Thứ sáu, 10/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 1 Mùa Vọng

Cập nhật lúc 10:41 29/11/2018
Suy niệm 1
Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc!
------------------------------------------------------
Theo khoa học thiên văn, trái đất chúng ta đang sống quay xung quanh mặt trời với tốc độ 216 km/giây, nhưng cũng đang quay thật nhanh hướng về ngày tận số. Chủ nhật đầu năm Phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta đừng quên điều đó, không phải để thất vọng, nhưng là  để sống mầu nhiệm cứu độ tốt hơn trong suốt năm phụng vụ mới.
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Kitô không để lại cho chúng ta một tương lai đóng và buồn thảm. Ngài nói với chúng ta rằng vào ngày đó, thời gian chờ đợi đằng đẵng để thực hiện trọn vẹn mầu nhiệm cứu chuộc sẽ vang lên. Đúng vậy, thế giới mà chúng ta đang sống rồi cũng sẽ qua, nhưng cũng là một thế giới đang hướng về sự sống vĩnh cửu.
Bài Tin Mừng hôm nay làm chúng ta kinh ngạc vì việc mô tả ngày tận thế thật đáng sợ. Thực ra lối mô tả này các tiên tri Israel thời đó rất thích dùng để thức tỉnh tinh thần dân chúng đừng mất cảnh giác. Nhưng điều quan trọng ở đây là thế giới này bị lên án là sẽ bị phá huỷ.
Điều đó muốn nói rằng chúng ta đừng hốt hoảng. Tốt hơn hết là hãy chiêm ngắm và chia sẻ đức tin kiên cường của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II bước vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này: “Anh em đừng sợ”! Hãy tin tưởng vào lời Chúa Giêsu: “Chỉ mình Chúa Cha biết ngày đó mà thôi”, không ai có thể biết trước được.
Vấn đề của sự dữ trên trái đất này làm cho nhiều người không tin vào Thiên Chúa toàn năng. Tại sao Thiên Chúa lại đặt con người mà Ngài yêu mến vào trong một thế giới đau khổ như vậy? Dựa vào Kinh Thánh chúng ta có thể giải thích: Trái đất không phải chỉ là khốn cùng, đau khổ và thung lũng đầy nước mắt. Trái đất chỉ có một phần của sự dữ, nhưng chính xác hơn nó đang ở trong thời kỳ thai nghén và hình thành.
Thánh Phaolo đã giải thích điều này cho tín hữu Roma. Trên trái đất này chúng ta chỉ là những phôi thai đang phát triển chậm để đạt tới dáng vóc chung cuộc là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa, không theo lối gia trưởng, Ngài hợp tác với con người để thực hiện công việc vĩ đại này. Nhà vật lý học Xavier le Pichon viết: “Chúng ta phải biến đổi trái đất này để nó trở thành tác phẩm tình yêu vĩnh viễn. Chúa Giêsu đã cho chúng ta cách thế để làm điều đó. Ngài đã cho chúng ta khả năng biến đổi đau khổ và thập giá thành tình yêu.”
Trong ý nghĩa đó, Giáo Hội đang sống trên trái đất này cũng chính là một công trình xây dựng chưa hoàn thành và bất toàn. Con thuyền Giáo Hội vẫn bị lung lay vì những cơn bách hại, bị nói xấu và không được hiểu biết. Chính Chúa Kitô đã báo trước cho chúng ta điều đó: Chúng ta sẽ là những đối tượng bị tấn công, phê bình.. Lịch sử Giáo Hội trải qua thời này sang thời khác, không lúc nào Giáo Hội không bị bách hại và phê bình.
Tuy nhiên Chúa Kitô không muốn chúng ta sợ hãi về tương lai của mình cũng như của thế giới. Ngài nói: “Cứ kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”. Lịch sử về sự sống trải qua hằng triệu năm, vũ trụ này càng ngày càng trở nên phức tạp giữa những giải ngân hà. Tất cả những diễn biến đó đều có ý nghĩa. Trong mọi trường hợp, sự tình cờ lại làm nên rất nhiều điều để chúng ta có thể tin được. Nhìn lại lịch sử, Tạo Hoá đã làm nên biết bao tiến bộ kỳ diệu, những bước nhảy vọt không ngờ và không tưởng. Từ đó chúng ta phải suy luận rằng trái đất này sẽ giành cho chúng ta một sự bất ngờ cuối cùng, đó là triều đại của tình yêu.
Chắc chắn chúng ta sẽ không hướng tới một thảm hoạ, nhưng là hướng tới sự trỗi dậy của mọi tạo vật vào một buổi sáng và bỗng chốc được sưởi ấm lại bằng mặt trời công chính mà tiên tri Malakia đã nói tới:Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy chồm lên như bê xổng chuồng”.
Chúng ta sẽ hướng tới sự trở lại của Chúa Giêsu vào ngày tận thế cũng sẽ là ngày phân phát phần thưởng cách oai phong và long trọng. Lúc đó chúng ta sẽ được đánh giá đúng giá trị của mình. Tất cả những người thánh thiện, đạo đức và khiêm nhường mà chúng ta không hề biết đến sẽ được sáng chói trước đám đông.
Ngày đó chúng ta được tham dự vào sự trở lại trong chiến thắng của Đấng mà chúng ta hằng yêu mến. Hạnh phúc chừng nào cho chúng ta vì vào lúc đó chúng ta gặp Đấng đã được phục hồi danh dự mà trước kia khi sống ở trần gian, Ngài không được nhân loại tiếp đón một cách đầy đủ! Vui sướng chừng nào vào lúc đó chúng ta thấy Đức Kitô hoàn toàn chiến thắng không còn bị biến dạng trên đồi Can Vê trong khuôn mặt đầy máu.
Ngày đó Chúa Kitô dẫn đưa toàn thể nhân loại đã được cứu chuộc vào chung hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa Ba Ngôisẽ tham dự tiệc cưới muôn thuở với vị Hôn Phu oai phong và lau sạch nước mắt họ.
Nhưng để được như vậy, chúng ta hãy sống tốt giây phút hiện tại, vẫn là giây phút hiện tại. Trái đất mà chúng ta đang sống là nơi để chúng ta học nghề:
- Nơi đây trái tim con người phải học cách giãn nở ra để yêu đến vô hạn.
- Nơi đây các bạn trẻ trong giáo xứ chúng ta hãy sống lạc quan, vui vẻ trong tình yêu Chúa Kitô để giáo xứ chúng ta không già nua và cằn cỗi!
- Nơi đây cũng là lò tôi luyện đời sống thiêng liêng mà con người cần phải có.
- Nơi đây cũng là phòng sinh sản những đứa con thần linh mai sau.
- Nơi đây là thời gian đính hôn chuẩn bị cho tiệc cưới muôn thuở.
Ngay từ lúc bắt đầu dựng nên vũ trụ, Thánh Thần Chúa đã bay là là trên mặt nước, chắc chắn Ngài tiếp tục công việc của Ngài để biến đổi và thống nhất thế giới này. Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào mùa vọng, một năm phụng vụ mới của người kitô hữu: Chúa Thánh Thần sẽ đến giúp chúng ta tiến bộ, làm cho Chúa Giêsu lớn lên trong chúng ta như Ngài đã làm trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Ngài chuẩn bị kín đáo cho chúng ta Noel rất gần này, nhưng nhất là cho Noel vĩ đại của ngày tận thế khi mà Chúa Kitô sẽ đến trong quyền lực và vinh quang. Lúc đó, như Tin Mừng đã nói, chúng ta sẽ có thể hiên ngang, hãnh diện và vui mừng ngẩng đầu lên chia sẻ niềm vui trọng đại của Con Thiên Chúa, Vua vũ trụ.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
=======================
Suy niệm 2
Tỉnh thức để không đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình
Lc 21, 25-28. 34-36
Theo Kinh Thánh, Sam-son là vị thủ lãnh của Dân Do-thái, có sức mạnh phi thường, trở thành nỗi kinh hoàng cho quân Phi-li-tinh.
Ngày nọ, với hai bàn tay không, Sam-son anh dũng chống cự lại một con sư tử gấm và xé xác nó ra khi nó bất thần lao vào tấn công ông. (Sách Thủ lãnh 14,5)
Có lần bị quân Phi-li-tinh xông tới vây bắt, trong tay không một tấc sắt, Sam-son chộp lấy một chiếc xương hàm của con lừa gần đó và chỉ với chiếc xương nầy thôi, Sam-son quật chết cả ngàn đối thủ xông vào tấn công ông. (sđd 15, 15) Sức mạnh kinh hồn của Sam-son làm cho quân Phi-li-tinh vô cùng khiếp sợ.
Khi không thắng được Sam-son bằng sức mạnh, người Phi-li-tinh tìm cách diệt ông bằng mưu kế. Một chiếc bẫy được giương ra: đó là nàng Đa-li-đa, một thiếu nữ Phi-li-tinh có nhan sắc mặn mà và lôi cuốn. Cô nàng đến với Sam-son và chiếm lấy trái tim anh. Đa-li-đa gạn hỏi Sam-son do đâu anh có sức mạnh phi thường. Được Sam-son tiết lộ cho biết sức mạnh có liên hệ đến mái tóc, khi nào tóc bị cắt đi thì sức lực anh không còn.
Biết thế, Đa-li-đa lén cắt tóc Sam-son trong khi anh ngủ rồi báo tin cho các thủ lĩnh Phi-li-tinh. Quân Phi-li-tinh xông đến tóm lấy anh, xiềng anh lại bằng những sợi xích đồng, tàn nhẫn khoét đôi mắt anh và bắt anh ngày ngày kéo cối xay (xay lúa) như một con trâu ngoan. (sđd 16,21)
Một Sam-son vạm vỡ với sức mạnh kinh hồn tay không quật ngã và xé xác con sư tử gấm to lớn, một thủ lãnh bách chiến bách thắng từng làm cho quan quân Phi-li-tinh phải táng đởm kinh hồn, giờ đây trở thành một tù nhân mù loà, tay chân phải mang xiềng xích, trở thành một tên nô lệ ngày ngày cúi đầu làm thân trâu ngựa, nhẫn nhục thay trâu bò kéo cối xay!
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu! Chỉ vì không sáng suốt tỉnh táo trước mưu độc của quân thù, vì thiếu tỉnh thức nên Sam-son đã sa vào cạm bẫy và lãnh lấy hậu quả vô cùng đau thương.
Cá thì dễ ươn, thây ma mau thối, con người dễ hư!
Một thực tế đau lòng là so với các đồ vật khác, thì con người dễ bị hư hỏng suy sụp hơn nhiều. Một ngôi nhà xây dựng sơ sài cũng có thể đứng vững trước giông tố và tồn tại đến cả chục năm. Một con thuyền mong manh cũng thách thức được với sóng gió suốt nhiều năm tháng dài. Một cái bàn, cái tủ được sử dụng cả năm chục năm vẫn còn tốt, có khi càng lâu năm thì càng lên nước và đáng quý hơn. Trong khi đó, con người tuy là tạo vật thượng đẳng nhưng rất mỏng dòn yếu đuối, dễ thối dễ hư!
Thảm kịch Sam-son tuy đã xưa nhưng cho đến hôm nay vẫn mang tính thời sự vì nó vẫn tiếp diễn trong cuộc đời con người dưới nhiều dạng thức khác nhau. Hằng ngày báo chí và truyền hình thuật lại vô số cảnh đời sa đoạ dưới nhiều hình thức: người thì suy sụp vì ma tuý, người thì sa đoạ vì gian dâm, vì men rượu, vì lợi, vì tiền, vì nhiều hình thức đồi truỵ khác...
Mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ngay cả một số những cây cao bóng cả trong xã hội cũng như trong các tôn giáo vì thiếu tỉnh thức nên cũng bị sa ngã, bị lún sâu xuống bùn đen.
Người ta thường bảo: "khôn ba năm, dại một giờ", nhưng có khi khôn đến năm mươi năm, bảy mươi năm rồi cũng hoá dại trong một giờ! Cá thì dễ ươn, thây ma mau thối, con người dễ hư. Đáng sợ thay!
Lời Chúa hôm nay nhắc bảo chúng ta: "Anh em hãy tỉnh thức và hãy cầu nguyện luôn!... hãy đề phòng, đừng để cho lòng trí mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em" (Lc 21,34). Còn thánh Phao-lô thì cảnh báo: "Những ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã" trong nay mai (I Corinto 10,12).
Vì lúc nào con người cũng mê muội và dễ chìm đắm, thế nên lời nhắn nhủ "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!... Hãy đề phòng chớ để lòng mình ra nặng nề u tối... là một tiếng chuông cảnh tỉnh luôn luôn cần.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho con biết ghi khắc Lời Chúa dạy để giữ cho tâm hồn luôn tỉnh táo hầu khỏi bị lôi kéo bởi những xu hướng xấu cũng như sa vào các cơn cám dỗ bủa vây con mỗi ngày, nhờ đó, chúng con bảo toàn được phẩm chất cao đẹp của mình.
 
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
 
======================
Suy niệm 3      
Ngẩng Đầu Lên
Phụng vụ Giáo hội đã bước vào năm mới với khởi đầu là Mùa Vọng.
Từ Chúa Nhật I mùa vọng đến ngày 16.12, Phụng vụ nói lên niềm mong đợi ngày Chúa đến khi kết thúc thời gian. Tám ngày cuối cùng, trực tiếp nói đến ngày Giáng Sinh.
Có người nghĩ rằng, trong Mùa Vọng phụng vụ phải đọc những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Thế nhưng, những bài sách Thánh và đặc biệt bài Tin Mừng Chúa Nhật I lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Giáo Hội muốn cho chúng ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến. Hàng năm vào Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi con cái chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra, Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang đá Bêlem cách nay hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên chúng ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Giáo Hội mời chúng ta hãy hướng nhìn về ngày Ðức Giêsu Kitô sẽ đến trong vinh quang để vĩnh viễn thiết lập Trời Mới Ðất Mới cho loài người. Tin Mừng hôm nay gợi lại trước mắt chúng ta quang cảnh tươi sáng về ngày Chúa quang lâm, Giáo Hội đưa chúng ta về với cuộc sống và trách nhiệm hiện tại của mình và nhắc lại lời căn dặn của Chúa Giêsu: Hãy Tỉnh Thức!
Vì thế, Mùa Vọng âm vang những lời loan báo.
1. Mùa Vọng - Mùa loan báo.
Mùa vọng là mùa của những lời loan báo. Loan báo Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Kitô. Những lời loan báo này được công bố rõ ràng trong các bài đọc Sách Thánh ngày Chúa Nhật.
Bài đọc 1, trích trong sách Isaia, đó là những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế mà đỉnh cao là Chúa nhật IV, loan báo một trinh nữ sẽ sinh hạ tại Bêlem một Hài Nhi thuộc chi tộc Đavit và Ngài sẽ được gọi là Emmanuel.
Bài Phúc Âm: Chúa nhật I mùa vọng nói lên niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại với lời nhắn nhủ: Hãy tỉnh thức; Chúa nhật II, III dành cho Gioan tiền Hô với lời mời gọi: Dọn đường cho Chúa; Chúa nhật IV là Chúa nhật Truyền tin cho Đức Mẹ và Thánh Giuse.
Các bài đọc 2 là các bài Thánh thư Phaolô, Giacôbê, Phêrô, đặc biệt làm cho Mùa Vọng trở thành một mùa loan báo việc Chúa Kitô trở lại lần thứ hai.
2. Mùa Vọng - Mùa chờ đợi
Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Từ ngữ “Chúa đến” thường được hiểu bằng bốn cách:
- Chúa đến trong lịch sử nhân loại.
- Chúa đến trong ngày phán xét chung.
- Chúa đến trong giờ chết của mỗi người.
- Chúa đến trong ơn thánh hằng ngày.
Chúa đến lần thứ nhất: Chúa đã làm người trong nghèo hèn và đau khổ. Chúa được sinh hạ tại hang đá Belem. Chúa đến thế gian để trao ban Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Ngày nay nhân loại đợi chờ và hân hoan kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh.
Chúa đến lần thứ hai: Chúa Giêsu sẽ đến thế gian lần thứ hai để hoàn tất công cuộc cứu độ, gọi là Tận Thế hoặc Cánh Chung. Lần này Chúa đến trong vinh quang với tư thế là Vua Thẩm phán để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Không ai biết được ngày đó sẽ xẩy ra khi nào. Chỉ biết chờ đợi trong hy vọng.
Chúa đến giữa hai lần: Chúa đến với từng người. Đó là giờ chết. Không ai biết được Chúa gọi mình lúc nào và ở đâu. Không ai có thể chọn cho mình ngày giờ ra đi. Lần giữa này là lần thật quan trọng với từng người.
Chúa đến trong ơn thánh: Hàng ngày Chúa đến với ta trong ơn thánh qua các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể.
Mùa Vọng chính là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi Chúa đến.
3. Mùa Vọng - Mùa tỉnh thức
Chúa Giêsu nói đến tư thế của người tỉnh thức là luôn: “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Chúa cũng nói đến thái độ sống của người tỉnh thức là không để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ, không quá mê say danh lợi thú.
- Đứng thẳng: đây là động thái hiên ngang dũng cảm vượt trên mọi đam mê tội lỗi. Đứng thẳng mới khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời.
- Ngẩng đầu lên: đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả.
Chúng ta sống cuộc đời hiện tại trong tinh thần tỉnh thức. Tại các ngã ba ngã tư của đường phố đều có đèn đỏ đèn xanh rõ ràng, nhắc hướng cần đi vào và cấm vượt ranh giới. Trong lương tâm, chúng ta không thấy rõ hệ thống đèn đỏ đèn xanh. Mình phải tự phán đoán, chọn lựa. Không tỉnh thức là đôi khi mình tự cho phép mình vượt đèn đỏ vô hình, và cũng không đi theo hướng đèn xanh chỉ dẫn. Vài lần thấy quen. Rồi thấy xung quanh vô số người cũng làm như vậy. Thế là thành thói quen phạm lỗi trên hành trình cuộc đời.
Không bao giờ được quên ngày Chúa đến trong thời gian kết thúc của thế giới và đến trong ngày cuối cùng của đời ta. Tích cực dùng thời gian hiện tại để chuẩn bị cho tương lai vĩnh cữu của mình.
Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Chúa đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa, chúng ta phải tỉnh thức.
Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn minh hoạ bài học tỉnh thức.
a. Dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về:
Tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Như thế, tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhẹn. Tỉnh thức để “đợi chủ về”. Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế, người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời một cách hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ.
b. Dụ ngôn người quản gia trung thành.
Quản gia chỉ là quản lý mà “ ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Mỗi người chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa. Cần phải trung thành trong nhiệm vụ được giao. Sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp…tất cả đều là do Chúa ban tặng. Những gì mà ta có đều là của Chúa. Người quản lý khôn ngoan phải biết nhìn xa, làm sao cho sự sống, trí tuệ, tài năng… giúp ta hướng tới những giá trị vĩnh cửu.
Người ta kể chuyện rằng ngày kia Thánh Luy Gonzaga còn chơi với bạn bè, thình lình cha bề trên đến tập họp tất cả lại và hỏi thử: "Giả sử như chúng con đang chơi mà Chúa đến báo cho chúng con biết chúng con chỉ còn sống 5-10 phút nữa thôi, thì chúng con sẽ làm gì?". Bấy giờ mọi người bổng trở nên căng thẳng. Người thứ nhất trả lời: " Con sẽ đi gặp cha linh hướng" Người thứ hai nói:"Con sẽ vào nhà thờ cầu nguyện trước Nhà Tạm". Riêng Luy vẫn bình thản trả lời:" Thưa cha, con sẽ tiếp tục chơi". 
Ðó là câu trả lời của một đấng thánh và đáng lý mỗi người kitô hữu đều phải có thể trả lời như thế. Chơi đùa, giải trí cũng làm đẹp lòng Chúa nếu đó là việc phải làm theo nhu cầu đúng đắn hoặc theo bổn phận. Vậy không phải chỉ bằng đọc kinh, cầu nguyện, mà bằng cả yêu thương, đau khổ, lao động, nghỉ ngơi, giải trí, nghĩa là bằng cả cuộc đời mà chúng ta đón chờ Chúa và chuẩn bị cho hạnh phúc đời đời của chúng ta.
Tỉnh thức là tâm trạng của một con người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp người Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành.
Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và nhiệt thành, biết thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng.
Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu.
Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của mỗi người. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước ánh sáng của công lý, không ai có thể che dấu một chi tiết nào.
Ngày Chúa đến trong vinh quang để xét xử muôn dân sẽ là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, nhưng sẽ là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi.
Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu bên Nhà Tạm, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Xin dạy chúng con biết luôn “đứng thẳng” trong một nếp sống chân thành, tốt lành và thánh thiện. Xin hướng chúng con biết luôn “ngẩng đầu lên” để hướng về Quê Hương Thiên Quốc, nơi chúng con hy vọng sẽ được chung hưởng hạnh phúc muôn đời bên Chúa. Amen.

 
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
 
======================
Suy niệm 4
MỞ CỬA TÂM HỒN ĐÓN CHÚA ĐẾN
(Lc 21, 34 - 36)
Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.
Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Maria Đồng TrInh ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do các từ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : « Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi », và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van: « Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống ».
Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mặc tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.
Mùa Vọng trong Kinh Thánh
Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ lại sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo : “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non...” (x.Is 11, 1-10).
Lời thiên thần Gabriel cho biết Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế: Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu…(x.Lc 1, 26-38)
Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28)
Như thế, những việc cử hành thánh trong Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hoán cải nội tâm, canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.
Mùa Vọng 
Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi tuần có tên gọi truyền thống đặc thù của nó, gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu:
- Chúa nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )
- Chúa nhật II Mùa Vọng : Populus Sion... (Này hỡi Dân Sion…)
- Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)
- Chủ nhật IV Mùa Vọng : Rorate... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)
Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng
Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa tái lâm là chiều kích thứ hai: “Vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần” (x. Lc 21, 25-28, 34-36).
Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì  biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28). Đó là những dấu hiệu báo trước ngày Chúa tái lâm.
Hơn bao giờ hết, con người thời nay hết sức đau buồn vì nạn khủng bố gây rq. Các kitô hữu ở nhiều nơi kêu la thảm thiết. Biển gầm lên, đất rung chuyển tại Nhật Bản, Inđônêsia, Trung Quốc và nhiều nơi khác thiêu hủy biết bao sinh mạng con người. Phải chăng giờ cữu rỗi đã gần đến?
Lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta vẫn còn cấp bách  : “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21, 34-36).
Sống Mùa Vọng
Thế giới dường như đang cạn kiệt tình thương, nên loài người giết hại nhau, hủy hoại môi sinh, khiến thiên nhiên nổi nóng chống lại con người. Sách Khải Huyền viết: “Ta đứng ngoài cửa và gõ”. Chúa gõ cửa lòng chúng ta: “Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Chúa đang chờ đợi chúng ta mở cửa để bước vào đem theo phúc lành cũng như tình bạn của Chúa đến cho chúng ta.
Chúa Giêsu là Hoàng Tử Hòa Bình, vì Người sinh ra hòa bình trong trái tim chúng ta. Người đến thế gian bằng tình yêu và lòng mến, với sự cảm thông dịu hiền của một Vì Thiên Chúa là Cha. Lợi dụng cơ hội này, chúng ta phải ý thức mình là người mang tình yêu, hòa giải và an bình, sẵn sàng trao ban và tha thứ cho nhau, liên đới trong tình huynh đệ, giúp đỡ lẫn nhau, đồng tâm chia sẻ vui buồn, khổ đau với đồng loại.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, xin dẫn chúng con bước vào Mùa Vọng và hăm hở đón mừng Chúa Giêsu Con Mẹ ngự đến. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

========================= 
Suy niệm 5
TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36
Có anh kia vì chè chén say xỉn tối ngày, nên lúc nào tâm thần cũng “lơ tơ mơ” không biết đàng nào mà lần, nói toàn chuyện vu vơ không đâu. Lần kia trước thánh lễ, anh khoanh tay từ cuối nhà thờ đi lên, có vẻ trịnh trọng ngồi vào hàng ghế đầu tiên. Vợ con anh ngồi dưới mà lo cháy ruột, chỉ sợ lỡ anh tiến lên bục giảng, tự… “làm cha” nói lung tung đang giờ lễ, thì vợ con không biết chui vào đâu, vì quá xấu hổ với “thế giới ảo” của anh.
Trong Tin Mừng hôm nay, để kết thúc bài giảng về ngày sau hết, Đức Giêsu cảnh báo thái độ sống buông thả theo cám dỗ thế trần: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34a). Chè chén say sưa làm cho lòng người ra nặng nề, không còn biết lo lắng cho sự gì sắp xảy đến nữa. Người nghiện rượu thì sẽ mất khôn hóa dại, còn thức mà nói năng hành động như thể người ngủ mê. Đó là chuyện thực tại của thế trần. Nhưng chuyện “chè chén say sưa” Đức Giêsu nói ở đây còn là những cõi lòng đang mê mải say sưa tiền bạc, lợi danh lạc thú, sa đọa trong vũng bùn tội lỗi, lòng còn chất chứa oán hận hờn căm, không đội trời chung với “kẻ thù” nào đó, sống buông thả như không hề có Chúa…
“kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34b). Đàn chim đang mải mê ăn lúa, một chiếc lưới bất thần chụp xuống, cả đàn bị mắc lưới không thoát được vì lưới chụp xuống bất thình lình. Người ta đang mải mê ăn uống chơi bời, lo lắng sự đời mà ngày ấy bất thần chụp xuống trên mặt đất thì làm sao kịp sóng mình đây? Vì vậy nên Đức Giêsu kêu gọi, cảnh báo khẩn trương: “anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,36). Ngày Con Người đến đối với toàn thể nhân loại sẽ là ngày bất ngờ. Mọi người đang sống theo hoàn cảnh của riêng mình, hoạt động bình thường trong vòng quay của đời thường, nhưng khi Con Người chợt đến thì tâm trạng, số phận của họ lại khác nhau. Những người say sưa chè chén, mải mê lo lắng sự đời, nhởn nhơ vui chơi với thế trần, không tỉnh thức cầu nguyện, thức mà như người ngủ mê thì quả là sợ hãi vì hối sao cho kịp. Còn những người tỉnh thức, cầu nguyện, nối kết liên đới trong yêu thương với Chúa thì đâu có bất ngờ, hay giật mình hoảng sợ, vì lúc nào họ cũng sống trong Đấng là Tình Yêu. Ngày mà chiếc lưới tình yêu chụp xuống là niềm hạnh phúc, là nơi họ tự nguyện chui vào, chứ không phải sợ hãi, vì đang mong ngóng đợi chờ. Bởi vì: “Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.” (Kh 22,4-5).
Én Nhỏ
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log