Thứ ba, 26/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm C

Cập nhật lúc 10:44 21/03/2019
Suy niệm 1
Hãy chọn cách sống!
------------------
Tất cả chúng ta đều cam chịu cùng một cái chết
Có những người muốn sống mà không được sống. Nhưng cũng có những người muốn chết mà không chết được. Có những cái chết do bệnh tật hoặc lý do nào đó của chính đương sự. Nhưng có những cái chết của người vô tội do người khác gây nên. Chúng ta giải thích vấn đề này thế nào?.
Tin mừng hôm nay kể: “Có những người thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philato giết mấy người Galile...trong khi họ đi lễ”. Chúa Giêsu không tố cáo sự giết người điên rồ của Philato, nhưng tuyên bố: “Các ông tưởng rằng mấy người Galile bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ư? Tôi nói với các ông: không phải thế. Nhưng nếu các ông không ăn năn hối cải, thì tất cả các ông cũng phải hủy diệt như vậy”.
Chúa Giêsu muốn nói gì về vấn đề này?Trong thực tế, chúng ta có thể chứng kiến ​​những cuộc tấn công khủng bố hoặc nhiều sự kiện khác dường như gây ra những cái chết oan uổng, chẳng hạn như tháp Slloe, sụp đổ đè chết 18 người. Chúng ta tìm cách xác định lỗi xuất phát từ đâu và tố cáo thủ phạm. Chúng ta vừa tố cáo tội phạm lại vừa chia buồn cảm thông với các nạn nhân.
Chúng ta nghĩ thế là đúng, nhưng Chúa Giêsu lại nghĩ khác. Ngài không nói về lỗi lầm là do ai, Ngài chỉ nói về tội. Ngài nói với chúng ta rằng tội lỗi, tất cả chúng ta đều ở trong đó, và đó là tội lỗi chung cho toàn nhân loại, làm cho nhân loại phải chết. Nói cách khác, chúng ta vừa là tội nhân vừa là nạn nhân của cái chết mà chúng ta không muốn.
Đối với Chúa Giêsu, tội là gì?
Trước hết Ngài không nói về tội là chống lại Thiên Chúa, chống lại luật hoặc đạo đức luân lý. Ngài chỉ nói tội là những gì dẫn đến cái chết. Nói cách khác, đó là một hành động mà chúng ta phạm chống lại chính chúng ta: khi mọi người đều muốn sống, thì tội lại đi theo con đường của cái chết.
Chúa Giêsu nói: “Nếu các ông không ăn năn hối cải, thì tất cả các ông cũng phải hủy diệt như vậy”. Ăn năn hối cải, đó là quay trở lại. Đó là học cách phân biệt các hành vi mà tất cả chúng ta phạm đều dẫn đến cái chết. Đối với Chúa Giêsu, nhân loại bao gồm chỉ một thân thể:
- Nếu chúng ta cho rằng mình chỉ là nạn nhân và đổ lỗi cho người khác, thì chúng ta chỉ là anh em giả tạo với nhau và yêu nhau cũng giả tạo.
- Nhưng chúng ta có thể trở thành anh em thực sự với nhau, khi nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có một phần tội lỗi và một phần là nạn nhân của tội lỗi dẫn nhân loại đến chết. 
- Chúng ta là anh em thực sự với nhau, khi thay vì buộc tội lẫn nhau, chúng ta hãy giúp đỡ nhau phân biệt lỗi lầm của chúng ta và tìm đường quay trở về cuộc sống.
Tất cả chúng ta đều được mời gọi để sống. Chúng ta có thể hiểu lầm câu nói của Chúa Giêsu: “Nếu các ông không ăn năn hối cải, thì tất cả các ông cũng phải hủy diệt như vậy”.  Chúng ta nghĩ rằng: nếu chúng ta ăn năn hối cải, chúng ta sẽ thoát khỏi cái chết. Chúng ta biết rõ, dù thế nào chăng nữa, tất cả chúng ta đều phải chết. Vì thế một số người lợi dụng tối đa để sống, thậm chí còn gây bất lợi  cho người khác.
Đối với Chúa Giêsu, có 2 cách sống và chết. Ngài nói rằng nếu chúng ta không ăn năn hối cải, tất cả chúng ta sẽ chết như những người Galilê bị Philatô tàn sát:
- Chúng ta có thể sống như chết nếu đóng lại trong chính mình, bị giam cầm trong tội lỗi. 
- Nhưng chúng ta có thể sống và chết vì tình yêu dành cho người khác, và đó là cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chết để cứu chúng ta khỏi cái chết. Như vậy, là Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết.
- Chúng ta có thể sống đau khổ, giống như thánh Phanxicô Assisi đã khóc vì Tình yêu không được yêu.
- Chúng ta có thể sống chịu đựng đau khổ để chia sẻ với những đau khổ của người khác.
Tưởng nhớ đến các nạn nhân các cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, Jacques Brel sáng tác một bài hát: "Nếu chúng ta chỉ có tình yêu”:
- Nếu chúng ta chỉ có tình yêu, thì chỉ một lý do duy nhất, đó là cho một bài hát và một sự giúp đỡ... 
- Nếu chúng ta có tình yêu, thì chỉ để cầu nguyện cho những điều xấu xa của trái đất
- Nếu chúng ta có tình yêu, đó là để vạch ra một con đường và buộc vận mệnh ở mỗi ngã tư đường 
- Nếu chúng ta chỉ có tình yêu thì đừng bao giờ nói chuyện với súng đạn... 
- Không có gì ngoài sức mạnh tình yêu, đó là chúng ta sẽ có trong tay bạn bè là toàn thể thế giới!
Bài hát này có thể dẫn đến kết luận của bài Tin mừng hôm nay: Khi chúng ta chỉ có tình yêu, chính cái chết trở thành nguồn sống cho mọi người và cho cả nhân loại! Nói tóm lại, ai ai cũng muốn sống, nhưng hãy chọn sống thế nào cho tốt mà thôi!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Sám hối để cứu lấy mình
Lc 13, 1 - 9
Có người nghĩ cách đơn sơ rằng khi phạm tội thì đi xưng tội là xong, sau đó, về phạm tội lại, rồi xưng tiếp... Thế là cuộc sống của họ cứ đong đưa qua lại như người đu dây: phạm tội – rồi xưng tội, xưng tội – rồi phạm tội… Và cảnh đu dây kiểu này cứ tiếp diễn mãi suốt cả cuộc đời. Những người như thế chẳng biết sám hối là gì và họ cảm thấy không cần sám hối.
Không sám hối thì sẽ bị hủy diệt
Qua Tin mừng  hôm nay, Chúa Giê-su lên án lối sống đạo theo kiểu đu dây đó. Ngài dạy rằng nếu ai không dứt khoát với tội lỗi, không thực lòng ăn năn sám hối thì sẽ bị hủy diệt, nghĩa là phải trầm luân đời đời trong hỏa ngục. Ngài mạnh mẽ lên án những người không sám hối, xuyên qua hai trường hợp sau đây.
Thứ nhất, “Khi có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng”, Chúa Giê-su liền nói: “Nếu các ngươi không sám hối, thì các ngươi cũng sẽ phải chết thảm như vậy!”
Thứ hai, nhân sự kiện có mười tám người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết cách oan ức, Chúa Giê-su cảnh báo: “Nếu các ngươi không chịu sám hối, thì các ngươi cũng sẽ chết thảm như vậy!”
Từ đó, Chúa Giê-su dạy chúng ta biết rằng nếu ai không dứt khoát từ bỏ tội lỗi và ăn năn sám hối thì sẽ phải trầm luân trong hỏa ngục muôn đời.
Sám hối để cứu lấy mình
Nếu tôi biết mình có khối u ác tính đang trong giai đoạn đầu và có thể chuyển thành ung thư kết liễu đời tôi, tôi phải làm gì? Chắc chắn là tôi phải diệt khối u đó ngay, càng sớm càng tốt, không để nó hủy hoại đời mình.
Tội lỗi cũng là khối u ác tính có sức lây lan nhanh chóng và tàn phá dữ dội; sám hối là cắt bỏ khối u tội lỗi đó để cứu mình khỏi chết, như lời cảnh báo của Chúa Giê-su:  "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, các ngươi sẽ bị huỷ diệt."
Nếu tôi là tài xế lái tàu nam bắc và dư biết rằng nếu mình lái tàu chạy trật đường rầy thì phải gánh lấy hậu quả vô cùng tai hại; thử hỏi: Tôi có điên rồ chạy trật đường rầy không? Hay là chăm chú lái tàu đi đúng đường để bảo toàn sinh mạng của mình và của bao người khác?
Phạm tội là đi trệch đường Chúa như tàu chạy trật đường rầy nên phải lao xuống vực; sám hối là quay về chính lộ để khỏi sa vào chỗ chết, như Chúa nhắn bảo hôm nay: "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, các ngươi sẽ bị huỷ diệt."
Nếu tôi làm ăn phi pháp, buôn bán hê-rô-in khối lượng lớn và biết rằng thế nào cũng bị phát hiện và phải chịu tử hình, thì tôi có tiếp tục làm điều phi pháp đưa mình đến chỗ chết, hay dứt khoát từ bỏ để tự cứu lấy mạng sống mình?
Phạm tội mà không chịu sám hối và dứt khoát từ bỏ tội lỗi… thì cũng giống như người tiếp tục buôn bán hê-rô-in mà không chịu bỏ nghề, mai đây ắt phải mang lấy án phạt đời đời như lời Chúa dạy: "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, các ngươi sẽ bị huỷ diệt."
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa như người làm vườn nhân hậu đã nài xin Chúa Cha hoãn lại cho chúng con thêm một thời gian nữa để tạo cơ hội cho chúng con sám hối và sửa mình. Xin đừng để chúng con làm cho Chúa thất vọng vì không sinh trái mà lại sinh toàn gai góc… để rồi bị hủy diệt muôn đời.
Xin cho chúng con biết tận dụng thời giờ còn lại như cơ hội cuối cùng, để nhổ sạch tội lỗi, lập thêm công đức và sinh nhiều hoa trái tốt… Nhờ đó cuộc đời chúng con thêm tươi đẹp và chúng con sẽ làm vinh danh Chúa bằng đời sống cao đẹp của mình.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 3 
Người làm vườn và cây vả
 
Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể hai sự kiện:
- Sự kiện vụ án Philatô giết người vô tội, Chúa Giêsu không ủng hộ những người quá khích trong cuộc đấu tranh của họ chống lại Roma. Sứ điệp của Người luôn rõ ràng và rất tập trung: “Thời giờ đã hoàn tất, nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy ăn năm sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15). Chúa Giêsu cảnh tỉnh: “Nếu các ngươi không sám hối thì cũng bị chết như vậy” ( Lc 13,3.5).
- Sự kiện tháp Silôa đổ xuống đè chết mười tám người ở Giêrusalem. Cũng như trong trình thuật người mù bẩm sinh (Ga 9, 2–3), Chúa Giêsu giải thích rằng “không phải vì anh ta,không phải vì cha mẹ anh ta đã phạm tội, mà anh ta sinh ra đã bị mù loà”. Người khẳng định nơi đây rằng không ai trong bọn họ là nạn nhân của trừng phạt. Thiên Chúa không tìm trừng phạt mà là nâng dậy. Tuy nhiên, mỗi người chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Người đời thường nghĩ rằng: những kẻ bị tật nguyền, những ai bị tai hoạ là bởi tội của họ hoặc do tiên nhân để lại. Họ đã đau khổ lại càng đau khổ hơn bởi quan niệm sai lầm này. Trong thực tế mọi người phải chấp nhận giới hạn của mình và hậu quả do mình gây nên hay vì sự liên đới nào đó do người khác mang lại.Chẳng hạn, hai tai nạn Chúa Giêsu đưa ra trong trong đoạn Tin mừng đều có nguyên nhân của nó. Philatô cần có tiền để xây dựng hệ thống dẫn nước đem lại lợi ích cho toàn dân. Vì thiếu tiền nên đã vào đền thờ quyên góp. Nhóm cực hữu cho hành động này là xúc phạm sự thánh nên trang bị khí giới để chống đối và bảo vệ đền thờ. Thấy thế Philatô ra lệnh giết chết họ trong đền thờ. Hành động của họ dù với mục đích tốt nhưng lại thiếu khôn ngoan nên họ đã bị thiệt mạng. Vụ án mạng tháp Silôa sập đè chết mười tám người vì lý do thiếu kỷ thuật trong việc xây cất.Vụ này cũng như vụ việc cầu Văn Thánh rạn nứt hay các công trình xây cất hiện nay bị xuống cấp mau chóng là do bớt xén vật liệu, làm dối làm ẩu. Những tai hoạ đều có nguyên nhân của nó, hoặc là do mình, hoặc là do người khác. Những người Do thái nghĩ là do có tội nên Chúa phạt họ, còn mình vô tội thì được bình yên. Điều này đưa đến sự an toàn giả tạo. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều là tội nhân nên cần phải sám hối ăn năn.
Nhân hai sự kiện thời sự, những người nổi loạn bị Tổng trấn Philatô giết và mười tám người bị tháp Silôa đè chết, Chúa Giêsu cảnh báo người đương thời phải sám hối. Điều lạ lùng là một đàng, Chúa dạy phải mau mau sám hối; đàng khác,Chúa lại kiên trì chờ đợi con người sám hối qua dụ ngôn “Người làm vườn và cây vả”. Lúc sống yên lành là lúc cần hoán cải. Cây vả trong dụ ngôn cũng ở trong tình trạng an toàn. Cây vả không cho trái độc, không làm hại cây khác, không phá cảnh quang. Nó chỉ có tội làm hại đất, sử dụng đất màu mỡ mà không cho trái. Nhiều người cũng cảm thấy an toàn như cây vả. Tự hào vì mình không làm điều xấu, chẳng làm hại ai. Thế nhưng họ lại quên rằng mình đã phạm tội không làm điều tốt, những điều tốt có thể làm được và phải làm. Nhiều người thường tự hỏi: tại sao người tốt cần phải hối cải? Tôi là người thường đọc kinh dự lễ rước lễ, không làm điều xấu hại ai, tại sao tôi phải ăn năn sám hối?
Sống đạo không phải chỉ lo tránh tội mà còn là gieo trồng cái tốt, cái thiện. Có câu chuyện kể của ông chủ tiệm đồ cổ. Vào một đêm đông, trời đã khuya, bão tuyết rơi lạnh lẽo, gió thổi mạnh rít từng cơn. Bỗng dưng có tiếng gõ cửa. Ông chủ cảm thấy khó chịu vì bị quấy rầy giữa đêm khuya. Khi cánh cửa vừa mở, một người thanh niên dáng bụi đời đang run rẫy với một bàn tay xoè ra van xin, một bàn tay đỡ cây gậy trên vai treo ít đồ đạc cá nhân. Thấy hoàn cảnh đáng thương, ông chủ đưa tay với lấy ít bánh mì, vài đồng bạc lẽ trao cho hành khách. Nhận được của bố thí, người thanh niên quay gót trở đi không nói lời cám ơn giã từ. Khi đó chợt một ý tưởng đến trong đầu ông chủ nhà là nên mời người đó vào nghĩ đỡ một đêm, nhà vẫn còn phòng khách trống, còn chăn nệm ấm êm. Tuy nhiên ông lại nghĩ nếu để cho người này ở lại thì căn nhà sạch sẽ của mình sẽ bị ẩm ướt, bị dơ bẩn. Thế rồi ông vội vàng đóng kín cửa. Hai ngày sau, có người thợ đem đến một cây gậy làm bằng gỗ quý. Khi đã thương lượng giá cả, người bán gậy cho biết, anh ta là người thợ chuyên đào mộ ở nghĩa trang. Anh vừa chôn một người thanh niên mới chết, người thanh niên này vô gia cư, không tiền bạc, không người thân. Tài sản anh ta chỉ là cây gậy, người thanh niên chết vì bị lạnh cóng, máu đông lại khi ngũ trên tuyết. Nghe đến đây ông chủ tiệm cảm thấy hối hận và xấu hổ. Ông hối hận không phải vì đã làm điều xấu mà vì điều tốt ông có thể làm cho người thanh niên nhưng ông đã không làm khiến cho anh phải chết rét. Ông chủ tiệm kết thúc câu chuyện với nổi thao thức: điều tôi ao ước là những sự dữ chúng ta làm có lẽ Thiên Chúa sẽ tha thứ. Nhưng những gì tốt chúng ta đã không làm sẽ mãi mãi không được tha thứ.
Đó cũng chính là điều Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn cây vả. Mục đích cây vả là sinh trái. Theo truyền thống, cây nho (vườn nho) tượng trưng cho dân tộc Israel (x.Tv 79,9; Osê 10,1; Gr 2,21). Cây vả được trồng trong vườn nho tượng trưng nơi đây cho các môn đệ Chúa Kitô. Người chủ vườn thất vọng không phải là cây vả sinh trái xấu, trái độc, trái chua mà là cây vả không sinh trái tốt. Cứ để thêm một năm chăm bón vun xới may ra cây vả sinh hoa trái. Chúa mời gọi thời gian sám hối hoán cải. Lời mời gọi sám hối không chỉ là lời mời gọi xa tránh sự dữ nhưng còn là lời mời gọi làm việc lành, sinh hoa trái tốt. Bởi đó, việc sám hối liên hệ ràng buộc mọi người. Ai cũng phải làm lành lánh dữ. Lánh dữ, không làm điều xấu chưa đủ, từ bỏ tội lỗi chưa đủ nhưng còn phải tích cực thực hành những điều tốt lành nữa.
Khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn được yên thân, an phận, không muốn làm phiền ai và cũng không muốn ai gây phiền hà cho mình. Vì thế một người ngoan đạo có thể bị rơi vào tình trạng tự mãn, sống ích kỷ mà không hay biết.
Dụ ngôn cây vả cho ta thấy khuôn mặt Thiên Chúa. Chúa Cha là người chủ vườn kiên nhẫn: "Ðã ba năm nay..." Ngài đã nuôi bao hy vọng: "Tôi ra tìm trái mà không thấy". Quyết định chặt cây chỉ đến sau những lần hụt hẫng. Ngài chỉ phạt khi đã làm đủ cách để lay động tim ta. Chúa Giêsu là người làm vườn kiên nhẫn không kém: "Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa". Ngài không ngừng ấp ủ chút hy vọng mong manh:"Tôi sẽ vun xới, bón phân, may ra sang năm nó có trái". Nhưng đừng quên lời đe dọa cuối cùng: "Nếu không ông chủ cứ chặt nó đi". Kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, nhưng cương quyết đòi hỏi, đó là thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Chúa Giêsu vừa thôi thúc chúng ta mau mau hoán cải, vừa chấp nhận cho chúng ta có thời gian trì hoãn.
Những lời đe doạ của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là những lời kêu gọi thôi thúc ăn năn hối cải. Nhưng Thánh Luca thích nhấn mạnh hơn về lòng xót thương và nhấn mạnh lòng nhân từ của người thợ làm vườn nho, nài xin ông chủ vườn nho hãy nhẫn nại: “Xin ông chủ hãy để nó thêm năm nay nữa..”. Người thợ làm vườn nho đầy nhân từ trắc ẩn, đầy quan tâm sát sao và đầy tình yêu đối với cây nho của mình, đó chính thật là Chúa Giêsu mà chúng ta yêu mến.
Mùa chay là mùa ân sủng. Người chủ vườn nhẫn nại và quảng đại cho cây vả thêm một năm nữa để hy vọng nó có thể sinh hoa trái. Mỗi Mùa Chay, Thiên Chúa cho chúng ta thêm cơ hội để đổi mới con người, làm nhiều việc lành bác ái phúc đức. Mỗi người không biết mình sẽ ra đi về với Chúa khi nào. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để mỗi người kiểm điểm về cây vả đời mình. Thêm một cơ hội, thêm một kỳ hạn nữa. Điều quan trọng là mỗi người đã làm gì với cơ hội và với kỳ hạn đó ?
“Sám hối” là từ thường gặp trong Thánh Kinh, nó được kêu gọi bởi Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu, các tông đồ và hôm nay luôn được lặp lại nơi sứ điệp của Giáo Hội. Bởi sám hối là động thái tiên quyết để đón nhận ơn cứu độ. Còn sống là còn cơ hội để sám hối! Nếu không tận dụng tốt cơ hội Chúa ban thì Ngài sẽ cất đi như cây vả không chịu sinh trái.
Tiên tri Êdêkien ví những cây ăn trái mọc hai bên bờ dòng sông chảy từ Đền Thờ một năm mười hai tháng đều đơm hoa kết trái, trái cây dùng làm lương thực, lá cây dùng làm thuốc (Ed 47,12). Những ai luôn biết sám hối, đời sống của họ sẽ luôn kết hợp với Chúa như cành nho gắn liền với cây nho sẽ trổ sinh hoa trái đồi dào (Ga 15).
Lạy Chúa, xin giúp con luôn sinh nhiều hoa trái thiêng liêng là những việc lành (x. Cl 10,1) nhờ luôn kết hợp với Chúa là nguồn sống của con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=====================
Suy niệm 4
Hãy hoán cải vì Chúa giầu lòng xót thương
Bước vào Chúa nhật thứ III Mùa Chay năm, lời kêu gọi "hoán cải" vang lên trong Tin Mừng hôm nay như là sự cảnh báo. Mượn lời nguyện cầu của các Giáo phụ chúng ta thưa cùng Chúa: "Lạy Chúa, xin thương con, vì con là kẻ có tội !"
Sau hai tuần sám hối, ý thức mình là kẻ tội lỗi, chúng ta can đảm theo Chúa Giêsu bước tiếp vào trong sa mạc của Mùa Chay Thánh, "hướng nhìn" lên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, và thưa: "Mắt tôi hướng nhìn Chúa không biết mỏi, vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới. Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con, vì thân này bơ vơ cùng khổ" (Ca nhập lễ), Chúa sẽ cứu giúp chúng ta.
Tin vào lòng Chúa thương xót không phải là dễ, vì trước mắt chúng ta có biết bao chuyện buồn đẫm lệ: các thảm kịch về tai nạn hàng không, những vụ khủng bố người giết người giã man hơn, những tội lỗi do chính con cái Giáo hội gây ra … Chúng ta vẫn hát với niềm tin rằng: "Chúa nhân từ và thương xót".
Có người hỏi, lòng nhân từ và thương xót Chúa ở đâu, khi trái tim con người bị tan nát bởi những cái chết đau thương của người thân, của anh em đồng loại... thật khó để chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương và muốn điều tốt cho nhân loại?
Vấn nạn giả thiết rằng, sự bất hạnh xảy đến với con người là đích đáng. Vì vậy, khi chúng ta chứng kiến những người bị bệnh nan y hoặc chết đột ngột, người đời hỏi :"Họ đã làm gì sai chăng? " Hay có sự trừng phạt tức khắc mà họ phải hứng chịu? Đây không phải là điều Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng.
Vậy, làm thế nào để có thể chấp nhận và sống sự khác biệt giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự bất hạnh của con người? Chúng ta còn nhớ việc Thiên Chúa giải thoát dân Ngài ra khỏi Ai Cập và cho họ đi qua Biển Đỏ ráo chân không? Liệu còn nhớ Thiên Chúa dẫn dắt dân Ngài qua sa mạc, nuôi dân bằng bánh bởi trời, và uống nước từ tảng đá vọt lên để dân đi đến tận Đất Hứa không? Chỉ cần nhớ lại những hành động Thiên Chúa trợ giúp con người, như thư I Côrintô, Thánh Phaolô tiên báo trước đời sống Kitô hữu, những người đã được rửa tội trong Chúa Kitô là Đá tảng tuôn trào mạch nước sự sống và nuôi dưỡng bằng bánh bởi trời. Nhưng làm thế nào để chúng ta tin vào lòng trung thành của Thiên Chúa và giúp chúng ta tin vào tình yêu Chúa khi bất hạnh tấn công con người?
Thánh Luca kể lại cho chúng ta bình luận của Chúa Giêsu về hai biến cố thời sự lúc đó. Biến cố thứ nhất là cuộc nổi loạn của vài người Galilê bị quan Philatô đàn áp giết chết; biến cố thứ hai là ngọn tháp tại Giêrusalem bị sụp đổ làm cho 18 người thiệt mạng; hai biến cố bi thảm này khác nhau, một do con người tạo ra, và một do tai nạn. Người đương thời Chúa Giêsu thường có tâm thức nghĩ rằng, tai nạn đã đổ xuống trên các nạn nhân, bởi vì họ đã phạm lỗi trầm trọng. Trái lại, Chúa Giêsu nói: "Các người cho rằng những nạn nhân người Galilêa kia là những kẻ tội lỗi hơn tất cả mọi người Galilêa ư?... Hoặc 18 nạn nhân kia là những kẻ lỗi phạm hơn tất cả mọi người dân Giêrusalem chăng?" (Lc13,2.4). Thay vì kết luận đơn giản coi sự dữ như là hình phạt của Thiên Chúa, Chúa Giêsu phục hồi lại hình ảnh chân thực của Một Vì Thiên Chúa là Ðấng tốt lành, không muốn sự dữ; Người còn yêu cầu đừng coi những tai hoạ đó như là kết quả trực tiếp của tội lỗi cá nhân. Người nói: "Các ông tưởng rằng những người Galilê ấy là những kẻ tội lỗi nhất ở xứ Galilê cho nên mới đáng hình phạt như vậy ư?" Và Chúa Giêsu kết luận cho cả hai trường hợp như sau: "Không phải thế. Tôi nói cho các người biết, nếu các người không ăn năn hối cải, các người cũng sẽ phải chết như vậy" (Lc 13,3.5). Chúa Giêsu muốn dẫn những kẻ lắng nghe Người đến kết luận về sự cần thiết phải ăn năn trở lại.
Khi cái chết tấn công chúng ta, đức tin không cho chúng ta những lời giải thích hoặc an ủi chúng ta yên tâm, nhưng đức tin hỏi chúng ta: chúng ta đã làm gì trong cuộc đời khi đang phải đối diện với cái chết vây quanh ta, bất hạnh và đau khổ tấn công và chạm đến ta?
Để làm rõ lời kêu gọi hoán cải, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả. Đã ba năm nay, cây không sinh quả. Chúng ta, những người đã nhận lãnh bao nhiều hồng ân của Thiên Chúa mà không đáp trả cách hào phóng cũng thế. Chủ vườn nói với chúng ta rằng, điều này đã quá đủ. Và bây giờ người làm vườn chưa ưng nhận sự phán xét của Thầy nên trả lời: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi" (Lc 13, 9), đúng là năm án treo, một năm hồng ân.
Sự chết không tấn công chúng ta một cách mù quáng, nhưng mời gọi chúng ta cải đổi đời sống. Đó là lý do tại sao phụng vụ cung cấp cho chúng ta bài suy niệm này ở trung tâm của Mùa Chay, khi chúng ta tiếp tục cuộc hành trình 40 để hướng tới việc cử hành lễ Vượt Qua, và mời chúng ta đi tiếp để Chúa nhật tới canh tân phép rửa của chúng ta, nguồn nước hằng sống trào dâng từ trái tim của Chúa Giêsu.
Vâng, lạy Chúa, khi con nhìn thấy những gì xảy ra trên thế giới và trong Giáo hội, các tai nạn gây đau đớn cho nhân loại và đau khổ đến anh em của con, con nghe thấy giọng nói của Chúa nói với con: "Hãy sám hối ngay ngày hôm nay. Tận dụng Năm Thánh này, Năm Hồng Ân, năm Ta xót thương và chăm sóc con để con có thể sinh trái".Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=====================
Suy niệm 5
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU CHUỘC
(Xh 3,1-8a.13-15; 1 Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9)
Nếu Chúa Nhật I Mùa Chay nói về chủ đề cám dỗ, Chúa Nhật II nói về vinh quang, thì Chúa Nhật thứ III Mùa Chay hôm nay nói về chủ đề sám hối.
Tại sao chủ đề sám hối lại được đặt vào trọng tâm của Mùa Chay? Thưa vì khi sám hối, con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, đồng thời cũng nhận ra sự bất toàn của chính mình. Từ đó, chúng ta đón nhận được ơn tha thứ, khởi đầu lại hành trình đức tin và tiếp tục đi trong đường lối yêu thương của Người.
Hôm nay, vào giữa Mùa Chay, Giáo Hội lại một lần nữa kêu gọi con cái mình sám hối, vì: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”(2 Cr 6,2b).
1. Lý do cần phải sám hối
Khởi đi từ bài đọc I, tác giả sách Xuất Hành cho thấy: Thiên Chúa là Đấng yêu thương con cái của Người cách đặc biệt, nên ngay từ xa xưa, Thiên Chúa đã tuyển chọn ông Abraham, qua đó, Người thiết lập một dân riêng, để từ đây, Thiên Chúa mạc khải tình thương của Người cho nhân loại qua việc yêu thương, chăm sóc và giữ gìn.
Tình thương ấy được tỏ hiện cụ thể qua việc Thiên Chúa tiếp tục chọn và gọi Môsê để trao phó cho ông sứ mạng giải thoát dân Người ra khỏi ách nô lệ bên Aicập.
Đến bài đọc II, thánh Phaolô gợi lại sự chăm lo của Thiên Chúa cách đặc biệt trên cộng đoàn. Tuy nhiên, Ngài thấu hiểu được tâm lý con người, nên đã cảnh báo họ về những cám dỗ. Để chứng minh, Ngài đã nhắc lại cuộc xuất hành của dân từ Aicập vượt qua Biển Đỏ, rồi trong suốt hành trình nơi Samạc, họ đã được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, ấy thế mà, dân Israel đã bội nghĩa vong ân, đã thay trắng đổi đen, và đã vướng vào những cạm bẫy của ma quỷ, để rồi kiêu ngạo, thách thức Thiên Chúa. Vì thế, nhiều người đã phải chết trong sự ngu dốt do tính kiêu ngạo của mình.
Từ đó, thánh nhân mời gọi tín hữu Côrintô hãy sám hối, tin tưởng, phó thác vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với sự hướng dẫn đầy tình nhân ái của Người.
2. Nếu không sám hối, sẽ phải chết
Sang bài Tin Mừng, thánh sử Luca trình thuật việc dân chúng báo tin cho Đức Giêsu về hai sự kiện, một là: quan tổng trấn Philatô giết một số người Galilê đang khi họ dâng lễ vật trong đền thờ, và biến cố 18 người bị tháp Siloe đổ xuống đè chết, sau đó, họ kết luận: những người đó phạm tội nên mới bị chết cách đau đớn như vậy!!!
Khi nghe thấy tin ấy, Đức Giêsu đã không nhìn sự kiện dưới khía cạnh luân lý, kinh tế hay chính trị, mà Ngài nhìn dưới gọc độ tôn giáo. Vì thế, Ngài đã đánh đổi quan niệm cũ sai lầm mà người Dothái thường gán cho những người ốm đau, bệnh tật, tai nạn là do phạm tội nên bị Thiên Chúa phạt bằng câu nói đầy tính tiên tri: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy”. Điều này đã được chính Đức Giêsu chứng minh qua phép lạ chữa cho người mù từ lúc mới sinh, Ngài nói: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội.  Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3).
Mặt khác, Ngài cũng muốn nhắc cho dân chúng ở đó rằng: chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán và kết án mà thôi, nên: Đừng xét đoán để khỏi bị kết án (Mt 7,1).
Như vậy, qua bài Tin Mừng này, chúng ta thấy ý chính, trọng tâm của sứ điệp chính là: “Hãy sám hối để được ơn tha thứ và cứu chuộc”.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Lời mời gọi ấy ngày nay vẫn con nguyên giá trị. Nhưng đáng tiếc thay, nhiều người vẫn dửng dưng và cho rằng: “Đời còn dài, lo gì, đến lúc già, ăn năn đền tội còn kịp chán. Tên ăn trộm kia còn kịp ăn năn, huống chi là mình !”; hay nghĩ rằng: “Đâm lao theo lao”, lỡ yếu đuối sa ngã phạm tội rồi, cho lỡ luôn! Thực ra, chỉ những ai dại dột hay kiêu ngạo thì mới cả gan nghĩ như vậy, bởi lẽ trong thực tế đã chứng minh cách nhãn tiền rằng: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”, vì: cái chết nó đến với chúng ta cách bất ngờ đến độ như kẻ trộm lúc đêm khua hay như chiếc lưới bất thần chụp xuống trên đầu chúng ta...
Vì thế, ngay giây phút này, mỗi người hãy tâm niệm câu nói của thánh Phaolô: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12); và câu nói của thánh Phêrô: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường”  (1 Pr 5,5). Vì ngài: luôn đánh giá rất cao người tội lỗi trở về hơn là người đạo đức mà kiêu ngạo.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay cho ta thấy rất rõ: đối tượng của lời kêu gọi sám hối không phải chỉ là những người tội lỗi, gái điếm, trộm cắp..., nhưng cả những người được coi là đạo đức, ngay chính, nhiều người kính trọng, hết thảy, ai ai cũng đều phải sám hối.
Bởi vì nếu lời mời gọi sám hối dành cho những người tội lỗi là: từ bỏ con đường bất chính, gian dâm, trộm cướp, hối lộ, bóc lột..., thì lời mời gọi sám hối dành cho những người đạo đức, công chính..., đó là: làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa, biết cảm thông cho những thân phận xấu số, cảm thương với người nghèo và rộng tay làm phúc bố thí cho họ, nhất là nâng đỡ những người tội lỗi, giúp họ làm lại cuộc đời...
Tại sao vậy, Thưa! Kitô giáo không phải là một tôn giáo chỉ cấm những điều xấu không được làm, mà Giáo lý của Đức Giêsu còn đòi buộc cả những điều tích cực như: khi thấy điều tốt mà không làm thì cũng mắc tội. Điều này cũng được chính thánh Giacôbê nhắc đến trong thư của ngài: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội” (Gc 4,17).
Vì thế, nếu tỏ lòng sám hối là điều cần làm ngay lúc này, thì lời mời gọi sinh hoa quả tốt là các nhân đức cũng là điều cấp thiết. Bởi vì: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả đều bị chặt đi và quăng vào lửa”(x. Mt 3,10 ; Lc 3,9).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rõ rằng: biết sám hối là một lựa chọn khôn ngoan. Biết đổi mới đời sống theo thánh ý Chúa là người có phúc. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
 =====================
Suy niệm 6
Chúa Chờ Ta
Xh 3,18a.13.15; 1Cr 10,1-6.10-12; Lc 13, 1-9
Có mấy người hiếu kỳ đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện thời sự nổi bật: những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Những tưởng Người đồng quan điểm nghĩ họ bị giết là đúng người đúng tội. Ai dè Người đáp lại: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao?” (Lc 13,3-4). Bởi họ hiểu đó là hình phạt nhãn tiền, đáng kiếp cho kẻ tội lỗi, Chúa nào ác vậy? Trong cái nhìn sai lầm của con người biến Vua Tình Yêu thành quan án thật khiếp sợ. Trái lại Đức Giêsu muốn họ hãy nhìn vào chính họ, rờ lại chính mình, để xét mình và sám hối, thay đổi lối sống. Chúa mời gọi mỗi chúng con hôm nay trong mỗi biến cố, không phán xét theo cách nhìn trong hai câu chuyện trên đây mà kết tội cho người gặp nạn, nhưng phải luôn nhìn vào con người thật của mình để mà hoán cải, thay đổi đời sống nên mới trong Chúa.
Để cảnh báo thái độ bình chân như vại của họ, Đức Giêsu cảnh tỉnh họ bằng dụ ngôn cây vả không trái. Bực mình sốt ruột vì đã ba năm cây không chịu sinh trái, ông chủ giục người làm vườn chặt đi kẻo hại đất. Nhưng người làm vườn xin khất lại, gia hạn để có cơ hội chăm bón, hy vọng sang năm nó kết trái và không bị chặt đi. Phúc cho cây vả ấy quá nhỉ? Phải chăng cây vả ấy đích thực là tôi?
Thầy Giêsu ba năm rao giảng mà các ông ấy chưa sám hối? Ngày nay chúng con đọc và nghe Lời Chúa nhiều năm, chúng con đã thay đổi được gì chưa? “Chúa chờ ta, từ bao năm ta vẫn ngủ mê, từ bao năm quên lối đường về, Chúa vẫn chờ ta. Nghe trong tim như có tiếng gọi ta: Con hãy về với Cha đi! đừng chần chừ vì trời tối buông mau…” (thánh ca).
Tại sao Chúa kiên tâm chờ đợi chứ không “chặt đi”? Bởi vì Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi, Ngài là Đấng không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Nhưng làm sao để nghe được tiếng gọi yêu thương tha thiết ấy? Tôi ơi hãy trở về bên Chúa thật gần, ở bên Ngài, để cảm nhận được tình Ngài luôn yêu thương vỗ về từng phút giây. Trở về bên lòng Chúa, ánh sáng Chúa soi rọi vào ngõ ngách tâm can, sẽ nhận ra tội lụy, yếu đuối, giới hạn và con người thật của chính mình. Càng gần Chúa càng lo xét mình cẩn thận và mọi tội lỗi, những ngáng trở sẽ lộ trơ ra, càng cảm nhận tình yêu Chúa càng hối tiếc quay về cho mau. Trở về với Chúa cõi lòng ta thanh thản, an bình thư thái. Sống gắn bó mật thiết trong tình yêu Chúa sẽ hành động theo Thần Khí, tâm hồn hoan lạc và trổ sinh những hoa trái tốt lành nhờ Thần Khí Chúa.
Én Nhỏ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log