Suy niệm 1
Cái chết trước mắt Che giấu cái chết
Mỗi người chúng ta đều chứng kiến hoặc tham dự một đám tang nào đó. Có nhiều nghi thức được tổ chức trong dám tang đó. Các người thân đứng chung quanh thi hài người quá cố và khóc thương. Sự thương tiếc đối với người quá cố còn được biểu thị trong thôn xóm hoặc khu phố của người quá cố đó bằng một thông báo được đóng khung bởi một đường viền lớn màu đen.
Ngày nay tại các nước văn minh, rất ít cái chết được nhìn thấy bên trong các ngôi nhà. Thi hài người quá cố được giấu trong nhà hỏa táng. Thông báo đã mất màu tối và thường đi kèm với một bó hoa nhỏ. Việc vận chuyển thi hài đến nhà thờ và nghĩa trang rất kín đáo, trong một chiếc xe trông khá sang trọng và khó phân biệt với các phương tiện khác. Ngay tại các nghĩa trang, người ta không thích xây những ngôi mộ nổi lên như tại Việt Nam chúng ta. Họ muốn che dấu cái chết!
Hãy vác thập giá mình
Dù có che dấu cách nào đi chăng nữa, mỗi người chúng ta đều phải đối diệt với thực tế nghiệt ngã của thân phận con người. Chúng ta đừng quên rằng cái chết đang chờ đợi chúng ta. Cái chết còn dám đụng chạm vào Chúa Giêsu. Ngài phải chết treo trên thập giá.. Chúa Giêsu biết con đường dẫn Ngài đến cái chết đó. Ngài không lẫn trốn và Ngài tiếp tục đi trên con đường đó. Nhiều lần, Ngài nói với các môn đệ của mình những gì đang chờ đợi Ngài.
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy: chính Chúa Giêsu mang lại sự sống cho các bệnh nhân, nhưng Ngài lại nói về cái chết của Ngài và của tất cả những ai muốn theo Ngài: “Có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh mặt lại bảo họ rằng: Nếu ai đến với Tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi”.
Thực vậy, chết không phải chỉ là bỏ mạng sống của mình, mà còn phải tách ra khỏi người thân thuộc. Vậy chúng ta cứ hãy sống bằng cách nhận ra rằng cái chết sẽ tách chúng ta khỏi những người mà chúng ta yêu thương.
Chúng ta có thể làm gì?
Tin mừng hôm nay nói:
- Một kiến trúc sư, khi xây dựng một ngọn tháp, “phải tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không”?
- Một ông vua sắp đi giao chiến với vua khác,... hãy ”xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng”?
Cũng vậy, người môn đệ muốn theo Chúa Giêsu phải đối diện với các giới hạn của mình và ngay cả cái chết. Tốt nhất là hãy ý thức về sự nghèo khó của mình!
Tại sao Chúa Giêsu mời chúng ta hãy yêu mến Ngài hơn những người thân yêu của chúng ta?
Chính xác là vì:
- Những người thân yêu của chúng ta có thể giúp chúng ta sống, nhưng không thể ngăn chúng ta khỏi cái chết.
- Mặt khác, theo Chúa Giêsu, chấp nhận chết để chia sẻ số phận của Ngài: chết trên thập giá, là đến nơi mà Ngài đến và cũng là nơi đám đông dân chúng theo Ngài cùng đi tới, đó là Giêrusalem. Thập giá nơi Chúa Giêsu chết, là cánh cửa mở ra một cuộc sống hoàn toàn khác, không thể tưởng tượng được.
Ngày nay người ta chê trách kito giáo chúng ta là thích đau khổ và thích chết. Thực ra, kito giáo không phải là như vậy! Thế giới có nhiều vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã tạo dựng và cuộc sống con người có nhiều sự vĩ đại, tại sao lại coi thường?
- Chính Chúa Giêsu, Ngài không thích đau khổ và không thích chết.. Ngài đã cầu xin Chúa Cha trước khi bước vào cuộc khổ nạn: “Lạy Cha, nếu được, xin cất chén đắng này xa con” !
- Ngài bật khóc trước ngôi mộ Lagiaro.
- Ngài yêu thế giới. Ngài chiêm ngắm quang cảnh của bầu trời vào buổi sáng ánh bình minh và buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống.
- Ngài nghe tiếng chim hót và Ngài nhìn những bông hoa trên cánh đồng.
- Ngài chiến đấu không ngừng chống lại cái chết.
- Ngài cảm động trước người phụ nữ dẫn đứa con trai duy nhất của bà đi chôn.
- Ngài chữa lành bệnh nhân và làm cho những người phong cùi khỏe mạnh.
- Ngài dịu dàng nhìn những người đến với Ngài.
- Trong bữa ăn cuối cùng tại phòng tiệc ly, Ngài có rất nhiều cảm xúc với các môn đệ: “Anh em là bạn hữu củaThầy”.
Tất nhiên, chúng ta có thể nhận được hạnh phúc trong mối quan hệ con người với nhau: chồng với vợ, người cha với người mẹ, cha mẹ đối với con cái, hoặc bạn bè với nhau. Hạnh phúc này cũng rất quý giá nhưng vẫn còn giới hạn. Con tim chúng ta còn mong đợi thứ hạnh phúc khác; quý giá hơn và trọn vẹn hơn. Để được thứ hạnh phúc này, chúng ta đừng mệt mỏi tìm kiếm. Hãy vượt qua mọi giới hạn, bắt đầu từ cái chết, hạnh phúc sẽ không ngừng được đón nhận.
Chúng ta đừng ngần ngại nhận lấy điều mà Chúa Giêsu gọi là “Hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi” và chắc chắn lời hứa của Tin Mừng sẽ đến với chúng ta!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Từ bỏ là quy luật sinh tồn
Lc 14, 25-33
Phấn đấu để tăng thêm thu nhập, để vơ vét thật nhiều, để có thêm địa vị, công danh… là những quan tâm hàng đầu của nhiều người trong xã hội.
Thế mà qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi những ai theo Ngài, thay vì tìm mọi cách thu vào như bao người khác, thì hãy bỏ ra, hãy từ bỏ những gì mình có để dấn thân phục vụ. Ngài dạy: “Ai theo tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27).
Lời Chúa xem ra ngược đời, rất khó chấp nhận.
Nhưng thử hỏi: Sự từ bỏ như Chúa Giê-su mời gọi có mang lại lợi ích gì không?
Mùa thu về, cây trụi lá; mùa xuân đến, cây đơm lộc xanh tươi. Cây cối cần phải từ bỏ lá già, lá cũ để khoác lá mới; nhờ thế, cây được lớn lên.
Cây nho phải chịu cắt bỏ nhiều cành nhánh tốt tươi, mới có thể nẩy ra nhiều chồi lộc non và sinh hoa kết trái. Loài rắn cũng phải từ bỏ bộ da cũ để thay da mới; có vậy rắn mới trưởng thành. Loài tôm cũng phải lột vỏ nhiều lần theo đà tăng trưởng để lớn lên... Nói chung, từ bỏ là quy luật sinh tồn, là điều kiện tối cần để cho muôn vật muôn loài được sống còn và tăng trưởng.
Con người là một sinh vật như bao nhiêu loài vật khác, nên muốn tăng trưởng và tồn tại, con người cũng không thoát ra ngoài quy luật đó.
Hằng ngày cơ thể ta loại bỏ hàng tỉ tế bào cũ để thay vào đó những tế bào mới, nhờ đó cơ thể được lớn lên và mạnh khoẻ. Nếu các tế bào cũ không chịu chết đi để nhường chỗ cho những tế bào mới, thì khối u sẽ xuất hiện và có nguy cơ dẫn đến ung thư và cái chết đau thương!
Trong mọi lãnh vực, muốn đạt tới những thành công tốt đẹp thì người ta cần phải từ bỏ không ngừng: Người lao động phải đổ nhiều mồ hôi, phải bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ mới kiếm đủ tiền cấp dưỡng cho bản thân và gia đình. Người lính chiến phải chấp nhận hy sinh thân mình mới bảo vệ được quê hương. Học sinh phải từ bỏ nhiều giờ vui chơi giải trí, giảm bớt giờ ngủ nghỉ để miệt mài đèn sách thì mới có cơ may bước vào đại học. Các nhà khoa học phải bỏ ra nhiều năm nghiên cứu kiên trì mới có cơ may phát minh và sáng chế…
Muốn làm ăn lên, phải đầu tư bỏ vốn; muốn thu vào, phải phát ra. Ai không phát ra, không từ bỏ, thì không thể thu vào được điều gì đáng giá. Đó là quy luật của cuộc đời.
Hôm nay, Chúa Giê-su kêu mời chúng ta từ bỏ những gì?
Hiện nay, Chúa Giê-su chưa kêu mời số đông trong chúng ta từ bỏ cha mẹ, vợ con, họ hàng vì Chúa và vì Nước Trời đâu, Ngài chỉ mời chúng ta từ bỏ những điều nho nhỏ trước.
Khi có người đau yếu, Chúa mời chúng ta từ bỏ công ăn việc làm để viếng thăm, chăm sóc, chúng ta có đáp ứng không?
Khi có người lâm cơn túng thiếu, hoạn nạn, Chúa kêu mời chúng ta hãy chia sớt tiền bạc và hy sinh thời giờ, công sức để cứu giúp, chúng ta có chấp nhận không?
Khi có người làm buồn lòng ta, làm tổn thương tự ái của ta, Chúa kêu mời chúng ta từ bỏ oán hận để cảm thông tha thứ, chúng ta có sẵn sàng không?
Thông thường hơn, mỗi tối, Chúa mời chúng ta từ bỏ giờ xem phim hay nghe ca nhạc trên các kênh truyền hình để dành ra mươi phút đọc kinh gia đình thờ phượng tạ ơn Chúa, chúng ta có từ bỏ được không?
Nếu chúng ta chưa từ bỏ mình để thực hành những điều tương tự như trên, chúng ta không xứng đáng là môn đệ Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa phán rằng: “Ai nâng niu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ giữ được mạng sống”(Mt 10, 39).
Xin cho chúng con chấp nhận hy sinh thời giờ, tiền của, công sức, khả năng… Chúa ban để cứu giúp người hoạn nạn, cứu chữa người đau yếu, đem lại an vui và hạnh phúc cho những người đang sống chung quanh, nhờ đó, chúng con được Chúa nhìn nhận là người môn đệ chính danh của Chúa.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 3
Điều Kiện Theo Chúa
Lc 14, 25-33
Đức Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem, có rất đông người đi theo Ngài, chắc chắn Ngài biết rõ trong số đông đó có những người theo Ngài vì thiện chí muốn làm môn đệ đích thực, nhưng cũng có những người theo Ngài vì động cơ trần tục, nên Ngài đã đưa ra điều kiện cho tất cả những ai đang đi với Ngài và tất cả những ai muốn theo Ngài ở mọi thời. Điều kiện đó là: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được (c. 26-27); “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (c. 33).
Điều kiện thứ nhất Đức Giêsu đưa ra cho người môn đệ của Ngài đó là phải dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và chị em: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được (c. 26). Có nghĩa là người môn đệ Đức Giêsu Phải đặt mối tương quan với chính Chúa lên trên cả mối tương quan gần gũi như gia đình huyết thống, người môn đệ phải yêu mến Đức Giêsu hơn cả những người thân tín nhất với mình và thậm chí hơn chính bản thân mình. Nói cách khác, người môn đệ Đức Giêsu phải đặt Đức Giêsu ở vị trí đặc biệt, vị trí độc nhất, duy nhất trong cuộc đời mình, đặt Ngài vào đúng chỗ của Ngài, chỗ hàng đầu, chỗ trung tâm cuộc sống mình, và nếu phải chọn lựa giữa Ngài và một người thân thiết, thì phải chọn Ngài. Nhưng chưa dừng lại ở đó, Ngài còn tiếp tục đưa ra điều kiện thứ hai: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (c. 33). Vấn đề không còn là từ bỏ ít hay nhiều, từ bỏ cái này hay mối tương quan kia, mà là từ bỏ tất cả, tất cả những gì mình có, đó có thể là của cải vật chất, có thể là thời gian, tài năng, sức khỏe, năng lực, ý nghĩ riêng tư, cái tôi… nghĩa là bất cứ sự vật gì cản trở bước đường làm môn đệ của Chúa. Vì người môn đệ Đức Giêsu là người đi theo Đức Giêsu, nói năng như Đức Giêsu, suy nghĩ, hành động như Đức Giêsu, nói cách khác, người môn đệ Đức Giêsu là người có Chúa Giêsu, chính vì thế họ phải bỏ tất cả những gì không phải Đức Giêsu ra khỏi chính mình.
Quyết định đi theo Đức Giêsu đòi môn đệ phải từ bỏ tất cả và đặt mối tương quan, đặt tình yêu dành cho Đức Giêsu lên trước nhất và trên hết, toàn bộ mọi sự khác đều là dưới Ngài và phải quy hướng về Ngài. Vì chính Đức Giê su đã từ bỏ tất cả vì tình yêu dành cho môn đệ: Ngài từ bỏ trời cao để xuống chỗ thấp nhất với môn đệ. Ngài từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người ở với và ở giữa môn đệ, Ngài từ bỏ giàu sang để sống nghèo cho môn đệ được giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài. Ngài từ bỏ ý riêng để hoàn toàn sống theo ý Chúa Cha là chết thay cho môn đệ. Vì thế, người môn đệ đi theo Đức Giêsu không có con đường nào khác ngoài con đường từ bỏ mà Đức Giê su đã đi, người môn đệ Đức Giêsu hãy từ bỏ tất cả để đón nhận tất cả từ chính Đức Giêsu, vì Ngài là lẽ sống, là nguồn sức mạnh duy nhất cho cuộc hành trình của môn đệ đi theo Ngài và đi với Ngài.
Nếu như hai điều kiện trên đòi môn đệ phải bỏ hết, thậm chí cả những mối tương quan thân thiết huyết thống, thì điều kiện thứ ba này lại không được bỏ mà phải mang theo, đó là thập giá mình: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (c.27). Chúa không đòi vác thập giá Chúa hay thập giá của ai khác mà là vác thập giá mình, tức là thập giá của chính đời môn đệ, mỗi người đều có thập giá “của mình”, mỗi người đều có những đau khổ, thử thách của chính mình. Vác thập giá mình là vác gánh nặng bổn phận, trái ý, khiếm khuyết, yếu đuối, tội lỗi của bản thân, đau khổ bệnh tật của người thân, gia đình, cộng đoàn…vác thập giá mình còn là chấp nhận từ bỏ tất cả, vì sự từ bỏ nào cũng là thập giá. Vác thập giá không phải vác một lúc, một giai đoạn, một lần là xong, mà là vác suốt cuộc đời, vác không ngơi nghỉ, không lơ là, vác đi theo Chúa, là vác đi trên con đường thập giá, con đường lên Giêrusalem. Chính Chúa Giêsu đã vác thập giá, vác sự đau khổ đến mất mạng để thể hiện lòng trung thành với Chúa Cha, vì thế, thập giá là dấu hiệu cụ thể của lòng trung thành vô điều kiện của Đức Giêsu với thánh ý Cha, là bằng chứng rõ ràng chứng tỏ tình yêu vô biên của Ngài với Cha, đối với Đức Giêsu, trung thành với thánh ý Cha là điều quan trọng hơn cả mạng sống của Ngài. Và Ngài luôn sống theo thánh ý ấy, nên Ngài đã bị kết án tử hình, phải vác lấy thập giá của mình mà đi lên Núi Sọ. Đến đây thì ta hiểu vì sao điều kiện thứ ba là điều kiện Chúa đòi môn đệ không được bỏ mà phải mang theo suốt cuộc đời, bởi thập giá chính là thước đo lòng trung thành của môn đệ trên đường theo Chúa.
Suy gẫm:
Với ba điều kiện Chúa đòi hỏi người môn đệ trong Tin Mừng hôm nay, tôi thấy mình có xứng đáng là môn đệ của Chúa Giêsu chưa?
Người môn đệ thật của Chúa Giêsu phải chủ động từ bỏ và chủ động vác thập giá mình, tôi có tự nguyện từ bỏ và vác thập giá mình hay tôi miễn cưỡng và cam chịu?
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
======================
Suy niệm 4
THEO CHÚA, PHẢI TỪ BỎ TÌNH CẢM TỰ NHIÊN
(Kn 9,13-18; Plm 9b-10.12-17; Lc 14,25-33)
Trên hành trình lên Giêrusalem để thi hành sự vụ cứu độ con người qua cái chết của mình, Đức Giêsu thấy người ta theo mình rất đông. Có những người theo Ngài chỉ vì tính hiếu tri, tò mò; lại có những người theo vì mong được chứng kiến hay trực tiếp lãnh nhận được một vài phép lạ như Ngài đã làm; lại có những người theo vì hy vọng Đức Giêsu thiết lập một vương quốc oai hùng theo kiểu trần gian; tuy nhiên, cũng có những người theo vì muốn được ơn cứu độ.
Đức Giêsu biết rõ họ. Vì thế, như một mẫu số chung, Ngài đưa ra một điều kiện tiên quyết cho hết mọi người, hầu giúp họ trắc nghiệm lại thái độ theo mình của đám đông: “Ai theo Ta mà không dứt bỏ (ghét) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta được. Và ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14, 26-27).
Vậy điều kiện đó của Đức Giêsu có hợp lý không?
1. Đi theo và làm môn đệ
Đi theo ai là làm môn đệ cho người ấy. Đi theo Đức Giêsu, tức là tôn nhận Ngài làm chủ của mình. Đi theo cũng là lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy; sống cuộc sống như Thầy đã sống, và cùng chung số phận như chính Ngài đã chịu.
Đây là đặc tính và điều kiện cần của người môn đệ. Vì thế, nó đòi hỏi người môn sinh phải dứt khoát, tiên quyết, để thoát ra khỏi mọi ràng buộc của cuộc sống, hầu xứng đáng trở thành môn đệ.
Thật thế, hành trình đi theo Chúa của người môn đệ được ví như người leo núi, hay đi qua cửa hẹp. Nếu muốn leo lên núi được, cũng như qua được cửa hẹp, thì người lữ hành phải thanh thoát và nhẹ nhàng, phải vứt bỏ lại tất cả những thứ cồng kềnh làm cản bước chân và hành trình của mình. Lúc ấy, người môn sinh chỉ còn có một phận vụ duy nhất, đó là: nhìn thẳng vào Thầy Giêsu và nhắm tới đích mà tiến bước: “Ai theo Ta mà không dứt bỏ (ghét) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta được”.
Đây có phải là đòi hỏi thái quá không? Có đi ngược lại lòng thảo hiếu với cha mẹ và nghĩa vụ đối với gia đình không?
Thưa không! Bởi vì Đức Giêsu không đòi hỏi người môn đệ phải bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em… một cách vô lý, nhưng ý Ngài muốn nói rằng, nếu vì những thứ tình cảm tự nhiên ấy mà làm cho chúng ta không thể theo Chúa được, hay làm cho chúng ta mất ơn cứu độ thì hãy từ bỏ, bởi lẽ mọi sự sẽ qua đi, nhưng có Chúa là có tất cả, có Chúa là có cả một gia tài, thấy được rồi thì phải tìm mọi cách mà giữ lấy (x. Mt 13,44-52).
Như vậy, con người không chỉ có cuộc sống hiện tại, mà còn có cuộc sống mai sau. Khi hiểu như thế, thì chữ “dứt bỏ” đồng nghĩa với chữ “nghét” ở đây phải hiểu theo nghĩa “yêu thương”. Tức là cần có một sự lựa chọn ưu tiên, lựa chọn cái tốt hơn. Điều này được sáng tỏ nhờ Lời Chúa phán: “…ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực ngươi” (x. Mc 12, 28-34). Có một thái độ như thế, ta mới xứng đáng trở thành môn đệ của Đức Giêsu được. Đây là một sự lựa chọn mang tính thứ bậc: Chúa là trên hết, mọi sự là thứ yếu, nên cần phải vượt lên trên tình cảm tự nhiên để làm môn đệ của Chúa.
Nhưng Thiên Chúa luôn luôn rộng lượng và xót thương hơn chúng ta mong muốn nhiều, vì thế, trong thực tế cho thấy, chúng ta có bỏ một chút tình cảm tự nhiên, thì trong đời sống ân sủng, Thiên Chúa trọng thưởng gấp nhiều lần chúng ta mong đợi. Điều này thật đúng với Lời Chúa phán: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này …”
2. Theo Chúa là vác thập giá hàng ngày mà theo
Tuy nhiên, theo và từ bỏ mọi sự có lẽ chưa đủ, nhưng còn phải vác thập giá mà theo thì mới trọn vẹn ý nghĩa là người môn đệ của Đức Giêsu.
Thập giá trong đời sống hằng ngày của người môn đệ được ví như cây gậy của người leo núi, như chiếc đèn của kẻ đi đêm, như biển chỉ dẫn của khách lộ hành. Không có gậy, người leo núi sẽ mệt và đôi khi không có thể làm điểm tựa khi đã mỏi gối chùn chân. Không có đèn đi trong đêm, người ta dễ dàng sa xuống hố hoặc vấp ngã. Không có biển chỉ đường, người ta dễ lạc lối.
Như thế, thập giá trong đời sống thường ngày là điều cần thiết. Chính thập giá mà người môn đệ đón nhận, vác lấy trong niềm vui và lòng mến, nó sẽ tăng thêm sự trưởng thành cũng như giá trị của người môn đệ, qua đó xác định sự xứng đáng của người môn sinh: “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14,27).
Điều kiện để theo Chúa thật khó khăn và cam go như thế, nên Đức Giêsu muốn kẻ đi theo mình phải lựa sức, phải cẩn trọng. Vì vậy, Ngài kể cho họ nghe hai dụ ngôn của người xây tháp và ông vua đi giao chiến. Nếu muốn xây tháp, mà không biết chọn chỗ nào cho phù hợp, mục đích của việc xây tháp là gì, và cần bao nhiêu thợ, cát, đá, sắt, gạch…hay khi giao chiến mà không biết quân của mình có bao, địch bao nhiêu, những thuận lợi, khó khăn của ta và địch, nói chung là không biết tính toán trước thì thật là một kẻ dại dột, và như thế, thất bại là lẽ đương nhiên. Cũng vậy, lựa chọn theo Chúa là một chuyện khó, nhưng sống sự lựa chọn đó, tức là làm chứng cho Chúa còn khó hơn gấp bội. Đức Giêsu biết được điều đó, nên một mặt Ngài đòi hỏi phải dứt khoát, từ bỏ mọi sự để theo thì mới xứng đáng, nhưng đàng khác, Ngài cũng cảnh báo chúng ta phải suy tính cho cẩn thận, kẻo rồi dở đi mắc núi, dở lại mắc sông, vì: “Ai đã tra tay vào cầy mà còn ngoái lại đàng sau thì không xứng đáng là môn đệ Ta”.
3. Sống lời Chúa hôm nay
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta rằng: phải yêu Chúa trên hết mọi sự, và như một sự phát sinh, hệ quả…, yêu Chúa thì phải yêu người và yêu chính ta. Nếu chỉ yêu Chúa mà không yêu người thì là kẻ nói dối. Nói cách khác, tình yêu với Thiên Chúa bao trùm mọi tình cảm khác của con người, và như ngọn hải đăng soi sáng cho mọi người nhìn thấy nhau thế nào, thì khi yêu Chúa, ta cũng dễ nhận ra nhau là anh chị em của ta. Nói cách khác, khi yêu Chúa, ta sẽ thăng hoa được mọi thứ tình cảm tự nhiên, và như thế, ta lại được lại mọi người như là cha, mẹ và anh chị em của ta.
Chính vì thế, mà khi cần, tức là những tình cảm tự nhiên làm cho ta bị chậm trễ hay cản bước ta đến với Chúa và đi theo Chúa thì cần phải loại bỏ hết tất cả để đi theo Chúa và thi hành điều Chúa truyền. Đây chính là định luật ưu tiên trong đời sống của người Ki tô hữu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống. Xin cho chúng con nhận ra chân lý này, để sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa. Xin ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn đủ sức mạnh, hầu vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa cho nên. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
======================
Suy niệm 5 ĐỂ LÀM MÔN ĐỆ CHÚA YÊU Lc 14, 25-33 Bài đọc 1, Chúa nhật XXIII thường niên C dạy chúng ta rằng: “Những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan” (Kn 9,18). Vì theo Thánh Kinh, sự Khôn ngoan của Thiên Chúa đồng nghĩa với Lời Chúa. Từ đó, nghe lời sự Khôn ngoan là căn tính đầu tiên của người môn đệ Đức Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể.
Đức Giêsu Kitô là Lời Thiên Chúa, là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,24,30) cất tiếng mời gọi con người, cách riêng là người môn đệ, chẳng những lắng nghe, đi theo, mà còn phải hy sinh, từ bỏ nữa: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14,26). Nghe lời tuyên bố của Đức Giêsu ở trên, mỗi người chúng ta nói gì và trả lời ra làm sao? Tiêu chuẩn để làm môn đệ Đức Giêsu thật gắt gao. Ai muốn theo Chúa, phải từ bỏ tận căn, không những của cải, người thân thiết nhất, mà cả những tiện nghi, kế hoạch riêng, sự quyến luyến, những giao tiếp hợp pháp và thậm trí cả chính mạng sống mình nữa nữa (x. Lc 14). Người yêu cầu phải “bỏ” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em.
Có người đặt câu hỏi: Phải chăng, Điều răn thảo cha kính mẹ, yêu thương người thân cận bị đảo lộn rồi hay sao? Nghĩa là để đi theo Đức Giêsu, người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự từ bỏ đối với họ? Không phải thế, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải phân định và lựa chọn giữa Thiên Chúa và loài người, Thiên Chúa phải là nhất. Yêu cha mẹ và đồng loại, nhưng yêu Thiên Chúa hơn, vì Thiên Chúa là Đấng dựng nên cả cha mẹ chúng ta, nên Đức Giêsu yêu cầu con người dành cho Thiên Chúa một vị trí đặc biệt và cao nhất.
Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, của cải... mà là cái tôi. Cái tôi cũng phải nhường bước cho dây liên kết với Đức Giêsu, nên Người thêm: “Ai không vác thập giá mình mà theo, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 27).
Hỏi: Đức Giêsu có thích khổ đau và thập giá không?
Thưa: Không. Đức Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Người thích. Nhưng Người vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa. Ai muốn đi theo Đức Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vác thập giá mình là từ bỏ ý mình, vâng theo ý Chúa. Ý Chúa muốn là từ bỏ cái tôi, từ bỏ những ước muốn xấu, những lời chua cay, nóng nảy, giận hờn, từ bỏ tính kiêu căng, thói tham lam, để chúng ta thoát khỏi những đam mê vật chất, hầu sống trọn vẹn cho Chúa và cho tha nhân. Cơ bản, vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu là liều thuốc chữa chúng ta khỏi căn bệnh ghê sợ là “sự trì trệ”, ù lì, tê liệt và khép kín lòng mình.
Không phải ngẫu nhiên Đức Giêsu nói đến “Thập Giá”. Vác thập giá bước theo Đức Kitô không phải là vác đi với những bước nhẹ nhàng. Vác lấy thập giá mà theo Đức Giêsu nghĩa là sẵn sàng chấp nhận bất cứ hy sinh nào vì tình yêu đối với Chúa. Nhưng chúng ta không vác thập giá một mình, vì có Chúa cùng đi, Người đi trước để chúng ta tiếp bước theo sau, Người đi mau để chúng ta được lôi kéo dắt dìu, Người nâng đỡ chúng ta bằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa.
Quyết định theo Đức Giêsu, là gạt bỏ tất cả, hướng về Chúa là sự giầu có đích thực của chúng ta, không gì hơn Người, không đặt cái gì trước Người, toàn bộ phải qui hướng về Người. Người cũng khẩn khoản mời gọi chúng ta dùng mọi cách để đi đến tận cùng là trở nên những môn đệ Đức Giêsu. Theo Đức Kitô, chúng ta không mất mà được tất cả, như Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong bài giảng khai mào sứ vụ Giám mục Rôma: “Ai chấp nhận cho Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời họ, thì người đó không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn với Chúa Kitô này mà các cửa sự sống được mở rộng ra. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà những khả năng to lớn của cuộc sống con người được thể hiện đích thực. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà chúng ta cảm nghiệm được điều gì là tươi đẹp và điều gì là tự do”. Với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín lớn lao, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Đức Giáo hoàng nói với chúng con rằng: “Anh em đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất đi điều gì cả, nhưng ban cho đủ mọi sự. Ai hiến thân cho Chúa, thì được nhận gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật” (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 24/4/ 2005).
Lạy Chúa, trong niềm tin, chúng con muốn từ bỏ tất cả để đi theo Chúa, nhưng trên đường đi, chúng con sợ bị mất một phần của đời sống, sợ mất tự do, sợ đau khổ, sợ không có khả năng, không thực sự muốn bước đi theo Chúa và trở thành môn đệ Chúa. Lạy Chúa, chúng con dâng cho Chúa 'ước muốn theo Chúa của chúng con' và chúng con mở cửa lòng mình cho Chúa. Lạy Chúa, xin đến giúp chúng con để chúng con thấy rằng trên đường đi, có chúa là sức mạnh để chúng con tiến bước theo, hiệp nhất với Chúa cho đến trọn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 6
ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐI THEO CHÚA
Sứ điệp Lời Chúa tuần 21: “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”. Chúa Giêsu đã đi con đường hẹp và Chúa cũng muốn chúng ta cùng đi với Ngài.
Nhưng làm thế nào để có thể đi trên con đường đó?
Sứ điệp Lời Chúa tuần 22 cho đến Chúa nhật áp chót của mùa thường niên, nói đến những điều kiện giúp chúng ta có thể đi trên con đường đó.
Chúa nhật 22, với điều kiện đầu tiên và cũng là điều kiện quan trọng nhất. Đó là sự khiêm nhường và đức bác ái.
Chúa nhật 23, chính là từ bỏ và vác thập giá đi theo Chúa.
1. Từ bỏ
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói lên một cách quả quyết, rõ ràng và dứt khoát là: muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ Ngài, phải sẵn sàng từ bỏ tất cả: người, vật, ý riêng, thậm chí những người thân yêu nhất như cha mẹ, vợ con, và ngay cả bản thân hay mạng sống mình nữa. Nhiều người hỏi rằng từ bỏ như thế làm sao mà sống được ? làm sao tránh được tiếng bất hiếu, vô tình, vô nghĩa ? Vậy thì phải hiểu chữ từ bỏ theo nghĩa nào? Từ bỏ ở đây hiểu theo nghĩa tinh thần nhiều hơn. Từ bỏ không phải là không quí những điều mình từ bỏ, mà là không quí bằng một cái khác quí hơn, nên sẵn sàng hy sinh cái quí nhỏ cho cái quí lớn hơn. Người theo Chúa cần có tinh thần từ bỏ, ưu tiên chọn Chúa trên hết mọi sự, xem Chúa và việc của Chúa là quan trọng hơn cả. Mạng sống, cha mẹ, vợ con, nhà cửa, ruộng vườn đều rất quý trọng, nhưng người theo Chúa chọn điều quý hơn là chính Chúa. Họ giống như người “tìm được viên ngọc quý, tìm được kho báu chôn trong ruộng, liền trở về bán tất cả để mua viên ngọc, mua thửa ruộng ấy”.
Chúa đòi buộc người theo Chúa phải từ bỏ, nghĩa là đặt tất cả dưới Người, yêu Người trên mọi sự. Đưa ra đòi hỏi này và biết đó là một chọn lựa khó khăn nên Chúa Giêsu căn dặn nên biết tính toán cẩn thận rồi mới chọn lựa dứt khoát. Muốn xây tháp cần tính toán có đủ tiền. Muốn thắng trận cần có lính. Muốn theo Chúa phải từ bỏ. Từ bỏ của cải bằng cách chỉ coi mình như người quản lý thôi; từ bỏ tình cảm, ngay cả với những người thân thiết nhất bằng cách không bao giờ ưu tiên cho họ hơn Chúa; từ bỏ chính bản thân, những ý thích cá nhân, từ bỏ ý riêng, từ bỏ sự tự do, từ bỏ những điều mình ưa thích khi những điều ấy đi ngược lại với lời dạy của Chúa hay làm cho bản thân xa cách Người.
Từ bỏ là quy luật của cuộc sống và sự phát triển.Thai nhi không thể ở mãi trong lòng mẹ cho dẫu nơi đó an toàn, êm ấm nhất. Đứa trẻ phải từ giã lòng mẹ để sinh ra làm người. Đứa trẻ không thể nào trưởng thành nếu nó cứ sống mãi bằng sữa mẹ, nó phải thôi bú, ăn cơm bánh mới lớn lên.
Cuộc sống đặt con người trước những sự lựa chọn. Chọn lựa là giới hạn. Chọn điều này phải bỏ điều kia. Sống là chấp nhận từ bỏ. Chọn những điều tốt loại bỏ những điều xấu. Có những điều xấu cần từ bỏ như cờ bạc, say sưa, ma tuý, truỵ lạc, trộm cắp…Cũng có những điều tốt phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn, chẳng hạn khi chọn trường học, chọn nghề nghiệp, chọn nơi ở, chọn bậc sống, chọn bạn bè, chọn vợ chồng. Thanh niên nam nữ khi tìm hiểu nhau thì có nhiều người nhưng khi chọn vợ chồng thì chỉ chọn một mà thôi. Từ bỏ đòi hỏi nhiều hy sinh. Mỗi sáng thức dậy đi lễ, bỏ lại chiếc giường êm ấm. Mỗi tối gia đình tắt tivi để cùng quy tụ đọc giờ kinh. Giữ ngày Chúa nhật, bỏ công việc làm ăn có nhiều lợi nhuận. Bỏ đi một tật xấu để tập một nhân đức. Cao cả hơn, bỏ đời sống hôn nhân để sống đời tận hiến cho Chúa…
Sự từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Khi yêu người ta cảm thấy nhẹ nhàng. Sự từ bỏ vì tình yêu là một niềm hạnh phúc. Cha mẹ tần tảo dãi dầu mưa nắng lo cho con cái ăn học. Học sinh, sinh viên thức khuya dậy sớm miệt mài học tập.
Sự từ bỏ như thế thật đáng trân trọng. Ai cũng ngại từ bỏ, nhất là từ bỏ những gì gắn liền với mình nhất, cam go hơn cả là chính con người mình. Bằng hy sinh và tình yêu ai cũng sẽ làm được tất cả để cuộc sống ngày càng đạt “chất lượng cao”. Từ bỏ giống như cuộc leo núi. Leo núi là một cuộc mạo hiểm, đó không phải là một cuộc dạo chơi nhàn hạ; nó đòi hỏi sức khoẻ, sức chịu đựng dẻo dai, tài khéo léo, lòng can đảm. Càng lên cao, người leo núi càng hưởng nhiều niềm vui, càng tắm mình trong ánh sáng chan hoà và được chiêm ngưỡng cảnh trời đất bao la hùng vĩ.
2. Vác thập giá
Hai yêu cầu được gói gọn trong hai động từ, đó là “từ bỏ” mọi sự và “vác” thập giá. Không chỉ dứt bỏ mọi sự, người môn đệ theo Chúa còn phải vác thập giá theo Chúa mỗi ngày trong đời sống của mình
Theo Chúa giống như đi leo núi. Thập giá giống như cây gậy của người leo núi. Nó rất cần và rất có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc.
Nghe nói đến thập giá phải vác, người ta có thể cho đó là một đòi hỏi quá sức con người. Thật ra, thập giá đi liền với tình yêu. Phải nhìn thập giá Đức Kitô như một sự tốt lành thượng đẳng, nếu không chẳng thể chấp nhận nổi thập giá. Thập giá phát xuất từ một tình yêu của Đấng Cứu Độ. Thập giá là hy sinh của Chúa. Có tình yêu nào mà không cần đến ngôn ngữ của hy sinh?
Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui buồn và cười khóc, giữa khoái lạc và đau khổ, giữa ý muốn con người và ý muốn Thiên Chúa. Đặt thanh vui mừng trên thanh đau khổ là cách duy nhất để làm nên một thánh giá.Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Ngay khi đối kháng hai ý muốn này tức là đã tạo nên một thập giá. Do đó thập giá là biểu tượng của đau khổ.
Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt có thể gặt giữa tiếng cười, những ai khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau khổ có thể đồng hiển trị với Người.
Tình yêu như là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống trong một xác quyết: mọi sự sống đều ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tình yêu đang khi hy sinh là đau khổ kèm theo tình yêu. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh dâng hiến vời niềm vui. Thiếu tình yêu, hy sinh chỉ còn là đau khổ gánh nặng và buồn chán. Đức Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại. Cái chết của Chúa là một hiến lễ có giá trị cứu chuộc tội, đền tội và Người “chỉ dâng hiến lễ một lần là đủ”.
Hôm nay, nơi nào có bóng thập giá là nới ấy có dấu chân người Kitô hữu. Ba cây thập giá dựng lên chiều thứ sáu tử nạn, Đức Kitô ở giữa hai tội nhân. Trong ba cây thập giá ấy chỉ có cây ở giữa là Thánh giá. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Người đi vào đời sống mới thì cây thập giá khốn khổ ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên thánh. Sự thánh ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết và là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không là thánh giá.
Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu phải đặt tình yêu Chúa lên trên hết mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: tình yêu gia đình, bạn bè và bản thân mình.Thập giá của Chúa Giêsu là dấu chỉ cụ thể về tình yêu và sự trung thành vô điều kiện của Người đối với thánh ý Chúa Cha.
Mỗi ngày người Kitô hữu theo Chúa phải cố gắng từ bỏ rất nhiều và vác thập giá mỗi ngày. Người môn đệ luôn luôn đặt tất cả dưới Chúa và yêu Chúa trên mọi sự. Có tình yêu của Chúa trong mỗi hành vi từ bỏ, người môn đệ có thêm sức mạnh ơn thánh, để mọi thập giá trong đời trở thành thánh giá. Từ bỏ để có thêm. Thêm lòng mến Chúa, thêm thánh thiện, thêm niềm vui phục vụ tha nhân.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 7
Từ Bỏ
Kn 9,13-18b; Plm 1,9b-10.12-17; Lc 14, 25-33
Mở đầu bài đọc I hôm nay, sách Khôn Ngoan cho thấy đường lối Chúa khác tư tưởng loài người: “Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững.” (Kn 9, 13-14). Vâng, đường lối của Thiên Chúa thì khác xa tư tưởng của loài người. Đòi hỏi của Thiên Chúa thì không như sở thích của con người. Người ta mong ấm no hạnh phúc, hưởng thụ dễ dãi, Đức Giêsu bảo phải chui vào con đường hẹp khó đi. Bình thường người ta yêu kẻ yêu và sống tốt với kẻ yêu mình thôi, đằng này Người dạy phải yêu cả kẻ ghét mình. Giữa đám đông nườm nượp đang đi cùng, Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi.” (Lc 14, 26-27). Phải yêu Thầy hơn cha mẹ, anh em, cứ nhìn người đi tu thì rõ. Thế là người tin kẻ không tin, người chấp nhận kẻ chống đối, người theo kẻ chạy, bất đồng chia rẽ đối nghịch nhau thì khác gì có chiến tranh với chuyện kẻ thù, dù là sống trong một mái nhà với nhau.
“Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”. (Lc 14, 33). Trong khi trào lưu xã hội luôn cổ võ lối sống hưởng thụ cá nhân, thì người môn đệ phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa. Một khi đã tìm thấy kho báu thì sẵn sàng đánh đổi, tình nguyện chịu thua thiệt mọi sự. Vì“ngày đó Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm qua hôm nay, và ngày đó Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm nay tương lai”. Sách Khôn ngoan cũng dạy ta chọn lựa để đánh đổi, từ bỏ những gì thuộc hạ giới, bởi vì: “thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống, vì lo nghĩ trăm bề”. (Kn 9, 15).
Người môn đệ còn phải đón tiếp, yêu thương mọi anh em, người lớn cũng như kẻ nhỏ, hết tình yêu thương giúp đỡ người nghèo khó bệnh tật… Người quả quyết rằng “người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Sống “đẹp” dưới ánh mắt của Chúa mà thực hành chỉ thị huấn lệnh sẽ được trả cho cân xứng những việc mình làm. Sống đẹp theo huấn lệnh thì đẹp lòng Thiên Chúa, tâm tư luôn hạnh phúc bình an dù sống giữa “chiến tranh” đối nghịch của thế trần. Nếu sống ngược với chỉ thị của Người thì cuộc sống dù xem như hạnh phúc mà chẳng có bình an thực sự trong tâm hồn.
Chúa ơi! ngày nay được sống trong sự Hiện Diện của Chúa, chúng con luôn an bình thư thái trong ánh mắt yêu thương âu yếm dõi nhìn của Chúa. Chúng con vui, buồn, sướng khổ hay phải gắng sức lội ngược dòng có Chúa cùng phấn đấu, hay có sao nhãng lang thang thì Chúa vẫn nhìn và không ngừng yêu thương chăm sóc từng giây. Xin đừng để chúng con dại dột xa rời Vòng Tay yêu thương ấy. Dẫu đời hiện tại chúng con có nhỏ bé âm thầm thì nó vẫn có giá trị, ý nghĩa lớn lao trong Con Tim Yêu của Ngài.
Én Nhỏ