Thứ tư, 08/01/2025

Suy Niệm Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Cập nhật lúc 10:04 06/06/2019
Suy niệm 1
Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần
--------------
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín...Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông..”.Và năm mươi ngày sau, các môn đệ lại tụ họp với nhau và nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần đến nhà họ đang ở. 
- Vào ngày lễ Phục sinh, các môn đệ tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy Chúa Giêsu. 
- Nhưng vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ không nhìn thấy Chúa Giêsu. Họ được đầy Thánh Thần. 
- Vào ngày lễ Phục sinh, Chúa Giêsu thổi hơi vào các môn đệ và nói: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần"
- Nhưng vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ không còn được nhìn thấy Chúa Giêsu nữa, chỉ còn hơi thở của Ngài tràn ngập tất cả ngôi nhà.
Vào ngày lễ Ngũ Tuần hôm nay, con người Chúa Giêsu ẩn dấu, nhưng các tông đồ sống trong Thánh Thần Ngài. Thánh Thần của Ngài bao quanh họ, ngự trên họ, lấp đầy họ và đẩy họ ra khỏi nhà. Từ đó trở đi, họ sống trong Thánh Thần của Thiên Chúa, thay thế Chúa Giêsu.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín vì sợ người Do-thái”.
Năm mươi ngày sau, khi người Do Thái tụ tập thành đám đông quanh nhà các môn đệ, các môn đệ không còn sợ hãi nữa;
- Sức mạnh của Thiên Chúa đã chiến thắng nỗi sợ hãi trong họ. 
- Sức mạnh của Thánh Thần thúc đẩy họ nói và hành động thay cho Chúa Giêsu, nhân danh Thiên Chúa.
Khi các môn đệ trưởng thành, chính là lúc họ được tràn đầy Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần hôm nay. Phê-ro, Giacobe, Gioan, Toma và Mattheu không còn là trẻ em. Họ có cả một quá khứ đằng sau họ:
- Phê-rô, trước khi biết Chúa Giêsu, đã sống một cuộc đời của con người, với niềm vui và sự khô cằn của mình. 
- Phê-rô có một một gia đình, có nghề nghiệp đánh cá.
- Trong ba năm, Phê-rô và các bạn đã sống đồng hành lâu dài với Chúa Giêsu. Họ trải qua nhiều niềm vui và thử thách với Chúa. Lời của Chúa Giêsu cày xới họ, họ bị xói mòn. Và dường như họ hoàn toàn thất vọng về cái chết của Chúa.
- Và từ lễ Phục Sinh đến lễ Ngũ tuần, họ sống với Chúa Giêsu dưới ánh sáng phục sinh: Chúa Giêsu sống lại hiện ra với họ rồi lại biến mất. Ngài ở với họ, nhưng không thể hiện mình...Dường như lúc đó họ không chờ đợi Ngài... Rồi Ngài không hiện ra nữa...
Nhưng vào ngày Lễ Ngũ Tuần này, họ nhận được Thánh Thần của Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Họ để lại chỗ trống vắng Thầy mình, chỗ tự do cho Thầy mình để Thánh Thần hiện diện trong họ: 
- Từ ngày Chúa Giêsu gọi họ, cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần, một thời gian dài, nhờ Chúa Giêsu, Thánh Thần đã hoạt động trong họ. Thánh Thần thanh tẩy họ, đẩy lùi các thế lực bóng tối và cái chết ở trong họ. Tia chớp của Chúa Thánh Thần ngày Lễ Ngũ Tuần, là đỉnh cao của một lịch sử lâu dài với Chúa Giêsu, đồng thời là khởi đầu của một cuộc sống mới. Như vậy, phải mất nhiều năm học để làm Tông đồ! 
- Từ ngày Lễ Ngũ Tuần này, mọi vị trí trong cuộc đời các Tông đồ, đều được làm vì Thiên Chúa. Thánh Thần không còn gặp bất kỳ sự kháng cự nào. Thánh Thần thúc đẩy họ. Không ai có thể ngăn cản họ nói và hành động nhân danh Chúa Giêsu. Họ đầy Thánh Thần. Họ chỉ có một mình Thiên Chúa. Qua họ, Thiên Chúa nối kết với tất cả mọi người. Mọi người bất luận từ đâu, đều nghe và hiểu được “tiếng họ nói và ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa”. Họ sống ở nơi Thiên Chúa. Họ chạm vào từng người một cách thân mật nhất. Họ chạm vào mọi nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà mọi người bất kể nguồn gốc dòng tộc nào, hoặc loại người nào... Nơi này là nơi Thiên Chúa sống, nơi niềm vui thức tỉnh, nơi hòa bình giữa con người với nhau. Thiên Chúa ngự trong mỗi người và trong chúng ta. Ngài sống trong chúng ta, và qua chúng ta, Ngài còn có những mối quan tâm khác, những nơi khác vẫn còn lộn xộn...
Tuy nhiên, chúng ta tin rằng, vào ngày lễ Ngũ tuần này, sức mạnh của Thánh Thần khiến cho các thế lực của bóng tối và cái chết thoái lui. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần tỉa cành và thanh tẩy trái tim con người. Từ ngày lễ Ngũ tuần này đến ngày lễ Ngũ tuần khác, từ năm này qua năm khác và từ ngày này qua ngày khác, Chúa Thánh Thần đẩy lùi khỏi cuộc sống chúng ta những gì cản trở Ngài. Ngài đẩy lùi tất cả những thứ đó để dẫn chúng ta đến nơi chỉ mình Thiên Chúa ở. Nơi ở này cũng là nơi ở của các tông đồ và của Chúa Giêsu. Và từ nơi này, chúng ta hãy thức tỉnh con tim những người xung quanh chúng ta.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Cuộc sáng to mi
Sau khi sáng tạo nên trời đất bao la hùng vĩ cùng muôn sinh vật diệu kỳ trong hoàn vũ, Thiên Chúa vẫn chưa hài lòng với công trình tạo dựng của mình. Ngài muốn sáng tạo thêm một kiệt tác vượt trội hơn tất cả những gì mà Ngài đã dựng nên.
Thế là Ba Ngôi Thiên Chúa bàn tính với nhau: “Chúng ta hãy tạo nên con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để chúng làm chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất  và mọi giống vật trên mặt đất” (St 1, 26).
Và Thiên Chúa khởi sự tạo dựng con người. Ngài lấy bùn đất, nắn thành hình một con người, được gọi là A-đam, trông rất tuyệt vời, các thiên thần đều tấm tắc khen ngợi… Dầu vậy, A-đam vẫn còn trơ trơ bất động, vô tri, vô cảm… vì chưa có sự sống.
Thế rồi Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi A-đam (St 2,7) tức thì A-đam bắt đầu mở mắt, cựa mình và vươn vai chỗi dậy thành một con người đầy sức sống, lại còn có tư duy, có tình cảm, có lương tâm, có tự do, có óc sáng tạo… mang dấu ấn và bản sắc của Thiên Chúa.
Thế là nhờ hơi thở mà Thiên Chúa truyền cho, A-đam được tiếp nhận sự sống và trở thành thủy tổ loài người trên khắp địa cầu.
Tiếc thay, con người tuyệt vời được Thiên Chúa  dựng nên theo hình ảnh Ngài lại lâm vào vòng sa đọa, đánh mất phẩm chất cao đẹp mà Thiên Chúa đã phú cho và phải mang lấy án phạt đời đời. Vì thế, Thiên Chúa phải lên kế hoạch kiến tạo một thế hệ nhân loại mới.
Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người khởi đầu công cuộc nầy. Ngài quy tụ những môn đệ đầu tiên và dùng những vị nầy để làm phát sinh dân mới của Thiên Chúa.
Nhưng khi Chúa Giê-su chịu khổ nạn và được tôn vinh, không còn cận kề các môn đệ như trước, các môn đệ cảm thấy lạc lõng cô đơn như  đoàn chiên không chủ, như rắn mất đầu. Các ngài sống âm thầm, im hơi lặng tiếng, co cụm trong phòng đóng kín vì sợ người Do-Thái, khác gì A-đam lúc chưa đón nhận hơi thở của Thiên Chúa.
Thế rồi “Vào ngày thứ nhất trong tuần - và cũng là ngày thứ nhất trong lịch sử nhân loại mới -  nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái (Ga 20, 19-20). Mười một Tông đồ tuy còn đó, nhưng các ông tự giam mình trong căn phòng u tối. Bấy giờ các ông như những thân xác không hồn, như những hình hài không còn sự sống.
Và như thuở ban đầu, Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi Ađam để thông truyền sự sống cho ông, thì nay Chúa Giêsu cũng thổi hơi trên các Tông đồ đang co cụm như những thân xác không hồn để thông ban Chúa Thánh Thần cho họ. “Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).
Một khi đã được ban Thánh Thần, các Tông đồ bắt đầu đón nhận Sự Sống mới. Các ông như những xác chết được hồi sinh, được trở nên can trường mạnh mẽ, thoát ra khỏi căn phòng đóng kín như hầm mộ u tối chôn vùi các ông suốt mấy tuần qua, để ra đi khắp các nẻo đường, loan báo Tin mừng cứu độ. Chính nhờ biến cố trọng đại này mà các môn đệ của Chúa Giêsu mới chấp nhận vô vàn gian khổ để loan báo Tin mừng và xây dựng Hội thánh Chúa khắp nơi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho đoàn con của Chúa luôn khao khát Thánh Thần như con thơ khát sữa mẹ, như cây cỏ khát mưa nguồn và luôn biết mở lòng đón nhận Thần Khí Chúa truyền ban; nhờ đó, mỗi người sẽ nhận được sự sống siêu nhiên và viên mãn do Chúa Thánh Thần ban tặng.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 3
Lạy Chúa Thánh Thần, Xin Ngài Ngự Đến
(Ga 7,37-39)
Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng về với Chúa Giêsu và chiêm ngắm Người vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, nghe Chúa giảng: "Ai khát hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông" (Ga 7, 37-38). Người muốn nói điều ấy về Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất
Nếu như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa tự sức riêng của mình muốn "xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời" (x. St 11,4). Hậu quả của hành động đó là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.
Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo
Câu đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết : "Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo..." làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang (x. St 1,2).
Phải khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là cộng cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, là lễ của Giáo hội. Nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Và vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa : "Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm" (Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto nói : "Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa" (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).
Ðứng trước những hình thức khác nhau của việc lạm dụng trái đất, "mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta". (Rm 8,22-24)
Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài? Bằng cách nào, chúng ta đến với Ngài và Ngài đến với chúng ta? Ngài tác động điều chi? Câu trả lời cho câu hỏi Chúa Thánh Thần là gì, Ngài làm điều chi và làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài. Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã buớc vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống và sự tự do. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.
Từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra
Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, các môn đệ nói mà không sợ hãi. Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban xuống cho Giáo hội như là "nước hằng sống chảy ra như giòng sông" (Ga 7,38) vì nước ấy ở trong cung lòng của Thiên Chúa, cùng một lúc, chúng ta khám phá ra rằng, cũng trong Giáo hội, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống thật. Thường chúng ta đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong phương diện cá nhân, tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay hiển nhiên cho thấy tác động Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Kitô hữu: "Thánh Thần mà những kẻ tin Người sẽ lãnh lấy" (Ga 7,39). Thánh Thần duy nhất biến cộng đoàn thành một thân thể duy nhất, thân thể Chúa Kitô. Hơn nữa, Ngài là suối bẩy nguồn đa dạng về các ơn : ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như: tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… làm cho mỗi người chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.
Sự duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu. Điều quan trọng nhất của Giáo hội chính là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống. Với con mắt loài người nhìn vào Giáo hội, chúng ta không thể nhận ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để "các dân tộc chia tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa." (Lời nguyện nhập lễ)
"Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa!" Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 4
Sứ Mạng Chứng Nhân
Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, bài đọc 1 kể: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho… mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 1-4).
Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy, tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8).
Với sức mạnh của Thánh Thần, Thánh Phêrô và các Tông Đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Trong mọi thời đại, bằng mọi ngôn ngữ, Giáo Hội khắp thế giới tiếp tục tuyên xưng những kỳ công Thiên Chúa và kêu gọi các dân tộc, các quốc gia tiến đến với đức tin, hy vọng và cuộc sống mới trong Đức Kitô.
1. Làm chứng trong quyền năng Thánh Thần
Chúa Giêsu nói đến sứ vụ làm chứng của Chúa Thánh Thần: “Là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em từng ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27). Làm chứng cho Chúa Giêsu chỉ có thể thực hiện trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, chứ không thể chỉ bằng sức lực của con người.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng, Chúa Thánh Thần là Linh hồn của Giáo hội và nếu không có Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ chỉ là một tổ chức nhân đạo (x. huấn từ trưa Chúa nhật 31-5-2009). Sách Công vụ các Tông đồ đã minh chứng hùng hồn về điều ấy: Chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần là… (Cv 5, 32); Thánh Thần và chúng tôi quyết định là…(Cv 15,28).
Thánh Phaolô, một tông đồ đầy kinh nghiệm về Thánh Thần đã sống và đã nói: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,4); “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: xiềng xích và gian nan đang chờ đợi tôi.” (Cv 20,22-23).
Thời đại hôm nay, Giáo hội toàn cầu và mỗi Giáo hội địa phương phải đương đầu và đối phó với nhiều vấn nạn và thách thức gay go mà thế giới và thực tế cuộc sống gợi nên. Xử lý tình huống và chọn lựa một hướng đi phù hợp với tin mừng cứu độ của Đức Giêsu chẳng đơn giản chút nào. Dù rằng trong Giáo hội không thiếu những con người tầm cỡ, khôn ngoan, đạo đức và thức thời. Nhưng khởi động, diễn biến và kết thúc mọi vấn đề vẫn luôn là, và phải là tác động của Thánh Thần. Bằng không đó chỉ là sự ‘khôn ngoan đối đáp người ngoài’ theo lẽ tự nhiên của “một tổ chức nhân đạo”, chứ không phải của Giáo hội Chúa Kitô. Chính “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63). Tuy dù Thánh Thần và Giáo hội có phải công bố hay lên tiếng những điều ngược với lỗ tai người đương thời, kể cả người tin hay không tin, nhưng cuối cùng vẫn chính là: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định !”.
Làm chứng trong quyền năng Thánh Thần, tất cả đều được gợi hứng và thúc đẩy bởi giáo huấn của Hội Thánh và Tin Mừng của Chúa Giêsu.
2. Giáo hội tiếp nối sứ mạng Chúa Giêsu
Chúa Giêsu là Người Con có kinh nghiệm trọn vẹn về tình yêu của Chúa Cha, biết rõ ý muốn của Chúa Cha, biết rõ chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ngài là chứng nhân trung thành của Chúa Cha, chỉ nói những điều Chúa Cha muốn, thi hành những điều Chúa Cha truyền dạy.
Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Chúa Thánh Thần tiếp nối sứ mạng chứng tá của Chúa Giêsu, cùng với Giáo hội và trong lòng Giáo hội.
Sứ mạng làm chứng của Giáo hội luôn luôn thể hiện cùng với và trong Chúa Thánh Thần. Giáo hội đã được Chúa Phục Sinh thổi hơi vào và trao ban Thánh Thần. Chúa Thánh Thần từ đó luôn ở với Giáo hội và trong Giáo hội. Giáo hội đã luôn nổ lực làm chứng cho Chúa Giêsu, trải dài suốt hai nghìn năm lịch sử, trải qua những thăng trầm những phong ba bão táp của trần thế.
3. Sứ mạng làm chứng của người kitô hữu:
Mỗi người Kitô hữu được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu thánh một cách đặc biệt trong Bí tích Thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ mạng làm chứng của Giáo hội.
Trong Bí tích Thêm Sức nhận lãnh, không những các ơn Chúa Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như một sức mạnh từ trên cao, như là “Thần lực của Thiên Chúa”. Đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân lý và Sự Thật. Đó là sức mạnh cuốn hút của cái Đẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Đẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp đích thực.
Kitô hữu phải là con người biết lắng nghe, lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe con người để qua sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, sứ điệp Tin mừng được lan xa. Các phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, thi ca, nghệ thuật, sân khấu, tuồng kịch, thánh nhạc, kiến trúc, hội họa, truyền thanh, truyền hình, internet…đều có tầm ảnh hưởng lớn đối với công cuộc truyền thông Tin Mừng trong thời đại hôm nay.
Giáo Hội luôn thao thức những vấn đề của thời đại mình đang sống. Chúa Thánh Thần là ngọn gió thổi các cánh buồm của Giáo Hội hướng đến đại dương của “nền văn hóa mới” này. Có Chúa Thánh Thần đồng hành và hướng dẫn, chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến khắp muôn nước muôn dân.
4. Nhạc sĩ, Ca sĩ làm chứng cho Thiên Chúa Tuyệt Mỹ
Chúa là Chân Thiện Mỹ, nên sức mạnh của Chân Thiện Mỹ là “Thần Lực” của chính Chúa. Muốn làm chứng cho Chúa là Chân Thiện Mỹ, phải có Thần lực của Chúa. Nếu chúng ta có sức mạnh của Chúa để làm chứng cho Ngài, thì đó là làm chứng chứng cho Thiên Chúa là cội nguồn của Chân Thiện Mỹ.
Có thể diễn tả nét đặc trưng: các Giám mục, Linh mục là những chứng nhân cho chân lý; những người làm việc bác ái xã hội làm chứng cho sự thiện; Nhạc sĩ, Ca sĩ làm chứng cho cái đẹp.
Chiêm ngắm và diễn tả vẽ đẹp thần linh có tác dụng làm cho con người say mê. Những nghệ sĩ chân chính như các nhạc sĩ, ca sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư hay cả những biên đạo múa…đều là những người phục vụ cho cái đẹp, cũng là những chứng nhân rất cần thiết cho thế giới. Dĩ nhiên trong thế giới nghệ thuật, cũng như trong mọi lãnh vực khác của cuộc sống, vẫn có những phản chứng từ, có thể có tác dụng huỷ hoại tâm linh con người, như những thứ âm nhạc kích thích lòng tà dâm, những phim đồi truỵ, các thứ phim ảnh bạo lực…
Khi yêu những bông hoa, dòng suối, núi non, biển cả, chúng ta chìm vào trong thiên nhiên, ca hát ngợi khen Thiên Chúa cùng với các tiếng nói đa dạng của thiên nhiên, đó là làm chứng cho Thiên Chúa Đấng Tuyệt Mỹ.
Nhạc sĩ là chứng nhân cho vẻ đẹp thần linh. Nhạc sĩ viết thánh ca phụng vụ cùng chung mục đích với phụng vụ là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá con người.
Thánh nhạc phải thánh thiện vì nó có nguồn gốc là thánh, kèm theo lời ca của phụng vụ thánh, kèm theo những tác động thánh của phụng vụ và vì đó là lời cầu nguyện của Dân Chúa.Thánh nhạc được viết vì phụng vụ.Nhạc sĩ viết thánh ca để giúp người khác cầu nguyện. Lời của những bài thánh ca sử dụng chính thức trong phụng vụ luôn là lời cầu nguyện của Giáo hội. Như vậy người sáng tác thánh ca phải cầu nguyện mà sáng tác ra. Nếu như Linh mục cầu nguyện để soạn bài giảng thì Nhạc sĩ cầu nguyện để viết thánh ca. Một bài thánh ca hay được tạo ra bởi 2 lần cầu nguyện: người sáng tác cầu nguyện và người hát cầu nguyện, đựơc như vậy thì hát hay là cầu nguyện 2 lần.
Ca đoàn hát lễ cũng hát trong cung cách cầu nguyện. ĐGH Urbanô nói rằng: Nhạc là vì lễ chứ không phải lễ vì nhạc.Trong thông điệp “ Đấng Trung Gian”, ĐGH Piô XII đã viết “Ước gì tiếng hát toàn dân vang lên tới trời”. Giáo hội muốn giáo dân tham dự tích vào phụng vụ và thánh ca là lời cầu nguyện của Dân Chúa.
“Hiến Chế Thánh Nhạc Trong Phụng Vụ” số 121, nói đến vai trò các nhạc sĩ Công Giáo. Ngoài kiến thức chuyên môn, Giáo hội đòi hỏi các nhạc sĩ những tiêu chuẩn cơ bản là nhạc sĩ phải có đời sống Kitô hữu đích thực thể hiện qua đức tin mạnh mẽ, đời sống đạo đức và tinh thần cầu nguyện. Nhạc sĩ sáng tác trong lúc cầu nguyện, không chỉ trong nhà thờ mà mọi nơi mọi lúc, nhạc sĩ chân chính có thể cầu nguyện để viết thánh ca.
ĐGH Piô X cũng dạy rằng: Thánh nhạc phải thánh, phải loại bỏ những gì là phàm tục không phải chỉ nơi bản chất thánh nhạc mà cả nơi người sáng tác và cách thể hiện.
Thánh nhạc đòi hỏi rất nhiều nơi các nhạc sĩ. Nhưng thực tế của cuộc sống với biết bao khó khăn. Phải bôn ba để nuôi sống gia đình, ít khi được quan tâm. Nhạc sĩ làm việc âm thầm vì Chúa vì Giáo hội. Đổi lại sự lao nhọc trong công việc, nhạc sĩ có nhiều niềm vui và hạnh phúc nơi các đứa con tinh thần của mình. Nhiều người đón nhận, nhiều Nhà thờ, nhiều cộng đoàn hát thánh ca của mình để tôn vinh Thiên Chúa, ca ngợi Đức Mẹ, các Thánh, đó là phần thưởng lớn lao cho nhạc sĩ sáng tác.
Nếu như cách loan báo Tin mừng Tình yêu hay nhất và hữu hiệu nhất của người Kitô hữu là loan báo bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ thì Nhạc sĩ loan báo Tin mừng bằng những bài thánh ca đựơc viết khi cầu nguyện; dấn thân phục vụ trên con đường nghệ thuật cao quý. Nhạc sĩ làm chứng nhân cho cái đẹp thánh thiện nâng tâm hồn con người lên với Thiên Chúa Tuyệt Mỹ.
Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống. Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả "nhảy mừng trong lòng mẹ". Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bêlem. Các Tông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Các Nhạc sĩ, Ca sĩ sống chứng nhân cho cái đẹp, loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 ======================
Suy niệm 5
CHÚA THÁNH THẦN
TIẾP NỐI CON ĐƯỜNG THƯƠNG XÓT
(Cv 15,1-29; Kh 21,10-23; Ga 14,23-29)
Trình thuật Tin Mừng hôm nay tiếp nối tuần trước trong bối cảnh bữa Tiệc Ly và nó nằm trong diễn từ ly biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ.
Trong diễn từ này, Đức Giêsu loan báo cuộc ra đi của Ngài bằng con đường thương xót theo ý Chúa Cha qua cái chết trên thập giá cho các môn đệ. Tuy nhiên, lời loan báo này đã làm cho các ông xao xuyến, hoang mang vì mất đi điểm tựa.
Nhưng, Đức Giêsu, nhân cơ hội này, đã giúp cho các ông hiểu rõ hơn về một cuộc hiện diện khác, cuộc hiện diện thần linh, nhiệm mầu.
Để cho sự hiện diện này được khăng khít, người môn đệ phải đi trên con đường của Thầy đã đi. Phải chung nhịp đập xót thương với Thầy. Chìa khóa để đi vào sự hiệp thông trọn vẹn ấy chính là yêu mến và tuân giữ Lời của Ngài.
Đây là con đường tình yêu của Thầy và trò. Đây cũng là đường thương xót để đến với tha nhân. Chúa Thánh Thần sẽ tiếp nối con đường xót thương ấy qua việc bào chữa, an ủi và trong vai trò khai trí mở lòng, nhằm giúp các ông hiểu tường tận những Lời Đức Giêsu đã dạy, để họ cũng thi hành cùng một hành vi xót thương đến với tha nhân như chính bản thân đã cảm nghiệm.
1. Tuân giữ Lời và thi hành là yêu mến cách trọn vẹn
Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan đã khéo léo trình bày tâm trạng hỗn độn, hoang mang, sợ hãi của các môn đệ khi nghe tin Thầy của họ sắp sửa ra đi để chịu chết. Họ lo sợ bởi tính  háo thắng, ham danh, muốn được ưu đãi, trọng thị, mong được hưởng những đặc quyền, đặc lợi theo kiểu trần gian.... những lý tưởng đó sắp bị tan thành mây khói.
Đến đây, chúng ta hiểu thêm một điều nữa, đó là: vì những lựa chọn rất tầm thường đó chỉ đạo tâm tưởng của các môn đệ, nên những điều Thầy của họ giảng cũng như những việc Ngài làm... đã không ăn nhập gì với mục đích cũng như chẳng giúp các ông nhận ra sứ vụ Thiên Sai, đầy thương xót của Đấng Cứu Thế!
Thấu hiểu tâm trạng và diễn biến tâm lý nơi các học trò, nhất là nỗi hãi vì sự liên lụy đến cái chết của mình, nên Đức Giêsu đã trấn an: “Đừng xao xuyến và buồn sầu” (Ga 14,27). Ngay sau đó, Ngài đưa ra một chỉ dẫn để giữa các ông và Ngài có một mối thông hiệp cách chặt chẽ: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ các giới răn của Thầy” (Ga 14,5). Việc tuân giữ và thi hành Lời của Thầy, ấy là thước đo chính xác và cụ thể nhất lòng yêu mến của các ông đối với Ngài. Đồng thời, khi tuân giữ Lời của Thầy, các ông sẽ hướng đích cuộc đời mình dưới cái nhìn sứ vụ. Như thế, giữa trăm chiều thử thách trông gai, và ngay cả cái chết, các ông vẫn vui mừng và sẵn sàng thốt lên: “Không có gì tách chúng tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô”; và:“Đối với tôi sống là sống cho Đức Kitô và chết là một mối lợi”. Hơn nữa, khi yêu mến và giữ lời của Thầy, họ sẽ được hưởng trọn vẹn lòng thương xót, đến độ không còn gì có thể so sánh bằng, bởi nơi tình yêu ấy, có sự hiện diện và xót thương của cả Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Chúng Ta sẽ đến và ở lại với người ấy”(Ga 14,23).
2. Chúa Thánh Thần tiếp nối con đường thương xót
Để cuộc đời và sứ vụ của các môn đệ sang một trang mới, nên ngoài việc Đức Giêsu chỉ cho các ông tuân giữ Lời của Ngài, thì việc loan báo về Chúa Thánh Thần trong vai trò là Đấng An Ủi, Bào Chữa... là điều hết sức quan trọng.
Vì thế, Đức Giêsu đã nói với các ông:  “Thầy ra đi thì có lợi cho các con. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với các con; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con”(Ga 16,7).
Khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ làm cho sự hiện diện của Thầy trò trong trạng thái “cách mặt, nhưng gần lòng”, bởi vì: “Đấng Bào Chữa là Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26).
Thật vậy, như đã nói: nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần là tiếp nối đường thương xót của Đức Giêsu trong vai trò dạy dỗ và nhắc lại những điều Đức Giêsu đã loan báo lúc tại thế. Khi  nhắc cho các ông điều Đức Giêsu đã nói không phải chỉ là ôn lại, nhưng theo cách hiểu của Thánh Kinh là: khám phá ra ý nghĩa lời nói và cử chỉ của Đức Giêsu dưới ánh sáng của biến cố phục sinh. Qua việc tiên báo này, Đức Giêsu sẽ hiện diện trong Lời của Ngài cách cụ thể qua vai trò Trung Gian của Chúa Thánh Thần. Vì thế, mặc dù ra đi, nhưng lòng lại gần lòng hơn bao giờ hết, và các môn đệ không bao giờ bị cảnh mồ côi đơn chiếc, vì: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (x. Ga 14,18).
Để đảm bảo lời hứa, nhất là giúp cho các môn đệ được can đảm, trung thành đi đến cùng con đường thương xót mà Đức Giêsu muốn các ông tiếp bước trong lòng mến, nên Đức Giêsu hứa ban cho các ông sự bình an riêng của Ngài. Đây là sự bình an đặc biệt, bình an nội tâm, một sự bình an tuyệt hảo mà chỉ Thiên Chúa mới có và mới ban tặng cho chúng ta: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14,27).
Lời dạy và những ân ban của Đức Giêsu cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng là lời mời gọi và nhắc nhớ mỗi người chúng ta trong tư cách là người môn đệ của Đức Giêsu trong Giáo Hội của Ngài.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Sống trong một xã hội đang bị đe dọa đủ thứ, nhất là sự xáo trộn về giá trị đạo đức trong mọi lãnh vực...! Ơn bình an đích thực dường như vắng bóng trong xã hội. Có lẽ con người không còn đủ niềm tin vào thực tại cuộc sống, bởi lẽ, sự “tử tế” gần như là một cái gì đó xa xỉ nếu không muốn nói là người ta không thích nhắc đến, bởi khi nhắc đến, họ sợ cái “bụng” bị đói!
Trong một môi trường “ô nhiễm” do nạn thượng tôn “ông chủ bụng” mà trà đạp lên sự “tử tế” như vậy, nhiều người muốn sống đàng hoàng cũng khó, bởi vì: “Thật thà, thẳng thắn thì thường thua thiệt”; “Gian tham lọc lừa lại lên lương”. Người ta coi: “Chân Lý và chân giò bằng nhau”; “Lương Tâm, lương thực và lương tháng cùng giá trị”!
Từ thực trạng trên, người nghèo trở thành đối tượng nhắm đến cho những nhu cầu bất chính nơi một số “Chủ nhân ông”. Từ đó gây nên sự bất an trong xã hội.
Nguyên nhân chính yếu đó là: họ đã không có lòng thương xót, đã tách Lời Chúa ra khỏi cuộc sống. Quan điểm: “Kính nhi viễn tri”; hay: “Mũ ni che tai” đối với Lời Chúa là điều mà nhiều người trong chúng ta chọn lựa.
Vì thế, họ sợ phải sống theo Lời Chúa dạy.  Không dám đối diện với sự thật và lòng xót thương. Khước từ cũng như trối bỏ chân lý, nên không dám sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Luôn trung thành tuân giữ và yêu mến Lời Chúa. Đem Lời Chúa vào cuộc sống. Để Lời Chúa trở thành “khuôn vàng thước ngọc”; là “kim chỉ nam”, đem lại sự hợp nhất, yêu thương, tha thứ, biến đổi, nhất là sự bình an. Đây cũng là dấu chỉ của người đang đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và làm cho tâm hồn chúng con nóng lên ngọn lửa yêu mến Chúa. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
======================
Suy niệm 6
Thánh Thần khấn xin ngự đến
(Ga 20, 19-23)
40 ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp đến Giáo hội làm tuần cửu nhật thiết tha cầu xin: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến...".
Giáo hội xin Chúa Thánh Thần đến để làm gì ? Thưa, Chúa Thánh Thần đến để rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường… (Ca tiếp liên). 
H. Đức Chúa Giêsu lên trời có bỏ chúng ta mồ côi không?
T. Không, Đức Chúa Giêsu lên trời đoạn, khỏi 10 ngày đã sai Đức Chúa Thánh Thần xuống trên các thánh tông đồ để ở lại với Hội Thánh mãi cho đến tận thế.
Đúng 10 ngày sau khi Chúa về Trời, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên và hiện diện trong lịch sử Giáo hội, hành động không biết mệt mỏi.
Nếu như khi xưa Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người cùng ban đầy đủ các ơn với các sự kiện bên ngoài, thì hôm nay chúng ta tin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta một cách đặc biệt trong ngày lễ của Ngài.
Trước hết Chúa Thánh Thần đến với chúng ta qua các bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe, vì Ngài là tác tác giả thần linh. Tôi thấy cộng đoàn lắng nghe sốt sáng với lòng khao khát được gặp gỡ Ngài, tiếp xúc với Ngài, được Ngài dạy dỗ, soi sáng và hướng dẫn. Chúa Thánh Thần còn đến với chúng ta qua những lời cầu nguyện của Giáo Hội và của từng người trong chúng ta. Tôi thấy mọi người hát kinh Vinh Danh sốt sáng lắm, hẳn phải có Chúa Thánh Thần. Ngài khơi dậy sự cầu nguyện, khơi dậy những tâm tình đạo đức nơi chúng ta; Ngài đốt lửa kính mến Chúa nơi chúng ta. Nếu không có ơn Chúa Thánh Thần thì chúng ta chẳng đến đây làm gì, và có đến thì cũng chỉ ngồi yên thôi.
Chúa Thánh Thần còn đến với chúng ta qua lời giảng dạy của Giáo Hội, Ngài khơi dậy đức tin nơi chúng ta. Ngài dạy ta tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, lát nữa đây chúng ta sẽ tuyên xưng khi đọc kinh Tin Kính. Ngoài ơn đức tin là hồng ân trọng đại, Chúa Thánh Thần còn ban cho Giáo Hội rất nhiều ân sủng khác, mỗi người một kiểu một cách, không ai thiếu ân sủng của Ngài, để mỗi người chúng ta dùng những ơn đó mà xây dựng ích chung cho Giáo Hội: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như: tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… mỗi người mỗi ơn rất phong phú và đa dạng.
H. Chúa Thánh Thần là Đấng nào?
T. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba. Ngài bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Ngài là Thiên Chúa Thật, cùng uy quyền và vinh quang như Chúa Cha và Chúa Con.
H.Chúa Thánh Thần còn được gọi bằng những danh hiệu nào?
T.Ngài thường được gọi là Thần khí của Thiên Chúa,là Thần khí của sự thật,là Đấng an ủi và là Đấng ban sự sống.
Chúa Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi, là Bình An, là Niềm Vui, là Sự Sống.
Chúa Thánh Thần là Ơn Bình An mà Chúa Kitô Phục Sinh mang đến, khi hiện ra với  các Tông Đồ, khi đến với Giáo Hội, đến với Cộng đoàn phụng vụ chúng ta. Ngài là Sự Bình An mà thế gian không thể ban tặng như Chúa Giêsu đã nóiCó Chúa Thánh Thần, lòng ta sẽ được bình an, một sự bình an kỳ diệu, đồng nghĩa với hạnh phúc, với ơn cứu độ và sự sống đời đời.
Chúa Thánh Thần  là Niềm Vui, mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho ta, một niềm vui khôn tả. Các môn đệ ngày xưa vui mừng vì được thấy Chúa Phục Sinh, chúng ta ngày hôm nay không nhìn thấy Chúa bằng giác quan, nhưng thấy Chúa bằng đức tin, thấy Chúa trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Niềm Hoan Lạc ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi, là Niềm Vui mà Chúa Kitô Phục Sinh chia sẻ cho chúng ta, để chúng ta thông phần hạnh phúc của Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần là Sự Sống, là Thần Khí, là Hơi Thở mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho Giáo Hội, khi Người thổi hơi vào các thánh Tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20, 23). Chúng ta nghe nói nhiều đến ơn cứu độ, nhưng có lẽ chúng ta vẫn chưa am hiểu và còn cảm thấy trừu tượng, xa vời. Theo đoạn Tin mừng Gioan hôm nay, ơn cứu độ chính là Thần Khí Phục Sinh của Chúa Kitô, nhờ đó mà mọi người  được Thiên Chúa vừa ban cho ơn tha tội, vừa ban cho sự sống mới, thông phần Sự Sống Lại của Chúa Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, trước khi về Trời, Chúa đã hứa là xin Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến với chúng con, thì xin Chúa giữ lời mà ban cho chúng con Thánh Thần Chúa để Ngài ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 7
ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN

Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).
Sau cái chết như một tử tội của Thầy Giêsu, các môn đệ vô cùng khiếp sợ. Ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, các ông vẫn chưa hoàn hồn vì nỗi sợ người Do Thái. Vào buổi chiều Chúa nhật, phòng ở của các ông còn đang đóng kín các cửa, bỗng Chúa hiện đến đứng ngay giữa và trấn an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19b). Vì sợ hãi làm cho tâm hồn các ông bị khép kín, sống co cụm, cách biệt các mối tương quan, không dám gặp gỡ giao tiếp với ai. Nhưng khi có Chúa ở giữa với lời ban bình an, các ông như được cởi bỏ mối lo sợ đang ngập tràn. Để họ an tâm xác nhận, Người cho các ông xem chân tay và cạnh sườn rồi thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông. Người còn truyền sai đi và ban quyền tha tội cho các ông.
“Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
Có sự hiện diện với sự bình an và ơn của Chúa Thánh Thần, các ông như được mở tung cõi lòng, như tia nắng mới, làn gió mát ùa vào khiến họ tự tin vững vàng để làm chứng cho Thầy mà không sợ hãi. Sự bình an của Chúa là ơn đặc biệt mà “thế gian chẳng thể ban được”. Sự bình an luôn là niềm khát vọng ngàn đời của cả nhân loại.
Bài đọc I hôm nay mô tả sự kiện vô cùng lớn lao trong ngày lễ Ngũ Tuần. Các môn đệ đang tề tựu một nơi, tiếng gió mạnh từ trời ùa vào, xuất hiện những hình như lưỡi lửa trên từng người. Từ những người kém học, nhút nhát sợ sệt, họ bừng lên sức sống mạnh mẽ, như sức bật của lò xo. Với đầy ơn Thánh Thần, họ có thể nói được các thứ tiếng khác khi chưa hề học tới!
Vâng, chỉ có Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, là Đấng “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con”, mới nhóm lên ngọn lửa mến cháy trong lòng mọi người. Người tưới gội chỗ khô khan, sưởi ấm chỗ lạnh lùng và chỉnh đốn lại chỗ chật đường. Nhưng chúng con nhiều khi lại quên mất sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng làm nên và canh tân, đổi mới mọi sự cách lạ lùng. Chúa Thánh Thần xuống trong tâm hồn các tín hữu, nhẹ nhàng như làn gió, thổi sạch những bụi bặm thế trần trong con người, làm cho họ được thay đổi tế bào từ trong ra ngoài và lớn lên bằng một sức sống mới.
Lạy Chúa, xưa Chúa đã cử Thánh Thần xuống trên Đức Mẹ và các Tông đồ, để thánh hóa Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai và sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Xin Chúa tiếp tục công trình đã thực hiện, mà tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới, để chúng con được hiệp nhất nên một cùng nhau, mà tuyên xưng danh Chúa mãi ngàn đời. Amen.
Én Nhỏ
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log