Thứ tư, 08/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 5 Phục Sinh Năm C

Cập nhật lúc 09:25 16/05/2019
Suy niệm 1
Anh em hãy yêu nhau như Thầy yêu anh em
----------------
Chúng ta có thể điểm qua tình yêu của Giu-đa và Phêro như thế nào đối chiếu với tình yêu của Chúa Giêsu?
Giuđa
Tin mừng nói:"Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc”. Giu-đa đi rồi...nhưng anh đã có mặt trước đó. Trong bữa ăn cuối cùng này, trước khi Giuđa đi ra, Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn và quỳ gối trước mỗi môn đệ, Ngài rửa chân cho họ. Ngài thỏa thuận rửa chân cho khách trước bữa ăn. Đó là một cử chỉ chào đón, để khách có thể thư giãn vì con đường đã đi. Sau đó, trong bữa ăn, Chúa Giêsu đứng dậy, như thể truyền lại cho họ một sức mạnh mới sắp mở ra trước mắt họ. 
Theo Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu rửa chân cho Giuđa như rửa chân cho Phê-ro. Theo ba tác giả tin mừng khác, Chúa Giêsu cho mọi người hiệp thông Thánh Thể và cho cả Giuđa. Chúa Giêsu không loại trừ bất cứ ai... kể cả Giuđa!  Ngài muốn rằng  dù Giu-đa sắp đi nộp Ngài cho các thượng tế, cũng được hiệp thông còn hơn là loại anh ra khỏi nhóm bạn của anh. Chúa Giêsu yêu mọi người đến cùng, ngay cả với Giuđa. 
Các môn đệ không biết rằng trong số họ có một Giuđa phản bội. Nhưng Chúa Giê-su biết anh và phác họa anh cho các môn đệ khác bằng cách cho anh ăn một miếng bánh. Sau đó Giuđa ra ngoài. Con đường anh đi là con đường phản bội. Anh chọn đi tố cáo Chúa Giêsu cho các thượng tế. Khi rời khỏi phòng tiệc, Giuđa thể hiện mong muốn thực sự của mình: làm cho mình được biết đến như là vị anh hùng của dân tộc. Anh chỉ tìm cách được các thượng tế tôn vinh anh.
Chúng ta biết con đường này dẫn anh đến đâu: Giuđa không tính toán được trước mưu mô của các thượng tế. Họ đã thanh toán hợp đồng bằng cách trả tiền dịch vụ ngay lập tức cho anh. Không còn gì hơn để làm với Giu-đa nữa! Họ bỏ qua anh...! Giuđa hoàn toàn đơn độc, ra khỏi nhóm tông đồ và ra khỏi nhóm những người hùng. Thế là anh treo cổ tự tử... 
Giuđa và Phêrô.
Khi Giuđa đi ra, Chúa Giêsu ở lại với nhóm mười một người bạn. Cần phải đọc lại toàn bộ bài phát biểu của Chúa Giêsu sau Bữa Tiệc Ly, theo thánh Gioan, mới hiểu hiểu được chuyện gì đã xảy ra.  Chúa Giê-su nói với mười một người vẫn còn ở lai: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”. Và Ngài nói thêm, "Nơi Thầy đi, anh em không thể đến được”.  Bấy giờ Phêro hỏi Chúa: “Thưa Thầy, sao con lại không thể theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy”. Chúa Giêsu trả lời: "Anh sẽ mạng sống vì Thầy ư?Thật, Thầy bảo cho anh biết: khi gà chưa gáym lần thứ hai, anh đã chối Thầy 3 lần”..Như vậy, tội của Giu-đa và tội của Phê-ro có gì khác nhau? Xét vẻ bên ngoài, cả hai đều mắc tội phản bội: nộp thầy và chối Thầy. Xét về thực tế, sự khác biệt giữa Giuđa và Phê-ro chỉ là giữa ngày và đêm.
Tình yêu không có cách nào kiểm soát được hành vi của Giuđa. Giới răn tình yêu của Chúa Giêsu không giữ anh được. Hay nói khác, Giuđa không muốn yêu. Thậm chí, anh không biết yêu hoặc được yêu là gì. Anh nhầm lẫn tình yêu với mong muốn được đứng về phía kẻ mạnh. 
Còn Phêrô yêu Chúa Giêsu, mặc dù anh không thể theo Chúa đến cùng. Anh muốn yêu Chúa nhưng anh không thể. Phê-ro thiếu tình yêu để theo Chúa Giêsu vào giờ cuộc khổ nạn. Cái thiếu của Phero là thiếu ước muốn yêu. Thánh nữ Therese Lisieux nói: “Yêu, đó là muốn yêu”. Giuđa không muốn yêu. Muốn yêu của Giuda được thực hiện ở chỗ khác: anh muốn đứng về phía quyền lực, về phía các vị anh hùng.
Giuđa, Phêrô và Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu nói: “Anh em cũng hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em”. Không ai có thể yêu như Chúa Giêsu.  Thánh nữ Therese de Lisieux nói rằng: “Tôi không chắc chắn trong suốt cuộc đời mình đã tạo ra một hành động chỉ vì tình yêu hoàn toàn biếu không”.
Nhưng có một sự khác biệt hoàn toàn giữa việc không thể và không muốn yêu. Đối với một người thiếu tình yêu, Thiên Chúa sẽ cho. Thiếu một cuộc gọi đến Đấng hoàn toàn khác chúng ta vì Ngài chỉ có thể yêu, còn chúng ta không luôn luôn là như vậy. Khi chúng ta thiếu tình yêu, hãy gọi Tình yêu của Ngài, một tình yêu vô cùng lớn hơn chúng ta. Người bạn của Chúa Giêsu Kito biết rằng khi đối diện với tình yêu mà Thiên Chúa mang đến cho mình, tình yêu đó sẽ không bao giờ cảm thấy nặng nề và khó trước bất cứ một công việc gì.. Người bạn đó nhận được năng lực của tình yêu mà người bạn đó thiếu từ chính Thiên Chúa. Người bạn đó tôn vinh Thiên Chúa. Người bạn đó học dần cách yêu Chúa và những người khác kể cả những Giu-đa mà người bạn đó gặp trên đường...
Nhìn bề ngoài sự khác nhau giữa Phêrô và Giuđa rất nhỏ đến nỗi các tông đồ không phân biệt được trước đi Giuđa ra đi. Phải chăng Giu-đa không phục vụ Chúa mà lại phục vụ các thượng tế? Có lẽ vì khó phân biệt mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thận trọng, không nên loại trừ ai kể cả Giu-đa trong bữa ăn cuối cùng.
Mọi người kể cả Phêrô đều tự hỏi không biết có phải mình là người sẽ nộp Thầy không? Cũng cần nhớ rằng khi rửa chân cho 12 tông đồ, Chúa Giêsu không chúc lành cho con đường Giuđa sắp đi. Ngài  cho rằng một trong số họ hoàn toàn từ chối mệnh lệnh tình yêu của Ngài
Trong cộng đoàn chúng ta, có thể cũng có những Phê-ro và Giu-đa. Nhưng hy vọng, cuối cùng tình yêu sẽ chiến thắng!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Phù hiệu của người môn đệ Chúa Giêsu 
(Ga 13, 31-33a. 34-35)
Khi sắp từ giã cõi đời, người hấp hối cố tranh thủ chút thời gian vắn vỏi còn lại và tận dụng chút hơi tàn để căn dặn người thân yêu những điều mà họ cho là quan trọng nhất, đồng thời cũng để trối lại những gì được xem là gia bảo.
Tương tự như thế, khi sắp từ giã các môn đệ để chịu khổ nạn và chịu chết, Chúa Giê-su trao cho họ những lời tâm huyết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.” Rồi Chúa Giê-su trối lại cho các môn đệ yêu dấu phần gia bảo quan trọng nhất, đó là Điều Răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau… ”
Tuy nhiên, Chúa Giê-su không muốn các môn đệ yêu thương nhau bằng thứ tình yêu hời hợt bề ngoài, nhưng muốn họ yêu thương nhau thật đậm đà nên Ngài nói thêm: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Như thế, tình yêu Chúa Giê-su dành cho các môn đệ phải trở thành chuẩn mực cho tình yêu của các môn đệ đối với nhau.
Rồi Đức Giê-su nhấn mạnh: “Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu nầy để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau.”
Như thế, nếu kẻ nào không thương mến tha nhân thực lòng, người đó chưa phải là môn đệ thật của Chúa Giê-su.
Muốn thử vàng, người ta phải dùng đến lửa; muốn biết ai là môn đệ thật của Chúa, người ta phải nại đến tình yêu, đúng như lời Chúa Giê-su dạy: “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết anh em là môn đệ (thật) của Thầy, là anh em yêu thương nhau.” Thế thì, nếu ai đó xưng mình là môn đệ Chúa Giê-su mà không tôn trọng, không yêu thương người khác, thì chắc chắn người đó là môn đệ giả.
Người môn đệ giả
Có người nằm mơ thấy mình phải lìa bỏ đời nầy sang thế giới bên kia. Được biết thánh Phê-rô canh cửa thiên đàng rất nghiêm ngặt, xét hỏi kỹ càng trước khi cho vào, nên anh ta mang theo đầy đủ những giấy tờ cần thiết.
Vừa gặp thánh Phê-rô, anh liền xuất trình đủ thứ giấy tờ để chứng minh mình là người công giáo, từ chứng thư rửa tội, thêm sức cho đến hôn phối… Anh hy vọng với những chứng từ nầy thì thánh Phê-rô sẽ mở cửa thiên đàng cho anh ngay. Nào ngờ, thánh nhân lại lắc đầu từ chối.
Anh ngạc nhiên hỏi: “Ngài còn đòi gì nữa? Con cũng xin thưa là ngày nào con cũng có đọc kinh lần hạt; con không bỏ lễ Chúa nhật bao giờ, không gian tham trộm cắp, không mê muốn vợ chồng người... Bấy nhiêu không đủ để được vào thiên đàng sao?”
Thánh Phê-rô trả lời:
“Thiên đàng chỉ đón nhận những môn đệ thật của Chúa Giê-su. Ai không mang phù hiệu người môn đệ Chúa Giê-su thì không được vào thiên đàng.”
“Phù hiệu nào vậy, thưa Ngài?”
“Thế con không nhớ lời Chúa phán dạy sao: “Người ta căn cứ vào dấu hiệu (phù hiệu) nầy mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có lòng thương mến nhau” (Ga 13, 35). Nếu chưa có lòng thương mến nhau thì con chưa phải là người môn đệ thật của Chúa.”
Qua dụ ngôn phán xét cuối cùng, Chúa Giê-su cũng khẳng định điều nầy: Ai có lòng yêu thương giúp đỡ người khác, kẻ ấy mới được đón nhận vào thiên đàng.
Tin mừng Mát-thêu thuật lại lời Chúa phán như sau: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những kẻ bên phải rằng: “Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa” vì các người đã thương mến chăm sóc các anh em bé nhỏ của Ta.
Rồi Chúa quay sang lên án những người bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”… vì các ngươi đã không yêu thương chăm sóc các anh em bé mọn của Ta  (Mt 25, 34-46).
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con biết dựa vào Lời Chúa dạy để rà soát lại xem mình đã tôn trọng, yêu thương và phục vụ những anh chị em chung quanh chưa? Nếu chưa thì chúng con vẫn còn là những Ki-tô hữu giả hiệu, chúng con không thuộc vào số những người môn đệ thật của Chúa và trên vương quốc thiên đàng không có chỗ dành cho chúng con.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 3
Dấu hiệu của người môn đệ Chúa Giêsu
(Ga 13, 31-33a.34-35)
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một dấu hiệu đặc trưng của người môn đệ Chúa Giêsu đó là: tình yêu thương mà người đó dành cho anh chị em của mình giống như tình yêu mà chính Chúa Giêsu đã dành cho họ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới: anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em, ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (13,34-35).
Chúa Giêsu đã để lại bài học yêu thương cụ thể và mới mẻ không chỉ bằng lời và cũng không chỉ bằng tình yêu của con người đối với con người, nhưng là bằng chính đời sống yêu thương của một vị Thiên Chúa đối với con người: Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga15, 9). Chúa đã yêu thương con người đến nỗi từ bỏ địa vị cao cả của một vị Thiên Chúa để chấp nhận thân phận thấp hèn của con người, sống âm thầm, và nghèo nàn, cơ cực như mọi người: “Đức Giê su Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).
Chúa đã yêu thương con người đến nỗi trao ban cho con người tất cả, đến cả mạng sống mình: trở nên của ăn, của uống để nuôi sống con người và ở lại mãi trong con người (Mt 26, 26-28). Chúa đã yêu thương con người bằng việc phục vụ con người, chấp nhận mang vào mình những dơ bẩn của con người đến độ quỳ gối xuống để rửa chân cho từng môn đệ, để cho con người được rửa sạch, được trở nên và sống đúng tư cách là con cái của Thiên Chúa hơn (Ga 13, 1-13). Chúa đã yêu thương con người đến nỗi đã nộp mình chết thay cho con người: "Thà một người chết thay cho dân còn hơn là để toàn dân phải bị tiêu diệt" (Ga 11, 50).
Chúa đã yêu thương hết mọi con người khi không loại trừ Giuđa là kẻ sẽ bán mình, cũng không bỏ lại Phêrô là người sẽ thề sống thề chết không biết mình và cũng không lên án, trách móc, kết tội những người hại mình, nhưng đã xin với Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)
Và Chúa cũng muốn dấu tích tình yêu của Chúa được tiếp diễn sống động nơi môn đệ của Chúa ở mọi nơi và mọi thời, nên Ngài đã truyền lệnh: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới: anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (13, 34). Điều răn này cũng là điều răn mới và là di ngôn của Chúa Giêsu, là linh đạo cho môn đệ của Chúa, là nét riêng của Kitô giáo, vì điều răn này vượt lên trên luân lý tự nhiên: thương người như thể thương thân; và vượt trên cả luật Cựu ước: yêu thương tha nhân như chính mình (Lv 19, 18). Nên từ khi Chúa Giêsu ban lệnh truyền này thì dấu hiệu đặc trưng của người môn đệ Chúa Giêsu không chỉ là được rửa tội, làm dấu thánh giá, đọc kinh, đi lễ… mà là “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (13, 34-35) và yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em, tức là yêu thương nhau phải dựa theo tiêu chuẩn của tình yêu Thiên Chúa.
Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải thực hành lệnh truyền yêu thương, phải sống linh đạo yêu thương Chúa đã dạy, nhưng để thực hiện lệnh truyền này đòi người môn đệ của Chúa phải hy sinh cho nhau, chấp nhận những yếu đuối của nhau, tôn trọng những khác biệt về tính tình, quan điểm sống khác nhau. Trân trọng những điều hay điều tốt của nhau, quý trọng địa vị của nhau và sống mẫu mực trong vai trò là cha mẹ, anh chị và con cái của chính mình. Khi sống đúng như thế là chúng ta đang để cho dòng nước yêu thương của Chúa chảy đến chúng ta và tiếp tục chảy đến người khác,
Lạy Chúa là nguồn mạch tình yêu thương, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con chính tình yêu thương cao cả của Chúa và cho chúng con tiếp tục được thông dự vào tình yêu thương ấy khi chúng con yêu thương anh chị em chúng con. Chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con biết dấu chỉ đặc trưng của người môn đệ Chúa là khi chúng con sống yêu thương nhau giống như Chúa đã yêu chúng con.  Nhưng nếu thế giới hôm nay không nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa, không nhận ra Chúa và Chúa Cha là tình yêu là vì chúng con chưa thực hành đúng lệnh truyền của Chúa, nên đã làm cho khuôn mặt tình yêu của Chúa bị biến dạng, bị méo mó. Chúng con còn yêu mình, quy về mình, lấy mình làm tiêu chuẩn, nên tình yêu của chúng con dành cho nhau không phải tình yêu quảng đại, vô vị lợi, quên mình, nhưng là tình yêu ích kỷ. Xin cho chúng con luôn biết sống gắn bó với Chúa, biết mở lòng đón nhận tình yêu thương của Chúa, cảm nhận được chính Chúa yêu thương chúng con, để chúng con cũng lan tỏa tình yêu ấy đến với anh chị em chúng con và để Chúa được nhận biết Chúa chính là tình yêu. Amen.
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
======================
Suy niệm 4
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
Trong giờ phút linh thiêng khi sắp từ giã những người thân yêu để vĩnh viễn ra đi sang thế giới khác, người hấp hối gắng chút hơi tàn căn dặn người yêu dấu những điều mà họ cho là quan trọng nhất.
Khi sắp từ giã các môn đệ để bước vào khổ nạn, Chúa Giê-su trao cho họ những lời tâm huyết sau cùng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau". Với ba dòng Tin Mừng, Chúa Giê-su lặp lại điệp khúc: Yêu thương nhau. Chúa gợi lên ba lý do bổ sung cho nhau về đức yêu thương. Đó là lệnh truyền: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới”; Đó là gương mẫu: “Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”; Đó là dấu chỉ: “Người ta sẽ nhận biết anh em nhờ tình yêu…”.
Vì là giới răn, là mệnh lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ của người môn đệ phải mang chiều kích của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vì là giới răn của Thầy, nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh hiệu của người môn đệ: mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy khi anh em yêu thương nhau. Chúa Giê-su không muốn các môn đệ yêu thương nhau hời hợt bề ngoài, nhưng muốn họ yêu thương theo một mức độ lớn lao nên Người nhấn mạnh: “Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu nầy để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau.”. 
Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Nói đến Công giáo là người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu cha ông truyền dạy là “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Chúa Giê-su đã so sánh: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.
Như Cha đã yêu mến Thầy. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người ( x.Ga 3,35;5,20;17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x. Mt 3,17;17,5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẻ và trao ban.Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Người.
Yêu như Thầy đã yêu có nghĩa là:
- Thầy chấp nhận cái chết thập hình để chuộc tội nhân loại: “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”.
- Thầy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để nêu gương phục vụ.
- “Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy”(Ga 15,15a). Người là Thầy, là Chúa, các môn đệ là người, là đệ tử. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được, nhưng không, Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Người. Bạn hữu tri âm tri kỷ nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy,Thầy đã cho anh em biết”(Ga 15,15b).
- Thầy hy sinh quên mình, Thầy hạ mình phục vụ anh em. Thầy yêu những người bé nhỏ nghèo hèn, yêu thương cả những người thù ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa và Thầy không ngừng tha thứ, muốn mọi người làm hoà với nhau.
- Cả cuộc đời Chúa Giê-su đã sống tình yêu nhập thể và hiến dâng cho tất cả mọi người. Chúa không để ai về tay không khi đến với Người. Kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi, những cô gái điếm tìm được ơn thứ tha…
Yêu như Thầy đã yêu làm nên nét đẹp của Tin mừng. Nét đẹp ấy có sức lôi cuốn mọi người đến cùng Chúa. Tình yêu ấy thật cao đẹp nên Chúa mời gọi: “Anh em hãy yêu như Thầy đã yêu” (Ga 13,34). Vẫn biết rằng con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức “như Thầy đã yêu”, nhưng lời mời gọi của Chúa vẫn luôn giục giã chúng ta hướng theo đường Chúa đã đi, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta.
Chúa Giê-su đã coi “yêu thương” là điều răn căn bản của Ki-tô giáo: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em trên Trời” (Mt 5,43-45). Bài giảng trên núi khai triển giáo lý căn bản này và trở thành một thứ Hiến chương Nước Trời: “…Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương… Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 7-10). Thánh Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” và quả quyết “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa”(1Ga 4,8). Đây là mạc khải tối cao và nét đặc trưng của niềm tin Ki-tô giáo. Trong diễn văn từ biệt, chính Chúa Giê-su cũng long trọng tuyên bố: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau … như Thầy đã yêu thương anh em”. Kể từ đó “yêu thương” trở thành dấu chỉ để nhân loại nhận diện người môn đệ của Đức Ki-tô (x. Ga 13, 34-35).
Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giê-su tuôn chảy đến nhân loại.Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời: “Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu” ( R.Tagore).
Chính tình yêu Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào trường đời để dạy chúng ta sống yêu thương, bác ái; chính tình yêu Thiên Chúa đã cứu sống chúng ta và chính nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được sống, cũng như cành nho chỉ sống nhờ kết hợp với cây nho.
Trên thị trường ngày nay, có vô số đồ giả: vàng giả, tiền giả, thuốc giả, hàng giả, bằng cấp giả. Giả thật đen xen nhau như cỏ lùng và lúa tốt. Đối với phần đông dân chúng, thì việc phân biệt đâu là thật, đâu là giả quả là điều rất khó khăn.
Trong đạo cũng vậy. Có nhiều Kitô hữu giả trà trộn giữa các Kitô hữu thật, muốn phân biệt ai giả ai thật, cũng không phải là chuyện dễ dàng. Thế nên Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta dấu hiệu phân biệt rất chính xác. Dấu hiệu đó là lòng yêu thương. Chúa dạy: “người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ thật của Thầy, là các con yêu thương nhau.”. Nếu có ai đó xưng mình là môn đệ Chúa Giê-su mà không tôn trọng, không yêu thương người khác, thì chắc chắn người đó là môn đệ giả.
Có người chiêm bao thấy mình từ giã cõi trần tiến đến cửa thiên đàng. Được biết thánh Phê-rô canh cửa thiên đàng rất nghiêm ngặt, xét hỏi kỹ càng trước khi cho vào, nên anh ta mang theo đầy đủ những giấy tờ cần thiết.
Trước hết, anh ta xuất trình chứng thư rửa tội, có chữ ký của cha sở và dấu đỏ của giáo xứ, nắm chắc hy vọng rằng với chứng thư nầy thì thánh Phê-rô sẽ mở cửa thiên đàng cho anh ngay. Nào ngờ, thánh nhân lại lắc đầu từ chối. Thế là anh ta lại xuất trình thêm chứng thư thêm sức, rồi chứng thư hôn phối, cả sổ gia đình công giáo nữa. Vậy mà thánh Phê-rô vẫn khước từ. “Ngài còn đòi gì nữa? Con còn cả tràng chuỗi đây, cả cuốn sách kinh hôm mai đây. Bấy nhiêu không đủ chứng tỏ con là người môn đệ Chúa Giê-su sao?”. Thánh Phê-rô trả lời: “Con phải mang phù hiệu của người Kitô hữu.”. “Phù hiệu nào nữa, thưa Ngài?”. “Thế con không nhớ lời Thầy chí thánh phán dạy sao: “người ta chỉ căn cứ vào dấu hiệu (phù hiệu) nầy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng thương mến nhau. Chưa có lòng thương mến nhau thì con chỉ là Kitô hữu giả hiệu.”
Qua dụ ngôn phán xét chung, Chúa Giê-su cũng khẳng định điều nầy. Trong ngày ấy, muôn dân sẽ được tập họp lại và Chúa sai thiên thần tách biệt họ thành hai. Người lành đứng bên phải còn kẻ dữ bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những kẻ bên phải rằng: “Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa” vì … các người đã thương mến chăm sóc các anh em bé nhỏ của Ta. Rồi Chúa quay sang lên án những người bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”… vì các ngươi đã không yêu thương chăm sóc các anh em bé mọn của Ta. (Mt 25, 31-46)
Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy xem xét lại bản thân mình. Biết đâu ngay cả bản thân tôi cũng là môn đệ giả của Chúa Giê-su mà tôi không hề hay biết! Hãy rà soát lại xem mình đã tôn trọng, chân thành yêu thương và phục vụ những anh chị em chung quanh chưa? Nếu chưa thì chúng ta vẫn còn là những Kitô hữu giả hiệu, chúng ta không thuộc vào số những người môn đệ chân chính và vương quốc thiên đàng không có chỗ cho chúng ta. (theo Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà).
Người Ki-tô hữu có nhiều cách để biểu lộ lòng yêu mến Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn yêu người. Chúa Giê-su đã chỉ một dấu hiệu để nhận biết người môn đệ của Chúa là chúng ta yêu thương nhau.
Nguyện xin Chúa giúp chúng con tập sống yêu thương “như Thầy đã yêu” khi thực thi lời Chúa dạy “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho cho chính Ta” (Mt 25,40).
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
 ======================
 Suy niệm 5
YÊU NHƯ CHÚA YÊU
( Ga 13, 31-35 )
Chúa nhật thứ V Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta đọc và gẫm suy về những lời chăng chối của Chúa Chúa Giêsu Kitô ban truyền trước khi Người đi về Trời. Quả thật, nếu chúng ta muốn về Trời với Chúa, chúng ta phải thực hành điều Chúa truyền dạy trong đời sống: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
Chúa dạy : “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Chúng ta tự hỏi, phải chăng chúng ta dùng những tình cảm tự nhiên để yêu thương như bạn bè yêu nhau, cha mẹ yêu thương con cái, con cái yêu thương cha mẹ, đồng lớp đồng niên yêu nhau, nam nữ yêu nhau là khác với tình yêu Đức Kitô đã yêu chúng ta sao mà Đức Giêsu còn dạy chúng ta phải: Yêu như Thầy đã yêu anh em ?
Vậy, “yêu như Thầy đã yêu” là yêu như thế nào, có gì mới mẻ chăng ? Xem ra chữ “như” có chất chứa hy sinh khi yêu, có nét mới mẻ và đáng sợ, vì chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Thánh Augustinô viết: khi nói “Yêu như Thầy đã yêu anh em” là Đức Giêsu nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ với hy sinh và tha thiết: “Không có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,9). Chết vì bạn hữu là hành vi lớn nhất của tình yêu. Đức Giêsu đã yêu các môn đệ nói riêng, và con người nói chung bằng tình yêu hiến mạng. Nay Người đòi buộc các môn đệ, cụ thể là chúng ta phải yêu nhau đến mức đó. Tình yêu mà Chúa Giêsu yêu chúng ta phát xuất từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy” (Ga 15,9). Như vậy là có một nguồn suối tình yêu chảy tràn từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, và tiếp tục chảy tràn xuống các môn đệ, dòng suối ấy không ngững chảy trên chúng ta, nếu chúng ta giữ lại, tình yêu đó sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp, nên chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta, yêu mến Thiên Chúa hết lòng để đáp lại tình yêu Chúa, “Thầy ban cho các con một điều răn mới” là thế đấy.
Thánh Augustinô nói tiếp: “Yêu như Thầy đã yêu anh em”, khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Bởi: “Các bộ phận vì ích chung mà đùm bọc lấy nhau. Cho nên một bộ phận phải đau, thì hết các bộ phận đau chung; một bộ phận được vinh, thì hết các bộ phận vinh chung!” (1Cr 12,25-26). Thật vậy, ai nghe điều răn này, hay đúng hơn là ai tuân giữ lời này, họ sẽ được biến đổi trở nên đồng thừa tự với Chúa Giêsu. Họ yêu thương nhau không đơn giản với bản tính tự nhiêu, nhưng vì họ là “thần” (Jn 10,35) nên tất cả họ yêu nhau và “họ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35). Họ yêu thương nhau là vì họ được Đức Kitô yêu thương. (Trích bài giảng Tin Mừng Gioan, số 65). Tình yêu vì Chúa.
Chúng ta thấy, cuộc sống cần tình yêu, nhân loại cần tình yêu, mỗi người sống trong cuộc đời này đều cần tình yêu và rất cần tình yêu. Có thể nói, tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của tất cả mọi người không trừ ai. Nên có bao nhiêu tiểu thuyết là có bấy nhiêu chuyện tình. Có bao nhiều phim truyện, tiểu phẩm, bài hát là bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trên mọi lĩnh vực: thơ ca, hò vè, quảng cáo.v.v...
Sống ở trên đời có trăm bẩy loại tình yêu, tôi xin tạm liệt kê. Chúng ta tự hỏi, tại sao cha mẹ lại yêu con cái và con cái lại yêu cha mẹ. Thưa là vì ông bà ấy là người sinh ra chúng, chúng là con của ông bà đó. Đây là tình yêu huyết tộc. Ngày nay phú quí sinh lễ nghĩa, đay đó chúng ta gặp những buổi hội ngộ đồng niên, đồng lớp, đồng ngũ, đó là thứ tình đồng niên, bạn bè cùng lớp cùng tuổi mến thương nhau. Một loại tình yêu lấn át mọi thứ tình yêu, khi nói đến người ta nghĩ ngay đến nó, nhất là những người trẻ, đó là tình yêu nam nữ. Đây là tình yêu đơn phương, vì con người yêu nhau. Tình yêu đôi lứa, tình yêu bạn bè, tình yêu đồng đội, tình yêu của anh chị em một nhà... tình yêu của cha mẹ với con cái. Tất cả những tình yêu đó đều cao đẹp, đều phù hợp ý Chúa.
Một thứ tình yêu cao thượng mà Chúa dạy chúng ta là tình yêu vì Chúa. Kinh Kính Mến chúng ta vẫn đọc: “...vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy”. Như thế, tình yêu của chúng ta không còn giới hạn bởi huyết tộc, bạn bè quen biết, mà mở rộng tới hết mọi người, tôi yêu họ vì Chúa yêu tôi và truyền dạy tôi.
Yêu thương là điều Chúa dạy, hơn nữa đó là lệnh truyền của Chúa: “Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau” (Ga 13,34). Vì thế không ai có quyền từ chối yêu thương, càng không có quyền thù nghịch anh chị em mình. Có yêu nhau thật lòng, người ta mới có thể sống cho nhau, chết vì nhau. Thử tưởng tượng, một thế giới không có tình yêu, không ai yêu ai, thì thế giới sẽ kinh khủng biết chừng nào. Bởi đi tới đâu, ta cũng chỉ thấy thù hận, bạo động, diệt chủng... Hãy yêu thương, hãy trao tặng cho nhau tình yêu thật lòng để cuộc đời đáng yêu và đáng sống. Tình yêu sẽ làm cho cả người đang yêu lẫn người được yêu bình an và hạnh phúc. Hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 6
HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
(Cv 14, 20b-26; Kh 21, 1-5a; Ga 13, 31-33a. 34-35)
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thủa ban đầu, chúng ta thấy cha ông mình đã sống hết lòng yêu thương và đoàn kết với nhau. Vì thế, những người ngoài Công Giáo thời đó không biết tiền nhân của chúng ta theo đạo gì mà lại sống những giá trị cao đẹp như vậy, nên họ nói với nhau: những người này họ sống “Đạo Yêu Nhau”.
Tại sao các tín hữu lại có lối sống như thế? Lối sống đó bắt nguồn từ đâu? Thưa! Các ngài đã lấy Chúa làm trung tâm, làm điểm tựa cho mọi hoạt động. Lấy tinh thần bác ái, yêu thương làm nên bản chất của mình. Mọi giá trị và ưu phẩm đó khởi đi từ một Đấng đã sống và dạy cho con người bài học “yêu thương”, Đấng đó chính là Đức Giêsu.
1. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu
Khởi đi và bắt nguồn từ lòng dạ thương xót của Thiên Chúa Cha, vì thế, người: “Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Đến lượt Đức Giêsu, Ngài cũng sống triệt để sứ mạng đó khi yêu và yêu đến cùng. Ở điểm này, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã diễn tả hành vi thương xót của Đức Giêsu như sau:“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8). 
Thế nên, cả cuộc đời của Đức Giêsu chỉ có một nỗi thao thức, đó là “chạnh lòng thương” đến những người bất hạnh. Luôn cảm thông với người tội lỗi, nâng đỡ kẻ yếu đuối, vỗ về người thất vọng. Xót thương đến đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, nên đã nuôi sống họ bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ngài không đành lòng khi nhìn thấy những người ốm đau bênh tật, nên sẵn lòng ra tay chữa lành. Ngài còn cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; làm ơn cho kẻ hại mình; yêu luôn cả kẻ thù và sẵn sàng tha thứ cho họ. Không những thế, Đức Giêsu còn trao ban chính mình Ngài cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể và ở lại mọi ngày với loài người cho đến tận thế. Đỉnh cao của mầu nhiệm thương xót này chính là cái chết trên thập giá để hiến mạng vì người mình yêu: “Không có mối tình nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Đồng thời, do lòng xót thương thúc đẩy, Đức Giêsu không ngừng lên tiếng phản đối những kẻ không chút thương xót và gây nên những hậu quả bi đát cho những người thấp cổ bé họng, khiến họ phải lao tâm khổ tứ, quằn quại trong khổ nhục đắng cay...
Như vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu đã sống và chết vì yêu. Qua đó, Ngài cũng dạy cho các môn đệ bài học về tình yêu: “Đây là Điều Răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Lệnh truyền: “Hãy yêu thương nhau” là di chúc của Đức Giêsu dành cho các môn đệ khi sắp lên đường chịu chết. Còn yêu “như Thầy đã yêu” là căn cốt của tình yêu, là một lối yêu mới, khác với lối yêu cũ của thời Cựu Ước.
2. Điểm mới của giới luật yêu thương
Khi khuyên bảo các môn đệ: “Hãy yêu thương nhau”, Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở khái niệm trừu tượng, chung chung, mà Ngài nói tiếp: “Yêu như Thầy đã yêu”. “Yêu Như Thầy”, chính là điều khác biệt với những kiểu yêu trước đó, và “Yêu như Thầy” đã làm nên điểm mới của giới luật yêu thương nơi người môn đệ Đức Giêsu.
Nếu thời Cựu Ước, người ta yêu nhau theo lẽ công bằng, tức là được phép trả thù khi có người làm hại mình: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, hay đi xa hơn một chút thì cũng chỉ là yêu mọi người như yêu chính mình.
Nhưng với lời mời gọi: “Yêu như Thầy”, Đức Giêsu muốn đột phá và đi đến tận căn của tình yêu.
Chữ “như” ở đây không phải là liên từ để so sánh hai vế, mà nó có một ý nghĩa rất đặc biệt, đó là mở ra nguồn gốc của tình yêu. “Yêu như Thầy”, tức là lấy khuôn mẫu tình yêu giữa Đức Giêsu với Chúa Cha và giữa Ngài với các môn đệ, để các ông cũng yêu nhau và yêu mọi người như chính mình đã chứng kiến và được yêu.
Vậy “yêu như Thầy đã yêu” là gì?
Thưa, đó là hạ mình như một người tôi tớ. Tự hủy mình ra không và từ bỏ cái tôi ích kỷ. Yêu với một tình yêu phát xuất từ lòng dạ xót thương chứ không phải một thứ tình yêu vụ lợi, thực dụng, chụp giật. Yêu với một thái độ cảm thông, phục vụ chứ không phải bố thí, ban phát, thương hại. “Yêu như Thầy” là không chấp nhất, coi người làm hại mình là bạn và sẵn lòng tha thứ tất cả. Đỉnh cao của tình yêu này chính là chết thay cho người khác, đây chính là một tình yêu cao cả.
Với tất cả những nét đặc thù trên đã làm nên điểm mới của luật yêu thương mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.
3. Sống và thi hành giới luật yêu thương
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học mới về tình yêu; đồng thời cũng chỉ ra cho chúng ta thấy điểm khởi nguồn và phát xuất tình yêu, đó là lòng thương xót.
Lời mời gọi: “Hãy yêu như Thầy” mà Đức Giêsu trăng trối cho các môn đệ thì cũng là tâm tư mà Ngài muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta.
Vì vậy, hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và tập sống tinh thần yêu thương ấy ngang qua một nghĩa cử xót thương cụ thể với những người mà chúng ta hay gọi là kẻ thù của mình. Bởi vì yêu được kẻ thù, ấy là chúng ta đang thực thi cốt lõi của tình yêu, là phản ảnh lòng dạ thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em của mình cách rõ nét nhất.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó, trước tiên, chúng ta phải thay đổi quan điểm và tên gọi cho phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Khi dùng từ kẻ thù, ấy là lối nói có tính tiêu cực, và vô hình chung, ta coi đối phương là kẻ mà chắc chắn phải tiêu diệt! Vì thế, muốn yêu kẻ thù, chúng ta nhất định phải thay đổi cách gọi, quan điểm và lối nhìn.
Thứ đến, khi người anh chị em chúng ta xúc phạm đến ta, hãy coi nhẹ lỗi của họ, đừng thổi phồng như bong bóng. Nhiều khi cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của người anh em để dễ thông cảm cho hành vi của họ hơn. Nhìn thấy lỗi của anh em gây ra cho mình, ngay lập tức, cẩn trọng và hồi tâm suy nghĩ: có bao giờ cũng cùng lỗi đó, mình đã gây ra cho người khác không? Đôi khi lỗi của mình nặng hơn chăng? Hay điều mà người anh em đang gây ra cho mình có lẽ đúng! Nếu đúng, tại sao không biết cám ơn, nếu sai, sao phải hận thù cho khổ tâm!
Tiếp theo, noi gương Đức Giêsu trên thập giá, không ngớt cầu xin Chúa Cha tha cho kẻ hại mình. Vì thế, khi gặp phải những người hại ta, hãy cầu nguyện cho họ. Xin cho họ và ta được bình an. Hành vi này thật cao quý, vì hơn bao giờ hết, trong tận cùng của khổ đau, chúng ta lại thật hạnh phúc vì đang được diễm phúc tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa cách cụ thể.
Cuối cùng, khi bị hiểu lầm, vu khống, phân biệt, thậm chí bách hại bằng tư tưởng, miệng lưỡi hay đòn vọt và chết chóc, ta hãy vui mừng, bởi lẽ, đó là lúc ta được tôn vinh vì đang được hiệp thông với Đức Giêsu chịu đóng đinh.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót, xin Chúa ban cho chúng con được ở lại trong tình yêu của Chúa và luôn biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu và thương xót chúng con. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
======================
Suy niệm 7
Anh Em Hãy Yêu Thương Nhau
Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35
Các môn đệ rong ruổi theo học với Thầy mình suốt mấy năm trời. Đêm cuối cùng Thầy trò ở bên nhau mà các ông không hay biết gì. Chỉ mình Thầy biết mà thôi, nên lòng Thầy càng thổn thức xao xuyến, nhất là với các môn đệ mình yêu thương dạy dỗ.
Khi Giuđa đi rồi, chỉ còn lại nhóm mười một, bước vào cuộc thương khó, như một “người sắp chết”, Đức Giêsu trăn chối những lời yêu thương, những lời vàng ngọc, thiết tha cuối cùng trong nhưng giây phút cuối Thầy trò còn bên nhau: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy, nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 33-35). Lời dạy yêu thương ấy Đức Giêsu gọi là điều răn mới, bởi từ nay không chỉ là yêu nhau như chính mình, nhưng là yêu “như Thầy đã yêu”. Thầy đã yêu như thế nào? Thầy đã tự hủy địa vị Thiên Chúa để xuống trần làm người, liên lụy với từng phận người dù bất cứ họ là ai, tật bệnh đau khổ hay tội lỗi. Thầy cúi xuống rửa chân cho môn sinh. Đây là bài học có một về đức khiêm nhường phục vụ, quên hẳn mình là ai, phục vụ trong yêu thương hết lòng, hết sức, vượt quá “lằn ranh cho phép”. Cho nên mai sau, người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, khi anh em yêu thương và “làm như Thầy” đã làm cho anh em. Tinh thần phục vụ khiêm nhường này ngày nay vẫn còn được thể hiện trong gia đình, khi cha mẹ là người lớn phục vụ, vệ sinh cho con thơ, dù là những việc “nhỏ hèn” nhất, tất cả chỉ vì tình yêu mà thôi. Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em là sẵn sàng phục vụ cho nhau và vì nhau. Yêu thương là sẵn sàng để người khác làm phiền mình, không tiếc xót thời giờ, khả năng và sức lực.
Lạy Chúa! khi con chiêm ngắm tình yêu Chúa dành cho chúng con, một tình yêu cho đến cùng, yêu đến chết vì con, xin cho con biết tìm về mà đáp tình yêu Chúa.  Chính Chúa đã từng xuống đời mang thân đớn đau, từng với người chung tim xuyến xao. Chúa sẵn sàng liên lụy với cuộc đời của mỗi con người hèn mọn chúng con. Xin cho chúng con mặc lấy tấm lòng yêu thương tự hủy của Chúa, để đời sống chúng con họa lại tinh thần phục vụ khiêm nhường của Chúa, trong mỗi người anh em xa gần mà chúng con có cơ hội gặp gỡ và những người sống với chúng con. Amen.
Én Nhỏ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log