Thứ năm, 09/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 1 Mùa Chay Năm C

Cập nhật lúc 09:45 07/03/2019
Suy niệm 1
Chúa Giêsu vào sa mạc và chịu cám dỗ
-------------------
Hãy bước vào sa mạc
Mùa Chay là một thời gian đặt bước chân của chúng ta vào những bước chân của Chúa Giêsu. Đó là hướng cái nhìn sâu xa của chúng ta vào Ngài, như Ngài hướng nhìn Cha Ngài và được nghe Cha Ngài nói với chúng ta về Ngài: “Con là con rất yêu dấu của Ta”. Khi vào sa mạc, Chúa Giêsu muốn dành toàn bộ thời gian để làm cho cuộc gặp gỡ này với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trở nên sâu xa và thân mật hơn.
Từ cuộc gặp gỡ đó, Ngài sẽ sống trong suốt sứ vụ của Ngài. Liên kết với sứ mệnh của Chúa Kitô, chúng ta hãy đi vào Mùa Chay với tinh thần giống như Ngài trong sa mạc. Chính niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, giống như của Chúa Giêsu tin tưởng nơi Cha Ngài, làm cho chúng ta chiến thắng cám dỗ, được cứu độ và tham dự vào công trình cứu độ tất cả mọi người. 
Ý nghĩa của bốn mươi ngày
Một vài khoảnh khắc không thể đủ để chúng ta đưa ra lựa chọn đúng đắn về cuộc sống. Tất cả những lựa chọn của con người xuất hiện trong suốt cuộc đời của chúng ta là kết quả của sự trưởng thành chậm chạp. Sự trưởng thành của đức tin không chỉ là sự suy tư hay huấn luyện, mà còn là thành quả của một cuộc đối thoại, một cuộc đối thoại với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện.
Trong sa mạc, Chúa Giêsu không đối thoại với ma quỷ: Ngài vạch mặt hắn. Hắn tinh ranh quỷ quyệt muốn ngăn chặn Chúa Giêsu đưa ra những lựa chọn đích thực cho sứ mệnh của Ngài. Bằng mọi cách, mục tiêu chính của Sa-tan là phá vỡ thái độ hiếu thảo của Chúa Giê-su đối với Cha Ngài. Những cám dỗ, những lựa chọn sai lầm mà ma quỷ bày đặt ra cho Chúa Giêsu là gì? Và những cơn cám dỗ đó có đến với chúng ta không?
Đói. Trong sa mạc, với quyền năng Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể dễ dàng thoát khỏi cơn đói. Nhưng Ngài muốn sống thân phận của một con người trong giới hạn của cơn đói này, cũng như nhiều người thời nay đang đói khổ. Chúa Giêsu đói để cảm thông đối với những người thục sự đói về của ăn vật chất. Cũng xuất phát từ sự cảm thông đó, Ngài đã ban bánh cho nhiều người đói ăn. Ngài chia sẻ bánh cho chúng ta để biến đổi con tim chai đá của chúng ta trở nên con tim thịt biết yêu. Đồng thời, Ngài muốn làm rõ rằng cơn đói này không phải là để giảm cân, giảm mỡ máu trong cơ thể như nhiều người thời nay thực hiện. Ngài nói: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
Quyền bính
Cám dỗ thứ hai mà ma quỷ đặt ra cho Chúa Giêsu, đó là quyền bính. Trong suốt cuộc đời công khai của Chúa, người ta thường yêu cầu Chúa thực thi uy quyền của Ngài. Chính các môn đệ cũng muốn thế! Chúa không làm theo yêu cầu của họ. Hơn nữa, Ngài còn quở trách Phêro đồng lõa với Satan dưới hình thức cám dỗ này. Các môn đệ trên đường Emmaus đã thất vọng vì Chúa không sử dụng quyền bính. 
Sự lựa chọn của Chúa Giêsu là sống trọn vẹn ơn gọi là "Tôi tớ" cho dù phải trả bằng mọi giá. Sự lựa chọn của Chúa Giêsu là trái ngược với tinh thần thống trị của người đời. Sự thống trị của người đời dễ làm cho người này chống lại người khác, làm cho dân tộc này chống lại dân tộc kia. Chúa Giêsu dâng hiến cả cuộc đời chứng tỏ rằng Thiên Chúa toàn năng không phải là một Thiên Chúa độc đoán nhưng là Thiên Chúa phục vụ. Điều này sẽ dẫn Chúa Giêsu đến Thập Giá. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng ý nghĩa của đời sống con người, là hạnh phúc, là con người trọn vẹn và là con Thiên Chúa trọn vẹn, là trở thành người phục vụ và không độc đoán. 
Tôn giáo phục vụ cá nhân chúng ta
Cám dỗ cuối cùng là muốn Thiên Chúa và tôn giáo phục vụ cá nhân chúng ta. Tin mừng kể “Tên cám dỗ đặt Chúa Giêsu trên noc Đền thờ và nói: Nếu ông là con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi...”. Và sau này những người Biệt Phái cũng yêu cầu Chúa làm những dấu hiệu phi thường để chứng minh Thiên Chúa đứng vè phe mình. Dưới chân Thập giá, họ còn hét lên “Nếu hắn là Đấng Kito của Thiên Chúa, thì cứu lấy mình đi”. Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ làm theo ý họ về điểm này. Ngược lại, Ngài nói: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Ngài quyết định chấp nhận tình trạng đến cùng của một con người, như lời thánh Phaolo: “Bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”.
Lạy Chúa, cuộc đời của mỗi chúng con cũng đầy dẫy cám dỗ. Lúc này, chúng con không đói của ăn vật chất. Nhưng xin Chúa ban cho chúng con ơn biết đói: đói cảm thông với những người đói khổ trên khắp thế giới và đói tình thương của Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể giúp chúng con chiến thắng cám dỗ. Xin cho chúng con biết chọn lựa để chúng con hoàn toàn đặt niềm tin vào Chúa, Đấng Cứu Độ chúng con. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=========================
Suy niệm 2
Cám dỗ trong cuộc đời 
Lc  4, 1-13
Khi bàn về thân phận con người, triết gia Platon nhận định rằng: “Con người như một cỗ xe có hai ngựa kéo về hai chiều đối nghịch.” Có một thế lực cao cả lôi kéo người ta về hướng tốt và một quyền lực đen tối kéo người ta về hướng xấu; và như thế, bản thân con người bị giằng co, xâu xé bởi hai thế lực đối kháng nhau!
Cảnh xung đột nội tâm nầy nhiều khi trở nên hết sức gay gắt và ác liệt đến độ thánh Phao-lô phải đau lòng than lên: “Điều lành tôi muốn, tôi không làm; trong khi điều dữ tôi gớm ghét, tôi lại làm… Vô phúc thay con người tôi!” (Rm 7, 19.24).
Các xung đột nội tâm hay các chước cám dỗ không buông tha bất cứ ai và sẽ bám riết con người cho đến chết.
Ngay cả Chúa Giê-su cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ. Mặc dầu Ngài thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Ngài cũng hoàn toàn là con người như chúng ta, nên "Ngài cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Do-thái 4,15).
Bài Tin mừng hôm nay đề cập đến không phải một mà là đến ba cơn cám dỗ của Chúa Giê-su.
Cám dỗ thứ nhất là sử dụng quyền lực thần linh để biến đá thành cơm bánh (Lc 4,3). Nếu Chúa Giê-su thực hiện điều nầy để cung cấp cho những ai tin theo Ngài được dư đầy cơm bánh mà chẳng phải lao nhọc vất vả kiếm ăn thì hy vọng cả thế giới đều thần phục Ngài. Nhưng Chúa Giê-su bác ngay phương án nầy vì đó không phải là đường lối cứu chuộc của Thiên Chúa Cha.
Cám dỗ thứ hai là trở thành vua của thế giới, “toàn quyền cai trị các nước thiên hạ cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này” (Lc 4, 5-7).  Cám dỗ nầy còn được lặp lại khi dân chúng muốn tôn Chúa Giê-su làm vua (Gioan 6,15). Giả sử Chúa Giê-su chấp nhận làm vua thì hy vọng Ngài sẽ sớm chinh phục muôn dân nước về cho Thiên Chúa Cha. Nhưng Chúa Giê-su lập tức từ chối vì cách đó không phải là đường lối cứu độ của Thiên Chúa Cha.
Cám dỗ thứ ba là dùng quyền phép để thu phục nhân tâm, chẳng hạn như đứng trên “nóc Đền Thờ Giê-ru-sa-lem rồi gieo mình xuống” an toàn, khiến cho mọi người khâm phục và tin theo (Lc 4, 9-11). Chúa Giê-su từ khước phương án nầy, vì dùng phép lạ để lôi kéo người ta tin thờ Thiên Chúa cũng chẳng phải là kế hoạch của Thiên Chúa Cha.
Ngoài ra, Thánh sử Lu-ca cũng tiên báo rằng: Sau ba cơn cám dỗ nói trên, Chúa Giê-su còn phải đương đầu với nhiều cơn cám dỗ khác trong đời. Thánh Lu-ca viết: "Ma quỷ rút lui để chờ dịp khác” (Lc 4, 13).
Lần khác, Sa-tan còn dùng miệng lưỡi của người môn đệ thân tín là Phê-rô để cám dỗ Chúa đừng lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn. Ngay lúc ấy, Chúa Giê-su quát lại: “Sa-tan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm” (Mt 16,23).
Ngay cả khi Chúa Giê-su hấp hối trên thập giá, Sa-tan cũng chưa chịu buông tha Ngài. Lần nầy Sa-tan dùng miệng lưỡi những kẻ qua lại để cám dỗ Ngài xuống khỏi thập giá: "Nếu Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin" (Mc 15, 32).
Thế là trong suốt cuộc đời dương thế, trong thân phận giòn mỏng của kiếp người, Chúa Giê-su đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ và Ngài đã chiến thắng rất vẻ vang. Không một cám dỗ, một thách thức nào có thể khiến Ngài lùi bước.
Xưa kia, Sa-tan tìm mọi cách cám dỗ Chúa Giê-su từ bỏ đường lối của Thiên Chúa Cha để đi theo đường lối ma quỷ, thì hôm nay, Sa-tan cũng luôn tìm mọi cách để lôi kéo chúng ta đi trệch ra khỏi đường Chúa như vậy.
Tàu chạy theo đúng đường ray sẽ được an toàn vô sự, nhưng nếu tàu chạy trật đường ray, nó sẽ lao vào chỗ chết và gây ra tang tóc đau thương. Vì thế, ma quỷ luôn tìm mọi cách lôi kéo chúng ta đi trệch ra ngoài đường lối của Thiên Chúa, để xô đẩy chúng ta vào cõi trầm luân.
Mỗi người chúng ta như người leo núi đang chênh vênh giữa lưng chừng sườn núi cao. Tiếng Chúa luôn kêu gọi chúng ta leo lên cao để chung hưởng hạnh phúc thiên đàng; trong khi đó, tiếng gọi của Sa-tan và sức nặng của tính xác thịt lôi kéo chúng ta xuống vực để phải trầm luân muôn đời.
Thắng được những cơn cám dỗ, thắng được bản năng hư hèn yếu đuối của mình thật khó biết bao! Danh tướng Napoléon là người từng chiến thắng vang dội ở Châu Âu cũng phải thú nhận rằng: "Chiến thắng cả Châu Âu không bằng chiến thắng chính bản thân mình."
Lạy Chúa Giê-su,
Xác thịt chúng con rất ươn hèn và yếu đuối trong khi sức mạnh của ma quỷ thật lớn lao. Xin Chúa thông ban Thánh Thần trợ lực, để chúng con không lùi bước, không thua trận, không chìm đắm trong tội lỗi nhưng được chiến thắng vẻ vang và chung hưởng vinh quang với Chúa muôn đời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
========================= 
Suy niệm 3
Phương thế chiến thắng cám dỗ.
Tông huấn Hãy Vui mừng và Hân hoan - Gaudete et Exsultate, về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành vào đúng ngày lễ trọng kính thánh Giuse 19.3.2018 và sau đó được giới thiệu rộng rãi với mọi người trong cuộc họp báo vào ngày lễ Truyền tin 9.4.2018. Đây là tông huấn thứ ba của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau hai tông huấn Niềm vui Tin mừng (Evangelii Gaudium, 24.11.2013) và Niềm vui Yêu thương (Amoris Laetitia, 19.3.2016). Tông huấn này có 5 chương với chương mở đầu là lời mời gọi nên thánh dành cho tất cả mọi bậc sống, trong đó Đức Thánh Cha cảnh báo về một vài sự hiểu lầm liên quan đến con đường nên thánh.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, việc nên thánh không phải là cái gì đó cao siêu, khác thường, nhưng được thực hiện trong cuộc sống bình thường, với tất cả những giới hạn và yếu hèn của con người. Ngài cũng đã chỉ ra rất nhiều con đường nên thánh và nhiều mẫu gương thánh thiện trong cuộc sống thường nhật.[1] 
Tuy nhiên, con đường nên thánh không hề dễ tí nào, nó được nhắc đến như một cuộc chiến lâu dài chống lại ma quỷ, thủ lãnh của sự dữ, với những chướng ngại do ma quỷ đặt ra.“Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu trường kỳ. Nó đòi hỏi sức mạnh và can đảm để kháng cự những cám dỗ của ma quỷ và để loan báo Tin mừng. Cuộc chiến đấu này cao đẹp bởi vì nó cho phép chúng ta vui mừng mỗi lần Thiên Chúa chiến thắng trong cuộc đời của ta”.[2]
Để có thể chiến thắng trong trận chiến này, Tông huấn mời gọi các tín hữu phải biết tỉnh thức và phân định, không phải để khám phá xem ta có thể kiếm lợi thêm được những gì ở đời này, nhưng để biết được một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay đến từ tinh thần thế gian hoặc tinh thần ma quỷ?[3]
1. Ma quỷ là có thật
Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, ma quỷ không phải là một nhân vật huyền thoại nhưng có thật. “Hãy coi chừng ma quỷ! Ma quỷ có đó! Nó hành động trong bóng tối, thao túng tâm trí và ăn mòn con tim. Ma quỷ đang hiện diện đó! ngay cả trong thế kỷ XXI này. Anh chị em đừng ngây thơ.”[6].“Thật chính xác để tin chắc rằng quyền lực ác độc này đang hiện diện giữa chúng ta, nó cho chúng ta hiểu được sự dữ đôi khi lại có sức tàn phá đến như thế”. Và “chúng ta không nên nghĩ ma quỷ như một huyền thoại, một biểu tượng, một vai diễn, một nhân vật được phóng đại hay một ý tưởng. Sai lầm này khiến chúng ta mất cảnh giác, bất cẩn, không đề phòng và kết cuộc dễ bị tấn công hơn.”[7]
Thật vậy, ma quỷ là có thật, và chúng ta đang chứng kiến sự hủy hoại đến mức kinh khủng của nó đang diễn ra từng ngày trong thế giới hôm nay. “Đã quá đủ khi mở tờ tạp chí, chúng ta thấy sự dữ đang hiện diện xung quanh chúng ta, “thần dữ” đang hoạt động tích cực”.[8] Truyền thống Kinh thánh và Giáo lý Hội thánh Công giáo cho chúng ta thấy sự hiện diện rõ ràng và những hoạt động đầy mưu mô của ma quỷ trong thế gian.[9] “Ma quỷ không nhất thiết phải chiếm hữu chúng ta, nó đầu độc chúng ta bằng nọc độc của hận thù, ghen ghét, thất vọng và trụy lạc”.[10] Khi chúng ta khước từ mọi thứ bảo vệ mình, ma quỷ sẽ tấn công để phá hủy cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn của chúng ta. “Chúng như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).[11]
2. Cám dỗ của ma quỷ
Trong bài giảng sáng thứ sáu ngày 13/10/2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói đến các hành động cám dỗ của ma quỷ, rất ngọt ngào và quyến rũ; nó xâm nhập vào linh hồn con người rất nhẹ nhàng: “gõ cửa, xin phép, bấm chuông, rất lịch sự”; nó bước vào trong thinh lặng, bắt đầu trở thành một phần của đời sống. Với ý tưởng và những thúc đẩy của nó, nó giúp con người sống tốt hơn, và từ đó, bước vào đời sống, tận bên trong, bắt đầu thay đổi họ, nhưng âm thầm không gây ra tiếng ồn. Ma quỷ từ từ thay đổi những tiêu chuẩn của chúng ta, đưa chúng ta đến tình trạng thế tục; nó ngụy trang theo cách hành động của chúng ta và hầu như chúng ta không thể nhận ra điều đó.[13] Ma quỷ xứng đáng với tên gọi “là cha đẻ của sự gian dối.”
Ma quỷ không bao giờ biến mất vĩnh viễn, cho đến ngày tận thế, nó luôn tìm mọi cách để chống lại chúng ta. Mục tiêu của nó là làm cho chúng ta mất niềm hy vọng, hằng ngày gieo hạt giống bi quan và cay đắng trong tâm hồn chúng ta; nó cũng là kẻ gieo cỏ lùng để tạo nên sự chia rẽ. “Có một cám dỗ mà quỷ rất thích: cám dỗ chống sự hiệp nhất […] tạo ra chiến tranh nội bộ, một loại chiến tranh dân sự và tinh thần”… Satan là tên khuyến dụ, người đặt bẫy và người quyến rũ: “Nó khéo léo, trình bày mọi chuyện theo kiểu những chuyện này là tốt, nhưng chủ ý của nó là muốn hủy hoại tất cả.”[14]
Hành động của ma quỷ thể hiện chủ yếu trong “tinh thần bại hoại”, đó là một loại chất độc tồn tại nơi con người cốt yếu để làm u mê các giác quan thiêng liêng. Tinh thần bại hoại được diễn tả trong sự uể oải và buồn bã; trong tăm tối của cái nhìn thiêng liêng, không còn khả năng để thấy sự dữ cũng như không thể chống lại nó. Hay nói cách khác, tinh thần bại hoại là sự trì trệ và thất bại không thể tránh được trong cuộc chiến hướng đến sự thánh thiện.“Sự hủ bại tinh thần còn tồi tệ hơn việc một người sa ngã phạm tội, vì đó là một thứ thoải mái và tự mãn mù lòa, chuyện gì cũng coi như có thể chấp nhận được: lừa dối, phỉ báng, ích kỷ và các hình thức tìm mình khác rất tinh vi, vì “chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!”[15]. Không còn nghi ngờ gì nữa vì cuộc sống chúng ta phải đối mặt với cám dỗ của ma quỷ và trong nhiều trường hợp chúng ta ngập ngừng trước những thử thách. Lời Chúa rõ ràng mời gọi ta “hãy đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6,11) và “dập tắt mọi tên lửa của Ác Thần” (Ep 6,16).[16]
Chúng ta đang sống trong một thế giới chất đầy những khủng hoảng về đời sống đức tin và luân lý, cùng với những học thuyết lọc lừa, dối trá, khiến lắm người ngây ngất trong lầm lạc, đặc biệt “nhiều người trẻ có những nỗi lo sợ và có cảm tưởng mình phải sống khác với những gì trong thực tế, vì thế họ thấy cần phải thích ứng với kiểu mẫu giả tạo, sửa sang hình ảnh của mình, nấp sau những mặt nạ và căn tính giả tạo”.[49]Đối mặt với những cám dỗ của “chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy linh, khép mình trong vỏ sò, nghiện ngập, cố chấp, rập khuôn, giáo điều, sống trong quá khứ, bi quan, nấp dưới các luật lệ và quy tắc”[50]; đối mặt với “một cảm thức hoang mang, đôi khi bạo lực, gây phân tán và suy nhược; tính chất tiêu cực và bi lụy; tính tự mãn sinh ra từ chủ nghĩa tiêu thụ; xu hướng cá nhân chủ nghĩa; và tất cả những hình thức linh đạo thay thế chẳng liên quan gì tới Thiên Chúa và đang chi phối khung cảnh tôn giáo hiện nay”[51].
3. Phương thế chiến thắng cám dỗ.
Sách Giáo lý Hội thánh bảo đảm rằng: “Sức mạnh của satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một thụ tạo, có sức mạnh vì là thuần linh nhưng vẫn là thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Vương Triều của Thiên Chúa.”[12]
Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn mọi kitô hữu phải biết phân định và bảo vệ tâm hồn mình để phân biệt đâu là những gì đến từ Thiên Chúa và đâu là những gì xuất phát từ các tiên tri giả. Thật vậy, phân định là phương tiện nhằm giúp họ tìm ra những cách thế vốn có để đáp trả Thiên Chúa và lớn lên giữa các giới hạn của họ.[52]
Để đạt được điều đó điều cần thiết nơi mỗi người tín hữu là biết ở lại trong Chúa Giêsu bằng cách mở cửa lòng mình cho Ngài. Nhất là noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải có những phương thế để có thể chiến thắng.
a. Lời Chúa.
Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn 40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đổi bình thường.Ma qủy lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chúa để chiến thắng.
Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma qủy đưa ra một chước cám dỗ thì Ngài lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
- Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)
- Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)
- Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).
Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ". Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b); “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.
Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Lời Chúa sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.
b. Ăn chay cầu nguyện.
Ăn chay cầu nguyện giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế ngự bản thân. Ăn chay cầu nguyện giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân, hãm dẹp dục vọng. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân.
Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã chiến thắng cám dỗ.
Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta !
Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; GLGH #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện, chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời.Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).
Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ". Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay.
Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: "Hãy tỉnh thức". Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và thực hành ăn chay cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
****
[1] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 7 và 14
[2] Sđd, số 158
[3] Sđd, số 166 và 174
[4] Sđd, số 1
[5] Giáo Hoàng Phanxicô, Udienza Generale, Vatican 13/4/2011.
[6] x.Giáo Hoàng Phanxicô, Ma quỷ có thực. Bài giảng ngày 11/4/ 2014.
[7] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 160
[8] Giáo Hoàng Phanxicô, Udienza Generale, 6/12/2013
[9] x.GLCG số 391-395
[10] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 160
[11] Sđd, số 161
[12] GLCG số 395
[13] Giáo Hoàng Phanxicô, Tỉnh thức để chống lại sự trần tục, Vatican 13/10/2017.
[14] Gelsomino Del Guercio, Đức Giáo hoàng nghĩ gì về ma quỷ, 28/10/2017
[15]Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 165
[16] Sđd, số 162
[49] Giáo Hoàng Phanxicô, Thông Điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 33. G. Trần Đức Anh OP chuyển ngữ.
[50] Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 134.
[51] Sđd, số 111
[52] Tông huấn Amoris Laetitia, số 305
========================= 
Suy niệm 4
Noi gương Chúa Giêsu để chiến đấu với Ba Thù
(Lc 4, 1-13)
Lễ Tro, với nghi thức truyền thống bỏ Tro lên đầu, khai mạc Mùa Chay Thánh. Ba việc phải làm là: ăn chay, cầu nguyện và bố thí, vì nó diễn tả ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người kitô hữu.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để thay đổi hướng đi, lấy lại khả năng phản ứng trước thực tại sự dữ luôn thách thức chúng ta. Đây là thời gian hoán cải trở về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, canh tân cá nhân và cộng đoàn, sống thái độ sự nhưng không và lòng thương xót của Chúa.
Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay trình bày cho chúng ta biến cố “Chúa Giêsu…được Thánh Thần đưa vào hoang địa  ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2). Theo Luca thì chính Chúa Thánh Thần là Ðấng dẫn đưa Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ (x. Lc 4,1-13). Đời sống người Kitô hữu chúng ta được hướng dẫn bởi cùng một Chúa Thánh Thần, đã được lãnh nhận trong Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, được mời gọi đương đầu với cuộc chiến đấu hằng ngày của đức tin, nhờ ân sủng của Chúa Kitô nâng đỡ. Chúng ta cùng xem Chúa Giêsu bị cám dỗ thế nào và Người đã chiến thắng tên cám dỗ ra làm sao.
Tên Cám Dỗ tìm cách kéo Chúa Giêsu ra khỏi kế hoạch của Chúa Cha, khỏi con đường hiến tế và tình yêu để đảm nhận một con đường dễ dàng hơn của thành công và quyền lực. Cả Chúa Giêsu và Satan đều trích dẫn Kinh Thánh. Thực ra, để kéo Chúa Giêsu ra khỏi con đường thập giá, quỷ đã bày ra trước mắt Chúa Giêsu một niềm hy vọng sai lạc về Ðấng Messia: sung túc về kinh tế, trong lời xúi giục hóa đá thành bánh; một kiểu biểu diễn và phép lạ, với ý tưởng gieo mình xuống từ nóc đền thờ Giêrusalem và để Thiên Thần cứu mình; và cuối cùng là đánh đổi quyền lực và sự thống trị với việc thờ phượng Satan. Các chiêu ma quỷ dùng để cám dỗ Ađam và Evà (x. St 3,1-7), nó cũng dùng để cám dỗ Chúa Giêsu và chúng ta ngày hôm nay nữa.
Cám dỗ thứ nhất: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho đá này biến thành bánh” (Lc 4,3). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Từ “nếu” của Satan gợi lên sự không tin như khi cám dỗ Ađam và Evà ( x. St 3,1-7). Chúa Giêsu có thể hoàn tất các phép lạ là lẽ đương nhiên. Nhưng, cuộc đối đầu với Satan ở đây là rơi vào bẫy chết nó đề nghị Chúa Giêsu làm một phép lạ theo ý mình. Cám dỗ nằm ở chỗ : dùng sức mạnh của mình để làm phép lạ, nhưng với tư cách là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không làm thế, Người trích dẫn sách Đệ Nhị Luật “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa” (Đnl 8,3).
Quyền lực là để phụng sự Thiên Chúa Cha và phục vụ anh em. Cách nào đó, tất cả chúng ta đều bị cám dỗ tương tự. Chúng ta có ơn huệ, nhưng sống ích kỷ, không phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Điều quan trọng đối với chúng ta không phải là của ăn vật chất, ý riêng mình, nhưng là vâng theo ý Chúa tình yêu và tìm kiếm thánh ý Người …
Cám dỗ thứ hai: liên quan đến sứ mệnh của Chúa Giêsu. Ma quỷ cung cấp cho Người một phương thế đơn giản để hoàn thành Nước Chúa. Nó chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian cũng như vinh quang của nước ấy và nói: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” (Lc 4). Với chiêu cám dỗ này, Chúa Giêsu phán: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi” (Đnl 6,16).
Cám dỗ thứ ba: Nó vừa nghe Chúa Giêsu trích dẫn Kinh Thánh, nó cũng làm như vậy: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá” (Tv 91,11). Tất nhiên, chúng ta có thể tự hỏi, cám dỗ ở đâu khi mà Satan khơi lên niềm tin vào Thiên Chúa và trích dẫn Kinh Thánh?
Với chiêu cám dỗ này, Chúa Giêsu thấy ngay lập tức và chiến đấu với nó bằng đoạn khác của Kinh Thánh: “Ngươi đừng thử thách Chúa, là Thiên Chúa ngươi” (Đnl 6,16). Trong thực tế, những điều ma quỷ yêu cầu Chúa, không gì khác hơn ngoài việc nhằm cám dỗ Chúa, buộc Chúa Cha phải làm một phép lạ. Điều này có nghĩa là bắt Thiên Chúa phải phục vụ chúng ta khi mà chúng ta là kẻ phục vụ!
Rõ ràng, mục đích không biện minh cho phương tiện ! Mục đích của Chúa Giêsu là mang đến cho chúng ta Triều đại Nước Thiên Chúa, nhưng không theo kiểu thế gian, Nước Chúa không thuộc về thế gian. Cám dỗ này liên quan đến điểm trên, vì để đi đến cùng đích của chúng ta là tốt, nhưng đôi khi dùng những phương tiện, có thể chôn vùi hay cắt đứt sự sống… thế giới hôm nay, có quá nhiều tà thần chiếm vị trí trung tâm, khiến Thiên Chúa bị đẩy ra ngoài… cần biết các tà thần trong ta để chiến đấu, cần có Chúa Thánh Thần. Với ơn Chúa giúp, có Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta bước vào trận chiến thiêng liêng này, cuộc chiến mới hòng chiến thắng.
Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay 2019, Đức Giáo hoàng nhắc nhớ chúng ta rằng:“Mùa Chaytrong bốn mươi ngày của Con Thiên Chúa trong sa mạc thiên nhiên là nhằm biến nó một lần nữa trở thành khu vườn hiệp thông với Thiên Chúa như trước khi xảy ra tội nguyên tổ (x. Mc 1, 12-13; là 51, 3). Cầu xin Mùa Chay năm nay của chúng ta là một hành trình trên cùng con đường đó, mang lại niềm hy vọng của Chúa Kitô cho sáng tạo, để thiên nhiên có thể “được giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.” (Rm 8, 21). Chúng ta đừng để mùa hồng ân này trôi qua vô ích! Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta cất bước trên con đường hoán cải thực sự
Lạy Mẹ Maria, xin trợ giúp chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 =========================
Suy niệm 5
CẨN TRỌNG TRƯỚC CÁC CƠN CÁM DỖ
(Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13)
Trong hành trình tin và theo Chúa, hẳn mỗi người đều có kinh nghiệm về cám dỗ và thử thách. Có những cám dỗ không đáng kể, nhưng cũng có những thử thách chẳng đơn giản chút nào! Trước những thử thách và cám dỗ, có người coi là bình thường, lại có người cho là cam go, có người đứng vững, có người lung lay và có người ngã gục.
Tại sao lại có nhiều tâm trạng và thái độ cũng như kết cục như vậy? Thưa! Rất đơn giản, đó là khi thử thách và cám dỗ xảy đến, ta nhìn nó dưới khía cạnh nào, nhất là ta chiến đấu với ai và chiến đấu như thế nào?
Để hiểu rõ hơn về các hình thức cám dỗ cũng như cách chiến đấu trước thử thách, chúng ta sẽ lần lượt đi từ cám dỗ của dân Israel đến Đức Giêsu và sau cùng là chúng ta. Qua đó rút ra cho mình bài học để sống trong Mùa Chay Thánh này.
1. Cám dỗ của dân Israel
Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng, và đã yêu thương, bao bọc, chở che, nhất là đã dẫn họ ra khỏi Aicập, đưa vào Đất Hứa. Tuy nhiên, trên hành trình đó, họ đã gặp phải không ít khó khăn, thử thách, khiến dân không còn trung thành với Giao Ước đã ký kết với Thiên Chúa nữa.
Vì thế, họ đã vấp phải những cám dỗ:
Thứ nhất, cám dỗ về nhu cầu thân xác. Thiên Chúa đã yêu thương, nuôi dân bằng Manna và chim cút, thế nhưng, họ đã không cảm nghiệm được tình thương, ngược lại, đã tiếc nuối “củ hành, củ tỏi” bên Aicập, để rồi phàn nàn trách móc Thiên Chúa.
Thứ hai, khi Môsê lên núi để gặp Chúa lâu giờ, dân sốt ruột, nóng lòng, nên ở dưới, họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa bằng việc đề nghị Aharon cho đúc bò vàng để tôn thờ thay Thiên Chúa. Đây là cơn cám dỗ thờ ngẫu tượng.
Thứ ba, trải qua hành trình sa mạc, dân phàn nàn, trách móc, thách thức Thiên Chúa và đòi Người phải thi hành theo ý họ. Đây là cơn cám dỗ về sự kiêu ngạo.
Tất cả những cám dỗ đó, dân Israel đều ngã ngục vì lý do: không nhớ đến tình thương của Thiên Chúa và không biết phó thác nơi Người.
2. Cám dỗ của Đức Giêsu
Nếu dân Israel cũ đã ngã gục trước cả ba loại hình cám dỗ, thì Đức Giêsu, vị thủ lãnh của dân Israel mới, Ngài cũng từng trải qua ba cơn cám dỗ tương tự, tuy nhiên, Ngài đã chiến thắng hoàn toàn.
Kinh Thánh kể lại: sau khi Đức Giêsu đã trải qua hành trình dài 40 đêm ngày chay tịnh trong sa mạc, ma quỷ đã lợi dụng đúng lúc cao điểm này để tấn công Đức Giêsu.
Cơn cám dỗ thứ nhất: khi chúng phát hiện thấy Đức Giêsu đói, nó đã tiến lại và lên tiếng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi” (Lc 4,3).
Khi cám dỗ Đức Giêsu thỏa mãn cơn đói như vậy, ma quỷ muốn đánh vào các đam mê lạc thú để thỏa mãn nhu cầu thân xác. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã chiến thắng bằng việc tuyên bố: “Đã có lời chép rằng: ‘người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh’” (Lc 4,4).
Sang cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ đánh vào tâm lý ham hố danh vọng, nhất là nó khơi gợi quyền lực, háo thắng. Vì thế, chúng đã nói với Đức Giêsu: “Nếu ông bái lạy tôi thì tất cả các nước thiên hạ sẽ thuộc về ông” (x. Lc 4, 7).
Tuy nhiên, như lần đầu, Đức Giêsu cũng đã chiến thắng và khẳng định rằng: Ngài chỉ lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa (x. Lc 1,32b), vì thế, không có lý do gì khác khiến Ngài tôn thờ chúng (x. Lc 4,8; Đnl 6,13).
Cơn cám dỗ sau cùng, ma quỷ khơi gợi sự kiêu ngạo bằng việc thách thức Đức Giêsu thi thố quyền năng để gieo mình từ nóc đền thờ xuống (x. Lc 4,10). Qua cơn cám dỗ này, chúng muốn Đức Giêsu đi vào vết xe đổ của hắn, của Tổ tông và của dân Israel xưa kia!
Tuy nhiên, lần cuối cùng này, chúng cũng thất bại trước phản ứng của Đức Giêsu: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4, 12; x. Đnl 6,16).
Lý do Đức Giêsu chiến thắng cả ba cơn cám dỗ trên, ấy là vì Ngài  đã đặt trọng tâm Thiên Chúa vào trong cuộc sống của Ngài. Vì thế, sự chiến thắng của Ngài là chiến thắng trong và nhờ Thiên Chúa.
3. Cám dỗ của chúng ta
Những cơn cám dỗ của dân Israel, rồi đến Đức Giêsu sẽ mãi mãi là chiêu thức ma quỷ đặt ra cho chúng ta.
Trước tiên, về nhu cầu thân xác: khi hắn thấy việc ăn uống của con người là điều kiện không thể thiếu nếu muốn tồn tại. Vì thế, chúng luôn tấn công ta bằng thái độ: “Sống để ăn chứ không phải ăn để sống!” Nó cũng thường xuyên cám dỗ ta về nhu cầu xác thịt, ăn chơi đàn điếm để thỏa mãn bản năng.... Nhiều người đã mắc phải cạm bẫy này, nên: “Cực lạc sinh bi ai”.
Thứ đến, đó là cơn cám dỗ về lợi lộc: là con người, ai lại chẳng thích được sung túc, lợi lộc, danh vọng, quyền lực... Hiểu được tâm lý đó, nên chúng luôn tìm cách đánh vào huyệt trọng yếu của ta. Trước cám dỗ này, nhiều người đã nhắm mắt, bán linh hồn và trở thành nô lệ cho chúng, vì thế, không lạ gì khi có quá nhiều người chỉ vì một chút lợi lộc thức thời, mau qua, chóng hết mà đã chấp nhận bán rẻ lương tâm, trà đạp người khác, sống trên mồ hôi, xương máu anh chị em mình.
Cơn cám dỗ cuối cùng, ma quỷ đánh vào tính kiêu ngạo của chúng ta. Thật thế, lòng tham sân si, háo danh, muốn hơn người là cái mà nhiều người khao khát. Vì thế, ta thấy có nhiều người chấp nhận ăn mày tiếng khen. Biết được tâm lý đó, nên ma quỷ thường xuyên tung ngón đòn thâm hiểm, độc địa này để dụ dỗ chúng ta, bởi vì kiêu ngạo, háo danh là con đẻ của chúng.
4. Sống sứ điệp Lời Chúa
Như những gì đã tìm hiểu ở trên, chúng ta thấy: con người là đối tượng để ma quỷ cám dỗ. Vì thế, lời tiên báo của Đức Giêsu cho Phêrô đáng để chúng ta cảnh giác: Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo (Lc 22,31). Rồi từ chính kinh nghiệm cá nhân, thánh nhân nhắc nhở: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).
Như vậy, cám dỗ là nghề của ma quỷ, vì thế, mọi cơn cám dỗ dù lớn hay nhỏ, dù lâu hay mau, nó đều đi đến mục đích cuối cùng là làm sao cho con người phạm tội.
Đứng trước các cơn cám dỗ, chúng ta không được phép coi nhẹ hay giám khinh! Nhưng như Đức Giêsu, chúng ta hãy lấy đức khiêm nhường làm nền tảng, lấy sự hy sinh làm sức sống và lấy Lời Chúa làm võ khí. Như thế, ta mới hy vọng chiến thắng  (x. Pl 4,13).
Mong sao, trước các cơn cám dỗ, chúng ta hãy noi gương Đức Giêsu, luôn kết hiệp mật thiết với Chúa và tùng phục Người, luôn khiêm tốn và siêu thoát với của cải, danh vọng và quyền lực. Có thế, chúng ta mới hy vọng chiến thắng trước ba thù.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa đã chiến đấu và đã chiến thắng cạm bẫy của Xatan. Xin cho mỗi người biết noi gương Chúa để đối trọi với những cám dỗ trong đời sống thường ngày của chúng con. Amen.
Tu sĩ: Giuse - Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
=========================
Suy niệm 6
Chúa Chịu Cám Dỗ
Dnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đến chịu phép rửa tại sông Giođan, rồi được đầy Thánh Thần, Chúa vào hoang địa để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ.
Là một vị Thiên Chúa, nhưng Người đã không ngần ngại chia sẻ thân phận con người. Suốt bốn mươi ngày, Người không ăn gì. Qua thời gian hơn tháng trời, với sức chịu đựng của phận người, Người rất đói. Lợi dụng lúc Người đang bị cơn đói hoành hành, quỷ tấn công mời mọc: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” (Lc 4, 3). Nhưng không, cả lời thử thách mời mọc và cơn đói dữ dội không thể làm Người lung lay, Người đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. (Lc 4, 4). 
Tên quỷ bị thua Người chuyện ăn uống, hắn bày quẻ khác, cho xem tất cả các nước và cám dỗ Người về quyền hành danh lợi: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả thuộc về ông”. (Lc 4, 6-7). Ơ hay! Chắc hắn chưa biết Người là Thiên Chúa, nên mới dám lừa gạt để Người mắc bẫy về chuyện lợi danh. Đức Giêsu đáp lại minh nhiên như một Thiên Chúa đang nói với thụ tạo: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. (Lc 4, 8).
Hai lần thua như vậy mà hắn vẫn không chịu, còn dám “đặt”  Người trên nóc Đền Thờ, rồi đem Kinh Thánh ra để thách thức Chúa về chuyện kiêu ngạo: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn... và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn phải vấp chân vào đá.” (Lc 4, 9-11). Nhưng Chúa đã nghiêm giọng với hắn: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Lc 4,13).
Khi quỷ đã xoay hết cách để cám dỗ Chúa, cả ba lần tấn công đều bị thua trắng. Mặc dù bỏ đi, nhưng hắn vẫn còn... “chờ đợi thời cơ”.
Ngày hôm nay Thánh Thần Chúa cũng mời gọi chúng con vào hoang địa là chính tâm hồn mình. Thường chúng con không muốn trở về với lòng mình, vì mải mê với những thú vui thế trần, những hưởng thụ dễ dãi mà không muốn phải sửa đổi những thói hư tật xấu, những “thú dữ” của sa mạc cuộc đời, những cám dỗ vây bủa xung quanh. Trước những cám dỗ ngọt ngào mời mọc, có thể thua lần đầu chúng con sợ hãi, lần sau ngã sa cũng áy náy bất an, rồi lần nữa không thấy sao và sẽ trở nên chai lỳ, ra mất ý thức về tội lỗi, thật là nguy nan.
Lạy Chúa! chính Chúa đã vào hoang địa để cầu nguyện, chiến đấu và đã chiến thắng, xin cho chúng con trong mùa chay biết thực sự trở về với lòng mình, để qua cầu nguyện, chúng con sống gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ sức mạnh trợ lực của Chúa, chúng con sẽ cùng chiến đấu, chiến thắng với Chúa. Bởi vì “có Chúa trong thành địch thù tan nát hết”. Amen.
Én Nhỏ
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log