Một người cha có hai đứa con
------------
Tôi đang đợi người đó và người đó có thể đang chờ tôi!
Hãy tưởng tượng tình cảm của hai người bạn hoặc đôi vợ chồng đã ly thân trong một thời gian dài, hy vọng họ sẽ có thể gặp lại nhau. Các nghĩa vụ của cuộc sống đã rời xa họ. Họ có bao giờ gặp lại nhau được không?
Chỉ sợ rằng họ bướng bỉnh và cố tình phá vỡ! Nhưng chúng ta vẫn có thể hy vọng một sự trở lại hạnh phúc:
- Và nếu họ gặp lại nhau, thì vẫn chưa phải là niềm vui trọn vẹn.
- Dù chưa trọn vẹn, nhưng làm vơi đi nỗi buồn và sự kiên nhẫn chờ đợi trở thành một bài ca.
- Dù tình cảm lúc này chưa mặn nồng như thuở ban đầu, nhưng sẽ đến lúc chúng ta chắc chắn rằng sẽ không thất vọng.
Đó cũng là một phần ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta gọi là câu chuyện về người con trai hoang đàng, hay còn được gọi là người cha nhân lành hoặc một người cha có hai người con. Câu chuyện này có thể giúp chúng ta tìm lại những gì tốt đẹp trong tương quan gia đình, bạn bè hoặc đối với Thiên Chúa mà chúng ta đã đánh mất.
Cửa vẫn mở
Nhìn chung chúng ta vẫn thích những câu chuyện kết thúc có hậu. Khi say xưa đọc một cuốn tiểu thuyết, chắc chắn những thách đố xẩy đến cho một người anh hùng nào đó làm chúng ta chú ý. Trong thâm tâm sâu xa, chúng ta biết rõ mọi sự sẽ kết thúc đều được sắp xếp cả rồi. Tất cả đều đẹp nếu cái kết tốt đẹp!
Đó cũng là câu chuyện về đứa con hoang đàng của bài Tin Mừng hôm nay. Lúc đầu anh bỏ nhà ra đi đến một phương xa ăn chơi trác táng...Ăn chơi trác táng rồi hết tiền. Anh phải đi làm thuê chăn heo...Anh đói và muốn ăn cả cám heo mà người ta cũng không cho... Anh nghĩ cần phải trở về với người cha của mình, một người cha đang đợi chờ anh...Câu chuyện kết thúc, đó là một bữa tiệc ăn mừng...
Câu chuyện này đối với chúng ta hôm nay, xem ra là khá lạ, có phần nào không thực tế chăng? Mở đầu câu chuyện, chúng ta thấy ít đề cập đến người con hoang đàng và người anh cả. Nhân vật người cha như là nhân vật chính xuất hiện từ đầu cho đến kết thúc câu chuyện. Ngay từ đầu, sau khi chia gia tài cho con, người cha cảm thấy mình thiếu một điều gì đó. Đứa con trai thứ rời khỏi nhà. Và ngôi nhà như có tang. Rồi một cuộc chia ly luôn khó sống. Cuộc chia ly này mong muốn trở về và muốn gặp lại. Khi ước mong gặp lại được toại nguyện, liệu chúng ta có thể nói được rằng, đó là hạnh phúc không?
Nếu đọc và suy ngắm kỹ bài Tin Mừng và liên kết với các mối phúc Chúa Giêsu dạy, chúng ta có thể trả lời rằng chưa hạnh phúc trọn vẹn. Cụ thể, cuộc phiêu lưu của người cha không dừng lại ở bữa tiệc, ca hát và nhảy múa. Sự ra đi của đứa con thứ đã tạo nên một khoảng trống. Và rồi một khoảng trống tương tự được lặp lại ở đoạn cuối. Nỗi đau của người cha lại khơi lên khi đứa con trai cả không chịu bước vào nhà dự tiệc.
Chúng ta sẽ không bao giờ biết kết thúc của câu chuyện. Hay chính xác hơn, kết thúc của câu chuyện là lời cầu xin, lời mời của người cha. Người cha van xin, người cha nói ước muốn của mình. Giữa cha và con, sự tách biệt không tuyệt đối; đứa con được mong chờ và người cha luôn chờ đợi. Cánh cửa vẫn mở! Nói cách khác, sự tách biệt giữa một người cha với người con chắc chắn có thể được nối lại. Cửa vẫn mở, nhưng vẫn là một bước để tiếp tục thực hiện. Thiên Chúa luôn đợi chờ chúng ta và của vẫn mở! Mỗi người chúng ta cần xét lại tương quan của mình đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta:
Có thể chúng ta không phải là đứa con hoang đàng trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng có thể là đứa cả: tuy ở gần cha, nhưng mối tương quan với cha không phải là tương quan hiếu thảo. Gần cha nhưng lại rất xa cha. Gần cha nhưng lại tách biệt cha. Với quan niệm Cha chúng ta ở trên trời, còn chúng ta ở dưới đất. Từ trời xuống đất, khoảng cách là quá xa. Chúng ta là con của người cha trên trời. Đôi khi chúng ta xa rời người cha đó. Người cha đó chờ đợi chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta và cửa vẫn mở. Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta như thế!. Chúng ta chờ đợi Ngài. Chúng ta ước mong Ngài: “Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”.
Như vậy, Chúa Cha và chúng ta vẫn có một khoảng cách. Khoảng cách này đòi hỏi chúng ta phải đi tiếp trong hy vọng và đợi chờ. Khoảng cách đó đang lưu hành giữa chúng ta với Thiên Chúa là Cha chúng ta và giữa chúng ta với nhau. Khoảng cách đó không cho phép chúng ta nghỉ ngơi tại chỗ và thỏa mãn. Nhưng chắc chắn sẽ có ngày đoàn tụ vì Cha chúng ta đang van xin chúng ta vào dự tiệc và còn ban cho chúng ta nghị lực để chúng ta không ngừng tiến về phía trước.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
Hãy mau trở về cùng Chúa
Lc 15, 1-3. 11-32
Ngày 13/4/2007, đài BBC đưa tin: Ông Chang Po – yu, một bác sĩ thú y làm việc tại vườn thú Shoushan, thành phố Cao Hùng, Đài Loan, bắn thuốc mê vào một cá sấu thuộc giống hung dữ, nặng đến 200 kg, để chữa bệnh cho nó. Yên trí cá sấu đã bị mê vì thuốc, ông thò tay rút ống tiêm ra. Thình lình, con cá sấu quay đầu và ngoạm luôn cánh tay của ông.
Nhìn cánh tay của mình nằm gọn trong miệng cá sấu, ông Chang lâm vào tình trạng tuyệt vọng, vô cùng tiếc nuối và đau đớn khôn cùng. Đây là nỗi đau thương mất mát khủng khiếp nhất đời.
Thiên Chúa rất đau lòng khi ta phạm tội
Nỗi đau thương của ông Chang trong câu chuyện trên đây nói lên phần nào nỗi đau thương khôn nguôi của Thiên Chúa khi Ngài đánh mất chúng ta là một chi thể rất yêu quý của Ngài.
Từ ngày lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, chúng ta được tháp nhập vào Thân thể Chúa Giê-su và trở nên một chi thể của Ngài (Giáo lý công giáo số 1267).
Thánh Phao-lô cũng nhắc nhở chúng ta nhìn nhận sự thật quan trọng nầy: "Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?" (I Cr 6, 15).
Thế nhưng, tội trọng như một nhát dao ác nghiệt cắt lìa chúng ta khỏi thân mình Chúa, gây ra một hậu quả kép rất đau thương: Về phía mình, chúng ta trở nên như cành nho lìa cành, như bàn tay đứt lìa cơ thể; về phần Chúa, Ngài vô cùng đau đớn vì mất một phần cơ thể rất thân thương!
Như bàn tay lìa thân thì phải hư thối và phải chết thế nào thì người tội lỗi tách lìa Thiên Chúa cũng gánh lấy hậu quả tương tự: Họ trở nên hư hỏng, mất đi phẩm chất cao đẹp và đánh mất sự sống thiêng liêng được Thiên Chúa thông ban từ ngày lãnh bí tích Thánh Tẩy.
Hậu quả nầy được Chúa Giê-su minh họa bằng hình ảnh đứa con hoang đàng trong tình trạng đói rách thảm hại, ngày ngày sống giữa đàn heo bẩn thỉu và cầu mong được ăn bớt phần của heo nhưng chẳng ai cho (Lc 15, 14-16).
Như bàn tay bị cắt lìa thân không thể hoạt động và không mang lại lợi ích gì cho thân thể thì người tội lỗi cũng không thể lập được công đức gì, cho dù có làm được những việc to tát lớn lao. Theo thánh Phao-lô thì khi ở trong tình trạng tội lỗi, lúc không còn đức mến, thì dù có nói được các thứ tiếng của loài người và thiên thần, có chuyển núi dời non hay đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hoặc nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt… thì cũng chẳng đạt được ơn phúc gì (Cô-rinh-tô 13, 1-3).
Thiên Chúa rất mừng vui khi người tội lỗi trở lại với Ngài
Trở lại câu chuyện ông Chang bị cá sấu ngoạm mất cánh tay trên đây.
Khi thấy tình cảnh bi đát của ông Chang, người ta liền đưa ông đi cấp cứu. Còn những nhân viên khác thì bắn hai viên đạn vào con cá sấu để giành lại cánh tay và đem ngay đến bệnh viện để các bác sĩ nối lại cho ông.
Sau 6 giờ phẫu thuật, các bác sĩ Đài Loan đã thành công trong việc ráp nối lại cánh tay bị đứt lìa cho nạn nhân và sức khoẻ của ông Chang Po – yu đang bình phục trở lại.
Sau cuộc phẫu thuật, truyền hình đã quay cảnh ông Chang Po – yu tươi cười sung sướng. Ông cảm thấy đây là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời.
Niềm vui có lại được cánh tay của ông Chang cũng diễn tả đúng niềm vui của Thiên Chúa khi có người tội lỗi ăn năn hối cải trở lại với Ngài.
Niềm vui đó được Chúa Giê-su diễn tả qua Tin Mừng hôm nay như sau: Người cha sai bảo các tôi tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.”
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa vô cùng đau đớn khi chúng con phạm tội trọng xa lìa Chúa và Chúa quá đỗi mừng vui một khi chúng con sám hối, ăn năn trở lại với Ngài.
Khi phạm tội xa lìa Chúa, xin giúp chúng con mau mau quay lại với Ngài như cánh tay đứt lìa phải được cấp tốc tháp nối lại với thân mình để Chúa khỏi đau buồn tiếc nuối vì mất đi một chi thể thân thương và để chúng con không trở thành “cánh tay chết” vì phải xa lìa Chúa là nguồn ban sự sống thiêng liêng cho chúng con. Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=======================
Suy niệm 3
HẠT NGỌC CỦA TIN MỪNG
Đại văn hào người Anh, Charles Dickens, xem dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là câu chuyện hay nhất, là hạt ngọc đẹp nhất của Tin mừng.
Tình thương của cha đối với hai con, nổi bật nơi người con thứ.
1. Người con thứ, biểu tượng người tội lỗi
Người con thứ đòi cha chia gia tài rồi bỏ đi vô tình. Rời quê nhà, nơi sinh trưởng, nơi nó được nuôi dưỡng và lớn lên. Trẩy đi miền xa, người trai trẻ mang nổi khát khao mãnh liệt là ra khỏi luỹ tre làng, muốn nhìn xem thế giới mới lạ bên ngoài, thích miền xa hơn là ở quê nhà.
Người con thứ bỏ nhà ra đi với tiền bạc và lòng kiêu ngạo. Nó ra đi không phải để học hành, tìm kiếm việc làm. Nó đi ăn chơi đàng điếm, phung phí hết tài sản và sức khoẻ, bất kể đó là mồ hôi nước mắt của cha mẹ, bất chấp tiếng tốt của gia đình. Chơi bời nên mau chóng suy sụp. Nó trở nên hèn hạ khi đi chăn heo và muốn ăn thức ăn của heo. Heo là con vật người Do thái ghê tởm.
Khi trở về nó chẳng còn gì cả, tiền bạc, sức khoẻ, danh giá, lòng tự trọng… mọi thứ đã bị nó tiêu xài hoang phí. Nó chỉ còn lại một điều duy nhất là “đứa con nhỏ của cha nó”.
Động lực nào đã khiến nó trở về ? Thánh Luca viết rõ: “Hồi tâm lại, nó nói: biết bao người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây ! Thôi, đứng lên, tôi sẽ về cùng cha tôi”. Như vậy động lực nó trở về là đói, vì miếng ăn. Trước khi bị đói chắc chắn nó không bao giờ nhớ đến cha, không bao giờ sám hối vì bỏ cha ra đi, không thấy băn khoăn hồi tâm về mái ấm gia đình, nơi còn có cha già chẳng biết đau yếu ra sao, không thấy tiếc nuối vì phá tan cả sự nghiệp của cha. Khi bị cơn đói hành hạ, phải đi chăn heo, nó mới băn khoăn tìm đường về. Cái hồi tâm, cái băn khoăn của nó là làm sao để được ăn. Nó dự tính nói với cha là nó “trót phạm lỗi nghịch với trời, nó không còn đáng gọi là con, nó chỉ xin được đối xử như người làm công”.
Đó phải chăng là một cuộc trở về trọn vẹn ? Đó là cuộc lên đường được thúc đẩy bởi lòng sám hối hay sao ? Sự thống hối của nó chỉ là vị kỷ nhằm khả năng có thể sống sót thôi.
Nếu người con thứ thành công xây dựng cơ nghiệp, có lẽ sẽ không hiểu được tình cha. Vì nếm mùi thất bại chua chát của cuộc đời nên nó lên đường trở về. Nó không đủ can đảm đi làm người ăn xin. Nó không đủ liều mạng để đi trộm cướp. Nó không dám đánh đổi cả cuộc đời để gây tiếng xấu. Nó sống bằng nghề lương thiện là đi chăn heo, sống bằng sức lao động của mình. Từ kinh nghiệm của vực thẳm này, nó mới hiểu được mặt trái cuộc đời. Đó không là chốn nương thân cho kẻ nghèo khổ, không là chỗ hạnh phúc cho kẻ khố rách áo ôm, không là chỗ cho kẻ cô thân cô thế. Vì vậy, chỉ còn một con đường duy nhất là trở về xin tha thứ và làm công cho cha để có cơm ăn áo mặc.
Tất cả ý nghĩa của cuộc trở về được diễn tả cách cô đọng trong những lời “Cha ơi... con không đáng gọi là con Cha nữa”.
Giuđa đã phản bội Chúa, Phêrô đã chối Chúa. Cả hai đều đánh mất tình con cái. Giuđa không còn tiếp tục tin tưởng mình vẫn là con Chúa, không tin vào lòng tha thứ của Chúa nên đã đi thắt cổ tự vẫn.Còn Phêrô khi ở giữ sự tuyệt vọng đã muốn nối lại tình Cha con với những giòng nước mắt thống hối. Giuđa chọn cái chết. Phêrô chọn sự sống.
Đọc câu chuyện, thấy sự trở về của người con thứ chẳng phải là mẫu mực. Sự trở về lý tưởng phải là sự trở về của lòng sám hối với tình yêu tha thiết. Nhưng trong thực tế cuộc sống, nhiều khi ban Bí tích Hòa giải, tôi đã gặp nhiều hối nhân, sau 5 năm, 10 năm thậm chí đến 20 năm, 30 năm mới trở về cùng Chúa. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Những bầm dập của của cuộc đời, những gian truân vất vả, những thất bại chua chát… đã cho họ rút kinh nghiệm là cần trở về với Chúa để tìm lại bình an nội tâm, đón nhận niềm vui và hạnh phúc. Chính Chúa đã yêu thương, đã tác động và một khi nào đó như Chúa muốn họ trở về cùng Ngài. Như thế họ đã chọn lấy sự sống. Gặp gỡ nhiều hối nhân như thế, tôi cảm thông với người con thứ.
2. Người con cả, biểu tượng người biệt phái
Hiếu thảo, vâng phục cha, không đi hoang, không ăn chơi. Con người lao động cần cù có tinh thần trách nhiệm, không rượu chè trác táng, chỉ lo ruộng rẫy nương vườn. Anh là con người mẫu mực. Thế nhưng, biến cố đứa em trở về đã bộc lộ con người thật của anh.Tuy ở trong nhà cha nhưng lại xa trái tim cha. Tại sao cha đãi tiệc bê béo cho thằng em bất hiếu, còn anh một con bê nhỏ để vui với bạn bè cũng không có? Anh tức giận vì thấy quyền lợi bị xúc phạm. Anh chẳng chịu vào nhà. Tôi chẳng thích chút nào về người con cả với ý thức trách nhiệm cao, chăm chỉ làm việc, trung thành với gia đình nhưng lại chẳng học được lòng nhân hậu của cha. Lòng “người công chính” có thể trở nên hẹp hòi như thế sao?
Hoá ra, cả hai người con vừa khác lại vừa giống nhau. Cả hai đều ở ngoài nhà cha. Con thứ không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi. Con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào nhà. Anh thiếu bao dung và thiếu tha thứ cho em. Thái độ của người con cả là thái độ tiêu biểu của người biệt phái, luật sĩ hôm qua và hôm nay. Ích kỷ cho quyền lợi riêng mình. Tự mãn về cách giữ luật “con không hề trái lệnh cha một điều nào”, tự hào về cách sống đạo “ không như thằng con của cha”. Tự hào tự phụ tuân giữ nghiêm nhặt Lề Luật, kiêu hãnh mình là người công chính mà khinh chê lên án những người khác. Chỉ muốn kẻ lỗi lầm không được cứu thoát mà phải chết.
Lúc sự giận dữ bùng nổ đến cực điểm, người anh cả gặp lại tình cha. Cha đi ra năn nỉ, anh chẳng chịu nghe. Cha bộc bạch tâm tình với anh: “con ơi, mọi sự của cha đều là của con, chúng ta phải ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Lời cha làm anh bàng hoàng xúc động vì anh hiều rằng mình quá ích kỷ, quá nhỏ mọn. Cái ích kỷ làm anh tẩy chay sự trở về của đứa em. Cái nhỏ mọn làm anh xua tan lòng bao dung của cha. Tình cha lớn hơn cuộc đời anh, lớn hơn tính ích kỷ trong anh.
Hình ảnh người con cả thật gần với chúng ta. Phụng dưỡng cha mẹ với trách nhiệm, chứ chưa phải là tình thương. Không chia sẻ nổi buồn, nổi khổ tâm, nổi âu lo của cha mẹ. Chỉ biết than trách và đòi quyền lợi cho mình thật nhiều. Ghen tị, chỉ trích phê bình, đặt mình là tiêu chuẩn cho mọi việc đạo đức. Thiếu lòng bao dung, không chịu tha thứ. Hình ảnh đó thật giống tinh thần biệt phái, có đạo mà không có đức.
Cả hai người con cần phải trở về. Sám hối chính là trở về với tình cha, trở lại với anh em.
3. Người cha, hình ảnh Thiên Chúa
Khi chia gia tài cho con, lòng cha đau đớn vô cùng. Vì tôn trọng tự do của con chứ không vì cha nhu nhược. Ngày nhìn con ra đi, bóng nó nhạt dần cuối chân trời như cánh chim bay, lòng cha thấy trống trải quá, muộn phiền quá vì thiếu vắng hình bóng con. Ngày ngày cha ngóng trông đợi con trở về. Thế rồi một ngày kia, đứa con trở về thật. Nó về trong dáng vẻ thất bại thảm hại, thất thểu rách nát. Thua cuộc đời nó về làm dấy lên những lời bình phẩm của làng xóm. Giả như nó không về, người ta sẽ lãng quên. Nay nó trở về nhắc cho bà con lối xóm thấy sự thất bại của gia đình ông. Con ông về trong thất bại chua cay là câu chuyện đám tiếu đầu làng cuối xóm. Vậy mà ông mở tiệc ăn mừng. Thật lạ lùng!
Ở đời, khi con thi đậu đại học, khi con công thành danh toại vinh quy bái tổ, khi con là Việt kiều về thăm, cha mẹ mở tiệc ăn mừng, mời bà con làng xóm đến chia vui. Người ta thường dấu kín chuyện thất bại của con cái. Cha mẹ mắc cở không dám kể về đứa con bất hiếu, ngổ nghịch, ăn chơi đàng điếm. Người ta chỉ khoe đứa con ngoan, tự hào đứa con học hành thành đạt, vui mừng khi con có việc làm có sự nghiệp. Thế mà, người cha lại mở tiệc lớn. Mừng đứa con trở về thất bại tả tơi. Khách mời ngỡ ngàng khi chủ nhà giới thiệu con ông về nhà sau những ngày chăn heo đói khổ. Thế nhưng, người hiểu tình yêu là gì, tình phụ tử là gì thì thông cảm và chia vui với người cha.
Người cha đã tha thứ cho con thứ trước khi con tự thú. Cha vui “vì đứa con đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy”.
Người cha cũng nói với người con cả bằng cung giọng thật trìu mến:“Con à, lúc nào con cũng ở với cha.Tất cả những gì của cha đều là của con…Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Người cha muốn giúp con trai khám phá chiều kích tha thứ của tình yêu. Tình cha là lời mời gọi vượt qua thái độ duy luật để mở rộng tấm lòng trước tình thương yêu.
Dung mạo người cha đó, chính là Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Thái độ người cha đối với hai đứa con là thái độ của Thiên Chúa đối với con người. Trong trái tim Thiên Chúa chỉ có tình thương. Người không có trí nhớ về tội lỗi con người.
Cha yêu con dù con hư hỏng, bất trung. Cha yêu con không vì con ngoan được việc. Cha yêu con chỉ vì con là con. Cha không muốn mất một đứa con nào. Thiên Chúa của Đức Giêsu mạc khải là người cha nhân hậu, hiền từ, bao dung, hay tha thứ.
Hành trình thiêng liêng của cuộc đời, cả hai người con trong dụ ngôn đều có mặt trong mỗi con người chúng ta. Nhiều lần ta nghe theo cơn cám dỗ của thế gian xác thịt rồi nên hoang đàng, hoang phí, gặp thất bại đau khổ mới hối hận trở về với Chúa. Nhiều lần ta là con cả tưởng mình đạo đức nên lên án tẩy chay người khác. Người con cả khi biết đứa em hư hỏng được Cha đón nhận thì buồn giận, không muốn vào nhà. Cuộc trở về của người này lại làm cớ cho cuộc ra đi của người kia. Kẻ ra đi lại là kẻ trước đây coi như đàng hoàng ! Thực đáng buồn khi thấy: chính Chúa không cản ta trở về với Chúa. Nhưng kẻ cản ta lại là một loại con nào đó của Chúa. Cần trở về với Cha, về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Sám hối là trở về với tình Chúa, với tình anh em. Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui và sự sống.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=======================
Suy niệm 4
THIÊN CHÚA CỦA CHÚNG TA LÀ THẾ ĐÓ!
(Gs 5,9-12; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32)
Có một câu chuyện kể lại như sau: một bà già thường đến gõ phòng cha xứ, kể cho ngài nghe rằng: đêm qua Chúa mới hiện ra với bà.
Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, cha xứ bảo: “Lần sau nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Người ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất?’ Sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.
- “Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con”.
- “Thế bà có hỏi Ngài không?”
- “Thưa có chứ”.
Cha xứ bắt đầu hồi hộp:
- “Bà hỏi thế nào?”
- “Thì con hỏi y như Cha đã bảo: ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất?’”
Cha xứ càng hồi hộp thêm:
- “Vậy Chúa có trả lời không?”
- “Có chứ”.
Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:
- “Chúa nói sao?”
- “Chúa nói: ‘Ta đã quên hết rồi’”.
Cha xứ thở phào nhẹ nhõm!!! (Kể theo ĐHY. Fx. Nguyễn Văn Thuận).
Vâng! Thiên Chúa của chúng ta là như vậy. Ngài yêu thương và sẵn lòng tha thứ mọi lỗi lầm cho chúng ta. Tình yêu của Người là một tình yêu luôn đi bước trước và hướng tha. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Đức Giêsu kể các dụ ngôn hôm nay.
1. Thiên Chúa là Đấng Thương Xót
Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu nhiều lần và nhiều cách Ngài mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa cho các Tông đồ và dân chúng. Rõ nét nhất chính là nơi ba dụ ngôn: con chiên lạc, đồng xu đánh mất và người cha nhân hậu (x. Lc 15,1-32).
“Nơi các dụ ngôn này, chúng ta thấy toát lên một điều rõ rệt, đó là Thiên Chúa luôn sung sướng, vui mừng hân hoan khi thực hiện được một hành vi tha thứ, đây là điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin, vì lòng thương xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu thương và mang lại an ủi bằng ơn tha thứ” (x. Tông Sắc LTX., số 9).
Căn tính này thật rõ nét nơi hình ảnh người cha nhân hậu. Nơi người cha này, ông đã không màng chi đến tội lỗi của đứa con hư thân mất nết, ông cũng chẳng mong anh ta phải nói lên lời xin lỗi sau những tháng ngày sa đọa... Nhưng, với ông, ông chỉ canh cánh một điều là: mong sao nó trở về để tha thứ và yêu thương. Thế nên, khi thấy đứa con tội lỗi trở về trong thân hình tiều tụy thê lương, ngay lập tức, một loạt cử chỉ phi thường của tình yêu đã được ông hành động như: chạy ra, ôm hôn, truyền mang áo đẹp mặc cho cậu, xỏ vào tay, mang dép vào chân và mở tiệc ăn mừng (x. Lc 15, 20-23). Niềm vui tha thứ này diễn tả niềm vui Nước Trời, bởi lẽ, Thiên Chúa “muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Mt. 9, 12-13), nên: "Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (Lc. 15, 10). Đây cũng là biểu hiện của sự thành công và quyền năng của Thiên Chúa khi lòng thương xót của Người đến được với đối tượng cần ơn tha thứ, vì: “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài” (Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4).
Chính vì lẽ đó, nên khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài đã sống và mạc khải cụ thể cách trung thành về lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại qua chính cuộc đời, hành động, lời rao giảng và nhất là nơi cái chết trên thập giá, để qua đó, nhân loại hiểu được rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
2. Sứ điệp cho Giáo Hội
Phụng vụ hôm nay, Đức Giêsu muốn mặc khải cho Giáo Hội là hiền thê của Ngài biết rằng: “Lòng thương xót là bản chất của Thiên Chúa. Chính lòng thương xót này đã nuôi dưỡng, chống đỡ và trở thành mục đích của Người”.
Điều này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến trong Tông Sắc về Lòng Thương Xót. Ngài viết: “Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính là lòng thương xót. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng thương xót. Tình yêu, thương xót và thông cảm chính là phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo Hội”. Và ngài cảnh tỉnh: “Có lẽ từ lâu chúng ta đã quên trình bày và sống theo lối đi của lòng thương xót. [...] Thật đáng buồn khi nhận ra trải nghiệm về tha thứ ngày càng trở nên hiếm thấy trong nền văn hóa ngày nay. Kể cả đôi khi từ ngữ này dường như cũng đang dần biến mất! Tuy nhiên, không có chứng từ của sự tha thứ, thì đời sống sẽ cằn cỗi không sinh hoa trái, như bị cô lập trong vùng hoang mạc trống vắng!”. Và ngài mời gọi: “Đã đến lúc Giáo Hội phải thực thi phận vụ hân hoan loan báo sự tha thứ. Đã đến lúc trở về với điều căn bản là mang lấy những yếu hèn và khó khăn của anh chị em chúng ta. Sự tha thứ là động lực làm bừng lên sức sống mới và truyền thêm can đảm để giữ vững niềm hy vọng cho tương lai” (x. Tông Sắc LTX., số 10).
Lời mời gọi thực thi lòng thương xót dành cho Giáo Hội là hiền thê của Đức Giêsu, thì cũng là lời kêu mời dành riêng cho mỗi chúng ta.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
“Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót” (Lc 6,36). Đây là: “Luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta” (x. Tông Sắc LTX., số 2).
Qua các dụ ngôn hôm nay, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi mặc lấy tâm tình của Thiên Chúa, đó là quảng đại, tha thứ, nhẫn nại và yêu thương.
Vì: “Nếu Chúa đã chà đạp và ném mọi tội lỗi chúng ta xuống lòng biển sâu” (x. Mk 7,18-19), thì đến lượt chúng ta, mỗi người cũng phải vứt bỏ tội lỗi của anh chị em mình sang một bên, để chỉ còn tình yêu và lòng tha thứ ngự trị nơi hành động, lời nói và tâm tưởng của ta.
Muốn làm được điều đó, chúng ta phải cảm nghiệm được sự vĩ đại của tình yêu mà Thiên Chúa đang dành cho mình, bởi lẽ: nhiều lúc, chúng ta cũng hoang đàng như người con thứ, cũng phung phí tiền bạc, thời giờ, sức khỏe và Ơn Thánh cách vô bổ; hay nhiều khi chúng ta cũng kiêu ngạo, tự phụ, để rồi khinh bỉ, rũ bỏ và loại trừ những người tội lỗi, không cho họ có cơ hội để trở về với lòng thương xót của Thiên Chúa như người con cả... ấy thế mà Chúa vẫn thương. Đây là mầu nhiệm vĩ đại, vì Thiên Chúa của chúng ta là như thế. Ngài luôn quên hết mọi lỗi lầm của ta và chỉ mong một điều, đó là ơn tha thứ được đến với ta mãi mãi.
Mong sao, ngay trong giây phút này, mỗi người chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con thứ để thưa lên với Đấng Giàu Lòng Thương Xót rằng: “Lạy Chúa xin tha thứ cho con vì con là kẻ có tội”; đồng thời tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa vì Ngài đã phán: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1, 18), và hãy biết tha thứ như Thiên Chúa là Đấng hay Thương Xót để chúng ta cũng được Thiên Chúa xót thương. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
=======================
Suy niệm 5
Tình Cha
Gs 5,9a.10-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32
Các người thu thuế và người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Nhìn cái cảnh gai mắt này, những người Pharisêu và kinh sư khó chịu mà dè bỉu: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. (Lc 15,2). Để làm sáng tỏ khung cảnh gây khúc mắc và đánh giá xấu của họ, Đức Giêsu mới kể dụ ngôn nổi tiếng về một người cha với hai thằng con khác nhau của ông.
Đầu tiên là thằng con thứ “giời đánh thánh vật”, bất cần đời, xấu xa đê tiện hết chỗ nói. Sau khi bỏ nhà đi biệt xứ sống trác táng, tung phá hết sạch của cha cho, chẳng còn gì và lâm vào cảnh thân tàn ma dại, đói rách bẩn thỉu, cùng cực, nghèo nhất trong các người nghèo, thèm cả cám heo mà chẳng ai cho. Đến lúc này anh mới hồi tâm và quyết đứng dậy đi “về với cha” gọi là cho bớt khổ, chứ chẳng mong còn được gọi là “con”. Chao ôi! ai mà ngờ được cha anh đứng ngóng tự bao giờ, nhào đến mà hôn lấy hôn để, chẳng kể gì hôi hám bẩn thỉu, chẳng hỏi tội, tra xét tiền của đâu hết…? Cha còn huy động mang áo đẹp nhất, xỏ dép, đeo nhẫn (được lại sự trung tín, xác tín, lại thành quý tử) và còn hô hán mở tiệc để ăn mừng nữa chứ! Tại sao có chuyện bao dung tha thứ đến ngược đời như vậy? Chỉ có tình yêu mới lạ lùng như thế, chỉ có tình yêu mới có thể lý giải được.
Nhiều khi chúng con dùng tự do Chúa ban mà đi hoang. Khi muốn trở về lại không hiểu biết tình Cha yêu thương con đến rồ dại như thế, nên chúng con ngại ngần sợ hãi vì những lỗi tội, những xấu xa dơ bẩn, bất xứng của chúng con. Xin cho chúng con nhận ra tình yêu vô bờ của Cha mà mạnh dạn tìm về bên lòng Cha. Xin cho chúng con hiểu rằng: tình yêu của Cha ngàn lần vượt lên che lấp tội con. “Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm. Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển”. (Mk 7,18-19).
Thứ đến là người con cả, ngày ngày ở bên cha, tiếng là ngoan ngoãn, hiếu nghĩa với cha. Thấy cảnh người cha vẫn mở rộng vòng tay yêu thương mà đón thằng em ăn hại mò về, anh nổi giận, oán hận cha xử sự bất công: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha… Còn thằng con của cha đó…” (Lc 15,29-30). Nghe những lời khó nghe như vậy của con mình, cha anh không quát mắng, vẫn một mực năn nỉ, lấy lời dịu dàng ngọt ngào và dạy anh phải biết thương em: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15,31-32). Chỉ có tình yêu mới làm người cha có thể đối xử tuyệt vời như vậy. Nghe đến đây không biết các bác Pharisêu và kinh sư đã rõ ra chưa nhỉ? Còn chúng con, nếu đang yên trí là mình tuân giữ đầy đủ, có lẽ cũng đang à ra mình cũng vậy thôi. Chúng con ở “trong nhà cha”, mà nhắm mắt chẳng nhận ra tình Cha yêu thương âu yếm mỗi ngày, thì lòng vẫn xa Cha vời vợi.
Chúa ơi! con sinh ra từ tình yêu Ngài, con lớn lên trong vòng tay Chúa. Xin giữ con để con thuộc về Chúa trong suốt đời con. Dù khi thất vọng, dù khi lỗi tội, xin giúp con khiêm cung trở về với tình yêu vô bờ của Cha.
Én Nhỏ