Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thờ
Suy niệm 1
Sự ngạc nhiên của Đức Maria
Lc 2, 22-40
Tin Mừng Thánh Luca dõi theo từng lộ trình của Đức Maria kể từ khi Thiên thần Truyền tin, thăm viếng chị họ Elisabet và sinh Chúa Giêsu trong hang đá cho đến ngày dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ. Vào ngày này, "Cha mẹ Chúa Giêsu đều ngạc nhiên về những điều đã nói về Người”...
Ngạc nhiên có nghĩa là bị lung lay bởi một điều gì đó mới mẻ và bất ngờ. Cha mẹ Chúa Giêsu rất ngạc nhiên. Các ngài không ngạc nhiên về sự có mặt của một người mà các ngài không hề biết đến. Nhưng các ngài ngạc nhiên ông già Simeon lại có thể nói được rằng con các ngài không giống như những người khác.
Nói tóm lại, các ngài không ngạc nhiên về người nói, nhưng ngạc nhiên về điều đã nói. Thánh sử Luca nhấn mạnh: “Cha mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người”. Có nghĩa là người nói không quan trọng bằng điều đã nói. Điều đã nói làm mọi người ngạc nhiên. Cha mẹ Chúa Giêsu biết rằng Thiên Chúa đã ban cho các ngài trẻ này là duy nhất cho thế giới. Nhưng tại sao các ngài lại ngạc nhiên vè điều mà Simeon đã nói?
Đối với chúng ta, khi ngạc nhiên, chúng ta có thể nghi ngờ. Nhưng đối với Đức Maria, kể từ trước khi sinh Chúa Giêsu, ngài không nghi ngờ. Ngài chỉ "xao xuyến" trước những lời mà Thiên Thần nói trong ngày truyền tin. Ngài "vui mừng" khi gặp chị họ Elisabeth. Vào ngày sinh Chúa Giêsu, khi tất cả mọi người "ngạc nhiên với những gì các mục đồng nói”, nhưng đối với đối Đức Maria “ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy niệm trong lòng”. Ngài là người duy nhất không ngạc nhiên. Làm thế nào Đức Maria lại có thể ngạc nhiên về những gì Ngài đã "biết" nhờ đức tin? Như vậy, yếu tố mới nào có thể xẩy đến bất ngờ làm cho Đức Maria và thánh Giuse ngạc nhiên tại Đền thờ Gierusalem hôm nay?
Nhìn kỹ, có vẻ như yếu tố mới duy nhất là địa điểm mà Simeon đã nói những lời đó. Simeon gặp cha mẹ Chúa Giêsu trong Đền thờ. Thánh Giuse và Đức Maria chắc chắn là những tín hữu Do-thái tốt, nhưng các ngài ở vùng ngoại ô, ở xa trung tâm và ở những nơi âm thầm không tên tuổi:
- Truyền tin tại Nagiaret
- Thăm viếng chị họ tại một miền núi trong xứ Giudea
- Sinh Chúa Giêsu nơi hang đá chiên bò
Nhưng hôm nay, ngày dâng Chúa Giêsu diễn ra ở một nơi hoàn toàn khác, đó là Đền thờ Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem dành cho người Do Thái, là nhà của Thiên Chúa nhưng cũng là nơi thầy cả thượng phẩm và các tư tế tế lễ. Hôm nay, Thánh Giuse, Đức Maria và trẻ thơ Giêsu ở trung tâm tổ chức tôn giáo. Bài Tin mừng theo thánh Luca hôm nay lặp lại bốn lần:
- Các ngài thực hiện một hành động được ấn định theo luật Do Thái,
- Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy theo luật Moise…
- Như đã chép trong Luật Chúa…Dâng của lễ theo luật Chúa truyền…
- Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục đã truyền.
Như vậy chúng ta có thể nói rằng: "Cha mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người” trong Đền Thờ.
Hôm nay, các ngài học được những điều các ngài chưa biết: sự hiện diện người con của các ngài tác động đến người Do-thái trong Đền thờ Gierusalem. Ở đó, có hai người già, Simeon và Anna, nhưng cũng là đại diện "tất cả những người đang chờ đợi sự giải thoát từ Gierusalem" nhận ra nơi người nhỏ bé này "ánh sáng soi đường cho dân ngoại và vinh quang của Israel Dân Ngài”.
Hài nhi Giêsu không chỉ được nhận ra ở những nơi âm thầm không tên tuổi như Nagiaret hay một hang đá ở Belem. Hài nhi Giêsu không chỉ được nhận ra bởi các mục đồng qua đêm trên cánh đồng. Ngài còn được nhận ra trong trung tâm thể chế Do-thái giáo, nơi linh thiêng nhất, nơi cực thánh.. Điều đó, các ngài chưa biết. Chặng đường này từ ngoại ô tới trung tâm thành phố, từ nơi âm thầm không tên tuổi đến trung tâm tôn giáo mọi người hướng về, dù sao cũng đáng để các ngài ngạc nhiên.
Và điều mà Đức Maria chưa biết và Simeon báo cho Ngài thấy trước là chặng đường từ chỗ tối đến ánh sáng, từ ngoại vi đến chính trung tâm của thể chế tôn giáo sẽ diễn ra khi "một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Ngài”.
- Giêrusalem, nơi mà các thượng tế có uy quyền nhất, nơi các biệt phái và luật sỹ giảng dạy đặt ách nặng nề trên dân chúng. Họ kết án tử hình Chúa Giêsu trên thập giá và như vậy "một lưỡi sẽ đâm thâu tâm hồn Đức Maria”.
- Giêrusalem, nơi mà họ kết án tử hình Chúa Giêsu và "một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Ngài” cũng là nơi họ “ngã xuống”. Nhưng cũng nơi nhờ cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá và "một lưỡi sẽ đâm thâu tâm hồn Đức Maria” mà làm cho nhiều người “đứng dậy”. Simeon công bố trong đền thờ: Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta là Đấng không đến để phán xét mà là để cứu chúng ta: "Mắt tôi được thấy ơn cứu độ”.
Hôm nay chúng ta mừng lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ. Chúng ta cũng hãy chia sẻ sự ngạc nhiên của Đức Maria và thánh Giuse trong Đền Thờ là trong chính Giáo Hội chúng ta. Từ trong Giáo hội, chúng ta loan báo hay chống lại sứ mệnh loan báo tin mừng của Chúa Giêsu? Chúng ta cứ loan báo tin mừng mặc dù gặp phải khó khăn cách nào chăng nữa, hoặc phải bị một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn chúng ta như Đức Maria, miễn là để nhiều người được“đứng dậy”. Mầu nhiệm Giáo Hội cũng là mầu nhiệm dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Hạnh phúc vì có Chúa ở cùng
Lc 2, 22- 32
Sau ba năm lao động ở nước ngoài, người cha trở về thăm gia đình vào đúng ngày lễ giáng sinh.
Sau khi bước xuống máy bay và đi vào thành phố, bầu khí tưng bừng của ngày lễ giáng sinh hôm ấy gợi cho ông ý tưởng phải làm điều gì đó gây ngạc nhiên thích thú cho vợ và con sau ba năm xa cách.
Thế rồi ông có sáng kiến hoá trang thành ông già No-en. Ông mua bộ áo đỏ, đội mũ vải đỏ, đeo râu và tóc giả vào. Ông cũng không quên mua cho mấy đứa nhỏ những đồ chơi chúng ưa thích.
Cuối cùng, ông đứng ngay cổng nhà, chờ đợi vợ con đi lễ đêm về.
Khi thấy ông già No-en đứng trước cổng nhà mình, bọn trẻ reo lên vui sướng và niềm vui của chúng dâng cao khi được ông già No-en tốt bụng trao cho những phần quà mà vì nhà quá nghèo, chúng chưa từng mơ ước. Cô bé gái 5 tuổi thì được con búp bê xinh thật là xinh. Cậu bé trai lên 7 thì được chiếc máy bay nho nhỏ, quả bóng da và hai đứa đều được nhiều bánh kẹo… những thứ mà lâu nay chúng chỉ đứng nhìn cách thèm thuồng qua những ô kính trong tiệm bánh mà chưa hề chạm tới.
Nhưng khi ông già No-en cất tiếng nói thì chúng bắt đầu tỏ vẻ hoài nghi và cuối cùng chúng reo lên vui sướng khi phát hiện ra ông già No-en không ai xa lạ mà chính là bố yêu quý của mình.
Mừng quá, chúng vô tình để rơi những món quà quý giá xuống đất, những món quà mà chúng rất yêu thích mà chẳng dám ước mơ, giờ đây không còn giá trị. Buông hết, bỏ hết tất cả, chúng nhào vào ôm lấy bố, nhảy lên ôm lấy cổ bố và reo lên: “Bố ơi! Bố ơi! Bố là nhất trên đời! Chúng con chỉ cần có Bố thôi!”
Qua Tin mừng hôm nay, ông Si-mê-on cũng tỏ ra hoan lạc như thế.
Được Thánh Thần mách bảo, ông “lên Đền Thờ vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, bấy giờ ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Muôn lạy Chúa, giờ đâytheo lời Ngài đã hứa,xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độChúa đã dành sẵn cho muôn dân:Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."
Được ẵm Chúa trên tay, ông Si-mê-on vô cùng hạnh phúc. Được có Chúa thì quý hơn cả mọi thứ khác trên thế gian, nên ông không còn quyến luyến bất cứ điều gì trên đời nầy nữa. Ông chỉ muốn ra đi trong bình an để được về với Chúa, để được ở mãi với Chúa thôi.
Hôm nay, chúng ta còn được diễm phúc hơn cả những đứa bé gặp bố trên đây, hạnh phúc hơn cả ông Simêon năm xưa, vì mỗi lần tiến đến bàn tiệc thánh để rước Chúa, chúng ta không chỉ được Chúa ở kề bên, được Chúa ở trên tay mà còn được Chúa ngự trong lòng mình, được trở nên đồng huyết nhục với Chúa Giê-su, được nên một với Chúa Giê-su như lời thánh Phao-lô nói : “Tôi sống mà không phải tôi, nhưng là Chúa Giê-su đang sống trong tôi” (Ga, 2,20).
Có Chúa là có tất cả. Chiếm hữu được Chúa thì hơn là chiếm hữu mọi kho tàng châu báu trên thế gian.
Dù có được hàng trăm tỉ bạc trong tay cũng chưa phải là niềm vui lớn nhất vì với ngày tháng qua đi, chục tỉ bạc sẽ không còn, và khi chết đi, chúng ta không mang theo gì được.
Dù có của cải dư đầy, có ruộng vườn bát ngát… cũng chẳngđáng gì vì mai đây ta sẽ ra đi với hai bàn tay trắng.
Chỉ có những ai có Chúa và kết hiệp mật thiết với Ngài, sống theo đường lối Ngài thì sẽ được sống đời đời và được hạnh phúc muôn đời muôn kiếp.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc tràn đầy vì được Chúa ở cùng và xin Chúa giúp chúng con sống thánh, sống đẹp… sao cho xứng tầm người con Thiên Chúa.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===================
Suy niệm 3 Chúa Giêsu là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân (Lc 1, 21-28) Cách đây bốn mươi ngày, chúng ta đã hân hoan cử hành lễ Chúa Cứu Thế giáng sinh. Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Cứu Thế được Thân Mẫu và thánh Giuse dâng vào Đền Thánh, đưa chúng ta đi từ Mầu Nhiệm Nhập Thể đến Mầu Nhiệu Cứu Chuộc của Đấng Cứu Thế. Ngôi Lời, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh ra và sống trong xã hội loài người, bị luật lệ loài người chi phối, theo Luật Môisen (x. Xh 13, 11-13); "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa" ( Lc 2, 23 ) đó là lý do Hài Nhi Giêsu được dâng cho Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ Maria đã tuân theo nghi lễ thanh tẩy được ghi trong sách Lêvi: "Luật cho phụ nữ sinh trai hay gái" (Lv 12, 6-8). Ông Symêon người công chính và mộ đạo, được Thánh Thần linh báo cho biết, ông sẽ không thấy cái chết trước khi gặp Đức Kitô. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền, được Thần Khí thúc đẩy, hôm đó ông lên Đền Thánh, gặp gỡ Hài Nhi trên tay, ẵm trên tay và chào là " Ánh Sáng muôn dân " (Lc 2, 32).
Trong ngày này, Giáo hội ca vang "Vui lên, hỡi Đức Trinh Nữ Mẹ Chúa Trời, Đấng đầy ân sủng, vì từ lòng Mẹ đã sinh ra Đức Kitô Chúa chúng con là Mặt Trời công chính, Ánh Sáng chiếu soi những ai ngồi trong bóng tối. Vui lên, hỡi cụ Symêon, người công chính, vì chính cụ đã bồng ẵm Đấng giải thoát muôn dân, cho muôn dân tham dự vào sự Phục sinh của Người "(x. Phụng vụ Byzantine).
Tại sao Con Thiên Chúa lại phải dâng cho Thiên Chúa và Đức Maria trinh khiết vẹn tuyền phải chịu thanh tẩy?
Theo thánh Dimitri de Rostov: "Mẹ Thiên Chúa tiến vào Đền Thánh vâng theo Luật Chúa, tay bồng ẵm chính Đấng là Lề Luật. Mẹ là Đấng vô tội, tinh tuyền không tì vết đến xin điều mà Mẹ không cần là thanh tẩy. Mẹ không nhận lãnh sự khoái lạc sung sướng của phu quân, đã sinh con mà không đau đớn, Mẹ được gìn giữ tinh tuyền không tì vết trước khi sinh và sau khi sinh Đấng là nguồn suối trong sạch, há Mẹ lại không tinh sạch sao? Đức Kitô đã sinh ra từ lòng Mẹ! Quả không bị hư hoại bởi cây, cây không bị nhơ bẩn bởi quả : Đức Trinh Nữ Rất Thánh vẫn trinh khiết vẹn tuyền sau khi sinh hạ Đức Kitô, Con lòng Mẹ. Mặt Trời công chính không làm tổn thương sự đồng trinh của Mẹ. Lẽ thường, máu không làm ô uế Cửa thiên đàng theo luật tự nhiên, Thiên Chúa ngập tràn ánh sáng thần linh đã vượt qua Cửa này, gìn giữ sự đồng trinh của Mẹ".
Thánh Phaolô nói: "Vậy bởi vì con cái có chung máu thịt với nhau, thì phần Ngài, giống y như vậy, các điều ấy Ngài cũng đã thông chia, để giải thoát những kẻ vì sợ chết mà suốt cả bình sinh sa vòng nô lệ" (Dt 2,14-15). Chúa đến với loài người là để cứu rỗi và giải thoát, chứ không phải để kết án luận phạt: " Vì thiết tưởng không phải Thiên Thần được Ngài bao bọc, nhưng Ngài bao bọc dòng giống Abraham…Ngài đã nên giống các anh em Ngài, để trở thành vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân" (Dt 2,16-17).
Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa, cũng như Chúa Giêsu không buộc phải tuân theo nghi thức này, nhưng vì khiêm nhường và cũng để cho nhân loại noi theo mà tuân giữ luật Chúa, nhất là để cứu con người Chúa Giêsu đã làm điều đó, nên lễ này được gọi là Lễ Thanh Tẩy.
Hy Tế Cứu Chuộc
Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, mà chúng ta cử hành ngày 02 tháng 01 có một vị trí đặc biệt: vì lễ này loan báo Hy Tế Cứu Chuộc mang lại ơn cứu độ sau này. Đức Maria và thánh Giuse bồng Chúa Giêsu trên tay, dù là Con Thiên Chúa, Đấng giầu sang phú quí để dâng vào Đền Thánh với của lễ đơn sơ là "cặp bồ câu non"! Đây là lần đầu tiên loan báo về Hy Tế Thánh. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người mạc khải cho chúng ta, việc dâng hiến này ám chỉ tương quan giữa nhân loại với Thiên Chúa Cha, qua trung gian cần thiết của Đức Trinh Nữ Maria đồng công cứu chuộc. Đây là Hy Tế đền tội hoàn hảo duy nhất cứu chuộc nhân loại. Lễ này là "bản lề" chuyển tiếp giữa hai mầu nhiệm Nhập Thể (Truyền tin) và Cứu Chuộc (Phục Sinh). Chúa Giêsu đến trần gian (Nhập thể), để (Cứu chuộc) chúng ta.
Sao lại làm phép nến và rước nến hay gọi là Lễ Nến?
Giáo hội Đông phương hiểu Thánh lễ này thể hiện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Được Ðức Maria và thánh Giuse đem vào Ðền Thánh, Chúa Giêsu đã gặp gỡ dân người mà hai cụ già Symêon và Anna là đại diện. Ðây cũng là cuộc gặp gỡ lịch sử của dân Chúa, gặp gỡ giữa các người trẻ là Ðức Marria và thánh Giuse và các người già là Symêon và Anna. Chúa Giêsu là trung tâm, chính Người lôi kéo con người đến Ðền Thánh, nhà Cha Người. Ðây còn là cuộc gặp gỡ giữa sự vâng phục của người trẻ và lời tiên tri của người già. Việc tuân giữ Luật được chính Thần Khí linh hoạt, và lời tiên tri di chuyển trên con đường do Luật vạch ra.
Giáo hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: Thanh tẩy theo luật Do thái. Khi sát nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ đây, lễ này được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.
Lời của cụ già Symêon nói: "Đó là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân" (Lc 2, 32). Quả thật, hôm nay ai trong chúng ta cầm nến sáng trong tay mà không nhớ tới ngày cụ già Symêon bồng ẵm Hài Nhi Giêsu, Ngôi Lời trong xác phàm, là Ánh Sáng. Chính cụ là ngọn lửa cháy sáng, chứng nhân của ánh sáng, khi được đầy ơn Chúa Thánh Thần, cụ đã làm chứng rằng Hài Nhi Giêsu là Tình Yêu và là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân.
Vậy hôm nay, chúng ta hãy nhìn cây nến cháy sáng tên tay cụ già Symêon, từ ánh sáng đó hãy thắp sáng cây nến của chúng ta…Như thế, chúng ta không những sẽ cầm ánh sáng trong tay, mà chính chúng ta là ánh sáng, ánh sáng trong lòng ta, cho đời ta, và cho mọi người. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==================== Suy niệm 4 Lc 2, 22-40 Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố thánh gia đem con trẻ Giêsu vào đền thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa. Bởi theo luật Môsê, mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa và phải tiến dâng cho Ngài. Thánh gia đã khiêm nhường tuân giữ lề luật, dù trẻ Giêsu là Thiên Chúa thật. Lễ vật nhà nghèo của thánh gia chỉ với cặp bồ câu non. Việc thánh gia dâng Con vào đền thờ mang ý nghĩa lớn lao: Đấng Cứu Thế lần đầu tiên đi vào thành thánh. Nhưng hiếm có ai nhận ra vai trò của con trẻ Giêsu hôm ấy. Nhưng cụ già Simêon được Thần Khí thúc đẩy, ông biết sẽ được nhìn thấy Đấng Kitô trước khi chết. Ông lên đền thờ đúng lúc cha mẹ Hài Nhi đem con tới, ông đón và ẵm lấy Hài Nhi trên tay, mãn nguyện ông chúc tụng Đức Chúa: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài.” Ông là người công chính và sùng đạo, hằng mong đợi Đấng Cứu Thế. Vì ông được nghĩa với Chúa nên Thánh Thần hằng ngự trị nơi ông, giúp ông nhận ra và tuyên xưng Đấng Cứu Thế khi Người còn là Hài Nhi bé bỏng trong ngày được hiến dâng. Cả đời ông mòn mỏi khát vọng, kiên nhẫn và trung tín để rồi được đáp lại bằng cuộc gặp gỡ hôm nay. Với lòng mến yêu Thiên Chúa, ông hạnh phúc sung sướng đến nỗi sẵn sàng chết ngay lúc này. Những lời ông nói hôm nay làm cha mẹ Hài Nhi rất đỗi ngạc nhiên. Nhất là lời ông nói với Đức Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Người mẹ nào nghe những lời tiên tri về con và cho mình như vậy mà không bị sốc đứng tim, vì thất vọng quá chừng? Nhưng Mẹ Maria thì vẫn bình thản ẵm Hài Nhi đứng đó, chỉ lặng lẽ gẫm suy về lời tiên báo kỳ bí ấy, sau này khi mọi sự xảy đến, cho tới phút cuối cuộc đời cứu chuộc của Con Mẹ.
Cụ già thượng thọ Simêon đến lúc cuối đời được nhìn thấy Đấng Kitô mà hạnh phúc mãn nguyện như vậy. Còn chúng con hôm nay thì sao? Ngay từ lúc ẵm ngửa chúng con đã được cha mẹ đem đến nhà thờ để lãnh Bí tích Rửa tội, để được thanh tẩy và hiến dâng, được thánh hiến, được trao ánh sáng Chúa Kitô. Nhưng cả cuộc đời chúng con mải miết với cuộc sống trần thế, ít dành thời gian tĩnh lặng mà ý thức và cảm mến hồng ân được có Chúa ở cùng, hiện diện đồng hành trong mỗi phút giây. Xin Chúa cho chúng con biết ý thức lại mỗi khi lãnh nhận Bí tích, khi rước Thánh Thể Chúa, để chúng con nhận ra và cảm nghiệm được hạnh phúc có Chúa trong lòng, mà cảm mến chúc tụng và được lớn lên trong ân sủng Chúa.
Én Nhỏ
===================
Suy niệm Chúa nhật 4 năm A
Hạnh Phúc Trong Chúa
Xp 2, 3.-3,12-13; 1Cr 1,26-31; Mt 5,1-12a
Ở đời người ta có nhiều nhận xét về hạnh phúc. Một cô nàng lấy được chồng giàu, con cái khỏe mạnh, có nhiều tiền tha hồ mua sắm đủ thứ tiện nghi thoải mái, mọi nhu cầu được thỏa mãn, ấy là hạnh phúc. Một anh chàng có vợ đẹp con khôn, nghề nghiệp ổn định là giấc mơ của nhiều người. Khao khát tìm kiếm danh vọng, địa vị đến khi đạt được mong muốn là niềm hạnh phúc cho những người dầy công cố gắng bấy lâu…
Còn trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại quảng bá tám mối phúc nghe có vẻ ngược đời:
-“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó…” Có nhiều thứ nghèo: nghèo tiền của vật chất, nghèo sức, thấp cổ bé miệng, số phận hẩm hiu, ít học… Bình thường người khó khăn thiếu thốn sẽ không còn cậy vào sức riêng, mà đặt niềm trông cậy nơi Chúa. Người giàu có, tiện nghi đầy đủ thường thấy an thân không cần đến Chúa, chỉ tìm hưởng thụ và chẳng bao giờ thấy thỏa mãn đủ. Đức Giêsu không cổ động lối sống nghèo nàn đến độ không có những cái căn bản ổn định, để phát triển tinh thần. Ngài nhấn mạnh người có tâm hồn nghèo khó là người không bám víu nặng lòng với của cải vật chất đang có, không hưởng thụ ích kỷ mà sẵn sàng sẻ chia; hay khó nghèo mà không than van, nhưng biết tin tưởng cậy trông vào Chúa quan phòng, họ sẽ được hạnh phúc vì luôn có Chúa hiện diện yêu thương chăm sóc.
- “Phúc thay ai hiền lành…”. Người hiền hòa thì dễ thương dễ mến, họ nên giống Chúa Giêsu (hiền lành và khiêm nhường). Trong Chúa họ luôn bao dung, từ bỏ tự ái, sẵn sàng cảm thông tha thứ dù bị thiệt thòi oan ức, không tức giận phẫn nộ với ai. Có Đất Hứa làm gia nghiệp rồi thì họ chẳng cần tranh giành, ganh đua, so sánh hơn thiệt. Tâm tư họ luôn vui vẻ bình an hạnh phúc.
- “Phúc thay ai sầu khổ…” sẽ được Thiên Chúa an ủi. Người chịu đau khổ thử thách sẽ được Chúa nâng dậy, ủi an. Họ vẫn tin tưởng vào lời Chúa hứa, Ngài sẽ biến nỗi buồn của họ trở thành niềm vui. Bởi vì chính Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ.
- “Phúc thay ai khát khao nên người công chính…” Người coi thường sự công chính sẽ không lo đến, không bỏ công tập luyện nhân đức. Người khao khát nên công chính luôn tìm kiếm để học biết và dấn thân tới trọn lành. Được Thiên Chúa cho thỏa lòng rồi thì sẽ sống sự công chính của Chúa.
-“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” Khuôn vàng thước ngọc là đây, ai không biết xót thương người khác, làm sao dám xin lòng thương xót Chúa cho mình? Còn người có lòng thương xót sẽ chạnh lòng thương, giúp người thiếu thốn đau khổ, cảm thông, quảng đại cho đi, nhân từ tha thứ, chia vui sẻ buồn với người anh em, chắc chắn họ sẽ được ở trong đại dương thương xót của Chúa.
-“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch…” Trí sạch thì tâm an. Con tim trong sạch không nuôi hận thù, không chất chứa đam mê hay đủ thứ hằm bà lằng, trong sạch từ đáy lòng, không mong ước điều bất chính. “Con mắt tâm hồn” sạch sẽ đơn sơ, sẽ “nhìn thấy” Thiên Chúa rõ ràng, những thứ khác khó lọt vào được.
-“Phúc thay ai xây dựng hoà bình…” Người sống trong hòa bình, trong tình yêu Chúa và khiêm nhường nhịn nhục thứ tha, không tìm trả đũa, không chia rẽ bất thuận, sẵn sàng bắt tay người không ưa mình, sống hòa hợp trong mọi khác biệt, biết biến thù thành bạn, chắc chắn sẽ là “con nhà Chúa” rồi.
- “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính…” Sống công chính thì dễ bị bách hại. Sống trong Chúa thì hạnh phúc nên khi bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa vẫn vui lòng nhẫn nại, sẵn sàng chịu đựng. Có Hạnh Phúc đích thực rồi thì thấy cái giá phải trả quá rẻ!
Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng kính Các Thánh Nam Nữ đang hưởng Hạnh Phúc Nước Trời. Các Ngài đang tận hưởng Hạnh Phúc sung mãn tràn đầy là chính Chúa, sau khi đã sống các mối phúc mà Đức Giêsu đã rao giảng.
Chúa ơi! chỉ một mình Chúa mới lấp đầy khao khát hạnh phúc của chúng con. Tiện nghi vật chất không phải là đích điểm cuộc đời. Hạnh phúc của chúng con là chính Chúa. Chúng con chỉ bất hạnh khi xa rời Chúa mà thôi. Xin cho chúng con luôn tìm gặp và được sống hạnh phúc sung mãn tràn đầy trong Chúa, để dù sống giữa những khó khăn thiếu thốn, sầu khổ gian truân, chúng con vẫn đang tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào trong Chúa, ngay hôm nay và mãi mãi.
Én Nhỏ