Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm C

Cập nhật lúc 10:15 31/10/2019
Suy niệm 1
Ân sủng về một cuộc gặp
(x.Lc 19,1-10)
Một vần đề về cái nhìn
Hôm nay chúng ta cùng với Chúa Giêsu đến Giê-ri-cô trên đường đến Giê-ru-sa-lem. Khi đi qua Giê-ri-cô không những Chúa Giêsu chỉ gặp người dân mà còn có cả Gia-kê. Gia-kê ư? Hôm nay anh được mô tả là một con người chẳng hay ho gì, vì anh cộng tác với giặc ngoại xâm… Không những anh là một nhân viên thu thuế bóc lột dân nghèo và thỏa hiệp với đế quốc Roma, mà còn là thủ lãnh, hay nói cách khác, anh là kẻ bất lương nhất. Hơn nữa, anh chẳng có một thân hình vạm vỡ gì: anh có một dáng vóc nhỏ bé không phù hợp với nghề nghiệp của anh chút nào. Anh nhỏ về thể lý và nhỏ cả về luân lý! Nhiều lần anh dám trà trộn vào đám đông để xem vị tiên tri mà nhiều người nói tới, nhưng không tìm được chỗ. Nếu len lỏi trước mặt người khác, thì bị người ta khinh bỉ. Nếu đứng đằng sau, thì chẳng thấy gì vì thân hình anh nhỏ bé. Cuối cùng, anh trèo lên cây xung, ở đó anh xem thấy tất cả và cũng chẳng ai để ý đến anh. Không ai để ý đến anh, ngoài một mình Chúa Giêsu. Vì thế, anh mời Chúa đến nhà và Chúa nói với anh: “Hôm nay nhà này được cứu độ”.
Chỉ mình Chúa Giêsu, con người thật và Thiên Chúa thật mới có thể làm điều này: vào nhà của một tội nhân đáng xa tránh để nghỉ ngơi và cứu anh.  Phần chúng ta, chúng ta hãy noi gương con người trở lại này. Gia-kê nhận ra mình là tội nhân và cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Cùng với con người nhỏ bé này, chúng ta cũng trèo lên cây để thấy Chúa Giêsu. Lúc đó Đấng cứu Chuộc sẽ hướng cái nhìn về mỗi chúng ta và Ngài cũng sẽ nói với chúng ta: “Gia-kê, hãy xuống mau, vì hôm nay Tôi phải lưu lại nhà anh”! Gia-kê vội vàng trèo xuống và vui vẻ đón tiếp Chúa.
Mọi thứ bắt đầu với một sự trao đổi về cái nhìn. Gia-kê và mỗi người chúng ta muốn nhìn thấy Chúa Giêsu. Ước muốn này bắt gặp ước muốn của Chúa Giêsu khiến Chúa Giêsu phải đến và lưu lại nhà tội nhân. Tội nhân thay đổi cuộc đời mình, bắt đầu bằng cách trao một nửa số tài sản của mình cho người nghèo.
Tìm kiếm Lòng thương xót
Cần nhớ rằng sáng kiến ​​đến từ Chúa Kitô và miễn phí, như trong trường hợp của Gia-kê. Không phải chỉ Gia-kê tìm kiếm Chúa Giêsu, mà đó còn là Chúa Giêsu đang tìm kiếm Gia-kê. Sáng kiến ​​của Thiên Chúa có trước con người, con người mở nhà mình cho Thiên Chúa đến. Và hôm nay Gia-kê đã mở cửa nhà mình cho Chúa Giêsu vào.
- Bước đầu tiên trên con đường trở lại của Gia-kê là ước muốn xem thấy. Gia-kê muốn xem thấy Chúa Giêsu là ai. Gia-kê tò mò, mong muốn được biết một người mà nhiều người đang nói đến. Trong mọi trường hợp, tìm kiếm tò mò này được liên kết với ước muốn xem. Gia-kê ước muốn và Chúa Giêsu cũng ước muốn. Hai ánh mắt gặp nhau và Chúa Giêsu chấp nhận lời mời của Gia-kê. Chúng ta cũng hãy mời Chúa đến và lưu lại nhà chúng ta. Về phía Thiên Chúa, đây là bổn phận của tình yêu, Ngài cũng trèo lên cây, cây thập giá để cứu độ chúng ta.
- Bước thứ hai trong việc thay đổi cuộc sống là "lời nhắc nhở" của Chúa Giêsu, Ngài luôn muốn cứu tội nhân. Chúa Giêsu tự mời mình nhưng lời tự mời này đã bắt đầu ở Bêlem trong một hang đá.
- Bước thứ ba là việc của Gia-kê cũng là của mỗi chúng ta vui vẻ đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì vậy, cuộc sống con người là một lời đáp trả vui vẻ đối với Tình yêu chữa lành và cứu độ.  Với tình yêu của chúng ta được chữa lành và củng cố bởi Tình yêu Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đón tiếp Chúa vào ngôi nhà của trái tim mình, nơi Chúa Kitô tìm được sự an nghỉ vì Ngài được đón tiếp và được yêu.. 
- Bước cuối cùng, là phơi bày tội lỗi đã phạm: “Nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn” và xin chia sẻ:"Tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho người nghèo”.
Quyết định thực hiện các bước này là câu trả lời của Gia-kê để được Chúa Kito cứu độ. Chúa Kito, Con Thiên Chúa đã đến để tìm kiếm và cứu những gì đã mất.  Ngài là Thiên Chúa làm người để gặp gỡ con người, mọi người đã mất, và bằng cách này, Ngài biểu lộ Ngài thật sự là Thiên Chúa. Ngài là tình yêu. Và con người "trở về" với con người, con người được yêu và có thể yêu. Con người "trở về" với hình ảnh và nên giống ĐấngTạo Hóa. Gia-kê khi đã được "tìm kiếm" và được "cứu rỗi" một cách vô điều kiện, thấy con tim mình từ nay được biến đổi miễn phí trong một nguồn suối tình yêu, bất chấp "tiếng xì xào" và "vụ bê bối" về nghề nghiệp. Được giải thoát khỏi tội lỗi của mình, Gia-kê trao thân hoàn toàn cho anh em mình, bắt đầu bằng cách trao cho người nghèo một nửa tài sản của mình.
Để đón tiếp Chúa Kitô mà chúng ta mời vào nhà chúng ta "hôm nay", chúng ta phải trèo lên đỉnh thập giá và nhìn cuộc sống từ đỉnh cây thập già này mà Chúa Kitô nhìn thế giới. Cần phải trèo lên cây thập giá là Thánh giá mà không xấu hổ như cách Gia-kêu khi trèo lên cây xung để được thấy Chúa Giêsu.
Trưởng ban thuế vụ Gia-kê này được thúc đẩy bởi mong muốn được nhìn thấy Chúa Kito và hiệp thông với Ngài.. Để điều này xảy ra với mỗi người chúng ta, chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương hoàn hảo về sự hiệp thông với Chúa Giêsu. Nhờ đó, chính chúng ta có thể trải nghiệm được niềm vui khi được Con Thiên Chúa viếng thăm, được đổi mới nhờ tình yêu của Ngài và loan truyền lòng thương xót của Ngài cho mọi người.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Đổi đời như Da-kêu
Lc 19, 1-10
Giê-ri-cô là một miền đất giàu có và quan trọng nằm trong thung lũng sông Gio-đan. Giê-ri-cô có cả một rừng Chà-là rộng lớn cung cấp trái ngon cho nhiều nơi, có nhiều vườn cây dầu thơm tỏa hương khắp vùng, cùng với những vườn hoa hồng nổi tiếng nên được gọi là “vùng đất thần tiên[1]”. Chà-là và dầu thơm ở đây được người Rô-ma vận chuyển đi bán khắp nơi đã khiến Giê-ri-cô trở thành trung tâm quan thuế lớn nhất Palestine thời ấy.[2]
Được đứng đầu ngành thuế trong một trung tâm buôn bán sầm uất nên Da-kêu có nhiều cơ hội kiếm chác cách bất công và trở nên giàu có.
Tiền bạc thường dìm người ta đắm chìm trong đam mê và lạc thú, vậy mà chẳng hiểu do động cơ nào, Da-kêu lại hăm hở tìm đến với một con người thuyết giảng đạo đức như Chúa Giê-su khi Ngài đi qua Giê-ri-cô. Thế rồi, ông được vinh dự đón Chúa Giê-su vào nhà, được nghe Ngài giáo huấn và nhờ đó, ông đã hoán cải sâu xa, hoán cải tận gốc rễ và đi đến một quyết định không ai ngờ và rất đáng nể phục. Ông thưa với Chúa Giê-su rằng:
“Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi hiến cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).
Đem nửa gia tài kếch sù của mình để hiến cho người nghèo và đền bù gấp bốn những thiệt hại đã gây ra cho người khác quả là một quyết định rất quảng đại, dũng cảm và anh hùng.
Giờ đây, chúng ta thử đặt mình vào địa vị Gia-kêu và hãy tự hỏi mình: Nếu ở địa vị của Da-kêu, tôi sẽ hành động thế nào?
1- Có quan tâm tìm đến với Chúa Giê-su không?
Khi tôi đang hồi thịnh vượng, đang có cơ hội hái ra tiền như Da-kêu... thì tôi phải tranh thủ kiếm chác thêm, lo tìm mọi cách để thu vén nhiều hơn… hoặc tiêu xài mua sắm, nhậu nhẹt ăn chơi, vui hưởng lạc thú ở đời…
Còn ông Giê-su, một người thường rao giảng về công bình, bác ái… thì có mang lại lợi nhuận gì cho tôi đâu? Chẳng những không mang lại lợi ích, ông ta còn là người cản mũi kỳ đà, cản trở tôi làm điều tôi muốn là vơ vét thật nhiều… Vậy thì để ý đến ông ta làm gì.
Nếu nghĩ như thế thì tôi sẽ không thể cải thiện được cuộc đời. Tôi cứ như ngựa theo đường cũ, cứ đắm chìm trong tiền bạc và lạc thú, không thể đổi đời ngoạn mục như Da-kêu.
Điểm son của Gia-kêu là biết quý trọng điều khôn ngoan, là muốn tiếp cận với những nhà hiền triết. Yếu tố này đã khiến ông tạm gác lợi nhuận sang bên, gác bỏ rượu chè nhậu nhẹt… và háo hức tìm đến với Chúa Giê-su. Có như thế, Gia-kêu mới cải thiện cuộc sống thật tuyệt vời! Mấy ai sống trong hoàn cảnh của Gia-kêu mà làm được như thế?
2- Có đón nhận và thực hành lời Chúa không?
Rất nhiều lần, Thiên Chúa  kêu mời chúng ta đón nhận lời Chúa. Trước hết, chính Chúa Cha lên tiếng mời gọi chúng ta hãy nghe lời Chúa Giê-su:
“Đây là Con yêu dấu của Ta… Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài” (Mt 17, 5).
Chúa Giê-su cũng tha thiết mời gọi:
“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi… Tôi ban cho chúng sự sống đời đời…” (Ga 10, 27).
“Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn sống bằng Lời Chúa nữa” (Mt 4,4).
“Tôi bảo các ông: Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời” (Ga 5,24).
Chúng ta cũng biết thánh Phê-rô cũng tuyên xưng rằng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy có những Lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67).
Chúa đã mời gọi tôi cả trăm lần, tôi không mấy lưu tâm. Sách Tin mừng sẵn có bên cạnh tôi, nhưng mấy khi tôi đọc và suy gẫm?
Lời Chúa không thu hút được tôi, không kéo tôi ra khỏi những lo toan tìm kiếm tiền bạc để dành thời giờ đọc lời Chúa… Lời Chúa không thể kéo tôi ra khỏi những đam mê xác thịt để gẫm suy... vì tôi quá yêu chuộng những quyến rủ đời này.
Thế mà Da-kêu lại hăm hở đón nghe lời Chúa, lại còn rước Chúa vào nhà mình, đón tiếp Chúa cách nhiệt tình và sau khi nghe lời Chúa Giê-su giáo huấn, ông có một quyết định quảng đại và rất anh hùng: “Tôi xin đem nửa phần gia sản tôi bố thí cho người nghèo khó và nếu tôi đã làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”
Thế là nhờ đón nhận và thực hành lời Chúa, Da-kêu đã cải thiện được cuộc đời, từ một con người bần tiện chuyên lo thu vén trở thành người chính trực và bác ái.
Lạy Chúa Giê-su,
Từ một người đáng khinh, Da-kêu đã chuyển mình trở nên một con người rất đáng khâm phục vì ông đã đón nhận, lắng nghe và để cho lời Chúa hoán cải cuộc đời.
Xin cho chúng con biết quý trọng lời Chúa hơn lạc thú thế gian, biết lắng nghe lời Chúa hơn là những chuyện phù phiếm vô bổ và quyết tâm thực hành những điều Chúa dạy, nhờ đó, cuộc sống chúng con được cải thiện và trở nên người có phẩm chất cao đẹp xứng đáng là con của Cha trên trời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===================
Suy niệm 3
HÔM NAY NHÀ NÀY ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ
(Kn 11,22--12,2; 2 Tx 1,11--2,2; Lc 19,1-10)
Thiên Chúa luôn yêu thương, tha thứ và ban cho con người được ơn cứu độ. Đây chính là bản chất của Thiên Chúa. Bởi vì: “ Thiên Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó” (Kn 11, 23-24).
Bài Tin Mừng hôm nay làm toát lên đặc tính đó khi Đức Giêsu chủ động gọi Giakêu và vào nhà ông cũng như dùng bữa mặc cho người ta xầm xì bàn tán: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi" (Lc 19,7). Như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa không quan tâm đến quá khứ của con người, nhưng Ngài để ý đến giây phút hiện tại, sự thiện chí và ngay lành của họ để ban ơn cứu độ.
1.      Ý nghĩa Lời Chúa
Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu đi ngang qua thành Giêricô, đây là chặng cuối cùng trên đường lên Giêrusalem để thực thi sứ vụ cứu chuộc của Ngài bằng cái chết trên thập giá. Trên lộ trình ấy, có dân chúng theo sau Ngài khá đông. Tuy nhiên, trong đám người đó có Giakêu, ông là: “Thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có” (Lc 19, 2).  Như vậy, ông là một vị quan chức cấp cao. Nhưng chớ trêu thay,  ông lại lùn, mà đám người thì lại quá đông, nên ông ta phải trèo lên cây sung để mong được nhìn thấy Đức Giêsu đi ngang qua.
Nói đến Gia Kêu là người thu thuế, người Do Thái thường có những dị nghị về hạng người như ông và họ xếp ông chung với hạng đĩ điếm, trộm cắp, là những người làm tay sai cho đế quốc La Mã. Vì thế, họ là những người phản quốc, hại dân. Khi gặp họ, người Do Thái tránh xa như tránh dịch. Không ai được phép giao du với những con người như thế. Bởi vì đây là người tội lỗi tầy trời, đồ thối tha dơ bẩn. Khi đi ngang qua người ấy, người ta sẵn sàng nhổ nước miếng tỏ lòng khinh bỉ...
Tuy bị người ta khinh thị như thế, nhưng ông nhất quyết không chịu khuất phục trước đám đông, vượt lên trên dư luận, và nhất là vượt lên trên mặc cảm tự ty của mình để trèo lên cây sung với hy vọng được tận mắt nhìn thấy Đấng Kitô, Ngài là Cứu Chúa của mình và toàn dân. Đam mê ấy của ông chính là Giêsu, con người mà ông đang mong đợi. Sự kiên quyết của ông không chỉ đơn thuần là sự tò mò, mà đây còn là khởi điểm của hành trình đức tin nơi ông.
Đức Giêsu đã không để cho ông thất vọng khi gọi chính tên ông: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi" (Lc 19, 5).  Theo lối hiểu của Kinh Thánh, gọi tên ai là biểu hiện của việc biết rõ về người ấy và có một mối tương quan thân tình với người được gọi. Hôm nay, Chúa gọi ông, vậy Chúa biết rất rõ lòng ông và muốn ông trở về với con người lương thiện, công chính của mình, bởi vì tên Giakêu tiếng Do thái là “Zakkay” có nghĩa là “người thanh khiết – người công chính”, hơn nữa, Đức Giêsu còn muốn trở thành người nhà của ông khi nói: “Hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19, 5). Như vậy, nếu hiểu qua, Giakêu hôm nay đi tìm Chúa, nhưng thực ra Chúa đã đi tìm ông trước.
Hôm nay, Đức Giêsu nhìn Giakêu, nhưng cái nhìn của Đức Giêsu là một cái nhìn mang tính chinh phục, cảm hóa tâm hồn, cái nhìn nhân từ, thương xót, cái nhìn cứu độ. Chính cái nhìn này đã đi lọt vào trong tâm hồn của Giakêu và như một lời cật vấn lương tâm của ông. Cũng chính cái nhìn nhiệm mầu này đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.
Nếu ánh mắt của Đức Giêsu là ánh mắt nhân từ, yêu thương, thì ánh mắt của Giakêu là ánh mắt sám hối, tin tưởng. Tội của ông rất lớn, vì ông không phải là một người thu thuế thường, mà lại là một thủ lãnh những người thu thuế. Nhưng: “Sai lầm là bản tính của con người và tha thứ là bản chất của Thiên Chúa” (A.Pope).
"Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi" (Lc 19, 5).  Câu nói này của Đức Giêsu đã làm cho ông vui mừng khôn xiết, đồng thời đã thay đổi toàn bộ cuộc đời và thái độ của ông.
Không vui và thay đổi sao được khi cả một xã hội khinh miệt và coi thường ông, thì một Đức Giêsu, một Cứu Chúa lại sẵn sàng vào nhà mình. Giờ đây, với ông, cuộc gặp gỡ này là một cuộc gặp gỡ của tình yêu. Tình yêu đi bước trước là Đức Giêsu, và ông thực sự  cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho ông, nên tình yêu đáp trả tình yêu. Tình yêu đã biến đổi ông, tình yêu đã gợi lại cho ông lòng bác ái và lẽ công bằng. Chính tình yêu đã hướng dẫn và thôi thúc ông đến hành động là đức ái. Tại sao ông lại can đảm để cho lương tâm lên tiếng? Tại sao ông lại có được lòng quảng đại như vậy? Thưa chỉ một lẽ rất đơn giản là vì ông đã được tha thứ và được yêu nhiều. Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã là một lời minh chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho ông: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất" (Lc 19, 9).
Hôm nay, Giakêu đã có cơ hội chuộc tội của mình bằng việc bác ái, và ông đáng được hưởng ơn cứu độ: “Bố thí thì cứu cho khỏi tội và khỏi chết” (Tb 4,11). Trong sách Tiên tri Đaniel có viết: “Hãy chuộc tội con bằng bố thí, và bằng sự thương yêu kẻ khó nghèo” (Dn 4,24). Và sách công vụ Tông đồ cũng có câu: “Của bố thí bay lên như hương thơm trước mặt Chúa” (Cv 11,4). Gia kêu đáng cứu độ, vì lòng đơn sơ của ông xuất phát từ sự khiêm nhường, và khiêm nhường lại là linh hồn của đức đơn sơ.
2.     Sống Sứ Điệp Lời Chúa
Đã là con người, ai cũng có những thiếu xót, bất toàn. Điều quan trọng là chúng ta có dám tụt xuống khỏi cây sung để gặp được Chúa như Giakêu hay không?
Ông Giakêu hôm nay ông đã gặp được Chúa, nên cuộc đổi đời của ông thành công, còn nếu ông mà gặp người Biệt Phái thì có lẽ ông đã xấu lại càng xấu hơn.
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa, chẳng có ai là người trong sạch hoàn toàn. Vấn đề đặt ra, đó là: thái độ của chúng ta có quyết tâm quay lại với Chúa hay không mà thôi.
Lời Chúa hôm nay còn mời gọi chúng ta không được xét đoán, bởi vì không chừng, chính chúng ta đang có nguy cơ xa dần và đánh mất ơn cứu độ ngay trong khi nhân danh sự tốt lành, thánh thiện kiểu “mồ mả”.
Ngược lại, chúng ta cần có sự cảm thông, xóa bỏ mặc cảm để đến với người tội lỗi với lòng bao dung, tha thứ như Thiên Chúa. Đây cũng chính là liều thuốc bình an mà Đức Giêsu đã dùng cho những người mà Ngài gặp gỡ...
Mong thay, trong xã hội ngày nay, có nhiều người nhận ra và dám sống theo lương tâm; cần ý thức rằng: có một lúc nào đó, tiền bạc không đem lại cho ta niềm hạnh phúc thật. Chức quyền không đảm bảo được cuộc sống mai sau. Chỉ có Chúa mới là nguồn bình an, niềm vui và hạnh phúc thật, bởi vì, Ngài là đường, là sự thật và là sự sống.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn biến đổi như Giakêu khi xưa. Xin cũng ban cho chúng con biết yêu thương mọi người và sẵn sàng thực thi bác ái trong tinh thần Kitô giáo. Như thế, chúng con tin tưởng và hy vọng sẽ được ơn cứu độ của Chúa. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
===================
Suy niệm 4
CÂY SUNG GIAKÊU
Đi hành hương Đất Thánh, ai cũng muốn đến Giêricô thăm “Cây sung Giakêu” và thưởng thức trái chà là. “Cây sung Giakêu” to lớn gần hai người ôm. Cây sung này được trồng lại cách đây hơn 700 năm. Tôi đi dịp tháng 4 nên sung nhiều trái. Các bà thích lắm, hái ăn và tin rằng trái từ “cây sung Giakêu” chữa lành mọi thứ bệnh.
Giêricô trở nên nổi tiếng với câu chuyện ông Giakêu trèo lên cây sung để nhìn cho được Chúa Giêsu đi ngang qua.
Giêricô chính là miến Đất Hứa, khi xưa Môsê từ trên núi Nebô đã được nhìn thấy. Sách Giosuê chương 6 kể lại cuốn đánh chiếm thành Giêricô.
Giêricô là một thành rất giàu có và quan trọng, nằm trong vùng thung lũng sông Giođan, là giao điểm của đường lên Giêrusalem và các lối qua sông Giođan để tỏa về các vùng đất phía sông Giođan.
Giêricô có một rừng chà là rất lớn, những vườn cây thuốc thơm nổi tiếng quốc tế, cách xa mấy dặm vẫn ngửi thấy mùi thuốc thơm. Các vườn hoa hồng ở đó cũng rất nổi tiếng. Người ta gọi Giêricô là “thành cây chà là”. Sử gia Do thái Josephus gọi là “Khu đất thần tiên, khu đất màu mỡ nhất của Phalettin”. Người La mã chở trái chà là và dầu thơm từ đó đi bán khắp nơi trên thế giới.
Chúa Giêsu đi qua Giêricô, tiến về Giêrusalem với đoàn người hành hương đông đảo, chuẩn bị bước vào khổ nạn. Ông Giakêu leo lên cây sung để nhìn cho được Chúa sắp đi ngang qua. Chúa nhìn lên cây sung thấy Giakêu. Chúa nhìn ông bằng ánh mắt yêu thương.Trái tim Giakêu bừng lên ngọn lửa yêu thương. Ông đáp lại tình thương của Chúa và thể hiện bằng việc đền bù thiệt hại, chia sẻ chân thành cho tha nhân. Tình thương của Chúa đã cảm hóa Giakêu và biến đổi cuộc đời ông.
1. Tình thương biến đổi.
Giakêu là một người thu thuế và là một người giàu có. Ông đã từng nghe biết Chúa Giêsu đã chọn ông Lêvi, một nhân viên ngành thuế như ông làm môn đệ (Mt 9,9). Nay ông rất muốn có dịp nhìn thấy con người kỳ lạ này. 
Lần kia, biết Người sắp đi ngang Giêricô quê hương ông, Giakêu ra xem, nhưng vì dân chúng quá đông mà ông lại lùn, nên ông leo lên một cây sung để nhìn cho rõ. Ðường đường một người “đứng đầu những người thu thuế”, một công chức có địa vị, nhưng ông vẫn không sợ mất mặt, vẫn trèo lên cây cao.
Chúa ngước mắt lên cây sung, ánh mắt Chúa và ánh mắt Giakêu gặp nhau. Ánh mắt Giakêu bộc bạch tất cả tấm lòng và cuộc đời của mình: một người thu thuế, một người bị vạ tuyệt thông cách ly, một tâm hồn khát khao muốn gặp Chúa, một con chiên lạc đang tìm lối về. Lòng Chúa xao xuyến, thương mến vô vàn, một tâm hồn mà Chúa đang muốn tìm về đây. Chúa nói: “Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ông“. Giakêu cười sung sướng, nhảy xuống đất, chạy mau về nhà, làm tiệc tiếp đãi khách quý. Và đó phải là một bữa tiệc linh đình, có đông bạn bè trong ngành thuế tham dự, giống như ông Lêvi đã làm trước kia (x. Lc 5,29).
Không phải bốc đồng, nhưng từ đáy lòng Giakêu cuộn lên một niềm sám hối mãnh liệt khiến ông cất tiếng thưa với Chúa: “Thưa Ngài, này đây phần nửa tài sản tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn“. Ông Giakêu tự buộc mình làm một việc đền bù rộng rãi phi thường, vượt xa mức đòi hỏi của luật lệ. Ðiều ấy chứng tỏ ông đã thật lòng hoán cải và hơn nữa ông biết mình đã được tha thứ và cứu độ. Chính Chúa Giêsu xác nhận như thế khi Ngưới phán: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này“.
Trước đây Giakêu chỉ nghĩ đến tiền và sống ích kỷ cho riêng mình, không nghĩ đến người khác.Trước đây Giakêu vốn tham lam, bất lương, lòng quảng đại bị chôn vùi qua bao năm tháng. Hôm nay, gặp được Chúa Giêsu, ông đã biết sống trao ban cho người khác, quan tâm đến người nghèo, sống công bằng với mọi người. Lòng quảng đại đó được bộc phát cách rõ ràng: “Tôi xin bố thí phần nữa của cải của tôi cho người nghèo, và nếu tôi có gian lận gì của ai, tôi xin đền lại gấp bốn”. Quả là mùa xuân về trong tâm hồn Giakêu. Ngập tràn ánh nắng. Ngây ngất niềm vui. Bình minh Ơn Cứu Ðộ chan hoà lòng trí ông, gia đình ông.
2. Tình thương hoán cải.
Trong sách (Lv 5, 20-26; Xh 21, 37; Ds 5, 6) đều nói đến khoản luật phải trả lại, đền bù cho người nghèo, cho kẻ bị thiệt hại một số của cải. Ðó là luật trong Cựu Ước. Giakêu trình bày ngay vấn đề, điều đó cho thấy có lẽ ông đã nghiên cứu Thánh Kinh, biết được các luật lệ đó. Tiếng lòng hồi sinh và như vậy ông đã có thao thức thầm kín, có băn khoăn và chờ đợi. Trong cuộc sống dư giả vật chất, bân rộn với công việc làm ăn, ông vẫn thấy lòng trĩu nặng ưu tư, để rồi hôm nay có cơ hội ông tìm kiếm Chúa mong làm lại cuộc đời mới.
Thánh Luca đã nói rõ: ông là thủ lãnh của những người thu thuế. Giêricô bấy giờ là hải cảng, thu thuế nơi xuất nhập cảng phồn thịnh phải là một tay có thế lực. Trong nghề nghiệp đó, bạn bè của ông phải là những người thu thuế, các sĩ quan Rôma. Vậy tại sao ông lại vất vả chen lấn với đám đông để mong gặp một người tên là Giêsu, kẻ hoàn toàn khác địa vị xã hội với ông? Là người giàu có, sang trọng, tại sao ông bỏ cả thể hiện sẵn sàng trèo lên cây sung như một đứa trẻ để nhìn cho được Chúa Giêsu đi qua? Hơn nữa, vốn bị dân chúng thù ghét, ông có thể bị nguy hiểm tính mạng khi đối diện với quần chúng giữa đám đông. Như thế ông phải liều, và bỏ ngoài tai mọi phê bình.
Ðộng lực nào thúc đẩy ông đi tìm Chúa Giêsu? Chắc chắn không phải vì sự tò mò, nhưng có lẽ nhờ lời Thánh Kinh đánh động.Tâm hồn mong hoán cải đã thúc bách ông lên đường tìm Chúa ! Hoán cải là kết quả của một cảm nhận về tình yêu, một ưu tư thao thức tìm kiếm. Hoán cải là từ bỏ. Bất cứ cuộc trở lại nào, dù lớn dù nhỏ, cũng đòi phải từ bỏ. Hoán cải bởi tình thương bao giờ cũng có kết quả tốt. Giakêu tích cực đi tìm Chúa: “Ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung“. Khi nghe tiếng Chúa gọi, ông đã nhanh chóng và vui mừng đáp lại: “Ông vội vàng tụt xuống“. Ông còn “vui mừng đón rước Ngài về nhà“. Ông nhìn nhận tội lỗi của mình.Ông đền bù những thiệt hại mình gây cho kẻ khác. Ông còn lấy tài sản bố thí cho người nghèo. Hoán cải là một hành trình: từ bỏ những tội lỗi, quảng đại đáp lại tiếng Chúa và canh tân đời sống. Giakêu hoán cải đem lại niềm vui cho chính ông và hai nhóm người, đó là nhóm nghèo được ông san sẻ cho phân nửa tài sản, nhóm bị oan ức (nếu có) được giải oan và nhận huê lợi hơn bốn lần thiệt hại. Việc hoán cải của một người mang lại niềm vui cho nhiều người.
Giakêu lùn về thể lý nhưng tâm hồn không thấp chút nào. Giá trị một người hệ tại nơi tâm hồn. Gía trị của một việc làm ở nơi lòng mến. Đối với Chúa Giêsu, giờ đây, Giakêu đã trở nên cao thượng nhờ ông biết hoán cải và sống có tình người. Chiều cao thân xác Giakêu vẫn thấp nhưng chiều cao tâm hồn bây giờ ngất cao nhờ tình thương chiếu rọi.
3. Tình thương cảm hóa.
Chúa Giêsu là bậc Thầy cảm hoá lòng người. Tôn trọng, yêu thương có sức cảm hoá đến kỳ diệu. Ánh mắt, lời nói và thái độ của Chúa Giêsu đem mùa xuân về cho tâm hồn Giakêu. Những gì xưa nay trói buộc ông, làm cho ông say mê kiếm tìm giờ trở nên vô vị. Giakêu trở nên nghèo hơn trước, nhưng ông lại hạnh phúc hơn xưa nhiều lần. Thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội. Từ một người đáng khinh, Giakêu bỗng trở thành một người đáng khâm phục. Bởi lẽ, Ông đã gặp được Chúa, được nhận lãnh Ơn Cứu Ðộ của người Mục Tử Nhân Lành đi tìm con chiên lạc.
Kho tàng văn học Thiền có ghi lại câu chuyện sau đây. Thiền sư Sengai có một anh đệ tử hư hỏng, đêm đêm thường leo tường trốn ra ngoài chơi đêm. Vị thiền sư biết được điều đó nên vào đêm nọ, sau khi phát hiện người đệ tử vượt tường bằng cách leo lên một chiếc ghế khá cao, vị thiền sư đi đến vị trí đặt ghế, nhắc chiếc ghế bỏ sang bên rồi đứng vào chỗ đó.Trong đêm tối, người học trò leo tường trở vào, rồi theo thói quen đặt chân lên ghế để nhảy xuống, không dè lại đặt chân lên lưng thầy. Khi phát hiện thầy đứng ngay trước mặt, anh học trò hoảng sợ chờ đợi những lời khiển trách nặng nề. Thế nhưng cuối cùng vị thầy chỉ nói mấy lời yêu thương: “Áo con ướt đẫm sương đêm rồi! Mau vào thay áo ngay kẻo cảm lạnh!”. Thế là từ đó, người học trò không bao giờ còn đi chơi đêm nữa.
Những lời trách móc, lên án, những thái độ khinh bỉ hay loại trừ chỉ tạo nên nguy cơ làm cho những con người tội lỗi lún sâu vào con đường lầm lạc.Nhưng chính thái độ tôn trọng và tấm lòng yêu thương sẽ tạo nên sức cảm hoá diệu kỳ. Câu chuyện về ông Giakêu cho thấy, thái độ lên án và tẩy chay thường chỉ khiến người có tội thu mình lại và càng dễ dấn sâu hơn vào con đường sai trái của mình; chỉ có một thái độ tích cực có thể giúp họ hồi tâm hoán cải, đó là cởi mở, cảm thông, kính trọng và tùy hoàn cảnh mà nhắc nhở hay sửa dạy với đầy lòng yêu mến.
Giakêu rất cảm động trước sự trân trọng và yêu thương của Chúa Giêsu.Giakêu quyết tâm trở về con đường ngay chính, trước tiên bằng việc thực thi bác ái và công bằng. Cung cách đối xử chan chứa tình người mới là yếu tố chính yếu đem lại thành công trong công việc tông đồ. Đó là nghệ thuật cảm hoá lòng người mà Chúa Giêsu đã sử dụng để làm nên phép lạ nơi con người Giakêu.
Lạy Chúa Giêsu, tình thương của Chúa đã làm nên bao điều kỳ diệu. Xin dạy chúng con nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa, sống với người khác bằng tình thương, hy vọng vào lòng tốt của mỗi người và tin tưởng vào sự quảng đại của họ, nhờ đó thế giới của chúng con trở nên nhân bản hơn và thần linh hơn.Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
===================
Suy niệm  5
Tìm Và Cứu
Kn 11,22-12,2; 2Tx 1,11-2,2; Lc 19, 1-10
Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó”. (Lc 19,3-4).
Thật là hay! một người đứng đầu những người thu thuế giàu sụ, là đại gia quyền bính, lại nảy sinh một sáng kiến, hành động theo cách của trẻ con: leo vắt vẻo trên cây sung để “xem” ông Giêsu đi qua, mà không sợ sệt xấu hổ gì. Chắc ông từng nghe về một ông Giêsu có một không hai, có lần đã “dụ” ngay được anh Lêvi đồng nghiệp thu thuế của ông đổi nghề đi theo Ngài nữa. Háo hức tò mò ông muốn “leo lên”, lén xem một lần cho biết,  cũng vì lòng khao khát thúc đẩy, một ước muốn tìm gặp. Không ngờ khi Đức Giêsu đi ngang qua, vì thấu biết mọi sự, Người bỗng nhìn lên và tuyên bố: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19, 5b). Sung sướng biết bao! Đức Giêsu đáp trả vượt xa mong ước của ông. Một lần cho tất cả, ông đã “gặp” Ngài và được biến đổi hoàn toàn, trở thành một Dakêu khác.
Ngày nay nếu tôi không có lòng khát khao ước muốn để tìm gặp gỡ Chúa, nằm lì không chịu tìm cách “leo lên” như ông, sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài. Nhưng nếu mỗi ngày tôi chịu tìm cách để tách riêng khỏi đám đông ồn ào, đi vào cõi riêng tư với Chúa, “leo lên” Nhà Tạm, đến với Bí tích hay trong thanh vắng của tâm hồn với lòng khao khát, sẽ gặp Đấng là Tình Yêu. Trong Ngài tôi sẽ được biến đổi cách lạ thường. 
“Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19, 8). Gặp được Chúa, ông được ơn sám hối làm đổi mới cuộc đời, lòng quảng đại của ông cũng dâng cao.
Nhờ ánh mắt nhân từ của Chúa, luôn “nhìn lên” chứ không nhìn xuống nét xấu của con người tội lỗi, Người luôn “tìm và cứu những gì đã mất”, ông Dakêu từ một trùm thuế khét tiếng trở thành mẫu gương quảng đại yêu thương người nghèo đáng nể (với nửa tài sản). Luật buộc đền trả tùy theo mức thiệt hại gây ra, ở đây ông sẵn lòng đền gấp bốn, thật đáng kính nể.
Ánh mắt nhân từ, bao dung của Chúa được sách Khôn ngoan trong bài đọc I khẳng định: “Nhưng Chúa thương xót hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải... Lạy Chúa tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài. Vì mọi loài đều là của Chúa”. (Kn 11,23.26).
Chúa ơi! Chúa tìm con hơn con tìm Chúa. Nhưng nhiều khi đời con lại ẩn nấp trốn tránh, có khi mặc cảm tội lỗi mà sợ hãi vị thẩm phán khắt khe. Có khi con muốn sống thoải mái với con người tự nhiên nên sợ “gặp” Chúa, hoặc an tâm vì mình vẫn ngon lành! Xin Chúa nhìn và gọi con xuống như Dakêu, để trong Người, đời con được đổi mới sang trang và sinh hoa trái tốt lành. Amen.
Én Nhỏ
 
 
 
 
 
 
 
 

[1]  Theo sử gia Josephus
[2] Theo William Barclay
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log