Thứ sáu, 10/01/2025

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Về Khánh Nhật Truyền Giáo

Cập nhật lúc 09:18 18/10/2018
Suy niệm 1
Đưa người anh em lưu lạc về nhà Cha
Tôi biết Tuấn là đứa bé côi cút ngày đêm lang thang phiêu bạt trên đường phố. Tuấn chưa hề biết cha mẹ mình là ai, vì Tuấn bị lạc mất gia đình trong thời chiến tranh loạn lạc. Nỗi khao khát lớn nhất trong đời Tuấn là được gặp lại mẹ cha, được chung sống dưới một mái nhà đầm ấm với cha mẹ và anh chị em ruột thịt của mình.
Đồng thời, tôi cũng biết cha mẹ Tuấn là người rất giàu có, cao sang, đầy quyền lực và rất giàu lòng yêu thương. Tôi vẫn biết cha mẹ Tuấn ngày đêm trông ngóng tin con, đau đáu, khắc khoải chờ mong con trở về đoàn tụ với gia đình.
Thế mà tôi không chịu hé miệng nói cho Tuấn biết sự thật này. Tôi cứ để mặc Tuấn lang thang vất vưởng trên đường đời, để mặc cho cha mẹ Tuấn ngày đêm thổn thức vì đứa con lưu lạc… thì thử hỏi: Tôi là hạng người thế nào? Có ai vô tâm, vô cảm như tôi không? Tôi có đáng bị lên án không?
Thưa cộng đoàn,
Hôm nay, trong số 95 triệu người trên quê hương đất nước Việt Nam, có hơn 85 triệu người có chung thân phận như Tuấn. Những anh chị em này chưa nhận biết mình có một Người Cha rất cao sang, tốt lành, nhân hậu… là Thiên Chúa, chưa biết mình có một quê hương tuyệt vời là thiên đàng sắm sẵn cho họ vui hưởng mai sau; chưa biết mọi người chung quanh là anh chị em ruột thịt của mình…
Trong khi đó, chúng ta là những người được diễm phúc sống kề cận bên Cha, được Cha ấp ủ bằng tình phụ tử ngọt ngào, được Cha dưỡng nuôi bằng những lời khôn ngoan do Chúa Giêsu mang từ trời xuống, được Chúa Thánh Thần là Thầy khôn ngoan soi đường dẫn lối, được Đức Maria là Mẹ hiền bao bọc chở che bằng tình mẫu tử thiêng liêng trìu mến, được đón nhận vô vàn ân sủng qua các Bí tích…
Vậy mà chúng ta vẫn bình chân như vại, chúng ta vẫn câm lặng, không chịu loan báo cho những người anh chị em lưu lạc của mình biết họ có Chúa là Người Cha rất đỗi tuyệt vời, để họ nhận biết Cha, trở về với Cha và đoàn tụ dưới mái nhà của Thiên Chúa là Cha, và được chung hưởng muôn vàn phúc lộc của người con trong nhà như chúng ta.
Nếu chúng ta cứ mãi câm lặng như thế, thì chúng ta là hạng người như thế nào? Có đáng gọi là con của Cha trên trời nữa hay không?
Lời thôi thúc mời gọi của Cha
Rất nhiều lần, lời Cha qua miệng Chúa Giêsu vang dội trong tâm hồn chúng ta: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá (Lc 5,4)”; “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần… Mt 28,19)”; “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về…” (Lc 10,2)…. Nhưng những lời thôi thúc mời gọi đó vẫn chưa lay động con tim vô cảm của chúng ta, vẫn chưa khơi lên được ngọn lửa truyền giáo đã tắt ngúm trong tâm hồn chúng ta, mà chỉ như làn gió thoảng qua rồi im bặt.
Hôm xưa, sau khi Ca-in giết chết đứa em vô tội của mình, có tiếng Chúa từ trời vọng xuống hạch tội Ca-in: “Ca-in, em ngươi đâu?”
Ca-in vô cảm trả lời: “Tôi đâu phải là người canh giữ em tôi!” (St 4,9).
Nếu hôm nay Chúa hỏi mỗi người chúng ta:
- “Con có biết lòng Cha ray rứt đau khổ ngày đêm vì có hơn 85 triệu đồng bào Việt Nam chưa hề biết Ta là Cha thật của họ không?” Câu đáp sẽ là: “Mặc Chúa, con chẳng quan tâm.”
- “Con có biết hiện nay có hơn 85 triệu đồng bào Việt Nam, là anh chị em ruột thịt của con, đang cần con nói cho họ biết họ có Cha trên trời hết lòng yêu thương họ và họ đang cần được con dẫn về đoàn tụ trong nhà Cha không?” Câu đáp cũng sẽ là: “Mặc họ, con không cần biết đến ai!”
Lạy Chúa Giêsu,
Trong gia đình, người anh không làm theo lời cha truyền dạy phải lên đường đi tìm em là người con bất hiếu; Người chị không chỉ cho đứa em lưu lạc biết mặt cha và đưa em về đoàn tụ trong gia đình là người chị bất nhân.
Hôm nay, có đông đảo anh chị em chúng con chưa biết Chúa là Cha, còn lưu lạc xa nhà là Hội Thánh, đang chơi vơi giữa biển đời như thuyền không bến vì không được Lời Chúa như hải đăng soi dẫn và còn chịu băng giá trong tâm hồn vì chưa được tình Cha sưởi ấm...
Xin cho chúng con luôn quan tâm đến những anh chị em này và tìm mọi cách đưa họ về với Cha.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

========================
Suy niệm 2
GIỚI TRẺ DẤN THÂN TRUYỀN GIÁO
Chủ đề Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay là “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi giới trẻ dấn thân trong sứ mạng mang Tin Mừng cho tất cả mọi người, cho đến “tận cùng trái đất”.
Đức Thánh Cha nói rằng, mỗi người chúng ta được mời gọi để phản ánh một sự thật là “tôi là một nhà truyền giáo nơi thế gian này”, đó là lý do chúng ta đang ở đây trong thế giới này. “Mỗi người, nam và nữ là một nhà truyền giáo. Để được thu hút và để được sai đi là hai động thái” của trái tim “vì triển vọng tương lai của chúng ta cũng như định hướng cho cuộc đời của chúng ta”.
Truyền giáo là một sứ mạng thiêng liêng cao cả, khởi nguồn từ Thiên Chúa. Qua mọi can dự vào lịch sử loài người, Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm tất cả “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”.
Sứ mạng truyền giáo đã được trao phó cho Giáo Hội. Khi lập Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu cho thấy ý định trao phó sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội sau này (x. Mc 3,13). Trước khi rời các Tông đồ để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trực tiếp ban mệnh lệnh truyền giáo cho các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), “Anh em hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).
Chính các Tông đồ và những cộng sự của các ngài đã thừa hành mệnh lệnh này một cách xuất sắc. Trải qua bao khó khăn dọc dài lịch sử, các ngài đã đem Tin Mừng Phục Sinh tới nhiều miền và cho nhiều tâm hồn. Hơn hai ngàn năm qua, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, các thế hệ tông đồ truyền giáo đã nối tiếp nhau mang Tin Mừng đi khắp địa cầu. Như vậy, truyền giáo xuất phát từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô sứ mạng này đã được trao cho Giáo Hội, nhờ Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội trung thành và nhiệt thành chu toàn sứ mạng cho đến ngày tận thế.Thực thi sứ mạng truyền giáo là chia sẻ cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, yêu thương đến cùng, yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu. Truyền giáo là làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống.
1. Nội dung truyền giáo
Nội dung truyền giáo có 4 công việc quan trọng.
  1. Truyền giáo là Rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Rao giảng là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Truyền giáo là “loan báo Tin mừng”.
  2. Truyền giáo là “thiết lập cộng đoàn các môn đệ”, cộng đoàn những người tin vào Chúa Kitô, cộng đoàn này chính là Giáo Hội. Chúa Giêsu nói rõ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.
  3. Truyền giáo là “cử hành Phụng vụ và các Bí tích”. Chúa Giêsu cũng nói rõ: “làm phép rửa cho họ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Các Bí tích thuộc về Nhiệm cục Cứu độ của thời đại Tân Ước, được Chúa Giêsu thiết lập, để qua đó ban ơn cứu độ cho con người.
 
2. Truyền Giáo theo gương Chúa Giêsu
Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội thời nào và ở đâu cũng bắt đầu từ mẫu gương Chúa Giêsu.
Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu ưu tiên để ý đến những người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật. Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi với 4 hạng người: người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật. Chúa Giêsu đến với họ, cho họ thấy, Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người. Chúa Giêsu hiến thân đến tột cùng vì tình yêu.
Chúa Giêsu muốn các môn đệ cũng hãy theo gương Thầy, đem Tin Mừng đến cho 4 hạng người đó.Đây cũng là sứ mạng truyền giáo của mỗi kitô hữu.Nói cách khác, truyền giáo là yêu như Chúa Giêsu yêu. Chúa dành tình yêu đặc biệt cho 4 hạng người: người ngoại, người tội lỗi, người bệnh tật và người nghèo.Yêu người ngoại, yêu người tội lỗi, yêu người nghèo và người bệnh tật như thế là truyền giáo theo gương Chúa Giêsu.
Truyền giáo hôm nay phải là giới thiệu, là trình bày, là minh họa, là thuyết phục. Chúng ta giới thiệu Chúa Giêsu cho những anh chị em mà mình gặp gỡ hàng ngày nơi môi trường mình sống và làm việc. Đời sống của giáo dân là phương tiện truyền giáo hữu hiệu hàng đầu. Muốn truyền giáo, giáo dân phải có lòng đạo nhất định. Việc tái truyền giáo giúp tẩy xóa hay giảm bớt những cách sống phản Tin Mừng nơi người đã có đức tin. Thực tế, chẳng ai lại đi theo một cái Đạo mà ngay cả tín đồ cũng không thực hành Đạo. Cũng chẳng ai có thể cho người khác cái mà mình không có. Tái truyền giáo sẽ giúp giáo dân đong đầy hành trang là những giá trị Tin Mừng cho cuộc sống, thay cho những lối sống buông thả và thiếu cố gắng xưa nay. Muốn giới thiệu Chúa cho người chưa biết Chúa, người giáo dân phải thấm nhuần đạo lý, sống trong thế thượng phong về luân lý, về đức bác ái và sự công bằng. Như thế, từng cá nhân, từng nhóm và cộng đoàn, mới dấn thân vào việc truyền giáo. Mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá đời sống của mình… Như Công đồng Vaticanô II nói: Giáo dân phải hợp tác vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh; là những chứng nhân và đồng thời là những công cụ sống động, họ chia sẻ sứ mạng cứu rỗi của Hội Thánh" (Ad Gentes, 41)”. 
 
3. Giới trẻ dấn thân truyền giáo
Trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ hãy đi ra: “Các bạn trẻ thân mến, đừng để cho tính năng động của tuổi trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín trong đó cửa sổ duy nhất thông ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa của cuộc sống các bạn! Cầu xin cho thời gian và không gian của các bạn tràn ngập những mối quan hệ có ý nghĩa, những người thực, là những người các bạn chia sẻ kinh nghiệm thực và cụ thể của bạn về cuộc sống hàng ngày”.
Đức Thánh Cha hy vọng nhiều vào giới trẻ. Ngài nói: “Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo. Con Người của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng mà Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách hiến thân phục vụ nhân loại với lòng can đảm và nhiệt tâm. Có nhiều người trẻ đang cung cấp sự đoàn kết của họ chống lại các sự dữ của thế gian và tham gia các hình thức khác nhau của đấu tranh và hoạt động tình nguyện…. Đẹp thay khi thấy rằng các người trẻ đang là ‘những người rao giảng ngoài đường’, vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi nẻo đường, mọi quảng trường của thành phố, đến mọi ngóc ngách của trái đất!”. 
Trong Sứ Điệp Truyền Giáo Năm 2018, Ngài mời gọi: “Các bạn trẻ thân mến, tận cùng trái đất, đối với các bạn ngày nay, thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt trong đó, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. Dường như tất cả ở trong tầm tay, tất cả đều gần kề. Nhưng nếu không có ơn can dự của cuộc sống chúng ta trong đó, thì dù có vô số các tiếp xúc, chúng ta sẽ không bao giờ đi sâu vào một cuộc sống hiệp thông thực sự. Sứ mạng truyền giáo cho đến tận bờ cõi trái đất đòi phải có sự hiến thân trong ơn gọi được Chúa ban cho chúng ta, Đấng đã đặt chúng ta trên trái đất này (x.Lc 9,23-25). Tôi dám nói rằng, đối với một người trẻ muốn theo Chúa Kitô, điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với ơn gọi của mình”.
Trọng tâm của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là sự lây lan của tình yêu, nơi đó niềm vui và lòng nhiệt thành được diễn tả bằng ý nghĩa mới khám phá và đầy đủ trong đời sống. Việc lan truyền của đức tin qua “sự thu hút” đòi hỏi những con tim biết cởi mở và biết đưa vòng tay ôm rộng vì tình yêu. (x.Sứ điệp Truyền giáo 2018). Như mọi người khác, người Công giáo cũng đang hiện diện tại mọi môi trường xã hội hôm nay. Chúng ta cũng làm ăn sinh sống trong mọi lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất, buôn bán… với mọi hoàn cảnh từ thương gia đến kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công nhân viên. Cũng làm việc, cũng mưu sinh, nhưng chúng ta làm việc với tinh thần khác: tinh thần công bình bác ái và phục vụ hy sinh.
Cuộc đời thật cần gương sáng. Gương sáng để đẩy lùi điều xấu. Gương sáng giúp cho xã hội bớt cái xấu và giúp cho cái tốt, cái thiện phát triển mạnh hơn. Gương sáng ở nơi gia đình sẽ giúp cho mọi thành viên sống tốt hơn. Gương sáng nơi học đường sẽ giúp cho nhà trường rạng rỡ hơn. Gương sáng giữa bạn bè sẽ giúp nhau thăng tiến. Gương sáng ở nơi môi trường sống sẽ đẩy lùi những tệ nạn, những trào lưu văn hóa xấu.
Hôm nay là ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo, thiết tưởng chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội có nhiều gương sáng sống đạo, hơn là những người giảng thuyết mà thiếu gương sáng giữa đời. 
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, đặc biệt là người trẻ, luôn ý thức được sứ mạng truyền giáo bằng chứng tá của mình, để ra sức sống tinh thần cầu nguyện hy sinh, yêu thương hiệp nhất, đồng thời nỗ lực xây dựng một cuộc sống tốt đạo đẹp đời hầu cho danh Chúa được ngày một cả sáng hơn. Amen.
 
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
 
========================
Suy niệm 3
Cùng Người Trẻ Loan Báo Tin Mừng
(Is 2, 1-5; 1 Tm 2, 4 - 6; Mc 16, 15-20)
Tháng 10 tháng Mân Côi, cũng là tháng truyền giáo, Giáo hội ngoài khám phá lại vẻ đẹp của lời Kinh này, khuyến khích con cái mình siêng năng đọc kinh Mân Côi, Giáo hội còn mời gọi chúng ta dấn thân cho việc truyền giáo.
Nhưng Chúa nhật truyền giáo để làm gì ?
Để nhắc lại rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo; mục đích đầu tiên của Giáo hội khi được Chúa Giêsu thiết lập là truyền giáo.
Ai phải truyền giáo?
Là chi thể của Hội Thánh, tất cả những người đã chịu phép rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Điều này không có ý nói họ phải đi thật xa. Những nơi nào có họ, họ phải truyền giáo. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói :  “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phẩn khẩn thiết của ngày hôm nay”. Với lại, chính Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta : “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảngTin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15). Thánh Phaolô kêu lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).
Giáo hội tự bản chất là truyền giáo.
Nếu như Isaia con trai Amót được thị kiến: “Các dân nước sẽ đổ xô về núi Chúa... trong ngày sau hết” (x. Is 2, 1-5). Thánh Phaolô cho người con tinh thần của mình biết: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi” (x.1 Tm 2, 4 – 6). Cả bốn sách Tin Mừng đều nêu bật ý nghĩa của việc truyền giáo, nội dung sứ vụ mà Chúa Giêsu trao cho Giáo hội chứng tỏ bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo Hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Ðây là sứ điệp duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người ngõ hầu họ được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.
Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Trích dẫn lời Đức Phaolô VI, ngài tiếp: “Giáo Hội hiện hữu để truyền giáo, để giảng thuyết và giáo huấn, để làm máng chuyển quà tặng của các ân sủng, để hoà giải các tội nhân với Thiên Chúa, để trường tồn hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh lễ, đó là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.”
Ðức Bác Ái là linh hồn của sứ mạng truyền giáo
Thánh Phaolô viết: “Tình Yêu Chúa Kitô thôi thúc tôi” (2 Cr 5, 14). Đức Kitô thúc bách những người đã chịu phép Rửa tội nam phụ cũng như lão ấu, kể cả người đau yếu lẫn người nghèo, khi đã đón nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, có sứ mạng rao giảng và mang tình yêu cho hết mọi người, bằng lời nói và chứng tá cụ thể của Đức Ái. Truyền giáo là gì nếu không phải là loan báo Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã làm. Ngài không những đã hăng say loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, Ngài còn hy sinh mạng sống để làm chứng cho tình yêu đó. Hơn thế nữa, Ngài mạc khải và nhập thể tình yêu đó nơi chính bản thân mình. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Nơi Ngài, tình yêu chiến thắng tội lỗi và sự chết. Vì thế, sứ điệp Tin Mừng Nước Thiên Chúa trở thành Tin Mừng Phục Sinh, Niềm Hy vọng cho toàn thế giới.
Nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Sứ mạng của Giáo Hội kéo dài sứ mạng của Chúa Kitô. Giáo Hội không ngừng rao giảng cho thế giới Tình Phụ Tử của Thiên Chúa, bằng việc rao giảng và bằng chứng tá của những con cái mình...nhờ việc thực hành mệnh lệnh tình thương đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em”. Ngài cũng khuyến khích mọi thành phần trong Giáo hội can đảm khởi hành “mùa truyền giáo mới”, vì “Giáo Hội cần đến với con người… công việc cao cả nhất là công việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô”, ngài kêu gọi: “Anh chị em đừng sợ: hãy mở toang mọi cửa để tiếp đón Chúa Kitô”(Huấn Đức ngày 22 tháng 10/2000, tại Roma).
Cử hành ngày Thế giới Truyền giáo năm nay diễn ra trong bối cảnh THĐGM tại Rôma bàn về giới trẻ, nên Đức Thánh Cha Phanxicô chọn chủ đề “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”.
Ngài nhắc đến sứ mạng làm chứng và rao giảng Chúa Kitô mà mỗi Kitô hữu nhận lãnh khi chịu phép rửa tội. Ngài viết: “Sứ mạng thông truyền đức tin, trọng tâm sứ mạng của Giáo Hội, diễn ra qua sự ‘hay lây’ của tình thương, trong đó niềm vui và sự phấn khởi biểu lộ ý nghĩa được tìm lại và sự sung mãn của cuộc sống. Sự loan truyền đức tin bằng sự thu hút đòi chúng ta phải có con tim cởi mở, được tình yêu làm nở rộng”. 
Nhắc đến lời Chúa dạy các môn đệ hãy mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất, Đức Thánh Cha cắt nghĩa : “Những môi trường con người, văn hóa và tôn giáo vẫn còn xa lạ với Tin Mừng của Chúa Giêsu và sự hiện diện bí tích của Giáo hội chính là những khu ngoại ô tột cùng”, những bờ cõi của trái đất: mà các môn đệ thừa sai được gửi đến từ Chúa Giêsu Phục Sinh, với niềm xác tín có Chúa luôn ở cùng (Mt 28,20; Cv 1,8). Ơn gọi truyền giáo cho dân ngoại hệ tại điều đó.
Ngài giải thích thêm rằng “Khu vực ngoại ô tiêu điều nhất của nhân loại đang cần Chúa Kitô chính là sự dửng dưng đối với đức tin hoặc thậm chí đó là sự oán ghét chống lại đời sống sung mãn trong Chúa. Mỗi sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần, mỗi sự kỳ thị chống lại các anh chị em luôn luôn là hậu quả của sự từ chối Thiên Chúa và tình thương của Ngài”.
Ngỏ lời với các bạn trẻ Đức Thánh Cha viết: “Các bạn trẻ thân mến, tận cùng trái đất, đối với các bạn ngày nay, thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt trong đó, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. Dường như tất cả ở trong tầm tay, tất cả đều gần kề. Nhưng nếu không có ơn can dự của cuộc sống chúng ta trong đó, thì dù có vô số các tiếp xúc, chúng ta sẽ không bao giờ đi sâu vào một cuộc sống hiệp thông thực sự. Sứ mạng truyền giáo cho đến tận bờ cõi trái đất đòi phải có sự hiến thân trong ơn gọi được Chúa ban cho chúng ta, Đấng đã đặt chúng ta trên trái đất này (x. Lc 9,23-25). Tôi dám nói rằng, đối với một người trẻ muốn theo Chúa Kitô, điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với ơn gọi của mình”.
Lạy Mẹ Maria, Ngôi Sao truyền giáo, xin cầu thay nguyện giúp chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
========================
Suy niệm 4
Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ
Mt 28,16-20
Điểm hẹn cuối cùng của Đức Giêsu với mười một môn đệ tại một ngọn núi thuộc miền Galilê, ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến đó. Tại sao Người hẹn gặp các ông ở Galilê, mà không phải ở đền thờ hay hội đường? Có lẽ Galilê là nơi đặc biệt, nơi xảy ra những biến cố lịch sử cứu độ nhân thế của Người, là một cứ điểm truyền giáo. Đây là miền đất của dân ngoại, thật cần kíp để gieo Tin Mừng. Chính nơi đây Satan đã đưa Người lên để thỏa hiệp với hắn nhưng Người đã chiến thắng. Nên hôm nay trên núi này Đức Giêsu đã công bố với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Khởi đầu sứ vụ, nơi đây Thầy đã gọi các môn đệ đầu tiên. Và cuối cùng hôm nay, điểm hẹn này là nơi Thầy trao sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19.20a).
Suốt ba năm, các ông chỉ đi theo Thầy, trực tiếp cận kề học tập bên Thầy. Giờ đến lúc Thầy không còn trực tiếp dạy dỗ các ông, giờ là lúc các ông phải tự “thực hành thực tế” trong khi Thầy “vắng mặt”. Các ông phải “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”. Đây là trọng trách lớn lao và thật khó khăn vất vả, nhất là khi không thuận tiện, trong cái chật hẹp, tối tăm của đời các môn đệ cũng như mỗi chúng con hôm nay. Nhưng một lời hứa chắc chắn kèm theo để an ủi và thúc bách chúng con: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20b). Đây là lời hứa để chúng con an tâm khi thi hành sứ vụ khó khăn mà cao cả. Chính Thầy sẽ thực hiện những điều lớn lao kỳ diệu nơi con người mỏng giòn yếu đuối của mỗi chúng con. Từ buổi Thiên sứ truyền tin đã loan báo về Đức Giêsu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta(Mt 1,23). Vâng, Đấng Emmanuel vẫn luôn hiện diện, đồng hành, ở cùng các môn đệ và những người nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong mọi nơi mọi lúc. Chúa luôn ở cùng chúng con trên bước đường loan báo, trải dài cho đến ngày tận thế.
Chúa ơi! trước khi về trời Chúa đã trao cho chúng con sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa. Lạy Chúa! sức chúng yếu lắm, lòng người đời thì cứng cỏi, nhưng chúng con tin Chúa sẽ ở cùng và ở với chúng con trong mọi nơi mọi lúc, để dù khó khăn hay gian nguy, chính Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong con người hèn mọn yếu đuối chúng con, cho muôn dân nhận biết Chúa và đi theo Ngài. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log