Suy niệm 1
Bổn phận phải biết ơn Thiên Chúa dựng nên chúng ta, Người cứu độ chúng ta. Nhưng chúng ta rất dễ quên ơn Người. Tạ ơn Thiên Chúa, đó là nhận biết rằng TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN. Chúng ta không đáng được những ơn đó, nhưng vì Tình Yêu Thiên Chúa thật quá bao la, đã cho chúng ta tất cả !. Bí tích Thánh Thể là đỉnh cao của hành động TẠ ƠN ĐÍCH THỰC. Vậy chúng ta phải TẠ ƠN THIÊN CHÚA như thế nào cho xứng hợp?
Khi Chúa Giê-su vào một ngôi làng, thì có 10 người phong cùi đến xin Chúa chữa. Họ không còn cách nào nữa, họ khẩn khoản nài xin Ngài thương xót: “Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng tôi”. Đúng vậy! Chỉ mình Chúa Giê-su là nguồn an ủi chữa lành cho họ và lời cầu nguyện chân thành của họ có sức mạnh được Chúa nhậm lời…
Lời cầu nguyện của chúng ta thế nào.? Trong Tin Mừng có rất nhiều cách cầu nguyện để được Thiên Chúa nhậm lời… Danh Chúa Giê-su là rất có quyền lực đến nỗi cả trên trời dưới đất đều suy phục Người…Lời cầu nguyện của những người phong cùi là lời cầu nguyện khiêm nhường và tha thiết: “Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót tôi, vì tôi là người tội lỗi”. Kêu cầu Danh Chua Giê-su và nhận ra mình tội lỗi, đó là thú nhận thân phận xấu xa của mình và đụng chạm đến Trái Tim Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã nói với chúng ta:“Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con”. Lời hứa này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Lời hứa này là rất chắc chắn và luôn được thực hiện trong cuộc sống chúng ta, thế nhưng chúng ta rất dễ quên.
Một điều đáng chú ý ở đây: Chúa Giê-su không chữa ngay những người bệnh cùi này. Đó là vì Ngài muốn thử thách đức tin của họ bằng cách nói với họ: “Anh em hãy đi trình diện với các tư tế”. Cũng vậy, không phải là lúc nào chúng ta cũng được Chúa ban ơn cho ngay. Trước hết chúng ta phải chú ý đến việc làm chứng cho Tin Mừng và cần phải lặp đi lặp lại lời cầu nguyện của những người phong cùi để Chúa chữa bệnh cùi thiêng liêng của chúng ta. Đó là vì Ngài dạy chúng ta đừng để cho người khác thấy và chúc tụng chúng ta. Tất cả ơn lành mà chúng ta có được đều là của Thiên Chúa ban cho, nếu không, chúng ta không làm gì được. Hãy hoàn toàn tôn vinh và tạ ơn Ngài! Thật đáng tiếc! 10 người cùi được chữa lành nhưng chỉ có một người quay lại tạ ơn Thiên Chúa. Và người quay trở lại đó là người ngoại giáo. Chính anh, là người Samarria có con tim biết tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa. Người Samaria trong bài Tin Mừng hôm nay không những là mẫu gương của người được chữa lành, người biết cám ơn mà còn là mẫu gương của người biết tạ ơn, biết quỳ gối thờ lạy Thiên Chúa.
Qua kinh nghiệm của người nước ngoài và cả tại Việt nam, người ta thường nói: “Nếu bạn gặp một con chó đói, các bạn hãy cho nó ăn và săn sóc nó, nó sẽ biết ơn bạn, nó sẽ đến gần bạn và nó sẽ không cắn bạn đâu. Đó là sự khác nhau giữa một con chó và một con người”. Câu nói này xem ra quá đáng, nhưng thực tế lại là như vậy.! Đôi khi chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi: “Tôi nghĩ mình khá thông minh, tháo vát, đầy đủ khả năng, thành công trong cuộc sống…Nhưng nếu không có cha mẹ tôi, bạn bè tôi, các thầy cô giáo, hoặc tôi phải sinh ra ở những nơi dân tộc miền núi, liệu tôi có được như thế này không?” Thế giới hôm nay nhiều người liều lĩnh nói rằng không cần ai hết, cả Thiên Chúa nữa, họ cũng không cần. Họ độc lập và không muốn phụ thuộc vào ai khác. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đã đón nhận sự sống, sự giáo dục, sức khỏe và tài năng từ nơi người khác. Nếu không có những người sống xung quanh chúng ta, chúng ta không thể thành công được. Hãy đơn sơ khiêm tốn và biết ơn!
Bài Tin mừng hôm nay không những chỉ nói về sự biết ơn…Một người trong 10 người bệnh cùi được chữa lành không những trở về để cám ơn Chúa, mà còn để tôn vinh Chúa nữa: Người đó “quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi sấp mình dưới chân Chúa Giê-su và tạ ơn Người”. Trong thế giới tục hóa của chúng ta hôm nay, người ta có khuynh hướng tục hóa cả Tin Mừng. Tất cả những gì là văn hóa, ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa đều bị đặt ra ngoài lề. Nhiều người tự mãn giàu có không muốn sấp mình tôn vinh Thiên Chúa. Nhiều người bỏ cả lễ chủ nhật. Bỏ lễ chủ nhật cũng là một thái độ không còn ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa. Nhiều xứ đạo được coi là toàn tòng công giáo, thế mà người đi lễ chủ nhật lại quá ít. Lúc đó, chúng ta càng cảm nhận câu nói xót xa của Chúa Giê-su nói trong tin mừng hôm nay: “Tất cả những người khác ở đâu rồi? Họ không được Thiên Chúa yêu mến sao?”
Còn chúng ta, chúng ta hãy cám ơn Thiên Chúa trước và sau khi ăn, chúng ta cám ơn vì Chúa đã ban cho chúng ta một mùa màng. Chúng ta họp nhau trong nhà thờ ngày lễ chủ nhật để nói lời cảm ơn Thiên Chúa vì hồng ân sự sống mà Chúa đã ban cho, cho gia đình chúng ta, cho quê hương chúng ta được bình yên, cho chúng ta được làm ăn khá giả, cho chúng ta là một người kito hữu. Người kito hữu không phải là người đọc kinh nhiều và cầu xin nhiều, nhưng là người biết cám ơn và tạ ơn. Bí tích Thánh Thể có nghĩa là cám ơn, tạ ơn. Tham dự vào bí tích Thánh thể, là tham dự vào hy lễ tạ ơn của Chúa Kito. Hôm nay tất cả chúng ta cử hành thánh lễ, đó là một dịp đặc biệt để chúng ta lấy lại thái độ cám ơn và tôn vinh Thiên Chúa, ngợi khen tình yêu của Người. Chúc tụng Chúa vì tất cả những gì Người đã làm cho chúng ta. Chúng ta cũng có thể canh tân lại lòng tin tưởng phó thác của chúng ta cho Người. Nếu chúng ta biết đếm những việc tốt lành của Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và đặt những việc đó ra trước mắt chúng ta, thì chúng ta sẽ thấy là quá nhiều. Liệu chúng ta có tôn vinh Ngài không?
Lạy Chúa, xin tha thứ cho sự vô ơn của chúng con. Chúng con than vãn về những khổ đau và khốn cùng của chúng con. Chúng con cầu xin Chúa nâng đỡ chúng con trong những lúc khó khăn thử thách, nhưng ngay khi chúng con được, chúng con thường vội quên. Chúng con quên chính Chúa là chủ cuộc sống chúng con và chúng con không nghĩ đến việc cám ơn Chúa. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con quả tim biết cám ơn..Chúng con xin tạ ơn Chúa và chúng con xin chúc tụng danh Chúa đến muôn đời. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
==================
Suy niệm 2
Nhận ra ân huệ Chúa ban
Lc 17, 11-19
Vào thời Chúa Giê-su rao giảng Tin mừng tại Do-thái, bệnh phong hủi là căn bệnh khủng khiếp vô phương chữa trị. Người bệnh bị cách ly khỏi gia đình, làng mạc nên phải sống trong những nơi vắng vẻ, cô tịch. Cuộc sống còn tệ hơn cái chết.
May thay, có mười người phong tốt số được gặp Chúa Giê-su và được Ngài cứu chữa lành bệnh. Họ chỉ cần đến gặp các tư tế để kiểm tra trước khi được phép về đoàn tụ với gia đình, họ hàng, làng xóm.
Khi được chữa lành khỏi chứng bệnh khủng khiếp như thế và được phép về đoàn tụ với những người thân yêu… họ vui mừng hân hoan như kẻ chết sống lại. Ấy vậy mà trong mười người được chữa lành, chỉ có một người ngoại bang biết quay lại cám ơn Chúa Giê-su đã cứu chữa mình, còn chín người kia thì không!
Nhận được hồng ân lớn lao như thế mà không biết tạ ơn thì thật là những người vô ơn, bạc nghĩa rất đáng trách.
Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn lại mình, xem chúng ta thuộc thành phần nào trong hai thành phần trên đây? Là người biết tạ ơn vì những hồng ân mình lãnh nhận hay là vô ơn như chín người phong được chữa lành.
Tôi thuộc hạng người nào?
Một chén cơm ta ăn hằng ngày là thành quả của bao nhiêu lao công vất vả của rất nhiều người: Người nông dân phải bỏ công để chọn giống lúa tốt, phải thận trọng ủ giống mất một hai ngày, phải cày, bừa, trục, trạc… cho mặt ruộng sẵn sàng đón nhận những hạt giống gieo… Một khi đã gieo hạt xuống rồi, phải ngăn ngừa chim trời hay chuột đồng phá hại những hạt lúa mới nhú mầm, tiếp theo là cung cấp đầy đủ phân và nước cho lúa lớn lên, lo diệt côn trùng bảo vệ lúa… đến mùa thì lo thu hoạch, phơi phóng rồi nhập lúa vào kho.
Khi muốn chế biến lúa thành gạo thì phải lo xay xát, sàng sảy, rồi mới có thể đưa sản phẩm ra thị trường.
Để cho những hạt gạo đó biến thành cơm ngon thì người nội trợ lại phải tốn công nấu dọn cho người nhà ăn.
Như thế, mỗi chén cơm là một ân huệ Chúa ban, được kết tinh bởi vô vàn mồ hôi, lao nhọc, công sức của bao người. Vậy mà khi hưởng dùng chén cơm đó, có bao giờ chúng ta biết tạ ơn Chúa, tạ ơn những người đã chịu cực nhọc vất vả để cung ứng cho ta chén cơm đó chưa? Nếu ai chưa tạ ơn thì thuộc về nhóm chín người vô ơn trên đây rồi.
Người mẹ cưu mang con 9 tháng 10 ngày với bao ưu tư, khắc khoải. Khi đủ ngày đầy tháng, mẹ sinh con trong đau đớn và âu lo. Khi con chào đời, mẹ ấp ủ con với tất cả tấm lòng thương mến, canh chừng con khi con ngủ cũng như con chơi, bồn chồn lo âu khi con gặp hoạn nạn, thức trắng đêm bên giường khi con đau ốm, lo cho con từng miếng ăn, từng tấm áo, lao động gian lao vất vả đêm ngày để liệu cho con học thành tài… Đến khi con trưởng thành thì lo gầy dựng gia đình cho con…
Kể sao xiết công ơn của cha mẹ đối với con cái mình. Nhưng thử hỏi được bao nhiêu người nhận biết công ơn cha mẹ để đền ơn đáp nghĩa cho cân? Nếu ai quên thì thuộc về thành phần chín người phong hủi vong ân.
Bước sang lĩnh vực tâm linh, Chúa Giê-su tuy là Ngôi hai Thiên Chúa cao cả vô song, đã chấp nhận hạ mình xuống thế làm người phàm, gánh lấy tội lỗi muôn dân và hy sinh chịu khổ nạn, chịu chết đau thương để đền tội thay cho muôn người, chết thay cho nhân loại và nhờ đó, Ngài cứu muôn dân khỏi chết và mở cửa cho họ vào cõi trời vinh hiển. Vậy mà có được bao nhiêu người nhận biết hồng ân vô cùng cao quý đó đó để cảm tạ, tri ân? Nếu ai chưa cảm tạ hồng ân thì thuộc vào hàng ngũ chín người phong vô ân bạc nghĩa.
Khi chúng ta trợ giúp ai đó vài ba lần liên tiếp mà lần nào người nhận cũng quay đi không một tiếng cám ơn, thì chắc chắn lần sau, chúng ta không tiếp tục trợ giúp hạng người đó nữa, vì người vô ơn như thế thì không đáng được trợ giúp.
Vậy thì khi chúng ta nhận được vô vàn ơn phúc Thiên Chúa ban trong từng phút, từng giây mỗi ngày, mà không biết tạ ơn Thiên Chúa thì chúng ta cũng chẳng xứng đáng để được Ngài ban ơn thêm.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa ban cho chúng con vô vàn hồng ân không thể nào kể xiết. Xin giúp mỗi người chúng con nhận ra hồng ân vô giá Chúa ban và không ngớt dâng lời tạ ơn Chúa với tất cả tấm lòng yêu mến.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==================
Suy niệm 3
SAO KHÔNG QUAY LẠI ĐỂ TẠ ƠN?
(2 V 5,14-17; 2 Tm 2,8-13; Lc 17,11-19)
Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ: vào ngày 11 tháng 3 năm 2012, kỷ niệm tròn 1 năm thảm họa sóng thần ập đến với nhân dân Nhật Bản. Sau đại họa đó, Nhật Bản đã hồi sinh nhanh chóng, một phần nhờ vào sự tương trợ của các nước trên thế giới. Vì thế, nhân dịp kỷ niệm này, khoảng 500 em học sinh từ thành phố Ishinomaki thuộc tỉnh Miyagi đã đồng ca bài hát mang tên “Arigato” (Cảm ơn) để tri ân thế giới. Hành động này đã làm cho thế giới nghiêng mình kính phục trước hệ thống giáo dục của nước Nhật.
Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu chữa lành mười người phong cùi, tuy nhiên, sau đó chỉ có một người quay lại để tạ ơn Chúa mà thôi. Vậy, tại sao lại có sự chữa lành đó và thái độ tạ ơn của người Samaria đã đem lại cho anh ta những gì?
1. Ý Nghĩa Lời Chúa
Trước tiên, chúng ta tìm hiểu về quan niệm của người Do Thái đối với người bị bệnh phong cùi:
Theo lối suy nghĩ của người Do Thái thời bấy giờ, bệnh phong cùi là một thứ bệnh dơ bẩn, ô uế. Vì thế, người mắc bệnh này chắc chắn bị cô lập. Họ không được sống một cuộc sống bình thường như mọi người, và lẽ đương nhiên bị người cùng thời khinh bỉ. Cuộc sống của họ thường ở ngoại ô, hay nơi vùng sâu vùng xa, ít người qua lại. Nhưng có lẽ khổ tâm hơn cả, chính là họ bị mọi người coi mình như là dấu chỉ bị Thiên Chúa trừng phạt. Những ai mắc bệnh này thì kể như là kẻ bị chúc dữ!
Quả thật, sách Lêvi cũng đã trình bày sự phân biệt và kỳ thị đối với người bị bệnh phong thời bấy giờ như sau: “Người phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế ! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó còn ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46).
Tuy nhiên, hôm nay Đức Giêsu đã làm cho mọi người phải ngỡ ngàng vì Ngài có một trái tim rộng lớn, Ngài đã “chạnh lòng thương” để vượt lên trên lề luật, ra khỏi quan niệm của dân chúng để cứu giúp những người đau khổ.
Câu chuyện được khởi đi từ việc Đức Giêsu đi đến một làng kia và có mười người phong cùi biết tin Ngài đi qua, nên đã đến để xin Ngài chữa lành cho mình: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Lc 17, 13 ). Câu nói này thể hiện niềm tin của họ vào Đức Giêsu cách tuyệt đối. Vì tin, nên những người bệnh này cũng đã phá tan hàng rào kỳ thị của dân chúng xưa nay cũng như lòng tự ti của chính mình để miễn sao gặp được Đức Giêsu và mong ước được Ngài yêu thương, chữa lành. Và, khi nghe thấy họ kêu xin mình như vậy, Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương” và Ngài đã ra tay cứu giúp khi nói: “Hãy đi trình diện với các tư tế. Ðang khi đi thì họ đã được sạch” ( Lc 17, 14 ). Qua hành vi chữa lành bệnh tật này, Đức Giêsu thể hiện lòng thương xót, nhân từ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả chính là Đức Giêsu đã giải thoát họ về mặt tinh thần. Từ nay họ không còn bị xã hội xa lánh, khinh miệt và nguyền rủa nữa. Cũng kể từ nay, họ được hòa nhập với xã hội và người thân. Đây có lẽ là điều hạnh phúc nhất của họ.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bài Tin Mừng hôm nay đó là đức tin và lòng biết ơn:
Trước tiên, vì tin, những người phong cùi mới kêu lên: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17, 14). Vì tin, họ mới nghe lời Đức Giêsu để đến trình diện tư tế khi chưa lành bệnh. Và, kết quả là nhờ lòng tin, họ đã được lành sạch khi đang trên đường đi trình diện các Tư Tế.
Thứ đến, là lòng biết ơn. Tất cả mười người đều được lành sạch cả, nhưng chỉ có một người trong nhóm họ đến tạ ơn Đức Giêsu mà thôi. Thật chớ trêu thay, người đó lại là người Samaria dân ngoại, còn những người Do Thái thì có những thái độ ngược lại. Thấy vậy, Đức Giêsu mới hỏi: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" (Lc 17, 18-19) . Câu hỏi này vừa nói lên sự ngỡ ngàng và chua chát của Đức Giêsu với người Do Thái, vốn được coi là dân riêng của Thiên Chúa, nhưng đã không hề chân nhận những ơn lành mà Ngài đã thi ân. Thái độ này của họ đã được Đức Giêsu cảnh báo: “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng" (Mt 8, 11).
Cuối cùng, nhờ lòng biết ơn, người Samaria này đã sinh hoa trái về đàng thiêng liêng cho chính mình. Người này được sạch cả bên trong lẫn bên ngoài, còn những người Do Thái thì tuy bên ngoài đã sạch, nhưng tâm hồn của họ vẫn bị thứ bệnh phong cùi vô hình làm cho họ mất cảm thức về ơn cứu độ.
2. Sống Sứ Điệp Lời Chúa
Hôm nay chúng ta được nghe tường thuật bài Tin Mừng Chúa chữa mười người phong cùi về mặt thể lý, và điểm then chốt mà sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh đó là cần phải có niềm tin và lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Đồng thời cũng muốn cho mỗi chúng ta ý thức được mình cũng là người tội lỗi cần được Chúa thứ tha.
Đã nhiều lần ta nghe đâu đó, hay chính chúng ta đã hứa với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho gia đình con được bình an, hạnh phúc, được nhiều người giúp đỡ. Con cái ngoan hiền, thi cử đỗ đạt, gia đình có công ăn việc làm, buôn bán được thuận lợi”, rồi sau đó hứa với Chúa là sẽ thay đổi như: bỏ rượu, cờ bạc, trai gái và chăm chỉ đi lễ nhà thờ, lần hạt, chia sẻ bác ái… . Nhưng khi đạt được rồi thì bỏ luôn không còn nhớ gì hay nếu có nhớ thì cũng làm ngơ không để ý đến lời thề của mình với Chúa, Đức Mẹ và các thánh nữa. Vẫn còn đó câu ngạn ngữ: “Hết rên, quên thầy”; “được chim bẻ ná, được cá quăng nơm”; “chắp tay lạy Đức Chúa Trời, cho con lấy vợ con thôi nhà thờ”.
Mong thay, mỗi người chúng ta hãy có một đức tin mạnh mẽ và luôn mang trong mình tâm tình tạ ơn Chúa để được cứu độ. Hồng ân này đã được kinh Tiền tụng Thánh Thể IV diễn tả: “Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được ca tụng Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tin tưởng vào Chúa như những người phong cùi khi xưa, và xin cho chúng con có thái độ biết ơn như người Samarria trong bài Tin Mừng hôm nay. Ước gì lời tạ ơn của chúng con được Chúa chúc lành và ban ơn cứu độ. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
==================
Suy niệm 4
Hãy là người biết ơn
(Lc 17, 11-19)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến lòng biết ơn và sự vô ơn của con người. Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria thời Êlisê được chữa lành bệnh phong cùi nhờ nghe người của Thiên Chúa xuống tắm bẩy lần ở sông Gio đan. Ông trở lại tôn vinh Thiên Chúa (x.2 V 5, 14-17).
Mười người phong cùi thời Chúa Giêsu thì sao ? Biết Chúa Giêsu đi ngang qua, họ đồng thanh cất tiếng kêu xin, tiếng họ kêu to mang theo niềm hy vọng được Chúa chữa lành : “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi !” (Lc 17, 13). Tiếng kêu của họ vượt qua không gian, phá vỡ ngăn cách, nhất là vọng thấu tới tai Chúa Giêsu là Đấng cứu chữa cả phần hồn lẫn phần xác, cả mười người đã được chữa lành, nhưng chỉ có một người quay trở lại cám ơn Chúa Giêsu; mà người đó lại là một người Samaria dân ngoại!
Vậy là chỉ có một người biết ơn, còn chín người kia không biết có quên ơn không, hay mừng quá về nhà ăn khao, chưa kịp trở lại tạ ơn Đấng chữa lành. Chúa Giêsu phải thốt lên: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” (Lc 17,17-18).
Ngày nay, đạo đức xã hội đang ngày càng bị xói mòn. Trên mặt báo và xung quanh ta, thấy những câu chuyện đau lòng như con phụ công cha, quên ơn mẹ, bỏ nhà ra đi, đánh đuổi cha mẹ, ấy chưa nói đến có người coi trời bằng vung, hoặc sống như thể không có Thiên Chúa, giết cha, hại mẹ nữa. Phải chăng lòng biết ơn đang bị lu mà trong tâm khảm con người.
Tại sao lại vô ơn? Có nhiều lý do: vì người ta không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có ; họ giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và họ sợ nếu nhận ra ơn, họ phải trả ơn, vì thế, họ quên ơn.
Lòng biến ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác. Hầu hết chúng ta thức dậy với tâm trí lơ đãng. Thay vào đó, chúng ta hãy bắt đầu một ngày mới với lòng biết ơn. Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng chẳng bỏ con, chẳng để con hư không đời đời mà lại sinh ra con cho con được làm người… lại gìn giữ con hôm nay được mọi sự lành.v.v..
Biết ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn lao và trọng thể khác Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Vô ơn là tự đào hố để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ. Tạ ơn là lời cầu nguyện tốt nhất bất cứ ai cũng có thể làm. Lời tạ ơn thể hiện lòng biết ơn, sự khiêm tốn và hiểu biết.
“Biết ơn” là một cụm từ rất quen thuộc với mọi người chúng ta. Tạ ơn Chúa, cám ơn người, cám ơn đời, biết ơn ông bà, cha mẹ, biết ơn những người bao bọc, giúp đỡ mình những khi mình gặp khó khăn….Biết ơn là sự ghi nhớ và trân trọng những gì mình nhận được từ người khác.
Lòng biết ơn có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta. Hạnh phúc và thành công đều tạo dựng từ lòng biết ơn. Cho nên từ xưa đến nay, cha ông ta vẫn luôn căn dặn thế hệ mai sau “uống nước nhớ nguồn”, phải luôn khắc ghi công ơn của những người đã cho ta cuộc sống này. Như thế, lòng biết ơn luôn hiện diện xung quanh cuộc đời ta, chỉ là chúng ta không để ýnhận ra thôi. Đừng bao giờ quá bận rộn đến quên nói lời “làm ơn” hay “cảm ơn”. Sống mà không có lòng biết ơn là một cuộc sống vô nghĩa. Nếu đời chỉ là chuỗi những lời oán than về bất công và thua thiệt mà ta đã gặp phải, mà không nhớ đến những may mắn đã từng đến với ta, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị trầm cảm, một căn bệnh thường gặp trong xã hội ngày nay.
Biết ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn lao và trọng thể Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Người đời thường phê phán những kẻ “ăn cháo đá bát”, “có mới nới cũ”, lừa thầy phản bạn, bất hiếu với mẹ cha. Vô ơn là tự đào hố để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ.
Đến với Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay, noi gương người Samaria chúng ta cùng tạ ơn Chúa, cám ơn những người làm ơn cho chúng ta, nhất là xin Chúa biến ta trở nên người luôn biết ơn. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 5
Lòng Tin Vâng Phục Và Biết Ơn
2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19
Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari (đất của dân ngoại) và Galilê. Khi Người vào làng, có mười người phong hủi (cả người Do Thái và Samari) đón gặp Người, nhưng họ dừng lại từ đằng xa vì thân phận cùi, rồi đồng thanh kêu to: “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17,13). Chuyện hay ở đây là cả người Do Thái và người ngoại cùng biết chạy đến với Thầy Giêsu. Họ bị cùng một bệnh, cùng đau khổ, cùng bị loại trừ... Sự hiệp tâm này xóa đi hàng rào ngăn cách với dân ngoại. Họ biết thương nhau, ở chung với nhau, chia sẻ với nhau, cùng “kêu lớn tiếng” với Người.
Đức Giêsu chưa chữa lành ngay, nhưng giục họ đi trình diện tư tế. Họ liền vâng nghe và làm theo ý Chúa. Quả nhiên đang trên đường đi trình diện tư tế thì họ được sạch chứng bệnh quái ác đó. Nhưng câu chuyện Tin Mừng không kết ở đây, mà xảy ra là anh dân ngoại được khỏi lập tức quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Chúa. Anh chỉ biết sấp mình phủ phục dưới chân Chúa mà tạ ơn, có lẽ với hết cả tấm lòng, hết sức. Lòng tin, sự vâng phục, lòng chân thành biết ơn của anh thật đáng nể. Cảnh chênh lệch thái độ giữa hai hạng người làm Chúa phải nghĩ ngợi mà thốt lên: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18). Có lẽ chín người kia đi trình diện tư tế, được nhập lại cộng đoàn sinh hoạt vui vẻ, hết khổ đau tủi nhục lại an nhiên mà quên người đã mang lại tự do hạnh phúc cho mình. Còn anh ngoại giáo sẵn lòng tin mến biết ơn, cảm nhận rõ tình thương của Chúa, nên anh quay trở lại để “gặp gỡ” Đấng đã làm cho anh được sạch. Người khích lệ anh: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” và Người khẳng định rằng: “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. (Lc 17,19). Phút gặp gỡ này đem lại cho anh niềm vui hạnh phúc lớn hơn cả ơn được khỏi bệnh nữa. Gặp gỡ được Đấng thi ân thì hạnh phúc còn lớn lao hơn những gì mình đã được. Anh tôn vinh vì anh nhận thấy tình thương còn lớn lao hơn những thứ khác. Chính Chúa đã chứng nhận lòng anh, phút gặp gỡ này này đã làm nên lịch sử và làm cho cuộc đời anh đổi thay. Anh sẵn sàng tuyên xưng Chúa và sẽ thành lời tạ ơn suốt cả cuộc đời. Những người không nhận ra những ơn mình đã nhận được thì không biết tạ ơn. Còn ai nhận ra và biết cám ơn thì càng thấy mình hạnh phúc hơn gấp bội. Bởi vì lời tạ ơn chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng được tạ ơn lại là hồng phúc để đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Đức tin luôn khởi đi từ lòng khát khao ước muốn cách mãnh liệt, sẵn sàng tìm kiếm và làm theo lời dạy của Chúa. Câu chuyện của anh Samari hôm nay thật giống chuyện của ông Na-a-man, ông quan lớn nhất trong triều đình ngoại giáo trong bài đọc I. Ông vâng phục người của Chúa, kiên trì xuống tắm sông bảy lần rồi được khỏi. Ông đã trở lại gặp người của Chúa để tạ ơn và ông đã tuyên xưng đức tin vững vàng một cách công khai: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây… Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa”. (2V 5,15.17). Trong niềm vui hạnh phúc nên người cho kẻ nhận “giành nhau” mà từ chối. Ân thiêng nhận được còn lớn hơn gấp bội, chứ không dừng lại ở vật chất hay được cái này, cái kia.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô cũng quả quyết: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2Tm 2,11-13).
Lạy Chúa, tình thương Chúa bao la, trải rộng trên hết mọi người không trừ ai. Xin Chúa cho con luôn biết nhìn vào những gì chúng con đang có, mà cảm nhận, tạ ơn Chúa với lòng biết ơn chân thành của những người con luôn được Cha bảo bọc yêu thương trong từng phút giây. Ước gì cả đời con sẽ trở thành một bài ca, thành lời tạ ơn không ngừng dâng lên Thiên Chúa tình thương. Amen.
Én Nhỏ