Chúa nhật, 29/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 7 Thường Niên A

Cập nhật lúc 09:04 20/02/2020
Suy niệm 1
Hoàn thiện, thánh thiện và lòng thương xót
(Lv 19,1-2,17-19. Mt 5, 38-48)
 
Sự hoàn thiện là đón nhận tình yêu. Có hai câu quan trọng nhất trong các bài đọc Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đáng để chúng ta suy niệm: “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi”, “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Vậy sự thánh thiện và nên trọn lành là gì và ai có thể trở nên hoàn hảo như Thiên Chúa Cha? 
Qua câu nói của Chúa Giêsu mà thánh Luca tường thuật: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”, kết hợp với câu nói của thánh Mattheu ghi lại trong bài tin mừng hôm nay: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”, chúng ta có thể nói, rằng sự trọn lành của Thiên Chúa là lòng thương xót của Người. Như vậy con người cũng có thể trọn lành nếu con người sống lòng thương xót.  Đức giáo hoàng Phanxico nói: "Lòng tốt và sự hoàn hảo bắt nguồn từ lòng thương xót". Vì thế, chúng ta có thể khẳng định rằng:
- Sự hoàn thiện của con người là đã có được lòng thương xót. Đó là sự tổng hợp tin mừng và tin mừng do Đấng Cứu Độ mang lại.
- Sự hoàn thiện của chúng ta là khiêm nhường sống tình trạng của chúng ta là con Thiên Chúa bằng cách thực hiện một cách cụ thể theo thánh ý Thiên Chúa.
- Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta hoàn thiện trong việc tuân thủ các giới răn và quy định pháp lý. Ngài mời gọi chúng ta hoàn thiện trong tình yêu.
Điều quan trọng là chúng ta để cho con tim chúng ta lấp đầy, dù nhỏ như một bông hoa cúc hoặc lớn như một bông huệ về tình yêu Thiên Chúa. Nói tóm lại, để trở nên hoàn hảo, trong sự thánh thiện, có nghĩa là tin vào Tình yêu, bằng cách làm giãn nở con tim chúng ta để đón nhận Thiên Chúa. Chúng ta hãy mở lòng cho tình yêu Thiên Chúa., đó là tin và đón nhận Tình yêu của Ngài.
Thánh thiện trong các mối phúc. Thánh thiện như một sự đón nhận điều tốt với một tình yêu nhiệt huyết! Maria Madalena, tội nhân công khai. Người phụ nữ này đã sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và khi đứng dậy, Madalena đã nhận được lời ngợi khen của Chúa Giêsu: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”.  Madalena đã làm gì? Madalena đã tin vào Tình yêu, không gì khác. Tất cả tội lỗi của chị đã không ngăn được tình yêu của chị. Chị đã sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu. Chi đã trưởng thành và từ bỏ chính mình, chị mở tâm hồn ra mở ra để đón nhận tình yêu của Thiên Chúa đổ đầy tràn cho chị.
Tình yêu Thiên Chúa luôn đổ đầy vào tâm hồn chúng ta nếu chúng ta sống các mối phúc. Bài tin mừng hôm nay là phần cuối bài giảng trên núi của Chúa Giêsu về các mối phúc và cũng là để Ngài ban hành luật mới về  tình yêu. Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ:”Anh em là muối đất và là ánh sáng thế gian”, sau khi Ngài giảng về các mối phúc. Nếu không có tinh thần và sự thực hành các mối phúc, chúng ta không thể là muối và ánh sáng mà thế giới hôm nay đang trong bóng tối, rất cần.
Trong một xã hội mà hận thù và bạo lực thống trị,  bị xé nát bởi chia rẽ và đối kháng, loan báo tình yêu anh hùng đối với kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại, đó là thực hiện cuộc cách mạng thực sự mà xã hội luôn cần thiết. Một cuộc cách mạng của tình yêu, có nguồn gốc và mô hình trong tình yêu vô hạn và khiêm nhường của Cha trên trời. Chỉ dẫn của Chúa Kito rất rõ ràng: để bắt chước Cha trên trời, cần phải sống theo tinh thần của các mối phúc Tin Mừng và hoàn toàn cởi mở cho tình yêu của Chúa Cha, "Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành cũng như kẻ dữ”. Thật vậy, làm thế nào chúng ta có thể nói rằng chúng ta muốn bắt chước Cha yêu thương, cho đi và tha thứ tất cả, nếu chúng ta vẫn đóng kín trong vỏ bọc của sự ích kỷ, nô lệ của cải phù du của thế giới, con tim chúng ta khép kín với nhu cầu và đau khổ của một người anh chị em chúng ta?
Lời mời gọi để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời không yêu cầu leo ​​lên đỉnh núi cao.  Không yêu cầu chúng ta phải là những người leo núi có kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần, hoặc như các vị thánh đã được Giáo Hội phong thánh. Sự hoàn thiện của Thiên Chúa là mục tiêu mà tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu phải nhắm đến, là mang lại nhiều hoa trái cho Cha trên trời và làm vinh quang Ngài. Sự vĩ đại hay sự hoàn thiện của Thiên Chúa, chính là sự khiêm nhường và là thước đo của con người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói "Thiên Chúa khiêm nhường, hạ mình xuống: Ngài đến với chúng ta và hạ mình xuống". Từ trời xuống đất. Con Thiên Chúa hạ mình xuống hang Be-lem và Thập giá. Ngài quỳ gối rửa chân cho các môn đệ. Sự khiêm nhường của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, là một sự dâng hiến quỳ gối xuống của Tình yêu.Thiên Chúa hạ mình xuống trên sự yếu đuối của chúng ta và cứu sự yêu đối đó bằng tình âu yếm của Ngài. Nếu chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa "tin" vào chúng ta, chúng ta sẽ tin vào Ngài. Nếu chúng ta ý thức được Ngài yêu thương âu yếm và vô hạn, chúng ta sẽ đáp lại tình yêu của Ngài và chúng ta sẽ hoàn toàn dành cho Ngài cả cuộc sống chúng ta trong sự khiêm nhường, bình an, sự thật và niềm vui.
Nếu không thực sự có ý muốn trở nên hoàn thiện, chúng ta rất dể dàng có những ý tưởng mơ hồ, Nhưng nếu thực sự muốn hoàn thiện và tìm cách đạt được, chúng ta sẽ có những hành động cụ thể: sốt sắng tham dự bí tích Thánh Thể mỗi ngày, đặc biệt ngày chủ nhật, và có những  cử chỉ đơn giản làm cho "lời cầu nguyện của chúng ta là sự tuôn ra từ trái tim chúng ta trong trái tim Thiên Chúa" (Thánh  Pio da Pietrelcina) và hành động của chúng ta, dù nhỏ hay lớn, đều thể hiện lòng thương xót đối với tất cả mọi người.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Lấy khoan dung đáp trả hận thù
Mt 5, 38 - 48
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su đề xuất một giải pháp tối ưu để dập tắt bạo lực và hận thù trong đời sống con người. Đó là: “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra luôn” (Mt 5, 39).
Trước lời dạy nầy, những người nông nổi cho rằng làm như thế là nhu nhược, hèn nhát, yếu đuối… Thế mà một nhân vật lịch sử vĩ đại là Mahatma Gandhi, người anh hùng của dân tộc Ấn Độ, người lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho nhân dân Ấn, đã áp dụng lời dạy khôn ngoan này của Chúa Giê-su vào công cuộc đấu tranh bất bạo động của mình, nhờ đó, ông đã giành lại độc lập cho dân tộc Ấn khỏi ách thống trị của thực dân Anh cách êm thắm, nhẹ nhàng. [1]
Ngoài ra, lời dạy tiếp theo của Chúa Giê-su “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” cũng làm cho nhiều người cho là không tưởng, không mấy ai làm được.
Vậy mà Martin Luther King, nhà lãnh đạo tài ba của phong trào chống kỳ thị chủng tộc tại Mỹ, lại chọn lời khuyên quý báu này làm kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ da đen và đã đạt được thắng lợi vẻ vang.
Martin Luther King sinh năm 1929 là một mục sư người Mỹ gốc Phi.
Chính vì đứng lên đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ da đen trước sự kỳ thị của người da trắng, nên vào ngày 30 tháng 1 năm 1956, nhà riêng của King bị người da trắng đánh bom. Thế là những người ủng hộ King giận dữ tụ tập đông đảo trên con đường trước nhà ông. Họ tự vũ trang với dao, súng, gậy gộc, gạch đá và chai lọ... với quyết tâm báo thù. Trước bầu khí hừng hực đòi trả thù báo oán của những người da đen ủng hộ mình, King lên tiếng nói với họ:
“Xin các bạn đừng hốt hoảng, đừng làm bất kỳ điều gì trong giận dữ! Ai đang mang vũ khí, xin hãy đem về! Ai không có vũ khí, xin đừng sử dụng chúng. Chúng ta không thể giải quyết vấn nạn này bằng những vụ bạo động, trả đũa... Chúng ta phải yêu thương những người anh em da trắng bất kể họ đã làm gì đối với chúng ta. Chúng ta phải hành động để họ biết rằng chúng ta yêu họ. Giáo huấn của Chúa Giê su vẫn còn vang vọng đến hôm nay: "Hãy yêu thương kẻ thù, hãy chúc phúc cho kẻ rủa mình và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình.” Đó là điều chúng ta phải làm. Chúng ta phải lấy tình yêu mà đáp trả lòng thù hận” (Lu-ca 6, 27,28).
Thế là nhờ thực hành lời Chúa Giê-su dạy hãy lấy tình thương đáp trả hận thù, Martin Luther King đã đạt thắng lợi vẻ vang trong công cuộc đòi bình đẳng cho người da đen bị người da trắng áp bức bất công và đạt được thành công cách êm thắm.
Búa tạ giáng vào đá có thể làm cho đá cứng vỡ tan, giáng vào tường có thể làm cho tường sụp đổ nhưng giáng vào nước thì không thể làm cho nước hư hao, giáng vào bức màn, không thể làm cho màn rách nát. Sự hung bạo cứng rắn của búa không thắng được sự mềm mại của nước, không thắng được sự dịu dàng của bức màn.
Bão tố, cuồng phong có thể quật ngã những cây cổ thụ cao lớn nhưng không thể bẻ gãy loài lau sậy yếu mềm.
Vậy thì chúng ta cũng hãy lấy sự dịu hiền, mềm mại và lòng bao dung để chiến thắng những tấn công thô bạo,  hung hãn của người khác. Nghệ thuật nhu thắng cương là thế.
Lạy Chúa Giê-su,
Nếu chúng con dùng bạo động và hận thù để đáp trả bạo động hận thù, thì bạo động và hận thù sẽ dâng cao; trái lại, nếu chúng con dùng sự khoan dung, tha thứ mà đáp trả… thì bạo động và hận thù sẽ bị dập tắt.
Xin cho chúng con ghi khắc quy luật ngàn vàng này vào tâm khảm và đem ra áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, nhờ đó, chúng con sẽ tránh được nhiều đau thương đổ vỡ trong đời sống và cuộc đời sẽ chan hòa hoan lạc và niềm vui.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 Tin mừng Mát-thêu 5, 38-48
38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
Bất khoan dung
Nếu chúng ta không chấp nhận giáo lý khoan dung và tha thứ của Chúa Giê-su, thì hậu quả sẽ thế nào?
Khi người ta quai búa tạ vào tảng đá cứng, đá sẽ dùng sự cứng rắn của mình để kháng cự lại búa, hậu quả là đá sẽ nứt vỡ ra, bị nghiền tán ra. Đá bị thất bại hoàn toàn!
Nhưng khi người ta quai búa giáng mạnh xuống hồ nước, nước sẽ dùng sự mềm mại của mình để vô hiệu hoá sức mạnh của búa. Nước không hề hấn gì nhưng búa thì sẽ bị chìm lĩm xuống tận đáy hồ. Thế là nước thắng lợi vẻ vang!
Khi gặp bão táp cuồng phong, những cây cổ thụ cao lớn cứng cáp dùng sự cứng rắn mạnh mẽ của mình để kháng cự lại bão tố. Hậu quả là chúng bị gãy cành, trốc gốc. Trong khi đó, những rặng tre, những cây lau sậy không hề kháng cự lại bão tố, nhưng dùng sự mềm dẻo của mình để uốn theo chiều gió nên chúng được an toàn.
 
==================== 
Suy niệm 3
Con đường mới cho nhân loại
 
1. Romeo và Juliet
Cách đây mấy năm, từ Rôma tôi hành hương đến Nhà thờ Chính tòa Vêrôna và đi thăm căn nhà Juliet. Khách du lịch đến đây thật đông vì muốn xem tận mắt nơi dệt nên câu chuyện tình lãng mạn bi thương.
Romeo và Juliet là một trong những vở kịch bất hủ trên sân khấu quốc tế do William Shakespeare viết. Cốt chuyện là tình yêu say đắm với kết cục bi thảm của hai người thuộc về hai dòng họ vốn đã thù hận nhau nhiều thế hệ.
Romeo và Juliet được viết vào khoảng 1594 - 1595, dựa trên một cốt truyện có sẵn kể về một mối tình oan trái vốn là câu chuyện có thật, từng xảy ra ở Ý thời Trung Cổ.
Câu chuyện bắt đầu tại thành Verona, hai dòng họ nhà Montague và nhà Capulet có mối hận thù lâu đời. Romeo, con trai họ Montague. Juliet, con gái họ Capulet. Đôi trẻ đã yêu nhau say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên tại buổi dạ tiệc tổ chức tại nhà Capulet, do là dạ tiệc hoá trang nên Romeo mới có thể trà trộn vào trong đó. Đôi trai gái này đã đến nhà thờ nhờ linh mục Friar Laurence bí mật làm lễ cưới.
Đột nhiên xảy ra một sự việc: do xung khắc, anh họ của Juliet là Tybalt đã giết chết người bạn rất thân của Romeo là Mercutio. Để trả thù cho bạn, Romeo đã đâm chết Tybalt. Mối thù giữa hai dòng họ càng trở nên sâu nặng. Vì tội giết người nên Romeo bị trục xuất khỏi Verona và bị đi đày biệt xứ. Tưởng như mối tình của Romeo và Juliet bị tan vỡ khi Romeo đi rồi, Juliet bị cha mẹ ép gả cho Bá tước Paris. Juliet cầu cứu sự giúp đỡ của cha Laurence. Ngài cho nàng uống một liều thuốc ngủ, uống vào sẽ như người đã chết, thuốc có tác dụng trong vòng 24 tiếng. Ngài sẽ báo cho Romeo đến hầm mộ cứu nàng trốn khỏi thành Verona. Đám cưới giữa Juliet và Paris trở thành đám tang. Xác Juliet được đưa xuống hầm mộ. Cha Laurence chưa kịp báo cho Romeo thì từ chỗ bị lưu đày nghe tin Juliet chết, Romeo đau đớn trốn về Verona. Trên đường về chàng kịp mua một liều thuốc cực độc dành cho mình. Tại nghĩa địa, gặp Paris đến viếng Juliet, Romeo đâm chết Paris rồi uống thuốc độc tự tử theo người mình yêu. Romeo vừa gục xuống thì thuốc của Juliet hết hiệu nghiệm. Nàng tỉnh dậy và nhìn thấy xác Romeo bên cạnh đã chết, Juliet rút dao tự vẫn. Cái chết tang thương của đôi bạn trẻ đã thức tỉnh hai dòng họ. Bên xác hai người, hai dòng họ đã quên mối thù truyền kiếp và bắt tay nhau đoàn tụ, nhưng câu chuyện tình yêu ấy vẫn mãi sẽ là nỗi đau rất lớn trong lòng những người biết đến họ.
Câu chuyện tình bất hủ Romeo và Juliet đã đi vào lịch sử nhân loại. Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã viết thi ca âm nhạc ca tụng tình yêu. Những vỡ kịch, những bộ phim diễn tả hấp dẫn mối tình lãng mạn của đôi tình nhân trẻ. Nếu câu chuyện tình của họ được kết thúc một cách tốt đẹp và bình thường, chắc sẽ không có ai nhắc đến. Nhưng Romeo Juliet là nạn nhân của sự thù hận giữa hai gia tộc. Không ai có thể tìm cách để giải hòa được sự thù hận ấy. Sự thù hận dẫn đến đau thương cho cả hai bên. Sự thù hận đã cướp đi mạng sống của đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết. Sự thù hận giết chết một mối tình đẹp, nhân loại ngàn đời xót xa nuối tiếc. Sự thù hận khởi phát từ tâm hồn ích kỷ.
2. Giáo huấn độc đáo của Chúa Giêsu
Hãy yêu thương tha nhân và ghét thù địch”. Mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi (Lv 19,18). Theo đó, người Do thái chỉ yêu thương những người đồng loại, tức là những người thuộc dân riêng của Chúa, dân Israel. Còn dân ngoại, họ coi như thù địch. Họ còn có luật và bổn phận ghét người ngoại bang, nhất là dân Amalec, dân Moab (x. Đnl 25,18; 23,6).
Chúa Giêsu đã kiện toàn những giới hạn của luật cũ, và mạc khải cách trọn hảo về điều luật mới, khi dạy: “Anh em hãy yêu thương kẻ thù” (Mt 5,43a).
Luật cũ dạy yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau; Luật mới dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa.Tinh thần luật cũ “mắt đền mắt, răng đền răng”; Pháp lý của Chúa Giêsu hoàn toàn mới mẻ: lấy thiện thắng ác.Tinh thần luật cũ là chỉ yêu thương người đồng bào; Giáo huấn mới là hãy yêu thương thù địch và làm ơn để báo oán.
“Hãy yêu kẻ thù” là giáo huấn độc đáo nhất của Chúa Giêsu. Người đã cắt nghĩa rất cụ thể. Yêu thương kẻ thù là: Làm ơn cho kẻ ghét mình.Chúc phúc cho người nguyền rủa mình.Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.Ai vả má nầy thì đưa cả má kia.Ai lột áo ngoài thì cho cả áo trong.Ai lấy gì thì đừng đòi lại…Chúa Giêsu dạy yêu thương, chính Người đã sống yêu thương, luôn tỏ tình yêu thương những kẻ thù nghịch với mình, mặc dù họ ghen ghét vô cớ, họ luôn tìm dịp tố cáo xuyên tạc lời Người giảng dạy. Chúa Giêsu dạy: lòng yêu thương bao la ấy là con cái phải noi gương Thiên Chúa là Cha ngự trên trời "Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…".
Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nổ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người.
“Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.
3. Con đường mới cho nhân loại
Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung hiền từ quảng đại tha thứ.
“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Khó nhưng không phải là không có thể. Chính Chúa đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may để sám hối và canh tân.
Như vậy Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.
“Yêu thương kẻ thù” là điều không dễ chút nào xét trên bình diện con người tự nhiên. Tha thứ cho những kẻ làm hại hay xúc phạm đến mình đã là điều khó rồi, huống chi là yêu thương, làm ơn và cầu nguyện cho họ nữa. Khi đã ghét nhau, chỉ nhìn thấy mặt, nghe giọng nói đã thấy khó chịu rồi, nói gì đến yêu thương, cầu nguyện và làm ơn cho nhau. Quả thật, đây là một việc vô cùng khó khăn, nhưng chúng ta có thể thực hiện được nếu có ơn Chúa trợ giúp. Chính thánh Phaolô đã quả quyết điều này: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.
Trong cuộc sống, người ta va chạm nhau rất nhiều qua lời nói vô tình, cử chỉ vô ý, một câu truyện bịa đặt thêm nếm cũng có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét oán hờn. Hãy cố gắng xây dựng hòa bình bằng sự chân thật và tình yêu thương tha thứ.Thánh Phaolô khuyên: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Trong bài đọc 1, ông Môisen dạy: Đừng giữ lòng thù ghét anh em, đừng tìm cách báo oán và cũng đừng để lòng những lời nhiếc mắng của kẻ khác. Còn thánh Phaolô đòi buộc chúng ta không được khinh rẻ người khác (bài đọc 2).
Tình yêu là vũ khí mạnh nhất để đẩy lui tội lỗi nơi con người, làm thay đổi một con người. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù ghen ghét. Tình yêu có phép mầu biến kẻ thù thành bạn hữu. Tình yêu có sức mạnh sáng tạo và cứu độ. Đối với người Kitô hữu, lý do căn bản để yêu thương kẻ thù chính là Lời Chúa: “Anh em hãy yêu kẻ thù…Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35).
Lạy Chúa Giêsu, trên thập giá, Chúa đã nêu gương tha thứ. Xin thương củng cố tình thương của Chúa trong trái tim con, để mỗi ngày con được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Xin thánh hóa tình yêu trong con, cho con biết yêu mến mọi người. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 4
HÃY SỐNG YÊU THƯƠNG VÀ NÊN TRỌN LÀNH
(Mt 5,38 - 48)

Kết thúc "Bài giảng trên núi", căn tính của người kitô hữu là muối, là ánh sáng. Tiếp theo sau đó, Chúa Giêsu tiếp tục mạc khải cho khi dạy các môn đệ và cũng dạy chính chúng ta về thái độ cần phải có cũng như thực hành trong đời sống: "Các con đã nghe bảo... Còn Thầy, Thầy bảo các con ". Vậy nghe bảo gì? Và cụ thể giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ mình ra làm sao?
Khi Chúa Giêsu khi trích dẫn câu nói của người xưa về luật công bằng khi trả thù đã được ghi rõ trong Cựu Ước "Mắt đền mắt, răng đền răng " ( Xh 21,24). Chúng ta phải thừa nhận rằng, đây là một bước tiến lớn trong tương quan hành xử giữa người với người so với thời Lamek, bởi Lamek đã từng nói với hai vợ: "Vì một vết thương, ta giết một người, (Ta) trầy da, một nam nhi toi mạng. Vì Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy! " (St 4,23-24) Vậy là trả thù mãi mãi. Luật "Mắt đền mắt, răng đền răng" ( Xh 21,24) giúp con người khỏi rơi vào tình trạng thái quá. Trái lại, Luật của tình yêu phủ nhận sự đồng nhất với kẻ thù: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác" (Mt 5, 39).
Theo Chúa Giêsu, yêu thương là vượt ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn của cái ác và sống tình huynh đệ đại đồng, nên khi Ngài bảo chúng ta "đưa má bên kia cho nó nữa" là Ngài muốn chúng ta xây đắp tình hiệp thông anh em. "Đưa má bên kia" là cố tình giúp đối phương khám phá ra tình yêu và biết rằng thực hành bác ái là điều có thể. "Đưa má bên kia" còn muốn nói với kẻ ác rằng nó đã nhận được người anh em như nó là anh em. Một hành động đáng tin cậy như thế sẽ phá tan bạo lực. 
Chúa Giêsu yêu cầu gia tăng thêm tình yêu và lòng tha thứ càng nhiều càng tốt! Vì tình yêu có sức mạnh giúp đối phương xích lại gần ta hơn bằng tình người. Như thế, bằng cách trao ban, chúng ta nhận nó là anh em. 
"Cho nó cả áo choàng", "đi với nó hai dặm" không phải một áp đặt, nhưng chứng minh con người luôn có sáng kiến về tình yêu. Vì đó là điều đẹp lòng Chúa, nên chúng ta từ bỏ điều có đi có lại và chủ động xây đắp tình hiệp thông trong tình yêu. "Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ " (Mt 5, 44).
Tình yêu phải được thực hiện theo châm ngôn: "Hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con" (Mt 5, 44). Chúa Giêsu không chỉ lên án một hệ thống dùng bạo lực để trả thù cho cân, Ngài còn muốn chúng ta hủy bỏ luật ăn miếng trả miếng xưa. Tình yêu không gia tăng theo kiểu có đi có lại - "người ngươi yêu mến là một người anh em ngươi, một người ngươi yêu mến là người bạn ngươi". Tình yêu là quà tặng, nhưng không dựa trên sự khác biệt tối thiểu. Sự khác biệt của tình yêu là không giống nhau, là người khác chứ không phải là người họ hàng, nhưng là người chúng ta cảm thấy gần. Như Chúa Giêsu đã nói: "đó là người thân cận của ngươi". Tuy nhiên, Chúa Giêsu không bác bỏ sự phân biệt của chúng ta. Người khác không phải luôn là một người bạn, nó có thể trở thành kẻ thù. Điều quan trọng là tất cả mọi người là anh em với nhau. 
Thật phù hợp để người kitô hữu khẳng định căn tính là con Thiên Chúa của mình khi thực hành lời Chúa Giêsu dạy để trở nên con cái của Cha trên Trời. Giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu để lại đã mạc khải rõ về hồng ân yêu thương. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta phải yêu thương ngay cả kẻ thù, kẻ muốn cắt đứt tương quan là con Thiên Chúa và anh em với ta. Luật ăn miếng trả miếng không còn tồn tại. Chỉ có tình yêu mới biến đổi được hận thù, tình yêu làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa và thể hiện chức phận là con đối với Người.
Như thế, chúng ta đi đến cùng lời Chúa Giêsu dạy về thánh ý Thiên Chúa trong đời sống: "Các ngươi hãy thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh" (Lv 19,1). Bằng những lời này, Thiên Chúa mời gọi dân Israel và cả chúng ta ngày hôm nay thể hiện lòng trung thành với giao ước Thiên Chúa đã thiết lập, đồng thời đặt luật lệ xã hội trên giới răn "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình" (Lv 19,18). Tuy nhiên, phải đi xa hơn để tình yêu của chúng ta được phổ quát nhằm cho luật cũ được kiện toàn. Khi yêu như thế, ta đang thực hiện lời mời gọi của Chúa Giêsu: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mt 5,48). 
Nhưng ai có thể nên trọn lành? Sống trọn lành là thi hành thánh ý Chúa trong tư cách là con. Thánh Xip-ri-a-nô từng viết: "Cách hành xử của con cái Thiên Chúa phải tương hợp với tình phụ tử của Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa được tôn vinh và ca tụng từ những việc tốt lành của con người " (De zelo et livore, 15: CCL 3a, 83). Như thế, con người có thể trở nên trọn lành khi sống tròn đầy cương vị làm con cái Thiên Chúa. Chúa Cha làm khác chúng ta là những người bỏ người này chọn người kia. Chúa Cha làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Chúa Cha quan tâm đến cả hai, người lành cũng như kẻ dữ; con cái Thiên Chúa cũng phải trở nên trọn lành "như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành " (Mt 5, 48).
Xem ra có thể khó, nhưng Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta trước khi nói: "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5, 44-45). Ai đón nhận Thiên Chúa trong đời sống mình và yêu mến Người hết lòng, người ấy có khả năng bắt đầu một chặng đường mới, có thể chu toàn thánh ý Thiên Chúa hầu hiện thực hoá một hiện hữu mới được nuôi sống bởi tình yêu và hướng đến sự vĩnh cửu. Tình yêu là điều vĩ đại, chúng ta đọc thấy trong sách Gương Chúa Giêsu, một điều tốt làm nhẹ đi những nặng nhọc và nâng đỡ những điều khó khăn. Tình yêu thôi thúc ta hướng lên cao mà không còn bị vướng bận vào bất cứ điều gì thuộc trần thế.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng là con Cha trên Trời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 5
Yêu Thương Tha Thứ Để Nên Hoàn Thiện
Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48
Thầy Giêsu nói: “Anh em đã nghe luật dạy rằng:mắt đền mắt, răng đền răng”. (Mt 5,38). Đây là luật trong sách Lêvi cho phép báo thù, miễn là không vượt mốc đối phương gây hại mà vẫn công bằng. Nghĩa là chỉ được báo oán bằng sự thiệt hại bên kia gây ra. Kinh nghiệm cho thấy càng báo thù bao nhiêu càng gây họa lớn thêm mãi. Càng tiếp tục trả đũa, ăn miếng trả miếng nhau thì lòng hận thù càng bốc cao không dập tắt được, càng gây tai họa không tưởng.
Còn Thầy Giêsu hôm nay lại bảo: “đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5,39-42). Theo “phương pháp trị liệu” của Thầy là “lấy đức báo oán”, đòi một cho hai, lấy yêu thương khiêm nhường để hạ nhiệt cơn giận trong con người kiêu căng mỏng giòn của mình, nhường phần thắng cho đối thủ… sao khó quá Thầy ơi! Thường khi chúng con bị xúc phạm, khi có “mối hận” với ai, nếu không đùng đùng chống cự lại ngay, thì cũng tìm cách để trả đũa, có dịp sẽ cho “biết tay nhau”! Dại dột chịu thua để đối phương lấn tới đè đầu cưỡi cổ sao? Nhưng nào có hả giận đối phương đâu, mối hận ngày càng loét to và sâu hơn, lòng dạ tim gan nặng trĩu bất an, kéo theo bao tội khác nữa…
Nhìn lên Thầy chúng con thấy rõ: Thầy nắm trong tay mọi quyền uy Thiên Chúa, “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay”. Vậy mà Thầy cứ lặng câm nhịn nhục trước bao kẻ tố cáo, nhục mạ chống báng rủa xả, hành hạ, kinh khủng nhất trong cuộc thương khó trên đỉnh cao thập tự. Lửa Tình trong Con Tim Yêu trong veo, khiêm nhường tự hủy của Thầy đốt cháy mọi oán hận tội nhân gây ra. Vì yêu Thầy “tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5, 8). Thầy giơ lưng, giơ má cho đến phút trót mà thốt lên an bình trong Chúa Cha: “Mọi sự đã hoàn tất”. Hy sinh của Thầy trở thành nguồn ơn cứu độ chúng con. Ngày nay nếu chúng con sống trong Thầy, và Thầy sống trong chúng con, lúc đó Thầy sẽ yêu thương, tự hủy, lấy đức báo oán trong con người mỏng giòn của chúng con. Để đời chúng con dù có trải qua nhiều đau khổ, thua thiệt bởi thế trần thì chúng con vẫn bước đi an bình trong bàn tay từng chiến thắng của Thầy.
    “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. (Mt 5,43-44).
Lệnh truyền của Thầy rằng phải “yêu kẻ thù”, nghe sao mà khó! Luật Cựu Ước dạy yêu đồng loại và cho phép “ghét” kẻ thù. Bình thường theo cách người ta đối nhân xử thế cũng vậy, chỉ yêu thương thân nhân, những người yêu thương mình, có thiện cảm với mình. Chọn bạn mà chơi, người ta chỉ bầu bạn với những người đồng chí hướng. Còn những người đối nghịch, khó tính khó ở, người xấu nết, ghen ghét xúc phạm đến mình thì họ sẽ loại trừ, thù oán hoặc tìm cách trả đũa. Đã gọi là “kẻ thù” thì nhìn thấy mặt nhau đã ghét, thậm chí không thèm nhìn, nói gì yêu với thương? Nhưng nếu người ta cứ mãi lấy oán báo oán, ăn miếng trả miếng thì oán thù càng chồng chất thêm nặng, bao giờ mới hết hận thù? Hận thù chỉ bị tiêu diệt khi nào tôi yêu thương họ, lúc ấy sẽ chinh phục và “biến thù thành bạn” của mình.
“Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,45-48). Vượt lên trên cách đối đãi sòng phẳng bình thường của người đời, Thầy Giêsu dạy phải “yêu kẻ thù”, không phải chỉ trên lý thuyết, nhưng chính Thầy đã thực hiện trong suốt cuộc đời nhập thể và còn cho đến hôm nay, khi loài người tội lỗi hằng xúc phạm đến Chúa. Lúc còn tại thế, trong vườn Cây Dầu, ông Phêrô chém đứt tai một người trong nhóm đến bắt, Thầy dẹp và chữa luôn cho hắn. Dù đầy quyền năng, nhưng khi chịu đòn roi, hành hạ, xỉ nhục trong suốt cuộc thương khó, đối lại Thầy chỉ một niềm: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.
Chúa ơi! làm sao để con yêu thương như Chúa đã yêu thương? Tự sức chúng con không thể yêu thương và nên hoàn thiện như Chúa được. Nhưng khi chúng con sống đời Kitô hữu đích thực, dần dần chúng con được gặp gỡ Chúa, sống kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng con sẽ được dạy cho biết cách yêu thương của Người. Chúng con sẽ biết cảm thông với người xung quanh đang chê bai, nói xấu, làm hại mình. Khi con đón nhận Chúa vào cuộc đời, gắn chặt đời con vào Chúa, thì lúc bị va chạm với người xung quanh, con sẽ tự chất vấn mình rằng, lòng bao dung của Chúa đang ở trong con, khiến con không nổi nóng tức giận nữa, mà nhủ lòng phải yêu thương theo cách của Chúa, ít nhất là nén lòng cầu nguyện cho họ, con sẽ được nhẹ lòng. Nhưng điều quan trọng là con phải nhận ra lòng Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con, để từ đó, nhờ Chúa con biết thứ tha cho người làm khổ mình.
Én Nhỏ
 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo phận Hưng Hóa long trọng khai mạc Năm Thánh 2025 – “Những người hành hương của hy vọng”
Giáo phận Hưng Hóa long trọng khai mạc Năm Thánh 2025 – “Những người hành hương của hy vọng”
Đây là thời khắc linh thiêng, mở ra khung trời ân sủng, để mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận nhà cùng bước đi trên con đường yêu thương và hy vọng, trở nên ánh sáng dẫn lối cho tha nhân trên hành trình  hướng về Thiên Chúa – Đấng là nguồn hy vọng bất tận và ơn cứu độ trong mọi thử thách của cuộc đời.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log