Suy niệm 1
NIỀM VUI MỚI Ga 2, 1-10
Theo Tin Mừng Gioan, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa thì việc đầu tiên là chọn gọi các môn đệ, và sau đó là đến dự tiệc cưới tại Cana. Có lẽ đây là tiệc cưới của người bà con nên có Đức Mẹ, và các môn đệ cùng đi. Theo tập tục Do Thái, tiệc cưới kéo dài cả tuần lễ, nhưng không may tiệc cưới này đến giữa chừng thì hết rượu. Đây là điều tối kỵ, vì thật xấu hổ cho gia chủ và đôi tân hôn. Cả nhà chủ tiệc không ai hay biết, thế mà Đức Maria đã nhận ra tình trạng này, và nói cho Đức Giêsu biết. Ngài đã biến nước thành rượu, trả lại bầu khí vui tươi cho tiệc cưới. Theo Tin Mừng Gioan, đây là dấu lạ đầu tiên mà Ðức Giêsu làm để
bày tỏ vinh quang của Ngài, và các môn đệ đã tin vào Ngài. Rượu là hình ảnh mà các ngôn sứ thường dùng để loan báo buổi bình minh của kỷ nguyên Đấng Mêsia. Đó là ý nghĩa sâu xa của phép lạ này, vì thứ nước dùng vào việc thanh tẩy của người Do Thái được Đức Giêsu biến thành rượu, nghĩa là nước của Cựu Ước đã hóa thành rượu của Tân Ước. Như thế,
“Cái cũ đã qua đi, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5, 17). Thời đại Mêsia đã đến, Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, Ngài đến để thiết lập một trật tự mới, chan chứa niềm vui ơn cứu độ, như rượu mới dư dật trong tiệc cưới. Ba năm sau, cùng một thời điểm này ngay trước lễ Vượt Qua (2, 13), Đức Giêsu lại hóa rượu thành máu của Ngài cho muôn dân được hưởng ơn tha tội (Mt 26, 28).
Dấu lạ Cana chủ yếu cho chúng ta thấy Đức Giêsu là ai, đồng thời cũng cho chúng ta thấy được vai trò linh thiêng của Đức Maria. Với thái độ nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân, Mẹ đã đưa ra lời thỉnh cầu một cách kín đáo và tế nhị với Con Mẹ,:
“Họ hết rượu rồi”. Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu xem ra không được thịnh tình:
“Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến”. Thế nhưng Mẹ vẫn hoàn toàn tin tưởng nơi con Mẹ. Mẹ không hiểu Ngài sẽ làm gì và làm như thế nào, nhưng tin Ngài sẽ có cách cứu nguy cho bữa tiệc cưới, nên Mẹ bảo các gia nhân:
“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Sao Đức Maria lại dám bạo dạn nói như vậy khi chưa từng thấy con mình làm một phép lạ nào? Phải chăng với một tâm hồn trong suốt và một trực giác tinh anh, Mẹ đã nhận ra nơi Đức Giêsu một tính cách thần linh. Và để cứu giúp người khác, Mẹ đã dám mạo muội nói lên sự kín nhiệm của tâm hồn mình. Cuối cùng Đức Giêsu cũng đã làm theo ý muốn của Mẹ mình. Thật ra không phải vì ý muốn của Mẹ, nhưng qua đó Ngài nhận ra ý muốn của Chúa Cha.
Đúng là “giờ” của Đức Giêsu chưa đến, giờ mà Ngài được tôn vinh, giờ mà tình yêu Chúa Cha được biểu lộ tận cùng qua cái chết của Chúa Con. Thế nhưng Đức Giêsu không lệ thuộc vào khung cảnh thời gian tương đối, để có thể hành động đúng lúc theo ý định của Thiên Chúa. Mọi hành động trong cuộc sống đều có giờ, có nơi và có lúc của nó, nhưng phải chăng tình yêu đòi phải thể hiện ở mọi nơi và trong mọi lúc. Tình yêu chẳng khác nào dòng nhựa sống của thân cây phải liên tục luân chuyển. Nói cách khác, tình yêu là nhịp đập của trái tim Thiên Chúa trong đời sống con người qua mọi hành động của Đức Giêsu.
Qua bài Phúc Âm này, chúng ta cũng cần nhìn ngắm sự hiện diện của Đức Maria: một sự hiện hiện cho người khác, vì người khác. Nếu ta có được sự hiện diện như Đức Mẹ, ta cũng sẽ đem lại sự nồng ấm và an vui cho gia đình, cho cộng đoàn. Đó cũng là một sự hiện diện bám sát lấy Chúa trong mọi tình huống, để chính Chúa làm mới lại tình yêu và cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Nếu chúng ta nghe Mẹ, cứ làm theo lời Chúa dạy, đời sống chúng ta sẽ được biến đổi tốt đẹp biết bao.
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục bước vào đời sống của từng người, từng đôi tân hôn, từng gia đình. Bất cứ ai để cho Chúa bước vào đời mình sẽ nhận được một phẩm chất mới, giống như nước lã biến thành rượu ngon. Không có Đức Giêsu, cuộc đời vẫn ứ đọng, phẳng lì và chán ngán. Khi để cho Chúa bước vào đời ta, nghĩa là luôn ý thức sự hiện của Ngài, thì mọi cái sẽ trở nên sinh động và đầy hy vọng. Thiếu sự kết nối với Chúa, ta sẽ cảm thấy cuộc đời cô đơn, trống vắng. Đặt mình trong Chúa, ta sẽ tìm thấy sự an vui và những điều kỳ điệu.
Ước chi mỗi khi đêm về, gia đình chúng ta lại xúm xít bên nhau và quây quần bên Chúa, vang lên lời kinh chúc tụng tạ ơn Chúa với những lời kinh Mân côi, để được Mẹ dắt dìu chúng ta đến với Chúa Giêsu. Cũng từ đó mà niềm vui và sức sống lại tràn về trong tổ ấm gia đình. Đó mới thật là một gia đình có Chúa, của Chúa, một hội thánh tại gia, góp phần với Chúa đem lại sự tươi mới cho xã hội hôm nay.
Cầu nguyện Lạy Chúa Giêsu!
Tiệc cưới là biểu hiện của niềm vui,
niềm vui của sự sống rất phong nhiêu,
của ân ban trong tất cả mọi điều,
vì chính là kết quả của tình yêu. Nhưng tình yêu vẫn thường bị đe dọa,
khi cuộc sống bất trung và bất tín,
khi con người vẫn thiếu một lòng tin,
không dám sống một cuộc đời chân chính. Chúa đã hóa nước lã thành rượu ngon,
để con thấy sự hiện diện của Ngài,
làm nên sự tươi mới ở mọi nơi,
đem an vui hạnh phúc cho mọi thời. Nếu không có sự hiện diện của Chúa,
sợ rằng mọi tiệc cưới sẽ lụi tàn,
có thể mọi niềm vui cũng sẽ tan,
và gia đình lại sống kiếp hoang mang. Có Chúa là mọi sự sẽ tươi mầu,
cuộc đời bớt khốn khổ và lo âu,
tình yêu lại đẹp như thuở ban đầu,
và hạnh phúc tươi thắm mãi ngàn sau. Dấu lạ Ca-na ân phúc chan hòa,
cũng là nhờ có Đức Ma-ri-a,
Mẹ sẽ thấy tình cảnh của mỗi nhà,
luôn kịp thời để bầu cử cho ta. Xin cho con luôn cận kề bên Mẹ,
biết quan tâm phục vụ thật hăng say,
biết để tâm làm theo điều Chúa dạy,
cho niềm vui và tình mến dâng đầy. Amen. Lm. Thái Nguyên ===============
Suy niệm 2
KHÔNG CÒN ‘PHẬN BẠC DUYÊN ĐƠN’!
Đối với mỗi văn hoá, cảm giác bị khinh chê, nhục nhã, xấu hổ có thể khác nhau về cách bộc lộ cũng như biểu hiện, hoặc do các định chế bất thành văn của quốc gia đó. Đơn cử văn hoá Do Thái, khi người đàn bà son sẻ, hoặc vô sinh thì thường bị gán là ‘đồ bị ruồng bỏ’, ‘người bị trừng phạt’, và đây là nỗi ô nhục ghê gớm đối với giới phụ nữ Do Thái nói chung. Điều này nếu nhìn kỹ, nó cũng na ná với tư tưởng cổ hữu phong kiến của người Việt Nam ta, là điều không nên giữ lại, nhưng đâu đó vẫn còn diễn ra trong tư tưởng, tâm trí của chúng ta!
Thật vậy, thời ngôn sứ I-sai-a, dân Is-ra-el cũng đã trải qua thế sự chẳng đáng tự hào là mấy. Thế nhưng, nhờ “Đấng công chính xuất hiện, Đấng Cứu độ Si-on đến như ngọn đuốc sáng ngời…” (x. Is 62, 1), nhờ hồng phúc của Thiên Chúa, nhờ ân thưởng của Ngài, mà “chẳng ai còn réo tên ngươi (dân Is-ra-el): ‘Đồ bị ruồng bỏ!’ Xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘Phận bạc duyên đơn’…nhưng được gọi ‘Ái khanh lòng Ta hỡi!’ Xứ sở ngươi nức tiếng là ‘Duyên thắm chỉ hồng’” (x. Is 62, 4), vì chưng “ngươi (dân Is-ra-el) sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi” (Is 62, 4). Thiên Chúa đã thương đoái nhìn đến dân khốn cùng, Ngài hết lòng yêu thương và lập giao ước thân tình như thể ‘hôn ước’ giữa “trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tạo tác ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi” (x. Is 62, 4-5).
Mối tương quan giao ước kết chặt giữa Thiên Chúa với dân Is-ra-el vượt xa mối tình gắn bó thân mật giữa đôi vợ chồng. Vì đây chẳng phải là sự kết nối giữa hai con người với nhau, giữa hai loài thọ tạo với nhau, mà là giữa Đấng hoá công với loài được tạo dựng, giữa một Thiên Chúa yêu thương, hằng trung tín, đầy lòng xót thương với con người thấp hèn, yếu đuối, bất trung, bất tín vì sự mong manh, hèn kém! Tuy nhiên, khi nói đến hôn lễ của người Do Thái, đặc biệt trong tiệc cưới Ca-na như Tin Mừng hôm nay thuật lại, thì chúng ta có thể đặt ra một số câu hỏi: tại sao việc Chúa Giê-su làm phép lạ biến nước thành rượu hảo hạng lại cứu gia đình tân lang như ‘một bàn thua trông thấy’? Và biến cố này có sự tinh tế của Mẹ Ma-ri-a, có sự vâng phục không chút ngờ vực của những người gia nhân (người giúp việc), và dẫn đến niềm tin tưởng của các môn đệ vào Chúa Giê-su, đã đóng vai trò quan trọng thế nào trong tiệc cưới Ca-na nói chung và đời sống phu thê của đôi tân lang tân nương nói riêng?
Thoạt đầu, chúng ta đề cập đến một trong vô số điều khiến người Do Thái xấu hổ. Còn bây giờ, qua trình thuật phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su tại tiệc cưới Ca-na, chúng ta biết thêm điểm khác mà có thể dẫn tới sự bối rối, áy náy, thậm chí nhục nhã, hỗ ngươi của người Do Thái thời bấy giờ. ‘Rượu nồng se duyên, kết nối tâm hồn’, và ‘rượu mặn nồng’ biểu trưng cho niềm vui hoan hỷ bất tận, đặc biệt trong ngày cưới. Cho nên, việc bỗng dưng hết rượu, mà tiệc vui vẫn chưa kết thúc, là sự cố vô cùng xấu hổ đối với gia đình tân lang. Câu nói ngắn gọn hàm chứa ý nghĩa cứu giúp đôi vợ chồng trẻ này, hỗ trợ gia đình tân lang của Mẹ Ma-ri-a không thể không bắt nguồn từ một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, quan tâm đến nhu cầu của tha nhân sâu sắc như Mẹ: “…mẹ Chúa Giê-su nói với Ngài: ‘Họ hết rượu rồi’” (Ga 2, 2). Đây chính là tâm tình, tư tưởng của người mẹ thấu hiểu con cái, kịp thời giúp đỡ hàng xóm láng giềng đang trong tình cảnh khó xử. Hơn nữa, Mẹ sống lời “xin vâng” (x. Lc 1, 38) với tâm thế “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại (các biến cố) trong lòng” (x. Lc 2, 19) bằng cách dặn dò, truyền ‘năng lượng tích cực’, truyền tinh thần ‘vâng phục’ không một mảy mảy nghi ngờ cho những người giúp việc: “Hễ Ngài bảo gì, thì các anh cứ làm theo” (x. Ga 2, 4). Giả sử, các gia nhân này bất tuân, không cộng tác, không làm theo điều Chúa Giê-su bảo, vì lý do vệ sinh (các chum đá này thường được dùng vào việc thanh tẩy của người Do Thái, chứ chẳng phải vật dụng chuyên dùng để đựng rượu uống), thì phép lạ tại tiệc cưới Ca-na được diễn ra hay không? Chắc chắn sẽ được diễn ra, nhưng theo cách thức khác! Tuy nhiên, nêu ra giả sử này để chúng ta liên tưởng đến cuộc sống đức tin của mình. Nếu chúng ta không biết cộng tác, không để Chúa tự do biến đổi con người chúng ta, thì khó lòng có cảm nghiệm hoán cải như Thánh Phao-lô ‘ngã ngựa trên đường đi thành Đa-ma-cus’. Hơn nữa, đức tin của chúng ta cần được hung đúc, cần được mặn nồng nhờ vào ơn Chúa, nhờ vào Thần Khí, nhờ vào Lời Chúa.
Đời sống đức tin của chúng ta sẽ nhạt nhoà, nhạt nhẽo như mối gắn kết của đôi vợ chồng trẻ bị đứt đoạn, nếu ‘rượu nồng thắm tình’ cạn kiệt giữa buổi tiệc hân hoan. Đời sống đức tin chúng ta sẽ lạnh nhạt, phai mờ, có khi ‘chết cóng’ nếu thiếu vắng sự gắn kết với vô vàn ân sủng Thánh Linh, như Thánh Phao-lô đã quả quyết trong thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô: “có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Ngài thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích” (1Cr 12, 4-7). Thật vậy, tuy khác nhau về nhiều mặt, nhưng chúng ta cùng chung một Thiên Chúa là Cha, cùng được cứu chuộc bởi Chúa Con, và cùng được ân ban, đỡ nâng, được lãnh nhận sứ vụ khác nhau, nhưng đều từ một Thần Khí. Vì thế, sự khác biệt không đẩy chúng ta đến chỗ tách rời, xa cách, chia rẽ nhau, nhưng chính nhờ Thánh Thần là nguồn ân sủng, gắn kết, liên đới chúng ta nên một, nâng đỡ đời sống đức tin chúng ta, xây dựng cộng đoàn hiệp nhất dựa trên đặc sủng, đoàn sủng, và các sứ vụ khác nhau: “Người thì được Thánh Thần ban cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh, theo cùng cùng một Thánh Thần; người khác được đức tin,…Nhưng cùng Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó. Ngài ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Ngài quy định” (x. 1Cr 12, 8-11).
Có một giáo xự nọ, cha quản nhiệm phát hiện giáo dân của ngài rất ư tài năng, đủ mọi loại tài khác nhau; nếu dùng đúng nơi sẽ sản sinh nhiều hoa quả cho giáo xứ. Thế nên ngài bèn tổ chức những bữa tiệc mừng rượu quý linh đình, với mục đích gắn kết và mời gọi những giáo dân tài năng này cộng tác với giáo xứ, cũng như biết hỗ trợ nhau, làm việc chung với nhau. Tuy nhiên, ‘rượu vào thì lời ra’, mà ‘lời ra thì ông cũng như bà’, chẳng thể kiểm soát hành vi, ngôn từ làm tổn thương nhau. Lấy làm buồn vì sự thể ấy, cha xứ thay đổi bằng cách tổ chức các buổi cầu nguyện, đặc biệt đào sâu Kinh Thánh và học hỏi cũng như sống thân tình với Chúa Thánh Thần. Sau một thời gian khá dài, với sự nỗ lực, kiên tâm, mà giáo xứ cha trở nên đoàn kết, chung tay sống đời bác ái, tín thác, cậy trông nhờ:
‘Rượu nồng’ ân sủng Thánh Linh
Kết giao, liên đới thành hình yêu thương
Tuy khác nhau, nhưng chung đường
‘Chỉ hồng duyên thắm’ tựa nương bên Ngài…
Lm. Xuân Hy Vọng