Suy niệm 1
Thầy có phải là Đấng phải đến chăng?
(Mt 11, 2-11)
Hôm nay đã là Chủ nhật III của Mùa Vọng năm A, chúng ta đã chuẩn bị Chúa đến như thế nào? Để qua đó, chúng ta suy tính xem mình đã, đang và sẽ làm được gì để loan báo Tin Mừng…?
Nhìn chung, thế giới hôm nay đang mắc phải hiểm họa dửng dưng tôn giáo. Công cuộc truyền giáo của Giáo Hội hoàn vũ cũng như Giáo Hội địa phương hình như đang chững lại, nếu không muốn nói là thụt lùi. Chúng ta nói và hô hào nhiều về truyền giáo: “Bản chất Giáo Hội là truyền giáo, giáo phận chúng ta là giáo phận truyền giáo ”. Nhưng việc làm và kết quả có đi đôi với lời nói của chúng ta không?
Phụng vu Lời Chúa hôm nay, nhất là bài Tin Mừng phác họa cho chúng ta một mẫu gương truyền giáo, đó là Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài dọn đường Chúa đến hay nói khác Ngài sống và giới thiệu Chúa cho người khác một cách rất nhiệt huyết! Nhìn vào thực trạng thế giới xung quanh, chúng ta thấy:
- Vẫn còn trên 2 tỷ người chưa hề nghe nói về Chúa Kitô. Đối với họ, chẳng biết Noel là gì.
- Họ đạo chúng ta, giáo xứ chúng ta, làng mạc chúng ta, rất nhiều người biết Chúa đến rồi, nhưng liệu họ có cầu nguyện, đọc kinh mỗi ngày và đi lễ mỗi chủ nhật không, hay là họ chỉ biết Noel như là một biến cố không hơn không kém? Hoặc có đi lễ chủ nhật, nhưng cố tình ngồi ngoài không vào trong nhà thờ để sử dụng điện thoại cho dễ…
- Ngay cả một số người, nghe và đọc lời Chúa rất nhiều, nhưng họ thực hiện đến đâu giới răn yêu thương của Chúa: “Anh em hãy thương yêu nhau”, khi mà họ chia bè kéo cánh với nhau, phe này thù ghét phe kia?
Con người thời nay luôn vội vã và bận bịu. Họ đang có khuynh hướng chạy theo những thần tượng như tiền bạc quyền bính, chính trị và khoa học. Nhưng những thần tượng đó rất dễ làm họ thất vọng. Và cuối cùng có thể họ kết liễu cuộc đời bằng cách tự tử…Xét cho cùng, con người trông đợi một cuộc giải phóng đích thực. Tất cả những khả năng của con người về mọi mặt: kinh tế. chính trị và khoa học nếu không theo tiêu chuẩn đạo đức, thì rất dễ trở nên vô nhân đạo.
Đối diện với một thế giới như vậy, người kitô hữu chúng ta có thể là chứng nhân như Gioan Tẩy Giả không? Để trả lời với tinh thần trách nhiệm đúng đắn,
- Thế giới hôm nay rất cần có những con ngưòi xung kích như Gioan Tẩy giả, một con người truyền giáo nhiệt thành, một con người thánh thiện.
- Thế giới hôm nay cần những người kitô hữu nổi bật về phẩm chất đời sống mến Chúa và yêu người.
- Thế giới hôm nay cần những kitô hữu điên dại vì Chúa Kito
- Đối diện với trào lưu tham tiền bạc ngày càng tăng, rất cần những Gioan Tẩy giả không nhiễm bụi trần, không bị tiền bạc công danh mua chuộc hay thỏa hiệp. Những Gioan Tẩy giả can đảm công khai tố giác tội lỗi của những vua Herode hiện đại, mà không sợ chết cho công lý và sự thật.
- Đối diện với chủ nghĩa cá nhân ngày càng lan tràn, cần có chứng từ của người kitô không những là không làm điều xấu cho anh chị em mình mà còn phải cam kết tích cực phục vụ lợi ích chung.
Gioan Tẩy giả không những phục vụ rao giảng cho quảng đại dân chúng, nhóm thu thế, đám binh lính, mà còn cả các bậc vị vọng đáng kính: tư tế, luật sỹ, Pha-ri-siêu, Sa-đốc, và cả vua quan đương thời để làm chứng cho Đấng Cứu Thế đến. Trong cuộc sống thường ngày, có lẽ chúng ta chỉ dám tiếp xúc, tương quan xã giao với những người đồng nghiệp, đồng trang đồng lứa, bạn bè, thân thuộc gần xa. Nhưng chúng ta lại “im lặng”, hoặc đồng lõa với những thói hư tật xấu, gian lận, mưu mô, xảo quyệt, bất công và bất nhân của những hạng người đó. Chúng ta mặc kệ thiên hạ “hồn ai nấy giữ”. Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận viết: “Kể từ hôm nay, từ nét mặt con, từ cử chỉ con, từ sự thinh lặng, từ quả tim con, phải tỏa ra ánh sáng của Chúa hiện diện trong con, qua những nơi con đi, vào những người con gặp”.
Thế giới hôm nay cần những người khiêm nhường như Gioan Tẩy giả, cần những tia sáng để loan báo Ánh Sáng kỳ diệu là Chúa Kito. Gioan Tẩy giả đã nói: “Tôi không làm điều trọng đại. Tôi chỉ làm phép Rửa thống hối. Còn Đấng đến sau tôi sẽ thực sự thanh tẩy các con tim. Đúng ra tôi chỉ là người có trách nhiệm loan báo Đấng ấy. Tôi cũng có thể nói cho các ông biết Đấng ấy đã đến và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho.”
Mẹ Teresa Calcuta dạy các tập sinh của mình khám phá ra Chúa Kitô nơi những con người bị bỏ rơi nhất: phong cùi, sống bên lề xã hội…Nhưng Chúa Kitô cũng ở trong thâm sâu của mỗi người chúg ta. Chúa Kitô rất năng động trong con tim của những ai tìm kiếm sự thật, những ai khát khao nhận biết Ngài. Ngài hiện diện trong các con tim biết yêu thương nhau. Người ta cũng có thể tìm thấy Ngài nơi con tim của những ai quan tâm đến người bị xã hội loại bỏ, những nạn nhân sida…
Thế giới hôm nay sống nhờ vào những người mà Chúa Giêsu nói: “Anh em là ánh sáng thế gian”. Nhưng những ánh áng đó chỉ là ánh sáng nhỏ bé, mặc khải sự tồn tại của ánh sáng lớn và sự hiện diện kỳ diệu của Chúa Phục sinh. Anh sáng lớn đó chính Đấng Phục Sinh đang ẩn mình giữa chúng ta. Thi sỹ Tagor viết: “Người kitô hữu chỉ là một cây sáo trúc nhỏ bé để từ đó Thiên Chúa thổi những điệu nhạc du dương muôn thuở”.
Chủ nhật hôm nay cũng được gọi là Chủ Nhật Hồng. Bài ca nhập lễ nói lên điều đó. Người kitô hữu là người mang ước vọng của thế giới là được sống trong vui mừng, vì biết rằng sự mong đợi đó sẽ không vô ích. Noel sắp đến! Chúa sắp đến với chúng ta! Hãy làm chứng, hãy dọn đường cho Chúa đi! Và hãy sống khiêm nhu! Ngôi sao dù có sáng đến đâu, nhưng cũng sẽ biến mất khi mặt trời mọc lên. Hẹn Noel tới! Trong đêm tối và trong khiêm nhu, Chúa Cứu Thế sẽ đến!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
==================
Suy niệm 2
Sứ mạng của Chúa cứu thế
(Mt 11, 2 - 11) Bấy giờ, ông Gioan tẩy giả “đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su rằng: “Thầy có thật là Đấng cứu thế được Thiên Chúa sai đến không? Hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
Trước câu hỏi của Gioan, Chúa Giê-su không dùng lời nói để trả lời, nhưng dùng chính việc Ngài làm để minh chứng Ngài là Đấng cứu thế. Ngài liền chỉ cho các môn đệ của Gio-an thấy những việc Ngài đang làm và bảo: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy, tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong hủi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin mừng.”
Việc Chúa Giê-su cho người mù xem thấy, kẻ điếc được nghe, người què được đi, người phong hủi được sạch, người chết sống lại… là những dấu chỉ biểu trưng cho sứ mạng cứu độ của Ngài.
Sứ mạng làm cho muôn người được thấy
Khi cho người mù được thấy, Chúa Giê-su tỏ cho biết Ngài sẽ mở mắt cho nhân loại được “thấy” những sự thật lớn lao.
Sự thật lớn lao nhất mà Chúa Giê-su tỏ bày cho loài người là Thiên Chúa đã sinh ra mỗi một người trên mặt đất và là Cha thật của mọi người.
Chúng ta hãy dành ít phút để tìm hiểu sự thật hết sức quan trọng này.
Để sản xuất bánh mì, trước hết người thợ bánh phải tạo ra chiếc lò nướng rồi dùng chiếc lò này mà tạo ra những chiếc bánh…
Tương tự như thế, để cho mỗi người chúng ta được sinh ra đời, Thiên Chúa cũng đã tạo ra ông bà cha mẹ chúng ta và cậy nhờ cha mẹ chúng ta cộng tác với Ngài để sinh ra mỗi chúng ta.
Nếu những chiếc bánh mì có sự sống và trí khôn, ắt chúng có thể biết chiếc lò nướng là lòng mẹ đã tạo ra chúng, vì sự thật sờ sờ trước mắt là chúng từ trong lò nướng mà ra; lò nướng đã cưu mang chúng một thời gian và cho chúng ra đời. Còn sự thật cao xa hơn là người thợ bánh chủ động làm ra chúng thì chúng không thể biết được. Cần phải có ai đó giảng giải cho, thì chúng mới có thể biết được người thợ bánh là nguyên nhân đệ nhất tạo ra chúng, chứ không phải lò nướng.
Cũng thế, như những chiếc “bánh mì có trí khôn” trên đây, người ta dễ dàng nhận ra cha mẹ dưới đất - tạm ví các ngài như chiếc lò nướng bánh - là người sinh ra mình. Đây là sự thật sờ sờ trước mắt nên ai cũng thấy, tuy nhiên người ta rất khó nhận ra sự thật cao xa hơn, là Thiên Chúa đã sinh ra không những chúng ta mà cả ông bà cha mẹ chúng ta nữa.
Chúa Giê-su là Thiên Chúa ngôi hai từ trời xuống thế, chỉ mình Ngài mới biết được quy trình tạo dựng con người, đã khai mở đôi mắt tâm hồn, giúp chúng ta thấy được sự thật là Thiên Chúa đã sáng tạo nên tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta và kêu mời cha mẹ chúng ta cộng tác với Ngài để sinh ra mỗi người chúng ta. Tự khả năng riêng, cha mẹ không thể sinh được một con mắt, một ngón tay… thì làm sao có thể sinh ra nguyên cả một con người?
Như thế, Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất tạo dựng nên con người, là Cha thật của mọi người.
Và khi bày tỏ cho con người biết Thiên Chúa đã sinh ra mọi người, Chúa Giê-su cũng “mở mắt” cho ta thấy mọi người trên mặt đất đều là anh chị em con cùng một Cha. Sự thật này là nền tảng để xây dựng thế giới thành một đại gia đình đầm ấm yêu thương.
Sứ mạng làm cho muôn người được nghe
Qua việc làm cho người điếc được nghe, Chúa Giê-su cho thấy sứ mạng của Ngài là “mở tai” cho muôn dân nghe biết những điều khôn ngoan Ngài mang từ trời xuống ban cho nhân loại. Kho tàng khôn ngoan này là nền tảng vững chắc để xây dựng một thế giới hòa bình, huynh đệ và hạnh phúc, là ánh sáng soi đường cho nhân loại tìm về chân, thiện, mỹ.
Ngoài ra,
- Khi cứu chữa người phong hủi được lành sạch, Chúa Giê-su tiên báo Ngài sẽ gột rửa con người khỏi tội lỗi làm ô uế linh hồn;
- Khi cho người chết sống lại, Chúa Giê-su tiên báo Ngài sẽ mang lại sự sống vĩnh hằng cho muôn dân…
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đã “mở mắt” cho chúng con nhìn thấy những sự thật cao quý, đã “mở tai” cho chúng con nghe được vô vàn điều khôn ngoan bởi trời.
Xin cho chúng con đừng bao giờ nhắm mắt trước những sự thật cứu độ, đừng bao giờ bưng tai trước những giáo huấn mang lại sự sống đời đời… trái lại, luôn biết mở mắt để chiêm ngưỡng sự thật tuyệt vời và mở tai để đón nhận kho tàng khôn ngoan mang lại niềm vui, sự sống và hạnh phúc đời đời cho chúng con.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==================
Suy niệm 3
Gioan Tẩy Giả Đã Tìm Thấy
Một đất nước có nhiều tệ đoan như bất công, tham nhũng, luân lý suy đồi, thất nghiệp, vật giá leo thang…tất nhiên dân chúng mất tin tưởng vào chính quyền.
Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu cũng có nhiều tệ đoan. Quốc gia bị chính quyền La Mã đô hộ. Trong nội bộ lại có sự chia rẽ trầm trọng giữa các đảng phái chính trị và tôn giáo. Bất công, tham nhũng và vô luân lan tràn từ trên xuống dưới, nơi những nhà lãnh đạo dân sự cũng như tôn giáo. Vua Hêrôđê có đời sống loạn luân cướp vợ của em mình. Gioan Tiền Hô lên tiếng phản đối nên đã bị tống giam rồi bị chém đầu trong tù.
Người ta cảm thấy rất khó chịu khi có ai dám sửa sai, dám nói thẳng về những lỗi lầm của mình, người cầm quyền càng khó chịu hơn và thường dùng quyền lực để đàn áp. Vì thế quyền lực thường tạo nên sợ hãi và im lặng. Mục sư Martin Luther King nói: tội lỗi lớn nhất của chúng ta là im lặng trước cái ác và cái xấu, nhất là khi cái ác và cái xấu đang nắm quyền… Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng. Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt.
Gioan Tẩy Giả là Ngôn sứ công lý, khẳng khái lên án đời sống vô luân của nhà vua nên bị giam và bị chém đầu.
Thánh Gioan đã từng trải qua những giờ phút vinh quang khi dân chúng kéo đến với ông trong sa mạc, bên bờ sông Giođan xin ông làm phép rửa. Giờ đây, thời vàng son đã khép lại. Chỉ còn các môn đệ liều mình vào thăm nuôi rồi kể chuyện bên ngoài cho Gioan nghe. Gioan rất nhạy bén trước tội lỗi, không thể chịu đựng tội lỗi nên đã can đảm tố cáo tội của tiểu vương Hêrôđê Antipát, bất chấp hậu quả tù đày. Hêrôđê người đàn ông quyền lực mà ham mê sắc dục gắn bó với Hêrôđiađê, người đàn bà đẹp nhưng ham mê quyền bính, hai con người đó làm nên bi kịch của lịch sử. Không ai dám nói, chỉ có Thánh Gioan lên tiếng. Bênh vực chân lý, nói lên sự thật đã đưa Gioan tới cái chết. Chết là cái giá rất đắt cho chứng nhân bảo vệ chân lý, bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo vệ cho các giá trị đạo đức truyền thống.
Thánh Gioan băn khoăn lo lắng khi nghe tường thuật về Chúa Giêsu thường giao du với những kẻ tội lỗi, vào trong nhà người tội lỗi, đồng bàn với họ và tha thứ tội lỗi cho họ. Ngôn Sứ Tiền Hô đang ở trong tù mà không được Đấng Cứu Thế đến giải thoát.Nổi khắc khoải cào cứa trong lòng.Vì thế, Gioan đã sai các môn đệ đến hỏi thẳng Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn đợi ai khác?”.
Trước đây, Gioan đã từng giới thiệu về Chúa Giêsu cho dân chúng: “Tôi lấy nước mà rửa anh em, song có Đấng đến sau tôi, tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người” (Mt 3,11); “Chính Đấng ấy sẽ rửa anh em bằng nước và Thánh Thần”. Gioan cũng đã giới thiệu với các môn đệ về Chúa Giêsu: “Đây chính là chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29).
Gioan không ngừng loan báo cho dân chúng uy thế của Đấng sẽ đến. Theo cách diễn tả cùng với những hình ảnh kèm theo, dường như chính ông cũng đang mong chờ Đấng ấy như một vị thẩm phán nghiêm minh. Đấng ấy sẽ không nương tay, Nguời sẽ thực thi công bình và sẽ tiêu diệt, sẽ “rê sạch thóc”, sẽ đem số “thóc lép”, tức là những kẻ làm điều gian ác, ném vào lửa đời đời. Đối với Gioan, Đấng Cứu Thế đến giải phóng Ítraen cả trong phạm vi trần thế nữa, về chính trị và kinh tế như kiểu một vị vua Do Thái bách chiến bách thắng để đem vinh quang nước Ítraen lên tột đỉnh. Gioan nóng lòng vì chưa thấy Chúa Giêsu thực thi sứ vụ theo sứ điệp “dữ dội” mà ông rao giảng, nên Gioan muốn hỏi rằng: có phải Thầy là vị cứu tinh phải đến để bài trừ những tệ đoan, bất công và tham nhũng trong xã hội không?
Những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu lại không phù hợp với những gì ông đã rao giảng. Chúa Giêsu xuất hiện như một vì tôi tớ hơn là một Đấng quân vương. Người cũng không giống như quan toà nghiêm minh thẳng tay trừng phạt kẻ tội lỗi. Trái lại, Người luôn luôn yêu thương, kêu gọi họ trở về, đồng bàn với họ. Đối với người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền, Người hết mực yêu thương, bao bọc chở che chăm sóc chữa lành chứ không xa lánh khinh khi vì sợ lỗi luật như các Rabbi. Chính vì thế, khủng hoảng niềm tin của Gioan Tẩy Giả cũng là điều dễ hiểu. Trong hoàn cảnh ngục tù Gioan đã biết tìm đến Chúa Giêsu để tìm sự giải đáp cho những thao thức canh cánh trong lòng. Và Gioan đã tìm thấy.
Chúa Giêsu không bị giới hạn trong cái nhìn chật hẹp của Gioan. Người muốn Gioan mở rộng tầm mắt với một lối nhìn mới mẻ, phong phú hơn ″Các anh cứ về tường thuật cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch,người chết sống lại, và Tin mừng được loan báo cho người nghèo khó” (Mt 11,4-5).
Như vậy, Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách trích dẫn ba đoạn văn Isaia đều có hậu cảnh Mêsia: Is 29,17-18: người điếc được nghe, người mù được thấy; Is 26, 19: người chết sống lại; Is 61,1: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Chúa bảo họ hãy về thuật lại những việc Chúa đã làm và những lời Chúa đã nói, những điều đó đủ minh chứng Chúa là ai. Những điều đó đã được các ngôn sứ loan báo từ dọc dài lịch sử rồi. Trả lời như vậy là Chúa Giêsu gián tiếp bảo cho họ biết: Người không phải là một vị cứu tinh đầy uy quyền, đến giải phóng dân tộc Do Thái như họ mong đợi. Đồng thời Chúa trực tiếp xác nhận sứ mạng và quyền năng của Người: là con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai đem ơn cứu độ cho mọi người.
Chúa Giêsu còn biểu dương, ca ngợi Gioan Tẩy Giả trước mặt dân chúng, trước sự chứng kiến của các môn đệ. Người tôn vinh ông, bởi lẽ ông là một Ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các Ngôn sứ. Người tôn vinh ông, bởi ông là con người của khổ hạnh nơi hoang địa, là vị Ngôn sứ được mong đợi, là vị Tiền hô đến trước để dọn đường cho Đấng Thiên sai như Ngôn sứ Malakhi đã loan báo: “Này ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến”. Khi nghe môn đệ thuật lại những điều này, Gioan Tẩy Giả hẳn phải vui mừng, bởi Chúa Giêsu không chỉ củng cố, không chỉ giải đáp những hoang mang lo lắng của ông, Người còn khích lệ, tán dương ông, giúp ông vượt qua những thử thách ngục tù để có thể chấp nhận cái chết tử đạo mà ông sẽ lãnh nhận không lâu sau đó. Trong tù, Gioan đã có thời gian để chiêm niệm.Cần phải thay đổi nhận thức và quan điểm của mình về Thiên Chúa. Quyền năng Thiên Chúa là quyền năng của tình thương. Đấng Cứu Thế đi đến đỉnh cao quyền năng là đồi Canvê và thập giá. Từ nay, Gioan hiểu hơn về Đấng mà mình loan báo. Giờ đây Gioan hiểu rằng Đấng Mêsia mà ông loan báo không phải đến trần gian theo những quan niệm thuần tuý về chính trị, Người đến để rao giảng nước Thiên Chúa và cứu độ nhân loại. Thánh Gioan hạnh phúc an bình ra đi sau khi hoàn tất sứ vụ của mình.
Thánh Gioan Tẩy Gỉa đã trải qua những thách đố trong sứ vụ. Chính Ngài đã giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế nhưng khi lâm cảnh đau khổ ngục tù không thấy ai giải thoát nên đâm ra nghi ngờ. Nhưng cuối cùng, Gioan đã chứng minh một niềm hy vọng kiên cường. Ngài không phải là cây sậy yếu mềm chao nghiêng trước gió mà chính là một tượng đài bất khuất của lẽ cậy trông. Hạng người khom lòng cúi gập mình chẳng bao giờ có thể trở thành người tử đạo. Gioan không phải là một người bình thường cũng không phải là người hèn yếu như cây sậy bị xiêu đổ dưới cơn gió. Niềm hy vọng chính là sức mạnh giúp Gioan và tất cả những ai đang gặp thách đố biết kiên vững kinh qua tất cả.
Khi chúng ta gặp đau khổ thử thách, đức tin, lòng cậy trông niềm hy vọng bị lung lay chao đảo. Hãy nhớ Thánh Gioan đã chịu như thế và các tiên tri trong lịch sử cũng mang tâm trạng như vậy. Thánh Gioan không chết trong thất vọng mà chết trong đức tin, chết trong niềm hy vọng, đã đi cho đến cùng sứ mạng làm chứng cho Tin mừng.
Thánh Gioan Tẩy Giả là nhân vật nổi bật của Mùa Vọng. Ngài là Ngôn sứ hy vọng. Đời sống chúng ta là một Mùa Vọng. Mùa Vọng của đức tin, của niềm mong đợi, của lòng kiên nhẫn.
Xin Chúa cho chúng ta vững một niềm tin cậy trông vào Thiên Chúa tình thương.
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An
==================
Suy niệm 4
Thầy Có Thật Là Đấng Phải Đến không?
Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11, 2-11
Ông Gioan Tẩy Giả từng là chuyên viên quảng cáo, giới thiệu, dọn đường, rao giảng về Đấng Cứu Thế. Nhưng cuối cùng vì công lý ông phải vào tù. Ngồi trong tù nhưng “con người Gioan” vẫn không thể yên, ông vẫn như nghe ngóng từng bước chân và hành động của Thầy Giêsu. Ngồi trong tù ông có thời giờ ngẫm nghĩ lại và so sánh lời giảng của mình với thực tế. Phải chăng thời kỳ ở tù lâu dài với đau khổ làm ông mệt mỏi chán chường, thất vọng về Thầy? Sao vẫn chưa thấy Đấng Cứu Thế vùng lên để giải thoát dân như ông từng rao giảng, bằng uy quyền như dân Do Thái vẫn quan niệm về Ngài? Trong khó khăn thử thách, con người muốn ngã quỵ và sinh nghi ngờ. Ông mới sai hai môn đệ đến tận nơi gặp Thầy và hỏi lại cho ra nhẽ: “Thưa Thầy, Thầy có thật là “Đấng phải đến” không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3).
Chính lúc hai ông đến hỏi thì Đức Giêsu đang chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỉ ám và cho nhiều người mù được thấy. Người trả lời luôn và dặn các ông đem tin tức mắt thấy tai nghe này về cho Gioan để minh chứng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” (Mt 11, 4-5). Những việc Người làm này là dấu chứng tỏ một Đấng Cứu Thế mà ngôn sứ Isaia từng loan báo. Người muốn cho Gioan và môn đệ ông nhận ra dấu chỉ thực sự của Đấng Thiên sai với những việc làm cụ thể, mà chính các ông đã được mắt thấy tai nghe hôm nay. Ngài đã thi hành sứ vụ cứu con người khỏi tội lỗi, khỏi ách thống trị của Satan và gông cùm sự chết, để đưa con người đến cùng Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu thương xót.
Bài đọc I hôm nay đã quả quyết về sứ mệnh của Đấng cứu độ: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. (Is 35,5-6a). Ngày nay trong chúng con nhiều người vẫn mong Chúa của mình là Đấng thật hùng mạnh, để giúp con chiến thắng kẻ thù, mong Chúa đối xử công bằng nghiêm minh trước những thực tại bất công ngược đời, mong Chúa thực hiện những ước mơ hoài bão xa vời, để rồi khi thấy Chúa lặng im, thì ngã lòng thất vọng, nghi ngờ tình thương và sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa! trong thời đại hôm nay xin giúp chúng con thức tỉnh để nhận ra Chúa luôn hiện diện ở giữa chúng con, không ồn ào giữa hàng lớp oai phong, nhưng ẩn mình trong những thân phận của những người nghèo hèn, đau khổ, bệnh tật, tù đày... Xin cho chúng con sẵn sàng giơ tay đón lấy những người anh em ấy như là chính Chúa. Xin mở con mắt và đôi tai để chúng con biết lắng nghe và nhìn nhận một Đấng cứu tinh đã và đang đến với chúng con. Trong sâu thẳm cõi lòng, những gì đã cảm nhận được từ nơi Chúa, chúng con lại đem những điều “mắt thấy tai nghe” ra làm chứng cho một Thiên Chúa nhân hậu từ bi và luôn yêu thương đến quên mình vì con. Amen.
Én Nhỏ