Suy niệm 1
Không một tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương mình -------------------- Chúa Giêsu loan báo một Tin mừng: Ngài được sai đến với người nghèo, với tù nhân và với người mù được thấy ánh sáng. Lời của Ngài đối với chúng ta hôm nay vẫn có tính thời sự và rất thực tế, đáp ứng cho mỗi người chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay mô tả: Chúa làm rất nhiều phép lạ tại Capharnaum, nhưng hôm nay về quê hương Nagiaret liệu Ngài có làm như thế không? Trước hết Ngài giảng dạy trong hội đường và “mọi người đều thán phục về những lời từ miệng Chúa thốt ra”. Nhưng người đồng hương muốn ép Chúa phải làm phép lạ cho họ.
Về phía chúng ta, có thể chúng ta cũng muốn một thứ tôn giáo có lợi cho chúng ta và theo ý cá nhân của chúng ta. Trước hết chúng ta phải biết rằng Chúa Giêsu đến trần gian để giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và ích kỷ của chúng ta.
Thấy thái độ của người đồng hương như vậy, Chúa Giêsu trích dẫn câu chuyện Kinh Thánh để ám chỉ về họ: “Tôi nói thật với các ông, đã có nhiều bà góa trong Israel thời tiên tri Elia khi trời bị đóng lại trong 3 năm 6 tháng. Khi nạn đói lớn xẩy ra trong khắp xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến bà góa nào, ngoại trừ bà góa tại Sarepta thuộc xứ Sidon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Eliseo, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.
Nhiều khi chúng ta cũng muốn Ngài phải hành động theo ý chúng ta. Khi chúng ta nghe Ngài, chúng ta muốn Ngài làm theo ý chúng ta. Chúng ta đang chờ đợi một Đấng Me-si-a quyền lực lập lại trật tự. Nhưng Chúa Giêsu hoàn toàn khác. Ngài đi cùng người nghèo và người tàng tật đủ loại. Ngài bỏ lại 99 con chiên ngoan để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được tìm, Ngài vui mừng vác nó trên vai.
Vậy Thiên Chúa là ai đối với mỗi người chúng ta? Hình ảnh của ngài là thế nào trong mỗi chúng ta?
Để được cứu độ, chúng ta phải kết hợp với Chúa kito trong sứ mệnh giải phóng của Ngài: “Ngài sai tôi đi công bố tin mừng giải phóng”. Tự do của con người là con đường đến với Thiên Chúa để được cứu độ. Lương tâm chúng ta là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Quà tặng tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta khi chúng ta tin vào Ngài. Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi chúng ta. Ngài chờ đợi để chúng ta đón nhận Ngài là Đấng cứu Độ. Chúng ta chỉ có thể đón nhận được đức tin như vậy trong Chúa Thánh Thần mà thôi.
Trở lại bài tin mừng, khi nghe Chúa nói: “không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình” và kể câu chuyện về một bà góa thời tiên tri Elia, và ông Naaman thời tiên tri Elise, người đồng ương Chúa “đầy căm phẫn, họ trỗ dậy và trục xuất Chúa ra khỏi thành. Họ dẫn Chúa lên triền núi để xô Chúa xuống vực thẳm. Nhưng Chúa rẽ qua giữa họ mà đi”.
Về phía chúng ta, chúng ta đón nhận hay là trục xuất Chúa? Thành thật mà nói: chúng ta cũng thường trục xuất Chúa ra khỏi nhà và gia đình chúng ta. Chúng ta đến với Chúa ngày chủ nhật chỉ có một giờ nhưng cũng không trọn vẹn xén đầu xén đuôi, chỉ thích ngồi ngoài nhà thờ cách tự do, nói chuyện với con cái hoặc đi hút thuốc lá. Rồi sau đó để mặc Chúa trong nhà chầu và từ chối Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta.
Còn Chúa, Chúa lại muốn ở cùng chúng ta 24/24 giờ, 7/7 ngày: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa rất muốn ở với chúng ta, nhưng chúng ta vẫn thụ động và dửng dưng. Có thể chúng ta đã lãnh nhận phép Rửa từ khi còn nhỏ và chúng ta quen sống một đức tin không nóng và cũng không lạnh. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy để cho Người đi vào cuộc sống của chúng ta để chúng ta có một cuộc sống dồi dào. Chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấm nhập vào con tim chúng ta và cho phép Chúa đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời. Đừng trục xuất Chúa khỏi thành của chúng ta!
Nếu Chúa Giêsu là thầy của chúng ta bị ruồng bỏ như vậy và nếu chúng ta thực sự là môn đệ của Ngài, chúng ta lại muốn hơn Ngài sao? Thiên Chúa là thế! Và chỉ một mình Ngài mới có thể cứu độ chúng ta vì tình yêu vô bờ của Ngài. Cũng chỉ vì tình yêu vô bờ đó mà Ngài chấp nhận bị tổn thương và rồi Ngài cũng không xuống khỏi cây thập giá theo như lời thách thức của những người đóng đinh Chúa.
Chúng ta khó có thể hiểu nổi sự phong phú về sự yếu đuối của Thiên Chúa như vậy. Tại sao Chúa lại nói: “Rao giảng tin mừng cho người nghèo khó”? Chúa nói như vậy là vì người nghèo khó luôn đón nhận Lời Chúa và vì thế chính người nghèo rao giảng tin mừng cho chúng ta. Hoạt động của Thiên Chúa luôn được thể hiện nơi người nghèo. Trước khi rao giảng tin mừng, chúng ta phải ở với Chúa Giêsu. Hãy tin vào sự sự Phục sinh của Ngài và Ngài đang hoạt động trong đời sống chúng ta. Thánh Phaolo nói: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”, vì lúc đó sức mạnh của Thiên Chúa ở trong sự yếu đuối của chúng ta.
Chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn hiểu biết Thiên Chúa là tình yêu để tình yêu vô bờ của Ngài chiếm mọi chỗ trong cuộc đời chúng ta.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
Đánh Mất Hồng Ân
Dịp Tết hằng năm, có nhiều bà con Việt Kiều về thăm thân nhân và ăn Tết ở quê nhà.
Sau những tháng ngày rao giảng Tin Mừng đó đây, hôm nay Chúa Giêsu trở về thăm làng quê Nagiarét. Ngày Sabbat, Chúa vào Hội đường tham dự giờ cầu nguyện và nghe giảng giải Thánh Kinh. Hội đường Do thái không phải là nơi thờ phượng, nhưng là nơi nbgười do thái tẫp hợp hàng tuần vào các ngày Sabat để nghe đọc Sách Thánh và diễn giải Lời Chúa. Người Do thái chỉ có một nơi duy nhất dành để thờ phượng Thiên Chúa, để dâng lên Người Lễ Toàn Thiêu và lễ Tạ Tội, đó là đền thờ Giêrusalem. Các Hội đường ở các thành phố và làng mạc trong cả nước còn được sử dụng để dạy và đào tạo tàng lớp thanh thiếu niên về Kinh thánh. Trong thời tuổi trẻ, Đức Giêsu từng là một trong các thánh thiếu niên có mặt thưởng xuyên trong các giờ giáo lý Kinh thánh, và còn hơn thế nữa, là một học trò ưu tú bậc nhất và quen thuộc của ông Trưởng Hội đường tại quê nhà Nadarét
Vì thế, khi Đức Giêsu trở lại Nadarét và đi vào Hội đường vào Ngày Thứ Bảy, ông Trưởng Hội đường tất nhiên đã nhận ra ngay cậu học trò ưu tú năm xưa của mình và đã đưa Sách Thánh cho Ngài đọc. Đây là hành động đầy kính trọng mà các vị Trưởng Hội đường thường dành cho các vị khách quý đặc biệt của họ. Đức Giêsu đọc sách Ngôn sứ Isaia và bắt đầu giảng giải Kinh Thánh.
Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường. Gương mặt Ngài luôn tỏa ra nét dịu hiền, mến yêu, đầy thiện cảm. Giọng nói tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn. Ý tứ Ngài trình bày đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Họ cảm thấy thấm thía sự kỳ diệu của nước Thiên Chúa. Họ cảm nhận lòng nhân ái Chúa Cha trên trời. Họ cảm phục về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu đòi hỏi mọi người phải sống thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế ? Sao ông ta được khôn ngoan như vậy ? Ông ta làm được nhiều phép lạ, như thế nghĩa là gì ?”.
Những người đồng hương ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan và những phép lạ Ngài làm ở những nơi khác.Nhưng khi nhớ đến nguồn gốc của Ngài, chỉ là một người thợ mộc, bà con với những dân làng bình thường, họ không tin. Dân làng Nadaret và cả họ hàng Chúa Giêsu không tin Chúa, đó là điều cả bốn sách Tin Mừng cho biết. Riêng Luca cho thấy họ đi tới chỗ muốn giết Chúa bằng cách xô xuống vực. Nhưng Chúa băng qua giữa họ mà đi, tiếp tục rao giảng cho những làng mạc khác.
Dân chúng xì xầm bàn tán chỉ vì ghen tương và đố kỵ nên họ muốn giết Đức Giêsu.
Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu bởi đâu ? Họ xì xầm về nguồn gốc chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon”. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nagiarét này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông ấy lại là bác thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, lang thang từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cày bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông ấy nói năng, làm được gì hay lạ đâu ? Ông ta bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế ! Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.
Để cảnh tỉnh họ, Đức Giêsu chỉ cho họ thấy chỉ vì tổ tiên họ ngày trước đã không đón nhận các ngôn sứ Thiên Chúa gửi đến nên đã đánh mất những ân huệ lớn lao. Cụ thể là vào thời ngôn sứ Êlia, khi trời hạn hạn suốt ba năm sáu tháng, dân Itraen phải lâm vào cơn đói khát trầm trọng, vậy mà ngôn sứ Êlia được sai đến, không phải để cứu giúp các bà goá trong dân Ítraen thời đó, mà là để cứu đói cho hai mẹ con bà goá ngoại giáo nghèo khổ thành Xarépta, miền Xiđôn.Một sự kiện khác tương tự là vào thời ngôn sứ Êlisa, đang khi có nhiều người phong cùi trong dân Itraen cần được cứu chữa, thế mà không ai trong bọn họ được vị ngôn sứ chữa lành, ngoại trừ tướng Naaman ngoại giáo, người nước Syri. Thế nhưng, những lời cảnh tỉnh của Đức Giêsu không làm cho họ tỉnh ngộ, trái lại càng khiến họ oán ghét Ngài. Họ nhất tề đứng dậy, xông vào túm lấy Ngài, lôi ra khỏi hội đường rồi kéo ra khỏi thành, kéo lên tận đỉnh núi, để xô xuống vực cho nát thịt tan xương.Lòng đố kỵ ganh ghét thật khủng khiếp! Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch”. Mc. Kenzie nói: Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người định kiến hẹp hòi nhìn bằng kính hiển vi. Sự kiện này là khởi điểm những thử thách gian nan và cái chết đang chờ đợi Đức Giêsu trong những tháng ngày sắp tới.
Còn Đức Giêsu thì luôn âm thầm, kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: “Không ai là tiên tri cho xứ sở mình”. Một câu chuyện quen thuộc nhưng đáng buồn “Ngôn sứ không được quê hương mình chấp nhận”. Đức Giêsu thật ngạc nhiên vì thấy họ không tin. Ngài rất muốn giúp đỡ họ nhưng cũng đành phải bó tay. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật. Chính những điều sâu xa bí ẩn mới làm ích rất lớn cho con người. Chính những chất màu mỡ nằm ẩn trong đất mới làm cho cây trái, hoa mầu trổ sinh tươi tốt, đâm chồi nẩy lộc, nuôi sống muôn người, muôn vật. Chính những kho tàng nằm sâu trong lòng đất, như mỏ dầu, mỏ vàng, mỏ bạc, đồng, sắt, kim cương, đá quý mới là nguồn tài nguyên phong phú giúp phát triển nền văn minh nhân loại. Chính những tài năng thượng đẳng, thiêng liêng trong con người như: tinh thần tự do, trí khôn sáng suốt, ý chí mạnh mẽ, tình cảm nhân từ mới có sức thăng tiến con người hơn chân tay, mắt mũi. Thế nhưng loài người vẫn thích thờ bò vàng óng ánh hơn thờ Thiên Chúa siêu việt.
Chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay. Rất nhiều khi chúng ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì ta cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì ta cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì. Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6,23.26). Lối hành xử như vậy là coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.
Đức Giêsu buồn phiền nhưng không cay cú, thất vọng chứ không tức giận. Ngài quyết định đem ánh sáng và quà tặng thần linh đi đến nơi khác.Những người ở làng quê Nagiarét đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa làm một thường dân đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ chỉ biết gia đình Ngài rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi thường Ngài. Họ không tin Ngài. Họ hất hủi Ngài. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Ngài bỏ Nadarét đi đến các làng chung quanh. Và Ngài sẽ chẳng bao giờ trở lại Nadarét nữa. Một cơ hội vàng đã không được đón nhận nên dân làng Nagiarét đánh mất hồng ân vô giá.
Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta… Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta. Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến. (Đức TGM Ngô Quang Kiệt).
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ: “Tôi đã suy nghĩ và tự phản tỉnh nhiều về những điều này khi cầu nguyện. Tôi nhận thấy mình được mời gọi và chắc chắn mọi người cũng được mời gọi phải nhận ra những gì là ghen ghét, đố kỵ trong tâm hồn hình, vì chúng luôn dẫn tới đau khổ và chết chóc, không làm cho người ta vui mừng, hạnh phúc được. Người có lòng ghen ghét, đố kỵ luôn nghĩ rằng những điều tốt lành mà người khác có chống lại họ. Và đó là khởi đầu của bao nhiêu tội lỗi, gian ác khác. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa giúp chúng ta đừng bao giờ mở con tim mình ra cho những ghen ghét, đố kỵ đi vào, vì chúng chỉ dẫn tới đau khổ và chết chóc mà thôi”. (Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nguyện đường thánh Marta, sáng thứ năm, ngày 21.01.2016, lễ kính thánh Anê, trinh nữ tử đạo. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã giảng về sự ghen ghét và đố kỵ. Người ta có thể dùng lời nói mà giết hại lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những tội lỗi xấu xa này).
Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi người ta biết tôn trọng, cảm thông, tha thứ và nâng đỡ nhau. Thay cho lời kết án, ghen tỵ là lời chúc mừng khuyến khích. Thay cho những cái nhìn thiển cẩn hẹp hòi là những cái nhìn nhân ái bao dung. Cuộc sống thật đẹp khi người ta biết nhìn cái tốt nơi nhau, để khen ngợi, để khuyến khích nhau, thay vì nhìn điểm yếu của nhau để kết án, xem thường nhau.
Xin Chúa cho chúng con có một trái tim luôn rộng mở để yêu thương mọi người. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=======================
Suy niệm 3
Chúa Giêsu, Vị Thầy Thuốc Cao Tay Đầy Lòng Nhân Ái
(Lc 4, 21-30)
Nếu như Chúa nhật III Thường niên, Chúa Giêsu thực hiện lời ngôn sứ đã loan báo về mình, thì bước vào Chúa nhật IV, Chúa Giêsu tiếp tục thi hành sứ vụ Thiên sai, Danh tiếng Chúa lan truyền khắp nơi, Chúa chữa lành những người bị quỉ ám, làm cho người mù được sáng mắt, người què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được, nhìn chung là vui mừng và sung sướng; mọi người đều thán phục Người ; các thần ô uế phải vâng lệnh Người.
Nhưng hôm nay hoàn toàn ngược lại, vì sau một thời gian vắng mặt, Chúa Giêsu đã trở lại Nagiarét trong một tư cách hoàn toàn mới: Chúa Giêsu vào hội đường đọc một lời tiên tri của ngôn sứ Isaia và loan báo "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4,21), khiến cho người nghe hiểu rằng lời tiên tri ấy quy chiếu về Người. Ðiều này khơi dậy sự bất bình của dân làng Nagiarét: một đàng, "mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra" (Lc 4,22). Nhưng đàng khác, các người đồng hương biết Người qúa rõ. Họ nói: "Ông ta là một người trong chúng ta. Yêu sách của ông chỉ có thể là sự tự phụ" (Ðức Giêsu thành Nagiarét, 11). "Người này không phải là con ông Giuse sao?" (Lc 4,22), như thể nói rằng: một bác thợ mộc làng Nagiaret có thể có khát vọng gì đây?
Sự biết của họ gợi nhớ câu ngạn ngữ: "Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình! Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông" (Lc 4,23). Liền sau đó, Chúa Giêsu đã thở dài và tuyên bố câu nói để đời: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình"(Lc 4,24). Tuyên bố của Chúa Giêsu vang lên trong hội đường như một sự khiêu khích. Người kể lại hai phép lạ mà các ngôn sứ Elia và Elisêo đã làm cho những người không phải dân Do thái, để chứng minh rằng đôi khi ngoài dân Israel có nhiều kẻ tin mạnh hơn. Tới đây thì tất cả những người có mặt đều phản ứng: "Mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi" (Lc 4,28-30). Người ta phải tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu lại khơi dậy sự đổ bể ấy? Ban đầu dân chúng thán phục Người và có lẽ Người đã có thể có được một sự đồng ý nào đó của họ. Chúa Giêsu đã không đến để tìm sự đồng ý của loài người. Vị ngôn sứ thật không vâng lời ai khác ngoài Thiên Chúa, và phục vụ chân lý, sẵn sàng trả giá.
Về điểm này, thánh Augustinô (354-430), Giám mục thành Hippôn (Bắc Phi), tiến sĩ Hội Thánh đã chủ giải như sau: "Người rẽ qua giữa họ mà đi", nghĩa là Chúa Giêsu là một thầy thuốc cao tay đã đến giữa chúng ta. Người vẫn rẽ ngang qua cuộc đời của mỗi chúng ta để làm cho chúng ta được khỏe mạnh. Chúa Giêsu đã đến, và Người thấy hội chứng mù lòa trong lòng nhân loại, Người liền hứa ban sự sáng cho chúng ta được thấy, thật đúng là: "Những điều mắt chẳng hề thấy, tai không hề nghe, và đã không hề nảy lên nơi lòng một người phàm" ( 1 Cr 2, 9).
Nếu Chúa Giêsu, một Vì Thiên Chúa, là Thầy thuốc đến để chữa bệnh thì Người chữa bệnh gì cho nhân loại ? Người đã dùng phương thuốc nào ?
Người đến để chữa nhiều thứ bệnh, trong đó có bệnh kiêu ngạo. Phương thuốc chữa trị cho căn bệnh kiêu ngạo là sự khiêm nhường của Đức Giêsu Kitô. Một vị thầy thuốc tôn trọng bệnh nhân khi chữa trị cho các bệnh nhân, với phương thuốc: Hãy học cùng Người vì Người là Thiên Chúa khiêm nhường trong lòng, như Người mời gọi ta. Thật vậy, Người biết rằng, phương thuốc để chữa lành bệnh bệnh kiêu ngạo của chúng ta là sự khiêm nhường. Người biết rõ căn nguyên của bệnh tật và bốc đúng liều lượng để chữa trị. Trong thực tế, người bệnh là chúng ta không thể chạy đến cùng thầy thuốc, vậy mà đích thân thầy thuốc đã đến nhà chúng ta, Người đến cứu chúng ta, vì Người biết điều chúng ta cần.
Thiên Chúa đã đến với con người trong sự khiêm nhường, để con người có thể noi gương bắt chước Thiên Chúa. Có người hỏi : Thiên Chúa vẫn ở trên cao, làm thế nào để ta có thể bắt chước Người được? Và nếu không bắt chước được Người, thì làm sao con người có thể được chữa lành? Người đến trong sự khiêm nhường, vì Người biết rõ tính tự nhiên của một thầy thuốc là phải túc trực thường xuyên bên người bệnh: thuốc có đắng, mới chữa được bệnh. Còn con người, con người tiếp tục nhạo báng Thiên Chúa, tay cầm chén, và nói: "Lạy Thiên Chúa của con, Người là ai?" Người được sinh ra, Người đã chịu khổ hình, chịu đội mạo gai, bị đóng đanh và chịu chết trên cây thập giá! Ôi, tâm hồn sầu khổ! Ta chứng kiến sự khiêm tốn của thầy thuốc, mà lại không thấy được căn bệnh ung thư kiêu ngạo tiềm ẩn trong ta, đó là lý do tại sao ta không thích sự khiêm nhường.
Thường thì kẻ mắc bệnh tâm thần mới đánh lại bác sĩ khi bác sĩ đang chữa trị bệnh tật cho mình. Trong trường hợp này, bác sĩ đầy tình thương không chỉ không tức giận chống lại người đánh, nhưng bác sĩ còn cố gắng để chữa bệnh cho người ốm. Bác sĩ của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Người không sợ bị giết bởi bệnh nhân điên rồ: Người đã làm cho cái chết của mình trở nên thần dược chữa lành họ, Người đã chết và đã sống lại.
Như thế Đức Giêsu, Chúa chúng ta đã không cứu chúng ta bằng cách làm phép lạ, nhưng bằng việc loan báo Tin Mừng, từ bỏ và hy sinh mạng sống cho chúng ta. Chính lập trường của Chúa Giêsu củng cố niềm tin của chúng ta. Người chính là Đấng Mêsia đích thực của Thiên Chúa, một Đấng Mêsia không vận dụng quyền lực để thực hiện một cảnh ngoại mục cứu độ trần thế, nhưng đặt tại trung tâm sứ điệp về Thiên Chúa. Người đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền của chúng ta bằng liều thuốc khiêm nhường, để khi chúng ta sống trong một hoàn cảnh khó khăn, cùng quẫn, chúng ta có thể khiêm nhường đặt trọn niềm tin nơi Ngài, bởi vì chính Người sẽ ban cho chúng ta ơn cứu độ vẹn toàn.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con trung thành và tươi vui bước theo Chúa Giêsu trên con đường ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=======================
Suy niệm 4
NGUYÊN NHÂN ĐỨC GIÊSU BỊ KHƯỚC TỪ TẠI QUÊ HƯƠNG
(Gr 1,4-5,17-19; 1 Cr 12,31-13,13; Lc 4,21-30)
Ở đời người ta vẫn thường nói: “Bụt nhà không thiêng”, để nói lên thái độ khinh thường những gì là gần gũi. Nguyên nhân dẫn đến thái độ trên chính là do thói kiêu ngạo, tự mãn...
Thật vậy, kiêu ngạo là đầu mối sinh ra mọi giống tội.
Trong lịch sử cứu độ, chúng ta thấy rất nhiều thái độ kiêu ngạo đã từng xảy ra. Chẳng hạn như:
Lucifer đã muốn bằng Thiên Chúa; Adam và Eva đã chống lại lệnh truyền Người (x St 3, 1-20). Dân chúng muôn xây tháp Babel chọc trời...(x. St 11, 1-9).
Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như thay thế Thiên Chúa, thì lại là mối họa cho con người, bởi lẽ nó được khởi xướng từ Ma Quỷ, qua thái độ kiêu ngạo.
Vì thế, không lạ gì, khi con người kiêu ngạo với Thiên Chúa, thì đương nhiêu họ cũng khước từ anh chị em đồng loại và có nguy cơ giết chết đời sống tâm linh, đánh mất đức tin và không đón nhận được nguồn sống từ Thiên Chúa. Suốt ngày, họ chỉ quay quắt với chính mình, và không chừng đánh mất luôn chính bản thân!
Như vậy, sự kiêu ngạo là con đường không thể đến với Thiên Chúa, ngược lại, nó dẫn đưa kẻ tự mãn đến hố diệt vong.
Đây chính là khinh nghiệm từ tạo thiên lập địa và đến muôn đời sau cho tất cả mọi người Kitô hữu.
1. Vì kiêu ngạo nên họ không chấp nhận Đức Giêsu
Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu bị đồng hương khước từ. Nguyên nhân cũng không là gì khác, đó chính là sự kiêu ngạo của người đồng hương.
Vì kiêu ngạo, nên trước mặt họ, Đức Giêsu chỉ là người bình thường nếu không muốn nói là tầm thường. Vì thế, mắt họ mờ đi và lương tâm trở nên trai cứng. Những dấu lạ điềm thiêng nơi Đức Giêsu đã không làm họ rung động và thay đổi đời sống, ngược lại, trước mặt họ: “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?”.
Tại sao vậy? Thưa sự kiêu ngạo đã là đó ngáng chỗ và lòng kiêu căng đã chiếm mất chỗ của Chúa trong cuộc đời của họ.
Trước thái độ trên, Đức Giêsu đã tuyên bố một câu mà muôn đời vẫn giữ nguyên giá trị: Đó là: “Tiên tri không bao giờ được tôn trọng trên chính quê hương mình”.
Quả đúng như vậy, vì xét theo lẽ tự nhiên, một con người dù tài giỏi đến đâu, làm việc hiệu quả thế nào, và thành đạt trên nhiều lãnh vực hay nhiều nơi đi nữa, thì khi trở về gia đình, quê hương, họ luôn bị chính những người thân cận, làng xóm coi ở mức độ “thường thường bậc chung” vì lối suy nghĩ thiển cận, nên: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”.
Điều này Đức Giêsu đã trải qua khi Ngài trở về quê hương của mình!
Chính vì sự coi thường này đã khiến cho ơn cứu độ của Thiên Chúa vuột mất khỏi họ, và suốt bao thiế kỷ, họ vẫn đang chờ đợi một Đấng Kitô khác chứ không phải Đức Giêsu, Đấng đã hiện diện giữa họ cách đây hơn 2.000 năm.
2. Thực trạng kiêu ngạo của con người hôm nay
Thực trạng ấy nơi những người đồng hương với Đức Giêsu khi xưa, hôm nay vẫn còn đây đó nơi chúng ta, vì: thói ích kỷ, kỳ thị, chấp nhất, định kiến, ác cảm, nên ta hay giam người anh chị em mình trong quá khứ và không bao giờ cho họ cơ hội để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn, hòng làm lại cuộc đời hay ít ra là có cuộc sống tốt hơn...
Lý do họ không nhìn anh chị em mình dưới lăng kính màu hồng, mà toàn màu đen, bởi mắt họ đang đeo cặp kính râm của sự kiêu ngạo! Vì thế, lối suy nghĩ nông cạn, vu vơ và trống rỗng đã dẫn đến việc đánh giá, đối xử lệch lạc và thiếu công bằng cũng như bất nhân. Quả đúng là: “Yêu ai thì nói quá ưa – Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”.
Những người nông nổi như vậy, họ đâu có hiểu được rằng: “Sông có khúc, người có lúc”.
Thật vậy, có người bị coi là không tốt, đồ bỏ, vứt đi ở chỗ này, nhưng họ lại được nhiều người coi trọng và kính nể ở một nơi khác... Còn có nhiều người được xem là nhẹ nhàng, tao nhã, lịch thiệp chốn quan trường, ngoài xã hội, nhưng khi về đến gia đình, họ lại là kẻ bất nhân, vô liêm sỉ với gia đình. Mở miệng ra là quát tháo, chửi bới nên “thượng thẳng tay, hạ thẳng chân” với người thân. Họ thuộc hạng “khôn nhà dại chợ”, hay “làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”;... hay có những người ăn nói ngọt như đường mía lau, nhưng thực ra họ thuộc dạng: “Đội trên, đạp dưới” nên tâm địa bỉ ổi, xấu xa chẳng khác gì kẻ: “Miệng thì thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay vừa nhắc nhở, vừa mời gọi chúng ta ý thức sứ mạng tiên tri cũng như lối sống và cách thức loan báo Tin Mừng!
Trước tiên, sứ mạng tiên tri được trao ban cho chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Sứ mạng ấy càng thôi thúc mãnh liệt khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.
Vì thế, mỗi người phải có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, thi hành sứ mạng ở mọi nơi, mọi lúc, dù: “Thuận tiện hay không thuận tiện”; được ủng hộ hay chống đối, được đón nhận hay bị khước từ... được tôn vinh hay giết chết... Mặt khác, không thể chọn lựa theo ý mình, mà phải nói điều Thiên Chúa muốn, luôn tập trung vào việc diễn tả Lời Chúa cách trung thành (x. 1Cr 9,15-16); không được giả hình và bóp méo Lời Chúa (x. 2Cr 11,10 ; 13,8).
Thứ đến, khi thi hành sứ vụ, cần nhớ nằm lòng câu nói của Đức Giêsu: “Không tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình”.
Bởi vì làm tiên tri không phải là chuyện đơn giản, mà là: “Vô cùng phong nhiêu”, phúc tạp! Vì Lời Chúa một đàng là lời tình yêu, nhưng một đàng là lời cật vấn lương tâm, vạch trần tội ác, bất công, gian dối, hình thức... nên: “Nếu thế gian ghét các con, thì hãy nhớ rằng họ đã ghét Thầy trước … Đầy tớ không lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”(Ga 15,18-20).
Thật vậy, sứ mạng tiên tri đòi chúng ta chấp nhận lội ngược dòng, không thể sống theo phong trào hay “hiệu ứng đám đông”. Đôi khi chấp nhận điên vì sứ vụ, khùng Tin Mừng, khi dám nói lên tiếng nói công lý, công bằng ngay tại những nơi nguy hiểm như: sòng bài, quán rượu, quán karaokê…, nơi những con người đang “quậy” tứ tung hay “điên cuồng” trong những cuộc chơi bất chính...
Khi lựa chọn như thế, sự lẻ loi, cô lập và chống đối hay phải thí mạng là lẽ đương nhiên.
Mong sao, sứ mạng và số phận tiên tri của Đức Giêsu trong thời của Ngài, cũng là của chúng ta trong thời đại hôm nay.
Ước gì vì: “Nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” là lựa chọn của mỗi người Kitô hữu, vì: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta” nên chúng ta “được Chúa kêu gọi để tỏa sáng như các vì sao giữa lòng thế giới tối tăm này”(Pl 2,15).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con tình yêu của Chúa, để chúng con yêu cả những người thù ghét mình. Xin ban sức mạnh của Chúa, để chúng con can đảm, vững bước trên con đường thi hành sứ vụ.
Xin cho chúng con mặc lấy lòng bao dung, nhân hậu của Chúa, để chúng con đón nhận anh chị em chúng con trong tình Chúa và tình người. Amen.
Tu sĩ: Giuse - Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
=======================
Suy niệm 5
Số Phận Ngôn Sứ
Gr 1,4-5.17-19; 1Cr 12,31-13,13; Lc 4,21-30
Đức Giêsu về làng nơi người sinh trưởng, Ngài vào hội đường đứng lên đọc Sách Thánh, gặp ngay đoạn nói về sứ mạng của Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi...” Trong lúc trăm con mắt đều đổ dồn về phía Ngài, Ngài xác nhận: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” (Lc 4, 21). Cả hội đường chăm chú nghe người quê mình rao giảng. Mọi người đều gật đầu tán thành và thán phục lời từ miệng Ngài. Cứ như vậy thì chẳng có chi rắc rối.
Bỗng đâu cái kiểu thành kiến quan niệm “bụt nhà không thiêng” nổi lên trong họ, họ bắt đầu hạ giá Ngài vì cái cảnh người cùng làng, xoàng xĩnh như họ vẫn thấy mấy chục năm nay. Họ xầm xì: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4, 22b). Thừa biết ý nghĩ trong đầu của họ, Ngài khẳng định cái bậc thang giá trị bất hủ từ bao đời xưa nay: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4, 24). Đó là chuyện thường tình vẫn xảy ra ngay từ trong gia đình, người cùng làng, cộng đoàn địa phương, thường khó chấp nhận một người nổi danh tiếng xuất thân từ “vườn nhà” của mình. Khách lạ xa xôi thì sẵn sàng ca ngợi tán dương, vì họ đến rồi đi, chẳng ảnh hưởng đến thế giá, uy tín, “chỗ đứng” của tôi. Còn những vị “bụt nhà” mà bỗng nổi nang xuất chúng thì tự nhiên sự tín nhiệm đổ dồn về họ, tôi bị giảm giá mờ nhạt, vị thế lung lay, nguy cơ bị lấn sân mất chỗ… chẳng dại gì mà đánh giá cao về họ. Các ngôn sứ bao đời xưa nay đều bị hành xử, chống đối và triệt hạ.
Vị ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc I cũng từng chung số phận nhưng giờ chưa đến: “Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ; từ các vua Giuđa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì sấm ngôn của Đức Chúa - có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”. (Gr 1, 18-19).
Đức Giêsu, Người Tôi Trung, là vị Ngôn Sứ đúng nghĩa nhất và cũng không tránh khỏi lối hành xử miệt thị này. “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành-thành này xây trên núi. Họ kéo người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”. (Lc 4, 28-29). Thật là khủng khiếp! Hôm nay “giờ chưa đến” nên “Người băng qua giữa họ mà đi.” (Lc 4, 30). Nhưng khi giờ đã đến, Ngài để họ đánh đập hành hạ, cuối cùng bị căng thây treo trên thập giá, kết thúc cuộc đời của vị Ngôn Sứ Cao Cả nhất trong lịch sử. Nhưng cái chết của Ngài lại khai sinh một Giáo Hội mới lan tràn khắp mặt đất hôm nay.
Chúa ơi! ngày nay cuộc đời thực thi sứ vụ làm ngôn sứ của chúng con cũng vẽ lại dòng đời của Chúa. Có lúc mọi người ca khen vui vẻ, có lúc bị chống đối từ khước coi thường, hạ thấp, loại trừ… Xin cho chúng con dám can đảm làm chứng nhân của Chúa, giữa lúc thuận tiện cũng như khi gặp thử thách đố kỵ và khinh khi. Để dù giữa sóng gió cuộc đời có Chúa cùng đi, chúng con không sợ bị trật đường ray. Đi trong tay Chúa chúng con an tâm vượt khó. Cuộc đời “loan báo” của chúng con sẽ có ngày nở hoa.
Én Nhỏ