Thứ hai, 06/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên C

Cập nhật lúc 08:38 12/09/2019
Suy niệm 1
Một người cha có hai con trai
Người này trở lại và người kia ra đi!
- Người con thứ bỏ nhà ra đi phung phí tài sản của mình,
- Còn người con cả ở lại với cha. Người con cả là niềm an ủi của cha, nhưng người con thứ mất tích. Ngay cả sự trung thành của người con cả cũng khó có thể an ủi được người cha này.
Một người cha có hai con trai.
Khi đứa con hoang đàng trở về, người cha quên đi tất cả thời gian buồn bã trước đó.. Buồn nhưng người cha vẫn hy vọng gặp lại đứa con hoang đàng. Người cha được an ủi vì chỉ còn một đứa con cả ở lại với mình. Khi người con hoang đàng trở về, người cha mở tất cả kho báu của mình để ăn mừng với trái tim tràn ngập niềm vui. 
Một người cha có hai con trai.
Khi đứa con hoang đàng trở về, người cha lại phải chịu đựng thái độ của người con cả. Người con cả là niềm an ủi cho người cha trong những năm tháng đau khổ vì mất con thứ, thì bây giờ người con cả lại làm cho cha gặp rắc rối. Đến lượt anh, anh không chịu vào nhà, anh rời xa niềm vui và rời xa bữa tiệc. 
Một người cha có hai con trai.
Cả hai đứa con không bao giờ tập trung trong nhà. Khi đứa này ở lại, thì đứa kia ra đi. Khi đứa kia trở lại, thì đứa này lại ra đi. 
Một người cha có hai con trai.
Niềm an ủi của ông là hai đứa con là anh em với nhau trong một nhà, nhưng đứa này đuổi đứa khác và người cha không bao giờ được an ủi! 
- Người cha đó, là Thiên Chúa. Ngài hy vọng và đợi chờ tất cả những ai vắng mặt.
- Người cha đó, là Thiên Chúa. Hy vọng duy nhất của Ngài là đoàn tụ người trung thành và cả người không trung thành  ở cùng một nơi và ở  trong cùng một niềm vui.
- Người cha đó, là Thiên Chúa. Khi chưa đạt được mục đích của mình, Ngài luôn hy vọng chống lại mọi thất vọng. Ngài luôn hy vọng sẽ đạt tới đích!
Đứa con trung thành bắt tay đứa con không trung thành
Mỗi người chúng ta đều có sự trung thành và bất trung khác nhau. Thật ra, mọi người kito, có những lúc trung tín, nhưng lại có lúc bất trung. Chúng ta vẫn có thể vui mừng trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta có thể là một tập thể có người trung thành và có người không trung thành, nhưng cứ hãy bước vào nhà Cha:
- Người trung thành có thể vui mừng trong niềm vui của Thiên Chúa là Cha. Từng ngày, người trung thành có thể nhận ra rằng Thiên Chúa là Cha đã ban cho mình dư dật những gì là cần thiết. Người trung tthành có thể vui mừng khi ở gần Cha.. Nhưng người trung thành lại quên mọi thứ mình nhận được. 
- Mặt khác, người không trung thành có thể vui mừng vì được Thiên Chúa mong đợi, được Thiên Chúa hy vọng và không còn sợ hãi khi xuất hiện trước mặt Cha là Thiên Chúa; nhưng người đó không ngờ rằng, bất cứ điều gì mình  làm, đều được Thiên Chúa là Cha  đón nhận. 
Một người cha có hai con trai...
Thật ra, người cha đó chỉ có một mối quan tâm. Đó là mang họ lại với nhau trong cùng một niềm vui! Vì chưng Thiên Chúa luôn trung thành và không mệt mỏi, giống như người chăn chiên tìm kiếm con chiên lạc trong bóng tối.
Một người cha có hai con trai...
Thật ra, Thiên Chúa là Cha chỉ có một mối quan tâm. Ngài sẽ được an ủi nếu nhân loại đáng thương chia rẽ này, chấp nhận sống hòa giải với chính mình và với Ngài! 
Một người cha có hai con trai..
Thiên Chúa là Cha muốn các đứa con hòa giải trong cùng một niềm vui!  Ngài không thất vọng để có thể làm điều đó ngay hôm nay!
Dù trung thành hay không trung thành hãy sống chung một niềm vui
Thánh Phaolô nói: "Tôi nhắc lại một lần nữa, tôi nói lại lần nữa, anh em hãy vui lên trong Chúa, vui trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh”...Ước mong duy nhất của Thiên Chúa là cho chúng ta sống trong niềm vui của Ngài:
- Ngài muốn chúng ta vui mừng khi chúng ta khám phá ra sự trung thành của chúng ta. Sự trung thành chính là vẻ đệp và tốt lành trong con người chúng ta. 
- Ngài cũng muốn chúng ta học cách vui mừng khi chúng ta nhận thức được sự bất trung của chúng ta. Thánh Phaolo nói: "Tôi nói cho anh em điều này, chính các thiên thần trên trời đang vui mừng vì một tội nhân biết ăn năn. Vì vậy, chúng ta đừng buồn vì sự trung thành hoặc sự không nhất quán của chúng ta! Chúng ta hãy bắt đầu vui lên với Thiên Chúa trong mọi lúc”!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Yêu quý và trân trọng người tội lỗi
Lc 15, 1-10
Trước mắt người đời thì những người tội lỗi là thành phần xấu trong xã hội nên thường bị chê bài, khinh bỉ và xa lánh.
Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa thì bất cứ người nào, dù nhỏ bé, hèn hạ và tội lỗi đến đâu đi nữa cũng được nhìn nhận là những người con đáng yêu, đáng quý của Ngài.
Hai dụ ngôn Tin mừng hôm nay chứng tỏ điều đó.
Qua dụ ngôn chiên lạc, Chúa Giê-su ví người tội lỗi như con chiên lạc mà người chăn chiên trân trọng và quý mến. Thế nên anh sẵn sàng rời xa 99 con chiên trong đàn để đi tìm cho được con chiên lạc đó. Và một khi đã tìm được rồi, anh không quật cho nó một trận cho hả giận vì nó đã gây ra bao điều cực nhọc cho mình, trái lại, anh vui mừng ôm lấy nó, vác nó lên vai, hăm hở trở về, mời bà con làng xóm đến chia vui.
Qua dụ ngôn tiếp theo, người tội lỗi được ví như một đồng quan bị đánh mất, khiến người phụ nữ mất tiền cảm thấy tiếc nuối, nên dù trong đêm tối, bà cũng vội thắp đèn lên, quét nhà cho kỹ, moi móc mọi ngóc ngách, cố tìm cho bằng được đồng tiền bị mất ngay tức khắc, không đợi đến ngày mai. Và khi đã tìm thấy, bà reo lên vui sướng và chia sẻ niềm hoan lạc này với bạn bè lối xóm.
Từ hai dụ ngôn này, Chúa Giê-su kết luận: “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
Qua hai dụ ngôn này, Chúa Giê-su tỏ cho biết ngay cả người tội lỗi lầm lạc cũng là những người con đáng trân trọng và quý mến đối với Thiên Chúa.
Thiên Chúa trân trọng và quý mến con người nên Chúa Cha đã sai chính Con Một mình từ trời xuống thế để cứu độ loài người.
Vì yêu quý và trân trọng người tội lỗi nên khi vừa gặp Gia-kêu, một nhân viên thu thuế cho đế quốc Rô-ma bị người Do-thái kỳ thị, Chúa Giê-su thân mật đón chào và đề nghị ở lại nhà ông: “Gia-kêu, xuống mau đi! Vì hôm nay tôi sẽ lưu lại nhà ông.”
Vì yêu quý và trân trọng người tội lỗi nên Chúa Giê-su không ngần ngại chọn Lê-vi, một người thu thuế bị liệt vào hạng tội lỗi, làm tông đồ của Ngài và làm tác giả sách Tin mừng thứ nhất.
Vì yêu quý và trân trọng người tội lỗi nên khi những người biệt phái đưa người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giê-su, thì Ngài cũng không lên án hay luận tội người này. Trái lại, Ngài dùng lời hay lẽ phải giải tán đám đông đang hung hăng với nhiều ác ý, rồi nhẹ nhàng khuyên lơn người phụ nữ: “Tôi không lên án chị đâu. Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 2-11).
Vì yêu quý và trân trọng người tội lỗi nên khi vừa nghe tên tử tội cùng bị treo lên thập tự giá với Chúa Giê-su van xin Ngài: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”, thì Chúa Giê-su liền hứa ban thiên đàng cho anh ta: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,42).
Lòng quý mến và trân trọng của Thiên Chúa đối với người tội lỗi lên đến cao điểm khi Chúa Giê-su hiến thân chịu khổ hình. Ngài chịu đòn vọt và đau khổ thay cho muôn người tội lỗi; Ngài chịu chết thay cho muôn người để họ được sống đời đời.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là Chúa tể trời đất, còn chúng con chỉ như những hạt bụi li ti trong vũ trụ, chẳng đáng là gì, thế mà Chúa lại trân quý từng người trong chúng con, ngay cả những người tội lỗi hư hèn nhất. Vậy thì chúng con là ai mà dám coi thường, khinh dể anh chị em chung quanh mình.
Xin cho chúng con biết học với Chúa để đem lòng yêu quý và trân trọng mọi người như Chúa đã nêu gương.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

====================== 
Suy niệm 3
Trái Tim Thiên Chúa
(Lc 15, 1-32)
Ba dụ ngôn của chương 15 (con chiên bị lạc mất [cc. 4-7], đồng bạc bị đánh mất [cc. 8-10] và người cha nhân hậu [cc. 11-32]) được gọi là “trái tim của Tin Mừng thứ III”. Hay nói cách rộng hơn, chương 15 của Tin Mừng Luca được xem là một trong những chương sách đẹp nhất của toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước, vì cả ba dụ ngôn của chương 15 đều toát lên khuôn mặt, hình ảnh và bản tính của Thiên Chúa là Cha giàu Lòng Thương Xót. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đối với con người là tình yêu phụ tử, tình yêu luôn đi bước trước, tình yêu không biên giới và vô điều kiện.
Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu đi tìm và không bỏ cuộc, Thiên Chúa luôn đi bước trước để tìm con người tội lỗi như người mục tử không bỏ cuộc đi tìm con chiên lạc cho đến khi tìm được (c 4-7) hay như người đàn bà làm mọi cách, đốt đèn, quét nhà, moi móc giữa đêm khuya để tìm cho được đồng bạc bị mất (c 8-10). Lần lại các trang Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước, chúng ta đều thấy Thiên Chúa luôn hằng đi tìm và kêu gọi con người có tội quay về, rồi kiên nhẫn chờ đợi và vui mừng hân hoan đón nhận khi con người trở về. Ngay trong vườn địa đàng, Thiên Chúa đã đích thân đi tìm con người lẩn trốn và lên tiếng kêu gọi: “Ngươi ở đâu?” (St 3, 9). Thiên Chúa vẫn tiếp tục đi tìm và kêu gọi con người qua các tiên tri: “Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai cập, ta đã gọi con Ta về” ( Hs 11,1). Chính Chúa Giêsu trực tiếp đi tìm và gọi người tội lỗi trở về theo con đường công chính như đã tìm và gọi Mát thêu người thu thuế: “Anh hãy theo tôi” (Mt 9,9). Không chỉ đi tìm nhưng Thiên Chúa còn vui mừng khôn tả khi thấy chúng ta quay về với Thiên Chúa, giống như người mục tử vui mừng khi tìm được con chiên của mình rồi vác lên vai và mời bạn bè đến mở tiệc ăn mừng, hay như người phụ nữ khi tìm thấy một đồng bạc bị mất đã tíu tít chia vui với hàng xóm thì cũng vậy: “giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (c 7.10).
Thiên Chúa đã lao đao vất vả để tìm kiếm chúng ta trước qua chính Con Một của Ngài  và cũng qua Con Một của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, chúng ta nhận ra mình có phẩm giá vô cùng cao quý vì chúng ta là đối tượng duy nhất mà Thiên Chúa luôn kiếm tìm và yêu thương.
Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu phụ tử và luôn tha thứ, người cha trong dụ ngôn chính là hình ảnh Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con người chúng ta. Khi người con thứ đòi chia tài sản và ra đi, người cha không ngăn con, vì ông tôn trọng quyết định của con. Dù không đi tìm con như người mục tử tìm chiên lạc, nhưng tình yêu của ông không ngừng theo con, ông chỉ trông ngóng con trở về. Nên khi con vừa về ông đã chạy đến ôm hôn con, nụ hôn không chỉ là chào đón mà là nụ hôn tha thứ. Bởi thế, thay vì hạch hỏi tội cũ của con, ông lại ra lệnh cho tôi tớ lấy áo đẹp, giày tốt, nhẫn quý mang vào cho con, làm thịt bê béo để ăn mừng con đã về. Tất cả mọi việc người cha làm cho con khi nó về chỉ là thông báo cho mọi người biết; đối với ông: dù con thế nào thì cũng vẫn là con và chưa bao giờ không là con cả, vì ông chưa bao giờ thôi thương yêu con. Đó cũng chính là tình yêu tha thứ của Thiên Chúa là Cha đối với từng người chúng ta là con, chúng ta mãi vẫn là con vì Thiên Chúa không ngừng yêu thương chúng ta bằng tình yêu phụ tử.
Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu vô điều kiện và không biên giới, tình yêu ấy vượt trên mọi lối nghĩ, lối cư xử và phán xét tự nhiên của con người mà chúng ta không hiểu hết được, giống như người con cả không hiểu trái tim của cha dành trọn cho chính anh và cho cả người em. Vì không hiểu cách cư xử bằng tình yêu của cha khi đứa em trở về đã không một lời trách móc, răn đe hay ra hình phạt để nó nhớ đời, mà lại mở tiệc ăn mừng, nên người anh đã không hiểu tình yêu của cha dành cho anh. Thực ra, anh cũng đang đi lạc ngay tại nhà, anh sống với cha không phải với tương quan một người con và với em không phải tương quan một người anh, nên anh không thể hiểu được chỉ có trái tim của Lòng Thương Xót mới có thể đi xa hơn khuôn khổ yêu cho doi cho vọt, bằng cách cho ngọt cho ngào như cha đã làm cho em và cũng đang làm cho chính anh khi cha lắng nghe tất cả tâm tình bực bội chất chứa trong lòng của anh rồi chỉ nhẹ nhàng nói: “con à, tất cả những gì của cha đều là của con..” (c 31-32). Thiên Chúa của chúng ta là Đấng Giàu Lòng Xót Thương như thế đấy, đối với Thiên Chúa, tội lỗi của chúng ta Ngài đã phủ lấp bằng tình yêu rồi, nên quá khứ không phải điều Thiên Chúa quan tâm, mà là sự hiện diện của chính bản thân chúng ta hiện tạị phải giống như sự trở về nhà của đứa con thứ và trở vào nhà của đứa con cả cùng với Thiên Chúa là Cha mới là điều quan trọng.
Lạy Thiên Chúa là Cha của con, chỉ vì Lòng Xót Thương mới có sự hiện hữu của con trên đời này, chỉ vì Lòng Thương Xót đứa con nhiều tội lỗi của cả con thứ và con cả như con vẫn luôn được Cha đón nhận trở về và trở vào nhà Cha là Giáo hội, là Hội dòng, là gia đình. Xin cho con nhận ra con luôn có chỗ trong trái tim của Cha, trong trái tim của Lòng Thương Xót. Amen.
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
======================
Suy niệm 4
THIÊN CHÚA CHÚNG TA LÀ THẾ ĐÓ!
(Xh 32,7-11.13-14; 1 Tm 1,12-17; Lc 15,1-32)
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe đâu đó những lời bàn tán: tại sao Thiên Chúa không phạt nhãn tiền những kẻ tội lỗi, kiêu căng, tự phụ và làm những chuyện gian ác! Thiên Chúa phải chăng dung túng cho những kẻ bất lương, để họ tha hồ lộng hành và ‘tác oai tác quái …?’” Khi có những suy nghĩ như vậy, chúng ta quên mất một điều căn bản về Thiên Chúa, bởi vì nếu Thiên Chúa làm những chuyện ngược lại với bản chất của Ngài, thì Ngài không còn là mình nữa, bởi vì: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
1. Thiên Chúa chúng ta là thế đó!
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật lại việc Đức Giêsu thường xuyên tiếp xúc với những người thu thuế và những người tội lỗi, vì họ rất thích nghe Ngài giảng. Thấy được điều đó, người Pharisiêu và Kinh sư liền xầm xì với nhau, đồng thời bàn tán về hành động của Đức Giêsu đang làm. Thấy vậy, Ngài mới kể cho họ nghe một loạt dụ ngôn, nhằm giúp cho họ nhận ra bản chất của Thiên Chúa.
Bắt đầu từ dụ ngôn “chiên lạc”: qua dụ ngôn này, Thiên Chúa được ví như người mục tử, sẵn sàng bỏ 99 con còn lại để đi tìm 1 con thất lạc. Thấy được nỗi sợ hãi, bơ vơ của chiên bị lạc và với bản chất của người chủ chiên tốt lành, ông đã lên đường đi tìm. Nếu xét về góc độ toán học thì ông chủ này quả là vô lý khi chấp nhận bỏ lại 99 con để chỉ đi tìm 1 con bị lạc. Vô lý vì 1 so với 99 thì 1 không có ảnh hưởng đến kinh tế là mấy. Mất 1 ông cũng không nghèo đi chút nào cả. Tuy nhiên, với ông thì sự giàu nghèo thua thiệt về số lượng không quan trọng, điều quan trọng chính là mỗi một con chiên đều có giá trị trong trái tim ông, vì thế, ông không thể để mất nó được. Một hành động hết sức gợi cảm, đó là ông chủ tìm được rồi thì vác nó lên vai. Hành động vác trên vai thể hiện sự trân trọng, yêu mến và nâng niu. Chấp nhận tha thứ tất cả và thể hiện tình thương trọn vẹn cho nó. Thiên Chúa là thế đó.
Tiếp theo là dụ ngôn “đồng bạc bị mất”: 1 đồng bạc ở đây chỉ có giá trị bằng một ngày công thời bấy giờ. Mất một đồng tức là bị mất một phần rất nhỏ về giá trị vật chất. Nhưng lạ kỳ thay, khi mất một đồng như vậy, người đàn bà đã làm mọi cách để tìm cho bằng được đồng bạc đã mất. Nào là thắp đèn, quét nhà, moi móc, và khi tìm được rồi thì vui mừng mời hàng xóm láng giềng đến chung vui. Tìm được một đồng, mà lại mời hàng xóm đến chung vui thì quả là một người không biết tính toán. Nhưng không, bà nghĩ đồng bạc tìm thấy là cái gì đó gắn liền với bà, nên tìm được rồi thì niềm vui nhân lên gấp nhiều lần chi phí phải trả để mời bạn bè. Thiên Chúa là thế đó. 
Cuối cùng là dụ ngôn “người con hoang đàng”: với người Do Thái thì việc xin cha mẹ chia gia tài cho mình lúc còn sống chính là một điều bất kính, chẳng khác gì mong cho cha mẹ chết sớm. Dụ ngôn cho thấy: ông chủ có hai người con, và lẽ dĩ nhiên hai người con của ông chính là điểm tựa lúc về già. Ấy vậy mà người con thứ đã ngạo ngược xin cha chia gia tài cho mình. Vì tình thương, và tôn trọng sự tự do, người cha không nghĩ gì cho mình, nên đã sẵn sàng chia gia tài theo ý con của mình xin. Có được tiền bạc trong tay, người con thứ ra đi, ăn chơi, đàn điếm và phung phí hết tiền bạc, kết cục bằng việc phải đi làm mướn bằng nghề chăn nuôi heo.
Sống trong tình trạng cơ cực như vậy, nó mới hồi tâm và quyết định trở về với cha mình. Khi nó trở về, người cha không hề oán trách tại sao mày ra nông nỗi này, hay tiền có còn hay hết, hoặc mày muốn đi thì cho đi luôn, đừng quay trở lại nữa. Không! Người cha đã trông mong nó trở về từ lâu, ngày nó ra đi cũng là ngày người cha sống trong hy vọng được gặp lại nó. Quả thật, khi nó quay về, ông vui mừng khôn siết, không cần suy nghĩ gì cả, và việc đầu tiên ông làm là ôm hôn nó. Sau đó là phục hồi nhân phẩm cho đứa con tội nghiệp của mình. Nào là: xỏ giầy vào chân cậu, đây là dấu chỉ của người được tự do, không còn là nô lệ cho ông chủ nào đó mà con ông đã từng bị bắt phải chăn heo. Trao nhẫn vào tay cho cậu, hành vi này thể hiện sự phục hồi hoàn toàn nhân phẩm cho đứa con một thời dại dột. Và, cuối cùng, ông đã mở tiệc ăn mừng vì việc con ông trở về. Sự trở về của người con thứ được ví như “đã mất mà nay tìm thấy, đã chết mà nay sống lại”.  Thiên Chúa là thế đó.
2. Sứ Điệp Lời Chúa
Như vậy,  phụng vụ Lời Chúa hôm nay làm toát lên bản chất của Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa luôn yêu thương con người; Ngài là Đấng luôn luôn tha thứ, cảm thông và sẵn sàng chết cho người mình yêu. Thật vậy, Thiên Chúa luôn luôn tha thứ và sẵn sàng chấp nhận tất cả, miễn là con người có sự trở về và tỏ lòng sám hối.
Chúng ta thật hạnh phúc vì có một vị Thiên Chúa giàu lòng xót thương, một vị Thiên Chúa luôn đồng hành, tha thứ và xóa bỏ hết những tội lỗi cho chúng ta mặc dù tội của chúng ta có nặng tới đâu: “dù tội con có đỏ như son, Ta cũng làm cho trở nên trắng như tuyết. Có thẫm tựa vải điều, Ta cũng làm nên trắng như bông”.  Vì thế, noi gương Chúa, chúng ta cần phải có thái độ tha thứ và nhận định đúng về người anh chị em của chúng ta. Không ai là xấu hết, cũng chẳng ai là tốt cả. Đã là con người, ai cũng có những sự bất toàn của mình. Thái độ của chúng ta đôi khi cũng giống như những người Pharisêu và Kinh Sư khi xưa, đó là: tìm cách bắt bẻ anh chị em mình để “bới lông tìm vết” và vạch trần những tội lỗi của anh chị em. Đôi khi lại còn thích thú khi thấy người khác sa ngã, vì đây là cơ hội để mình lên mặt dạy đời, hay có những khi tỏ vẻ nhân từ để sửa lỗi cho anh chị em mà lại vô tình đẩy anh chị em chúng ta vào chỗ chết.
Mong sao, mỗi người chúng ta cũng hãy hồi tâm và nhận ra rằng: đôi khi chúng ta cũng chẳng khác gì đứa con đi hoang, mặc dù không ra khỏi nhà để sống một cuộc đời trụy lạc như người con thứ, song nhiều lúc, chúng ta lại đi hoang trong cõi lòng. Vì thế, đây đó vẫn còn những con chiên đi hoang trong tâm hồn khi ngày ngày vẫn đọc kinh, đi lễ, nhưng hành động và thái độ yêu thương lại quá xa vời hay hời hợt chẳng khác gì người con cả trong bài Tin Mừng hôm nay.
Như vậy, nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu với chúng ta, mặc dù chúng ta đáng tội chết, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương và sẵn lòng tha thứ cho những người xúc phạm đến ta. Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta không thể tha thứ được cho người khác là vì chúng ta luôn nghĩ mình tốt lành hơn họ. Nhưng trong thực tế, đôi khi tội của ta còn nặng hơn gấp bội lỗi của anh chị em ta, chỉ có điều tội của ta thì không ai biết nên ta dễ dàng vênh vang và tự phụ, nhưng Chúa biết cả. Bao lâu chúng ta nghĩ mình cũng là người yếu đuối và đã được Thiên Chúa yêu thương thì chúng ta cũng cần tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Xin tha thứ cho những thiếu xót của chúng con; đồng thời xin ban cho mỗi chúng con cũng có một trái tim, ánh mắt nhân từ như Chúa, để chúng con sẵn sàng tha thứ cho người khác khi họ xúc phạm và có lỗi với chúng con. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
======================
Suy niệm 5
Màu Tím Buồn Với Người Con Thứ
Ðọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi thấy man mác một màu tím buồn với người con thứ.
Người con thứ đòi Cha chia gia tài rồi bỏ đi vô tình, rời khỏi ngôi nhà, nơi nó sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên. Trong phong tục dân Do thái thì gia tài chỉ được chia sau khi cha chết; vì thế mới có chuyện một người đến xin Chúa Giêsu bảo người anh chia phần gia tài (x. Lc 12,13). Đòi lấy phần gia tài lúc cha còn sống tức là anh ta coi như cha đã chết. Thật buồn cho đứa con ngỗ nghịch! Trẩy đi miền xa, người thanh niên có một nỗi khát khao là ra khỏi luỹ tre làng, muốn nhìn xem thế giới mới lạ bên ngoài, thích miền xa hơn là ở quê nhà.
Người con thứ bỏ nhà ra đi với tiền bạc, không phải để làm ăn xây dựng tương lai, nhưng để “sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình”. Khi trở về nó chẳng còn gì cả: tiền bạc, sức khoẻ, phẩm giá, lòng tự trọng, sự hối hận! mọi thứ đã bị nó tiêu xài hoang phí. Nó đã mất hết, may mà còn lại một điều duy nhất là "đứa con nhỏ của cha nó".
Ở đời, người ta thường vinh quy bái tổ khi công thành danh toại, còn người con thứ khi trở về thì thân tàn ma dại, hai bàn tay trắng.
Ðộng lực nào đã khiến nó trở về ? Thánh Luca viết rõ: "Hồi tâm lại, nó nói: biết bao người làm công cho Cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy, tôi sẽ về cùng Cha tôi". Như vậy động lực nó trở về là đói, cái đói cào cấu trong dạ dày làm cho nó hồi tâm. Trước khi bị đói chắc chắn nó không bao giờ nhớ đến Cha, không bao giờ sám hối vì bỏ Cha ra đi, không thấy băn khoăn hồi tâm về mái ấm gia đình, nơi còn có Cha già chẳng biết đau yếu ra sao, không thấy tiếc nuối vì phá tan cả sự nghiệp của Cha. Khi bị cơn đói hành hạ, phải đi chăn heo, nó mới băn khoăn tìm đường về. Cái hồi tâm, cái băn khoăn của nó là làm sao để được ăn.Nó dự tính nói với Cha là nó trót phạm lỗi nghịch với trời, nó không còn đáng gọi là con, nó chỉ xin được đối xử như người làm công. Ðó là một cuộc trở về trọn vẹn hay sao? Ðó là cuộc lên đường được thúc đẩy bởi lòng sám hối hay sao? Sự thống hối của nó chỉ là vị kỷ nhằm khả năng có thể sống sót mà thôi.
Nếu người con thứ thành công xây dựng cơ nghiệp, có lẽ sẽ không hiểu được tình Cha. Vì nếm mùi thất bại chua chát của cuộc đời nên nó lên đường trở về. Nó không đủ can đảm đi làm người ăn xin,không đủ liều mạng để đi trộm cướp, không dám đánh đổi cả cuộc đời để gây tiếng xấu. Nó sống bằng nghề lương thiện là đi chăn heo, dù sao cũng sống bằng sức lao động của mình. Từ kinh nghiệm của vực thẳm này nó mới hiểu được mặt trái cuộc đời. Đó không là chốn nương thân cho kẻ nghèo khổ, không là chỗ hạnh phúc cho kẻ khố rách áo ôm, không là chỗ cho kẻ cô thân cô thế. Vì vậy chỉ còn một con đường duy nhất là trở về xin tha thứ và làm công cho Cha để có cơm ăn áo mặc.
Tất cả ý nghĩa của cuộc trở về được diễn tả cách cô đọng trong những lời "Cha ơi... con không đáng gọi là con Cha nữa".
Giuđa đã phản bội Chúa Giêsu. Phêrô đã chối Chúa. Cả hai đều đánh mất tình con thảo. Giuđa không còn tiếp tục tin tưởng mình vẫn là con Chúa, không tin vào lòng tha thứ của Chúa nên đã đi thắt cổ tự vẫn.Còn Phêrô khi ở giữ sự tuyệt vọng đã muốn nối lại tình Cha con với những giòng nước mắt thống hối. Giuđa chọn cái chết. Phêrô chọn sự sống.
Ðọc câu chuyện, tôi thấy động lực của sự trở về nơi người con thứ là cái đói hành hạ. Sự trở về lý tưởng phải là sự trở về của lòng sám hối với tình yêu chân thành. Những khi ngồi Toà Giải Tội, tôi gặp những hối nhân sau 5 năm, 10 năm thậm chí đến 20 năm, 30 năm mới trở về cùng Chúa. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Những bầm dập của của cuộc đời, những gian truân vất vả, những thất bại chua chát đã cho họ rút kinh nghiệm là cần trở về với Chúa, nguồn mạch của bình an nội tâm, của niềm vui và hạnh phúc. Chính Chúa đã yêu thương, đã tác động và một khi nào đó như Chúa muốn họ trở về cùng Ngài. Như thế họ đã chọn lấy sự sống. Gặp gỡ những hối nhận đó tôi càng thấm thía hơn dụ ngôn "Ðứa Con Hoang Ðàng".
Chúa Giêsu Ðã Trở Nên "Người Con Hoang Ðàng" Vì Chúng Ta
Anh Piere Marie người sáng lập Huynh Ðoàn Giêrusalem, một cộng đoàn các tu sĩ sống trong thành phố, đã suy niệm về Chúa Giêsu như người con hoang đàng theo Phúc Âm một cách thú vị. Xin trích dẫn tác phẩm "Người Cha Nhân Hậu" của Henri J. M. Nouwen, trong đó có một đoạn anh Pierre Marie đã viết:
"Ðức Giêsu được sinh ra không bởi dòng dõi, ước muốn hay ý chí của con người, nhưng bởi chính Thiên Chúa. Một ngày kia, Ngài đã để mọi sự dưới chân Người và ra đi với gia sản của Ngài, là tước hiệu làm Con Thiên Chúa của Ngài?
Với giá chuộc tất cả, Ngài đã ra đi tới miền xa... miền đất rất xa... nơi mà Ngài đã trở thành như con người và đã làm trống rỗng chính mình. Chính dân của Ngài cũng không nhận biết Ngài và cái giường đầu tiên của Ngài là một nệm rơm. Giống như một cây đâm rễ nơi đất khô cằn, Ngài trưởng thành trước chúng ta, đã bị khinh bỉ là hạng thấp nhất trong con người. Chẳng bao lâu Ngài đã nếm sự lưu đày, sự chống đối, sự cô độc... sau khi đã cho đi mọi thứ trong đời sống cách rộng rãi, của cải, bình an, ánh sáng, sự thật, chính đời sống của Ngài... mọi kho tàng hiểu biết, khôn ngoan và mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn đời.
Sau khi đã hạ mình xuống ở giữa những con cái hư mất của nhà Ítraen, Ngài đã phung phí thời giờ của Ngài với những người đau ốm tật nguyền, với những người tội lỗi, ngay cả với những gái điếm, Ngài cũng hứa cho họ vào Nước của Cha Ngài; sau khi đã bị đối xử như một tên tham ăn, như một bợm nhậu, như một người bạn của bọn thu thuế và tội lỗi, như một người Samaria, một người bị quỷ ám, một kẻ phạm thượng; sau khi đã hiến dâng tất cả mọi sự, ngay cả thân xác và máu Ngài; và khi linh hồn Ngài cảm thấy một nỗi buồn sâu xa, hấp hối, phiền sầu; sau khi đã đi tới đáy của sự tuyệt vọng, Ngài muốn mặc lấy nơi mình sự bị bỏ rơi bởi Cha, lìa xa ngưồn Nước Hằng Sống, Ngài đã kêu lên từ Thánh Giá nơi Ngài bị đóng đinh: "Ta khát". Ngài đã yên nghỉ trong bụi đất và bóng đêm sự chết. Ba ngày sau Ngài Phục Sinh, chỗi dậy từ chiều sâu ngục tối nơi Ngài đã xuống, Ngài đã mang lấy tội lỗi của chúng ta, Ngài đã gánh hết những đau thương của chúng ta. Ðứng thẳng, Ngài kêu lên: "Phải, Ta lên Trời với Cha Ta cũng là Cha của con, là Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các con". Và Ngài đã trở lại Thiên Ðàng...
Trong sự thinh lặng chiêm ngắm tất cả con cái trong Người Con từ khi Người Con trở thành tất cả cho mọi người, Người Cha nói với các tôi tớ: "Nhanh lên, hãy mang áo đẹp nhất mặc cho cậu, hãy xỏ nhẫn vào tay cậu, giày vào chân cậu. Chúng ta hãy mở tiệc ăn mừng, vì con Ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy... Người Con Hoang Ðàng của Ta đã mang tất cả mọi ngươì trở về..."
Và tất cả bọn họ bắt đầu dự tiệc, mang trên mình chiếc áo trắng dài đã được giặt sạch trong máu của Con Chiên...".
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 6
Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì yêu
(Lc 15, 1-32)

Ba dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay làm nổi bật hình ảnh ba chiều về Một Thiên Chúa giầu lòng ái tuất.
Dụ ngôn : "Con chiên lạc" (x. Lc 15, 4-7); "Đồng bạc bị đánh mất" (x. Lc 15, 8-10); cụ thể hơn cả là dụ ngôn "Tình phụ tử" (x. Lc 15, 11-32) thể hiện niềm vui viên mãn tràn đầy. Nếu như hai dụ ngôn trước nói về sự vui mừng hay chung vui, thì dụ ngôn "Tình phụ tử là phải ăn tiệc và vui mừng". Vì đồng bạc vô tình bị đánh mất, con chiên lạc có thể cố gắng tìm thấy đàn của mình, và người mất chiên cũng có thể tìm lại được chiên, nhưng không một trường hợp nào hồi tâm trở về với chính mình. Nên người tội lỗi trở về, Chúa Cha khao tiệc ăn mừng. Chúng ta không thể vui mừng sao được, khi có Thiên Chúa là Cha, Đấng đầy lòng trắc ẩn và rất mực yêu thương chúng ta.
"Từ bỏ cha tôi là người hết mực thương tôi, tôi thật đã làm điều sai trái ; tôi đã phung phí hết tiền của vào cuộc đời trác táng, thân tôi tan nát và dơ bẩn, làm thế nào cha tôi có thể nhận ra tôi là con trai mình?  Tôi sẽ sấp mình xuống dưới chân cha tôi, lấy nước mắt lau chân cha tôi và khẩn xin cha tôi coi tôi như người làm công của cha"... Người cha, từ ngày con bỏ nhà ra đi, ông thương con, ngày ngày ra ngóng con trở về, nên khi ông thấy nó từ đàng xa, ông quên cả tuổi già và quên luôn cuộc sống phóng đãng của con trai ông, ông chạy tới ôm choàng lấy cổ nó và hôn lấy lấy hôn để. Thằng con trai ông hết sức kinh ngạc về tình yêu mà cha nó dành cho nó, nó kêu lên… : "Con không còn xứng đáng được gọi là con cha nữa, xin cha coi con như người làm công của cha" (Lc 15, ).  Không, không, con trai của cha, người cha nó kêu lên…, tiếng kêu xóa sạch lỗi lầm của con, và tình cha tuôn trào xuống người con bằng hành động : "phải ăn tiệc và vui mừng "(Lc 15, 32). "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy" (Lc 15, 22-24).
Khi quan sát hình ảnh người cha ôm người con, nghe người cha nói với người con khiến chúng ta liên tưởng tới Thiên Chúa là Cha xử với chúng ta là tội nhân như thế. Thánh Gioan Maria Vianney cha sở họ Ars đã thốt lên rằng: Đây hình ảnh tuyệt đẹp về sự vĩ đại của lòng thương xót Thiên Chúa đối với tội nhân khốn khổ nhất!... Ôi Thiên Chúa của con, rằng tội lỗi là một cái gì đó thật khủng khiếp! Làm thế nào chúng con có thể phạm tội được? Nhưng tất cả chúng con là những kẻ khốn nạn, ngay khi chúng con còn là tội nhân, thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng con trước. Lòng thương xót của Thiên Chúa cộng với lòng trắc ẩn. Tình yêu của Đấng Cứu Thế thật bất ngờ bởi ân sủng của Người trước các tội nhân, Người ôm hôn tội nhân, trao ban cho họ sự an ủi tuyệt vời… Ôi khoảnh khắc tuyệt với ! Chúng ta mà hiểu được thì chúng ta sẽ rất hạnh phúc ! Nhưng than ôi, chúng ta không phù hợp với ơn thánh, nên những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời ấy biến mất…Chao ôi, đâu là điều mà tội nhân tin tưởng, cho dù tội lỗi đến đâu đi chăng nữa, thì hãy biết và tin rằng lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng vô hạn! (Trích bài giảng thứ Chúa nhật III Mùa Chay của thánh Gioan Maria Vianney).
Người cha mất con, ngày ngày ngóng chờ con trở về là hình ảnh của Thiên Chúa là Cha luôn cháy lửa tình yêu đối với nhân loại, cha ôm con vào lòng, không đơn giản chỉ là tội nhân, nhưng là kẻ có tội biết ăn năn, đó là một con người biết đọc lại các biến cố đời mình, hiểu được những gì đã xảy đến với mình để sửa chữa, tái lập trật tự trong đời sống và quyết tâm : "Tôi sẽ trỗi dậy và trở về với cha tôi" (Lc 15,18), nhưng thực tế, ai trỗi dậy và ai trở về với cha mình. Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa người cha và người con, khơi dậy sự trở về trong ân sủng của người con, đơn giản không chỉ là ơn tha tội nhưng không do Thiên Chúa ban. Đây là cuộc gặp gỡ của niềm tin mà người con tội lỗi đã đặt để vào lòng thương xót của người cha, cuộc gặp gỡ này mang dấu ấn của vòng tay cha và con tìm thấy được tình yêu trìu mến.
Chúa Giêsu đồng bàn với quân tội lỗi, nhưng Người không đến để hợp thức hóa tội lỗi, làm cho những kẻ lầm lỗi cứng lòng, hay ngày càng tội tề hơn. Người đến để loan báo rằng họ có thể sống khác để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ, không nản vì sự thờ ơ, hay khác biệt của những con người.
Vậy, hãy trở về với Chúa bằng lòng thống hối ăn năn, lao mình vào vòng tay của Chúa, để cho tình thương lân tuất của Chúa làm ta hồi sinh. Đúng như thế, tội nhân được tha thứ là con người của niềm vui và tác động của ân sủng.
Lạy Mẹ Maria, người mẹ khoan nhân, xin giúp đỡ chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=====================
Suy niệm 7
Chúa Nhân Hậu Thương Xót Tội Nhân

Xh 32,7-11.13-14; 1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32
Các người thu thuế và người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Nhìn cái cảnh gai mắt này, những người Pharisêu và kinh sư khó chịu mà dè bỉu: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. (Lc 15,2). Để làm sáng tỏ khung cảnh gây khúc mắc và đánh giá xấu của họ, Đức Giêsu mới kể luôn mấy dụ ngôn.
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó...” (Lc 25,4-6). Qua dụ ngôn “con chiên lạc” và “đồng bạc bị mất”, Đức Giêsu muốn mỗi người cần hoán cải trở về, biến đổi trở nên như trẻ nhỏ trong mối tương quan với Chúa. Tôi có phải là “chiên lạc” không? Đôi lúc tôi có thể ảo tưởng, không biết là mình đi lạc, lại cứ tưởng mình luôn đúng đường không cần hoán cải.
Tiếp theo là dụ ngôn nổi tiếng về một người cha với hai thằng con khác nhau của ông.
Đầu tiên là thằng con thứ “giời đánh thánh vật”, bất cần đời, xấu xa đê tiện hết chỗ nói. Sau khi bỏ nhà đi biệt xứ sống trác táng, tung phá hết sạch của cha cho, chẳng còn gì và lâm vào cảnh thân tàn ma dại, đói rách bẩn thỉu, cùng cực, nghèo nhất trong các người nghèo, thèm cả cám heo mà chẳng ai cho. Đến lúc này anh mới hồi tâm và quyết đứng dậy đi “về với cha” gọi là cho bớt khổ, chứ chẳng mong còn được gọi là “con”. Chao ôi! ai mà ngờ được cha anh đứng ngóng tự bao giờ, nhào đến mà hôn lấy hôn để, chẳng kể gì hôi hám bẩn thỉu, chẳng hỏi tội, tra xét tiền của đâu hết…? Cha còn huy động mang áo đẹp nhất, xỏ dép, đeo nhẫn (lại thành quý tử) và còn hô hán mở tiệc để ăn mừng nữa chứ! Tại sao có chuyện bao dung tha thứ đến ngược đời như vậy? Chỉ có tình yêu mới lạ lùng như thế, chỉ có tình yêu mới có thể lý giải được.
Nhiều khi chúng con dùng tự do Chúa ban mà đi hoang. Khi muốn trở về lại không hiểu biết tình Cha yêu thương con đến rồ dại như thế, nên chúng con ngại ngần sợ hãi vì những lỗi tội, những xấu xa dơ bẩn, bất xứng của chúng con. Xin cho chúng con nhận ra tình yêu vô bờ của Cha mà mạnh dạn tìm về bên lòng Cha. Xin cho chúng con hiểu rằng: tình yêu của Cha ngàn lần vượt lên che lấp tội con.
Thứ đến là người con cả, ngày ngày ở bên cha, tiếng là ngoan ngoãn, hiếu nghĩa với cha. Thấy cảnh người cha vẫn mở rộng vòng tay yêu thương mà đón thằng em ăn hại mò về, anh nổi giận, oán hận cha xử sự bất công: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha… Còn thằng con của cha đó…”(Lc 15,29-30). Nghe những lời khó nghe như vậy của con mình, cha anh không quát mắng, vẫn một mực năn nỉ, lấy lời dịu dàng ngọt ngào và dạy anh phải biết thương em: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15,31-32). Chỉ có tình yêu mới làm người cha có thể đối xử tuyệt vời như vậy. Nghe đến đây không biết các bác Pharisêu và kinh sư đã rõ ra chưa nhỉ? Còn chúng con, nếu đang yên trí là mình tuân giữ đầy đủ, có lẽ cũng đang à ra mình cũng vậy thôi. Chúng con ở “trong nhà cha”, mà nhắm mắt chẳng nhận ra tình Cha yêu thương âu yếm mỗi ngày, thì lòng vẫn xa Cha vời vợi.
Chúa ơi! con sinh ra từ tình yêu Ngài, con lớn lên trong vòng tay Chúa. Xin giữ con để con thuộc về Chúa trong suốt đời con. Dù khi thất vọng, dù khi lỗi tội, xin giúp con khiêm cung trở về với tình yêu vô bờ của Cha.
Én Nhỏ
                                                                       
  
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log