Suy niệm Chúa nhật 13 thường niên C
Suy niệm 1
Nỗi cô đơn của người chạy đường dài
--------------------
Lúc bấy giờ Thiên Chúa cô đơn
“Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Chính Chúa Giêsu đã tra tay cầm cày, hướng nhìn về Gierusalem. Ngài mở đường, một con đường dẫn thẳng về Gierusalem: “Khi đã tới ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, Ngài nhất quyết lên Giêrusalem:
- Giêsu nhìn điểm cuối của con đường mà Ngài sống trên trái đất này.
- Ngài dán mắt vào giờ mà Ngài rời khỏi thế gian này và theo con đường này.
- Ngài kéo thế giới về với Thiên Chúa.
- Ngài không đánh mất mục đích của cuộc hành trình.
- Ngài đã đến để đưa nhân loại vào cõi sống và ánh sáng.
- Ngài nhìn xa hơn cái chết đang chờ đợi Ngài ở Gierusalem.
- Nhưng ngài thấy rằng phải trải qua cái chết để cả nhân loại có thể được sống!.
“Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Và Chúa Giêsu đã bước đi mà không trệch hướng. Nhưng từng bước chân Ngài càng ngày càng cô đơn:
- Người Samaria từ chối đón nhận Ngài
- Các môn đệ Ngài chỉ nghĩ đến việc tiêu diệt những người mà không muốn đón nhận Ngài hơn là để làm cho họ đi theo Ngài: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu hủy chúng không”?...Chúa Giêsu biết nỗi cô đơn của người chạy đường dài!
Bây giờ Thiên Chúa vẫn cô đơn
Chúa Giêsu biết sự cô đơn cùng cực này trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúa gửi đến chúng ta cả một ngôi làng Samaria: đó là những người khổ đau, những người gồng gánh nặng nề mà Ngài muốn nói với họ: “Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Tôi, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho”. Chúng ta đã ngăn cản họ, chúng ta không dẫn họ đến với Chúa...
Nhưng Con Thiên Chúa vẫn đi trên con đường của Ngài, Ngài vượt qua sự mù quáng và những lời từ chối của chúng ta. Ngài chấp nhận chúng ta bỏ rơi Ngài nhưng Ngài không bỏ rơi chúng ta. Ngài “cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.
Và trên đường đi đó, Ngài lại gặp một ai đó trong tôi. Ai đó, chính là tôi, là mỗi người chúng ta xin theo Ngài. Ngài nói với tôi và với mỗi người chúng ta: “Hãy theo Tôi”! Và tôi nói với Ngài: “Dù Thầy đi đâu, con cũng sẽ theo Thầy”! Nhưng Ngài biết rất rõ tôi không thể thực hiện một bước nào trên con đường này.
Con Thiên Chúa còn đi xa hơn nữa. Ngài lại gặp một ai đó trong tôi. Ai đó, chính là tôi, là mỗi người chúng ta xin theo Ngài. Ngài lại nói với tôi và với mỗi người chúng ta: “Hãy theo Tôi”! Nhưng, lúc đó không phải là thời điểm thích hợp và tôi nói với Ngài: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã"! Rồi Ngài lại một mình cô đơn bước tiếp.
Sau đó, tôi lại nghe tiếng mời gọi của Ngài. Ngài nói: “Hãy theo Tôi”! Nhưng tôi lại trần trừ, khoan giãn: “Xin Thầy cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã”. Và Chúa Giêsu biết rõ nỗi cô đơn của người chạy đường dài!
Chỉ một mình Thiên Chúa
“Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này”, Ngài đến với tôi nhưng tôi cương quyết không đi với Ngài. Ngài tiến bước một mình và cũng không quay lại đằng sau nữa. Chúa Giêsu, vào ngày đó, Ngài muốn cất tôi ra khỏi sự thờ ơ đối với Ngài. Ngài thấy rằng tôi được dựng nên cho Ngài, cho vương quốc của Ngài..Nhưng tôi lại thờ ơ lạnh nhạt. Chúa Giê-su cương quyết một mình, bị coi thường và bị khinh chê, nhưng vẫn hy vọng vào ngày nào đó với sự kiên nhẫn, Ngài sẽ đi tới tận cùng sự chai đá và câm điếc của tôi.
Như vậy Con Thiên Chúa vẫn một mình và bị bỏ qua khỏi trái tim của toàn nhân loại.. Ngài biết nỗi cô đơn của người chạy đường dài. Nhưng với các môn đệ và với mỗi người chúng ta, Ngài công bố: "Theo Thầy, chúng con cũng sẽ biết sự cô đơn của người chạy, đã tra tay vào cày thì đừng ngó lại sau lưng”!
Ngài nói với mỗi người chúng ta: “Đừng ngó lại sau lưng”!
- Hãy quên đi chặng đường đã đi và cứ nhìn thẳng về phía trước!
- Đừng dừng lại ở sự khinh miệt, thờ ơ ngu ngốc của người đời!
- Đừng để mình bị nghiền nát và chán nản trên chặng đường cô đơn này vì có Thầy luôn đồng hành với con!
- Hãy quên đi những khó khăn và cứ nhìn thẳng về phía trước. Chính Thầy đây, từng bước mở đường... Chặng đường này chính là chặng đường mà con nhận ra chỉ một mình Thiên Chúa mới là chặng đường Vương quốc Nước Trời.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Tôn trọng quan điểm người khác
Người ta thường nói: “Chín người mười ý”, vì thế bất đồng ý kiến là điều tất nhiên phải có trong xã hội loài người. Vậy mà vẫn có nhiều người không chấp nhận thực tế nầy: Họ bắt buộc người khác phải thương như mình, phải ghét như mình, phải đồng quan điểm với mình trong mọi chuyện. Có người tự cho rằng ý kiến của mình bao giờ cũng đúng, quan điểm của mình lúc nào cũng phải; ai cùng quan điểm với ta thì ta hợp tác, ai khác quan điểm với ta thì ta xa lánh hoặc loại trừ. Ứng xử như thế là một sai lầm đáng tiếc.
Hai môn đệ Chúa Giê-su là Gioan và Gia-cô-bê cũng có lần vấp phạm vào lỗi lầm này. Tin mừng thánh Luca (Lc 9, 51-56) thuật lại sự việc xảy ra như sau:
Hôm ấy, các sứ giả của Chúa Giê-su đến thương lượng với dân chúng tại một thôn làng xứ Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Chúa Giê-su đi qua làng của họ tiến về Giê-ru-sa-lem, nhưng dân làng không chấp thuận.
Họ không chấp thuận vì quan điểm của họ là phải tôn thờ Thiên Chúa trên núi Ga-ri-dim mới xứng hợp và họ bài bác những người Do-thái có quan điểm trái nghịch, chủ trương tôn thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem.
Thế là từ bất đồng quan điểm đưa đến chỗ bất hòa, từ bất hòa đưa đến xung đột. Hai tông đồ Gioan và Gia-cô-bê vô cùng tức tối trước hành động ngang ngược của dân làng này khi họ không thuận cho Chúa Giê-su đi qua làng. Hai anh em muốn hủy diệt dân làng ngay nên thưa với Chúa Giê-su: “Thưa thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”
Chúa Giê-su lập tức phản đối thái độ quá khích này. Ngài quở mắng Gioan và Gia-cô-bê về thái độ bất bao dung đó, rồi Ngài dẫn các môn đệ đi tránh qua làng khác tiến về Giê-ru-sa-lem.
Đừng mang tật sờ voi
Khi xem xét một sự việc hay một đối tượng nào đó, chúng ta thường chỉ đứng ở một vị trí, một góc nhìn nào đó để xem xét, nên thường chỉ thấy được một mặt, một khía cạnh nào đó của sự việc mà thôi. Vì thế, cái nhìn của chúng ta thường có tính cách phiến diện, một mặt, một chiều, không phản ánh đúng sự thật khách quan, như câu chuyện sau đây:
Xưa kia ở Ấn-độ có một ông vua đang lúc nhàn rỗi, bày ra một trò tiêu khiển như sau:
Vua cho gọi năm anh mù từ lúc mới sinh đến sân rồng rồi truyền đem vào một con voi lớn. Năm anh mù nầy chưa hề biết voi là gì. Nhà vua ra lệnh cho họ đến sờ voi một lát rồi mô tả lại hình dáng con vật cho vua và triều thần nghe. Ai mô tả đúng sẽ được trọng thưởng.
Sau khi sờ voi xong, mỗi anh mù đưa ra một nhận xét khác nhau về con voi. Người sờ trúng chân voi thì cho rằng voi giống như cột đình. Người sờ vào bụng voi thì nói là voi giống như tảng đá lớn. Người sờ vào tai voi thì quả quyết như đinh đóng cột rằng voi giống như chiếc quạt lớn. Người sờ trúng vòi voi thì cho rằng voi không khác gì khúc rễ cây ngoằn ngoèo…
Ai cũng khăng khăng một mực rằng mình đúng, còn những người khác thì sai nên sinh ra cãi vã dữ dội. Thế rồi không ai nhịn ai, họ lao vào đấm đá nhau túi bụi, người thì bị gãy răng, kẻ bị dập mũi, lòi mắt… máu me lai láng trông rất thảm hại. Trong khi đó, nhà vua và đám cận thần ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Năm người mù tiếp cận con voi từ năm khía cạnh khác nhau nên có năm ý kiến (năm quan điểm) khác nhau. Con người xưa nay cũng thường tiếp cận thực tại dưới nhiều góc độ khác nhau nên cũng có những quan điểm khác nhau như vậy.
Hãy tôn trọng quan điểm người khác
Vì thế, đừng vội cho rằng quan điểm của mình thì đúng còn quan điểm của bạn thì sai.
Phê bình, công kích người khác khi họ có một hướng nhìn, một ý kiến, một quan điểm khác với hướng nhìn, ý kiến, quan điểm của mình thì thật là chủ quan, thiếu khôn ngoan, sáng suốt.
Tốt hơn, sau khi đã xem xét một sự việc, một vấn đề dưới góc độ này, theo quan điểm này, chúng ta hãy đứng vào những vị trí khác, những quan điểm khác để nhìn sự việc theo những chiều hướng khác.
Biết phối hợp những hướng nhìn khác nhau, nhiều ý kiến trái chiều, nhiều quan điểm đối lập… sẽ giúp chúng ta đến gần sự thật hơn và tránh được xung khắc, bất hoà vì bất đồng quan điểm.
Lạy Chúa Giê-su,
Mặc dù dân làng Sa-ma-ri không cho Chúa băng qua thôn làng của họ để tiến về Giê-ru-sa-lem, Chúa vẫn không ghét bỏ hay phản đối họ, và Chúa đã tôn trọng quan điểm của họ nên vui lòng tránh qua đường khác mà đi.
Xin cho chúng con đừng có thái độ bất khoan dung với những người không cùng quan điểm với mình, nhưng biết tôn trọng quan điểm của người khác, biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để xem xét sự việc theo góc nhìn của họ, nhờ đó chúng con sẽ tránh được bất hòa bất thuận gây ra chia rẽ, phân ly.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 3
Điều Kiện Làm Môn Đệ Đức Giêsu
(Lc 9, 57 – 62)
Trên hành trình tiến về Giêrusalem cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu tiếp tục gọi thêm những người đi theo Ngài: “Anh hãy theo tôi” (c 59), và cũng trên con đường lên Giêrusalem ấy lại có những người khác muốn đi theo Chúa: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo…”(c 57); “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy…” (c 61). Nhưng cả người được Chúa mời gọi theo cũng như những người muốn đi theo, Chúa đều đưa ra những điều kiện cho họ, chúng ta không biết những người theo Chúa ấy là ai, kết cuộc họ có chấp nhận điều kiện Chúa đưa ra để theo Chúa hay không, Tin Mừng không nói, nên mỗi người chúng ta có thể đặt mình vào chính họ để lắng nghe những yêu sách Chúa dành cho mình mà suy gẫm và đáp lại Ngài.
1. Người thứ nhất, anh xin đi theo Chúa (c 57-58)
Đối với người thứ nhất này, Chúa Giê Giêsu không mời gọi anh, mà là anh tự nguyện xin theo Chúa bất cứ nơi đâu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”(c57)
Sau khi thấy anh xin theo mình một cách rất tự tin và hăng hái, Đức Giêsu không nói với anh: anh cứ đi theo hay không được đi theo, nhưng Ngài nhắc anh: anh có biết anh đang theo một người không có một mái nhà ổn đinh: “con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người thì không có chỗ tựa đầu”(c58)
Điều này có nghĩa là nếu anh đi theo tôi, là anh phải chấp nhận từ bỏ mọi tiện nghi, mọi an toàn trần gian, chấp nhận sự bất ổn, chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận bấp bênh nay đây mai đó.
Vậy theo một người như thế anh có dám theo nữa không, anh có dám chấp nhận một cuộc sống không lấy gì làm an toàn cho mình, ngoài việc đặt để cuộc đời anh vào sự an toàn trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
2. Người thứ hai, Chúa mời gọi anh: Anh hãy theo tôi (c 59-60)
Đối với người thứ hai này là đích danh Chúa mời anh theo Ngài: này anh, “anh hãy theo tôi” (c59). Anh này chấp nhận theo, nhưng là theo cách từ từ: xin cho tôi về chôn cha tôi trước đã, xong việc tôi sẽ theo. Có thể hiểu là cha anh đã chết rồi, nên bây giờ về để chôn cất, chôn xong anh sẽ tới theo Chúa, hoặc cha anh bệnh sắp chết, anh về phụng dưỡng cha và chu toàn chữ hiếu, lo hậu sự khi cha qua đời, rồi mọi sự xong xuôi anh sẽ theo, điều anh xin cũng đúng vì đó là bổn phận của con cái đối với đấng sinh thành. Nhưng Đức Giêsu lại trả lời anh một cách thẳng thắn dứt khoát: “cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”(c60). Có nghĩa là việc ở đời đã có người đời lo, nên cứ để cho người đời lo, cứ để kẻ chết tinh thần (người tội lỗi) đi chôn kẻ chết thân xác, anh đừng lo việc chôn cất cha anh, dù nhiệm vụ chôn cất cha là nhiệm vụ quan trọng, nhưng chuyện quan trọng hơn, chuyện cần thiết và cấp bách hơn đó là loan báo Nước Thiên Chúa, vì thế phải được ưu tiên hơn.
3. Người thứ ba, Tôi sẽ theo Chúa (c 61- 62)
Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng cho tôi về hôn chào từ biệt cha, cho tôi về làm tiệc chia tay gia đình đã. Thấy vậy “Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho anh này đã gợi cho chúng ta nhớ tới câu chuyện về ơn gọi của ngôn sứ Êlisa (1V 19: 19-21). Khi Êlisa đang cày với đôi bò trên cánh đồng, ngôn sứ Êlia mời gọi ông làm môn đệ của mình; ông xin phép được về từ giã cha mẹ mình trước đã. Được phép của thầy, ông trở về nhà, giết cặp bò, lấy cày làm củi, mở tiệc đãi người thân, rồi bắt đầu theo ngôn sứ Êlia. Nhưng để làm môn đệ Chúa Giêsu, thì Ngài đòi hỏi quyết liệt hơn ngôn sứ Êlia: khi người môn đệ đã tra tay cày bừa trên cánh đồng của Thiên Chúa, người ấy không được “ngoái lại đằng sau”, mà phải thẳng tiến về phía trước, nghĩa là không quyến luyến quá khứ (tình thân,của cải, địa vị…). vì con người thường dễ “ngoái lại đằng sau” giống như dân Do thái xưa trước những vất vả cực nhọc trên đường vào Đất Hứa lại nhớ về củ hành củ tỏi của Ai cập, hay như vợ ông Lót ra khỏi thành Sođoma rồi, nhưng còn ngoái cổ lại xem sự gì đang xảy ra phía sau. Còn ngoái lại đằng sau là chưa tập trung trọn vẹn cho phía trước, nghĩa là cứ ngập ngừng, do dự, nửa vời, không dứt khoát làm cho việc theo Chúa bị cản trở, và như vậy không thích hợp với Nước Thiên Chúa.
Để không “ngoái lại đằng sau” hãy bắt chước thánh Phao lô: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3, 13 – 14)
Suy gẫm:
Tất cả chúng ta đều được Chúa gọi đi theo Ngài trong ơn gọi của mình, và có khi chúng ta cũng đặt với Chúa rất nhiều điều kiện khi theo Ngài.
Chúng ta cũng xin phép Chúa cái này cái kia trước, chọn ưu tiên cho mình, cho lợi ích của những người thân trước ưu tiên cho Chúa.
Chúng ta có đáp trả lời mời gọi của Chúa, nhưng đáp trả cách nửa vời, đưa ra những lý do để trì hoãn, để ngoái lại đàng sau mà không tập trung tiến về phía Chúa, không toàn tâm toàn ý lo cho công việc Nước Thiên Chúa.
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
======================
Suy niệm 4
SỐNG ĐƠN GIẢN
Người ta đã đúc kết ra một nguyên lý rất giá trị thế này: "những người thành công có biệt tài là biến những điều phức tạp trở lên đơn giản". Lý do rất dễ hiểu là làm cái gì cũng cần có sự ủng hộ và tham gia của rất nhiều người, muốn họ ủng hộ, muốn họ tham gia thì trước tiên họ phải hiểu. Muốn họ hiểu thì phải thật đơn giản. Steve Jobs có biệt tài là biến chiếc iPhone, iPad là những sản phẩm công nghệ cao cấp thành những thiết bị dễ sử dụng đến nỗi trẻ em 2 tuổi, ông bà già 80 tuổi sử dụng dễ dàng mà không cần học. Nguyên lý của Steve Jobs và Apple rất đơn giản: muốn xem cái gì thì chọc ngón tay vào đó, muốn quay trở lại thì bấm vào mũi tên quay ngược, muốn to lên thì năm ngón tay xoè ra, muốn thu nhỏ thì năm ngón tay chụm vào; thao tác tự nhiên đúng như suy nghĩ của con người.
Cuộc sống thật đơn giản vì nó vốn rất đơn giản. Khi còn nhỏ thì đơn giản, lớn lên trở nên phức tạp. Khi nghèo khó thì đơn giản, lúc giàu có trở nên phức tạp. Khi thất thế thì đơn giản, lúc có địa vị thì trở nên phức tạp. Tự nhận bản thân đơn giản, đánh giá người khác phức tạp. Thật ra, thế giới này rất đơn giản chỉ có lòng người là phức tạp. Mà suy cho cùng thì lòng người cũng đơn giản, chỉ vì có lợi ích chi phối nên con người mới trở nên phức tạp. Đời người, đơn giản thì vui vẻ. Nhưng người vui vẻ được mấy người. Đời người, phức tạp thì phiền não. Nhưng người phiền não thì quá nhiều. Trong cuộc đời mỗi người đều không thể tránh khỏi những lúc buồn phiền, lo lắng thậm chí là đau khổ. Người vui vẻ không phải là người không có buồn phiền, mà là người không để cho những nỗi buồn và niềm đau ấy khống chế. (St).
Trong kho tàng văn chương tu đức Ấn Giáo có chuyện kể như sau:
Ở một làng nọ, có vị đạo sĩ, Sadhu, tu thân lâu ngày, gần đạt đến bậc thánh nhân. Dân chúng ngưỡng mộ, quý mến nhà đạo sĩ, đến thỉnh ý, tầm thầy học đạo.
Một ngày kia, thấy vị đạo sĩ rách rưới, kẻ qua đường biếu nhà đạo sĩ manh vải che mình. Những lúc Sadhu ngồi thiền niệm, bầy chuột tưởng tượng gỗ, rúc vào tấm vải gặm nhấm. Tội nghiệp, có kẻ qua đường thấy thế, biếu Sadhu con mèo bắt chuột. Dân trong làng thương tình, thay nhau đem sữa nuôi con mèo. Rồi ngày nọ, có kẻ hành hương từ phương xa, nghe tiếng thơm nhân đức, đến viếng nhà đạo sĩ. Người đàn bà giàu có ấy tặng đạo sĩ Sadhu con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Để nuôi con bò, người ta làm cho nó cái chuồng. Từ dạo đó, con bò có chuồng, vị đạo sĩ không có nhà. Thấy thế không ổn, dân trong làng làm cho nhà đạo sĩ chiếc chòi lá.
Từ ngày ấy, nhà đạo sĩ không còn nhiều thời giờ tu niệm như xưa, bận rộn nuôi con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Nuôi con mèo để đuổi lũ chuột. Phải lo sửa sang căn nhà. Dân trong làng không muốn nhà đạo sĩ mất thời giờ săn sóc con bò, họ gởi một người đàn bà đến cắt cỏ nuôi con bò, săn sóc con mèo thay cho nhà đạo sĩ có giờ thiền tu.
Nhà đạo sĩ đã có tấm vải che thân, có con mèo đuổi chuột, có con bò cho sữa, có căn nhà để ở, có người đàn bà săn sóc cuộc đời mình. Chẳng bao lâu, nhà đạo sĩ không còn thời gian tĩnh mịch nữa, ông đầy đủ hết rồi.
Đâu là con đường tu đạo? Ông lấy người đàn bà làm vợ, thế là chấm dứt cuộc đời hạnh tu…
Sống đơn giản đưa Shadu vào đời sống tu hạnh. Mất đơn giản, ông mất lý tưởng. Trong Giáo Hội, tất cả các đại thánh đều có đời sống đơn giản. Không phải trong Giáo Hội Công Giáo mà thôi, tất cả thánh nhân trong tôn giáo khác cũng vậy. (x.Những trang nhật ký của một linh mục, Nguyễn Tầm Thường, SJ).
Bài đọc 1 hôm nay kể chuyện Êlisa quyết tâm theo Êlia để làm Ngôn sứ. Êlisa là nông dân, đang cày ruộng với 12 cặp bò. Nghe Thầy Êlia kêu gọi, Êlisa đã chẻ cày làm củi, giết bò làm lễ vật, thiêu đốt tất cả để dâng tiến Chúa, rồi lên đường theo Thầy. Ruộng đất, trâu bò, cày cuốc là tài sản của nông dân. Đốt cày cuốc, làm thịt trâu bò, có nghĩa là từ bỏ tài sản, là đoạn tuyệt với nghề nghiệp cũ. Đó là một lựa chọn dứt khoát. Ra đi không vướng bận, không luyến tiếc những gì đã có. Đó là thái độ dứt khoát và phó thác, vâng phục hoàn toàn.
Khác với thái độ của Êlisa, Tin Mừng hôm nay thuật chuyện ba người muốn theo Chúa Giêsu, xin được làm môn đệ. Chúa đòi hỏi họ phải dứt khoát trong chọn lựa.
- Người thứ nhất hăng hái xin theo Chúa đi bất cứ nơi đâu. Chúa Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình. Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú, lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường. Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, không ổn định, là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x.1Pr 2,11). Theo Ngài là theo Đấng có chỗ tựa đầu. Chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ. Chỗ tựa đầu cuối là thập giá.
- Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã. Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con. Chúa Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x.Mt 15,3-9), nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
- Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.Chúa Giêsu đòi anh ta dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày, không quay lại với những kỷ niệm quá khứ, không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình, để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.
Ba người muốn xin đi theo để làm môn đệ của Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ không dứt khoát chọn lựa như Êlisa, họ vẫn còn đắn đo kỹ lưỡng, chần chừ vì những lý do xác thịt và bịn rịn gia đình. Chúa Giêsu trả lời cho cả ba trường hợp là "hãy theo Ta" và đặt giá trị thiêng liêng lên trên mọi của cải vật chất. Theo Chúa lên Giêrusalem là đánh đổi cuộc đời quá khứ để lấy một tương lai mới, tuy vô định, đầy gian nan, bất trắc nhưng tươi sáng và chân thật hơn. Ba trường hợp khác nhau, nhưng đều chung một lời mời gọi từ Chúa Giêsu. Ba lời đối thoại trên cũng là ba đòi hỏi hướng đến điều răn thứ nhất: "Phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn" (Mt 22, 37).
Theo Chúa phải can đảm, phải chọn lựa và ưu tiên tìm kiếm và loan báo về Nước Thiên Chúa trước, còn mọi chuyện khác, Chúa sẽ lo cho sau. Con đường đi tìm Chúa là con đường con đường của từ bỏ… Tuy nhiên, muốn đạt được hạnh phúc thật thì phải lựa chọn trong tinh thần dứt khoát.
Nếu cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, thì chính những chọn lựa ấy sẽ dệt nên cuộc đời riêng của mỗi người.
Nếu cuộc đời người Kitô hữu là một chọn lựa dứt khoát cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì đó chính là một chuỗi những lời đáp trả tiếng Chúa vang lên từng phút giây trong cuộc sống.
Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày, chúng ta chợt giật mình, vì thấy chúng ta thường hay chọn mình: sở thích của mình, tự do của mình, hạnh phúc của mình, gia đình của mình… Chúng ta chọn tất cả những gì ít nhiều dính dáng đến bản thân. Nhưng Đức Giêsu lại dạy: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Ơn gọi của Êlisa đến trong lúc ông đang cày ruộng, đang làm những công việc hàng ngày. Ơn gọi của Phêrô xảy đến khi ông đang thả lưới, của Môsê khi ông đang chăn chiên, của Mathêu khi ông đang ngồi bàn thu thuế… Ơn gọi tiêu biểu của mỗi cá nhân là ở trong bổn phận hàng ngày. Sống ơn gọi của mình là biết chọn lựa và ưu tiên. Đó cũng là lời mời gọi, hãy đơn giản hoá cuộc sống.
Để sống bình an vui vẻ hạnh phúc, chúng ta chỉ cần sống đơn giản. Chúa Giêsu là người thích sống đơn giản và bình thường. Suốt ba năm rao giảng, Ngài mặc những chiếc áo, mang những đôi dép giản dị. Ngài không nghĩ mình là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình trở nên như tôi tớ rửa chân cho các môn đệ, để đến với người nghèo, bệnh nhân và tội nhân. Chúa Giêsu thích sự đơn sơ và bé nhỏ giữa đời thường. Bởi vậy, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,4). Chúa Giêsu đã gieo vào lòng thế giới giá trị của yêu thương và phục vụ trong đơn giản âm thầm.
Đơn sơ là một đức tính quý báu trong linh đạo “thơ ấu thiêng liêng” của thánh Têrêxa Hài Đồng. Sống đơn sơ và giản dị. Đối với những tâm hồn đơn sơ, không cần có những phương thế phức tạp.Nếp sống của Têrêxa luôn trong sáng, thành thực và tự nhiên. Con đường thơ ấu thiêng liêng là sống cuộc sống đơn sơ, yêu mến Chúa, hướng tới trọn lành. Sống đơn giản mới có được tinh thần thanh thoát và nhẹ nhàng, chúng ta mới nhạy bén để sống theo hướng dẫn của Thần Khí chứ không theo xác thịt, vì “anh em được gọi để hưởng tự do”.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 5
THEO THẦY
1V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9, 51-62
Đang khi Thầy trò đi đường, có kẻ thưa Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo” (Lc 9, 57). Đang hứng khởi tưởng Thầy gật đầu duyệt ngay chí hướng cao đẹp, ai dè Thầy đưa ra cái giá sẽ phải trả: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Chả biết người ấy có dám theo Thầy hay không? Nhưng chúng con nghe cũng thấy chùn cả bước chân. Thầy đang nổi danh lẫy lừng thiên hạ, làm bao việc chẳng ai làm được, đám đông ngút ngàn chạy theo. Ấy vậy mà Thầy bảo theo Thầy là chấp nhận cái cảnh cù bơ cù bất không cửa không nhà, sống cảnh “đầu đường xó chợ”! Làm môn đệ Thầy phải khó nghèo thanh thoát, không tích cóp phòng bị tài sản riêng tư. Theo Thầy là chấp nhận tương lai bấp bênh, nay đây mai đó không ổn định gia cư, hoàn toàn buông mình theo sự quan phòng của Thiên Chúa. Theo Thầy thì không đặt tiền của lên trên việc cứu linh hồn người ta. Chính Thầy có quyền năng cùng với Cha tạo dựng vũ trụ, mà khi xuống trần cứu độ con người, Thầy từng phải “mượn” hang bò lừa để sinh ra, sống lang thang nay đây mai đó khắp nơi, cuối cùng chết… “trên cây” và phải mượn ngôi mộ nhà ông Nicôđêmô để chôn xác, làm gì có chỗ tựa đầu?
Khi Đức Giêsu mời gọi người khác theo, thì anh do dự mặc cả lần khất với Thầy: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã” (Lc 9, 59b). Anh cũng muốn theo Thầy nhưng còn đang “khó” cái bổn phận làm con cha mẹ ở nhà. Chắc anh quên rằng “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”!!! Nghĩa là phải “lấy Đức Chúa Trời làm hơn của cải, hơn cha mẹ, hơn mình cùng thà chết chẳng thà mất lòng Đức Chúa Trời.” (Chúng con học từ ngày xửa ngày xưa). Không được đặt bổn phận đối với con người lên trên bổn phận đối với Thiên Chúa. Phải đặt Thánh Ý Thiên Chúa lên trên hết ý hướng của con người, dù là tình cha mẹ, máu mủ ruột thịt. Thầy đã từng dạy: “Tiên vàn, các con hãy lo tìm Nước Thiên Chúa trước, còn mọi sự khác, Ngài sẽ quan phòng lo liệu cho các con sau” (Mt 6, 32). Nên Thầy bảo anh: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9, 60b).
Để có được sự lựa chọn đúng đắn, cần phải có lòng yêu say, mới biết dành ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết. Có biết bao nhiêu thứ thần khác làm người ta không thể chọn Chúa trên hết mà theo.
Ngày nay nếu chúng con sống gắn bó với tình Thầy, Thầy là lý tưởng sống mà chúng con đã lựa chọn. Trong Thầy tự nhiên mọi sự đều trở thành thứ yếu đối với chúng con. Nhờ sức sống nơi Thầy luân chuyển, con tim của chúng con sẽ được thanh lọc đổi máu, chúng con sẽ hăng hái hân hoan theo Thầy mỗi ngày cho đến cùng đời, còn gia tài, nhà cửa, anh em… đã có Thầy lo hết.
Én Nhỏ
======================
Suy niệm lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Suy niệm 1
Yêu cho đến cùng
------------------------
Lời Chúa luôn nhắc nhở chúng ta sống đức tin bằng trái tim, chứ không chỉ bằng những ý tưởng hay cảm xúc. Kinh thánh nói với chúng ta rằng "trái tim" là trung tâm của mỗi người, là nơi chúng ta gắn bó sâu xa với tình yêu Thiên Chúa và cởi mở với người khác. Nhưng trước hết trái tim là nơi cư ngụ của Thiên Chúa và chiếu sáng tình yêu của Ngài...
Trong Thiên Chúa, "trái tim" là lòng thương xót của Ngài, cách yêu thương của Ngài. Đó là sự rạng rỡ của bản thể Ngài. Ngay cả trong những khoảnh khắc chúng ta cảm thấy cô đơn, lạc lõng hoặc thậm chí tội lỗi, nhưng chúng ta cứ hãy thể hiện một niềm tin trào dâng trong thâm sâu chúng ta. Thiên Chúa yêu chúng ta theo một cách riêng của Ngài, Ngài hiểu chúng ta hơn chính chúng ta. Ngài đón nhận chúng ta như chúng ta là, bằng cách mở cho chúng ta một con đường để chúng ta đến gần Ngài hơn.
Tuy nhiên, đôi lúc sức mạnh đức tin này có thể bị yếu đi trong chúng ta, và đó cũng là lúc chúng ta nghi ngờ tình yêu. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng: Chúa đã hỏi Phêrô ngay sau khi ông chối Chúa: “Phêrô, con có yêu mến Thầy không”? Chúa hỏi Phêrô không phải để trách móc Phêrô mà là lời mời gọi Phêro lấy lại niềm tin tưởng. Và câu trả lời của Phêrô: " Thầy biết con yêu mến Thầy”, làm Chúa rất vui mừng!
Câu trả lời như vậy là một ân sủng, vì trong cuộc sống hiếm có những cách yêu thương làm chúng ta hoàn toàn tự do và tự tin. Tình yêu chúng ta dễ bị đe dọa bởi những cảm giác sai lầm hoặc bởi những mơ hồ của cuộc sống. Điều đó không giống với Thiên Chúa. Ngài không chỉ để chúng ta tự do mà còn Ngài làm cho chúng ta tự do. Vì thế, Ngài yêu thương chúng ta đến cùng, đến tận Thập giá: "không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của một người hiến mạng sống vì người mình yêu”. Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta một con đường dẫn đến chân trời vô tận!
Chúng ta hãy tự hỏi mình, như lời Đức giáo hoàng Phanxico nói với các linh mục: "Con tim của chúng ta đang hướng về đâu?" Tất nhiên mỗi người tự cho mình đang nhiệt huyết trong tất cả các loại hoạt động hữu ích để phục vụ Nước Thiên Chúa. Nhưng như thế, liệu con tim chúng ta có chạy theo các hoạt động đó không? Chúng ta có thể bị giam hãm bởi những lắng lo nhất thời hoặc bởi những mong muốn thỏa mãn chúng ta. Hơn nữa, ngày nay, người ta thường nói rằng không có thời gian để cầu nguyện: mọi thứ đều cấp bách và quá nhiều hoạt động chi phối...
Họ nói như vậy có đúng không? Những người yêu nhau say đắm vẫn luôn tìm được thời gian để gặp nhau. Và chúng ta cũng biết: nhiều người có chương trình nghị sự rất bận rộn, nhưng họ vẫn tìm được thời gian mỗi ngày để cầu nguyện, tim kề tim với Chúa: Mẹ Terexa Calcuta, thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II... Có lẽ trước tiên chúng ta chỉ nên nghĩ một điều, đó là cầu nguyện. Một người tìm được thời gian cầu nguyện và đầu tư hoàn toàn vào đó, cũng sẽ tìm được thời gian để quan tâm và hiện diện với người nghèo nhất.
Nhiều người chúng ta thuộc lòng bài hát: “Trong trái tim Chúa yêu muôn đời, con xin được một chỗ nghỉ ngơi”. Đúng! nghỉ ngơi trong trái tim Chúa để kín múc và trải nghiệm Tình Yêu của Ngài. Nghỉ ngơi không phải là ngủ. Nghỉ ngơi để nghe Ngài dạy chúng ta phải làm gì và phải yêu như thế nào? Ngài dạy chúng ta:
- Trong trái tim Chúa, Chúa sẽ dẫn chúng ta lên đồi Can-vê,
- Trong trái tim Chúa, Chúa mời gọi chúng ta luôn nghe lời Ngài. Lời của Ngài được ghi trong Kinh Thánh để chúng ta nghe và chiêm niệm trong sâu thẳm của con tim.
- Trong trái tim Chúa, Chúa mời gọi chúng ta giống khuôn mặt của Ngài đối với mọi người mà chúng ta có thể gặp, vì mỗi người chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa
- Trong trái tim Chúa, Chúa cũng muốn ở trong trái tim chúng ta vì chúng ta là đền thờ sống động Thiên Chúa ngự.
- Trong trái tim Chúa, Chúa cũng mời gọi chúng ta ở trong nhiệm thể của Ngài, là Giáo Hội. Giáo hội mời gọi chúng ta sống tình anh em. Tình yêu mạnh hơn tất cả các thế lực ghét ghen và hận thù gieo mầm vào trái tim nhân loại.
- Trong trái tim Chúa, Chúa mời gọi chúng ta kín múc nước hằng sống của Ngài từ trong đó đem đến cho mọi người đang khát tình yêu. Khi kết thúc Đại Năm Thánh 2000, thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II nói: “Cửa Năm Thánh đã đóng, nhưng cửa Trái tim Chúa Giêsu luôn luôn mở”.
- Trong trái tim Chúa, Chúa mời gọi chúng ta trở nên chứng nhân tình yêu Chúa cho mọi người.
Phần chúng ta, chúng ta hãy hành động và sống thế nào để những người xung quanh chúng ta nhìn thấy Chúa Kito trong chúng ta như các tông đồ nhìn thấy Chúa Cha trong Chúa Kitô.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Lễ Thánh Tâm, Xin Ơn Thánh Hóa Các Linh Mục
Tháng 6 này, Mạng Lưới Tông Đồ Cầu Nguyện của Đức Giáo Hoàng cầu nguyện hằng ngày cho linh mục được ơn sống tiết độ và khiêm nhường để liên đới với những người nghèo khổ nhất. Trong ngày lễ Thánh Tâm hôm nay, chúng ta cầu nguyện cách riêng xin ơn thánh hóa các linh mục, để các ngài có được trái tim của Chúa.
Đời sống linh mục là một hy tế, một sự hy sinh. Hằng ngày, các ngài dâng thánh lễ để đóng góp phần hy sinh của mình cho thân thể Chúa là Giáo Hội. Nhờ đứng gần thập giá Chúa và chiêm ngắm trái tim của Ngài bị đâm thâu, các linh mục múc tận nguồn ân sủng Chúa ban, và nhận ra rằng những đau khổ của của các ngài được kết hợp với hy tế của Chúa. Khi chiêm ngắm và thấm nhuần tình yêu từ Thánh Tâm Chúa, các linh mục sẽ có sức để yêu thương anh chị em mình. Mẹ Tê-rê-sa Calcutta có lần nhắn nhủ: “Hãy nói với các linh mục rằng phải xin Chúa Giê-su đưa trái tim của Chúa cho các vị, để các vị biết yêu thương. Hãy nói với các linh mục rằng: các cha phải là người của tình thương, phải yêu thương tội nhân, đừng yêu tội lỗi. Bậc độc thân thánh hiến không phải là ơn gọi để theo, nhưng chính Chúa đã ban ơn đó.”
Đức Thánh Cha nói về các linh mục như là con người hiến tế đời mình theo gương Chúa: “Linh mục là con người của hiến dâng, của việc trao ban chính mình, mỗi ngày, không nghỉ hè, không ngưng nghỉ. Bởi vì cuộc sống linh mục của chúng ta không phải là một nghề nghiệp, nhưng là một hiến dâng, một sứ mệnh. Vì thế, mỗi ngày phải xét mình dựa trên các lời Truyền Phép: ‘Hãy cầm lấy và ăn vì này là Mình Thầy đã hiến dâng vì các con,’ và tự hỏi: hôm nay tôi đã cho đi cuộc sống vì tình yêu Chúa chưa? Tôi đã để cho các anh em khác ăn tôi chưa?” (ĐTC Phanxicô gặp các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Palermo, ngày 15.9.2018).
Trong Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng ta chiêm ngắm một trái tim biết yêu thương, một tình yêu không đóng kín, nhưng yêu vô vị lợi. Trái tim Chúa Giê-su bị lưỡi đòng đâm thâu (Ga 19,34) mở rộng để đón nhận tất cả mọi người. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các linh mục có được trái tim của Chúa, và hợp với Đức Giáo Hoàng trong mạng lưới cầu nguyện của ngài, “xin cho các linh mục, qua đời sống tiết độ và khiêm nhường mà liên kết chặt chẽ với những người nghèo khổ nhất.”
Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.
Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.
Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.
Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật. (Rabbouni)
Nhóm Bạn đường Linh thao
======================
Suy niệm 3
TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU
(Ga 19, 31-37)
Đúng 19 ngày sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, ngày Chúa tỏ Trái Tim Tình Yêu của Người ra cho thánh nữ Maria Margarita Alacoque (16/6/1675), phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành với lòng biết ơn lễ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu rất hay thương « dịu hiền và khiêm nhường » trong lòng.
Trái Tim Chúa đã yêu loài người ta quá bội
Trái Tim của Thiên Chúa rung động vì cảm thương loài người luôn đổ tràn tình thương xuống cho nhân loại. Trái Tim ấy không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, từ chối của con người. Vì yêu, Thiên Chúa đã muốn tên lính đâm thấu và mở cạnh sườn ; máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19, 34). Từ nguồn suối thẳm sâu của trái tim mình, Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội các bí tích để có thể trao ban hồng ân sự sống… ; để ai uống nước này « thì từ họ sẽ vọt lên sự sống đời đời » (Ga 4,14).
Từ Trái Tim Chúa bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta, đã tuôn trào nguồn ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Trái Tim đó không đơn giản là trái tim bình thường mà là Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trái Tim « yêu thương » dân, « Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa » (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Quả Tim ấy được cụ thể nơi Trái Tim Chúa Giêsu vượt quá sự hiểu biết của con người (x. Ep 3,8-12.14-19). Ấy vậy mà con người vẫn vô ơn bạc nghĩa trước sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. Chẳng những thế, con người còn xúc phạm đến Trái Tim nhân lành của Chúa. Nhưng vì là Trái Tim Tình Yêu nên: « Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn » (Ca nhập lễ). Lời thánh Gioan Maria Vianey là bằng chứng: « Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa ban cho loại người » (GLHTCG số 1589). Làm sao ta không cảm động nhớ lại rằng chính từ Trái Tim Chúa đã trực tiếp nảy sinh hồng ân linh mục. Hôm nay chúng ta đừng quên cầu cùng Thiên Chúa Ba Ngôi cho các linh mục nhân ngày thánh hóa, để Giáo hội có được những cái máng tốt như lòng Chúa mong ước, thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho thế gian.
Trái Tim Đức Chúa Giêsu là mạch đầy mọi nhân đức
Những lời Kinh Cầu vang lên trong suốt tháng Sáu như muốn nói với chúng ta rằng, tất cả những gì Thiên Chúa muốn làm cho nhân loại, đều được gửi gắm và thể hiện nơi Trái Tim Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Thiên Chúa. Qua Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta thấy được sự quan phòng tình yêu từ đời đời của Thiên Chúa nhằm cứu độ thế gian. Đúng là mầu nhiệm tình yêu khôn hiểu thấu, nên chúng ta « hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người » (Tv 12, 5).
Nhìn ngắm Trái Tim Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, trong sự viên mãn của Chúa Thánh Thần, chúng ta khám phá ra lòng nhân lành của Chúa Giêsu luôn yêu thương, ấp ủ chúng nhân, chứng tỏ Trái Tim Người là mạch đầy dẫy hằng sống và thánh thiện, là nguồn suối cứu chuộc chúng ta, nguồn suối ấy đem tưới vào đời mình ta sẽ có được sự bình an sâu thẳm và niềm hạnh phúc đích thực ở nơi Trái Tim Giêsu yêu thương.
Sùng kinh Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu
Thế giới ngày hôm nay xảy ra biết bao cuộc xung đột cam go đẫm máu, Giáo hội cũng bị thương tổn nặng nề, rất cần sứ điệp tình yêu phát xuất từ Trái Tim Chúa, nguồn mạch duy nhất, nhân loại có thể múc lấy sự khiêm nhường và lòng tha thứ để chữa lành những thương tích. Lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu có thể là nguồn mạch mọi ơn phúc cho thế giới này như lời Đức Piô X viết khi ban lệnh thi hành việc tôn sùng Trái Tim Chúa: « Việc tôn thờ Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về Tình Yêu Thiên Chúa, bởi vì Tình Yêu, vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các linh hồn, các gia đình và các quốc gia ». Đức Piô XI nhận định: « Lòng sùng kính Thánh Tâm là một phương dược phi thường cho những nhu cầu ngoại thường của thời đại chúng ta » (Caritate Christi compulsi). Trong tông huấn Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Chân phước Phaolô VI viết: « Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý của thế giới ». Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng nói: « Lòng sùng kính Thánh Tâm phù hợp hơn bao giờ hết với những mong đợi của thời đại chúng ta » (Diễn văn với Dòng Thừa Sai Thánh Tâm, 5-10-1987).
Nên giống Trái Tim Chúa
Người kitô hữu không chỉ được mời gọi chiêm ngắm, sùng kính, mà còn phải sống tình yêu ấy nữa. Chúa Giêsu đã nói, « Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ các điều răn của Thầy » (Ga 14, 15). Như thế, Người mời gọi chúng ta kèm theo điều kiện: nếu ta yêu mến Chúa, thì ta phải giữ các điều răn của Chúa, tuân giữ thánh chỉ của Chúa, và thực hành các giới răn mà Thiên Chúa đã chỉ cho ta, để chứng tỏ rằng ta yêu Chúa.
Chúa muốn chúng ta giữ các điều răn đã được Chúa ban cho Israel trên núi Sinai qua trung gian Môisen, nhiều người trong chúng ta lặp lại mỗi ngày trong kinh nguyện, một tập quán tốt đẹp và ngoan đạo. Chúng ta lặp lại những điều đã được viết trong Sách Xuất Hành, để tin nhận và làm mới lại những gì chúng ta nhớ.
Lạy Chúa Giêsu, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 4
CHỈ VÌ YÊU
Ed 34, 11-16; Rm 5, 5b-11; Lc 15, 3-7
Cha mẹ nào cũng hết lòng yêu thương, hy sinh rất nhiều cho các con của mình. Nhưng có lúc chị em tôi khó chịu thắc mắc: tại sao mẹ cứ suốt ngày để tâm lo cho chị cả? Là người nhà quê chân chất, mẹ tôi chỉ biết trả lời: “con lành thương ít, con “tịt” thương nhiều con ơi!” Chúng tôi im lặng mà ngẫm thấy mẹ nói đúng, vì chúng tôi hiểu hoàn cảnh của chị.
Qua hình ảnh này và ngẫm suy dụ ngôntrong Tin Mừng hôm nay, người chăn “bỏ chín mươi chín mà đi tìm một” con chiên bị mất, tôi mới hiểu phần nào cái “kiểu yêu thương” không cầntính toán hơn thiệt của Đức Giêsu. Ai lại bỏ chín mươi chín con chiên tốt lành mà chạy theo tìm cho kỳ được mỗi một con “chạy đi”. Tìm được rồi thì mừng quá đỗi vác cả lên vai, alô gọi cả làng đến mà chia sẻ niềm vui với mình.
Đối với tội nhân, Đức Giêsu ví mình như người chăn chiên chẳng màng chi lỗ lãi. Người là chủ chăn nhân hiền sẵn sàng dốc sức đi tìm về, băng bó, chữa lành và liều mạng vì con chiên đi lạc. Người chính là chủ chăn nhân lành mà tiên tri Êdêkiel mô tả: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng”. Từng con chiên dù là loại nào đều được yêu thương chăm sóc vỗ về. Vì tình yêu Người muốn tất cả đều được ở trong vòng tay yêu thương của Người. Người không muốn một ai phải hư mất, nên dốc sức chạy theo, tìm cho kỳ được mang về mới trọn niềm vui. Nếu “chiên lạc” cứ cắm đầu mà “chạy mất” thì thật đáng buồn. Nhưng nếu nhận ra mình sai đường và biết nghe theo tín hiệu mà trở về thì niềm vui sẽ nhân lên gấp trăm. Bởi vì “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” Nhiều khi chúng con an tâm nghĩ mình nằm trong số “chín mươi chín” người công chính kia. Cách nào đó mỗi chúng con là một chiên “đi hoang”, bệnh hoạn khác nhau mà Chúa đang dẫn dắt, mời gọi sám hối trở về trong tình yêu thương của Người. Trái Tim nhân hậu của Người luôn bao dung thứ tha, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho mỗi người tội lỗi chúng ta. Hãy mau quay về với tình yêu không bờ không bến của Người. Đừng dại dột mà “chạy xa” khỏi vòng tay yêu thương của Người. Vì tình yêu của Người mạnh hơn tất cả tội lỗi và sự chết. “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng.Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta”.
Lạy Trái Tim Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim yêu của Chúa. Amen.
Én Nhỏ