Thứ ba, 26/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm C

Cập nhật lúc 09:00 25/04/2019
Suy niệm 1
Bình an cho anh em
----------------
Chúa Thánh Thần là chứng nhân vĩ đại
Tất cả các bài đọc Thánh lễ hôm nay vang vọng lời tuyên xưng đức tin của Toma cũng như của tông đồ Gioan và của toàn thể Giáo hội sơ khai. Toma tuyên xưng khi nhận ra Chúa Giêsu sống lại: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Gioan nhiệt huyết nhận ra rằng chính Thánh Thần làm chứng và ban cho chúng ta ánh sáng để tin rằng: Thánh Thần là sự thật . Nhờ Thánh Thần mà mọi người được sinh ra bởi Thiên Chúa khi tin rằng Chúa Giêsu là Chúa Kitô. 
Đang lúc nỗi sợ hãi bao vây các môn đệ trong phòng tiệc ly, trong chán nản và trong nghi ngờ, Chúa Giêsu hiện. Ngài hiện đến không phải chỉ xuyên qua cánh cửa mà họ đóng chặt, mà còn cả cánh cửa đức tin của họ hôm qua cũng như hôm nay.  Từ sâu thẳm đóng kín của họ, việc mở ra cần được thực hiện! Từ sâu thẳm này, Chúa Giêsu, với sức mạnh của Thánh Thần đẩy họ ra ngoài. Chúng ta hãy cùng với họ và như họ..! 
Bình an cho anh em
Đó là Lời mà Chúa Giêsu quyết định kiến tạo một thời đại mới !  Đối với các môn đệ, cũng như đối với chúng ta, bình an, đức tin và cuối cùng là hơi thở Sự sống đến, ngay khi Chúa Kitô hiện diện với mỗi người, và khi chúng ta khám phá ra thực tại và ý nghĩa của vết thương thập giá. Qua trải nghiệm bị đóng đinh, Chúa Giêsu đặt ra chúng ta câu hỏi về sự sống và cái chết. Đó là lúc lòng thương xót của Ngài đến với chúng ta. Ngài đến để đặt mình vào vị trí chúng ta, để chia sẻ những đau khổ của chúng ta và những tuyệt vọng do tội lỗi gây nên, để giải thoát chúng ta khỏi cả sự tuyệt vọng tột cùng của cái chết.
Chúa Giêsu hiện ra cho mỗi người là:
- Để Gioan nhân ra Ngài trong ngôi mộ trống
- Để Madalena nhân ra Ngài trong khu vườn.
- Để các môn đệ nhận ra Ngài khi họ đang tập hợp trong phòng đóng kín.
- Và để cho Toma nhận ra Ngài đang trong cơn thử thách đức tin
Lúc đầu, tất cả các nhân chứng Phục sinh, dường như không hiểu những lời của Chúa Giêsu: Bình an cho anh em. Toma, người đầu tiên rút ra hiệu quả của câu nói đó. Chính Toma là người cúi đầu trước Chúa Giêsu, dám thực hiện lời tuyên xưng đức tin này: Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi ! Chúa Thánh Thần đã ban cho Toma "thấy" còn tốt hơn cả anh em mình thấy. Toma thấy gì? Toma thấy, trong nước và máu tuôn ra hôm qua từ cạnh sườn Chúa Giêsu, trong vết thương và cạnh sườn mở của Chúa, tất cả lòng thương xót mà Chúa Kitô từ nay đổ trên anh và trên toàn thể nhân loại. Đôi mắt anh mở ra, và anh hiểu rằng lời của tiên tri Isaia đã được ứng nghiệm trong Chúa Giêsu: “Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội...Người đã phải mang thương tích để chúng ta được chữa lành”(Isaia 53,5).
Bí tích Thánh Thể
Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta hãy sống trải nghiệm này của các môn đệ. Chúng ta hãy chạm đến Chúa Kitô vì lòng thương xót mà Ngài đến với chúng ta. Thánh Augustino nói: “Ai tin vào Chúa Kito, thì hãy đụng chạm tới Ngài”. Chúa Kitô vẫn nói với chúng ta ngày hôm nay: “bình an cho anh em”! Và Ngài nhắc nhở chúng ta một câu khác mà các môn đệ trong phòng tiệc ly đã sống: “Ở đâu có hai hoặc 3 người người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ.
Kế đến, vì"được nuôi dưỡng" bằng những lời này và Mình Thánh Chúa Kito Phục sinh, chúng ta có thể, giống như những kito hữu tiên khởi mà Tông Đồ Công vụ gọi là sống sự sống mới, đó là để những gì chúng ta có tốt nhất làm của chung. Cộng đoàn Giáo hội của chúng ta sẽ trở nên nơi lớn nhất về kinh nghiệm, nơi đón nhận lòng thương xót và tình huynh đệ. Lúc đó bình an sẽ trọn vẹn với chúng ta và giữa chúng ta: bình an của Chúa Kitô! 
Bình an cho anh em và cho hết mọi người
Chúng ta được mời gọi đem bình an Chúa Kitô không chỉ cho nhau mà còn cho thế giới đau khổ của chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng kể từ ngày đầu tiên Phục sinh, nhờ Chúa Kito, với Chúa Kito và trong Chúa Kito, nhân loại đã thực sự bước vào thời kỳ của lòng thương xót Chúa. Chúng ta hãy là người chuyển tiếp và đừng là chướng ngại vật. 
Chúng ta biết, Chúa Giêsu Kitô có thể phá vỡ tất cả các không gian kín mà con người ru rú ở đó. Chúng ta hãy đến với mọi người xung quanh chúng ta, đem cho họ sức mạnh bình an bằng những cử chỉ cụ thể, an ủi họ nhân danh Đấng Cứu Độ: “Tôi đói, anh em đã cho tôi ăn, tôi mình trần anh em đã cho tôi mặc, tôi bị cầm tù anh em đã đến viếng thăm..” Chúa đẩy chúng ta ra ngoài như người mẹ đẩy con mình ra ngoài để bước vào cuộc sống. Với Giáo hội, chúng ta được sai đi phục vụ Sự sống, mang bình an như là món quà Thiên Chúa và Giáo Hội gửi đến cho nhân loại.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Lòng thương xót Chúa được thể hiện qua mỗi Thánh lễ hằng ngày
Chúng ta cùng tìm hiểu xem: Lòng thương xót Chúa dành cho nhân loại đạt tới mức cao nhất, lớn lao nhất vào lúc nào?
Tất nhiên là lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện đến mức cao nhất, tuyệt vời nhất và lớn lao nhất nơi cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giê-su. Qua biến cố đau thương này, Chúa Giê-su đón nhận vô vàn đau thương khốn khổ để đền tội thay cho nhân loại và Ngài đã chết thay cho muôn người để họ khỏi phải sa hỏa ngục và mở cửa cho họ vào thiên đàng. Đỉnh cao của lòng thương xót Chúa là đây!
Và điều đáng ghi nhớ là cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giê-su không chấm dứt cách đây 2.000 năm, nhưng vẫn còn tiếp diễn, tiếp diễn không ngừng trong các Thánh lễ được cử hành liên tục từng giờ, từng phút suốt dòng lịch sử nhân loại. Giáo lý Hội thánh dạy rằng “Hy tế khổ giá của Đức Ki-tô trên đồi Can-vê kéo dài qua các thời đại cho đến tận thế” (GLHTCG số 1323), “Thánh lễ hiện tại hóa hy tế thập giá của Chúa Giê-su” (GLHTCG số 1366) hay nói dễ hiểu hơn “Hy tế của Đức Ki-tô trên đồi Can-vê năm xưa và Thánh lễ hôm nay chỉ là một, vì chỉ có một Lễ vật duy nhất là Đức Ki-tô; hôm xưa, chính Ngài tự dâng mình trên thập giá, hôm nay, Ngài lại dâng mình nhờ tay linh mục” (GLHTCG số 1323. 1367).
Như vậy, Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót bao la không bờ không bến của Ngài qua các Thánh lễ được hiến dâng mỗi ngày.
Thánh lễ là nơi Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót vô biên của Ngài qua 3 hồng ân lớn sau đây:
Thứ nhất,
Bằng cuộc thương khó và tử nạn của mình được tiếp diễn trong Thánh lễ, Chúa Giê-su hiến dâng thân mình đền tội thay cho chúng ta, chết thay cho chúng ta… để tha thứ tội lỗi cho ta, nhằm cứu ta khỏi sa hoả ngục đời đời (GLHTCG số 1365 [1], 1367 [2] và 1366).
Như thế, qua Thánh lễ, lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta thật là vô biên, vô hạn.
Thứ hai,
Vì yêu thương chúng ta vô biên vô hạn, Chúa Giê-su trao ban Thịt Máu Ngài làm lương thực cho ta, để nhờ đón rước Ngài vào lòng, chúng ta được hòa chung nên một với Chúa như giọt nước hòa trong chén rượu, như ao nước nhỏ hòa với đại dương… đúng như lời Chúa phán: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong kẻ ấy (Ga 6, 56).  Nhờ đó, Chúa với ta không còn là hai mà chỉ là một và con người bụi đất hèn hạ này được nâng lên làm một với Đấng tối cao.
Thứ ba,
Một khi chúng ta được nên một với Chúa qua việc rước mình thánh Ngài, Chúa Giê-su thông ban sự sống cao vời của ba Ngôi Thiên Chúa cho chúng ta; nhờ đó ta được mang sự sống của Thiên Chúa trong ta và được sống đời đời với Thiên Chúa như lời Chúa phán: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54).
Như thế, chẳng còn ơn nào trọng hơn 3 hồng ân trên đây; không có gì cao quý bằng 3 hồng ân tuyệt vời này.
- Vậy thì chúng ta cần phải đến tôn vinh lòng thương xót Chúa ở đâu?
- Tất nhiên là đến với Thánh lễ hằng ngày, vì đây là nơi Chúa Giê-su thi thố lòng thương xót cao vời của Ngài cho tất cả chúng ta.
Vì thế, ai quay lưng lại với Thánh lễ là quay lưng lại với lòng thương xót Chúa; ai thờ ơ không tham dự Thánh lễ là không muốn đón nhận lòng thương xót Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Không có tình thương nào lớn lao cho bằng tình thương của Ngôi Hai Thiên Chúa nộp mình chịu thương khó, chịu chết trên thập giá để đền tội cho những con người hèn mọn chúng con.
Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của Chúa khi trao ban mình máu thánh Chúa cho chúng con  để chúng con được hoàn toàn nên một thân mình, một dòng máu với Chúa.
Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của Chúa là Đấng đã trao ban sự sống đời đời của Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con biết tìm đến tôn vinh lòng thương xót Chúa trong các Thánh lễ hằng ngày để đón nhận những hồng ân lớn lao phát xuất từ tình thương bao la của Chúa.

[1] “Trong Thánh lễ, Chúa Ki-tô ban chính thân mình đã tự hiến trên thập giá, ban chính máu Ngài đã đổ ra cho mọi người được tha tội”
[2] “Hy tế này (Thánh lễ) thực sự có giá trị đền tội”
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

======================
Suy niệm 3
Hành trình đức tin của Tôma
Ga 20, 19 – 31
1. Tôma lỡ hẹn và nghi ngờ
Không biết Tôma bận chuyện gì mà vắng mặt trong cộng đoàn chiều ngày Chúa Phục sinh hiện đến gặp các tông đồ lần đầu tiên, vì thế nên Tôma đã bỏ lỡ buổi hẹn quan trọng và đánh mất cơ hội gặp Chúa Phục sinh. Khi ông về thì mười anh em tông đồ đã vui mừng kể lại mình đã được thấy Chúa Phục sinh, được Chúa cho xem những vết thương nơi tay và cạnh sườn.  Đáp lại Tôma nói: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn, tôi chẳng có tin (c25). Có nghĩa là: nếu tôi không kiểm chứng bằng mắt thấy, tay sờ, thì còn khuya tôi mới tin. Chính vì câu nói này của Tôma mà nhiều người cho rằng ông đã có thái độ hơi quá đáng, dám đòi hỏi và thách thức Chúa, và cũng kể từ đây Tôma đi vào lịch sử với sự cứng lòng, thật tội nghiệp cho Tôma (Đức cố GM Vũ Duy Thống đã có bài viết: nỗi oan của Tôma)
Nhưng với con thì chưa một lần coi ngài là người cứng lòng, và chưa bao giờ trách thái độ của ngài, bởi chính câu nói của ngài cho con thấy điều quan trọng hơn là ngài đã không ngần ngại nói về sự thiếu lòng tin của mình trước anh em, ngài đã dám công khai nhìn nhận mình yếu kém lòng tin trước cộng đoàn. Câu nói ấy của Tôma còn cho thấy ngài ước ao và muốn đích thân mình có một kinh nghiệm mà những anh em bạn bè của mình đã có, vì thế, Tôma muốn chính mình, phải thấy, phải gặp Đấng Phục sinh cũng chính là Đấng đã chịu đóng đinh và đã bị đâm thâu y như anh em đã được thấy.
2. Tôma không lỗi hẹn và tuyên xưng lòng tin
Sau lần lỡ hẹn trước tám ngày, thì Tôma đã được gặp Chúa Phục sinh ở một lần hẹn khác khi ông có mặt cùng với anh em cũng vào ngày thứ nhất trong tuần và cũng trong cộng đoàn của nhóm 12. Chúa vẫn yêu Tôma bằng tình yêu thương xót và Người đã kiên nhẫn chờ đợi Tôma tám ngày để củng cố lòng tin cho Tôma, nên có vẻ như Chúa Phục sinh hiện đến lần này chỉ vì để gặp Tôma, để đáp trả những điều kiện Tôma đưa ra, bởi tất cả những gì Tôma đòi đều được Chúa chấp nhận, và Người mời gọi Tôma thực hiện những điều ấy: “Hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (c27). Chúa vẫn yêu Tôma bằng tình yêu thương xót,và Người hiểu được sự yếu đuối thiếu sót trong đức tin của Tôma, Người cũng thấy được khát vọng của Tôma là muốn thấy rõ hơn để tin, chứ không phải chống đối để từ chối đức tin. Vì thế, nên Người không lên án mà chỉ trách nhẹ Tôma với thái độ trìu mến: “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (27). Tuy nhiên, khi đối diện với chính Chúa Phục sinh đang nói với mình bằng xương bằng thịt trước mặt, thì Tôma lại chẳng dám làm điều mình đã đòi hỏi cũng như lời mời gọi của Chúa, vì đối với Tôma lúc này điều đó không còn cần thiết nữa. Thay vì kiểm chứng bằng những hành động rồi mới tin thì Tôma phủ phục và tuyên xưng lòng tin của mình: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”(c28). Với lời tuyên xưng này, Tôma đã xác tín hơn nhiều tông đồ khác, và ông là tông đồ đầu tiên đã tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô phục sinh bằng lời nói và bằng cả con tim của mình, Tôma đã có kinh nghiệm riêng về Đấng Phục sinh của chính mình, chứ không phải qua anh em.  Hành trình đức tin của Tôma đúng như câu người ta đã nói: “đại nghi thì đại ngộ, nghi ngờ lớn thì giác ngộ càng lớn”. Quả thực, thay vì trước đây Tôma quả quyết phải thấy mới tin, thì hôm nay qua tiếp xúc trực tiếp cá nhân với Đấng Phục sinh, Tôma đã nhận ra phải tin mới thấy trọn vẹn, Tôma đã thấy Đấng Phục sinh và Chúa Giêsu là một, và thấy Đấng Phục sinh chính là Chúa và là Thiên Chúa của ông. Chính kinh nghiệm tiếp xúc cá nhân trực tiếp với Đấng Phục sinh hôm nay mà Tôma đã  tuyên xưng đức tin với một công thức rất riêng, rất Tôma, và công thức này làm thành đỉnh cao của tuyên tín Phục sinh. Chính kinh nghiệm tiếp xúc cá nhân trực tiếp với Đấng Phục sinh đã đưa Tôma đi vào tương quan tình yêu thực sự với Đấng Phục sinh, vì chỉ trong tương quan tình yêu mới có thể khẳng định sự sở hữu, Đấng Phục sinh chính là Thiên Chúa của ông.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục sinh! Chúng con tạ ơn Chúa vì Chúa đã Phục sinh, đã đến gặp các tông đồ bằng những lần hiện ra ở những nơi và những thời gian khác nhau, để cho chúng con ngày hôm nay có thể gặp gỡ được Chúa trên mọi nẻo đường của cuộc đời. Chúng con cũng cám ơn các tông đồ, vì các ngài đã để lại cho chúng con những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục sinh khác nhau, để đức tin của chúng con được củng cố và thêm phong phú. Chúng con cám ơn thánh Tôma, vì qua ngài chúng con hiểu đức tin vừa có tính cộng đoàn và vừa có tính cá nhân, cũng qua ngài mà chúng con là những người sinh sống thời hậu Phục sinh không được thấy Chúa Phục sinh bằng con mắt thể lý, nhưng lại được hưởng mối phúc thứ chín của Chúa Phục sinh: “Phúc cho những người không thấy mà tin” (c30). Nhờ lời bầu cử của các tông đồ, của thánh Tôma, chúng con xin Thánh Thần của Chúa Phục sinh hướng dẫn để chúng con không lỗi một cuộc hẹn nào Chúa, và xin cho chúng con cảm nghiệm được Chúa phục sinh hiện diện trong những lần Chúa hẹn gặp chúng con khi chúng con hội họp gia đình, cộng đoàn, đọc Kinh Thánh,tham dự Thánh lễ, hay nơi những người chúng con gặp gỡ và phục vụ…để chúng con cũng dám tuyên tín như thánh Tôma bằng chính đời sống của chúng con. Amen.
 
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
======================
 Suy niệm 4
Thánh Tôma và Lòng Thương Xót Chúa
Chúa nhật II phục sinh Giáo hội tuyên dương lòng thương xót Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: "Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại duơng hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta" (Tiểu nhật ký, số 699). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua đời vào đêm cuối tuần Phục Sinh đầu tiên (ngày 2 tháng 4 năm 2005). Lòng thương xót Chúa đã chiếu một luồng ánh sáng vào cái chết của một vị thánh thời đại.
Lòng thương xót của Chúa được diễn tả qua cuộc thương khó và cái chết của Ngài trên thập giá. Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo. Lòng thương xót ghi đậm nét nơi các vết thương trên thân thể Chúa. Vì thế, việc đầu tiên khi hiện ra với các môn đệ, sau khi trao sự bình an, là cho các ông xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, các môn đệ vui mừng và bình an.
Lòng thương xót Chúa đối với con người trước và sau phục sinh không thay đổi, vì Chúa Giêsu vẫn là một để cho người ta nhận ra Ngài. Vết thương diễn tả lòng thương yêu của Chúa với con người không thay đổi. Ngài còn khoe và cho phép Tôma lấy tay kiểm tra vết thương.Chúa không che dấu, không tiếc xót dù Tôma có cứng lòng, đòi thực tế phải thấy mới tin. 
1. Đức tin của Tôma
Chúa sống lại, các môn đệ không dễ dàng tin, thánh sử Luca kể: “Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này. Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẫn, nên chẳng tin” (Lc 24,11). Thánh Matthêu thuật lại: khi mấy người phụ nữ báo tin cho các môn đệ: Chúa đã sống lại rồi, các ông cũng hoài nghi. Rồi, “khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17). Riêng Tôma đã nói một câu quyết liệt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Đây là kiểu tin bằng lý luận kiểm chứng, chỉ tin khi thấy, khi đã có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên.
Tôma đại diện cho những người lý luận, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay. Chỉ tin những gì thấy được. Chỉ chấp nhận những gì sờ được. Đòi kiểm nghiệm tất cả. Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả. Không chỉ tin vào lời nói suông. Tôma không vội tin một cách dễ dàng như bao người khác. Ông là người có tính thực tế của khoa học phải qua kiểm chứng, kiểm nghiệm bằng mắt thấy, tai nghe, tay chân sờ mó đụng chạm hẳn hoi thì mới tin. Đây phải chăng là thái độ khôn ngoan, cẩn thận trước một quyết định hết sức quan trọng của đức tin nơi Tôma? Cám ơn thánh Tôma, vì nhờ ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người.
Trước khi tin, Tôma phải hoài nghi đã. Tôma chỉ tin những điều hợp lý, những gì ‘thấy được, sờ được'. Đây không phải là thái độ cố chấp của Tôma mà ngược lại là thái độ không nhẹ dạ, không cả tin vội vàng bằng tai nghe. Đó là lối phân tích theo nhận định tự nhiên của con người và cũng là kinh nghiệm sống đức tin của nhiều người chúng ta. Dù sao, đây cũng là một khó khăn riêng tư của Tôma trong việc tin vào Chúa sống lại. Chúa Giêsu hiểu ông, nên đã đích thân đến và giúp cho ông dễ dàng hơn để tin vào Chúa. Ngài mời gọi ông hãy tin vững vàng. Và ông đã nói lên lời tuyên xưng đức tin thật đẹp đẽ, thật trang trọng 'lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi'. Cuối cùng, Chúa Giêsu đã ban cho Toma sự bình an và đức tin mạnh mẽ qua sự hoài nghi, để ông tuyên xưng đức tin cá nhân của mình: "Lạy Thiên Chúa của con". Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Tôma đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Theo lưu truyền, ông đi rao giảng đức tin và lòng thương xót của Chúa ở Ba tư, Xyri rồi chịu tử đạo ở Ấn Độ.
Thần học gia Hans Kung nói: "người tín hữu không bao giờ nghi ngờ sẽ khó lòng hoán cải một người hoài nghi". Nhà thần học Paul Tillich nói: "sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh". Còn Thomas Merton bảo: "người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin". Jean Guitton, một nhà triết học người Pháp, nói: "Chính vì nghi ngờ thường trực mà tôi lại có thể tin vững". Thực tế, trên đời có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin, không kiểm tra được mà vẫn phải chấp nhận và sống điều ấy. Sự hoài nghi giúp chúng ta trưởng thành trong đức tin, thúc đẩy ta thắc mắc, tìm hiểu, học hỏi, cầu nguyện, nghiên cứu sách vở (Lm. Pet. Bi Trọng Khẩn).
2. Lòng mến của Gioan
Có hai mức độ tin: mức độ thấp là tin vì thấy,tin dựa vào bằng chứng; mức độ cao là tin mà không cần thấy, tin không dựa trên bằng chứng mà dựa trên tình yêu.Đây là mối phúc thứ 9 như lời Chúa Giêsu nói với tông đồ Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,28). Không thấy mà tin không có nghĩa là tin một cách mù quáng, vu vơ, không có cơ sở, không có lập trường mà là bằng tình yêu nên đức tin vững mạnh hơn, truởng thành hơn.Thánh Gioan, “người môn đệ Chúa yêu”, bằng tình yêu, Gioan “đã thấy và đã tin” và nhận ra điều mà mọi người khác không nhận ra. Phúc âm kể: khi thấy một bóng người mờ mờ đi trên mặt biển, mọi người khác đều tưởng là ma, chỉ có Gioan là tức khắc nhận ra đó là Thầy mình. Khi Chúa Phục Sinh hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria, “các môn đệ không nhận ra” nhưng “ môn đệ được Chúa Giêsu thương mến” đã nhận ra và nói với Phêrô “Chúa đó” (Ga 21, 4-7)…Rõ ràng, con đường tình yêu đi đến niềm tin nhanh chóng hơn, nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn.
Tin mừng Phục Sinh cho thấy: có hai con đường dẫn tới đức tin, một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng, và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu thoạt xem có vẻ tầm thường nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc. Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó. Phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì cũng như thánh Gioan, nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt để nhận biết những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết.
3. Lòng Chúa Xót Thương
Nhân loại thời nay khát khao một “Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót (1Ga 4,8; Ep 2.4) để họ tôn thờ, tựa nương và tìm được ý nghĩa cuộc đời. Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội để đào sâu đức tin và canh tân chứng tá Kitô giáo. Lòng thương xót là tình yêu thương, là lòng trắc ẩn với người đau khổ, với người nghèo đói, với người bệnh tật, với người tội lỗi. Nhân loại thời nay cần tình yêu, đây là một dấu chỉ của thời đại.Vì thế, mỗi người tùy vào khả năng của mình hãy đặc biệt quan tâm đến việc thực thi lòng thương xót. Mỗi tín hữu được mời gọi trở thành nhân tố tích cực để sống và làm chứng cho lòng thương xót.
Điều làm nên nét độc đáo của người tín hữu là nhân đức thương xót, thể hiện bằng đạo yêu thương, được bộc lộ nơi bản thân và cuộc đời mỗi cá nhân. Mỗi người trong chúng ta, bằng cách thực thi bác ái, lòng thương xót và tha thứ, có thể trở nên dấu chỉ quyền năng tình yêu của Thiên Chúa có sức biến đổi tâm hồn, đem lại hòa giải và bình an.Trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), ĐTC Phanxicô nói: “Thời đại ngày nay, khi Hội Thánh đang thực thi công cuộc Tân Phúc Âm hóa, lòng thương xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và đổi mới các hoạt động mục vụ. Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (số 12). Đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô, trong Thư gởi cộng đoàn Dân Chúa (17.9.2015), HĐGMVN nhấn mạnh: “Mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống”.
Chúa Phục Sinh cho các tông đồ xem những thương tích cuộc khổ nạn nay đã thành sẹo như mời gọi các ngài chiêm ngắm chính nguồn mạch của Lòng Thương Xót không bao giờ cạn vơi.
Thánh Tôma Aquinô đã cầu nguyện rằng: "Chúa ơi, con không xin được xem thương tích Chúa như ông Tôma tông đồ, nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con. Hãy làm cho con luôn tin vào Chúa, cậy trông vào Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn nữa". Người kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà cần sống bằng lòng mến. Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc. Càng tin vững thì càng bình an. Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến. “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).Những ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu trong những cái tầm thừơng để có khả năng chứng mình về tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
  Lm Giuse Nguyễn Hữu An         
======================
Suy niệm 5
Lòng Thương Xót Chúa Tồn Tại Đến Muôn Đời
(Ga 20, 19-31)
Khởi đi từ năm 1931, lòng thương xót Chúa đã mạc khải cho nữ Thánh Faustina về lòng tôn sùng lòng thương xót Chúa; mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quyết định thiết lập lễ kính lòng thương xót Chúa vào Chủ Nhật thứ II sau Phục Sinh khi phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4 năm 2000 và phổ biến Thông điệp đó trên toàn cầu.
Suy niệm đoạn Tin Mừng (Ga 20, 19-31) Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo hội đã coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.
Cử chỉ trao ban bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: " Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.
Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý cần thiết biết bao lòng thương xót của Thiên Chúa!
Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang: "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.
Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian mà theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần  (x. Ga 3, 5; 4, 14).
Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, Ðấng cứu độ duy nhất của chúng ta! Những tia sáng của lòng từ bi Chúa mang lại niềm hy vọng cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi. Chúa Giêsu Kitô là Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhập thể. Vậy, chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa, là Ðấng luôn chờ đợi và yêu thương chúng ta, đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn yêu thương, dịu hiền, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta. Cả khi chúng ta xa rời, Thiên Chúa vẫn luôn gần gũi và sẵn sàng giang tay ra ôm ấp chúng ta vào lòng, nếu chúng ta trở về với Chúa.
Giờ kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau”. Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín rằng, cốt lõi của Phúc Âm là tình thương, (x. Huấn từ 28-3-2014). Vì thế, theo nguyên tắc, tất cả mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm,26-43). Bởi vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành, chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi (x. trả lời Phỏng Vấn 04-12-2014). Ngài muốn Giáo Hội phải đi đến tận rìa mép của xã hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, thậm chí Giáo Hội phải ăn uống với thành phần đàng điếm và thu thuế tội lỗi (Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới  ngày 18-10-2014).
Lạy Mẹ maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con duy trì lòng tin vào Con Mẹ. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thánh nữ Faustina, xin trợ giúp chúng con, để chúng con được cùng với các thánh hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", bây giờ và mãi mãi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 6
Lạy Thiên Chúa của con!                  
Ga 20, 19-31
Sau cái chết như “một tử tội” của Thầy Giêsu, các môn đệ vô cùng khiếp sợ. Ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, các ông vẫn chưa hoàn hồn vì nỗi sợ người Do Thái. Vào buổi chiều Chúa nhật, phòng ở của các ông còn đang đóng kín các cửa, bỗng Chúa hiện đến đứng ngay giữa và trấn an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19b). Vì sợ hãi làm cho tâm hồn các ông bị khép kín, sống co cụm, cách biệt các mối tương quan, không gặp gỡ giao tiếp với ai. Khi có Chúa ở giữa với lời ban bình an, các ông như được cởi bỏ mối lo sợ đang ngập tràn. Để họ an tâm xác nhận, Người cho các ông xem chân tay và cạnh sườn rồi thổi hơi (ban Thánh Thần) cho các ông. Người truyền sai đi và ban quyền tha tội cho các ông. Có sự hiện diện với ơn bình an của Chúa Phục Sinh, các ông như được mở tung cõi lòng, như tia nắng mới, làn gió mát ùa vào khiến họ tự tin vững vàng để làm chứng cho Thầy mà không sợ hãi. Sự bình an của Chúa là ơn đặc biệt mà “thế gian chẳng thể ban được”. Sự bình an luôn là niềm khát vọng ngàn đời của cả nhân loại.
Lần trước Chúa hiện đến với các môn đệ thì ông Tôma vắng mặt. Các môn đệ khác nói lại nhưng ông không tin. Có lẽ nhiều người hôm nay chê trách Tôma quá cứng lòng. Nhưng thật ra, Chúa Giêsu đã chết rồi “tự sống lại” là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử, ông lại không nhìn thấy nên thật khó để tin. Ông đại diện cho những người không sống theo dư luận, không hùa theo đám đông khi chưa nhìn rõ sự việc gì hệ trọng, mà phải là mắt thấy, tai nghe và tay rờ. Tin Mừng hôm nay là chuyện tám ngày sau, hôm ấy ông Tôma cùng ở đó và đã nhìn rõ Thầy mình. Chắc chắn ông đã tin, nhưng biết lòng người môn đệ này, Chúa còn lấy tình thân thương mà “nhắc nhủ” riêng ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 27). Lúc này ông vừa tin, vừa yêu, vừa kính sợ và chỉ còn biết kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Tình yêu và sự bình an của Chúa Phục Sinh đã tràn ngập tâm hồn ông, khiến ông cảm nhận thật rõ lòng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Hôm nay là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, vì tình yêu và lòng xót thương, Chúa đã chịu chết, chịu lưỡi đòng đâm thấu Trái Tim, để từ đây Máu và Nước đã tuôn trào như suối nguồn thương xót chúng con. Như thánh Tôma Tông đồ, xin Chúa cho chúng con luôn cảm nhận, tin yêu và tín thác trọn cuộc đời mình trong Trái Tim yêu thương của Chúa, để đời chúng con luôn sống trong sự bình an của Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Amen.
Én Nhỏ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log