Thứ ba, 07/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 15 Thường Niên C

Cập nhật lúc 23:40 11/07/2019
Suy niệm 1
Những lựa chọn nào cho cuộc sống?
-----------------
Các câu hỏi hàm hồ nước đôi. 
Chúa Giêsu thường phải trả lời các câu hỏi nước đôi, thí dụ: Có nên nộp thuế cho Xê-da không? Hoặc có nên ném đá người phụ nữ phạm tội ngoại tình không?
Để trả lời các câu hỏi này, Chúa Giêsu đặt tất cả mọi người trước lương tâm của mình bằng cách đưa ra một câu hỏi làm dấy lên cuộc tranh luận và cuối cùng loại bỏ mọi sự gây hấn: Của Xê-da thì trả cho Xê-da. Của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa. Ai sạch tội, thì ném đá người phụ nữ phạm tội ngoại tình này trước đi!
Và hôm nay, một tiến sỹ luật hỏi Chúa: Tôi phải làm gì để có sự sống đời đời  ? Chúa Giêsu hỏi lại: “Trong Lề Luật đã chép như thế nào”? Về nguyên tắc người chép luật là người bảo vệ luật. Nhưng người này có thể muốn Chúa Giêsu gặp rắc rối ở một điểm nào đó của Luật. Chúa Giêsu dẫn luật sỹ đó đến điều cốt yếu, đến sự thật sâu sắc của Luật. Tiến sỹ luật trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi và hãy thương mến anh em như chính mình”. Luật này là trọng tâm đời sống thiêng liêng của người Do-thái. Về lý thuyết thì không có gì phải bàn cãi. Chúa Giêsu nói tiếp: “Anh đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và anh sẽ được sống”!
Ai là anh em tôi?
Yêu mến người anh em như chính mình có thể được thực hiện bằng nhiều cách. Nhưng điều quan trọng đích thực đó là thực hành tình yêu đối với người mà chúng ta thường bắt gặp nhất. Đó cũng là bài kiểm tra xem chúng ta có thực sự yêu mến Thiên Chúa không? 
Câu hỏi mới của luật sỹ: Ai là anh em tôi? Câu trả lời của Chúa Giêsu qua dụ ngôn cho chúng ta thấy:
Anh em của chúng ta không chỉ là những người thân thuộc, mà còn cả những người không nghĩ như chúng ta và thậm chí là kẻ thù. Đối với người Do- thai, những người Samaria là kẻ thù vì họ là người ngoại giáo. Nhưng người ngoại giáo mà Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta hôm nay có thể sống tình yêu đối với người lân cận tốt hơn là một người Do Thái tốt. Người Samaria có thể đến gần và gần gũi hơn với người bị đánh trọng thương:
- Trước hết, anh biết nhìn sự đau khổ của nạn nhân mà trong khi đó những người khác chỉ nhìn từ xa hoặc không thèm quan tâm đến.
- Anh rung cảm trước sụ đau khổ của người khác.
- Anh can đảm đến gần và sơ cứu nạn nhân. Sau đó anh đưa nạn nhân lên xe ngựa của anh.
- Cuối cùng anh lên kế hoạch và theo dõi nạn nhân, nhờ quán trọ chăm sóc và thanh toán tiền!
 Còn chúng ta? 
- Chúng ta thường bị cám dỗ nhìn đi chỗ khác và phớt lờ, hoặc mất kiên nhẫn đối một người bị thương hoặc người đang gặp khó khăn.
- Chúng ta thường quên rằng nạn nhân đó có thể không thể làm gì nếu không có chúng ta.
Con đường đi từ Gierusalem đến Giê-ri-cô  cũng là con đường công việc, con đường trách nhiệm và con đường về những mối quan tâm của đời sống chúng ta.
- Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu mở mắt chúng ta ra, và dừng lại như Ngài trước biết bao người bị tổn thương trong cuộc sống.
- Chúng ta cũng hãy nghĩ rằng trên con đường của Chúa, Chúa đã tìm thấy chúng ta, có những lúc chúng ta nửa sống nữa chết. Ngài yêu chúng ta đến cùng. Ngài yêu chúng ta và trao nộp mình vì  chúng ta!
Nếu chúng ta dừng lại trên đường đi mỗi khi anh chị em cần chúng ta, có thể chúng ta mất một ít thời gian nào đó và công việc của chúng ta có thể bị trễ. Nhưng thời gian “đã mất “ đó có giá trị rất nhiều, vì đó là tình yêu và nhờ đó chúng ta sẽ tiếp cận được trái tim của Chúa. 
Những chọn lựa về lòng bác ái
Bác ái trước hết là một sự chữa lành cái nhìn của chúng ta: làm cho chúng ta dễ bị tổn thương trước sự khốn khổ của người khác, nhạy cảm với nhu cầu và những lời kêu gọi của người khác. Chắc hẳn, chúng ta không bao giờ biết bác ái sẽ kết thúc ở đâu: Tất cả các việc bác ái đều mất thời gian và có thể mất cả tiền bạc. Nhưng phải biết lựa chọn làm sao cho đúng. Và điều quan trọng nhất là tình yêu và lòng quảng đại cho đi biếu không, chứ không phải là một sự bố thí và quảng cáo!
Trên con đường chúng ta đi, người đau khổ trước hết là Chúa. Và hơn thế nữa, khi chúng ta đến gần người anh chị em đau khổ của chúng ta, đó cũng là Thiên Chúa đến gần chúng ta hơn. Ngài đến gần chúng ta để làm cho chúng ta khám phá ra những điểm yếu và vết thương của chúng ta, nhất là lòng thương xót của Ngài: Ngài đến để chia sẻ lòng thương xót đó cho chúng ta!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
========================
Suy niệm 2
Làm gì để được sống đời đời
(Lc 10, 25-37) 
Chúng ta hãy xét xem hai việc sau đây: Một là thờ phượng Thiên Chúa trong nhà thờ, hai là phục vụ người đau yếu, nghèo khổ… ngoài xã hội, việc nào quan trọng hơn?
Làm việc nào trong hai việc đó thì sẽ được sống đời đời?
Thầy Tư tế và thầy Lê-vi trong bài Tin mừng hôm nay tiêu biểu cho những người chọn việc thờ phượng Thiên Chúa là việc cần phải làm để được sống đời đời, còn việc phục vụ người hoạn nạn, khốn khổ là việc thứ yếu, chẳng cần quan tâm.
Chính vì thế, khi thấy một nạn nhân nằm thoi thóp bên đường, mình đầy thương tích, đang rên la kêu cầu trợ giúp, các thầy lánh sang một bên, vội vã tiến về nhà cho kịp giờ cầu nguyện hay dâng lễ vật lên Thiên Chúa; còn chuyện cứu khổ cứu nạn, thì đừng dại dột giây mình vào làm chi cho phiền hà rắc rối, chẳng được ích gì.
Còn người Sa-ma-ri tiêu biểu cho những người chọn phục vụ người hoạn nạn khốn khổ là việc cần làm để được sống đời đời, nên khi thấy nạn nhân nằm thoi thóp bên đường, ông liền cho lừa dừng lại, bước xuống cúi mình trên nạn nhân, cảm thương thân phận người xấu số. Ông mở hành trang lấy rượu rửa sạch vết thương, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay trở về quán trọ để chăm sóc chu đáo…"
Về phần chúng ta, chúng ta chọn làm theo bên nào, theo cách hành xử của thầy tư tế và Lê-vi hay theo cung cách phục vụ của người Sa-ma-ri?
Tốt nhất, chúng ta hãy học cách hành xử đúng như Chúa Giê-su muốn, dựa theo bài Tin mừng hôm nay.
Khi có người thông luật hỏi: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời?”
Chúa Giê-su giúp anh tìm ra câu đáp chính xác, đó là mến Chúa và yêu người.
"Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn ngươi và yêu mến người thân cận như chính mình."  
Như thế là phải chọn cả hai, vừa yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức, vừa yêu thương người thân cận như chính mình. Cả hai việc này đều phải được ưu tiên như nhau, nếu chúng ta thiếu một trong hai thì không được hưởng phúc thiên đàng.
Tại sao thế?
Đức Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô 16 cho ta biết lý do:
Ta phải chọn cả hai, vừa yêu mến Thiên Chúa, vừa phải yêu thương phục vụ những người quanh ta, vì Thiên Chúa và con người chỉ là một. Ngài viết như sau :
“Chúa Giê-su đồng hóa mình với những người cùng quẫn, những người đói khát, những khách lạ, những kẻ trần truồng, đau yếu và những người đang trong vòng lao lý. "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40). Mến Chúa và yêu người đã trở thành một: Trong những người anh em bé nhỏ nhất, chúng ta tìm thấy chính Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu chúng ta gặp được Thiên Chúa.” (Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” số 15 của Đức Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô)
Và chính vì thế, ngài dạy:
“Việc bác ái cũng như việc ban phát bí tích và rao giảng Lời Chúa đều là hoạt động cốt yếu của Hội thánh;
Yêu thương những người bất hạnh cũng như ban phát bí tích và rao giảng Lời Chúa đều thiết yếu đối với Hội thánh;
Do đó, Hội thánh không thể lơ là việc phục vụ bác ái cũng như không thể lơ là việc ban bí tích và rao giảng Tin mừng” (Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” số 22 của Đức Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô).
Chính vì Chúa Giê-su là một với những người quanh ta, nên chúng ta không chỉ thờ phượng Ngài trong nhà thờ mà còn phải ân cần phục vụ Ngài đang hiện diện nơi những người bất hạnh. Chúng ta hãy nghe lời nhắn nhủ của thánh Gioan kim khẩu về bổn phận này như sau:
“Bạn muốn tôn kính thân thể Đức Ki-tô ư? Thì chớ khinh chê thân thể ấy khi thân thể ấy trần trụi: Đừng có thái độ nầy là trong nhà thờ thì tôn kính, cho thân thể Ngài mang những y phục lụa là gấm vóc, nhưng ở ngoài lại coi thường, để cho thân thể ấy phải giá lạnh và trần trụi.…
Thân thể Chúa ở đây (trong nhà thờ) không cần y phục, nhưng cần tâm hồn trong trắng; còn thân thể Chúa ngoài kia thì cần được chăm lo tận tình.” (thánh Gioan Kim Khẩu)
Lạy Chúa Giê-su,
Lâu nay chúng con nghĩ rằng chỉ cần thờ phượng Chúa cho sốt sắng là đủ để được lên thiên đàng, hóa ra không phải thế. Nếu chúng con lơ là không quan tâm chăm lo cho người người bất hạnh thì chúng con phải mang án phạt đời đời (Mt 25,41).
Xin ban thêm cho chúng con đức tin và lòng yêu mến để chúng con tin Chúa hiện diện nơi mọi người, đặc biệt là nơi những người đau khổ và đem hết khả năng để phục vụ và yêu mến họ. Có như thế, chúng con mới được hưởng phúc thiên đàng.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 =====================
Suy niệm 3
TÔI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA AI?
(Lc 10, 25-37)
Thánh Luca là Tác giả Tin Mừng duy nhất đưa ra câu chuyện về người Samari nhân hậu, và câu chuyện này được bắt đầu từ câu hỏi của người thông luật hỏi Đức Giêsu về cách thức để đạt sự sống đời đời. Chúng ta cùng lắng nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với người thông luật để biết được lời đáp trả của Ngài cho câu hỏi của ông qua câu chuyện người Samari nhân hậu trong dụ ngôn:
Có một người thông luật kia hỏi Đức Giêsu? “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (c26), nghĩa là tôi phải làm gì để cuộc sống bên kia cái chết của tôi là sự sống vĩnh cửu đầy niềm vui, hạnh phúc chứ không phải là hoàn cảnh bất hạnh?
Đức Giêsu chắc biết rõ ông là người giỏi luật, nên Ngài không trả lời thẳng câu hỏi của ông, mà Ngài bắt ông tự tìm câu trả lời bằng cách hỏi lại ông? ông đã đọc thấy trong sách luật chép gì? (c26).
Người thông luật đã trả lời Đức Giêsu bằng cách đọc lại phần mở đầu của Kinh Shéma, (kinh tin kính)  trích từ sách Đệ Nhị Luật chương 6 câu 5: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí không ngươi, và người thân cận như chính mình” (c 27).
Sau câu trả lời của người thông luật, Đức Giêsu đã xác nhận câu trả lời của ông đúng, và bảo ông hãy sống những gì ông vừa trả lời thì sẽ được sự sống vĩnh cửu, sự sống đời đời làm gia nghiệp (c28). Cuộc đối thoại có thể kết thúc êm đẹp ở đây được rồi, bởi ông thừa biết: đối với người Do thái ngoài việc yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn và trí khôn, thì yêu người thân cận chính là yêu những người đồngf hương, đồng tín ngưỡng. Thế nhưng, không biết có phải ông ấm ức việc Đức Giêsu bắt ông tự tìm đáp án, hay là ông muốn xác tín rằng phải có những giới hạn trong số những người mà ông phải yêu thương, nên ông hỏi lại Đức Giêsu câu hỏi thứ hai, và là một câu hỏi suy lý? “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (c29), nghĩa là ai thuộc về số những người mà tôi phải yêu thương như chính bản thân tôi?
Lại một lần nữa Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của ông mà Ngài trả lời gián tiếp bằng một dụ ngôn, đó là dụ ngôn người Samari nhân hậu:
‘Một người kia từ Giêrusa lem xuống Giêri khô, trên đường đi anh bị kẻ cướp lấy sạch đồ đạc, quần áo, và còn bị đánh nửa sống nửa chết nằm bên vệ đường. Có hai người là thầy tư tế và lê vi đi qua, nhưng tránh qua bên kia mà đi bỏ mặc anh nằm đó. Người thứ ba là một người Samari đi qua, cũng thấy anh và chạnh lòng thương, ông dừng lại, xuống khỏi lưng lừa, đến gần sơ cứu cho anh, lấy rượu rửa, lấy dầu xức và băng bó vết thương cho anh, đặt anh lên lưng  lừa và đưa anh về quán trọ chăm sóc, hôm sau ông lấy hai quan tiền trao cho chủ quán nhờ chăm sóc tiếp và hứa nếu còn tốn bao nhiêu cũng sẽ trả khi trở về, vì ông còn bận công chuyện (c30-35). Kết thúc dụ ngôn, Đức Giêsu không cho người thông luật câu trả lời: Ai là người thân cận ông phải yêu thương, mà Ngài lại đăt vấn đề lại với ông, vậy theo ông: trong ba người là Thầy tư tế, Thầy lê vi và người Samari, thì Ai đã trở nên người thân cận của người bị nạn kia?” (c36). Người thông luật trả lời: “Thưa là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người đó”.(c37) và Ngài bảo ông, ông hãy đi và hãy làm như vậy.
Qua dụ ngôn Đức Giêsu đã đảo ngược câu hỏi mang nghĩa thụ động của người thông luật: “ai là người thân cận của tôi?”, ai? nghĩa là những người khác là người thân cận của tôi, sang câu mang nghĩa chủ động: tôi tỏ ra tôi là người thân cận của ai? tức là chính tôi phải là người thân cận của những người khác.
Như vậy, Đức Giêsu không chỉ đảo ngược câu hỏi, mà Ngài còn thay đổi cả tầm nhìn và hướng nhìn cho người thông luật.
Lạy Chúa Giêsu, lắng nghe xong cuộc đối thoại giữa Chúa và người thông luật,
chúng con nhận ra Chúa muốn cả người thông luật và chúng con thấy rằng trong lãnh vực yêu thương, không được nghĩ từ bản thân mà phải khởi đi từ nhu cầu thực tế của bất cứ người nào cần giúp đỡ mà chúng con gặp, nên không thể xác định giới hạn gồm những ai như câu hỏi của người thông luật. Chúa cũng muốn chúng con không hỏi như thế, nghĩa là đừng hỏi: ai là người thân cận của tôi”, những hãy hỏi: Tôi là người thân cận của ai? tôi có bổn phận gì đối với những người xung quanh, những người cần tôi yêu thương giúp đỡ nhất. Hôm nay Chúa cũng bảo chúng con: “hãy đi và làm như vậy”, xin cho chúng con biết bỏ đi chương trình và kế hoạch riêng, đồng thời biết chấp nhận mất thời gian, mất tiền bạc, mất sự yên tĩnh và thay vào đó là sự phiền toái, hoặc cả nguy hiểm cho bản thân để trở nên người Samari nhân hậu, trở nên người thân cận của hết mọi người. Amen.
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
========================
Suy niệm 4
Hãy Đi Và Hãy Làm Như Vậy
Ngày Chúa Nhật 10/07/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô có bài huấn dụ trước Kinh Truyền Tin cho những tín hữu đang tập trung tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài nói: Chúng ta đừng hỏi người khác: “Ai là người thân cận của tôi ?”, nhưng hãy tự hỏi chính bản thân mình: “Tôi là người thân cận của ai ?”, khi đó Chúa Giêsu sẽ trả lời cho chúng ta: “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy”, tức là hãy thực thi lòng thương xót đối với những người đang gặp khó khăn hoạn nạn, bằng hành động cụ thể chứ không chỉ bằng những lời nói suông; vì chưng,“bạn trong lúc khó khăn hoạn nạn mới thật là bạn”.
Vào ngày thứ Hai 09/10/2017, trong bài giảng Lễ sáng tại Nguyện Đường Santa Marta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô suy tư về thái độ của nhiều nhân vật trong dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu”.
Vị tư tế vốn là “một người của Thiên Chúa”, Thầy Lêvi một người “gần gũi với lề luật”, tất cả những người này đã đi qua người bị thương đang dở sống dở chết. Đức Giáo Hoàng nói đây là một thói quen rất phổ biến ở nơi chúng ta. Chúng ta thấy một thảm họa tồi tệ và đi qua và sau đó đọc tin về nó, đau đớn với một chút “cớ vấp phạp và tình cảm”, trong các tờ báo.
Người Samari, một người dân ngoại  “đã thấy và đã không đi qua”, “ông chạnh lòng thương”. Làm cho người bị thương thành người thân cận của mình, người Samari đã đến gần nạn nhân, đã băng bó vết thương cho người ấy và đổ dầu và rượu vào vết thương. Ông đã mang theo người bị thương trên con lừa của mình đến quán trọ, rồi trả tiền cho chủ quán trọ để chăm sóc người bị thương và hứa sẽ trả thêm khoản phí thêm khi ông trở lại.
Đức Giáo Hoàng nói: Đây là mầu nhiệm về Đức Kitô là Đấng đã trở nên tôi tớ, khiêm nhường và tự hạ, chính Ngài và chết vì chúng ta. Chúa Giêsu là Người Samari Nhân Hậu, là Đấng đã mời gọi vị tiến sĩ luật hãy làm như vậy. Dụ ngôn cho thấy chiều sâu và chiều rộng của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô.
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là câu chuyện đẹp về tình yêu thương. Người Samari nhân hậu đã sống đức yêu thương cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”.
Chúa Giêsu kể dụ ngôn: một người ở Giêrusalem xuống Giêricô, giữa đường bị bọn cướp trấn lột, đánh cho nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Thầy Tư Tế đi qua, thấy vậy liền lãng tránh. Thầy Lêvi đi tới cũng chẳng ngó ngàng, bỏ mặc nạn nhân. Họ “tránh qua” một bên để đi, thật lạnh lùng, thờ ơ!
Một người ngoại đạo Samari đi ngang, thấy người lâm nạn, chạnh lòng thương liền băng bó, đặt lên lưng lừa đưa về quán trọ, nhờ chủ quán săn sóc rồi trả hết mọi phí tổn. Người Samari “tới gần” nạn nhân nửa sống nửa chết. Ông “chạnh lòng thương” nên đã đi vào nếm cảm cảnh khốn cùng “bị tước đoạt, bị cướp bóc” như nạn nhân; chạnh lòng thương là cùng đớn đau nỗi khổ ải bất lực “nửa sống nửa chết” của người ấy. Đây chính là điều bất ngờ và làm thành ý nghĩa độc đáo của dụ ngôn.
Thầy Tư Tế, Thầy Lêvi chẳng những là người trong đạo mà còn hơn nữa họ còn là kẻ rao giảng về đạo. Họ ở trong đạo nhưng không sống đạo. Người Samari, kẻ sống đạo lại là người không có đạo.
Như thế kẻ vác đỡ thập giá cho Chúa trên con đường dài với những bước chân xiêu té cuối đời là người ngoại đạo. Kẻ tỏ lòng biết ơn khi được Chúa chữa lành là người ngoại đạo. Kẻ thể hiện lòng bác ái xót thương không phải là Tư Tế, là Lêvi, các chức sắc trong đạo mà là người Samari, người ngoại đạo.
Khi băn khoăn tự hỏi: thế nào là người bên ngoài, thế nào là người bên trong? Thế nào là có đạo, thế nào ngoại đạo?, tôi thấy trong Phúc Âm có lần Chúa Giêsu nói: Ta bảo các ngươi, nhiều kẻ từ Phương Đông, Phương Tây mà đến và được dự tiệc với Abraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời, còn chính con dân trong nước lại sẽ bị đuổi ra ngoài tối tăm.
Vậy thì có một khoảng cách rất lớn giữa hiểu biết về đạo và sống đạo. Đạo thì mênh mông vô bờ bến như đất trời, làm sao có thể đem đạo vào một định nghĩa chật hẹp được? Làm sao có thể nhốt đạo vào nhà thờ? Làm sao vẽ chân dung đạo bằng tờ giấy rửa tội được? Bởi lẽ “Đạo khả đạo phi thường Đạo” ( Lão Tử).
Hiểu biết về đạo được thể hiện qua đời sống đạo. Có người nói rằng: tôi tin đạo chứ tôi không tin người có đạo. Đạo thì tốt, nhưng nhiều người có đạo lại xấu. Có nhiều người ngoại đạo lại tốt hơn người có đạo. Họ nói như thế vì họ thấy nhiều người có đạo mà lại không sống đạo của mình. Quả thật, con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay. Giữa suy nghĩ, lời nói và việc làm, giữa hiểu biết và cuộc sống có một khoảng cách thật lớn.
Đức Khổng Tử đã nói chí lý: Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo. Nghĩa là: đạo không xa cái bản tính của người ta, nếu theo đạo để cho xa cái bản tính của người ta thì không phải là đạo.
Đạo của Chúa Giêsu là Đạo Thiên Chúa làm người, rất gần gũi với con người. Vì con người là con đường của Giáo hội (Thánh Gioan Phaolô II). Người Đông Phương lấy chữ nhân mà định nghĩa con người: nhân là người, nhân là nhân ái là lòng thương người. Ai không biết thương người khác là kẻ không xứng danh là người. Nhân bản và nhân ái có quan hệ mật thiết với nhau.
Qua dụ ngôn Chúa Giêsu kể, tôi thấy rằng, cái khác biệt sâu xa giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, đó là: một bên là đạo của tình yêu, một bên là đạo của lề luật. Tư Tế và Lêvi tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu Ước. Người Samari tượng trưng cho những người sống tình yêu. Những người tốt thì sống theo sự đòi hỏi của lương tâm hơn là của lề luật thành văn. Thấy người bị nạn, người Samari tốt lành đã động lòng xót thương. Lương tâm và tình thương đồng loại thúc đẩy anh cứu giúp người bị nạn đến nơi đến chốn bất chấp nạn nhân là người Do Thái thuộc dòng tộc có hiềm khích với dòng tộc của anh. Cung cách hành xử đầy tình thương này mới làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Nhìn từ lăng kính luật pháp Do thái, hai ông Tư Tế và Lêvi đã không sai. Luật Cựu Ước dạy rằng, Tư Tế không được đụng vào thây người chết vì sợ bị ô uế. Nếu ô uế thì không được phục vụ trong đền thờ. Nạn nhân dở sống, dở chết, tức là có thể chết. Hai người Tư Tế và Lêvi không dám chạm đến người có thể chết. Họ lựa chọn lề luật. Sách luật (Lv 21) ghi rõ điều khoản luật này khi nhắc đến Tư Tế và người chết. Người Samari lựa chọn bác ái. Ông không ngại chạm đến người dở sống dở chết này. Ông chăm sóc, lo lắng cho bệnh nhân như người thân và đã vượt quá giới hạn lề luật để sống theo bác ái. Khi phải lựa chọn giữa lề luật và bác ái, người nhân hậu lựa chọn bác ái dù biết các ràng buộc của lề luật. Người ấy không bỏ qua lề luật, không đả phá lề luật nhưng vượt trên lề luật nên đã làm trọn lề luật.
Chúa Giêsu hỏi người thông luật: “Ai là người thân cận của nạn nhân đã sa vào tay kẻ cướp?”. Người ấy đáp: “Người đã đem lòng từ bi thương nạn nhân”. Chúa Giêsu đã khéo léo lái vấn đề từ câu hỏi người thông luật: ai là người thân cận của tôi? sang gợi ý tuyệt vời của Ngài: tôi là người thân cận của ai? Trả lời câu hỏi này có lẽ phải đi từ cuộc sống cụ thể của mình. Khi tôi đến gần ai để phục vụ với tình yêu thì tôi trở thành người thân cận với kẻ ấy, và kẻ ấy thành người thân cận với tôi. Ai cũng có thể trở thành người thân cận của tôi nếu tôi yêu thương họ bằng tình yêu mà Chúa đã thương yêu tôi. Chúa Giêsu nói với người thông luật: “Ông hãy đi và hãy làm như vậy”. Ông cứ quảng đại nhân hậu và chạnh thương với mọi người, ông sẽ trở thành người thân của mọi người và mọi người sẽ là người thân của ông.
Tiêu chuẩn để đánh giá một tôn giáo đích thực: lòng xót thương dành cho người thân cận. Tiêu chuẩn này đảo lộn lối suy nghĩ “tránh xa”. Bởi vì khi “tránh xa” con người, thì cùng lúc cũng “tránh xa” Thiên Chúa. Hóa ra, các Lêvi và Tư tế chỉ thực thi Lề Luật theo mặt chữ, tức là chỉ dừng lại ở những gì quy định của Lề Luật chứ chưa đi tới hồn của Lề Luật; họ chưa gặp gỡ Tác Giả của Lề Luật, Đấng “chạnh lòng thương”. Cách thực hành đạo như thế có nguy cơ đóng Thiên Chúa vào trong khung chật hẹp suy nghĩ của con người. Để phá tan cơn cám dỗ muốn mọi thứ phải được hệ thống hóa, kể cả Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã ví mình như người Samari. Chúa Giêsu cũng ví mình như người thân cận, Đấng chạnh lòng thương tới gần con người, khi con người bị tước đoạt đến độ “dở sống dở chết” và Ngài mời gọi chúng ta “Hãy đi và cũng hãy làm” cho mình trở thành người thân cận của Thiên Chúa và con người.
Càng hiểu biết về đạo càng phải sống đạo. Chúa Giêsu dạy rằng: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ Lời Thầy”. Đạo của Thầy Giêsu là Đạo Tình Yêu. Yêu Chúa, Yêu Người là hai mặt của một tình yêu duy nhất. Yêu Chúa đích thực thì phải yêu người. Thánh Gioan viết: “Ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người thì là kẻ nói dối”. Đối với Thánh Phaolô: “Yêu thương là giữ trọn lề luật”. Lề luật không phải được lập nên cho người có tình yêu mà cho người không có tình yêu. Nếu không có tình yêu thì việc làm theo lề luật có tốt đến đâu cũng vô giá trị: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi”. Thánh Augustinô khuyên nhủ: cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm. Tình yêu sẽ cho biết ta phải làm gì.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con rằng: “không phải những người cứ kêu lên Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha mới được vào mà thôi”. Xin cho Lời ấy in vào lòng trí giúp chúng con luôn biết thể hiện trong đời sống đạo hàng ngày. Amen.
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
========================
Suy niệm 5
CÓ XÓT THƯƠNG MỚI ĐƯỢC CỨU ĐỘ
(Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)
"Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Lc 10, 25). Đây là câu hỏi của nhà thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay và cũng là tiếng vọng được vang lên từ trong sâu thẳm của con người ở mọi nơi và mọi thời. Tuy nhiên, muốn có sự sống đời đời cần phải có ý ngay lành và phải thực thi đức ái trong lòng mến thì mới hy vọng đạt được.
Hôm nay, Đức Giêsu đã vạch ra con đường đưa tới sự sống ấy qua dụ ngôn người Samari nhân hậu. Qua đó, Ngài cũng mời gọi mỗi người hãy xót thương  như thế thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
1. Bối cảnh câu chuyện
Khởi đi từ câu chuyện giữa Đức Giêsu và người thông luật: ông này lên tiếng hỏi: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Lc 10, 25). Dựa trên những hiềm khích sẵn có, nên câu hỏi này không phải xuất phát từ ý hướng ngay lành, nhưng nó là một sự gài bẫy để như một cái cớ nhằm cơ hội đánh bại Đức Giêsu nếu Ngài bị lỡ lời! Điều mà ông ta mong mỏi, đó là hy vọng Đức Giêsu sẽ đưa ra một mớ lý thuyết, một lô nghi lễ và dày đặc những nguyên tắc để trả lời!!! Tuy nhiên, Đức Giêsu đã tước lấy vũ khí ngay trong tay đối phương khi Ngài hỏi ngược lại vấn đề: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" (Lc 10, 26). Người thông luật đã trả lời cách chính xác: “Yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận như chính mình” (x. Lc 10,27). Nghe xong, Đức Giêsu đã dạy cho ông ta một bài học sống động ngay trên chính câu trả lời của ông, Ngài nói: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống" (Lc 10, 28).
Chính câu hồi đáp này đã làm cho người thông luật chưng hửng và thất bại. Bởi lẽ, câu hỏi của Đức Giêsu đã làm đảo lộn tình thế. Từ chỗ Ngài là đối tượng để gài bẫy, đến chỗ chính cái bẫy ấy đã tố cáo và vạch trần những điều ám muội bởi lương tâm đê tiện của nhóm thông luật mà ông là người đại diện.
Thấy được lối sống hình thức của nhà thông luật, nên Đức Giêsu mới kể cho ông nghe dụ ngôn về người Samari nhân hậu.
Câu chuyện ấy là: một người đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Bất ngờ anh bị bọn cướp tấn công. Khiến anh ta nửa sống nửa chết. Có một thầy Lêvi đi qua, ông trông thấy rồi bỏ đi. Một Tư tế cũng lựa chọn như vậy. Nhưng người Samari trông thấy, ông đã chạnh lòng thương và ra tay cứu giúp.
Tưởng cũng nên biết thêm: Giêrusalem cao cách mặt nước biển 766 mét. Trong khoảng 32 km, con đường này đã đổ dốc tới 1.200 mét. Từ Giêrusalem xuống Giêrikhô có rất nhiều đèo và đường xá chật hẹp, quanh co, khúc khửu. Đây là điều kiện thuận lợi cho bọn cướp hoành hành. Vì thế, người ta thường gọi đoạn đường này là “con đường máu”, ai muốn được an toàn khi đi trên con đường này thì hoặc là đi thành từng đoàn hay phải tính giờ để về nhà lúc mặt trời chưa lặn.
2. Ý nghĩa câu chuyện
Khi kể cho nhà thông luật câu chuyện trên, Đức Giêsu muốn vận dụng nó vào trong bối cảnh cụ thể, nhằm dạy cho ông ta một bài học sống động về việc thi hành luật.
Để hiểu sâu sắc ý nghĩa của nó, chúng ta cùng phân tích ý nghĩa của từng nhân vật.
Trước tiên là khách bộ hành: vị khách này không được Đức Giêsu nói rõ là ai, hình dạng ra sao hay thuộc dân tộc nào, mà chỉ nói là người lữ khách lâm nạn. Nhưng cứ theo sự thường thì có lẽ là người Dothái và ông ta phải là một người rất liều lĩnh. Bởi vì chỉ đi có một mình mà lại mang nhiều tư trang hành lý. Vì thế, ông ta bị cướp và bị đánh đập là lẽ đương nhiên trên con đường đầy nguy hiểm này.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hình ảnh của những người đi đường khi trông thấy người lâm nạn.
Trước tiên là thầy Tư tế: ông ta trông thấy nạn nhân nằm quằn quại bên lề đường. Nhanh tay, nhanh mắt, thầy Tư tế đã tránh sang một bên và bỏ qua. Có lẽ vị tư tế này không dám đụng vào nạn nhân vì sợ bị ô uế bởi Luật. Vì trong Luật có chép rằng: nếu ai đụng vào người đã chết thì bị ô uế đến 7 ngày (x. Ds 19,11). Vì thế, có thể ông ta suy diễn: nếu giúp đỡ người bị nạn, ông sẽ không còn thanh sạch để xứng đáng tế lễ, và đương nhiên ông bị mất phiên phục vụ trong đền thờ! Như vậy, thầy Tư tế này đã có lựa chọn: ông ta đặt lễ nghi trên tình thương. Đền thờ và nghi lễ đã làm cho lòng trắc ẩn của ông bị đóng khung bởi luật.
Thứ đến là thầy Lêvi: cũng cùng một lựa chọn như thầy Tư tế, nên ông đã ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi khổ đau của người gặp nạn. Tuy chỉ là người giúp việc cho thầy Tư tế. Bổn phận của ông cũng theo đó mà nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, ông không dám đụng vì sợ liên lụy, nên đã “đào vi thượng sách” cho an thân.
Cuối cùng là người Samari: ông cũng thấy người gặp nạn như thầy Tư tế và Lêvi. Nhưng, thay vì tránh né, phủi tay, ông đã chạnh lòng thương và đến để cứu giúp người lâm nạn.
Kết thúc câu chuyện, Đức Giêsu lên tiếng hỏi: “Ai là người thân cận của người gặp nạn?” (x. Lc 10, 36). Nhà thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" (Lc 10, 37).
3. Sứ điệp Lời Chúa
Có lẽ khi đọc qua câu chuyện trên, nhiều người trong chúng ta không khỏi bức xúc và buông những lời chỉ trích nặng nề đến những người đã vô tâm và lạnh lùng không giúp đỡ người lâm nạn. Đồng thời không ngớt trầm trồ khen ngợi người Samari nhân hậu.
Tuy nhiên, nếu suy niệm dưới ánh sáng đức tin và dưới cái nhìn liên đới, hẳn chúng ta thật bỡ ngỡ vì những hình ảnh và lựa chọn của thầy Tư tế và Lêvi trong câu chuyện trên lại đang tiếp diễn nơi những hành vi và lựa chọn của chúng ta. Còn tấm lòng và nghĩa cử nhân ái của người Samari lại quá xa vời trong đời sống đạo của mỗi người!
Vì thế, không lạ gì khi chúng ta vẫn thấy đây đó sự dửng dưng, vô cảm và thiếu vắng lòng thương xót ngay tại những trung tâm tôn giáo với nhiều lễ nghi tối ngày... Hay vẫn còn đó biết bao người đói khát, rét mướt, không nhà cửa ngay tại những trung tâm thành phố sầm uất, tráng lệ. Hoặc biết bao trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa đang ngày đên cầu cứu tại các chợ trời, gầm cầu!!!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: dù là ai, làm việc gì, trong đạo hay ngoài đời, ngôn hành phải đồng nhất. Nếu chỉ tập trung lo tổ chức lễ nghi hay sự kiện nhằm mục đích “võ sĩ dương oai” mà quên đi việc thăng tiến con người, nhất là người nghèo, khổ đau, bị gạt ra bên lề xã hội, thì tất cả mọi chuyện chúng ta làm chẳng khác gì một tay hề trên sân khấu tôn giáo! Điều đáng nói, đó là: chúng ta sẽ phải trả lời trước Vị Thẩm Phán chí công, giàu lòng thương xót trong ngày chung thẩm về đức ái mà mình có với tha nhân chứ không phải là những thành công nơi những công trình hay lễ nghi bề ngoài. Mặt khác, nếu vì kiêu ngạo mà bám víu vào một mớ kiến thức rồi đưa ra những khái niệm, định nghĩa để phân tích phải - trái, nhưng không hề có lòng xót thương như người Samari, thì chắc chắn ơn cứu độ sẽ vuột mất ngay trong tay chúng ta. Hãy nhớ lại lối sống giả nhân giả nghĩa và kết cục bi đát của Giuđa để làm bài học cho chính mình!
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho cho chúng con có được tấm lòng thương xót như người Samari, để khuôn mặt xót thương của Thiên Chúa được hiện tại hóa nơi hình ảnh và hành vi của mỗi chúng con. Được như thế, chúng con mới hy vọng có được sự sống đời đời. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
========================
Suy niệm 6
Hãy Đi Và Làm Như Vậy
(Lc 10, 25-37)
"Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37), đó là lời của Chúa Giêsu dành cho nhà thông luật khi xưa. Hôm nay, Chúa cũng bảo mỗi người chúng ta "Hãy đi và làm như vậy".
Có người hỏi: Hãy đi và làm như vậy là thế nào ? Là làm như người Samaritanô nhân hậu đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samaritanô nhân hậu bên cạnh những người chúng ta gặp và chân thành giúp đỡ, băng bó các vết thương thể xác và tinh thần cho họ, những vết thương lòng, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, cô đơn và chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: Ai là anh em tôi? Nhưng hãy đi và tỏ ra mình là anh em của mọi người. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không. Nhưng hãy đi và làm như người Samaritanô kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, gặp người đau khổ phải cứu giúp. Cần vượt qua quan niệm hẹp hòi, đi đến tình huynh đệ phổ quát.
Người Samaritanô đối xử với nạn nhân bằng tình thương thật sự: ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta (x. Lc 10, 34). Mở đầu dụ ngôn, thầy tư tế và thầy Lêvi là người thân cận với kẻ hấp hối; vào cuối dụ ngôn, người Samaritanô đã trở thành người lân cận. Chúa Giêsu nhấn mạnh viễn tượng: đừng có đứng đó mà sắp xếp người khác để xem ai là thân cận ai không. Hãy trở thành người thân cận của bất cứ ai ta gặp trong lúc cần thiết, và ta sẽ là người thân cận, nếu trong tim ta có sự cảm thương, nghĩa là nếu ta có khả năng đau khổ với người khác.
Ngày 11 tháng 2 năm 1984, thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã ban hành một Tông thư mang tựa đề: "Salvifici doloris" nói về "ý nghĩa đau khổ của người theo Kitô giáo" để toàn thể Giáo hội suy tư trong Năm Thánh Cứu Độ. Ngài đã nhắc lại dụ ngôn "người Samaritanô nhân hậu", không phải chỉ để gửi tới các bệnh nhân, những người chịu đau khổ, mà còn gửi tới mọi người. Bởi vì đau khổ vẫn ở ngay bên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người rất dễ bị cám dỗ "bỏ đi qua" một cách dửng dưng. Sự dửng dưng này là một nét đặc trưng của thời đại chúng ta. Chắc chắn rằng dụ ngôn "Người Samari nhân hậu" đã trở nên yếu tố thiết yếu của nền văn hóa đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Chúa Giêsu bảo luật sĩ: "Cả ông nữa, hãy đi và làm như vậy".
Vị tư tế và thầy Lêvi thấy người bị hại và bỏ đi, có thể họ có lý do, tư tế bận cử hành lễ vì giờ đã điểm, thầy Lêvi cũng có thể vì sợ ô uế, bởi cả hai đều liên quan đến việc phụng tự nơi đền thời. Đức Phanxicô nói: Họ không có phụng tự thật, vì không thể hiện ra bằng việc phục vụ người lân cận. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: trước nỗi khổ đau của bao người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và bất công, chúng ta không thể ở đó như các khán giả. Không biết nỗi khổ đau của con người, nghĩa là không biết Thiên Chúa. Nếu tôi không đến gần người đàn ông này, bà kia, và em đó, tôi không đến gần Thiên Chúa.
Yêu mến Chúa trong nhà thờ thôi thì chưa đủ, cần phải yêu mến Chúa trên đường đi và trong người anh em đồng bào, đồng loại. Chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ biết luật dạy mến Chúa yêu người trong sách vở. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: "Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc làm". Ngài còn nói: "Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì sống trong ánh sáng. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối" (1Ga 2,9-11). Tình yêu đòi thể hiện bằng việc làm cụ thể. Người Samaritanô đã chạnh lòng thương trước nạn nhân, nhưng anh không dừng lại ở tình cảm suông. Anh đã thể hiện tình thương qua hành động.
Hãy nhận ra khuôn mặt của tất cả mọi người là người anh em. Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết rằng: yêu thương là hành xử như người Samaritanô nhân hậu. Hơn nữa, chúng ta biết rằng Người Samaritanô tuyệt vời là chính Chúa Giêsu: mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã hạ mình làm người và hiến dâng mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta.
Như thế, tình thương là "con tim" của đời sống kitô; chỉ có tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta, mới làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa Kitô. Giới luật yêu thương của Chúa Giêsu đòi chúng ta phải thể hiện tình thương với mọi người.
Câu hỏi: "Tôi là anh em của ai? ", mỗi người chúng ta tự đặt ra cho mình, không phải là câu hỏi cho người khác, nhưng cho chính mỗi chúng ta. Những người anh chị em đang sống chung quanh chúng ta đang tìm kiếm sự cảm thông, chút thanh thản và an bình của tình người. Nhưng biết bao nhiêu lần những người tìm kiếm điều ấy đã không tìm được sự cảm thông, tiếp đón, không tìm được liên đới!
Chúng ta nhìn thấy một người, trên bờ vực của cái chết, nằm trên đường phố và chúng ta nghĩ "tội nghiệp quá". Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục với công việc hàng ngày của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng: Đó không phải là trách nhiệm của tôi... và cho rằng mình có lý. Có người thờ ơ, hết biết rơi nước mắt, trước những cảnh huống đau khổ của tha nhân. Chúa bảo mỗi chúng ta : "Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37).
Lạy Chúa, xin cho con biết mau mắn làm theo lời Chúa dạy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
========================
Suy niệm 7
YÊU  NGƯỜI  THÂN  CẬN
Dnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10, 25-37
Nhà thông luật hôm nay đứng lên chất vấn để “thử” Đức Giêsu về điều kiện để được “sự sống đời đời”. Còn Đức Giêsu lại trắc nghiệm cho ông thấy điều kiện để được sống đời đời là “làm”, là thực hành đúng nghĩa, chứ không phải chỉ thuộc lòng thông thạo, hay nắm chắc lý lẽ của giới luật yêu thương.
Phần lý thuyết ông đã “thông” lắm rồi, nhà thông luật cơ mà! ấy là mến Chúa hết lòng hết sức, yêu người thân cận như chính mình. Nhưng mà cái “khung trời yêu thương” của ông có ranh giới hạn định, nên ông thắc mắc vặn lý: “Nhưng ai là người thân cận của tôi”? (Lc 10,29). Đức Giêsu trả lời bằng câu chuyện ba người gặp nạn nhân bị đánh nửa sống nửa chết nằm đó. Hai thầy tư tế và thầy Lêvi không muốn dây dưa nên tránh qua bên kia mà đi an phận. Còn người Samari vô danh kia đi qua thấy thì “chạnh lòng thương”, ông gác lại công việc để cúi xuống, xắn tay sẵn sàng lo hết cho một người lạ không hề quen biết. Thật rõ ràng người Samari đã trở thành “người thân cận”, thành ân nhân số một của nạn nhân, vì đã “thực thi” lòng thương xót đối với người ấy, nên vấn đề chỉ còn là hãy đi và “làm như vậy”, tôi sẽ có cơ man là người thân cận ấy chứ!
Người thân cận là những người sống bên ta dưới cùng một mái nhà, người anh em họ hàng ruột thịt, bạn bè lối xóm… Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta đi xa hơn, vượt khỏi ranh giới kia để trở thành người thân cận của nhau, bất cứ ai mà ta gặp trên đường đời. Ta được mời gọi trở nên người thân cận với bất cứ ai cần đến ta, để thực hành giới răn yêu thương với đức ái trọn hảo. Dù họ là ai, hèn hạ khó khăn không có khả năng đền đáp, người tội lỗi, thậm chí kẻ thù… Nếu ta thực hành đức ái với họ, sẽ biến đổi từ thù thành bạn, người xa lạ thành anh em gần gũi. Ngược lại có lúc ta lại “làm phúc nơi nao” mà để “cầu ao rách nát”, vì ngoảnh mặt làm ngơ với người ngay bên cần ta giúp đỡ, thì dù có gần bên thì vẫn như người dưng kẻ lạ với nhau. 
Yêu thương là chu toàn lề luật. Yêu thương để được “sống” đời đời, nếu không yêu thương thì tuy sống mà kể như đã “chết” vậy. Ai mến Chúa thì tất sẽ yêu người, vì yêu thương cứu giúp người là thể hiện rõ lòng tin mến Chúa. Thánh Giacôbê nói: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18). Đúng vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”.
Lạy Chúa! vì yêu nên Chúa bỏ trời xuống cứu chúng con, ngay khi chúng con là những tội nhân. Chúa rộng tình yêu thương mà cứu giúp hết thảy mọi người, bất kể họ là ai. Tình yêu của Chúa là tình không biên giới. Chúa còn sẵn sàng “ở trong” con người hèn mọn chúng con nữa. Xin Chúa thực hiện trong con người giới hạn này tình yêu đó, bằng con tim và đôi tay của Chúa, để dù khác biệt mọi sự, tất cả chúng con đều trở thành người nhà, thành con một Cha dấu yêu, bây giờ và mãi mãi. Amen.
Én Nhỏ
 
  
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log