Suy niệm 1
“Chạy đua tìm kiếm nước trời” Ông chủ trang trại trong dụ ngôn hôm nay đã quá lo lắng kiếm tiền mà không giành thời gian để làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giê-su không tố cáo ông có những thành đạt, làm việc nhiệt tình để làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn. Ngài chỉ phê bình ông vì ông có tính ích kỷ, lúc nào cũng chỉ nghĩ về mình: “Tôi, tôi, tôi..Tôi sẽ làm điều này, tôi sẽ làm điều kia, tôi sẽ xây lại kho lẫm, tôi sẽ tích trữ tất cả thóc lúa và của cải vào trong đó…”
Ông chủ trang trại này tin rằng mình có tất cả và tự nhủ rằng: “Hồn ta ơi, bây giờ mình ê hề của cải, dư sài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã…”. Nhưng Thiên Chúa nói với ông: “Đồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? …”
Cuộc sống mỗi người chúng ta không thể có tất cả. Cần phải chọn lựa. Nếu quá quan tâm đến tiền bạc, của cải, quyền hành và danh vọng thôi, thì nhiều điều quan trọng khác có nguy cơ rất dễ bị quên lãng. Vấn đề đặt ra không phải tiền bạc là xấu hay tốt, nhưng ở chỗ điều gì phải ưu tiên hơn?
- Không có gì là xấu nếu chúng ta hăng say làm việc, nhưng chỉ có một điều là liệu tôi có thời gian để phục vụ gia đình bạn bè, sinh họat tôn giáo và những công việc từ thiện bác ái không?
- Không có gì là xấu nếu chúng ta xem chương trình TV hữu ích mỗi ngày 3 hoặc 4 thiếng đồng hồ, nhưng chúng ta cũng phải giành thời gian cho gia đình, cho con cái hoặc là giúp một việc gì đó cho họ đạo và cho giáo xứ.
- Không có gì là xấu nếu chơi thể thao mỗi ngày, nhưng đừng quên giúp đỡ và thăm viếng người hàng xóm ốm đau bệnh tật.
- Không có gì là xấu nếu hằng năm chúng ta phải tốn kém tiền của cho việc du lịch, nhưng đừng bao giờ quên chia sẻ tiền của cho những người nghèo hoặc những nhu cầu công ích.
- Không có gì là xấu nếu chúng ta đi tắm biển, nghĩ mát tại Sapa hoặc nghỉ cuối tuần, nhưng đừng bao giờ quên ngày của Chúa, ngày chủ nhật, chúng ta phải đi tham dự Thánh Lễ.
Mở con tim chúng ta ra đối với những nhu cầu cần thiết của anh chị em, là chúng ta đã trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta đều có chọn lựa riêng có giá trị trong cuộc sống, nhưng phải chọn lựa thế nào cho đúng. Bài học quan trọng của dụ ngôn hôm nay, đó là trong một thế giới đầy dẫy những tiện nghi, có nhiều thứ vui chơi giải trí và hữu ích, những quảng cáo làm chúng ta dễ xiêu lòng; lúc đó chúng ta dễ có thể nói với mình rằng: “chẳng có gì là xấu nếu tôi biết hưởng thụ cuộc sống, biết du lịch một cách tối đa, biết mua sắm nhiều thứ“. Nếu nói như thế lại là không tốt, chúng ta nên đặt vấn đề:” Liệu tôi có thể làm điều gì khác hơn nữa không?.”
Trong KINH THÚ NHẬN, chúng ta vẫn thường đọc: “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói việc làm và những điều quên sót”. Trong đời sống chúng ta, có những quên sót vô trách nhiệm. Tuy nhiên, quên sót nguy hiểm nhất, đó là quên Thiên Chúa, quên quan tâm đến nhu cầu cần thiết của người khác, sống một cuộc sống hưởng thụ không nghĩ đến ai. Lúc đó Thiên Chúa có thể khiển trách chúng ta vì đã bỏ quên bổn phận của người kito: “Ta đói, các ngươi đã không cho Ta ăn, Ta khát các ngươi đã không cho Ta uống, Ta ốm đau hoặc ngồi tù các người đã không thăm viếng…”
Dụ ngôn người giàu có và ông Lagiaro nghèo trong Tin mừng cũng vậy. Người giàu không làm điều gì xấu nhưng ông không bao giờ quan tâm đến Lagiaro nghèo sắp chết đói tại cửa nhà ông mà trong khi đó ông ngày ngày mở tiệc linh đình.
Chúa Giê-su cho chúng ta một bài học quý giá:
- Đừng để lãng phí cuộc đời, cần làm cho cuộc đời chúng ta trở nên giàu trước mặt Thiên Chúa.
- Hãy mở một tài khoản trong ngân hàng của Thiên Chúa, nơi mà kẻ trộm không thể đến được, nơi mà tiền lãi suất luôn ổn định, không sợ phải hạ thấp đột ngột về kinh tế tài chính!
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng hành động ngu xuẩn như ông chủ trang trại thiếu khôn ngoan trong Tin Mừng hôm nay. Lúc nào ông cũng chỉ nghĩ về tiền bạc hơn là trở nên một công cụ để hiệp thông, chia sẻ và giúp đỡ người khác.
Bài Tin Mừng hôm nay là một cơ hội để chúng ta suy nghĩ về cái gì là quan trọng, là ưu tiên hơn thúc đẩy cuộc đời chúng ta, một cơ hội để chúng ta sử dụng tiền bạc, tài năng và thời gian của chúng ta như thế nào.
Chúa Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta rằng, cuộc đời chúng ta phải biết chọn lựa cái gì là có giá trị và bậc thang của các giá trị đó. Không phải cái gì cũng là tốt…Chúa không nói tiền bạc là xấu, nhưng Chúa nhắc nhở chúng ta rằng: cần phải chia sẻ tiền bạc và tài năng của chúng ta cho người khác. Mở con tim chúng ta ra đối với những nhu cầu cần thiết của anh chị em chúng ta, là chúng ta đã trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Đừng lãng quên linh hồn
Lc 12,13-21
Gia đình ông bà Năm có hai đứa con. Đứa anh là Tý và đứa em là Tèo. Bao nhiêu tình thương và chăm sóc của ông bà Năm đều dồn cho Tý. Ông bà không từ chối Tý bất cứ điều gì nó muốn, thậm chí Tý đòi hỏi những điều trái khoáy, ông bà cũng chiều theo.
Trong khi đó, ông bà chẳng đoái hoài gì đến Tèo: Không cho ăn, không cho mặc, không cho học hành, không chăm sóc khi đau ốm, không đếm xỉa gì đến nó… Nói chung là coi như nó không có mặt trên đời.
Cách đối xử bất công của ông bà Năm đối với con cái như thế khiến hàng xóm bất bình. Ai cũng oán trách ông bà Năm đối xử với Tèo cách vô tâm và tệ hại đến thế.
Về phần chúng ta, có ai trong chúng ta đồng tình với cách đối xử bất công với con cái như thế không? Chắc chắn là không. Trái lại còn lên án là đàng khác.
Giờ đây, tôi xin mời mỗi người trong quý ông bà anh chị em nhìn lại mình, xem mình có đối xử tệ hại như vậy đối với người nhà của mình không.
Mỗi người chúng ta cũng có “hai người con”: Một đứa là linh hồn và đứa kia là thân xác. Chúng ta đã đối xử với thân xác, với linh hồn ra sao?
Có người nói với tôi: Bao nhiêu năm qua tôi quá chú trọng thân xác mà quên mất linh hồn. Châm ngôn sống của tôi là: Tất cả cho thân xác này, tất cả cho cuộc sống đời này.
24 giờ của một ngày, tôi đều dành trọn cho thân xác, chẳng dành cho linh hồn phút giây nào.
168 giờ của một tuần, tôi cũng đều dành trọn cho thân xác.
720 giờ của một tháng cũng đều dành trọn cho thân xác.
Và cứ thế, từ ngày này trải qua ngày khác, hết tháng này đến tháng kia, tôi chỉ biết chăm lo cho thân xác mà thôi.
Còn linh hồn thì bị bỏ rơi, không được đoái hoài. Suốt 24 giờ của mỗi ngày, 168 giờ của mỗi tuần, 720 giờ của một tháng… tôi chẳng dành cho linh hồn một phút nào.
Tôi dồn hết thời giờ, tiền bạc, công sức, tài năng, trí tuệ, nghị lực của tôi cho thân xác, y như nhà đầu tư dốc hết 100% vốn liếng của mình vào một dự án kinh doanh quan trọng.
Tôi hỏi lại người đó: Thế rồi mai đây thân xác anh sẽ ra sao? Anh sẽ thu hoạch được gì? Người đó thinh lặng suy nghĩ, chẳng biết trả lời ra sao.
Điều chắc chắn là sớm muộn gì mỗi người chúng ta cũng phải nằm xuống, nhắm mắt xuôi tay…
Thế là cuối cùng, thân xác tôi cũng như của mọi người trên mặt đất này chỉ còn là một bộ xương khô, một nắm tro bụi li ti.
Không lẽ hôm nay tôi đầu tư hết tất cả thời gian, công sức, trí tuệ, tài năng, nghị lực, tiền bạc của mình cho thân xác này để rồi cuối cùng chỉ thu hoạch được một bộ xương khô hay một nắm tro!
Không lẽ tôi đầu tư 100% vốn liếng của mình cho thân xác và cho cuộc sống tạm bợ đời này, để rồi cuối cùng chỉ thu hoạch được một nắm tro nằm dưới đáy mồ!
Còn linh hồn thì vì không được chăm sóc nuôi dưỡng, nên phải trầm luân trong hỏa ngục vô cùng đau khổ.
Sống như thế thì quả là dại dột, y như lão phú hộ được nhắc đến trong Tin mừng Lu-ca trích đọc hôm nay.
“Khi ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, ông “mới nghĩ bụng rằng: 'Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!' Rồi ông ta tự bảo: 'Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 16-20).
Chỉ biết chăm lo cho thân xác nầy, cho cuộc sống đời nầy mà chẳng biết lo cho linh hồn, chẳng biết lo cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau thì đúng là ngốc thật.
Biết thế thì ta phải công bằng với linh hồn ta. Thân xác này nay còn mai mất thì ta chăm sóc vừa đủ, còn linh hồn ta sống mãi muôn đời thì phải được chăm lo chu đáo hơn.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin dạy chúng con biết chăm lo, nuôi dưỡng linh hồn mình ngay từ hôm nay bằng cách thực hành mến Chúa yêu người, dành thời giờ để thờ phượng Chúa cũng như để yêu thương phục vụ những anh chị em chung quanh. Nhờ đó, mai đây chúng con sẽ được Chúa ban thưởng hạnh phúc muôn đời trên thiên quốc.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===================
Suy niệm 3
Bảo hiểm cuộc đời
Lc 12, 13-21
Một người kia mà Tin Mừng hôm nay nói tới, có lẽ cha mẹ anh đã qua đời sớm và không để lại cho hai anh em lời dặn dò hay một di chúc phân chia tài sản nào, nên giờ đây anh tìm Đức Giêsu để nhờ Ngài làm công việc đó. Thế nhưng Đức Giêsu không những từ chối anh, Ngài còn nhân cơ hội này dạy cho tất cả mọi người bài học: “chớ có tham lam của cải”(c 15) và “đừng thu tích của cải cho mình”(c 21), vì của cải không phải là thứ bảo hiểm an toàn cho đời sống, nhưng hãy lo “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” để mua lấy thứ bảo hiểm an toàn nhất cho cuộc sống mai sau.
Để đảm bảo an toàn hơn cho cuộc sống, người ta bỏ tiền ra mua mọi thứ bảo hiểm: bảo hiểm xe, bảo hiểm nhà, bảo hiểm công việc, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ…
Đối với người phú hộ trong Tin Mừng hôm nay thì của cải cũng là một thứ bảo hiểm cho cuộc sống của ông: ông vốn có cuộc sống sung túc, lại thêm một năm trúng mùa vì ruộng nương sinh nhiều hoa lợi (c 16), gạo thóc dư tràn, ông phải phá kho nhỏ để xây kho thật lớn mới chứa hết của cải (c18). Và sau mọi toan tính tích trữ cho riêng mình ông đã tự nhủ lòng: hồn ta hỡi, cuộc sống giờ được bảo đảm nhờ của cải, vì mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm không hết, chẳng cần lo lắng gì nữa, nên cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa lại bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? (c19-21) vì mạng sống con người không được bảo đảm nhờ của cải đâu (c15).
Người phú hộ tưởng của cải vật chất mà ông tích trữ trong kho là yếu tố căn bản bảo đảm cho ông sống hạnh phúc đời này và cho ông sự sống linh hồn đời sau. Nên ông chẳng nghĩ đến ai cũng chẳng cần đến Thiên Chúa là Đấng ban cho ông mọi của cải. Ông đúng là ngốc (dại khờ) vì ông nghĩ có thể xây dựng hạnh phúc, xây dựng cuộc đời ông trên nền tảng của cải, ông ngốc thật sự vì ông quên mất Thiên Chúa là nguồn gốc của sự sống và của mọi hạnh phúc. Ông thật đại ngốc vì ông chỉ thu tích cho một trăm năm (đời này) mà không lo thu tích cho vĩnh cửu (đời sau). Ông ngốc vì chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ lo cho mình, nhu cầu của cá nhân mình mà đóng kín với tha nhân và với cả Thiên Chúa, ông chỉ lo bảo hiểm cho thân xác được hưởng thụ đời này mà quên lo cho bảo hiểm phần linh hồn đời sau mãi mãi.
Cũng như người phú hộ, con người hôm nay tìm mọi cách để hưởng thụ cuộc sống và tìm mọi cách để cuộc sống ấy được an toàn, vì thế họ mua mọi thứ bảo hiểm, thậm chí mua cả bảo hiểm cho đồ dùng và con vật, nhưng họ quên rằng chẳng có gì an toàn tuyệt đối ngoài một mình Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, và họ cũng quên rằng bất cứ thứ bảo hiểm nào ở đời này cũng có giới hạn. Và nếu mọi thứ bảo hiểm có giới hạn ấy đều phải mất tiền mới mua được, vậy thì thứ bảo hiểm vĩnh viễn đời sau không chỉ đòi người ta phải mua bằng mọi của cải người ta có do Thiên Chúa ban mà còn phải mua bằng tất cả thời gian, kiến thức, sức khỏe, khả năng, sự cảm thông, tình yêu thương, các việc lành…nghĩa là trước hết người ta phải mở ra với Thiên Chúa để đón nhận tất cả từ chính Thiên Chúa và sống biết ơn bằng Ngài việc mở ra với tha nhân, chia sẻ cho tha nhân tất cả những gì mình lãnh nhận, đừng chỉ ích kỷ giữ cho riêng mình. Vì tất cả sẽ là bảo hiểm cho ta đời sau nếu đời này ta biết trao ban những gì Thiên Chúa trao ban cho ta. Nói cách khác nếu ta lấy của cải Thiên Chúa ban cho ta đem đi cho người thiếu thốn, cho người cần đến nó, thì đó là cách ta mua bảo hiểm linh hồn, đó cũng là cách ta làm giàu trước mặt thiên Chúa.
Lạy Thiên Chúa là chủ sự sống của con, là đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho con, là cùng đích và là hạnh phúc suốt cuộc đời con, con cám ơn Chúa đã ban cho con tất cả, không có gì con có mà con không lãnh nhận từ Chúa. Vì thế, xin cho con biết dùng tất cả tài sản con nhận lãnh để làm giàu trước mặt Chúa không phải bằng của cải vật chất, nhưng giàu việc lành, giàu lòng bác ái, quảng đạị, chia sẻ thời gian, sức khỏe, sự hiểu biết, khả năng, sự cảm thông, lắng nghe với mọi người, đó là con đang tích trữ vốn liếng cho cuộc đời mai sau, vì khi con quảng đại với hết mọi người thì Chúa sẽ không thua lòng quảng đại với con. Amen.
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
===================
Suy niệm 4
Làm Giàu Trước Mặt Thiên Chúa
Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể chuyện, một người đến xin Chúa Giêsu làm quan toà chia tài sản giúp cho anh ta. Ngài nói với họ: “Hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”.
Và Chúa Giêsu kể dụ ngôn lão phú hộ dại khờ.
Cả một đời lão dùng sức khỏe, tài năng, mồ hôi nước mắt để xây dựng kho lẫm to lớn và ước mơ sẽ ngũ yên, tự tại từ nay. Nhưng bất ngờ, giữa đêm lão ra đi đột ngột. Bỏ lại tất cả. Đó là một kẻ dại khờ. Dại khờ bởi cả một đời, lão chỉ lo vun đắp sao cho có nhiều cơ ngơi, của cải. Lão cứ nghĩ đời này là vĩnh cửu, thật mù lòa. Lão nghĩ rằng mình không bao giờ chết chắc? Và cái dại khờ lớn nhất là lão cứ ngỡ không có đời sau, không có thưởng phạt. Chính vì thế, cả đời lão không hề nghĩ đến đời sau để mà chuẩn bị. Bây giờ nhắm mắt xuôi tay, lão tay trắng không cầm nắm gì được. Cả một đời lão phú hộ lúc nào cũng vất vả, lúc nào bóp mồm bóp miệng, lúc nào cũng gom góp, tằn tiện chi li với mọi người. Bây giờ ra đi để lại tất cả. Cả một đời chẳng dám đi đến đâu. Cả một đời chẳng biết chia sẻ cho ai. Kho lẫm tích trữ để lại cho ai?
Lão phú hộ không có làm điều gì xấu và lão cũng chẳng làm điều chi gây tội lỗi. Lão chỉ tích luỹ tải sản và không có ăn chơi trác táng. Khi của cải thêm nhiều thì việc phá những kho lẫm nhỏ để nới thêm những cái to hơn cũng là điều hiển nhiên thôi. Và, ý nghĩ “cứ nghĩ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” cũng chỉ xảy ra trong đầu chứ lão cũng chưa biến nó thành hiện thực.
Vậy thì điều gì làm cho lão phú hộ kia trở nên dại khờ? Dụ ngôn cho thấy sai lầm lớn của nhà phú hộ khi cho rằng tiền bạc và của cải là một thứ tài sản có giá trị tuyệt đối. Nó đảm bảo cho cuộc sống hạnh phúc của lão. Núp mình trong đống của cải đồ sộ đó, lão tưởng rằng bản thân mình từ nay sẽ được sung sướng, được an toàn ngay cả mạng sống. Những dự định mà lão cho là khôn ngoan thì đó lại là sự dại khờ.
Lão phú hộ thật dại khờ vì không biết phân định đâu là tài sản đích thực và đâu là tài sản tạm thời chóng qua, mau hư nát. Lão dại khờ vì nghĩ rằng có thể xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng là tiền bạc và của cải mà quên đi đó chỉ là những thứ chóng tàn phai, nay còn mai mất. Lão dại khờ vì đã sai lầm trong nhận định đâu là chân giá trị, lão chỉ để ý đến của cải, tiền bạc vốn chỉ có giá trị nhất thời, không chắc chắn mà quên mất thứ tài sản trân quý nhất chỉ đến từ Thiên Chúa, Đấng có thể làm cho lão được sống cũng như có thể lấy mạng sống ông bất cứ lúc nào” "Đồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì người sắm sẵn đó sẽ về tay ai?". Tiền bạc, của cải, quyền lực, danh vọng, cuối cùng vẫn chỉ là phù vân (Gv 1,2), chẳng có nghĩa lý gì hết, nếu người ta không biết sử dụng nó: “Vì không phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15).
Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy: Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.
Thế nào là ‘làm giàu’ trước mặt Thiên Chúa?
Ai có thể được coi là ‘giàu có’ trước mặt Thiên Chúa? Phải chăng là các bậc tài cao học rộng, những người đạo đức thánh thiện, hay các vị chân tu đạo sĩ…?
Đối với một thương gia thì ‘làm giàu’ là làm ra nhiều tiền của; đối với một nghệ nhân thì giàu là phát triển tài năng thiên phú; đối với nhà thông thái thì lại là trau dồi học thức uyên thâm…
Còn ‘làm giàu trước mặt Chúa’ thì cũng tùy thuộc rất nhiều vào quan niệm chúng ta có về Thiên Chúa. Cựu Ước đề cao hình ảnh một Thiên Chúa quyền phép, thánh thiện, khôn ngoan, công minh. Các mẫu người ‘giàu trước mặt Thiên Chúa’ như Môsê hùng mạnh, như Êlia thánh thiện, như Salômôn khôn ngoan, như Đavít công minh…
Chúa Giêsu khi kêu gọi hãy ‘lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa’, Ngài đang nói hình ảnh nào về Thiên Chúa?
Thiên Chúa mà Đức Giêsu phác họa chắc chắn không thiếu các ưu phẩm trên. Nét nổi bật và độc đáo nhất mà Cựu Ước chưa hề có, hoặc mới chỉ được các ngôn sứ phác thảo chưa rõ ràng, đó là: Thiên Chúa nhân ái và đầy lòng xót thương, một Thiên Chúa cứu độ. Đây mới là nét chân dung trung thực nhất về Thiên Chúa mà Đức Kitô Giêsu, và chỉ duy nhất mình Ngài nói đến. Đó đồng thời cũng là bản chất của ‘vương quốc’ giàu sang mà Ngài công bố và mời gọi chúng ta hết lòng chăm lo tìm kiếm cho bằng được. Hiểu như thế: ‘làm giàu trước mặt Thiên Chúa’ theo cách nói của Đức Giêsu, còn cao xa hơn cả sống thánh thiện, khôn ngoan, công chính, làm phép lạ…nó phải là nội dung trung thực nhất của đời sống Kitô hữu; đó chính là đón nhận lòng nhân ái xót thương vô điều kiện Thiên Chúa ban và thực thi lòng nhân ái đó cách quảng đại đối với tha nhân. (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty).
Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là trở nên giàu có như Chúa Giêsu, luôn “yêu thương, khiêm nhu, hiền từ, đại lượng” (Cl 3,12) và “trên tất cả là lòng mến, giềng mối của mọi trọn lành”. (Cl 3,14).
“Lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng tốt, vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương” (Cn 22,1).
Trong cuộc đời này, có biết bao người giàu tình thương, chăm lo cho bệnh nhân, chăm sóc trẻ em tật nguyền, tiếp đón người khổ đau bất hạnh, ưu tư lo lắng cho người sầu khổ, dấn thân phục vụ cho các hoạt động xã hội, bác ái và thăng tiến con người…
Có thể nói được là không ai giàu có, tự do, và mạnh mẽ hơn ‘người giàu trước mặt Chúa”, người mà niềm tin vào Chúa giúp họ vượt lên trên mọi tài sản trần gian, vì đã có “Chúa là nơi họ ẩn náu”(Tv 13,6). Vì thế, mối phúc đầu tiên được dành cho người nghèo, người “đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17,7). Người giàu trước mặt Chúa không phải là người có nhiều tài sản, mà là người tài sản chỉ đủ dùng nhưng biết lo tìm kiếm Nước Trời: “Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1Tm 6,7-8).
Phải biết coi trọng con người hơn tiền bạc. Tình người đáng giá hơn giàu sang phú quý. Tiền bạc rồi sẽ hết. Chẳng ai mang theo gia tài khi chết. Có chăng là tình yêu thương đã chia sẻ với tha nhân nơi trần thế này để trở nên “giàu có trước mặt Thiên Chúa” trên Thiên Quốc.
Thánh Phaolô diễn tả: “Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa… Quê hương đích thực của chúng ta là trời cao. Tại sao chúng ta xả thân miệt mài thu tích của cải dưới đất nơi mối mọt rúc rỉa? Hãy tìm kiếm những sự cao siêu hơn: Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất (Col 3, 1-2).
Để nên giàu có trước mặt Thiên Chúa, hãy sống quảng đại, mở rộng bàn tay để chia sẻ và cảm thông với mọi người, như thánh Phaolô khuyên dạy: “Hãy làm ơn làm nghĩa, hãy giàu có việc lành, hãy hào phóng, rộng rãi chia sẻ để tích trữ vốn liếng cho cuộc đời mai sau”. Của cải duy nhất đáng cho chúng ta tích luỹ là của cải của tâm hồn. Một tâm hồn quảng đại là một kho tàng. Có tâm hồn quảng đại là luôn “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===================
Suy niệm 5
CẨN TRỌNG KHI SỬ DỤNG TIỀN CỦA
(Gv 1,2 ; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21)
Đã từ lâu đời, nơi xã hội loài người, con người luôn coi trọng đồng tiền. Đồng tiền nhiều khi đóng vai trò quyết định thành công hay thất bại... chẳng thế mà người ta thường nói:
“Đồng tiền là tiên là phật
Là sức bật của con người
Là nụ cười của tuổi trẻ
Là sức khỏe của tuổi già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý…!”.
Và còn có những người mạnh miệng hơn khi tuyên bố rằng: “Có tiền mua tiên cũng được”.
Tuy nhiên, phụng vụ Lời Chúa hôm nay chỉ ra sự giới hạn của đồng tiền. Đồng thời cũng dạy cho chúng ta bài học về cách sử dụng tiền của sao cho hợp lý, để nó không chỉ có ích cho cuộc sống, mà còn có lợi cho phần hồn và ơn cứu chuộc.
1. Thái độ của con người về tiền bạc
Khi diễn tả tâm lý của con người về sự quý chuộng đồng tiền, người ta đã đúc kết qua một câu nói: “Đồng tiền liền khúc ruột”.
Bởi vậy, nhiều người đã dành cả một cuộc đời cặm cụi kiếm tiền, tìm mọi cách để giữ tiền và không chịu rời bỏ đồng tiền. Khi phải sử dụng hay mất mát, họ cảm thấy như mất đi một phần cuộc sống, chẳng khác gì: “Của đau con xót”.
Thực ra, việc kiếm tiền và giữ tiền tự bản chất không xấu. Tuy nhiên, sử dụng tiền làm sao cho hợp lý mới là điều đáng lưu tâm.
Đáng buồn thay, trong thực trạng xã hội hiện thời, người ta coi trọng đồng tiền đến độ tôn thờ nó như ông chủ. Họ sẵn sàng sử dụng đồng tiền để làm cho cán cân công lý bị lệch chuẩn cũng như đổi trắng thành đen...
Thật vậy:
“Đồng tiền không phấn không hồ,
Đồng tiền khéo điểm, khéo tô mặt người”.
Chính vì lẽ đó, mà thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thốt lên một cách chua chát:
“Nếu không điều lợi khôn thành dại,
Đã có đồng tiền dở cũng hay”.
Nếu sử dụng đồng tiền cho tốt thì nó sẽ trở thành tên đầy tớ trung thành, còn nếu sử dụng sai, nó sẽ là ông chủ bất nhân và lẽ đương nhiên, ta trở thành nô lệ cho nó.
Kinh nghiệm cuộc sống của mỗi người đã dạy cho chúng ta bài học về đồng tiền. Thật vậy, đồng tiền nó cũng có thể trang điểm cho chúng ta vinh quang, danh dự và giúp chúng ta trở thành con người có nhân nghĩa với anh chị em đồng loại. Nhưng ngược lại, đồng tiền nó cũng nhấn chìm chúng ta xuống tận bùn đen và nó tước hết tất cả những gì là danh thơm tiếng tốt nơi mỗi người nếu đặt để chúng sai vị trí!
2. Thái độ và lời dạy của Đức Giêsu về tiền bạc
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho thấy thái độ của Đức Giêsu về vấn đề tiền bạc và làm toát lên lời dạy của Ngài cho người đương thời biết sự giới hạn của đồng tiền.
Câu chuyện được khỏi đi từ việc có hai anh em đến nhờ Ngài phân chia tài sản, bởi lẽ, trước mắt họ, Đức Giêsu là một bậc thầy rabbi có uy tín trong dân, nên việc nhờ Ngài phân chia tài sản là điều cần thiết.
Tuy nhiên, trước lời đề nghị này, Đức Giêsu đã thẳng thắn từ chối vai trò trung gian. Ngài từ chối, không phải vì Ngài thờ ơ, lạnh lùng với thực trạng cuộc sống của hai anh em này. Nhưng qua đó, Ngài muốn khẳng định rằng: sứ vụ Thiên Sai của Ngài không phải là để làm những chuyện như thế, mà là loan báo ơn cứu độ và phần rỗi của con người. Vì thế, Ngài đã trả lời khi được đề nghị: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay chia gia tài cho các anh”?.
Nhân dịp thuận lợi này, Đức Giêsu đã dạy cho hai anh em này bài học: hãy tránh xa mọi thứ tham lam, bởi lẽ những của cải chiếm dụng được sẽ không đảm bảo cho được sống đời đời. Vì thế, đừng cậy dựa vào chúng quá lẽ.
Như một sự chứng minh, Đức Giêsu đã kể cho họ nghe dụ ngôn nhà phú hộ giàu có, nhưng đã không biết sử dụng tiền của cách chính đáng và hữu ích.
Lý do, ông phú hộ này khi có tiền của dư thừa, đã chè chén say sưa, xây dựng đền đài kho lẫm khổng lồ; ăn chơi phung phí, không hề nghĩ đến việc chia sẻ cho người nghèo và mưu cầu sự sống mai sau, tức là phần hồn. Ông ta coi những thứ đó như là một thứ đảm bảo cho cuộc sống của ông. Vì thế, ông ta đã ngủ mê trên sự giàu có, nhưng thực ra, đến ngày tận cùng, sự giàu có đó đã tố cáo ông và làm cho ông trắng tay.
Kết thúc câu chuyện, Đức Giêsu đưa ra giả thiết: “Đêm nay người ta sẽ đến đòi linh hồn ngươi” thì lúc đó: “Những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai”?.
3. Thái độ của người Kitô hữu về việc sử dụng tiền bạc
Lời cảnh tỉnh trên của Đức Giêsu đã là một sự cảnh báo cho mỗi người chúng ta hôm nay.
Vì thế, với tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải chọn sao cho trọn. Tức là trước khi lựa chọn, chúng ta hãy xét đến sự ưu tiên.
Sách Giảng Viên trong bài đọc I đã đưa ra lời nhắc nhở: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.
Sang bài đọc II, thánh Phaolô tiếp nối tư tưởng đó để khuyên bảo tín hữu của ngài khi đã trở nên thụ tạo mới, mặc lấy Đức Kitô và thuộc về Ngài qua Bí tích Rửa Tội, thì: “Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.
Và, như một sự mặc khải, Đức Giêsu đã chỉ dạy thật rõ ràng: “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”.
Nhưng oái oăm thay! Nhiều người trong chúng ta không mảy may đến những lời cảch báo trên, mà ngược lại, chúng ta đã thượng tôn đồng tiền đến độ tôn thờ chúng. Coi chúng như gia tài. Giữ chúng như kho báu. Nên đã tìm mọi thủ đoạn để chụp giật được đồng tiền, đôi khi bán rẻ cả lương tâm để có được đồng tiền. Khi có nó, chúng ta đã phung phí cách thỏa thích nơi các cuộc ăn nhậu vô bổ, hút chích cũng như những việc làm bất chính khác...!
Trước những thái độ trên, hẳn là chúng ta đã đi vào vết xe đổ của nhà phú hộ ngu ngốc trong bài Tin Mừng hôm nay.
Sứ điệp Lời Chúa dạy chúng ta rằng:
Nhiều tiền lắm bạc không phải là tội hay xấu xa, nếu đồng tiền được làm ra bởi công khó của mình. Mặt khác, giàu có mà biết sử dụng đúng mục đích thì thật là hữu ích không chỉ cho phần xác, mà còn cả phần hồn. Vì thế, giàu có trước mặt Thiên Chúa không hệ tại ở đồng tiền, mà là ở cách sử dụng đồng tiền.
Cần nhớ rằng: “Chúng ta đã chẳng mang gì vào trong thế gian, và chúng ta cũng không thể mang bất cứ cái gì ra khỏi đó” (1Tm 6,7).
Vì thế, đừng bám víu quá lẽ vào tiền bạc, mà hãy: “Sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,33), đó là sự sẻ chia cho người nghèo.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: chỉ có sự cho đi thì mới là gia tài của chúng con. Bởi vì khi nằm xuống, những gì chúng con đang có, cũng phải trả lại cho đời. Những gì thuộc về chúng con thì từ nay không còn nữa. Chỉ những gì đã cho đi vì lòng mến thì mới thuộc về chúng con và nó sẽ theo chúng con đến trước tòa phán xét để bênh vực chúng con mà thôi. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
=======================
Suy niệm 6
Hãy Chọn Cái Bền Vững Và Bỏ Cái Tạm Thời
(Lc 12, 13-21)
"Hư không trên các sự hư không". Đây là lời của ông Côhelét con vua Đa-vít trong sách Giảng Viên, (Bài đọc I). Côhélet là một vị vua khôn ngoan, ông nhìn thế giới với cái nhìn hướng thượng và truyền lại cho các môn sinh. Một trong các môn sinh lấy lại lời dạy của Thầy và đào sâu hơn: "Hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không" (Gv 1,2). Sự khôn ngoan này đã trở thành cách ngôn dân gian để con người nhìn thế giới mình đang sống với sự tỉnh táo, không ảo tưởng, với hy vọng những cố gắng của con người sẽ không bị tiêu tan vô ích trong một thế giới thấp hèn!
Nhưng đây là dịp để chất vấn chúng ta về vị trí của mình trên trái đất và cách thức chúng ta quản lý thế giới. Chính trong bối cảnh này mà Đức Giêsu ngang qua dòng người, ở giữa đám đông vây quanh Người, với tất cả khổ đau và kêu cứu. Một người trong nhóm họ lên tiếng thưa : "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi" (Lc 12, 13). Đức Giêsu bỗng dưng bị đặt làm trọng tài giữa hai người trong tương quan nhân loại. Có người hỏi : vì lý do gì mà người kia lại thưa với Đức Giêsu một điều như thế, Người đâu phải là một quan tòa chuyên xử các vụ chia cắt gia tài của các gia đình ? Chúng ta không vội kết án người này. Anh ta có hai lần đúng khi chạy đến nhờ Đức Giêsu. Trước hết đối với Đức Giêsu không có gì vô nghĩa, thứ đến Đức Giêsu với tư cách là Thầy, Người hoàn toàn có quyền làm trọng tại để giải quyết cho anh vấn đề anh nêu ở trên, nên chạy đến Người cầu cứu!
Tuy nhiên Đức Giêsu nhanh chóng gạt đi và dứt khoát từ chối can thiệp vào những chuyện như thế: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi? " (Lc 12,14). Đức Giêsu không can thiệp, nhưng Người lại chỉ cho cách cần phải giải quyết những vấn đề đó với tinh thần nào: "Các ngươi phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu" (Lc 12,15).
Trở lại bài đọc I ta thấy: "Kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao" (Gv 1,3). Ở đây "kẻ làm việc vất vả trong sự khôn ngoan" phải kể đến là cha mẹ hai anh, nên hai anh có lý để tranh dành của cải họ được kế thừa.
Câu "Hư không trên các sự hư không" không thể hiện điều cam chịu nhưng mở ra con đường ân sủng cứu độ. Thật khôn ngoan khi biết rằng thế giới mà chúng ta đang sống không mang lại ý nghĩa tối hậu chúng ta tìm kiếm trong cuộc đời. Nhưng cũng thật sai lầm khi để mình bị giam hãm trong sự phi lí của thế gian này. Thánh Phaolô trong bài đọc II mời gọi chúng ta tìm kiếm những sự cao siêu trên trời (x. Cl 3, 1).
Câu hỏi được đặt ra: chúng ta đang bám víu vào ai và cái gì ? Dụ ngôn Đức Giêsu kể trên dành cho chúng ta là những người, đang tiêu tan cho những dự án và lo lắng mà không biết rằng thế giời này là hư không (ý nghĩa văn chương hư không có nghĩa là hơi nước đọng lại, phù du), chúng ta hy vọng sẽ thỏa mãn và ổn định lâu dài. Một ngày kia, người giầu tỉnh giấc, đau buồn vì của cải thế gian này không còn là của ông nữa.
Người nhà giầu bị trách, không phải vì ông thu góp của cải, những của cải, vật chất đời này không phải là xấu, nhưng tự bản chất, chúng không có giá trị bền vững. Xấu là ở chỗ lòng ông bám víu trọn vẹn vào chúng, ông đã quên đi cái được cái mất và ý nghĩa cuộc đời. Ông muốn "nghỉ ngơi", ông muốn bình an "trong nhiều năm" (x. Lc 12,19). Liệu có phải là mục đích cuộc đời của ông không? Và tại sao? Ông có chắc rằng ông có thể tự cho mình nghỉ ngơi vui chơi không ? Những thứ mà ông đang sở hữu có mang lại bình an và niềm vui không? " Đó chính là lý do Đức Giêsu gọi ông là "kẻ ngu dại" (Lc 12,20). Vì hạnh phúc bền lâu không đến từ thế gian này mà đến từ Thiên Chúa. Ông đã nhầm khi chọn cái tạm bợ (đời này) làm chỗ dựa bền vững.
Mỗi lần "kẻ ngu dại" trong Tin Mừng xuất hiện là một lần Thánh Phaolô hỏi chúng ta về vấn đề này: trong cuộc đời, chúng ta có "bê tha, nhơ bẩn, dục vọng, ước muốn xấu và thèm khát hưởng thụ không ?" Chúng ta có chắc rằng "Hư không trên hết các sự hư không?"Trong đời ta có còn những thần tượng tạm bợ ở đời này không ? Đây là lúc chúng ta gạt bỏ "những thủ đoạn của người xưa", vì ngu dại chọn lựa sự hư không khi Đức Kitô trao ban cho chúng ta những phương tiện để xây dựng trên sự bền vững.
Phải chăng lời của ông Côhelét trong sách Giảng Viên: "Hư không trên hết các sự hư không" không phải là một tiếng kêu đầy thất vọng và chán chường sao? Tác giả của Sách Giảng Viên đã bày tỏ nỗi buồn và thất vọng của mình về sự đời, về những việc làm thuần túy nhân loại, vì chúng không mang lại lợi ích bền và không hề có giá trị tồn tại vĩnh cửu.
Đức Giêsu và tác giả Sách Giảng Viên nhắn nhủ chúng ta hay rằng, tất cả là hư không, là lầm lẫn khi con người chỉ lo tìm địa vị, quyền hành và đặt hết tin tưởng của mình vào những sự vật chóng qua, mà lại sao nhãng việc tích trữ các của cải thiêng liêng, thực thi các việc lành phúc đức bác ái, thì chỉ là những kẻ dại dột và thua thiệt. Vì một ngày kia, khi chết, chúng ta sẽ làm được gì với những thứ của cải vật chất chúng ta từng ký cóp cả đời? Chúng ta đã trang bị, sửa soạn cho mình được những gì khi phải ra trước tòa Thiên Chúa? Mọi vất vả khó nhọc của những kẻ sống như thế sẽ hoàn toàn hư không!
Đây là một lời dạy khôn ngoan luôn mang tính cách thời sự. Vì trong thời đại chúng ta, nhiều người đang bỏ quên đi các giá trị tinh thần vĩnh cửu và cố chạy theo tìm kiếm cái tạm thời mau qua và chóng hết.
Thánh Gioan Maria Vianey nói: "Không có gì vững bền cả. Đời sống sẽ qua đi... danh giá cũng sụp đổ, của cải rồi sẽ tiêu tan, sức khỏe cũng bị tấn công, chúng ta ra đi như làn gió. "
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tìm kiếm và tích lũy những thực tại của Nước Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ