Thứ tư, 01/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm A

Cập nhật lúc 10:39 05/12/2019
Suy niệm 1
Hãy ăn năn thống hối vì nước trời gần đến
Mt 3, 1-12
Các bài đọc phụng vụ lời Chúa hôm nay có thể được tóm lại trong 2 tư tưởng chính, đó là: một lời hứa hạnh phúc và một lời mời gọi chúng ta ăn năn thống hối.
Bài đọc I, tiên tri Isaia nói với chúng ta về lời hứa ban hạnh phúc. Thiên Chúa sẽ sai Đấng Cứu Độ đến không phải là để xét đoán theo dáng vẻ bên ngoài: “Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy sự công minh mà xét xử những người nghèo khó và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở”. Đấng Me-si-a cứu độ này sẽ làm phát sinh một thế giới mới, thế giới mà “sói sống chung với chiên; sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau”, một thế giới mới không bạo lực, không ghét ghen, một thế giới tình bạn và tình huynh đệ.
Một thế giới mà thánh Gioan Tông Đồ mô tả trong Sách Khải Huyền: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. họ sẽ là Dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ dã biến mất”.
Và bài Tin Mừng, Chúa Giê-su nói rằng: niềm hy vọng đó chúng ta có thể bắt đầu thực hiện ngay từ bây giờ. Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy có biết bao nhiêu điều tốt đẹp ngay trong gia đình, họ đạo, giáo xứ, bệnh viện và nơi làm việc của chúng ta mà chúng ta có thể làm được. Các bài đọc Phụng vụ hôm nay là một lời mời gọi chúng ta góp phần vào công cuộc tạo dựng một thế giới mới.
Để thực hiện được lòng Chúa mong ước, Gioan Tẩy Giả nhắc nhở chúng ta là cần phải trở về. Ngài mời gọi chúng ta thay đổi đời sống cũ và bắt đầu sống yêu thương và an bình mọi ngày trong đời sống: “Hãy ăn năn thống hối vì nước trời gần đến”.
Chúng ta thường nghĩ rằng sự ăn năn thống hối chỉ dành cho người khác. Không phải như vậy! Chính mỗi người chúng ta rất cần điều đó. Graham Greene nói: “Người ki-to là một người trở về mỗi ngày”.
Đối với mỗi người chúng ta, Mùa Vọng này có là một thời gian để canh tân, thay đổi và trở về không? Cách thế mừng lễ Noel tốt nhất, đó là chúng ta phải trở về:
- Tôi có thể làm được gì để đời sống của tôi cũng như của người khác được hạnh phúc hơn?
- Phải chăng tôi có thể thay đổi tính khí hung hăng?
- Phải chăng tôi có thể thay đổi ý định của tôi muốn làm hại người khác?
- Phải chăng tôi có thể thay đổi thói lười biếng, không làm điều gì tốt cho người khác, cho giáo họ, cho giáo xứ?
- Phải chăng tôi có thể thay đổi tính kiêu ngạo, không chịu đi bước trước để tha thứ cho anh chị em tôi?
Mùa vọng báo trước lễ Noel đến gần. Chúng ta đừng để cho những hàng hóa bên ngoài đánh mất ý nghĩa quan trọng của ngày lễ.
- Trở về có nghĩa là đổi hướng. Trở về không phải chỉ một lần, nhưng là nhiều lần. Vì thế, vào phần mở đầu mỗi thánh lễ, chúng ta đều cử hành nghi thức thống hối nhìn nhận mình là tội nhân và xin Thiên Chúa tha thứ.
Trở về cũng là sống lại bí tích rửa tội của chúng ta mỗi ngày. Chúng ta chỉ lãnh nhận bí tích Rửa Tội một lần, nhưng suốt cả đời sống chúng ta có thể canh tân bí tích đó để chúng ta thực sự trở nên con cái Thiên Chúa, người ki-tô hữu đích thực. Càng canh tân bí tích Rửa Tội, chúng ta càng sống thân mật với Chúa Ki-to hơn.
Sau Thánh Lễ, chúng ta trở về gia đình chúng ta, nhưng đừng bao giờ quên thực hiện lòng mong ước của Thiên Chúa, đó là trở về trong yêu thương và bình an ngay trong gia đình, làng xóm, họ đạo, giáo xứ và nơi làm việc của chúng ta. Đó là ơn gọi của người kito và cũng là mục đích của Mùa Vọng này !
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói với chúng con qua Gioan, vị Tiền Hô của Chúa: “Hãy ăn năn thống hối vì nước trời gần đến”. Lạy Chúa chúng con biết điều đó! Chúng con không thể vào Nước Chúa được, nếu chúng con không thay đổi cuộc sống, để bước đi theo con đường của Chúa. Cậy nhờ lòng từ bi nhân hâu và hay tha thứ của Chúa, xin Chúa đổi mới toàn bộ cuộc đời chúng con. Chớ gì tình yêu Chúa đốt cháy mọi thèm khát viển vông trong chúng con và uốn nắn lại tất cả những gì là quanh co.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì ngọn lửa của Thần Khí Chúa thanh tẩy chúng con khỏi mọi điều không làm vinh danh Chúa. Xin hãy làm nở hoa công chính và bình an trong đời sống chúng con và cũng là khởi đầu của thế giới mới Chúa sẽ thống trị đến muôn đời. Xin cho bình an của Chúa trải rộng như dòng sông đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
 
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================== 
Suy niệm 2
Không sám hối sẽ bị hủy diệt
(Mt 3, 1-12)
Có một số tín hữu vin vào chuyện người trộm lành cùng bị đóng đinh với Chúa Giê-su và được Ngài cho hưởng phúc thiên đàng để rồi sống buông thả phóng túng. Họ cho rằng: Cứ ăn chơi, cứ sa đà trong tội, chẳng cần sám hối… đến lúc cuối đời thì chỉ cần quay về với Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin thương xót con, xin tha thứ cho con…” là đủ để được tha thứ mọi tội lỗi và được lên thiên đàng như người trộm lành năm xưa.
Đây là chủ trương sai lầm và tai hại.
Sai lầm vì trái với lời răn dạy của Chúa Giê-su;
Tai hại vì chủ trương này đưa đến đời sống buông thả, suy đồi.
Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng: Người “trộm lành” được thuật lại trong các sách Tin mừng[1] cho dù có phạm tội trộm cướp đi nữa… nhưng anh ta đã chịu đền tội bằng án tử hình, đền tội như thế là quá đủ rồi… nên đáng được Chúa Giê-su đón vào thiên đàng. Hơn nữa, đến giờ phút cuối, anh ta còn lập công bằng cách tuyên xưng Chúa Giê-su là là vua Nước Trời, khi nói: “Ông Giê-su ơi! Khi Ông vào Nước của Ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23, 43).
Trong khi đó, nhiều tội nhân cứ sa đà trong tội và chưa từng chịu phạt cách tương xứng vì những tội lỗi đã gây ra, mà đòi được khoan hồng và hưởng phúc như anh ta là phạm phải sai lầm tai hại.  
Chúa Giê-su không hề dạy người ta sống buông thả, chờ đến giờ chết đến mới nài xin tha tội; trái lại, Ngài đòi buộc mọi người phải sám hối, hoán cải ngay từ hôm nay. Ngài đã nhiều lần, nhiều cách cảnh báo rằng bất cứ ai không sám hối, không cải thiện cuộc đời thì sẽ bị huỷ diệt.
Sám hối, cải thiện cuộc đời là điều kiện tối cần để được cứu độ
Khởi đầu công cuộc rao giảng, sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giê-su gởi đến nhân loại là lời kêu gọi: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17).
Trước đó ít lâu, khi Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng, thì sứ điệp đầu tiên mà ngài gửi đến mọi người cũng là lời kêu gọi sám hối: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”  (Mt 3, 2).
Không ăn năn hối cải thì sẽ bị huỷ diệt
Nhân sự kiện có một số người Ga-li-lê bị Phi-la-tô tàn sát cách man rợ, Chúa Giê-su cảnh báo: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 13, 3).
Và Chúa Giê-su cũng nêu lên trường hợp mười tám người bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết thình lình, để cảnh báo: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 13, 5).
Qua bài Tin mừng được trích đọc hôm nay, thánh Gioan tẩy giả cảnh báo rằng:
- Ai không ăn năn hối cải thì bị xem như một thứ cây xấu, sẽ bị chặt bỏ đi và bị ném vào lửa. Ngài nói: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10).
Thánh Gioan cảnh báo tiếp:
- Ai không ăn năn hối cải thì bị xem như lúa lép sẽ bị thiêu đốt trong lửa không hề tắt. Ngài nói: Thiên Chúa sẽ cầm nia và “rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”  (Mt 3, 12).
Chúa Giê-su cũng răn đe những người không ăn năn hối cải, không cải thiện cuộc đời bằng nhiều dụ ngôn khác.
- Họ bị xem như một thứ cá xấu bị vứt ra ngoài. Ngài nói: “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.  Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13, 47-50).
- Họ bị xem như cỏ lùng trong ruộng lúa, khi cuối mùa, sẽ bị đốt đi như lời Chúa nói:  “Cứ để cả lúa và cỏ lùng cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi" ( Mt 13, 30).
- Họ sẽ bị xếp vào thành phần bị chúc dữ  và sẽ bị Chúa Giê-su lên án như được viết trong dụ ngôn “Phán xét cuối cùng”: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó...” Mt 25,41).
Lạy Chúa Giê-su,
Hậu quả của việc không sám hối thật là khủng khiếp.
Xin giúp chúng con quyết tâm sám hối, làm lành lánh dữ, hầu có thể tránh thoát hậu quả khủng khiếp sau này và được hưởng phúc thiên đàng với Chúa muôn đời. Amen.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===================== 
 Suy niệm 3
SỨ VỤ DỌN ĐƯỜNG
Bước vào Mùa Vọng, chúng ta gặp lại Gioan Tiền Hô, vị ngôn sứ đi trước dọn đường và dọn lòng người để đón Đấng Cứu Thế. Thực thi sứ vụ dọn đường, Ngôn Sứ Gioan luôn gắn bó với Thiên Chúa và sống gần gũi với con người. Lời Chúa Gioan chiêm niệm trong hoang địa qua nhiều năm tháng đã giúp ngài tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều hạng người qua những vùng ven sông Giođan. Lời Chúa Gioan nghe đã trở thành lời Chúa ngài công bố. Tiếng Chúa gọi Gioan đã trở thành tiếng ngài mời gọi mọi người.Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho anh chị em mình đến với Chúa Cứu Thế.
Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Sau 5 thế kỷ vắng bóng ngôn sứ, nay Gioan xuất hiện với sứ mạng Tiền hô. Ngài  đáp lại tiếng Chúa gọi, ra đi rao giảng về Nước Trời, dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại đến trần gian. Ngài đã chu toàn ơn gọi cách nhiệt thành và đã chết anh hùng cho sứ vụ. (x. Mt 14,3012; Mc 6,17-19). Cuộc đời Gioan là một thiên anh hùng ca, bất khuất trước cường quyền, bao dung với tội nhân.
Gioan có một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường. Gioan chọn con đường tu khổ chế: ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú. Sống trong hoang địa trơ trụi, vắng người, thiếu sự sống. Nhưng chính ở đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thâm trầm với thiên Chúa.
Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Gioan mời dân chúng sám hối. Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Như thế, Gioan kêu gọi hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn. Phải bạt cho thấp những gồ ghề của bất công bất chính.
Đạo là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Đạo là ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu không có đường thì không đi đến đâu cả. Một đất nước có văn minh hay không là do hệ thống đường sá.
Đạo từ nguyên thuỷ luôn mang ý nghĩa trong sáng, ngay thẳng, công minh. Đạo dẫn đưa con người đến chân thiện mỹ.
Đạo là đường nên có thể nói sống đạo là sống ngoài đường, sống với người khác, sống với cuộc đời. Abraham khởi đầu cuộc sống thật bằng việc lên đường từ giã thành Ur để sang đất hứa. Và lịch sử Do thái là những chuyến xuất hành di cư, lang thang trong sa mạc, lưu đày và mất quê hương trong một thời gian dài. Gioan rao giảng và làm phép rửa khắp mọi nẻo đường. Chúa Giêsu sống ở thế gian bằng những cuộc lên đường, sang Ai cập, về Nazareth, vào sa mạc, lên đền thánh và trở lại Galilêa. Cuộc sống công khai của Chúa, ít là có ba cuộc hành trình lên Giêrusalem. Và sau cùng Người lên đường về nhà Cha.
Vì là đường nên nên đạo luôn mở ra nối kết và đón nhận cuộc sống, đón nhận mọi người, không phân biệt ai với tinh thần yêu thương của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô thường cổ võ nền văn hóa đối thoại và gặp gỡ: “Môn đệ của Chúa Giêsu là người luôn cố gắng đi gặp gỡ tha nhân, trao tặng sự đón tiếp, đối thoại với bất kỳ ai, làm chứng về kinh nghiệm sống của mình được thay đổi nhờ gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng là lòng Thương Xót, vì một cuộc sống được biến đổi, chắc chắn sẽ lây sang người khác (x.vaticannews.va).
Cuộc đời mỗi người là một con đường: con đường hai chiều đưa ta đến với Chúa và Chúa đến với ta, hay đưa ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta. Tin Mừng chính là đạo, là con đường mà Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta đi theo Người.Đường quan trọng nhất là đường vào cõi lòng. Gioan đã chỉ cho thấy rằng, mỗi con người đều có ít nhiều đồi núi kiêu ngạo, thung lũng ích kỷ, ghồ ghề khúc khuỷu trong các mối quan hệ. Có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vằng ánh sáng tình yêu. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo san cho thẳng. Những gì cao cao cần bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp. Đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.
Con đường mà Gioan nói tới đây chính là đường vào cõi lòng. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thần dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua. Như căn nhà cho Chúa ngự tới. Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Người đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nổi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu. Cho nên trong cõi lòng đó phải có im lặng như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì. Chỉ nói những lời để giúp đỡ người khác. Và tâm hồn ấy bình an nên nghe rõ tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi. Như thế dọn đường chính là tạo im lặng cho tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.
Dọn đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén vàng cho chủ. Như người lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, những vị kỷ kiêu căng tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.  
Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường thường được làm bằng đất đá nhựa bê tông. Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.
Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi.
Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức. Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan. Sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An
===================== 
Suy niệm 4
HÃY THỐNG HỐI, VÌ NƯỚC TRỜI GẦN ĐẾN
(Mt 3, 1-12)
Bước vào Chúa nhật II Mùa Vọng với chủ đề: Populus Sion... (Này hỡi Dân SionChúa sắp ngự đến cứu độ muôn dân. Người sẽ lên tiếng thật oai hùng, khiến tâm hồn anh em hoan hủy... " (Ca nhập lễ)  làm cho tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên. Khơi dậy trong ta một lịch sử của sự tha thứ và khám phá ra lòng trắc ẩn của Thiên Chúa đối với con người. Lịch sử ấy có những đòi hỏi như Gioan Baotixita mách bảo chúng ta: "Hãy sửa đường Chúa", nghĩa là: hãy hoán cải  tâm hồn đón chờ Chúa đến.
Bài đọc I vang lên làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo: "Từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống… Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở... " (x. Is 11, 1-10).
Tin Mừng theo Thánh Matthêu (3, 1-12) trình bày cho chúng ta nhân vật Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, từ trong hoang địa, rao giảng kêu gọi dân Do Thái sám hối. Lời giảng tuy nghiêm nghị nhưng thu hút nhiều người. Gioan đã xuất hiện với những người đương thời như là hy vọng cuối cùng của một dân tuyệt vọng. Rất ít người nhận ra nhiệm vụ đích thực của ông là để " dọn đường cho Chúa", loan báo Chúa đến.
Gioan xuất hiện như Tiếng kêu trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú. Ông không kêu gọi người ta trở nên nhà khổ tu giống như ông. Ông rao giảng rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến... chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng tôi là Abraham. Vì ta bảo cho các người hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa." Kết quả là: "Dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan." Lời của Gioan vẫn vang dội qua các thời đại và như một sứ điệp cấp bách gửi đến với chúng ta ngày hôm nay.
Gioan Tiền Hô lớn tiếng  kêu gọi: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Hỡi các cụ ông bà anh chị em, chúng ta đang ngồi đây. Mùa Vọng năm nay, chúng ta đang sống như thế nào, nếu không phải là chuẩn bị tâm hồn, giục lòng tin, cử hành Phụng vụ cho sốt sáng để lãnh nhận Ân Sủng mà Chúa Kitô đã mang đến trong thế gian cho mọi người hưởng nhờ. Trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều việc phải làm. Giờ đây, có thể nói là bốn tuần của Mùa Vọng là như "tiền đường" để bước tiếp vào những ngày thánh. Chúng ta hãy chuẩn bị tinh thần bằng lời cầu nguyện, ngõ hầu Mùa Giáng Sinh sắp đến gặp thấy chúng ta sẵn sàng tiếp đón Ðấng Cứu Thế ngự đến!
"Hãy ăn năn thống hối". Ðể gặp được Ðấng cứu thế, con người cần phải hoán cải chính mình, nghĩa là tiến đến cùng Chúa Kitô với đức tin tươi vui, bỏ đi những cách thức suy tưởng và nếp sống ngăn cản chúng ta sống theo Chúa cách trọn hảo.
"Vì nước trời gần đến". Công Đồng Va-ti-ca-nô II dạy rằng: Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của một thế gian lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và đắp đầy mọi ước vọng hòa bình trào dâng trong lòng con người. Khi ấy, sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không hư nát ; tình yêu và các hoạt động bác ái sẽ tồn tại và toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân.
Chúng ta đã được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì. Nhưng sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà Thân Thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Trích "Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng ", § 39, 1-3.
Chúng ta hãy đặt vào tay Mẹ Maria Nữ Vương của niềm hy vọng mọi ước muốn tốt lành của chúng ta, để Mẹ giúp chúng ta sống Mùa Vọng này cho xứng. Cầu chúc cộng đoàn chúng ta thăng tiến luôn mãi với ơn Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 5

Hãy Sám Hối Vì Nước Trời Đã Đến Gần
Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12
Ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần... Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mt 3,2.3b). Đây là lời hối thúc thật khẩn trương của Gioan Tẩy Giả ta đã nghe hằng năm trong mùa vọng, phải sám hối vì Nước Trời là chính Chúa đã đến gần. Ông hô vang hãy dọn đường cho Chúa đến, sửa lối cho thẳng để Người đi. Chúa sẽ đến trên những con đường thẳng của sự chính trực công minh, trong những tấm lòng chân thành, với những hành vi ngay thẳng, những tâm tình đơn sơ, hiền hòa khiêm tốn, luôn sẵn sàng và khao khát sửa đổi cuộc đời nên mới. Nhưng tôi cần có thời giờ dành cho Chúa, để nhìn sâu vào lòng mình, để nhờ chính Chúa soi rọi vào cái cõi lòng tưởng là sáng sủa thơm tho, cho thấy trong ẩn kín con người của mình. Thời đại nào cũng vậy, con người vẫn đang chìm vào trong “giấc ngủ” của cuộc sống trần gian. Lúc Chúa đến, Người lại nhẹ nhàng lặng lẽ đến chẳng ngờ! Nên khi càng biết mình thì lòng khao khát càng phải lớn mạnh, càng tha thiết cần Chúa đến, càng chờ mong hết mình. Chúng con cần biết ý thức những giới hạn, yếu đuối trong đời mình, bởi đã cố gắng nhiều phen, bao lần gồng mình quyết chí chừa sửa, nhiều lần đề phòng cẩn thận… thế mà chỉ được vài ngày đâu lại hoàn đó, chứng nào tật ấy, tội vẫn cứ tiếp diễn. Vậy chỉ có Chúa mới có thể làm cho mọi sự trong chúng con an ổn lại được.
Khi chúng con sám hối, đổi mới canh tân đời sống, thì triều đại Chúa sẽ nở hoa công lý trong cảnh thái bình, sẽ có viễn cảnh mới, với bức tranh hòa bình thật đẹp mà ngôn sứ Isaia đã mô tả trong bài đọc I: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta. Vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.” (Is 11,6-9).
Cuộc đời Gioan Tẩy Giả luôn nêu gương khiêm tốn, dạy chúng con sống khiêm nhường. Nhìn vào ông dân chúng thời đó luôn nghĩ ông chính là Đấng Mêsia muôn dân đang mong đợi. Nhưng ông đã khiêm tốn mà phân bua: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi, thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa”. (Mt
Lạy Chúa! xin cho chúng con nhận ra Chúa trong những biến cố đời thường, nơi những người anh em bé mọn, thiếu thốn, lầm than vất vả ngay bên, để chúng con niềm nở đón nhận và sẻ chia với họ trong yêu thương và cùng nắm tay nhau đón mừng Chúa đến trong cuộc đời của mỗi chúng con. Xin Chúa cho chúng con nhận ra và sống mầu nhiệm nhập thể của Chúa, khiêm nhường nhìn nhận, biết làm nhỏ đi chính mình, để Chúa được lớn lên trong chúng con mỗi ngày. Ước chi cuộc đời hiện tại của chúng con làm chứng rằng Người chính là Thiên Chúa đã đến và ở lại với chúng con, hôm nay và mãi. Amen.
Én Nhỏ
                                                                         

[1] (Lc 23,33.43. Mt 27,37.44. Mc 15,27-32. Ga 19.18)
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ cầu bình an cho năm mới 2025 và Giáo hạt Sơn Tây hành hương tại Nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ cầu bình an cho năm mới 2025 và Giáo hạt Sơn Tây hành hương tại Nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc
Ngày 01.01.2025, tại Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc, Đức cha Đaminh đã long trọng cử hành Thánh lễ mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Nhân dịp đầu năm mới này, các giáo xứ trong Giáo hạt Sơn Tây cũng quy tụ về Nhà thờ Chính tòa để hành hương – đây là đoàn hành hương đầu tiên sau ngày khai mạc Năm Thánh 2025 của Giáo phận vào ngày 29/12/2024
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log