Thứ hai, 06/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 17 Thường Niên Năm C

Cập nhật lúc 17:30 25/07/2019
Suy niệm 1
Cha anh em trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài
Nhiều người khi đọc bài Tin Mừng hôm nay rất thích câu nói của Chúa Giêsu: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho”. Vì thế, họ cứ xin, cứ tìm và cứ gõ bất luận điều gì. Cuối cùng xin không được, tìm không thấy và gõ mãi, cửa vẫn không mở. Thế là họ thất vọng và có thể mất đức tin! Nguyên nhân chính là vì họ không đọc toàn bộ bài Tin Mừng này, nhất là câu cuối cùng: “Cha anh em trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài”.
Phải chăng sự sống giá trị hơn Thánh Thần?
Vậy nếu anh em vốn là kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình điều tốt lành, phương chi Cha trên trời lạị không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Ngài sao”?
Lạy Chúa Giêsu, xin cứ để con tim chúng con mở ra và nói với Chúa một cách rất thật: Chúa nói: "Hãy xin thì sẽ được" và Chúa còn nói thêm: điều mà Chúa Cha muốn đổ đầy cho chúng con là Chúa Thánh Thần. Lạy Chúa, xin cứ để cho chúng con nói với Chúa rằng: Thánh Thần của Chúa, đối với chúng con, là rất khó có thể sờ thấy. Có thể Chúa ban Thánh Thần Chúa cho chúng con khi chúng con xin, nhưng Thánh Thần giúp được gì cho chúng con khi chúng con thiếu thốn mọi thứ?
- Đối với người mẹ có đứa con đang đau đớn và cầu xin Chúa cứu nó khỏi chết, việc nhận lấy Thánh Thần giúp ích  gì nếu đứa con của người mẹ đó chết ? 
- Đối với người không có gì ăn và cầu xin Chúa cho có của ăn nuôi thân, việc nhận lấy Thánh Thần  giúp ích gì nếu người đó tiếp tục cảm thấy đói? 
- Đối với người đang sống tại một đất nước có chiến tranh và cầu xin Chúa làm cho những quả bom không nổ, Chúa Thánh Thần sẽ giúp được gì nếu hòa bình vẫn nằm ngoài tầm tay? 
Lạy Chúa, xin để cho chúng con nói với Chúa rằng Thánh Thần Chúa không đủ cho chúng con và chúng con còn phải chờ đợi thêm hơn nữa.. Hay là chúng con cầu xin Chúa ban cho chúng con lương thực hàng ngày? 
Phân biệt Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu nói: “Ai là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp”? Có lẽ Cha chúng ta trên trời cũng muốn nói với chúng ta: Tôi nghe thấy anh em phàn nàn. Tôi biết điều anh chị em nghĩ mà không dám nói: 
- Anh chị em nghĩ rằng Tôi không nghe lời anh em cầu nguyện, Tôi không muốn trả lời cuộc gọi của anh em.
- Anh em nghĩ rằng tôi là người Cha cho anh em một con rắn thay vì con cá mà anh em xin, hoặc một con bọ cạp thay vì quả trứng. Và đó cũng chính là lý do mà Tôi yêu cầu anh em xin Tôi ban thánh Thần cho anh em.
- Kẻ thù xúi giục anh em nghĩ rằng anh em không thể tin tưởng vào Tôi.
-Kẻ thù thúc giục anh em nổi dậy chống lại Tôi. Trò chơi của kẻ thù luôn là như vậy!
- Kẻ thù muốn tranh giành với Tôi
- Kẻ thù muốn làm anh em bối rối bằng cách làm cho anh em không mong đợi được gì ở nơi Tôi. 
- Kẻ thù muốn buộc anh em phải "tự bảo vệ mình" bởi vì kẻ thù biết rằng, tự anh em, anh em sẽ không đủ sức để chiến đấu chống lại hắn. 
- Chỉ có Thánh Thần mới làm cho anh em nhận ra trò chơi của kẻ thù.
- Thánh Thần làm cho anh em phân biệt quả trứng hay con bọ cạp và con cá hay con rắn. 
- Thánh Thần làm cho anh em khám phá ra tôi là Cha của anh em dưới đất cũng như trên trời, và ý muốn của Tôi là cứu anh em khỏi sự kìm kẹp của kẻ thù.
Chúa Thánh Thần là sự sống của anh em"
- Nhờ Chúa Thánh Thần, anh em sẽ có sức mạnh để chống lại cơn cám dỗ nghi ngờ Thiên Chúa và nổi loạn. 
- Nhờ Chúa Thánh Thần, anh em sẽ có sức mạnh để tha thứ và sống hòa bình với tất cả mọi người. 
- Nhờ Chúa Thánh Thần, anh em sẽ khám phá ra rằng người nào cậy dựa vào Thiên Chúa, sẽ nhận được sự hỗ trợ của ăn nuôi sống linh hồn và thể xác hằng ngày. 
- Nhờ Thánh Thần, anh em sẽ cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh mà không mệt mỏi. 
- Chỉ Thánh Thần mới có thể làm cho anh em hiểu: Tôi không thể cho điều mà anh em không xin.
Anh em sẽ xin cho anh em cũng như xin cho những người khác.
- Nhờ Chúa Thánh Thần, anh em sẽ thấy Thiên Chúa hành động trong thế giới này. Anh em sẽ chịu đựng những thử thách trên trái đất này mà không thua cuộc, anh em sẽ có sức mạnh để chịu đựng tất cả. 
- Nhờ Chúa Thánh Thần, anh em sẽ được phục sinh. 
- Tôi không hứa với anh em rằng trái đất này là Vương quốc Nước Trời. Trên trái đất này, một trận chiến cam go chống lại bệnh tật, cái chết và tất cả mọi đau khổ. 
- Thánh Thần sẽ ban cho anh em sức mạnh giữa những thử thách bây giờ và, sau này, Ngài sẽ ban cho anh em cuộc sống thoát khỏi mọi cái chết. Hoa quả của Thánh Thần là bình an, kiên nhẫn, bền bỉ, tin tưởng, nhân hậu, nhân từ.... Không có Chúa Thánh Thần, trái đất sẽ là một địa ngục
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Diễm phúc được làm con của Cha trên trời
Lc 11, 1-13
Năm 1953, một thanh niên da đen ở nước Trung Phi, tham gia vào quân đội viễn chinh Pháp tham chiến tại Việt Nam. Đó là trung sĩ Bokassa. Ông này kết bạn với một cô gái quê ở Biên Hòa tên là Nguyễn Thị Huệ. Năm 1954, sau khi có hiệp định Genève, trung sĩ Bokassa chia tay cô Huệ theo đoàn quân viễn chinh về Pháp, để lại cho cô Huệ một bào thai.
Cô Huệ sanh được một bé gái, mình mẫy đen ngòm như lọ nồi, tóc quăn, môi dầy, đặt tên là Nguyễn Thị Martine. Gia đình cô Huệ rất túng thiếu nên khi vừa lớn khôn, Martine phải mang đậu phộng, bánh mì, trà đá… bán rong cho khách qua đường để kiếm sống qua ngày.
Đầu năm 1972, lên 18 tuổi, Martine vào làm phu khuân vác trong nhà máy xi măng Hà Tiên, cuộc đời lam lũ tăm tối, đổ mồ hôi đổi lấy áo cơm.
Thế rồi vào một ngày cuối năm 1972, khi Martine đang bốc vác xi măng, bụi bặm đầy người, thì cậu của Martine bất thần xuất hiện và la to: “Martine! Đi về thay đồ chuẩn bị lên máy bay, đi gặp ba mầy làm tổng thống!”
Martine bàng hoàng ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì. Hóa ra, dịp may ngàn năm một thuở đã xảy đến với cô: Cha của Martine là ông Bokassa, người lính da đen thuộc quân đội Pháp tham chiến ở Việt Nam năm xưa, nay đã trở thành tổng thống nước Cộng Hoà Trung Phi, một đất nước nổi tiếng có nhiều kim cương nên được gọi là Vương quốc Kim Cương. Ông Bokassa đã cậy nhờ chính phủ Việt Nam Cộng Hoà thời đó tìm kiếm đứa con lai của mình tại Việt Nam và rước cô này về Trung Phi.
Thế là Cô Martine từ thân phận một cô gái lọ lem nghèo hèn khốn khổ bỗng trở thành công chúa trong vương quốc kim cương! Thật là một cuộc đổi đời thật ngoạn mục, hiếm có và rất tuyệt vời!
Qua trích đoạn Tin mừng Lu-ca hôm nay, Chúa Giê-su loan báo cho chúng ta một tin vui triệu lần lớn lao hơn tin vui mà cô Martine đã được nghe biết. Đó là mỗi người trong chúng ta có một Người Cha tuyệt vời nhất thế gian. Đó là Thiên Chúa Cha, Ngài là Đấng dựng nên hoàn vũ bao la tuyệt vời này, là Đấng cao cả quyền năng và đầy lòng yêu thương nhân loại.
Ngài là Cha thật của chúng ta nên Chúa Giê-su dạy chúng ta gọi Ngài là Abba! Abba là tiếng bập bẹ của trẻ thơ Do-thái gọi cha yêu của mình, dịch ra tiếng Việt là Ba ơi! Bố ơi!
Mặc dù Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ, là Chúa Tể càn khôn, còn loài người chỉ là loại thụ tạo thấp hèn, thế mà Chúa Giêsu không dạy chúng ta tâu với Ngài là “Muôn tâu ngọc hoàng Thượng đế”, mà lại gọi Ngài cách thân thương là Áp-ba, có nghĩa là Bố, là Ba.
Mặc dù Thiên Chúa là Vua trên muôn vua, là Chúa trên các chúa, thế mà Chúa Giêsu không dạy chúng ta thưa với Chúa Cha là: “Muôn tâu thánh thượng”, nghe có vẻ xa cách quá, mà lại gọi Ngài cách thân mật là Ba ơi, Bố yêu ơi!
Mặc dù Thiên Chúa là Ông Chủ cao cả, còn chúng ta là tôi tớ thấp hèn, vậy mà Chúa Giêsu không dạy chúng ta thưa với Ngài bằng câu: “Kính thưa ông Chủ”, mà gọi Ngài là Bố ơi, Ba ơi!
Khi dạy ta gọi Thiên Chúa bằng Ba, Bố, Cha… Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn nhận Ngài là Người Cha yêu quý trong gia đình và Ngài nhìn nhận chúng ta là đứa con bé bỏng rất đáng yêu trong nhà.
Được làm con Cha trên trời là một hạnh phúc vô biên, là một niềm vinh dự lớn lao không tưởng được.
Tiếc thay, còn rất nhiều anh chị em đang sống chung quanh ta, chưa được may mắn nhận biết mình có một Người Cha tuyệt vời là Thiên Chúa.
Vì thế, qua ý nguyện đầu tiên trong kinh Lạy Cha là “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”, Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy cầu xin Cha trên trời ban cho mọi người được diễm phúc nhận biết Thiên Chúa là Cha, là Đấng thánh thiện, đáng được chúc tụng tôn thờ (GLHTCG số 2807 và 2858).
Tiếp theo, qua ý nguyện thứ hai, Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu cho “Nước Cha trị đến” nghĩa là cầu cho mọi người đón nhận Chúa Giê-su, Ngài chính là “Nước Thiên Chúa”, đến ngự trị trong tâm hồn mọi người và dẫn đưa nhân loại về với Cha yêu của mình là Thiên Chúa  (GLHTCG số 2816).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con cảm tạ Chúa đã bày tỏ cho chúng con biết mình có một Người Cha rất đỗi tuyệt vời, ngàn trùng chí thánh và giàu lòng yêu thương, nhờ đó, tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc vì được diễm phúc làm con chí ái của Cha trên trời.
Xin cho chúng con biết chia sẻ diễm phúc này cho những anh chị em khác, để họ cũng được hạnh phúc làm con của Cha trên trời như chúng con và cùng chúng con ca tụng ngợi khen Cha vinh hiển muôn đời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 3
Thiên Chúa Là Cha
Lc 11,1-13.
Trong Tin Mừng con thấy Chúa Giêsu luôn sống mật thiết với Thiên Chúa trong tương quan của người con đối với cha, và Ngài cũng thường gọi Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha” (Lc 10, 21; 22,42; 23, 34.46). Hôm nay khi một người trong nhóm môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, và Ngài cũng dạy họ cầu nguyện bằng cách gọi Thiên Chúa là Cha qua: “Kinh Lạy Cha”.
Lạy Thiên Chúa là Cha, con cảm tạ Ngài vì đã cho con được gọi Ngài là Cha, đó là một hồng ân đặc biệt mà Cha đã ban cho con nhờ Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần (Lạy Cha, Cha ơi! Lc 11,2; Rm 8,15), và là điều tuyệt vời nhất mà không một tôn giáo nào khác trên thế giới được gọi như vậy. Con cảm tạ Ngài vì đã cho con được học hỏi để biết và cảm nghiệm được Thiên Chúa là Cha yêu thương và nhân hậu, lại cho con nhận được những chia sẻ cảm nghiệm của các em con đồng hành, khi các em cảm nhận được sự gần gũi, chăm sóc, chở che và yêu thương của Thiên Chúa là Cha, điều mà các em chưa nhận được nơi người cha ruột thịt, quả thật, điều này hề không dễ.
Tên gọi Thiên Chúa là Cha: là tên gọi rất linh thiêng và cũng rất gần gũi, noi gương bắt chước Chúa Giêsu gọi: Thiên Chúa là Cha và sống tương quan Cha – con thân thiết, đã giúp cho con hiểu biết về Thiên Chúa, về chính con và về anh chị em.
Gọi Thiên Chúa là Cha, con thấy mình phải đón nhận anh chị em như một gia đình và yêu thương anh chị em như cùng một nhà, con cùng một Cha.
Gọi Thiên Chúa là Cha, con nhận ra mình thật bé nhỏ, mỏng giòn và yếu đuối, phụ thuộc vào Thiên Chúa, nên con cần cậy dựa tuyệt đối vào Thiên Chúa, cần đến Thiên Chúa nâng đỡ để không sa ngã vào con đường tội lỗi.
Gọi tên Thiên Chúa là Cha, con cảm nghiệm dù con có đi xa đến đâu, dù con có tội lỗi thế nào, Thiên Chúa đã quên hết lỗi lầm, chỉ một lòng chờ đợi con quay về và chỉ nhớ con là con mà thôi.
Gọi Thiên Chúa là Cha, con nhận ra Thiên Chúa có một sở thích là luôn muốn làm thỏa mãn mọi nhu cầu của con người, nên con không ngần ngại nói với Thiên Chúa tất cả suy nghĩ, tất cả nhu cầu vật chất và tinh thần của mình mà không sợ hãi, mặc cảm.
Gọi Thiên Chúa là Cha con khám phá ra Thiên Chúa rất dễ gần, luôn ở bên để yêu thương và không bao giờ sợ con cái quấy rầy, vì thế con có thể làm phiền Thiên Chúa mọi lúc và mọi nơi.
Gọi Thiên Chúa là Cha, con nghiệm ra Thiên Chúa vô cùng tốt lành, luôn sẵn sàng nghe và ban ơn trong tư cách một người cha, biết rõ con cái cần gì nhất và điều gì là tốt nhất, nên con không đòi hỏi, nhưng tin Thiên Chúa sẽ nhận lời con vào một lúc mà Thiên Chúa thấy là tốt nhất cho con.
Gọi Thiên Chúa là Cha, con nghiệm ra rằng: chưa bao giờ con xin cá mà Thiên Chúa cho rắn, hay xin trứng mà cho bọ cạp, vì thế con để cho Thiên Chúa định liệu về cuộc đời con.
Gọi Thiên Chúa là Cha, con nghiệm được Thiên Chúa không chỉ ban cho con tất cả những gì con cần, nhưng còn hơn thế gấp nhiều lần.
Lạy Thiên Chúa là Cha của con, Chúa Giêsu cũng đã gọi tên Thiên Chúa như thế, đặc biệt trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, gọi tên Thiên Chúa là Cha thật không dễ, vì khi gọi như thế đòi con phải sống đúng tương quan với Thiên Chúa như người con thảo. Xin Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần để Người luôn hướng dẫn con, tiếp tục cho con được gọi Ngài là Cha, nhất là lúc con gặp khó khăn, để con biết phó thác, khiêm tốn và kiên trì trong hành trình đi theo Chúa Giêsu về với Cha. Amen
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
======================
Suy niệm 4
Kinh Lạy Cha, đọc xuôi đọc ngược.
Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giêsu dạy các môn đệ và là lời kinh căn bản của Kitô giáo. Lời kinh này là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là tâm điểm của Thánh Kinh như Thánh Augustinô nói: “Cứ đọc hết các kinh nguyện trong sách Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy những điều được thâu tóm trong lời kinh Chúa dạyVới lời kinh này, không những chúng ta nguyện xin tất cả những gì chúng ta có thể ao ước cách chính đáng, mà còn theo trật tự những gì nên ao ước. Vì thế, kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin, mà còn huấn luyện tâm tình của chúng ta nữaDù chúng ta có đọc lời nào khác, những lời do người cầu nguyện đặt ra để khơi dậy lòng sốt sắng, chúng ta cũng chẳng nói gì khác ngoài điều đã có trong kinh Lạy Cha, nếu chúng ta cầu nguyện cho đúng và thích hợp”(x. Thư thánh Augustinô giám mục gửi cho Pơrôba về kinh Lạy Cha, trong Kinh Sách, IV, tr. 335).
Kinh Lạy Cha độc đáo vì chính là lời kinh “của Chúa” và cũng là lời cầu nguyện của Hội Thánh. Lời kinh này đã ăn sâu vào kinh nguyện phụng vụ. Trong Thánh lễ, các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha còn cho thấy đặc tính cánh chung, hướng về ngày Chúa Quang Lâm “cho tới khi Chúa lại đến” (1Cr 11,26).
Kinh Lạy Cha là lời kinh duy nhất Chúa Giêsu để lại, lời kinh tuyệt vời và phong phú vì chất chứa bao điều huyền nhiệm.
“Kinh Lạy Cha chẳng những là một lời cầu nguyện, mà còn là một lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa Cha vừa là nguồn gốc mọi sự, vừa là cùng đích mọi loài. Đó là niềm tin căn bản nhất, bao trùm cả lộ trình đi và về của con người. Vì vậy kinh Lạy Cha vừa có thể đọc xuôi, vừa có thể đọc ngược” (x. Kinh Lạy Cha của Linh Mục trong Năm Đức Tin, ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi; Gpquinhon.org).
I. Đọc xuôi Kinh Lạy Cha
Đọc xuôi, bắt đầu từ việc tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, cầu xin cho danh Người cả sáng, cho Nước Người trị đến, cho thánh ý Người được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Tiếp đến chúng ta xin Người những ơn cần thiết cho cuộc đời kitô hữu của chúng ta, như được thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của cuộc sống, được ơn tha thứ những lỗi lầm thiếu sót, được gìn giữ khỏi sa chước cám dỗ và được giải thoát khỏi quyền lực của ác thần.
Đọc xuôi, Kinh Lạy Cha bao gồm: một lời thân thưa, hai lời nguyện ước và ba lời cầu xin.
1. Lời thân thưa
Thiên Chúa được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau: Thiên Chúa vĩnh cửu, Thiên Chúa quyền năng, Thiên Chúa tạo dựng, Thiên Chúa thánh thiện… Mỗi danh hiệu nói lên một ưu phẩm, một đặc tính của Thiên Chúa.
Nhưng không một danh hiệu nào lại đậm đà, trìu mến, ý nghĩa, hy vọng cho bằng danh hiệu Cha. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ là mỗi khi cầu nguyện hãy thân thưa:  Lạy Cha chúng con ở trên trời.
Lời mạc khải mối liên hệ chiều sâu giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha. Lời diễn tả một chiều kích thiêng liêng, các môn đệ được đi vào đời sống thân mật, liên kết với Chúa Cha và Chúa Con.
Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Từ ngữ Cha gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm vô cùng.
Từ đây, lời thân thương “Lạy Cha” luôn vang vọng mãi nơi môi miệng của người Kitô hữu. Lời gắn kết họ với Thiên Chúa. Lời nối kết tương quan cha con trong tình yêu. Hồng ân thật cao quý Chúa muốn ban cho con người. Được gọi Thiên Chúa là Cha, được làm con cái của Thiên Chúa. Đó là tư cách rất riêng của những ai là môn đệ Đức Giêsu. Ơn gọi làm con là ơn gọi căn bản nhất, ơn gọi cao trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu. Vì thế chúng ta phải sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha và huynh đệ với tha nhân là anh chị em. Vì chưng toàn thể nhân loại chỉ có một Cha và tất cả đều là anh em chị em của nhau.
2. Hai lời nguyện ước
"Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển" và "Triều đại Cha mau đến" là hai lời nguyện ước của những người con thảo hiếu hướng về Cha mình.
Thiên Chúa không cần đến lời chúng ta cầu nguyện để nhờ đó danh Người và triều đại Người mới được hiển thánh, được tôn vinh. Tự bản chất, Thiên Chúa không cần đến những lời cầu xin của chúng ta, có hay không, danh Người mãi mãi vẫn rạng ngời vinh hiển.
Vậy thì chúng ta cầu nguyện như thế để làm gì? Chắc một điều đó là vì phần ơn ích cho chúng ta.
Hai lời nguyện ước là xin cho danh Thiên Chúa được hiển thánh nơi chính con người chúng ta. Thiên Chúa là Đấng Thánh. Là con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, người con xin Cha thánh hoá, xin Cha kiện toàn mỗi ngày để con được nên thánh, được tham dự vào cuộc sống thần linh với Cha. Người con cần sống hiếu thảo. Biết quan tâm, chăm lo đến những công việc thuộc về Cha của mình. Là con của Cha trên trời thì chúng ta phải làm cho Danh Cha được cả sáng và Nước Cha trị đến, Ý Cha được thực hiện. Cha rất vui, hài lòng khi có những người con biết sống hiếu thảo như thế.
3. Ba lời cầu xin.
“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày; xin tha tội cho chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.
Xin cho những nhu cầu chính đáng phần xác phần hồn: lương thực hằng ngày, ơn thứ tha tội lỗi, ơn vượt thắng cám dỗ và ơn thoát khỏi sự dữ. Thân xác cần cơm bánh lương thực. Linh hồn cần ơn thánh. Ba lời cầu xin rất thiết thực đối với sự sống của nhân loại. Lời cầu xin cho có cơm bánh hằng ngày, thiết thực và hữu ích cả trên bình diện thiêng liêng lẫn cuộc sống đời thường. Bởi ngoài nhu cầu thiết yếu của con người là cơm bánh ra, người Kitô hữu cần đến một thứ thần lương tuyệt vời khác chính là Bánh Hằng Sống, là Thánh Thể Chúa Kitô.
Ơn tha thứ thật cần thiết. Trước mặt Thiên Chúa, con người là tội nhân. Tha thứ cho nhau là điều kiện cần và đủ để chúa tha thứ cho mình. Được Cha yêu thương chăm sóc và thứ tha các lỗi lầm, con noi gương Cha sống yêu thương tha thứ cho anh em của mình. Như thế mới trọn vẹn tình con thảo hiếu.
Cạm bẫy và cám dỗ vẫn bủa vây tư bề. Cần tỉnh thức trước mọi cơn cám dỗ. Ơn Chúa là nguồn trợ lực là sức mạnh để con người vuột thắng mọi cám dỗ.
II. Đọc ngược Kinh Lạy Cha
Đọc ngược kinh Lạy Cha để đi lại lộ trình đức tin của dân Do thái ngày xưa và để bày tỏ niềm xác tín mới đối với Thiên Chúa vì những gì Người ban cho chúng ta qua kinh Lạy Cha. Vậy chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng:
1. Thiên Chúa là Cha quyền năng đã cứu chúng ta cho khỏi sự dữ.
Cũng như ngày xưa Thiên Chúa đã cứu dân Israel ra khỏi ách nô lệ bên Ai cập, thì nay qua bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta cũng đã được Thiên Chúa cứu khỏi quyền lực của Satan là đầu mối của mọi sự dữ.
2. Thiên Chúa là Cha yêu thương không để chúng ta sa chước cám dỗ. 
Sau khi được Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, dân Do thái đã đi qua hoang địa tiến về đất hứa, đã gặp rất nhiều cám dỗ và thử thách. Sau khi chịu phép rửa tội, cuộc đời chúng ta cũng là một hành trình xuyên qua hoang địa trần gian để tiến về đất hứa đích thực là thiên đàng. Chúng ta cũng gặp phải những chước cám dỗ như người Do thái ngày xưa. Nhận ra sự yếu đuối của mình, chúng ta tha thiết khẩn cầu Chúa gìn giữ và Người đã gìn giữ chúng ta.
3. Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn sẵn sàng tha thứ mọi  tội lỗi của chúng ta. 
Mặc dù đã nhiều lần phản bội, quay lưng lại với Thiên Chúa, thử thách Thiên Chúa, cứng đầu cứng cổ bất tuân lệnh Chúa, nhưng dân Do thái đã được Chúa tha thứ, nhờ lời chuyển cầu của ông Môsê. Cũng vậy, nhờ công nghiệp của Đức Kitô, chúng ta luôn được Thiên Chúa thứ tha những lỗi lầm thiếu sót và những xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em là hình ảnh của Người. Được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta cũng tha thứ cho nhau, để cùng nhau tiến bước trên con đường của Chúa.
4. Thiên Chúa là Cha quan phòng luôn chăm sóc và nuôi dưỡng chúng ta.
Trong suốt hành trình 40 năm trước khi tiến vào đất hứa là nơi chảy sữa và mật, mỗi ngày dân Do thái đã được Thiên Chúa ân cần ưu ái ban cho manna, thịt chim cút và nước sạch từ tảng đá chảy ra. Ngày nay Thiên Chúa quan phòng cũng luôn lo liệu cho chúng ta mọi nhu cầu vật chất, để chúng ta có thể sống xứng đáng và phát triển các khả năng. Hơn nữa Người còn ban cho chúng ta bánh hằng sống là Lời Chúa và bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, cùng với dòng nước ơn thánh vọt ra từ tảng đá là Đức Kitô đang hoạt động qua các bí tích, giúp chúng ta có sức đạt đến đất hứa đích thực là nước thiên đàng, nơi tràn trề sữa và mật thiêng liêng, khiến cho chúng ta không bao giờ đói khát.
5. Thiên Chúa là Cha khôn ngoan đã mạc khải cho chúng ta thánh ý của Người và giúp chúng ta thực hiện.
Cùng với manna, chim cút và nước từ tảng đá vọt ra, Thiên Chúa còn ban cho dân Do thái các huấn lệnh bày tỏ ý muốn của Người, để họ tuân giữ và được sống. Ngày nay, chúng ta cũng nhận được thánh ý của Thiên Chúa biểu lộ qua Thánh Kinh, qua giáo huấn của Giáo Hội. Đời sống của mỗi người chúng ta hệ tại việc thực thi ý Chúa. Khi kết hiệp sự vâng phục của chúng ta với sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với thánh ý Cha, tức là chúng ta làm cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
6. Thiên Chúa là Vua uy quyền đã làm cho Nước Chúa trị đến nơi chúng ta.
Sau khi hoàn tất cuộc hành trình xuyên qua sa mạc, Thiên Chúa đã ban cho dân Israel đất hứa làm gia nghiệp, ở đó họ sống hạnh phúc dưới quyền cai trị của Người. Sau khi hoàn tất cuộc hành trình nơi dương thế, chúng ta cũng sẽ được đưa vào Nước Trời, nơi Thiên Chúa hiển trị, để Người mãi mãi là Vua của chúng ta và chúng ta sẽ là dân của Người đến thiên thu vạn đại, và trong Nước Người không còn đau khổ, khóc than và tang tóc, nhưng chỉ có sự sống dồi dào trong hạnh phúc vô biên.
7. Thiên Chúa là Cha, đó là thánh danh mà chúng ta ca tụng đến muôn ngàn đời.
Sống trong đất hứa Thiên Chúa đã ban, những người Do thái đạo đức không ngừng tôn vinh danh Chúa, vì chính nhờ danh Người họ đã được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, được giúp đỡ để vượt qua các chước cám dỗ, được tha thứ mọi tội lỗi, được nuôi dưỡng chăm sóc, được biết thánh ý của Thiên Chúa, được sống dưới quyền cai trị của Chúa. Mai ngày trên thiên đàng, chúng ta cũng sẽ không ngừng ca tụng thánh danh Thiên Chúa và chúng ta có thể khởi đầu kinh Lạy Cha như sau: “Lạy Cha, giờ đây chúng con được ở với Cha trên trời”. (trích từ: Kinh Lạy Cha của Linh Mục trong Năm Đức Tin, ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi; Gpquinhon.org).
III. Kinh Lạy Cha, lời kinh tuyệt vời
Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Vinh danh và thánh ý Chúa được đặt trên hết. Các nhu cầu của con người được đặt sau.
Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Con người được gọi Thiên Chúa là Cha. Mỗi người là con cái của Thiên Chúa.
Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Xin Cha ban ơn không những phần xác mà cả phần hồn; xin Cha không chỉ tha tội trong quá khứ mà còn gìn giữ cho khỏi sa chước cám dỗ ở tương lai.
Kinh lạy Cha là lời kinh tuyệt vời và huyền nhiệm nối kết con người với Thiên Chúa. Đây là lời kinh đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Chính vì thế, Thiên Chúa ưa thích và không ngừng ban muôn ơn cho con người thông qua lời kinh thân thương, đơn giản và dễ hiểu này.
Lạy Cha,
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con chưa nhận thấy được.
Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 5
LỜI KINH TUYỆT DIỆU CỦA MUÔN THẾ HỆ
(St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13)
Trong cuộc sống, chúng ta thấy có nhiều mối liên hệ được thiết lập. Nào là mối liên hệ anh em, bạn bè, đồng nghiệp, cha mẹ, vợ chồng, con cái..., từ đó nảy sinh các mối tương quan như: thỉnh nguyện, kêu cầu, đơn xin, nguyện vọng... Đó là các mối liên hệ tự nhiên. Tuy nhiên, ngoài các mối liên hệ thông thường trên, nơi các tôn giáo và trong đời sống tâm linh, chúng ta cũng có những mối liên hệ và tương quan với Đấng Siêu Việt. Vì thế, với người tín hữu Kitô, chúng ta luôn cầu nguyện với Thiên Chúa là điều không thể thiếu trong đời sống đức tin của mỗi tín hữu.
1. Kinh lạy Cha, khuôn mẫu cầu nguyện
Với người Công Giáo, tâm tình đó được khởi đi từ chính mẫu gương của Đức Giêsu khi Ngài thường cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Không những thế, Ngài còn dạy cho các môn đệ của mình cầu nguyện khi một người trong số họ lên tiếng ngỏ lời: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". 
Khi được môn sinh bày tỏ ước nguyện, Đức Giêsu đã hướng dẫn các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.
Qua kinh nguyện này, trước tiên, Đức Giêsu đã giúp cho các môn đệ đi vào mối liên hệ thân tình Cha – con với Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Đây chính là lời nguyện mà chính Đức Giêsu đã thường xuyên thưa lên với Cha Ngài. Ngài cũng muốn cho các môn đệ có được tâm tình ấy như chính Ngài với Thiên Chúa.
Đây là một hồng ân đặc biệt mà chỉ nơi Kitô Giáo mới có. Từ đây, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha và mỗi người đều được trở thành nghĩa tử của Người.
Khi đã đi vào mối tương quan Cha – con với Thiên Chúa, Đức Giêsu muốn dẫn các môn đệ đến thái độ tôn vinh Thiên Chúa: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” “Triều đại Cha mau đến”.
Thật ra, Danh Thiên Chúa mãi mãi rạng ngời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Vì thế, không cần đến lời tôn vinh của chúng ta thì những điều đó mới được hiện diện và tồn tại. Không! Nhưng khi chúng ta tôn vinh Thiên Chúa như thế, một lần nữa nói lên sự kết hiệp sâu xa giữa ta với Thiên Chúa và từ đó nảy sinh ơn cứu chuộc nhờ được thánh hóa trong Danh Cha.
Tiếp theo, Đức Giêsu hướng các môn đệ đến những nhu cầu của chính mình. Những lời nguyện đó là: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Đây chính là nhu cầu thiết thực, gắn liền với đời sống thường nhật của con người. Lời nguyện này muốn bày tỏ tâm tình phó thác nơi Thiên Chúa là Đấng An Bài và Quan Phòng cho con cái của Người. Vì thế, đây là lời nguyện vừa mang tính thiết thực, vừa mang tâm tình cậy trông.
Kế đến là lời nguyện xin tha thứ: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con”.
Lời nguyện này nhắc cho người môn đệ biết rằng: mang trong mình thân phận yếu đuối của kiếp người, nên không ai là người không có những sai phạm với Chúa và với nhau. Vì thế, xin ơn tha tội là điều không thể thiếu trong tâm tình cầu nguyện. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể được Thiên Chúa thương xót và tha thứ khi chính ta cũng phải rộng lòng xót thương và tha thứ cho anh chị em đã xúc phạm đến mình. Bởi vì: nếu chúng ta không tha thứ cho nhau, thì Thiên Chúa cũng không tha thứ cho chúng ta.
Cuối cùng, lời kinh hướng các môn đệ ý thức sự giới hạn của bản thân, bởi lẽ, con người thường hướng chiều về tội lỗi hơn là điều thiện. Hơn nữa, trước những bẫy cám dỗ đầy hấp dẫn và bắt mắt, khiến con người chẳng khác gì con thiêu thân lao mình vào đống lửa. Trước dịp tội và cám dỗ, người môn đệ cần phải có ơn Chúa trợ giúp thì mới có thể chiến đấu và chiến thắng được ba thù.
Khi dạy các môn đệ xong, Đức Giêsu đảm bảo cho những lời nguyện xin ấy nếu phát xuất từ sự chân thành, tin tưởng, phó thác thì chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời, vì: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”.
Như vậy, có thể nói, không có lời kinh nào ý nghĩa và giá trị cho bằng Kinh Lạy Cha, bởi vì kinh này do chính Đức Giêsu dạy cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta. Vì thế, đây là lời kinh tuyệt vời trên hết mọi lời kinh.       
2. Thực trạng đời sống cầu nguyện nơi chúng ta
Trong đời sống đạo của chúng ta ngày nay, nhiều người đã bỏ cầu nguyện, hay cầu nguyện chẳng khác gì cái máy, hoặc cầu nguyện là trao phó mọi sự nơi Chúa theo kiểu đào nhiệm. Trong khi đó, tâm hồn chúng ta không có tâm tình chi cả. Vì thế, không lạ gì khi thấy nhiều người và có thể chính chúng ta, mỗi khi cầu nguyện là kể ra một dãy dài dằng dặc những nhu cầu của bản thân mà không hề tôn thờ, tạ ơn cũng như hướng tha. Hay nhiều khi chúng ta lại quá tập trung vào nhu cầu thể xác mà quên mất nhu cầu tâm linh.
Lại có những lúc chúng ta cầu nguyện theo kiểu mì ăn liền, tức là: mong sao Chúa phải là người đáp ứng theo lời nguyện xin càng nhanh càng tốt.
Cầu nguyện như thế, vô hình trung, chúng ta biến Thiên Chúa trở thành đối tượng chỉ để đáp ứng nhu cầu của mình, mà không hề nghĩ đến chuyện kết hợp nên một với Người để trở nên giống Người.
Một tâm tình phù hợp với đức tin, ấy là: khi cầu nguyện, không có nghĩa chỉ là xin ơn và cũng chẳng có nghĩa thuần túy là liệt kê những ước muốn, những kỳ vọng, những điều mà mình muốn xin. Nhưng cầu nguyện trước hết là tâm tình tôn thờ, thống hối, tạ ơn rồi mới đến xin ơn. 
Tuy nhiên, cần phải kiên trì trong lời cầu nguyện. Chính vì thế, Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn: “Người bạn bị quấy rầy” và chưng ra hình ảnh trai lỳ của người làm phiền trong đêm.
Cuối cùng, ông chủ khó tính cỡ nào cũng phải mủi lòng và thi ân cho người bạn sỗ sàng này.
Nói thế, không có nghĩa Thiên Chúa như ông chủ trong dụ ngôn, nhưng đây là hình ảnh biểu đạt một vị Thiên Chúa luôn luôn xót thương con người. Thế nên, nếu ai kiên trì cầu xin với Chúa thì chắc chắn sẽ được nhậm lời.
Để làm sáng tỏ ý nghĩa này, thánh Augustinô đã giải thích: “Phải kiên trì khi cầu xin là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Chúa sẽ ban. Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Ngài muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy lòng nhân ái”.
Tắt một lời, kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt hảo. Chính lời kinh này đã liên kết chúng ta nên một với Đức Giêsu và với nhau để dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin trong tâm tình Cha – con.
Cũng chính trong mối liên hệ thân thương này, mà Thiên Chúa không ngừng thi ân giáng phúc cho những ai thành tâm, tin tưởng, phó thác và chạy đến với Người.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con! Xin ban cho chúng con biết năng chạy đến với Chúa như con thơ bên lòng mẹ hiền, để được Chúa yêu thương, ban ơn và tha thứ cho những thiếu xót của chúng con. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
======================
Suy niệm 6
Tin tưởng vào Chúa và tha thiết nguyện cầu
(Lc 11, 1-13)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng vào Chúa và tha thiết nguyện cầu. Bài đọc I (St 18, 20-32) là một minh họa đầy đủ ý nghĩa nhất. Khi tội lỗi tràn ngập xứ Sôđôma, Abraham đã van nài Chúa, thậm trí mạc cả với Chúa cho đến khi có được lời Chúa hứa là không tiêu diệt thành Sôđôma nữa nếu như tìm thấy mười người công chính, Abraham đã tìm thấy tột đỉnh của tình thương Chúa là sự tha thứ. Tin Mừng (Lc 11, 1-13) thuật lại cho chúng ta lời nguyện cầu của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa dạy các môn đệ. Người không dạy họ một công thức cầu nguyện cho bằng dạy họ hướng về Thiên Chúa là Cha bằng tình con thảo với trọn niềm tin, vì: “Kẻ cô thân Thiên Chúa cho nhà cửa, chính Người ban tặng cho dân dũng lực uy quyền.”(Ca nhập lễ).
Gương của tổ phụ Abraham
Từ cây sồi ở Mambrê Thiên Chúa tỏ ý định của Ngài cho Abraham (x. St 18,1), và Abraham nhận ra lòng thương xót Chúa. Khi tội lỗi tràn ngập xứ Sôđôma, Abraham đã dám thưa cùng Chúa :“Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao?” (St 18, 24-25). Và ông tiếp tục mạc cả với Thiên Chúa cho đến khi có được lời Chúa hứa là không tiêu diệt thành Sôđôma nữa nếu như tìm thấy mười người công chính. Vấn đề là Thiên Chúa không bao giờ muốn tiêu diệt thành Sôđôma. Abraham sợ chứng kiến cảnh Thiên Chúa trừng phạt Sôđôma và Gômôrha. Với lòng thương dân sẵn có, Abraham đã nguyện cầu, đến nỗi táo bạo mặc cả với Chúa. Ông tin vào Thiên Chúa, nhưng giờ đây niềm tin đang bị thử thách, ông tự hỏi: Liệu Thiên Chúa có trung thành với lời giao ước tình thương đối với dân không? Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, nếu nói rằng Abraham mặc cả với Chúa, không có sai, vì ông đã giảm giá dần, từ năm mươi người xuống còn mười người. Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá”. Abraham thấy các thành rơi vào cảnh bi đát, sắp bị Chúa tàn phá và ông tìm kiếm một con đường giải thoát cho hai thành. Ông kêu van, mặc cả nhưng không nói lộng ngôn phạm đến Chúa, Chúa đã nhận lời ông cầu xin.
Cầu nguyện như Đức Giêsu dạy
Niềm tin vào Thiên Chúa của Abraham bị thử thách, đó cũng là niềm tin của chúng ta nói chung. Vì nhiều khi chúng ta xin mãi mà không được, nên chán nản. Chúng ta cùng xem Chúa Giêsu cầu nguyện và dạy các môn đệ ra làm sao (x. Lc 11, 1-13).
Chuyện là khi các môn đệ chiêm ngắm Thầy cầu nguyện, có người thưa: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Chúa Giêsu đáp ứng lời xin và dạy : “Khi anh em cầu nguyện, thì hãy cầu nguyện như thế này : ‘Lạy cha…”. Người mời gọi các môn đệ hướng về Cha, đi vào trong tương quan thân tình với Thiên Chúa là Cha. Bởi lịch sử cứu độ con người là một chuỗi dài của tình phụ tử giữa Thiên Chúa với lòng hiếu thảo của con người. Thiên Chúa cất tiếng gọi con người đáp trả và tìm thấy lòng tốt hảo của Thiên Chúa là Cha. Con người khát khao Thiên Chúa gặp được lòng mến của Thiên Chúa đối với con người, con người được Chúa ban ơn.
Chúa Giêsu dạy chúng ta thưa cùng Thiên Chúa “Lạy Cha” là Người đưa chúng ta vào trong tương quan diện đối diện với Thiên Chúa, khiêm tốn, tin tưởng bước vào với tình con thảo. Tuy lời cầu nguyện tạ ơn dài trong Thánh Vịnh thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con tạ ơn danh Chúa vì tình thương và chân lý” ; “Nếu tôi đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn tôi sống” ; “Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại đến muôn đời” (Tv 137, 1-8)… Nhưng, thánh vịnh gia còn phải đương đầu với quân thù và những cám dỗ đang rình rập, lúc mà Thiên Chúa trung thành hình như vắng mặt.
Thiên Chúa luôn giữ lời hứa, muôn đời không hề thay đổi. Vậy, tại sao ta lại nghi ngờ về tình phụ tử của Thiên Chúa? Chúa Giêsu bảo đảm rằng những lời nguyện cầu mà chúng ta dâng lên Chúa Cha sẽ luôn được nhận lời : “Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,10). Người lưu ý chúng ta: “Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.” (Lc 11,10) Người làm cho chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng không chỉ sẽ nhận lời mà còn trao ban cho chúng ta những điều tốt hơn điều chúng ta cầu xin.
Chúng ta đã chẳng đọc những lời của Chúa Giêsu rằng, Đấng trao ban còn quí trọng hơn những gì là ân huệ Ngài trao ban sao ? Chính Chúa, là kho tàng quí giá nhất mà chúng ta nhận được trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện, là để Thiên Chúa đến ở với chúng ta và biến đổi chúng ta. Dần dà, chúng ta tìm thấy những gì tội lỗi đã làm hư mất. Và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta làm cho mình trở lên trung gian của tình yêu Thiên Chúa giữa anh em.
Người tín hữu đích thực không chỉ cầu nguyện trong tình con thảo mà lời cầu nguyện còn đưa chúng ta vào trong niềm tin hòa giải : “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có nợ chúng con”.
Lấy lại những lời nguyện cầu của Chúa Giêsu, chúng ta thưa: “Lạy Cha xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Lúc đó, chúng ta sẽ thực sự trở nên môn đệ Đức Giêsu, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và trở nên những sứ giả mang tình yêu của Chúa Cha đến với muôn người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

====================
Suy niệm 7
Kiên nhẫn trong cầu nguyện

St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11, 1-13
Tin Mừng hôm nay kể rằng, một trong các môn đệ “ngắm nhìn” Thầy cầu nguyện ở nơi kia, chắc ông thấy “sốt sắng” lắm mà không biết các ông làm thế nào để cầu nguyện giống như Thầy mình. Đợi Thầy cầu nguyện xong, lập tức ông xin Thầy chỉ dạy cách cầu nguyện. Thầy chỉ ngay một kinh cầu nguyện ngắn gọn mà đầy đủ, đúng nghĩa nhất:Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11, 3-4). Kinh Lạy Cha được mở đầu bằng câu “Lạy Cha chúng con”, diễn tả tâm tình của các con với Cha mình thật đậm đà ấm áp: Cha của chúng con, chúng con là con của Cha, tất cả chúng con là anh em con một Cha với nhau. Con yêu Cha thì trước hết phải cầu mong cho danh Cha được cả sáng bằng cả đời sống thực hành của con. Chúng con mong Nước Cha được hiển trị như Thánh Ý của Cha. Con được biết Ý của Cha khi gẫm suy Lời Cha để thực hành và sinh hoa trái tốt đẹp trong đời mình. Xin Cha lương thực hằng ngày không chỉ là cơm bánh vật chất, mà còn được nuôi dưỡng bằng của nuôi linh hồn nữa, mà “của trọng nhất” là chính Lời và Thánh Thể Chúa. Chúng con xin ơn tha tội, như chúng con cũng phải tha cho những người làm buồn chúng con, đây là điều kiện để được tha thứ.
Tiếp đến là câu chuyện đi vay bánh đang đêm để tiếp khách, Thầy Giêsu chứng tỏ giá trị của sự kiên nhẫn trong cầu nguyện, rồi cuối cùng sẽ được thỏa lòng ao ước của người xin. Làm phiền người khác khi họ đang trong giấc ngủ là sự quấy rầy không nên chút nào. Bình thường anh sẽ bị chối từ với lý do làm khuấy động ảnh hưởng cả nhà, vì đang đêm cửa đóng then cài. Nhưng anh bạn này cũng phải dậy giải quyết, không phải vì tình bạn, mà bởi vì... “anh ta cứ lì ra đó”.
Thế nên Thầy bảo: “Anh em hãy xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Nghe lời này ai mà chẳng thích thú? Nhưng muốn thì phải xin, phải “tìm”, phải “gõ cửa”, rồi mới được chứ nhỉ? Để các ông an lòng tin tưởng, Thầy còn giải thích: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? (Lc 11, 11-13). Cha mẹ thế gian yêu thương con, mà nhiều khi đứa bé đâu hiểu hết, khi cha mẹ cho ăn ngon mặc đẹp, cưng chiều, với nó “bố là tất cả”! Lúc ốm đau cha mẹ ép uống thuốc đắng, đưa đi bác sĩ chích thuốc đau lắm, nó lại thấy cha mẹ như chẳng thương mình. Nó đâu biết rằng khi nó chịu đau, cha mẹ còn xót dạ đau hơn ấy chứ, nhưng vì muốn nó hết bệnh, được khỏe lại và ngày càng lớn khôn.
Thầy ơi! giữa cuộc đời đầy bế tắc khổ đau hôm nay, nếu chúng con ngu ngơ kém tin chẳng tìm, chẳng gõ cửa để gặp Thầy, thì biết Thầy ở nơi nao? Chúng con mò mẫm rờ rẫm trong giới hạn của loài người. Ngày nay nếu chúng con “tìm đến”, “gặp” và “ở lại” trong Thầy, chúng con được Thầy trao ban cả chính Mình Thầy cho. Ơn tầy trời này chính Thầy rộng mở tay ban chứ chúng con nào dám “xin”? Trong Thầy chúng con no thỏa không còn thiếu thốn bế tắc, được hạnh phúc sung mãn tràn đầy. Được chìm đắm trong tình yêu Thầy, chúng con lại đem tình yêu (những của tốt lành) múc vợi nơi Thầy mà trao cho anh em, những người chúng con gặp gỡ. “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7,12).

 
Én Nhỏ
                                                                                            
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log