Suy niệm 1
Chiên Tôi nghe tiếng Tôi và chúng theo Tôi -------------- Những trái tim đồi bại
"Mỗi người vì chính mình!” Phải chăng đó có thể là phương châm của thời hiện đại?... Ngồi ở nhà cũng như ra đường, chúng ta thấy mỗi người chỉ nghĩ cho cái tôi của mình...Người ta chỉ nghĩ đến đặc quyền đặc lợi cho chính mình. Lối sống này là kết quả của một hệ thống chính trị hoặc kinh tế kích thích lòng tham. Chúng ta bị quảng cáo kích động mua cái này hoặc cái kia, để chăm sóc cơ thể, hưởng thụ tiện nghi.. Người ta liên tục tạo ra nhu cầu mới... Người ta đang biến thái ước muốn và đang huy hoại trái tim! Tất cả các chủ nghĩa độc tài và các cá nhân độc đoán đều có trái tim đồi bại như vậy!
Trái tim Thiên Chúa
Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay muốn dẫn chúng ta đi vào trái tim Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã thể hiện. Chúng ta thường nghĩ rằng Thiên Chúa mà chúng ta tin là một Đấng mà toàn thể thế giới phải hướng về và mọi người phải có trách nhiệm yêu mến Ngài. Nhưng thực tế, chính Thiên Chúa là người hướng về chúng ta. Chính chúng ta như là trung tâm làm Thiên Chúa hấp dẫn. Chúng ta được đắm chìm trong tình yêu của Ngài như những con chiên tắm trong sự chăm sóc của một mục tử. Các chiên sẽ tan tác nếu các chiên quy về chính mình. Sống, chính là được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa yêu thương chúng ta không phải bằng một tình yêu trừu tượng, nhưng yêu bằng tình yêu cụ thể trong Con Yêu Dấu của Ngài là Ngôi Lời nhập thể: “Chiên Tôi thì nghe tiếng tôi và chúng theo Tôi”.
Theo Chúa, đó là điều quan trọng!
“Theo Chúa” là đi vào tương quan làm cho Thiên Chúa ra khỏi chính Ngài để Ngài đến với chúng ta. Ngài đến với chúng ta: cho người mù được thấy, chữa lành bệnh tật, kẻ chết sống lại và tha thứ tội lỗi. “Chiên của Tôi, Tôi biết chúng... Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong”. Sự sống đời đời không phải là một cuộc sống thuộc loại khác với cuộc sống chúng ta hôm nay và chỉ có ở đời sau. Sự sống đời đời đã bắt đầu ngay ở trần gian này trong thời đại của chúng ta. Nói cách khác, đi theo người mà chúng ta lắng nghe tiếng của người đó, có nghĩa là thoát khỏi ham muốn của chúng ta, không giam hãm vào những thú vui của chúng ta để tự vệ và sống bo bo cho chính mình. Chúng ta không thể tự cho mình sự sống, nhưng chỉ nhận được sự sống và cho đi sự sống. Ơn gọi của con người là sống chứ không phải tìm kiếm một cuộc sống dễ chịu hơn!
"Chớ gì họ nên một như Chúng Ta là một”!
“Tôi và Cha Tôi là một”. Chúa Giêsu nói câu này khi Ngài ở trên núi Câu Dầu và Ngài cũng nhắc lại câu đó trong bữa ăn cuối cùng tại phòng tiệc ly: “Lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta”. Sự hiệp nhất này mà Chúa Giêsu mong muốn cho chúng ta là thế nào khi Ngài sắp chịu chết trên thập giá để cứu chuộc muôn người? Qua nhiều thế kỷ, Giáo Hội đã cố gắng mang nhân loại lại gần nhau, rửa tội cho các dân tộc để trở thành một thân thể: “Một đàn chiên và một chủ chiên. Hơn nữa, khi Chúa Giêsu nói: “Tôi và Cha Tôi là một”, có nghĩa là Chúa Cha hiệp nhất với Chúa Con nên một. Nên một không có nghĩa là Chúa Con là Chúa Cha và Chúa Cha là Chúa con. Chính vì nhiều người khác nhau, người này không phải là người khác, nên cần phải hướng về nhau trong một tình yêu đích thực.
Charles de Foucauld đã nói: “Chúng ta phải trở thành anh em phổ quát". Chúng ta không thể không có những người khác, cũng như Chúa Con không thể không có Chúa Cha và Chúa Cha không thể không có Chúa con. Chúng ta chưa có thể đạt tới đích ơn gọi phổ quát của chúng ta! Vì thế, chúng ta sẽ luôn phải hướng về những người xung quanh như Chúa Cha hướng về Chúa Con, như Chúa Con, cùng với Chúa Cha, hướng về chúng ta, giống như người mục tử hướng về đàn chiên của mình.
Trong đàn chiên của Chúa Giêsu Kitô chỉ có chiên. Ngài biết từng con một! Không con chiên nào giống nhau.. Mỗi con chiên có lịch sử riêng, thương tích, giới hạn và vẻ đẹp riêng. Chiên của Thiên Chúa tốt lành không phải là ai đó đã hoàn toàn hòa nhập vào đàn, trở thành mẫu gương vâng phục luật pháp của nhóm. Cũng không phải là người thường xuyên dằn vặt bản thân vì chưa trở nên người mẫu mực. Chiên của Chúa là người tin rằng Chúa hiểu mình rõ hơn là mình biết về mình. Trong đàn chiên của Thiên Chúa chỉ có chiên, nhưng trong mắt Ngài tất cả đều khác nhau: không ai có thể làm mẫu cho ai được!
“Chiên Tôi nghe tiếng Tôi”
Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để thống nhất được các thành viên như thế? Tin mừng trả lời: “Chiên Tôi nghe tiếng Tôi”. Chúa nói với chiên điều gì? Chúa nói với chiên rất nhiều, nhưng điều trước nhất và quan trọng nhất, đó là: “Anh em hãy yêu mến nhau...cứ dấu này người ta sẽ biết anh em là môn đệ Thầy”.. Điều đặc biệt của các Kitô hữu không phải là sống theo bầy đàn mà là hướng đến một tình yêu phổ quát. Yêu những người yêu mình thì chẳng khác gì là không yêu ai và chẳng có gì là độc đáo! Yêu người khác là yêu như Chúa Giêsu yêu: yêu say đắm, yêu họ không phải vì họ giống chúng ta mà vì họ là người khác, yêu chính họ bằng cách tôn vinh mầu nhiệm Thiên Chúa sống trong họ và Ngài hoàn toàn vượt xa chúng ta. Đó là ơn gọi của Kitô hữu!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Để khỏi bị diệt vong
(Ga 10,27-30)
Trong các loài thú thì chiên cừu là loài động vật hiền lành nhất và cũng thuộc loài yếu đuối nhất. Những loài mãnh thú như sư tử, hổ báo… là những con thú hung tợn, có nanh, có vuốt lại có sức mạnh và sự lanh lẹ phi thường nên có thể dễ dàng quật ngã những loài thú yếu đuối hơn và biến những con thú nầy thành mồi ngon cho chúng.
Có những loài thú khác tuy không mạnh mẽ, hung tợn như sư tử, hổ báo… nhưng ít ra cũng có sừng, có quai hàm mạnh mẽ… để săn bắt, vồ xé những con thú khác, hay ít ra cũng để tự bảo vệ mình, như con trâu có sừng để báng; con ngựa, con bò có chân để đá, con dê có đầu cứng như đá để húc, để tự bảo vệ mình khỏi bị địch thủ tấn công.
Chỉ riêng có loài chiên cừu là hiền lành yếu đuối, chẳng có sừng để báng, chẳng có móng vuốt để tấn công, chẳng có răng nanh để cắn xé, chẳng có sức mạnh hay sự lanh lẹ để đối lại địch thù. Đã vậy, khi bị tấn công, chúng cũng không có cánh để bay lên cao thoát thân như loài chim, không thể chui xuống hang ẩn trú như loài chuột, cũng chẳng có thể cao chạy xa bay như loài hươu nai…
Ngoài ra, chúng cũng không thể cậy dựa vào những bạn cừu khác, vì những con cừu kia cũng yếu đuối, cũng hiền lành, cũng vô phương tự vệ như chúng. Cả hàng trăm con cừu không cự lại được một con sói! Thế là chúng dành đứng chịu trận cho kẻ thù vồ xé, giết hại, tàn sát… Thật tội nghiệp, thật đáng thương! May ra chỉ có người chăn chiên mới là người duy nhất có thể bảo vệ và cứu nguy chúng, giúp chúng sống còn.
Xét về một số phương diện, con người chúng ta tuy cao cả nhưng cũng rất yếu đuối, lại phải thường xuyên đương đầu với thù trong giặc ngoài rất độc hại, chẳng khác gì con chiên hiền lành đối mặt với cả bầy ác thú.
Kẻ thù bên trong chúng ta chính là những xu hướng xấu nằm trong huyết mạch mỗi người. Đó là óc kiêu căng, lòng tham vô đáy, tính ích kỷ, những ham muốn xấu xa, những khao khát tội lỗi… vẫn luôn ẩn trú trong lòng dạ con người và có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào để xô đẩy con người vào con đường gian ác và hố sâu tội lỗi. Mấy ai dám bảo rằng mình đủ sức chiến thắng những kẻ nội thù nầy.
Napoléon là một vị tướng lừng danh trong lịch sử nhân loại, đã lập nên nhiều chiến công oanh liệt vang dội Châu Âu… vẫn phải thú nhận rằng: "Chiến thắng cả Châu Âu không khó bằng chiến thắng chính bản thân mình.”
Còn kẻ thù bên ngoài chúng ta thì không kể xiết. Có vô vàn cạm bẫy rải rác khắp nơi có thể làm cho con người sa đoạ bất cứ lúc nào. Vô số phim ảnh khiêu dâm và bạo lực đang xô đẩy thanh thiếu niên vào con đường sa đoạ. Đếm không xuể sách báo, văn hoá đồi truỵ dưới đủ mọi hình thức… đang huỷ diệt tâm hồn cao đẹp của con người. Các tụ điểm ăn chơi đồi bại mọc lên như nấm khắp mọi nơi. Rượu bia, ma tuý và rất nhiều hình thức kinh doanh xác thịt con người rộ lên khắp chốn… Đó là những chiêu thức rất hiểm độc được tung ra để huỷ diệt phẩm chất con người, biến con người trở thành những tên nô lệ cho dục vọng đê hèn.
Đối mặt với thù trong giặc ngoài rất nguy hại như thế, chúng ta là những con người vốn mang xác thịt hư hèn yếu đuối, khác nào những chiên non… làm sao chống cự nổi?
Trong mặt trận nầy, chúng ta không thể hoàn toàn trông cậy người khác, vì họ cũng yếu đuối như chúng ta, họ cũng là chiên hiền như chúng ta. Cả trăm con chiên không cự lại được một con sói. Người duy nhất có thể bảo vệ chiên là người chăn chiên; còn Đấng duy nhất có thể bảo vệ chúng ta chính là Đấng chăn chiên lành, là Chúa Giê-su.
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cam kết bảo vệ chúng ta là chiên của Ngài: "Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi" (Gioan 10,28).
Vậy muốn được sống đời đời, để khỏi bị diệt vong như lời Chúa Giê-su hứa, chúng ta phải tuân theo hai điều kiện do Ngài đưa ra:
Một là vâng nghe Chúa Giê-su: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi”. Nghe tiếng Chúa Giê-su tức là để cho lời của Ngài soi dẫn, để khỏi sai đường lạc lối.
Hai là bước theo Chúa Giê-su: “Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”. Bước theo Chúa Giê-su là đi theo con đường mà Ngài đã đi, là sống theo mẫu gương Ngài đã sống.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con ý thức thân phận chiên non yếu đuối của mình để chúng con đặt trọn niềm cậy trông nơi Chúa, vâng nghe tiếng Chúa và bước theo Chúa để khỏi bị diệt vong ở đời nầy và được chung hưởng sự sống vĩnh cửu với Chúa muôn đời trên thiên quốc.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 3
ĐỨC GIÊSU - MỤC TỬ ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT
(Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14-17;Ga 10,27-30)
Nói đến mục tử và đàn chiên, hẳn người Công Giáo không còn cảm thấy xa lạ về khái niệm và cách gọi. Tuy nhiên, để hiểu và biết cách thấu đáo, có lẽ chưa được chính xác, thiết thực cả về vai trò mục tử lẫn bổn phận của con chiên! Vì thế, Giáo Hội mỗi năm một lần, dành riêng Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh, để mời gọi mọi thành phần ý thức về sứ vụ của mình trong vai trò và nhiệm vụ riêng biệt, ngõ hầu làm toát lên những nét tiêu biểu của vai trò mục tử và đàn chiên.
Để làm sáng tỏ bản chất thiêng thánh, chúng ta cần khởi đi và bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, vị Mục Tử Tối Cao, nhất là vai trò, sứ vụ Mục Tử nơi Thầy Giêsu.
1. Thiên Chúa là Mục Tử của dân Người
Hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành, đầy lòng thương xót được khởi đi từ thời Cựu Ước, qua việc Thiên Chúa luôn chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ dân của Người. Thánh Vịnh 23 đã thốt lên niền vinh dự và an tâm khi được Thiên Chúa bảo vệ: “Đức Giavê là Mục Tử tôi. Tôi không còn thiếu gì. Dù phải đi qua thung lũng tối đem. Tôi cũng không hề lo sợ” (x. Tv 23,1-6). Qua sự cảm nghiệm trên, tác giả Thánh Vịnh cho thấy: Giavê Thiên Chúa trở thành Mục Tử của dân Israel, Người yêu thương và chăn dắt dân của Người.
Hình ảnh và sứ mạng của người mục tử cũng được trao phó cho các vị lãnh đạo thời bấy giờ, để họ thay quyền Thiên Chúa, lo quản trị, nhắc nhở và nêu gương sáng cho dân.
Tuy nhiên, thật đáng buồn vì các mục tử thời đó đã làm cho dân phải đau đớn vì họ không sống đúng vai trò của mình! Điều này đã được Tiên tri Ezekiel quở trách thật nặng nề: “Hỡi các mục tử của Israel, các ngươi đã bị băng hoại rồi! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ đến bầy chiên... Các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con lệch đường, hoặc tìm kiếm những con bị lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, vị Chủ Tể tối cao, Ta tuyên bố rằng... Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi... Ta sẽ giao chúng cho một vị vua giống như Đavít tôi tớ Ta để làm mục tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng” (x. Ez 34,2-4.9-10.23).
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã trở thành hiện thân Mục Tử mà Cựu Ước đã tiên báo. Nhưng về cung cách thì hoàn toàn khác. Vì thế, chính Ngài đã tuyên bố: “Tôi là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (x. Ga 10, 27); “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10, 10), chứ không như những mục tử chỉ biết lo cho mình mà không đoái hoài đến đàn chiên đã được trao phó.
Quả thật, suốt cuộc đời, Đức Giêsu luôn chú tâm đến việc dạy dỗ, chữa lành, băng bó những con chiên đau ốm, ghẻ lở; dẫn về những con chiên đi lạc; phục hồi những con mất nhân cách; và cuối cùng, hiến tế chính mình cho chiên, để chúng được sống trong niềm vui và hạnh phúc viên mãn. Qua sự hiến dâng như thế, Đức Giêsu đã trao ban chính sự sống thần linh, tức là sự sống đời đời cho chiên của mình (x. Ga 10,28).
Như vậy, nơi cuộc đời và sứ vụ, Đức Giêsu đã phản ánh rõ nét Lòng Thương Xót của chính Thiên Chúa ngang qua lòng dạ nhân từ, bao dung và tha thứ của Ngài.
Kết thúc cuộc đời tại thế, Đức Giêsu đã trao phó vai trò mục tử cho các Tông đồ và những người kế vị. Để hành vi thương xót của Thiên Chúa ngang qua đời sống và cung cách của các vị trung gian được tiếp tục tiếp diễn cho đến ngày mọi người đều có một Chủ Chiên duy nhất là chính Thiên Chúa và tất cả đều là anh em trong một đàn chiên.
2. Sứ vụ, vai trò của các mục tử trong Giáo Hội
Khi nói đến vai trò mục tử trong Giáo Hội, chúng ta nghĩ ngay đến các giám mục, linh mục, phó tế... Các ngài được lãnh nhận sứ vụ này ngang qua Giáo Hội, để ra đi thi hành bổn phận mà Thầy Giêsu đã làm khi xưa.
Sứ mạng ấy chính là quyền lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa. Tuy nhiên, gương sáng và sự dấn thân sống hết mình vì đàn chiên là điều được đề cao đến nỗi nếu không có chiều kích này, thì việc lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa trở nên một thể chế thuần tục không hơn không kém!
Khi đề cập đến sứ vụ mục tử, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh: các mục tử ngày nay không chỉ lo lắng thuần túy về cơ cấu, nhưng còn phải “ngửi thấy mùi chiên”; và “phải mang mùi chiên đó vào mình”. Thật vậy, nếu không “ngửi” và mang “mùi” của chiên nơi mình, có lẽ ranh giới giữa mục tử và kẻ chăn thuê hay cướp bóc chỉ cách nhau gang tấc! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn còn đó những vị mục tử luôn nóng nảy, dọa nạt vô cớ; cư xử phân loại; sống theo hiệu ứng đám đông; hay chỉ biết chăm chút mũ mão cân đai cho chính bản thân, lo củng cố địa vị và uy tín ngang qua những công trình sang trọng hay những buổi lễ hội... Khi lựa chọn như thế, ấy là lúc những mục tử đang có xu hướng “ngoại tình” với những “mục đích rẻ tiền” mà quên đi sứ vụ cao trọng, nếu không muốn nói là phản bội hay xúc phạm đến người nghèo và sứ vụ!
Nguyên nhân dẫn đến thảm trạng đau buồn này chính là không tin phục và chẳng sống theo mẫu gương Thầy Giêsu; luôn để cho lòng tự mãn, kiêu căng, vụ lợi, ích kỷ, hèn nhát, thiếu tình thương chỉ đạo, nên chỉ biết lo cho bản thân mà không màng chi đến sứ vụ!
Nếu là mục tử thuộc về Thầy Giêsu, noi gương Đấng Giàu Lòng Thương Xót, thì lòng dạ các ngài sẽ không yên khi còn đó biết bao con người khắc khoải, đói khát, bần cùng, tỗi lỗi... đang ngày đêm kêu van thống, để chỉ mong sao những bước chân của những mục tử dám đi ra “bên lề”, tiến vào những vùng “ngoại biên” để cứu giúp họ, ngõ hầu những con chiên đen đủi, bất hạnh này được bàn tay nhân ái của những mục tử nhân lành chạm vào tâm hồn họ, để tâm hồn chiên lạc và khổ đau được nóng và sáng lên nhờ cảm nghiệm được sự an bình thư thái...
Làm được điều đó, các vị mục tử mới thực sự là người thay mặt Chúa để trả lời và mang lại cho con người hôm nay niềm hy vọng mà xã hội trần thế không làm được.
3. Kitô Hữu là con chiên trong đàn chiên của Chúa
Còn với chúng ta, trong ngày lễ hôm nay, mỗi người hãy thực sự nhìn lại tư cách chiên của mình, để thấy được tình trạng tâm hồn trong tương quan với Vị Mục Tử Giêsu, Đấng mà chúng ta thật vinh dự khi được trở thành con chiên của Ngài ngày lãnh Bí tích Rửa Tội.
Vì thế, với tư cách là thành phần trong đàn chiên của Chúa, điều kiện tiên quyết, đó là phải tin tưởng và phó thác cuộc đời, vận mệnh, hiện tại và tương lai cho Vị Mục Tử Tối Cao, để được núp dưới cây gậy mục tử nhân lành của Ngài.
Thứ đến là: lắng nghe Lời của Ngài, để: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta" (Ga 10,27), ngõ hầu Lời Chúa trở thành nguồn suối mát, đồng cỏ xanh nuôi sống tâm hồn chúng ta.
Tiếp theo là đi theo, gắn bó mật thiết như hình với bóng, để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong tâm tư, hành động, lời nói.
Cuối cùng, sống chứng nhân lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em, nhất là ngang qua nghĩa cử, lòng nhân ái của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, xin cho các chủ chăn trong Giáo Hội hôm nay biết phản chiếu lòng thương xót của Chúa cách trung thực. Xin cho chúng con trở thành con chiên ngoan hiền để tận hưởng nguồn hoan lạc của đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mắt dưới bóng cánh và cây gậy mục tử của Chúa. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
======================
Suy niệm 4
Mục Tử Nhân Lành Hiến Mạng Vì Chiên
(Ga 10, 27-30)
Bước vào Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, chúng ta có dịp đọc lại dụ ngôn “Vị Mục Tử nhân lành”. Phụng vụ mỗi năm trình bày cho chúng ta một khía cạnh. Năm nay, với vỏn vẹn 4 câu (Ga 10, 27-30), cũng đủ làm nổi bật Chúa Giêsu là Mục Tử tốt lành, thí mạng sống mình vì đàn chiên, Người đến để cho chiên được sống dồi dào (c.28), qui tụ tất cả về một đàn chiên duy nhất, Người là Con Thiên Chúa, và cũng chính là Thiên Chúa (c.30).
Chúa là Mục Tử
“Mục tử” là hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của dân du mục vùng Trung Đông, được Chúa Giêsu dùng để diễn tả tương quan “dễ thương” giữa Người và chúng ta. Dân Cựu Ước thường gọi Chúa là mục tử của mình (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v...), vì khởi đầu lịch sử thánh, dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước tiên là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môsê, kẻ chăn cừu, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.
Chúa là mục tử đích thực của dân Israel kể từ khi Chúa chọn họ làm dân riêng và hứa không để dân bị phân tán như đàn chiên không người chăn dắt. Chính Chúa chăn dắt dân Chúa: “Này đây Ta chăm sóc chiên Ta” (x. Ed 34). Trách nhiệm mục tử này được trao cho các vị lãnh đạo dân Chúa.
Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên
Chúa Giêsu tự xưng “là mục tử tốt lành” (Ga 10, 11). Trong hang toại đạo, người ta tìm thấy hình ảnh Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng, trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đàn của chúng để cùng chia sẻ một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn sẵn sàng, “thí mạng sống vì chiên” (Ga 10, 11). Chúa biết chiên, nên hy sinh mạng sống:“Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta” (Ga 10, 27 - 28).
Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu nguyện rằng: “Vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật” (Ga 17, 19). Khi tự do vâng phục ý muốn Chúa Cha, tự hiến tế mình trên Thập Giá, Người trở thành “Mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Đúng là Chiên con cứu chuộc đàn chiên mẹ (x. Ca tiếp liên lễ PS). Bằng tình yêu trao ban, hy sinh và tận hiến, Người hiến tế chính mình làm của ăn của uống cho chúng ta. Đó là lý do hôm nay chúng ta mừng kính Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành vào Chúa nhật thứ IV sau Đại lễ Phục Sinh, nên Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật Chúa chiên lành.
Mục tử tốt lành vác chiên trên vai, ôm chúng vào lòng như người mẹ bồng ẵm con thơ. Chúa Giêsu cũng làm như thế : hàng ngày, Người nuôi dưỡng chúng ta bằng những Lời Hằng Sống và các bí tích của Hội Thánh, giang cánh ta trên thập giá để thâu họp “con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,52), đón nhận chúng ta vào lòng nhân ái của Người. Thật là hình ảnh tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài.
Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi: tôi có phải là chiên của Chúa không? Nếu phải thì tôi có nghe tiếng Chúa không ? Chúa nói : “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10, 27). Tiếng ở đây chính là Lời Chúa. Tiếng để chúng ta nhận biết Chúa, như Maria Mađalêna đã nhận ra Chúa khi đi viếng mộ Chúa.
Chúng ta có biết Chúa không và nếu biết thì biết thế nào ? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” được diễn tả qua việc làm, như thánh Gioan viết: “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Ga 2, 4).
Vậy ai nghe, biết và chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với các công dân Nước Trời.
Cầu cho ơn kêu gọi
Trong Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi 2019, Đức Phanxicô viết : “Can đảm liều với lời hứa của Thiên”. Theo Đức Thánh Cha, “ơn gọi là sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa, nên theo Chúa phải chấp nhận liều, cần liều với bản thân, nghĩa là để đón nhận tiếng Chúa gọi, cần liều chính bản thân, chấp nhận đương đầu với một thách đố mới; cần từ bỏ tất cả những gì cột chúng ta vào một con thuyền nhỏ, cản ngăn không để chúng ta thực hiện một sự chọn lựa chung kết; chúng ta được yêu cầu có thái độ táo bạo thúc đẩy chúng ta mạnh mẽ khám phá dự phóng của Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta” (x.Sứ điệp cầu cho ơn gọi 2019).
Ngài mời gọi các bạn trẻ đáp lại ơn Chúa gọi khi nói: “Không có niềm vui nào lớn hơn là chấp nhận liều mạng vì Chúa! Đặc biệt với các bạn là những người trẻ, tôi muốn nói: các bạn đừng điếc đối với tiếng Chúa gọi! Nếu Chúa gọi các bạn đi theo con đường này, các bạn đừng rút mái chèo lên thuyền, những hãy tín thác vào Chúa. Các bạn đừng để mình bị lây sự sợ hãi làm các bạn tê liệt đứng trước những đỉnh cao mà Chúa đề nghị với các bạn. Hãy luôn nhớ rằng, với những người bỏ lưới, bỏ thuyền để theo Chúa, Ngài hứa cho họ niềm vui của một cuộc sống mới, làm cho tâm hồn được đầy tràn và Chúa linh hoạt hành trình của họ” (Đức Phanxicô 8-3-2019).
Chúng ta cũng cầu nguyện cho Giáo hội có thêm nhiều người trẻ đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các mục tử thân yêu của chúng ta : nâng đỡ, cám ơn và khuyến khích các ngài !
Lạy Mẹ Maria, mẫu gương ơn gọi của chúng con, Mẹ đã không sợ hãi khi thưa tiếng “xin vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa, xin dạy chúng con bước theo Con Mẹ. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 5
Tôi Ban Sự Sống Cho Chiên
Cv 13, 4.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10, 27-30
Trước bao nhiêu lời giảng dạy, bao dấu lạ Đức Giêsu đã làm chứng tỏ Người từ Chúa Cha mà đến, “Tôi và Chúa Cha là một”, vậy mà người Do Thái vẫn không tin. Chúa Cha và Chúa Con đều hoạt động cho cùng một mục đích là để con người có thể tin vào Đức Kitô và được hưởng sự sống muôn đời. Những ai không tin, thì họ không thuộc về đoàn chiên của Người.
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (Ga 10, 27). Cái “biết” ở đây là thông chia cuộc sống, là ở với, sống với nhau. Đức Giêsu chính là Mục Tử nhân lành mà đàn chiên yêu mến và luôn “theo sau”, là chính Mục Tử mà chiên “nghiện” và bám riết lấy Ngài chứ không chịu theo người lạ. Ngài “biết” rõ chiên của Ngài từng con một. Chiên nào ốm yếu bệnh hoạn tật nguyền ra sao, chiên nào dễ thương ngoan ngoãn, chiên nào đã từng lầm lỡ quay lưng, được “vác” trên vai trở về… Ngài yêu hết, cưng hết dù cách chăm sóc có khác nhau tùy hoàn cảnh khác biệt. Còn lũ chiên ngoan thì nghe tiếng Ngài, nhận biết được tiếng của Ngài, hiểu ý Ngài, Ngài khẽ gọi hay ra dấu hiệu nhỏ là chúng biết ngay và quay ngoắt chạy theo. Hình ảnh đoàn chiên ngoan ở giữa chủ chăn, được mô tả trong sách Khải huyền nơi bài đọc II được hưởng sự sống đời đời: “Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người đông đảo không tài nào đếm nổi, họ thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Tôi trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy bảo tôi: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong đền thờ của Người; Đấng ngự trên ngai của Người sẽ căng lều cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ”. (Kh 7,9.14b-17).
Ngày hôm nay chúng con đã là những con chiên thuộc đoàn chiên của Chúa chưa? hay vẫn bị lạc lõng giữa đời với bao sự thế vây bủa? chúng con đã nghe được tiếng của Chúa chưa? hay nghe mãi mà chẳng hiểu chi? Nếu không nghe thấy gì thì làm sao con bước theo Chúa?
Lạy Chúa! xin cho con biết “lắng nghe” để nhận ra tiếng Chúa và ngoan ngoãn bước theo tiếng Chúa gọi mời. Amen.
Én Nhỏ