Suy niệm 1
-----------------------------
Với việc sai 72 môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng bổn phận của mỗi người kitô cũng phải truyền giáo. Chúng ta thường nghĩ rằng việc loan báo tin mừng là công việc của các linh mục và tu sỹ. Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm loan báo Nước Thiên Chúa.
Để làm được điều đó, chúng ta phải loan báo bằng chính cách sống của mỗi người chúng ta nhiều hơn là việc rao giảng bằng lời. Chúng ta phải chuyển giao sứ điệp vào ngay trong gia đình chúng ta, nơi làm việc của chúng ta cả trong lãnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa.
Việc loan báo tin mừng không dễ gì trong một thế giới duy vật, nhiều người sống như thể không có Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần phải hiểu thấu nỗi lòng của Chúa Giêsu: “Lúa chín nhiều mà thờ gặt thì ít”. Những tín hữu tiên khởi của Giáo Hội đã phải đối diện với tình trạng này, họ thành lập từng cộng đoàn nhỏ giữa một biển người ngoại giáo, mê tín và dị đoan.
Khi sai các môn đệ,
- Chúa Giêsu không nói về về nội dung sứ điệp mà các ông phải rao truyền. Ngài không cho họ một mệnh lệnh nào về giáo lý. Ngài không nói về nội dung đức tin,
- Nhưng Ngài nhắc các ông phải có một thái độ cư sử thế nào cho tốt. Thái độ cụ thể của người mang sứ điệp: không lệ thuộc vào những gì không cần thiết, phải hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa… Ngày nay nhiều người đi truyền giáo đã quên mất mệnh lệnh căn bản này.
Trước hết chúng ta phải có một thái độ bình an. “Thầy sai anh em như con chiên ở giữa sói rừng… Trước hết anh em hãy nói bình an cho nhà này”.
Chúng ta được sai đi không phải là để chuyển đổi, để lôi kéo người khác theo chúng ta.., nhưng là để chỉ cho mọi người biết chúng ta yêu họ, chúng ta muốn điều tốt cho họ, chúng ta muốn mang đến cho họ sự bình an. Và Thiên Chúa sẽ làm những gì còn lại.
Chúng ta mang bình an cho người khác với thái độ của con chiên hiền lành chứ không phải là chó sói. Chúng ta phải biết yêu, chứ không được hung hăng. “Người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy nếu anh em thương yêu nhau”. Điều mà chúng ta mang đi truyền giáo chính là BÌNH AN chứ không phải một giáo lý hoặc luân lý. Thế giới chúng ta đang rất cần bình an, không phải là bình an kiểu vũ khí, nhưng là bình an của Thiên Chúa.
Chỉ có bình an của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể gặp nhau, đánh giá đúng cho nhau, làm giàu cho nhau và cùng nhau đi vào giao ước tình yêu với Thiên Chúa. Ngược lại với bình an, đó là tình trạng căng thẳng, ngờ vực, chống đối, đua tranh, loại trừ nhau, cô lập và dửng dưng. Tất cả những tình trạng này sẽ dẫn tới bạo lực và xung đột dưới mọi hình thức.
Như vậy chúng ta được sai đi để đem bình an. Chúa Giêsu còn nói: “Hãy ăn các món mà người ta dọn cho và hãy chữa lành các bệnh tật”. Vì vậy là người ki-tô, trước hết phải chia sẻ cuộc sống với những người xung quanh chúng ta. Vấn đề về ăn uống xem ra là phụ trong xã hội hôm nay, nhưng theo Dothai giáo, người ta rất để ý đến việc này và có những luật cấm kỵ về ăn uống. Những lời nói trên đây của Chúa Giê-su như là một cuộc giải phóng và mời gọi chúng ta phải thích ứng với cuộc sống của những người đón tiếp chúng ta. Hãy ăn như họ, đừng để lại những khác biệt với nền văn hóa của họ. Phải thực sự hòa nhập với họ bằng một tình yêu thực sự.
Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta chữa bệnh tật, trở nên gần gũi với những người chịu đau khổ, đồng hành với những ai sống trong cảnh cô đơn. Một Tin Mừng thực sự là phải làm cho sự dữ thoái lui, làm giảm nhẹ và chữa bệnh tật…
Kitô giáo không phải là một tôn giáo của những ước vọng đạo đức, nhưng là một tôn giáo giúp đỡ lẫn nhau, tình bác ái huynh đệ và chia sẻ cho nhau.
Sau cùng Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta được sai đi truyền giáo không phải là để có thành tích, nhưng vì chúng ta được Thiên Chúa yêu: “Anh em hãy vui mừng vì tên của anh em đã được ghi ở trên trời”.
Khi hợp với nhau cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta gặp được Thiên Chúa, Đấng ban bình an và sức mạnh của Ngài cho chúng ta. Và chúng ta trở về gia đình bằng cách sống của chính chúng ta. Nếu chúng ta làm được như vậy cũng là để mời Chúa đến bên đàn con cháu và tất cả những người chúng ta quen gặp, mặc dù họ không lưu tâm đến việc Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ hay không…
Sứ mệnh truyền giáo của chúng ta là chuẩn bị cho việc Chúa đến bằng chính đời sống chúng ta. Và cái còn lại thì để mặc Thiên Chúa làm.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
========================
Suy niệm 2
Làm dịu cơn khát của Thiên Chúa
Lc 10, 1-12
Cách đây 2.000 năm, Chúa Giê-su đã từ trời xuống thế và khởi đầu công cuộc loan báo Tin mừng cứu độ. Kế đó, Ngài sai 12 tông đồ đi rao giảng và rồi, Ngài tuyển chọn thêm 72 môn đệ khác làm sứ giả loan báo Tin mừng cho muôn dân.
Hôm nay, trong thế kỷ 21 này, Ngài tuyển chọn thêm rất nhiều môn đệ nữa, trong số đó phải kể đến 1 tỷ 300 triệu người công giáo và hơn 1 tỷ người khác thuộc các Giáo hội của Chúa Ki-tô được cũng mời gọi tham gia vào công cuộc loan Tin mừng cho chừng 7 tỷ rưỡi người trên thế giới.
Như thế, mỗi người chúng ta đều thuộc hàng ngũ các môn đệ Chúa Giê-su, được Ngài sai đi loan báo Tin mừng.
Chúng ta lãnh nhận sứ vụ loan Tin mừng từ lúc nào?
Từ ngày lãnh bí tích Thánh tẩy, chúng ta được trở nên chi thể, trở nên bàn tay của Chúa Giê-su như Hội thánh dạy: “Bí tích Thánh tẩy làm cho ta trở thành chi thể Chúa Giê-su” (GLHTCG 1267).
Và thánh Phao-lô cũng nhắc chúng ta nhớ rằng: “Anh em không biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Chúa Giê-su sao!” (IC 6,15).
Vì được trở nên chi thể của Chúa Giê-su, trở nên bàn tay của Chúa Giê-su… nên chúng ta được thông dự vào vai trò ngôn sứ, tư tế và vương đế của Chúa Giê-su.
Thế là hôm nay, Chúa Giê-su muốn tiếp tục đến với mọi người, đặc biệt là những người bất hạnh, qua chúng ta là đôi chân của Ngài; Ngài muốn tiếp tục săn sóc những người đau khổ, dìu dắt những người lầm lạc qua chúng ta là đôi tay của Ngài; Ngài muốn tiếp tục yêu thương mọi người qua chúng ta là con tim của Ngài, muốn tiếp tục rao giảng lời ban sự sống của Ngài qua chúng ta là môi miệng của Ngài.
Vấn đề là chúng ta có chấp nhận để cho Ngài sử dụng chúng ta để thực hiện điều Ngài mong muốn hay không.
Cơn khát mãnh liệt của Thiên Chúa
Thiên Chúa là người Cha giàu lòng yêu thương, hết sức trân quý và mến yêu loài người là đoàn con chí ái mà Ngài đã sinh ra bằng mối tình phụ tử vô cùng thắm thiết. Tiếc thay, hàng tỷ người trên mặt đất hiện nay không nhận ra Ngài là Cha yêu thương, chưa biết mọi người chung quanh là anh chị em ruột thịt con cùng Cha trên trời, vì thế, họ quay lưng lại với Cha trên trời, họ sống thù nghịch với nhau, gây cho nhau vô vàn đau thương khốn khổ suốt dòng lịch sử nhân loại.
Trước thảm cảnh này, Thiên Chúa rất đau lòng và khao khát biết bao cho muôn dân nhận biết Ngài là Cha, nhìn nhận nhau là anh chị em ruột thịt, nhờ đó mới có thể chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn, để cùng chung tay xây dựng cuộc sống hạnh phúc trong đại gia đình Thiên Chúa.
“Cơn khát” này đã dày vò Thiên Chúa triền miên qua bao thời đại. Để xoa dịu, để giải tỏa “cơn khát” mãnh liệt này, Thiên Chúa cậy nhờ chúng ta hai việc sau đây:
- Thứ nhất, Ngài muốn sử dụng chúng ta như môi miệng để loan báo cho muôn người nhận biết họ có một Người Cha tuyệt vời là Thiên Chúa và mọi người là anh chị em ruột thịt con cùng Cha, để cùng nhau vui sống trong đoàn kết yêu thương. Lẽ nào chúng ta cứ ngậm tăm mà không mở miệng?
- Thứ hai, Thiên Chúa muốn nhờ chúng ta làm những bàn tay đưa ra để dẫn dắt anh chị em lưu lạc về với Ngài. Lẽ nào chúng ta lại làm như bàn tay tê bại không nhúc nhích, không làm theo ý Chúa?
Khi tôi khát nước khô cháy cổ, tôi muốn giơ tay ra để bưng ly nước lên nhưng tay tôi bại xụi, không giơ ra được, không cầm ly nước đưa lên môi được… thì thật tội nghiệp cho tôi! Khát lắm… nước sẵn đó, ngay trong tầm tay mà không với tới để uống được, buồn lắm thay!
Tương tự như thế, Thiên Chúa khao khát mãnh liệt được muôn dân nhìn nhận và quay về với Ngài mà không được đáp ứng thì Ngài buồn khổ biết bao!
Lạy Chúa Giê-su,
Hôm nay, Chúa đang khao khát trông chờ đoàn con lưu lạc chưa hề nhận biết Chúa cùng về sum họp trong nhà Cha và Chúa muốn dùng chúng con như đôi tay của Chúa để dẫn đưa những anh chị em này về đoàn tụ…
Vậy, nếu chúng con làm ngơ trước “cơn khát” của Chúa; nếu chúng con làm như bàn tay tê bại, cứ trơ trơ, im lìm, bất động… không đáp ứng nguyện vọng đó, thì chúng con có còn là chi thể của Chúa, có xứng đáng được gọi là môn đệ của Chúa nữa không?
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
========================
Suy niệm 3
Lời Căn Dặn Của Chúa Giêsu Cho Người Được Sai Đi Rao Giảng Tin Mừng
Lc 10, 1-12.17-20
1. Lời căn dặn cho người môn đệ ngày xưa (nhóm bảy mươi hai)
Thánh Luca cho chúng ta thấy hai lần Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng, (lần một: sai nhóm Mười Hai (Lc 9, 1-6), lần hai: sai nhóm bảy mươi hai (Lc 10, 1-12)). Và cả hai lần đều sai đi từng hai người một, cả hai lần đều căn dặn về cung cách sống và hành xử của người tôi tớ được sai đi. Cung cách sống và hành xử ấy chính là: đời sống cầu nguyện, khó nghèo và khiêm nhường. Hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa, hãy ra đi chân không, tay không, không gậy, không giầy, không bao bị, lương thực, không tiền bạc và chỉ một manh áo để che thân. Trên đường không dừng lại để chào hỏi, đi đến đâu thì đem bình an đến đó, không đòi hỏi hay chọn lựa nơi chốn nhà này người nọ theo ý riêng mình. Nhưng chỉ mang hành trang của chủ là Đấng đã sai mình, hành trang ấy là lời loan báo Nước Thiên Chúa, là Tin Mừng bình an và quyền chữa bệnh để mọi người đều thấy: “Triều đại Thiên Chúa đang và đã đến gần” (10, 2-9).
2. Lời căn dặn cho người môn đệ ngày hôm nay
Hôm nay Chúa sai chúng con ra đi Chúa căn dặn chúng con những gì? Những căn dặn của Chúa cho chúng con có giống các môn đệ xưa không?
Để sai chúng con ra đi hôm nay có lẽ Chúa sẽ căn dặn chúng con khác với căn dặn các môn đệ xưa, vì cánh đồng con người ngày hôm nay khác ngày xưa. Chúa không cấm chúng con mang hành trang của mình, có thể chúng con vẫn có những phương tiện xe cộ cần thiết để đi lại, có thể chúng con vẫn có giầy dép, có vài bộ quần áo, có máy tính, điện thoại, ví tiền…
Nhưng có lẽ điều Chúa muốn căn dặn chúng con là: những hành trang chúng con mang không được làm chúng con nặng nề, không được làm cản trở, hay chùn bước tiến của chúng con, và những hành trang đó càng không được làm chúng con mất tín thác vào Chúa, làm chúng con xa lạ với những con người chúng con được sai đến phục vụ, nhất là những con người đau khổ và nghèo đói.
Điều Chúa căn dặn chúng con ra đi không luôn là ra khỏi nơi chốn mình ở để đến với những người xa lạ ở nơi khác, nhưng là hãy ra khỏi con người, ra khỏi tính ích kỷ, lười biếng của chúng con để đến và đón nhận tha nhân trong chính gia đình, cộng đoàn chúng con đang sống, trong chính nơi chúng con đang học tập, làm việc và phục vụ.
Điều Chúa căn dặn chúng con là hãy ra đi với con người cầu nguyện: cầu nguyện cho Tin Mừng của Chúa được rao giảng, cho con người được đón nhận tình yêu cứu chuộc, và cho chúng con luôn sẵn sàng làm công việc Chúa sai, đi đến với những con người Chúa muốn.
Điều Chúa căn dặn chúng con là hãy ra đi đến với tha nhân với một trái tim siêu thoát, để luôn biết chấp nhận tất cả mà không đòi hỏi, không tìm kiếm dễ dãi, tiện nghi. Một trái tim thương xót, để lắngh nghe, thấu hiểu những khát vọng của con người hôm nay, để cảm thông và xoa dịu nỗi khổ đau họ đang chịu. Và một trái tim luôn trăn trở để Tin Mừng của Chúa được rao giảng cho hết mọi con người.
Điều Chúa căn dặn chúng con là hãy sống hài hòa với điều mình rao giảng, để tạo sự gần gũi, thoải mái, bình yên và tin tưởng cho những người chúng con gặp gỡ, sẻ chia, vì khi tin tưởng rồi họ mới dám lắng nghe chúng con nói về Chúa, nói về niềm hy vọng vào Chúa Kitô.
Điều Chúa căn dặn chúng con là….
Lạy Chúa, xin cho con một trái tim luôn yêu thương, một trái tim luôn trăn trở để Tin Mừng Chúa được rao giảng cho hết mọi người, xin cho con nhận ra những đòi hỏi của sứ mạng ngày hôm nay, để con biết chuẩn bị, để con trở nên môn đệ đích thực của Chúa và xin Chúa hãy sai con vào trong thế giới để làm chứng nhân cho tình yêu. Amen.
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
========================
Suy niệm 4
Cẩm Nang Nhà Truyền Giáo
Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai. Ngài cho các ông sống bên cạnh mình. Ngài trực tiếp huấn luyện bằng cách cho các ông được nghe những lời Ngài giảng, được xem những việc Ngài làm. Sau đó, Ngài sai các Tông đồ ra đi thực tập truyền giáo. Chúa Giêsu còn chọn thêm nhiều môn đệ nữa. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy 72 môn đệ được sai phái thêm sau chuyến sai đi Nhóm Mười Hai (Lc 9,1-6) vì "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít" (Lc 10,2). Thánh Luca muốn nhấn mạnh rằng, không riêng gì các Tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Hai động từ "gọi, sai đi" diễn tả rõ rệt ơn gọi của các môn đệ. Trước khi các học trò lên đường, Chúa Giêsu căn dặn nhiều điều như là hành trang cần thiết cho sứ vụ tông đồ. M. Quesnel ví những lời đó như "một loại thủ bản, một cẩm nang cho một nhà truyền giáo hoàn hảo"1.
1. Hành trang Tông đồ
Hành trang đi đường chỉ là: cây gậy, đôi dép, không mang hai áo. Ý nghĩa ở đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.
Chuyến đi nào cũng cần đến những hành trang. Hành trang cồng kềnh bước đi sẽ chậm. Hành trang gọn nhẹ bước tới sẽ nhanh. Hàng trang càng được tinh giản chỉ còn lại những gì thiết yếu nhất thì bước chân cũng sẽ thanh thoát khai lối cho mùa sứ vụ.
Hành trang của những kẻ lên đường xem ra chẳng có gì. “Gậy và dép” như gợi lại buổi Xuất hành. Nhẹ nhàng quá! Bận vướng với của cải đất đai sản nghiệp đùm đề làm sao có đủ tự do để bứt ra mà dứt khoát lên đường?
Hành trang của những kẻ lên đường xem ra chẳng có gì. “Không bánh, không bị, không tiền, không hai áo”. Nghèo khó quá! Chả bù cho con người ngày nay luôn biết tích lũy lo xa, có của ăn chưa đủ, còn có của để dành nữa. Nhưng cái nghèo về tài sản lại cho thấy cái giàu về đức hạnh. Không lo chiếm hữu hoặc gắn bó với của cải vật chất, người Tông đồ trở nên thanh thản lên đường bất cứ lúc nào. Không bận vướng những thứ lỉnh kỉnh làm nặng bước đi hoặc làm chùn bước tới, người Tông đồ học sống tinh thần phó thác để chỉ biết đợi chờ tất cả nơi một mình Thiên Chúa.
Xem ra chẳng có gì. Mà thực ra lại có tất cả. Bởi hành trang đích thực của họ chính là Chúa, Đấng đã nên sản nghiệp cho những kẻ được sai đi 2.
Hành trang ấy còn có ý nghĩa đặc biệt nữa. Đó là các môn đệ được tham dự vào ba chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Giêsu. Cây gậy của vương đế, đôi dép của tiên tri, và tấm áo của tư tế.
Cây gậy trong tay biểu trưng cho sức mạnh của Thiên Chúa thông ban cho người thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ra đi với niềm tin vào năng quyền của Thiên Chúa trao ban: công bố Tin mừng cứu độ của Đức Kitô, chữa lành và thánh hoá nhằm cải thiện đời sống, xua trừ ma quỷ hầu chế ngự và đẩy lui các thế lực sự dữ.
Đôi dép là hình ảnh luôn lên đường. Truyền giáo là ra đi. Đi để mang sứ điệp Tin mừng đến với muôn dân. Sứ vụ sai đi khởi phát từ Chúa Cha "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em".
Người ra đi mang áo là mặc lấy tâm tình Chúa Giêsu. Nhờ đó, các môn đệ làm cho cuộc đời mình trở nên của lễ hiến dâng hợp với hiến lễ Chúa Kitô.
Chúa Giêsu còn trao cho các môn đệ những quyền năng của Ngài: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ.
Với những hành trang như thế, Chúa Giêsu muốn tỏ cho thấy sự thành công trong hoạt động Tông đồ không do tài lực của con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa.
2. Phương thức hoạt động Tông đồ.
Sứ vụ loan báo Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác. Khi sai đi "từng hai người một", Chúa Giêsu mong các môn đệ hợp tác và liên đới với nhau, khích lệ và bàn hỏi nhau khi gặp khó khăn "Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy" (Gv 4,9). Hai người làm việc chung, nâng đỡ nhau biểu lộ tình yêu thương nhau như một dấu chỉ đặc trưng của môn đệ của Chúa (x. Ga 13,35). Dấu chỉ này là một chứng từ sống động và lôi cuốn người khác.
Trong Công vụ Tông đồ, các nhà truyền giáo thường lên đường với nhau "từng hai người một”: Phêrô đi với Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô với Banabê (Cv 1 3,2); Giuđa và Sila (Cv 15,22)… Hoạt động Tông đồ luôn là tạo thành nhóm. Nếp sống huynh đệ là một bài giảng về tình yêu. Chứng tá về tính hiệp nhất khi gắn bó với Đấng đã sai mình, chứng tá về tình huynh đệ khi nhận ra mình được sai đi "từng hai người một”. Chứng tá Kitô hữu phải nhắm đến một hình thức cộng đoàn trong Giáo Hội. Cuộc sống yêu thương trong cộng đoàn vừa là dấu hiệu của người môn đệ Chúa Giêsu, vừa là lời rao giảng sống động, hùng hồn nhất về Tin Mừng.
Chúa Giêsu gọi các môn đệ và sai đi truyền giáo. Giáo hội tiếp nối sứ vụ được sai đi, đến với muôn dân. Ra đi là dấn thân đi đến gặp gỡ mọi người với tinh thần đơn sơ, từ bỏ và tự do, để loan báo tin vui và mang đến cho họ ơn cứu độ.
Như thế, Tông đồ là người lên đường chứ không phải xuống đường. Lên đường là một tinh thần nhạy cảm của Tin Mừng được thể hiện qua lối sống gắn bó với sứ vụ. Nhạy cảm với những thao thức của thời đại để tìm đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, nới rộng kiến thức, mong diễn đạt Tin Mừng sát với ngôn ngữ hiện tại. Nhạy cảm với nhu cầu của tha nhân bằng muôn ngàn cách thể hiện lòng nhân ái vốn là điểm sáng của giới luật yêu thương, đồng thời là dấu hiệu dễ nhận ra nhất của Tin Mừng cứu độ. Nhạy cảm với Giáo Hội để tìm hiệp nhất. Nhạy cảm với đồng nghiệp để tìm huynh đệ nâng đỡ cộng tác. Nhất là, nhạy cảm với Chúa để tìm thuộc về Ngài mỗi ngày một hơn. Và dọc dài sứ vụ, tư thế lên đường sẽ làm nên hình ảnh chứng nhân 3.
3. Sứ vụ Tông đồ là sống chứng nhân
Trao "Sứ vụ” cho các môn đệ, Chúa Giêsu không bảo các ông “phải giảng điều gì". Ngài chỉ căn dặn các ông những chi tiết "phải sống". Đối với Chúa Giêsu, ra đi làm chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói.
Trong Tông huấn "Loan báo Tin Mừng", Đức Thánh Cha Phaolô VI quả quyết ít nhất hai lần rằng, phương thức thứ nhất để rao truyền Phúc Âm chính là làm chứng bằng một cuộc sống Kitô hữu đích thực (x. số 21 và 41).
Có ba cách làm chứng: nói, làm và sống. Hiệu năng nhất là cách thứ hai và thứ ba. Ai cũng biết nói thì dễ, làm khó hơn, và sống như mình nói lại càng khó hơn nữa. Chính việc làm và đời sống làm cho lời mình nói đáng tin hơn. Nhưng cả khi người ta chưa nói hay không thể nói, chưa làm hay không thể làm một số điều nào đó, thì người ta đã có thể sống điều mình xác tin và muốn chia sẽ.
Theo Đức Phaolô VI, làm chứng bằng cuộc sống, bằng hành động cụ thể là một cách rao giảng thầm lặng, không nghe được, nhưng thấy được và rất hữu hiệu, nhất là đối với con người thời nay vì hai lý do: một là vì thời nay (thời của khoa học thực nghiệm và của óc thực tiễn), người ta nhạy cảm với việc làm và dị ứng với lời nói và các học thuyết, hai là vì trong thế giới trần tục hoá ngày nay, như ở Việt Nam chẳng hạn, tôn giáo bị đẩy ra bên lề như chuyện riêng tư, thế nên không phải bất kỳ ở đâu và lúc nào người ta cũng có thể, hay nên trực tiếp rao giảng Tin Mừng. Năm 1937, Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc Ấn Độ nói với các nhà truyền giáo: "Hãy để cho đời sống các ngài nói với chúng tôi như đoá hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ đơn sơ để cho hương thơm của mình toả lan. Cả người mù không nhìn thấy hoa hồng vẫn nhận ra được mùi thơm của nó. Hãy để chúng tôi nghĩ tới sự cao cả của nhân dân của các ngài khi họ toả hương thơm đời sống. Đối với tôi, đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời Kitô hữu chứ không phải chú giải nó".
Vậy để loan báo Tin Mừng thuyết phục, người Kitô hữu phải sống thế nào cho cuộc đời mình trở thành đáng tin. Đới sống đáng tin thì tự nhiên lời nói cũng đáng tin. Làm tông đồ, rao giảng Phúc Âm đặc biệt thích hợp cho ngày nay là làm cho đời sống Kitô hữu đáng tin. Như vậy toàn bộ cuộc sống ta đều phải "làm chứng": lời ăn tiếng nói, cách cư xử, giao tiếp, trong gia đình, ngoài xã hội, khi làm việc, khi vui chơi giải trí... Đối với người có ý thức truyền giáo thì nhất nhất việc gì, khía cạnh nào của đời sống họ cũng có thể là lời loan báo. Lời trách nặng nề nhất của người chưa biết Chúa đối với tín hữu Công giáo có lẽ là: Người Công giáo các anh (các chị) không mấy đáng tin; các anh (các chị) nói một đường làm một nẻo. Đức tin, giáo lý nghe thì thật hay nhưng không thấy đem lại cho xã hội một cái gì thật sự tốt đẹp và mới mẻ. Lời phê bình đó có lẽ là quá đáng nhưng thiết tưởng ta chẳng cần cãi lý làm gì, hãy coi đó như một lời nhắc nhở để chúng ta nhìn lại cuộc sống "chứng tá" của mình. Xã hội này đang suy thoái trầm trọng về đạo đức: tham nhũng, thối nát, dối trá, bất công, xì ke ma túy, sa đoạ... Ta có còn là men, là muối, là ánh sáng nữa không? 4.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát,không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết nói Tin Mừng với niềm vui,như người tìm được viên ngọc…. quý,biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen.(Mana).
- "Comment lire un évangile?", Seuil, trang 103.
- "Với cả tâm tình", trang 117-120, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống.
- "Với cả tâm tình", trang 121.
- "Đạo trong đời", trang 252-255, Lm Nguyễn Hồng Giáo.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
========================
Suy niệm 5
ĐIỀU KIỆN CẦN CỦA NGƯỜI THỪA SAI
(Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20)
Khi nói đến truyền giáo, Giáo Hội muốn chúng ta trở về căn gốc để hiểu và thấy được rằng: Đức Giêsu chính là nhà thừa sai đầu tiên được Chúa Cha sai xuống trần gian để loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.
Khi đến trong thế giới con người, Đức Giêsu đã thi hành xuất sắc sứ vụ thừa sai mà Chúa Cha trao phó cho Ngài. Sứ vụ ấy không chỉ dừng lại nơi bản thân và cuộc đời của Đức Giêsu, nhưng nó được trao truyền cho những người tiếp bước. Khởi đi từ các Tông đồ, rồi đến các môn đệ và chúng ta, đồng thời sẽ còn được tiếp diễn mãi cho đến tận thế.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về vai trò, tinh thần, sứ mạng của người được sai cũng như những cách thức thực hiện sứ vụ thừa sai.
1. Vai trò của nhà thừa sai
Bài đọc I cho chúng ta thấy vai trò thừa sai của tiên tri Isaia: ông loan báo cho dân về một giai đoạn tự do, không còn bị lệ thuộc trong thân phận nô lệ bên Babylon nữa. Bởi vì vua Ba Tư đã ký và cho phép dân Israel hồi hương, kết thúc giai đoạn lưu đày. Tuy nhiên, lòng dân vẫn chưa thấy bình an, nỗi lo vẫn còn đó...! Biết được sự trăn trở của dân, nên tiên tri Isaia đã trấn an họ bằng việc loan báo Chúa sẽ ban bình an và vinh quang cho Giêrusalem. Bổn phận của họ là kiên trì và tin tưởng vào Người để được no nê, sung sướng, bình an, được vỗ về, an ủi và nâng niu. Giống như người mẹ yêu thương con mình thế nào, Thiên Chúa cũng yêu thương dân của Người như vậy.
Sang Bài đọc II, Thánh Phaolô đã sống sứ vụ cốt lõi thừa sai của mình khi tập trung vào mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô.
Vì thế, ngài đã mạnh dạn tuyên bố niềm xác tín đó của mình khi nói: “Trong khi người Dothái đòi dấu lạ, và người Hylạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô đã bị đóng đinh vào thập giá, cớ vấp phạm cho người Dothái, sự điên rồ đối với người dân ngoại (Hylạp)” (1 Cr 1,22-23).
Không chỉ nói, mà cả cuộc đời của ngài diễn tả niềm vui vì được kết hợp với Đức Giêsu chịu đóng đinh: “Đối với tôi, không một vinh quang nào khác ngoài vinh quang thập giá Đức Kitô”.
Như vậy, vai trò thừa sai của thánh Phaolô chính là gắn bó mật thiết nơi mầu nhiệm thập giá Đức Kitô.
2. Tinh thần của nhà thừa sai
Sang bài Tin Mừng, sau khi đã gợi hứng cho các môn đệ về sứ vụ thừa sai qua hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng, Đức Giêsu bắt đầu sai họ ra đi để thu hoạch.
Trước tiên, Ngài sai “từng hai người một” ra đi loan báo Tin Mừng. Khi sai các môn đệ đi từng hai người như thế, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng: khi loan báo về Nước Trời, điều quan trọng là tính hiệp thông, hiệp nhất để cùng nhau sống và làm chứng cho sự thật.
Thứ đến, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ thấy trước những khó khăn thử thách, những rào cản trên cuộc hành trình ấy: “Thầy sai các con đi như chiên con đi giữa bầy sói” (Lc 10,3). Ngài nói trước những khó khăn như vậy để cho các ông thấy rằng, trong khi loan báo về Nước Trời, không thiếu những kẻ không muốn vào mà lại còn tìm cách ngăn cản không cho những người khác vào. Cuộc sống và hành trình này không phải lúc nào cũng xuôi trèo mát mái, mà luôn gặp phải những bão táp cuồng phong.
Tiếp theo, tinh thần siêu thoát, nhẹ nhàng là hành trang của người môn đệ. Đức Giêsu không chấp nhận nhà thừa sai mang những thứ cồng kềnh. Bởi vì những thứ đó sẽ làm cho người thi hành sứ vụ sinh ra nặng nề và đôi khi bỏ cuộc chỉ vì những chuyện phụ thuộc như “củ hành, củ tỏi”. Vì thế, Ngài nói:“Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép...”. Người môn đệ phải sống nghèo thực sự. Có sống nghèo, các ngài mới có sự cảm thông, liên đới và chấp nhận tất cả vì sứ mạng.
Hơn nữa, loan báo về Nước Trời là một sự cần kíp, cấp bách đến độ phải ưu tiên hàng đầu. Vì thế, Đức Giêsu căn dặn các ông rằng: “Đừng chào hỏi ai dọc đường”. Lý do, đây là mệnh lệnh khẩn trương, đòi hỏi người môn đệ phải nhanh nhẹn. Bởi vì, khi loan báo Tin Mừng, không được quan tâm đến những chuyện bên lề quá nhiều để rồi quên đi việc chính yếu.
Cuối cùng, là tinh thần kiên nhẫn. Phải chăng chính Đức Giêsu đã cảm nghiệm sâu sắc khi người dân quê của Ngài nhận định về mình: “Ông ấy chẳng phải là con bà Maria hay sao, cha ông ta lại không phải là bác thợ mộc…?” Rồi biết bao chống đối, ngờ vực, không tin, bị bắt bớ, đánh đòn… Nhân đây, Đức Giêsu muốn dạy cho các ông phải có tinh thần kiên trì, chịu đựng, không được nóng vội.
Như vậy, qua bài Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu đã truyền lại cho các môn đệ tinh thần thừa sai của chính Ngài, để các ông ra đi thi hành sứ vụ theo Thiên Ý chứ không phải theo cách thế phàm trần.
3. Sứ mạng thừa sai của mỗi chúng ta
Khi sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu muốn cho mỗi người chúng ta được tham dự vào sứ mạng ngôn sứ phổ quát của Ngài. Sứ mạng ấy được khởi đi từ lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Từ đó, chúng ta xác định căn tính truyền giáo thuộc về chúng ta. Bao lâu chúng ta không truyền giáo, thì bấy lâu ta đánh mất bản chất của mình. Bởi vì: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Nỗi lòng thao thức của Đức Giêsu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít…” phải là lời chất vấn lương tâm mỗi chúng ta.
Là Kitô hữu, chúng ta cùng đồng lòng và cảm nghiệm với Đức Giêsu trước những cánh đồng bao la đang độ chín vàng… Tham gia vào sứ mạng truyền giáo là chúng ta đang đóng góp cho Giáo Hội những viên gạch, hạt cát để xây nên tòa nhà Giáo Hội, nơi đó là niềm vui, hạnh phúc và bình an.
Thiết nghĩ, trong cuộc sống của con người thời nay, niềm tin đang bị đánh cắp hay bị đặt sai chỗ bởi những chủ thuyết tương đối, dẫn đến tình trạng bình thường hoá mọi mặt, kể cả những giá trị đạo đức, những chân lý đức tin. Đứng trước thực trạng trên, chúng ta có bổn phận phải thực thi sứ vụ thừa sai của mình về Chúa cho anh chị em chúng ta.
Sứ vụ ấy được khởi đi từ trong gia đình: chồng làm chứng cho vợ, vợ làm chứng cho chồng, vợ chồng sống chung thủy. Cha mẹ nêu gương sáng cho con cái. Con cái hiếu nghĩa với cha mẹ. Bạn bè sống tốt với nhau trong môi trường, công ty, xí nghiệp. Hàng xóm láng giềng ăn ở hài hoà, sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc cần kíp…
Khi sống đời chứng tá bằng những giá trị Tin Mừng như thế, chúng ta sẽ gặp không ít những khó khăn, thử thách trong đời sống. Không thiếu gì những cám dỗ làm cho muối ra nhạt, ánh sáng bị lu mờ. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn luôn nhớ mình thuộc về Đức Kitô, có tránh nhiệm mang Ánh Sáng ấy soi sáng thiên hạ.
Lạy Chúa Giêsu, còn biết bao nhiêu người chưa nhận biết Chúa, nhiều chiên lạc chưa được đưa về ràn. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con trở nên những thừa sai đích thực, luôn sẵn sàng, hăng say loan báo Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa. Ước gì mọi người con của Chúa trên trần gian này đều được quy tụ thành một ràn chiên duy nhất, dưới sự lãnh đạo của Vị Mục Tử Tối Cao là chính Chúa. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
========================
Suy niệm 6 Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng (Lc 10, 1-12. 17-20)
Tin Mừng hôm nay cho thấy có một số đông những người vây quanh Chúa Giêsu. Nhìn đồng lúa chín vàng, Chúa nói với họ: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người" (Lc 10, 2). Và Người đã chọn trong đám đông đó một số người. Anh hãy theo Ta, anh và cả anh nữa. Cho đến người thứ bẩy mươi hai...
Như thế, ngoài số Mười Hai Tông Đồ ra còn có rất nhiều môn đệ được Chúa gọi đi theo Chúa. Trong số các môn đệ Người, Chúa Giêsu đã chọn ra bảy mươi hai người khác và giao cho một sứ vụ cụ thể. Người đòi hỏi họ như đòi hỏi Nhóm Mười Hai, là dứt khoát từ bỏ những dính béng với của cải trần thế và phó thác hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa toàn năng.
Chọn xong rồi, Chúa sai họ cứ từng hai người một, đi đến các thành và các nơi mà Người định tới. Một người trong số họ đã có thể trả lời trong sự lúng túng : "nhưng lạy Thầy, con đến chỉ để lắng nghe Thầy thôi vì tất cả những gì Thầy nói đều tốt đẹp!"
Chúa cảnh báo họ đề phòng những hiểm nguy đang chờ đợi họ. "Các con hãy đi! Này Ta sai các con như chiên con vào giữa sói rừng" (Lc 10, 3). Và bằng cách dùng các hình ảnh quen thuộc của dụ ngôn, Chúa nói thêm: "Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép" (Lc 10, 4). Diễn đạt bằng ngôn ngữ biểu cảm của Chúa Giêsu là: Hãy để sự trợ giúp của con người sang một bên. Thày sai các con đi, các con cứ đi và như thế đã là đủ. Cho dù các con ở xa tít tắp, Thầy vẫn ở bên cạnh các con, đồng hành với các con.
Bẩy mươi hai người này khác với mười hai môn đệ kia, Chúa chọn gọi mười hai ông để ở với Người, còn bẩy mươi hai môn đệ ở lại với gia đình và nghề nghiệp của họ. Và sống điều họ khám phá ra khi ở bên Chúa Giêsu: để làm chứng, mỗi người một địa vị, đơn giản là để giúp đỡ những người xung quanh để họ được gần gũi Chúa Giêsu hơn.
Cuộc phiêu lưu của họ kết thúc tốt đẹp: "Bảy mươi hai trở về vui mừng" (Lc 10, 17). Ngồi quanh Chúa Giêsu, họ kể cho Chúa nghe những kinh nghiệm từng gặp, và họ khám phá ra nét đẹp của đời nhân chứng.
Biến cố thời xa xưa ấy ngày hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng, đây không phải là một ký ức đơn thuần lịch sử. Chúng ta cảm thấy mình có liên quan: chúng ta có thể đến gần Chúa Giêsu hiện diện trong các nhà thờ và tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta "mang Chúa Giêsu Kitô đến cho mọi người và dẫn mọi người đến gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô là đường, là sự thật và là sự sống, Người đang thực sự hiện diện trong Giáo hội và nơi con người hôm nay".
Thánh Công đồng Vatican II, trong Sắc Lệnh về Tông đồ Giáo dân, nhắc nhở chúng ta rằng, sau khi rửa tội mỗi người Kitô hữu được mời gọi để thực hiện một sứ mệnh nhân danh Chúa: "Vậy Thánh Công Ðồng nhân danh Chúa hết sức kêu mời tất cả các giáo dân, hưởng ứng sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hãy mau mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, Ðấng giờ đây đang tha thiết mời gọi họ. Ước gì giới trẻ hiểu rằng lời mời gọi này được đặc biệt gởi tới họ và ước gì họ vui mừng và quảng đại đón nhận. Quả thật chính Chúa một lần nữa nhờ Thánh Công Ðồng này, mời gọi tất cả các giáo dân hãy kết hợp với Người ngày một mật thiết hơn và nhận thức được những gì của Người cũng là của chính mình (x. Ph 2,5), họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu rỗi của chính Người và một lần nữa Người sai họ đi tới các thành và những nơi Người sẽ đến (x. Lc 10,1). Như thế giáo dân hãy chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa, cộng tác vào cùng một công cuộc tông đồ của Giáo Hội bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau. Những cộng tác viên phải luôn luôn thích nghi với những đòi hỏi mới của thời đại và không ngừng ra sức phục vụ Chúa bởi biết rằng khó nhọc của mình không phải là uổng phí trong Người (x. 1Cor 15,58)."(số 33)
Chúa Giêsu Kitô muốn thấm nhuần nơi các môn đệ của Người sự mạnh dạn tông đồ; chính vì lý do đó mà Chúa Giêsu nói với họ: "Này Ta sai các con" (Lc 10, 3). Và Thánh Gioan Kim Khẩu giải thích rằng: "Như thế đã đủ để ban cho các con sự can đảm, điều này cũng đủ để ban cho các con niềm tin để các con không còn sợ hãi trước sự tấn công của kẻ thù".
Sự can đảm của các Tông Đồ và của các môn đệ đến từ chính Thiên Chúa là Đấng đã chọn họ và sai họ đi. Như Phêrô đã quả quyết trước Thượng Hội Đồng rằng, nhân danh Chúa Giêsu Kitô thành Nagiarét, "vì dưới gầm trời này, không có môt Danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được giải thoát " (Cv 4,12).
"Các con hãy đi". Lời Chúa Giêsu ngày hôm nay vẫn còn rất cấp bách. Xin cho các bạn trẻ đáp lại sự sai đi của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=======================
Suy niệm 7
Được sai đi loan báo Tin Mừng Is 66, 10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10, 1-12 “Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10, 1-2).
Đức Giêsu chỉ định và sai đi các ông đi trước, vào “những nơi mà chính Người sẽ đến”. Chi tiết này chứng tỏ Người sẽ ở đó mà đồng hành với các ông dù đó là nơi nao. Con số bảy mươi hai diễn tả tầm rộng lớn của nhóm truyền giáo, tương ứng với danh sách bảy mươi hai dân tộc trên mặt đất (St 10,2-31). Không phải là tình cờ mà Người sai các ông cứ từng hai người một, bởi vì mọi lời nói phải căn cứ theo hai hoặc ba nhân chứng trong trường hợp có tranh chấp (Đnl 19,15). Người chỉ thị cho các ông: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”. Đây là những thứ cản trở việc rao giảng Tin Mừng. Làm thợ thì đáng lĩnh công, lo lắng quá nhiều về phương tiện sinh sống sẽ ngăn cản các ông dành mọi cố gắng cho việc rao giảng Tin Mừng. Chúa coi nghèo khó và thanh thoát là nét chính yếu của người tông đồ. “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Người chỉ muốn cho các ông biết tính khẩn cấp của việc rao giảng Tin Mừng, không đắn đo, trò chuyện dọc đường sẽ mất thời gian, khó hoàn thành sứ vụ quan trọng này. Người môn đệ cũng “đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” để tìm lợi nhuận vật chất hay chỗ ăn ở sung sướng hơn, nhưng phải tín thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa.
Từ khi được lãnh Bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu chúng ta cũng được Chúa Kitô mời gọi thi hành một sứ vụ. Chúa sai tôi đi vào ngay chỗ tôi đang đứng, trong hoàn cảnh địa vị mỗi người. Tôi làm mọi việc theo khả năng, chức vụ, bổn phận cùng với lòng nhiệt thành của mình. Có khi chỉ đơn giản như ngồi đó tĩnh lặng mà suy niệm, gõ vào máy tính rồi gửi email, post lên facebook... là Tin Mừng được “thổi loa” khắp nơi, góp phần cho “Lời” được vang xa. Người tông đồ được sai đi, dọn đường mở lối cho Chúa, đem Chúa đến cho người mình gặp gỡ. Không thể cho ai điều mình không có, cho nên lòng tôi phải có Chúa đầy tràn, lúc đó tôi mới có thể từ từ đem Chúa cho người khác bằng lời, bằng hành động và chính cuộc sống của tôi.
Chúng con sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng, vì giá trị này đi ngược lại với những giá trị của thế gian. Nhưng với niềm phó thác, có Chúa cùng đi với con trên mọi nẻo đường, con sẽ gặt mùa vàng.
Lạy Chúa! xin cho con biết nhìn lại và ý thức hơn nhiệm vụ cao cả Chúa trao, mà đáp lời mời gọi của Chúa. Xin giúp con hăng hái nhiệt thành ra đi loan báo, đem Chúa đến cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc bằng mọi phương tiện Chúa cho và bằng chính cuộc sống hằng ngày của con.
Én Nhỏ