Thứ năm, 09/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 8 Thường Niên C

Cập nhật lúc 09:41 28/02/2019
Suy niệm 1
Môn đệ không trọng hơn Thầy
-----------------------
Hôm nay Chúa Giêsu không nói với đám đông dân chúng, nhưng với những người đã theo Ngài một được vài năm. Ngài nói: “Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi”. Nói khác, Chúa Giêsu muốn đào tạo những ai Ngài muốn đào tạo và nói với họ về cách đào tạo.
Ngài muốn đào tạo tất cả các kito hữu. Ngài muốn chính Ngài đảm nhận việc đào tạo họ. Ngài chữa trị họ... Ngài chữa trị chúng ta! Nếu là người mù dám dẫn dắt người khác, thì chính chúng ta sẽ ngã và làm cho những người theo chúng ta cũng sẽ sa xuống hố:
- Ngài bảo chúng ta là kẻ đạo đức giả muốn lấy cái rác trong mắt anh em, nhưng lại không thấy cái đà trong mắt mình.
- Ngài tố cáo sự biến chất gây nguy hại cho tất cả những ai đang muốn làm môn đệ của Ngài. Để đào tạo, Ngài chỉ cho chúng ta thấy chúng ta đang bóp méo sứ điệp của Ngài như thế nào.
Vị thế của một môn đệ có hai mặt: một mặt hướng về người thầy đã chỉ dạy, mặt khác hướng về đám đông dân chúng để truyền đạt cho họ điều mà mình đã nhận được từ nơi thầy. Các môn đệ gần gũi với thầy hơn là đám đông kể từ khi Chúa Giêsu nói riêng với họ. Họ thường biết về Chúa Giêsu nhiều hơn những người khác. Khi đối diện với các môn đệ, Chúa Giêsu ý thức Ngài là thầy của họ. Ngài đóng vai trò của một giáo viên dạy dỗ số người này hơn là đám đông. Đối với những người mà Ngài đã chọn trong những người khác, Ngài công bố: “Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi”. Mục đích của việc làm thầy các môn đệ của Chúa Giêsu là mọi người nên trở nên giống Ngài. Quyền làm thầy của Chúa Giêsu được thực hiện để khơi dậy một dân anh em với nhau, từ đó lan tỏa đến toàn thể nhân loại. 
Nhưng các môn đệ bóp méo giáo huấn của Thầy. Họ đóng vai trò người phổ biến giáo huấn của Thầy, nhưng họ lại chuyển hướng giáo huấn đó vì lợi ích của họ. Trong thâm tâm, họ luôn tiềm ẩn đặc quyền đặc lợi là họ gần Thiên Chúa hơn người khác. Họ không muốn tất cả những ai đến với họ hiểu rằng trước mặt Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng với nhau. Họ muốn giữ cho họ quyền vượt trội, quyền làm bề trên. Họ làm môn đệ của Chúa Giêsu chỉ vì được đặc ân là gần Thiên Chúa nhất. Thánh Phaolô cũng đưa ra những lời trách móc tương tự đối với những người “xưng mình có Lề Luật và tự hào vì có Thiên Chúa...chỉ biết dạy người khác, mà lại không dạy chính mình (Rm 2,17-21).
Chúa Giêsu muốn họ là người đầu tiên tin rằng mọi người đều có phẩm giá ngang nhau trong mắt của Chúa Cha trên trời. Ngài muốn những người gần Ngài loan truyền giáo lý này bằng lời nói và hành động. Các môn đệ bề ngoài có vẻ đồng ý, nhưng trong thâm tâm họ không muốn như vậy. Có thể họ nghĩ: “Chúng ta sẽ phục vụ gì, nếu những người khác biết Thiên Chúa nhiều như chúng ta”? Họ không quan niệm là trở nên một người giữa những người khác. Đối với họ, phục vụ có nghĩa là bắt người khác phải công nhận sự vượt trội, quyền bề trên của họ. Giáo lý của vị thầy Giêsu đã bị họ bóp méo và sai mục đích. Họ mù vì đặc ân của họ phải được gọi là bề trên. Vì thế, không những họ sa xuống hố mà còn làm cho những người mà họ hướng dẫn cũng sa xuống hố.
Họ là những "kẻ đạo đức giả". Từ “đạo đức giả” xuất phát từ một thuật ngữ Hy Lạp, cũng có nghĩa là "ghen tị" và "che giấu". Họ che giấu trong mắt đám đông. Họ che dấu giấu sự ghen tuông của họ. Nhưng đối với Chúa Giêsu, họ không thể che giấu được. Vì thế, Chúa Giêsu đưa họ ra khỏi sự mù quáng đó và Ngài nói với họ một cách rõ ràng.
Người tốt thì rút ra điều tốt từ con tim tốt của mình. Còn người xấu thì rút ra điều xấu từ con tim xấu của mình: vì “lòng đầy thì miệng mới nói ra”. Những điều mà Chúa Giêsu nói xuất phát từ con tim tinh tuyền của Ngài, chắc chắn là tốt. Vì thế, nếu Ngài tố cáo hành vi của các môn đệ, thì không phải là Ngài nghiền nát ho, nhưng là đào tạo. Đào tạo để họ sống theo sự thật mà Ngài đã giảng dạy. Đào tạo để họ cũng trở thành người thầy trong tình huynh đệ.
Giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ không phải là về các khái niệm. Chúa không cố gắng biến họ thành nhà thần học tín lý và luân lý. Ngài tìm cách biến đổi họ thành người đầu tiên tạo nên tình huynh đệ đích thực và phổ quát. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta phát hiện ra sự giả hình và ghen tị trong chính chúng ta. Ngài muốn đào tạo chúng ta trở nên tốt, để chúng ta cũng có khả năng phát hiện ra sự đạo đức giả nơi những người khác và cảnh giác với những người bạn đồng hành chúng ta chống lại Giáo Hội.
Đạo đức giả rất dễ len lỏi vào những người xưng mình là môn đệ Chúa. Đạo đức giả như cái đà mà Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay. Cái đà này làm cho họ mù sa xuống hố và làm cho người khác cũng sa xuống hố. Còn những thứ khác, cho dù là lầm lỗi nặng nề, nhưng nếu biết khiêm nhường ăn năn hối hận, thì cũng chỉ là rác, chỉ làm mờ tầm nhìn một chút, rồi sẽ được biến đổi và tiêu tan nhờ ngọn lửa của ơn thánh.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
============================= 
Suy niệm 2
Tự biết để sửa mình
Lc 6, 39-45
Ông Dale Carnegie, một nhà văn, nhà diễn thuyết và là nhà giáo dục đại tài, nổi tiếng khắp thế giới cho biết rằng: “Tôi đã phải mất 33 năm cuộc đời để khám phá được điều quan trọng này là trong 100 lần phạm lỗi, có đến 99 lần người ta tự xem mình như người vô tội, bất kể tội nặng đến đâu.”
Tự biết chính mình, thấy được những lầm lỗi của mình là điều rất khó, khó đến nỗi, “trong 100 lần phạm lỗi, có đến 99 lần người ta tự xem mình như người vô tội.”
Mà nếu không thấy được lầm lỗi thì làm sao sửa lỗi được, làm sao cải thiện cuộc sống được! Vậy là cứ chứng nào tật nấy!
Vì thế, cách đây hơn 2.500 năm, nhà hiền triết Socrate có để lại cho đời một lời dạy khôn ngoan được mọi người cho là lời khuyên vàng ngọc, tuyệt đối cần thiết cho đời sống con người. Đó là câu nói thời danh: "Hỡi người, hãy tự biết mình."
Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng dạy ta phải tự biết mình. Ngài nói: “Sao anh thấy cọng rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà (còn gọi là cái đà, tức cái xà ngang nằm vắt qua 2 đầu cột nhà) trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?”
Vì không biết mình nên dù có cả “cái xà to lớn trong mắt mình”, nghĩa là tội ác tày đình của mình, người ta cũng không tự biết và cũng chẳng quan tâm.
Ngay cả vua Đa-vít, một vị vua tài ba lỗi lạc của người Do-thái, cũng không nhận ra lầm lỗi tày trời của mình.
Một buổi chiều nọ, vua Đavít dạo chơi trên sân thượng và thấy bà Bat-sê-ba, là vợ của U-ri-a đang tắm. Vua sai quân hầu đưa bà đến với vua. Ít lâu sau đó, bà Bat-sê-ba báo tin cho vua hay là bà đã có thai với nhà vua.
Vua Đa-vít tìm cách chạy tội bằng cách truyền lệnh cho chồng của Bát-sê-ba là U-ri-a từ mặt trận về và xúi U-ri-a về nhà ăn ở với vợ, để U-ri-a tưởng rằng chính anh ta là tác giả của bào thai trong dạ Bát-sê-ba. Nhưng việc không thành vì U-ri-a cứ nằm ngủ ở đền vua mà không chịu về nhà.
Thế là vua Đa-vít lập mưu giết chết U-ri-a ở ngoài mặt trận, rồi đón bà Bat-sê-va về cung, làm vợ mình (II Sam 11 và 12).
Vua Đavít đã phạm một tội tày trời: giết U-ri-a để cướp của anh ta… mà vẫn ung dung như không có gì xảy ra.
Vì thế, Thiên Chúa sai tiên tri Na-tan đến cảnh tỉnh vua.
Nhà tiên tri trình với vua: “Trong thành kia, có một người giàu sang phú quý có cả đến hàng ngàn chiên dê và bò, trong khi đó, một người nghèo bên cạnh chỉ có một con chiên nhỏ mà ông ta rất yêu quý, coi như đứa con gái của ông. Thế rồi khi người giàu có khách, ông không bắt chiên mình đãi khách mà lại cho tôi tớ đi bắt con chiên độc nhất của người nghèo làm thịt.”
Nghe đến đây, vua Đavít bừng bừng nổi giận. Vua quát: “Đồ khốn kiếp! Nó đáng chết! Nó phải bị trừng phạt và phải bồi thường gấp bốn vì việc nó đã làm…” Tên khốn nạn đó ở đâu?
Tiên tri Na-tan thưa: “Tâu bệ hạ. Người ấy chính là vua. Nhà vua đã có nhiều thê thiếp lại còn nhẫn tâm giết chết Uria và cướp người vợ độc nhất của anh ta.”
Bấy giờ vua Đavít mới nhận ra tội mình và ăn năn khóc lóc thảm thiết.
Chua chát thay, vua Đa-vít thấy rõ tội nhỏ của người ta mà không thấy thứ tội tày trời của mình. Tội mình to như núi, mình không thấy; Tội người ta chỉ bằng viên sỏi, ta thấy rõ ràng.
Đúng như lời Chúa nói: Người ta thấy rõ “cọng rác trong con mắt của người khác, mà cái xà ngang trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới.”
Vì thế, Chúa Giê-su dạy: “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã.” Nghĩa là hãy xét mình cho kỹ để thấy cho rõ lầm lỗi của mình mà chừa bỏ trước đi.
Muốn lấy “cái xà ra khỏi mắt mình”, tức là muốn sửa mình, muốn chừa tội thì trước hết phải biết nhận ra lầm lỗi của mình, đừng mù quáng như vua Đa-vít xưa.
Nếu chúng ta biết cơ thể mình bốc mùi khó chịu, chúng ta sẽ tắm rửa ngay. Nếu không nhận ra mùi hôi của mình, chúng ta cứ để cho mình hôi hám. Nếu chúng ta thấy mặt mình dơ bẩn, chúng ta sẽ lo rửa sạch ngay. Nếu không nhận ra vết nhơ trên khuôn mặt, chúng ta không cần lau mặt. Nếu chúng ta không nhận ra những thói hư tật xấu của mình, những điều xằng bậy của mình, những điều đê tiện của mình… thì làm sao chúng ta có thể sửa mình nên tốt được?
Tuy nhiên, nhận biết được tội của mình là điều rất khó.
Muốn biết mặt mình dơ hay sạch, chúng ta cần tấm gương soi. Muốn biết được lầm lỗi và những thói hư tật xấu của mình, chúng ta cần nhờ đến cha mẹ, thầy cô, cũng như những người chung quanh chỉ lỗi cho.
Ngoài ra, chúng ta cần xem xét mình hằng ngày để nhận ra lầm lỗi của mình mà sám hối.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con thường xuyên nhìn vào nội tâm của mình, vào cách xử sự, vào cách ăn nết ở của mình để nhận ra những sai phạm lỗi lầm trong đó và quyết chí sửa đổi ăn năn. Nhờ đó, chúng con mới có thể cải thiện cuộc sống, để trở thành người có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức, xứng tầm người con Thiên Chúa.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=============================
Suy niệm 3
Cái Xà Cái Rác

Giả hình là việc phô trương bên ngoài nhằm che dấu thực tại bên trong. Thánh Kinh kết án sự giả hình, nhất là trong những việc liên quan tới niềm tin. Khi nhắc đến cách sống của những người đạo đức giả với lối sống chuộng hình thức bề ngoài, giả hình kiểu Pharisiêu, Chúa Giêsu thốt lên: “Hỡi kẻ đạo đức giả!  Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”. 
Sống giả hình có nhiều dạng thức biểu hiện, Tin Mừng đã nhiều lần đề cập. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đặc biệt chú trọng đến hai biểu hiện của người đạo đức giả và Ngài hướng dẫn cách để sửa lối sống giả hình ấy.
1. Xét đoán người khác
Chúa Giêsu nhắc nhở về biểu hiện của người đạo đức giả, đó là thái độ che đậy mình bằng cách xét đoán người khác. Với những người này, Chúa đã mở đầu bằng lời khuyên nhủ: "Đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”. Xét đoán khi đặt mình ở phía trên cao hơn người đối diện. Xét đoán khi đặt mình vào vị trí quan tòa.
Xét đoán được ghép bởi hai động từ là xét và đoán. Xét là tìm hiểu, đoán là phỏng chừng. Xét thì khó vì phải tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân, phân tích để có sự kiện rõ ràng. Đoán thì dễ hơn, chỉ cần ước lượng là thế, phỏng chừng như vậy, đoán thì dựa trên những điều không đủ chắc, không rõ sự thật. Khi nói xét đoán một người thì có phần xét và có phần đoán. Nhiều khi phần đoán lại nhiều hơn phần xét. Sai lầm nảy sinh từ đó.
Thánh Giacôbê viết: “Xét đoán anh em là xét đoán Lề Luật. Nếu ngươi xét đoán Lề Luật thì ngươi không còn là kẻ giữ luật mà là Thẩm phán. Chỉ có một Đấng lập Luật và là Thẩm phán, Đấng có quyền cứu rỗi và tiêu diệt. Ngươi là ai mà dám xét đoán đồng loại?”(Gc 4,11-12).
Để giúp cho những người đạo đức giả sống lời dạy “đừng xét đoán”, Chúa Giêsu nói: “Anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy”, và mời gọi: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”, như thế, Chúa Giêsu đã mở một con đường của yêu thương, không xét đoán thì sẽ nhận lại được sự tình thương của Thiên Chúa. Không ai muốn bị xét xử, và khi bị xét xử, ai cũng muốn được xét xử khoan dung thông cảm. Mà muốn được khoan dung thương xót, thì trước hết, chính mình cũng phải biết thương xót khoan dung.
Một trong những cách giúp con người đừng đoán xét tha nhân là năng kiểm điểm bản thân mình. Khi con người thành thật với chính mình, họ tìm ra trong người họ cũng đầy dẫy những tính hư, nết xấu, nhiều khi còn to lớn hơn của tha nhân gấp bội. Nhận ra bản thân như thế, họ sẽ dễ dàng thông cảm và không đoán xét tha nhân.
2. Săm soi những lỗi lầm của người khác
Thái độ săm soi những lỗi lầm của người khác, thấy khuyết điểm của người khác thì muốn phóng đại; nhưng bản thân không muốn nhìn về những lầm lỗi và không muốn sửa sai những khuyết điểm của chính mình. Đây là một thái độ đạo đức giả tinh vi hơn. Nếu ở mức thứ nhất chỉ “xét đoán” thì ở mức thứ hai này mang nặng màu đạo đức kiểu như: “Dám góp ý, sửa sai và có ý tưởng giúp đỡ anh chị em nên tốt”. Với thái độ này, người ta che cho mình một lớp áo đẹp, một vẻ bên ngoài đạo mạo, là muốn làm điều tốt cho người khác, muốn chỉ bảo, sửa dạy, thay vì xét đoán. Họ hướng về người khác với ý hướng cao hơn, nhưng không dám đối diện với Chúa và cũng chẳng đủ khiêm tốn để đối thoại với anh chị em về yếu đuối hay lầm lỗi của mình. Với những người này thì họ bị cái xà ngăn chặn không cho họ thấy những điều tốt đẹp nơi người khác, họ nghĩ rằng ai cũng tội lỗi xấu xa và có cái xà lớn trong mắt giống như họ tưởng. Vì thế, những lỗi lầm của anh chị em dù nhỏ như cái rác, họ cũng biến nó trở thành to lớn như cái xà.
Chúa Giêsu dạy “đừng xét đoán” người khác nhưng trước tiên hãy xét mình, bởi vì khi mình chưa loại bỏ được cái xà trong mắt mình, là những nết xấu và thành kiến của mình, thì mình không thể thấy và lấy được cái rác trong mắt anh em. Với cái nhìn tầm xa hơn, việc xét mình còn giúp mình nhận thức rõ hơn thân phận mình trước mặt Thiên Chúa: thân phận tội lỗi. Như thế, nếu chúng ta mong được Thiên Chúa phán xét với lòng thương xót, thì chúng ta cũng phải biết sống với anh chị em bằng lòng nhân ái bao dung.
3. Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã
Để giúp cho những người đạo đức giả, Chúa Giêsu mời gọi họ nỗ lực khiêm tốn nhìn nhận lầm lỗi, hãy sửa đổi tâm hồn, hãy “lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người khác”. Hãy sửa sai chính mình trước khi đứng ở nơi cao làm thầy dạy sửa bảo người khác. Hãy đứng về phía anh em để cầu xin lòng thương xót Chúa chứ đừng dành chỗ của Chúa mà “xét đoán” anh em.
Chúa Giêsu còn dạy: xem quả thì biết cây. Thời gian sẽ cho biết cây nào xấu, cây nào tốt, khi chúng ra hoa kết trái. Thời gian sẽ cho biết ai thật ai giả. Công trình xây dựng có giá trị hay không, mưa nắng sẽ chứng nghiệm chất lượng. Chúa cũng căn cứ vào kết quả để biết rõ ai là môn đệ thật. Ngươi môn đệ thật là cây tốt sinh trái tốt.
Tục ngữ có câu:“Chân mình thì lấm bê bê, mà sao đốt đuốc đi rê chân người”. Con người khi đánh giá một sự việc, hay nhận xét về một người khác thường chỉ chú ý đến lỗi nhỏ nhặt và phóng đại lên. Họ soi mói “vạch lá tìm sâu” những khuyết điểm của người. Họ nhìn rõ những cái xấu của người trong mắt họ. Còn chính họ thì sao? Họ có khuyết điểm không, có những tính xấu không?
Chúa Giêsu nói: “Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt chính mình lại không để ý tới”. Hình ảnh “cái rác” và “cái xà” cho thấy, cái xấu của người rất nhỏ như cọng rác, còn cái xấu của mình thì rất lớn như “cái xà”. Do đó, trước khi phê bình người khác, hãy nhìn lại chính bản thân mình: “Lấy cái xà trong mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em”. Thánh Augustinô thường cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con". Biết mình thường hèn yếu lỗi lầm để đừng bao giờ khắt khe lên án anh em. Biết mình hay che đậy giả hình để cảm thông dung thứ cho kẻ khác. Biết mình thích phô trương háo thắng để đừng phê phán nhạo báng một ai.
Lời Chúa Giêsu dạy hôm nay về “đôi mắt linh hồn”. Cần sửa mình trước mới có thể giúp sửa người khác, không xét đoán trái lẽ, không săm soi xét nét, cần lấy cái xà trong mắt mình đã. Hãy thanh tẩy đôi mắt của mình trước. Mắt là cửa sổ linh hồn. Đôi mắt ấm áp của tâm hồn bao dung. Mắt chiếu tỏa đức ái của trái tim yêu thương. Thánh Giuse thấy Đức Mẹ có thai nhưng ngài không xét đoán mà chỉ âm thầm ôm lấy nổi đau lặng lẽ ra đi. Thánh Giuse trở nên người công chính. Người có lòng mến Chúa, có tâm hồn đơn sơ thì không bao giờ nghĩ xấu cho ai, trái lại họ luôn nghĩ tốt, nói tốt về người khác. Thánh Têrêxa Hài Đồng khi thấy chị nào có lỗi thì thường tự bảo mình rằng: chị đó chẳng may lỗi một điều, nhưng biết đâu lại chẳng đã làm được một trăm điều lành mà tôi không thấy. Biết đâu lỗi lầm của chị chỉ là cái màn Chúa dùng để che nhân đức sâu xa của chị.
Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã viết đại ý rằng: Có một sáng suốt đáng buồn, khi chỉ nhìn thấy những điều xấu nơi người khác. Cũng có một xét đoán đầy yêu thương, khi đã nhìn thấy những điểm sáng tốt đẹp, ngay từ nơi bóng tối những điều không tốt đẹp của anh em mình.
Thánh Phaolô viết: “Điều khiến chúng tôi tự hào là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa” (2Cr 1,12; x. 2Cr 2,17; 1Tx 2,3-10).
Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn những người chung quanh con với con mắt trong sáng để thấy những ưu diểm, nhiếu mặt tốt của họ. Xin cho chúng con biết nhận ra những thiếu sót, bất toàn của mình mà sửa trước khi sửa lỗi anh em. Amen.
 Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 =============================
Suy niệm 4
Xét đoán và kết án theo Chúa Giêsu
(Lc 6, 39-45)
Con người chúng ta thường quá độ lượng với chính mình, nhưng lại khắt khe với người khác, thấy lỗi người khác mà không  thấy lỗi của mình; phê phán người khác mà không tự phê phán mình; đó là thứ mù quáng và giả hình mà Chúa Giêsu nhiều lần cảnh báo.
Nhìn thấy cái rác trong mắt anh em dễ hơn là thấy cây đà trong mắt mình. Không phải ta không thấy vướng mắt, nhưng là vì ta quá quảng đại với bản thân, thậm chí viện dẫn muôn ngàn lý do để cho rằng cái đà trong mắt ta chẳng có là gì trước mặt mọi người. Tình trạng đó đưa ta đến một khả năng rất dễ thấy cái rác trong mắt anh em mình.
Việc Chúa dạy chúng ta phải làm là “trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi”(Lc 6, 42). Chúa muốn thay đổi cái nhìn, nhận ra mình cần được sửa đổi trước đã, để nhờ thay đổi bản thân, ta không còn thấy và muốn nhặt rác trong mắt anh em mình nữa, rộng lượng hơn đối với anh em. Chúa nói : “Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi” (Lc 6, 40). Chúa là Thiên Chúa, Người đã không khắt khe với ta, sao ta lại vượt quá cách Chúa đối xử đại lượng với chúng ta.
Thật lỗi phạm biết bao khi ta xét nét anh em! Ta quên rằng chính ta lắm khi còn tệ hơn thế nữa. Chính bản thân ta vẫn còn đầy những thói hư tật xấu. Khi lên án, chỉ trích anh em, tôi làm như thể ta vô tội. Thực ra đó chỉ là cái đà lớn che đi con người của tôi mà thôi. Tất cả chúng ta được Thiên Chúa đối xử khoan hồng với giá máu châu báu của Chúa Kitô. Nhưng thử hỏi : Chúng ta đã được tha thứ điều gì? Hãy nhớ lại những điều tệ hại và xấu xa chính bản thân ta đã làm trong cuộc đời ta. Thế mà Thiên Chúa đã tha thứ tất cả.
Chuyện kể rằng : Có một vị vị ẩn sĩ kia, khi đến thăm một đan viện, thấy một tu sĩ làm điều lỗi, ngài có ý lên án. Khi trở về chòi trong sa mạc, gặp một thiên thần đứng chặn trước cửa và nói : “Ta không cho ngươi vào”. Ngài ngạc nhiên hỏi : “Tại sao thế thưa ngài ?” Thiên thần đáp : “Thiên Chúa sai ta đến hỏi ngươi, xem ngươi đẩy vị tu sĩ ấy đi đâu ?” Lập tức, vị ấy hối hận thưa : “Tôi đã phạm tội, xin tha cho tôi”. Thiên sứ bảo : “Thiên Chúa tha cho ngươi, ngươi hãy giữ mình chớ bao giờ xét đoán ai, trước khi Thiên Chúa xét xử người ấy”.
Chắc chắn không ai muốn sống mà lúc nào cũng bị người khác để ý từng hành vi, cử chỉ. Vậy đừng làm cho người ta cái gì mình không ưa thích. Chúa nhắc nhớ chúng ta : “Hãy lấy cái đà trong mắt chúng ta trước, rồi lấy rác nơi anh em sau” (Lc 6, 42). Chúa sinh chúng ta ra mỗi người một vẻ để chúng ta đùm bọc nhau, sửa chữa nhau chứ không để hại nhau đâu. Hãy tha thứ và nhiệt tình phục vụ anh em, đừng xét đoán, đừng lên án. Đó là điều Chúa nhắn nhủ chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nghe lời Chúa dạy và đem ra thực hành trong đời sống. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=============================
Suy niệm 5
Nhận Biết Mình
Hc 27,5-8: 1Cr 15,54-58; Lc 6,39-45
Ở câu lạc bộ của những người khuyết tật, có những hình ảnh thật đẹp, cảnh tượng dẫn dắt chỉ đường khéo léo và thắm đượm tình thương: Người mù đẩy xe lăn cho người khuyết tật chân tay, người ngồi trên xe lăn sáng mắt thì chỉ đường cho người đẩy xe. Không ai có thể cho người khác điều mình không có. Ở đây họ bổ túc, sẻ chia cho nhau phần thiếu khuyết của nhau, kết quả thật êm xuôi, người mù không bị chệch đường, kẻ yếu thì đủ sức tới nơi, quá hay!
Hôm nay Thầy Giêsu cảnh báo các môn đệ trong dụ ngôn: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6,39). Với câu hỏi thách thức này, bất cứ ai cũng sẽ trả lời rõ ràng rằng không thể dắt được. Đã mù làm sao thấy đường mà dắt người ta? Tôi phải có đôi mắt sáng mới có thể giúp cho người đi trong bóng đêm, có sáng mắt mới thấy đường mà dẫn dắt người khác. Ấy là cảnh mù thể lý thì dễ nhận thấy hệ lụy của nó. Còn mù về tâm linh thì sao? Cái khó là mù bên trong lại thật khó để mà nhận ra. “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”,... trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?” (Lc 6,42). Biết mình không phải là chuyện dễ, biết được lầm lỗi của mình lại càng khó hơn. Chính con mắt của ta, nó gần mình nhất mà lại khó thấy nhất. Ta không thể biết mắt mình đẹp hay xấu nếu không soi gương, hoặc nhận biết từ người khác. Thầy Giêsu dạy muốn “dẫn dắt người” thì phải tự xét mình, phải biết mình trước đã. Khổ nỗi nhìn người khác thì chỉ thấy rõ những cái xấu chình ình mà không thấy điều tốt lành của họ. Nếu có nhìn vào mình thì chỉ thấy “ngon cơm”, chẳng thấy được “cái tôi to đùng” như cái xà đang che kín mắt.  Những xà, rác rưởi khiến ta thành người “có mắt như mù”, khi ấy có dắt người khác coi chừng lại “đưa nhau xuống hố”!... Vậy làm sao để biết được mình? Thánh Augustinô cho biết không tự mình biết được mà bởi Chúa: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Chỉ có trở về với Chúa, trong ánh sáng Người soi chiếu vào mọi ngõ ngách sâu thẳm hồn ta, mới thấy rõ mọi thứ xà rác trong mắt mình. Chính Chúa sẽ hoán cải, đổi thay, chữa lành, thanh tẩy bụi bẩn, giải thoát ta khỏi mù lòa và làm cho ta có sức thay đổi cách sống của người khác. Trong khiêm nhường, ta sẽ biết được phận mình mà không dám phê bình, chỉ trích tha nhân.
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu.” (Lc 6,43-45a). Đức Giêsu phản ánh một thực tại như lẽ thường ở đời. Người tốt ắt sẽ phát sinh những việc làm tốt lành, người xấu sẽ nảy sinh những việc làm xấu xa. Gương tốt hay gương xấu từ cha mẹ có ảnh hưởng đến con cái, cha hiền để đức cho con, con hư tại mẹ, hay gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,45b). Miệng người ta thường nói ra những tư tưởng chất chứa trong lòng. Nếu bên trong là những tư tưởng tốt đẹp, sẽ hướng đến những việc thiện hảo. Còn tư tưởng xấu sẽ dẫn đến những hành vi xấu xa, có khi độc ác. Tôi cần hướng lòng và tâm trí về những tư tưởng trong sáng tốt đẹp, tránh những tư tưởng xấu xa, vì chính những tư tưởng ấy sẽ hướng dẫn hành động của tôi. Xem quả thì biết cây, xem hành động, cách  xử sự bên ngoài thì biết rõ tâm can, nghe lời nói ra là người khác có thể biết được tim óc của mình. Lòng người có Chúa, đầy Chúa thì hay nói về Chúa và trổ sinh hoa trái tốt lành từ Chúa. Cuộc đời tôi đang thuộc loại “cây” nào sẽ được kiểm chứng bằng hoa trái các việc làm. Có thể tôi nhận biết mình đang là cây sâu, cần bám lấy Thầy Giêsu, để có Thầy cứu chữa, chăm sóc thì vẫn có thể trở thành cây tươi tốt cho mà xem, mà “nhìn thấy” ơn cứu độ của Chúa chúng ta.
Én Nhỏ
 
 
Én Nhỏ    
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log