Thứ bảy, 04/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

Cập nhật lúc 21:02 20/11/2019
Suy niệm 1
Vua Tình Yêu
(Lc 23, 35-43)
Thế giới thời Chúa Giêsu. Đọc bài tin mừng hôm nay, chúng ta biết thế giới thời Chúa Giêsu có thái độ thế nào đối với Ngài Trước hết là các thủ lãnh cười nhạo Chúa Giêsu….Rồi quân lính đều chế diễu Ngài…Và cuối cùng một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Ngài:
- Từ các thủ lãnh đến quân lính và tên côn đồ cuối cùng đều có cùng một tiếng kêu thách thức:" Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”! Tất cả họ hợp ý với nhau về điểm này: Nếu Chúa Giêsu là vua, hãy chứng minh điều đó với họ! Hãy xuống khỏi thập giá.! Lúc đó Ngài sẽ chứng tỏ rằng quyền hành của các thủ lãnh và quân lính không có lời cuối cùng với Ngài. Họ sẽ tìm được ông thầy của họ và họ chịu khất phục Ngài.
- Còn đối với dân chúng, họ vẫn ở đó để quan sát. Họ chờ đợi xem tình hình sẽ chuyển biến thế nào để họ lựa chọn. Thế giới hôm nay nhiều người cũng có thái độ giống như thế đối với Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài!
Còn Chúa Giêsu thì sao? Ngày Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, dường như Ngài để mặc những kẻ quyền lực hành hạ Ngài. Đúng vậy, ngay cả khi trước khi chết Ngài không muốn sa vào bẫy của họ. Ngài sẽ không chiến thắng sức mạnh bằng một sức mạnh vượt trội. Ngài sẽ không chiến thắng sự khinh bỉ mà một tên trộm cùng chịu đóng đinh với Ngài đã đối xử với Ngài. Ngài im lặng. Nhưng sự im lặng của Ngài là khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đấu tranh chống lại ý chí quyền lực đè bẹp nhân loại và dẫn đến cái chết.  Các thủ lãnh và lính tráng muốn thể hiện quyền lực của họ, nên đã nói với Chúa Giêsu: "Nếu ông là vua, ông hãy đến thể hiện quyền lực đối với chúng tôi: hãy chứng tỏ rằng ông là người mạnh nhất xuống khỏi cây thập giá này mà chúng tôi đã đóng đinh ông”!
Nhưng đó là một cái bẫy mà người ta giăng ra cho Chúa Giêsu! Đáp trả sức mạnh bằng một sức mạnh  vượt trội sẽ là chơi trò chơi tuyệt vời của những ông lớn. Nếu Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, rõ ràng Ngài sẽ chiến thắng…Nhưng thực tế, Ngài đã đầu hàng kẻ thù bằng cách bước vào trò chơi của Ngài. Chúa Giêsu thống trị bằng cách phá luật của kẻ mạnh nhất. Ngài mặc khải một luật khác trong lòng nhân loại: luật của lòng thương xót cho kẻ trộm lành, đó là tình yêu dành cho kẻ thùCác nhà lãnh đạo muốn gài bẫy Chúa Giêsu, nhưng chính họ lại sa vào bẫy của Ngài. Chúa Giêsu đã từ chối chiến đấu với kẻ thù. Ngài không dùng vũ khí giống như họ. Và thế là một lần và mãi mãi Ngài đã giải giáp quân địch! Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình cho đến chết để chứng tỏ rằng chúng ta không thể đánh bại kẻ mạnh bằng sức mạnh vượt trội hơn, nhưng là bằng tình yêu đối với kẻ thù. 
Muốn yêu kẻ thù, chúng ta phải nhận ra kẻ thù là gì và đang ở đâu? Kẻ thù mà Chúa Giêsu phát hiện: đó là ý muốn  quyền lực khống chế nhân loại. Suốt cuộc đời, Ngài chiến đấu chống lại quyền lực đó. Ngài liên tục tố cáo quyền hành của các luật sỹ và biệt phái đối với người dân. Quyền hành của những người áp đặt lên những người bé nhỏ những gánh nặng mà chính họ không thể vác nổi. Ngài tố cáo ý muốn quyền lực trong suốt cuộc đời Ngài, nhưng cuối cùng Ngài đã không đánh bại được nó cho đến ngày của Thập giá. 
Ngày của Thập giá, Ngài thực hành một luật vượt trội hơn tất cả các luật khác, đó là luật Tình Yêu. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng: Chúa Giêsu không yêu sự bất công mà người ta đối xử với Ngài. Ngài không yêu  sự khinh miệt, lăng mạ và đánh đập. Nhưng Ngài vẫn yêu những người không tử tế đã đánh đòn Ngài.  Dù sao, Ngài vẫn yêu họ, bất chấp mọi giá! Ngài đã mang đến cho con tim nhân loại một luật lệ hoàn toàn khác và vượt trội hơn nhiều so với luật lệ của những kẻ quyền hành: đó là luật tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, một tình yêu "biếu không", một tình yêu mãnh liệt, thậm chí cái chết cũng không thể phá hủy nổi.. 
Các tín hữu cũng vậy! Chúng ta sống trong một thế giới bị nô lệ bởi ý muốn quyền lực đối với nhau. Thánh Phaolo nói: "Anh em đừng lấy lại xiềng xích của chế độ nô lệ cũ của anh em, nhưng hãy sống trong tự do của con cái Thiên Chúa". Tự do của con cái Thiên Chúa là yêu thương không biên giới, như Chúa Giêsu trên Thập giá đã yêu kẻ thù. Tình yêu Kitô giáo không phải là chủ nghĩa cảm tình..Tình yêu kito giáo luôn là một cuộc chiến đến chết chống lại ý muốn quyền lực của nhau.  Để lãnh đạo cuộc chiến này, trước tiên chúng ta phải xác định kẻ thù trong chính chúng ta cũng như ở người khác. Vì chưng, tất cả chúng ta đều bị cám dỗ đáp trả quyền hành của kẻ mạnh nhất bằng vũ lực. Hơn nữa, chúng ta không được nhượng bộ kẻ thù, nghĩa là không sử dụng những thứ vũ khí giống như giống như vũ khí của kẻ thù. Nếu chúng ta đáp lại sự khinh miệt của kẻ mạnh bằng sự khinh miệt, chúng ta sẽ bị khinh miệt. Nếu chúng ta đáp lại hận thù bằng hận thù, chúng ta sẽ là tù nhân của hận thù. Chúng ta rơi vào cái bẫy của kẻ mạnh.! 
Mừng lễ Chúa Kitô Vua là theo Chúa Giêsu và luôn nhớ rằng:
- Kẻ thù của nhân loại là ham muốn quyền lực thống trị. Về phần chúng ta, hãy cầu xin Chúa Kitô cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu chống lại ham muốn đó ngày này qua ngày khác. Hãy hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống lại sự bất công. . 
- Muốn có triều đại của Chúa Kitô hôm nay thống trị khi sự bất công giáng xuống chúng ta, chúng ta không được chống lại bằng một thứ vũ khí khinh bỉ và thù hận. Chúa Giêsu đề nghị các tín hữu hôm nay như ngày hôm qua dấn thân vào con đường của Ngài, con đường dẫn đến tình yêu cả kẻ thùĐó là thực hiện bước mà chúng ta có thể theo ngay bây giờ. Đó cũng là không tuyệt vọng về những thất bại của chúng ta. Chúng ta không phải là Chúa Giêsu Kitô!  Nhưng hãy tin rằng trên con đường này, Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta. Tất nhiên chúng ta có thể gục ngã, nhưng Chúa Giêsu sẽ nâng chúng ta dậy. Mừng lễ Chúa Kitô Vua, là khám phá ra rằng tự do và sự sống không chỉ ở cuối con đường mà còn ở trên chính con đường!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Chọn vua nào ?
Ngày hôm ấy, toàn thể nhân loại được tập họp lại trước ngai tòa của hai vị vua đầy quyền thế: Một bên là vua Tiền, còn được gọi là thần Tài, đang chễm chệ trên ngai cao nạm ngọc dát vàng hết sức lộng lẫy; còn bên kia là vua Giê-su, cũng được gọi là vua Tình Yêu, đang bị treo thân trên thập giá, trên đầu Ngài có tấm biển ghi rõ danh hiệu của Ngài, đó là dòng chữ INRI, nghĩa là Giê-su Nadaret Vua Israel.
Mọi ánh mắt ngưỡng mộ đều đổ dồn về vua Tiền, tức thần Tài đang uy nghi trên ngai vàng lộng lẫy mà ít ai hướng nhìn về vua Giê-su đang bị treo trên thập giá.
Thế rồi, thời khắc chọn lựa bắt đầu. Mọi người chuẩn bị. Vua Giê-su lên tiếng mời gọi trước:
“Ta là vua Tình Yêu. Ai theo Ta thì hãy yêu thương người khác như chính mình và hãy hy sinh phục vụ mọi người như Ta đã nêu gương. Người đó sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.”
Tất cả chìm vào trong yên lặng nặng nề, không ai nhúc nhích. Sau chừng 10 phút chờ đợi, có một ít người rời khỏi đám đông tiến về thập giá để theo vua Giê-su.
Đến lượt vua Tiền, ông ta huênh hoang mời gọi, dõng dạc và đầy tự tin:
“Ta là vua Tiền, là thần Tài đây! Ai theo ta thì ngay ở đời này, sẽ được giàu sang phú quý và được vui hưởng lạc thú trần gian!”
Tiếng vua Tiền vừa dứt, cả đám đông xôn xao náo động, hối hả đua nhau chạy đến với ông ta.
Thế là trong cuộc tranh đua mời gọi thần dân về với mình, vua Tiền thắng lớn, còn vua Giê-su xem ra thất bại nặng nề.
Giờ đây, chúng ta hãy nhìn xem chính sách, đường lối của hai vị vua này ra sao.
Vua Tiền hô hào, thúc giục thần dân làm gì ?
Đây là bản tuyên ngôn của ông ta:
- Mọi người phải tôn vua Tiền lên ngôi cao, phải xem “tiền là tiên, là phật”, xem tiền là thần, là thánh, là thần tượng số một của đời mình.
- Mọi người phải cậy dựa vào sức mạnh vạn năng của vua Tiền.
Người có lắm tiền trong tay có thể mua đủ mọi thứ trên đời, thậm chí có thể mua chức mua quyền, mua lạc thú, có thể mua được cả hoa hậu, hoa khôi, người mẫu làm vợ, có thể bẻ cong cán cân công lý cách dễ dàng…
- Mọi người hãy để cho vua Tiền thống trị và sai khiến.
Vua Tiền xô đẩy người ta phạm đủ thứ tội ác: Vì tiền mà tham ô, vì tiền mà cướp của giết người, thậm chí giết luôn cả ông bà cha mẹ để chiếm đoạt tài sản… xô đẩy các nhà cầm quyền châm ngòi nổ chiến tranh để xâm chiếm tài nguyên, lãnh thổ của các nước khác…
Còn vua Giê-su kêu gọi thần dân làm gì ?
Vua Giê-su là vua Tình Yêu. Ngài chủ trương lấy tình yêu xóa bỏ hận thù. Ngài truyền cho thần dân hãy tuân giữ điều răn mới: “Thầy truyền cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 34).
Tuyên ngôn của vua Giê-su là yêu thương. “Người ta căn cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, đó là các con có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Mục tiêu của vua Giê-su là xây dựng thế giới này thành trời mới đất mới, nơi công lý, hòa bình và yêu thương ngự trị.
Chọn theo ai ?
Nếu hôm nay, vua Tiền và vua Giê-su tập trung chúng ta lại như đoàn dân trong câu chuyện trên đây và cất lời kêu gọi, chúng ta quyết định thế nào?
Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình và trả lời cho thật: Tôi sẽ bước theo ai? Thật là khó khăn khi phải từ giã vua Tiền và những lôi cuốn hấp dẫn của ông ta để theo vua Giê-su.
Theo vua Tiền thì được hạnh phúc chóng qua đời này nhưng phải trầm luân đau khổ đời đời mai sau. Theo vua Giê-su thì được hạnh phúc hoan lạc vĩnh cửu đời sau nhưng phải chấp nhận thiệt thòi, mất mát ở đời này. Cần phải biết chọn lựa thế nào cho khôn ngoan sáng suốt.
Sự khôn ngoan cho ta biết rằng: Thế giới chỉ được hòa bình, nhân loại chỉ được hạnh phúc, ghen ghét hận thù chỉ bị đẩy lùi… khi mọi người biết tôn Chúa Giê-su làm vua của mình và lấy luật yêu thương của Ngài làm kim chỉ nam cho cuộc sống.
Lạy Chúa Giê-su,
Từ bỏ vua Tiền để theo Vua Giê-su là điều rất khó. Chỉ có những ai khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng, có nhiều bản lãnh và dồi dào ơn Chúa thì mới có thể lìa bỏ vua Tiền để theo Chúa mà thôi.
Xin ban ơn phù trợ để chúng con đủ sức theo Chúa, thờ Chúa và sống theo luật yêu thương Chúa truyền dạy, nhờ đó, chúng con sẽ được hưởng phúc muôn đời với Chúa. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===================
Suy niệm 3
NHỮNG ĐIỀU LẠ LÙNG CỦA VUA TÌNH YÊU GIÊSU
Hôm nay, kết thúc năm Phụng vụ với lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta có một vị Vua là Vua các vua, Chúa các chúa, nhưng lại không theo kiểu người đời! Vị Vua ấy lại chọn cho mình một đời sống từ bỏ, khiêm hạ, yêu thương, khước từ vinh hoa phú quý, lợi lộc trần gian. Vị Vua ấy không cai quản và điều hành bằng quyền lực, mà bằng tình yêu. Cuối cùng, trở nên Đấng xóa tội trần gian qua cái chết (x. Ga 1,29). Vị Vua ấy chính là Đức Giêsu Kitô.
1.      Đức Giêsu là vua cách lạ lùng
Nếu một vị vua theo kiểu trần gian, ngày đăng quang và xưng vương phải là một ngày trọng đại, có các lễ nghi trang trọng, có dân chúng reo hò chúc tụng, thì Đức Giêsu làm vua, lại là vị vua âm thầm, khiêm hạ, cả cuộc đời, không hề một lần “diễu sĩ dương oai”.
Vương quyền của Ngài được tỏ lộ không phải qua một nghi thức trọng thể, mà lại qua một tấm bảng bêu xấu mà Philatô truyền lệnh đóng trên thập giá, phía đầu Ngài: "Ðây là Vua dân Do Thái".  Ngai vàng không phải là một cái nghế được sơn son thiếp vàng, lộng lẫy, cao sang, mà là hai thanh gỗ được ghép lại với nhau thành hình thập tự để làm ngai cho Vua trời ngự giá. Vương niệm của Ngài không phải là mũ làm bằng kim loại quý (thường là bằng Vàng) và được khảm những châu báungọc ngà như: đá quýkim cương. Nhưng với Đức Giêsu, Ngài có một vương niệm đặc biệt, đó là một vòng gai được đội trên đầu. Vương trượng là cây sậy yếu ớt, được người ta đưa cho để nhằm chế giễu, chọc ghẹo. Các quan hầu cận là 12 Tông đồ, ít học, kém hiểu biết và hoàn toàn không mảy may am tường về chuyện binh đao, họ còn là kẻ bán Chúa, trối Thầy và bỏ cuộc khi gặp cảnh gian nan. Áo cẩm bào chính là thân hình ô nhục. Người thân dự lễ phong vương lại là kẻ thù, chỉ có một vài người vỏn vẹn là Mẹ Ngài, Gioan, mấy phụ nữ và 2 tên gian phi cùng chịu đóng đinh với Ngài. Lẽ ra thần dân tung hô “chúc tụng vạn tuế đức vua” thì lại là: “đóng đinh nói đi”, “đóng đinh nó vào thập giá”, đến nỗi ngay cả kẻ cùng chịu đóng đinh với Ngài cũng cất lên những lời nguyền rủa, nhục mạ, thách thức: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Khung cảnh phong vương thì lại ở trên núi sọ, thay vì ở trong thành phố... Diễn từ khai mạc là: “Lạy Cha xin hãy tha cho họ” và sau cùng: “Mọi sự đã hoàn tất”.
Khi lập pháp thì lại hoàn toàn “Vâng theo ý Cha”. Khi truyền lệnh hành pháp thì lại chỉ có vỏn vẹn trong giới luật Yêu thương: "Đây là giới răn của Thầy là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con". “Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng đã khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh. Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án, và vị dẫn tới chỗ chết… Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta” (Is 53,7-8). Suốt cả hành trình loan báo về Nước Trời, Ngài đã không ngồi yên, mà nay đây mai đó, miễn sao Tin Mừng cứu độ được loan báo và không hề có một dinh thự, lâu đài, mà là: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ dựa đầu”.
Như thế, triều đại của Đức Giêsu được kết thúc qua cái chết ô nhục trên thập giá.
2.      Đức Giêsu là vua của Tình Yêu
Thế nhưng, đường lối của Thiên Chúa thì vượt xa trí hiểu của con người. Thật vậy, Người đã dùng hành động tưởng chừng như bêu xấu này để mặc khải một lần nữa về bản chất Tình Yêu của Thiên Chúa qua Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô.
Ngài là Vua, nhưng lại là một vị vua khiêm nhường, nhân hậu, là Vua của Hoà bình, Vua Tình yêu. Một vị vua thiếu thốn đủ điều: "Con Người không có nơi tựa đầu", một vị Vua chết cho thần dân được sống. Ngài là một vị vua của lòng người, của nhân tâm. Ngài xử dụng quyền lực, nhưng là thứ quyền lực “mềm” chứ không phải là quyền lực “cứng” như các nhà lãnh đạo vẫn thường xử dụng.
Vị Vua ấy được ví như người mục tử nhân lành, biết và hiểu rõ từng con chiên trong đàn. Người Mục Tử ấy sẵn sàng bảo vệ đoàn chiên khi gặp sói dữ và chấp nhận hy sinh mạng sống vì đoàn chiên của mình (x. Ed 34,11-12.15-17). Người yêu thương cả những con chiên hư hỏng, đi lạc và tìm cách đưa nó về ràn. Vị Vua ấy đến trần gian để cứu vớt những gì đã hư mất (x. Lc 19,1-10). Và vì yêu, Ngài đã “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2,2), cũng vì yêu mà: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21). Đức Vua ấy đã trở nên:  “Người Tôi Tớ khổ đau của Giavê Thiên Chúa”, Đấng gánh lấy mọi tội lỗi của trần gian, và dùng chính cái chết của mình để mưu cầu ơn tha tội cho nhân loại. Ngài “đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra Ngài đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (x. Is 53,2-12). Vì yêu, Ngài đã chấp nhận làm bạn với những ai bé nhỏ nghèo hèn, những kẻ tội lỗi, thu thuế, gái điếm, những người ốm đau, bệnh tật, thấp cổ bé họng... Vì thế, Ngài đã lên tiếng bênh vực những người cô thế cô thân. Và mời gọi mọi người hãy “Yêu như Thầy” và hãy sống vì người khác, bởi vì: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu" (Ga 15,13).
3.      Người Kitô hữu tham dự vào sứ vụ Vương Đế của Đức Giêsu
Mỗi người Kitô hữu đều được tham dự vào sứ vụ Vương Đế của Đức Kitô ngày ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Qua Bí tích này, chúng ta được dìm vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh của chính Đức Kitô, Đấng đã yêu mến, vâng phục Cha hết lòng, và, cuối cùng đã chết vì yêu để làm vinh danh Đấng đã sai mình đến trần gian, hầu biểu lộ tấm lòng từ ái của Thiên Chúa cho nhân loại.
Là người kitô hữu, chúng ta chỉ có thể chu toàn bổn phận này cách tốt đẹp khi noi gương và trở nên giống Đức Giêsu, một “Đức Kitô, Đấng vốn dĩ giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Người (x. 2 Cr 8,9).
Lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 28-29). “Mang lấy ách” của Chúa là gì nếu không phải là: “Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em”. Ách này không thể mang vác được, nếu ta kiêu căng, ngạo mạn và tự mãn, nhưng chỉ với sự hiền lành, khiêm nhường và tình yêu phát xuất từ con tim chân thành.
Thật vậy, chúng ta không thể cùng lúc vừa là Kitô hữu vừa mang tinh thần thế tục. Nếu để hai yếu tố đó thường trực trong con người chúng ta cùng một thời điểm, thì mọi việc chúng ta làm và suy nghĩ sẽ rơi vào tình trạng hư ảo, ngạo mạn, tự đắc.
Ước gì sống tinh thần nghèo và đến với người nghèo bằng một trái tim yêu thương rộng mở sẽ là hướng đích của mỗi chúng ta khi noi gương của vị Vua tình yêu, đã sống và chết vì yêu.
Sống được như thế, chúng ta mới có hy vọng được hưởng lời chúc phúc của Vị Vua Tình Yêu: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi” (Mt 25,34), nơi đó có Vua Tình Yêu ngự trị (x. Pl 2,6-11).
Lạy Đức Giêsu là Vua vũ trụ, xin cho danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được hiển trị đến tận cùng bờ cõi trái đất. Xin Chúa hãy thống trị lòng trí chúng con bằng tinh thần của Chúa. Xin cho chúng con được sống trong quỹ đạo của tình yêu, để sau cuộc đời này, chúng con được vào Vương Quốc của Chúa trên trời là nơi dành cho những người yêu và được yêu. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
===================
Suy niệm 4
GIÊSU - VUA TÌNH YÊU
( Lc 23, 35-43 ) 

Hôm nay, đại lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, kết thúc năm phụng vụ, chúng ta nhận ra rằng số phận của thế giới không nằm trong tay con người, nhưng trong tình yêu của Thiên Chúa. Các bài đọc Kinh Thánh vừa được công bố có cùng một chủ đề là vị thế trung tâm của Chúa Kitô. Người là trung tâm của tạo dựng, trung tâm của dân Chúa và trung tâm của lịch sử, là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu, là vị Vua từ bi, thứ tha và hay thương xót.
Hướng nhìn lên đồi Calvariô nơi treo Chúa Giêsu Kitô trên cây Thánh giá, chúng ta khám phá ra Vị Mục Tử Nhân Lành hiến mạng vì đàn chiên, yêu thương, tha thứ và cứu vớt tội nhân. Tấm bảng trên đầu có ghi: "Người này là vua dân Do thái" (Lc 23,38). Điều Philatô đã viết là đã viết. Hình khổ Vua chịu thật là  khủng khiếp, mặt mày biến dạng. Thế mà Người lại là Vua ư ? Sao có thể thế được ? Người là Vua những gì ?
Câu trả lời: Chúa Giêsu không là vua của những gì hết. Ngài là Vua vinh quang, Vua mọi sự. Đơn giản, Người là Vua, hoàn toàn là Vua. Thực tế xem ra khó chấp nhận, vì người ta muốn biến Chúa Giêsu trở nên trò cười khi mặc cho Người áo đỏ và đội mão gai.
Các bản văn phụng vụ trình bày vương quốc của Chúa Giêsu như một bức tranh đầy ấn tượng. Người là Chúa Cứu Thế đã được xức dầu (x. 1Col 1, 12-20), là Vua duy nhất của vũ hoàn, Vua khiêm nhường, Vua quyền năng. Nhưng Vương quốc của Vua Giêsu lại không thuộc về thế gian này. Vương quốc của sự thật và sự sống, Vương quốc thánh thiện và tràn đầy ân sủng, Vương quốc yêu thương, công lý và an bình. Một vương quốc được sinh ra từ máu và nước từ cạnh sườn đâm thủng của Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Giá thẳng đứng trong vinh quang. Ngai vàng, gợi lên những sự khiêu khích. Ba lần Chúa Giêsu bị hỏi: "Nếu ông là Đấng Kitô" (x. Lc 23, 35-43). Mỗi nhóm cáo buộc Người đều hỏi về tình trạng cá nhân của chính Người. Các nhà lãnh đạo tôn giáo mong đợi Người Thiên Chúa tuyển chọn nên hỏi: "Nếu ông là Đấng Kitô "(Lc 23, 35). Những tên lính bảo vệ sức mạnh của Đế chế La mã thách thức Người: “Nếu ông là vua dân Dothái, ông hãy tự cứu mình đi"(Lc 23, 38). Một tên trộm cướp cùng bị đóng đinh cũng kêu lên trong đau đớn nhằm thoát khỏi cái chết: "Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa" (Lc 23, 40). Họ khác nhau về địa vị, nhưng lại giống nhau ở điểm thách thức Chúa: "Ông hãy tự cứu mình đi !" Như thể thách Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá để chứng minh vương quốc của mình ! Đây là cơn dám dỗ cuối cùng. Nhưng Chúa Giêsu đã không đến thế gian để biểu dương sức mạnh cho ta thấy. Người đến để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa Cha và nhân loại với nhau, đồng thời ban lại cho chúng ta tự do đã bị đánh mất vì tội, nhất là trao ban cho chúng ta tình yêu và sự tha thứ. Lòng trắc ẩn không phải là yếu đuối hay đầu hàng, nhưng là ánh quang mạnh mẽ, hào hùng của tình yêu toàn năng của Chúa Cha, Đấng nâng chúng ta dậy từ chỗ vấp ngã và kêu gọi chúng ta làm điều thiện. Khi chịu treo thên thập giá Chúa Giêsu đã mạc khải vinh quang của Người, Người là Con Chiên bị sát tế để xóa tội trần gian.
Giữa những lời nhạo báng và thách thức, có một lời công nhận vương quốc của Thiên Chúa. Tên trộm lành, một trong hai kẻ chịu cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu, đã hiểu được Vua Giêsu là thế nào, nên anh thưa với Chúa bằng giọng điệu van xin: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi" (Lc 23,42). Câu trả lời bảo đảm và đầy an ủi của Chúa Giêsu đối với anh: "Ta bảo thật người: ngay hôm nay, người sẽ ở trên thiên đàng với Ta" (Lc 23,43). Chúa Giêsu là Vua, một vị Vua chỉ nói lời tha thứ, chứ không nói lời kết án.
Vương quốc của Vua Giêsu không hão huyền, trừu tượng, vương quốc ấy có mặt ngay hôm nay, nơi Chúa Kitô hiện diện. Như vậy, bản cáo trạng chống lại Chúa Giêsu viết: "Đây là Vua dân Do Thái" là thật trớ trêu, bởi từ trên thập giá vương quốc của Chúa Giêsu Kitô tỏa sáng vinh quang. Cái chết của Người trên thập giá là hành động đẹp nhất chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Cùng với thánh Phaolô “chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho chúng ta trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp…trong cõi đầy ánh sáng". Và bày tỏ lòng biết ơn vì: "Người giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi" ( Cl 1, 12-20). Nhờ sự chết của mình, Vua Giêsu đã hòa giải tất cả mọi sinh linh; "Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá", Người đã đóng ấn một giao ước muôn đời. Khi phục sinh, Chúa Cha đã tôn phong Người làm Vua và là "Trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại", " Người là đầu của thân thể, nghĩa là đầu Hội Thánh."
Ai sẽ loan báo cho thế giới vương quốc của Chúa Giêsu, nếu không phải là những chi thể của Thân Thể Người ? Một vị vua được thiết lập chỉ để ngưỡng mộ và tôn thờ, sứ mạng của vị vua ấy sẽ vô hiệu.
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta trong ngày lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Kitô có phải là Vua và là Chúa của đời tôi không? Ai hiển trị trong tôi, Chúa Kitô hay ai khác? Theo thánh Phaolô, có hai con đường có thể để sống: "hoặc cho mình hay cho Chúa" (x. Rm 14,7-9). Ta tự hỏi, tôi  sống cho chính mình hay sống cho Chúa?
Lạy Chúa Giêsu là Vua các vua, Chúa các chúa, Vua của vũ hoàn. Chúng con cùng với muôn loài thụ tạo cung chúc tôn thờ và cảm tạ Vua Tình Yêu. Xin cho đời chúng con thành lời ca ngợi, luôn làm theo ý Vua, nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân. Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, mọi vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa Cha đến muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Khi Ông Vào Nước Của Ông
2Sm 5,1-3; Cl 1,12-20; Lc 23, 35-43
Trong Tin Mừng lễ Chúa Kitô hôm nay, thánh Luca kể về Vua Giêsu, khi cuộc đời của Người đang trong những giờ phút cuối vô cùng đau thương bi thảm, nhục nhã, thất bại ê chề nhất. Giờ khắc này xem ra Người mất hết uy quyền và quyền năng khiến dân chúng từng tung hô. Kết thúc ba năm rao giảng, nổi tiếng lẫy lừng với bao nhiêu phép lạ của Người chỉ là cái chết nhục nhã trên cây cùng hai tên gian phi. Từ thủ lãnh đến lính tráng đều cười nhạo, chế giễu Người và buông những lời thách thức lộng ngôn. Một trong hai tên gian phi cùng cảnh không nhận ra sự thật cũng nhục mạ Người. Họ treo trên đầu Người một dòng chữ để nhạo cười: “Đây là vua người Do Thái.” (Lc 23, 38). Nhưng vô tình, ngược lại ý xấu của họ, lời này lại trở thành lời xác tín về một vị Vua trên hết các vua trần thế.
Ủi an lớn nhất cho vua Giêsu, giờ ấy anh gian phi bên phải được ơn nhận biết Người, kịp đính chính sai lạc của đồng phạm bên trái. Anh kíp khôn ngoan, ngay trong lúc khốn cực gần hết hơi mà hổn hển xin với Người: “Ông Giêsu ơi! khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42). Người khẳng định ngay giờ phút ấy, anh đã được trong Vương Quốc của Người.
Nước của Thiên Chúa là chủ đề đã được các ngôn sứ loan báo trong thời Cựu ước bằng nhiều hình ảnh sinh động. Khi Đức Giêsu đến, chủ đề nước Thiên Chúa còn được chính Người rao giảng, trở nên rõ ràng và sống động hơn qua các dụ ngôn. Người đã thiết lập nước của Thiên Chúa ngay trong trần gian. Ai tin, sám hối và đón nhận Người là được thuộc về vương quốc ấy. Nước Thiên Chúa không phải là một địa điểm rõ ràng về địa lý, nước ấy không đến như một điều có thể quan sát thấy. Bởi vậy chẳng ai có thể nói nước Thiên Chúa ở đây hay ở kia. Những ai sống trong chân lý, tình thương, hòa bình và ân sủng của Chúa, thì chính Thiên Chúa đang ở giữa họ và họ là những người thuộc vương quốc của Thiên Chúa. 
Chúa Giêsu Kitô là Vua thật, nhưng chẳng giống một vị vua ở trần gian chút nào, không quyền lực vinh sang, không quan quân lính tráng hầu hạ. Khi mới sinh ra Ngài đã được gọi là vua. Khi vừa mới ra đời, các nhà chiêm tinh đã tìm hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1). Thật lạ lùng, Ngài sinh ra nơi chuồng bò hèn hạ khó khăn. Khi Người đi rao giảng, có hai người mù chạy theo tuyên xưng: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt 9,27). Đám đông ngút ngàn được ăn bánh no nê chỉ muốn tôn Người làm vua để được ăn bánh hằng ngày, họ sửng sốt bảo nhau: “Ông này chẳng phải là Con vua Đavít sao?” (Mt 12,23). Khi Người vào thành thánh Giêrusalem, dân chúng trải áo, đón rước và tung hô: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (Lc 19,38). Nhưng thật khác lạ, Vua Giêsu cuối cùng phải chịu đem ra nhục mạ, nhạo báng. Người là Vua đau khổ: Lính tráng lột áo Người, khoác cho Người áo choàng đỏ, kết vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, trao cho Người cây sậy rồi quỳ xuống nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!” (Mt 27,29). Vua bị treo lên “ngai” thập giá với bản án xử tội: “Người này là Giêsu, vua dân Do Thái.” (Mt 27,37). Bị coi như một tử tội, nhưng Vua Giêsu đã chiến thắng, như trong bài đọc II đã khẳng định: “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi... Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1,13-14.20b).
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua, Vua Nước Trời, Vua Sự Thật, Vua Tha Thứ, Vua Tình Yêu! Xin Chúa luôn ngự trị tâm hồn chúng con ở mọi nơi và trong mọi lúc, để chúng con luôn được sống hạnh phúc viên mãn trong Vương Quốc của Chúa. Amen.
Én Nhỏ
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày hành hương Năm Thánh tại Giáo hạt Tây Bắc Phú Thọ
Ngày hành hương Năm Thánh tại Giáo hạt Tây Bắc Phú Thọ
Vào sáng ngày 01/01/2025, cha Quản hạt Phaolô Nguyễn Quốc Anh đã long trọng cử hành nghi thức hành hương Năm Thánh 2025 tại nhà thờ Yên Tập. Hiện diện trong Thánh lễ có quý cha, quý thầy, quý dì, cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa đến từ 21 giáo xứ và chuẩn xứ trong toàn giáo hạt.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log