Thứ tư, 01/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 6 Thường Niên A

Cập nhật lúc 13:39 13/02/2020
Suy niệm 1
Luật, ân sủng và sự tha thứ
Tầm quan trọng của luật
Các luật lệ mà xã hội đưa ra cho chúng ta cũng như luật tôn giáo là những chuẩn mực thiết yếu để đời sống cá nhân cũng như tập thể được tốt hơn. Sách Huấn Ca trong bài đọc I nói: Luật lệ là những công cụ tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho tùy sự tự do của chúng ta “chọn sống hoặc chọn chết , chọn sự lành hay sự dữ, thích thứ nào thì được thứ đó”.... 
Chúng ta muốn luật pháp mạnh và chính xác để những người phạm tội biết và phải chịu những hình phạt phù hợp với hành vi sai trái của họ. Những người tìm cách bào chữa cho tội lỗi là chính họ gây nên nguy hiểm.  Chúng ta muốn luật pháp được thực thi mà không thỏa hiệp. Luật pháp, toàn bộ luật pháp, không có gì ngoài luật pháp... Tất cả những gì chống lại luật pháp đều là xấu!
Vì thế, trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm cho luật pháp phải được tôn trọng trọng một cách nghiêm ngặt: "Tôi không đến để hủy bỏ , nhưng để kiện toàn…..Ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời”.
Chúa Giêsu không chỉ đòi hỏi luật pháp được tôn trọng đến cùng, mà còn tôn trọng cách chính xác. Ngài còn nói thêm:
- Không những không được giết người mà còn không được giận dữ
- Không những cấm ngoại tình mà còn cấm cái nhìn dâm dục,
- Không những cấm nói gian, mà còn cấm thề thốt đúng sai. …
Và Chúa Giêsu, với tư cách là một nhà lập pháp tài giỏi, tuyên bố: trước tòa án Thiên Chúa, bất cứ ai không tôn trọng các luật này đều phải chịu... cái chết vĩnh cửu, "bị ném toàn thân vào địa ngục”..
Sự vô lý của luật chỉ vì luật
Mọi thứ rất rõ rang… Khi Chúa Giêsu đẩy luật pháp của Thiên Chúa lên đến cực điểm, thay vì làm cho luật mạnh mẽ hơn, Ngài làm xáo trộn hoạt động thông thường. Một luật chỉ có thể thi hành được, nếu luật có thể phân biệt người vô tội với thủ phạm. Một luật chỉ xác định được thủ phạm thôi, thì chưa đủ và không phục vụ mục đích nào cả. Đây là những gì Chúa Giêsu làm.
Chúa Giêsu cho biết thêm tất cả chúng ta đều có tội về một điều gì đó trước pháp luật.  Và nếu chúng ta chưa phạm phải điều này, chúng ta có thể đã phạm phải điều khác mà Chúa Giêsu không liệt kê trong bài tin mừng hôm nay... Tốt nhất là chúng ta hãy trung thực và khiêm nhường nhận ra rằng mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm tội của mình! Nếu giữ luật chỉ vì luật, có thể dẫn đến nhiều hướng giải thích theo cá tính  của mỗi người:
- Đối với một số người, người ta có thể làm bất cứ điều gì. Nếu tôi chắc chắn bị kết án vì ít nhất một trong những hành vi của tôi, thì hằng trăm hằng nghìn người khác cũng bọ kết án theo những hình phạt khác nhau. Như vậy có ích gì không?
- Một số người khác luôn coi mình là không có tội. Họ từ chối thừa nhận sai lầm của mình. Đối với họ, họ làm bất cứ điều gì, những gì sai luôn là lỗi của người khác.
- Và có những người khá tỉ mỉ phân tích những việc làm của họ để xem liệu có phát hiện ra bóng tối của một suy nghĩ xấu nào không. Họ theo dõi nhau liên tục và sống trong nỗi kinh hoàng.  Họ kinh hoàng đến mức đối với tất cả các mối quan hệ đều bị bế tắc.
- Cuối cùng, chắc chắn có rất nhiều người đã quyết định làm mà không có Chúa để có thể thoải mái thoát  khỏi tất cả các luật lệ máy móc này làm cho nên tội.
Như vậy,  luật pháp đẩy đến cực kỳ nghịch lý, khi không quy định bất cứ điều gì. Vậy tại sao Chúa Giêsu giữ quá nhiều luật? Luật dùng để làm gì?
Luật pháp và ân sủng
Khi đẩy luật pháp đến cực điểm, Chúa Giêsu cho thấy chức năng tất cả các luật lệ của con người. Chúng ta không thể sống mà không có luật pháp trừ khi chúng ta rơi trở lại vào tình trạng luật rừng. Nhưng chúng ta không thể sống chỉ với luật pháp, toàn bộ luật pháp và không có gì ngoài luật pháp. Luật pháp có thể cho phép một cuộc sống nhất định trong xã hội nhưng không ai có thể cứu chúng ta, có nghĩa là cho chúng ta hương vị để sống.
Chúa Giêsu nói: “Tôi đến để kiện toàn lề luật”. Đó là luật mới. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng tất cả các luật có thể được tóm tắt trong chỉ một luật nền tảng làm tiêu chuẩn cho các lề luật khác, đó là mến Chúa và yêu người: -Sự sống và ơn cứu độ không thể được trao cho chúng ta chỉ bằng sự tuân theo luật pháp. 
- Luật pháp cho chúng ta quyền và xác định giá trị của nhau. 
- Nhưng sự sống và ơn cứu độ không theo thứ tự của luật pháp: Sự sống và ơn cứu độ được ban thêm cho chúng ta, nhờ ân sủng, nhờ  tình yêu
- Luật pháp không thể cho chúng ta sự sống. Chúa Giêsu mạc khải  cho chúng ta rằng, sự sống được Thiên Chúa ban cho chúng ta miễn phí. Đó là một món quà, không do công đức của chúng ta và không có lý do nào khác.
Chúng ta luôn nhớ rằng chỉ tuân thủ luật pháp thôi, không ai thoát khỏi sự kết án và cái chết.  Chỉ luật pháp thôi, không bao giờ đứng vững. Luật chỉ đứng vững nếu hiểu, nếu thực thi tình bạn, nếu yêu mến, nếu có ân sủng và tha thứ cho nhau.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
=======================
Suy niệm 2
Phẩm giá cao quý của con người 
Mt 5, 20-37
 
Dưới chế độ chiếm hữu nô lệ khởi đầu từ năm 1502, người nô lệ da đen Châu Phi bị săn bắt như những con thú rừng, bị lùa lên tàu buôn như súc vật rồi bị đem đi bán cho các chủ đồn điền, cho những chủ nhân khai thác hầm mỏ ở Châu Mỹ… như những món hàng ngoài chợ. Họ không được xem là con người mà chỉ như là con vật, bị đối xử như súc vật, như trâu kéo cày, như ngựa kéo xe… 
Như thế, người nô lệ không có chút phẩm giá nào trước mắt chủ cũng như trước mặt mọi người trong xã hội đương thời.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong xã hội phong kiến, phẩm giá của người phụ nữ cũng bị hạ thấp so với nam giới. Họ phải gánh chịu nhiều trói buộc, bị nhiều thiệt thòi, bị xem thường… vì não trạng trọng nam khinh nữ.
Theo quan điểm của những người theo thuyết tiến hóa, họ cho rằng con người là hậu duệ của loài khỉ, vượn… do khỉ, vượn tiến hóa mà thành, thì phẩm giá con người không hơn loài vật bao nhiêu.
Phẩm giá con người theo nhãn quan Ki-tô giáo
Trong khi đó, theo giáo lý Công giáo, con người có phẩm giá rất cao.
Con người có phẩm giá rất cao vì con người là tạo vật ưu việt của ba ngôi Thiên Chúa, do chính Thiên Chúa sáng tạo nên theo hình ảnh Ngài.
Con người có phẩm giá rất cao vì con người là con chí ái của Chúa tể trời đất, được Thiên Chúa ưu ái như đứa con bé bỏng trong gia đình.
Con người có phẩm giá rất cao vì con người, một khi đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, được trở thành một phần trong thân thể Chúa Giê-su (I Cr 6,15, GLCG số 1267).
Con người có phẩm giá rất cao vì con người được đồng hóa với Thiên Chúa, được nên một với Chúa; vì thế, những gì ta làm cho người chung quanh là làm cho chính Chúa. “Con Thiên Chúa đã làm người để biến chúng ta thành Thiên Chúa” (Thánh Athanasio, GLCG số 460).
Như thế, theo giáo huấn của Hội Thánh Công giáo, con người có giá trị cao vời, cao tột đỉnh.
Chính vì thế, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta phải tôn trọng phẩm giá con người tối đa. Việc gây tổn thương cho con người dưới mọi hình thức đều bị Chúa Giê-su lên án mạnh mẽ.
Vì thế, chẳng những “không được giết người” mà ngay cả việc hờn giận người khác cũng bị luận phạt: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà”; ngay cả việc mắng chửi người khác cũng bị tuyên án gắt gao như lời Chúa nói: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”, còn ai đang có điều bất hòa với người khác thì phải liệu làm hòa trước khi đến dâng lễ vật cho Thiên Chúa (Mt 5,22-23).
Ngoài ra, chiếu theo luật Mô-sê: “Con cái phải thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!” (Mc 7,10).
Và ngay cả kẻ thù cũng phải được thương yêu, cả những người tội lỗi cũng phải được tôn trọng, những kẻ bé mọn nhất cũng không được xem thường (Mt 18, 10).
Nói tóm lại, vì con người có phẩm giá rất cao, nên phải tôn trọng mọi người cách tuyệt đối và không được xúc phạm con người dưới bất cứ hình thức nào. Mọi hình thức khinh khi, mắng chửi, xúc phạm con người đều bị Thiên Chúa lên án nặng nề.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con hết lòng cảm tạ Chúa vì từ thân phận bụi đất thấp hèn, Chúa đã nâng chúng con lên hàng thần thánh, cho làm con của Vua cả trời đất, cho trở nên phần thân thể của Thiên Chúa chí tôn và được Chúa cho nên một với Ngài.
Xin cho chúng con luôn biết tôn trọng, yêu mến, phục vụ những anh chị em chung quanh, vì họ cùng là anh chị em con cùng một Chúa, cùng là những chi thể trong thân thể Chúa, cùng được chung hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng mai sau.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
=======================
Suy niệm 3
GIỮ LUẬT CHÚA VỚI LÒNG MẾN CHÚA
(Mt 5,17 - 37)

"Thiên Chúa ban cho con người sự sống và sự chết, con người có quyền lựa chọn thích thứ nào thì được thứ ấy" (Hc 15, 17). Lời trên là một minh họa cụ thể cho Cây biết lành biết dữ và Cây Sự Sống trong sách Sáng Thế (x. St 2 ​​, 9 ). Chúng ta không "quyết định" chọn cái ác, tội lỗi là điều không thể tránh khỏi, nhưng dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được mời gọi phân biệt sự lành và sự dữ cách tự do nhờ sức mạnh Người đã trao ban: "Nếu ngươi muốn tuân giữ các giới răn: việc trung thành giữ các giới răn là tuỳ ở ngươi". Đây là Tin Mừng do Đức Khôn Ngoan công bố, Đức Giêsu thực hiện, chết cho tội lỗi và sống lại trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Khi tội lỗi bị bẻ gẫy, sự chết bị đập tan, Thiên Chúa ban lại cho chúng ta ơn gọi làm con cái Chúa, đồng thừa tự với Chúa Giêsu (x. 2 Pr 1, 4 ). Đó là kế hoạch khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đối với loài người: "Sự khôn ngoan vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi… Thiên Chúa đã mạc khải điều đó cho chúng tôi do Thánh Thần của Người " (x. 1 Cr 2, 6-10).

Vì thế, nếu sự thật về thân phận con người là sống kết hiệp với Đức Giêsu và hiệp nhất với Ngài trong đức tin, tình yêu và lòng mến là con đường duy nhất dẫn đến Cây Sự Sống, phục hồi phẩm giá làm con Thiên Chúa và mở ra cho chúng ta tình huynh đệ phổ quát. Thì Đức Giêsu đến "kiện toàn Lề Luật và lời các Ngôn Sứ”, với mục đích soi đường chỉ lối cho chúng ta về với Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu và là Cha chúng ta nhờ sự vâng phục Lời Ngài. Tuy nhiên, sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa khác với "sự khôn ngoan của thế gian" (x. 1 Cr 2, 6), như Thánh Phaolô nói với chúng ta.

Khi con người cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ "quyền lợi" cá nhân trong công lý, nhưng dưới cái nhìn của Đức Giêsu là chưa đủ: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu" (Mt 5, 20). Vậy thế nào là công chính hơn các luật sĩ và biệt phái? 

Đức Giêsu giải thích qua một loạt các phản đề giữa các giới răn cũ và kiểu Ngài đề nghị. Mỗi lần bắt đầu: "Các con đã nghe người xưa nói rằng... ", rồi Ngài khẳng định: "Còn Thầy, thầy bảo các con... ". Chẳng hạn: "Các con đã nghe người xưa nói rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy Thầy bảo các con: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa" (x. Mt 5,21-22). Với sáu lần như vậy, Đức Giêsu không có ý định thêm các điều răn, nhưng Ngài tuyên bố cần phải có bước nhảy về chất lượng, Ngài chứng tỏ Ngài chu toàn các giới răn với tình yêu của Chúa Cha, và sức mạnh của Chúa Thánh Thần ở trong Ngài. Đến lượt chúng ta, với niềm tin nơi Ngài, để Chúa Thánh Thần hoạt động, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta sống tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, mỗi điều răn trở thành thật sự như đòi buộc của tình yêu, vì tất cả các giới răn đều tóm về hai điều này là: trước kính Đức Chúa Trời hết lòng hết sức, và sau là yêu người như mình ta vậy. Như Thánh Phaolô quả quyết: "Yêu thương là chu toàn Lề Luật" (Rm 13,10).

Đức Giêsu tiếp tục mời gọi chúng ta dứt bỏ tận căn: "Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con… Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục" (Mt 5,29-30). Hình ảnh thân thể người kitô hữu bị cắt xén cho thấy cuộc chiến khốc liệt này và báo trước những gì không phù hợp với sủng. Chỉ có Thần Khí mới có thể giúp chúng ta thực hiện việc hoán cải và lựa chọn dứt khoát, cứu mạng sống ta và ném xa ta những gì ngăn cản ta với Thiên Chúa, thậm trí tách ra khỏi chính thân mình như con mắt chẳng hạn. Liệu chúng ta có thể cân nhắc chọn lựa giữa ngọc trai quý hiếm với kho bạc duy nhất là Sự Sống đời đời không?

Thánh Phaolô nói: "lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm cho những ai yêu mến Người" (1 Cr 2, 10). Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta vượt qua quán tính của con người cũ, và sống trong tình yêu, nếu chúng ta tin kính Chúa, "Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người, và thấu suốt mọi hành động của con người" ( Hc 15, 19 ) ; "Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng" ( Lời nguyện nhập lễ ).

Đức Giêsu mời gọi chúng ta hoán cải tận căn, chúng ta là con một Cha trên Trời và là anh em với nhau. Chúng ta không đứng trước bàn thờ Chúa một mình, nhưng cùng anh em dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Vì vậy, Cha trên Trời làm sao vui mừng được, khi con cái dâng lễ vật mà đang chia rẽ nhau? Đó là lý do tại sao Đức Giêsu bảo: "khi ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ" (Mt 5,23-24).  Ai trong chúng ta là xứng đáng với lời đề nghị trên?

Lời Chúa Giêsu gửi đến mỗi người trong chúng ta, không có chuyện cắt chân cắt tay, hay là móc mắt, nhưng là cam kết dấn thân trong tình bác ái. Với ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể  vứt bỏ hay ném xa những gì đe dọa chúng ta kết hợp với Chúa và tha nhân, chọn Chúa làm gia nghiệp của đời ta. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

====================
Suy niệm 4

Kiện Toàn Luật Yêu Thương
Hc 15,16-21; 1Cr 2,6-10; Mt 5, 17-37
Trong Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu lên tiếng khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5, 17). Vì họ hiểu lầm nên tố cáo Thầy vi phạm luật pháp và truyền thống của tiền nhân. Thầy không hề bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn, để cho mọi người tuân giữ luật lệ một cách hoàn hảo hơn. Thầy đặt giá trị tinh thần của luật làm trọng tâm. Thực hành luật từ tâm tình bên trong, trên nền tảng của đức ái, chứ không lệ thuộc vào mặt chữ bên ngoài một cách máy móc, cốt cho sòng phẳng. Thầy Giêsu đến không phải để cắt bớt lề luật cho nhẹ gánh, nhưng là kiện toàn cho dễ thở hơn. Thầy dạy giữ luật bằng tình thương trong mọi hoàn cảnh. Để các ông hiểu chắc chắn Thầy đến không làm cho luật bị mất đi, Thầy còn quả quyết: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.” (Mt 5,18-19). Đã là luật của Thiên Chúa, thì dù là điều nhỏ mọn cũng phải chu toàn cho trọn trong tình yêu thương. Từ những việc nhỏ mọn tầm thường nhất, mà chúng con thi hành  và dạy làm vì lòng mến yêu, chứ không tại luật buộc, thì được Chúa kể là “lớn” trong vương quốc của Người. Nếu những việc cao trọng lớn lao cũng được thực hiện bằng tình yêu thương tự nguyện, thì người thi hành sẽ thấy hạnh phúc và nhẹ nhàng. Nếu không có lòng mến Chúa thật, thì con người sẽ tạo ra nhiều cách để an ủi và chuẩn chước cho mình khỏi phải tuân giữ luật Chúa. Họ sẽ tự giải thích Lời Chúa, ý Chúa theo cảm hứng, theo ý riêng của mình.
Một khi sống trong đường lối của Chúa sẽ giữ “luật yêu thương” mà Đức Giêsu đã kiện toàn: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” (Mt 5, 21-22). Giết người có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều khi không phải là giết thân xác, nhưng có thể giết chết danh dự, phẩm giá người ta bằng miệng lưỡi... Luật Môsê cấm giết người, nhưng Đức Giêsu đã kiện toàn, tiến xa hơn nữa, phải loại bỏ thái độ giận ghét anh em, mắng chửi... vì đó là những nguyên nhân sâu xa, mầm mống đưa đến tội giết người. Người xét đến tận gốc rễ vấn đề, những gốc rễ ấy cần được loại bỏ.
Chúa muốn chúng con thi hành luật yêu thương cùng với sự tha thứ để có thể yêu thương triệt để: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,20-26). Môn đệ của Chúa không chỉ dừng lại ở lệnh truyền “chớ giết người”, mà còn phải lấy tình yêu thương, sự hòa giải mà cư xử với nhau. Điều này thật cấp bách, là điều kiện để của lễ dâng lên đẹp lòng Chúa và xứng đáng.
Lạy Chúa! theo sự công chính và luật yêu thương Chúa dạy, tự sức chúng con không thi hành được. Nhưng nếu chúng con cậy dựa nơi Chúa và đón Chúa ngự vào, chính Chúa sẽ thực hiện, kiện toàn con người chúng con mỗi ngày, cho đến khi chúng con được thực sự trở nên công chính hóa. Amen.
Én Nhỏ
                                                             
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Chương trình "Nối Vòng Tay Lớn" của Giới trẻ Giáo xứ Hoàng Xá
Chương trình "Nối Vòng Tay Lớn" của Giới trẻ Giáo xứ Hoàng Xá
Trong niềm vui hân hoan mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh năm 2024, Giới trẻ Thánh Cần của Giáo xứ Hoàng Xá đã tổ chức chương trình “Nối Vòng Tay Lớn” với mong muốn mang yêu thương và sự sẻ chia đến với những người kém may mắn trong toàn giáo xứ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log