Thứ ba, 26/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm C

Cập nhật lúc 10:25 04/04/2019
Suy niệm 1
Tôi không kết án chị!
-------------
Cái bẫy
Khi đọc Tin Mừng, điều quan trọng là phải cố gắng hiểu những gì mỗi nhân vật sống. "Người phụ nữ ngoại tình" là một chút biểu tượng của tất cả những gì mà một ngày nào đó có thể hủy hoại con người. Thời đại chúng ta hôm nay có rất nhiều người sống bằng mọi giá với niềm đam mê của họ: đam mê nhục dục, đam mê tiền bạc và đam mê quyền hành. Những đam mê đó có thể khiến họ trở thành nô lệ và trơ trẽn. 
Lúc đầu, người phụ nữ có thể nói: “tôi có thể đủ khả năng đó và không ai sẽ thấy gì hoặc nói gì được tôi”. Và sau đó không phải là vậy... It nhất, đó là những gì người ta tố cáo chị... Cuối cùng, là một cuộc hoảng loạn: không có gì tệ hơn là bị sa vào bẫy, bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình...Dư luận quần chúng: tội này phải ném đá chết!
Kế đến, trong bối cảnh này, có những người tự cao tự đại: đó là các kinh sư và người Pha-ri-sieu đã đưa người phụ nữ này đến trước Chúa Giêsu. Trong mọi trường hợp nếu biết, họ buộc phải tố cáo người phụ nữ này, nếu không, họ sẽ bị buộc tội và bị kết án. Hơn nữa, việc này là một cơ hội tốt để họ cài bẫy Chúa Giêsu. 
Ngày nay chúng ta cũng dễ dàng thấy các phương tiện truyền thông cố gắng trích dẫn lời nói hoặc cử chỉ nhỏ nhất của đức giáo hoàng, hồng y, giám mục và linh mục để đưa các ngài vào tình thế khó khăn. Đó cũng là một thứ vũ khí mà người ta sử dụng trong chính trị, và cả trong các cuộc xung đột hàng ngày của đời sống chúng ta. Nếu người ta muốn làm tổn thương ai, họ tìm mọi cách đặt người đó có lỗi, và lôi kéo đông người đứng về phía họ. Trong thực tế, đối với người vô tội, không dễ dàng gì để bảo vệ quyền chính đáng của mình. Chúng ta thấy đó: trong một tập thể xã hội tham nhũng và độc trị, người có luơng tâm tốt khi trình bày hoặc sống theo suy nghĩ của mình, vẫn có thể bị loại trừ và vu cho đủ thứ tội...
Sự thật sẽ giải phóng anh em
May mắn thay, trong bối cảnh này, có Chúa Giêsu. Trước tiên chúng ta hãy ngưỡng mộ Ngài cách lắng nghe và bắt chước sự im lặng của Ngài. Chúa Giêsu “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Đó là cách Ngài giúp mỗi nhân vật chính thoát ra khỏi vòng tròn địa ngục bao quanh người phụ nữ này và họ cũng bị nhốt trong vòng tròn đó. Bước vào một cuộc tranh luận mà không có hồi kết thường là cách tồi tệ nhất trong việc đối thoại. Mặt khác, cần có những khoảng lặng "mở", mở con tim ra và như thế cũng là nói. Chúng ta cũng hãy học cách lắng nghe, đừng phản ứng quá nhanh, hãy để cho Chúa Thánh Thần gợi ý để chúng ta có thái độ nào từ sâu thẳm lương tâm chúng ta... 
Chính lúc đó, Chúa Giêsu, ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào từng người và nói: “Ai trong các ông sạch tôi, thì cứ việc ném đá chị này trước đi”. Đối mặt với câu hỏi này, người già nhất vẫn có đủ khôn ngoan để rút lui trước nhất. Họ đã nhận thức được những lỗi lầm của họ trong quá khứ hoặc sớm nhận ra lỗi lầm của họ nhanh nhất. Cuối cùng, Chúa Giêsu thấy chỉ có một mình Ngài trước mặt người phụ nữ. Ngài phán xét chị trong tình yêu thương, Ngài nói: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi, chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”! Ngài không lên án chị và đóng chị trong tội của chị...
Công lý và lòng thương xót
Chúng ta cũng vậy, đừng vội lên án bất cứ ai! Chúa Giêsu không nói: tất cả những người rút lui là xấu và người còn ở lại là tốt...Qua đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách kết hợp công lý và lòng thương xót với nhau. Ngài đảm bảo rằng mọi người sẽ được giải thoát...Thiên Chúa luôn làm như vậy với Dân Ngài. Thiên Chúa không ngừng giải phóng dân Ngài mặc dù có lúc họ chống đối hoặc nhớ về những năm tháng ngày giờ họ nô lệ bên Ai-cập. Ngài liên tục mở đường dẫn lối để họ hoán cải ! Ngài đã nói với Isaia: “Đừng nghĩ về quá khứ”!  Chính vì nhóm Luật sỹ và Pha-ri-sieu đã tin mù quáng, chống lại tất cả và không hoán cải, nên họ vội kết án tử hình Chúa Giêsu, mặc dù Ngài vô tội! 
Trong mùa chay này, chúng ta có thể suy niệm về sức mạnh và vẻ đẹp của bí tích hòa giải. Chúa Kitô đã trao cho Giáo Hội một nhiệm vụ cao đẹp, là làm những cử chỉ giải thoát giống như Ngài, trước một tình huống tội lỗi. Trong khi tội lỗi khóa tất cả mọi người vào vòng tròn tội lỗi và đau khổ không thể tha thứ, Chúa Kitô hướng về chúng ta. Bằng tình yêu, Ngài mở ra cho chúng ta, một cách thoát khỏi chính chúng ta. Chúng ta đừng nhìn vào chính chúng ta hoặc nhìn những người khác để vội kết án. Sức mạnh giải phóng của tình yêu Thiên Chúa luôn ấp ủ chúng ta. 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Trở về với nội tâm
Ga 8, 2-11
Nhà hiền triết Socrates (470399 TCN) là một triết gia Hy Lạp, có một lời khuyên vàng ngọc,  được xem là châm ngôn tối thượng để giáo dục con người, đó là câu: “Hỡi người, hãy tự biết mình.” Đây là di ngôn quan trọng nhất mà Socrates để lại cho đời.
Không dễ biết mình
Tự biết mình là điều hết sức quan trọng, nhưng đây cũng là điều không dễ, bởi vì con người có đôi mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào. Người ta thường nhìn ra ngoại giới nhưng rất ít khi hướng vào nội giới, vào nội tâm mình. Một nốt ruồi nhỏ trên khuôn mặt người khác, ta thấy rõ ràng; còn vết sẹo lớn trên trán mình, ta không nhìn thấy được. Lỗi lầm nho nhỏ của người khác, ta thấy tỏ tường; còn những lầm lỗi tệ hại của mình thì lại không hay biết. Thế rồi, chúng ta dành nhiều thì giờ để phê phán, để lên án người khác mà chẳng mấy khi phê phán bản thân.
Các kinh sư và người Pha-ri-sêu trong bài Tin mừng hôm nay cũng thế. Họ nhìn thấy rõ ràng tội lỗi của người phụ nữ ngoại tình, nhưng không nhìn thấy tội lỗi của họ. Họ bận tâm đến việc kết án người khác, nhưng không quan tâm đến việc sửa chữa lầm lỗi của bản thân.
Chúa Giê-su giúp ta tự biết mình
Chính vì thế, Chúa Giê-su muốn dạy cho họ một bài học tâm linh cần thiết là hãy trở về với nội tâm để nhận ra tội lỗi của mình trước, hãy trách mình trước rồi trách người khác sau như cổ nhân thường nói: "Tiên trách kỷ hậu trách nhân."
Bấy giờ, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giê-su. Họ hối thúc Chúa Giê-su đưa ra ngay một phán quyết định đoạt số phận của người đàn bà tội lỗi. Về phần mình, Chúa Giê-su muốn dẫn dắt những người tưởng mình vô tội trở về với nội tâm để nhận ra tội lỗi mình mà hoán cải trước đã.
Thế nên, đứng trước những con người đang lăm le kết án người phụ nữ và mưu toan ám hại mình, Chúa Giê-su im lặng. Ngài thinh lặng và tạo nên bầu khí tĩnh lặng để tạo cơ hội cho mọi người tự vấn lương tâm. Ngài muốn kéo dài sự thinh lặng bằng cách ngồi xuống viết trên đất.
Khi người ta cứ hỏi mãi, phá tan sự im lặng cần thiết cho sự rà soát tâm hồn, Chúa Giê-su lên tiếng kêu mời họ hãy xét lại mình: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!"
Rồi Ngài lại ngồi xuống thinh lặng, tiếp tục viết, viết trên đất để tạo bầu khí yên tĩnh cho mọi người hồi tâm.
Sau một hồi nhìn lại nội tâm mình trong yên lặng, những con người hăm hở kết tội người phụ nữ giờ đây dần dần nhận ra tội lỗi của họ, có khi còn nhiều hơn, còn nghiêm trọng hơn cả tội lỗi của người phụ nữ. Thế là những viên đá trên tay họ lộp bộp rơi xuống. Ai nấy xấu hổ lặng lẽ rút lui, để lại một mình Chúa Giê-su và người thiếu phụ. Hoá ra rốt cuộc, ai cũng nhận ra mình là người có tội, mà đã là người có tội thì sao không kết án mình trước? Sao lại đang tâm lên án người khác, có khi còn ít tội hơn mình!
Tự biết mình là điều rất cần thiết
Trở về với nội tâm để thấy được tội lỗi của mình là điều kiện tiên quyết để cải thiện bản thân.
Nếu tôi biết được mình hôi hám, tôi sẽ đi tắm ngay. Còn nếu tôi không nhận ra mùi hôi của cơ thể mình, thì mãi mãi tôi vẫn là người hôi hám.
Nếu tôi biết khuôn mặt mình dơ bẩn, tôi sẽ lau rửa tức khắc; bao lâu chưa thấy những vết dơ trên mặt, thì không hy vọng có khuôn mặt sạch sẽ hơn.
Nếu tôi thấy được sự xấu xa của nội tâm, sự bê bối của đời sống mình, tôi sẽ cải thiện ngay không trì hoãn.
Sự chuyển hóa bản thân, cải thiện cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu lúc ta tự nhận biết tội lỗi  mình. Nếu không thấy được lầm lỗi và những sai sót của mình, chúng ta sẽ không bao giờ cải thiện đời sống được.
Lạy Chúa Giê-su,
Trở về với nội tâm để rà soát chính mình, để thấy được tội mình là điều rất khó thực hiện và cũng chẳng được mấy người quan tâm. Xin Chúa thương giúp đỡ chúng con thực hiện công việc hệ trọng nầy.
Xin cho Lời Chúa trở nên tấm gương soi tâm hồn, giúp chúng con nhận ra những nết xấu làm vấy bẩn lòng trí, làm suy thoái nhân cách và giúp chúng con cải thiện kịp thời để trở nên người có phẩm chất cao đẹp đáng được Chúa và mọi người yêu mến.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 3
Chuyện Người Đàn Bà Hai Ngàn Năm Trước
Nhạc sĩ Song Ngọc viết ca khúc “Chuyện Người Đàn Bà Hai Ngàn  Năm Trước” từ trang Tin Mừng hôm nay. 
Chuyện người đàn bà hai ngàn năm trước
Áo rách tả tơi, xác thân mệt nhoài.
Chuyện người đàn bà nơi thành phố đó
Dấu tích hành thân.
Vì đâu ? Vì đâu ? Vì đâu,
Nên tội tình mang nhục hình.
Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu.
Đoàn người cổ thành vây chặt khu phố
Thế giới hiền lương ánh mắt cuồng căm.
Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết
Đống đá ngổn ngang.
Chờ ai ?
Chờ tay người ném chết một người không hận thù.
Người ơi vì sao đoạ đầy nhau
Ai, ai người vô tội. Ai, ai người không tội
Hãy mạnh tay ném đá ném đá ném trước đi còn đợi gì?
Ai, người vẹn toàn, Ai người trong sạch
Còn chờ chi?
Ném chết ném chết
Ném chết tội đồ nhân gian.
Chuyện người đàn bà hai ngàn năm trước
Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên.
Vì người vô tội hay đời giả dối,
Thế giới giả nhân chào thua
Người ơi, tình ơi.
Ai tội đồ, ai tỉnh ngộ
Người ơi, đời ơi, cũng vậy thôi....
Chuyện người đàn bà hai ngàn năm trước
Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên.
Nhạc sĩ khéo léo dùng những chữ tương phản như "Thế giới hiền lương, ánh mắt cuồng căm" và đặt câu hỏi, có phải vì người đời giả dối, sợ phải đối mặt với tòa án lương tri với tội của chính mình nên đã lẳng lặng bỏ đi: "Vì người vô tội hay đời giả dối? Thế giới giả nhân? Chào thua! Người ơi, Tình ơi! Ai tội đồ? Ai tỉnh ngộ?..." Nhưng dù sao thì "cũng vậy thôi", ca khúc có kết thúc tốt đẹp và câu hỏi dành riêng cho lương tâm mỗi người. 
Với giai điệu chậm buồn, nhạc phẩm kể về một câu chuyện thật lạ lùng, xảy ra hơn hai ngàn năm về trước tại xứ Do thái. Một phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Các kinh sư và những biệt phái dẫn người đàn bà ấy đến trước mặt Chúa Giêsu, rồi bắt đầu phiên xử. “Trong sách Luật, ông Môsê truyền chúng tôi phải ném đá hạng người này, còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Một câu hỏi bất ngờ, nham hiểm và lịch sự. Có lẽ sau khi hỏi Chúa như thế, họ hí hửng với những nụ cười hóm hỉnh ranh mãnh. Họ thì thầm với nhau cách thích thú: lần này thì đừng hòng mà thoát. Họ nắm chắc phần thắng trong tay. Bắn một mũi tên trúng hai con chim. Người đàn bà đã nắm chắc bàn thua trông thấy. Chỉ còn Chúa Giêsu. Ngài đang nghĩ gì và Ngài sẽ làm gì trong cái thế gọng kìm này? Người phụ nữ tuyệt vọng chờ chết với tội danh rành rành. Thật may mắn cho chị khi gặp được Đấng được mệnh danh là “Chiên Thiên Chúa”, là “Đấng xóa tội trần gian”. Ngài xót thương cho số phận bi đát của chị. Ngài muốn cứu chị khỏi án chết trước mắt, nhất là Ngài muốn cứu chị khỏi án chết đời đời. Ngài sẽ cứu chị, đồng thời Ngài cũng sẽ cho những kẻ muốn ám hại Ngài một cơ hội để họ nhìn lại bản thân họ: Chị ta xấu thiệt đó. Nhưng không chừng các ông lại còn xấu xa hơn chị ta bội phần! Tội của chị thì nhiều người biết lắm, vì chị ta không khéo che đậy. Còn tội của các ông thì thiên hạ ít người nhận ra, bởi các ông khéo che giấu, tô son trét phấn. Đã đến lúc các ông phải nhìn lại chính con người mình rồi đấy! Thái độ Chúa Giêsu thật trầm tĩnh “cúi xuống lặng lẽ vẽ trên đất”. Họ cứ hỏi mãi. Chúa ngẫng lên nói với họ một đề nghị nhỏ nhẹ ôn hòa nhưng ngầm chứa một thách thức sinh tử quyết liệt “ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Phiên tòa xét xử lưu động bổng chốc thay đổi cục diện. Từ chỗ nắm dao đằng cán, bây giờ họ lại phải nắm lấy chuôi, không khéo sẽ bị đứt tay. Họ lặng lẽ rút lui, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Công bằng mà nói, những người đàn ông có mặt hôm ấy, ngoài Chúa Giêsu ra, đều là những kẻ còn có liêm sỉ và tự trọng. Chúa Giêsu bị đẩy vào thế làm quan tòa bất  đắc dĩ, buộc phải ra một bản án xét xử thật nặng, bỗng nhiên trở thành Trạng sư với một bài biện hộ vỏn vẹn có mỗi một câu rất ngắn. Chỉ một câu nói mà Chúa đã hoá giải bẫy giăng sẵn. Hoá giải, bởi lẽ Chúa mời gọi họ hãy nhìn vào bên trong tâm hồn. 
Hiện trường xử án lúc này chỉ còn lại hai người. Chúa Giêsu và người phụ nữ. Đấng có quyền tha tội và người đã lỡ lầm phạm tội. Ánh nắng buổi sáng đang lung linh nhảy múa trên bậc thềm.Với giọng nói ấm áp, Chúa hỏi: “Họ đâu hết rồi? Không ai lên án chị nữa hay sao?”. Lần đầu tiên từ lúc bị lôi tới đây, người phụ nữ ngẩng mặt lên. Chị nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu, Ngài có đôi mắt chứa chan tình người,long lanh ánh sáng thiên đàng, đôi mắt hiền dịu sáng lên niềm cảm thông. Chị bưng mặt, giọng nghẹn ngào: “Thưa Thầy, không còn ai nữa. Họ bỏ đi hết rồi”. Bình minh chiếu sáng rạng ngời khuôn mặt, Chúa nói thật nhẹ nhàng: “Tôi không lên án chị đâu! chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Tội nhân bị luận tội trước tòa, rõ ràng nằm trong khung án tử hình, nay ngơ ngác thấy mình được tha bổng, kèm một lời dặn dò: từ nay thôi đừng phạm tội nữa! Chúa Giêsu không kết án nhưng là mở cho chị một con đường đi về phía tương lai, về phía trước. 
Hai câu nói của Chúa Giêsu với hai hạng người đều nhẹ nhàng mà sâu xa thấm thía. Với các người kết án, Chúa mời họ nhìn vào phía bên trong. Với người bị kết án, Chúa mở ngõ về phía tương lai.   
1. Nhìn về phía bên trong 
Một phiên tòa lạ lùng, xử lưu động theo kiểu nói ngày nay. Phe công tố nhao nhao buộc tội và hằm hè chất vấn, không ngờ sau đó lại lần lượt cúi đầu lặng lẽ rút lui. Chỉ vài phút trước đó, họ hung hãn tố cáo đòi ném đá, và bây giờ họ âm thầm ra về. Một sự chuyển biến bất ngờ phát sinh từ lời mời gọi của Chúa Giêsu: “ai trong các ông sạch tội hãy ném đá người phụ nữ này đi”. Khi người ta đòi ném đá tha nhân, người ta tự cho mình là kẻ sạch tội và có quyền lên án kẻ có tội. Nhưng khi người ta khám phá ra mình cũng là tội nhân, người ta không dám lên án nữa vì như thế cũng là tự lên án chính mình. Sự khám phá có được là do cái nhìn về phía bên trong chính mình. Chi tiết mà Thánh Gioan ghi nhận “bắt đầu từ những người lớn tuổi” rất ý nghĩa. Vì càng lớn tuổi càng có bề dày cuộc sống, càng dễ nhận ra bề dày tội lỗi. Càng lớn tuổi càng có cái nhìn nội tâm nhiều hơn. 
Có những cái gần mình nhất mà mình lại khó  thấy nhất. Đó là bản thân mình. Có những sự thật người ta tìm cách trốn chạy nhiều nhất là sự thật về chính mình. Sự thật ấy chỉ khám phá ra được khi nhìn vào phía bên trong. Nhìn vào bên trong là đi vào nội tâm để nhìn lại chính mình, soi gương tâm hồn. Nhìn lại cuộc sống, lời nói, việc làm mình đã làm, đã sống. Giáo hội luôn khuyên con cái mình xét mình mỗi ngày. Các linh mục, tu sĩ, giáo dân đều có thời gian tĩnh tâm, linh thao để biết mình mà sửa mình. Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan. 
Nhìn vào phía bên trong là một đòi hỏi cần thiết giữa cuộc sống xô  bồ, ồn ào với quá nhiều tranh đấu vất vả mưu sinh. Có khi chúng ta ngại vì sợ  phải đối diện với chính mình, đối diện với sự thật về mình. Cần có thời gian tĩnh lặng để dâng lễ, cầu nguyện, viếng Chúa. Khi có thời gian nhìn lại chính mình, chúng ta có gương soi và một khoảng cách ngắm nhìn. Tấm gương tốt nhất là Chúa Giêsu. Ngài là mẫu mực. Nơi Ngài và nhờ Ngài mà chúng ta nhận ra những lỗ hổng cuộc đời, nhận ra lý tưởng cần vươn tới. 
2. Nhìn về phía trước. 
Người ta đòi ném  đá người phụ nữ, đóng khung cuộc đời chị trong quá khứ. Quá khứ được đóng dấu bằng tội lỗi. Người ta đánh giá, phán  đoán, hành động trên quá khứ đó. Chúa Giêsu không chấp nhận lối nhìn và cách đánh giá ấy. Ngài không đồng loã với tội lỗi. Ngài nhìn nhận người phụ nữ có tội. Nhưng Ngài mở ra một tương lai, gieo vào lòng chị niềm tin tưởng rằng chị có khả năng xây dựng một tương lai mới, một cuộc đời mới,một con người mới: “Chị hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu không kết án cũng như không giảm án, không ân xá cho tội nhân. Chúa mở cho chị một con đường hướng về tương lai, làm lại cuộc đời. Đó là con đường sám hối trở về với tình yêu, trở về với đời sống là con cái Thiên Chúa, trở về với tâm hồn bình an. Người phụ nữ ra về lòng tràn ngập niềm vui hoán cải, quyết tâm làm lại cuộc đời. 
Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai. Ngài không khoá chặt cuộc đời một con người cũng như lịch sử  nhân loại vào quá khứ, cho dẫu quá khứ ấy có bi thảm và tàn tạ đến đâu chăng nữa. Thiên Chúa luôn luôn mở ngõ và vạch lối cho tương lai. 
Vẫn biết tội lỗi trái với đạo giáo, trái với luân thường đạo lý, nhưng đâu chỉ căn cứ vào đạo giáo luân lý để khinh khi, coi thường, kỳ thị sự sống con người được. Đạo giáo luân lý giúp con người sống thăng tiến về mặt tinh thần chứ không bao giờ là bước cản trở nhận chìm con người xuống bùn đen. Đã là người, ai cũng có những khuyết điểm, ai cũng có lúc làm điều lầm lỗi. Nhưng ai cũng có khả năng ý chí ước muốn làm điều lành thánh thiện tốt đẹp. Thiên Chúa dựng nên con người với khả năng như thế. 
Chúa Giêsu đã sống và đã nêu gương. Ngài không kết án, không giảm án, nhưng là mở ra con đường hướng về tương lai cho con người tội lỗi làm lại cuộc đời. Lêvi, Giakêu, Mađalêna, Augustinô…và còn biết bao con người đã được Chúa mở ngõ tương lai tươi sáng. Niềm tin đó tạo nên nơi người tín hữu một lối nhìn mới. Đó là nhìn về phía trước, băng mình về phía trước như thánh Phaolô diễn tả: “Tôi chỉ chú ý tới một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Đối với Phaolô quên đi chặng đường đã qua là qua khứ bắt bớ Giáo hội Chúa để lao mình về phía trước, phía tương lai mà Chúa Giêsu đã mở ra, đặt ngài làm khí cụ, làm tông đồ dân ngoại. Và Phaolô đã sống hết mình cho tương lai mới. 
Trong cách nhìn về  tha nhân, có khi người ta khoá chặt người khác trong quá khứ lỗi lầm của họ. Đã một thời  “chủ nghĩa lý lịch” khoá chặt con người trong quá khứ, cái quá khứ đâu có do họ!!! Vì lẽ đó mà nhiều nhiều người trẻ tài năng không có cửa cho tương lai, họ bị loại trừ. Con người vốn vẫn hay nhìn phía đàng sau hơn là nhìn về phía đàng trước. Trong khi niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai lại luôn thúc bách chúng ta nhìn về phía trước 
Nhìn vào phía bên trong để khám phá sự thật về chính mình. Người Hylạp đã từng gắn trên cổng Đền Thờ Deiphes câu châm ngôn “Bạn hãy biết chính mình” và coi sự biết mình như là khởi điểm của khôn ngoan. 
Nhìn về phía đàng trước để luôn hy vọng và tin tưởng. Tin vào chính mình, vào con người, vào cuộc đời. Và trên hết là tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai chúng ta.  
Lm Giuse Nguyễn Hữu An 
======================
Suy niệm 4
Chúa nhân từ không kết án
(Ga 8, 1-11)
Sau khi đã đi được nửa đường với lời mời gọi "Mừng Vui Lên" của Chúa nhật IV Mùa Chay. Nay bước vào tuần thứ I của giai đoạn II, thời gian mà toàn bộ tượng trong nhà thờ được phủ khăn tím, chuẩn bị cho việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nên việc cải đổi đời sống, ăn chay, cầu nguyện và tập luyện các nhân đức càng khẩn thiết hơn. Vì Trước cuộc cải tổ phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, Chúa nhật V Mùa Chay được gọi là Chúa nhật thứ I mùa Thương khó, kéo dài 2 tuần cho đến lễ Phục sinh. Sau Công đồng Vaticanô II, lịch phụng vụ chỉ còn một tuần Thương khó, trùng với Tuần thánh, và Chúa nhật thứ V Mùa Chay là giai đoạn tiếp tục các đề tài huấn giáo theo chu kỳ. Nếu các Chúa nhật Mùa Chay năm A, B trình bày Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống, là Ánh Sáng, là Sự Sống dựa theo Tin mừng thánh Gioan. Thì các Chúa nhật Mùa Chay năm C đề cao tình thương của Thiên Chúa và kêu gọi con người đáp trả.
Đoạn Tin Mừng (Ga, 8, 1-11) với câu kết thật là đẹp "Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" ( Ga 8,11). Qua lời tuyên bố ấy, Chúa Giêsu đã làm nổi bật tình thương yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống.  Tha thứ là bản chất của Thiên Chúa, Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa, là Đấng hay tha thứ. Khi mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Xót Thương, chậm bất bình vả rất mực thứ tha. Chân lý về Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu Kitô "Đấng đầy tình thương xót" (2Cr 1,3), Đấng ghét tội và yêu thương kẻ có tội, không dung túng tội lỗi, nhưng khoan nhân với tội nhân, vì Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống (x. Ez 33,11). Đoạn Tin Mừng (Ga 8,1-11) là bằng chứng hùng hồn về tình tha thứ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thánh Gioan kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu để chị ta đứng ở giữa Chúa Giêsu và dân chúng (x. Ga 8, 3), nghĩa là đứng giữa lòng xót thương của Con Thiên Chúa và sự kết án của con người. Chúa Giêsu không kết án chị, nhưng cứu chị khỏi bị ném đá.
Con người thường lên án nhau, nhưng trước mặt Thiên Chúa thì tất cả chúng ta là những kẻ tội lỗi bị án phải chết. bằng chứng khi Chúa Giêsu hỏi: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”( Ga 8,7), chẳng ai dám cầm đá ném mà lần lượt bỏ đi chỉ còn lại người phụ nữ và Ðức Giêsu: sự khốn khổ và lòng thương xót đối diện với nhau. Chúa không nói với người phụ nữ: chị không có tội, nhưng nói: "Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" ( Ga 8,11). Thật vậy, chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể cứu rỗi con người, vì chính Người mang lấy tội lỗi thế nhân và cho con người cơ hội để thay đổi đời sống.
Ðoạn Tin Mừng cho thấy, sự tha thứ của Thiên Chúa không đồng nghĩa với sự dung túng thường tình, tha thứ có kèm theo điều kiện. Không có nghĩa là bỏ qua sự dữ, hay tệ hơn nữa là chối bỏ sự dữ. Thiên Chúa không tha thứ sự dữ, nhưng tha thứ cho người tội lỗi biết ăn năn, và dạy người ta biết phân biệt giữa một bên là hành động xấu đáng bị kết án, và bên kia là con người cụ thể phạm lấy lỗi lầm đó, và là người mà Chúa muốn ban cho cơ may để thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời. Trong lúc con người có khuynh hướng đồng nhất hóa người phạm tội với tội lỗi, và như thế là đẩy người có tội vào ngõ cụt, không có lối thoát. Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, Thiên Chúa Cha lại hành động cách khác, Ngài đã sai Con Một mình xuống trần gian, để mở ra cho cả và nhân loại con đường cứu thoát. Chúa Giêsu chính là con đường này: khi chết trên thập giá, Người đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúa Giêsu lặp lại với con người ở mọi nơi, mọi thời đại rằng: "Ta cũng thế, Ta không kết tội. Vậy hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".
Khi nghe những lời trên trong đoạn Tin Mừng hôm nay, làm sao chúng ta không cảm nghiệm được một niềm tín thác trào dâng trong tâm hồn chúng ta? Sao không nhìn thấy nơi đó một "Tin Vui" cho cả và nhân loại ở thời đại chúng ta, những con người đang mong ước khám phá lại ý nghĩa đích thật của lòng nhân từ và sự tha thứ.
Thời đại chúng ta đang cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa, một sự tha thứ làm phát sinh niềm hy vọng và phó thác, mà không làm yếu đi cuộc chiến chống lại sự dữ. Cần trao ban và lãnh nhận sự tha thứ. Nhưng chúng ta không trở nên có khả năng tha thứ, nếu trước đó chúng ta không để cho mình được Thiên Chúa thứ tha, vừa nhìn nhận mình là đối tượng của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ trở nên kẻ sẵn sàng tha nợ cho người khác, chỉ khi nào chúng ta ý thức về mòn nợ to lớn mà chúng ta đã được tha cho. Chúng ta hãy cố khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải, và hãy tỏ ra nghiêm khắc đối với tội lỗi nhưng khoan nhượng đối với con người tội lỗi.
Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đại diện cho tất cả chúng ta, những tội nhân. Cách nào đó, chúng ta cũng là những người ngoại tình trước mặt Thiên Chúa, là những kẻ phản bội lòng trung tín của Ngài. Kinh nghiệm của chị cũng tượng trưng cho ý định của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta: Thiên Chúa không kết án chúng ta nhưng cứu độ chúng ta nhờ Ðức Giêsu. Ðức Giêsu chính là ân sủng, cứu vớt chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Ngài đã lấy ngón tay viết trên đất, trên cái bụi mà từ đó con người được tạo dựng nên (x. St 2,7). Phán quyết của Thiên Chúa là: 'Ta không muốn con phải chết, nhưng muốn con được sống.' Chúa không cứ tội ta mà trách phạt, cũng chẳng đồng nhất ta với những lỗi lầm trót phạm. Chúa muốn giải thoát chúng ta. Chúa muốn ở với ta và muốn chúng ta cũng ở lại với Ngài. Chúa mong ước chúng ta đừng sử dụng tự do để làm điều xấu nhưng biết làm điều thiện. Và chúng ta có thể làm được điều ấy với ân sủng Chúa ban.
Chúng ta hãy nhìn lên Ðức Trinh Nữ Maria và khẩn cầu Mẹ là Mẹ từ bi để đến nép thân nơi lòng thương xót của Mẹ. Nơi Mẹ, tình thương nhân từ của Thiên Chúa được nhập thể, và tâm hồn vô nhiễm của Mẹ là nơi trú ẩn an toàn cho người tội lỗi. Ðược Mẹ dẫn lối chỉ đường, chúng ta hăng hái tiến bước, và nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình, nay Người nói với mỗi người chúng ta rằng: "Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa" (Ga 8,11).
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là đấng chỉ bảo đàng lành, xin giúp chúng ta biết cậy trong vào lòng tư bi của Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ được thứ tha. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 5
KHUẤT TẤT TRONG MỘT VỤ ÁN “BẤT THƯỜNG”
(Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11)
Bài Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay hôm nay, trình thuật vụ án hy hữu và bất thường. Đó chính là phiên tòa xử người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.
Các Kinh Sư và Pharisiêu mang đến cho Đức Giêsu để xin Ngài phân xử. Nếu đọc thoáng qua, chúng ta sẽ thấy họ tôn trọng Đức Giêsu và nhờ Ngài phán quyết một vụ án di động này. Thật bất ngờ, Đức Giêsu bỗng dưng trở thành thẩm phán. Bị cáo là người phụ nữ ngoại tình. Các người tố cáo chính là Kinh Sư và Pharisiêu.
Phiên tòa bắt đầu với lời tố cáo: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ hỏi câu hỏi đó không phải để chờ Đức Giêsu phán làm sao, mà đúng hơn, họ đã có sẵn bản án trong tay, bởi vì họ biết rõ luật!!! Nhưng điều đáng nói ở đây chính là cái tâm đen tối của họ, họ muốn gài bẫy Đức Giêsu. Nếu Đức Giêsu lên tiếng phán: “Phải ném đá”, thì ngay lập tức, Đức Giêsu không phải là một vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu, bao dung với người nghèo và yêu thương người tội lỗi. Tất cả những gì Đức Giêsu rao giảng đều tự mâu thuẫn nội tại với Ngài. Bởi vì Ngài đã từng nói hãy tha thứ cho nhau không chỉ bảy lần mà đến bảy mươi lần bảy (x.Mt 18,21-22). Hơn thế nữa, Đức Giêsu phạm vào cái tội gọi là “tội khi quân” phản loạn và chống lại triều đình.
Còn nếu Đức Giêsu nói “không được ném đá”, thì ngay lập tức Ngài lãnh nhận án tử trong tay. Bởi vì luật Môsê truyền phải ném đá hạng người phụ nữ ngoại tình này. Những ai đi ngược lại với những điều khoản trong luật của Môsê thì kể như là vi phạm và phản bội với truyền thống của tiền nhân. Mặt khác, Đấng đã từng tuyên bố rằng “đến không phải để hủy bỏ lề luật và lời các ngôn sứ, nhưng để kiện toàn”(x.Mt 5,17) không lẽ giờ này lại phá luật?.
Quả thật họ đã quá nham hiểm, họ đã dùng phương pháp: nhất tiễn diệt song điêu. Một mũi tên giết hai con chim. Bầu không khí thật ngột ngạt ngay trong khoảng không trống trải giữa trời. Họ nín lặng chờ vị thẩm phán bất đắc dĩ tuyên án. Trong thinh lặng, thay vì nói lời tuyên án, Đức Giêsu đã âm thầm, tế nhị viết trên đất, hành động này theo một số nhà chú giải cho rằng Đức Giêsu viết tội của những người tố cáo chị phụ nữ trên đó. Sau đó Đức Giêsu lên tiếng:  "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi". Một câu nói tưởng chừng như êm đềm, trôi vào khoảng không vô tư của những người đang hung hăng tố cáo và thực hiện dã tâm... Không! Đức Giêsu đã lật ngược ván cờ. Bị cáo lại chính là những Kinh Sư và Pharisiêu, thẩm phám không phải là một ai hay một nhóm người hiện hữu nào, mà là một vị thẩm phán vượt lên trên thời gian và không gian, một vị thẩm phán có thể thấu suốt những những điều mà chỉ có họ biết họ. Vị thẩm phán đó là “Lương Tâm”. Chính vị thẩm phán “Lương Tâm” này đã lên tiếng kết tội của họ trong thinh lặng cõi lòng, đã xoáy sâu vào tận nội căn tâm hồn để vạch trần tội ác của họ. Quá bất ngờ, họ bị chưng hửng, không dám đứng đó, nên đã lần lượt ra về, bắt đầu từ những người lớn tuổi.
Khi mọi người đã ra về, chỉ còn lại mình Đức Giêsu và chị phụ nữ. Bấy giờ, Đức Giêsu mới hỏi: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?", và, giờ đã điểm, Đức Giêsu tuyên án: “Còn tôi, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!". Lời tuyên trắng án của Đức Giêsu đã phá tan màn đen của một vụ án khuất tất và những bất thường của nó.
Đây là một trong những câu nói tuyệt đẹp và rất nhân văn. Nhưng xét về chiều sâu đức tin, thì đây còn là một lời nói được phát xuất ra từ cung lòng Thiên Chúa, thể hiện một vị Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu, từ bi và hay thương xót. Sẵn sàng tha thứ cho những người tội lỗi. Một vị Thiên Chúa luôn đứng về phía người nghèo, bị bỏ rơi và thấp cổ bé họng để yêu thương, nâng đỡ và phục hồi nhân phẩm cho họ. Quả thật, Lời Chúa trong sách Khôn Ngoan thật sâu xa để cho mỗi người chúng ta suy niệm: “Lạy Chúa, Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (Kn 11,23).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, sứ điệp Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy nắm lấy tay nhau để dìu nhau đứng dậy và ra khỏi vũng lầy êm ái của tội lỗi. Chứ không phải tìm cách nhấn chìm anh chị em chúng ta xuống tận bùn đen để làm bàn đạp cho ta tiến lên.
Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả, đó là: Lời Chúa hôm nay muốn đi sâu vào tận nội tâm mỗi người, để mời gọi đương sự hãy tự cật vấn lương tâm của chính mình, nhằm thấy được những lỗ hổng tốt lành, thánh thiện để lấp cho đầy những bác ái, yêu thương và bình an, lo sám hối và quay trở về với Chúa và với nhau; đồng thời phải nhận ra những ứ đầy tội lỗi của tham lam, ích kỷ, ghen tỵ nơi chính mình, để có được sự cảm thông thay vì kết án, để yêu thương thay hận thù.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mặc lấy tâm tư, hành động của Chúa. Xin cho chúng con biết gớm ghét tội, nhưng không ghét những người có tội. Ước gì, trong những ngày này, mỗi người chúng con biết sám hối chân thành, biết nhìn vào trong sâu thẳm đời sống nội tâm, hầu thấy được khuôn mặt thật của mình, để trở về với Chúa và với nhau. Xin tha thứ những lỗi lầm mà thời niên thiếu chúng con vươn lên trong dại khờ.  Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
===================
Suy niệm 6
Nhìn Lại Mình
Is 43, 16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11
Tại đền thờ, lợi dụng lúc Đức Giêsu đang giảng dạy cho toàn dân với đầy sức thuyết phục, thì các kinh sư và người Pharisêu “phá đám” bằng việc lôi một người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình, đến trước mặt Người và hỏi khó: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8,4-5). Mặc dù với vẻ tôn trọng, nể phục Người nên mới tham khảo ý kiến, nhưng họ nhằm thử khó, để kiếm cớ tố cáo Người. Một Đức Giêsu luôn rao giảng về lòng từ bi thương xót, sẽ xử ra sao với một người đàn bà tội lỗi xấu xa nhãn tiền này, trong khi theo sách luật thì phải ném đá đến chết? Nếu đồng ý kết tội thì cũng như những kinh sư và Pharisêu hà khắc này thôi, sẽ phản chứng mọi lời rao giảng của Người về lòng từ bi thương xót. Nếu tha bổng cho chị thì chống lại lề luật Môsê. Nhưng họ không thể dò được sự khôn ngoan của một “vị Thiên Chúa”. Thật kỳ lạ, Người chọn im lặng, cúi xuống viết gì đó trên đất thật lâu. Họ sốt ruột gặng hỏi mãi, Người mới ngẩng lên trả lời: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá và ném trước đi” (Ga 8, 7). Ra như người vừa mở cuộc “tĩnh tâm” để họ lắng lòng lại mà nhìn và xét về chính mình. Rồi Người lại im lặng và tiếp tục viết viết trên đất, trong sự lặng thinh tự dò xét lương tâm của họ. Hiệu quả lạ lùng, không thấy ai dám lên án nữa, mà lần lượt ra về, bắt đầu từ người lớn tuổi. Hóa ra càng người già đầu thì hay lắm tội, nên càng cứng họng trước trong vụ án này. Không đao to búa lớn, chẳng nặng lời, nhưng Người làm cho họ biết thẹn thùng vì tội lỗi của cá nhân mình, biết nhìn nhận để rồi không còn dám lên giọng kết án nữa. Ngày nay khi đứng trước sự kiện tiêu cực nào, hoặc thực trạng không tốt của người anh em, chúng con đã vội vàng chê bai, xét đoán và lên án ngay, mà không biết nhìn lại mình để thấy và không kết án tha nhân nữa, như bài học hôm nay.
Cuối cùng chỉ còn trơ lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ. Người mới ngẩng đầu lên hỏi chị họ đâu hết, mà chẳng thấy ai lên án chị sao? Người dịu dàng bảo chị: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11b). Ôi! một vị Thiên Chúa, Đấng chẳng hề phạm tội mà đặt mình như những người trong đám đông vừa rút: “Tôi cũng vậy”... và chỉ một lời khuyên chị cứ về đi mà làm lại cuộc đời.
Ôi lạy Chúa! tình yêu của Chúa thì luôn lớn hơn tội lỗi. Tình yêu thương tha thứ của Chúa ngàn lần lớn hơn che lấp tội con. Xin cho chúng con biết luôn tự xét mình, nhìn nhận mọi yếu đuối xấu xa của bản thân, để không còn xét đoán hay lên án anh em mình, nhưng biết trở về với lòng  Chúa xót thương, nhận lãnh ơn tha thứ và mặc lấy tâm tình xót thương tha thứ, sống với tha nhân bằng tình yêu thương  của Chúa nhân hiền. Amen.
Én Nhỏ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log