Suy niệm 1
Họ thiếu rượu rồi --------------------- Chúng ta đã bước vào mùa thường niên, nhưng qua phép lạ tại Cana mà chúng ta vừa nghe đọc trong bài Tin Mừng hôm nay cũng chất chứa nhiều điều kỳ diệu như ngày lễ Chúa Hiển Linh và ngày lễ Chúa chịu phép Rửa...Ngay từ đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu luôn hiện diện trong cuộc sống thường ngày của chúng ta: vui buồn, thất bại và bệnh tật. Ngài luôn để chúng ta mời Ngài. Ngài ở với chúng ta qua mọi biến cố của đời sống con người. Ngài mặc khải cho thấy một Thiên Chúa vui mừng ở giữa con người: “Ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là kẻ Ta ưa thích”.
Câu chuyện xẩy ra tại Cana là một biểu tượng đẹp trong đời sống thường ngày. Chúng ta cũng được mời gọi sống cuộc sống vào một thời kỳ như là một ngày lễ, một tiệc cưới. Ngày lễ đó, tiệc cưới đó có rất nhiều lý do để chúng ta hạnh phúc và làm cho cuộc sống chúng ta cảm thấy thoải mái hơn, không còn sợ sệt gì...Nhưng đột nhiên như thể thiếu một điều đó, cụ thể như tiệc cưới Cana hôm nay thiếu rượu...Lúc đó, chúng ta không cần thiết phải hỏi rằng ai là người có lỗi gây nên sự thiếu thốn đó..Đó là tình trạng rất thực tế và thường xẩy ra trong cuộc sống chúng ta...Nếu có đức tin, chúng ta sẽ không bao giờ cô đơn và thất vọng trước những thiếu thốn đó.
Tại Cana, Đức Maria đóng một vai trò rất quan trọng: Mẹ chuyển những đau khổ của chúng ta cho Con Mẹ. Trong phép lạ này, Đức Maria có một tương quan đặc biệt với Con mình: “Khi thấy thiếu rượu, Đức Maria nói với Chúa Giêsu: Họ thiếu rượu rồi”. Khi nói câu này, Đức Maria cảm động trước những gì phát sinh nơi tiệc cưới. cũng như ngày sứ thần truyền tin, Đức Maria hoàn toàn đặt tin tưởng vào tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Mẹ có một tương quan mật thiết với Chúa Giêsu và với nhân loại chúng ta. Mẹ tin tưởng Con mẹ là Đấng cứu độ và là phương thuốc chữa lành nhân loại đang bị tổn thương.
Mặc dù Chúa Giêsu nói với Mẹ: “Giờ con chưa đến”, Đức Mẹ vẫn không nản lòng và vẫn nói với người giúp việc: “hễ người bảo gì thì anh em hãy làm theo”. Điều đó chứng tỏ sức mạnh lời cầu nguyện của Đức Mẹ và của những ai cầu nguyện năn nỉ và tín thác...Đúng vậy, ngày 09/01/2019 vừa qua tại Hội Trường thánh Phaolo ở Vatican, khi giảng dạy giáo lý về kinh Lạy Cha, Đức giáo hoàng Phanxico nói: “Mặc dù chúng ta thường xin mà không được, nhưng Chúa Giêsu thúc giục chúng ta hãy cầu nguyện năn nỉ, bởi vì cầu nguyện luôn thay đổi thực tại. Nếu mọi thứ xung quanh chúng ta không thay đổi, thì ít nhất chúng ta thay đổi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã hứa Ngài sẽ ban Thánh Thần cho những ai cầu nguyện. Bất cứ ai đều mong muốn hạnh phúc và chắc chắn một ngày nào đó sẽ được. Ngay từ lúc này cầu nguyện là chiến thắng sự cô đơn và thất vọng”.
Vai trò của những người giúp việc đổ nước vào đầy các chum cũng rất quan trọng. Chính nhờ những cử chỉ đơn giản trong đời sống hằng ngày mà Thiên Chúa thực hiện uy quyền của Ngài, cũng như chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho 5 ngàn người ăn no. Qua những cử chỉ đơn giản nhất và nhờ ơn Chúa, mọi cái không có thể đều trở nên có thể.
Khi phải đối diện với tất cả mọi vấn đề, nếu chúng ta có 6 chum nước đầy thiện chí, dù chỉ là nước, chúng ta chỉ cần phép lạ là mời Chúa đến. Chúng ta hãy để cho Ngài biến đổi cuộc đời và thiện chí của chúng ta trong rượu tình yêu của Ngài. Chỉ có tình yêu đến từ Ngài mới có thể biến đổi cuộc đời chúng ta. Rượu được đổ đầy con tim chúng ta nhờ đức tin sẽ trao lại cho chúng ta niềm vui đích thực, giống như rượu sẽ “làm vui lòng người”. Thứ rượu này còn tốt hơn tất cả những thứ rượu mà chúng ta uống trước, như người quản lý tại bữa tiệc Cana đã xác nhận.
Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay, đã mời gọi các Kitô hữu tiên khởi nhận ra sự biến đổi lạ lùng đang được thực hiện trong lòng họ bằng phép Rửa. Khi mà giữa họ có những căng thẳng, thì nước đắng đã được thay đổi: Mỗi người trở thành người phục vụ nhau qua nhiều đặc sủng khác nhau. Thiên Chúa có thể thay đổi tất cả nhờ rượu của lòng bác ái.
Hôm nay chúng ta đang sống trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kito hữu. Thiết nghĩ rằng sự hiệp nhất những người tin theo Chúa Kito là một phép lạ cho Giáo Hội. Khi sắp phải xa rời các môn đệ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Xin cho họ nên một để thế gian tin rằng Cha đã sai Con”, cũng có thể hiểu rằng mọi người đều khao khát uống cùng một thứ rượu. Có thể lúc này, dù mỗi người chúng ta là tốt, nhưng vẫn chỉ là chum nước lã dùng để rửa chân tay. Nhưng cuối cùng Chúa Giêsu có thể làm phép lạ biến những thứ nước lã nhạt nhòa của chúng ta nên chỉ một thứ rượu ngon mà thôi.
Boris Vian, một thi sỹ công giáo viết: “Tôi muốn một thế giới mà mọi người yêu mến nhau và muốn điều thiện cho nhau; một thế giới mà tình yêu và vui mừng luôn làm chủ, một thế giới chỉ nghe thấy tiếng đàn ghita, sáo trúc và vĩ cầm để quên đi những thứ khác”. Chúa Giêsu luôn ước mơ: giao hoà, nối kết toàn thể nhân loại để một ngày nào đó Ngài sẽ giới thiệu nhân loại đó cho Cha của Ngài trong Rượu ngon, Rượu mới của Tiệc Cưới, Tiệc Cưới vĩnh hằng.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=========================
Suy niêm 2
Chúa đến cứu vãn hạnh phúc cho gia đình Ga 2,1-11
Gia đình đôi tân hôn tại Ca-na bị thiếu rượu khi tiệc cưới đang vui khiến cho Mẹ Maria lo lắng. Mẹ liền vận động Chúa Giê-su cứu giúp đôi tân hôn thoát khỏi cảnh éo le khó xử này.
So với cảnh thiếu rượu tại tiệc cưới Ca-na và những hậu quả của nó, thì hiện nay, nhiều gia đình lâm phải những thứ thiếu thốn còn nghiêm trọng hơn, gây ra những hậu quả tai hại hơn rất nhiều nên cần được Chúa Giê-su và Mẹ Maria đến trợ giúp.
Sau đây là những thiếu thốn chính:
- Thiếu thuận hoà: Vợ chồng, con cái kình cãi nhau liên tục, gia đình lâm vào cảnh chiến tranh, xô xát, bầu khí gia đình căng thẳng ngột ngạt, mỗi người trong nhà đều cảm thấy mất an vui, mất hạnh phúc đến nỗi ai cũng muốn thoát ly khỏi cảnh đau buồn đó.
- Thiếu nhịn nhục và tha thứ: Khi có chuyện xung đột hay lỗi lầm, người trong cuộc không ai biết nhận lỗi về mình, mặc dù ai cũng có lỗi. Rồi người này đổ lỗi cho người kia, người kia oán trách người nọ… Thế là giận hờn nhau, xích mích nhau… Hậu quả là cơm không lành, canh không ngọt, bầu khí gia đình trở nên ngột ngạt khó thở và không ai muốn ở lại trong gia đình đó.
- Thiếu quan tâm chăm sóc nhau: Khi cha già mẹ yếu nằm bệnh cả mấy ngày, bỏ cơm bỏ cháo… con cháu không quan tâm chăm sóc. Chồng lao động nặng nhọc, vợ chẳng an ủi một lời; vợ làm việc quần quật suốt ngày lo cho cha mẹ đau yếu, lo cho chồng cho con… mà chồng chẳng đoái hoài, cứ mải lo đàn đúm rượu chè với bè bạn… Hậu quả là gia đình trở thành như một quán trọ, người nhà như khách trọ, không còn tình nghĩa với nhau, không ai tìm được hạnh phúc gia đình.
- Thiếu lòng tôn trọng nhau: Vợ chồng xem nhau như tôi tớ trong nhà… chứ không phải là bạn trăm năm. Thay vì nhẹ nhàng trong lời ăn tiếng nói, tế nhị trong cách cư xử, hai vợ chồng đối xử thô bạo với nhau, quát tháo, hạch xách nhau…
Ngoài ra có rất nhiếu thứ thiếu thốn khác tương tự làm cho gia đình dễ dàng tan vỡ, hạnh phúc của những ngày đầu thành hôn đã vỗ cánh bay xa.
Tất cả những thiếu thốn nêu trên đều do thiếu thốn cơ bản là thiếu tình yêu. Câu thề hứa long trọng trong ngày thành hôn: “Thề hứa yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày (từng giờ từng phút) trong suốt cuộc đời” hoàn toàn bị vất bỏ.
Khi tình yêu vợ chồng, tình yêu gia đình không còn nữa, thì gia đình biến thành nơi hoang lạnh, trở thành bãi chiến trường, trở thành một thứ địa ngục trần gian… Nếu không được cứu vãn kịp thời, thì mọi người trong nhà phải chịu cảnh bất hạnh triền miên, hồn không an, xác không mạnh... Thế là bệnh tật đến sớm, tuổi thọ bị cắt ngắn rất nhiều.
Hôm xưa tại tiệc cưới Cana, Mẹ Maria âu lo khắc khoải khi biết gia đình đôi tân hôn thiếu rượu và Mẹ đã tìm cách cứu chữa. Hôm nay, khi thấy gia đình con cái của Mẹ thiếu nhiều thứ có nguy cơ gây ra mất hạnh phúc gia đình, gây tan vỡ hôn nhân, thì Mẹ lại càng lo âu hơn.
Làm sao cứu vãn gia đình khỏi những nguy cơ tan vỡ?
Muốn cứu vãn gia đình thì phải mời Chúa đến và hễ người bảo gì phải làm theo.
- Điều thứ nhất là hãy mời Chúa đến: Mời Chúa đến không chỉ là đặt tượng ảnh Chúa trên bàn thờ, mà chủ yếu là mời Chúa đến ngự trị trong tâm hồn, làm vua trong gia đình và mọi người trong nhà đều phải quy phục Chúa.
- Điều thứ hai là thực hành Lời Chúa như lời Mẹ Maria dạy: “Hễ Ngài bảo gì thì phải làm theo.”
Chúa Giê-su bảo các gia đình làm gì để cứu vãn hạnh phúc gia đình?
Chúa bảo: “Những gì các con đã làm cho những người trong gia đình là làm cho chính Ta.”
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con luôn nhớ rằng: Thiên Chúa tự đồng hóa với con người. Chúa là một với người cha, người mẹ, người con… trong gia đình và những gì chúng con làm cho ông bà cha mẹ, cho bạn trăm năm, cho con cái trong nhà là làm cho chính Chúa.
Nếu các thành viên trong nhà làm theo lời dạy này của Chúa, chắc chắn gia đình sẽ thoát khỏi đau thương đổ vỡ và sẽ được chan hoà hạnh phúc.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=========================
Suy niệm 3
Ý NGHĨA PHÉP LẠ CANA
Dịp hành hương Đất Thánh, chúng tôi có viếng thăm Nhà Thờ Cana. Nơi đây cách Nagiarét 7km về hướng Bắc. Một vùng nông thôn nằm giữa Nazarét và biển hồ Tibêria, ngày nay gọi là Kefr Kenna. Cana cũng là quê hương của Tông đồ Nathanael (Batôlômêô).
Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên tại Cana. Ngài biến nước thành rượu hảo hạng (Ga 2,1-12). Tiệc đang vui vẻ mà rượu gần cạn. Gia đình lo lắng, sợ mất mặt với khách dự tiệc… Mẹ Maria quan tâm đặc biệt. Mẹ ngỏ ý với Chúa: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ nói với gia nhân: “Ngài bảo gì, các anh hãy làm theo”. Chúa Giêsu nói với gia nhân: “Hãy đổ nước đầy chum”. Họ đổ tới miệng chum. Và Chúa bảo họ: “Bây giờ hãy múc nước đem cho người quản tiệc”. Nước đã biến thành rượu ngon. Người quản tiệc bỡ ngỡ, thực khách vui mừng.
Chúa Giêsu còn thực hiện một phép lạ khác tại Cana: chữa lành cho con một sĩ quan cận vệ nhà vua (Ga 4,46-54).
Từ chỗ dừng xe, phải leo lên một đoạn dốc cao, hai bên có nhiều quày hàng bán quà lưu niệm vui vẻ mời chào.Chúng tôi thấy một ngôi Thánh đường có hai tháp, biểu tượng cho đôi lứa và một vòm ở giữa tượng trưng sự tận hiến của đơn vị gia đình.
Bên trong Thánh đường, người ta đặt chum rượu của thời Chúa Giêsu một cách cung kính ở ngay Cung Thánh. Những chum đá dưới bàn thờ cũng như ở tầng hầm có từ thế kỷ V. Chum có hình dáng như chum đá tại tiệc cưới Cana ngày xưa. Nơi đây như trình bày đặc ân mà Chúa muốn dành phép lạ đầu tiên để thánh hóa tình yêu lứa đôi và kiện toàn thể chế gia đình bền vững. Có một chum đá to được trưng bày trang trọng cho khách tham quan ngắm nhìn, đây là 1 trong 6 chum đá của phép lạ Cana được các nhà khảo cổ tìm thấy.
Có nhiều đoàn hành hương đã cử hành nghi thức lập lại lời hôn ước cho những cặp vợ chồng tại Nhà thờ Cana. Có những đoàn chọn Cana để kỷ niệm ngày thành hôn. Xin Chúa chúc lành cho hạnh phúc lứa đôi tại nơi này thì thật là ý nghĩa
Chúng tôi quỳ gối đọc kinh, cầu nguyện cho những người sống đời đôi bạn được hạnh phúc, tín trung.
Phía trước Nhà thờ có nhiều quày bày bán quà lưu niệm. Những chai rượu Cana là quà mừng cho người thân bạn bè được du khách ưa chuộng nhất. Rượu nho sản xuất tại Cana. Ai cũng mua vài chai làm quà tặng quý giá như rượu chính phẩm được Chúa làm phép lạ năm xưa.
1. Phép lạ đầu tiên
Theo Tin Mừng Gioan thì hành động đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa là quy tụ các môn đệ. Hành động thứ hai là đi dự tiệc cưới. Có lẽ đây là tiệc cưới của người bà con nên cả Đức Mẹ, Chúa Giêsu và các môn đệ cùng đi dự. Có thể là một đám cưới nhà nghèo nên thiếu rượu nữa chừng.
Tại Palestina, tiệc cưới kéo dài hơn một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Bấy giờ trời đã tối, họ được đưa đi qua các con đường càng dài càng tốt để có thể gặp được nhiều người chúc mừng. Vợ chồng mới cưới không đi hưởng tuần trăng mật. Họ ở tại nhà, mở cửa suốt tuần để tiếp khách. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Nếu suốt đời người ta phải sống cơ cực vất vả, thì nay được một tuần tiệc tùng, vui vẻ, đây là cơ hội đặc biệt trong đời người. Như vậy, theo tập tục Do Thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày.
Đám cưới Cana này mới đến ngày thứ ba thì đã hết rượu rồi. Một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc bối rối, khó xử. Các Rápbi vẫn nói: Không rượu thì không vui. Người Việt nói: Vô tửu bất thành lễ. Không phải vì mọi người nghiện rượu, nhưng ở Đông Phương, món rượu rất quan trọng. Say rượu là một điều thật xấu hổ, nên họ uống rượu pha, hai phần rượu và ba phần nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn, thức uống là có vấn đề, vì ở Đông Phương tiếp khách là một nhiệm vụ thiêng liêng; thiếu thức ăn thức uống trong một tiệc cưới là điều hổ thẹn cho cả cô dâu lẫn chú rể.
Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana này. Sáu chum nước thành rượu ngon. Sáu chum đầy chứa khoảng 700 lít. Một lượng rượu khổng lồ.
Chúa Giêsu đi ăn cưới. Người không mang quà cáp hay phong bì. Ngài tặng cho cô dâu chú rể, cho họ hàng đôi bên và mọi người phép lạ “nước thành rượu”, “Rượu ngon làm phấn khởi lòng người” (Tv 109). Trong các lễ cưới nhân loại, rượu ngon được đãi trước. Trong lễ cưới của Thiên Chúa với Dân Ngài, rượu ngon lại được đãi sau cùng. Chúa Giêsu là sự hoàn hảo, là ân ban tối hậu (x.Ga 4,10). Rượu Chúa Giêsu cung cấp được lấy từ nước của Do Thái giáo và thay thế thứ rượu bị thiếu. Luật Môsê được thay thế bằng chất lượng Lời Đức Kitô, là Lời loan báo một điều răn mới (Ga 13,34), điều răn của Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài người trong Đức Kitô hiển vinh (x. Ga 14,20).
Tương quan giữa Luật Môsê và Lời Đức Giêsu được diễn tả tuyệt vời bằng hai loại rượu được dọn tại Cana. Một loại được tân lang phàm tục dọn còn bị thiếu nữa. Có một thứ rượu tuyệt hảo được ban tặng bởi Tân Lang đích thực là Chúa Giêsu. Ơn Cứu Độ chính là niềm vui trọng đại. Tiệc cưới được dùng làm hình ảnh Nước Trời. Hôn nhân là hình ảnh Thiên Chúa và Dân Người.
Trong Tin Mừng Gioan, có 7 phép lạ được kể lại. Pháp lạ Cana có một giá trị nổi bật vì đó là dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu làm trong cuộc đời công khai. Các phép lạ trong Tin Mừng theo Thánh Gioan không chỉ biểu lộ quyền năng Thiên Chúa mà còn mạc khải về mầu nhiệm Chúa Giêsu. Các phép lạ có tính biểu tượng cao. Các phép lạ là những dấu chỉ cho biết về con người Chúa Giêsu.
Sau mỗi phép lạ thường có một bài giảng nhằm vén mở ý nghĩa sâu xa của phép lạ đó. Chẳng hạn:
– Sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa tự giới thiệu: “Ta là bánh hằng sống” (Ga 6).
– Sau khi chữa người mù được thấy ánh sáng, Chúa nói: “Ta là ánh sáng thế gian”(Ga 9).
– Sau khi cho Ladarô sống lại, Chúa tự nhận: “Ta là sự sống lại và là sự sống” ( Ga 11).
2. Ý nghĩa phép lạ Cana
– Phép lạ Cana xảy ra trong một tiệc cưới. Trong Cựu Ước, để diễn tả Tình Yêu Thiên Chúa đối với dân Israen, các Ngôn Sứ đã dùng hình ảnh hôn lễ, Thiên Chúa làm đám cưới với dân của Ngài. Thiên Chúa là chú rể. Đoạn văn (Is 54, 4-8) là một minh hoạ rất lý thú phối hợp đề tài xuất hành với một đề tài trong sách Hôsê, đó là Giuđa được coi như người bạn trăm năm của Thiên Chúa. Vì yêu thương người bạn trăm năm của mình bị bỏ rơi, Thiên Chúa sẽ đem những người lưu đày trở về quê nhà. Chủ đề của bài đọc I là cuộc phục hưng Giêrusalem trong tương lai được diển tả bằng ngôn ngữ hôn ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Với từ hôn ước này, Thiên Chúa sắp hoàn lại tước vị “hôn thê” cho dân: “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”. Niềm vui của Giáo Ước được làm mới lại giữa Thiên Chúa và dân Ngài, tiên báo niềm vui thời Mêsia, niềm vui dạt dào như rược tiệc cưới Cana.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu ở tiệc cưới Cana mở màn cho hôn nhân Kitô giáo một kỷ nguyên mới. Đây là lễ hôn phối đầu tiên trong đạo mới. Chính Chúa Giêsu làm phép cưới, trước sự chứng giám của Mẹ Maria và các Tông Đồ. Bí tích Hôn phối của đạo mới khai nguyên từ đám cưới này. Dựa trên học thuyết của thánh Phaolô trong thư gửi Êphêsô, ca tụng tình yêu chồng vợ cao đẹp như tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội là hiền thê (Ep 5,22-33), Giáo Hội khẳng định “Chúa Kitô đã nâng hôn nhân giữa hai người được rửa tội lên hàng bí tích” (Giáo Luật # 1055). Từ nay, hôn nhân có đặc tính là nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly; hôn nhân được Chúa chúc phúc và được Giáo Hội chứng nhận.
– Phép lạ Cana diễn ra trong một bữa tiệc. Bữa tiệc là hình ảnh được dùng để diễn tả niềm vui vào ngày Đấng Mêsia đến. Bữa tiệc này dồi dào rượu ngon: “Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc, thịt thì béo, rượu thì ngon”. Chúa Giêsu nhiều lần dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời. Người ví mình là chú rể, là tân lang. Chúa Giêsu ví giáo huấn của Người là rượu mới không thể chứa trong bầu da cũ. Đọc trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp một chú rể lúng túng và bất lực vì hết rượu đãi khách. Gia đình chỉ có nước dùng để thanh tẩy theo luật Môsê. Chúa Giêsu xuất hiện như Chú Rể thực sự của nhân loại. Người biến nước thành rượu, biến nước Cựu Ước thành rượu Tân Ước. Rượu của Người vừa ngon vừa nhiều, có cả phẩm lẫn lượng. Hình ảnh này cho thấy Ơn Cứu Độ do Chúa Giêsu mang đến thật là nguồn ơn quý giá và dư đầy.
– Tiệc cưới Cana là biểu tượng Tiệc Cưới Con Thiên Chúa và loài người. Phép lạ nước hoá thành rượu đem lại niềm vui cho người dự tiệc loan báo về mầu nhiệm Thánh Thể; bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô đem lại nguồn vui Ơn Cứu Độ cho con người.Mỗi lần dự lễ là một lần dự tiệc. Tiệc Lời Chúa và Tiệc Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể là một phép lạ xảy ra hàng ngày trên bàn thờ, bánh và rượu nên Mình Máu Thánh Chúa. Chúng ta tin vào mầu nhiệm Thánh Thể, vì biết rằng Chúa yêu chúng ta, Người trở nên Bánh Hằng Sống nuôi chúng ta. Cả hai bàn tiệc nuôi dưỡng cuộc đời chúng ta sống trong niềm tin yêu vào Thiên Chúa.
3. Hãy đến với Mẹ Maria
Phép lạ Cana do Chúa thực hiện, nhưng Đức Mẹ cũng đóng vai trò quan trọng. Sự can thiệp của một người mẹ nhạy cảm và từ ái góp phần làm nên phép lạ hoá nước thành rượu.
Tin Mừng Gioan nhắc đến Đức Mẹ hai lần: lần đầu ở Cana và lần cuối ở Núi Sọ. Mẹ chứng kiến cái chết của con, và từ đây Mẹ trở nên Mẹ của các tín hữu (Ga 19, 25-27). Cả hai lần đều có sự hiện diện của Chúa Giêsu và sự hiện diện của con người. Mẹ đã đưa con người đến với Chúa Giêsu ở Cana, và Chúa Giêsu cũng đã đưa Thánh Gioan, đại diện cho các tín hữu đến với Mẹ “Này là Mẹ con”. Mẹ đã hiện diện ở tiệc vui Cana, Mẹ cũng hiện diện ở núi Sọ. Mẹ đã đi từ bước đầu cho đến cao điểm của sứ vụ Chúa Giêsu. Mẹ vẫn đi mãi, đồng hành với Giáo Hội, với mỗi người chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế. Mẹ vẫn chia sẻ niềm vui và âu lo, nâng đỡ và ban ơn cho mỗi con người trong cuộc đời này.
Cuộc sống thường ngày có những trắc trở, những lúng túng, những khó khăn. Hãy đến với Mẹ. Lời cầu bàu của Mẹ có giá trị lớn lao trước Nhan Thánh Chúa. Mẹ vẫn thường nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” và Mẹ cũng hay nói với mỗi người chúng ta: “Hãy làm mọi điều Chúa bảo…”. Hãy làm theo lời Chúa, để rượu tình thương không bao giờ cạn vơi trong gia đình chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=========================
Suy niệm 4
CÓ CHÚA, NIỀM VUI SẼ TRỌN VẸN
(1Cr 12,4-11; Is 62,1-5; Ga 2,1-11)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có liên quan đến lễ Hiển linh và lễ Đức Giêsu chịu Phép rửa, vì trong cả ba lễ này, Đức Giêsu đều tỏ vinh quang của mình ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
Nếu Chúa Nhật lễ Hiển linh, Đức Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại qua Ba Đạo Sĩ nơi ngôi sao lạ, để loan báo ơn cứu độ phổ quát cho muôn dân; rồi Chúa Nhật lễ Đức Giêsu chịu Phép rửa, Thiên Chúa Cha giới thiệu Ngài là Con Yêu Dấu và được Chúa Thánh Thần tấn phong, đây là một cuộc mạc khải về thiên tính và sứ vụ nơi Đức Giêsu, thì đến Chúa Nhật này, Đức Giêsu tỏ vinh quang của Ngài cho mọi người dự tiệc cưới qua dấu lạ đầu tiên, đó là: phép lạ nước lã thành rượu ngon.
Qua việc tỏ vinh quang trong bối cảnh tiệc cưới tại Cana, Đức Giêsu muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ đầu tiên, và một cách tiệm tiến, Ngài đi từ tiệc cưới tự nhiên, tức là tiệc cưới Cana để dẫn con người đến tiệc cưới giữa Thiên Chúa với dân Người.
1. Tiệc cưới Cana
Tin Mừng hôm nay cho biết, tại làng Cana, miền Galilê có một đám cưới của đôi bạn trẻ. Trong số những khách dự tiệc hôm ấy, có sự hiện diện của Mẹ Maria, Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên. Đây thật là một hồng phúc cho gia chủ và nhất là đôi tân hôn!
Theo văn hóa, phong tục của người Dothái thì nghi lễ thường được được bắt đầu vào lúc mặt trời đã xế bóng. Khi ấy, đôi tân hôn được đưa về nhà mới, nơi họ sẽ ở và sinh sống trong tư cách là vợ chồng. Đến giờ đã định, một cuộc rước linh đình bắt đầu diễn ra. Họ được đưa đi qua các con đường dưới ánh sáng của các ngọn đuốc và có lọng che đầu.
Khi đã về đến nhà, họ ở tại nhà mới của mình và bắt đầu tiếp khách. Thời gian kéo dài khoảng một tuần lễ. Đầu họ đội vương niệm và mặc y phục của lễ cưới. Tuần lễ này có thể nói là tuần lễ vui mừng và hạnh phúc, vì đây là dịp duy nhất của đời người, họ được mọi người kính nể, trọng vọng và trân quý cách đặc biệt.
Trong bầu khí hân hoan đó, người ta không ngại gì tốn kém, và ai nấy ăn uống thoải mái, nào là chén chú chén anh, chén tạc chén thù, chén thương chén nhớ...
Như vậy, rượu dùng để đãi khách là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đám cưới hôm nay niềm vui không được trọn vẹn, vì tiệc đang dang dở thì hết rượu. Đây là điều cấm kỵ trong văn hóa của người Dothái và nỗi tủi nhục ập đến cho gia chủ cũng như đôi tân hôn.
Nhưng, nhờ sự tinh tế, nhạy bén, thấu hiểu và cảm thông của Mẹ Maria, nên Mẹ đã không nỡ để cho gia chủ phải bẽ mặt hổ ngươi, vì thế, Mẹ đã cậy nhờ Đức Giêsu để Ngài cứu nguy cho họ, qua đó, giữ thể diện cho gia chủ!
Khi được Mẹ thông báo, Đức Giêsu cũng một tâm tình như Mẹ mình, nên Ngài đã làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon.
2. Tiệc cưới của Thiên Chúa với dân Người
Qua phép lạ này, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để mạc khải cho nhân loại biết: giữa Thiên Chúa và dân Người cũng được ví như một tiệc cưới.
Hình ảnh này được ngôn sứ Isaia nhắc đến trong bài đọc I hôm nay:
Dân Israel vốn là một dân tộc được Thiên Chúa yêu thương, nhưng sự bội ước, bất trung đã làm cho họ phải chịu cảnh nô lệ nơi đất khách quê người, bị chủ nô coi thường, khinh bỉ. Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa thì lớn lao hơn cả tội lỗi của con người, nên Người đã cứu dân ra khỏi kiếp lưu đày, thoát khỏi cảnh nô lệ, để từ nay, không còn bị nghe thấy dân ngoại sỉ nhục là: “Đồ bị ruồng bỏ” và xứ sở không còn mang tiếng là “phận bạc duyên đơn”. Từ nay, dân Israel thoát ra khỏi lời nguyền khinh miệt, được trở thành một dân tự do trong tiếng vui cười hân hoan. Thiên Chúa và dân Israel được ví như: “... trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo nên ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui của chú rể, ngươi cũng là niềm vui của Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62,5). Như vậy, trong tư cách là hôn phu, Thiên Chúa hằng ân cần chăm sóc, kiêm tâm, nhẫn nại và hết mực yêu thương dân Israel như hôn thê của mình.
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu Kitô được ví như vị hôn phu của Giáo Hội (x. Ep 5,22-23). Hình ảnh này đã được sách Khải Huyền nhắc tới khi đề cập đến tiệc cưới giữa Con Chiên (Đức Kitô) với Giêrusalem trên trời (Giáo Hội) (x. Kh 21,9).
Thật vậy, Đức Kitô đã chọn Giáo Hội làm hôn thê của mình, nên Ngài đã hiến dâng trọn vẹn, ngay cả cái chết trên thập giá, để chứng tỏ tình yêu Ngài dành cho Giáo Hội.
Sự gắn bó đầy yêu thương này một lần nữa được sáng tỏ trong bài Tin Mừng hôm nay: vì yêu thương, cảm thông và liên đới, nên Đức Giêsu đã làm phép lạ nước lã hóa rượu ngon. Qua sự kiện này, một mặt Ngài bày tỏ quyền năng và vinh quang của mình cho các môn đệ thấy mà tin, mặt khác, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để loan báo một triều đại mới, triều đại của Đấng Thiên Sai, đến để ban phát ân sủng nhằm thay thế cho thời đại cũ vì nó không còn phù hợp.
Như vậy, chúng ta thấy: “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót”. Ngài là nguồn gốc của tình yêu, Ngài san sẻ tình yêu cho con người để họ yêu Ngài và yêu nhau.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy biết xây dựng mối tương quan gia đình trên nền tảng tình yêu.
Vợ chồng yêu thương nhau, cha mẹ yêu thương con cái như khuôn mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi; như hình ảnh khăng khít giữa Thiên Chúa và dân Israel, như Đức Kitô hiến mình vì Giáo Hội. Đây là tiêu chuẩn, mẫu số cho mọi người Kitô hữu noi theo.
Tuy nhiên, muốn sống được điều đó, chúng ta cần:
Trước tiên, loại bỏ lối sống ích kỷ, vụ lợi, thực dụng để thay thế vào đó bằng thứ rượu tình thương, độ lượng và hy sinh, liên đới, cảm thông và chia sẻ.
Thứ đến, mọi người luôn biết nghe và thi hành Lời Chúa như những gia nhân trong Tin Mừng hôm nay. Thiên Chúa phải là trung tâm của mọi sinh hoạt trong gia đình. Nếu không có Chúa, niềm vui của chúng ta sẽ hão huyền, phù phiếm, mau qua, chóng hết và không trọn vẹn.
Cuối cùng, mọi nỗi khó khăn, vất vả, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria, để nhờ Mẹ, chúng ta đến với Chúa là nguồn cội bình an, là đích điểm hạnh phúc, Ngài sẽ ban cho chúng ta được no đủ và hoan lạc, như xưa Ngài đã nhận lời Đức Mẹ mà cứu giúp gia chủ trong tiệc cưới tại Cana.
Lạy Chúa Giêsu, đời sống của nhiều gia đình Công Giáo hôm nay bị thiếu rượu yêu thương, liên đới và trách nhiệm. Vì thế, gia đình không còn là nơi tiếp nhận và chia sẻ tình yêu.
Xin cho các gia đình của chúng con biết chọn Chúa làm trung tâm của cuộc sống và cho mỗi người luôn được Lời Chúa hướng dẫn, ngõ hầu chúng con được bình an, niềm vui và hạnh phúc. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
=========================
Suy niệm 5
Noi gương Đức Mẹ vững tin vào Chúa
(Ga 2, 1-12)
Tin Mừng thánh Gioan thuật lại tiệc cưới tại Cana diễn ra vào “ngày thứ ba”, nghĩa là sau khi Chúa Giêsu thu nhận các môn đệ xong, cả thầy lẫn trò cùng nhau dự tiệc cưới: “Ba ngày sau, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới” (Ga 2,1-2).
Ít nhiều, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về tiệc cưới. Không phải tiệc cưới của mình, người thân gia đình, thì tiệc cưới của người khác! Nhất là của những người thân quen hay bè bạn, mà chúng ta được mời tới dự. Nên chúng ta dễ dàng hình dung ra cảnh tiệc cưới.
Nhìn vào đám cưới tại Cana trong Tin Mừng hôm nay, ngẫm về những tác động hữu ích do sự hiện diện của Chúa Giêsu và Đức Maria, Mẹ Người, trong các hoạt động đời thường của con người chúng ta. Chúa Giêsu và Đức Maria, với địa vị khác nhau, mang theo sự hiện diện của Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi. Chúa là chân, thiện, mỹ, Ngài ở đâu, thì có tình yêu, ân sủng và phép lạ ở đó. Như mặt trời chiếu tỏa ánh hào quang, trái đất được có ánh nắng sưởi ấm, vận vật cỏ cây sẽ đơm hoa kết trái. Đồng nghĩa với việc, khi chúng ta để cho Thiên Chúa đến gần chúng ta, sự tốt lành, bình an và hạnh phúc của Thiên Chúa sẽ lớn lên trong chúng ta.
Phương tiện mà Thiên Chúa chọn để hiện diện giữa loài người và tiếp xúc với loài người là Chúa Giêsu Kitô, Con Một Chúa. Công việc của Thiên Chúa ở giữa thế gian là bản tính con người của Chúa Giêsu và sự hiện diện của Đức Maria. Cô dâu và chú rể tại Cana đã không nghi ngờ gì khi mời Chúa Giêsu và Đức Maria đến dự cưới! Lời mời này có lẽ là do tình thân huyết tộc nào đó.
Chúa Giêsu đã nhận lời mời đến dự tự cưới, vì Chúa ủng hộ mối quan hệ con rất tình người và chân thành của họ. Tính trung thực và tốt lành của gia đình này đã lôi cuốn Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu đã làm cho Thiên Chúa hiện diện trong ngày cưới của họ. “Đây là phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người” (Ga 2,11). Chính tại Cana xứ Galilêa, Chúa Giêsu đã bắt đầu thực hiện các phép lạ phi thường của mình, và ở đó, Đấng Thiên Sai đã mở rộng tâm hồn các môn đệ và thông ban cho họ ơn đức tin qua sự can thiệp từ mẫu của Đức Maria, người tín hữu đầu tiên.
Và nếu Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã đi ăn cưới, và với sự hiện diện của mình, Người đã thánh hóa mối tình của đôi tân hôn bằng việc hóa nước thành rượu. Người đến đám cưới, không phải đến để ăn một bữa tiệc cho vui như bao nhiêu bữa tiệc khác. Người đến để mạc khải một sự diệu kỳ, đầy ngưỡng mộ. Người đến dự tiệc cưới, không phải để uống rượu, nhưng để trao ban cho gia nhân rượu ngon nồng. Thì sự hiện diện của Đức Maria và của các môn đệ Chúa Giêsu cũng hết sức đặc biệt. Trong tiệc cưới, Đức Maria đã hiện diện không như khách, nhưng như thành viên đóng góp vào biến cố niềm vui. Vì thế Mẹ biết rõ tình trạng thiếu rượu. Hết rượu là mất vui, là đụng chạm đến ý nghĩa của đám cưới. Vì rượu không chỉ cần cho bữa tiệc, nhưng còn tượng trưng cho niềm vui gặp gỡ. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2,3) Trước sự cố này, Đức Giêsu có vẻ không vui khi nói: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4).
Tuy vậy, Mẹ vẫn tin tưởng vào Con Mẹ. Giờ của chưa tới, nhưng Mẹ tin rằng, Người có thể “chỉnh giờ” lại. Quả thực, Chúa Giêsu đã hành động: vừa đáp lại lời cầu bầu của Đức Maria để cứu bữa tiệc, vừa mở rộng ý nghĩa của hành động này. Sáu chum nước lớn, vốn dùng để thanh tẩy theo Luật cũ và đức công chính cũ, Người đã làm cho trở nên viên mãn khi hóa nước thành rượu, tượng trưng cho ơn tha thứ, hòa giải và niềm vui, cho đức công chính của Đức Giêsu, mà Thiên Chúa trao ban nhưng không cho loài người và cho mỗi người chúng ta.
Hình ảnh nước biến thành rượu do quyền năng của Chúa Giêsu và sự can thiệp của Đức Maria rất phù hợp với con người và cuộc đời của chúng ta. Hình ảnh “đổ đầy tới miệng” diễn tả sự trọn vẹn và dư tràn. Thực vậy, trong đời ta, trên hành trình theo Chúa trong ơn gọi, có thể có niềm vui đứt đoạn ; hành trình nhạt nhẽo: xin Mẹ để ý nhìn xem, quan tâm nâng đỡ phù hộ, và xin Chúa ban niềm vui làm cho thơm ngon như rượu mới tại tiệc cưới Cana.
“Người bảo gì các anh cứ làm theo” (Ga 2,5). Đây là lời nói cuối cùng của Đức Maria, không chỉ dành cho những người phục vụ tiệc cưới, nhưng còn cho người môn đệ Chúa Giêsu, nam cũng như nữ, thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay. Hãy tin tưởng vào quyền năng trong mọi biến cố cuộc đời. Thiên Chúa có chương trình cho mỗi người chúng ta. Điều quan trọng không phải là chúng ta bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, hãy đặt hết tất cả lòng tin vào Chúa, phó thác cuộc đời chúng ta cho Ngài, như lời Đức Mẹ khuyên: “Hễ người bảo gì thì hãy làm theo” (Ga 2,5). Nước kia lên rượu thơm nồng, ngất ngây trong tiệc cưới tưng bừng. Lời Mẹ dạy dỗ mãi khắc ghi. Nguyện Mẹ dìu dắt mỗi bước đi. Thiên ý xa vời, Mẹ hỡi hãy luôn phù trì.
Thứ hai thì ngắm, Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Canna, ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=========================
Suy niệm 6
Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo (Ga 2, 1-12) Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Thường niên, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta từng bước dõi theo những ngày đầu (sứ vụ công khai) của Chúa Giêsu. Sau khi chịu phép rửa xong, Gioan Tiền Hô giới thiệu cho mọi người biết Chúa Giêsu là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian"; tiếp đến có ba môn đệ là : Anrê, Phêrô và Philipphê đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo người; thầy có trò, tất cả cùng được mời đi dự tiệc cưới, chính tại Cana phép lạ đầu tiên xảy ra, khiến nước hóa thành rượu, nhờ sự can thiệp của Rất Thánh Trinh Nữ Maria (x. Ga 2, 1-12).
Câu hỏi được đặt ra, đâu là ý nghĩa của Rượu được Chúa Giêsu biến thành từ nước? Chúa Giêsu đến dự tiệc cưới hàm chứa điều gì?
Theo Thánh Maximus, Giám mục thành Turin thì Rượu mà Đức Giêsu hóa thành từ nước, chính là Rượu mới của niềm vui đích thực. Bởi Vị Thiên Chúa theo Phúc Âm mô tả đã được mời đến dự tiệc cưới. Như thế, Con Thiên Chúa đã đi ăn cưới, và với sự hiện diện của mình, Người đã thánh hóa mối tình của đôi tân hôn bằng việc hóa nước thành Rượu. Người đã đến dự đám cưới theo luật cũ, để chọn trong dân ngoại một hiền thê tinh tuyền. Người không sinh ra từ cuộc hôn nhân của loài người như Kinh Tin Kính chúng ta đọc : "Được sinh ra mà không phải được tạo thành". Người đến đám cưới, không phải đến để ăn một bữa tiệc cho vui như bao nhiêu bữa tiệc khác. Người đến để mạc khải một sự diệu kỳ, đầy ngưỡng mộ. Người đến dự tiệc cưới, không phải để uống rượu, nhưng để trao ban cho gia nhân rượu ngon nồng. Và khi mọi thực khách đang dự tiệc, bỗng thiếu rượu, Đức Maria, Mẹ Người đã nói với Người: "Họ hết rượu rồi" (Ga 2, 3). Chúa Giêsu, dường như trả lời với vẻ không vui cho lắm: "Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu" (Ga 2, 4)... khi trả lời: "Giờ Con chưa đến" (Ga 2, 4), chắc chắn đây là lúc Người loan báo giờ vinh quang của Người nơi cuộc Thương Khó, hoặc chính máu Người là rượu đổ ra để trao ban sự sống, và ơn cứu độ cho nhiều người. Mẹ Maria xin một đặc ân hiện tại, Con Mẹ lại chuẩn bị trao ban niềm vui muôn thủa trong tương lai. Tuy nhiên, Thiên Chúa nhân lành đã không ngần ngại trao ban những điều nhỏ mọn cho con người, trong khi chờ đợi những điều lớn xảy đến.
Đức Maria, người mẹ diễm phúc, vì Mẹ là Mẹ thật của Con Thiên Chúa, nên Mẹ đã biết trước ý định của Con Mẹ, và thấy trước được điều gì sẽ xảy đến. Đó là lý do tại sao sau khi Mẹ yêu cầu Con Mẹ, kể cả khi nhận được câu trả lời : "Con với bà có can chi đâu" (Ga 2, 4); Mẹ vẫn căn dặn những gia nhân quản tiệc cưới hãy làm bất cứ điều gì Con Mẹ yêu cầu : "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo" (Ga 2, 5). Chắc chắn Mẹ biết rằng lời chỉ trích của Con Mẹ và Mẹ thấy Con Mẹ, một Vì Thiên Chúa đã không giấu được sự bất bình của thân phận làm người giận dữ nhưng chứa đựng một mầu nhiệm của lòng từ bi cao cả... Vì tiếp theo là nước trong chum bỗng nhiên bắt đầu nhận được sức thánh hóa để có thể chuyển màu sắc, lan tỏa hương vị của một thứ rượu ngon lành, và cùng một lúc thay đổi hoàn toàn bản chất của nó, nước đã hóa thành rượu. Và việc chuyển đổi nước thành một chất khác cho thấy sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa, quyền năng, bởi không ai, ngoại trừ người tạo ra từ không có gì ra nước, có thể chuyển đổi nước thành một cái gì đó khác tức là rượu.
Chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria kiên nhẫn, cậy trông, cầu nguyện và quan tâm đến người khác. Chúa Kitô đã làm phép lạ biến nước thành rượu ở Cana chính vì Đức Trinh Nữ Maria là một người rất quan tâm đến mọi người. Trong đám cưới, Mẹ phải để ý lắm mới phát hiện ra sự tế nhị trầm trọng này. Nhưng Mẹ không chỉ thấy rồi để trong lòng, mà vì tính ân cần chu đáo sẵn có nơi Mẹ, Mẹ đã trao những lo lắng của mình vào tay Chúa Giêsu, Con Mẹ, và đã hành động một cách hợp lý. Mẹ lo lắng cho nhu cầu của đôi tân hôn, quan tâm đến người khác, chứ không đóng kín vào chính mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói : Ngày nay chúng ta có thể thấy rất nhiều hoàn cảnh hết "rượu" là dấu chỉ của sự vơi cạn "hạnh phúc, tình yêu, và sự phong phú". Ngài đặt câu hỏi: "Có bao nhiêu người trẻ trong chúng ta cảm thấy không còn tìm được những điều ấy trong nhà mình? Có bao nhiêu phụ nữ buồn chán và cô đơn tự hỏi khi nào tình yêu sẽ ra đi, sẽ rời bỏ cuộc sống của mình? Có bao nhiêu người già cảm thấy bị gạt sang một bên, đứng ngoài các ngày vui của gia đình, và hằng ngày khao khát chút tình yêu?"(Trích Bài giảng 06/7/15 tại Los Samanes, Guayaquil, Ecuador).
Đức Maria giải quyết việc thiếu rượu bằng cách tin tưởng đến với Chúa Giêsu, và cầu nguyện. Mẹ dạy chúng ta phải đặt gia đình vào tay Chúa, phải cầu nguyện, phải khơi dậy niềm cậy trông để thấy rằng lo lắng của tha nhân cũng là lo lắng của ta, và lo lắng của ta cũng là lo lắng của Chúa. Cầu nguyện luôn nâng chúng ta, giúp chúng ta thoát khỏi những lo lắng của mình. Cuối cùng Đức Mẹ đã hành động. Lời Mẹ nói với các người giúp việc "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo" cũng là lời mời gọi chúng ta mở lòng mình cho Chúa Giêsu, "Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ" (Mc 10, 45).
Với đức tin sống động, tinh tuyền và kiên vững, Đức Maria chỉ cho chúng ta nguồn gốc của một trong những dấu chỉ, và thực tại của nó mà chúng ta sẽ được tham dự trong tương lai, nếu chúng ta làm tất cả những gì Chúa Giêsu, Đấng là Tình Yêu Vĩnh Cửu (biểu tượng của rượu) dạy bảo.
Tại Cana, Mẹ Maria đã hiện diện và can thiệp vào tiệc cưới. Vào giờ trên Thánh Giá ; giờ Chúa Giêsu cử hành tiệc cưới với Giáo hội ; Mẹ Maria cũng ở đó. Giờ đây Mẹ vẫn hiện diện để giúp đỡ con cái mình sống tinh thần yêu thương và phục vụ tha nhân như Mẹ.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con yêu mến Chúa Giêsu, Vị Hôn Phu của Giáo hội mãi mãi và yêu mến Giáo hội, Hiền thê của Chúa Giêsu, và thực thi bác ái với hết mọi chi thể của Chúa Kitô. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
========================= Suy niệm 7
Dấu Lạ Đầu Tiên
Is 62, 1-5; 1Cr 12, 4-11; Ga 2, 1-11
Đức Giêsu và Mẹ Người đi dự tiệc cưới tại miền Cana. Xảy ra là tiệc đang vui bỗng bị hết rượu, thiết tưởng giống như buổi tối lễ hội đang tưng bừng bỗng bị cúp điện tối sầm. Bởi tiệc cưới của người Do Thái nếu hết rượu là một sự cố buồn lớn, là rủi ro, bất hạnh cho đôi hôn nhân trong ngày cưới.
Đức Maria đi tham dự tiệc cưới không chỉ là đến để ăn tiệc, nhưng với tình yêu thương, Mẹ quan tâm, để ý cặn kẽ và nhạy bén trước khó khăn của người khác để tìm giúp tha nhân, để nhận biết tình cảnh hết rượu của nhà đám. Mẹ đem nỗi lo của họ đến với Con mình: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu chưa một lần làm phép lạ, xem ra phép lạ hôm nay chưa đúng lúc và ngoài ý muốn của Người, nên Người trả lời cách ngó lơ: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? giờ của tôi chưa đến”. (Ga 2, 4). Nghe làm vậy mà Mẹ không nản chí, vẫn chỉ dạy gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo”, nghĩa là hãy nghe và thực hành Lời Chúa. Giờ chưa đến nhưng nhờ sự can thiệp của Mẹ nên Người cho “đã đến”. Đây là bài học của lòng tin cậy, nhờ Mẹ, với Mẹ đến với Chúa và lòng tin yêu phó thác trong bàn tay Chúa yêu thương quan phòng.
Họ làm theo Lời Chúa và dấu lạ đầu tiên đã xảy ra: sáu chum nước đầy tới miệng đã hóa thành rượu ngon, niềm vui bừng sáng trong cả tiệc cưới đang buồn bã mất vui ấy.
“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana...” (Ga 2,1a). “Ngày thứ ba” là ngày mang ý nghĩa đặc biệt của Thiên Chúa: mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; ngày thứ ba Chúa sống lại, đem niềm vui ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại; ngày thứ ba Chúa thực hiện dấu lạ đầu tiên “cứu” cô dâu chú rể và toàn gia trong ngày đại lễ, khai mở cho mọi phép lạ trong cuộc đời công khai của Chúa.
“Cana” tiếng Do Thái nghĩa là “tổ ấm”. Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời nhập thể nơi một tổ ấm tại Bêlem, tại Nazaret và bước vào đời công khai, dấu lạ đầu tiên hôm nay được thực hiện tại tổ ấm Cana. Nơi đâu có Chúa và Mẹ, nơi đó trở thành tổ ấm tràn đầy niềm vui yêu thương. Hình ảnh nước lã hóa thành rượu ngon còn tượng trưng sau này rượu nho sẽ hóa thành Máu Thánh Chúa.
Thiên Chúa là tình yêu. Ở đâu có Chúa, niềm vui hạnh phúc ngập tràn như hôn lễ tiệc cưới. Khi sống mối tương quan đậm đà mật thiết trong Chúa, chúng con sẽ có niềm vui hạnh phúc đầy tràn, như ngôn sứ Isaia mô tả trong bài đọc I: “Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng sứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 62,4b-5).
Lạy Chúa! xin cho mỗi chúng con và các gia đình trẻ luôn vững lòng tin, cậy, kính mến, mở rộng tâm lòng để cùng Mẹ, nhờ Mẹ đón Chúa vào cuộc đời và ở với gia đình chúng con. Ước chi mỗi gia đình chúng con đều trở thành một tổ ấm yêu thương, tràn đầy hạnh phúc, vì khi có Chúa mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Amen.
Én Nhỏ