Thứ hai, 25/11/2024

Các bài suy niệm Chúa nhật 25 thường năm C

Cập nhật lúc 10:32 19/09/2019
Suy niệm 1
Anh em  không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được
Não trạng của người giàu thường cho rằng cuộc sống, tiền bạc và tài năng là thuộc về họ và họ muốn làm gì thì làm. Nhưng Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay nói khác: chúng ta đúng ra không phải là chủ sở hữu, mà chỉ là người quản lý những gì mà chúng ta đang có. Chúng ta phải quản lý của cải, đức tính, tài năng, sự giàu có về tu đức, luân lý và cả trí thức mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta thế nào cho tốt. Chúng ta không được phí phạm những ân huệ mà Thiên Chúa đã phó thác cho chúng ta. Chúng ta phải báo cáo lại cho Ngài: chúng ta đã sử dụng những thứ đó như thế nào?
Trắng tay
Tin mừng hôm nay nói:: Người quản lý bất trung đang trên bờ vực thất nghiệp và do đó không có tiền. 
"Tôi sẽ làm gì đây, vì ông chủ đã cất chức quản gia của tôi rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mà thì hổ ngươi”… Chúng ta có thể làm gì khi chúng ta, giống như người quản gia này, tối thiểu nhất là có của ăn nuôi sống và nhà cửa để ở khi chúng ta không muốn ăn xin và làm việc?
Nếu chúng ta rơi vào tình trạng của người đó và cũng không trung thực, đương nhiên chúng ta tưởng tưởng một giải pháp hơi khác, không hoàn toàn giống như thế:
- Giống như người quản lý đó, chúng ta gọi từng con nợ của chủ đến để việc làm sai trái của chúng ta không có bằng chứng. Chúng ta sẽ nói với từng con nợ: “Bạn nợ chủ tôi một trăm thùng dầu ô-liu. Bạn hãy ngồi xuống mau, viết vào biên lai 50 thôi…”
- Nhưng có thể hơi khác người quản lý đó một chút, đó là chúng ta nói: “Bạn hãy ký tên them vào một tờ giấy khác, bạn phải cam kết rằng bạn sẽ trả cho tôi 25 thùng càng sớm càng tốt”.
Như thế, con nợ và người quản lý đều là người chiến thắng. 
Vì tình bạn giữa con người với nhau
Tin mừng nói: "Ai trung tín  trong một việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn”. Thật vậy,
- Người quản lý này, đã không khôn khéo chuyển đổi phần nợ vì lợi ích kinh tế cho mình. Còn các con nợ về một khía cạnh nào đó, họ vui mừng vì món nợ của họ được giảm.
- Nhưng người quản lý khôn khéo vì nghĩ rằng những con nợ của chủ có thể không có món nợ nào khác hơn là món nợ biết ơn về tình bạn đối với mình.
Thật vậy, những con nợ đó chắc chắn sẽ biết ơn người quản lý này, là người không chỉ giảm nợ cho họ 50%, mà còn không tìm kiếm bất kỳ lợi nhuận riêng cho mình. Chắc chắn, người quản lý đó muốn trở nên bạn bè của những con nợ để họ sẽ đón tiếp mình khi có nhu cầu cần thiết. Người quản lý tin tưởng điều đó. Anh tin vào tình bạn hơn là quyền lực của đồng tiền. Anh không trung thực với tiền bạc, nhưng trong tình bạn, anh đáng được tin cậy. Anh đã chon luật tình bạn hơn là luật đồng tiền.
Nhiều vị lãnh đạo sắp đến tuổi về hưu, lúc này còn đương chức đương quyền, họ đặt con cháu và người thân vào các chức vụ. Mặc dù con cháu và những người đó không có tài và uy tín, nhưng họ cứ cố tình đặt lên để phòng khi về hưu, cũng có người thuộc phe cánh của mình.
Có lẽ nhiều người chúng ta cũng khá giống như thế! Họ sử dụng tiền bạc, của cải, để phát triển tình bạn. Họ đặt tình yêu của mình trong tương quan con người với nhau, để:
- Khi lâm cảnh cùng cực, có người khác giúp đỡ họ.
- Khi phải nằm  bệnh viện, có người khác đến thăm.
- Khi bị suy sụp, có người khác động viên và giúp đỡ.
- Khi  không có khả năng tự mình nấu ăn được, thì có người khác mang sẵn đồ ăn cho.
Vì tình bạn đối với Thiên Chúa
Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.
- Người quản lý bất trung chứng tỏ mình đáng tin cậy trong việc sử dụng đồng tiền và của cải vật chất để mua lấy tình bạn giữa con người với nhau.
- Người tín hữu, nếu là người trung thành, thì hãy chứng tỏ mình cũng đáng tin tin cậy trong việc sử dụng đồng tiền và của cải vật chất bằng cách đặt mọi thứ vào tình bạn đối với Thiên Chúa. 
Mỗi người kito hữu chúng ta được mời gọi tin cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa, một mình Chúa là chủ, một mình Chúa là toàn năng. Dựa vào vào sức mạnh của đồng tiền và quyền hành là phủ nhận và khinh miệt sự Toàn Năng của Thiên Chúa:  sự toàn năng tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Chúng ta thích dựa vào khả năng riêng của mình hơn là quyền năng của Thiên Chúa. 
Của cải chỉ là đích thực đích thực đối với người kito, nếu vì tình bạn hữu giữa con người với nhau nhưng phải hướng về tình bạn đối với Thiên Chúa. Chỉ có của cải đích thực như vậy mới tồn tại trong cuộc sống vĩnh hằng. Chớ gì tiền bạc hãy phục vụ tình bằng hữu này để “bạn hữu sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa


Suy niệm 2
Không ai có thể được cứu độ nhờ tiền


Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến một thứ rất quen thuộc và được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống đó là “tiền”. Chẳng ai muốn nói tới tiền, vì đó là một chủ đề cấm kỵ. Tiền vừa là thứ được yêu thích, và cũng là thứ gây mặc cảm.

Lời khuyên của Chúa Giêsu: “ … các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời” (Lc 16, 9), và câu kết đoạn Tin Mừng : “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” (Lc 16,13) khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Tiền chỉ là một mảnh giấy, một vật làm bằng kim loại vô tri vô giác, nhưng nó đã đuợc chọn làm tương giao đổi chác, chi phối chúng ta quá nhiều. Tiền giữ một vị trí quan trọng, khiến nhiều bậc thang có giá trị bị đảo lộn, nhiều người có cùng quan điểm “có tiền là có tất cả”.

Đúng là có nhiều điều quan trọng ta không thực hiện được chỉ vì không có tiền, nhưng không thể nói rằng có tiền là có thể mua đuợc mọi thứ trên đời. Tiền chỉ là một công cụ để chúng ta trao đổi, tự bản chất tiền không nói lên một giá trị gì cả. Như thế, tiền không thể bảo đảm sự sung túc. Ví dụ: Trên con thuyền giữa đại dương, khi người ta không còn gì để ăn, thì một túi ngân phiếu cũng không giúp ích được gì. Tiền không thể thay thế được bất cứ nhu cầu nào. Người ta không thể sống bằng những con số tiền ở ngân hàng, nhưng bằng bánh và Lời Chúa. Tiền không thể làm cho lúa lớn lên được, nó chỉ làm tăng thêm hiệu quả của công sức con người trong tương quan với thiên nhiên.

Cuốn sách mang tựa đề “Happy Money: The Science of Smarter Spending”, (tạm dịch: Tiền hạnh phúc: Khoa học chi tiêu thông minh). Tác giả của cuốn sách này là hai nhà khoa học nghiên cứu hành vi nổi tiếng: Tiến sĩ Elizabeth Dunn và Tiến sĩ Michael Norton viết rằng : Tất cả chúng ta đều mắc một sai lầm về tiền khi cho rằng kiếm được càng nhiều tiền thì chúng ta càng cảm thấy hạnh phúc. Nếu muốn mua cho mình một cuộc sống trọn vẹn, vấn đề không nằm ở chỗ kiếm được bao nhiêu tiền, mà nằm ở cách bạn tiêu tiền.

Khi nói đến sức mạnh và giá trị của đồng tiền, có nhiều ý kiến trái chiều, chúng ta từng nghe một số nhận định sau:

Tiền có thể mua một ngôi nhà, nhưng không thể mua một mái ấm gia đình.

Tiền có thể mua chiếc giường đẹp, nhưng không thể mua giấc mộng vàng.

Tiền có thể mua chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.

Tiền có thể mua quyển sách, nhưng không mua được kiến thức.

Tiền có thể mua chức vụ, nhưng không mua được sự kính trọng.

Tiền có thể trả cho bác sĩ, nhưng không thể mua được sức khoẻ.

Tiền có thể mua máu đào, nhưng không thể mua được mạng sống.

Tiền có thể mua xác thịt, nhưng không mua được tình yêu.

Có người hỏi : tiền có mua được hạnh phúc không ?

Số đông quả quyết rằng “không”. Có người cho rằng, tiền không mua được hạnh phúc nhưng nó có thể là công cụ mang lại hạnh phúc.

Tại sao tiền bạc có thể mua đuợc rất nhiều thứ ngoại trừ hạnh phúc?

Tiền thì không thể mua đuợc hạnh phúc vì hạnh phúc của con người không thể đo bằng thước, và càng lại không thể dùng giá trị của đồng tiền để mua hạnh phúc. Tiền là một thứ tiêu biểu cho giá trị vật chất, nên chỉ có thể mua những gì thuộc về vật chất. Còn hạnh phúc là một loại tiêu biểu cho giá trị tinh thần. Chẳng thế, Dunn và Norton cho rằng, làm cho người khác hạnh phúc trước và chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc sau. Đây là một điều hiển nhiên, nhưng thật ngạc nhiên, quá nhiều người quên rằng, đây là điều phù hợp với tinh thần Kitô.

Một câu hỏi lớn được đặt ra cho chúng ta : Tiền có thể cứu độ được con người không ?

Giảng trong thánh lễ sáng thứ Sáu 20 tháng 9 năm 2013, Đức Phanxicô nhắc lại rằng : “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” bởi vì “một khi người ta dành tình yêu cho tiền và hướng về, thì tiền lôi kéo người ta xa rời Thiên Chúa”. Ngài kết luận : “Không ai có thể được cứu độ bằng tiền”. Vì vậy, chúng ta phải chọn lựa, chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Chúng ta không thể. Hoặc là Thiên Chúa hoặc là tiền của.

Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra tội lỗi, nhưng thánh Phaolô nhấn mạnh rằng : “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham thích tiền bạc” (1Tm 6,10). Vì ham thích tiền mà một số người từ bỏ đức tin. có người muốn có tiền, muốn giữ tiền mà sẵn sàng chụp mũ, hù dọa người ta, gây nhiều đau khổ cho mình và bất công với người khác. Thật vậy, sức mạnh của đồng tiền làm cho chúng ta xa rời đức tin, lỗi đức ái.Tiền là chỗ dựa không vững chắc, là thước đo lường sai và với sự hấp dẫn của nó, con người có nguy cơ bị tiền chế ngự. Thần Tiền tạo ra ảo giác rằng khi có tiền, tôi có thể có được mọi thứ, mọi ước muốn sẽ được thoả mãn, và qua đó, tiền biến chúng ta thành nô lệ.

Vậy thưa anh chị em, Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta ?

Thiên Chúa muốn chúng ta thực sự hạnh phục. Ngài muốn chúng ta đi vào Giao Ước, chứ không phải là Bò vàng, Mammon, một giá trị biểu trưng sự an toàn tuyệt đối. Nếu không muốn trở thành nô lệ, cách thức duy nhất là chọn Chúa là gia nghiệp. Chỉ có Thiên Chúa mới cứu độ được chúng ta. 

Trong Mười Điều Răn, không có điều răn nào nói về tiền bạc. Tuy nhiên, chúng ta có thể lỗi phạm điều thứ nhất, nếu chúng ta hành động vì tiền. Đó là tội thờ ngẫu tượng. Vì tiền trở nên thần tượng để chúng ta tôn thờ. Ma quỷ luôn cám dỗ người ta về: sự giàu có, thỏa mãn; tự phụ, cảm thấy mình quan trọng ; và kiêu ngạo. Và cuối cùng, tiền tạo ra sự tôn thờ ngẫu tượng.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con khỏi rơi vào cái bẫy của thần tượng bạc tiền và chọn Chúa, vì chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


Suy niệm 3
Chuyển đổi của cải phù du thành kho tàng vĩnh cửu


Tất cả những gì ta có là do Chúa tạm ứng cho ta
Thân xác của ta không do ta mà có, mà là do Chúa ban. Mai đây Chúa sẽ lấy đi, ta không thể giằng lại được. Đến ngày Chúa gọi ta về thế giới bên kia, ta không thể nói: “Con không đi! Con không đi! Con phải ở lại đời này, con đang quyến luyến đời này, không đi đâu hết!”
Sức khỏe của ta không do ta mà có, nhưng là do Chúa ban. Về phần ta, lúc nào ta cũng  muốn mình được khỏe mạnh, cường tráng, muốn sống lâu trăm tuổi chưa vừa; ngoài ra, ai cũng rất sợ đau ốm, sợ ung thư, sợ đột quỵ… Nhưng không ai có thể duy trì sức khỏe trong tình trạng tốt mãi được. Nay mai, ta phải già đi, phải suy yếu đi, phải mắc hết bệnh này tới bệnh khác, phải nằm liệt giường, phải rên la đau đớn… chẳng còn chút hơi sức nào!
Ngôi nhà của ta, xe cộ, vàng bạc châu báu và rất nhiều đồ dùng của ta… hôm nay, chúng còn thuộc về ta, nhưng mai đây, tất cả những thứ đó đều không còn là của ta nữa mà phải sang tay cho người khác.
 
“Của vào nhà khó như gió vào nhà trống”
Đúng vậy, sức khỏe, của cải, vàng bạc, châu báu … đến với ta cũng như luồng gió lùa vào gian nhà trống, chúng chợt đến rồi chúng lại bay đi. Không ai có thể nhốt được gió cho riêng mình. Cũng thế, không ai ôm ghì lấy sức khỏe, tài sản, vàng bạc châu báu cho mình mãi được. Chúng chợt đến rồi chúng chợt đi. Ai khư khư giữ lấy chúng là chưa khôn ngoan sáng suốt.
Tốt nhất là biết cấp tốc chuyển đổi chúng thành tài sản vĩnh cửu cho mình.
 
Công nghệ năng lượng gió
Hiện nay, trên đất nước ta có nhiều tua-bin (turbine) gió được lắp đặt nhiều nơi. Những cánh quạt của tua-bin vươn ra đón lấy những làn gió thoảng qua rồi biến chúng thành nguồn năng lượng hữu ích cho muôn người, trước khi để gió thổi vèo qua nơi khác. Biến gió thành điện là một công nghệ tuyệt vời.
Vậy thì chúng ta cũng nên ứng dụng “công nghệ” này vào cuộc sống của mình, bằng cách đón lấy của cải chóng qua đời này, như những cánh quạt của tua-bin đón gió, rồi biến chúng thành kho tàng thiêng liêng cho cuộc sống mai sau.
 
Người quản lý trong Tin mừng hôm nay đã nắm được “công nghệ” này. Khi biết chủ sắp sa thải mình và biết rằng lúc đó thì anh không còn nơi nương tựa, không còn cơm ăn áo mặc như xưa nay, anh nghĩ ra một diệu kế:
Anh khôn khéo gọi các con nợ của chủ đến, dùng quyền hạn chủ trao cho mình, tha bớt phần nợ cho họ. Khi làm như thế, anh hy vọng mai đây, khi anh bị sa thải, những con nợ nầy sẽ đền ơn anh và sẽ đón rước anh vào nhà họ.
Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su dạy ta: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”  hay nói khác đi, hãy dùng của cải ta có hôm nay mà mua lấy một chỗ ở trên thiên đàng.
 
Đó là một chọn lựa khôn ngoan, vì cho dù hôm nay, ta cố sức bám trụ vào mặt đất nầy, bám víu thật chắc vào những tài sản của mình, ra sức thu gom thật nhiều tiền bạc, tài sản, ruộng vườn… thì mai đây, chúng ta cũng sẽ bị bứt ra khỏi cuộc đời nầy như chiếc lá lìa cành trong cơn lốc dữ…
Tất cả những gì ta mua sắm được hôm nay, người khác sẽ sử dụng. Những gì ta đang sở hữu sẽ thuộc về người khác… Rốt cuộc, ta chẳng còn gì !
Vì thế, người khôn ngoan là người biết chuyển đổi của cải chóng qua thành gia tài vĩnh cửu trên trời, y như tua-bin của các giàn điện gió chuyển đổi những làn gió thoảng qua thành năng lượng hữu ích cho muôn người.
 
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho Lời khôn ngoan của Chúa đánh thức chúng con khỏi quyến luyến của cải đời này, nhưng biết khôn ngoan đánh đổi những tài sản phù du để thu về những lợi ích vĩnh cửu.
 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà


Suy niệm 4
CON CÁI SỰ SÁNG


Mọi nơi, mọi thời, con người luôn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc. Nhiều người vẫn thường nghĩ rằng: hạnh phúc chỉ có nơi tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền thế. Đã có một thời Mussolini, Nhật Hoàng, Hitler tưởng rằng thế giới sẽ nằm gọn trong trục tay ba của họ, nhưng họ đã gục ngã thảm bại và lịch sử vẫn xoay theo chiều của nó. Đã có lúc Napoléon Đại đế tưởng rằng sẽ thâu tóm toàn thể Âu châu trong bàn tay bách chiến bách thắng của ông, nhưng rồi ông đã chết cô đơn trên đảo Corse, và Âu châu vẫn xoay theo chiều của nó. Như viên đá ném xuống dòng sông, làm lay động mặt nước trong chốc lát, và rồi dòng sông vẫn im lìm xuôi chảy...Mọi sự đều qua đi... Sách Giảng viên đã viết: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Quả là: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy. Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười” (Cao Bá Quát).
Chúa Giêsu đã từng phê phán những người giàu chỉ biết cậy dựa vào tiền của và tìm hưởng thụ là kẻ ngu xuẩn vì chỉ nhìn cái hiện tại chóng qua mà không quan tâm đến định mệnh cuối cùng và không biết tìm hạnh phúc vững bền (Lc 12,13-21). Thu tích của cải đời này mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì quả là ngu xuẩn vì “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm” (Lc 12,15); vả lại sự vướng bận vào của cải cản trở việc tìm kiếm Nước Chúa là cõi phúc thật (x.Lc 18,18-30). Vậy đâu là sự khôn ngoan đích thực? Làm sao có được sự giàu có trước mặt Thiên Chúa?
Tin mừng Chúa nhật hôm nay,Chúa Giêsu sau khi kể dụ ngôn người quản lý bất lương đã kết luận: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Chúa dạy các môn đệ phải sống trung tín. Một người không trung thực về tiền bạc thì không thể là một người ngay thẳng và đáng tín nhiệm. Chúa căn dặn: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Đồng tiền sẽ là một đầy tớ tốt, nhưng nó lại là một ông chủ xấu. Chúa dạy chúng ta phải biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền bạc.Nếu “con cái đời này” biết cách làm lợi cho tương lai, thì tại sao “con cái sự sáng” lại không biết sử dụng của cải Chúa ban trong hiện tại để lo cho phần rỗi đời đời của mình sau này ?
Nếu người quản gia bất lương biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu cho mình, thì tại sao chúng ta lại không biết chia sẻ của cải chóng qua đời này cho tha nhân để mua lấy bạn hữu, để sau này chính họ sẽ đón rước chúng ta vào Nước Trời đời sau ?

  1. Khôn Khéo Con Cái Đời Này

Khôn khéo trong những việc làm của người quản lý bất lương:
 - Khôn khi ăn cắp tài sản của chủ mà không bị phát hiện, đến khi có người tố cáo, chủ mới đuổi việc.
- Khôn vì anh ta biết giới hạn của mình: cuốc đất không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.
 - Khôn vì biết xoay xở, tận dụng chút quyền quản lý cuối cùng để có một chút bảo đảm cho tương lai. Gọi các con nợ của chủ đến làm văn tự lại: 100 thùng dầu ô-liu, viết lại 50 thôi; 1.000 thùng lúa viết lại 800 thôi... hai bên cùng có lợi mà.
- Khôn khi biết lo xa: liệu sao để khi mất chức thì có người tiếp đón, khi về hưu non thì đã có của dư của để, có nhà cao cửa rộng, có vườn tược...
Hình ảnh của người quản lý khôn khéo bất lương này đầy dẫy trong xã hội hôm nay khi mà tham nhũng đã trở nên “quốc nạn”. Ông Fujimori đã làm tổng thống nước Péru đến nhiệm kỳ thứ 2, vì tham nhũng nên đã trốn chạy về Nhật. Ông Estrađa tổng thống Philippines, phải từ chức vì tham nhũng. Ông Wahid, tổng thống Indonesia sang Mỹ tỵ nạn vì tham nhũng. Việt Nam cũng đang điêu đứng vì quốc nạn tham nhũng... Người ta “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, có chút địa vị quyền lực thì lo thu ven cho cá nhân, tham ô, móc ngoặc. Sợ bị bại lộ, sợ bị tố cáo, sợ bị cách chức, sợ bị “về hưu non”, nên khôn khéo mua lấy bằng cấp, mua đất xây biệt thự, lập trang trại... Người ta tìm mọi cách để có tiền của, có địa vị, có quyền lực, bất chấp tiếng nói lương tâm.
Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay sẽ thấy người đời thường chạy theo tiền bạc, của cải, địa vị, chức quyền. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó, Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng và họ làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái, miễn là càng ngày họ càng giàu có càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng.
Các ngôn sứ thời Cựu ước vẫn thường chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất công, áp bức, khinh dễ kẻ nghèo. Vào thế kỷ VIII tcn, Israel sống thời kỳ thịnh vượng dưới triều Giêrôbôam II. Do sự phồn thịnh ấy mà người ta sinh hư đốn: bon chen, tham lam, tranh giành tiền bạc của cải bằng đủ mọi hình thức bất công: giàu hiếp đáp nghèo, dùng tiền mua lương tâm, địa vị; người giàu chỉ biết ích kỷ hưởng thụ mặc cho dân nghèo đói rách cơ cực... Ngôn sứ Amos kịch liệt lên án. Ông quả xứng danh là nhà ngôn sứ của sự công bằng. Bản cáo trạng của ngôn sứ đối với những người quyền thế, giàu sang bất công vẫn luôn vang vọng và có hiệu lực cho mọi thế hệ.
2. Khôn Ngoan Con Cái Chúa
-Khôn ngoan của con cái sự sáng là luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình. Tiền bạc của cải không là điểm tựa. Vật chất không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Con cái sự sáng vừa say mê cuộc đời này vừa say mê vĩnh cửu. Giữa cái mau qua họ tìm gặp vĩnh cửu, họ làm việc vui chơi như mọi người, nhưng họ luôn để Thiên Chúa đi vào toàn bộ cuộc đời họ.
- Con cái ánh sáng khôn ngoan sống chân thật và tín trung. Chân thật trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động; thực tâm thật tình trong cư xử; thật hiếu hạnh trong gia đình; thật tín nghĩa ngoài xã hội; thực trung thành trong niềm tin. Trung tín sống đức tin, trung tín trong lời hứa, có tinh thần trách nhiệm cao, trung tín trong việc nhỏ cho đến việc lớn. Trung tín với lời hứa Bí Tích đã lãnh nhận. Người chân thật là người trung tín với Thiên Chúa và anh em mình. Bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và “chỉ có sự thật mới giải thoát anh em”.
- Khôn ngoan của con cái Chúa là khôn ngoan Thập Giá: “Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù Dothái hay Hylạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” ( 1 Cr 1, 22-25 ). Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hắn sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hay để ý đến chủ này mà thương chủ nọ”. Không thể phụng sự hai chủ như nhau, trong cùng một lúc. Chúng ta tự hỏi chủ nào đang thống lĩnh đời tôi ? Ước gì tôi luôn tự do, chọn lựa làm tôi cho Chúa mà thôi.
3. Cửa Sổ Hoặc Tấm Gương
Một người Dothái giàu có nhưng rất keo kiệt đến gặp một vị giáo trưởng để xin một lời hướng dẫn cho cuộc sống của mình. Vị giáo trưởng đưa anh ta đến bên cửa sổ và hỏi: “Ông hãy nhìn qua cửa sổ và cho tôi biết ông thấy gì.” Không một chút do dự, người giàu có trả lời: “Tôi thấy nhiều người đi qua đi lại.” Sau đó vị giáo trưởng bảo người giàu có quay mặt vào trong nhà và nhìn vào một tấm gương treo trên tường. Rồi ông cũng đặt câu hỏi tương tự: “Nào, bây giờ thì ông thấy gì trong tấm gương ?” Người giàu có liền trả lời: “Dĩ nhiên tôi chỉ thấy tôi.” Bấy giờ vị giáo trưởng mới rút ra một bài học. Ông nói: “Này nhé, tấm gương soi mặt được làm bằng kính. Kính được phủ ở phía sau bằng một lớp bạc mỏng. Bao lâu lớp bạc mỏng còn dính chặt đằng sau tấm kính thì nhìn vào đó ông sẽ không còn thấy người nào khác nữa mà chỉ thấy có mình ông thôi. Trái lại khi nhìn qua tấm kính trong suốt ở cửa sổ ông đã thấy được những người khác, thấy được cảnh vật...” Nếu tấm kính linh hồn bị lòng tham lam, ích kỷ như lớp bạc mỏng phủ đi thì ta sẽ chỉ thấy có bản thân mình. Chỉ mình ta mới đáng kính đáng trọng, chỉ mình ta là trung tâm để mọi người phục vụ. Tâm hồn con người khi trong suốt không bị che chắn bởi tham, sân, si, sẽ nhìn thấy mọi người là anh em, nhìn thấy những điều hay, những điều tốt, những gì đáng quý, đáng mến nơi tha nhân. Tâm hồn trong sáng đó nhờ biết mỗi ngày soi vào Chúa Kitô, sống theo lời dạy của Ngài.
Sự khôn ngoan đích thực đúng như lời Thánh Phaolô trong thư gởi Timôthê: “Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm 6,18).
Của cải vật chất chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn là Nước Trời. Biết sử dụng tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, chúng ta sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu trên trời.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Suy niệm 5
Hãy biết đầu tư cho tương lai
Lc 16, 1-13
Hôm nay Đức Giêsu kể cho chúng ta nghe câu chuyện một nhà phú hộ có một người quản gia, người quản gia này bị tố cáo là bất lương, nhưng không nói anh bất lương trong chuyện gì, chỉ biết là sau khi bị tố cáo, ông chủ đã cho gọi anh đến và thông báo: anh sẽ phải tính sổ sách, để bàn giao lại rồi nghỉ luôn công việc quản gia (c1-2). Sau khi nghe lệnh bị sa thải và thất nghiệp từ ông chủ, người quản gia liền nghĩ trong bụng: mình sẽ làm gì đây khi mất việc? Lao động chân tay như cuốc đất thì không nổi, nhàn hạ như ăn mày thì không dám vì xấu hổ. Ước mơ lúc này của anh là sau khi bị thôi việc, không phải cuốc đất, chẳng phải ăn mày mà vẫn có thể sống, vẫn có người đón mình về nhà (c3-4). Và anh đã nghĩ ra cách: mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức, sau khi bị sa thải sẽ có người đón nhận mình về nhà họ: Anh liền cho gọi tất cả các con nợ của chủ đến và từng người một anh cho sửa lại biên lai (giấy ký nợ); từ 100 sửa lại thành 50, từ 1000 sửa lại thành 800 (c 5-8a). Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu cho thấy ông chủ đã khen anh quản gia bất lương biết hành động khôn khéo: anh biết nhìn, biết lo, biết hành động cho tương lai của mình, và từ câu chuyện dụ ngôn người quản gia bất lương này, Chúa cũng rút ra kết luận cho chúng ta hãy học sự khôn khéo như anh về thái độ đối với của cải và cách sử dụng của cải đời này cho tương lai đời sau (c 8b-13).
Anh quản gia bất lương thì vẫn là bất lương, sự bất lương không thể là tấm gương cho chúng ta được, nhưng chúng ta cần học tập nơi anh về phương diện khôn khéo, anh biết lo cho tương lai của mình và biết dùng tiền của bất chính để tạo nên bạn hữu, hầu chính họ sẽ đón tiếp anh khi anh mất việc. Sự khôn khéo của anh là dám đối diện với thực tế bị ông chủ cho nghỉ việc, biết giới hạn của bản thân, không đủ sức cuốc đất, không đủ dày dạn để ăn xin và biết tận dụng quyền hành cùng thời gian ít ỏi lúc còn ở nhà chủ để sắp xếp cho cuộc sống tương lai, mà không dùng thời gian và quyền đó để hưởng thụ, anh vừa biết mình, lại vừa biết người và biết nắm thời cơ cho tương lai vận mệnh của cuộc đời mình.
Chúa  muốn chúng ta là con cái của sự sáng, hãy biết khôn khéo như anh quản gia, biết nhìn, biết hướng về cuộc sống mai sau, biết xây dựng tương lai vĩnh cửu ở đời sau ngay ở đời này, biết nắm bắt và tận dụng thời gian hiện tại như cơ hội cuối cùng, biết dùng của cải vật chất và của cải tinh thần: tiền của, sức khỏe, sắc đẹp, công sức, tài năng…Chúa trao để phục vụ Chúa và tha nhân, để đầu tư cho cuộc sống mai sau.
Xin Chúa cho chúng ta luôn là người quản gia khôn khéo và trung tín của Chúa, biết xây dựng tương lai đời sau của mình ngay tại đời này, bằng cách trung thành với bổn phận quản gia theo thánh ý Thiên Chúa là chủ cuộc đời mình, bằng cách dùng những gì Chúa trao như là phương tiện để dẫn chúng ta tìm về chốn hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, bằng đời sống bác ái và chia sẻ huynh đệ tất cả những gì chúng ta có cho người khác để xây dựng các mối tương quan yêu thương và có thêm bạn bè, hầu chính những bạn bè đó sẽ đón rước chúng ta vào Nước Trời khi chúng ta kết thúc cuộc sống này. Amen.
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
 
Suy niệm 6
HÃY BIẾT LO CHO TƯƠNG LAI!

(Am 8,4-7; 1 Tm 2,1-8; Lc 16,1-13)
Ngày nay, chúng ta nhận thấy rất nhiều người dùng tiền để mua chuộc, để thăng quan tiến chức; hay có những người giàu vì làm ăn bất chính, nên họ thường rửa tiền để tránh sự dòm ngó của người khác. Những người như thế thường bị xã hội lên án vì hành động bất nhân của họ. Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu kể dụ ngôn “Người quản gia bất trung” đã làm thiệt hại cho ông chủ, nên đã bị ông chủ thải hồi. Nhưng, mặt khác, Đức Giêsu lại khuyên họ hãy học theo gương người quản gia, vì ông ta đã biết dùng tiền của bất chính để mua chuộc bạn hữu, đã biết lo cho tương lai vận mệnh của mình. Phải chăng Đức Giêsu khen và cổ súy cho hành vi sai trái này của người quản gia? Vậy, nếu điều đó là tốt thì tốt ở chỗ nào? Và, nếu sai thì sai ở đâu? Chúng ta cùng nhau suy niệm.
1. Người quản gia bất trung là ai?
Thoạt đầu, mới nghe dụ ngôn này, chúng ta rất dễ bị hiểu lầm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đặt mối tương quan của chúng ta vào toàn bộ tổng thể bản văn, cũng như văn hóa của người Dothái thời bấy giờ, thì mới hiểu được ý Chúa muốn dạy chúng ta điều gì!
Với người Dothái thời bấy giờ, có nhiều người giàu có, họ thường lắm đồn điền ở nhiều nơi. Ông chủ không thể hiện diện cùng lúc tại nhiều chỗ được, vì thế, họ thường đặt những quản gia để trông nom kho lẫm và thay mặt mình để quản lý, điều hành mọi công việc.  
Như vậy, người quản gia có một thế giá rất đặc biệt trong e kíp lãnh đạo. Ông chỉ đứng đằng sau chủ của ông và có quyền thay mặt cũng như đại diện ông chủ khi ông vắng nhà; đồng thời có toàn quyền sắp xếp công việc cho những người làm công. Tuy nhiên, ông ta không có lương như những người làm công bình thường, ông ta chỉ có quyền thu xếp công việc và tìm cách làm lợi cho ông chủ. Khi không có lương như vậy, ông ta tìm cách cắt xén và ghi tăng thêm số lượng để lấy những nguồn lợi bất chính đó về cho mình. Quả thật, người quản gia trong bài Tin Mừng hôm nay đã tận dụng cơ hội “quyền huynh thế phụ” để làm ăn bất chính, hầu thu tích của cải cho mình. Nhưng thật không may, ông ta đã bị chủ phát hiện và quyết định đuổi việc: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (Lc 16,2).
Trong hoàn cảnh này, ông ta suy tính: “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” (Lc 16, 3-4). Quả thật, không lẽ từ một người quản gia mà nay lại đi cuốc đất, hay đi ăn mày? Ông ta không thể làm được những chuyện đó vì những mâu thuẫn với con người và vai trò của ông! “Cái khó ló cái khôn”, trước khi bị đuổi chính thức, ông vẫn còn đủ tư cách là đại diện cho ông chủ, và trong thời gian chờ đợi để bàn giao sổ sách, giấy tờ, ông ta tìm cách lấy lòng và tạo bạn hữu bằng việc giảm nợ cho cho những con nợ: “… 'Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?'  Người ấy đáp: 'Một trăm thùng dầu ô-liu.' Anh ta bảo: 'Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.'  Rồi anh ta hỏi người khác: 'Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?' Người ấy đáp: 'Một ngàn giạ lúa.' Anh ta bảo: 'Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi'” (Lc 16, 5-7). Một cách giải quyết hết sức khôn khéo. Ông vừa được tiếng là tốt bụng, lại còn thêm được rất nhiều bạn bè, hòng khi bị đuổi việc, ông được người ta đón rước mình như một vị đại ân nhân của họ. Và cuối cùng, ông chủ đã khen người quản lý bất lương đó hành động thật khôn ngoan.  
Như vậy, Đức Giêsu có phải khen người quản gia bất lương vì sự bất lương của hắn ta không? Thưa không! Ngài khen là khen cái tài khôn khéo, biết tính trước cho tương lai vận mệnh của mình, và biết dùng tiền của bất chính để tạo nên bạn hữu. Qua câu chuyện này, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy biết lo cho tương lai của mình, bởi vì “sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Cuộc sống là một cái gì mong manh, ta có thể ra đi bất cứ lúc nào, nên: “Không biết lo xa, ắt phải rầu gần”. Phần cuối của dụ ngôn, như một mệnh lệnh, Đức Giêsu nói:  "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16, 9); mặt khác, Ngài cũng dạy chúng ta phải biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của ở đời này, làm sao tiền của trở thành nô lệ, đầy tớ cho chúng ta, chứ đừng biến nó thành ông chủ của mình: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).
2. Sống Sứ Điệp Lời Chúa
Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta biết rằng: mọi sự đều là của Chúa và chúng ta chỉ là người quản lý mà thôi. Nếu chỉ là quản lý, thì phải biết giới hạn, phải biết được vai trò của mình đến đâu và phải lo chu toàn trách vụ mà ông chủ trao cho. Vì thế, ta phải trung thành và giữ chữ tín trong khi làm việc: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”(Lc 16,16).
Cần tránh những hình thức lạm quyền và sa đà vào tình trạng tội lỗi. Hãy biết chia sẻ cho người khác để làm giàu trước mặt Thiên Chúa và có lợi cho phần hồn của mình. Chia sẻ bác ái được ví như một sự cầu lần, nay người, mai ta:“Người giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng người nghèo giúp kẻ giầu trong đời sau”. Thật thế, “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng đáng việc đã làm”(Cn 19,17).
Cuối cùng, ta phải biết lo cho tương lai của chính mình như người quản gia trong Tin Mừng hôm nay: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9). Hãy mua lấy Nước Trời và làm giàu trước mặt Thiên Chúa là trách nhiệm hàng đầu của chúng ta. Thật vậy, tiền của vật chất rồi sẽ qua đi, nhưng chỉ có Chúa là tồn tại, vì thế, hãy tìm mọi cách mà xây dựng, mua lấy Nước Trời cho cuộc sống mai hậu. Hãy biết lo cho tương lai của mình cách cẩn trọng. 
Thế nhưng, trong xã hội hôm nay, nhiều người có những tư tưởng tự cao và cho rằng: ta có được như vậy là nhờ công khó của chính chúng ta, họ quên mất một điều căn bản rằng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm” ( (Tv 127,1)). Vì vậy, hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa khi ta còn có thể tìm được. Hãy nhạy bén và biết hành xử khôn khéo như người quản gia trong bài Tin Mừng hôm nay.
Mong sao mỗi chúng ta: “Trong mọi sự phải nhắm chắc cái cùng đích” hầu chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp.  
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra sự yếu hèn của mình, hầu thoát ra khỏi những sự chóng qua ở đời này mà biết lo tìm phần rỗi cho mình trong cuộc sống mai hậu. Xin cho chúng con biết chọn Chúa và những giá trị tốt trong cuộc đời. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
 
Suy niệm 7
Khôn Khéo
Am 8, 4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16, 1-13
Thường tình ở đời ai cũng biết lo cho mình. Người lo tích trữ tiền bạc, làm sao có bát ăn bát để phòng lúc nắng mưa, lo cho tương lai con cái. Người lo giữ gìn sức khỏe sắc đẹp, cần nghỉ ngơi dưỡng sức. Người ta mua bảo hiểm y tế để chữa bệnh, bảo hiểm thân thể phòng chuyện rủi ro, người có khả năng hơn còn lo mua bảo hiểm nhân thọ nữa…
Người quản gia trong Tin Mừng hôm nay, sau khi bị tố cáo hạch tội, ông biết mình sắp lâm vào tình trạng bế tắc vì bị thất nghiệp. Trong khốn khó lại ló cái khôn, “Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Và ông bắt đầu xoay sở, tính chuyện làm lại biên lai, bớt tiền lời, mua lấy anh em bạn bè để có người đón rước mình sau này. Ông được chủ khen là biết hành động khôn khéo.
“Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng...”. Người quản gia được khen vì tính khôn khéo trong việc xử trí, chứ không khen tính bất lương của hành động. Người đời quá khôn khéo tính toán, lo lắng cho mình. Nhưng nào mấy ai chịu đầu tư thời giờ sức lực, khả năng cho đời sống siêu nhiên, cho đời tâm linh của mình? Ngày ngày cứ bới đất lật cỏ, miệt mài làm ăn kể cả Chúa nhật, chấp nhận mọi gian lao để kiếm thật nhiều tiền, lo cho con cháu, bây giờ và cả tương lai. Người ta còn dành rất nhiều thời giờ vào chuyện thế trần: tiệc tùng, du lịch, vui chơi, giải trí…
Các Kitô hữu, những “con cái ánh sáng” nên rút ra bài học, kinh nghiệm từ “con cái đời này”, để lo cho đời sống siêu nhiên, sẽ được trở nên “sáng” nhờ nghe và sống Lời Chúa. “Lời Ngài là sức sống của con, Lời Ngài là ánh sáng đời con”. Mặc dù tôi đang sống trong những nhu cầu thể xác và vẫn dùng mọi phương tiện thế trần, nhưng vẫn cố gắng hy sinh để vượt lên với đời tâm linh. “Người đời hăng hái thế nào trong việc đời: ước mơ danh vọng, cố gắng làm giầu, mải mê tìm lạc thú. Nam, nữ, giầu, nghèo, già, trung niên, thanh niên, cả trẻ con: tất cả đều như nhau. Nếu bạn và tôi hăng hái như họ trong việc linh hồn, chúng ta sẽ có đức tin tươi mát và năng động: lúc ấy không cản trở nào không thể thắng vượt trong việc tông đồ.” (Escriva, The Way, 317)
Đức Giêsu lại dạy rằng: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Xem ra cách dùng tiền của này ngược với lối sống thực thụ, để thăng tiến chính bản thân và những người thuộc về mình. Tiền của quan trọng, cần thiết là thế, mà Người bảo hãy dùng để đổi lấy bạn bè anh em, để sinh ích thiêng liêng, thành ra nhiều người bị giằng co giữa nhu cầu tiền của cho cuộc sống này, với đời sống đạo, với Chúa và theo Chúa. Dùng tiền của để “tạo lấy bạn bè” là một cách đúng đắn, thánh Phaolô đã khen tín hữu thành Philipphê biết xử dụng tiền của để chia sẻ tình thương với ngài và sinh ích cho việc truyền giáo: “ngay khi tôi còn ở Texalônica, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng…  Tôi rất đầy đủ, kể từ khi nhận được những gì anh em gửi đến tôi qua tay anh Êpaprôđitô. Quà anh em tặng cho tôi đó, chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận.”
Đức Giêsu cảnh cáo thái độ làm tôi hai chủ, coi Thiên Chúa ngang hàng với những nhu cầu vật chất: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”. Không thể vừa yêu mến Chúa hết lòng mà lại vừa tôn thờ tiền bạc như một quyền lực, gắn bó, liền khúc ruột với nó. Phải chăng những người có nhiều tiền của vật chất là người không mến Chúa? Người chọn sống với Chúa, theo Chúa là phải từ bỏ hết của cải, nhu cầu vật chất, thành trắng tay, sống khổ sở dặt dẹo qua ngày? Một người vừa chăm chỉ làm việc kiếm tiền nuôi con ăn học, không tiêu xài hoang phí, nhưng biết dùng tiền để sinh ích cho mình và cho người khác là người biết dùng tiền của đúng đắn. Nếu người ấy vẫn sống đức tin sống động, gắn bó với Chúa từng ngày giờ, cả trong mọi công việc của mình, thì vẫn là người “làm tôi Thiên Chúa” đấy thôi. Người ta càng sống với Chúa càng chăm chỉ làm việc ra tiền và biết sử dụng vào những mục đích đẹp ý Chúa.   
Chúa ơi! chỉ có Chúa là cùng đích của đời chúng con! Trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng con vẫn tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông với anh em cần đến tấm lòng và bàn tay rộng mở chúng con. Chỉ khi nào con nhận ra mọi sự là hư vô, là tương đối, là tạm bợ… Và lòng con vẫn trống rỗng, thiêu thiếu cái gì đó, thì lúc đó con mới tha thiết kiếm tìm chuyện vĩnh cửu, Tình Yêu chân thật và Hạnh Phúc sung mãn trong Chúa, là hạnh phúc tuyệt đỉnh của tâm hồn. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới làm cho con người sung mãn mà thôi. Và như thế, con sẽ trở nên khôn khéo,  hơn hẳn những…con cái đời này”.
Én Nhỏ
                                                                        
 
 
 
 
                                                                      
 
 

 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log