Suy niệm 1
Tình bạn của Thiên Chúa ------------------ Vào một ngày ba năm về trước, Phêrô sắp xếp lưới ở bên hồ. Vào thời điểm đó, cũng là mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Hôm đó, Chúa nói với Phêrô: “Hãy theo tôi”! Phêrô bỏ lưới và theo Chúa.
Ba năm sau, khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra Phêrô và các tông đồ khác. Ngài canh tân lời kêu gọi trước đây: “Hãy theo tôi”! Từ nay Phêrô theo Chúa Giêsu là trở thành mục tử đàn chiên. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: "Tôi sẽ làm cho anh trở thành kẻ chài lưới người ta”. Phêrô bỏ lưới và theo Chúa.
Hôm nay Phêrô nhảy xuống nước:
- Phêrô thả những tấm lưới nặng vì mẻ cá lạ lùng.
- Phêrô lao xuống ngay lập tức đến với Chúa Giêsu.
- Phêrô vội đến với Chúa Giêsu mà quên đi tất cả.
- Phêrô bị ràng buộc bởi mối tình âu yếm Chúa Giêsu dành cho mình. Và vì thế Phêrô quên đi việc từ chối Thầy.
- Phêrô mình trần nhưng không lẩn trốn.
- Thay vì lánh xa lẩn trốn, Phêrô mặc áo vào, lao mình xuống nước để được gặp Chúa Giêsu.
Thiên Chúa luôn trung thành. Vào thời của Adam và Eva, sau khi ông bà không vâng lời Thiên Chúa, họ phát hiện ra họ trần truồng và trốn tránh Thiên Chúa. Trong những ngày Chúa phục sinh, Phêrô nhận ra mình trần trước Chúa. Nhưng thay vì chạy trốn, Phêrô lại lao vào Chúa Giêsu! Phêrô biết tình âu yếm của Thiên Chúa. Phêrô biết rằng sự âu yếm của Thiên Chúa bao trùm mình. Phêrô quên đi sự bất xứng của chính mình và chỉ nhớ tình bạn của Chúa Giêsu.
Phêrô biết sự không chung thủy của mình, nhưng Phêrô biết nhiều hơn rằng Chúa Giêsu Kitô là một người bạn trung thành. Phêrô dựa vào lòng trung thành của Con Thiên Chúa để lao về phía Chúa Giêsu.
Sự trung thành của Thiên Chúa bao trùm nhân loại bằng một tình yêu trìu mến.
- Từ nay mọi người bất cứ ai, thay vì che dấu sự trần truồng của mình trước mặt Thiên Chúa, đều có thể nhận được áo của Đấng Phục Sinh. Phêrô có thể lao vào tình yêu trìu mến của Thiên Chúa. Phêrô có thể tin tưởng vào sự trung tín của Thiên Chúa.
- Thiên Chúa chuẩn bị một bữa tiệc cho người đã lao xuống với Ngài.
- Thiên Chúa nuôi dưỡng và sưởi ấm họ: khi lên bờ, họ thấy một ngọn lửa than hồng với cá trên đó và bánh. Phêrô rời khỏi bờ vực tội lỗi. Phêrô đến bờ khác: bến bờ chuyên cần phục vụ Giáo Hội của Chúa. Phêrô sẽ không rời khỏi bến bờ này.
Vị tông đồ trung thành. Từ nay theo Chúa Giêsu, Phêrô sẽ lao xuống:
- Phêrô sẽ lao mình xuống vực sâu nhân loại để đưa con người đến bến bờ Thiên Chúa.
- Phêrô sẽ lên đường để mang về những con chiên bị lạc, bị giấu như Adam và Eva ẩn giấu mình vì sợ bị kết án.
- Phêrô sẽ đi tìm con chiên đói và con chiên chết lạnh.
- Từ giờ trở đi, Phêrô trong vai trò của Chúa Giêsu, sẽ nuôi dưỡng và sưởi ấm nhân loại bằng tình bạn mà Phêrô đã được đổ đầy.
Chúa Giêsu nói với Phêrô: "Hãy chăn các chiên của Thầy". Chúa Giêsu yêu cầu Phêrô nhận lấy vai trò của Chúa trong nhân loại. Chúa hỏi Phêrô: "Anh có yêu mến Thầykhông? Anh có yêu mến Thầy đến mức thích cuộc sống của những con chiên của Thầy hơn cuộc sống của anh không? Anh có yêu mến tôi đến mức làm bạn với mọi người, thậm chí là kẻ thù của anh không”?
Chúa Giêsu đã thúc giục bạn mình ba lần, buông bỏ những tấm lưới có thể giữ Phêrô ở bờ bên kia: bến bờ mà Tình yêu đến chống lại sự ích kỷ, bến bờ mà Tình yêu trao ban mạng sống cho tất cả mọi người. Phêrô neo đậu với Chúa và với một mình Chúa. Phêrô là bạn của Chúa và sẽ là một người bạn trung thành với mọi người.
Cần phải 3 năm Phêrô mới học được rằng sự trung thành của Thiên Chúa vượt qua mọi sự bất trung của con người! Lạy Chúa xin cho con cũng biết học như thánh Phêrô để con biết trở về với Chúa. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Người nấu bếp lạ thường
Ga 21, 1 - 14
Trưa hôm ấy, các vị khách mời cùng với gia chủ dùng bữa trưa thân mật trong bầu khí gia đình. Chợt một vị khách có địa vị cao đang ngồi ăn, cần thêm chiếc ly nên cất tiếng gọi người nấu bếp: Chị Bếp ơi! Cho tôi thêm một chiếc ly nhé!
Khi nghe gọi mình là chị bếp, người giúp việc cảm thấy bị xúc phạm. Chị bị xúc phạm vì bị xem là người bồi bếp, mà theo quan niệm của nhiều người, nghề bồi bếp là nghề hèn kém, nên tỏ ra bực bội tức tối và cằn nhằn với người bên cạnh: Người ta có tên hẳn hoi, sao không gọi tên mà gọi là chị bếp!
Đối với nhiều người, việc bếp núc bị xem là việc hèn hạ, thường được giao cho tôi tớ đảm trách và những người danh giá không bao giờ chấp nhận làm thứ việc này. Từ đó, nghề làm thuê nấu nướng bị xem là nghề thấp kém và những người đảm nhận việc này bị người đời gán cho cái tên không mấy tốt đẹp là người nấu bếp.
Thế mà, qua bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan giới thiệu cho chúng ta một người nấu bếp lạ thường.
Người nấu bếp này xuất thân từ trời. Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần dựng nên trời đất, trăng sao, muôn loài muôn vật trong vũ trụ bao la vô biên vô tận này.
Thế mà vì yêu thương nhân loại, Ngôi Hai Thiên Chúa hạ mình xuống thế làm người phàm và lại còn hạ mình làm người nấu nướng hầu hạ các môn đệ của mình vào một buổi sáng đẹp trời trên bãi biển Ga-li-lê.
Đúng vậy, khi biết đoàn con của mình phải vất vả chèo chống suốt đêm mà không bắt được con cá nào, vừa mệt, vừa đói, vừa rét, vừa thất vọng… Chúa Giê-su đon đả đến viếng thăm các ông khi trời vừa hừng sáng.
Ngài không đến tay không nhưng mang theo những đồ cần dùng để nấu nướng như củi, than, cá và bánh (vì trên bãi biển vào lúc trời hừng sáng làm gì có củi, có than hay bánh và cá).
Thế rồi Ngài ngồi xuống bên bờ biển vắng, nhóm lửa lên, cho thêm than vào cho hừng lên, rồi tự tay nướng bánh và cá, rồi sau đó, Ngài mời gọi đoàn con từ biển mới bước lên, vừa đói, vừa lạnh… đến chia nhau ăn.
Người mẹ gia đình nấu nướng phục vụ chồng con là chuyện bình thường vì trong gia đình các thành viên đều là người ruột thịt với nhau.
Người tôi tớ nấu nướng phục dịch chủ mình là điều phải lẽ vì y được trả lương để hầu hạ những người giàu có, quyền thế hơn mình.
Đằng này, Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa, Chúa tể trời đất, là Vua các vua, là bậc thầy cao cả… mà lại xăn tay vào việc bếp núc để phục dịch các môn đệ, các tôi tớ của mình là chuyện lạ đời, có một không hai.
Xưa nay chưa từng có một vị vua, một ông chủ giàu sang quyền thế, một bậc thầy cao cả, hay một đấng sáng lập tôn giáo nào có hành vi tương tự.
Lạy Chúa Giê-su,
Tình thương Chúa dành cho chúng con vô biên vô hạn nên Chúa đã thực hiện bất cứ việc gì dù lớn dù nhỏ, dù khó khăn gian khổ, dù là việc thấp hèn của người làm bếp, việc rửa chân cho các học trò trước khi nhập tiệc và thậm chí còn hiến thân chịu khổ nạn và chịu chết cho muôn người được sống… Chúa sẵn sàng làm tất cả để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho loài người mà Chúa hết lòng yêu thương.
Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, dù không thể hy sinh quên mình làm những việc lớn lao thì cũng sẵn sàng làm những việc phục vụ nho nhỏ hằng ngày hầu mang lại lợi ích cho những anh chị em chung quanh mình.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 3
Yêu Mến Chúa
Chúa Phục Sinh hiện ra với Maria Mađalêna và nhắn gởi là sẽ gặp các môn đệ ở Galilê (Mt 28,10). Trong khi chờ đợi, họ trở về với nghề xưa, trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm tình thầy trò.
Phêrô kêu gọi anh em đi đánh cá. Tối hôm ấy, họ thức trắng đêm mà vẫn trắng tay, chẳng được con cá nào. Họ sửa soạn giũ lưới đi nghỉ, Chúa hiện đến trên bờ. Trời vừa tảng sáng để có thể nhận biết người và thuyền. Nhưng họ vẫn không nhận ra Chúa Giêsu đứng đó, cũng giống như trường hợp của Maria Mađalêna bên ngôi mộ (Ga 20,14), cũng như hai môn đệ Emmau (Lc 14,13).
Từ xa xa, Chúa Giêsu gọi các môn đệ một cách thân mật: “Các chú có gì ăn không?”. Một câu hỏi đối với dân miền biển nên phải hiểu là: đánh cá có được gì không? Các môn đệ trả lời một tiếng vắn vỏi: “Thưa không” xem ra mệt mỏi chán chường. Chúa bảo: Hãy thả lưới bên hữu thuyền. Họ vâng lời và họ kéo được quá nhiều cá hơn sức họ mong tưởng. Thấy thế hẳn các môn đệ nhớ lại phép lạ ngày nào bên bờ biển hồ Galilê, Chúa cũng bảo Phêrô ra khơi và họ đã bắt cá nhiều đến nỗi phải nhờ thuyền bạn bè chở giúp (Lc 5,1-11).
Gioan là người đầu tiên nhận ra Thầy: “Chúa đó”. Lúc ấy Phêrô cho thuyền vào bờ. Chúa bảo đem đến ít cá để nướng ăn điểm tâm. Cho đến lúc này các môn đệ mới nhận ra là Chúa và không ai dám hỏi gì nữa, không còn ai hồ nghi gì nữa. Sau bữa ăn thân mật ấy, Chúa tâm sự riêng với Phêrô. Ngài hỏi Phêrô ba lần: Con có yêu mến Thầy không? Trước khi đặt Phêrô làm đầu Hội Thánh, Chúa muốn ông phải yêu mến Ngài một cách quảng đại hơn những người khác. Phêrô đã bày tỏ tình yêu của mình một cách đơn sơ và chân thành: Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa Giêsu đã ân thưởng lòng yêu mến ấy bằng cách trao ban cho Phêrô sứ mạng: Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy.
Ba lần được hỏi và thưa về tình yêu của Phêrô đối với Thầy cũng là ba lần Phêrô được giao phó việc chăm sóc đoàn chiên. Đó là vai trò mục tử của Phêrô. Bằng tất cả trải nghiệm về đức ái mục tử theo gương Mục Tử Tối Cao, Phêrô đã dạy cho các mục tử trong Giáo hội tinh thần:"Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèm, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát" (1Pr 5,2-4). Phêrô trở thành một người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt là người biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình. Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ông thông cảm với yếu đuối của người khác. Như thế Phêrô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu. Ông học được rằng, mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông. Chính tình thương của Chúa đã mang ông trở về cuộc sống. Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là sửng sốt. Chính đó là ân sủng.
Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận suy niệm bài tin mừng hôm nay và nhắn gởi các mục tử như sau: Chúa Giêsu hỏi ba lần: “Con có yêu mến Thầy không ?”, đáp lại ba lần “Có” cũng là để bù lại ba lần chối Thầy. Trước thái độ ba lần từ chối của Phêrô, Chúa không đòi hỏi Phêrô ba lần xin lỗi hay để trừng phạt, song ba lần Chúa muốn được nghe Phêrô nói: “Con yêu mến Thầy”. Như trước đây với Madalena, lần này là Phêrô và sau này là mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu muốn nói: “Con yêu nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều và ngược lại, con được tha thứ nhiều vậy con hãy yêu nhiều”. Tiếng gọi lãnh đạo của Chúa là tiếng tình yêu, Chúa Giêsu cũng không hỏi Phêrô, con đã có chìa khóa lãnh đạo cao cấp chưa ? Hay có bằng cấp gì ? Tốt nghiệp đại học nào chưa ? Song như có lần Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lề luật của Ta” thì bây giờ Ngài nói: “Con yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Chúa Giêsu quan niệm về lãnh đạo là yêu thương, là phục vụ, rửa chân cho những người mình lãnh đạo, Chúa Giêsu không quan niệm nền tảng và phương pháp lãnh đạo là thao tác thôi. Đối với những người lãnh đạo không phải là thao tác bắt người ta làm theo ý mình, song bằng tình yêu giúp nhau thực hiện ý Chúa. Như trong trường hợp của Phêrô, tình thương của Chúa đối với Phêrô và của Phêrô đối với Chúa, tình thương ấy xóa bỏ hận thù, xóa bỏ lỗi lầm xưa và đưa người yêú kém kia trở lại sống trong tình yêu của Chúa. “Anh em yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Lời mời gọi ấy nhằm vào hàng giáo sĩ. Dĩ nhiên, sau cùng là lời mời gọi đối với mỗi người tín hữu, ai cũng có trách nhiệm liên đới đối với vận mệnh phần rỗi của mỗi anh em mình, về phận sự chăn dắt, nuôi nấng và đưa anh em về đoàn chiên và gìn giữ họ an toàn trong Đức tin. Hãy vì yêu mến Chúa mà làm phận sự chăn dắt và yêu người, tức là làm việc Tông đồ truyền bá Tin mừng và làm cho anh em mình nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa (dmhcg.org).
Nhìn lại cuộc đời của Thánh Phêrô, chúng ta thấy một điều rất rõ là trong trái tim vị Tông đồ, lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì Phêrô cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.
Chúa Giêsu hỏi Phêrô đến ba lần có yêu mến Ngài không. Phêrô cảm thấy nhói đau vì câu hỏi đụng đến vết thương chưa lành của ba lần chối Chúa. Sự cắn rứt dày vò vì lầm lỗi của mình có thể làm người ta trở nên cứng lòng và chai lỳ trong tội lỗi. Tuy nhiên, Phêrô đã trả lời; và ba lần trả lời là cả ba lần Phêrô đối lại việc mình đã chối Thầy trước đây bằng tâm tình thống hối và bằng việc khẳng định tình yêu không thay đổi dành cho Thầy Giêsu.Việc chăm sóc đàn chiên yêu dấu mà Ngài đã đổ máu ra để cứu chuộc, Chúa chỉ giao cho người nào dám khẳng định tình yêu của mình dành cho Đức Kitô đến độ say mê như thế mà thôi.
Chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu không trao Giáo hội cho một người trí thức thông thái, có tài lãnh đạo, có uy tín, mà Chúa lại trao Giáo hội cho Phêrô, một Tông đồ nhiều khuyết điểm, bị la mắng nhiều hơn khen ngợi? Chắc chắn nơi Phêrô có một lòng mến Chúa thiết tha. Sau ba lần hỏi: Con có yêu mến Thầy không? Và sau ba lần Phêrô xác định tình yêu ấy, Chúa Giêsu trao Giáo Hội cho Ngài. Ngài vâng lời Chúa về Giêrusalem, bài giảng đầu tiên hùng hồn mang về cho Chúa 3.000 người xin rửa tội. Kể từ đó, Ngài đi vào cánh đồng truyền giáo bao la, là thành đô Roma. Đối diện với gian nguy bắt bớ tù đày, Thánh Nhân đã can trường làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh. Ngài đã lấy máu đào tử đạo minh chứng cho lòng yêu mến Thầy. Ngài đã viết nên trang sử vàng, hào hùng, vẻ vang cho Giáo Hội sơ khai.
Thánh Phêrô đã sửa chữa lỗi chối Chúa bằng cách tuyên xưng tình yêu, và rồi sẽ hiến mình vì đàn chiên được giao phó. Lòng khiêm nhường, lòng mến Chúa của Thánh Phêrô, kinh nghiệm về ơn tha thứ của Chúa, tất cả đều dẫn đưa Thánh Nhân đến với tình yêu của Chúa. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối mà Ngài đã đi bất cứ nơi nào Chúa muốn, cho dẫu nơi đó là ngục tù, là cái chết, bởi lẽ vì tình yêu của Chúa lớn hơn tất cả.
Khi Thánh Phêrô yêu mến và gắn kết đời mình với Chúa, ông có thể vượt thắng mọi yếu đuối và làm điều Chúa muốn.Chúng ta đừng thất vọng vì lỗi lầm đã phạm. Hãy can đảm tuyên xưng tình yêu đối với Chúa và hoàn thành tốt sứ mạng được giao phó là đem Tin Mừng Tình Yêu đến trong môi trường mình đang sống và làm việc. Lòng mến Chúa sẽ mở cửa cho chúng ta đi vào Nước Trời. Chúa không đòi hỏi nơi mỗi người sự khôn ngoan, tài năng. Chúa chỉ cần lòng mến “con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Khi yêu mến Chúa, chúng ta sẽ làm mọi sự đẹp lòng Chúa. Lòng mến là thước đo cho mọi giá trị đạo đời.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 4
Đức Giêsu Đứng Trên Bờ Biển
Ga 21, 1 - 14
Vào một ngày trong tuần, khi trời đã sáng, Đức Giêsu Phục sinh đứng trên bờ biển, Ngài đứng chờ để gặp các tông đồ chính lúc họ mệt mỏi, thất vọng và đói khát vì suốt một đêm thâu không bắt được con cá nào. Ngài đứng chờ để trao ban cho các tông đồ sự hiện diện, quan tâm, chăm sóc, phục vụ: “Này các chú, không có gì ăn ư? hãy thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, anh em đến mà ăn, và trao bánh cùng cá cho các ông...”
Đức Giêsu đã vượt qua biển trần gian bằng chính cuộc khổ nạn cùng cái chết thập giá và nay Ngài đã phục sinh, Ngài đang hiện diện ở một bến bờ khác, bến bờ đời đời để chờ đợi các tông đồ, nhưng các ông không nhận ra Ngài: “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu” (21,4)
Đức Giêsu Phục sinh vẫn hiện diện để chăm sóc và quan tâm đến mọi vấn đề của con người như Ngài đã bận tâm đến nỗi bận tâm của hai môn đệ Emmau: “các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Lc 24,17). Như Ngài đã bận tâm đến lo lắng, mất mát của Maria Macdala: “Này bà sao bà khóc, bà tìm ai?”(Ga 20,15). Và hôm nay Ngài đứng trên bờ biển chờ đợi các tông đồ khi các ông vừa qua kinh nghiệm thất bại, mệt mỏi, đói khát không phải một hai giờ, một hai mẻ lưới, mà kinh nghiệm thất bại ấy là suốt một đêm thâu. Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh vẫn luôn hiện diện ở mọi bến bờ của cuộc đời, của ngày sống con người, Ngài hiện diện cận kề với con người ngay chính trong công việc sinh sống, làm ăn vất vả hằng ngày của họ, Ngài quan tâm đến những vấn đề của con người đang đối diện, Ngài chờ đợi để đáp ứng những nhu cầu, để làm cho con người những điều diệu kỳ như mẻ lưới đầy cá mà Ngài đã làm cho các tông đồ ở Tibêria xưa.
Bảy tông đồ sau một đêm mệt nhọc vất vả xoay sở dưới biển với thuyền và lưới mà không được gì, thì Đức Giêsu đã chờ các ông sẵn trên bờ biển, nhưng các ông không nhận ra Ngài, Ngài đã phải gợi chuyện, hỏi thăm bằng sự quan tâm: “Này các chú, không có gì ăn ư?” và Ngài tìm cách giúp đỡ: “hãy thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá".Chính mẻ cá lạ đã giúp Gioan nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh trước nhất: "Chúa đó". Còn các tông đồ khác phải cần đến việc Chúa nướng cá, trao cho bánh và được cùng ăn với Chúa, các ông mới nhận ra Ngài: “sau đó không ai trong các môn đệ dám hỏi ông là ai, vì các ông biết đó là Chúa” (21, 12).
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin cho chúng con đừng bao giờ quên Chúa vẫn đứng ở “trên bờ” biển cuộc sống của chúng con đợi chờ chúng con, Chúa vẫn hiện diện ở mọi bến bờ của niềm vui, của thành công, và của thất vọng, nao núng, của khổ đau, lo lắng…để hướng dẫn, để trao ban bánh, để chăm sóc cho từng người, từng gia đình, cộng đoàn chúng con bằng chính Mình Máu Chúa, bằng Lời của Chúa, bằng các ân huệ…Xin cũng cho chúng con một dấu chỉ và một sự nhạy bén thiêng liêng, để chúng con có thể nhận ra và có thể nói được chính “Chúa đó” trong từng ngày sống của chúng con như Gioan, người môn đệ Chúa yêu. Amen
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
======================
Suy niệm 5
Mẻ cá tình thương
(Ga 20, 19-31)
Bước sang Chúa nhật thứ Ba sau Đại lễ Phục Sinh, phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta tích cực gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh trong đời sống thường ngày. Gặp được Chúa sẽ có niềm vui, vui vì Chúa đã sống lại. Thánh Phêrô Tông Đồ cho chúng ta kinh nghiệm sống động về cuộc gặp gỡ này, ông hân hoan vui mừng cả khi người Do Thái đánh đòn, cấm không được rao tin Chúa Kitô Phục Sinh (x.Cv 5,40b). Vì thế lời Ca nhập lễ bảo ta ca vang : "Cả trái đất, nào tung hô Thiên Chúa, đàn hát lên, mừng danh thánh rạng ngời, hãy dâng Người lời ca tụng tôn vinh. Hallêluia".
Trang Tin Mừng (Ga 21, 1-19) thật là đẹp, đẹp về con người, vì các môn đệ tin Chúa đã sống lại ; đẹp về công việc, đi bắt cá suốt đêm không được gì, này có mẻ lưới đầy cá; đẹp về thời gian, bởi đây là buổi bình minh của ngày thứ nhất trong tuần; đẹp về nơi chốn vì Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các ông ở trên bờ (x. Ga 21,4).
Một chi tiết rất hay đáng chúng ta lưu ý là : "Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bời biển" (Ga 21,4). Biển là gì nếu không phải là biểu tượng của thế gian đang bị xô đẩy bởi những con sóng dữ dội và những vòng xoáy của ba thù? Và bờ biển ở đây là gì, hả chẳng tượng trưng cho sự sống đời đời đó sao ? Các môn đệ đã vất vả, cực nhọc suốt đêm trên biển để đánh bắt cá, đương đầu với những con sóng của cuộc sống hay chết, nhưng Đấng Cứu Chuộc chúng ta, sau khi sống lại, Người đứng trên bờ. Theo thánh Grêgôriô Cả (540-604), Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh giải thích thì: Chúa Giêsu đứng trên bờ, vì sau khi sống lại, Người đã vượt qua các điều kiện của một xác thịt mong manh hay hư nát, Người đứng trên bờ để nói cho các môn đệ về mầu nhiệm phục sinh, rằng: "Thầy không hiện ra với anh em trên mặt biển nữa" (x. Mt 14,25), bởi vì Thầy không còn ở với anh em trong lúc biển gầm bão tố nữa. Đó chính là ý nghĩa Chúa muốn nói với các môn đệ sau khi sống lại: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em" (Lc 24,44). Người không nói điều này bởi vì Người không còn ở với họ. Thân xác vĩnh hằng lúc ẩn lúc hiện rất xa vời với thân xác hay chết của các môn đệ. Người nói, Người không còn ở giữa họ nữa. Chúa ở trên bờ để kéo các ông lên bờ và biến các ông từ nay trở thành những kẻ lưới người ở trên bờ, chứ không lưới cá ở dưới nước nữa. (Trích Homélies sur l'Évangile, n°24)
Trở lại với mẻ cá lạ của các môn đệ làm theo lệnh truyền của Chúa Phục Sinh, vào buổi bình minh của ngày mới, Chúa hiện ra với các môn đệ lần thứ ba. Nếu như Tin Mừng không nói rõ, chúng ta không thể tưởng tượng được rằng chính Chúa sẽ chuẩn bị một cái gì đó cho chính mình cũng như các môn đệ, những ngư dân mệt mỏi suốt đêm nay cần đồ ăn sáng.
Chúa Giêsu Phục Sinh đã cách mạng hóa cuộc sống của họ và biến đổi lịch sử nhân loại ở mọi nơi mọi thời. Các Tông Đồ thấy rằng họ đã thất bại, họ đã không đạt được tầm mức mà Đấng Mê-sia mong đợi. Trong lưới của Phêrô và các môn đệ, người ta nhận ra sự kiệt sức, gần như đầu hàng, chẳng những không hướng về Thiên Chúa, mà còn đối diện với sự nghèo nàn của chính họ. Phêrô nói : "Tôi đi đánh cá đây"(Ga 21,3), ngay lập tức những người khác cũng đi theo, dường như muốn nói: "Bây giờ họ không có gì khác để làm".
Quả thật, con người của các Tông Đồ lúc này: Sau "khổ đau" của Thập Giá, họ đã trở về gia đình, với cộng việc thường nhật, có người đi đánh cá, nghĩa là họ trở về lại con người và làm những công việc trước lúc chưa gặp Chúa Giêsu. Điều này chứng tỏ bầu khí phân tán và rối loạn trong nhóm (x. Mc 14, 27, và Mt 26, 31). Đó là khó khăn cho các môn đệ để hiểu những gì đã xảy ra, khi mà tất cả dường như đến hồi kết, thì trên đường Emmaus, Chúa Giêsu đã đến với các môn đệ dưới dạng khách đồng hành. Giờ đây, Chúa gặp gỡ họ lúc họ đang ở biển, là nơi mà tâm trí họ nặng trĩu vì những thử thách gian truân của cuộc đời; Người gặp họ vào rạng sáng ngày hôm sau khi họ vất vả cực nhọc vô dụng suốt đêm. Lưới họ không có gì, cách nào đó, điều này cho thấy cảm nghiệm của họ với Chúa Giêsu, họ biết Chúa đang ở bên họ, và Chúa hứa với họ nhiều điều. Tuy nhiên, họ thấy mình bây giờ với mẻ lưới trống rỗng.
Chúng ta cũng vậy, có lúc thấy mình với mẻ lưới trống rỗng. Đi bộ, kiệt sức, trên đường Emmaus của chúng ta, Chúa tiến lại gần để giúp chúng ta thực hiện những bước nhảy vọt về sự khiêm nhường và tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa. Các tông đồ thấy mỏi mệt, nhưng xúc động trước tình yêu của Chúa Kitô, họ thả lưới ở "phía bên kia" thuyền. Câu hỏi được đặt ra: Tại sao lại bên kia ? Bên kia là bên của tình yêu Thiên Chúa. Tấm lưới của Phêrô đã được thả xuống từ một phần của tình thương Chúa. Quả thật, tình thương Chúa là rất cần thiết trong thế giới hôm nay. Chúng ta hãy vâng nghe Lời Chúa, tin tưởng làm theo những gì Chúa truyền dạy để xứng đáng được kể là dân được Chúa yêu.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 6
MẺ CÁ DIỆU KỲ
Ga 21, 1-14
Hôm nay trình thuật của thánh Gioan kể lại sự kiện Đức Giêsu “tỏ mình ra” cho các môn đệ ở biển hồ Tibêria, sau khi Ngài Phục Sinh.
Sự kiện Phục Sinh làm cho các ông mừng rỡ lấy lại niềm tin đã mất trong cuộc tử nạn của Thầy mình. Đã tan đi những hoài bão kiểu trần tục, lúc này các ông trở về với nghề chài lưới đời thường. Khi họ đang “ở với nhau”, ông Phêrô như lá cờ đầu khởi xướng công việc: “Tôi đi đánh cá đây.” Tất cả đồng lòng với ông và cùng nhau ra đi chèo thuyền đánh cá ngay. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Vậy mà sao suốt đêm họ trắng tay chẳng bắt được con cá nào cả?
Hết giờ, trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, mà các ông “mơ màng” như Maria Mácđala hôm trước tưởng là “người làm vườn”, có “ông bác” nào đó đánh tiếng hỏi thăm các chú có gì ăn không? Đang chán nản họ buông câu cụt ngẫng “thưa không”. Chắc họ đang thả lưới bên trái mạn thuyền, ông ấy bảo cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền sẽ bắt được nhiều cá. Họ nghe theo và thả ngay thì… woa! không kéo nổi vì lưới đầy những cá ngoài sự mong tưởng của các ông. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến mới giật thót mình nói nhỏ với Phêrô: “Chúa đó!” Bởi ông Gioan yêu mến Thầy mình lắm nên mới tinh ý phát giác qua dấu chỉ nhanh nhất như vậy. Lập tức Phêrô vội khoác áo vào và nhảy tùm xuống biển mà “náu”! Suốt đêm đánh cá không kết quả cho thấy sự nghèo nàn kém cỏi, khi làm việc chỉ cậy dựa vào sức riêng mình. Nhưng khi có Chúa can thiệp, con người vâng theo Ý Chúa thì kết quả sẽ tuyệt diệu ngoài sức tưởng tượng. Mẻ cá diệu kỳ hôm nay hẳn làm các ông nhớ hồi nào Thầy gọi “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Từ nghề lưới cá đến sứ vụ “lưới người” của các môn đệ, sẽ thành công ngoài mơ ước nếu biết “vâng nghe” Lời Chúa. Mẻ cá lạ này đếm được 153 con. Các nhà sinh vật học đã ghi vào danh mục cá biển gồm 153 loài. Mẻ lưới thu được 153 con, tượng trưng Nước Chúa như tấm lưới thu góp tất cả mọi tâm hồn. Nước Trời mở rộng cho hết mọi người không phân biệt màu da chủng tộc, quê hương.
Đức Giêsu bảo các ông đem ít cá mới bắt được lên bờ có sẵn than hồng và bánh. Người mời “Anh em đến mà ăn!” Thưởng thức bữa ăn gồm bánh và cá, với cử chỉ Người “cầm lấy” và “trao cho”, lúc này các ông chỉ biết im lặng, không ai dám hỏi “Ông là ai?” vì đã nhận ra mồn một đó là Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Xin cho chúng con đủ lòng tin yêu cậy dựa nơi Chúa, để chúng con nhận ra và mau mắn làm theo lời dạy của Chúa, Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu cho sứ vụ của người phàm chúng con. Xin cho chúng con biết đến gặp gỡ Chúa trong Lời Chúa và Bữa Tiệc Thánh Thể, để chúng con nhận ra và kín múc sức mạnh, nguồn sống từ chính Chúa Phục Sinh, mà đơm hoa kết trái trong cuộc đời theo Chúa của chúng con. Amen.
Én Nhỏ