Suy niệm 1
Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh ------------------ Ngày nay chúng ta thường gọi Phúc Âm là Tin Mừng. Nhưng có người đặt vấn đề: đó là tin mừng hay là tin buồn? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể nêu ra đây 2 trường hợp:
- Nhiều bạn trẻ có đạo chẳng hề có một quyển Tin Mừng hoặc có nhưng không bao giờ đọc. Ngược lại, họ đọc điện thoại một cách tối đa, thậm chí đến cửa nhà thờ rồi mà vẫn còn điện thoại.
- Hoặc thử hỏi một số người đi lễ ngày chủ nhật. Họ vẫn đi lễ để chu toàn bổn phận không mắc tội bỏ lễ ngày chủ nhật. Họ vẫn được nghe và dạy rằng Phúc âm là Tin mừng, nhưng khi ra về liệu họ có nắm được gì về chủ đề bài giảng hôm đó? Họ ra về với cảm giác chẳng có gì mới và tốt cả!
Chúng ta thử so sánh 2 trường hợp trên với trường hợp của Theophile mà thánh Luca nói đến trong bài tin mừng hôm nay: “Thưa ngài Theophile, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho Ngài bài tường thuật sau đây”.
Nếu Theophile là người tò mò muốn xác nhận những gì mà người ta đã nói với mình về Chúa Giêsu; và nếu những lời của Luca viết ra chỉ để trả lời cho Theophile đang gặp rắc rối, thì có lẽ chúng ta không có chuyện Tin mừng mà Luca đã nuôi sống và thay đổi cuộc đời nhiều kito hữu qua các thế hệ. Bài Tin mừng này được rất nhiều người đón nhận và thích đọc.
Hơn nữa, về phần Chúa Giêsu: vì muốn hoạt động nên Chúa đọc chứ không phải là viết, như Luca. Những lời của tiên tri Isaia đã nói, Chúa Giêsu biết rất rõ. Văn bản của Isaia từ nhiều thế kỷ trước vẫn không trở về với quá khứ. nhưng vẫn hoàn toàn là mới đối với Ngài. Chúa Giêsu phát hiện ra tính thời sự ở trong đó: “Hôm nay lời Kinh Thánh được ứng nghiệm”.
Đúng thế, khi trở lại hội đường Nazareth quê hương, Chúa Giêsu phải đi qua nhiều nơi. Tại những nơi đó, Ngài thấy các bệnh nhân, người mù lòa và phát hiện ra họ đang chờ đợi Ngài; hẳn Ngài cũng đã nghe về Gioan Tẩy giả phải giam trong tù; Ngài cũng đã chứng kiến cảnh áp bức người nghèo khổ nhất bởi hệ thống đánh thuế của đế quốc Roma: chính Ngài cũng rất buồn vì họ mất kiên nhẫn để được giải phóng. Những khát vọng xuyên suốt cuộc đời nhiều người thời đại Ngài rất đúng với những lời Kinh Thánh của tiên tri Isaia Ngài đọc hôm nay. Ngài ý thức được điều đó.
Tin mừng hôm nay cũng rất phù hợp với thời đại chúng ta đang sống có rất nhiều người khát vọng. Họ mong Tin Mừng được nói ra, họ thích nghe chúng ta nói cho họ, họ thích những con tim Tin Mừng có thể trả lời cho họ. Tin mừng-Kinh thánh sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không mở mắt ra nhìn thực tại, hướng về người khác với một cái nhìn mới mẻ và đầy nhân ái. Chúa Giêsu, khi đọc bài của Isaia đã thức tỉnh ánh mắt của người đồng hương: “mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Ngài”.
Tại sao xã hội chúng ta hôm nay có nhiều bạn trẻ xem ra thiếu giáo dục hoặc các nhà giáo dục thiếu gương mẫu? Có thể cái nhìn của con người thời nay thiếu tình thương chăng? Chúng ta bỏ rơi họ sao? Chúng ta không thể thương xót họ và không muốn dung nạp họ sao? Kinh thánh được hoàn thành, Tin mừng được thực hiện khi mà niềm hy vọng có thể lóe sáng trong đời sống của những người bị bỏ rơi, khi mà một thế giới mới mở ra trước mắt họ. Tin mừng sẽ được ứng nghiệm khi mà những người thấp cổ bé họng không bị đàn áp...
Tại sao trong Giáo hội chúng ta, nhiều tín hữu rất ít thấm nhuần lời của Tin Mừng?
- Hay là tin mừng đã già cỗi rồi?
- Hoặc là do lỗi của những người rao giảng?
- Hay là đức tin của chúng ta chỉ chú trọng vào những lo lắng cá nhân con người của mình?
“Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh” sẽ rất có ý nghĩa nếu mỗi lần đọc Tin mừng, chúng ta nhận ra cuộc sống đích thực của chúng ta là gì. Cuộc sống là nơi có nhiều khát vọng của con tim hướng về nhau. Cuộc sống là nơi mắt và trái tim chúng ta biết nhận ra tất cả các lời mời gọi gửi đến chúng ta. Đó là cách tốt nhất để chúng ta nhận ra Thiên Chúa chính là kho báu mà chúng ta tìm được trên chặng đường chúng ta đi.
“Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh”,
- Khi chúng ta sốt sắng tham dự thánh lễ và chia sẻ Tin mừng cho nhau
- Khi chúng ta biết quan tam đến người nghèo, người già cả cô đơn và bệnh tật
- Khi mà chúng ta không gây nên đau khổ cho người khác
- Khi mà chúng ta biết tha thứ cho nhau...
- Khi bước chân làm cho môi miệng chúng ta có thể hét lên trong sự thật.
Những lúc như thế, khắp nơi nơi cuộc sống sẽ mới đẹp. Đó là chặng đường của Thiên Chúa đi qua. Đó cũng là “Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh”.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
========================
Suy niệm 2
Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu
Lc 4, 14-21
Sau khi nghe bài giảng về Thiên Chúa là Cha nhân lành, là Đấng đầy lòng thương xót, một tín hữu không đồng tình với vị giảng thuyết. Đầu óc ông quay cuồng bởi những câu hỏi như:
Làm sao người ta có thể tin Thiên Chúa là Đấng nhân lành khi Chúa nhắm mắt làm ngơ trước biết bao nhiêu người đau khổ, tuyệt vọng mà không ban cho họ chút ủi an hay một niềm hy vọng?
Làm sao người ta tin được Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót khi có biết bao người phải chịu cảnh giam cầm trong ngục tù, trong sự trói buộc của các đam mê mà không được giải thoát?
Thật khó tin có Thiên Chúa là Đấng tốt lành khi Ngài để cho những người mù, nhất là mù tối trong tâm hồn, không được nhìn thấy ánh sáng chân lý.
Và bao nhiêu người bị áp bức, bị gông cùm, tại sao không được Thiên Chúa ra tay giải thoát?
Đêm hôm ấy, trằn trọc không ngủ được vì những câu hỏi như thế lởn vởn trong đầu, ông ta chợt nhận ra câu đáp của Thiên Chúa từ trong vắng lặng của màn đêm:
- Con tưởng là Ta không ra tay giải thoát ư? Ta đã ra tay rồi đó, sao con còn trách Ta?
- Chúa ra tay lúc nào đâu? Chúa đã làm gì để cứu vớt những người tuyệt vọng, những người bị giam cầm, những người mù tối, những người bị áp bức?
- Ta đã dựng nên con và đặt con hiện diện giữa lòng đời để con thay Ta mà hành động. Thế sao còn trách Ta?
Có một điều quan trọng nhưng thường bị lãng quên, đó là chúng ta là những cánh tay, là những bàn tay của Thiên Chúa và Thiên Chúa thực hiện công việc của Ngài qua chúng ta.
Thiên Chúa có làm gia tăng số người trên mặt đất thì Ngài cũng thực hiện việc đó qua trung gian một người cha và một người mẹ trong gia đình.
Thiên Chúa muốn nuôi dạy cho thế hệ trẻ nên tốt thì Ngài cũng thực hiện điều đó qua cha mẹ thầy cô.
Xưa kia Thiên Chúa Cha đã sai Chúa Giê-su đem Tin mừng cho người nghèo, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, đem ánh sáng cho người mù tối, trả tự do cho người bị áp bức… thế nào, thì hôm nay, Chúa Giê-su cũng sai chúng ta nối gót Ngài thực hiện những công việc đó. Chúa Giê-su vẫn đêm ngày nhắc nhở chúng ta: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Gioan 20, 21).
Thế là chúng ta phải lựa chọn: Hoặc là chấp nhận ở lại trong Nhiệm thể Chúa Giê-su, trở thành cánh tay nối dài của Chúa Giê-su để tiếp tục sứ mạng của Ngài nơi chúng ta, hoặc là chúng ta tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa Giê-su để khỏi bị Ngài sử dụng như một phần thân thể của Ngài để phục vụ tha nhân. Nhưng phải nhớ rằng, nếu tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa, số phận chúng ta chẳng khác gì số phận của cành lìa cây.
Mong sao mỗi người chúng ta hãy tiếp tục làm chi thể của Chúa, làm khí cụ cứu rỗi của Ngài và hãy để Chúa sử dụng chúng ta như khí cụ xây dựng hoà bình, yêu thương của Chúa.
Lời ngôn sứ Isaia tiên báo về Chúa Giê-su hôm xưa cũng là lời nhắn gửi đến mỗi người chúng ta: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức" (Lc 4, 18-19).
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con là những chi thể của Chúa, luôn kết hợp mật thiết với Chúa để thực hiện từng câu từng chữ lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo về Chúa hôm xưa, để mai đây, chúng con có thể nói với mọi người như Chúa tại hội đường Na-da-rét: "Hôm nay, đã ứng nghiệm nơi tôi đoạn sách mà quý vị vừa nghe."
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
========================
Suy niệm 3
Loan báo Tin Mừng
Sau một thời gian ngược xuôi giảng dạy ở nhiều nơi, Chúa Giêsu trở về quê hương Nadarét yêu dấu thăm viếng. Vào ngày Sabát, Ngài đến hội đường, người ta mời Ngài đọc sách thánh và giảng dạy. Thời đó, tại Israel có hai nơi dành cho việc phụng tự là Đền thờ và Hội đường. Chỉ có một Đền thờ tại Giêrusalem. Hội đường rất nhiều, hầu như mỗi làng đều có một cái. Đền thờ là nơi dân Do thái dâng hy lễ cho Thiên Chúa, như chiên, cừu, bồ câu… Còn Hội đường là nơi dành cho việc giảng huấn, nơi dân chúng lắng nghe Lời Chúa và cố gắng áp dụng lời ấy vào cuộc sống của họ.
Ngày Sabát, người ta thường đọc sách Luật, các sách Ngôn sứ rồi tiếp theo là một bài giảng giải. Người Do thái trưởng thành nào cũng có quyền được lên tiếng ở đó, nhưng thường những người coi sóc hội đường hay giao cho ai thông thạo Kinh Thánh làm việc này. Hôm nay cũng vậy, người ta đưa cho Chúa Giêsu cuốn Sách Thánh. Mở sách ra, Ngài gặp ngay đoạn ngôn sứ Isaia nói về Đấng Cứu Thế sẽ đến và những việc Ngài sẽ làm.
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó.Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,19-19). Chúa Giêsu xác nhận lời tiên báo được thực hiện nơi chính bản thân Ngài: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
Nội dung của sứ điệp ngôn sứ được ứng nghiệm nói lên công việc Chúa Giêsu sẽ thi hành. Công việc gồm hai điểm chính là loan báo Tin Mừng và đi công bố những gì Thiên Chúa muốn thực hiện cho nhân loại.
1. Loan báo Tin Mừng
Tin Mừng được loan báo là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Chúa Giêsu nói rõ đối tượng ưu tiên của việc rao giảng Tin Mừng là đến với những người nghèo khó: “Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó”. Mọi người đều là những người nghèo : kẻ thì nghèo vật chất, người thì nghèo tinh thần. Như vậy Tin Mừng của Chúa được loan báo cho tất cả mọi người.Giáo Hội luôn phục vụ những người nghèo.Sống nghèo, tận tụy phục vụ người nghèo, đó là những nét nổi bật của Giáo Hội. Sứ vụ ấy làm nên tinh thần khó nghèo của Tám Mối Phúc.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Khi tôi được bầu, tôi đã có bên cạnh người bạn của tôi là Đức Hồng y Hummes. Bởi vì chúng tôi ngồi cạnh nhau. Chính ngài đã nói với tôi một câu khiến tôi hạnh phúc: ‘Đừng quên người nghèo’. Thật là đẹp”. (x.Bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Đài truyền hình Braxin Globo sau kết thúc ngày Giới Trẻ tại Rio de Janeiro). Thực sự, “Đừng quên người nghèo” là một lời khuyên đơn sơ. Nhưng là một lời khuyên rất đạo đức, rất Phúc Âm, rất thời sự. Lời khuyên đó trong giây phút lịch sử trọng đại bầu Giáo hoàng đã và đang đánh thức lương tâm rất nhiều người. “Đừng quên người nghèo” cũng được coi là lời khuyên, chính Chúa gởi tới mọi người có trách nhiệm lo cho nhân loại hiện nay.Đức Giêsu, không những đã không quên người nghèo mà còn rất thương họ. Người thương người nghèo, trước hết bằng cách mặc lấy thân phận người nghèo. Thánh Phaolô viết:“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem trong hang đá với những hoàn cảnh cực nghèo. Người sống 30 năm ở Nadarét, như một người thợ mộc, thuộc gia đình nghèo. Quê Người thuộc vùng dân nghèo. Người đi giảng trên đất những người nghèo.Những nơi mà Chúa Giêsu sinh sống và hoạt động đều không thuộc về trung tâm của Đời và Đạo. Những người mà Chúa Giêsu năng lui tới hầu hết thuộc loại bên lề xã hội và tôn giáo, như những người tàn tật, bệnh hoạn, nghèo túng, tội lỗi.
Thuộc về trung tâm tôn giáo hồi đó là các thượng tế, các luật sĩ, và các thầy Lêvi. Họ có nhiều chức, nhiều quyền, nhiều lợi. Còn Chúa Giêsu thì thuộc loại bên lề. Đặc biệt là lúc sinh ra và lúc chết.Sỡ dĩ Chúa Giêsu chọn ở bên lề như vậy, là để những người ở bên lề vốn bị khinh chê và bị loại trừ, thấy được là họ được Chúa yêu thương, được Chúa chia sẻ, được Chúa lo giải cứu.Chúa Giêsu giải cứu họ bằng sự lo chữa bệnh tật cho họ, trừ quỷ cho họ, cho họ có của ăn khi cần, bênh quyền lợi của họ, loan báo Tin Mừng cho họ, nhất là bằng việc Người hy sinh mạng sống mình. Người chết, nhưng đã sống lại, để rồi mọi kẻ tin theo Người, cho dù bị Đời và Đạo lúc đó loại trừ, cũng sẽ được sống lại hiển vinh như chính Người. Theo cung cách đó, Tin Mừng cho người nghèo và người tội lỗi chính là điều Chúa mạc khải và đã thực hiện như được kể trong Phúc Âm.Những gì xưa Chúa Giêsu đã làm cho người nghèo, vẫn được các môn đệ Chúa trong mọi thời mọi nơi tiếp tục thực hiện.
Thế nào là đừng quên người nghèo?. Theo các bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô, khi còn là Hồng y, và khi đã làm Giáo hoàng, xin tóm lược ý của Ngài về đừng quên người nghèo.
Đừng quên người nghèo là cố gắng cứu giúp người nghèo một cách cụ thể tế nhị và quảng đại, tùy khả năng. Đừng quên người nghèo là hãy có một thái độ gần gũi với họ. Họ là những trẻ em nghèo, những người già yếu, bệnh tật, những người lỡ lầm, những người bị xã hội loại trừ. Đừng quên người nghèo là hãy có một đời sống giản dị, không xa cách người nghèo. Không cấm có những tiện nghi cần thiết, nhưng đừng sang trọng xa hoa. Đừng quên người nghèo là hãy đơn sơ trong việc giảng dạy, để người nghèo dễ hiểu. Đừng quên người nghèo là hãy lắng nghe những người yếu đuối nhất. Đừng quên người nghèo là hãy tìm hiểu hoàn cảnh nhiều người bỏ đạo, lấy tình thương mà giúp họ trở về. Đừng quên người nghèo là hãy biết ân cần đón nhận bất cứ dấu chỉ thiện chí nào của những người tội lỗi, nghèo túng, để nhờ đó mà có những bắt đầu dọn đường cho tình yêu thương xót Chúa, giúp họ làm lại cuộc đời. Đừng quên người nghèo là hãy khiêm tốn học nơi nhiều người nghèo những đức tính tốt. Đừng quên người nghèo là phải có tấm lòng yêu thương nồng nàn chân thật và kiên trì đối với người nghèo theo gương Chúa Giêsu.Thiết tưởng có một trái tim đầy lửa tình yêu thương xót chính là mấu chốt của “đừng quên người nghèo”. Để yêu thương, Đức Phanxicô nhắc đến thánh giá và sự từ bỏ mình. Ngài nhận đó là điều khó chịu, nhưng không phải là vô bổ trong tình yêu thương xót đối với người nghèo khổ.“Đừng quên người nghèo” đang được khơi động sâu rộng trong Hội Thánh do Đức Phanxicô. Đây là một lựa chọn vừa thần học và cũng vừa tiên tri. Có thể tính cách tiên tri vượt nổi hơn.Đạo nơi nào không quên người nghèo sẽ tồn tại và phát triển. Đạo nơi nào quên người nghèo sẽ tự biến chất và tự hủy. Đó là một lời tiên tri không nên coi thường. (x. Đừng quên người nghèo, ĐGM Bùi Tuần).
Đại Hội Đồng các Giám Mục Mỹ Châu La Tinh đã tuyên bố tại Puebca năm 1979 rằng: “Việc phục vụ con người tốt đẹp nhất là loan báo Tin Mừng. Công việc đó giúp con người phát triển như con cái Thiên Chúa, giải thoát con người khỏi những bất công và thúc đẩy công trình phát triển toàn diện con người”.
2. Đi công bố
Sau khi công bố "Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo", Chúa Giêsu đã đưa thêm một số thí dụ để giải thích thế nào là loan báo Tin Mừng cho người nghèo :
- Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha.
- Cho người mù biết họ được sáng mắt.
- Trả tự do cho người bị áp bức.
- Công bố một năm hồng ân của Chúa.
Như vậy, "người nghèo" là những kẻ đang ở trong tình cảnh khổ sở, thiếu thốn như bị giam cầm, bị mù, bị áp bức…và đang mong thoát khỏi cảnh ấy. Đối với những người như thế, lời công bố của Chúa Giêsu mới thực sự là Tin Mừng. Còn những ai không khổ sở thiếu thốn thì lời Chúa Giêsu như nói với ai đó chứ chẳng liên can gì tới họ, cho nên chẳng phải là Tin Mừng gì cả. Bởi vậy Chúa Giêsu cũng chẳng cần loan báo cho họ. Nhưng xét cho cùng, ai mà không khổ sở thiếu thốn ? Ai mà không "bị giam cầm" trong một thứ tù ngục nào đó ? Ai mà không "mù" một cách nào đó ? Ai mà không "bị áp bức" bởi một thế lực gian tà nào đó ? Thành thử Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên Tin Mừng ấy chỉ có hiệu quả đối với những ai ý thức mình là người nghèo. (x. Sợi chỉ đỏ, CN 3 thường niên C).
Sứ điệp công bố là những gì Thiên Chúa muốn làm cho nhân loại khốn cùng. Chúa Giêsu đã công bố bằng lời nói và bằng việc làm. Chính nơi Chúa Giêsu, người tội lỗi nhận được ơn tha thứ, người đau khổ gặp được nguồn an ủi, người chán nản gặp được niềm vui và người thất vọng tìm lại niềm hy vọng. Biết bao người tội lỗi đã “bị giam cầm” nay được thứ tha. Ánh sáng là một báu vật cho những người đang chìm trong tăm tối. Người mù thể lý được Chúa mở mắt. Người mù thiêng liêng được mở mắt đức tin để nhìn thấy và tin vào Chúa. Tự do là quà tặng quí giá nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Những người bị áp bức, bị vùi dập, bị đè nén, những thống khổ nay được giải thoát. Những lo lắng, bệnh tật, bất công... làm cho con người trở nên nô lệ, mất đi phẩm giá, nay được Chúa chữa lành bệnh tật, bênh vực kẻ yếu, duy trì công bình xã hội và phục hồi phẩm giá cho họ. Đó là hồng ân Chúa Giêsu công bố và thực hiện. Đây là sứ mạng giải thoát con người hoàn toàn khỏi mọi cảnh bất công xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa hay tôn giáo. Trong Nước Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng trước nhan Thiên Chúa. Hình ảnh lý tưởng ấy đang hiện diện một cách huyền nhiệm trong Giáo Hội (x. Lumen Gentium, 3).
3. Giáo Hội tiếp nối sứ vụ.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Sức thuyết phục của Chúa Giêsu chỉ có thể giải thích được là tất cả lời giảng, dụ ngôn và suy luận của Người không bao giờ tách khỏi đời sống của Người. Theo nghĩa đó, tất cả cuộc đời của Người là một bài giảng liên tục…” (Catechesi tradendae số 9). Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Ngài. Giáo Hội luôn ý thức về sứ mạng của mình trong thế giới. Giáo Hội nối dài hoạt động của Chúa Giêsu. Qua dọc dài lịch sử, Giáo Hội luôn nỗ lực thực hiện sứ mạng đem Tin Mừng cho người nghèo hèn. Giáo Hội đã thiết lập các bệnh viện, các trường học, các cô nhi viện, các trại cùi, nhà dưỡng lão…Những công việc từ thiện, bác ái, xã hội, văn hóa, Giáo Hội đã làm và đang tiếp tục làm:“Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập khó nghèo và đau khổ, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ”(Lumen Gentium, 8).
Thời đại hôm nay, sứ mạng của Giáo Hội còn quan trọng và thiết thực hơn nữa, liên quan đến tự do, công lý, nhân quyền, phát triển và hòa bình.Những hoạt động bác ái và y tế xã hội chỉ xoa dịu phần nào nỗi đau khổ của những người nghèo hèn. Còn những người bị giam cầm trong các trại tù cải tạo, những người bị áp bức đến mất tự do ngoài xã hội và những người dân đang bị hạn chế tự do, đói khát nhân quyền. Giáo Hội quan tâm nhiều đến họ và trợ giúp cho họ. Phương tiện của Giáo Hội luôn là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Tin Mừng là “sự thật giải thoát” (Ga 8,32). Trong Tông huấn “Niềm Vui Tin mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các Kitô hữu cùng với ngài đem Tin Mừng cứu độ đến cho thế giới: “Sứ mạng của Hội Thánh là đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Đức Kitô” (số 49). Giáo hội thực thi sứ vụ ấy không phải bằng uy quyền sức mạnh của trần gian, nhưng bằng ân sủng của Tin Mừng.
Mỗi Kitô hữu tiếp nối công việc của Chúa Giêsu bằng cách chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ người đau khổ thể xác và tinh thần, tẩy trừ sợ hãi, giải thoát người bị áp bức, xoa dịu các oán hờn, an ủi kẻ cô đơn, biểu lộ sự hiện diện tích cực của Chúa bằng những hoạt động bác ái của mình. Trung thành thực thi sứ vụ của người môn đệ Chúa Kitô, chúng ta góp phần làm cho lời tiên tri Isaia cũng được ứng nghiệm,năm hồng ân của Chúa được công bố và Nước Thiên Chúa hiện diện giữa lòng cuộc sống hôm nay.Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Chúa luôn luôn ở bên trong sứ vụ tình yêu của chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
========================
Suy niệm 4
LỰA CHỌN ƯU TIÊN VÌ SỨ VỤ
(Nhm 8,2-6.8-10; 1Cr 12,12-30; Lc 1,11-4 ; 4,14-21)
Vào năm 1969, Dòng Chúa Cứu Thế có chương trình truyền giáo tại Miền Thượng của các tỉnh Cao Nguyên - Việt Nam.
Vì thế, một số linh mục đã khởi hành từ Sài Gòn, các ngài tiến về Tòa Giám Mục Kontum theo đường quốc lộ 14. Khi đến nơi, các cha chào thăm đức giám mục Paul Léon Seitz Kim và bày tỏ ước nguyện muốn dấn thân cho vùng truyền giáo nơi đây. Đức giám mục vui mừng đón nhận tâm nguyện cao quý của các cha. Sau khi trò chuyện thân tình, ngài dẫn các thừa sai đi trên một chiếc xe tới vùng truyền giáo. Đến nơi, đức cha đọc đoạn Tin Mừng theo thánh Luca 10, 1-11 nói về việc Đức Giêsu sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Đọc xong, ngài làm dấu 4 hướng và chỉ cho các cha thấy vùng đất rộng lớn, mênh mông, bao la và chính thức sai các ngài đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho anh em dân tộc nơi đây (x. Thường huấn các bề trên liên Dòng mến Thánh Giá 2015).
Sau gần 20 năm, Chúa đã ân thưởng bằng việc ban cho các ngài một mùa lúa bội thu với cả ngàn người xin theo đạo.
Nhờ đời sống gương sáng, nhất là lòng thương yêu người nghèo, giúp đỡ người cô thế cô thân, bênh cực người bị áp bức... nên những anh chị em dân tộc nơi núi rừng Tây Nguyên này đã nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu và tin theo.
1. Sứ mạng của Đức Giêsu
Hôm nay, thánh sử Luca trình thuật cho chúng ta biết: nhân dịp thuận tiện, Đức Giêsu trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình để thăm quê hương. Vì là Con Thiên Chúa, nên Đức Giêsu rất yêu mến, quý trọng Hội Đường là nơi tôn thờ Cha của mình. Bởi vậy, Ngài thường xuất hiện nơi đây vào những ngày Sabát để tham dự giờ Kinh Thánh. Tuy nhiên, lần này, Đức Giêsu trở về quê hương, Ngài vào Hội Đường trong tư cách là Đấng Mêsia và chính thức công bố chương trình hoạt động, những lựa chọn ưu tiên cũng như đối tượng mà Ngài nhắm đến trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Tất cả những gì Đức Giêsu đọc thấy trong Sách Thánh hôm nay thì đã được tiên tri Isaia loan báo trong thời Cựu Ước, vì thế: “Hôm nay ứng nghiệm nơi Ngài”.
Ứng nghiệm, bởi vì: Đức Giêsu được chính Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong, trở thành Đấng Kitô của Thiên Chúa. Ngài là vị lãnh đạo tôn giáo, đến để giải thoát con người cách toàn diện cả tâm linh lẫn thể xác, cá nhân đến xã hội, bao hàm cả ba lãnh vực chính yếu của Kitô giáo, đó là: chân lý, công lý và tình thương (x. Mt 23,23).
Về tâm linh, Đức Giêsu đến để giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, đem lại cho nhân loại sự tự do trong ân sủng. Vì thế, thánh Phaolô viết: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1; x. Rm 6,18; Cl 1,13).
Về mặt thể xác, Đức Giêsu đứng về phía người nghèo để yêu thương, nâng đỡ và bảo vệ khỏi bị tấn công bởi sự bất nhân, ích kỷ của con người và loan báo cho họ biết gia tài, kho báu, niềm vui và hạnh phúc đích thực của họ ở nơi Thiên Chúa.
Về mặt xã hội, Ngài đến để thiết lập triều đại mới, triều đại của ân sủng và tình thương, của công lý và sự thật, đồng thời mời gọi mọi người hãy sáp nhập vào nước đó để được tự do và được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
2. Sứ mạng của Giáo Hội
Sứ mạng ấy không chỉ dừng lại nơi Đức Giêsu, mà: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian”(Ga 17,18); và: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).
Thật vậy, “Truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi xứng hợp, và là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” ( Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 14). Vì thế: “Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo trong tương lai, bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội” (Gioan Phao lô II, Thông điệp Tertio Millennio Adveniente, năm 1994, số 57). Đây là nguồn gốc, căn nguyên và sứ mạng chính yếu của Giáo Hội. Giáo Hội không thể đứng nhìn và an tâm bởi những gì đã đạt được, nhưng Giáo Hội luôn luôn mang trong mình mọi thành phần, để cũng cùng một sứ vụ như Đức Giêsu, đó là: giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, đem lại cho nhân loại một nền hòa bình trong công lý và tình thương, xây dựng một xã hội mang đậm dấu ấn yêu thương, bác ái.
Bao lâu còn người nghèo, bấy lâu sứ mạng còn cấp bách; bao lâu còn gian dối lọc lừa, Giáo Hội có trách nhiệm lên tiếng và thanh tẩy để nó trong sáng hơn; bao lâu con người còn thất vọng, Giáo Hội sẽ loan báo và trả lời những chất vấn về niềm hy vọng của nhân loại hôm nay (x. 1 Pr 3, 15).
Nếu Giáo Hội không lựa chọn người nghèo, không tiến ra chỗ nước sâu mà thả lưới, không vượt ra khỏi vỏ bọc an thân để đi đến những vùng ngoại vi, thì Giáo Hội vẫn chỉ trơ trơ như một cái máy, hay như con rô bốt không hồn!
Nếu Giáo Hội không lựa chọn ưu tiên vì sứ vụ như Đức Giêsu, thì một lúc nào đó, nhân loại sẽ không cần đến Giáo Hội vì Giáo Hội chỉ là một thể chế công chức xã hội thuần túy. Và, lẽ đương nhiên, nhân loại không còn tin tưởng Giáo Hội nữa, vì đã thất trung, bội ước với Đấng sáng lập nên mình!
Thật vậy, Giáo Hội sẽ mất đi bản chất nếu không rập đời sống và hoạt động của mình theo khuôn mẫu của Thầy Giêsu. Bởi lẽ: “Nếu Giáo Hội chỉ đi với kẻ có quyền, người ta sợ; chỉ đi với người giàu có, người ta khinh bỉ; nhưng đi với người nghèo thì được cả hai đối tượng trên và được tất cả mọi sự”.
3. Sứ mạng của chúng ta
Từ sứ mạng của Đức Giêsu, rồi đến sứ mạng của Giáo Hội và tới sứ mạng của mỗi chúng ta như một mạch liền lạc không thể tách rời. Tuy nhiên, điều chúng ta đặt ra, đó là: làm tông đồ bằng cách thế nào? Đức Phaolô VI đã vạch ra cho chúng ta một tiêu chuẩn để làm chứng cho Chúa, đó là: “Người thời nay thích nghe những chứng nhân hơn thầy dạy, bởi vì thầy dạy cũng là chứng nhân”. Đúng thế, lời dạy dỗ không hấp dẫn và thuyết phục bằng chứng tá vì người ta thường nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.
Lời nhắn nhủ của đức giám mục trong thánh lễ phong chức linh mục muốn nhắc cho các mục tử về vai trò chứng tá. Tuy nhiên, lời nhắn gửi này có thể hiểu rộng cho mỗi người Kitô hữu, vì theo nghĩa phổ quát, mỗi chúng ta đều là mục tử vì được tham dự vào chức Tư Tế của Đức Giêsu ngày lãnh Bí tích Rửa Tội. Ngài khuyên: các con “hãy tin vào điều con đọc. Hãy giảng điều con tin. Và hãy thực hành điều con giảng dạy”.
Mong sao lời đó sẽ được mỗi người suy đi và nghĩ lại trong lòng, để trở nên chứng tá của tình yêu Thiên Chúa trong lòng xã hội hôm nay!
Được như thế, Thiên Đàng không chỉ tại Thiên mà đã ở giữa nhân loại ngay trong giây phút hiện tại.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con ý thức được sứ mạng của mình, đồng thời, biết noi gương Chúa để loan báo Tin Mừng cho con người cách toàn diện, ngõ hầu nhân loại này được an vui, hạnh phúc và bình an khi sđược sống trong tình yêu, công lý và sự thật. Amen.
Tu sĩ: Giuse - Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
========================
Suy niệm 5
Ngài Xức Dầu Cho Tôi, Sai Tôi Đi…
(Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Tiếp tục sứ vụ công khai của mình là đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành những người ốm đau bệnh tật, xua trừ ma quỉ, kêu gọi người ta hoán cải, hoàn tất lời các tiên tri đã loan báo: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4, 21).
Sau khi tỏ mình ra dần dần bằng các phép lạ tại Cana (x. Ga 2,1-12), Galilêa và Giêrusalem (Ga 2, 23). Chúa chọn thêm một số môn đệ, rồi cùng với các ông trở về Capharnaum, Người bắt đầu giảng dạy tại đây. Ngày Sabát đầu tiên Chúa vào hội đường Nagiarét đọc sách và giảng dạy ở đó, khiến mọi người chăm chú lắng nghe và không ngớt lời ca tụng (Lc 1, 1-4).
Được Chúa Cha xức Dầu và sai đi…
Lời của ngôn sứ Isaia được Chúa Giêsu công bố trong hội đường áp dụng vào chính bản thân mình:"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hôn sám hối... trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng" (Lc 4, 14-18). Như thế, Chúa Giêsu loan báo thời lưu đày của dân Israel tại Babylon sẽ chấm dứt, khởi đầu một thời kỳ hoàn toàn mới, thời Đấng Cứu Thế xuất hiện, thời Đấng Messia là chính Người.
Nghe có vẻ đơn sơ, nhưng thật trang trọng, những lời tiên tri ấy áp dụng vào Chúa Giêsu một cách rất tự nhiên: "Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4, 21). Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha, được Chúa Cha xức Dầu và sai xuống trần gian để thể hiện lòng xót thương qua việc giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và đưa con người trở về với Chúa Cha. Sứ vụ của Chúa Giêsu nhằm mang hạnh phúc, niềm vui, sự sống và tình yêu của Thiên Chúa đến cho loài người. Sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ thần linh, thần linh hoá nhân loại, cho nhân loại được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, được trở nên con cái của Thiên Chúa trong Thần Khí. Người không được sai đến với những ai tự phụ, tự mãn, cho rằng mình đã đầy đủ, nhưng là đến với những người thấy mình là phận nhỏ, thiếu thốn trăm bề, cả hồn lẫn xác. Cuộc lưu đày ở Babylon, rồi được trả tự do, cho hồi hương của Dân Chúa là một dấu chỉ, một hình ảnh tượng trưng nói lên ý định lớn lao của Thiên Chúa là cứu độ và giải thoát con người khỏi ách tù đày nô lệ tội lỗi và sự chết.
Như thế, khi áp dụng những lời sấm của tiên tri Isaia vào bản thân mình, Chúa Giêsu tự mô tả về con người và sứ mạng của mình, bằng những từ ngữ đơn sơ nhưng rất uy nghi, đến nỗi dân chúng nín thở, hồi hộp, lắng nghe. Thánh Luca nói: "Mọi người trong Hội đường đều chăm chú nhìn Người"(Lc 4, 20). Cung cách dạy dỗ của người hoàn toàn khác với các thầy dạy luật mà họ đã quen bấy lâu nay. Đúng là một Tin mừng làm nức lòng họ, đem đến cả một bầu trời hy vọng và tự do.
Giáo hội được Chúa sai đi
Nếu như Chúa Giêsu được Chúa Cha xức Dầu hoan Thánh Thần, sai đi vào dòng đời để cứu vớt những kẻ cơ hàn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao con người, khai mở năm hồng ân để thi ân giáng phúc cho nhân loại, thì đến lượt mình, Người cũng trao lại sứ mạng đó cho Giáo hội: "Như cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em" (Ga 20,21). Giáo hội cũng được xức dầu như Chúa Kitô và được sai đi. Người cũng ban tràn đầy Thánh Thần cho Giáo hội: "Hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,22). Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mạng Giáo hội, là Chúa Giêsu nối dài, tiếp nối mầu nhiệm nhập thể và sứ vụ của Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.
Ngày hôm nay, chúng ta, những người đã chịu phép Rửa tội và đã được xức Dầu, Giáo hội muốn chúng ta trung thành sống và thực hành giáo huần của Chúa. Đây là dịp tốt để mỗi người cùng với Chúa Giêsu lặp lại những lời của tiên tri Isaia được công bố trong Phúc Âm như sau: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi..." (Lc 4, 18).
Người Kitô hữu được truyền phải sống Lời Chúa
Như thế, chúng ta được xức Dầu khi chịu Phép Rửa tội và Phép Thêm Sức, được "thánh hiến" cho Thiên Chúa và được sai đi loan báo Tin Mừng. Sống đạo là bước theo Chúa Giêsu theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trên con đường yêu thương hiếu thảo đối với Chúa Cha, con đường yêu thương tự hiến cho tha nhân, con đường trở nên hoàn hảo trong tình yêu. Rập khuôn thầy Giêsu, điều đó chúng ta không làm nổi, nhưng với khả năng Chúa ban, chúng ta đủ sức thực thi những việc tha nhân đang cần bằng tất cả đời sống.
Lời Chúa hôm nay rất thiết thực đối với mỗi người. Vậy:
Hãy là đôi chân cho người già yếu, giúp họ đến nhà thờ, đi thăm bà con.
Hãy là đôi tai cho những bạn trẻ đang mong bạn lắng nghe những nỗi lòng của họ.
Hãy là tin mừng cho người đang u sầu bằng những lời chia sẻ ủi an, khích lệ khôn ngoan.
Và hãy đem ánh sáng cho những ai đang lầm đường lạc lối, bằng sự hướng dẫn ân cần đầy thương yêu.
Với ước mong những người xấu số thiệt phận được chúng ta yêu thương, nhất là liên đới với những kẻ khốn cùng và quảng đại sống đời bác ái yêu thương họ là chúng ta thi hành sứ mạng người kitô hữu của mình, những người được xức Dầu. Có thế, đời sống Đạo của chúng ta mới có ý nghĩa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
========================
Suy niệm 6
Hôm Nay Đã Ứng Nghiệm
Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-14.27; Lc 1,1-4; 4,14-21
Đức Giêsu về làng nơi người sinh trưởng, Ngài vào hội đường đứng lên đọc Sách Thánh, gặp ngay đoạn nói về sứ mạng của Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Trong lúc trăm con mắt đều đổ dồn về phía Ngài, Ngài xác nhận: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” (Lc 4,18-19). Mọi người đều gật đầu tán thành và thán phục lời từ miệng Ngài.
Hồi đó dân làng đang mong chờ một vị anh hùng đánh đông dẹp bắc, toàn quyền toàn năng, mang chiến thắng và vinh quang về cho dân tộc quê hương. Người sẽ nổi dậy làm cách mạng giải phóng dân tộc khỏi bị ách đô hộ của đế quốc Rôma với một đội quân hùng hậu. Người sẽ là một tổ phụ, một vị ngôn sứ vĩ đại như thời các cha ông của họ đã để lại những dấu ấn, hạ nhục kẻ thù và khinh bỉ các dân ngoại; loại trừ những kẻ tội lỗi, phường khố rách áo ôm, xua đuổi những kẻ tiếp tay cho đế quốc. Nhưng Người đã không làm như lòng họ mong chờ.
Ngày nay chúng con đã tin Người là Thiên Chúa Ngôi Hai, là Chúa Cứu Thế, Người là Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa mà đến như chúng con hằng tuyên xưng. Nhưng có nhiều người lại nghĩ Chúa quá cao vời con chẳng sao vươn tới nên vẫn không gặp được Chúa. Xin cho chúng con nhận ra Chúa đang ở giữa, ở với, ở cùng chúng con trong mỗi phút giây hiện tại. Xin cho chúng con biết sống gắn bó với Chúa, trong Chúa để thấy và tin yêu Chúa. Với một đời sống đức tin sống động, Chúa sẽ thực hiện cho chúng con những phép lạ hiển nhiên ngay giữa đời thường hôm nay.
Lạy Chúa! trong cuộc đời thực thi sứ vụ làm ngôn sứ của chúng con cũng vẽ lại dòng đời của Chúa. Có lúc mọi người ca khen vui vẻ, có lúc bị chống đối từ khước coi thường, hạ thấp, loại trừ… Xin cho chúng con dám can đảm làm chứng nhân của Chúa, giữa lúc thuận tiện cũng như khi gặp thử thách đố kỵ và khinh khi. Để dù giữa sóng gió cuộc đời có Chúa cùng đi, chúng con không sợ bị trật đường ray. Đi trong tay Chúa chúng con an tâm vượt khó. Cuộc đời “loan báo” của chúng con sẽ có ngày nở hoa. Chúng con cũng mạnh dạn tuyên xưng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi…” và… “Hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh quý vị vừa nghe”.
Én Nhỏ