Thứ năm, 09/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 2 Mùa Chay Năm C

Cập nhật lúc 09:05 14/03/2019
Suy niệm 1
Ngọn hải đăng trong đêm
----------------
Trong câu chuyện Chúa Giêsu biến hình, chúng ta có thể đọc được giá trị và mật độ sự biến đổi của chính chúng ta. Vâng, mỗi người chúng ta, nếu nhìn kỹ trong cuộc sống, cũng có những ngọn núi Tabor lớn nhỏ, những khoảnh khắc rõ ràng và mạnh mẽ không thể quên được. Có những lúc chúng ta chạy trốn tình yêu Thiên Chúa hoặc có những khi Thiên Chúa luôn quan phòng ở bên chúng ta. Giống như một con tàu đang lướt sóng vượt qua một vùng biển động mạnh dữ dội. Đột nhiên trên đỉnh của một làn sóng rất mạnh hơn những cơn sóng khác, xuất hiện ánh sáng cực mạnh của một ngọn hải đăng điều khiển lối đi.
Nhìn thoáng qua, cuộc đời chúng ta có lúc như chìm xuống. Nhưng với đôi mắt mở to, liệu có phải là trong mơ không: ngọn đèn pha lại chiếu sáng trong đêm tối sắp chìm?
- Trong đời sống hôn nhân gia đình: Có những lúc tình yêu sáng như ngọn hải đăng, nhưng cũng có khi tình yêu nhạt nhòa chết chìm trong giông bão.
- Trong đời sống tu trì dâng hiến: Biết bao lần khủng hoảng về ơn gọi, nhưng có lúc sốt sắng thần tiên trong ngày khấn hoặc ngày chịu chức thánh và kỷ niệm về những ngày đó...
Chúa biến hình trước Cuộc Khổ Nạn là khoảnh khắc ánh sáng phi thường để chúng ta sống trong đêm bình thường trong suốt cuộc đời. Mặc dù có những khó khăn gặp phải, trái tim chúng ta vẫn đập và mắt chúng ta vẫn mở bắt nguồn từ một vài khoảnh khắc ánh sáng. Ánh áng Chúa Kitô trong vinh quang chạy qua chúng ta trong tương quan của chúng ta với chính Thiên Chúa.
Một cuốn sách có tựa đề "Thiên Chúa năm đó". Đó là năm 1886, có những biến cố đáng nhớ: Sự biến đổi của Charles de Foucauld, của Paul Claudel và của Therese Lisieux.
Đối với chàng trai trẻ Charles de Foucauld. Đó là cuộc gặp gỡ với linh mục Huvelin, trong tòa giải tội vào tháng 10 năm 1886 tại nhà thờ St Augustine, Paris. Anh ta muốn lập luận tất cả những rắc rối của cuộc đời mình theo cách một tay ăn chơi. Cha Huvelin ra lệnh cho anh quỳ xuống và thú nhận trực tiếp. Những giọt nước mắt của Charles de Foucauld bắt đầu tuôn xuống. Anh quyết định thay đổi cuộc sống!
Đối với Therese Lisieux. Đó là sự trở lại trongThánh lễ Đêm ở Lisieux. Năm mười một tuổi, khi thấy cha mình càu nhàu về nghĩa vụ tặng quà cho trẻ em, Therese Lisieux chợt nhận ra rằng con đường nhỏ, chính là con đường thơ ấu thiêng liêng, sẽ là con đường lớn lên trong Chúa. Cũng chính đêm Noel đó Thiên Chúa ban cho Therese quyết định tình yêu của mình ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Đối với Paul Claudel. Hôm đó Paul Claudel buồn bã. Anh vào nhà thờ Đức Bà Paris. Anh xác định vị trí: "Gần cây cột thứ hai ở lối vào của dàn hợp xướng, bên phải nhà thờ. Và trong khoảnh khắc, sự kiện chi phối toàn bộ cuộc đời tôi xảy ra. Ngay lập tức, trái tim tôi bị đụng chạm và tôi tin. Tôi tin vì một sức mạnh lôi cuốn tôi đến thế, về sự trỗi dậy của tất cả bản thân tôi, về một niềm tin mạnh mẽ đến mức, kể từ đó, tất cả các cuốn sách, tất cả các lý lẽ, tất cả các cơ hội của một cuộc sống biến động không thể làm lung lay niềm tin của tôi”. Claudel là người vô thần khi bước vào nhà thờ Đức Bà Paris. Anh là kito hữu, khi ra khỏi nhà thờ mà không thực sự biết ý nghĩa của nó. Nhưng trong tất cả các tác phẩm của anh,  anh theo sợi chỉ đỏ của biến động bất ngờ mà anh gọi là ân sủng. Và còn rất nhiều câu chuyện biến đổi khác...
Chúng ta có thể hỏi họ: họ đã bắt đầu một cuộc phiêu lưu tâm linh như thế nào mà không có ai thực sự nhìn thấy từ bên ngoài. Tại sao họ lại làm điều đó? Và họ sẽ nói với chúng ta: ở đâu đó và vào lúc nào đó trong quá khứ của họ, có một ngọn núi Thabor, một ánh sáng mà họ đã thấy một lần. Và một lần là đủ để đi, như Áp-ra-ham, rời đi với một niềm tin chắc chắn sẽ có một cuộc gặp gỡ kỳ diệu.
Như vậy, chặng đường biến đổi của mỗi người chúng ta có thể đã bắt đầu, đang bắt đầu và sẽ bắt đầu. Có những lúc chìm mình trong giấc mộng thần tiên như Phero, Giacobe và Gioan “xin được dựng 3 lều ở đó”. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xuống núi, phải trở về với bình nguyên của cuộc sống thường ngày. Biến đổi của chúng ta là những sự kiện, có thể là tầm thường, hiếm khi phi thường. Nhưng những sự kiện đó luôn được đọc trong đức tin, đọc đi đọc lại, 10 năm hoặc 20 năm sau. Đọc đi đọc lại trong đức tin để tìm được ý nghĩa của những thử thách và chướng ngại bao phủ cuộc đời chúng ta như sương mù phủ trên đại dương, và rồi sẽ vượt qua nhờ ngọn hải đăng chiếu sáng.
Biến đổi không phải là công việc của một khoảnh khắc khá đẹp và mạnh mẽ. Biến đổi phải được thực hiện trong tất cả đời sống chúng ta. Mùa Chay này nhắc nhở chúng ta điều đó. Tình yêu đích thực được sống trong thời gian chứ không phải trong sự lóa mắt của một tình yêu. Nhưng sự lóa mắt đó được trao cho chúng ta để kéo dài mãi. Gustave Thibon nói: “Tình yêu xuất phát từ sự lóa mắt của một tâm hồn không chờ đợi được gì và đóng lại trong thất vọng của một cái tôi đòi hỏi tất cả”. Trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy xin Thiên Chúa mở mắt chúng ta để phân biệt được những ngọn núi Thabor mà Thiên Chúa đã cắm cột mốc trên chặng đường chúng ta đi.! Chớ gì giáo xứ chúng ta cũng có một cuốn sách với nhan đề: “Thiên Chúa năm nay trong giáo xứ chúng ta”!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================== 
Suy niệm 2
Sống xứng tầm người con Thiên Chúa 
Lc 9, 28 - 36
Nhìn vào dáng vẻ bên ngoài của Chúa Giêsu, người đời nhận thấy Ngài chỉ là anh thợ mộc giản dị làng Na-da-rét hoặc là một ông thầy giảng dạy lôi cuốn, hấp dẫn mà thôi.
Thế rồi, qua việc Chúa Giêsu tỏ lộ thần tính, tỏ lộ chân dung đích thực của Ngài trên núi cao, ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê mới phát hiện ra căn tính của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng cao cả tuyệt vời, ẩn mình dưới hình hài con người bình dị.
Đối với những kitô hữu, chúng ta cũng thấy điều tương tự:
Nhìn vào dáng vẻ bên ngoài, chúng ta cũng chỉ là những con người hèn mọn, vô danh tiểu tốt.
Tuy nhiên, bản chất của chúng ta rất cao đẹp, rất tuyệt vời.
Dù chúng ta mang kiếp bụi trần, thân phận mỏng giòn yếu đuối, vậy mà nhờ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, Thiên Chúa nâng chúng ta lên, cho chúng ta được trở thành con Thiên Chúa, trở thành người con chí ái của Chúa tể trời đất. Cao trọng biết bao!
Dù chúng ta mang đầy tội lỗi, mang xác thịt hư hèn, vậy mà nhờ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, Chúa Giêsu cất nhắc chúng ta lên, nâng hạt bụi thấp hèn này lên… để tháp nhập vào Thân mình Ngài, cho chúng ta trở thành một chi thể trong Thân thể Ngài! Cao cả biết chừng nào!
Và nhờ trở thành một chi thể trong Thân thể Chúa Giêsu, sự sống của Thiên Chúa ba Ngôi, sự sống rất cao vời và viên mãn, không bao giờ lụi tàn, được thông ban cho chúng ta, như nhựa sống từ thân nho chuyển sang cành nho, để chúng ta được sống đời đời với Chúa! Tuyệt vời khôn tả!
Và qua Bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu ban thịt máu Ngài cho chúng ta lãnh nhận, để nhờ đó, chúng ta được nên một với Chúa Giêsu, đồng huyết nhục với Ngài và nhờ đó, được sống vĩnh cửu với Ngài. Đây là một hồng ân vô cùng cao quý.
Vậy thì chúng ta hãy vui mừng hoan lạc, hết lòng cảm tạ Chúa và phải sống làm sao cho xứng với ân huệ Chúa ban cho mình.
Ý thức mình là con Thiên Chúa để vươn lên
Một người thợ săn bắt gặp một ổ trứng phượng hoàng trong khu rừng nguyên sinh. Anh đem ổ trứng ấy về nhà, trộn chung vào ổ trứng của gà mẹ đang ấp. Mấy tuần sau, một chú phượng hoàng con xinh đẹp chào đời và được gà mẹ dẫn đi ăn chung với đàn gà con bé nhỏ.
Phượng hoàng con lớn lên bên cạnh những con gà khác, luôn nghĩ rằng mình cũng thuộc nòi giống gà như những con gà cùng lứa, cùng cào bới đống rác, đống phân… để kiếm ăn như những con gà kia.
Thế rồi, vào ngày định mệnh ấy, một con phượng hoàng oai phong từ trên cao thình lình đáp xuống khiến cả đàn gà hoảng hốt chạy tán loạn. Phượng hoàng tiến đến gần chú phượng hoàng con, chỉ cho nó biết nó không phải là chú gà tầm thường, nhưng thuộc giống nòi phượng hoàng oai phong lẫm liệt.
Thế là từ hôm đó, phượng hoàng con ngẩng cao đầu, vươn cao cổ, bắt đầu xoè cánh tập bay và chẳng bao lâu, nó xoải rộng đôi cánh, phóng mình vút lên, bay lượn giữa khung trời cao xanh lộng gió, trông thật oai hùng.
Ban đầu, khi không ý thức mình là phượng hoàng mà tưởng mình chỉ là gà, nên phượng hoàng sinh hoạt như những con gà khác, suốt ngày quanh quẩn trong sân gà vịt, moi móc rác rến kiếm ăn; nhưng một khi nó phát hiện ra mình không phải là thứ gà tầm thường mà là thuộc nòi giống phượng hoàng oai vệ, thì nó từ bỏ góc sân gà vịt, từ bỏ việc cào phân bới rác để xoải cánh bay lượn trên khung trời cao rộng,
Tương tự như thế, chúng ta cũng cần phải phát hiện ra phẩm giá cao đẹp của mình là người con Thiên Chúa, là chi thể của Chúa Giêsu… Nhờ đó, chúng ta không để mình bị vùi dập bởi những thói hư tật xấu, không đắm mình trong lối sống ươn hèn, nhưng chuyên chăm tập rèn những đức tính tốt, trau dồi cho mình những phẩm chất cao đẹp, để sống xứng tầm người con Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Từ địa vị thấp hèn, Chúa nâng chúng con lên bậc con Thiên Chúa, trở nên chi thể của Chúa và được thừa hưởng sự sống viên mãn của Ngài. Xin giúp chúng con dứt khoát từ bỏ nếp sống cũ đầy tội lỗi và bất xứng, để bắt đầu cuộc đời mới, cuộc đời cao đẹp của người con Thiên Chúa.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================== 
Suy niệm 3
Vâng Nghe Lời Người
Sau khi được tiên báo về cuộc Thương khó Chúa Giêsu sắp phải trải qua, các môn đệ đã xuống tinh thần trầm trọng, thậm chí các ông còn ngần ngại đồng hành với Chúa lên Giêrusalem.
Tin mừng Nhất Lãm tường thuật lời loan báo về cuộc tử nạn. Chúa Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi lên Giêrusalem, dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy” (Mt, 17-19).
Theo tin mừng Luca và Maccô, các môn đệ không hiểu và sợ hãi khi nghe Thầy loan báo về cuộc thương khó. “Nhưng các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc 18,34); “Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình” (Mc 10,32).
Vì không hiểu nên sợ. Sợ nên không muốn đi. Phêrô kéo riêng Chúa ra mà ngăn cản và trách móc. Chúa trách mắng Phêrô, nhưng để giúp Phêrô cần có sự can thiệp của Chúa Cha. Vì thế, biến cố Biến Hình đã xảy ra (Mt 17,1-9).
Chúa đưa ba môn đệ lên núi Tabor. Biến Hình rực rỡ nhằm củng cố tinh thần cho các môn đệ sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn.
1. Núi Tabor
Tôi có dịp hành hương lên Núi Tabor. Từ khách sạn ở Nazareth, xe đi qua những thung lũng với nhiều vườn cây ôliu, vườn chuối, vườn cam xanh tươi ngút mắt. Tabor là ngọn núi rất đẹp, nó đưa mình lên êm ả từ một cánh đồng cỏ xanh. Xe buýt chỉ đến chân núi, sau đó phải đổi xe chuyên leo núi. Lên dốc cao, đường ngoằn ngoèo theo vòng xoáy trôn ốc như đường Đèo Ngoạn Mục. Trời thật lạnh khoảng 4độ, gió thổi rét buốt trên đỉnh có độ cao 600m làm ai nấy run lên vì lạnh.
Núi Tabor có một ngoại hình rất cân đối. Núi mọc lên giữa cánh đồng như một bàn thờ giữa trời đất, giống như lễ đàn của các bộ lạc để tế thần minh. Lúc Chúa Giêsu đem ba môn đệ yêu quý lên đây, không gian phải rất im vắng. Chỉ có gió vi vu và mây nắng với rừng cây thắm một màu xanh hùng vĩ.
Núi tiêu biểu cho quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Núi là nơi mặc khải những điều trọng đại như khi xưa Thiên Chúa hiển linh trên núi Sinai với Môsê, núi Khoreb với Êlia, núi Tabor với ba môn đệ. Từ đỉnh núi, nhìn về hướng nam là làng Naim, một thành cổ hiện tại người Ảrập sinh sống, nơi đây Chúa cho con trai bà goá sống lại. Nazareth, một thị trấn sầm uất về hướng tây và Biển hồ Galilê mênh mang phía đông. Tabor, ngọn núi thiêng tạo thành một tam giác đều. Cả ba nơi đều gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu: lớn lên, truyền đạo và hiển dung. Bên ngoài, phía trái Nhà thờ vẫn còn dấu vết tường đá tu viện các cha dòng Bênêđictô một thời Trung cổ huy hoàng.
Theo sử gia Josephus thì nhóm Nhiệt Thành (Zelot) đã chiến đấu với quân Roma tại đây vào năm 66tcn. Năm 1.634 các thầy Phanxicô mới dành lại được ngọn núi này từ tay quân Thổ. Nhưng mãi gần 300 năm sau mới xây được Nhà thờ. Ngôi nhà thờ đầu tiên do thánh nữ Hêlêna mẫu hậu của hoàng đế Costantin cho xây vào thế kỷ IV SCN, qua thời kỳ Bizantin và thời thánh chiến bị phá hủy. Ngôi nhà thờ hiện tại được xây dựng trên chính nền nhà thờ cũ đó. Nhà thờ Hiển Dung xây dựng từ năm 1925 do các cha dòng Phanxicô phụ trách. Mặt tiền nhà thờ lối kiến trúc nổi bật với hai ngọn tháp vuông cao vút. Bên trong hai ngọn tháp này là hai nguyện đường nhỏ kính tổ phụ Môisen và Êlia. Một bức tranh tuyệt đẹp theo nghệ thuật mosaic phía trên bàn thờ vòm cung thánh. Chúa biến hình trong hào quang rực sáng. Hai bên có Môisen trên núi Sinai và Êlia trên núi Carmel. Phía dưới là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê.
2. Biến hình
Tường thuật biến cố biến hình, cả ba Phúc âm đều nhấn mạnh đến thái độ hoảng sợ của các môn đệ. “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông hoảng sợ” (Mc 9,6); “Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ” (Lc 9,34); “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Và khi Phêrô “ngã sấp mặt xuống đất” thì Chúa đến chạm vào ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”.
Các môn đệ không thể hiểu được hành trình của Đấng Cứu Thế sao lắm gian nan; kẻ theo Ngài làm sao không ngại ngùng sợ hãi cho được! (x. Mt 17,13-14; Mc 8,34; Mt 8,18; Mc 13,9; Lc 9,26).
Nếu người ta làm an toàn những viên thuốc đắng bằng vỏ bọc kẹo ngọt; Chúa Giêsu hoá giải tin cuộc khổ nạn bằng cuộc Biến Hình rực rỡ. Bọc kẹo chứ không bọc thuốc ngũ. Hoá giải chứ không gây mê. Chúa cho các môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh trước Phục Sinh. Chúa cho cảm nếm một chút Thiên đàng. Các ông đã tưởng là Thiên Đàng nên Phêrô xin làm ba lều để an nhàn trên núi cao, ngũ yên trong hào quang, quên đi các bạn và các cuộc truyền giáo dưới chân núi. Các ông không biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốt lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá bước vào cuộc thương khó. Hai đỉnh núi Tabor và Calvariô không xa nhau lắm về mặt địa lý, nhưng lại là con đường vạn lý. Chúa Giêsu đã nối kết hai đỉnh núi bằng con đường tình yêu cứu độ.
Biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt. Nó trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Biến cố ấy vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của các ngài trong suốt tiến trình theo Chúa Giêsu.
Câu chuyện Chúa Biến Hình trên núi Tabor được đặt làm sườn cho cả văn kiện “Tông Huấn Vita Consecrata” (đời sống thánh hiến). Thánh Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.3.1996, đúc kết những thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10.1994. Tông Huấn trình bày vẻ đẹp của đời tu. Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (số 19), hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa, chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng. Các Tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27); sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa Biến Hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75); họ còn phải trèo lên một núi khác đó là núi Calvariô (số 14;40). Nhiều năm huấn luyện trong nhà dòng, người thanh niên nam nữ nhiều khi phải “sinh” ra bốn năm lần mới biến hình nên một Tu sĩ: từ ứng sinh, thỉnh sinh, tiền tập sinh, tập sinh, khấn sinh, nhiều năm sau mới khấn trọn đời và vẫn tiếp tục hành trình biến đổi đời mình nhờ gặp gỡ Chúa Kitô.
3. Nghe Lời Người
Người sống đời tận hiến cũng như người tín hữu, muốn được “biến hình” trong đời sống cũng như muốn được trở nên “con yêu dấu” của Thiên Chúa cần phải “vâng nghe lời Người”. Không chỉ nghe bằng tai bằng mắt mà còn nghe bằng hết tâm hồn cũng như bằng cả cuộc đời quy chiếu sống theo Đức Kitô.
Cả ba Phúc âm đều tường trình tiếng nói từ trời cao. Lời Chúa Cha như giới thiệu, chuẩn nhận Chúa Con và là lệnh truyền cho chúng ta: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5); “ Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,6); “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).
Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lệnh truyền của Chúa Cha, là điệp khúc kết luận của tiếng nói từ trời cao. Điệp khúc quan trọng vì cả ba Phúc âm đều nói đến. Lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lời của Chúa Kitô là Lời Giao Ước vĩnh cửu cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, một phán quyết long trọng và công khai của Chúa Cha. Từ nay, vâng nghe Lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô.
Muốn vâng nghe lời ai đó, trước hết phải tin vào người đó. Tin một ai thì phải hiểu biết về người ấy, phải có mối liên hệ thân thiết với người ấy. Muốn tin Chúa, chúng ta phải hiểu biết và sống tương quan mật thiết với Ngài. Nhờ Lời Chúa, chúng ta được hiểu biết về Ngài và được lớn lên trong niềm tin. Nhờ cầu nguyện, chúng ta gặp gỡ, hiểu biết và kết hiệp với Chúa ngày càng thân mật hơn, đức tin sẽ vững vàng hơn. Có tin mới yêu và nghe lời người mình yêu. Chúa Cha muốn chúng ta phải vâng nghe Lời Chúa Giêsu và thực thi giáo huấn của Ngài.
Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Không chỉ nghe bằng tai, bằng mắt mà còn nghe bằng lòng trí và bằng cả cuộc sống luôn quy chiếu suy nghĩ hành động theo Chúa Giêsu. Để có thể vâng nghe lời Chúa Giêsu, chúng ta phải gặp Ngài khi dự thánh lễ, khi đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày.Nhờ đó cuộc đời chúng ta sẽ biến đổi, dung mạo sẽ đổi khác. Vâng nghe Lời Chúa, dung mạo chúng ta sẽ ngày càng thân thiện hơn, bình an vui tươi hạnh phúc hơn.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen. (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II Mùa Chay).
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
======================== 
Suy niệm 4
Chúa Biến Hình, Xin Cho Con Được Ơn Biến Đổi
(Lc 9, 28b - 36)
Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm biến cố biến hình của Chúa Giêsu, một mầu nhiệm vĩ đại. Lịch sử cho thấy ba Tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê là những tấm gương sám hối suốt Mùa Chay dẫn chúng ta tới Đại lễ Phục Sinh, khi chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của tinh thần trên thể xác, của ơn cứu chuộc trên tội lỗi.
Thánh sử Luca nhắc đến việc Chúa Giêsu đưa ba ông lên núi cầu nguyện, và đang khi cầu nguyện... bỗng có hai vị đàm đạo với Người, là Môsê và Êlia.... Một số câu hỏi được đặt ra chung quanh biến cố Chúa Biến Hình :
1. Tại sao Đức Giêsu Biến Hình ?
2. Tại sao Môise và Êlia lại có mặt lúc Chúa Giêsu Biến Hình?
3. Tại sao không phải là các Tông đồ khác mà lại là Phêrô, Giacôbê và Gioan được Đức Giêsu đưa lên núi ?
Chúng ta biết, trước khi Chúa Giêsu biến hình, Người đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi chừng năm ngàn người ăn no (x. Lc 9, 14). Vẻ chưng hửng của các Tông đồ về tương lai tươi sáng, và sự mãn nguyện về vị Thiên sai của dân chúng. Khi thăm dò ý kiến chung, Đức Giêsu đã loan báo cuộc thương khó lần thứ I (x. Lc 9, 22). Như thế, Người đã mạc khải cho các môn đệ biết rằng, con đường tiến về Giêrusalem sẽ đưa Người đến với đau khổ, tử nạn và cái chết đau thương trên thập giá, sau đó mới rạng ngời ánh vinh quang. Vì chưa nhận ra ý Chúa nên Phêrô muốn dựng ba lều ở trên núi sau khi chứng kiến Chúa biến hình (x. Lc 9, 33). Như thế, Phêrô đã muốn biến cái tạm thời trở thành cái vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với khổ đau và thập giá.
Trở lại câu hỏi tại sao Đức Giêsu lại chọn Phêrô, Giacôbê và Gioan, phải chăng là vì họ hoàn hảo hơn những người khác?
Theo Thánh Gioan Kim Khẩu, Phêrô được chọn, vì Phêrô đã từng tuyên xưng Đức Giêsu là “Ðức Kitô của Thiên Chúa” và được Đức Giêsu trao cho chìa khóa Nước Trời (x.Mt 16, 19). Hơn nữa, cũng bởi Phêrô đã yêu mến Chúa Giêsu Kitô nhiều hơn, “Lạy Chúa, Chúa thông hay mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa! ” (Ga 21, 17). Phần Gioan, vì đã yêu mến nhiều, nên được mệnh danh là “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 21, 20). Còn Thánh Giacôbê, là vì ​​phản ứng của ông đã thực hiện cùng với anh trai mình: “Chúng tôi có thể uống chén của Thầy” (Mt 20, 22), ông giữ lời và đã đi đến cùng điều ông cam kết, khiến người Do Thái không chịu nổi, đã xử trảm ông.
Tại sao không phải là một tiên tri hay ngôn sứ nào khác mà lại là Môisen và Êlia?
Sứ vụ công khai của Chúa Giêsu tại Galilê đã khiến cho dân chúng đồn đoán về Người. Có kẻ cho Người là Đấng Kitô, kẻ khác cho là Môisen hoặc Êlia, Giêrêmia hay là một tiên tri (x.Lc 9,19).
Người Do Thái không ngừng buộc tội Chúa Giêsu vi phạm luật, kẻ nói phạm thượng, kẻ chiếm đoạt vinh quang, mà theo họ, vinh quang đó là của Thiên Chúa, không thuộc về Người. Trong lúc biến hình đàm đạo với Môisen và Êlia, Người khẳng định mình còn hơn cả Môisen và Êlia nữa. Môisen là người đã trao ban lề luật cho dân chúng, nên những người Do Thái không thế nói rằng vị tiên tri thánh này đã muốn chịu đau khổ vì một người vi phạm lề luật. Còn Êlia xuất hiện cùng Chúa Giêsu, Người dạy chúng ta rằng Người là Chúa của kẻ sống và kẻ chết, cả trên trời và trong địa ngục. Đó là lý do Người biến hình cùng với Êlia là người đã không chết.
Một điều rất thú vị là Môisen đã rẽ đôi nước biển để cho dân chúng đi ráo chân, Phêrô đã đi trên mặt nước, để rồi chữa lành tất cả bệnh hoạn tật nguyện cho dân chúng, xua trừ ma quỷ, đưa mọi người về với Đức Kitô. Êlia đã làm cho kẻ chết sống lại, các Tông đồ cũng đã làm cho kẻ chết được sống lại, khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Đó là những lý do Chúa Giêsu chọn Môisen và Êlia hiện ra đàm đạo với mình.
Đức Giêsu biến hình để cho chúng ta được chiêm ngưỡng :
Vinh quang Ba Ngôi
Vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ trong biến cố Chúa biến hình. Chúa biến hình là hình ảnh loan báo trước cho biến cố Chúa Phục Sinh. Chúa mạc khải vinh quang mình cho các tông đồ với lời xác nhận của Thiên Chúa Cha: “Ðây là Con Ta Yêu Dấu!” (Lc 9, 35). Trong ánh sáng vinh quang, chúng ta nhìn thấy ánh sáng; và  được Chúa Thánh Thần nâng lên, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi qua mọi muôn thế hệ .
Lắng nghe lời Đức Giêsu
Trong biến cố Chúa biến hình, chúng ta không những chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa mỗi ngày một sâu xa hơn vừa đi từ ánh sáng này sang ánh sáng khác, mà còn được mời gọi hãy lắng nghe Lời Chúa gửi đến. Ngoài Lề Luật nơi ông Môisen và lời tiên tri nơi sứ ngôn Êlia, còn vang lên Lời của Thiên Chúa Cha chỉ cho chúng ta biết “Con Yêu Dấu của Ngài”, và mời gọi chúng ta “hãy nghe lời Người” (Lc 9, 34).
Xin ơn biến đổi
Nhìn xem và lắng nghe, chiêm ngắm và vâng phục, là những con đường dẫn chúng ta lên Núi Thánh. Ở đó, Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải trong vinh quang của Chúa Con.
Chúa biến hình, loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng cặp mắt, con tim để nhìn thấy mầu nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn thể lịch sử cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Ba thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Như thế, nếu chúng ta muốn biến đổi thành công dân Nước Trời, phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo Người. Có sẵng sàng vác thập giá Chúa gửi trao mới được theo Chúa là Đường là Sự Thật là Sự Sống để được hưởng vinh quang Phục sinh với Người.
Chúa biến hình vinh quang sáng láng, để chúng ta cũng biết biến đổi: biến đổi từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng hoàn hảo; biến đổi từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; biến đổi từ con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Lạy Chúa, xin thương giúp chúng con hiểu được ý nghĩa của thập giá Chúa và ban ơn cho chúng con biết sống mầu nhiệm thập giá Chúa trong cuộc đời, để được sống lại vinh quang với Ngài. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================== 
Suy niệm 5
HÃY BIẾN HÌNH ĐỂ ĐƯỢC SỐNG TRONG VINH QUANG
(St 15,5-12.17-18; Pl 3,17- 4,1; Lc 9,28-36)
Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để mỗi người chúng ta sống tinh thần chiến đấu với ma quỷ cũng như những khuynh hướng xấu của tội. Đồng thời cũng là mùa của những đổi mới. Đổi mới từ con người nhu nhược, yếu hèn, trở nên một con người can trường, khẳng khái, cương quyết trước cám dỗ. Từ con người bất xứng sang thánh thiện, từ con người già nua, tội lỗi, trở nên con người thanh xuân trong ân sủng.
Lời mời gọi đổi mới được chính Đức Giêsu mời gọi qua biến cố Biến Hình mà chúng ta cử hành hôm nay.
1. Ý nghĩa cuộc biến hình của Đức Giêsu
Thánh sử Luca trình thuật việc Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor. Sự kiện này diễn ra sau  khi Ngài tiên báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất (x. Lc 9, 22) cũng như nói về điều kiện cần có của người môn đệ khi đi theo Ngài (Lc 923-26), đồng thời nó cũng diễn ra trong bối cảnh Phêrô vừa tuyên xưng đức tin (x. Lc 9,18-21).
Qua việc biến hình, Đức Giêsu muốn củng cố niềm tin cho các tông đồ trước khi chứng kiến cuộc khổ nạn của Ngài, để các ông can đảm, trung thành làm chứng và chấp nhận chịu đau khổ khi cơm thử thách ập đến.
Mặt khác, Đức Giêsu muốn mặc khải cho các ông biết rõ căn tính của Ngài là Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống để đem con người về với Thiên Chúa trong vinh quang.
Khi mạc khải như thế, Đức Giêsu muốn lật tẩy những xu hướng và đam mê của các Tông đồ về Ngài theo kiểu trần tục, đó là việc thiết lập triều đại chốn trần thế..., để rồi chính bản thân các ông sẽ được bù đắp bằng những ân lộc trần gian chốn quan trường!
Thật vậy, đi theo Chúa là chúng ta đi trên chính con đường mà Ngài đã đi, con đường đó là con đường khổ giá. Nếu sẵn sàng từ bỏ ý riêng, vác thập giá để đi theo Chúa, thì cuối con đường đó mới nở hoa vinh quang, vì: hạnh phúc, vinh quang không bao giờ dành cho những người trốn tránh đau khổ. Nếu có thì cũng chỉ là thứ vinh quang phù phiếm, hão huyền do con người tưởng tượng ra và gán ghép rồi đặt tên cho nó là hạnh phúc chứ thực ra không có thật! Vinh quang có thật chính là vinh quang của những người can dự vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của chính Đức Giêsu; để đi từ đau khổ đến vinh quang.
Vì thế, để chiếm được vinh quang Nước Trời, người môn đệ phải chiến đấu không ngừng nghỉ, phải chấp nhận chết cho tội, ý riêng và ngay cả sự sống thể xác... Hành trình này quả là cam go, không dễ, sẽ có người chán nản mà bỏ cuộc, nên đây là lý do Đức Giêsu biến hình trước mặt các Tông đồ để củng cố niềm tin cho các ông.
2. Chúng ta cũng được mời gọi biến hình
Chúng ta không được diễn phúc chiêm ngưỡng cuộc biến hình của Chúa như Phêrô, Giacôbê và Gioan khi xưa! Nhưng chúng ta lại được mời gọi đi ngay vào cuộc biến hình của chính mình để được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.
Cuộc biến hình đó chính là ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, khi ấy, con người tự nhiên của chúng ta có thể ví như được đặt vào một khuôn đúc mới để xuất hiện trong một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô.      
Nhờ cuộc biến hình này, mà mỗi người chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, thành con Thiên Chúa và đền thờ Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, trải qua thời gian với những thăng trầm, yếu đuối của bản thân, nên sự tinh tuyền ấy bị ô uế, tâm hồn trong trắng bị vấy đục, khiến chúng ta trở nên con người cũ do tội lỗi vây phủ.
Điều này cho thấy, nơi con người chúng ta, luôn mang hình ảnh, dáng dấp, thái độ của Tông đồ Phêrô, hay như các Tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi cơn sốt sắng đến, chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi sự để được ở với Chúa, nhưng khi bả vinh hoa phú quý chào mời, chúng ta cũng tranh dành quyền lực và ganh đua nhất nhì với nhau trong sự ích kỷ, đê tiện của bản năng. Kinh nghiệm này đã được Thánh Phaolô thốt lên: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
Thế nên, Mùa chay chính là thời điểm thuận tiện để chúng ta làm mới lại con người của mình, để xứng đáng với hồng ân cao quý mà chúng ta đã lãnh nhận thủa ban đầu nơi Bí tích Thánh Tẩy. Điều này đã được thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24). 
Như vậy có thể nói: nếu muốn được hạnh phúc, vinh quang, chúng ta sẽ phải biến đổi như thánh Phaolô mời gọi. Đây là điều kiện để được chung phần với Đức Giêsu trong vinh quang.
3. Không biến hình thì chẳng được chung phần với Chúa!
Khi cử hành lễ Chúa Biến Hình, chúng ta cần xác tín rằng: Thiên Đàng hay hạnh phúc không thể có được nếu chúng ta sống một cuộc sống bê tha, ăn chơi, đàn điếm! Hạnh phúc Nước Trời chỉ có được sau những đêm ngày chiến đấu với bản năng, ý riêng, để chỉ sống cho Thiên Chúa và những giá trị Nước Trời, khi đã sẵn sàng khước từ sự níu kéo đầy hấp dẫn của thế gian.
Vì thế, có lẽ chúng ta phải lội ngược dòng để chấp nhận lột xác, có khi phải chấp nhận mất mát, cay đắng và đôi khi phải đánh đổi ngay cả mạng sống.
Các thánh là những người đã chấp nhận sống sự ngược đời vì chân lý và Tin Mừng để được đổi mới. Chẳng hạn như:
Môsê đã biến hình khi ông từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa. Êlia cũng vậy. Đức Giêsu thì đến chỉ để làm theo ý Chúa Cha. Phêrô và các Tông đồ, trong đó phải kể đến Phaolô, tất cả đều đã biến đổi từ con người nhát đảm, ham danh, hám lợi trở thành một con người can đảm, trung thành sống chết với đức tin, để chỉ còn giữ lại một mối lợi tuyết đối, đó là được biết Đức Giêsu và được ở trong Ngài.
Rồi trong lịch sử Giáo Hội, đã có biết bao gương sáng về những cuộc đổi đời ngoạn mục đến kỳ diệu! Thật vậy, có những vị từ một người nghiện rượu, xì ke, ma túy đến nghiện Giêsu; từ những kẻ khát tình, trác táng chốn ăn chơi, trở thành người say mê Giêsu đến độ vì Ngài mà bỏ hết mọi sự; lại có người từ gái làng chơi trở thành vị thánh; có người dùng cả một hệ tư tưởng để chống đối đạo, đi theo bè rối, khi được biến đổi, họ đã trở thành người bảo vệ các chân lý đức tin đến chết trong anh dũng, kiên trung;  có người từ trai tứ chiếng, đầu đường xó chợ lại trở thành đấng lập dòng...
Đây chính là mẫu gương điển hình về những cuộc biến hình trong Giáo Hội thời xưa và thời nay cũng như mãi về sau.
Mong sao, qua sự kiện Chúa biến hình và những mạc khải của Ngài cũng như qua gương sáng nơi các thánh, chúng ta cũng hãy làm một cuộc biến hình riêng của mỗi người để được chung hưởng hạnh phúc với Chúa bên các thánh trong Nước Hằng Sống. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
======================== 
Suy niệm 6
Chúa  Hiển  Dung
St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9, 28b-36
Tuần trước Thầy báo cho môn đệ biết trước cuộc thương khó Thầy sẽ phải chịu, các ông không hiểu, Phêrô thì không chấp nhận nổi nên can ngăn, bị Thầy mắng là “Satan…”. Hôm nay Thầy kéo ba môn đệ được yêu hơn (trong đó có Phêrô) đi riêng lên một ngọn núi cao, cho cả ba chiêm ngưỡng thước phim có một không hai: “Thầy biến đổi hình dạng”! Sướng quá các ông quên hết sự đời! Vẫn cái ông Phêrô nhanh nhảu nói vu vơ mơ mộng trong mê sảng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Lc 9,33). Chỉ “dựng lều” cho ba nhân vật trong “bức tranh tuyệt mỹ” này thôi, còn các ông thì cứ say ngắm thế này đã đủ, chả còn thiết sự gì nữa… Thế đấy, ai thấy khổ mà chẳng bàn lùi tránh né, thấy sung sướng oai phong thì ôm mơ dệt mộng chẳng muốn xa rời.
Khi chìm đắm chất ngất trong lúc cầu nguyện, ở trên núi (cảnh đất trời gần nhau), trong giây phút xuất thần, Thầy trở nên rực rỡ tuyệt trần. Ngày xưa lúc Môsê cầu nguyện gương mặt ông cũng bừng sáng lên. Hôm nay được lên núi cầu nguyện với Thầy, các ông được sung sướng ngất ngây, được chiêm ngưỡng vinh quang Thầy, trực diện với bậc Ngôn Sứ vị vọng trong lịch sử cứu độ, đàm đạo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Thầy, cuộc Tử Nạn mà Thầy đã loan báo. Phêrô hôm nay được nghe và xem thấy tận mắt. Đang say mê với cảnh thiên đường, bỗng từ trong đám mây có tiếng Chúa Cha xác nhận và kéo các ông trở về thực tại: “Đây là Con Ta , Người đã được Ta tuyển chọn,  hãy vâng nghe lời Người!” (Lc 9, 35b). Ở lại chiêm ngắm Thầy biến hình thì dễ, nhưng phải thực hành vâng nghe lời Người là điều khó hơn nhiều, phải từ bỏ mình, vác thập giá, đi vào con đường hẹp, liều mất mạng sống…
Biến cố hiển dung của Thầy nhằm củng cố đức tin cho các môn đệ, trước khi bước vào thử thách trong cuộc thương khó. Nhưng sự hăng hái này không còn tới ngày mà khuôn mặt Thầy đầy mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu, ngày xem thấy khuôn mặt đầy thương tích của Thầy trên đồi Sọ. Sau này Phêrô đã làm chứng rằng: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.” (2Pr 1,16-18).
Chúa ơi! ngày nay chúng con có đủ can đảm xuống núi làm chứng cho Thầy giữa những tối tăm trong cuộc sống thực tại, bằng những điều mình từng “thấy” khi được lên núi với Thầy không? Xin Thầy dẫn đưa chúng con vào mối tình gắn bó keo sơn với Thầy, để trong Thầy, chúng con được biến đổi từ trong ánh mắt, đôi tai, môi miệng, trái tim, để dung nhan sáng láng dịu hiền của Thầy hiện rõ trên khuôn mặt phàm trần của chúng con.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log