Thứ ba, 07/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm C

Cập nhật lúc 09:45 18/07/2019
Suy niệm 1
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước
Bài Tin mừng mà chúng ta suy ngắm tuần trước về dụ ngôn người Samaritano nhân lành và bài Tin Mừng hôm nay về việc Chúa thăm nhà Martha bổ sung cho nhau. Cả hai bài đều giới thiệu cho chúng ta thấy 2 khía cạnh quan trọng của thực tại ki-to giáo: Hoạt động bác ái và lắng nghe lời Chúa. Hoạt động là kết quả của việc chúng ta cam kết hướng về người khác, nhưng nền tảng của hoạt động này vẫn là phải lắng nghe Lời Chúa. “Maria ngồi dưới chân Chúa Giê-su để nghe Lời Người.”
Chúng ta có thể nghĩ là Chúa Giê-su phê bình Martha vì chị làm một việc làm tốt đó là chuẩn bị bữa ăn thết đãi Chúa. Chị đón tiếp Chúa như Abraham đã làm trong bài đọc I. Chúa Giê-su không khiển trách chị vì sự nhiệt tình đón tiếp khách mời, nhưng Người khiển trách vì chị quá lo lắng làm công việc đó.
Trong sách Khải Huyền, Thánh Gioan sử dụng một hình ảnh đẹp để mô tả đời sống người ki-tô: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”.
Nghe Lời Chúa, đó là sẵn sàng đón nhận ý định của Người và đem ra thực hành. Thực hành Lời Chúa sẽ gặp nhiều thử thách. Nhưng đó chính là cái giá chúng ta phục vụ người anh em cũng như là phục vụ Thiên Chúa.
Hai chị em Maria và Martha trong Tin Mừng hôm nay đều là những người đón tiếp Chúa, nhưng bằng 2 thái độ khác nhau. Cả hai thái độ này đều nhằm suy tôn Chúa. Nhưng trong khi Martha như là một nữ đầu bếp giỏi không ai sánh kịp hối hả chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn, thì Maria lại hoàn toàn chú ý vào Chúa Giê-su và tất cả những gì Chúa nói.
Chiêm niệm và hoạt động là 2 khía cạnh của một tình yêu. Lời Chúa làm cho các tính toán của chúng ta trở nên trong sáng và làm thay đổi thái độ của chúng ta hướng về người khác và hướng về Thiên Chúa. Lời Chúa làm cho mọi biến cố hằng ngày: như vui mừng, đau khổ, bệnh tật và cả sự chết nữa đều có một nghĩa. Sách Thánh Vịnh rất có lý khi nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước..trong những ngày đầy ánh sáng mặt trời cũng như đêm tối sâu thẩm… Chúa chỉ đường cho con và hướng dẫn con đi. Chúa là đường là sự thật và là sự sống cho con”.
Đối với chúng ta, chúng ta cũng thường quên điều căn bản này. Trong suốt ngày sống, chúng ta, rất có nhiều mối bận tâm. Nhưng Chúa Giê-su không muốn chúng ta để những mối bận tâm đó chiếm quá nhiều. Nỗi bận tâm duy nhất mà chúng ta cần phải có, đó là một con tim phó thác quảng đại: NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN, với niềm xác tín rằng CHÚA SẼ BAN CHO CHÚNG TA CÁI GÌ LÀ CẦN CHO CHÚNG  TA HÔM NAY.
Chúa Giê-su chống lại tất cả những thói xấu làm chúng ta quá lo lắng, và không có được một sự tự do hoàn toàn. Nếu không thường xuyên làm chủ sự tự do con tim, chúng ta không siêng năng đến với Chúa Giê-su được, …
- Quá lo lắng thì không bao giờ tốt cả.
- Quá lo lắng sẽ làm cho chúng ta trở nên càu nhàu, nô lệ cho tính hiếu động của mình và dễ ghen tương với những người mà bề ngoài xem ra họ không làm gì.
- Quá lo lắng sẽ tạo nên một bầu khí căng thẳng và khó chịu…
Chúng ta rất dễ quên điều căn bản mà Chúa nhắc nhớ chúng ta hôm nay. Hãy cố gắng định cho mình một thời gian đặc biệt cầu nguyện để tìm kiếm sự bình an và lắng nghe Chúa Giê-su nói. Chúa nói với chúng ta bằng tình yêu trong Tin Mừng của Người.
Tin Mừng của Chúa mời gọi chúng ta định giá lại cái nhìn chiêm niệm đời sống người kito chúng ta, ưu tiên gặp Thiên Chúa trong cầu nguyện và chiêm niệm, làm cho Lời Chúa trở nên một món ăn hằng ngày của mỗi người chúng ta.
Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giê-su nhắc bảo chúng ta :  những lo lắng phù hoa phú quý cùng những khoái lạc làm cho chết ngộp cuộc đời chúng ta và không đạt tới mức trưởng thành. Chúa còn mạnh mẽ nhắc lại : « Anh em hãy đề phòng, đừng để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say xưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em ». Ai nghe Lời Chúa đó là người xây nhà trên đá. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước.
Cuộc sống hôm nay làm chúng ta thích hoạt động quá nhiều và như Martha, chúng ta hối hả quá đáng về một khuấy động dễ làm chúng ta bực bội về chính mình. Biết bao lần Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta phó thác những lo lằng đó cho Thiên Chúa là Cha, Đấng đã nuôi nấng chim trời, cho hoa huệ ngoài đồng mặc đẹp…Chúa Giê-su không quở trách Martha nhiệt tình phục vụ đón tiếp Chúa, nhưng chỉ trách chị là quá lo lắng dễ làm cho chị quên đi cái đích thực, là lắng nghe lời Chúa mà thôi.
Ai không có thời gian để nghe Lời Chúa, đó là người xây nhà trên cát. Nhưng người nào lắng nghe lời Chúa, đó là người xây nhà mình trên một mảnh đất sinh hoa trái và hoa trái sẽ tồn tại. Vinh quang của Đức Maria, mẹ Chúa Giê-su không phải là do mẹ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng vì Mẹ đã giữ lời Chúa trong tim và đem ra thực hành.
Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi:
- Chúng ta có hứng thú để nghe lời Chúa không?
- Chúng ta có dành thời gian để lắng nghe lời của Người không?
Cách tốt nhất để sống đạo trong thế giới hiện đại hôm nay, đó là vừa phải là Martha và vừa phải là Maria, đó là chu toàn bổn phận mình và giữ gìn lời Chúa trong tim..
Các vị thánh lớn đều hiểu rõ chân lý tin mừng này. Thánh Ignatio nói với các thầy dòng của mình : « Phải là những người chiêm niệm trong hành động ». Và Thánh Benedicto xây dụng toàn bộ nền tu đức dựa trên 2 yếu tố : cầu nguyện và hoạt động (ora et labora).
Lạy Chúa, chúng con nghĩ rằng: khi chúng con làm tất cả để đón tiếp Chúa là chúng con hoàn thành bổn phận của chúng con rồi…Chúng con thường xuyên đi lễ chủ nhật, chúng con nghĩ thế là tốt lắm rồi.. Nhưng có lẽ như thế là chưa đủ. Chúa còn đợi chờ chúng con hơn nữa, Chúa nhìn vào khả năng con tim chúng con, Chúa đo lường chất lượng sự có mặt và thái độ lắng nghe của chúng con…Để học được điều đó nơi Chúa, chúng con cần yên lặng cầu nguyện bên Chúa để tìm được nguồn tình yêu này.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu đối với Chúa,  đối với người nghèo và người bị bỏ rơi, để họ luôn có chỗ trong trái tim chúng con. Xin hãy làm cho chúng con biết rằng, khi phục vụ họ, đó là phục vụ Chúa. Khi hiệp thông với niềm vui mừng và nỗi khổ đau của họ, chúng con biết nối kết với Tình Yêu Chúa. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Quà tặng vô giá
Lc 10, 38 - 42
Khi Chúa Giê-su đến thăm nhà, cô Mác-ta đã dành cho Ngài một cuộc tiếp đón nồng hậu. Cô "tất bật lo việc phục vụ" Chúa thật chu đáo. Cô "băn khoăn lo lắng nhiều chuyện…" để cho Chúa được vui lòng. Thế mà chẳng được Chúa khen, lại còn bị trách: "Sao con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!" Thế có oan không chứ?
Thật ra, Chúa Giê-su không có ý trách Mác-ta về việc phục vụ hầu hạ tận tình của cô. Chúa chỉ muốn lưu ý Mác-ta rằng: Điều cần thiết hơn cả là lắng nghe, là đón nhận lời Ngài. Cô Maria đã khôn ngoan chọn làm việc nầy (tức lắng nghe Lời Chúa) và Chúa Giê-su cho đó là chọn phần tốt nhất.
Maria đã chọn phần tốt nhất vì lắng nghe lời Chúa là việc làm hệ trọng nhất trên đời, là khai thác một kho tàng vô giá không có gì trên cõi đời nầy sánh được, là nắm lấy bí quyết để được sống hạnh phúc muôn đời...    
Hôm nay, Chúa Giê-su cũng đến nhà chúng ta và trao gởi cho chúng ta những tâm tình, những lời châu ngọc, những giáo huấn khôn ngoan... như Ngài đã trao ban cho cô Maria hôm xưa. Tất cả được gói ghém trong cuốn Tin mừng.
Để có thể trao tặng cho chúng ta cuốn Tin mừng như chúng ta hiện có, Chúa Giê-su đã phải 'biên soạn' rất công phu. Ngài đã mất đến ba mươi ba năm mới hoàn thành kiệt tác vĩ đại nầy.
Thật ra, Chúa Giê-su không viết Tin mừng nhưng Ngài đã dệt nên Tin mừng bằng ba mươi ba năm cuộc sống.
Tin mừng của Chúa Giê-su được dệt bằng chính cuộc sống dương gian của Ngài, kể từ lúc đầu thai trong lòng Trinh nữ Maria, được sinh ra trong chuồng bò, trốn lánh sang Ai Cập, trở về sống đời niên thiếu ở Na-da-rét, rồi lớn lên trong phấn đấu nhọc nhằn, đổ mồ hôi lao động đổi lấy áo cơm...
Tin mừng của Chúa Giê-su Ki-tô được tiếp tục dệt bằng ba năm thao thức rao giảng trên các nẻo đường Do-Thái, dệt bằng lòng yêu thương người tội lỗi, bằng lòng thương xót các bệnh nhân và người đau khổ, dệt bằng lòng thứ tha vô hạn, bằng tình yêu không biên giới...
Tin mừng Chúa Giê-su được đan dệt bằng nước mắt và mồ hôi máu cùng nỗi buồn sầu quá đỗi trong vườn Cây Dầu, bằng roi đòn tươm máu, bằng vác thập giá đau thương, bằng những giọt máu cuối cùng chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập giá...
Tin mừng Chúa Giê-su được thành hình như thế đó, không phải bằng chữ viết mà bằng cả cuộc đời, một cuộc đời sống cho tình yêu, chết cho tình yêu, yêu cho đến cùng...
Để trao tặng cho chúng ta một cuốn Tin mừng, Chúa Giê-su đã phải trả giá như vậy đó! Vậy thì kiệt tác nầy quý giá biết bao!
Tin mừng Chúa Giê-su cũng là kho tàng khôn ngoan siêu đẳng của Thiên Chúa, được Chúa Giê-su đem từ trời xuống ban tặng cho thế gian để nhờ Tin mừng của Ngài, loài người học biết sự khôn ngoan của Thiên Chúa, được sống trong bình an và được vui hưởng hạnh phúc muôn đời trên thiên quốc.
So với sự khôn ngoan được Chúa Giê-su bày tỏ trong Tin mừng, thì sự khôn ngoan của thế gian nầy chỉ là rơm rạ, cỏ rác!
Tóm lại, Tin mừng là kho tàng cao quý hơn hết mọi kho tàng, là nguồn mạch khôn ngoan trổi vượt khôn ngoan thế gian, là nguồn phát sinh hạnh phúc và sự sống, là con đường đưa tới sự sống đời đời. Đây là một công trình vĩ đại được hình thành suốt ba mươi ba năm dương thế của Thiên Chúa Ngôi Hai với sự chỉ đạo của Chúa Cha và sự cộng tác của Chúa Thánh Thần.
Công trình vĩ đại nầy, quà tặng vô giá nầy, kho tàng quý báu nầy được Thiên Chúa trân trọng trao vào tay chúng ta. Vậy mà có người không muốn nhận, hoặc thờ ơ, hờ hững với tặng phẩm cao quý nầy. Làm như thế là xúc phạm đến Đấng đã trao ban.
Có lẽ cũng như Mác-ta ngày xưa, chúng ta "lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá" nên chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ tới Tin mừng; cõi lòng chúng ta đầy ắp những tham vọng trần thế, những ham muốn phàm trần nên không còn chỗ cho Tin mừng của Chúa bén rễ. Đáng tiếc thay!          
Lạy Chúa Giê-su,
Hôm xưa, khi Chúa đang giảng giữa đám đông, một phụ nữ thán phục Ngài quá đỗi nên cất tiếng ca tụng rằng: "Phúc thay người Mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" Bấy giờ Chúa đáp: "Đúng hơn phải nói rằng: "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa" (Lc 11, 27-28).
Xin giúp chúng con luôn luôn trân trọng đón nhận quà tặng vô giá Chúa ban là Tin mừng sự sống để suy gẫm ngày đêm và đem ra thực hành, nhờ đó, mai sau đáng được Chúa liệt vào hàng ngũ những người được hưởng phúc muôn đời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===================
Suy niệm 3
Chọn Phần Tốt Nhất
(Lc 10, 38 – 42)
Sống là chọn lựa, chọn điều đúng giữa những điều không đúng, chọn điều cần, điều tốt và tốt nhất trong những điều tốt. Hôm nay, hai chị em Matta và Maria cũng chọn tiếp đón và phục vụ Chúa theo cách riêng của mình : Matta tất bật với việc tiếp đãi Chúa, còn Maria ngồi bên chân Chúa để trò chuyện, cả hai cách đều cần và đều thể hiện tinh thần hiếu khách, cả hai cách đều là thực tế của một đời sống. Chúa cũng không chê hay coi thường cách của Matta kém Maria, nhưng Ngài đã đề cao thái độ của Maria và khen ngợi chị : “Maria đã chọn phần tốt nhất (câu 42)
Khi nói với Matta: “Maria đã chọn phần tốt nhất”, Chúa Giêsu không có ý so sánh cách của Matta với cách của Maria, vì tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể và tích cực qua cả việc chuẩn bị bữa ăn, cũng như qua việc hàn huyên tâm sự, và đó là hai khía cạnh thực tế của một đời sống. Chúa không chê hoạt động của Matta, lại càng không trách sự tiếp đón quảng đại của chị, Ngài chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria đang ngồi dưới chân Ngài để nói lên thái độ cơ bản con người phải có đối với Thiên Chúa, đó là thái độ lắng nghe lời của Ngài và đem ra thực hành trong đời sống. Thái độ ấy được Chúa Giêsu cho thấy phải được thể hiện qua việc dành những giờ phút riêng tư với Chúa như Maria: khi ở bên Chúa, Maria đã chỉ chú ý đến Lời của Ngài và đến bản thân Ngài mà quên đi chính mình, Matta thì khác, lúc đầu chị hoàn toàn vì Chúa, làm vui lòng Chúa, chị mong muốn làm sao phục vụ Chúa chu đáo và tốt nhất, nên chị phục vụ mà không nghĩ mình đang phục vụ. Nhưng dần về sau, chị không còn hoàn toàn hướng về Chúa nữa, chị bị chi phối đến sự thành công cho bữa ăn chị chuẩn bị, chị đã quay vào mình, ngắm nghía sự vất vả và cả sự quảng đại của mình, chị chú ý quá đến bữa ăn đãi Chúa mà quên để ý đến ước muốn của Ngài và chính Ngài. Nên chị trách Chúa, và trách cả em: “em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? xin Thầy bảo nó giúp con một tay”. Matta thật sự có lòng yêu mến Chúa nhưng trong việc yêu mến ấy chị vẫn lấn cấn đến lòng yêu mình, có lẽ đó chính là lý do Chúa Giêsu nhắc chị: “Matta, Matta ơi! chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá”. Đồng thời Chúa cũng chỉ cho chị thấy chỉ có một chuyện cần mà Maria đã chọn, đó là lắng nghe Lời Ngài với thái độ của người môn đệ: và đó cũng là phần tốt nhất.
Cuộc sống của chúng ta vừa phải là Matta và cũng vừa phải là Maria, nhưng nhiều khi chúng ta mang thái độ như chị Matta, dễ bận tâm quá đến hoạt động làm cuộc sống mất cân bằng, thân xác ở bên Chúa, nhưng tâm hồn lại bị cuốn hút vào công việc còn dở dang hay dự tính chưa làm, chúng ta coi việc phục vụ Chúa lớn hơn chính Chúa, chúng ta chọn công việc của Chúa hơn là chọn Chúa, khi phục vụ, chúng ta chưa quên mình, vì thế, chúng ta dễ quy về mình, dễ tìm mình hơn là làm vui lòng Chúa, dễ tính toán, so đo, dễ thấy khả năng và công sức của mình khi thành công mà không thấy do ơn của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng con có nhiều chuyện, nhưng chỉ có một chuyện cần, có nhiều phần tốt, nhưng có phần tốt hơn và tốt nhất. Xin cho chúng con biết chọn cho mình phần tốt nhất, chính là sống giây phút hiện tại dưới sự hiện diện của Chúa như thái độ của Maria, giờ nào việc đó: nếu là giờ phục vụ, thì hãy phục vụ tận tâm, đừng so đo tính toán hay ganh tỵ với bất cứ ai. Nếu là giờ cầu nguyện, hãy dành trọn vẹn cho Chúa, đừng coi thường việc phục vụ của những người khác dù là bé nhỏ. Xin cho mỗi ngày, mỗi giờ chúng con sống, mỗi việc chúng con làm, mỗi người chúng con gặp gỡ và phục vụ, chúng con biết chọn phần tốt nhất cho việc đào luyện chính mình nên môn đệ của Chúa hơn trong vai trò và chức vụ Chúa trao. Amen.
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
===================
Suy niệm 4
 CHỌN PHẦN TỐT NHẤT
Đức Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận bị chính quyền cộng sản bắt khi ngài đang tiến hành những công việc của Giáo phận như mở Đại Chủng viện, các Dòng tu, các khoá huấn luyện… Ai sẽ là người kế nhiệm để lo những công việc mục vụ quan trọng này?. Ở trong tù, ngài lo lắng và ưu tư từ ngày này qua ngày khác. Rồi đến một ngày, ngài nhận ra rằng: “Tất cả những gì tôi đang lo lắng là việc của Chúa. Còn lúc này đây, Chúa muốn cho tôi tìm chính ý Chúa. Tôi đang làm việc cho Chúa thì tại sao lại lo lắng những công việc của Chúa. Nếu đã đạt được ý Chúa thì công việc của Chúa khắc có người lo”. Và từ lúc ấy, ngài tìm được bình an. Ngài chỉ tìm ý Chúa, còn công việc của Chúa thì người này lo, người khác lo và Chúa quan phòng luôn tiếp tục. Ngài nhận định: “Không phải Maria ngồi yên dưới chân Chúa vì làm biếng. Phúc Âm không phong thánh cho người làm biếng. Maria chọn phần tốt nhất: nghe Chúa nói, để Lời Chúa thấm tận tâm can, lay chuyển mình, làm việc trong mình. Có gì hoạt động bằng sự lột xác, sự biến đổi ấy?” (ĐHV 147).
Tin mừng hôm nay kể chuyện hai chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người mỗi cách.
Maria ngồi bên chân Chúa với tâm thế lắng nghe. Cô không làm gì, không nói gì, chỉ ngồi nghe. Cô đón tiếp Chúa Giêsu với một phong cách tốt nhất.
Matta lo việc bếp núc, phục vụ ăn uống. Có lẽ Matta ganh tị với em nên khiếu nại với Chúa: "Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay". Matta trách em, nhưng cũng là một cách kể công và khoe mình quan trọng và có thể coi đó như một lời trách khéo đối với Chúa Giêsu.
Nhưng Chúa nhẹ nhàng đáp lại: "Matta, Matta ơi, con lo lắng bận rộn nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất ". Chúa đã khen Maria biết chọn phần tốt nhất. Chọn phần tốt nhất không phải là chọn làm nhiều, nhưng là biết nghe, hiểu và làm theo ý Chúa. Việc lắng nghe để nhận ra thánh ý Chúa nhiều khi đòi hỏi người ta phải biết cầu nguyện, phải giữ một tâm hồn thanh tĩnh và phải biết tập trung cao độ để nhận ra được thánh ý Chúa.
Người ta thường giải thích câu nói của Chúa Giêsu như một sự đề cao chiêm niệm trên hoạt động. Matta tiêu biểu cho đời sống hoạt động, lo lắng về những nhu cầu vật chất. Maria tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện. Trên thiên đàng người ta chỉ còn chiêm ngắm Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cữu. Như thế, Maria đã đạt tới cùng đích của đời sống Kitô hữu. "Phần hơn" của cô là ở chỗ đó. Có Chúa rồi, "chiếm hữu" được Chúa rồi thì còn gì hơn nữa!
Chúa Giêsu đón nhận sự phục vụ ân cần của Matta và đưa ra bậc thang giá trị, cần “chọn phần tốt nhất”. Chọn Lời Chúa và lắng nghe. Đó chính là “phần tốt nhất” như lời Tv 119: “Lạy Chúa, con đã nói, phần của con là tuân giữ Lời Ngài ”. Lắng nghe Lời chính là xây dựng nhà mình trên đá (Lc 6,47-49). Lắng nghe Lời giúp tâm hồn trở thành mảnh đất trổ sinh hoa trái (Lc 8,4-15). Hạnh phúc của Đức Maria là “lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,27-28).
Đối với Chúa Giêsu, cả hai cách phục vụ của Matta và Maria đều cần thiết và bổ túc cho nhau. Ðiều Chúa muốn nhắc cho Matta là: việc cốt yếu đối với người môn đệ là “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”. Nhiều lần, Chúa nói về điều cốt yếu ấy: "Phúc cho ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 11,28); "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8,21; Mt 12, 46-50; Mc 3, 31-35). Điều cốt yếu ở đây không phải là ưu tiên về thời gian (làm cái này trước rồi làm cái kia sau) hay số lượng (làm "việc Chúa" nhiều, làm "việc đời" ít)... nhưng ưu tiên về giá trị. Khi làm việc gì, nếu mình tận tình làm việc cho đẹp lòng Chúa, như Chúa muốn, thì mình vẫn đang chọn phần tốt nhất như cô Maria bởi vì mình vẫn đang qui chiếu về Chúa, đang lắng nghe lời Chúa và thi hành thánh ý Chúa về đời mình. Thánh Phaolô dạy: "Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa" (1 Cr 10,31).
Hoạt động và cầu nguyện là nhịp sống đời Kitô hữu. Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động và hoạt động là kết quả của cầu nguyện. Cầu nguyện làm nền tảng cho mọi hoạt động.Nhờ cầu nguyện nên việc phục vụ tha nhân được tốt hơn. Mẹ Têrêxa Calcutta và các Nữ tu dù bận rộn công việc hằng ngày vẫn luôn dành thời giờ tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể. Mẹ luôn là gương sáng cho các Nữ tu, cầu nguyện trước khi hoạt động. Mỗi ngày dành một giờ chầu Mình Thánh Chúa, sau đó mới đến các nơi nghèo nàn ở Calcutta để chăm sóc những người nghèo khổ hoặc đi vào trong các căn nhà tồi tàn giúp những người hấp hối được chết lành.
Tham dự Thánh lễ chính là lúc chúng ta như Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu lắng nghe Lời Ngài. Đến với Chúa, xin đừng dè sẻn cò kè thời giờ, đừng lật đật vội vã đến trễ về trước, xin đừng dự lễ kiểu “đạo gốc cây”, “đạo vòng vòng” ở ngoài sân nhà thờ. Xin đừng đến với Chúa chỉ vì bắt buộc, miễn cưỡng, sợ tội. Hãy đến với Chúa như một người con thảo, đến để gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa, đến là vì lòng yêu mến Chúa và muốn sống hiếu thảo với Ngài mà thôi.
Thánh lễ cũng chính là lúc Chúa đến thăm và ban ơn sủng cho chúng ta. Hãy quý trọng sự hiện diện của Chúa. Hãy tham dự tích cực, linh động, cầu nguyện sốt mến, thưa chuyện với Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể ban thêm cho chúng ta đức tin, tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ để chúng ta dấn thân phục vụ anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa. Amen.(Mana)
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===================
Suy niệm 5
LẮNG NGHE VÀ ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA LÀ NGƯỜI KHÔN NGOAN
(St 18,1-15; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42)
Trong truyền thống Việt Nam, văn hoá ứng xử qua việc giao tiếp là quan trọng. Điều này đã được cha ông chúng ta rất đề cao. Qua việc đón tiếp khách, người ta đánh giá được sự hiếu khách hay thờ ơ của gia chủ; đồng thời nó cũng thể hiện sự văn minh và nền giáo dục của gia đình đó như thế nào!
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu ghé thăm gia đình của Martha. Nơi đây, Ngài nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của hai chị em trong gia đình này. Hai cách đón tiếp khác nhau, nhưng đều thể hiện sự kính trọng, yêu mến mà hai cô dành cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, kết quả lại khác nhau, bởi vì hệ tại ở hành vi lựa chọn.  
1. Cần lắm một lựa chọn đúng đắn
Kinh nghiệm trong cuộc sống cho chúng ta thấy: có rất nhiều điều cần phải “lựa”“chọn”.  Khi còn nhỏ, cha mẹ lựa chọn cho con cái trường nào tốt để gửi vào học; khi lớn lên một chút, ta lựa chọn bạn để chơi, lựa chọn thầy để học; lựa chọn nghề để mưu sinh, lựa chọn người yêu để cưới; lựa chọn một cung cách, một lập trường, một lý tưởng để sống... Nhưng có lẽ điều cần thiết nhất vẫn là lựa chọn một chân lý để làm chủ đạo cho cuộc đời.
Như vậy, có biết bao điều cần phải lựa chọn. Lựa chọn cái tốt, tốt vừa, tốt hơn, hay tốt nhất? Đây chính là điều đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, đắn đo trước khi chọn.
Nếu lựa chọn trong đời thường là lọc ra những thứ không cần thiết và chọn cho mình những thứ cần dùng. Thì lựa chọn theo Kinh Thánh chính là lắng nghe tiếng Chúa và thực thi điều mình đã tiếp nhận. 
Chọn lựa được coi là “đích đến”“bánh lái” cho cuộc đời nếu lựa chọn đó là tốt, là đúng. Còn nếu lựa chọn sai thì sẽ bị tác hại khôn lường.
Hôm nay, bài Tin Mừng cho chúng ta thấy: Martha lựa chọn phục vụ Đức Giêsu qua việc nấu nướng để thiết đãi Ngài một bữa ăn thịnh soạn. Còn Maria thì lựa chọn việc ngồi để lắng nghe Đức Giêsu dạy bảo. Hai thái độ đều tốt. Một bề ngoài. Một bề trong. Nhưng giá trị thì lại khác nhau. Bởi vì Maria đã chọn phần tốt nhất, còn Martha có thể đã chọn phần tốt hoặc tốt hơn chứ chưa phải là tốt nhất.
2. Lắng nghe và đón nhận Lời Chúa là người khôn ngoan
Thật vậy, lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành phải là điều quan trọng nhất, bởi vì: mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn luôn tồn tại.
Tác giả sách Isaia đã nhắc lại lời Đức Chúa phán với dân của Người như sau: “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển, tên của ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta” (Is 48,18-19b).
Chính vì điều này mà cô Maria đã lựa chọn điều tốt nhất là được ở bên Đức Giêsu (x. Lc 10,42) và nghe lời Ngài dạy (x. Lc 10,39). Cô đã chọn cho mình phần phúc Nước Trời, bởi lẽ, Đức Giêsu chính là nội dung của Tin Mừng, là hiện thân của Nước Hằng Sống. Vì thế, có Đức Giêsu ở cùng là được cả Nước Trời. Nghe được Lời Ngài nói với mình và đem ra thực hành thì được ví như “… người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá " (Mt 7, 25). 
Bởi vì, Đức Giêsu là kho tàng quý giá mà Thiên Chúa Cha đã đem trồng vào trong mảnh vườn nhân loại. Sống trong Ngài là được trở nên nghĩa thiết với Ngài và được Ngài yêu thương, để Ngài ở đâu, chúng ta cũng sẽ được ở đó với Ngài. Cô Maria trong bài Tin Mừng hôm nay đã hội đủ các yêu tố trên, nên cô đáng được Đức Giêsu khen là người có phúc khi nói: “Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".
3. Sứ điệp Lời Chúa
Giáo Hội được Đức Giêsu thiết lập để lưu truyền Lời Chúa cho con người. Lời đó là Lời Chân Lý, Lời Hằng Sống. Chính Lời Chúa đã nuôi sống Giáo Hội qua mọi thăng trầm của lịch sử. Vì thế, “Giáo Hội luôn tôn kính Lời Chúa như chính Thân Thể Ngài”. 
Khi dành cho Lời Chúa một vị trí quan trọng và ngang hàng với chính Chúa như thế, Giáo Hội muốn xác tín niềm tin của mình vào sức mạnh vạn năng của Lời Chúa. Điều này đã được Công Đồng Vaticanô II khẳng định: “Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội” (x. DV., số 21).
Nhưng, tiếc thay, vì quen lối sống đạo xưa kia, nên chúng ta nhiều khi chỉ thuộc kinh mà không mấy coi trọng Lời Chúa! ngược lại, nhiều gia đình lại coi cuốn Lời Chúa như một vật trang trí hay kính trọng theo kiểu “kính nhi viễn chi”.
Khi nói như thế, chúng ta không có ý phủ nhận lối sống đạo bình dân của cha ông, vì trên thực tế, đời sống đạo truyền thống này đã sinh ra cho Giáo Hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, và hôm nay, chúng ta được kế thừa niềm tin cũng nhờ cung cách sống đạo bình dân đó.
Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng, mọi lời Giáo Huấn hay Truyền Thống của Giáo Hội cũng như mọi lời kinh từ bao thế hệ đều được bắt nguồn và suy tư từ Lời Chúa. Nếu chúng ta am tường và hiểu biết Lời Chúa càng nhiều, thì đời sống đạo của chúng ta càng sống động và sâu sắc. Chính thánh Giêrônimô đã nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Vì thế, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gợi lên cho chúng ta giá trị của Lời Chúa khi viết: “Đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời” (x. Thư Chung 1980, số 8). 
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh, thái độ của Maria, nhất là hãy cảm nghiệm lời chúc phúc của Đức Giêsu dành cho cô, từ đó, rút ra cho mình một thái độ tích cực với Lời Chúa như:
Chăm chỉ đọc, suy gẫm Lời Chúa cách yêu mến; đồng thời biết thinh lặng, nhạy bén để khám phá ra sứ điệp của Lời Chúa và đem ra thực hành. Đây chính là thái độ của người khôn ngoan khi xây dựng ngôi nhà cuộc đời mình trên nền tảng Lời Chúa. Để mưa xa, bão táp, phong ba có dồn dập tư bề, thì nhà ấy vẫn vững vàng.
Ngược lại, nếu chỉ đọc Lời Chúa cách hời hợp, qua lần chiếu lệ, thì Lời Chúa không những không tác sinh trong tâm hồn, mà nhiều khi lại còn bị chúng ta bóp méo và uốn nắn theo thiển ý của chính mình. Từ đó, sinh ra lối sống đạo hình thức, hời hợt bên ngoài hay chỉ là người mang danh và đeo cái mác Công Giáo, chứ thực ra không phải là người mang Đạo trong mình.  
Ước gì Lời Chúa khen ngợi cô Maria khi xưa vì đã biết chọn phần tốt nhất cũng là lời tác phúc cho mỗi chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết chọn Chúa làm lý tưởng và lẽ sống cho cuộc đời.  Xin cho chúng con biết yêu mến và lắng nghe Lời Chúa bằng thái độ của người môn đệ. Và, xin cho chúng con biết đem Lời Chúa ra để thực hành trong cuộc sống hiện tại. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
===================
Suy niệm 6
Cầu nguyện và làm việc
(Lc 10, 25-37)

Cầu nguyện và hoạt động là hai việc không thể thiếu trong đời sống người kitô hữu chúng ta. Người kitô hữu đích thực là người có đời sống cầu nguyện kết hợp mật thiết với Chúa. Người cầu nguyện đích thực thì không thể chỉ cầu nguyện mà không hành động. Cầu nguyện mà không hoạt động thì không phải là cầu nguyện thật. Vì thế cầu nguyện và hoạt động luôn hiệp nhất với nhau một cách sâu xa trong đời sống người kitô hữu chúng ta.
Abraham và Sara
Abraham và Sara là đại diện cho đời sống người kitô hữu trong cầu nguyện và hành động. Vừa thấy khách quí, Abraham ra đón rước vào nhà và sấp mình xuống cầu nguyện, rồi mang nước và bánh cho khách. Abraham không có làm một mình mà còn gọi Sara cộng tác làm bánh, còn ông đi bắt bê non làm thịt (x. St 18,), mỗi người mỗi việc để khách vui lòng, chủ và khách gặp nhau vang lên tiếng cười giòn giã.
Sara là vợ của Abraham mà ba tôn giáo độc thần là Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo, đều nhận ông là cha của họ trong đức tin. Nếu thế, Sara, người phụ nữ xinh đẹp này đã đồng hành với Abram, cũng là "Mẹ trong đức tin", bởi bà cũng quyết định rời bỏ thành Ur xứ Canđê (thuộc Iraq ngày nay) đến định cư tại đất Canaan.
Sara có một vai trò quan trọng. Tên của bà được nhắc đến bảy lần là bằng chứng (x. St 18, 1-15 ). Con số bảy trong Kinh Thánh có ý nghĩa là tràn đầy. Vì Abram sẽ trở thành Abraham khi Thiên Chúa chỉ ra một sự thay đổi về sứ vụ, Sarai, có nghĩa là "công chúa của tôi" trở thành Sara, nghĩa "công chúa". Sara sẽ không còn là của riêng Abraham nữa. Bà có một sứ mệnh mà Thiên Chúa đã ủy thác cho trong tương quan với Abraham. "Tôi sẽ chúc lành cho bà mẹ của các dân tộc và các vua".
Tiếng cười vang dội sau bữa ăn. Bởi một trong ba vị khách loan báo rõ ràng rằng bà sẽ là mẹ của nhiều dân tộc mặc dù son sẻ. Nghe tin ấy Bà cười phá lên. Vì dưới cái nhìn của chính bà thì lời hứa này là không thể. Dù vậy bà vẫn đặt tên cho con trẻ là Isaac, có nghĩa là "Anh cười." Isaac là con của tiếng cười, con của những điều không thể. Thiên Chúa hứa ban cho bà khả năng sinh nở và Ngài trung thành với lời hứa. Đây là kết quả của cầu nguyện và hoạt động song hành với nhau.
Marta và Maria
Tin Mừng thánh Luca chương 10, nói về hai chị em Marta và Maria quê tại Betania. Cứ sự thường, thái độ của Marta và Maria được người ta qui chiếu về hai cách sống là: chiêm niệm và cầu nguyện, ơn gọi của người Kitô hữu. Thánh sử Luca miêu tả họ như sau: Maria ngồi dưới chân Chúa "lắng nghe lời Người", trong khi Marta bận rộn với việc phục vụ (x. Lc 10,39-40), bận tới độ hướng tới Chúa Giêsu và nói: "Lậy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm gì sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với" (Lc 10, 40). Nhưng Chúa Giêsu quở trách dịu dàng: "Marta, Marta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi, là con hãy nghỉ ngơi, và ngay cả điều quan trọng nhất, con hãy nghỉ ngơi bên cạnh Thày, chiêm ngắm Thầy và nghe Thầy nói" (Lc 10, 41).
Chính lời trên của Chúa Giêsu làm nảy sinh những khuynh hướng khác nhau. Có người cảm thấy tiếc cho Marta, vì Maria đã để Marta làm mọi việc, còn cô ngồi vui vẻ trò chuyện với Chúa Giêsu, thì lại được khen là người khéo chọn " phần tốt nhất ". Vậy là việc Marta làm chưa phải là tốt nhất.
Khuynh hướng khác cho rằng, Chúa Giêsu không có ý phê phán thái độ hiếu khách của Marta khi Người nêu bật hành vi của Maria "ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người". Chúa Giêsu không làm một cuộc so sánh về hai thái độ của Marta và Maria. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên tâm sự. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Marta. Chúa không chê hoạt động, lại càng không trách sự tiếp đón quảng đại, Người chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria để nói lên thái độ cơ bản con người phải có đối với Thiên Chúa.
Ðiều quan trọng trước hết là hiểu rằng ở đây không phải là sự chống đối giữa hai thái độ: lắng nghe lời Chúa, chiêm niệm, và phục vụ tha nhân một cách cụ thể. Đây không phải là hai thái độ chống đối nhau, nhưng trái lại, chúng là hai khía cạnh không bao giờ tách rời nhau, chung sống trong sự hiệp nhất và hài hòa sâu xa, bởi chúng có cùng nòng cốt đối với cuộc sống kitô của chúng ta làm nên người tín hữu trọn hảo.
Áp dụng
Chúa Giêsu muốn nói gì vậy? Ðiều duy nhất cần lo lắng ấy là gì?
Chúng ta phải phối hợp và áp dụng cả đời sống của Marta và Maria. Phần lớn trong chúng ta, được Thiên Chúa đã kêu gọi sống như "Marta". Nhưng cũng đừng quên rằng Chúa muốn chúng ta ngày càng như "Maria". Đời sống và sức mạnh của người kitô hữu chỉ có thể bền vững và triển nở nếu kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, lắng nghe Lời Chúa, tránh những tiếng ồn ào và tẻ nhạt che giấu sự hiện diện của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta "chọn phần tốt hơn" và không để cho bất cứ ai lấy mất. Đừng quên rằng điều quan trọng nhất không phải là những gì chúng ta có thể làm, nhưng là Lời Chúa soi sáng đời sống chúng ta, và do đó nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà việc chúng ta làm chất chứa tình yêu.
Một lời cầu nguyện mà không đưa tới hành động cụ thể đối với người anh em nghèo, bệnh tật, cần giúp đỡ, người anh em đang gặp khó khăn, là một lời cầu nguyện cằn cỗi và không trọn vẹn. Nhưng đồng thời trong việc phục vụ Giáo hội khi người ta chỉ chú ý tới việc làm, đặt trọng lượng nơi các sự vật, nhiệm vụ, cơ cấu, mà quên đi trọng tâm là Chúa Kitô, không dành thời giờ cho việc đối thoại với Chúa trong lời cầu nguyện, thì có nguy cơ phục vụ chính mình chứ không phục vụ Thiên Chúa nơi người anh em cần sự giúp đỡ.
Thánh Biển Ðức tóm gọn kiểu sống mà thánh nhân chỉ cho các tu sĩ của người trong hai từ "ora et labora" "cầu nguyện và làm việc". Chính từ việc chiêm niệm, làm nảy sinh tương quan tình bạn với Chúa nơi chúng ta.
Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhớ chúng ta rằng: Chúa có nhiều điều để nói với chúng ta nhiều hơn chúng ta nghĩ. Vậy, hãy tìm kiếm, những khoảnh khắc của sự thinh lặng và bình an đến gặp Chúa Giêsu, và với Chúa, chúng ta gặp được chính mình. Chúa Giêsu Kitô mời gọi chúng ta phải chọn "phần tốt nhất" (Lc 10,42). (Trích thông điệp: Giáo Hội sống từ Thánh Thể).
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của sự lắng nghe và phục vụ, xin dậy chúng con suy niệm trong lòng Lời của Chúa Giêsu Con Mẹ và cầu nguyện với lòng trung thành, để luôn chú ý tới các nhu cầu của tha nhân cách cụ thể hơn. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 7
Phần Tốt Nhất

St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42

“Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Macta đón Người vào nhà.” (Lc 10,38).
Phải là thân thiết nghĩa tình lắm với Thầy Giêsu, thì đang trên đường thầy trò đi rao giảng, cô Macta mới đón đoàn khách quý vào nhà mình nghỉ chân. Cô là người phụ nữ nhiệt thành chu đáo, tất bật lắng lo cho cả đoàn có bữa ăn thịnh soạn, chẳng dễ mấy người được như cô. Xảy ra là cô em Maria chẳng đoái hoài việc bếp núc, cứ “an nhàn” ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy, “tiếp” Thầy cách này nghe có vẻ nhàn hạ sướng thân. Bực mình khó chịu mà không nói nhỏ vào tai em, cô chị dám nhắc xéo với vị khách lớn: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10,30b). Chẳng những không giải quyết thỏa đáng cho cô chị, Thầy Giêsu lại bảo: “Macta! Macta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42). Nghe lời này xem ra bất công, tại sao cô chị đảm đang tươm tất lại bị “thua” cô em chỉ ngồi lì hóng chuyện? Ở đây Thầy Giêsu không chủ ý hạ giá công việc của Macta, mà chỉ báo động cái nguy của sự lo lắng bối rối về nhiều chuyện, không còn khoảng lặng nào để “ngồi bên chân Chúa” mà lắng nghe, nên cần có sự hài hòa giữa hoạt động và chiêm niệm, không chỉ lăng xăng đủ thứ mà bỏ cầu nguyện và cũng không được bỏ hoạt động phục vụ con người. Hoạt động bằng cách phục vụ là điều tốt, nhưng còn tốt hơn nữa là việc chiêm niệm (cầu nguyện, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa). “Người ta sống không nguyên chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
Thầy khen Maria đã biết chọn phần tốt nhất, phần này chắc chắn và không bị lấy mất. Khi đời sống tôi được bám rễ, thẫm đẫm Lời Chúa trong lòng mến, rồi đưa ra hành động thì “không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô”. 
Hàng ngày có biết bao việc tôi phải làm, ở nhiều nơi khác nhau, nhưng “ở bên Chúa” là điều quan trọng và phải chiếm chỗ nhất. “Ở bên Chúa” tôi được mật thiết với Người để tạ ơn, ngợi khen, mà lắng nghe học hỏi, van xin, bày tỏ nỗi niềm vui buồn sướng khổ trong đời.
Lạy Chúa! Chúa đã để lại cho chúng con mẫu gương cầu nguyện trong việc luôn hiệp thông với Chúa Cha và việc dấn thân phục vụ nhân loại trong giảng dạy và hoạt động. Xin Chúa giúp chúng con biết hòa hợp trong cầu nguyện và làm việc. Ước chi những công việc chúng con làm đều phát xuất từ việc cầu nguyện, là lắng nghe Lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh được trao ban trong những giây phút trở về lắng nghe Chúa nói. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức cha Đaminh huấn đức tại Đại Chủng viện thánh Giu-se Hà Nội
Đức cha Đaminh huấn đức tại Đại Chủng viện thánh Giu-se Hà Nội
Trong hai ngày 06 – 07/01/2025, quý thầy Đại Chủng viện (ĐCV) thánh Giu-se Hà Nội hân hoan chào đón Đức cha Đa-minh Hoàng Minh Tiến – Giám mục Giáo phận Hưng Hóa đến huấn đức và dâng Thánh lễ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log