Thứ hai, 06/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 21 Thường Niên C

Cập nhật lúc 19:42 22/08/2019
Suy niệm 1
“Lạy Thầy, phải chăng chỉ có ít người được cứu độ”?
Trên đường tiến về Gierusalem, có người hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có ít người được cứu độ”? Khi hỏi như thế, người này có thể nghĩ rằng nước Thiên Chúa chỉ dành cho một số người được hạnh phúc mà trong khi đó nhiều người sống trong đau khổ. Giống như người này, nhiều người nghĩ rằng họ có thể tạo ra hạnh phúc và chỉ mình họ được cứu độ , mà không lo lắng hạnh phúc và cứu độ người khác. Chúa Giêsu trả lời họ: "Ta không biết các ngươi từ đâu tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”. Đúng, họ làm điều ác vì họ muốn gõ cửa Nước trời để vào, nhưng lại không muốn đưa người khác vào.. Những người này đã là bạn Thiên Chúa. Họ đã ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của họ. Họ thuộc gia đình của Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cop. Họ được Thiên Chúa tình yêu yêu mến. Tình yêu đã được trao cho họ, tình yêu cho đi! Đáng lẽ đến lượt họ, họ cũng phải sống tình yêu cho đi, phải trưởng thành, thì họ lại để cho tình yêu đó chết vì họ giữ lại tình yêu cho riêng họ mà thôi. Chính tình yêu đã thúc đẩy Thiên Chúa đến với họ, nhưng họ không đi theo con đường đó.  Đáng lẽ tình yêu này cũng phải dành cho người khác, thì họ đã biến nó thành một đặc quyền dành riêng cho họ. 
Bữa tiệc của Thiên Chúa
Nước Thiên Chúa là một bữa tiệc cho toàn thể mọi người: "Người ta sẽ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa”. Nhiều khi chúng ta hiểu sai hình ảnh về Thiên Chúa. Chúng ta tưởng tượng Ngài theo ý thích chúng ta. Khi chúng ta hạnh phúc, chúng ta thường quên sự đau khổ của người khác vì chúng ta không thực sự yêu họ..Và những người chúng ta quên, một ngày nào đó, sẽ nhất thiết đòi lại phần của họ và sẽ chống lại chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể hạnh phúc mà không cần nhau. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể hạnh phúc mà không yêu một số người... Và như thế, chúng ta tạo ra một thế giới đau khổ và buồn bã. Nhưng Thiên Chúa không giống hình ảnh chúng ta. Thiên Chúa rất tốt lành. Ngài thực sự tốt. Và Ngài yêu chúng ta trong sự thật. Ngài muốn mọi người hạnh phúc. Ngài biết rằng chúng ta không thể hạnh phúc khi chúng ta tìm cách tách mình ra khỏi người khác, và không yêu họ. Ngài muốn chúng ta cùng với Ngài tìm kiếm hạnh phúc và cứu độ mọi người không loại trừ ai. Thiên Chúa ngự trị khi toàn thể nhân loại chia sẻ cuộc sống như một bữa tiệc: "Người ta sẽ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa”.
Như vậy, để sống trong Vương quốc là đón nhận Tình yêu và cho đi Tình yêu của Thiên Chúa.. Một tình yêu không bao giờ chấp nhận cam chịu sự bất hạnh của chỉ một người nào đó. Một tình yêu thúc đẩy bạn trao ban sự sống, hạnh phúc của mình, để người khác sống và hạnh phúc. Một tình yêu luôn mang lại niềm vui cho người khác trước. Một tình yêu tìm được niềm vui khi thấy người khác hạnh phúc. Chính trên đường về Jerusalem, Chúa Giêsu đã công bố những lời này. Gierusalem, thành phố mà Chúa Giêsu yêu đến đến chết để cứu độ nhân loại khỏi bất hạnh, thành phố mà Chúa Giêsu yêu đến cùng bằng cách yêu thương cả những người đưa Ngài vào chỗ chết, thành phố mà Ngài yêu vượt quá mọi giới hạn của con người để không người nào ngoài tầm với Tình yêu của Ngài..Mọi người đều được cứu độ nhờ tình yêu của Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã không cam chịu để dù chỉ một người không được hạnh phúc. Ngài mất tất cả vì tình yêu cứu độ chúng ta.  Ngài nắm giữ chúng ta trong tình yêu của Ngài, bất cứ điều gì chúng ta làm, ngay cả khi chúng ta giết Ngài. Và Ngài đã chiến thắng! 
Từ người trước hết đến người sau hết
Toàn thể nhân loại sẽ được cứu độ bởi ân sủng, đơn giản vì Thiên Chúa không cam chịu sự bất hạnh của chúng ta. Ngay cả những người đã loại mình ra khỏi hạnh phúc của tình yêu, những người khóc lóc và nghiến răng, cuối cùng cũng sẽ được cứu độ. Thật vậy, Chúa Giêsu không nói rằng chắc chắn họ bị mất. Họ sẽ là người cuối cùng: "có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ trở nên sau hết”. Họ sẽ là người sau hết... Nhưng cuối cùng họ sẽ đi theo phần còn lại của nhân loại! Chỉ tiếc là họ đã đến muộn! Thật đáng tiếc vì họ đã bị trì hoãn trong bất hạnh, bởi vì Nước Thiên Chúa đã được đề xuất cho họ ngay từ đầu. Họ biết tình yêu, họ có thể sống tình yêu và họ đã bỏ lỡ tình yêu! 
Thiên Chúa rất tốt. Ngài thực sự tốt. Với sự khôn ngoan và tình yêu của Ngài, Ngài dựng nên thế giới, Ngài dựng nên chúng ta. Ngài làm cho chúng ta hạnh phúc ngay bây giờ và mọi khoảnh khắc. Bất cứ khi nào chúng ta yêu, khi nào chúng ta quan tâm đến hạnh phúc của người khác quan trọng hơn chúng ta, thì chúng ta đã được vào Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc ngay từ bây giờ.  Ngài muốn chúng ta ngay bây giờ là anh em trong nhân loại, vui mừng trong niềm vui của người khác, thương cảm với những đau khổ của người khác, hơn là rời xa người đó. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa là sự điên rồ đối với thế giới. Nước Thiên Chúa không  thuộc về thế giới những người không yêu. Còn những người hiện nay đau khổ, họ là những người yếu đuối nhưng hạnh phúc. Họ là những người bị tổn thương nhưng vẫn sống. Họ nghèo nhưng tự do. Họ không quảng cáo lời của họ nơi công cộng. Họ nói bắng chính đời sống của họ. Ngay từ bây giờ họ là công dân Nước Thiên Chúa. Và nếu một ngày nào đó người ta hỏi họ như một người đã hỏi Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay: “phải chăng chỉ có ít người được cứu độ”?,  chắc chắn họ sẽ trả lời rằng: “ Phần chúng tôi, chúng tôi không là một phần của số ít người này, vì chúng tôi không thể hạnh phúc khi nào chỉ một người trên trái đất vẫn còn đau khổ”. 
Hãy khiêm nhường, nghèo khó, âm thầm, trong im lặng, đi theo Chúa Giêsu, tất cả chúng ta sẽ lên đường đến Gierusalem, con đường mà chúng ta chết vì yêu, nhưng là con đường sự chết là sự sống cho nhiều người... Con đường sự sống, con đường vui mừng và con đường hạnh phúc vô tận cho tất cả mọi người kể cả người đến cuối cùng nhất! 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp
(Lc 13, 22- 30)
Khi đang trên đường lên Giêrusalem thì có một người vô danh hỏi Chúa Giêsu về số lượng người vào Nước Trời: “Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít phải không?” (c 23). Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho người đó nhiều hay ít, mà Ngài chỉ nói: “hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (c 24), vì cửa hẹp dẫn đến Nước Trời. Vậy “Cửa hẹp” là gì?, phải chiến đấu thế nào để đi qua được?
Cửa là để qua lại, để ra vào, để đón chào hay ngăn chặn, nói đến cửa ta dễ liên tưởng đến sự đóng và mở. Chúa Giêsu không chỉ dùng dụ ngôn cái cửa để dẫn chứng về Nước Trời, mà Ngài còn nhận Ngài chính là cửa: “Tôi là cửa cho chiên ra vào… tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu…” (Ga 10,7-8). Chúa Giêsu chính là cửa chúng ta cần phải đi qua, qua cửa chính là đón nhận Ngài, đón nhận Giáo huấn của Ngài, đón nhận Lề luật và các phương tiện Ngài ban giúp cho ta nên con cái Thiên Chúa theo gương Ngài. Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục khuyên chúng ta: hãy chiến đấu để qua cửa hẹp, cửa hẹp không phải vì Nước trời chật hẹp, bởi Chúa Giêsu từng nói: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” (Ga 14,2). Cửa hẹp không phải vì Thiên Chúa khắt khe với chúng ta, mà là để vào được đòi phải có điều kiện cần thiết là đón nhận thánh ý Thiên Chúa và sống theo thánh ý đó như lời Chúa Giêsu khẳng định: chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi (Mt 7,21). Chính Chúa Giêsu đã nhập thế qua cửa hẹp với đầy thử thách và chông gai, Ngài đã chiến đấu để đi qua cửa hẹp bằng chính con đường thập giá suốt cuộc đời Ngài. Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô đã đến với con người chúng ta qua cửa hẹp, thì con người đến với Thiên Chúa cũng phải qua cửa hẹp ấy, bởi vì chẳng có cửa nào khác ngoài cửa hẹp mà Đức Giêsu đã đi qua, đó là con đường thập giá.
Mọi con đường của cuộc sống cũng đều phải qua cửa hẹp, và mỗi người đều có những cửa hẹp riêng: cửa hẹp của học sinh, sinh viên là chuyện học hành, thi cử; cửa hẹp của người buôn bán là kỷ luật kinh doanh chân chính; cửa hẹp của các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục là một đời sống gương mẫu; cửa hẹp của người ki tô hữu, tu sĩ là sống luật Chúa và giáo huấn của Giáo hội cũng như luật dòng giữa thế giới hôm nay.
Dù chúng ta ở giai đoạn nào và đóng vai trò gì trong đời sống, thì đều đòi hỏi phải cố gắng, phải nỗ lực chiến đấu để qua được cửa hẹp của chính đời sống và chức vụ mình đảm trách, phải chấp nhận đánh đổi, phải chịu hy sinh vất vả, chịu thiệt thòi, khổ đau và mất mát.
Tuy nhiên, có một trở ngại là khi đứng trước cửa hẹp, chúng ta thường chỉ dừng lại ở chính cái cửa hẹp, nên chỉ thấy lối vào cửa quá hẹp, chỉ thấy những khó khăn, mà quên mục đích bên trong cánh cửa là hạnh phúc đời đời, là ơn cứu độ Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta, và quên phải vượt qua cửa ấy bằng việc sống làm sao để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ, sống làm sao để xứng đáng đón nhận hạnh phúc Nước Trời ấy.
Thực ra cửa Nước Trời không hẹp mà luôn rộng mở, nhưng do chính chúng ta cồng kềnh và nặng nề bởi những danh vọng của cải, những thú vui hưởng thụ…của đời sống hôm nay, nên không dễ đi vào cửa ấy, bởi vậy Chúa Giê su mới nói: hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào. Để vào được cửa hẹp chúng ta phải nhỏ lại, nhỏ lại những gì làm cản trở ta, nhỏ lại tính hẹp hòi, nhỏ lại sự toan tính ích kỷ, ghanh ghét…Để vào được cửa hẹp, chúng ta phải hạ thấp mình xuống, hạ thấp tính tự cao tự đại, hạ thấp cái tôi, hạ thấp đi những cái riêng tôi để hướng đến cái chúng ta, và phải làm như thế suốt cả cuộc đời mình, vì chúng ta không chỉ đi qua cửa hẹp một lần trong đời, nhưng là suốt cả đời mình.
Lạy Chúa Giêsu, Ơn cứu độ, hạnh phúc Nước Trời Thiên Chúa ban cho chúng con luôn chờ sẵn ngoài cửa mỗi tâm hồn chúng con. Nhưng muốn được cứu độ và hưởng hạnh phúc ấy thì chúng con phải áp dụng phương thế mà chính Chúa chỉ dạy cho chúng con trong Tin Mừng hôm nay, đó là cố gắng chiến dấu để qua cửa hẹp mà vào, nghĩa là sống làm sao để xứng đáng nhận lãnh ơn cứu độ và hạnh phúc Nước Trời Chúa đã hứa ban. Xin cho chúng con luôn biết thực thi Lời Chúa dạy và tận dụng thời gian, cơ hội khi cửa còn mở, kẻo khi cửa đóng rồi chúng con có muốn vào cũng không được. Amen.
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
================= 
Suy niệm 3
HÃY VÀO CỬA CỦA SỰ SỐNG
(Is 66,18-21; Dt 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30)
Thiên Chúa là Cha yêu thương hết mọi người, vì thế, Người không loại trừ ai. Khi đến trong trần gian, Đức Giêsu đã thi hành sứ mạng ấy và không ngừng loan báo về lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng, sứ mạng này đã không làm cho người Dothái hài lòng, bởi lẽ họ luôn nghĩ chỉ mình dân tộc Israel mới được Thiên Chúa thương và cứu chuộc mà thôi. Các dân tộc khác chỉ là dân ngoại.
Chính vì lý do này, mà hôm nay, một người đã đứng lên hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít, phải không Thầy”?
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không trả lời cho biết số lượng và thành phần được cứu, mà nhân cơ hội này, Ngài đã vạch ra cho họ một con đường để được cứu chuộc, đó là: “Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24).  
1. Bối cảnh tạo nên lời giáo huấn
Thánh sử Luca trình thuật cho chúng ta thấy câu chuyện được đặt vào giai đoạn Đức Giêsu tiến về thành Giêrusalem nhân dịp lễ Cung hiến Đền thờ.
Trên hành trình này, Đức Giêsu đã rảo qua các làng mạc, thị trấn để giảng dạy cho dân chúng. Ngài dạy họ phải sám hối, cầu nguyện và từ bỏ những thứ trái ngược với đức tin và đạo lý Tin Mừng để được cứu chuộc.
Khi nghe Đức Giêsu giảng, có một người đã cất tiếng hỏi Ngài: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít được cứu rỗi?” (Lc 13, 23). 
Câu hỏi này mang tính tập thể, bởi vì nó được khởi đi từ quan niệm độc tôn chủng tộc của người Dothái. Bởi vì người Dothái luôn nghĩ rằng: chỉ có những người thuộc dòng dõi con cháu Apraham, và phải ở trên phần đất mà cha ông truyền lại, hay ít ra là phải nói tiếng Dothái, vì đây là Tiếng Thánh, rồi phải sớm tối đọc kinh Shema thì mới được cứu độ.
Khi quan niệm như thế, họ đã loại bỏ hết những thành phần của các dân tộc khác và không chấp nhận lời rao giảng của Đức Giêsu về ơn cứu độ phổ quát cho mọi dân tộc.
Thừa hiểu được tâm trạng tự kiêu, tự đại, độc tôn, đặc lợi mà những người Dothái tự nhận cho mình, Đức Giêsu đã dạy cho họ một bài học.
Tuy nhiên, Ngài đã không trực tiếp trả lời câu hỏi được đưa ra. Vì Ngài đến không phải để thỏa mãn tính tò mò của con người. Vì thế Ngài từ chối trả lời các câu hỏi phụ thuộc.
Thật vậy, nếu trả lời là: “Chỉ có một số ít được vào”, thì phải chăng lại khơi lên tính tự mãn nơi dân tộc vốn có cái nhìn ích kỷ và hẹp hòi này. Và lẽ đương nhiên, họ không cần cố gắng nữa vì nghĩ rằng: số ít ấy chính là dân tộc Dothái. Còn nếu Đức Giêus nói là: “Số người được cứu sẽ rất đông”, thì cũng sẽ làm cho mọi người thờ ơ, ỷ lại và cũng không cần cố gắng làm chi, vì đàng nào thì ơn cứu chuộc cũng sẽ đến với mình.
Chính vì lý do trên, mà Đức Giêsu đã không trả lời theo số lượng, nhưng Ngài nhắm tới phẩm chất. Bởi vì: ơn cứu chuộc là của Thiên Chúa, và Ngài ban cho hết mọi người, moi nơi và mọi thời, miễn sao những người muốn được cứu phải đi theo con đường của Thiên Chúa.
Chính thánh Phaolô cũng đã xác quyết rằng: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta muốn cho mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4). Và Đức Giêsu thì nói: “Cha các con Đấng ngự trên trời, không hề có ý để hư đi một người nào trong những kẻ bé mọn này” (Mt 18,14).
Nói như thế, không có nghĩa là cứ muốn vào là được, hay cứ ngồi lỳ và ỷ nại vào ơn Chúa, lại càng không phải cậy dựa vào uy thế của bản thân, hay dân tộc... Điều này cũng được Gioan Tẩy Giả nhắc nhở những người Pharisêu và Sađucêu: “Đừng ỷ mình là con cháu tổ phụAbraham…” (Mt 3,7t).
Vì thế, muốn được cứu, phải chiến đấu để mà vào. Không cố gắng sẽ chẳng được vào, vì con đường đưa tới ơn cứu chuộc là con đường hẹp.
2. Muốn vào được Nước Trời, phải đi qua cửa hẹp
Khi nói đến vấn đề cửa hẹp, chúng ta cần hiểu biết thêm rằng:
Ở đất nước Dothái thời Đức Giêsu, dân chúng sống trong các thành phố và làng mạc được bao bọc bởi những bức tường thành. Thời đó không có đèn điện. Vì thế, khi trời tối, các cổng dẫn vào thành phải được đóng cẩn thận và các cửa vào nhà cũng được đóng kín để tránh nguy cơ trộm cướp ban đêm.
Chính vì thế, mà những người đi ra khỏi thành, nếu về trễ thì không thể vào được cổng chính, vì các cổng chính đã đóng chặt và không ai dám mở cửa cho vì sợ kẻ thù tấn công...
Họ chỉ có thể lách vào các cổng phụ, còn gọi là cửa hẹp. Người Dothái còn gọi cửa này là: “Mắt của cái kim”. Vì thế, chúng ta mới hiểu tại sao thánh sử Luca có nhắc đến ở chương 18, câu 25: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa”. “Lỗ kim” ở đây chính là “cửa hẹp”. Thời đó người đi buôn thường chất đầy hành lý trên lưng lạc đà, muốn qua cửa hẹp thì phải vứt bỏ hết tất cả, và con lạc đà phải khom mình, quỳ gối thì mới mong lọt qua cửa này.
Khi Đức Giêsu lên tiếng mời gọi bước qua cửa hẹp, ấy là Ngài muốn mời gọi người đương thời phải từ bỏ những thứ không cần thiết và sẵn lòng bước qua cửa hẹp. Lời mời gọi ấy chính là biết sống chừng mực, thực thi huấn lệnh của Thiên Chúa cách trung thành và biết hy sinh cũng như chấp nhận mọi khó khăn... phải sống tự chủ và sống có trách nhiệm.
Tuy nhiên, không phải dửng dưng và nghĩ rằng: muốn vào lúc nào thì vào, không! Phải bước vào đúng lúc, đúng nơi, đúng giờ, vì: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại(Lc 13,25).
Như vậy, hình ảnh phấn đấu để vào qua cửa hẹp, ấy chính là sự hoãn cải thường xuyên.
Dựa theo tư tưởng của thánh Phaolô, chúng ta có thể hiểu “Qua cửa hẹp” là phải chiến đấu, cuộc chiến đấu cho đến cùng đường, phải đi vào con đường hẹp của Thập giá, phải can đảm chống lại sự lôi cuốn của ba thù, không thỏa hiệp, không nhân nhượng với chúng.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Con người thời nay thường chịu ảnh hưởng bởi nền văn minh hưởng thụ. Họ có khuynh hướng ăn sổi ở thì, chụp giật chớp nhoáng...
Lựa chọn này không chỉ dừng lại ở ngoài xã hội, nhưng nó còn ảnh hưởng và chi phối ngay cả đến đời sống đạo của nhiều người tín hữu. Vì thế, dù có đạo hay không có đạo, dù là Công Giáo hay tôn giáo khác, người ta thường chọn cho mình một sự thoải mái dễ chịu, không muốn gò bó.
Chẳng hạn như: theo đạo nhưng không muốn thực thi Lời Chúa, vì Lời Chúa làm ta phải dẹp bỏ nhiều thứ không phù hợp. Đi lễ phải lựa chọn cha. Cha nào giảng ngắn, hay thì đi... Ít khi đi sớm, đến cận kề giờ lễ mới đến. Đến rồi thì viện đủ mọi lý do để ở ngoài theo kiểu đi lễ ôm và đi lễ lòng vòng.... hay giữ đạo theo kiểu đạo “gốc”. Họ cũng chọn nhà thờ, nào là nhà thờ đẹp, rộng thoáng mát, và có ghế nệm êm, máy lạnh...
Khi tham dự thánh lễ, nếu cha giảng những giáo huấn của Giáo Hội mà đụng chạm đến cuộc sống của ta là khùng lên và tỏ vẻ khó chịu...
Lại có những người thường ưa nói hành, nói xấu người khác hơn là nhận ra và đón nhận điều tốt nơi anh chị em. Hay vẫn còn những người dùng tiền của công khó của cha mẹ, bản thân hay của người khác vào những chuyện bất chính... Rồi cũng không thiếu những bạn trẻ lao mình vào rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút chích...
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng “đi qua cửa hẹp”, tức là phải từ bỏ những thứ không cần thiết và hãy cố gắng để  thay đổi cách sống cho phù hợp với đạo lý Tin Mừng. hãy biết cẩn trọng trong việc lựa chọn, bởi vì, cửa hẹp sẽ đẫn đến sự sống, còn cửa rộng và lối thênh thang như tiền của, sắc dục, và sự dễ dãi sẽ dẫn đến cái chết trầm luân muôn kiếp. Mặt khác, Lời Chúa còn nhắc cho chúng ta biết vào đúng lúc, đúng giờ, bởi vì: hãy sám hối khi ta còn có thể và có cơ hội, kẻo lỡ quá muộn, chúng ta sẽ không còn cơ hội nữa, lúc đó không ai cho vào và như một lẽ tất yếu, chúng ta sẽ bị quăng vào nơi khác lóc và nghiến răng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đi trên con đường của Chúa đã đi, đó là con đường hẹp. Xin cho chúng con luôn biết khước từ những con đường thênh thang rộng rãi, vì con đường này sẽ dẫn đến diệt vong. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
=================
Suy niệm 4
“Hãy Chiến Đấu Để Qua Được Cửa Hẹp Mà Vào”
Tin Mừng hôm nay nói đến hình ảnh cửa hẹp. Cửa hẹp là cửa khó đi qua, chỉ dành cho ít người. Kinh Thánh dùng hình ảnh cửa hẹp để chỉ những đòi hỏi của Nước Trời.
Hẹp ở đây không có nghĩa là hẹp hòi hay kém giá trị. Tính từ hẹp chỉ sự thách đố, chông gai, đòi hỏi nỗ lực để kiên vững bước đi. Hẹp chỉ sự khó khăn, vất vả, từ bỏ, cần phải “chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”.
Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay nói về cửa vào Nước Trời tuy hẹp nhưng không chật mà vẫn rộng thênh thang.
1. Cửa hẹp mà không chật
Trong bài đọc 1, Tiên tri Isaia trình bày ý định của Thiên Chúa là muốn qui tụ mọi dân tộc, mọi quốc gia thành một dân duy nhất tin vào Ngài, đến với Ngài và hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài. Điều kiện phải có là lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa.
Tác giả thư Do thái trong bài đọc 2 viết rằng: vì những ai được Chúa thương thì Ngài sẽ nhận làm con. Chúa thương ai thì mới sữa dạy người ấy và có nhận ai làm con mới cho roi cho vọt. Điều kiện là vâng nghe Lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Ngài khiển trách.
Bài Tin Mừng nói đến sự nỗ lực suốt hành trình đức tin. Vì tất cả mọi người đều được mời gọi vào nhà Chúa Cha và được tham dự Bàn tiệc Thiên quốc. Không phải ai muốn vào cũng được. Cửa hẹp, muốn vào cần phải nỗ lực. Nỗ lực sống thực thi ý Chúa, nỗ lực trung thành với niềm tin của mình, nỗ lực sống tình bác ái yêu thương.
Bất luận là ai cũng có thể được vào Nước Trời, miễn là phải cố gắng. Người ta sẽ từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam vào dự tiệc Nước Trời. Tất cả là do nỗ lực và thành tâm thiện chí của mỗi cá nhân; không do định mệnh, không do đặc quyền đặc lợi, cũng không có chế độ ưu tiên nào, chỉ có sự tự do và quyết tâm đi vào của mỗi người trong đức tin mà thôi.
2. Nước Trời rộng, muốn vào phải có điều kiện
Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24), vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống đời đời” (Mt 7,14). Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, với cái tôi cồng kềnh của mình, cái tôi nặng nề vì những thu tích cá nhân, cái tôi phình to vì tự hào và kiêu căng đầy tham vọng.
Thật ra cửa vào Nước Trời rộng thênh thang, không phải là cửa hẹp, nhưng hẹp vì “cái tôi” của ta quá to lớn cồng kềnh. Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp. Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người có thể vào được, vì vào Nước Trời cần phải có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu. Cần nỗ lực liên tục để cắt xén “cái tôi” của mình, để giữ cho “cái tôi” của mình trở nên bé nhỏ, khiêm hạ trước Thiên Chúa và cởi mở trước anh em.
Cái tôi của ta luôn có khuynh hướng phình to vì những thu tích cho chính mình: tri thức, tiền bạc, khả năng... Cả những kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ… cũng có thể làm cho “cái tôi” của ta trở nên xơ cứng và phình to.
Phải trở nên nhỏ bé như trẻ thơ thì mới được vào Nước Trời (Mt 18,3). Cần phải biến đổi và tự hạ để có thể vào được Nước Thiên Chúa (Mt 18,3-4). Quả thật, đời sống người Kitô là một cuộc chiến đấu không ngưng nghỉ, một cuộc chiến đấu liên lỉ với chính mình. Khi ta cắt xén “cái tôi” của mình, khi ta tự hủy thân phận của mình, ta sẽ dễ dàng đi qua cửa hẹp, để bước vào cuộc sống hạnh phúc đời đời trong Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu cũng chính là “Cửa” để ta bước vào Nước Trời. 
Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước của Chúa Giêsu:
Cửa này thấp vì Chúa Giêsu đã hạ mình sâu thẳm: Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp. Là Thầy, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ. Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã tự nguyện để bị đối xử như một tội nhân.
Cửa này bé vì Chúa Giêsu đã trở nên bé nhỏ: Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Trong cuộc tử nạn, Người đã bị bóc lột hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.
Chúa Giêsu đã khai mở con đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã bước qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Người, phải phấn đấu để khiêm tốn hạ mình, phải từ bỏ cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa (theo Radio Veritas).
3. Cửa hẹp dẫn vào Nước Trời mênh mông
Thiên Chúa đến với con người qua khung cửa hẹp.Thiên Chúa sai Con Một xuống thế làm người hiến thân chịu chết khổ đau trên thập giá vì loài người và để cứu rỗi muôn người. Thiên Chúa chọn con đường hẹp để mở lối vào khung trời bao la của tình thương. Tình thương cao cả cúi xuống với thân phận thấp hèn của con người. Sau cửa hẹp là tình thương rộng lớn của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Đức Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Đức Giêsu đã qua. Con người đến với Thiên Chúa cũng phải qua khung cửa hẹp. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Đức Giêsu hạ mình xuống và bé nhỏ đi. Chỉ những ai hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là khung cửa hẹp mà chính là bản thân mình quá cồng kềnh với những thứ danh vọng chức quyền tiền bạc. Chấp nhận thanh tẩy cần thiết, trút bỏ vướng víu để nhẹ nhàng qua khung cửa hẹp mà đến với sự sống đời đời. Sau khung cửa hẹp là tình thương đẹp ngời Thiên Chúa mở ra cho vận mệnh con người.
Cửa Nước Trời không làm bằng vật chất, nhưng là Lề Luật và các phương tiện nên thánh. Nước Trời vừa mang tính hữu hình, vừa mang tính thần thiêng. Sự khó khăn chật hẹp khi đi qua cửa là đời sống kỷ luật.Vào cửa hẹp phải đi qua một mình, từng người một.Bước qua cửa hẹp là giữ và sống lời Đức Giêsu và giáo huấn của Giáo hội một cách nghiêm chỉnh suốt cuộc hành trình trần gian.Cửa hẹp nên để qua phải hy sinh, vất vả. Đứng trước cửa hẹp, ai lại không ngần ngại, ai dám khẳng định con đường cứu độ thật dễ dàng, ai dám tự hào về thành công bản thân?
Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Lối vào dẫn tới nguồn vui vẻ và hạnh phúc đời đời.
“Cửa” dẫn đến hạnh phúc thì “hẹp” vì để đi tới đó chỉ có một Con Đường là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất (x. Cv 4,12) và vì con đường Chúa đã đi qua để cứu độ nhân loại chính là con đường thập giá. Đi con đường thập giá với Chúa Kitô chắc chắn không phải là một cuộc dạo chơi, mà là một cuộc chiến đấu, cuộc chiến đến giọt máu cuối cùng.
Đường vào Nước Trời không rộng thênh thang để người ta tha hồ thoả mãn những đam mê tội lỗi. Trái lại đó là cả một cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam. Để đạt chiến thắng cuối cùng trong ngày cánh chung, phải chiến đấu từ bây giờ trong cuộc sống hiện sinh này.
Hãy lấy Lời Chúa làm vũ khí để chiến đấu chống lại ma quỷ: “…binh giáp vũ khí của Thiên Chúa,… lưng thắt đai là chân lý,… mang áo giáp là sự công chính,.. chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng,… cầm khiên mộc là đức tin,… đội mũ chiến là ơn cứu độ,… tay cầm gươm của Thần Khi, tức là Lời Thiên Chúa” (x. Ep 6,10 17). 
Lạy Chúa, xin cho con biết nỗ lực chiến đấu không ngừng để quyết đi qua cửa hẹp là hy sinh, thương xót, phục vụ và sẻ chia hầu đem lại cho con hạnh phúc, bình an và Nước Chúa ngay đời này và đời sau. Amen. 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=================
Suy niệm 5
Thu mình để qua Cửa hẹp Giêsu
(Lc 13, 22-30)
Phụng vụ Lời Chúa tuần này gợi lên trong chúng ta câu hỏi về tương quan giữa ta với Chúa. Tương quan về niềm tin, sự vâng nghe và thực hành lời Chúa.
Khi dân Do thái bị lưu đầy, Đền thờ bị phá hủy, ngôi vua bị truất phế, đất đai người ngoài chiếm đóng, số người còn lại phải sống trà trộn với dân ngoại, nên họ hỏi nhau: Thiên Chúa mà cha ông chúng ta tin thờ có còn không ? Trong bối cảnh ấy, Isaia khuyến khích người lưu đầy phải trở về không trễ nải, hồi hương là điều cần thiết. Dân ở nhà thì Isaia cho biết Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa: “Ta đến quy tụ mọi dân tộc” ; “sẽ dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến như của lễ dâng cho Chúa, họ cưỡi ngựa, đi xe, đi võng, cưỡi la, cưỡi lạc đà, đến núi thánh của Ta là Giêrusalem” (Is 66, 18-21). Bởi Thiên Chúa là Đấng trung thành, giữ trọn điều Ngài đã hứa. “Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời” (Tv 116,2).
Quả thật, Thiên Chúa là Đấng trung thành và rất mực khoan dung, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu. Thư gửi tín hữu Do thái chứng minh : “Khi Thiên Chúa yêu ai, thì Ngài sửa dạy người ấy, vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con. Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí. Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt” (Dt 12, 5-7.11-13). Thiên Chúa không muốn cứu chúng ta mà không cần chúng ta ! Đó là lý do Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào cửa hẹp.
Có người đặt câu hỏi : Cửa hẹp là cửa nào, cửa ấy có mấy cánh và ai là cửa? Cứ dựa vào lời Chúa Giêsu mà xác định : Chúa Giêsu chính là cửa, vì Người tuyên bố: 'Ta là cửa.' (Ga 10, 9). Nhưng có người thắc mắc: Thiên Chúa là Đấng rộng lượng vô biên, tại sao lại ví mình chẳng những là cửa, mà còn là cửa hẹp?
Xin thưa, cửa hẹp không phải vì cửa ấy nặng nề, khó khăn nhưng là vì Thiên Chúa muốn chúng ta hãy ở khiêm nhường, tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa; nhìn nhận mình là người tội lỗi, cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa, nên khi Chúa Giêsu nói : “Vào qua cửa hẹp”, là Người muốn chúng ta phải thu hẹp mình lại, loại bỏ tính kiêu căng và ngạo mạn là thứ khiến chúng ta phình to ra, lấp cả Thiên Chúa. Chúa Giêsu là “Cửa” cửa ấy có tên là ‘tình thương’, Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường, ai sống khiêm nhường thì vào trường Giêsu, cửa tuy hẹp nhưng luôn rộng mở cho hết mọi người. Cửa hẹp nhưng lại có hai cánh, một cánh cửa hẹp, dành cho những loại bỏ sự kiêu căng để đi qua vừa; một cánh cửa rộng mở để Thiên Chúa chào đón tất cả mọi người.
Lời Chúa qua miệng tiên tri Isai : “Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta” (Is 66,18). Những lời trên vang lên trong phụng vụ, làm nổi bật chủ đề về ơn cứu độ phổ quát. Quả thật, Thiên Chúa mời gọi chúng ta can đảm đi vào cửa hẹp là cửa dẫn tới ơn cứu độ đời đời, như Tin Mừng Luca loan báo: “Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa” ( Lc 13, 30). Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là một dòng chảy của tình yêu chan chứa. Dòng chảy ấy phá tan mọi ngăn cách, mở ra những viễn tượng ánh sáng và bình an.
Chúng ta cam kết với nhau hoán cái, không ngừng đào sâu tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, đổi mới cách nghĩ của chúng ta, khước từ những thứ không cần thiết nơi tạm thế này, ngoảnh mặt trước cái tôi vụ lợi, lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa. Chúa là cửa hẹp (x. Ga 10). Chỉ trong Thiên Chúa, chúng ta mới có thể được cứu độ.
Lạy Mẹ Maria, Cánh Cửa Thiên Quốc, chúng con nài xin Mẹ dẫn chúng con bước qua cánh cửa của đức tin mà tiến vào một con đường rộng rãi thênh thang, con đường của ơn cứu rỗi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
================
Suy niệm 6
CỬA HẸP
Is 66, 18-21; Dt 12,5-7.11-13; Lc 13, 22-30
Trên đường đi, có người tò mò hỏi Đức Giêsu xem có nhiều người được vào nước trời hay không. Người không trả lời thẳng mà vừa cảnh báo vừa giục giã: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13, 24).
Một luật chung trong cuộc sống, mọi thành đạt không đến một cách ngẫu nhiên, nhưng là kết quả của những cố gắng kiên nhẫn lâu dài. Cuộc sống đức tin cũng được ví như cuộc chiến đấu cam go. Thánh Phaolô ví cuộc hành trình này như một cuộc chạy đua. Muốn đạt được chiến thắng, người lực sĩ nào cũng phải dày công luyện tập. Con đường Đức tin là con đường chật hẹp, trong cuộc chiến đấu đòi hỏi phải có nhiều hy sinh, từ bỏ những đòi hỏi của thân xác, phải chiến đấu một cách anh hùng. “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Ta.” (Mt 10, 38). Con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, mà nhiều người lại thích đi theo con đường đó. Đường hẹp là lối đi của Đức Giêsu, sẽ dẫn đến sự sống. Nếu tôi mở lòng đón Chúa vào cuộc đời, sống gắn bó mật thiết trong Ngài, tôi sẽ nhận ra những “cồng kềnh” khó qua cửa hẹp ấy của mình. Nhờ Ngài tôi được Ngài uốn nắn cho xứng, cho cân, dù có hẹp nữa tôi vẫn có thể vượt qua. Nếu tôi không qua bằng con đường của Ngài mà sống buông thả theo ý riêng, thì dù có... nới cửa cũng vẫn khó mà vào nổi được.
“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!”, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!” Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.” Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13, 25-27). Đức Giêsu cảnh báo những người Do Thái không trung tín, thì chính họ sẽ bị chối từ như những người chưa bao giờ quen biết Người, mặc dù hôm nay Người đang hiện diện và giảng dạy trên đường phố của họ. Bấy giờ họ sẽ phải ngỡ ngàng, khóc lóc khi thấy các tổ phụ và các ngôn sứ được ở trong nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ đông tây nam bắc sẽ đến dự tiệc trong nước ấy. Mọi sự như bị đảo lộn, bởi vậy mới có chuyện những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.
Lạy Chúa Giêsu là Đường, là cửa dẫn đến sự sống! Cửa Giêsu, đường của Chúa là con đường tuyệt vời nhất. Xin cho chúng con biết đi vào cửa, đi trên con đường của Chúa. Khi sống gắn bó mật thiết với Chúa,  chúng con sẽ được giải gỡ khỏi những ràng buộc níu kéo của dễ dãi thế trần, mà được tự do thanh thoát bay vào khung trời rộng mở của Chúa. Vượt qua những khuynh hướng tự nhiên, chúng con sẽ biết làm cho nhau những điều tốt lành như Chúa đã làm cho chúng con. Amen.
Én Nhỏ
  
 
 
 
 
 
              
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log