Thứ sáu, 10/01/2025

Các Bài Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Cập nhật lúc 07:15 15/11/2018
Suy niệm 1
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình,
--------------------------------------
Hôm nay chúng ta mừng trọng thể 117 vị thánh tử đạo tại Việt nam đã viết lên những trang sử hào hùng cho quê hương.. Hôm nay cũng sắp kết thúc thời gian Thánh kỷ niệm 30 năm các ngài được tôn phong hiển thánh và cũng sắp kết thúc một năm Phụng vụ. Chúng ta hãy nhìn gương các Ngài, để sống một năm Phụng vụ mới cho tốt hơn.
Các ngài là ai? Các ngài là 117 hạt lúa đã thối đi, các ngài đã hy sinh mạng sống, các ngài đã đổ máu đào để sinh ra cho chúng ta hôm nay Các Ngài đã chấp nhận một quá khứ đau khổ và bị quên lãng, nhưng đã được hưởng một hiện tại vinh quang vĩnh cửu không ai có thể cướp đi và làm phai nhoà được: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Ai liều mạng sống mình vì Thày, thì sẽ được sống”. Thật vậy, dù các ngài đã chết, nhưng các ngài đang sống và giúp chúng ta cùng sống với các ngài. Các ngài còn là ai? Phải chăng, khi còn sống các ngài là những vị anh hùng của dân tộc, là những siêu sao, là những nhà tư sản, là những người bằng cấp đầy mình?
Không! Không phải vậy. Điều rất đơn giản là các ngài là những người theo Chúa Kitô như chúng ta không hơn không kém. Các Ngài đã theo sát Chúa Ki-to, theo Chúa Ki-tô một cách dứt khoát: “Ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”. Chúa Kitô đã nói và đã làm như vậy. Các Ngài đã nghe và cũng làm như thế, không thể chọn con đường nào tốt hơn: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu người ta bắt bớ Thầy, thì người ta cũng bắt bớ anh em”. Bị bắt bớ vì Thầy đó là một con đường, con đường tất yếu để về nhà Cha: “Thâỳ là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.
Các thánh tử đạo tại Việt Nam mà hôm nay chúng ta mừng lễ đã chọn con đường này, con đường chịu bắt bớ, con đường vác thập giá. Thập giá mà các ngài vác không phải là khi sinh ra các ngài đã chọn sẵn, nhưng là Chúa Kitô đã chọn cho các Ngài và các ngài sãn sàng vác theo với tâm hồn quảng đại.
Thập giá, nói đúng ra, là biểu tượng đau khổ, hình phạt và hận thù đối với những người không tin. Nhưng đối với người tin, thì thập giá đã trở nên dấu chỉ của tình yêu, vì Chúa Giêsu đã sử dụng thập giá để chết và đã cứu chuộc nhân loại.
Và từ đó thập giá đã thay hình đổi dạng. Thập giá đã trở nên dấu chỉ cứu độ. Thập giá đó đã trở nên dấu chỉ tình yêu. Tình yêu cạn kiệt. Tình yêu dốc hết cho đến không còn giọt máu nào trong tim. Thiên Chúa không keo kiệt. Ngài yêu thương chúng ta đến kỳ cùng và cho bằng được. Tình yêu đó đã thể hiện qua thập giá. Các thánh tử đạo cũng đi vào con đường thập giá đó.
Nhìn lên thập giá Chúa Giêsu và liên tưởng đến cái chết của các thánh tử đạo, người ta tưởng chừng thế lực của sự dữ đã chiến thắng. Nhưng ngược lại, sự dữ đã thất bại vì nó xuất phát từ hận thù: “Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Thập giá mà Chúa Giêsu và các thánh tử đạo đã vác là sự chiến thắng của tình yêu. Tình yêu mà từ đó Thiên Chúa biến đổi sự yếu đuối thành sức mạnh siêu việt.  Thánh Phaolô đã cảm nghiệm: “Chúa Kitô đã nói với tôi: ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi”.
Thập giá mà các thánh tử đạo Việt Nam chấp nhận đã góp phần vào Thập giá Chúa Kitô trong công cuộc cứu độ nhân loại. Thập giá mà các ngài vác là thử thách lớn nhất của Tình yêu gửi tới chúng ta và tất cả những ai yêu mến Chúa. Thập giá mà các ngài đã vác, không những biểu lộ yêu thương và tha thứ, mà còn mang tính truyền giáo, trao ban sự sống vì hạnh phúc của toàn thể nhân loại.
Kính thưa cộng đoàn,
Chỉ còn 1 tuần lễ nữa, Giáo Hội tại Việt Nam kết thúc thời gian Thánh kỷ niệm 30 năm các thánh tử đạo tại Việt Nam được tôn vinh hiển thánh. Suôt thời gian thánh chúng ta chúng ta đã sống như thế nào để noi gương các ngài?
Các ngài là những hạt lúa mì thối đi để ngày nay hằng triệu triệu hạt lúa khác mọc lên trong đó có chúng ta. Chúng ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ. Chúng ta có sẵn sàng phải chết đi không? Hay là chúng ta lợi dụng quyền chức của mình, bóp nghẹt những hạt lúa khác để tôn vinh cái tôi của mình, muốn làm gì thì làm mà không tham khảo ý kiến tốt của người khác. Tình trạng này cũng len lỏi vào cả hàng giáo sỹ và tu sỹ mà Đức Giáo Hoàng Phanxico cảnh báo, đó là “giáo sỹ trị”.
Tử đạo không phải là công việc của quá khứ,cũng không phải chỉ là đi hành hương để lĩnh ơn toàn xá, mà còn phải sống như các ngài. Biết bao lần Tin Mừng dường như bị bóp nghẹt khi người ta sử dụng quyền hành gây đau khổ cho nhau trong cuộc sống. Đối với chúng ta, nên thánh có nghĩa là chúng ta cậy nhờ sức mạnh phi thường của Lời Chúa và thể hiện lòng từ bi thương xót và tha thứ, mới có thể chiến thắng những tình trạng như vậy.

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

===========================
Suy niệm 2
Cuộc bách hại đạo hôm nay
 
Việc bách hại đạo không phải chỉ là việc của ngày xưa nhưng thời nào thì những người con Chúa cũng bị thôi thúc, bị lôi kéo, bị ép buộc bỏ đạo.
Hôm xưa, các thánh tử đạo tại Việt Nam đã bị vua quan bắt bớ, xiềng xích, tống giam vào tù ngục… buộc phải bỏ đạo. Dầu vậy, các ngài vẫn kiên trung, anh dũng chấp nhận tù đày, chết chóc chứ không bỏ đạo, không bỏ Chúa.
Chúng ta hôm nay cũng bị những quyền lực mạnh mẽ thúc đẩy từ bên trong, xô đẩy chúng ta chối bỏ Đạo yêu thương.
Trước hết, cần nhớ rằng Đạo Chúa là Đạo yêu thương.
Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì yêu thương là cốt lõi của Đạo Chúa.
Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì yêu thương là điều luật quan trọng nhất, là quy luật trung tâm của mọi lề luật, như Thánh Phao-lô dạy: “Ai yêu thương là chu toàn mọi điều luật dạy” (Rô-ma 13,9-10).
Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì mục tiêu hàng đầu của Đạo Chúa là xây dựng thế giới này trở thành thế giới yêu thương, huynh đệ, mọi người yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà.
Và hơn hết, Đạo Chúa là Đạo yêu thương vì chỉ có ai có lòng yêu thương mới là con cái Chúa, là môn đệ Chúa; Ai không yêu thương thì tự loại trừ mình ra khỏi hàng ngũ những người môn đệ Chúa, như lời Chúa Giê-su dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đó là anh em yêu thương nhau” (Gioan 13,35).
Như chúng ta vừa đề cập trên đây, hiện nay có nhiều quyền lực hết sức mãnh liệt lôi cuốn, xô đẩy chúng ta từ bỏ Đạo yêu thương. Vậy đó là những quyền lực nào?
Đó là những sức mạnh nằm ngay trong lòng ta, thống trị tâm hồn và cuộc sống của ta, hằng thôi thúc ta bỏ Đạo yêu thương: Chủ yếu là lòng tham, lòng giận ghét, hạn thù, ích kỷ, vô cảm vô tâm…
1. Lòng tham: Lòng tham đang thống trị tâm hồn rất nhiều người. Lòng tham xui khiến người ta làm nhiều điều gian ác, bất công, làm thiệt hại cho bao người để thu lợi về cho mình.
Một trường hợp cụ thể đang xảy ra và rất nóng bỏng, đó là việc nhiều người sản xuất các loại thực phẩm độc hại, những loại thực phẩm bẩn, có nhiều độc tố tiềm ẩn, gây hại cho đồng bào mình, cho dân tộc mình… gây ra bệnh hoạn cho vô số người, để cho người ta chết dần chết mòn vì bệnh tật, nhất là bệnh ung thư… miễn sao mình thu lợi thật nhiều cho bản thân là được, còn ai chết mặc ai.
Ai giết người bằng những cách thế như vậy là trắng trợn từ bỏ Đạo yêu thương.
 
2. Lòng giận ghét, oán thù: Lòng giận ghét sôi sục trong lòng ta, xui khiến ta chửi mắng, đánh đập, gây ra nhiều buồn khổ, đau thương cho người khác…
Khi ta để cho lòng giận ghét oán thù xui khiến mình xúc phạm người khác, chà đạp danh dự, nhân phẩm của người khác… là ta chối bỏ Đạo yêu thương.
 
3. Lòng ích kỷ: Ích kỷ có cội rễ sâu xa trong lòng người. Nó thống trị người ta, xui khiến người ta chỉ nghĩ đến mình, đến gia đình con cái mình thôi; ai đói mặc ai, ai rét mặc ai, ai đau bệnh khốn khổ mặc ai…
Khi ta không thương xót, không cứu giúp người hoạn nạn, đau khổ… là ta đã từ bỏ điều cốt lõi của Đạo yêu thương…
Ngoài ra, còn rất nhiều quyền lực khác, tuy vô hình, nhưng có sức mạnh lớn lao, đã hoặc đang xâm chiếm tâm hồn ta, làm chủ cuộc sống ta, luôn tìm cách lôi kéo, xô đẩy ta ra khỏi Đạo yêu thương của Chúa.
Đây là những cơn bách hại lâu dài và sẽ còn tiếp tục kéo dài suốt cả cuộc đời, nếu ta không chiến đấu chống lại chúng, chúng ta phải thua trận và trở thành người bỏ Đạo lúc nào không hay biết.
 
Hậu quả tai hại mà người bỏ Đạo yêu thương phải gánh lấy, là đến ngày phán xét, người ấy sẽ bị Chúa Giê-su lên án: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”… vì ngươi không có lòng yêu thương (Mt 25, 34. 41).
 
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
Các ngài thà chết chứ không thà dẫm đạp lên Thập tự giá và không chối bỏ đạo Chúa, thì xin cầu bầu cho chúng con hôm nay, can đảm chấp nhận thua thiệt và đau khổ chứ không vì tham lam, ghen ghét, oán thù, ích kỷ… mà chà đạp lên tình người, lên danh dự, nhân phẩm của người khác, vì làm như thế là chúng con đã chối bỏ Đạo yêu thương và phải mang lấy án phạt đời đời.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

==========================
Suy niệm 3
CHỌN ĐẤNG CHỊU ĐÓNG ĐINH
Năm 1837, vua Minh Mạng triệu tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh về kinh và trao cho 40 cây Thánh Giá, rồi ra lệnh phải áp dụng gắt gao chiếu chỉ cấm đạo. Từ đó, tổng đốc Khanh trở thành “Hùm xám Nam định”.
40 cây Thánh Giá trở thành dụng cụ để thử thách niềm tin của người tín hữu. Người có đạo khi bị bắt, buộc phải “quá khoá” phải bước qua Thánh Giá. Nếu bước qua sẽ được sống, được trả lại tất cả những gì đã mất, và còn được tặng thêm phú qúi vinh hoa. Không bước qua phải bị tù đày, gông cùm đòn vọt và mất cả mạng sống.
Thánh Giá chính là cột mốc để phân định giữa sống và chết, giữa Thiên Chúa và thế gian. Khi đối diện với Đấng Chịu Đóng Đinh, người tín hữu luôn phải thực hiện một sự chọn lựa có tính quyết định.Chỉ cần một bước chân thôi là mọi sự thay đổi. Đã có người bước qua, và cũng có người không.
Có người bị khiêng qua thánh giá nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Cũng có những vị được quan quân khuyến dụ hãy giả vờ bước qua thập giá để cho quan có cớ mà tha, còn sau đó về nhà thì muốn sao tuỳ ý; nhưng các thánh tử đạo vẫn không chấp nhận một thoả hiệp như thế. Các ngài vẫn khẳng khái nói không. Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa.
Đứng trước thập giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Chúa hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng.Giây phút đứng trước thập giá là giây phút quan trọng.Quyết định không bước qua thập giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất...
Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa dứt khoát: theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là vác thập giá, sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng vinh hoa phú quý nơi trần gian. Các Ngài có chung một quyết định tối hậu là theo Đức Kitô. Giây phút quyết định ấy chỉ có các Ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với cõi phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc, nhân sinh. Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vầng nhật nguyệt huy hoàng khôn tả. Các Ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết: “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32). (x.Thiên Hùng Sử trang 4).
Trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn 100 ngàn Đấng Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách. Trong đó, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Italia, 15 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân. Đó là chưa kể con số rất đông các tín hữu bị chết mất tích trong các đợt bắt Đạo vì lưu đày, vì phải trốn tránh vào những nơi hẻo lánh.Đó là chưa kể rất nhiều tín hữu phải chết do cuộc Phân Sáp 400 ngàn người Công Giáo dưới triều Vua Tự Đức.Đó còn là chưa kể con số hơn mười mấy vạn người Công Giáo bị chết khi có Phong trào Văn Thân nổi lên tàn sát người Công Giáo...Như thế, con số Tử Đạo phải tính lên đến 300 ngàn người trong vòng 300 năm. Nếu tính theo tỷ lệ, 100 năm thì có 100 ngàn Vị Tử Đạo. Và theo tỷ lệ này, cứ một năm, có một ngàn Vị Tử Đạo; và đổ đồng, cứ một ngày, có hơn hai Vị Tử Đạo!
Thánh Giá luôn là điểm hẹn tình yêu,là nơi gặp gỡ của những người sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng Chịu Đóng Đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.
Thánh Giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.Thánh Giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn. Ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống. Ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời. Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa, bởi lẽ “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).
Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Đây là Hội Dòng chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của tình yêu của lòng trí. Không chọn cái gì nhẹ nhàng mà lại chọn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Chọn con đường theo Chúa là đi vào con đường hẹp. Một chọn lựa khôn ngoan vì đã chọn chính Đấng Cứu Độ. Thánh Giá là đỉnh cao ơn cứu độ.
Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.
Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.
Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu thế bị giết chết trên thập giá. Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh Giá, Thánh Thể không có ý nghĩa. Không có Thánh Thể, Thánh Giá chỉ là thất bại.Từ Thánh Giá đến Thánh Thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh Giá đến tình yêu Thánh Thể.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhờ sức mạnh của Thánh Thể nên đã chọn Thánh Giá cách tuyệt đối và quyết liệt, dám liều mất cả mạng sống cho sự lựa chọn của mình. Các ngài thật khôn ngoan. Là con cháu của các Ngài, xin cho chúng con luôn khôn ngoan trong những chọn lựa của đời sống hàng ngày. Amen.
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
========================
Suy niệm 4
 Kn 3,1-9;1Cr 1,17-25; Mt 10,17-22
Thầy Giêsu sai các môn đệ ra đi làm chứng cho Thầy và dặn trước rằng:“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại.”Nghe những lời này ai cũng cảm thấy sợ hãi muốn chùn bước chân. Chính Thầy Giêsu là lá cờ đầu tiên phong, là vị Tử Đạo đầu tiên đã bị nộp, đánh đập và bị đóng đinh chết nhục nhã đau thương. Kế đến các tông đồ, theo sau là các thánh Tử Đạo cũng đã bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền. Các ngài đã trải qua bao nhiêu cấm cách, bắt bớ, đánh đập giết chóc đau thương với nhiều cách ghê sợ. Những hình ảnh đó thật đúng là chiên đi vào giữa “bầy sói”.
Nhưng ngày nay Thầy sai chúng con đi vào thế gian, giữa thời đại @, không có sói, chẳng bị cấm cách gì hết. Nhiều khi mạnh ai nấy sống, người ta mải mê kiếm tìm lợi nhuận hưởng thụ, của cải, danh vọng, tìm cách vươn lên làm giàu, chứ chẳng tìm bắt bớ, bách hại lẫn nhau. Không thấy ai nộp chúng con cho hội đồng, không bị đánh đập trong hội đường hay điệu ra trước nhà chức trách vì Chúa. Nhưng cũng chính trong thời đại bon chen xô bồ này, chúng con bị thách thức, bắt bớ bởi những cám dỗ đam mê, tiền, vàng, đôla, nhà đất… Chúng làm lé mắt, lôi kéo trói buộc, chúng con   thật khó để chiến đấu mà giải thoát gỡ mình ra khỏi.Vì bản năng con người lại thích “sự êm dịu” của nó. Cũng chính vì những lợi lộc trần gian này, vì tiền của, nhà đất, ruộng vườn mà người ta bon chen giành giật, vu oan kiện cáo đưa nhau ra tòa không phân biệt thân sơ. Từ đây có cảnh “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” Báo chí cập nhật đăng tải bao cảnh bê bối tang thương ngay từ giữa gia đình.
Phải đối xử làm sao, chiến đấu ra sao với những thử thách gian truân nơi đường trường dương thế này? Lúc ấy “không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” Chính Thầy Giêsu đã đi bước trước và thực hiện trong các vị Tử Đạo. Mọi khó khăn đau khổ sẽ được trả lại bằng vinh quang. Nhưng với điều kiện phải trung thành trong mọi hoàn cảnh khó khăn, cho đến giây phút cuối cuộc đời:“kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”
Lạy Chúa! Chúa sai con đi vào giữa cuộc đời đầy khó khăn thử thách và đủ thứ cám dỗ gọi mời. Xin ban cho con sự khôn ngoan cần thiết, để con nói năng, hành động theo Thần Khí Chúa. Được đồng hình đồng dạng, nên một trong Chúa, con được trở nên thụ tạo mới. Nếu được như vậy, con luôn vững tâm, can đảm khi đối diện với những khó khăn. Bởi vì “không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” Có thể con sẽ lãnh phần thua thiệt trong cuộc sống, nhưng nhờ “bền chí đến cùng” con sẽ được hưởng hạnh phúc Chúa hứa ban. Amen.
 
Én Nhỏ
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log