Suy niệm 1
Thế nào là hạnh phúc? ------------- Chúng ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ vật chất. Người ta quảng cáo quá nhiều. Người ta rất thích sử dụng từ ngữ hạnh phúc. Nhưng cuối cùng hạnh phúc vẫn chạy trốn khỏi họ. Chúa Giêsu cho chúng ta một công thức hạnh phúc đích thực, không thể sai lầm được, nhưng trước hết vẫn luôn nhiệm mầu.
Chúa Giêsu công bố: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó”. Lẽ đương nhiên, Chúa Giêsu không ngừng chiến đấu chống lại sự đau khổ của người nghèo, bệnh tật, người bị khinh bỉ coi thường. Điều quan trọng là bất cứ trong hoàn cảnh nào như tiên tri Giêrêmia nói: “Phúc cho ai đặt niềm tin vào Chúa vì Chúa là niềm hy vọng của người đó”.
- Hạnh phúc không phải là vấn đề về may mắn, tiền bạc, sức khỏe và thành đạt.
- Hạnh phúc đích thực là vấn đề định hướng con tim và chọn lựa.
- Chắc chắn hạnh phúc không phải là cứ trở nên nghèo để được hạnh phúc tất yếu.
Thật đáng buồn! Vẫn có nhiều người nghèo và đau khổ chống lại Thiên Chúa, họ trở nên những người vô thần. Để nếm hưởng hạnh phúc mà Chúa Giêsu đã hứa, con người phải hướng tới vương quốc Thiên Chúa và nhìn nhận đau khổ dưới ánh sáng của Chúa Giêsu, Ngài đã phải chịu nhiều đau khổ hơn bất cứ ai khi không có tội lỗi gì...
Điều gì quan trọng nhất trong đời sống chúng ta?
Phải chăng là của cải vật chất hay là sự bình an trong tâm hồn, trong mối tương quan huynh đệ và công việc từ thiện bác ái đối với những người sống chung quanh chúng ta và quan tâm say đắm với Vị Khách thần linh trong trái tim chúng ta?
Phải chăng sự giàu có sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc?
Trước hết chúng ta phải khẳng định rằng Chúa Giêsu không hề chống lại sự giàu có và người giàu có:
- Ngài được ông Giake rất giàu mời đến nhà và đồng bàn với người thu thuế lắm tiền (Lc 5,29).
- Ngài đồng bàn với các tội nhân và còn bị người ta đánh giá là người mê ăn uống (Lc 7,34)
- Ngài còn muốn cho mọi người được hưởng một cuộc sống sung túc (Ga 10,10).
- Ngài không coi thường đồng tiền sinh ích. Ngài chứng thực niềm vui của người đàn bà tìm thấy đồng tiền đánh mất và chúc mừng những ai kinh doanh tốt (Lc 19, 16-17).
- Ngài để cho mấy phụ nữ đồng hành và giúp đỡ về mặt tài chính (Lc 8,3)
Ngài chỉ nhắc nhớ sự giàu có là rất mong mạnh:
- Chỉ một tai nạn, một bệnh tật, thất bại chính trị, mất việc làm, phá sản, chiến tranh có thể làm cho sự giàu có đó tan chảy như tuyết dưới ánh mặt trời.
- Ngài còn nói: sự giàu có đó dễ có thể biến con tim thịt của chúng ta thành con tim chai đá. Ngài kể cho chúng ta dụ ngôn “Người giàu có và ông Lagiaro khó khăn”(Lc 16,19).
- Sự giàu có có thể trở thành một trở ngại, một mối nguy hiểm. Người giàu thường tự giam mình trong tình trạng tự mãn. Người giàu cho rằng mình làm nên tất cả mà không cần Thiên Chúa. Người giàu chỉ nhìn thấy nơi người khác để để tăng đầu tư phát triển thị trường chứng khoán và thu nhập của mình. "Kho báu của ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng sẽ ở đó" (Lc 12,34).
Chúa Kitô mời chúng ta hôm nay đừng để mình bị mắc kẹt bởi một ảo ảnh, đừng hành động như ông chủ trang trại giàu có, chỉ nghĩ đến việc xây dựng chuồng trại lớn hơn để tăng lợi nhuận. Chúa Giê-su nói với người đó, "Đồ ngốc! Nội đêm này, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?..Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”(Lc 12, 20-21).
Cuộc sống thực sự ở đây, là đi vào Vương quốc vốn là đất nước của TÌNH YÊU. Cuộc sống đích thực mà chúng ta được dựng nên là YÊU Chúa và YÊU anh em đồng loại...Nguy cơ lớn của giàu có là có thể thỏa mãn với của cải trần thế mà quên mất Thiên Chúa... Ngược lại, người nghèo không có sự hỗ trợ chắc chắn của con người, lại được mời quay về với Thiên Chúa. Tiền bạc gây hiểu lầm và không thể lấp đầy sự thèm khát hạnh phúc vô hạn trong trái tim con người được. Chính Chúa Giêsu đã chọn sống nghèo...sinh ra trong hang bò lừa.. và rồi cũng không có hòn đá tựa đầu. Chúa Giêsu, Vua trời đất mời gọi chúng ta suy gẫm trong thinh lặng của con tim, chúng ta hãy chọn tình yêu và chia sẻ để chúng ta xứng đáng được vào Nước Trời.
Lạy Chúa, chúng con thương bị cám dỗ bởi thứ hạnh phúc nhân loại để không tìm kiếm hạnh phúc đích thực. Xin dạy chúng con sống như thể chúng con nhìn thấy Đấng Vô hình. Nhìn thấy Đấng Vô Hình để chúng con đón nhận được sự viên mãn của Chúa ngay tại đây và lúc này. Như thế là chúng con đã được tận hưởng niềm hạnh phúc vì chúng con đang thuộc về Chúa và vì Chúa chỉ muốn điều tốt hơn cho chúng con mà thôi. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
==========================
Suy niệm 2
Hạnh phúc dành cho người hy sinh vì Chúa
Lc 6, 20 - 26
“Bần cùng sinh đạo tặc.” Quả đúng như vậy, có một số người trở thành đạo tặc vì đời sống của họ quá bần cùng, như người ta thường nói: “Đói ăn vụng, túng làm liều.” Như thế thì bần cùng, đói khát là tai hoạ cho con người và xã hội chứ đâu có mang lại hạnh phúc.
Thế mà Chúa Giê-su lại nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” Tại sao?
Nếu đọc kỹ câu đầu của bài Tin mừng này (Lc 6,20), chúng ta thấy thánh sử Lu-ca viết như sau: Bấy giờ, “Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…”
Khi tuyên bố những lời này, Chúa Giê-su vừa ngước mắt nhìn các môn đệ vừa nói. Vậy thì đây là những lời Chúa Giê-su nói trực tiếp với các môn đệ. Các môn đệ là đối tượng của những lời chúc phúc này.
Tại sao?
Vì trước đây, trong số các môn đệ của Chúa Giê-su có người làm nghề chài lưới, có thuyền có ghe, có thu nhập hằng ngày ổn định, có người làm nghề thu thuế kiếm bộn bạc… Thế rồi, khi lên đường theo Chúa, các ngài đã bỏ hết thuyền bè, nhà cửa, công việc làm ăn… nên bây giờ các ngài trở thành những người nghèo khó… Nghèo khó vì từ bỏ mọi sự để đi loan báo Tin mừng như thế thì mới là người có phúc, chứ không phải bất cứ ai nghèo khó là có phúc.
Rồi Chúa Giê-su nói tiếp với các môn đệ:
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.”
Với nghề chài lưới trên biển hồ nhiều tôm cá hoặc nghề thu thuế như Lê-vi đã làm… các môn đệ chưa biết đói khát là gì. Vậy mà từ ngày theo Chúa Giê-su, lang bạt từ làng quê lên phố thị, từ bờ biển đến nơi hoang địa… các ngài phải chịu đói khát; thậm chí có ngày đi qua đồng lúa, các ông đã bứt những gié lúa vò xát trong tay rồi ăn để dằn cơn đói… Đói khát vì ra đi xây dựng Nước Trời như các môn đệ ắt phải được đền đáp và sẽ được thỏa chí toại lòng vì niềm vui tận hiến, vì hạnh phúc đời đời.
Và Chúa Giê-su tiếp lời với các môn đệ:
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc vì anh em sẽ được vui cười.”
Trước đây các môn đệ sống hạnh phúc với cha mẹ, vợ con trong mái ấm gia đình, nay theo Chúa là Đấng không có chỗ tựa đầu, lang bạt rày đây mai đó, có lần bị đuổi khéo ra khỏi khu dân cư (Mt 8,34), có lúc đi ngang qua vùng Sa-ma-ri-a bị dân làng tẩy chay không tiếp đón, rồi sau nầy các ngài bị bắt bớ, tù đày, bị giết hại… khiến các ngài phải khóc thầm... Khóc vì chịu khổ nạn vì Nước Trời như thế thì thật là diễm phúc và mai đây sẽ được vui cười.
Và điều phúc thứ tư:
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”
Các môn đệ luôn kề vai sát cánh với Chúa Giê-su, đồng lao cộng khổ với Chúa và vì Ngài mà bị người đời “oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa”, cùng chịu khổ nạn với Chúa Giê-su, thì chắc chắn sẽ được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Chính vì thế mà Chúa Giê-su nói: “Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng nói với chúng ta rằng: Nếu chúng ta muốn được hưởng những mối phúc mà Ngài công bố thì phải chấp nhận “nghèo khó” vì Tin mừng, chịu “đói” vì chia sẻ cơm áo cho nhau, chịu buồn phiền “khóc lóc” vì đạo Chúa, chịu “oán ghét, khai trừ, sỉ vả” vì Nước Trời.
Nước Trời không phải là lô độc đắc dành cho người may mắn trong các cuộc xổ số. Phải trả giá cao mới đạt được Nước Trời như lời Chúa Giê-su phán: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, Nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được” (Mt 11,12).
Lạy Chúa Giê-su,
Xin dạy chúng con nhớ rằng: Của cải đời này chỉ là phù du, mau tan biến đi như sương, như khói, chỉ có hạnh phúc thiên đàng mới vĩnh viễn thiên thu.
Xin giúp chúng con biết phấn đấu đạt cho được Nước Trời dù phải hy sinh thời giờ, công sức, tiền bạc và chấp nhận gian lao khó nhọc… để phục vụ anh chị em chung quanh, nhờ đó chúng con đạt được những mối phúc mà Chúa công bố trong Tin mừng hôm nay.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==========================
Suy niệm 3
Hạnh Phúc
Là con người, ai cũng mong muốn hạnh phúc và nỗ lực đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của mỗi người. Khi con người chiều theo cơn cám dỗ của loài rắn, đó chính là lúc hạt mầm hạnh phúc không còn đủ “thiên thời địa lợi” để đơm hoa kết trái. Bất hạnh và gian dối theo về, ùa vào cuộc đời, chảy xuôi dòng lịch sử. Con người bắt đầu dệt những ước mơ, chắt chiu từng kỷ niệm, hồi tưởng về quá khứ, một quá khứ in đầy dấu chân hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì giữa đa đoan và trắc trở, giữa bền vững và mong manh, giữa ích kỷ và bao dung?
1. Quan niệm về hạnh phúc.
Có người cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền của, nhiều vàng bạc, lúa thóc đầy kho; hạnh phúc là quyền lực, địa vị danh vọng. Có người nghĩ hạnh phúc là có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con thơ, ruộng vườn thẳng cánh cò bay. Có người lại quan niệm hạnh phúc là sức khoẻ, là sự bình an thư thái của tâm hồn; hạnh phúc là sự hòa hợp giữa thể xác và tâm hồn, giữa cá nhân và cộng đồng xã hội, giữa cái tôi và vũ trụ bao la.
Theo truyền thống Ấn Độ, hạnh phúc là Sukha, đó là trạng thái giống như một bánh xe mà trong đó mọi sự đều ăn khớp với nhau: vành xe, ổ trục và các đũa xe đều tốt và nằm đúng vị trí, hòa hợp với các thành phần khác, do đó mà bánh xe chạy trơn tru. Còn đau khổ là Dukha, đó là tình trạng một bánh xe trục trặc vì có những thành phần hư hỏng hay không ăn khớp với những thành phần khác.
Tần Thuỷ Hoàng cho xây vạn lý trường thành, sai người đi tìm thuốc trường sinh bất tử để mong thỏa ước mơ được hạnh phúc, được sống bất tử. Với Nhà văn Philippe Delerm, hạnh phúc là điều thật đơn giản, là tổng cộng các niềm vui nhỏ gộp lại. Năm phút nằm dài trên bãi cỏ xanh nhìn mây trời lãng đãng trôi, hớp ngụm bia ngon, thưởng thức một bản nhạc hay… đều có thể làm hưng phấn, tạo được niềm vui hạnh phúc. Kim Thánh Thán, nhà phê bình Trung Hoa đã từng có 33 phút vui tinh thần mà ông cho đó là phút giây thực sung sướng trong đời. Thú vui đó là thưởng thức thiên nhiên, dưới ánh trăng non, tay bầu rượu túi thơ, cùng bạn hữu trao đổi kinh sử văn thơ, cùng uống trà để quên đi sự huyên náo của phồn hoa, lòng thấy thanh thản (x. quan niệm về hạnh phúc, nội san chia sẻ số 23).
Có muôn lối nhìn về hạnh phúc tuỳ theo quan niệm mỗi người.
2. Đi tìm về hạnh phúc.
Hạnh phúc không như bông hoa có thể dễ dàng hái được ở bên đường, không giống như chiếc áo, chiếc xe đạp hay cái nhà có thể vẽ ra thành hình hài màu sắc có thể mua bán. Hạnh phúc là điều cảm thấy được trong tâm hồn, nó thuộc chiều sâu cõi lòng tuỳ thuộc thái độ sống đối với cuộc đời. Con người phải ra công chăm sóc vun trồng thì cây hạnh phúc mới đơm hoa kết trái.
Hạnh phúc chính là khát khao được sống, được hiện diện, được yêu thương. Đi tìm hạnh phúc cũng là đi tìm sự sống. Sống là tồn tại, có tồn tại mới có yêu thương, có tương quan, có sinh trưởng. Đi tìm hạnh phúc cũng như đi tìm tình yêu. Khi người ta yêu nhau, mọi sự đều trở nên nhẹ nhàng, tốt đẹp “yêu nhau yêu cả đường đi; yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng; yêu nhau mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Hạnh phúc là tình yêu. Tình yêu nối dài những ước mơ, ước mơ thường hướng con người về hạnh phúc.
Hạnh phúc chính là sự sống và là tình yêu. Tình yêu và sự sống như đôi cánh đưa con người bay vào khung trời hạnh phúc.
3. Tám mối phúc thật.
Đức Phật Thích Ca mở đầu bài thuyết pháp đầu tiên tại Bênarêch bằng câu: Vạn sự vô thường vạn sự thường, nghĩa là mọi sự thay đổi không ngừng nên mọi sự chỉ là khổ. Sinh lão bệnh tử, con người sinh ra để rồi già yếu, bệnh tật và cuối cùng là phải chết. Đời là bể khổ, muốn có hạnh phúc, ra khỏi bể khổ, cần diệt lòng tham sân si. Khổ diệt lòng tham muốn mới thoát khỏi bến mê, khỏi u minh chốn hồng trần.
Đức Kitô trên “Núi Bát Phúc” đã thuyết giảng điệp ca hạnh phúc “Tám mối phúc thật”: Phúc cho ai… (Mt 5, 1-12).
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Đức Phật coi đời là bể khổ. Đức Giêsu nhìn thấy màu hồng trong cái thanh bạch của tâm hồn nghèo khó.
LmThiện Cẩm đã nhận định rằng: Người ta đã tốn khá nhiều giấy mực và thời gian, sức lực để nghiên cứu suy tư bàn cãi về hai bài giảng đầu tiên của Đức Phật và của Đức Giêsu. Tuy nhiên, có lẽ chẳng mấy ai hiểu chính xác nội dung ý nghĩa hai bài giảng có tính cách ngôn sứ ấy. Vì thực ra cả Đức Phật và Đức Giêsu đều không chú ý đề ra một lý thuyết về vấn đề hạnh phúc và đau khổ mà chỉ chia sẻ cho anh em nhân loại chính kinh nghiệm sống của mình. Kinh nghiệm của Đức Phật là kinh nghiệm của một người đã đạt tới chân như, vượt ra ngoài thế giới vô thường của những đam mê mù quáng, của sự phân chia đối kháng. Còn kinh nghiệm của Đức Giêsu là kinh nghiệm của một người thấy được cái tồn tại trong cái mất mát, thấy được sự sống trong cái chết.
Điệp ca trên núi của Đức Giêsu đã trở thành Hiến Chương Nước Trời: Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho ai hiền lành. Phúc cho ai… điệp ca vang vọng mãi ở trên núi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho các môn đệ và cho nhân loại qua muôn thế hệ.
Tất cả Tám Mối Phúc đều có hai vế: vế thứ nhất là nhân, vế thứ hai là quả; vế thứ nhất là gieo, vế thứ hai là gặt; vế thứ nhất là mình vì người khác, vế thứ hai là người khác vì mình; vế thứ nhất là đau khổ, vế thứ hai là hạnh phúc. Các mệnh đề trong vế một phải hiểu ngầm là vì Chúa, vì tha nhân, nghèo vì tha nhân, hiền lành đau khổ vì tha nhân. Nếu không do tự nguyện vì Chúa, vì tha nhân thì sự nghèo, sự hiền lành, sự đau khổ, bách hại ta phải chịu đều là đau khổ chứ không phải là phúc đức. Chẳng hạn, mối phúc thứ nhất là nghèo vì người khác, sống nghèo cho người khác thì mới là phúc thật, còn sống nghèo để dành dụm tiền của ngày càng nhiều thì đó là trọc phú, là hà tiện chứ không phải là sống nghèo theo Tin mừng. Cái nghèo mà Đức Giêsu nói đến là nghèo vì yêu thương tha nhân. Nghèo vì cho đi vì muốn làm lợi ích cho người khác thì cái nghèo đó mới gọi là Đức Khó Nghèo. Vì thế giữa Đức Khó Nghèo và Đức Bác Ái có tương quan với nhau. Khó nghèo để bác ái, khó nghèo mà không bác ái thì trở thành hà tiện. Hà tiện là một trong bảy mối tội đầu. Vì thế tâm hồn nghèo khó của Tin mừng là tâm hồn sẵn sàng chấp nhận mất mát thời giờ, vật chất, sức lực, của cải, tài năng vì yêu thương tha nhân, vì mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Một người có tinh thần phục vụ cao, dám hy sinh cho người khác, chắc chắn người đó sẽ được mọi người quý trọng, yêu mến, được tín nhiệm, được giao những trọng trách. Một người như vậy thì Nước Trời trong lòng họ, tinh thần họ luôn bình an, hạnh phúc, tràn đầy niềm vui vì sống cho hạnh phúc của người khác.
Kinh nghiệm trong cuộc sống cho thấy, những người ích kỷ suốt ngày chỉ nghĩ tới mình, tới hạnh phúc hay nỗi đau của mình đều là những người đau khổ nhất. Còn những người có tâm hồn vị tha, chỉ nghĩ đến người khác, đến hạnh phúc và đau khổ của người khác, không còn thời giờ để nghĩ đến mình thì những người ấy luôn luôn hạnh phúc thoải mái trong tâm hồn và thành công trong cuộc đời.
Người Kitô hữu chúng ta cần tập thói quen sống vì Chúa, vì tha nhân và thường xuyên tìm đủ mọi cách để người xung quanh mình được hạnh phúc. Sống như thế không những được hạnh phúc ở đời này mà còn đời sau nữa. Đường lên thiên đàng thì nhỏ và chật hẹp, vất vả hơn đường xuống hỏa ngục đầy thênh thang bóng mát. Chọn lựa theo Chúa Giêsu là đón nhận cho đời mình chính nguồn hạnh phúc chân thật và sự sống phong phú dồi dào.
Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người để giúp con người sống hạnh phúc. Sau khi sống lại, Người mở đường dẫn lối cho chúng ta đi về hạnh phúc viên mãn trong Thiên Chúa Tình Yêu và Sự sống.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
==========================
Suy niệm 4
Chúa muốn chúng ta là những người có phúc
(Lc 6,17.20-26)
Trong Tin mừng thánh Luca hôm nay dìu chúng ta về với các Mối Phúc để sống và các mối họa để mà tránh. Trước khi nói đến phúc thì Chúa Giêsu nói đến họa “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!” Quả thật, nghèo khó là trung tâm của Tin Mừng: “Phúc cho những ai có tình thần nghèo khó” là mối phúc đầu tiên trong các mối phúc và là sứ mạng khi Chúa Giêsu tự giới thiệu về mình với dâng làng Nagiaret tại hội đường: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo, tin vui cho người nghèo”.
Vấn nạn từ mối phúc
Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt. Khi công bố trong đoạn Tin Mừng (Lc), Chúa Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với sự đánh giá khác. Người cho các môn đệ biết rằng: họ là những người có phúc, khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Người, khiến người nghe những mối họa và phúc không khỏi thắc mắc : Thế nào là giàu, thế nào là nghèo ? Phải chăng Đức Giêsu là người cổ hủ, lỗi thời khi cổ súy cái nghèo? Hơn nữa, Người lại còn mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ cũng phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực?
Nếu Chúa Giêsu tuyên bố: “Phúc cho anh em là những người bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6,21). Vậy ai là người đói khát và ai là người no thỏa ?
Chẳng những Chúa Giêsu từ ngàn xưa đã công bố như thế, mà ngay chính Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thời hiện đại khi kể chuyện về giây phút cái danh hiệu PHANXICÔ đi vào lòng ngài, ngài diễn tả chương trình hành động của ngài, không phải bằng một lời tuyên bố long trọng, nhưng bằng cách bộc lộ một nỗi khao khát: “Ôi, tôi mong ước biết bao có được một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”. Nhưng khi nghe đến “một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”, có người hỏi: “Thế còn người giàu thì sao?” Phải chăng một “Hội Thánh nghèo” là một Hội Thánh gồm toàn những người nghèo?
Phúc cho kẻ nghèo
Câu chuyện về một vị ẩn tu sống rất nghèo do Đức Cố Hồng Y Carôlô Maria Martini viết trong một cuốn sách, giúp chúng ta hiểu phần nào về người giàu có thể có tâm hồn nghèo khó, người nghèo lại không.
Chuyện kể rằng, vị ẩn sĩ này chỉ có một tấm áo rách trên mình và một cái vò đựng nước đã bể… Một hôm ông hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con có phải là người nghèo nhất trên thế gian này chưa?” Chúa sai thiên thần đưa ông đến trước một lâu đài sang trọng và bảo: “Người sống trong lâu đài này mới là người nghèo nhất trên thế gian”. Vị ẩn sĩ rách rưới ngẩn người hỏi Chúa: “ Sao lại như thế được?” Chúa trả lời: “Người sống trong lâu đài sang trọng này có đủ mọi thứ, nhưng lòng không dính bén chút gì, còn con, con dính bén với chính cái áo rách và cái vò đã bể của con”.
Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất thật cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người đặt con người làm chủ và hưởng dùng mọi sự trong vũ trụ. Nhưng của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Người nghèo là người biết sống cho những giá trị ấy, cho dù giữa những vất vả lo toan, miếng cơm, manh áo, họ vẫn luôn tìm kiếm Nước Trời, họ sẽ là người hạnh phúc nhất, vì biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu.
Khốn cho người giầu
Tại sao Chúa Giêsu lại nặng lời với những người giầu? Có lẽ vì của cải là ngẫu tượng hấp dẫn, nó cuốn hút chúng ta và đẩy xa Thiên Chúa ra khỏi lòng chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã từng tuyên bố : “Anh em không thể làm tôi hai chủ, hoặc ghét chủ này yêu chủ nọ”. Liên hệ trực tiếp, chúng ta chỉ có thể làm tôi Thiên Chúa, hoặc làm tôi tiền của, chứ không thể làm tôi cả hai được. Vì thế, nếu xem tiền của là chủ đời ta, thì tiền của sẽ túm lấy ta, phá vỡ sự hòa hợp giữ con người với nhau, hủy hoại cuộc sống và linh hồn khiến ta không còn yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn nữa, và như thế là đối nghịch lại với điều răn thứ nhất là thờ phượng Một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.
Nếu Chúa ban cho ta của cải giàu có thì chính là để trao tặng cho người khác, để nhân danh Chúa làm nhiều điều tốt cho tha nhân. Nhưng của cải có khả năng cám dỗ chúng ta và chúng ta bị sa ngã, trở thành nô lệ của sự giàu có. Đã có lần Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta cầu nguyện một tí và hy sinh một tí, không phải cho người nghèo, nhưng cho người giàu. (REI 24/05/2018)
Một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo
Một Hội Thánh nghèo không phải là một Hội Thánh gồm toàn người nghèo. Hội Thánh không phải là Bang Hội của Cái Bang (ăn mày). Hội Thánh gồm tất cả những ai tìm kiếm và tin nhận Thiên Chúa là hạnh phúc duy nhất và vĩnh cửu và “Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2). Chính khi kêu gọi các tín hữu quyên góp để chia sẻ với cộng đoàn Giêrusalem đang lâm cảnh khó khăn mà thánh Phaolô nại đến gương Chúa Giêsu: “Quả thật anh em biết Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của minh mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cor 8,9). “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…”(Pl 2,7) để cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Như vậy, Một Hội Thánh nghèo là một Hội Thánh sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, không dính bén với của cải vật chất, không chạy theo thói thế gian, không đặt của trọng hơn người.
Sống lời Chúa dạy
Việc đầu tiên phải làm cho người nghèo, là chiến thắng sự lãnh đạm, vô cảm, những viện cớ này khác để xa tránh những con người này, biết quan tâm đến những cảnh ngộ lầm than, đáng thương quanh ta. Giảm thiểu khoảng cách bất công giữa người giầu và người nghèo một vùng miền nào đó.
Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta trở nên những khí cụ tình thương hải hà của Chúa đối với anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==========================
Suy niệm 5
Những Mối Phúc Của Thánh Luca
Gr 17,5-8; 1Cr 15,12.16-20; Lc 6, 20-26
Ở đời người ta có nhiều nhận xét về hạnh phúc. Một cô nàng lấy được chồng giàu, con cái khỏe mạnh, có nhiều tiền tha hồ mua sắm đủ thứ tiện nghi thoải mái, mọi nhu cầu được thỏa mãn, ấy là hạnh phúc. Một anh chàng có vợ đẹp con khôn, nghề nghiệp ổn định là giấc mơ của nhiều người. Khao khát tìm kiếm danh vọng, địa vị đến khi đạt được mong muốn là niềm hạnh phúc cho những người dầy công cố gắng bấy lâu…
Còn trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại quảng bá những mối phúc nghe có vẻ ngược đời:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…” (Lc 6, 20). Có nhiều thứ nghèo: nghèo tiền của vật chất, nghèo sức, thấp cổ bé miệng, số phận hẩm hiu, ít học… Bình thường người khó khăn thiếu thốn sẽ không còn cậy vào sức riêng, mà đặt niềm trông cậy nơi Chúa. Người giàu có, tiện nghi đầy đủ thường thấy an thân không cần đến Chúa, chỉ tìm hưởng thụ và chẳng bao giờ thấy thỏa mãn đủ. Đức Giêsu không cổ động lối sống nghèo nàn đến độ không có những cái căn bản ổn định, để phát triển tinh thần. Ngài nhấn mạnh người có tâm hồn nghèo khó là người không bám víu nặng lòng với của cải vật chất đang có, không hưởng thụ ích kỷ mà sẵn sàng sẻ chia; hay khó nghèo mà không than van, nhưng biết tin tưởng cậy trông vào Chúa quan phòng, họ sẽ được hạnh phúc vì luôn có Chúa hiện diện yêu thương chăm sóc.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6, 21). Đường lối của Thiên Chúa thì khác xa với cái nhìn của con người, như trong lời kinh ngợi khen của Đức Maria: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư”. Những người cùng khốn đang phải khóc lóc sẽ được Thiên Chúa an ủi. Người chịu đau khổ thử thách sẽ được Chúa nâng dậy, ủi an. Họ vẫn tin tưởng vào lời Chúa hứa, Ngài sẽ biến nỗi buồn của họ trở thành niềm vui. Bởi vì chính Ngài là Đấng sẽ lau sạch nước mắt họ.
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6, 22-23). Khi gặp đau khổ thử thách vì sống công chính, ta không than thân trách Chúa hay mất niềm tin tưởng nơi Ngài, nhưng biết liên kết đau khổ với Chúa thì sẽ được hưởng vinh quang với Ngài. Chính Đức Giêsu đã sống triệt để mối phúc này trong cuộc đời bôn ba rao giảng, bị chống đối, loại trừ, sỉ vả và lên án tử trên thập giá đau thương nhục nhã. Nhưng Người đã chiến thắng khải hoàn trong vinh quang. Các thánh tử đạo cũng theo bước chân Người mà chịu muôn cực hình để minh chứng đức tin và giành được phúc tử đạo.
Thánh sử Luca đưa ra bốn mối phúc và bốn điều họa. Những điều họa ngược với các mối phúc ở trên, như là những lời cảnh báo sẽ bị mất hạnh phúc nếu sống tinh thần ngược lại với các mối phúc đó. Bởi vì cửa hẹp dẫn tới vinh quang, đường rộng thênh thang đưa tới diệt vong, nhưng rất nhiều người lại thích đi qua đó.
Chúa ơi! chỉ một mình Chúa mới lấp đầy khao khát hạnh phúc của chúng con. Tiện nghi vật chất không phải là đích điểm cuộc đời. Hạnh phúc của chúng con là chính Chúa. Chúng con chỉ bất hạnh, mất hạnh phúc khi xa rời Chúa mà thôi. Xin cho chúng con luôn tìm gặp và được sống hạnh phúc sung mãn tràn đầy trong Chúa, để dù sống giữa những khó khăn thiếu thốn, sầu khổ gian truân, chúng con vẫn đang tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào trong Chúa, ngay hôm nay và mãi mãi.
Én Nhỏ