Thứ hai, 06/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm C

Cập nhật lúc 17:31 29/08/2019
Suy niệm 1
Hãy nhận ra cơ hội của bạn!
Thiên Chúa có rất nhiều cơ hôi! 
"Khi anh dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời anh, và như thế anh đã được trả lễ rồi”. Như vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta kêu lên: "Thật là một cơ hội cho tôi, cuối cùng tôi đã tìm được những người không có gì trả lễ tôi! Thật là hạnh phúc cho tôi chừng nào! " 
Phải công nhận rằng chính Thiên Chúa đã có đầy dẫy cơ hội như thế! Ngài ban sự sống, thực phẩm và tất cả công trình sáng tạo cho chúng ta, nhưng không tính toán và hiếm khi Ngài được chúng ta trả lễ Ngài! 
Thật mù quáng và què quặt, khi chúng ta lợi dụng những món quà của Thiên Chúa đã ban cho mà không xấu hổ và ái ngại! Nhiều lúc chúng ta không biết nói với Ngài lòng biết ơn của chúng ta! Thiên Chúa biết nhiều người không có gì cho Ngài và nhiều người thường xuyên không trả lễ Ngài!  Mặc dù Ngài có thể mất kiên nhẫn và rút lại những ân huệ, nhưng Ngài vẫn tiếp tục ban miễn phí những ân huệ đó và cả mạng sống Con yêu quý của Ngài để giải thoát chúng ta khỏi sự thờ ơ. Thật tuyệt vời chúng ta rất có nhiều cơ hội khi có một Thiên Chúa như thế!
Thiên Chúa không tính toán! 
Mời những người nghèo khó tàng tật, què quặt và đui mù, mà không mong đợi điều gì đáp lại, đó là:
- Yêu thương như Thiên Chúa vì chỉ có Chúa mới biết làm điều đó
- Cho đi mà không bao giờ chờ đợi một dấu hiệu biết ơn nhỏ nhất.
- Chúng ta chỉ cần vui mừng vì đã có thể xoa dịu cơn đói khát cho những ai đó.
- Những lúc như thế là chúng ta sống trong Thần khí của Thiên Chúa.
Ngược lại, sống một tinh thần tính toán, đó là:
- Cho đi để nhận lại,
- Duy trì các mối tương quan để có được nhiều hơn,
- Thắt chặt tình bạn với những người có thể phục vụ chúng ta. 
Thiên Chúa không tính toán. Ngài chi tiêu mà không đếm. Ngài chi tiêu chính Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho một Ngài cho chúng ta” Thật tuyệt vời chúng ta rất có nhiều cơ hội khi có một Thiên Chúa như thế!
Thiên Chúa không muốn bỏ mặc chúng ta không biết đến Tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta. Và để làm cho chúng ta khám phá ra điều đó, Ngài cho chúng ta cơ hội là đặt chúng ta vào vị trí của Ngài: vị trí mà hiếm khi chúng ta được người khác trả lễ, vị trí mà tình yêu hoàn toàn tự do và miễn phí. Chúng ta hãy sống như Thiên Chúa! 
Hãy học cách sống như Thiên Chúa!
Chúa Giêsu nói với người mời người ta đến ăn, đó là "Hãy học cách sống như Thiên Chúa!". Tình yêu không tính toán, tình yêu không tìm kiếm tư lợi. Chúng ta đừng chờ đợi Thiên Chúa hay người nào cho mình những gì mà mình cho:
- Yêu Thiên Chúa miễn phí mà không mong đợi gì hơn là cứ yêu Ngài ngày càng nhiều. 
- Yêu anh em mình mà không cần chờ họ cảm ơn vì sự rộng lượng của mình! 
Chúa Giêsu nói với những người được mời dự tiệc thích chọn chỗ nhất: “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngưoi cũng được mời dự tiệc với ngươi và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: xin ông nhường chỗ cho người này”. Nếu chúng ta như vậy, chúng ta sẽ rất kỳ cục trước mắt Thiên Chúa, vì chúng ta kiêu hãnh, ghen tương và ganh đua với người khác.
- Đúng vậy, chúng ta hãy chọn chỗ cuối cùng và nhận ra rằng người khác không có gì để trả lễ chúng ta vì chúng ta không có gì tốt mà lại không nhận được miễn phí từ nơi Thiên Chúa.
- Hãy đánh giá người khác xứng đáng hơn chúng ta, quan trọng hơn chúng ta và chúng ta sẽ không có nguy cơ trở nên kỳ cục! 
- Hãy chọn chỗ cuối cùng là chúng ta có cơ hội được sống như những người con của Thiên Chúa, và là anh chị em với tất cả mọi người. 
- Chúng ta được dựng nên để sống trong Thiên Chúa, để yêu như Ngài yêu chúng ta và đừng cạnh tranh ngu ngốc! Thiên Chúa muốn cứu chúng ta khỏi sự ngu ngốc này!
Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, chúng con thật may mắn vì có được một Thiên Chúa như thế!
Lạy Chúa Giê-su khiêm nhường và dịu hiền, xin làm cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa! Lạy Chúa, đối với chúng con, hình như cạm bẫy kiêu ngạo thì rất nhiều, còn khiêm nhường thực sự thì khó quá..Khát vọng cao nhất của chúng con, đó là chủ nghĩa cầu toàn, ngay cả trong thánh thiện có điều gì đó ẩn dấu sự kiêu ngạo của chúng con. Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra chúng con là gì trước mặt Chúa. Xin cho chúng con biết đặt lại cuộc đời chúng con trong bàn tay Chúa. Xin ban cho chúng con là những con người đơn sơ quên mình đi, để Chúa được vinh hiển và chỉ có một mình Chúa được tôn vinh  trong đời sống chúng con thôi.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Học sống khiêm nhường
Lc 14, 7-14
Khi đề cập về Chúa Giê-su, người ta thường giới thiệu Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai cao cả, là Vua hoàn vũ, là Thẩm phán tối cao, là Đấng quyền năng phép tắc… nhưng Chúa Giê-su còn có một phẩm chất cao đẹp khác ít được đề cập đến: Ngài là Đấng rất khiêm nhường!
Trong thư Phi-lip (2, 6-11), thánh Phao-lô trình bày sự khiêm nhường sâu thẳm của Chúa Giê-su như sau:
Mặc dù Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa quyền năng, đồng hàng với Thiên Chúa Cha, nhưng Ngài đã hủy mình ra không! Từ tột đỉnh danh dự và vinh quang, Ngài đã gieo mình xuống cõi đời ô trọc, hoá thân thành một trẻ sơ sinh yếu đuối, được sinh ra trong nơi rốt hèn; khi lớn khôn thì sống bằng nghề mộc ngày ngày đổ mồ hôi đổi lấy áo cơm; rồi cuối cùng, Ngài đón nhận cái chết thấp hèn và đau thương trên thập giá cùng với hai kẻ bất lương.
Chúa Giê-su là Đấng rất khiêm nhường nên Ngài cũng muốn cho chúng ta trở nên khiêm nhường như Chúa. Chúa Giê-su không kêu mời chúng ta hãy học cùng Ngài vì Ngài thông thái, vì Ngài có tài hùng biện thu phục quần chúng, vì Ngài khôn ngoan… nhưng trước hết, Ngài kêu gọi chúng ta hãy học với Ngài, vì Ngài có lòng “dịu hiền và khiêm nhường” (Mt 11, 29).
Vì khiêm nhường là một phẩm chất cao đẹp nên Chúa Giê-su thuyết phục chúng ta sống khiêm nhường bằng một dụ ngôn rất cụ thể và thực tế như sau: “Khi anh em được mời dự tiệc, đừng chọn chỗ nhất, kẻo khi có người khách khác quan trọng hơn đến sau, chủ nhà sẽ đến nói với anh em: Mời anh xuống ngồi chỗ dưới nầy cho… Trái lại, khi được mời dự tiệc, anh em hãy chọn chỗ cuối….  Vì hễ ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống và ai tự hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên” (Lc 14, 8-11).
Cây cao, tàng lớn, đứng trên đỉnh cao thì nguy cơ bật gốc hay gãy đổ càng cao. Cây nhỏ, thân mềm như lau sậy, dù đứng ở vị trí nào cũng được an toàn trước cuồng phong bão tố.
Nước mưa rơi xuống trên những đỉnh núi cao sẽ chảy tuôn đi hết chẳng đọng lại giọt nào. Rốt cuộc, mọi dòng nước đều tuôn về chỗ trũng, mọi sông suối đều chảy về biển sâu. Chính thế người ta thường nói: “Biển cả là mẹ của tất cả sông ngòi vì biển hạ mình thấp hơn mọi con sông.”
Ai hiền lành khiêm nhượng, biết hạ mình xuống thì tình trạng tâm hồn của họ như là chỗ trũng, là lũng sâu. Ơn phúc của Thiên Chúa cũng như tình yêu của bạn bè sẽ chảy tuôn vào những con người ấy.
Khiêm nhường không phải là thua kém
Có một số người không thích khiêm nhường vì cho rằng khiêm nhường là thua kém. Nghĩ như vậy không đúng.
Ta hãy nhìn xem nước. Nước tuy rất mềm mại, rất dịu dàng, có thể nói là rất khiêm nhường nhưng đồng thời cũng rất hùng mạnh.
Nước luôn luôn tìm chỗ thấp nhất mà đến. Nước luôn mềm mại dịu dàng.
Nước không hề kháng cự với bạo lực, nhưng nước vẫn chiến thắng bạo lực nhờ sự mềm mại của mình. Búa tạ giáng vào tường, tường đổ; búa đập vào đá, đá tan; nhưng nếu có ai quai búa đập mạnh vào vũng nước, nước không cần kháng cự, nước dùng sự mềm mại của mình để nuốt lấy búa; búa sẽ phải cắm xuống đáy bùn! Đúng là “nhu thắng cương, nhược thắng cường.”
Nước luôn tìm chỗ rốt hết, tìm chỗ thấp mà chảy xuống, chẳng bao giờ muốn leo cao nên mới tạo ra thủy năng, thuỷ điện, một nguồn năng lượng tuyệt vời!
Khi bị hỏa thần tấn công, nước nhẹ nhàng bốc mình lên cao thành những lớp mây trời và khi hỏa thần hừng hực thiêu rụi những cánh rừng tươi tốt, nước có thể gieo mình xuống dập tắt hỏa thần.
Tuy mềm mại nhưng nước có sức xói mòn tất cả; dù rắn như đá thì "nước chảy đá cũng phải mòn".
Nhờ mềm mại, nước rửa sạch tất cả, cuốn trôi tất cả.
Nhờ biết hóa mình thành muôn hạt li ti, nước có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách của các địa tầng, thấm nhập khắp muôn nơi.
Tuy hạ mình thấp hèn, nước đem lại sự sống cho mọi loài. Nơi đâu thiếu nước, ở đó chỉ còn là sa mạc, khô cằn. Nơi đâu nước ngấm đến, ở đó sự sống sẽ trở nên trù phú tốt tươi.
Lạy Chúa Giê-su, Đấng hiền lành khiêm nhượng, xin cho chúng con, những người môn đệ Chúa, biết chọn chỗ rốt hèn như nước, biết sống khiêm hạ như Chúa đã nêu gương.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 3
Lc 14,
1.7-14

Vào một ngày sabat kia, Đức Giêsu đã đến dự tiệc tại nhà một thủ lãnh Pharisiêu, và trong bữa tiệc với đông dảo khách mời đủ mọi hạng người, Chúa Giêsu quan sát thấy người ta cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, bấy giờ Ngài liền kể cho họ một dụ ngôn về tiệc cưới để dạy cho Khách Được Mời và cả Người Đãi Tiệc một bài học.
Đối với Khách Được Mời: Đức Giêsu khuyên hãy chọn ngồi chỗ cuối thay vì chọn chỗ nhất (c.10). Khi khuyên họ như thế Chúa Giêsu không có ý dạy về nghệ thuật ứng xử, cũng chẳng dạy phép lịch sự nơi bàn ăn, nhưng khi dùng dụ ngôn tiệc cưới để nói đến hình ảnh Nước Trời, Ngài muốn chỉ cho họ biết con đường dẫn đến Nước Trời là con đường Âm Thầm, Ẩn Mình và Khiêm Tốn. Chính Chúa đã sống bài học Ngài dạy, vì con đường ngài đang tiến về Giêrusalem, là con đường của khiêm nhường và hạ mình đến tận cùng. Nên bài học cho những khách được mời là hãy khiêm nhường nhìn nhận việc mình được mời bàn tiệc của Chúa là một ân huệ, chứ không phải mình xứng đáng. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy chọn cho mình vị trí cuối cùng trong bữa tiệc cuộc đời đó là sống khiêm nhường phục vụ, để chúng ta sẽ được Thiên Chúa mời lên chỗ cao trọng trong bữa tiệc Nước Trời mai sau, vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (c.11).
Còn đối với Người Đãi Tiệc: Ngài khuyên họ hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, thay vì mời bạn bè, anh em, bà con họ hàng hay láng giềng giàu có (c.13). Chúa Giêsu khuyên người đãi tiệc hãy hào hiệp với người nghèo, tức là hãy mở tiệc cho những người không có khả năng đáp lễ, vì đó cũng chính là cách cư xử của Thiên Chúa đối với con người thụ tạo chúng ta. Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta như thế, đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu nhưng không, một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu cho đi mà không đòi đền đáp cách ép buộc hay miễn cưỡng, nhưng là đáp lại với tất cả tự nguyện và tự do của chúng ta, vì Ngài tôn trọng chúng ta.
Dụ ngôn tiệc cưới là hình ảnh bàn tiệc Nước Trời, và Thiên Chúa là chủ tiệc, còn chúng ta là khách mời diễm phúc, vì Thiên Chúa đã mở bàn tiệc Nước Trời tiếp đãi chúng ta là những kẻ nghèo khó và bất xứng đến để dự tiệc, đến để lãnh nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban chỉ vì tình yêu.
Lạy Thiên Chúa là chủ tiệc cưới Nước Trời và Chúa Giêsu là chàng rể, còn toàn thể nhân loại chúng con là khách được mời. Xin cho chúng con khi đáp lại lời mời cứu độ của Chúa, là gia nhập vào bàn tiệc của Chúa thì điều kiện trên hết là chúng con phải có lòng khiêm nhường. Khiêm nhường để nhận biết chúng con được mời dự tiệc chính là một ân huệ vô cùng lớn lao Chúa ban cho chúng con, và chúng con tiếp tục được mời gọi đi theo Chúa, đi vào con đường khiêm nhường thẳm sâu, con đường hy sinh đến tận cùng, con đường phục vụ quên mình.
Xin cho chúng con cũng biết lấy sự khiêm nhường làm trọng để chúng con biết trân trọng những khách quý của Chúa mà cộng tác cách đắc lực để đem ơn cứu độ của Chúa đến với những người nghèo, những người đang cần được cứu độ, đang cần gia nhập bàn tiệc Nước Chúa. Amen.
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
====================
Suy niệm 4
HÃY KHIÊM NHƯỜNG
(Hc 3,17-18.20.28-29; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14)
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối giáo huấn của Đức Giêsu tuần trước. Nếu tuần trước, Đức Giêsu dạy hãy qua “cửa hẹp” mà vào, tức là phải vứt bỏ lại những thứ không cần thiết, phải chiến đấu, sám hối, và uốn nắn đời sống theo những giáo huấn của Tin Mừng, thì tuần này, Đức Giêsu dạy cho những người cùng dự tiệc với Ngài một bài học về đức khiêm nhường: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống”(Lc 14,11).
Theo truyền thống của người Dothái, khi đến dự tiệc, mỗi vị khách thường được mời kể một câu chuyện để phục vụ những người cùng bàn với mục đích giúp cho khách ăn ngon miệng. Vì thế, họ thường kể cho nhau nghe những chuyện vui, bông đùa…, đến lượt Đức Giêsu, Ngài không kể chuyện tiếu lâm hay một vài mẩu chuyện vui như những người đồng bàn đã làm, nhưng Ngài quan sát và thấy người ta đi dự tiệc lại cứ thích ngồi chỗ nhất, chỗ danh dự, nên Đức Giêsu đã tập trú vào đề tài khiêm tốn khi được mời đi dự tiệc (x. Lc 12,7-11).
Đây là một đề tài khiến cho những người dự tiệc hôm ấy nhức óc, vì họ thường “đánh lận con đen”, tức là giả vờ khiêm nhường hoặc đòi được trọng vọng nơi đám đông. 
Khởi đi từ sự quan sát, Đức Giêsu cất tiếng nói: "Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết”. Câu nói này của Đức Giêsu đã soáy sâu vào tận trái tim của những người dự tiệc hôm ấy, và Ngài đã lật tẩy mặt nạ giả bộ giả hình của họ, khiến họ cảm thấy khó chịu khi nghe Đức Giêsu nói.  
Tiếp theo, Đức Giêsu đã đưa ra một tiêu chuẩn cho tất cả mọi người khi được mời đi dự tiệc: “Khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc”. Đây là quy luật tất yếu trong cuộc sống: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
“Nâng lên” và “hạ xuống” là hai động từ trái ngược nhau. “Nâng lên” chính là muốn khẳng định mình; tự coi mình là nhất. Đây là hành vi của những kẻ kiêu ngạo, mà kiêu ngạo là đầu mối sinh ra những tội khác như: “Hà tiện, ghen tương, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, và lười biếng hay nguội lạnh” (x. GLHTCG. số 1866).
Những người kiêu ngạo thường không biết mình, không biết những giới hạn của mình, họ thường coi mình là “cái rốn vũ trụ”, coi mình là “number one”, là “đệ nhất đế vương…”.
Còn “hạ xuống” là thái độ của người khiêm nhường. Khiêm nhường là khiêm tốn nhìn nhận mình còn thiếu, còn bất toàn để vươn lên, còn yếu đuối để sám hối. Khiêm nhường còn là đón nhận sự thật và lấy sự thật làm căn gốc. Chấp nhận “tôi” là “tôi” với đầy đủ những mặt mạnh và mặt yếu của mình.
Người khiêm nhường thật là người luôn sống trong tinh thần tự hủy, coi mình không là gì cả. Khi bị xúc phạm, họ vẫn cảm thấy thanh thản, khi được khen, họ luôn tạ ơn Chúa và không có thái độ vênh vang tự đắc. Họ coi mọi sự mình có là do Chúa ban ,cho nên không hề có thái độ khinh khi những người thấp kém hơn mình.
Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho mỗi chúng ta một bài học căn bản trong cuộc sống chính là sự khiêm nhường. Nếu không khiêm nhường, ta không thể gặp được Chúa. Môsê muốn gặp Chúa, ông phải cởi dép ra, phải trở về với sự trần trụi của mình khi đến trước nhan Chúa; Giakêu muốn được Chúa vào nhà thì ông phải tụt xuống khỏi cây sung; Phêrô và Phaolô muốn trở thành bạn hữu của Chúa và trở thành những kẻ “chung phần” với Thầy thì các ông phải khiêm tốn và vứt bỏ thanh gươm kiêu ngạo, tự phụ và hiếu thắng của mình.
Thật vậy, trong đời sống gia đình, nếu vợ chồng, con cái không có thái độ khiêm nhường, chúng ta không thể đón nhận được sự khác biệt của nhau, không biết lắng nghe nhau, không thông cảm và tôn trọng nhau. Như thế, mỗi người sẽ là một hòn đảo, và chẳng khác chi một con chim én không thể làm nên một mùa xuân. 
Trong cuộc họp, ai cũng thi nhau nói và ai cũng bảo vệ lập trường của mình, cho dù biết đó là điều sai, thì cuộc họp ấy thất bại và gây thêm chia rẽ.
Trên giảng đường, và trong trường đời, nếu ta bảo thủ và cho rằng mình biết hết mọi sự và không cần lắng nghe, học hỏi… ấy là lúc họ đang tụt hậu mà không biết, hay đang trong tình trạng “ếch ngồi đáy giếng” mà chẳng hay!
Thật vậy, nhìn ra xã hội hôm nay, chúng ta thấy nhiều người luôn có khuynh hướng “chơi trội”. Nếu người khác có nhà một tầng, ta phải hai tầng; người khác có xe, ta phải có xe tốt hơn; chức tước và học vị cũng là những điều con người thời nay thường khẳng định… thái độ đó cho thấy ta không chịu thua kém người khác. Nhưng có ít ai thấy rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ trở về “sắc sắc, không không” trước mặt Chúa?
Tóm lại, khiêm nhường chính là cái gốc, là nền móng của chúng ta. Có được điều đó, ta sẽ xây dựng được sự chân thành; tình huynh đệ; sự hiệp nhất; lòng bao dung và sự tôn trọng. Hơn nữa, có được đức khiêm nhường là ta đang trở nên giống Chúa, đang được ở trong mối tương quan nghĩa thiết với Ngài.
Mong thay hình ảnh kiêu ngạo của Adong, Eva; những người xây tháp Baben và những khách được mời dự tiệc trong bài Tin Mừng hôm nay là bài học cho chúng ta nếu chúng ta đang là những người tự phụ, kiêu căng và đang đi tìm những danh vọng ảo tưởng ở đời này…
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học cùng Chúa vì Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
====================
Suy niệm 5
BÀI HỌC TỪ NƯỚC
Nước cần thiết cho sự sống muôn loài. Nước quan trọng cho sự phát triển của cơ thể con người, cho sự tăng trưởng của súc vật và cây cối. Không có nước, không có sự sống. Mọi sinh vật đều gồm phần lớn là nước dù sống ở đâu. Chín phần mười thể tích cơ thể con người là nước.
Khi sử dụng nước trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta cho là điều tự nhiên. Nhưng thật sự, nước là của châu báu Trời ban cho quả địa cầu.
Nước từ trên nguồn cao đổ xuống, nước uốn mình theo ghềnh thác, nước lượn khúc trong những khe suối, nước chảy xuôi dòng sông, nước dồn về biển cả. Không có gì mềm mại hơn nước và cũng không có gì mạnh mẽ bằng sức nước. Nước không có độ cứng dày nên không đo lường được chiều cao, sâu, rộng, dài của nước. Nước rất yếu mềm, không mạnh mẽ, nhưng tính bền bỉ lại khiến nước có thể làm mòn đá bởi dòng chảy của mình. Đá có mạnh đến đâu cũng sẽ bị nước mềm yếu chinh phục. Vì thế Lão Tử nhận định: “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được”. Từ đó, ông cũng cho rằng mềm dẻo là phương cách tồn tại nên có của con người: “mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng đều biết rõ”. Sự mềm dẻo của Lão Tử chính là nói về quan niệm xử thế rộng rãi lạc quan, xem thường cái mạnh.
Nước chảy tới đâu đem lại sự sống đến đó. Gặp ghềnh thác hay các tảng đá chắn lối, nươc vẫn len lõi chảy không gây xích mích hay hận thù với ai.Nước có thể bị vẩn đục khi chảy qua rừng rậm, ruộng đồng, nương rẫy nhưng nước có khả năng thanh tẩy trở lại thanh sạch ban đầu.
Nước chảy chỗ thấp, an phận, không tranh giành. Vì không tranh giành nên cũng không thất bại. Đồng thời, nước lại thân thiện với vạn vất, giúp vạn vật phồn vinh, cho nên được vạn vật yêu thích. Con người cũng vậy, cần khiêm tốn, nhường nhịn, khéo léo, hết sức giúp đỡ người khác, tránh việc tranh giành, đừng mang tâm lý thắng thua. Đó chính là “thượng thiện nhược thủy”. Lão Tử chủ trương: “Người thiện, thì ta thiện; người không thiện, ta vẫn cứ thiện, đó chính là thiện”. Trong mọi việc con người đều lưu giữ thiện tâm, lấy thiện đãi người, dù có chịu thiệt thòi trước mắt thì cũng không mất đi tín niệm trong lòng, như vậy sẽ được người yêu mến, được trời đất phù trợ, chính là thiên thời, địa lợi, nhân hòa.(Thanh Trúc).
Nước là biểu tượng cho đức khiêm nhường. Nước luôn tìm chỗ thấp mà chảy xuống. Dù hạ mình thấp hèn nhưng nước thật cao cả vì đem lại sự sống cho mọi loài.
Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận dùng hình ảnh nước để huấn dụ cho các chủng sinh về đức khiêm nhường: “Khi ta ngồi lên ngai cao, nhiều người muốn đạp ta xuống; khi ta nằm xuống sát đất, nhiều người muốn nâng ta lên…Nước mưa rơi xuống trên những đỉnh núi cao sẽ chảy tuôn đi hết chẳng đọng lại giọt nào. Rốt cuộc, mọi dòng nước đều tuôn về chỗ trũng. Chính thế người ta thường nói: biển cả là mẹ của tất cả sông ngòi vì biển hạ mình thấp hơn mọi con sông”.
Khiêm hạ như dòng nước chảy xuống thấm nhuần vào đất đai. Nước bao giờ cũng chảy xuống thấp nên có thể đến mọi nơi. Nước thấm tới đâu làm đất đai ở đó thêm màu mỡ và phì nhiêu.
Bài đọc 1, Sách Huấn Ca dạy rằng: “Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, con sẽ được đẹp lòng Chúa”. Hạ mình là cách thế tốt nhất để gặp gỡ và đến với tha nhân. Con đường khiêm hạ là con đường Thiên Chúa đến với nhân loại. Qua sự khiêm hạ, con người đến với nhau và đến mọi nơi.
Bài Tin Mừng kể chuyện Chúa Giêsu đi dự bữa tiệc tại nhà một thủ lãnh các người biệt phái. Chỉ một bữa ăn cũng đủ là đề tài để Chúa dạy nhiều bài học. Bài học cho những kẻ được mời là hãy khiêm nhường nhìn nhận việc mình được mời là một ân huệ. Và cũng thêm một bài học cho chủ nhà là người mời. Ông biệt phái mở tiệc đãi khách, thực ra không phải vì khách mà vì mình. Ông mời người có chức quyền, mời người giàu sang để khoe rằng mình quen biết lớn, giao thiệp rộng, rằng bè bạn của mình toàn là những người tai to mặt lớn. Ông biệt phái thích khoe khoang nên có lẽ mời Chúa Giêsu chẳng phải vì mến phục, nhưng chỉ để khoe với bè bạn về tài giao thiệp của mình. Chúa nói đến bữa tiệc mà khách quý phải thuộc giới nghèo không có khả năng đáp lễ. Hãy biết nghĩ đến những người nghèo khó bất hạnh.
Bài học Chúa dạy là đức khiêm nhường và đức bác ái. Hai nhân đức này là nền tảng của đạo đức.
1. Bài học khiêm nhường
Hãy chọn chỗ rốt hết để được mời lên chỗ cao hơn.
Chỗ ngồi tượng trưng cho địa vị trong xã hội. Người ta chọn vị trí quan trọng trong bàn tiệc không phải để được ăn ngon nhưng để được vinh dự hơn. Vì thế, người ta luôn thích ngồi ở những vị trí quan trọng ở những nơi đông người để thỏa mãn lòng tự tôn của mình. Còn Chúa dạy nói: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
Khiêm tốn là ít nghĩ về mình, và nhiều lúc không nghĩ gì về bản thân. Đối với Kitô hữu, khiêm tốn là trở nên giống Chúa Giêsu: “Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”; “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vu và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Khiêm tốn sống như Chúa Giêsu là không sống cho riêng mình mà sống cho người khác, dùng tài năng của mình để phục vụ tha nhân.
Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là nhu nhược hèn nhát, nhưng chỉ những ai dũng mạnh, can đảm mới dám hạ mình phục vụ anh em. Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là nô lệ, mà là một hành vi yêu thương, một thái độ hoàn toàn tự do, cao quý.
Khiêm nhường còn là khuôn mặt của tình yêu. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã xuống ngang tầm những kẻ hèn mọn, những trẻ thơ, những kẻ yếu đuối. Chúa không kết thân với người giàu có quyền thế nhưng luôn quan tâm những người nghèo, người bị ruồng bỏ, người ốm yếu tật nguyền, Ngài an ủi và chữa lành cho họ.
Bằng những lời khuyên nhủ khôn ngoan, Sách Huấn Ca cũng chỉ cho thấy con đường khiêm tốn là con đường tuyệt đẹp được mọi người quý chuộng và được Thiên Chúa mến yêu.
2. Bài học bác ái
Con đường khiêm hạ còn là con đường phục vụ vô vị lợi. Chúa dạy rằng, khi mời khách dự tiệc hãy mời những người nghèo khó vì họ không có gì để trả lễ. Đó là tinh thần phục vụ vô vị lợi, không mong đền đáp, làm việc âm thầm.
Chúa Giêsu nói với ông chủ nhà, hãy mời vào bàn tiệc những kẻ bị loại ra ngoài xã hội: người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp trả, và như thế, ông mới thật có phúc vì ông sẽ được Thiên Chúa trả công trong ngày các kẻ lành sống lại.
Người ta thường nghĩ những kẻ đui mù, tàn tật, què quặt và nghèo khó là những người bất hạnh làm gánh nặng cho xã hội. Nhiều khi người ta ngoảnh mặt, giả điếc làm ngơ và từ chối giúp đỡ.Chúa Giêsu dạy các môn đệ, hãy sống gần gũi hòa đồng với người nghèo, người bất hạnh. Sống và cư xử tốt với họ dù rằng họ chẳng có gì đáp lại. Lý do là vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa, là anh em con một Cha nên cần phải thương yêu họ như chính mình.
Con đường bác ái yêu thương là lối vào Nước Trời. Chúa Giêsu chính là hiện thân nơi những người bất hạnh, nghèo khó. Ai đón tiếp họ là đón tiếp chính Chúa.
3. Tình yêu như dòng nước.
Bác ái và khiêm nhường là hai nhân đức căn bản. Bác ái là bản chất, khiêm nhu là vóc dáng. Vóc dáng giúp chủ thể thon gọn thuận tiện ở mọi sinh hoạt trong mọi lãnh vực. Bác ái là nền tảng làm nên phẩm giá và tư cách hấp dẫn con người ở mọi nơi mọi thời. Người sống bác ái chính là biết khiêm nhường phục vụ, làm nên vóc dáng xứng hợp với cửa hẹp Nước Trời.
Đặc tính của tình yêu là dịu dàng như dòng nước, êm mát nhún nhường. Tình yêu có vẻ mềm yếu hơn tất cả nhưng lại mạnh hơn tất cả. Bởi vì không phải đá hay lửa thắng được nước mà là nước chảy đá mòn. Không gì có thể thắng nổi tình yêu vì Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế mọi dòng sông vẫn tiếp tục chảy ra biển cả. Tình yêu Thiên Chúa vẫn chan hoà muôn người.
Tình yêu dạy cho con người niềm hạnh phúc lớn nhất cao cả nhất và đẹp nhất là biết trao ban, hiến dâng, cho đi, quãng đại, bao dung. Đó là đỉnh cao tình yêu Kitô giáo. Yêu là hy sinh cho người mình yêu. Yêu là tìm hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu như Chúa đã yêu và yêu đến cùng.
Nước biểu tượng đức khiêm nhường và đặc tính của nước cũng giống như tình yêu. Nước còn là biểu tượng cho mọi phúc lộc của Thiên Chúa. Trong thuật ngữ Kitô giáo, nước được sử dụng như như biểu hiệu của một diễn trình biến đổi và trở về nội tâm. Qua phép Rửa bằng nước, người Kitô hữu lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nước của phép Rửa có sức tẩy sạch tội lỗi gây sự chết và đưa vào đời sống mới. Nước của phép Rửa có sức chữa lành, thánh hóa và đem lại sự tươi mát cho tâm hồn. Được làm con cái Thiên Chúa qua phép Rửa là hồng ân với đời sống mới, luôn khiêm tốn và bác ái hướng tới trọn lạnh.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.Amen.
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 6
Khiêm nhường Chúa lại nâng lên
(Lc 14, 1a.7-14)
Khiêm nhường là một đức tính đáng quý, cần phát huy của mỗi con người. Khiêm nhường sẽ giúp con người thành công một cách vững chắc nhất. Chẳng thế mà trong lịch sử nhân loại đã không có ít bậc danh nhân vì chán ghét cảnh tranh chấp quan trường mà cáo quan về ở ẩn. Họ luôn giữ cho lòng mình trong sáng, tinh thần khiêm tốn, thanh cao. Thực tế, khiêm nhường là đặc điểm chung của các nhà lãnh đạo tuyệt vời, các vị cao sang đều mến chuộng đức khiêm nhường. Người ăn ở khiêm nhường chẳng những được người đời kính trọng mà cả Thiên Chúa cũng yêu thích kẻ khiêm nhường. Lời Chúa trong sách Huấn Ca dạy : "Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa" (Hc 3, 19-21. 30-31).
Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta một bài học quan trọng là ở khiêm nhường. Người mời gọi chúng ta vượt qua thói háo danh để sống tự hạ và khiêm nhường. Nhiều khi chúng ta hiểu sai về khiêm nhường. Khiêm nhường không có nghĩa là tự coi mình không có giá trị gì, không phải là khinh rể bản thân, hay thụ động, không dám nhận trách nhiệm. Khiêm nhường lại càng không phải là một mặt nạ để lôi kéo sự chú ý của người khác: tôi hạ mình xuống để được tôn lên.
Người khiêm nhường là người chấp nhận sự thật, nhận biết thân phận thụ tạo của mình, nhận mình là mình, có sao có vậy, những gì tôi có và cả con người tôi, đều bởi Chúa. Khiêm nhường là đón nhận đời mình như quà tặng Chúa ban, và dâng lại đời mình cho Chúa như một quà tặng. Khiêm nhường cũng là nhìn nhận sự thật về mình: tôi chưa hoàn hảo, có nhiều giới hạn, cần được tha nhân nâng đỡ, góp ý...
Giữa một thế giới tự cao tự đại, kiêu ngạo, giả hình, háo danh, đề cao quyền lực và lợi nhuận, say mê thống trị và chiếm đoạt, bè phái và chia rẽ, thái độ công kích, đối đầu vẫn thường bị nhầm lẫn là sức mạnh thì người khiêm nhường không được đánh giá cao; bởi người ta đánh đồng khiêm nhường với yếu đuối.
Bằng dụ ngôn khách được mời tới dự tiệc cưới, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy khiêm nhường dành chỗ nhất, chỗ trọng cho người khác: "Đừng tìm kiếm chỗ nhất ". Chúa biết chúng ta thường thích chỗ nhất ở nơi công cộng, trong nhà cũng như ngoài phố, nơi hội họp cũng như bàn ăn… Người biết ý định của chúng ta, nên Người khuyên chúng ta: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất" (Lc 14,8).
Chỗ nhất là chỗ quan trọng nhất. Ta chọn ngồi chỗ nhất là vì ta thấy mình quan trọng, xứng đáng được hưởng vinh dự đó... Tiếc thay, chỗ nhất chỉ có một chứ không có nhiều, nên người ta phải tranh giành nhau bằng mọi thủ đoạn để chiếm được và giữ được chỗ nhất cho mình. Những cuộc tranh giành như thế vẫn diễn ra nơi gia đình, trong cộng đoàn, trong nhóm, trong giáo xứ, giữa các quốc gia... Ở đâu có hai người trở lên là có đụng chạm, chỉ vì có một chỗ nhất. Vì thế Chúa Giêsu khuyên bảo ta: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 14,11). Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo, sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống. Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ, sẽ được Thiên Chúa tôn lên. Ai tự nâng mình lên thì không có giá trị gì. Ai được người khác nâng lên, tuy có giá trị đó, nhưng rất mong manh. Ai được Thiên Chúa nâng lên, giá trị đó mới thực cao quý và bền vững. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, còn ai tự hạ thì rồi được tôn.
Vì muốn chọn chỗ nhất, nên ngươi ta thường thích giao du với người có thế giá, có học, có của, để dễ nhờ vả khi cần. Chính vì thế mà xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi, vì nghèo túng, vì kém cỏi về mọi mặt. Chúa Giêsu cũng nhắn nhủ ta trong việc chọn khách để mời ăn, nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền, hơn là mời những người ruột thịt, thân quen, giàu có. Người đưa ta vượt qua óc tính toán vụ lợi, để đi vào thế giới của những người bất hạnh, giảm bớt sự kiêu căng, nâng cao đức khiêm nhường.
Khiêm nhường sẽ giúp cho bản thân mình nhận ra rằng còn điều gì thiếu sót mà mình phải hoàn thiện, học hỏi được từ người khác nhiều điều mà mình không có. Kẻ ăn ở khiêm nhường sẽ khắc phục được rất nhiều khuyết điểm, và hoàn thiện được bản thân. Khiêm nhường luôn đi liền với sự hòa nhã, hòa đồng với mọi người, vì tinh thần không ngừng cố gắng học hỏi. Còn kẻ tự mãn thì luôn thấy người khác là thấp hơn mình, không đáng học hỏi. Bởi vậy đức khiêm nhường vô cùng quan trọng, giúp cho mỗi con người chúng ta có thể thấy được rằng không có điều gì là đủ, là thừa. Càng khiêm nhường, chúng ta càng học được nhiều điều.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết ăn ở khiêm nhường để xứng đáng được Chúa yêu thương. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================== 
Suy niệm 7
Khách Mời
Hc 3,10-21.30-31; Dt 12,18-19, 22-24a; Lc 14,1.7-14
Đang dùng bữa ở nhà một thủ lãnh Pharisêu, Thầy nói với ông: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,12-14). Người đời thường suy tính khi mời nhau, “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Khách mời càng thế giá thì chủ càng “trân trọng kính mời”. Đằng này Thầy bảo “đừng”, hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật… nếu vậy thì chỉ con mừng thầm thôi, vì con thuộc hàng “khách quý” ấy.
Ðang bữa ăn thế trần, Thầy liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống, ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa. Quả thật, người hèn mọn luôn là đối tượng của lòng Chúa xót thương. Ngôn sứ Isaia xưa kia cũng đem tin vui cho họ: “Người được Ta thương đến là kẻ nghèo hèn, thống khổ và biết kính sợ Lời Ta” (Is 66, 2).
Nhìn vào gương của Thầy con thấy rõ, cả đời Thầy là một cuộc tình cho đi bất tận không hề phai, bác ái yêu thương vô vị lợi, cho đi không cần ai biết đến, cứu vớt thi ân bất cứ hạng người nào. Thầy cứ đi, cứ đến, làm ơn khắp thiên hạ, chữa bệnh cơ man là người mà không ai phải trả đồng nào. Tình thương của Thầy không đòi phải có đi có lại, hoàn toàn nhưng không. Cho đi bao nhiêu Thầy cũng sẵn sàng, Thầy nộp luôn cả mạng vì yêu. Cho đến hôm nay Thầy vẫn đem cả chính Thân Mình đãi tiệc nuôi sống chúng con, vì con chứ Thầy đâu mong được gì? Nhưng chúng con có khát khao, có thấy mình nghèo hèn đói khát, để biết mở lòng đón nhận mà được no thỏa hay không? Được lãnh nhận mọi sự nhưng không từ Thầy, chúng con có biết đem thân mình, tất cả những gì Thầy ban, để rồi lại trao ban, làm ích cho anh em không?
Chúa ơi! ngày nay trong mỗi thánh lễ, Thánh Thể Chúa được dâng cao với lời mời trịnh trọng: “Đây Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xóa tội trần gian! Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa!” Chúa đón mời mọi thực khách không kể người nghèo khó hay giàu sang, người giỏi giang hay hèn kém dốt nát. Xin cho con nghe rõ và biết đáp lại lời mời gọi bao dung tha thiết ấy, cho con “nghiệm” được cái “phúc” vô cùng to lớn ấy, mà mê say  đến Bàn Tiệc Thánh của Chúa, để được no thỏa mọi ngày đời con.
Én Nhỏ
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log