Thứ ba, 26/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh

Cập nhật lúc 08:58 19/04/2019
Suy niệm 1
Bóng tối của đức tin
----------------
Bóng tối của ngôi mộ
Trời còn tối khi Madalena đến mộ. Dù sao vẫn còn đủ để thấy rõ hòn đá đóng cửa ngôi mộ đã lăn ra ngoài. Không cần phải tiến xa hơn! Đó là điều hiển nhiên rồi: hòn đá này bị lăn ra ngoài phải do một nguyên nhân nào đó. Ngôi mộ mở là dấu hiệu cho thấy xác Chúa Giêsu đã được mang đi. Và như một xác chết không thể biến mất, nhưng là đã được vận chuyển đi nơi khác. 
Trời còn tối khi Madalena đến mộ, nhưng đó cũng đủ để chị thông báo cho các tông đồ: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để ở đâu”?.
Khi trời sáng, Phêro và Gioan chạy đến mồ. Gioan trẻ hơn, chạy nhanh hơn và đến trước. Gioan tiến xa hơn Madalena vài bước: Madalena khi thấy ngôi mộ trống thì quay về ngay, còn Gioan tiến đến cửa ngôi mộ và hướng vào trong. Sau đó, Gioan nhìn thấy những gì Madalena không thể thấy: ngôi mộ không hoàn toàn trống rỗng. Mặc dù xác Chúa Giêsu đã biến mất nhưng tấm vải liệm vẫn ở đó. Áo liệm này có ý nghĩa gì? Tại sao lấy trộm xác Chúa mà lại dành thời gian để cởi bỏ áo? Gioan không hiểu điều đó. Về điểm này có lẽ Gioan tối hơn Madalena. Madalena thấy rõ những gì đã xảy ra mà không có bóng dáng của một nghi ngờ. Gioan ra ngoài...Trong đầu Gioan như thể có một dấu hiệu bị treo lơ lửng mà Gioan không có khả năng diễn giải... Ngày càng sáng thì bóng tối lại càng bao phủ vì những biến cố của đêm!
Đến lượt Phêro theo sau cũng tới nơi. Phêro tiến thêm một bước. Gioan vẫn đứng ngoài, còn Phêro vào trong mồ. Sau đó, Phêro nhận ra rằng ngôi mộ thực sự không trống rỗng: Phêro nhìn thấy một dấu hiệu khác cũng không thể hiểu được: “khăn liệm che mặt Chúa không để lẫn với giây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ”. Tất cả các dàn cảnh đó có nghĩa là gì? Phêro không biết điều đó. Phêro vẫn lơ lửng giữa hai bằng chứng: xác đã biến mất nhưng khăn liệm gọn gàng, được gấp lại và đặt đúng chỗ... Giống như một bí ẩn cần được giải mã nhưng không biết mật mã! Sau đó, Gioan theo sát Phêro và bước vào. Cuối cùng, Gioan tác giả Tin mừng nói cho chúng ta biết: “Anh thấy và anh tin”!
Mắt chúng tôi đã thấy
Tất cả mọi thứ trong bài Tin mừng hôm nay là một vấn đề về tầm nhìn. Madalena "thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ". Gioan lúc ban đầu " thấy những khăn liệm để đó". Phêro “thấy những băng nhỏ để đó và khăn liệm che đầu Chúa không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ”. Rồi đến lượt Gioan lần này: “Anh thấy” Anh thấy gì hơn Madalena và Phêro? Không ai trong số họ nhìn thấy Chúa Kitô Phục sinh lúc đó trong bài tin mừng này. Gioan viết lại: "Các ông còn chưa hiểu rằng theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết”. Kinh Thánh cung cấp cho Gioan một tầm nhìn mới, chìa khóa để hiểu sự kiện khó hiểu này. Ngôi mộ gần như trống rỗng nhận được sự chiếu sáng từ Kinh thánh và ngược lại, Kinh thánh được chiếu sáng dưới ánh sáng của ngôi mộ này. Sự tương quan này giúp cho các tín hữu có một tầm nhìn mới, vượt qua cái nhìn của lý trí như trường hợp của Madalena ở đầu câu chuyện. Cuối cùng, đối với Gioan, bí ẩn được mở ra: “anh tin”. Lúc đó mọi sự đều sáng ra trong một ngày mới!
Với ánh sáng của lý trí, tất cả chúng ta đều sống trong bóng tối của sự chết. Nếu chỉ có cái nhìn của lý trí thôi, thì chúng ta luôn sống trong sợ sệt như Madalena. Sự sợ sệt đó sẽ kéo theo biết bao hệ lụy sau này trong mọi nơi và mọi lúc. Và cuối cùng chúng ta không bao giờ rời khỏi bóng tối của sự chết.
Từ bóng tối đến ánh sáng
Tất cả các câu chuyện được viết trong Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng lễ Phục sinh hôm nay đều loại trừ cái nhìn duy lý trí. Nếu chỉ có lý trí thôi, thì không nói được điều gì và chỉ còn lại là khăm liệm và những dây băng nhỏ. Đối với chúng ta là những người tin, bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta vượt ra khỏi nỗi buồn của sự chết, tiến tới niềm vui của sự sống... Lễ Phục sinh cũng là lễ Vượt qua, chúng ta hãy vượt qua bóng tối để đến với ánh sáng. Madalena vẫn còn tối khi dựa vào suy nghĩ cá nhân của mình. Phêro và Gioan vẫn đóng lại nếu chỉ nhìn những sự kiện để lại trong ngôi mộ trống. Nếu cứ như vậy, đêm tối sẽ trở nên tối hơn. Nhưng nếu chúng ta thấy và chúng ta tin như Gioan, dù sức manh tối tăm của sự chết bủa vây chúng ta trên con đường theo Chúa Kito, chúng ta vẫn vững bước theo Ngài đến cùng. Vượt qua cái chết, ngày ngày chúng ta sống trong hy vọng và luôn luôn hy vọng...
Hành trình đức tin chúng ta luôn là như vậy. Chúng ta cũng vượt qua bóng tối của sự chết đến ánh sáng.  Nhưng khi đã có ánh sáng rồi, liệu chúng ta có đức tin không? Thánh Bernard de Clairvaux nói rằng “đó vẫn là một cái bóng nhưng nó có lợi”. Đối với con mắt chúng ta, một ánh sáng quá chói sẽ làm chúng ta có thể bị mù như thể chúng ta đột ngột đi từ một nơi rất tối đến một nơi khác quá sáng. 
Trong bóng tối của đức tin, chúng ta học cách sống từ Lễ Vượt Qua này đến Lễ Vượt Qua khác, ngay từ lúc này cho đến khi cuộc sống của chúng ta được định đoạt một cách dứt khoát trong Ánh Sáng của một Tình yêu sẽ không qua đi!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2 (Lễ Vọng phục sinh)
“Bàn Tay” cứu độ 
Hàng ngàn hành khách vượt Đại Tây Dương trên một con tàu biển lớn, không may, tàu bị va mạnh vào tảng băng trôi khổng lồ. Tảng băng đâm thủng thân tàu, nước biển tràn vào tàu dữ dội làm cho tàu ngập nước và chìm dần xuống biển.
Hàng ngàn hành khách tìm cách thoát ra khỏi chiếc tàu đang chìm đắm và đang chơi vơi giữa biển khơi giá buốt. Tất cả mọi người đều lo âu hoảng sợ. Người không biết bơi thì sau mươi phút uống nước đầy bụng là chìm. Người biết bơi cũng chỉ cầm cự được mươi tiếng đồng hồ rồi cũng chết, hoặc vì đói mà kiệt sức, hoặc vì nước biển quá lạnh nên phải chết cóng, hoặc vì phải làm mồi cho bầy cá mập háu ăn.

Trong cơn gian nguy đó, nhìn chung quanh chỉ thấy biển cuộn sóng mênh mông, nhìn xuống chỉ thấy nước sâu thăm thẳm, nhìn lên chỉ thấy bầu trời kéo mây đen nghịt. Nhìn chung quanh chỉ thấy bao nhiêu người khác cũng sắp chết đuối như mình.
Biết bám víu vào ai bây giờ? Sớm muộn gì rồi cũng làm mồi cho cá. Biết cậy nhờ ai bây giờ?
Giá như có một bàn tay to lớn mạnh mẽ nào đó từ đám mây đen thò xuống để cho những người sắp chết đuối nắm lấy thì hạnh phúc biết bao!

Con người sống trên đời nầy cũng như những người bị đắm tàu đang chơi vơi giữa đại dương đầy sóng gió. Số phận mỗi người chẳng khác gì số phận của người đắm tàu trên đây. Không sớm thì muộn, không nay thì mai, ai nấy đều phải chìm vào biển chết.
Có người phải chết sớm; số phận họ như số phận những người không biết bơi, hì hụp chốc lát rồi chết đuối. Có người được sống lâu hơn, số phận họ như số phận những người biết bơi, nổi lên được một thời gian, nhưng rồi cũng phải đắm chìm trong lòng biển chết.
Trước tình trạng đau thương và bi đát này, con người biết cậy dựa vào đâu? Ai có thể cứu vớt con người khỏi biển chết đang vây bọc tư bề? Tìm đâu ra một điểm tựa vững bền trên cõi đời này?
Tựa vào tiền của ư? Tiền của không mua được sức khoẻ và sự sống. Những tỷ phú giàu nhất thế giới cũng không thoát khỏi bệnh tật, tai ương và chết chóc.
Tựa vào địa vị, chức quyền ư? Những tổng thống, vua chúa quyền lực nhất thế gian cũng chỉ được ngồi trên ngai trong thời hạn ngắn rồi bị truất phế và tất cả không trừ ai đã vùi thây dưới mộ.
Tựa vào khoa học kỹ thuật tiên tiến ư? Các khoa học gia hàng đầu cũng đã lần lượt lìa đời vì chết chóc và bệnh tật.
Con người cũng không thể dựa vào người khác vì tất cả những người khác cũng đang ở trong tư thế bấp bênh, chao đảo, sắp chết đuối như mình.
Vậy thì cần phải có một “Bàn Tay” đầy quyền năng từ trời cao vươn xuống mới có thể cứu vớt loài người đang đắm chìm trong biển chết.
Hạnh phúc cho chúng ta là những người may mắn tìm thấy “Bàn Tay” cứu vớt từ trời cao.
Chúa Giê-su chính là “Bàn Tay” đầy quyền năng của Thiên Chúa Cha từ trời cao vươn xuống để cứu vớt loài người đang chơi vơi giữa lòng biển chết.
Trong đại lễ phục sinh này, chúng ta hãy hân hoan vui mừng khôn xiết vì nhờ cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của mình, Chúa Giê-su trở thành “Bàn Tay” cứu độ, đang chìa ra để cứu vớt mọi người trên khắp thế gian.
Tuy nhiên, chỉ có những ai chấp nhận nắm lấy “Bàn Tay” từ trời này thì người đó mới được cứu độ mà thôi, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng tự do của con người và Ngài không thể cứu vớt những ai không muốn Ngài cứu vớt.
Muốn được cứu vớt khỏi biển chết đời đời thì chúng ta hãy nắm lấy “Bàn Tay” Chúa Giê-su, nghĩa là phải phó dâng đời mình cho Chúa và phải sống theo luật mến Chúa yêu người. Ai không mến Chúa yêu người như Chúa Giê-su truyền dạy, người đó tự xa lìa Chúa, nên không thể được cứu độ.
Lạy Chúa Giê-su phục sinh,
Chúa chính là “Bàn Tay” thần diệu đầy quyền lực của Thiên Chúa Cha từ trời cao vươn tới mọi người sắp đắm chìm trong biển đời đầy sóng gió này.
Xin cho chúng con biết nắm chặt lấy bàn tay cứu độ của Chúa bằng đức tin, bằng lòng mến Chúa yêu người thật thiết tha mạnh mẽ, nhờ đó, chúng con sẽ được cứu thoát khỏi biển chết đau thương và được đưa vào vương quốc hằng sống muôn đời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 3
Ngôi Mộ Mở và Trống
Đối với các môn đệ của Đức Giêsu thì mọi niềm hy vọng kể như đã chấm hết, và mọi sự kể như đã chôn vùi cùng với sự kiện vị Thầy của các ông (Đức Giêsu) đã chết và đã được mai táng trong mộ đá. Nhưng thực tế không dừng lại ở đó, khi vào sáng sớm nay (ngày thứ nhất trong tuần) Maria Mácđala đi ra mộ để ướp xác Thầy, thì bỗng thấy tảng đá lấp cửa mộ đã được lăn ra. Bà hốt hoảng vội chạy về báo tin cho hai môn đệ Phêrô và Gioan, hai ông liền đi ra và thấy ngôi mộ đã được mở như Maria nói, xác Thầy cũng không còn trong mộ, các băng vải dùng liệm xác được gấp gọn và xếp riêng rẽ. Những dấu chỉ này lại mở ra niềm hy vọng lớn lao cho các môn đệ, đó là dấu chỉ Đức Giêsu đã Phục sinh. Tuy nhiên, không phải các môn đệ đều nhận ra ngay dấu chỉ ấy.
Khi thấy tảng đá lăn khỏi mộ, Maria Mácđala chưa đọc ra được dấu chỉ Chúa đã sống lại, nên bà nghĩ ngay đến xác Thầy bị lấy cắp :“Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2). Phêrô và Gioan thì vượt xa hơn : thấy mộ đã mở và trống, các băng vải được xếp riêng, không lẫn lộn, và Gioan « đã tin » (Ga 20,8). Còn Phêrô có tin hay không, bản văn không nói cho chúng ta biết, có thể ông còn ngạc nhiên trong hoài nghi chăng, nên mới thinh lặng ? Nhưng tất cả những điều đó cho thấy rằng để đi từ ý thức sự kiện Đức Giêsu đã chết thật, đến việc hiểu Ngài đã sống lại thì không phải các môn đệ đều đạt được như nhau trong cùng một lúc. Điều này cũng dễ hiểu khi chúng ta gặp những ngôi mộ trống nơi gia đình, nơi cộng đoàn, nơi những người thân xung quanh, đó là những khó khăn, thử thách, đau khổ, trái ý, bất lực của phận người, chúng ta còn tin vào Thiên Chúa, còn hy vọng vào Ngài nữa không? Chúng ta có chấp nhận đi vào những khiếm khuyết và khoảng không trống vắng của những ngôi mộ ấy và tin rằng chúng có giá trị của dấu chỉ về sự sống mới không? Trong cuộc sống đời thường mỗi ngày, có biết bao dấu chỉ của sự phục sinh đang chờ đợi chúng ta nơi chính gia đình, cộng đoàn, nơi những mối tương quan học hành, nghề nghiệp và sứ vụ…Chúng ta phải luôn luôn ý thức bản thân đang được kêu gọi nhìn thấy và trao ban những dấu chỉ của sự Phục Sinh, để hết mọi người chúng ta gặp gỡ đều có thể nhận ra Chúa Phục sinh qua đời sống hằng ngày của chúng ta, và đó là câu trả lời cho câu hỏi niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vào mầu nhiệm Phục sinh cho người thời đại hôm nay.
Để trở nên dấu chỉ của sự Phục sinh, chúng ta được mời gọi có cùng một kinh nghiệm như thánh Gioan: « người môn đệ Chúa Giêsu thương mến », để nhận ra sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ trong cuộc đời, trong ngày sống, ngang qua Lời Chúa, các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể.
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, những dấu chỉ đầu tiên cho thấy Chúa đã sống lại đó là: Tảng đá lấp cửa mộ đã được lăn ra, xác Chúa không còn trong mộ, các băng vải và khăn liệm xác được gấp gọn và xếp riêng… Chúng con xin sức mạnh của Chúa Phục sinh lăn đi tảng đá của lười biếng, tự mãn, chán nản, thất vọng, lãnh đạm, thờ ơ đang cầm tù chúng con, gỡ những băng vải của con người cũ nơi chúng con. Cuốn đi tấm khăn liệm của ích kỷ, hẹp hòi chỉ nghĩ đến riêng bản thân để hướng đến cái chung, cái chúng ta, là ông bà, cha mẹ, là con cái, là gia đình, cộng đoàn, xã hội hơn. Và nhất là luôn luôn hy vọng vào một mình Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, vì chính Chúa Giêsu đã luôn tin và làm theo thánh ý Chúa Cha, đã làm người, sống tận căn thân phận một con người và đã Phục sinh. Amen.
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
====================
Suy niệm 4
Phía Sau Tảng Đá Được Lăn Ra
Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh nói đến tảng đá lấp cửa mộ đã bị bật tung và mở toang. Sự kiện khởi đi buổi “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”, Maria Mađalêna đi thăm mộ và “thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ”, bà liền kết luận “người ta đã đem Chúa đi khỏi mồ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Phêrô thinh lặng. Gioan “đã thấy và đã tin”.
Mađalêna đau khổ thất vọng nên chỉ thấy tảng đá là sự kết thúc. Bà chưa hiểu phía sau tảng đá được lăn ra kia ẩn chứa một mầu nhiệm siêu phàm.
Tông đồ Phêrô, quan sát kỹ lưỡng từ tảng đá cho đến ngôi mộ trống và tất cả những gì đã xảy ra nơi đây, nhưng ngài không nói gì, không bày tỏ thái độ mà chỉ thinh lặng. Vì sao vậy? Lý do có thể Phêrô là lãnh đạo tinh thần của nhóm tông đồ nên sự im lặng là cần thiết? băn khoăn, không biết nghĩ thế nào hay phải ăn nói làm sao! Tuy nhiên, căn cứ vào những gì Tin mừng trình bày, sự im lặng của Phêrô có nguyên nhân từ sự chưa hiểu thấu mầu nhiệm Phục sinh: “Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” (x. Ga 20,9). Thật thế, cho đến mãi sau này, khi đã được gặp Đấng Phục Sinh và đón nhận Thánh Thần, Phêrô mới hiểu vì sao ngôi mộ trống và tâm hồn ông lúc ấy mới bừng sáng để hiểu điều mà Kinh thánh từng loan báo. Phêrô là một người chân chất đơn sơ. Điều gì chưa biết thì im lặng và chờ đợi chứ không nhiều lời, không suy diễn.
Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này. Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẫn, nên chẳng tin” (Lc 24,11). Tảng đá nghi ngờ đang che mờ đôi mắt đức tin của họ.
Các thượng tế và kỳ mục thì lo âu sợ hãi trước hiện tượng mồ trống. Vì thế, các ông mới cho lính canh số tiền hậu hĩ và bảo những người này phao tin là các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác: “các anh hãy nói như thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ đã đến lấy trộm xác” (Mt 28,13). Tảng đá ghen ghét đã bịt lối nhìn lối nghĩ của họ.
Cuối cùng chỉ có một người tin. Đó là Tông đồ Gioan. Nhưng Gioan tin không phải vì hiện tượng mồ trống mà vì những gì đã thấy. Gioan thấy gì? Ông thấy những băng vải và khăn che đầu không xếp lộn với nhau, nhưng để riêng ra một nơi. Cảnh tượng này làm Gioan nhớ lại lời Kinh Thánh nói rằng Đức Kitô phải chịu đau khổ, phải chết rồi mới chỗi dậy mà vào chốn vinh quang (Lc 24,26). Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại. Ladarô ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gioan nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ: "Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại" (Ga 2,19). Gioan còn nhớ điềm lạ của Giona với lời khẳng định của Chúa Giêsu: "Như Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy" (Mt 12,40). Gioan vẫn nhớ như in, trên núi Tabor, Chúa hiển dung và căn dặn các ông không được nói lại với ai về chuyện đó, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết (Mc 9,9). Gioan luôn nhớ, trước lúc lên đường về Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, Thầy cũng đã nói với 12 môn đệ thân tín: "Này, chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho Con Người mọi điều các tiên tri đã viết. Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, hành hạ, khạc nhổ, và sau khi đã đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại" (Lc 18,31-33). Gioan ghi tạc vào lòng lời tâm sự của Thầy trong buổi tiệc ly: "Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm nay... Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi trước các ngươi tới Galilê" (Mt 26,31-32)…Những lời đó làm Gioan tin chứ không phải thấy Đấng Phục Sinh. Gioan không thấy Đấng Phục Sinh nhưng ông tin Đấng mà ông yêu mến đã sống lại. Ngay từ giây phút đầu tiên khi thấy những vết tích còn để lại trong mồ trống, Gioan đã tin cách tuyệt đối. Tuy không thấy xác nhưng những vải liệm kia chính là những dấu chỉ có giá trị đối với ông. Nói như J.P Duplantier, “ngôi mộ không trống cũng chẳng đầy, nhưng nó đã trở nên một ngôn ngữ”. Nhờ việc chú ý đến thứ ngôn ngữ ấy, người môn đệ Chúa yêu đã khám phá và hiểu rằng Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết, điều mà lúc bấy giờ ngoài ông ra, các môn đệ khác còn chưa hiểu nổi. Rõ ràng, thấy là nền tảng và bằng chứng cho lòng tin. Nhưng thấy ở đây không phải là thấy những sự kiện bên ngoài mà là thấy ý nghĩa bên trong gắn liền với sự kiện. Tông đồ Gioan thấy sự kiện những băng vải và khăn che đầu, nhưng vì nhớ lời Kinh Thánh mà tin. Thấy rồi mới tin là chuyện bình thường. Còn không thấy mà tin mới là phúc như lời Chúa Giêsu nói với tông đồ Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,28).
Sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá lấp cửa mồ đã mở toang. Nấm mồ lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm đã mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an. Tảng đá lấp mộ làm sao niêm giữ được Đấng Phục Sinh! Nấm mồ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang. Chúa Giêsu dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi sống trường sinh.
Có những hòn đá ta bước qua rất dễ. Có những tảng đá phải tốn thời giờ công sức mới dịch chuyển nó sang một bên để có đường đi. Nhưng cũng có những tảng đá to chắn bít lối đi, che khuất tầm nhìn nên không thể bước tiến.Trong đời sống thường nhật, có biết bao tảng đá vô hình mà nặng nề, cần phải được tháo bỏ. Giuđa bán Thầy với giá 30 đồng bạc, cả một tảng đá tham lam đè nặng tâm hồn. Phêrô chối Thầy đến 3 lần, ấy là vì tảng đá sợ hãi che kín. Các môn đệ bỏ trốn, vì tảng đá nhát đảm sợ liên luỵ đang vây bủa.
Mỗi người chúng ta có thể cũng đang bị một tảng đá vô hình nào đó đè nặng tâm hồn. Tảng đá đam mê nết xấu.Tảng đá ghen ghét, chia rẽ. Tảng đá đam mê dục vọng… Ai sẽ giúp chúng ta lăn những tảng đó ra?. Xin thưa là chính Chúa Giêsu Phục Sinh. Ngài sẽ giúp ta lăn tảng đá đó ra khỏi đời mình và làm cho tâm hồn ta được phục sinh để sống bình an.
Tảng đá to đã niêm phong cửa mồ, các Thượng tế và những người Pharisiêu xin Tổng trấn Philatô cắt đặt một tiểu đội binh sĩ đến canh ngôi mồ (Mt 27,62),  và “Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá, rồi cắt lính canh mồ” (Mt 27,66). Tảng đá đó thể hiện sức mạnh quyền lực của sự dữ và sự thống trị của con người. Cận vệ đền thờ nghĩ rằng dấu niêm phong của lãnh đạo Do thái có khả năng thách thức được quyền phép Thiên Chúa sao? Đấng Phục Sinh đã bật tung tảng đá niêm phong, từ cõi chết, Người sống lại vinh quang, mở lối vào sự sống mới.
Chúa Giêsu sống lại, chân lý đã chiến thắng, tình yêu vượt trên hận thù và sự sống mạnh hơn sự chết. Phục Sinh là niềm tin và hy vọng cho người Kitô hữu vào sự sống mai sau: "Nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta" (Rm 6,8).
Phục Sinh là niềm vui của những người được Chúa Kitô đẩy tảng đá ra khỏi cuộc đời họ, làm cho tâm hồn họ được bình an. Như Giakêu, như Lêvi đã được Chúa Giêsu giải thoát khỏi tảng đá của tội lỗi nên họ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản và bước theo Chúa. Và còn biết bao tấm gương khác đã được giải thoát khỏi những tảng đá vô hình, và từ đó hân hoan bước theo Chúa Giêsu.
Chúa đã Phục Sinh. Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát đắng cay. Tin mừng đã lau khô đôi mắt ngấn lệ khóc than tiếc thương của các môn đệ. Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thầy từng rao giảng thực sự được khai trương. Chúa đã chỗi dậy từ chính nơi đã được mai táng. Ánh sáng tràn ngập. Niềm hy vọng lớn lao đã được bắt đầu từ chính nơi hôm qua còn đầy đau thương tuyệt vọng. Chúa Phục Sinh đã đẩy mọi tảng đá nặng nề ra khỏi tâm hồn các môn đệ.Từ đây các môn sinh bắt đầu một hành trình mới, loan báo Tin mừng Phục sinh.
Chúa đã sống lại thật! Allêluia! Đó là niềm vui và tuyên tín của các Tông đồ. Niềm vui và tuyên tín đó đã được loan truyền cho tới ngày nay và mãi cho tới ngày tận cùng của nhân loại. Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự phục sinh. Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vở, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự phục sinh sao ? Khi mà chúng ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, oán ghét thì đó là cuộc vượt qua phi thường…
Tảng đá vô hình đè nặng được lăn ra khỏi tâm hồn chính là phục sinh. Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.
Xin cho mỗi người Kitô hữu trở thành sứ giả đem niềm vui Phục Sinh đến cho mọi người, biết sống niềm vui Phục Sinh trong mọi mối tương quan, để có thể làm chứng cho Chúa bằng một đời sống tốt đẹp chan hòa bình an và sức sống.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 5
“CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI! HALLELUYA!”
Trong suốt Mùa Chay, nhất là Tuần Thánh, đỉnh cao là đêm Vọng Phục Sinh, Chúng ta được Giáo Hội qua các nghi thức cử hành, mời gọi chúng ta hướng về Quê Trời, cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới là chính Đức Kitô. Từ bỏ tội lỗi để sống xứng đáng là con cái Chúa. Ra khỏi bóng tối để đi vào Ánh Sáng. Những ý nghĩa này, đã được các nghi thức tối hôm qua diễn tả thật rõ nét. Thánh lễ giờ đây, chúng ta được Giáo Hội mời gọi hãy hân hoan hát lên bài ca Chúa Đã Sống Lại! Halêluiya! và hãy loan tin vui này đến tận cùng trái đất. Nhưng điều quan trọng là làm sao chúng ta tin? Làm sao chúng ta dám loan truyền Chúa đã sống lại? Dựa vào đâu để xác tín điều đó?
1. Ngôi mộ bị bỏ trống?
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thuật lại sự kiện Chúa Phục Sinh. Bắt đầu từ việc bà Maria Mácđala đi ra mộ, mang theo thuốc thơm để sức xác Chúa. Khi tới nơi, bà ngỡ ngàng vì những gì hiện lên trước mắt bà. Tảng đã khổng lồ đã lăn ra khỏi mồ. Như vậy, theo linh tính, bà biết rằng xác Chúa không còn trong đó. Phải chăng người ta đã mang xác Chúa đi chỗ khác? Có thể là do một hoặc nhiều người đã lấy cắp xác Chúa? Bà liền chạy về báo cho các môn đệ, và Phêrô cùng với Gioan đã chạy tới, nhưng tiến thêm một bước nữa, cả hai ông đều vào và thấy khăn vải quấn người Đức Giêsu cũng như khăn che đầu vẫn còn đó. Một trong hai ông đã tin, đó là Gioan. Sự kiện ngôi mộ trống đã rõ ràng. Chắc chắn không còn xác Đức Giêsu trong đó. Nhưng Chúa đã sống lại hay bị mang đi hoặc bị đánh cắp? Tin Mừng cho chúng ta thấy có những suy nghĩ trái chiều. Maria Mácđala thì cho rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để người ở đâu”. Với các Kinh Sư, Luật Sĩ, Thượng Tế...và những kẻ chủ mưu giết Đức Giêsu, sau khi nghe tin Chúa đã sống lại thì đã dàn dựng một vở kịch nhằm vu khống cho các môn đệ, đồng thời bảo các lính canh thế này: “Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan Tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự” (Mt28:13-15).
Tuy nhiên việc phao tin là các môn đệ lấy cắp xác Đức Giêsu không khả tín cho lắm vì những lý do:
- Các môn đệ là những người ít học, đơn sơ chất phác. Những người chủ mưu giết Đức Giêsu thì có cả một kế hoạch (x. Mt 27, 62-66; 28,13-15).
- Khả năng chuyên môn của các môn đệ là chài lưới, thu thuế...Còn đội lính canh giữ Đức Giêsu thì tinh nhuệ và sắc bén (x. Mt 27, 62 - 66).
- Các môn đệ đang trong tình trạng sợ sệt, không thể nào lấy cắp xác Chúa mà vẫn ung dung xếp những giải khăn gọn gàng được (x. Ga 20:18-19).
-  Các môn đệ là những người thụ động. Lính canh là những người chủ động...
Như vậy, không có thể bày đặt ra chuyện Chúa đã sống lại để rồi lừa dối được. Gioan đã hiểu điều đó nên ông đã tin.
Tuy nhiên, nếu chỉ có chứng cứ về ngôi mộ trống thì không thuyết phục cho lắm. Sự kiện này chỉ có tính cách khai mở và là dấu chỉ của sự phục sinh mà thôi. Bằng chứng cho thấy vẫn còn nhiều giả thiết trái ngược nhau được đưa ra. Vậy, chúng ta còn dựa vào đâu nữa? 
2. Những lần Đức Giêsu hiện ra và những lời Đức Giêsu đã báo trước
Đức Giêsu sống lại, Ngài đã hiện ra với rất nhiều người, có những lúc trong nhà, trên đường, ngoài bãi biển. Trong số những người được Chúa hiện ra, chúng ta gặp những tên tuổi và những nhóm người như: hiện ra cho Maria Mácđala (x. Ga 20, 11- 18); với các phụ nữ đi ra viếng mồ Ngài (x. Mt 28,9-10; Mc 16,9; Ga 20,11-18); hiện ra với 2 môn đệ trên đường về Emau (x. Mc 16,12-13; Lc 24,13-35); hiện ra với các môn đệ khi các ông đang họp kín, trong đó có Tôma (x. Ga 20,19-29); bên bờ hồ Giênêdarét (Ga 21); phép lạ đánh cá (x. Ga 21, 1- 14).v.v… ; và hiện ra tại Galilê, sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 28,16-20; Mc 16: 14 -18; Lc 24: 36 -49; Ga 20: 19 -23; Cv 1:6-8).
Những lần hiện ra, có những nhận thức khác nhau, và việc nhận thức này được thực hiện theo nhiều mức độ khác nhau:
- Nhận ra khuôn mặt Đức Giêsu (x. Ga 20, 20.27); 
- Nghe thấy những gì Ngài nói (x. Ga 20,16);
- Những hành động Chúa làm (x. Lc 24, 35); 
- Hiểu Kinh Thánh (x. Lc 24,27.45). 
Mặt khác, đây chính là sáng kiến từ phía Đức Giêsu: Ngài đến gặp họ (x. Mt 28,9); Ngài tiến lại gần các môn đệ, đến ở giữa họ, hiện ra với họ (x. Lc 24,15), đón gặp họ, cùng đi với họ, và, ở lại với họ (x. Lc 20,14;21,4).
Sự kiện Đức Giêsu hiện ra và việc nhận ra Ngài  đã được tông đồ Tôma đáp lại cách tuyệt đối sau khi đã sỏ ngón tay vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn: “lạy Chúa tôi, lạy Chúa của tôi” (Ga 20,28). Mặt khác, Đức Giêsu còn ra dấu hiệu về việc làm chứng và sứ vụ. Đồng thời, những lần hiện ra, Ngài còn hứa hẹn và loan báo sẽ trao ban Chúa Thánh Thần đến để trợ giúp, đồng hành với các ông trong sứ vụ.  
Cuối cùng, Đức Giêsu đã mở lòng trí các ông, để các ông nhớ lại tất cả những điều đã được báo trước trong Kinh Thánh và chính Ngài đã nói cho các ông trước khi lên Giêrusalem để chịu chết: “Thày đi Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21).
Các bằng chứng đã rõ. Chúng ta không thể không tin được. Chỉ có cố chấp và trai lì trong ích kỷ, tội lỗi...thì mới không tin mà thôi.
Như vậy, sự kiện Đức Giêsu sống lại là một biến cố lịch sử, với những chứng từ lịch sử được tất cả bốn sách Tin Mừng ghi lại: ngôi mộ trống, khăn liệm xếp ngay ngắn gọn gàng, Đức Giêsu đã nhiều lần hiện ra cùng ăn uống và đàm đạo với các môn đệ, sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, và hứa sẽ đồng hành với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế qua việc trao ban Chúa Thánh Thần, và điều quan trọng nhất đó là những lần Ngài đã báo trước. 
3. Sự kiện Đức Giêsu sống lại và niềm tin của chúng ta 
Chúa Đã Sống Lại! Halêluiya!” đó là tiếng hô vui mừng của Phêrô, của Gioan, của các tông đồ..., và của mọi thế hệ Kitô hữu. Đó là niềm tin của Giáo Hội hơn 2000 năm qua, là Tin Mừng trọng đại không chỉ cho các môn đệ Đức Giêsu mà thôi, nhưng còn cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, bởi vì: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, chúng ta là những người khốn khổ nhất trong mọi người” (1Cr 15, 19), và niềm tin của chúng ta trở nên hão huyền, lời rao giảng là vô cớ. Nhưng Ngài đã sống lại và đã phục sinh tâm hồn chúng ta, biến chúng ta thành con người mới: “Nếu Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết ngự trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11). Đây quả là Tin Mừng, và Tin Mừng đó phải được vang xa đến tận chân trời góc biển. Cái chết không còn là tiếng nói cuối cùng, bởi vì sau sự chết là sự sống lại, qua đau khổ là vinh quang. Sự kiện Chúa Phục Sinh, đem lại cho chúng ta niềm hy vọng cũng được Phục Sinh như Ngài.
Giờ đây, niềm tin vào Đức Giêsu Phục sinh lại một lần nữa được chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính: tôi tin Đức Giêsu [...] Đấng đã “chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.”. Đây là niền tin của Giáo Hội và của mỗi chúng ta. Chúng ta hãnh diện, tự hào và tuyên xưng đức tin ấy cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội mà chúng ta là thành phần của Giáo Hội ấy. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
 ====================
Suy niệm 6
Ông Đã Thấy Và Đã Tin
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Tin Mừng hôm nay trình thuật biến cố Phục Sinh theo thánh Gioan. Ông giấu tên và tự đặt cho mình biệt hiệu thần bí nhưng thật là dễ thương: “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”.
Cái chết của Thầy Giêsu làm “cả thế giới” của các môn đệ và những người phụ nữ theo Thầy bị sụp đổ tan tành. Các ông thì thấy thất bại và chán chường. Các bà thì đứt ruột… khóc hết cả nước mắt! Nên sáng sớm ngày thứ ba lúc trời còn tối, phận nữ mà bà Maria Macđala đã liều ra thăm mộ. Lòng yêu mến Thầy của bà đã vượt lên nỗi sợ hãi.
Thoạt nghe bà Maria Macđala báo về ngôi mộ trống, hai môn đệ cùng “chạy” ra mộ. Bình thường người ta đi chứ không chạy, nhưng ở đây là việc nóng bỏng cấp thiết, tình yêu là động lực thúc đẩy bước chân người môn đệ. Cả Gioan và Phêrô cùng chạy nhưng Gioan chạy nhanh hơn. Có lẽ vì Gioan còn trẻ, nhưng đúng hơn là lòng yêu Thầy thúc đẩy và dồn nhanh bước chân ông không thể đặng đừng. Gioan là một trong ba môn đệ gần gũi Thầy mình nhất và được chứng kiến vinh quang cũng như khổ đau của Thầy, ông được tựa đầu vào ngực Thầy trong bữa tiệc sau hết và chỉ còn mình ông trong hàng môn đệ đứng dưới chân Thánh giá. Gioan là người đã có cảm nhận sâu sắc nhất về tình yêu của Đức Kitô vì chỉ có Ngài mới phát biểu một câu “định nghĩa” ngắn gọn nhưng thật đầy đủ: “Thiên Chúa là tình yêu”. Hôm nay trong biến cố Phục Sinh, bằng cảm nhận của tình yêu tha thiết, ông được “thấy” mầu nhiệm trọng đại và đã tin trước hết. Thật tế nhị khi ông “chiêm niệm trong lòng” đã, khiêm nhường để cho Phêrô vào trước mà chứng kiến sự việc, một mẫu gương cho Giáo Hội xưa nay.
Sau cái chết của Thầy, lòng yêu của ông còn canh cánh về đó. Cũng chính tình yêu làm cho ông nhạy cảm, nhận ra, luôn “thấy” và tin. Trong mầu nhiệm Phục Sinh, Gioan chỉ kết luận bằng một lời thú nhận rằng “ông đã thấy và đã tin”. Ông còn được mang danh hiệu “Người môn đệ Chúa đó!” Với tình yêu, ông có thể làm chứng cho Thầy cách chắc chắn về điều mình đã “thấy” và chiêm niệm: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến…” (1Ga 1,1).
Thánh Gioan đã “thấy và tin”. Ngày nay chúng con cần “tin để thấy”, để yêu. Chúa ơi! hôm nay chúng con thấy gì trong một tấm bánh trắng đơn sơ mỏng manh? Tấm Bánh ấy làm lòng con tan chảy, con được thấy, được gặp gỡ Đấng mà lòng con yêu mến với hạnh phúc ngọt ngào, trào tràn khiến mắt con tuôn trào suối lệ. Chiêm ngắm Chúa trong mùa Phục Sinh này, con càng cảm nhận thấy tình yêu không bến bờ của Chúa. Xin cho đời con thành lời chứng cho mọi người nhận ra và yêu mến Chúa hơn. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log