Thứ bảy, 04/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 26 Thường Niên C

Cập nhật lúc 10:40 26/09/2019
Suy niệm 1
Người giàu và anh Lagiaro nghèo
Một người nghèo có tên
Tin mừng hôm nay vừa kể cho chúng ta về một người nghèo có tên là Lagiaro. Không phải vô tình mà Chúa Giêsu trong dụ ngôn hôm nay đặt tên cho người nghèo khó này. Thông thường, những người nghèo không có tên. Họ lang thang ngoài phố chợ. Họ nghèo, và không còn gì nữa. Nếu người nghèo có tên và chúng ta gọi tên của người đó, sẽ tạo nên một mối ràng buộc gắn kết. Phần chúng ta, đôi khi chúng ta không thèm nhìn đến người nghèo. Người nghèo trong tin mừng hôm nay không được ông chủ giàu có nhìn đến, mà chỉ có con chó của ông đến liếm vết thương của người nghèo. Động vật đôi khi có lòng trắc ẩn hơn chúng ta…!  Chúa Giêsu cũng là người nghèo chứ không phải là một nhân vật trừu tượng, một người nghèo trong số nhiều người khác. Ngài là Thiên Chúa, là "Mục tử nhân lành", biết tên mỗi người chúng ta, mặc dù chúng ta là những người nghèo.
Thật kỳ lạ, người giàu trong dụ ngôn hôm nay lại không có tên. Đó là điều không bình thường ! Người giàu thường được nhiều người biết đến với tên của người đó.  Người ta nói về người đó trong các cuộc trò chuyện và thậm chí đôi khi trên báo chí truyền hình. Và một con đường sẽ có thể mang tên người giàu đó! Nhưng đối với Chúa Giêsu, người giàu này cũng là một con người đối với Ngài. Người giàu này có một gia đình, và thậm chí có năm anh em còn sống. Người này không xấu bởi vì ông giàu. Chỉ có một điều là sự giàu có dễ làm cho con tim của người đó gặp nguy hiểm.
Người giàu trở nên vô thức
Dụ ngôn hôm nay cảnh giác chúng ta sự vô thức về một cuộc sống quá dễ dàng hoặc quá tập trung vào của cải, đặc quyền đặc lợi của chính mình. Khi vô thức như vậy, chúng ta có thể nhanh chóng xây dựng các bức tường, hoặc đào một vực thẳm mà chúng ta sẽ không bao giờ vượt qua. Trong dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta: Đừng chờ đợi cái chết đến thì mới mở mắt ra với cuộc sống! Vì chưng cuộc sống chỉ tồn tại nếu người khác tin tưởng cậy dựa vào chúng ta, và đặc biệt là những người nghèo nhất. Chúng ta hãy ý thức về những gì đang bị đe dọa cuộc sống hàng ngày của chúng ta: các hoạt động hàng ngày của chúng ta, như bức tranh tối và sáng, chúng ta phải quyết định về cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta. Chúa Giêsu thương xót tất cả những người không thể nhìn thấy sự khốn khổ của những người nghèo đang ở trước cửa nhà họ. Ngài muốn khơi dậy trong họ, trong chúng ta, một nhận thức… Có rất nhiều cách chúng ta thờ ơ và thậm chí loại trừ ai đó khỏi mắt chúng ta. Chừng nào người ta không nghèo, thật khó để nhận ra. …
Các tiên tri mở mắt chúng ta
Để mở mắt chúng ta, Chúa Giêsu, trong dụ ngôn này, nói đến Môi-se và các tiên tri. Tại sao? Bởi vì, qua dòng thời gian họ được sai đến giúp chúng ta mở mắt.  Một cách nào đó, họ đến từ Thiên Chúa, họ là những nhà giáo dục, những người thức tỉnh tình yêu. Lời Chúa mà các tiên tri đã truyền cho chúng ta khiến chúng ta khám phá ra rằng khi yêu thương người nghèo, chúng ta cũng khám phá ra sự nghèo khó của chính mình và chúng ta là những người nghèo mà Thiên Chúa yêu thương. Ngài đã cứu độ chúng ta. Chúng ta trở thành con của Ngài và tất cả chúng ta đều là anh em với nhau trong Chúa Kitô. 
Sự thờ ơ của người giàu có hậu quả tai hại ngay trên trái đất này. Vì chưng nếu thờ ơ trên trái đất, thì chính trái đất mà chúng ta thờ ơ đó có thể trở thành một địa ngục. Cảnh cô đơn tuyệt vọng của người nghèo và sự mù quáng của người giàu, dễ gây nên hận thù và bạo lực. Hận thù và bạo lực chắc chắn sẽ gây nên biết bao đau khổ và có khi người nghèo lại là nạn nhân đầu tiên. Đôi khi chúng ta cố gắng sửa chữa sự bất bình đẳng theo luật: điều đó tốt; nhưng người giàu nhất thường có phương tiện để lách luật. Sứ điệp của Thiên Chúa Tình Yêu, qua các tiên tri và các nhân chứng của Ngài, đó là thế giới chỉ thay đổi khi con tim chúng ta thay đổi..Nhưng làm thế nào để làm cho con tim chúng ta thay đổi? . 
Chúng ta có thể thay đổi mọi thứ không?
Những từ ngữ về Bác Ái có thể thay đổi được điều gì không? Dụ ngôn cho chúng ta biết rằng anh em của người giàu không thèm nghe những lời khuyên bảo của một người nào đó từ cõi chết hiện về cảnh báo về sự nguy hiểm mà họ gặp phải. Chúa Giêsu cho chúng ta biết thêm rằng:  “Họ đã có Lời Chúa !” Lời Chúa không phải là bất cứ lời nói nào. Lời Chúa có sức mạnh phi thường thay đổi cuộc sống chúng ta, nếu chúng ta biết cách lắng nghe, và để cho Lời Chúa đụng chạm vào con tim chúng ta. Lời Chúa là một thực tại sống động. Lời Chúa là chính Chúa, là Thần Khí của Ngài gõ cửa con tim  chúng ta. Lời Chúa giúp chúng ta đọc lại đời sống chúng ta và thực hành tình yêu mà Lời Chúa mời gọi. Lời Chúa muốn nói với chúng ta: Hãy học cách cho đi cuộc sống của chúng ta và chúng ta sẽ hạnh phúc. Tất cả những gì không được cho đi, là sẽ mất. 
Nếu Chúa Giêsu gợi lên hình ảnh địa ngục, đó là để chúng ta nhạy cảm với sự hối hận của người giàu đã quá muộn nhận ra mình không biết cách yêu. Người giàu đó giống như một con sâu không chết. Nhưng ngay lúc này, nếu chúng ta xin Chúa Thánh Thần thức tỉnh sự hối hận của chúng ta, thì Ngài vẫn có thể dẫn chúng ta đi xa hơn..! Vào ngày lễ Ngũ tuần, mọi người đều có trái tim bị đâm thủng khi nhận ra rằng họ đã đóng đinh người nghèo và người công chính, người công chính nghèo này là Chúa Giêsu. Nhưng ngay sau đó, họ nói thêm: "Này anh em, chúng ta phải làm gì đây? ". Chúa Thánh Thần làm cho họ khám phá tội lỗi của họ chìm dưới đáy Đại dương Tình Yêu mênh mông của Thiên Chúa. Và ngay lập tức họ đi từ hối hận đến ăn năn và vui mừng. Sau đó, các cộng đồng Kitô giáo đầu tiên, được sinh ra từ nhận thức này, đã thay đổi thế giới thời đại họ đang sống. Đó chính là điều mà lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Đóng kín
Lc 16, 19-31
Chưa khi nào con người có nhiều phương tiện để mở ra với nhau như ngày hôm nay, nhưng cũng chưa bao giờ con người lại đóng kín và sống thiếu tình liên đới như hôm nay. Ngày xưa thì làng trên, xóm dưới đều biết nhau, đầu làng, cuối phố đều thông nhau, còn ngày nay thì dù cùng một con hẻm, cùng một ngõ ngách nhưng lại không hề quen biết đến nhau. Một người bạn đã kể rằng bạn ấy không hề biết gia đình cô hàng xóm cùng ngõ và sát bên cạnh nhà bạn ấy cho đến khi cô trở thành cô giáo dạy anh văn lúc học trung học. Quả thực, ngày nay nhà nào chỉ biết nhà ấy, ra khỏi nhà hay vào nhà xong đều đóng cổng, đóng cửa, sống mà như không có anh em bà con hàng xóm xung quanh, sống bên cạnh nhau mà không bao giờ gặp nhau, đối thoại với nhau. Đó cũng là câu chuyện dụ ngôn ông nhà giàu và Ladarô nghèo khó mà Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay.
Mở đầu dụ ngôn Chúa Giêsu kể về hai con người, hai hoàn cảnh và hai số phận trái ngược nhau,: một bên là ông nhà giàu có cuộc sống sung sướng với đầy đủ tiện nghi sang trọng: lụa là gấm vóc, tiệc tùng linh đình vui vẻ:Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình (c19). Còn bên kia là anh Ladarô thì không chỉ nghèo, đói mà còn bệnh tật đầy mình, không ai bên cạnh ngoài đám chó liếm ghẻ chốc cho anh: Lại có một người nghèo khó tên là Lazarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc của anh ta” (cc.20-21). Điều dụ ngôn làm chúng ta chú ý là hai con người, hai hoàn cảnh và hai số phận trái ngược nhau ấy lại được đặt ở bên cạnh nhau, trước mặt nhau một cách rất gần gũi theo địa lý và thể lý, nhưng lại cũng rất xa cách nhau, không có đối thoại nào với nhau. Giữa ông nhà giàu và Ladarô không có một điểm chung nào ngoài điểm chung như nhau đó là cái chết, cả hai đều phải qua cái chết. nhưng sau cái chết số phận lại được hoán đổi cho nhau: Anh Lazarô được đưa vào lòng ông Abraham, tức là anh được ban cho một vị trí danh dự gần bên ông Abraham trong bàn tiệc thiên thai (x. 13,28). Còn ông nhà giàu lại phải chịu cực hình dưới âm phủ: “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: `Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ ( 23-26)
Những gì ông nhà giàu đang phải chịu không phải do ông giàu, cũng không phải do ông làm ăn bất chính, trộm cắp, giết người… nhưng là do ông đã không ngó ngàng gì tới Ladarô, do ông đã không làm gì cho Ladarô ngay trước cổng nhà mình dù ông có thấy và có biết, nhưng ông sống như không thấy, không biết.  Lỗi của ông là đóng kín cửa cổng, đóng kín cửa nhà, đóng kín cửa lòng và đóng kín cửa trái tim mình, chỉ biết đến mình, chỉ sống cho mình và sống theo những vui thú của mình, chỉ loay hoay vun vén cho hạnh phúc riêng mình. Lỗi của ông là thờ ơ, vô tâm với nhu cầu của người xung quanh, điển hình là nhu cầu của Ladarô ngay ngoài cổng nhà ông, lỗi của ông là không làm gì để rút ngắn khoảng cách, để phá đổ ngăn cách giữa ông và Ladarô khi còn sống ở trần gian nên khoảng đó đã bị đào sâu hơn và không gì lấp đầy được ở đời sau, dù ông có van xin năn nỉ thì vẫn bị chối từ: Ông Áp-ra-ham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên đó cũng không được, vì đã muộn rồi.
Ông nhà giàu và Ladarô với hai số phận hoàn toàn trái ngược nhau đã chẳng thể gặp nhau dù chỉ cách nhau vài bước chân, đã có một vực thẳm ngăn cách họ cả một đời người ở trần gian, rồi cái chết đến không đưa họ lại gần nhau mà còn đóng ấn dứt khoát và vĩnh viễn họ không thể gặp nhau. Vực thẳm ngăn cách hai người ở thế giới bên kia cái chết chính là vực thẳm kéo dài mà ông nhà giàu đã không làm gì cả để lấp đầy trong lúc cả hai người còn sống.
Suy gẫm:
  1. Suy xét xem có vực thẳm nào đang tồn tại giữa tôi và anh chị em không?
  2. Tôi có đang giàu có về quyền hành, về tri thức, sức khỏe, khả năng, thiêng liêng… sự giàu có đó có là ngăn cách tôi với anh chị em không?
  3. Vẫn có một Ladarô nghèo khó đang ở trước cửa cuộc đời tôi, bên cạnh tôi, tôi có nhận ra những nhu cầu của họ không? tôi đã và còn sẽ làm gì cho họ?
  4. Chúa Giê su từng nói; người nghèo lúc nào anh em chẳng có bên cạnh (Mc 14,7), vực thẳm về nghèo khó và giàu có về vật chất lẫn tinh thần vẫn đang chờ tôi lấp đầy bằng mở rộng sẻ chia và yêu thương?
Nữ tu: Maria Đỗ Thị Hiến
======================
Suy niệm 3
Tình thương phải bắt đầu từ đâu ?
Bài đọc 1 Chúa Nhật tuần này tiếp nối lời ngôn sứ Amos công kích người giàu có mà sống vô cảm, dửng dưng, không có tình thương. Với lối nói cay độc chua chát, Amos đã tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những kẻ giàu có đang hưởng thụ xa hoa mà không biết xót thương người khốn khổ. Của cải vật chất đã trở thành bức tường khép kín, người giàu có sống an toàn mãn nguyện trong không gian riêng mình. Chính họ đã tạo ra khoảng cách vực thẳm. Họ không cần Thiên Chúa cũng chẳng cần biết đến tha nhân, khoảng cách đó lớn dần và kéo dài đến đời sau.
Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do con người đã tạo ra ở đời này. Sau khi chết, không còn có thể thay đổi được số phận. Địa ngục là do con người tự tạo ra từ đời này.
1. Khoảng trống không thể kết nối
Tác giả Ron Rolheiser viết: Chúa Giêsu dạy rằng có địa ngục và ai cũng có khả năng sa vào đó. Nhưng địa ngục mà Chúa Giêsu nói không phải là một nơi chốn hay tình trạng, lúc người ta nài xin một cơ hội cuối cùng, chỉ xin thêm một phút trong đời để làm một hành động ăn năn hối hận, nhưng Thiên Chúa lại khước từ. Thiên Chúa hiện thể và mặc khải trong Chúa Giêsu, là Thiên Chúa luôn mãi mở ra cho sự ăn năn, luôn mãi chờ đợi chúng ta trở về từ những nẻo đường hoang đàng.
Với Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ hết cơ hội. Bạn có thể hình dung Thiên Chúa nhìn một con người ăn năn, mà nói rằng: ‘Xin lỗi! Với con, đã quá muộn rồi! Con đã có cơ hội! Đừng xin thêm nữa!’ Chúa Cha không như thế.
Nhưng các Phúc âm lại có thể khiến chúng ta có ấn tượng như thế. Ví dụ như, dụ ngôn về người giàu làm ngơ người nghèo trước cửa nhà mình, rồi ông chết và vào hỏa ngục, còn người nghèo Lazarô giờ ở trên thiên đàng trong lòng của Abraham. Giày vò trong địa ngục, người giàu xin Abraham sai Lazarô cho ông ít nước, nhưng Abraham trả lời rằng có một khoảng trống không thế kết nối giữa thiên đàng và địa ngục, và không ai từ bên này qua bên kia được. Đoạn này cùng với lời cảnh báo của Chúa Giêsu trong dụ ngôn tiệc cưới, là một sự chấm dứt bất di bất dịch, khiến dẫn đến một hiểu lầm chung rằng, có một điểm một đi không trở về, một khi vào địa ngục là quá trễ để ăn năn.
Nhưng đó không phải là lời dạy trong những đoạn văn này cũng như trong những lời Chúa Giêsu cảnh báo phải ăn năn sám hối. Khoảng trống không thể kết nối mà dụ ngôn người giàu và Ladarô, là môt khoảng trống không bao giờ kết nối trong đời này giữa người giàu và người nghèo. Và nó vẫn còn không thể kết nối, là bởi sự ngoan cố, không biết động lòng, thiếu ăn năn, chứ không phải bởi Thiên Chúa hết kiên nhẫn mà nói rằng: ‘Đủ rồi! Không còn cơ hội nào nữa!’ Nó vẫn không thể kết nối là bởi, chúng ta theo lề thói mà bám chặt vào những đường lối không thể thay đổi tâm hồn và có sự ăn năn thật.
Dụ ngôn người giàu và Ladarô thực sự rút ra từ một câu chuyện Do Thái cổ hơn nữa, minh họa sự ngoan cố này: Trong dụ ngôn Do Thái, Thiên Chúa nghe lời kêu xin của người giàu từ địa ngục xin một cơ hội thứ hai, rồi ban cho ông toại nguyện. Người giàu, giờ có những giải pháp mới, trở lại cuộc đời, và đi thẳng đến chợ, mua thức ăn chất đầy xe. Trên đường về nhà, ông gặp Ladarô. Ladarô xin người giàu một ổ bánh. Người giàu nhảy khỏi xe và đưa cho Lazarô một ổ, nhưng bởi đó là một ổ bánh lớn, nên cái tôi cũ của ông bắt đầu phản ứng. Ông bắt đầu suy nghĩ. ‘Người này không cần cả ổ bánh lớn! Tại sao không đưa cho nó một phần thôi! Và tại sao lại đưa bánh mỳ mới, ta có thể cho nó bánh mỳ khô mà!’ Ngay lập tức, người giàu thấy mình rơi xuống hỏa ngục. Ông ta không thể kết nối qua được khoảng trống đó. (J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ “Our Fear of Hell”).
Dụ ngôn phú hộ và Ladarô cho thấy có một khoảng trống không thể kết nối ở đời này và đời sau.
Sống ở đời này, phú hộ dư ăn dư mặc, Ladarô nghèo nàn đói lả. Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, Ladarô rách nát tả tơi. Phú hộ nhà cao cửa rộng, Ladarô lê lết bên cổng ăn xin. Phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, Ladarô không có một chút bánh để ăn. Người sống chốn thiên đàng dương thế, kẻ chịu cảnh hoả ngục trần gian.
Cái chết đến và tất cả đều đảo ngược. Đời sau, Ladarô được đưa lên mây trời, phú hộ bị đày xuống vực thẳm. Ladarô được hưởng phúc thiên đàng, phú hộ phải trầm luân hoả ngục. Có một khoảng cách nghìn trùng giữa hai người mà bên này muốn qua bên kia không được và bên kia muốn qua bên này cũng không thể. Ladarô hạnh phúc trong cung lòng tổ phụ Abraham. Phú hộ chịu cực hình nài xin với Abraham “sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát vì ở đây bị lửa thiêu đốt”. Khi chết, Ladarô đã tìm được những người bạn hữu: các thiên thần, Abraham tổ phụ, những người có đức tin.  Ngược lại, phú hộ chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta: hỏa ngục, chính là nỗi cô đơn. Nhất là ông vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa, vì đã sống xa cách anh em. Ðây là một cực hình khủng khiếp nhất.
2. Tình thương phải là căn tính.
Xét cho cùng, ông phú hộ bị trầm luân địa ngục vì tội vô tâm, hững hờ, sống dửng dưng trước nỗi cùng khốn của tha nhân. Ông không có tình thương.
Vì Tình thương là căn tính của con người, nên thiếu Tình thương là sự nghèo khó thảm hại và nguy hiểm nhất. Nó tác động đến bản chất, nó làm cho con người ra thoái hóa, bần tiện và vong thân. Nó hủy diệt con người từ tâm hồn đến dung mạo, nó hạ thấp con người. Thánh Phaolô viết: "Giả như tôi được nói tiên tri, được thông hiểu mọi điều bí nhiệm và mọi lẽ cao siêu nhưng không có lòng mến, thì tôi chẳng là gì" (1Cr 13, 2). Ðó là tình cảnh của những người độc ác, những kẻ giết người, những tên tội phạm chiến tranh, những người nặng óc kỳ thị, thù oán, vu khống, ích kỷ, vụ lợi, tham ô, làm giàu trên xương máu của người khác. Sự nghèo thiếu căn tính này càng gia tăng khi nó xuất phát từ những bè phái, những băng đảng, những nhóm lợi ích, những tập đoàn chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của phe nhóm mình mà chà đạp trên nhân phẩm, nhân quyền, sự sống và hạnh phúc của người khác hay của những dân tộc khác.
Ðối diện với những người hay những tập đoàn giàu có đầy quyền lực và quyền bính nhưng thiếu tình thương này là hàng triệu và có khi cả tỷ người cùng khốn, cô đơn, tàn tật, bệnh hoạn, bị bỏ rơi, bị xã hội khai trừ. Họ đang khao khát tình yêu, lòng thương xót, sự chia sẻ, sự cảm thông như người hành khất Ladarô không được chiếu cố, yêu thương và nâng đỡ.
Bài đọc một và bài Tin mừng đều mở một cuộc xét xử những người giàu có. Tội của những người giàu là sống trong dư dật mà không biết nghĩ đến những người túng quẫn. Sự giàu sang thừa thãi làm cho người ta không còn nhạy cảm với những đau khổ của những con người sống bên cạnh họ, làm cho người ta thành đui mù điếc lác trước nhu cầu của người khác.

Cả hai hạng người thiếu tình thương nói trên đều đáng thương. Thế giới hôm nay, giàu về vật chất, nhưng lại nghèo nàn về tình thương. Có những nước không ngần ngại bỏ ra những số tiền khổng lồ để mua sắm vũ khí. Có những chính phủ đốt hằng ngàn tỷ đồng để xây “tượng đài nghìn tỷ”, xây cất cơ quan dinh thự xa hoa, trong khi người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, học sinh đi học phải đu dây qua sông, người nghèo chết phải bó xác chở về nhà bằng xe honda...Chỉ mới hai ông Danh và Thanh thôi mà đã gây thất thoát cả 10 ngàn tỷ đồng (Ngày 9-9-2016, Tòa án nhân dân TPHCM đã kết án ông Phạm Công Danh 30 năm tù vì làm thất thoát của nhà nước 9.000 tỷ đồng. Tối 16-9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC với tội danh "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Ðó là chưa nói đến sự chênh lệch giữa người giàu với người nghèo, giữa những người được ưu đãi nhờ thời thế, thân thế 5 c (con cháu các cụ cả) và những người cô thân cô thế. Nền văn minh xã hội cần được xây dựng không phải trên của cải vật chất, mà trên tình thương: Nền Văn Minh Tình Thương.
3. Tình thương phải bắt đầu từ đâu ?
Một người nhà giàu nằm mơ thấy một đám rất đông những người nghèo và những người bệnh tật đang kêu xin giúp đỡ. Cảnh tượng ấy khiến ông xúc động và hạ quyết tâm sẽ đi tìm để giúp những người ấy. Sáng hôm sau ông lên xe đi tìm. Vừa ra khỏi cửa nhà, ông gặp ngay một người ăn mày đang ngửa tay xin tiền. Ông định dừng xe lại, nhưng tự nghĩ hãy đi thêm để biết thêm. Chiếc xe chạy qua những con đường, những khu chợ, những quãng trường… Càng đi ông càng thấy những người nghèo khổ đông quá. Trong đầu ông bắt đầu vẽ ra rất nhiều dự án để cứu giúp rất nhiều hạng người. Nhưng ông bối rối chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Đến chiều, ông quay xe về nhà, và gặp lại người ăn mày trước cổng, với cũng một tư thế ấy và những lời van xin ấy. Tối hôm đó ông lại nằm mơ và lại nghe thấy những tiếng kêu xin cứu giúp. Nhưng lần này những tiếng ấy không xuất phát từ đám đông, mà từ chính người ăn mày nằm trước cổng nhà ông. Và ông hiểu ra: phải bắt đầu từ chính người ăn mày ấy.
Mẹ ThánhTêrêsa Calcutta nói: "Tôi luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố… Yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình mới là khó. Tôi không đồng ý với những cách làm ồn ào. Tình thương phải bắt đầu từ một cá nhân: muốn yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc với người đó, gần gũi với người đó". Ngài còn kể: "Lần kia tôi đi dự một hội nghị ở Bombay về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi thấy một người đang hấp hối. Tôi đưa người ấy về nhà, sau đó người ấy chết, chết vì đói. Đang lúc đó bên trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng hái bàn luận về nạn đói và về vấn đề lương thực: làm thế nào để có lương thực, để có cái này, để có cái kia… Đang lúc họ vạch ra kế hoạch cho cả 15 năm, thì người này phải chết vì đói". Ngài nói tiếp: "Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến những cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Toàn thể công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu đi một giọt".
Người giàu thật là người biết cho, người nghèo thật là người chỉ biết nhận. Người giàu thật là người có rất ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đủ, người nghèo thật là người có quá nhiều nhu cầu nên luôn cảm thấy thiếu. Sự giàu có thật là giàu trong tâm hồn, sự nghèo nàn thật là một tâm hồn trống rỗng. Bởi vậy cái giàu vật chất thường hay đi đôi với cái nghèo tâm hồn.
Xin đừng sống dửng dưng, thờ ơ, khép kín trước người nghèo, mà luôn chạnh lòng xót thương như Chúa Giêsu đã thương những người cùng khốn.
Hãy sống quảng đại cho đi, vui vẻ chia sớt, không chỉ của cải vật chất mà có khi chỉ là một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay khích lệ, một lời nói an ủi đở nâng, một lần viếng thăm, một cuộc gặp gỡ kiến tạo sự hiệp nhất bình an. Khi chia nụ cười, ta sẽ nhận về vô số niềm vui. Khi chia vòng tay, ta sẽ nhận về mênh mông ấm áp. Khi chia quan tâm, ta sẽ nhận về bao la yêu thương. Khi chia yêu thương, ta sẽ nhận về rất nhiều hạnh phúc.
Siêng năng đến với Chúa Giêsu nhận lãnh tình thương để chúng ta chân thành trao ban tình thương mỗi ngày cho anh em.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 4
ĐỪNG “DỬNG DƯNG” VÀ “VÔ CẢM” NHƯ THẾ!
(Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31)
Trong bài viết Giới trẻ trước căn bệnh vô cảm”, đăng trên vietcatholic.net, tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình, M.F. đã nhận định như sau: “Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi, giúp cho con người […] tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến ‘bệnh vô cảm’”. Và, tác giả xót xa cho truyền thống nhân văn của dân tộc đang bị gậm nhấm và sói mòn. Thật vậy, còn đâu câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; hay “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; hoặc “Thương người như thể thương thân…?”.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sự “vô cảm”, “dửng dưng”, trước nỗi thống khổ của người anh em. Một Lazarô nghèo khổ, bệnh tật nằm ở ngay gầm cầu thang của nhà phú hộ. Một khoảng cách rất gần về không gian, nhưng tiếc thay, chính sự gần gũi đó lại làm cho họ xa nhau trong cuộc sống vĩnh cửu!
1.  Ý Nghĩa Lời Chúa
Người phú hộ giàu có hôm nay được thánh Luca trình bày rất gợi cảm: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16, 19). Tác giả không nói rõ người đó to cao, mập mạp thế nào? Nhưng cứ sự thường thì đây phải là một người tốt tướng. Ông ta mang trên mình những thứ sang trọng theo kiểu cung đình. Ông được nhiều người hầu hạ. Và, ăn uống tối ngày với những món ăn đặc sản thời bấy giờ. Nhưng ngược lại với hình ảnh của nhà phú hộ, là một Lazarô nghèo khổ: “Có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu” (Lc 16, 20). Hai hình ảnh của hai con người trái ngược nhau ngay trong một căn nhà.
Nếu ông phú hộ là một người oai phong lẫm liệt, thì Lazarô lại là một người thấp cổ bé họng, bệnh tật.
Nếu ông phú hộ mặc những thứ vải vóc sang trọng, thì Lazarô có lẽ chỉ có mảnh vải rách che thân.
Nếu nhà phú hộ ăn uống linh đình, thì Lazarô chỉ mong được những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống mà cũng không ai cho. Chỉ có những con chó đến liếm ghẻ chốc của Lazarô mà thôi.
Một sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Tuy nhiên, hình ảnh đó đã bị đảo lộn khi cả hai cùng chết. Tin Mừng cho thấy: “Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16, 22). Chính cái chết làm cho tình trạng của hai người hoán đổi cho nhau. Tại sao lại có tình trạng như vậy? Thưa, chính là sự “vô cảm”; “dửng dưng” của nhà phú hộ khi còn sống.
Tin Mừng làm nổi bật sự mỏng dòn của tiền bạc, một lúc nào đó tiền của không còn là chỗ dựa duy nhất. Hình ảnh của nhà phú hộ luôn coi tiền bạc như lá bùa hộ mệnh của mình; còn Lazarô thì sống dở, chết dở ngay ở cổng nhà ông. Vì vậy, ông chỉ còn một chỗ dựa duy nhất đó là Thiên Chúa.
2. Sứ Điệp Lời Chúa
Trong cuộc sống, hẳn mỗi chúng ta đều biết câu ngạn ngữ: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Sự giàu sang ở đời không đảm bảo được sự sống. Mọi người đều có thể chết bất cứ lúc nào. Muốn cho cuộc sống của mình có hậu sau khi chết, thì hãy chuẩn bị cho mình những giấy “thông hành” chính là tình huynh đệ, lòng bác ái, yêu thương ngay khi còn sống. Đây là cách làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Hạnh phúc hay không là do thái độ của mỗi người khi còn sống. Nhà phú hộ trong dụ ngôn ta không thấy có những chuyện bóc lột, đàn áp, hay có lối sống bất chính. Như vậy, ông không có lỗi để đáng phải trừng phạt nơi hỏa ngục. Trong toàn dụ ngôn, Đức Giêsu không nói về bất cứ lỗi nào ông ta phạm, chỉ đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau khi sống và lúc chết. Như vậy, tội của nhà phú hộ kia chính là sự “vô cảm”; “dửng dưng” với người anh em đang đau khổ.
Hai thái độ, dẫn đến hai sự lựa chọn và đi đến những hệ quả khác nhau. Nhà phú hộ thì an tâm vì của cải dư thừa mình có; còn Lazarô thì nghèo khổ, ốm đau; nhà phú hộ giàu về vật chất, nhưng ông lại quá nghèo về tinh thần chia sẻ; Lazarô thì nghèo về vật chất, nhưng ông lại rất giàu về đường thiêng liêng. Chính vì vậy, nên sau khi chết, Lazarô lại là người giàu, còn nhà phú hộ lại là kẻ nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa. Lazarô được hạnh phúc, còn nhà phú hộ thì đau khổ. Một khoảng cách vĩnh viễn được thiết lập. Cuộc chơi đã hết. Thắng bại phân minh.  
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: giàu có không hẳn là tội, và nghèo chưa chắc đã phải là nhân đức. Nó trở nên tội hay không là do thái độ lựa chọn và sử dụng nó. Nước Trời không có chỗ cho những người ích kỷ, vì đã không biết yêu thương, do thái độ “vô cảm”; “dửng dưng” trước nỗi khốn cùng của anh chị em.
3.  Sống Lời Chúa hôm nay
Mọi sự đều bởi Chúa mà ra, từ Chúa mà đến”.  Thật vậy “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Khi đã xác định như thế, chúng ta chỉ là người quản lý của Thiên Chúa mà thôi. Nếu quản lý tốt và biết sinh lợi cho Chúa thì Chúa để cho chúng ta tiếp tục, nếu không biết cách sinh lời thì Chúa cất đi. Chuyện làm lợi cho Chúa là gì nếu không phải là tình liên đới, bác ái với những người nghèo chung quanh chúng ta hằng ngày. “Hữu lộc bất khả hưởng tận” thật đúng với tinh thần Kitô giáo, có lộc không nên một mình hưởng, cần phải nghĩ đến người khác.
Chúa không phạt nhà phú hộ vì ông ta giàu. Chúa cũng không cổ súy cho sự nghèo nàn của Ladarô. Nhưng Chúa mời gọi hãy sống có sự liên đới với nhau để người giàu không dư, người nghèo không đói. Vì thế, ngay từ khi còn sống trên trần gian này, chúng ta hãy gấp rút sửa mình để kẻo quá trễ như nhà phú hộ. Mọi chuyện sẽ có ngày phân định. Cái chết chính là lúc phân minh. Thưởng hay phạt chính là lúc này.
Nhưng, thật xót xa cho xã hội của chúng ta, vẫn còn đó những nhà phú hộ giàu có “dửng dưng”; “vô cảm”. Thật vậy, căn bệnh này đang trong tình trạng báo động. Vì thế, chúng ta hãy “tiêu diệt” căn bệnh này một cách triệt để, bằng cử chỉ yêu thương, tình liên đới. Bao lâu, một xã hội không biết cách vượt ra khỏi căn bệnh trên,  là một xã hội chết! Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri (x. Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình, M.F. “Giới trẻ trước căn bệnh vô cảm”, đăng trên vietcatholic.net ).
Ước gì, xã hội chúng ta có nhiều người quay lưng lại với sự “vô cảm”; “dửng dưng” và hướng lòng về “tình yêu thương”. 
Lạy Chúa Giêsu, giàu không phải là tội, mà nghèo chưa chắc đã là nhân đức. Xin cho mỗi người chúng con biết sống tình liên đới trong cuộc sống, để dù giàu hay nghèo, chúng con trở thành những người quản lý trung tín và khôn ngoan của Chúa. Xin cũng cho chúng con đừng rơi vào tình trạng “dửng dưng”; “vô cảm” như nhà phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay. A men.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
======================
Suy niệm 5
Đừng Vô Cảm
(Lc 16, 19-31)

Nhân loại đang sống trong một thế giới với các phương tiện hiện đại tân kỳ. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rôbốt, người ta đang cố gắng tạo ra rôbốt thật giống người hơn để giúp con người trong các việc nặng nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều, trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chíp “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh.  
Nhìn thấy cái xấu, cái ác không bất bình. Thấy Chân, Thiện, Mỹ mà không ngưỡng mộ. Gặp cảnh bi thương lại thờ ơ, không động lòng thương xót, không rung động tâm can. Giá trị đạo đức bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật và cá nhân chủ nghĩa, dẫn đến “bệnh vô cảm”. Bệnh này thể hiện ở chỗ, không động lòng trắc ẩn trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội đang xảy ra. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác. Vậy đó còn là con người không, hay chỉ là xác khô của một cỗ máy?
Lời Chúa hôm nay vang lên như tiếng chuông báo động về việc thực thi lòng thương xót: “Phúc cho những ai có lòng thương xót, thì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta gắn liền với lòng thương xót của chúng ta đối với người lân cận. Câu chuyện về người nhà giầu và anh Lagiarô là một bằng chứng.
Chi tiết “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19) chứng tỏ đây là người không có nhân đức chừng mực ; nhưng không nói ông đã làm giầu cách bất lương, hoặc từ chối lời xin của Lagiarô, vì Lagiarô không có xin: ông dùng của cải ông có. Tương phản với “anh Lagiarô nghèo, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc” (Lc16,20), gợi lên những chỉ trích phê bình. Cảnh này nhắc lại lời quở trách nặng nề của Con Người trong ngày sau hết: “Ta đã đói và các ngươi không cho ăn, đã khát và các ngươi đã không cho uống, đã trần truồng và các ngươi đã không cho mặc” (Mt 25,42-43). Khi loại trừ Lagiarô, ông đã không để ý gì đến Chúa. Người phú hộ có điều kiện, ông chè chén, đó là việc làm của ông ; nhưng ông không động lòng trắc ẩn trước kẻ khó nghèo nằm ở cổng nhà mình là một điều không thể chấp nhận được.
Sự kiện bất ngờ ập đến là cả nhà phú hộ và anh Lagiarô nghèo cùng chết, cùng chịu xét xử. Đức Giêsu cho thấy, bản án thật nghiêm khắc : người nghèo vui mừng và đầy tràn hoan lạc, được đem vào lòng Abraham, vui mừng giữa triều thần thánh. Còn nhà phú hộ được đem chôn vào lòng đất (x. Lc 16,22). Mỗi người bằng bắt đầu cuộc sống của mình sau cái chết: người nghèo được tách khỏi thế gian này, anh có thể được cất nhắc lên trời ; người giầu khám phá ra sự hư không của một cuộc đời với những thú vui trần thế.
Thật đáng ngạc nhiên khi tình thế hoàn toàn bị đảo ngược sau khi chết, cuộc đối thoại giữa Abraham và nhà phú hộ khẳng định điều đó : nhà phú hộ đau khổ tột cùng, ông nài xin Lagiarô cho ông một chút nước để làm mát lưỡi. Thật không thể nào hiều nổi một ‘vực thẳm’ ngăn cách, khiến người ta không thể làm được một cử chỉ nào với lòng thương xót. ‘Vực thẳm không thể qua được này’ đề cập đến sự cần thiết phải hoán cải ngay lập tức. Lời Chúa hôm nay thêm một động lực giúp ta thực hành Lời Chúa tuần trước là : “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời” (Lc 16, 9).
Nhà phú hộ không bị kết án vì của cải của mình, ông bị kết án vì bênh vô cảm, không có khả năng cảm thương đồng loại là Lagiarô, đại diện cho tiếng kêu thầm lặng của người nghèo thuộc mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới, trong đó các của cải và tài nguyên mênh mông nằm trong tay một ít người.
Đây là một bài học đắt giá cho mỗi người chúng ta. Vậy, hãy mở tâm hồn đối với những người đang sống trong tình trạng bấp bênh, đau khổ; những anh chị em bị tước đoạt phẩm giá. Hãy phá vỡ hàng rào của sự dửng dưng lãnh đạm là thái độ đang lan tràn, che đậy sự giả hình và ích kỷ.
Vui mừng thực thi những công việc bác ái về thể lý và tinh thần, “để thức tỉnh lương tâm ngái ngủ của chúng ta trước thảm trạng nghèo đói” và đừng quên rằng “vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về đức bác ái” (lời Thánh Gioan Thánh Giá).
Xin Chúa đánh động trái tim chúng ta, để chúng ta nhận ra những người nghèo khó, rách rưới, đang cần đến miếng cơm của thương xót, chiếc áo của lòng từ bi, che phủ những vết ghẻ chốc, vực dậy và gìn giữ phẩm giá cao quý của con người, và không từ chối giúp đỡ họ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

====================
Suy niệm 6
Hạnh Phúc Trong Chúa

Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31
Hôm nay Đức Giêsu kể một dụ ngôn hay như chuyện cổ tích: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho  no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.” (Lc 16, 19-21). Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra, chênh lệch giàu nghèo quá độ! Ở gần nhau, ngay trước cổng thế mà “hố ngăn cách” giàu nghèo như vực thẳm. Vậy mà sau cái chết, số phận vui buồn sướng khổ lại đảo ngược, giờ đến lượt ông nhà giàu kêu cứu: “Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16,24). Phải chăng những kẻ nghèo đói khốn khổ bần cùng đều an tâm sau này mình có chỗ “trên đó”, còn những người giàu sụ, ở nhà lầu máy lạnh, đi xe hơi, tiêu tiền đô lại phải “nhào xuống âm phủ” hết sao?
Tin thế nào sẽ sống như vậy. Cách sống biểu tỏ những điều con người tin. Ông nhà giàu đặt niềm tin nơi sự giàu có, sức phàm nhân của mình. Ngày ngày ông chỉ biết nhắm mắt hưởng thụ như chẳng hề có Chúa. Ông Ladarô khốn khổ tột cùng nằm trước cổng mà ông như không thấy gì hết. Ông tưởng mình giàu có hạnh phúc mà không biết mình đang bất hạnh nghèo nàn. Còn Ladarô tin nơi Thiên Chúa. Trong Chúa, ông đang khổ đau mà như chẳng thấy đau khổ, không kêu ca trách móc, không “đói ăn vụng, túng làm càn”. Ông đang bất hạnh đói nghèo mà đời vẫn xanh tươi hạnh phúc.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos cũng cảnh báo lối sống hưởng thụ, dửng dưng trước cảnh khốn cùng của người khác sẽ có ngày phải trả giá: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Sion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari. Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao; như Đavid, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ! Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!” (Am 6,1a.4-7).
Chúa ơi! nếu chúng con luôn sống có Chúa, với Chúa trong từng giây phút trong cuộc đời này, thì dẫu chúng con có nghèo tình, nghèo tiền, nghèo sức cũng chẳng can chi. Sự giàu có, hạnh phúc của chúng con là chính Chúa. “Kìa nhìn xem Cha thánh Đa Minh đơn sơ ra đi là người bộ hành hát xướng nghèo nàn vẫn vui…”. (Thánh ca). Nếu chúng con đang giàu mà ở trong Chúa chúng con cũng chẳng sợ. Vàng bạc, kho báu của chúng con là chính Chúa, mấy thứ kia giúp chúng con thăng tiến cuộc sống và “mua” anh em thôi. “Ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng.” (Cr 7, 29-31).
Én Nhỏ
                                              
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày hành hương Năm Thánh tại Giáo hạt Nghĩa Lộ
Ngày hành hương Năm Thánh tại Giáo hạt Nghĩa Lộ
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 01 tháng 01 năm 2025, tại Giáo xứ Vĩnh Quang, Giáo hạt Nghĩa Lộ đã long trọng tổ chức ngày hành hương của toàn giáo hạt, khai mở Năm Thánh 2025.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log