống kiếp con người, sinh ra trần trụi không nơi trú thân. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ gối đầu” (Mt 8,20). Cao điểm của sự nghèo khó nơi Người, là Người đã bị phơi thây chết trần trụi trên thập giá. Đôi tay dang rộng, không tích lũy bất cứ một thứ của cải nào. Nhưng cũng chính đôi tay ấy đã trao ban tất cả, ngay cả đến mạng sống để hiển thị điều mà Người đã nói với các môn đệ trong bữa tiệc ly: “ Không có tình yêu nào cao cả cho bằng mối tình của người hiến dâng sự sống cho bạn hữu”(Ga 15,13). Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Không ai trong chúng ta nghèo đến mức độ không có gì để mà cho”.
Hôm nay Chúa nêu ra mẫu gương về lòng quảng đại của một người đàn bà góa nghèo khổ. Đồng thời, Người cũng mời gọi chúng ta tiến sâu vào quỹ đạo tình yêu nơi Thập giá để trải nghiệm lòng quảng đại vô bờ bến mà chính Người đã diễn bày. Đây là sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay muốn mạc khải cho chúng ta.
Chúng ta có thể nghĩ tới một phụ nữ góa nghèo khác tên là Maria, dưới chân Thánh Giá Chúa đã dâng tất cả đời mình cho Chúa. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo của người cho đi với niềm tín thác nơi Chúa; với niềm tin ấy mẹ nói với Sứ Thần “Này tôi đây” và đón nhận thánh ý Chúa. Nhờ lời thưa xin vâng ấy, ý Chúa được thể hiện, mầu nhiệm sự sống được trao ban và dâng hiến được thực hiện nơi đồi Golgotha, thế gian có được Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống, Đấng Cứu Độ chúng ta.
Tại Cana, Mẹ đã xin Chúa Giêsu cứu giúp anh em mình khi nói: “Họ không còn rượu nữa” (Ga 2,3), và nhận được lời Chúa Giêsu: “Này bà, giữa tôi và bà, nào có việc gì?” (Ga 2,4) Mẹ vẫn bảo gia nhân vâng lời Chúa Giêsu.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp mỗi người chúng con tín thác vào Chúa như Mẹ. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==============
Suy niệm 5
NHIỀU VỀ SỐ LƯỢNG CHƯA HẲN ĐÃ NHIỀU
Có lẽ, chúng ta đã nghe câu nói: “Tất cả là hồng ân” không ít lần rồi. Nhưng để áp dụng và sống trọn vẹn câu nói này trong việc quảng đại dâng cúng, quyên góp xây dựng cộng đoàn giáo xứ, cũng như giúp đỡ những ai túng thiếu về vật chất lẫn tinh thần thì trên thực tế, rất nhiều điều cần suy ngẫm.
Các bài đọc Phụng vụ hôm nay, đặc biệt bài I trích sách các Vua quyển thứ nhất và bài Tin Mừng, có nét chung nói về nghĩa cử tín thác, hy sinh, dám làm theo lòng tin tưởng, và không quản ngại chia san của hai bà goá nghèo. Như chúng ta biết, theo quan niệm Do Thái, phụ nữ và trẻ em là phụ phần, chẳng được kể đến (x. phép lạ hoá bánh ra nhiều cho năm ngàn người nam ăn, không tính đàn bà, con trẻ); nhưng càng không được tôn trọng nếu là quả phụ! Phải chăng vì muốn cho dân Is-ra-el và con người chúng ta biết tôn trọng phụ nữ, mà Thiên Chúa chỉ sai ngôn sứ Ê-li-ah đến với bà goá miền Sa-rép-ta khi nạn đói kém xảy ra (x. 1V 17, 10)! Cũng vậy, bà goá nghèo chẳng ai để ý, chẳng ai đoái hoài trước cửa đền thờ, ngay hòm tiền dâng cúng, thì lại được Đức Giê-su khen tặng và dùng mẫu gương bà mà dạy dỗ các Tông đồ, quả quyết rằng: “Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết” (Mc 12, 43).
Đối với chúng ta, nhiều về số lượng là nhiều; nhưng đối với Thiên Chúa thì đó chưa hẳn đã nhiều. Vì nếu chỉ nhiều về số lượng, mà không thật tâm thì chưa phải là nhiều. Vì nếu chỉ nhiều về số lượng, mà ‘lòng rỗng’, tâm trí đầy động cơ xấu xa hoặc chỉ muốn phô trương, khoe khoang, thì chắc chắn không nhiều, mà chỉ ‘kêu to như thùng thiếc’ thôi.
‘Tất cả là hồng ân!’ nghĩa là mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa, mọi sự đều khởi sự từ Ngài, và mọi sự do bàn tay, khối óc mình làm ra chăng nữa, nói cho cùng, cũng chỉ do ơn phúc, ơn lành Chúa ban cho mà thôi. Nếu nghĩ được như vậy, mọi sự chúng ta có được, chúng ta đang tận hưởng, đang sở hữu chẳng phải từ Chúa mà ra hay sao? Mà mọi sự đều nhờ Chúa mà ra, thì việc dâng cúng, quảng đại chia sẻ, cho đi, giúp đỡ người khác là lẽ thường tình, vì chưng “các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không” (x. Mt 10, 8). Thật vậy, Thiên Chúa hằng trao ban cho chúng ta vô điều kiện qua hình ảnh bà goá miền Sa-rép-ta mặc dù đối diện với nạn đói, đối diện với cái chết sắp xảy ra, bà vẫn tin tưởng và làm theo lời tiên tri Ê-li-ah (người của Thiên Chúa), kết quả “chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; vì từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Ê-li-ah mà phán” (1V 17, 15-16). Trên hết, Thiên Chúa trao ban cả Con Một yếu dấu của Ngài cho chúng ta, hầu cứu độ chúng ta khỏi sự chết đời đời, mà tác giả thư gửi cho tín hữu Do Thái xác quyết: “Đức Ki-tô hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Ngài sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Ngài” (Dt 9, 28). Là Thượng Tế tối cao, Đức Giê-su không còn hiến dâng chính mình nhiều lần như các vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình, mà Ngài chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi (x. Dt 9, 25-26).  
Vì tất cả mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa, nên khi dâng cúng, cho đi, chia san cũng cần một tấm lòng tín thác, cậy trông, tin yêu. Vì mọi điều đều do bởi hồng ân Chúa, nên khi dâng tiến, sẻ chia, cần một tâm hồn cảm tạ, một động cơ trong sáng, và lòng quảng đại hy sinh, dám cho đi, dám chia sẻ với người khác như bà goá dâng cúng ở đền thờ chỉ vỏn vẹn hai đồng tiền (tức là một phần tư xu). Một số lượng quá ít ỏi, nhưng với cả tấm lòng hy sinh dâng tiến, mặc dù bà đang túng thiếu, và có lẽ sẽ chẳng còn gì để nuôi sống bản thân mình vì “đã bỏ tất cả những gì bà có” (x. Mc 12, 44). Giả sử, được Chúa ban nhiều thứ, mà chúng ta rộng lượng chia san với giáo xứ, với cộng đoàn, với người khác, không chút phô trương, chẳng đòi hỏi tán dương hay ghi khắc bia tri ân hoặc được ghi tên vào sổ vàng ân nhân, v.v…thì đó là điều làm đẹp lòng Chúa hơn cả. Nếu chúng ta dám cho đi không phải của dư thừa, mà là những điều quý giá và gắn kết thiết thực với đời sống bản thân thì còn gì bằng! Lúc ấy, quả thật, “tất cả là hồng ân” trở nên lối sống của chúng ta, chứ không lặp đi lặp lại hoặc chỉ nghe qua rồi bỏ!
Lạy Chúa, xin giúp con
Sống trọn đời hiến trao
Cho đi không đòi hỏi
Quảng đại dám chia san
Hy sinh hết thân mình
Tin-cậy-mến thuần khiết. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==============
Suy niệm 6
CHO ĐI SỰ SỐNG

“Bà này túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân!”.
“Cuộc sống là một quá trình liên tục làm quen với những điều bất ngờ! Nhưng cuộc sống có ý nghĩa nhất vẫn là cuộc sống - trong đó - một quá trình liên tục làm quen với việc ‘cho đi sự sống!’. Bạn có thuộc vào số những con người đó không?” - Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay chỉ ra một vài mẫu người mà triết gia kia đề cập. Đó là những bà goá quảng đại đã cho đi những gì mình có để nuôi thân! Cái để nuôi thân có thể là bánh, cũng có thể là máu; họ là những con người ‘cho đi sự sống!’.
Bài đọc Các Vua kể chuyện một bà goá thời Cựu Ước, Marcô kể chuyện một bà goá thời Tân Ước. Một bà goá thời Êlia, một bà goá thời Giêsu; một bà goá lặng lẽ trong rừng vắng, một bà goá công khai giữa đền thờ; một bà goá tặng trao chiếc bánh cuối cùng, một bà goá cho đi hai phần tư xu sau hết; một bà goá biếu hết cái mình có để ăn rồi chết, một bà goá tặng trọn những gì mình có để nuôi sống. Vậy mà Thiên Chúa không để ai trong hai bà phải chết cả, vì Ngài khiến “Hũ bột không vơi, bình dầu không cạn”. Và nhờ sự quảng đại ‘cho đi sự sống’, sự sống ‘tự nó được kéo dài’. Bấy giờ, “con người sống” và “Thiên Chúa được vinh quang”, “Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” - Thánh Vịnh đáp ca.
Hình ảnh hai bà goá dẫn chúng ta đến với một ‘bà goá thứ ba’ - chính Thiên Chúa. Phải, nếu nói đến ‘cho đi sự sống’, thì Thiên Chúa là bà goá đầu tiên; Ngài cho đi sự sống thần linh, “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin Người Con ấy thì được sự sống đời đời!”. Người Con ấy - Đức Giêsu Kitô - Đấng hiến tặng sự sống cho trần gian, “Vì họ, Con xin thánh hiến mình Con!”, “Này là mình Thầy, này là Máu Thầy!”. Như hạt lúa gieo vào đất sinh nhiều bông hạt, Con Thiên Chúa chết đi để trổ sinh sự sống; một Dân Thánh, một Hội Thánh chào đời. Ngài là Thượng Tế hiến mình, đền tội và cứu sống muôn dân, “Đức Kitô hiến tế, xoá tội lỗi của nhiều người” - bài đọc hai.
Một linh mục tuyên uý nói chuyện với một thương binh, “Bạn mất một cánh tay vì một lý do cao cả!”, “Không!”, người lính trả lời với một nụ cười, “Tôi không đánh mất nó, tôi tặng trao nó!”. Cũng theo cách đó, Chúa Giêsu không đánh mất sự sống của Ngài; Ngài ‘cho đi sự sống’ một cách có chủ đích, “Tôi đến cho trần gian được sống, và sống dồi dào!”.
Anh Chị em,
“Bà đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi thân”. Đó là những con người đã sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất! Hãy chiêm ngắm Chúa Cha, chiêm ngắm Chúa Giêsu! Ngài cho đi tước vị Thiên Chúa, cho Thịt Máu Ngài; cho đi sự sống thần linh để trần gian được sống. Hơn 2,000 năm, Hội Thánh không thiếu những con người tiếp bước Ngài. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất, bắt đầu với những người gần gũi nhất trong gia đình, trong cộng đoàn mình. Các cụ ông cụ bà cho đi các việc lành, lời cầu nguyện; bậc trung niên cho đi sức lực, thời gian; người trẻ cho đi trí tuệ, nhiệt huyết. Nhờ đó, mỗi người tạo nên một sự khác biệt để xây dựng Giáo Hội, xây dựng thế giới!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con chỉ biết nhận mà không biết trao. Vì như thế, cuộc sống của con chẳng có ý nghĩa gì vì nó sẽ rất nghèo!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
==============
Suy niệm 7
ĐỒNG  TIỀN  BÀ  GÓA
1V 17,10-16; Dt 9,24-28; Mc 12,38-44
Bà góa trong Tin Mừng hôm nay thật “nổi tiếng”, vì “vụ bỏ tiền vào thùng” trong đền thờ của bà được Thầy Giêsu lên tiếng chấm điểm, làm bài học cho các môn đệ về tấm lòng dâng hiến, trong tự do và tín thác.
Bao nhiêu người giàu đang xếp hàng lên dâng cúng nhiều tiền quá mà Thầy chẳng kể. Lặng lẽ theo hàng người áo quần xúng xính, một bà góa nghèo đơn thân khẽ thả hai đồng tiền kẽm lọt thỏm vào thùng, làm Mắt Thần của Thầy sáng lên xúc động. Thầy khen bà đã bỏ vào “nhiều nhất”, theo cái nhìn “thấu từ bên trong” của Thầy: “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12,44).
Bà góa này liều thật! “cả nhà cả cửa” chỉ có bấy nhiêu mà bà sẵn sàng bỏ thùng dâng hiến, thước để đo lòng là ở đây. Bà không lo chiều nay lấy gì mà sống, vì bà hoàn toàn cậy dựa, tín thác nơi Chúa. Bà rút từ sự túng thiếu, để cho đi thầm lặng,  không hề tiếc xót, bà dâng hiến với cả tấm lòng yêu mến, mà lúc đó chỉ Thầy Giêsu mới đọc được. Càng nghèo lại càng chẳng ham tiền giữ của mới lạ, chứ người giàu nhiều khi lo liệu tính toán cân nhắc kỹ lưỡng. Thầy đã từng dạy rằng phúc thay ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ, mà người giàu vào nước Thiên Chúa thì khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Bà nghèo nhưng tấm lòng của bà rất giàu và phóng túng. Phải, vì “kho tàng” của bà không phải ở mấy đồng xu quý hiếm này, mà là chính Chúa. Tuy cho hết mà bà vẫn còn cả kho tàng ấy. Bà vẫn giàu có hạnh phúc trong Đấng mà bà đem hết tâm hồn yêu mến với lòng thành hiến dâng. Cách cho của bà quý hơn của cho, của cho ít nhất mà tấm lòng yêu mến thì lại nhiều nhất nên của lễ của bà càng đẹp và nên thơ. “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Ngày nay chúng con nhiều khi muốn cho nhưng còn nâng lên đặt xuống, muốn góp phần nhưng còn xem lại khả năng kẻo lỡ thiếu hụt, vả lại của mình bỏ ra thấm gì với con số khổng lồ đang cần kia, thôi để dịp khác. Phần nhỏ của tôi góp vào cũng thừa. Vậy thì biết bao giờ tôi mới ra tay để làm đẹp cho đời? Cái nhìn của Thiên Chúa khác với cái nhìn của con người. Ngài không bỏ sót bất cứ hành động nào dù nhỏ nhặt hay âm thầm của ta. Đôi khi những nghĩa cử vô danh nhỏ bé lại bừng sáng và mang giá trị đặc biệt dưới ánh mắt Ngài.
Ôi lạy Chúa! vì tình yêu Chúa sẵn sàng tự hiến cho con tất cả, cho đến giọt máu cuối cùng trên Thánh giá! Chúa đem cả Thân Mình làm của ăn nuôi sống con từng ngày. Vì con Chúa quên thân mình, đời con dám mơ gì hơn? Này con xin đem tấm thân mọn hèn, thời giờ sức khỏe Chúa ban mà dâng lên Chúa với trọn cả tấm lòng tin yêu phó thác. Xin Chúa chúc lành để đời con trở thành của lễ nhỏ xinh dâng về cho Chúa. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log