Thứ sáu, 21/02/2025

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật VII Thường niên C (1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1Cr 15,45-49; Lc 6,27-38)

Cập nhật lúc 16:02 19/02/2025
Tin Mừng: Lc 6,27-38

"Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ".

27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

============

Suy niệm 1: NHÂN TỪ NHƯ CHA
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 7 Thường Niên, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa giúp mỗi người chúng ta hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa.
 
Dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa: mọi sự sẽ qua đi, chỉ có tình yêu và lòng thương xót Chúa là còn mãi, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giảng Viên cho thấy: Cuộc đời phải chăng là một cuộc tái diễn không bao giờ dứt? Dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ. Đó là quả quyết nền tảng của sách Giảng Viên. Mọi sự cứ bắt đầu lại không ngừng, như đã vậy từ xa xưa. Chỉ có một điều duy nhất đáng kể, không giới hạn: đó là trong lịch sử thế giới cũng như nơi mỗi người chúng ta, kế hoạch của Thiên Chúa cứ không ngừng tiến triển. Sau khi nhìn thấy mọi công việc thực hiện dưới ánh mặt trời, tôi nhận ra: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát. Lọt lòng mẹ, trần truồng làm sao, thì cũng sẽ ra đi như vậy. Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được.
 
Dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa: tuân giữ giới luật yêu thương, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Mácximô Tuyên Giáo nói: Không có đức mến, tất cả chỉ là phù vân… Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Ai yêu thương anh em mình, thì ở lại trong ánh sáng. Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Đức Kitô, đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.
 
Dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa: đồng hình đồng dạng với Đấng là tình yêu và thương xót, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Samuen Quyển 1 tường thuật lại: ông Đavít nói: Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 102, vịnh gia cho thấy: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.
 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Điều răn mới là giới luật yêu thương, chúng ta phải nhân từ như Cha là Đấng nhân từ. Thật vậy, đức mến là thái độ tốt đẹp của tâm hồn. Ai yêu mến Thiên Chúa, mà lại không ngừng đem tất cả lòng khát khao và yêu mến mà hướng về Thiên Chúa. Ai không yêu thương người thân cận, là không tuân giữ điều răn của Chúa, mà ai không tuân giữ điều răn của Chúa, thì cũng không thể yêu mến Chúa. Đức mến được biểu hiện không chỉ bằng việc rộng rãi ban phát tiền bạc, mà còn, rõ nét hơn bội phần, bằng việc rao giảng lời Chúa và giúp đỡ tha nhân về phần xác. Ai thật lòng từ bỏ những lo toan trần tục để phục vụ người thân cận với một đức ái không giả dối, thì sớm được giải thoát khỏi mọi đam mê và nết xấu, để thông phần vào tình yêu thương và sự thông hiểu của Thiên Chúa. Ai có tình yêu Thiên Chúa trong lòng mình, thì không thấy mệt mỏi cực nhọc khi đi theo Chúa: Người ấy chịu đựng mọi khó nhọc, mọi sự phỉ báng và lăng mạ với một tâm hồn mạnh mẽ, chẳng hề nghĩ cách làm hại ai. Ước gì chúng ta luôn ý thức rằng: mọi sự sẽ qua đi, chỉ có tình yêu Chúa là còn mãi, ước gì chúng ta như vua Đavít, nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ. Ước gì mỗi người chúng ta hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

============

Suy niệm 2: ƠN GỌI KI-TÔ HỮU: NÊN TRỌN LÀNH, CHỨ KHÔNG CẦN NÊN HOÀN HẢO
 
Kính thưa quý cộng đoàn phụng vụ! Vừa rồi, con được tình cờ chuyện trò với một sơ bạn cùng thời học đại học mà mất liên lạc khá lâu. Được biết, hiện nay sơ ấy đang phục vụ với tư cách là một giáo viên mầm non ở một nước phát triển cũng như xứ sở Phù Tang đây. Đã lâu không được hàn thuyên, nên dường như cuộc trò chuyện không có hồi kết! Nhưng điều làm con ngạc nhiên là sơ ấy vẫn còn mang tư tưởng: một linh mục (nhất là linh mục triều) phải để lại dấu ấn của riêng mình qua ba việc sau: xây một nhà thờ, viết một cuốn sách và ít nhất có một đứa con tinh thần. Vừa nghe đến đây, thì con liền cười và nói vỏn vẹn một câu ‘chuyện này xưa như quả đất rồi sơ ơi!’ Dĩ nhiên, câu chuyện vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng sau đó con ngồi ngẫm nghĩ, tự hỏi lòng mình: ‘nếu tư tưởng ấy xưa rồi, thì bây giờ nên nghĩ thế nào cho phải đây?’
 
Lẽ thường, mỗi thời đại có một lối suy nghĩ, tư tưởng khác nhau. Hoặc nói theo cách khác, tư tưởng thế nào đi chăng nữa cũng có thể thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh và thời đại; nhưng một điều trong vô số nhiều điều không hề thay đổi, đó là ơn gọi căn tính của người Ki-tô hữu: hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành. Tắt một lời, hãy trở nên Thánh trong từng việc thường nhật của bản thân. Và đây có lẽ là lời giải đáp cho dòng suy tư như trên của con! Đã là Linh mục, người sống đời sống Thánh hiến đi chăng nữa, thì căn tính của bản thân Linh mục vẫn là người thuộc về Chúa Ki-tô, một Ki-tô khác, hay Ki-tô hữu. Cho nên ơn gọi căn bản và nền tảng của các Linh mục vẫn giống như mọi giáo dân, đó là trở nên Thánh trong sứ vụ của riêng mình.
 
Tin Mừng ngày hôm nay không đề cập đến ơn gọi nên Thánh một cách trực tiếp, nhưng được Thánh sử Lu-ca trình bày một cách chi tiết cụ thể về cách thức trở nên trọn lành “các con hãy có lòng nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ đọc lướt qua, thì thiết nghĩ ít ai trong chúng ta ưa thích, để tâm nhớ và sống những điều trong đoạn Tin Mừng hôm nay, nhất là trong thời đại hiện nay ‘mạnh ai nấy sống’, ‘sống chết mặc bây’, ‘hiền quá người khác cưỡi đầu, cưỡi cổ’, v.v...Sống trong một xã hội hiện nay, thì chuyện ‘yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, cầu nguyện cho kẻ vu khống, hiền lành tha thứ cho kẻ dùng bạo lực chiếm đoạt, gây hấn...’ (x. Lc 6, 27–29) chẳng phải là chuyện phi lí, khó xảy ra hay sao? Hơn nữa, đối với những người Công giáo nói chung, và giới kinh doanh, người hành nghề cho vay mượn, cầm đồ nói riêng, sẽ có rất ít người lưu tâm đến chi tiết này ‘nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được thì còn gì là ân với nghĩa?...trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả...’ (x. Lc 6, 34–35). Hơn nữa, có thể nhiều người trong số chúng ta cũng có ít nhiều ý nghĩ này trong tâm tưởng: chuyện khó thế này mà Chúa Giê-su cũng dạy và kêu mời chúng ta thực hành sao? Chuyện không thể thế này mà Chúa lại dùng Thánh sử Lu-ca ghi chép lại sao? Chưa hết, một quan niệm không biết bắt đầu từ bao giờ mà có thể nói: nó vẫn được lưu lại, in hằn trong tâm tư của nhiều người Công giáo chúng ta, đó là: chuyện nên Thánh không phải dành cho bản thân tôi, đó là việc của Chúa dành tặng cho một số người (như các Thánh đã được Giáo hội tôn phong và kính nhớ hằng năm)! Và tôi tội lỗi như thế này, làm sao có thể trở nên Thánh được!!? Về quan niệm này, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã dành tâm huyết, thời gian, cảm nghiệm đức tin, mục vụ của ngài mà giáo huấn, hướng dẫn mọi Ki-tô hữu trên toàn thế giới qua các cuộc yết kiến chung, qua buổi đọc Kinh Truyền Tin (hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trong Mùa Phục Sinh), cũng như trong các Tông huấn, Sứ điệp của Ngài, rằng: “Ơn gọi nên Thánh không phải được dành cho những bậc ưu tú, hay được tuyển chọn, mà là ơn gọi cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta”, và hơn nữa, “Không một vị Thánh nào mà không có một quá khứ; ngược lại, không người tội lỗi nào mà không có một tương lai”. Thật sự, khi đọc lại tiểu sử các Thánh được tôn phong, chúng ta nhận ra: các Thánh cũng là những con người yếu đuối, tội lỗi, cũng có quá khứ không được sáng sủa cho lắm, nhưng nhờ ơn Chúa và sự bỏ mình liên lỉ, sống trung thành trong bậc sống, sứ vụ của mình từng giây phút, mà các ngài được ghi danh trong hàng ngũ các Thánh trên trời. Chính vì thế, người tội lỗi, yếu đuối như các ngài cũng không phải không có một tương lai: được nên Thánh, như Thánh Phao-lô đề cập trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô “cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1Cr 15, 49).
 
Giờ đây, trong giây phút ngắn ngủi sâu thẳm tâm hồn, chúng ta cùng thinh lặng và đặt mình trước Lời Chúa hôm nay, cầu nguyện:
            Chúa ơi, (con) cám ơn vì lời mời gọi:
            Trở nên nhân từ như Cha trên trời!
            Nhưng Chúa ơi, Chúa biết lòng con rồi:
            Yếu đuối, bảo thủ vương trong tội lỗi,
            Chạy theo dễ giải, lánh xa ơn trời.
            Xét đoán, định kiến tha nhân, Chúa ơi!
            Nay cho con mãi ghi nhớ một đời
            Sống sao nên trọn như Cha trên trời! Amen!
 

                                                            Lm. Xuân Hy Vọng

============

Suy niệm 3: YÊU KẺ THÙ Ư ?

Lời Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ : “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây” (Lc 6, 27), cũng là lời dành cho mỗi chúng ta đang nghe chính Lời Chúa qua thừa tác viên của Giáo hội đây. Chúa bảo :  “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình” (Lc 6, 27-28). Yêu kẻ thù ư? Làm điều tốt cho kẻ không thích ta ư? Chúc phúc cho ai nói xấu ta và cầu nguyện cho ai đối xử tệ với ta ư ? Thật không dễ dàng chút nào.

Lẽ thường

Cứ sự thường thì chúng ta luôn yêu thương người thương mình, người nhà, người về phe với mình và ủng hộ mình. Còn ai ghét mình, thì mình chẳng ưa, đó là chưa ghét lại hoặc trả đũa theo cấp số nhân. 

Lời trên của Chúa Giêsu không khó hiểu, nhưng thực hiện chỉ đôi chút thôi cũng khó, trừ phi được mở mắt siêu nhiên với ơn đặc biệt của Chúa. Vì có mấy ai chịu: “Làm ơn cho những kẻ ghét mình chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình … cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài  thì  đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì  cho và ai lấy gì  thì đừng đòi lại…” (Lc 6, ). Chúa còn thêm : “Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con” (Lc 6, ).

Chúa Giêsu đã làm gương

Chúa Giêsu dạy ta ba cấp độ đối xử với với kẻ thù: yêu thương, làm ơn, cầu nguyện. Nếu ta chưa yêu thương được thì cố gắng lấy ơn báo oán. Nếu như vẫn chưa làm thế được thì tối thiểu hãy cầu nguyện cho họ.

“Hãy yêu kẻ thù… hãy cầu nguyện cho họ…”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu đã đi bước trước khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình và cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Ý tưởng này rất cao và rất khó nhưng nó tạo nên ý nghĩa. Như vậy Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta một con đường mới. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

Đúng như Đức Cồ Đàm trong Kinh Pháp Cú  có viết : Hận thù diệt hận thù. Đời này không có được. Không hận, diệt hận thù. Là định luật ngàn thu”. Nói cách khác : “Khắp nơi trong cõi dương gian. Hận thù đâu thể xua tan hận thù. Chỉ tình thương với tâm từ. Làm tiêu oán hận, giải trừ hờn căm. Đó là định luật ngàn năm”.

Đa-vít đã thực hành

Avisai cháu Đa-vít đã không ngần ngại gợi ý với Đa-vít để mình kết liễu vua Saul: “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai”. Câu nói của Avisai cho thấy tính cách tàn bạo của ông như thế nào. Vua Saul vì ghen ghét với những lời ca tụng của dân chúng dành cho Đavít nên luôn tìm cách để hãm hại và giết Đa-vít. Tuy nhiên, Đavít đã từ chối giết Saul.

Đavít chứng tỏ ông đã không chỉ thể hiện lòng trung thành với vua Saul nhưng còn trung thành với Thiên Chúa trong việc tôn trọng người của Đức Chúa, đấng Chúa đã xức dầu tấn phong là vua Saul. Đavít đã lựa chọn hành động theo đường lối của Đức Chúa, tha thứ cho kẻ muốn giết mình và dành quyền xét xử cho riêng một mình Thiên Chúa.

Yêu thương kẻ thù là điều có thể

Tự nhiên con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi. “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ” là một phương thế tuyệt hảo để hoá giải những mâu thuẫn giữa người với người. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước lên bậc cao của sự hoàn thiện. Nếu cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận ngày càng chồng chất từ đời nọ đến đời kia. Còn khi lấy ân để trả thù thì chẳng những kẻ thù được hóa giải, mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.

Khác với quan niệm sống của thế gian lấy ác trả ác, Chúa Giêsu dạy chúng ta “yêu kẻ thù mình”. Yêu kẻ thù không có nghĩa là đồng ý với họ, bỏ qua những việc làm sai trái của họ, hay ưa thích họ. Yêu kẻ thù là cư xử với họ giống như Chúa đã cư xử với chúng ta. Chúc phúc cho kẻ thù mình là mong muốn điều tốt nhất cho họ, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình là xin Chúa bày tỏ ân sủng thương xót trên họ. Làm sao có thể cầu nguyện cho kẻ tấn công mình cách vô cớ và làm tổn thương mình?

Thánh Phêrô khuyên: “Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1P 3,8-9). Còn thánh Phaolô thì khuyên giáo đoàn Rôma sống bác ái thật: “Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ  đừng lấy ác báo ác ...kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,9-21).

Tôi Tớ Chúa, Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận lúc sinh thời luôn nói  và xử sự với nhân viên canh giữ ngài rằng : “Tôi luôn quí mến và thương yêu các anh”.

Lạy Chúa, con cảm tạ Ngài vì đã yêu thương con và luôn cư xử với con bằng sự kiên nhẫn và ân sủng tuyệt vời. Xin cho con tình yêu để con có thể yêu thương và cầu nguyện cho những người ghét bỏ con vì Danh Chúa.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

============

Suy niệm 4:  Luật Yêu Thương
                                                          
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra lệnh truyền về “luật yêu thương” nghe thật khắt khe: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả má anh bên phải, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.” (Lc 6, 27-30).
Có luật xưa trong sách Lêvi cho phép “mắt đền mắt, răng đền răng” (Lv 24, 17-20). Nghe cái “luật rừng” thuở xưa này dù là được phép mà vẫn thấy ghê sợ! Ai lại quay sang móc trả một mắt, làm người ta cũng bị chột mắt bằng mình, hay vặn gãy răng đối thủ cũng một chiếc, để như vậy là “huề”, đau đớn mất mát bằng nhau cho hả giận? Đại khái có quyền báo thù, miễn là không vượt mốc đối phương gây hại mà vẫn công bằng. Nghĩa là chỉ được báo oán bằng sự thiệt hại bên kia gây ra. Kinh nghiệm cho thấy càng báo thù bao nhiêu càng gây họa lớn thêm mãi. Càng tiếp tục trả đũa, ăn miếng trả miếng nhau thì lòng hận thù càng bốc cao không dập tắt được, càng gây tai họa không tưởng.
Nhưng theo “phương pháp trị liệu” của Thầy Giêsu là “lấy đức báo oán”, đòi một cho hai, lấy yêu thương khiêm nhường để hạ nhiệt cơn giận trong con người kiêu căng mỏng giòn của mình, nhường phần thắng cho đối thủ… sao khó quá Thầy ơi! Thường khi chúng con bị xúc phạm, khi có “mối hận” với ai, nếu không đùng đùng chống cự lại ngay, thì cũng tìm cách để trả đũa, có dịp sẽ cho “biết tay nhau”! Dại dột chịu thua để đối phương lấn tới đè đầu cưỡi cổ sao? Nhưng nào có hả giận đối phương đâu, mối hận ngày càng loét to và sâu hơn, lòng dạ tim gan nặng trĩu bất an, kéo theo bao tội khác nữa…
Lệnh truyền của Thầy Giêsu rằng phải “yêu kẻ thù”, nghe sao  mà khó quá! Luật Cựu Ước dạy yêu đồng loại và cho phép “ghét” kẻ thù. Bình thường theo cách người ta đối nhân xử thế cũng vậy, chỉ yêu thương thân nhân, những người yêu thương mình, có thiện cảm với mình. Chọn bạn mà chơi, người ta chỉ bầu bạn với những người đồng chí hướng. Còn những người đối nghịch, khó tính khó ở, người xấu nết, ghen ghét xúc phạm đến mình thì họ sẽ loại trừ, thù oán hoặc tìm cách trả đũa. Đã gọi là “kẻ thù” thì nhìn thấy mặt nhau đã ghét, thậm chí không thèm nhìn, nói gì yêu với thương? Nhưng nếu người ta cứ mãi lấy oán báo oán, ăn miếng trả miếng thì oán thù càng chồng chất thêm nặng, bao giờ mới hết hận thù? Hận thù chỉ bị tiêu diệt khi nào tôi yêu thương họ, lúc ấy sẽ chinh phục và “biến thù thành bạn” của mình.
Vượt lên trên cách đối đãi sòng phẳng bình thường của người đời, Thầy Giêsu dạy phải yêu kẻ thù, không phải chỉ trên lý thuyết, nhưng chính Thầy đã thực hiện trong suốt cuộc đời nhập thể và còn cho đến hôm nay, khi loài người tội lỗi hằng xúc phạm đến Chúa. Lúc còn tại thế, trong vườn Cây Dầu, ông Phêrô chém đứt tai một người trong nhóm đến bắt, Thầy dẹp và chữa luôn cho hắn. Dù đầy quyền năng, nhưng khi chịu đòn roi, hành hạ, sỉ nhục trong suốt cuộc thương khó, đối lại Thầy chỉ một niềm: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.
Chúa ơi! làm sao để con yêu thương như Chúa đã yêu thương? Tự sức chúng con không thể yêu thương và nên hoàn thiện như Chúa được. Nhưng khi chúng con sống đời Kitô hữu đích thực, dần dần chúng con được gặp gỡ Chúa, sống kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng con sẽ được dạy cho biết cách yêu thương của Người. Chúng con sẽ biết cảm thông với người xung quanh đang chê bai, nói xấu, làm hại mình. Khi con đón nhận Chúa vào cuộc đời, gắn chặt đời con vào Chúa, thì lúc bị va chạm với người xung quanh, con sẽ tự chất vấn mình rằng, lòng bao dung của Chúa đang ở trong con, khiến con không nổi nóng tức giận nữa, mà nhủ lòng phải yêu thương theo cách của Chúa, ít nhất là nén lòng cầu nguyện cho họ, con sẽ được nhẹ lòng. Nhưng điều quan trọng là con phải nhận ra lòng Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con, để từ đó, nhờ Chúa con biết thứ tha cho người làm khổ mình.
Nhìn lên Thầy chúng con thấy rõ: Thầy nắm trong tay mọi quyền uy Thiên Chúa, “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay”. Vậy mà Thầy cứ lặng câm nhịn nhục trước bao kẻ tố cáo, nhục mạ chống báng rủa sả, hành hạ, kinh khủng nhất trong cuộc thương khó trên đỉnh cao thập tự. Lửa Tình trong Con Tim Yêu trong veo, khiêm nhường tự hủy của Thầy đốt cháy mọi oán hận tội nhân gây ra. Vì yêu Thầy “tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5, 8). Thầy giơ lưng, giơ má cho đến phút trót mà thốt lên an bình trong Chúa Cha: “Mọi sự đã hoàn tất”. Hy sinh của Thầy trở thành nguồn ơn cứu độ chúng con.
Ngày nay nếu chúng con sống trong Thầy, và Thầy sống trong chúng con, lúc đó Thầy sẽ yêu thương, tự hủy, lấy đức báo oán trong con người mỏng giòn của chúng con. Để đời chúng con dù có trải qua nhiều đau khổ, thua thiệt bởi thế trần thì chúng con vẫn bước đi an bình trong bàn tay từng chiến thắng của Thầy.
“Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm… Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

                                                                  Én Nhỏ

============

Suy niệm 5: YÊU KẺ THÙ
Cầu nguyện
Sách Samuel thuật lại chuyện vua Saun dẫn một đạo quân đông tới ba ngàn người đi lùng giết Đavít. Một đêm kia, Saun nằm ngủ mê mệt trong trại thì Đavít đột nhập vào. Người tùy tùng của Đavít thấy đây là dịp may hiếm có nên xúi Đavít giết vua Saun. Nhưng Đavít chỉ lấy cây giáo của Saun, rồi sang phía bên kia hô lớn để Saun biết, và yêu cầu cho người sang lấy lại ngọn giáo. Việc này khiến vua Saun cảm động, và biết rằng Đavít sau này sẽ là người hoàn thành nghiệp lớn.
Đức Giêsu hôm nay dạy ta phải yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình. Đây là điều hết sức khó khăn, nhưng với sức mạnh của ý chí và ơn thánh Chúa, chúng ta tin rằng mình sẽ thực hiện được lệnh truyền này mỗi ngày trọn vẹn hơn. Lịch sử đạo cũng như đời, thời nào cũng vẫn có những tấm gương như thế. Hơn nữa, đời sống con người phải có lý tưởng để vươn lên, không thể sống tầm thường, thô thiển theo bản năng tự nhiên. Lý tưởng của chúng ta là hoàn thiện như Cha trên trời, “Đấng vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”.
Nếu cứ theo bản năng tự nhiên thì ai cũng muốn phục thù, nhưng “Lấy oán báo oán, oán chập chùng”. Khi chọn thái độ báo thù là ta bị thù hận làm nhiễm độc. Trả thù có thể thỏa mãn sự tức giận của ta, nhưng lại làm con tim ta trống rỗng, nhân tính bị hư hại, và nhân cách ra hư hỏng. Khi nuôi lòng hận thù hay muốn trả thù, ta không chỉ tiêu hao nhiều năng lực, làm tổn hại thể chất, mà còn mất đi bình an và hạnh phúc đời mình. Chỉ có ánh sáng mới xoá tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù. Nếu lòng thù hận làm tiêu hao năng lực thì lòng yêu thương lại tăng cường nghị lực trong ta. Oscar Wilde viết : "Khi Chúa Giêsu dạy hãy tha thứ cho kẻ thù là Ngài không nhằm đến lợi ích của kẻ thù mà nhắm đến lợi ích của chính bản thân ta”.
Yêu thương kẻ thù là trang sức cao cấp của tinh thần, làm cho đời ta thêm cao đẹp, và góp phần làm cho cuộc sống mỗi người thêm cao quí. Nếu ta không sống theo lời Chúa Giêsu dạy, phản ứng dây chuyền của sự ác là hận thù sẽ tăng thêm hận thù, bạo lực sẽ kéo theo bạo lực, và tất cả chúng ta sẽ rơi vào hố diệt vong. Ai cũng muốn tiêu diệt kẻ thù cho hả giận, nhưng biến thù thành bạn mới là cách tiêu diệt kẻ thù một cách trí tuệ nhất. Đó chính là sức mạnh của tình yêu, sức mạnh có tính sáng tạo và cứu độ. Chúa Giêsu đã làm như vậy khi Ngài xin Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, vu khống và nhục mạ mình (x. Lc 23, 34).
Chắc chắn Đức Giêsu không đòi ta yêu kẻ thù như yêu người thân, không thể yêu bằng tình cảm nhưng có thể yêu bằng hành động. Yêu là làm ơn, là chúc phúc, là cho vay mượn. Yêu là cầu nguyện và làm điều tốt cho kẻ thù. Chính những hành động tốt lành sẽ làm ta yên lòng và kẻ thù cũng sẽ mềm lòng. Dù sao cũng phải giải tỏa những bất bình trong lòng mình trước để không còn chấp nhất nữa. Vấn đề không nằm ở kẻ thù mà nằm ở phản ứng của chính mình. Ai cũng có quyền lựa chọn một phản ứng, tại sao không thể lựa chọn một phản ứng tốt hơn?
Thật ra kẻ thù nhiều khi đáng thương hơn đáng ghét, vì hành động vô tình chứ không cố ý, vì không làm chủ nổi mình, vì chỉ nhận thức tới mức độ đó, chưa thể sống tốt hơn… Nếu có cái nhìn hiểu biết và cảm thông như thế, ta sẽ khai phóng được những năng lực tiêu cực trong mình, và có một tâm thế mới để nhìn kẻ thù như người anh em, và tìm cách giao hảo bng những cử chỉ và thái độ thân thiện. Cố gắng làm như vậy không phải vì giả bộ hay nhượng bộ trước kẻ xấu, nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên. Ðó không phải là hành vi của kẻ yếu, nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm và lòng bao dung của kẻ mạnh, là người đã vượt khỏi vòng tranh chấp để sống vô chấp.
Thế giới văn minh không phải là những tiến bộ của khoa học hay kỹ thuật bên ngoài, nếu chỉ dựa vào đó thì con người vẫn chưa thành người, nhưng chủ yếu là những chiến thắng của con người trên lòng dạ ích kỷ của mình. Nhân cách của con người phải được nâng cao, phẩm hạnh của con người phải được tỏa sáng, tâm hồn con người phải khao khát sự thiện, thì mới bảo đảm một nền văn minh bền vững.
Hơn nữa, chúng ta còn có lý do và động cơ siêu nhiên trong việc yêu kẻ thù, đó là Thiên Chúa sẽ đối xử với ta như ta đối xử với tha nhân: xét đoán sẽ bị xét đoán, tha thứ sẽ được tha thứ, lên án sẽ bị lên án, cho đi sẽ được cho lại… Còn động cơ nào cao cả cho bằng chính lời hứa của Chúa Giêsu:“Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao". Là con, nên chúng ta phải là hình ảnh sống động của một Thiên Chúa đầy lòng nhân từ, là kiến tạo sự an vui hòa bình cho thế giới ngay xung quanh mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã dạy chúng con yêu kẻ thù,
nhưng xem ra làm điều này rất khó,
vì có những tổn thương quá nặng nề,
và kẻ ác dường như vẫn hả hê.

Nhưng nếu con không yêu thương như thế,
thì tâm con vẫn cứ mãi u mê,
nếu con không chiến thắng được hận thù,
thì đời con vẫn chưa là Kitô hữu.

Yêu thương là lý tưởng vươn lên mãi,
không thể dừng ở một mức độ nào,
dù kẻ thù gây thiệt hại ra sao,
con vẫn phải bao dung và nhân hậu.

Yêu kẻ thù không thể bằng tình cảm,
nhưng Chúa mời con yêu bằng hành động,
là làm ơn làm phúc sống hiệp thông,
xin cho họ mọi điều lành điều tốt.

Cho con biết nhìn Chúa trên thập giá,
máu thắm tuôn ra mà vẫn thứ tha,
vẫn chở che những kẻ đang hành hạ,
vẫn xin Cha rộng mở lượng hải hà.

Cuộc đời là một chuỗi những vượt qua,
nhất là những hận thù và tranh chấp,
không để mình vướng vấp những bất hòa,
để mỗi ngày con hoàn thiện giống Chúa Cha.

Xin Chúa làm mềm lại trái tim con,
đừng cứng cỏi để khỏi phải ưu phiền,
nhưng luôn sống trong tâm thái dịu hiền,
hầu giải tỏa mọi oan khiên sầu não. Amen.

Lm. Thái Nguyên

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log