Thứ năm, 23/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 34 TN năm B - Chúa Kitô Vua vũ trụ

Cập nhật lúc 14:37 21/11/2024
Suy niệm 1
VUA GIÊSU
Ga 18, 33-37
Đứng trước tòa, quan tổng trấn hỏi cung Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”. Trước khi trả lời, Đức Giêsu hỏi lại Philatô: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Qua câu hỏi này, Đức Giêsu muốn cho ông thấy rõ hơn con người của ông: Ông tự đặt vấn đề hay dân chúng đặt vấn đề cho ông? Ông có lập trường không hay bị dư luận xô đẩy? Ông nghe theo lương tâm hay nghe theo người khác? Ông có can đảm làm theo những gì mình biết, hay cũng chỉ là kẻ hèn nhát lo bám níu vào chức vụ, quyền hành?
Philatô chỉ lấp lửng trả lời theo kiểu nghi vấn:“Tôi là người Do thái sao?". Quả là một câu nói khinh thường và vô trách nhiệm. Và phải chăng đó cũng là lối sống và là cách hành động của ông? Xem ra ông là vị quan rất quyền lực, nhưng thực tế cũng chỉ là tay sai và nô lệ cho quyền thế, cố gắng giữ lấy chiếc ghế chứ không muốn xử trí mọi cái theo sự thật hay lẽ phải. Trước thái độ mập mờ của Philatô, Đức Giêsu đã thẳng thắn xác định:“Nước tôi không thuộc về thế gian này...”.
Khi nói“Nước tôi”, Đức Giêsu không phủ nhận mình là Vua, nhưng không phải là Vua theo kiểu người Do thái và Philatô quan niệm. Người là vua theo ý muốn của Thiên Chúa chứ không theo mơ ước của người đời. Rõ ràng là vương quốc của Người không nhắm vào mục tiêu chính trị, càng không sử dụng những phương thế trần gian như vũ khí, bạo lực, quân lực. Đức Giêsu không phải là Đấng Mêsia theo kiểu phàm nhân, lo thực hiện công cuộc giải phóng theo kiểu phàm tục. Thật ra, Philatô biết rằng, chỉ vì ghen ghét mà người Do Thái bắt nộp Đức Giêsu. Nhưng rất tiếc, ông biết một đàng nhưng rồi làm một nẻo.
Tiếp theo đó, Đức Giêsu còn xác định căn tính và sứ mạng của mình: “là để làm chứng cho sự thật”. Đức Giêsu không muốn nói đến sự thật về một sự kiện nào, nhưng là sự thật về Thiên Chúa. Người biết Thiên Chúa trong sự hiệp thông hết sức thâm sâu, trong sự hợp nhất hoàn hảo như là Con với Cha. Cha của Người là Đấng chân thật, vì thế, Nước của Người là Nước của sự thật, Chỉ có sự thật mới giải thoát con người, cho con người được sống trong bình an và hạnh phúc.
Tuy nhiên, không mấy ai mà dám sống thành thật? Kẻ thành thật thường thua thiệt, lại bị coi là dại dột. Sự dối trá quỷ quyệt nhiều khi được coi là khôn ngoan. Khi sự thật bị bưng bít thì tất cả đều ra tối tăm và sự gian ác lan tràn. Chính trong ý nghĩa đó mà Chúa Giêsu mạnh dạn tuyên bố trước Philatô:“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đó cũng là một lời mời gọi xoáy vào tận tâm não của những ai còn chút lương tri, để họ kịp thời nhận ra chân lý làm người.
Trước câu tuyên bố của Đức Giêsu, Philatô liền lên tiếng hỏi: “Sự thật là gì?”. Nhưng ông lại tránh câu trả lời và phản ứng như một nhà chính trị. Bằng câu hỏi này, hoặc nhằm diễn tả một hoài nghi hoặc một lời chế nhạo, và ông đã cắt đứt cuộc đối thoại. Dù sao, các trao đổi giữa Philatô và Đức Giêsu cho thấy là sứ điệp của Người lúc đầu đã được gửi đến cho dân Do Thái, nhưng họ đã từ khước, nay vượt biên giới tôn giáo để đến với Dân ngoại, đại diện là quan Philatô. Thực ra, dù có biết sự thật là gì thì Philatô cũng không dám làm gì hơn, vì sợ bị liên lụy, có thể mất cả thanh danh và sự nghiệp. Sợ thế nên Philatô đã giao Đức Giêsu cho binh lính hành hình, và cuối cùng giao cho người Do Thái tử hình.
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi. Một định nghĩa thật man trá, nên người ta dối trá một cách trắng trợn, trơn tru, không còn chút áy náy, vì thấy lương tâm không bằng lương thực hay lương bổng. Tiếng lương tâm là tiếng Chúa. Khi lương tâm bị băng hoại thì lòng tin vào nhau bị đổ vỡ, người ta sẽ sống trong sự nghi kị, đối phó, mưu mô... trở thành nạn nhân của chính mình và của một xã hội xây dựng trên sự gian tà.
Mất đi sự thật thì tình yêu chỉ còn là gian dối và là sự lợi dụng lẫn nhau để có được những gì mình ham muốn. Không lạ gì mà bạo lực, hận thù, bất công, nghèo đói... ngày càng gia tăng khắp nơi. Thế lực của sự dữ và tội ác như đang thắng thế. Nước Chúa dù là sự thật và tình yêu thì vẫn là điều xa xôi mịt mờ. Tuy nhiên, chúng ta tin vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, những gì không phải là sự thật thì tự nó sẽ tiêu tan, và tình yêu vẫn là sức hút mãnh liệt, đồng thời là tiếng nói cuối cùng để phân chia đôi bờ thiện ác. Bổn phận chúng ta là góp phần với Chúa để Phúc Âm hóa gia đình và môi trường xung quanh mình, làm cho tinh thần Giêsu thấm nhập vào mọi cơ cấu xã hội, chuẩn bị cho ngày thành tựu viên mãn trong Đức Kitô, Vua muôn đời.  
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Có phải chăng sau vụ nổ Big-bang,
mà vũ trụ từ đó được khai trương,
để cứ thế càng ngày càng bành trướng,
và khởi xướng ra muôn vạn hành tinh?

Phải chăng trái đất từ hạt bụi nhỏ xíu?
nhưng lại lớn lao và biết bao kỳ diệu,
là hành tinh được Cha quá thương yêu,
đến nỗi đã ban xuống Người Con Một,
sống phận người để cứu chuộc thế nhân,
còn ghi mãi dấu chân trên mặt đất.

Mừng lễ Đức Ki-tô Vua vũ trụ,
chúng con cùng hướng nhìn về trái đất,
nơi có hơn tám tỷ người đang sống,
đang dựng xây và phát triển không ngừng,
nhưng trong đó lan tràn bao tệ nạn,
khiến con người phải khốn khổ lầm than.

Sự dữ và tội ác như thắng thế,
hận thù và bạo lực vẫn gia tăng,
cuộc sống cứ càng ngày càng gian trá,
bởi người ta ham vui thú sa đà.

Xin cho con biết xây dựng thế trần,
với tinh thần của công dân Nước Chúa,
Nước yêu thương và hòa bình chân thật,
nên tín hữu là chứng nhân bất khuất,
để đem lại cho trái đất an lành,
cho tất cả hoàn thành theo ý Chúa.

Xin cho danh thánh Chúa được rạng ngời,
và Nước Chúa càng ngày càng mau tới,
cho đến khi thành tựu ở quê trời,
trong Giê-su Vua ngàn đời vinh hiển. Amen.

Lm. Thái Nguyên
=============
Suy niệm 2
VUA CỦA ĐỜI T
ÔI LÀ AI?
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Hẳn ai trong chúng ta ít nhiều đã quen với hình ảnh vương đế oai phong trong truyền thuyết, cổ tích Việt Nam! Bên cạnh nhiều vị vua hiền đức, biết hy sinh tư lợi mà lo cho xã tắc, dân an, quốc mạnh; cũng không thiếu những thời vua chúa sa vào lạc thú, chỉ biết lợi ích cá nhân, mà chẳng lo cho dân nước! 
Hôm nay, chúng ta mừng kính trọng thể lễ Chúa Ki-tô Vua với một tâm thế hồ hỡi khác mọi khi. Vì ai nấy đều không quên sống đạo, sống bác ái như vị Vua Giê-su đã dạy và làm gương cho chúng ta: hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu (x. Ga 15, 13). Hơn nữa, dịp lễ này khiến chúng ta nhìn lại, tự vấn và xác tín rằng: ngoài Vua Giê-su Ki-tô, còn ai hoặc điều gì đang cai trị đời tôi? Tôi biết không ai khác hoặc sự việc gì đó có thể làm vua đời tôi, nhưng vì thói hư tật xấu, vì thói đời bản thân mà tôi đang cho phép họ hay sự thể ấy kiểm soát và điều khiển đời tôi như thể vương đế? 
Trước hết, Vua Ki-tô của chúng ta đích thật là chủ chiên lành, Người chăn dắt, nuôi dưỡng đoàn chiên, chứ không vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm mà loại bỏ đoàn chiên hoặc lãng quên chúng: "chính Ta sẽ chăn dt các chiên Ta...Ta sẽ chăm sóc và chăn dắt nó trong sự công chính" (x Ed 34, 15-16). Người là vị vua dám bỏ vinh quang trời cao, xuống gian trần, mặc lấy xác phàm con người. Người là vị vua dám ra đi tìm kiếm chiên lạc, bất luận nó bị thế nào. Người là vị vua trao ban sự sống bản thân để mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Nếu chúng ta là thần dân của vị vua này, ắt hẳn chúng ta cũng noi gương Người, biết mưu cầu lợi ích tha nhân hơn là tư lợi, biết hy sinh cho tha nhân, biết chia san ân sủng, tài năng cho cộng đoàn, thay vì chôn dấu, v.v... 
Mặc dù là vua muôn dân, muôn loài (x. Đn 7, 13-14), nhưng Đức Giê-su Ki-tô khiêm hạ đến tột cùng (x. Pl 2, 6-11), và "Người đã trao vương quc li cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự" (x 1Cr 15, 24. 28). Đường đường là vị vua cao sang, ai ai cũng phải phục tùng, bái quỳ, và được bảo vệ hết mực. Hơn nữa, Người là “Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Đấng Toàn Năng, phán: Ta là Al-pha và Ô-mê-ga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh”” (x. Kh 1, 8). Tuy nhiên, khi nói đến vị vua oai phong, thì chúng ta quá quen với hình ảnh thông thường là: dân nước, quân lính, tướng lãnh phải hết mực bảo vệ vua, kể cả hy sinh mạng sống mình; nhưng ở đây ngược lại, Vua Giê-su  chẳng chờ chẳng đợi con người chúng ta bảo vệ bằng mọi giá, mà chính Người tự nguyện hy sinh mạng sống mình, không chỉ giữ gìn mà còn mang lại sự sống đời đời cho thần dân của Người nữa. Vậy tôi đang là thần dân của Người, hay dân của thần chủ nào khác? Thần ấy có thể là tiền tài, danh vọng, cái tôi, địa vị, quyền lợi cá nhân, hoặc một thú vui nào đó đang thống trị, giam hãm đời tôi. Nếu tôi là thần dân của Vua Giê-su, thì chắc chắn không ai khác, chỉ có Người làm chủ toàn bộ con người và cuộc đời tôi mà thôi! 
Sau cùng, Vua Giê-su Ki-tô là vị Vua nhân hậu và công bình như người mục tử tách chiên ra khỏi dê (x. Mt 25, 32). Người tách biệt chiên và dê dựa trên tình bác ái mà chính Người đã sống, đã làm chứng cho chúng ta, cũng như chúng ta được lãnh nhận sức mạnh ân sủng từ Người, ngỏ hầu thực thi giới răn yêu thương ấy; chứ Người không dựa trên những tiêu chuẩn mà chúng ta hay mặc định như: thành quả, thành đạt để phân xử. Người cũng chẳng dựa trên văn bằng học vấn, trình độ khoa học, hay thành quả nghiên cứu để phân xử công bình. Đúng hơn, Người chỉ dựa vào việc chúng ta đã sống bác ái yêu thương cụ thể chưa, hay chỉ sống giới răn ấy trong tư tưởng, trong lý tưởng, trong lời nói, mà chưa thực hành bao giờ, hoặc nếu có thực hiện đi chăng nữa cũng chỉ hời hợt và thứ yếu! Hơn thế, Vua Giê-su Ki-tô “sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ làm chứng về Chân lý. Ai thuộc Chân lý thì nghe tiếng Người” (x. Ga 18, 37). Quả thật giữa thời đại đang chìm trong vũng sâu của thuyết tương đối hoá, biến mọi chân lý đích thật thành tương đối và tuỳ thuộc vào lối suy nghĩ thế tục, thì Vua Giê-su Ki-tô đòi hỏi thần dân của Người biết nhận ra và đón nhận chân lý, cụ thể là tình yêu của Người dành cho nhân loại, sự thật rằng: Người luôn luôn hiện diện nơi anh chị em, đặc biệt những ai bé mọn nhất, vì Người tự đồng hình đồng dạng với họ: "Ta bảo tht các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40). Tương tự, nếu chúng ta không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là chúng ta không làm cho chính Vua Giê-su (x. Mt 25, 45).Vì chưng, Người là Vua Chân lý, là Vua tín trung, tín thành, công bình, hết mực khoan dung, nhân hậu và đầy lòng xót thương. 
Giờ đây, với tâm tình đơn sơ, tín thác, chúng ta cùng hiệp nhất dâng lời nguyện xin: 
Lạy Vua Giê-su lòng con mến yêu
Xin trao đời con vào đôi tay nhân từ của Chúa
Xin mãi làm Vua khoan dung hướng dẫn đỡ nâng
Đừng để con trở nên "ông vua con" của mình
Đừng để ai đó cai trị, điều khiển trí lòng con
Đừng để sự gì chiếm lấy ngôi vị vương đế đích thật
Đừng để và đừng để con sa vào ý nghĩ làm "vua chúa" ai!
Trên hết, xin Người làm Vua vĩnh hằng đời con. Amen! 
Lm. Xuân Hy Vọng
=============
Suy niệm 3
Chúa là Vua
(Ga 18, 33 - 37)
Chu kỳ Năm Phụng vụ mở ra với ngày tháng dần trôi đang từ từ khép lại. Giáo hội nhắc lại cho con cái mình điều cốt yếu: Chúa là Ðấng vinh hiển quyền năng, là An-pha và Ô-mê-ga, là khởi nguyên và tận cùng, làm chủ thời gian  và muôn thế hệ. Vì thế, Giáo Hội nhắc lại giây phút vũ trụ chấm dứt hay đạt đến cùng đích là Thiên Chúa, giây phút Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang.
Thật thích hợp trong viễn cảnh này Giáo Hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô là vua vũ trụ. Đấng đã nhập thể làm người trong lịch sử của một dân tộc, qua việc thiết lập Nước Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Kể từ giây phút đó, Nước Thiên Chúa được luôn phát triển và mở rộng, cho đến mức thành toàn cuối cùng khi Chúa Giêsu Kitô ngự đến đưa tất cả về cùng Thiên Chúa Cha.
Chúa Giêsu Kitô là Vua không những vì Người đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua Đavid, mà hơn nữa vì Người là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Người mà được sống và hiện hữu. Nhưng trớ trêu thay, Chúa Giêsu Kitô không thiết lập vương quốc của Người như một vương quốc thế trần và bằng những phương tiện phàm nhân. Không, nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu thiết lập một cách diệu kỳ bằng hy sinh trên thập giá, để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Chúa Giêsu Kitô là vua. Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, biến cố thể hiện vương quyền của Chúa Giêsu là biến cố Chúa lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha trong vinh quang. "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy" (Mt 26,18). Đó là lời quả quyết của Chúa Kitô Phục Sinh trước khi sai các Tông Đồ ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.
Ngày nay, khi tại nhiều nơi trên thế giới, hòa bình vẫn còn vắng bóng; trật tự xã hội, chính trị và kinh tế luôn bị chao đảo; và dưới nhiều hình thức, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục chối bỏ ánh sáng Tin Mừng. Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay cần chứng tá của chúng ta về Vương quyền của Chúa Kitô trên mọi thụ tạo.
Trong Thông điệp Quas Primas, gợi cho chúng ta nhớ đến lời Đức Giê-su, trước khi về trời, đã tuyên phán với các môn đệ rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” (x.Mt 26, 18). Lời tuyên phán này, có thể hiểu một cách gián tiếp rằng, “Đức Giê-su là Vua của thế giới, trị vì giữa các quốc gia”. Đức giáo hoàng Pio XI, phân tích: Sự nổi loạn của các cá nhân và quốc gia chống lại quyền bính của Đức Kitô đã tạo ra những hậu quả đáng trách… mầm mống của sự bất hòa gieo rắc khắp nơi; những thù hận cay đắng và sự kình địch giữa các quốc gia, vẫn luôn gây nhiều cản trở đến sự nghiệp hòa bình. Lòng tham vô độ thường được che giấu dưới lớp vỏ tinh thần đại chúng và lòng yêu nước, và gây ra biết bao mối bất hoà riêng rẽ; Sự ích kỷ mù quáng và thái quá, khiến con người không tìm kiếm điều gì khác ngoài sự thoải mái và lợi ích của bản thân, và đo lường mọi thứ bằng thước đo của sự ích kỷ; Thiếu sự hòa bình trong đất nước, bởi vì người dân lãng quên hoặc bỏ bê nhiệm vụ của mình; Sự hiệp nhất và bền vững của gia đình bị xói mòn; Tóm lại, xã hội, bị lung lay đến tận gốc rễ và đang trên đường hủy diệt. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng chắc chắn rằng Lễ Chúa Kitô Vua được cử hành hàng năm, có thể đẩy nhanh sự trở lại của xã hội với Đấng Cứu độ yêu thương của chúng ta. (số 24)
Nhưng “quyền lực” của Chúa Kitô Vua hệ tại ở điều gì? Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong buổi đọc Kinh Truyền tin vào ngày lễ Chúa Kitô Vua, 22 – 11 - 2009, đã giải thích:
Đó không phải là quyền lực của các vị vua chúa hoặc những người vĩ đại trên trần gian này; Đó là quyền lực thánh thiêng để ban sự sống đời đời, giải thoát khỏi sự dữ, đánh bại ách thống trị của sự chết. Đó là quyền lực của tình yêu có thể lôi kéo điều thiện từ điều ác, có thể làm tan chảy một trái tim chai đá, đem lại hòa bình giữa những xung đột gay gắt nhất và thắp lên hy vọng trong bóng tối dày đặc nhất.
Vương quốc Ân sủng này không bao giờ áp đặt nhưng luôn tôn trọng quyền tự do của chúng ta. Chúa Kitô đến “để làm chứng cho sự thật” (Ga 18, 37), như Người đã tuyên bố với Philatô: ai chấp nhận lời chứng của Người thì phục vụ dưới “ngọn cờ” của Người…. Do đó, mọi lương tâm đều phải đưa ra lựa chọn. Tôi muốn đi theo ai? Thiên Chúa hay ma quỷ? Sự thật hay sự giả dối? Việc chọn Chúa Kitô không đảm bảo thành công theo tiêu chí thế gian, nhưng đảm bảo sự bình an và niềm vui mà chỉ mình Người mới có thể ban cho chúng ta. Qua mọi thời đại, điều này được minh chứng bởi kinh nghiệm của nhiều người nam nữ, những người mà, nhân danh Chúa Kitô, nhân danh sự thật và công lý, đã có thể chống lại những cám dỗ của quyền lực trần thế bằng những chiếc mặt nạ phòng độc khác nhau, đến độ họ đã đóng ấn lòng trung thành của mình bằng sự tử đạo.
Mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta được mời gọi để một lần nữa xác tín rằng: Dù sống giữa một thế giới hơn 8 tỷ người, với sự bấp bênh trước bao cảnh đau thương của chiến tranh, hận thù, nghèo đói, thiên tai, và thế lực sự dữ tung hoành khắp nơi, chúng ta vẫn vững niềm trông cậy, vì chỉ có Chúa Giêsu là Vua. Một vị Vua không thiết lập triều đại bằng vũ khí, nhưng bằng cái chết tự hiến trên thập giá. Không cai trị bằng vũ lực, nhưng bằng tình yêu thương, phục vụ. Một vị Vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nằm sâu trong trái tim con người mới có thể giúp cho con người tìm ra ý nghĩa, lẽ sống của đời mình, mang lại sự bình an, tự do, và hạnh phúc đích thực cho con người, dẫn dắt con người hoàn tất hành trình dương thế để đạt đến cuộc sống trên Vương quốc vĩnh cửu. 
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=============
Suy niệm 4
 CHÍNH NGÀI NÓI RẰNG TÔI LÀ VUA
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Chúa Kitô Vua, Năm B hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi, biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh, và không ngớt lời chúc tụng ngợi khen. 
Phụng thờ Chúa và không ngớt lời chúc tụng ngợi khen, để được mặc áo trắng, có tên trong sổ hằng sống, và ngồi trên ngai, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Có ai giống như Con Người, thánh Gioan dùng văn thể khải huyền để mô tả vẻ huy hoàng khi Con Người ngự đến. Tất cả mọi hình ảnh được sử dụng để giúp ta hiểu rằng Đấng đã chết trên thập giá là Đấng đang sống. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo lẽ công bằng. 
Phụng thờ Chúa và không ngớt lời chúc tụng ngợi khen, bằng cách làm cho Vương Triều của Chúa triển nở nơi ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Linh Mục Origiênê nói: Ai cầu cho triều đại Thiên Chúa mau đến thì cũng cầu cho vương quyền của Thiên Chúa nơi mình được tăng triển, đem lại hoa trái và đạt tới tột đỉnh… Vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Kitô của Người; Người sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời. Mọi dân tộc dưới trần phủ phục trước Tôn Nhan. Bởi vì Chúa nắm quyền vương đế. 
Phụng thờ Chúa và không ngớt lời chúc tụng ngợi khen, bằng cách thông dự vào hy tế của Chúa để được đồng hiển trị với Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Đanien nói: Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 92, vịnh gia đã kêu xin: Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai. Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển. Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa: Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, Khải Huyền cho thấy: Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người. 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít tổ phụ chúng ta. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ông Philatô liền hỏi: Vậy ông là vua sao? Đức Giêsu đáp: Chính ngài nói rằng tôi là vua. Chúng ta là thần dân của Chúa, vì thế, chúng ta phải trung hiếu với Vua của mình. Nếu chúng ta tiến bước không ngừng, thì vương quyền của Thiên Chúa nơi chúng ta sẽ đạt tới mức trọn vẹn. Lúc đó, lời thánh Phaolô sẽ được thực hiện: Sau khi tiêu diệt hết mọi quân thù, Đức Kitô sẽ trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha, để Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài. Nếu chúng ta muốn Thiên Chúa ngự trị nơi chúng ta, thì đừng để cho tội lỗi có cách nào thống trị chúng ta nữa, nhưng, hãy giết chết những gì thuộc hạ giới trong con người chúng ta, và hãy nhờ Thánh Thần mà sinh hoa trái. Thiên Chúa sẽ cai trị lòng trí chúng ta, và chúng ta sẽ sống hạnh phúc, bởi vì, thù địch cuối cùng là sự chết đã bị tiêu diệt nơi chúng ta, nhờ ơn tái sinh mà Chúa ban cho chúng ta. Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái và là Vua toàn thể vũ trụ. Ước gì hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi, biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh, và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
=============
Suy niệm 5
KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN
“Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”.
“Những kẻ chinh phục thế giới - với những đội quân dũng mãnh và vũ khí khủng khiếp - tìm cách khuất phục nó trong vô vọng! Chúa Kitô chinh phục thế giới với một vũ khí đơn giản - “Tình Yêu”. Tim Ngài tan vỡ, để Ngài có thể ôm lấy những kẻ tan vỡ. Ngài trị vì thế gian, nhưng Vương Quốc Ngài không thuộc về thế gian!” - Dr. Anthony Fortosis.
Kính thưa Anh Chị em,
Long trọng mừng Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, chúng ta tin Ngài là Vua vạn vật, Vua thiên đàng, Vua các linh hồn! Tuy nhiên, trong Tin Mừng hôm nay - trả lời Philatô - Ngài xác nhận, Ngài là Vua, nhưng Vương Quốc Ngài ‘không thuộc về thế gian’. Vậy nó ở đâu?
Trước hết, Ngài không phải là một vị vua thế gian, một người có quyền dân sự. Vì như thế, Ngài là kẻ thù của chính quyền Rôma. Điều này là bất hợp pháp và Ngài sẽ bị trừng phạt đến chết; đang khi Ngài hoàn toàn vô tội, hoàn hảo mọi đàng, kể cả việc tuân giữ mọi lề luật dân sự hợp pháp. Vậy thì Vương Quyền của Chúa Giêsu ở đâu?
Vương Quyền của Ngài ở trong các tâm hồn! Vương Quyền tình yêu, một Vương Quyền được Đaniel tiên báo, “Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong!” - bài đọc một. Đó là một Vương Quyền mà vì nó, “Ngài đã dùng máu Ngài mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa” - bài đọc hai - hầu mỗi người có thể tuyên xưng “Chúa là vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào!” - Thánh Vịnh đáp ca. Vì vậy, với tuyên bố, “Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”, Chúa Giêsu muốn nói, Vương Quốc của Ngài là Vương Quốc tình yêu; Ngài chiếm lãnh các trái tim bằng tình yêu, với tình yêu. Đó không phải là một đất nước cạnh tranh với chính quyền Rôma hay bất kỳ một cơ quan dân sự nào. Trước điều đó, Philatô tỏ ra lúng túng!
Ngày nay và cho đến muôn đời, Chúa Kitô luôn ước mong Vương Quốc Ngài trị vì khắp mọi nơi, trong mọi người. Ngài bắt đầu công việc này bằng việc chiếm ngự các tâm hồn; Ngài mời gọi chúng ta mở lòng đón tiếp Ngài. Ngài muốn thống trị mọi đam mê, ước muốn, suy nghĩ và hành động của chúng ta. Bên cạnh đó, Ngài còn muốn Vương Quốc phát triển! Điều này có nghĩa là khi trái tim của các nhà lãnh đạo, các bậc cha mẹ, những người đứng đầu ‘được biến đổi’, họ sẽ là những người ủng hộ, cộng tác và xây dựng Vương Quốc. Điều đó có nghĩa là mọi người, không trừ ai, được kêu gọi trở nên những con người xây dựng Nước Chúa ‘ở đây và lúc này’. Đó là những ai được giao cho chúng ta; và đến lượt họ, họ tiếp tục xây dựng Vương Quốc trong môi trường mình.
Anh Chị em,
“Nước Tôi không thuộc về thế gian này!”. “Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ mời gọi chúng ta để Ngài trở thành Vua của mình. Một vị Vua, bằng lời nói, gương sáng và cuộc sống hiến tế trên thập giá để cứu chúng ta khỏi chết, và vị Vua này chỉ ra con đường cho những ai lạc lối, mang ánh sáng mới cho những cuộc sống vốn bị hoen ố bởi nghi ngờ, sợ hãi và những thử thách hằng ngày!” - Phanxicô. Từ đó, noi gương Ngài, chúng ta làm tất cả những gì Chúa muốn và giúp người khác làm điều tương tự cho Vương Quốc.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin trị vì trái tim bất thường của con, giúp con chiến đấu cho Vương Quốc không bằng một sức mạnh nào - ngoài tình yêu và lòng thương xót của Chúa!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
=============
Suy niệm 6
VUA CỦA ĐỜI TÔI LÀ AI?
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Hẳn ai trong chúng ta ít nhiều đã quen với hình ảnh vương đế oai phong trong truyền thuyết, cổ tích Việt Nam! Bên cạnh nhiều vị vua hiền đức, biết hy sinh tư lợi mà lo cho xã tắc, dân an, quốc mạnh; cũng k thiếu những thời vua chúa sa vào lạc thú, chỉ biết lợi ích cá nhân, mà chẳng lo cho dân nước!
Hôm nay, chúng ta mừng kính trọng thể lễ Chúa Ki-tô Vua với một tâm thế hồ hỡi vì vị Vua Giê-su đã dạy và làm gương cho chúng ta: hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu (x. Ga 15, 13). Hơn nữa, dịp lễ này khiến chúng ta nhìn lại, tự vấn và xác tín rằng: ngoài Vua Giê-su Ki-tô, còn ai hoặc điều gì đang cai trị đời tôi không? Tôi biết không ai khác hoặc sự việc gì đó có thể làm vua đời tôi, nhưng vì thói hư tật xấu, vì thói đời của bản thân mà tôi đang cho phép họ hay sự thể ấy kiểm soát và điều khiển đời tôi như thể vương đế?
Trước hết, Vua Ki-tô của chúng ta đích thật là chủ chiên lành, Người chăn dắt, nuôi dưỡng đoàn chiên, chứ không vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm mà loại bỏ đoàn chiên hoặc lãng quên chúng: “Chính Ta sẽ chăn dt các chiên Ta...Ta sẽ chăm sóc và chăn dắt nó trong sự công chính" (x. Ed 34, 15-16). Người là thiên vương dám bỏ vinh quang trời cao, xuống gian trần, mặc lấy xác phàm con người. Người là vị vua dám ra đi tìm kiếm chiên lạc, bất luận nó bị thế nào. Người là vị vua trao ban sự sống của chính mình để mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Nếu chúng ta là thần dân của vị vua này, ắt hẳn chúng ta cũng noi gương Người, biết mưu cầu lợi ích cho tha nhân hơn là châm bẩm vào tư lợi, biết hy sinh cho tha nhân, biết chia san ân sủng, tài năng cho cộng đoàn, thay vì chôn dấu, v.v...
Mặc dù là vua muôn dân, muôn loài, nhưng Đức Giê-su Ki-tô khiêm hạ đến tột cùng (x. Pl 2, 6-11), và "Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự" (x 1Cr 15, 24. 28). Đường đường là vị vua cao sang, ai ai cũng phải phục tùng, bái quỳ, và được bảo vệ hết mực, như chúng ta quen với hình ảnh thông thường: dân nước, quân lính phải bảo vệ vua kể cả hy sinh mạng sống mình; nhưng ở đây ngược lại, Vua Giê-su hy sinh mạng sống mình không những bảo vệ mà còn mang lại sự sống đời đời cho thần dân của Người. Vậy tôi đang là thần dân của Người, hay dân của thần nào khác? Thần ấy có thể là tiền tài, danh vọng, cái tôi, địa vị, quyền lợi cá nhân, hoặc một thú vui nào đó đang thống trị, giam hãm đời tôi! Nếu tôi là thần dân của Vua Giê-su, thì chắc chắn không ai khác, chỉ có Người làm chủ toàn bộ con người và cuộc đời tôi.
Sau cùng, Vua Giê-su Ki-tô là vị Vua nhân hậu và công bình như người mục tử tách chiên ra khỏi dê (x. Mt 25, 32). Người tách biệt chiên và dê dựa trên tình bác ái mà chính Người đã sống, đã làm chứng cho chúng ta, cũng như chúng ta được lãnh nhận sức mạnh ân sủng từ Người, ngỏ hầu thực thi giới răn yêu thương ấy; chứ Người không dựa trên những tiêu chuẩn mà chúng ta thường hay mặc định để phân xử như: thành quả, thành đạt, thành tựu, thành tích, v.v… Người cũng chẳng dựa trên văn bằng học vấn, trình độ khoa học hoặc công trình nghiên cứu để phân xử công bình. Đúng hơn, Người chỉ dựa vào việc chúng ta đã sống bác ái yêu thương cụ thể chưa, hay chỉ sống giới răn ấy trong tư tưởng, trong lý tưởng, trong lời nói, mà chưa thực hành bao giờ, hoặc nếu có thực hiện đi chăng nữa cũng chỉ hời hợt và thứ yếu! Vua Giê-su Ki-tô đòi hỏi thần dân của Người biết nhận ra sự hiện diện của Người nơi anh chị em, đặc biệt những ai bé mọn nhất, vì Người tự đồng hoá mình với họ: "Ta bảo tht các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40). Tương tự, nếu chúng ta không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là chúng ta không làm cho chính Vua Giê-su (x. Mt 25, 45). 
Giờ đây, với tâm tình đơn sơ, tín thác, chúng ta cùng hiệp nhất và dâng lời nguyện xin:
Lạy Vua Giê-su lòng con mến yêu
Xin trao đời con vào đôi tay nhân từ của Chúa
Xin mãi làm Vua khoan dung hướng dẫn đỡ nâng
Đừng để con trở nên "ông vua con" của mình
Đừng để ai đó cai trị, điều khiển trí lòng con
Đừng để sự gì chiếm lấy ngôi vị vương đế đích thật
Đừng để và đừng để con sa vào ý nghĩ làm "vua chúa" ai!
Trên hết, xin Người làm Vua vĩnh hằng đời con. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=============
Suy niệm 7
Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ
Dn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33b-37
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bị quan Philatô thẩm vấn trong dinh: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” (Ga18,33). Người không phủ nhận, nhưng Người trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra nước tôi không thuộc chốn này”. (Ga 18,36).
Nước của Thiên Chúa là chủ đề đã được các ngôn sứ loan báo trong thời Cựu ước bằng nhiều hình ảnh sinh động. Khi Đức Giêsu đến, chủ đề nước Thiên Chúa còn được chính Người rao giảng, trở nên rõ ràng và sống động hơn qua các dụ ngôn. Người đã thiết lập nước của Thiên Chúa ngay trong trần gian. Ai tin, sám hối và đón nhận Người là được thuộc về vương quốc ấy. Nước Thiên Chúa không phải là một địa điểm rõ ràng về địa lý, nước ấy không đến như một điều có thể quan sát thấy. Bởi vậy chẳng ai có thể nói nước Thiên Chúa ở đây hay ở kia. Những ai sống trong chân lý, tình thương, hòa bình và ân sủng của Chúa, thì chính Thiên Chúa đang ở giữa họ và họ là những người thuộc vương quốc của Thiên Chúa. 
Chúa Giêsu Kitô là Vua thật, nhưng chẳng giống một vị vua ở trần gian chút nào, không quyền lực vinh sang, không quan quân lính tráng hầu hạ. Khi mới sinh ra Ngài đã được gọi là vua. Khi vừa mới ra đời, các nhà chiêm tinh đã tìm hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1). Thật lạ lùng, Ngài sinh ra nơi chuồng bò hèn hạ khó khăn. Khi Người đi rao giảng, có hai người mù chạy theo tuyên xưng: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt 9,27). Đám đông ngút ngàn được ăn bánh no nê chỉ muốn tôn Người làm vua để được ăn bánh hằng ngày, họ sửng sốt bảo nhau: “Ông này chẳng phải là Con vua Đavít sao?” (Mt 12,23). Khi Người vào thành thánh Giêrusalem, dân chúng trải áo, đón rước và tung hô: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (Lc 19,38). Nhưng thật khác lạ, Vua Giêsu cuối cùng phải chịu đem ra nhục mạ, nhạo báng. Người là Vua đau khổ: Lính tráng lột áo Người, khoác cho Người áo choàng đỏ, kết vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, trao cho Người cây sậy rồi quỳ xuống nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!” (Mt 27,29). Vua bị treo lên “ngai” thập giá với bản án xử tội: “Người này là Giêsu, vua dân Do Thái.” (Mt 27,37). Bị coi như một tử tội, nhưng Vua Giêsu đã chiến thắng, như trong bài đọc II đã khẳng định: “Đức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian... Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người, kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen!” (Kh 1,5-6).
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua, Vua Nước Trời, Vua Sự Thật, Vua Tình Yêu! Xin Chúa luôn ngự trị tâm hồn chúng con ở mọi nơi và trong mọi lúc. Xin cho chúng con luôn được sống hạnh phúc viên mãn trong vương quốc của Chúa. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log